18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 26 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 183

Thu qua Huế

Featured Image: Loi Nguyen Duc

 

Thu đã đi qua đông tìm tới
Huế buồn man mác nhỏ lê sầu
Buồn sao thu lại nhanh đi thế
Để Huế luyến tiếc những buổi chiều
Cùng nhau rảo bước nhịp Trường Tiền.
Để chờ đêm xuống ánh trăng lên
Dắt nhau ta đến cửa Thượng Tứ
Ngắm cảnh kinh thành lúc trăng buông

Huế còn nhớ lắm bầu trời thu
Một màu trong xanh, điểm chút nắng.
Và cũng nhớ lắm làn gió ấy
Man mác nhẹ nhàng qua hàng cây.
Như bàn tay ai khẽ vuốt tóc
Ân cần thủ thỉ với người thương.
Cũng có lắm lúc thu giận hờn
Buông làn gió rét, kéo mây đen
Trút xuống nơi đây bao giọt lạnh
Để cho tê buốt cả con tim
Buồn lắm nhưng Huế chẳng giận đâu
Bởi có bao lâu mà giận hờn

Thu đến rồi đi chẳng ở lại
Để Huế nơi này buồn lẻ loi
Thu bảo rằng thu sẽ trở lại
Nhưng mà thu à, thu có biết
Một khi cất bước xa nơi này
Thu quay trở lại chẳng là thu
Mà có là thu đi chăng nữa
Huế cũng chẳng là Huế ngày nay

 

Nguyễn Tùng Lâm

Tản mạn về báo chí và cách để ứng phó với một biển thông tin đến từ các phương tiện truyền thông

Featured Image: Doug Mataconis

 

“Một anh nhà báo và một anh bác sĩ là bạn thân với nhau. Một hôm cả hai gặp gỡ nhau nói chuyện. Anh bác sĩ nói:

– Bạn biết không, nguyện ước cả đời của tôi là trở thành một bác sĩ giỏi. Bây giờ tôi đã đạt được ước nguyện đó. Tôi tự hào vì công việc mình đang làm vì nhờ nghề này tôi có thể chữa trị và cứu sống tính mạng cho bệnh nhân của mình.

Anh nhà báo liền cười nói:

– Nhưng mỗi một lần bạn chỉ chữa bệnh được cho một người thôi. Còn tôi với mỗi bài báo và mình viết ra, tôi có thể “cứu rỗi tinh thần” cho hàng ngàn người.”

Qua câu chuyện trên ta có thể thấy rằng, sứ mệnh của người làm báo cũng quan trọng chẳng kém người bác sĩ. Người bác sĩ cứ cho là có đầy đủ cả tài lẫn đức, luôn luôn trách nhiệm và nhiệt tình với bệnh nhân đến mấy thì anh ta cũng chỉ cứu chữa cho một số người mà thôi. Nhưng một người làm báo chân chính, bằng ngòi bút của mình có thể cứu chữa tư tưởng cho rất nhiều người, thậm chí là cả một thế hệ. Họ có thể giúp cho mọi người tiếp cận thông tin một cách trung thực và khách quan nhất. Họ có thể giúp cho độc giả thay đổi suy nghĩ tiêu cực và gieo vào lòng độc giả những suy nghĩ lạc quan.

Nhưng điều quan trọng nhất là họ có thể khơi gợi trong lòng độc giả những tâm tư, tình cảm tốt đẹp, những khả năng tiềm ẩn mà độc giả bấy lâu chôn giấu. Cái thứ tinh thần tích cực đó một khi được bộc phát thì nó sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn, không chỉ cho riêng bản thân người đó mà còn cho đất nước và xã hội.

Báo chí thuở ban đầu cũng hướng tới những mục đích cao cả như thế. Nhưng qua thời gian, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những giá trị tốt đẹp của báo chí cũng bị mất đi ít nhiều. Nền kinh tế thị trường có thể hiểu nôm na là một nền kinh tế tự do, ít chịu sự can thiệp của nhà nước. Kinh tế thị trường, có thể nói là một cách thức sản xuất và phân phối hàng hóa ưu việt nhất hiện nay, vì nó có thể mang lại cho các quốc gia những lợi ích vật chất khổng lồ. Thị trường đã vươn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và chi phối nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Báo chí cũng không nằm ngoài guồng quay đó, cũng bị “thị trường hóa” “vật chất hóa”.

Nhiều nhà báo, phóng viên sẵn sàng bán rẻ lương tâm mình tạo ra những tin bài tạp nham, những bài viết không trung thực để thu hút độc giả. Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao những bài viết nhảm nhí, những tờ báo lá cải lại được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt như thế? Điều đó cũng xuất phát từ sự “yếu ớt về mặt tinh thần của con người”. Đất nước ta tuy hiện nay đã có những bước tiến dài về mặt kinh tế nhưng nhìn chung vẫn là một nước nghèo. Nghèo bởi vì thiếu tiền, thiếu tiền nên mọi người luôn dành rất nhiều thời gian và tâm trí để kiếm tiền nhằm bù đắp sự thiếu hụt đó. Tiền bạc và vật chất lúc này có sức hút rất lớn và là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Chính vì như thế nên con người ta mới sợ hãi và bất an, tinh thần trở nên yếu ớt như lâu đài xây trên cát.

Đây chính là cơ hội cho những tay bút bất lương có tài viết lách nhảy chỗ trống trong địa hạt tinh thần của con người để “thôi miên” họ. Sức đề kháng đã yếu cộng thêm với việc bị những tay nhà báo đê tiện như những con vi khuẩn cực độc xâm nhập đã khiến tinh thần con người ta “đã yếu nay còn yếu hơn”. Do đó, người ta dễ dàng chấp nhận không một chút hoài nghi, phản biện đối những thứ thông tin tầm phào,vô giá trị. Có thể nói rằng báo chí hay các phương tiện truyền thông giờ đây đang làm “đảo lộn trật tự xã hội”. Chúng ta đang nằm trong một xã hội như thế, một xã hội hỗn loạn về mặt thông tin, một xã hội mà con người luôn bị các phương tiện truyền thông “ám thị” từng ngày từng giờ. Chúng ta như đang bước vào một cái ma trận khổng lồ. Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi cái ma trận đó?

Chúng ta rất cần một thứ “công cụ lý trí” để thoát khỏi nghịch cảnh đó

Theo quan điểm của tôi chúng ta cần tạo lập cho bản thân mình một thói quen đó chính là “sự hoài nghi”. Chúng ta cần phải hoài nghi cho đến khi không còn sự hoài nghi nữa. Nói ra thì phức tạp nhưng thực hiện thì rất đơn giản. Trước một nguồn thông tin nào đó, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu về nguồn gốc của thông tin đó, xem chúng xuất phát từ đâu, từ tờ báo nào, từ cơ quan ngôn luận nào,trích dẫn từ đâu, có đáng tin cậy không. Sau đó chúng ta tìm hiểu về tác giả, xem tác giả đó thiên về lập trường gì, bênh vực cho ai,có thực sự khách quan hay không. Tiếp theo là về phần nội dung, xem cách lập luận, sử dụng từ ngữ có hợp lý không, nhưng phần này chứa đựng rất nhiều tiểu tiết, nếu chúng ta quá sa đà vào chúng thì sẽ khó mà nắm bắt được thông tin mà bài viết hay bài báo truyền đạt.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nắm được đại ý, phần cốt lõi của bài viết, xem bài viết đó muốn nói lên điều gì. Cuối cùng sau khi chúng ta nắm được thông tin thì ta đặt chúng vào bối cảnh không gian và thời gian chúng ta đang sống, chúng đã lỗi thời hay chưa, có phản ánh đúng thực trạng của xã hội chúng ta đang sống không.

Trên đây, tôi đã tạm nêu ra một số kinh nghiệm của bản thân trong việc sàng lọc thông tin cũng như vai trò và sự ảnh hưởng của báo trí tới sự vận động của xã hội. Nhưng đấy cũng chỉ là kinh nghiệm của cá nhân tôi, phù hợp với bản thân tôi mà thôi, hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo. Và có thể đối với một số người nếu áp dụng theo tuần tự những trình tự đấy thì sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mất thời gian thật khi chúng ta đọc báo, đọc sách chỉ nhằm mục đích giải trí. Nhưng điều đó sẽ rất có ích nếu như chúng ta tìm kiếm thông tin để phục vụ cho nghề nghiệp của chúng ta cũng như việc xây dựng cho bản thân một nền tảng học thuật vững chắc dựa trên những thông tin đáng tin cậy.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là thông tin không chỉ có trong sách vở hay báo chí, thông tin còn nằm trong những sự vật, con người bình thường và giản dị xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta biết cách nhìn nhận chúng bằng một con mắt thiện cảm và không có định kiến thì giá trị mà chúng mang lại cho chúng ta sẽ là vô hạn. Đấy chính là “những thông tin sống ” mà tạo hóa ban cho chúng ta. Hãy học cách để cảm nhận chúng!

 

Tiểu Mã

Sự sụt lở của một nền văn hóa

Featured Image: Matt Greenstreet

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc làu câu nói: “Đất nước ta bốn ngàn năm văn hiến.” Đó là một lịch sử đáng tự hào được xây dựng và gìn giữ bằng rất nhiều công lao và xương máu của cha ông. Nhưng hôm nay, khi đang được sống và thừa hưởng nền văn hoá đáng tự hào ấy, tôi lại phải hỗn phép, bất kính với cha ông trong đau đớn mà thốt lên rằng, Việt Nam ơi! Đất nước ta nền VĂN HOÁ TRỘM CƯỚP.

Đã có một mùa hè người ta ca thán về nạn gian lận trong mùa thi. Một mùa hè khác nạn hôi của lại được lên ngôi. Mùa đông năm qua lòng người lại sục sôi, hoang mang về những xác chết dưới lòng sông Hồng. Mùa xuân năm nay là tiếng thở dài, sỉ vã về những tên quan tham, nhũng nhiễu, lộng hành và những vụ án oan. Còn trong con mắt tôi, quanh năm là một mùa thu lá rụng. Mùa của sự già cỗi, suy đồi và vàng úa, chỉ nhìn thấy đầy rẫy những cảnh giết chóc, xa xỉ, lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng…

Nói về văn hoá, tôi rất thích lối suy luận trong cách dạy con dưới đây của tác giả Khaled Hossenimi trong tác phẩm Người đua diều:

“Có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không? Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”

Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.

Theo cách hiểu trên thì văn hoá là phạm trù khá rộng. Bởi vậy, tôi nghĩ Văn Hóa không chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Mà nó còn là “hệ điều hành” của con người. Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chúng ta, là giá trị cốt lõi của con người và xã hội. Là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác thì khi có văn hoá nghĩa là người ta có cái “chính mình” và khi có cái “chính mình” thì thứ người ta sợ hãi nhất là đánh mất chính mình. Còn ngược lại, khi chưa có cái “chính mình” thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền, có tiếng mà chẳng sợ cái gì cả.

Với cách hiểu như vậy, tôi thường gọi văn hoá Việt Nam mình đang ở “giai đoạn” mùa thu. Đó là nền văn hoá già cỗi nhưng đã bị suy đồi, bại rụn, xấu xí và nhếch nhác… Mỗi khi mở trang báo ra ngay lập tức ta bị “tấn công” bởi hàng trăm cái NẠN. Nào là cướp bóc, giết chóc, tham nhũng, oan sai, ô nhiễm… Vì thế nên người Việt Nam mới có câu tục ngữ vượt trên mọi “văn minh” của nhân loại – “ăn vụng phải biết chùi mép”. Nghĩa là thói ăn vụng ở Việt Nam mình đã được nâng lên ở tầm “nghệ thuật”.

Điều ấy cũng tương tự như quan niệm “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu thay vì được điều chỉnh, nắn sửa cho tốt đẹp lên thì nó lại bị “che” và “chùi” đi cho sạch dấu vết.

Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn. Mà khi thói vô trách nhiệm “lên ngôi” thì xem chừng văn hóa xin lỗi, văn hoá từ chức cũng dần bị cắt bỏ. Thử hỏi sao, sự HỦ BẠI lại không lên nhanh như “diều gặp gió”.

Tục ngữ có câu “nước chảy thì đá mòn” mà chảy nhiều thì sụt lở. Với tính thói bán rẻ “chính mình” trong xã hội chúng ta ngày nay thì “văn minh” sẽ mất dần chỗ đứng và sự THA HÓA sẽ có đất rộng để lộng hành. Đó cũng là lý do tội phạm ở nước ta ngày một tăng cao và dần “được trẻ hóa”. Chuyện bảo mẫu giết trẻ em và nữ sinh đánh nhau, lột đồ ở trường chẳng còn lạ nữa. Bởi khi người lớn không có cái “chính mình”, nhà giáo cũng đánh mất “chính mình” thì thử hỏi lấy tư cách gì đi dạy con trẻ, dạy học sinh?

Ngày nhỏ, khi còn đi học, tôi thường nghe cha mẹ và thầy cô khuyên nhủ rằng, “mong sao lớn lên con sẽ thành người” nhưng sao chẳng mấy ai nói cho tôi hiểu làm người là làm gì, cần học gì, và học như thế nào để thành người? Đó chính là lỗ hổng lớn nhất trong nền giáo dục của nước ta. Dường như nhà trường chỉ chú trọng “sản xuất” ra “công cụ lao động” chứ không phải đào tạo ra con người văn minh và tự chủ. Nói cách khác là người ta chỉ chú trọng nhồi nhét cái thứ được họ gọi là “trí tuệ chuyên môn” mà bỏ quên cái “trí tuệ văn hóa”. Nếu ta hình dung trí tuệ văn hóa là cái “chân thắng” còn trí tuệ chuyên môn là cái “chân ga” thì ta sẽ thấy cách giáo dục ấy nó nguy hiểm đến mức nào. Có “chân ga” ta mới leo được đèo cao, dốc cả, nhưng nếu cái “chân thắng” bị hỏng thì ngày xuống vực sâu chỉ là chuyện sớm muộn.

Người ta thường nói, mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Để có một xã hội tốt đẹp, văn minh thì phải có những “tế bào” tốt đẹp văn minh. Đáng buồn là hai chữ “văn minh” ở xã hội ta đang ngày một xa xỉ. Thứ đắt nhất bây giờ không phải là vàng, hay kim cương mà đó là niềm tin, còn thứ rẻ nhất chính là lời hứa. Thói vô cảm len lõi vào từng khe cửa, đến từng góc nhà và thấm dần vào mỗi con tim. Nếu xã hội chúng ta cứ “phát triển” theo hướng này, nếu chúng ta vẫn giáo dục con trẻ như thế này thì tương lai VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM không còn sụt lở nữa, mà là sụp đổ.

 

Nguyễn Văn Thương

“Lịch sử không chỉ là những cuộc chiến tranh”

Featured Image: Life Magazine

 

Vốn là một người chẳng ưa gì môn lịch sử với những bài học về các cuộc chiến nhàm tẻ khô khốc. Và cũng tự nhận là người ưa thích tìm hiểu những kiến thức hay ho mới lạ, tôi thường tìm hiểu khá nhiều về các chủ đề nhưng dường như tìm hiểu về lịch sử là việc chẳng bao giờ tôi muốn nghĩ tới. Xấu hổ hơn, tôi lại có thể để cho giáo dục và truyền thông ngang nhiên nhồi vào óc mình khái niệm về “lịch sử” chỉ là những cuộc chiến tranh và rồi chấp nhận khái niệm thiển cận đó. Không, chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ của lịch sử. Ấy vậy mà xưa giờ tôi hoàn toàn không để ý hay chẳng quan tâm gì cả. Nhưng rồi nghĩ lại, suốt những năm tháng học hành trung học, phổ thông. Tôi được dạy gì về lịch sử chứ? Có gì khác ngoài những cuộc chiến không?

Và cho đến bây giờ, sau nhiều năm học mòn mỏi, thật xấu hổ khi phải thừa nhận, tôi chẳng nhớ một mảy kiến thức nào về những cuộc chiến đó cả. Tuy tôi cũng từng bức xúc về cách mà nền giáo dục Việt Nam dạy môn Sử, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc mong muốn những bài giảng về các cuộc chiến nên sinh động hơn, cuốn hút hơn. Hay có thể nói, tư duy của tôi về bộ môn Lịch Sử chỉ luôn gói gọn trong những cuộc chiến. Thật là một sai lầm nghiêm trọng và khủng khiếp. Cũng nhiều khi, tôi tìm hiểu về sử chiến tranh, về bản chất những cuộc chiến, sau cùng tất cả cảm giác đọng lại trong tôi, chỉ là sự hoài nghi, thất vọng, cảm giác tức giận, bất lực và đau đớn như một kẻ bị cả thế giới dối lừa. Thế rồi tôi không muốn quan tâm tới lịch sử nữa.

Cho tới gần đây, đọc bài phỏng vấn về anh Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu sử học trẻ tuổi. Những chia sẻ của anh, những thông tin và kiến thức mới lạ khiến tôi bừng tỉnh. Và tôi tin, nó cũng có thể thức tỉnh bạn. Những góc nhìn mới, thật ra không mới nhưng giờ chúng ta mới được biết sẽ mang lại niềm hứng thú về chủ đề “lịch sử” vốn khô khan nhàm chán.

“Có nhà nghiên cứu giáo dục ở ta đã nói: Giáo dục Việt Nam không hề lạc hậu, mà là lạc đường. Lạc hậu là đi lùi phía sau và có cơ hội để tiến lên, nhưng lạc đường là đi hẳn sang một con đường khác. Quan trọng là đi đúng đường đã, sau đó chấp nhận lạc hậu, rồi từ từ đi lên.”

Điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt trong khía cạnh bộ môn lịch sử.

“Lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, tôi muốn nói rằng lịch sử không chỉ có các cuộc chiến tranh. Xưa nay, sử chiến tranh được chúng ta giảng quá nhiều, vô hình trung lại phản tác dụng, khiến người học mệt mỏi với quá khứ. Học lịch sử không phải chỉ để yêu tổ tiên, để tự hào dân tộc. Lịch sử là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ – người ta đã ăn thế nào, ngủ thế nào, mặc thế nào – tất cả đều là lịch sử. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” là nói về sử ăn mặc, sau đó sẽ có sử ẩm thực, sử vệ sinh, sử xe cộ, sử giao thông…

Những lát cắt về đời sống như thế sẽ làm diện mạo lịch sử muôn màu muôn vẻ, cuốn hút người trẻ hơn rất nhiều so với sử giáo điều, sử chiến tranh. Trong lịch sử cũng có những khoảng tối mà người ta cần phải biết. Sở dĩ người Việt như hôm nay bởi có người Việt như quá khứ. Cuộc sống hiện đại luôn bắt rễ từ quá khứ, nhưng cái quá khứ ấy được đẩy đi bao xa thì tùy thuộc vào người nghiên cứu sử. Ví dụ chúng ta ăn bánh trôi bánh chay trong tết Hàn Thực, nếu không đọc được sử liệu hay các nghiên cứu văn hóa, chúng ta chỉ biết đây là “phong tục nghìn đời của người Việt”. Để giải thích về các phong tục tập quán, chúng ta luôn luôn dùng chữ “nghìn đời”.

Nhưng nếu dựa vào các sách, ví dụ sách thời Trần, ta biết rằng tết Hàn Thực thời đó các cụ ăn bánh cuốn. Tới thời Lê trung hưng, người ta bắt đầu viết rằng tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay. Nghĩa là chúng ta sẽ có góc nhìn đoạn đại – từng lát cắt của lịch sử đã diễn ra, đã xuất hiện những gì. Và những điều tạo nên bối cảnh của người Việt hôm nay, từng nét văn hoá mà người Việt chia sẻ với nhau hôm nay có những thành phần nào, những thành phần ấy có từ bao giờ, đó là ngoại lai, là du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hay là của người Việt tạo ra… tất cả sẽ là những lý giải về đời sống, và về tư duy.”

Đúng thế, lịch sử tạo nên phong tục, tạo nên văn hóa, và văn hóa chính là thứ chi phối cuộc sống chúng ta đến ngày nay. Sẽ tốt biết bao nếu chúng ta được học về nguồn gốc những nét văn hóa, những tập quán và lối sống. Thay vì chỉ nhìn vào những ánh hào quang cũ kĩ mốc meo của các cuộc chiến. Lịch sử nên là thứ giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, để từ đó hiểu hơn về hiện tại rồi từng bước xây dựng tương lai. Lịch sử không nên chỉ là những cuộc chiến khô khan với toàn những số liệu súng ống người chết như cách ta vẫn làm. Chính lịch sử phải là thứ để chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống từ đó thay đổi cách hành xử cho thích hợp. Lịch sử phải là thứ chân thực giảng giải cho người ta hiểu nguồn gốc của mọi vấn đề.

Tại sao khi học môn lịch sử chúng ta không được dạy những thứ thế này:

“Nguồn gốc của trào lưu phân biệt vùng miền, tiêu biểu ở hiện tại là trào lưu ghét dân Thanh Hoá, nhưng dân Thanh Hoá bị ghét từ khi nào? Vấn đề kỳ thị vùng miền có từ rất lâu rồi, từ thời Bắc thuộc đã có sự không hoà hợp giữa vùng Thanh Nghệ và vùng Thăng Long. Ở thời Lê, dân Thanh Hoá có sự tự cao nhất định, bởi vua Lê chúa Trịnh đều là người Thanh Hoá, họ coi họ là trung tâm. “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là nói về thời đó. Lúc ấy, Huế lại là vùng Đàng Trong, có nhiều nét văn hóa, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của Chăm. Quan nhà Mạc Dương Văn An đã viết trong “Ô Châu cận lục” rằng: Thói tục của dân Huế rất thô bỉ, quê kệch. Như vậy, dân Huế từng bị coi là thấp kém về mặt văn minh.

Khi nhà Nguyễn thống nhất toàn bộ đất nước và bắt đầu giải quyết vấn đề vùng miền, Huế lại tự hào là đất kinh kỳ.Vậy nên không nên xem kỳ thị vùng miền là đúng hay sai, mà phải quan sát sự thay đổi tư duy của con người.

Đến thời hiện đại, dân Hà Nội lại tự hào mình là Thăng Long kinh kỳ, vì đây là trung tâm chính trị. Tóm lại, kinh tế và chính trị sẽ quyết định văn hoá. Kỳ thị vùng miền được quyết định bởi tư duy chính trị và văn hoá. Ở đâu lòng tự hào về bản thân quá cao sẽ dẫn đến xem thường những vùng miền khác, và khi anh quá xem thường các vùng khác, anh sẽ bị ghét là lẽ đương nhiên. Ta hiểu quá khứ sẽ hiểu được thời hiện tại. Ta sống như thế nào, nghĩ như thế nào trong hiện tại đều có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ.”

“Lúc nào ta cũng nói chuyện yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử lúc nào cũng coi Việt Nam luôn là chính nghĩa, lúc nào cũng thấy người Việt là dân tộc bị hại… nhưng bản chất ở phía sau tất cả luôn là một câu chuyện cồng kềnh.

Người ta cực đoan bài xích chữ Hán Nôm trong chùa, nhưng Hán không chỉ là Hán, Việt không chỉ là Việt, mà có sự hỗn dung về văn hoá và nguồn gốc. Không có dân tộc hay đất nước nào thuần chủng ở đây cả. Đây là vấn đề của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia từng sử dụng chữ Hán. Dân trí cao nên Nhật Bản không bao giờ tranh cãi rằng cái này của tao hay của mày, mà họ thừa nhận luôn rằng cái này tôi học của Tàu, cái này tôi học của Tây… và tôi tạo nên thứ của riêng tôi. Ở Việt Nam có sự thay đổi về tư duy chính trị (thời điểm sau 1979 và gần đây là vấn đề biển đảo Trường Sa – Hoàng Sa), cái nhìn về chữ Nôm, chữ Hán cực kỳ lệch lạc và cực đoan. Thêm nữa, dân trí của Việt Nam thấp, kinh tế kém phát triển. Vì dân trí thấp nên càng dễ sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cứ nghĩ cái gì của mình cũng là nhất, và giờ thì có thêm tinh thần bài Hoa, đặc biệt ở lĩnh vực văn hoá. Ở Việt Nam, vì không hiểu biết thấu đáo nên có nhiều người bài xích cực đoan, không có cái nhìn bao dung, khách quan đối với quá khứ. Đó là những thứ, xét về mặt tiến bộ, không phải là lạc hậu, mà là lệch lạc, gần nhất là lấy văn hóa đem so với Hàn Quốc và Nhật Bản.”

Văn hóa chính là lịch sử. Văn hóa là thứ được con người tạo ra, mỗi thời mỗi khác, người ta kế thừa nó, phát huy nó, bảo tồn hoặc sáng tạo nó. Văn hóa là thứ có thể thay đổi chứ không phải là bất di bất dịch. Tiêu biểu là mỗi triều đại phong kiến khác nhau lại ban hành những luật lệ, tập tục và những quan niệm văn hóa khác nhau.

“Không giống với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tất cả văn hóa Việt là bất biến, mà ngược lại, văn hóa có sự khác biệt trong mỗi thời kỳ, mỗi triều đại.

Theo đó, không phải thời đại nào văn hóa Việt cũng là một thứ chung nhất, một thứ đơn nhất. Có những cái văn hóa mà Lý có Trần có mà đến Lê mất, có những văn hóa mà Lê có nhưng Nguyễn mất. Đơn cử như nói tới khăn xếp áo the là trang phục truyền thống lâu đời nhưng đó chỉ là sản phẩm của nhà Nguyễn, tới thời nhà Lê thì không mặc như vậy nữa. Nhà Lê mặc trang phục kiểu khác, nếu chỉ nhìn cái khác đi này mà mọi người quy kết đó không phải là truyền thống là không đúng. Hiện tại văn hóa của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều nhất các nét văn hóa của thời Nguyễn. Nhờ lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy văn hóa đương đại vốn là tập hợp những nét văn hóa du nhập từ các nước xung quanh, sau đó được nhân dân làm mới lại cho thích hợp và lưu truyền. Nó không phải là một vật vô tri giữ nguyên hiện trạng năm này qua năm khác”. Nếu biết được điều đó, liệu người ta có còn sửng cồ lên với những người bị cho là “sính ngoại” hay “học đòi tư tưởng ngoại lai?

Nhiều nét văn hóa đã thay đổi nhưng có một nét dường như  qua bao nhiêu năm tháng vẫn không thay đổi: “Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất phát từ làng, văn hóa làng xã là cái rất riêng chỉ Việt Nam với có.”

Tự nhiên tôi chợt nghĩ, liệu có phải vì bị tác động bởi nét văn hóa làng xã này mà tư duy của chúng ta luôn bị bó hẹp, luôn chỉ suy nghĩ trong phạm vi nhỏ bé, khó tìm ra những hướng đi đột phá và mọi suy nghĩ đều phần lớn mang tính “ao làng”?

Hơn nữa, xuyên suốt những cuốn sách sử, chúng ta luôn được dạy rằng Việt Nam là nước nhỏ bé, yếu thế, luôn bị nhòm ngó và xâm lăng, bị chèn ép và xem thường. Nói cách khác, Việt Nam thật đáng thương và yếu ớt. Vậy nên trong xu hướng tự hào dân tộc, khi thế giới tự hào về những thành tựu, phát minh, những thứ thuộc thì hiện tại và tương lai. Thì lịch sử lại dạy cho chúng ta rằng Việt Nam dường như chỉ có hai điều tự hào duy nhất “những chiến thắng vẻ vang” và “nguồn tài nguyên vô tận”. Chính điều này đã làm cho lịch sử trở nên sai lệch và hình thành thói quen chỉ thích ngồi mát ăn bát vàng, không hề có tinh thần phấn đấu hay suy nghĩ buộc bản thân phải thoát khỏi những gọng kìm kềm hãm cả nền kinh tế, chính trị lẫn đời sống?

Niềm tự hào những chiến thắng vẻ vang không chỉ được dạy trong sách sử, nó còn được biểu hiện một cách đồng bộ và nhất quán từ các ngày lễ lớn cho tới những băng rôn áp phích và tên những con đường. Từ đó càng làm tăng lòng tự hào dân tộc của chúng ta. Càng tự hào bao nhiêu ta lại càng nói về nó nhiều bấy nhiêu và cho phép bản thân quên sạch sanh những sự thật về lịch sử khác. Những chính sách sai lầm, sự vô nghĩa của các cuộc chiến, những sự thật hay mặt tối của chúng hoàn toàn không được ta nhắc đến. Ta không thể nào biết để mà cảm thông với những người dân chết oan trong những “cải cách ruộng đất”, ta không thể nào biết được sự khổ cực và ai oán của những bà mẹ anh hùng, những gia đình tan nát vì chiến tranh, ta không hiểu thấu nỗi đau cùng cực của những nạn nhân gián tiếp từ các cuộc chiến, những thương binh liệt sĩ, những em bé nhiễm chất độc da cam, những bà mẹ dựng bàn thờ tất cả đàn con của mình…

Tại sao ta không được dạy nhiều hơn những điều đó, để yêu thêm đất nước, yêu thêm con người, để tâm hồn biết rung động, đồng cảm và căm thù chiến tranh. Làm sao người ta biết căm thù chiến tranh khi chúng ta dùng nó để tự hào? Và tại sao nước ngoài xâm lược nước ta thì gọi là xâm lược, còn nước ta xâm lược nước khác thì lại gọi là “mở mang bờ cõi”? Điều này có công bằng không? Lịch sử mà không công bằng hay không chuẩn xác thì còn nghĩa lý gì?

Lịch sử dạy chúng ta phải cảm ơn, phải tôn thờ, phải đời đời nhớ ơn những người người xa lạ: Các-Mác, Lê Nin. Lịch sử muốn chúng ta phải biết ơn chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy tại sao lịch sử không dạy ta về bản chất của các loại chế độ trên toàn thế giới để mà phân biệt và nhận định cho đúng về các ưu điểm, nhược điểm. Tại sao lịch sử không giải thích tại sao XHCN tốt đẹp thế mà lại bị sụp đổ, bị các nước khác xem thường và ghét bỏ? Nói chung, theo tôi, bộ môn lịch sử đang giấu diếm và đánh lạc hướng chúng ta quá nhiều. Làm sao có thể đạt được mục tiêu nâng cao dân trí khi mà mọi sự thật được giấu đi và thay thế? Làm sao để mà người ta quyết tâm xây dựng đất nước khi cứ nói oang oang rằng đất nước ta tài nguyên bao la không làm cũng có ăn?

Tự hào về quá khứ không có gì là xấu, nhưng nó là việc không cần thiết lắm trong việc xây dựng và phát triển đất nước ngay từ hiện tại cho đến tương lai. Tiếc thay, bộ môn lịch sử vô vùng thú vị và cần thiết như thế lại đang đi sai đường. Bị chính nền giáo dục làm cho nhàm chán và trở nên chẳng ý nghĩa gì với tuổi trẻ nói chung và cả đất nước nói riêng.

Lịch sử hẳn sẽ thú vị hơn nhiều nếu người ta biết được nguồn gốc của những việc đơn giản và nhỏ bé nhất. Như nguồn gốc cách đặt tên đệm “Văn” và “Thị” trong tên của người Việt. Rằng từ Thị tiếng Hán bao hàm nghĩa chỉ phái nữ nói chung, từ này ban đầu chỉ được dùng cho những người phụ nữ đã trưởng thành, nhưng sau đó nghĩa của từ Thị dần mất đi, người ta dùng nó để đặt tên cho phần lớn các bé gái với nghĩa “đó là con gái”. Tương tự với chữ “Văn” Bốn giai cấp trong xã hội cổ truyền là sĩ, nông, công, thương. Giai cấp sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa.

Do điều kiện này mà các bậc cha mẹ mong ước cho con có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên. Ước vọng này thể hiện qua việc đặt chữ văn trong thành phần tên của con. Chữ văn trở nên thông dụng đến độ làm ý nghĩa của nó trở nên mập mờ và lạm dụng. Người ta sinh con trai và đặt cho nó chữ văn với mong ước như thế. Nhưng về sau chữ văn chỉ được dùng đơn thuần với nghĩa “nó là nam”. Có một cách giải thích khác khá hài hước, theo lời ông Nguyễn Ngọc Ngạn “Thị là mắt, người ta đặt cho con gái với nghĩa hàm ẩn sự nhắc nhở, rằng con trai yêu bằng mắt nên con gái phải luôn nhớ điều đó để làm đẹp cho bản thân mình. Còn Văn, nghĩa là văn chương, ý nhắc phái nam rằng phụ nữ yêu bằng tai, thích những lời hoa mỹ, để từ đó cẩn trọng trong cách dùng ngôn ngữ chinh phục phái đẹp…”

Hoặc như lịch sử, thổ nhưỡng địa hình các vùng miền đã hình thành nên tính cách con người vùng đó ra sao. Người miền Trung đất đai khô cằn lại hay phải gánh chịu các loại thiên tai. Nên về cơ bản tính cách của họ thường cần cù, chịu khó, tiết kiệm và chắt bóp. Ngược lại, người miền Tây với đất đai màu mỡ, sản vật trù phú xung quanh chẳng mấy khi phải lo thiếu ăn nên tính tình thường phóng khoáng, vô lo… Chính những điều này đã tạo nên văn hóa và bản sắc mỗi vùng miền. Đó cũng chính là lịch sử – sử văn hóa.

Lịch sử cũng nên dạy cho tuổi trẻ Việt Nam những điều thật sự đáng được tự hào, như việc Việt Nam (Cộng Hòa) đã từng phát triển rực rỡ như thế nào về kinh tế và văn hóa. Rằng chúng ta đã có thể sản xuất ra chiếc xe hơi made in Việt Nam đầu tiên từ hơn 40 năm trước mang tên La Dalat, nó là chiếc xe hơi dân dụng đầu tiên được lắp ráp, mang thương hiệu và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Vào thời điểm đó, sáng lập viên của hãng xe Hyundai mới chỉ là tiểu thương tại Hàn Quốc mà thôi, nghĩa là họ còn đi sau chúng ta nữa. Nhưng giờ hãy nhìn lại xem. Ta đang theo sau họ hàng chục năm hay hàng trăm năm trong khi hiện tại  một con ốc chúng ta cũng không đủ trình độ sản xuất?

Nếu xét theo sự phát triển và tiến hóa, có phải chúng ta đang đi thụt lùi? Hay có những giai đoạn, nền kinh tế Việt Nam (Cộng Hòa) vượt xa những nước trong khu vực như Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc. Hay như trước 1975, có 11 dàn máy tính IBM 360 hiện đại đã được đưa về Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Giáo Dục. Lúc đó, toàn vùng Đông Nam Á chỉ có Singapore sắm được vỏn vẹn… 1 chiếc máy tương tự. Những chính sách tiến bộ trong giáo dục vốn cũng đã tồn tại từ lâu, như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh đi học không hề mất tiền học phí. Và đặc biệt từ thời đó, nguyên tắc căn bản trong nền giáo dục của chúng ta là:

“Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục. 

Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác. 

Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.” 

Đây là những triết lý vô cùng tiến bộ cấp tiến, không chỉ với thời xưa mà cả với thời nay. Chúng ta cần phải biết về nó khi học lịch sử nước nhà. Nhưng lịch sử lại ém nó đi để bao che cho những lời nói dối khổng lồ. Những thông tin này nếu muốn biết chúng ta buộc chỉ có thể thu nạp được từ những trang không chính thống. Vậy những con người u mê với lòng tự hào dân tộc hẹp hòi và thiển cận, họ có biết để mà tự hào không? Lòng tự hào dân tộc của họ có đi đúng đường được không khi tất cả đều bị dắt mũi bởi sách giáo khoa và truyền thông truyền thống?

Nhắc đến lịch sử, từ trẻ con cho đến người già, chúng ta đều thuộc nằm lòng cụm từ “lịch sử hào hùng”. Nghĩa là, những cuộc chiến hào hùng vẻ vang. Nghĩa là, lịch sử là một thứ đẹp tuyệt vời phát ra hào quang lấp lánh che mờ mắt người dân khỏi mọi sự thật đau lòng hay hấp dẫn khác. Chúng ta chẳng cần một lịch sử hào hùng, chúng ta cần một cái nhìn khác, một cách đánh giá khác về tầm quan trọng cũng như sự thành thật về lịch sử, về những việc, những sự kiện thật sự diễn ra trong quá khứ. Hơn gấp ngàn lần những con số súng ống và thương vong.

Đây mới là về Sử Việt Nam, đáng lẽ chúng ta còn nên được dạy thềm nhiều về Sử thế giới nữa, nếu muốn hiểu biết và hội nhập. Cũng như vô vàn thứ hay ho ảnh hướng đến đời sống mà ta cần biết, nên biết và phải biết, tất nhiên, bao gồm cả các cuộc chiến. Nhưng các cuộc chiến chỉ nên chiếm một phần thật nhỏ trong bộ môn lịch sử mà thôi.

Ôi trời, lịch sử quả là bao la, hấp dẫn và lôi cuốn. Ấy vậy mà người ta lờ nó đi, giấu nhẹm nó đi, cuộn nó lại và gói trong một cái vỏ bọc chiến tranh nhàm chán. Tôi không cam lòng.

Xin kết bài bằng đoạn phỏng vấn này của anh Trần Quang Đức: “Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử. Đó chắc chắn không phải thái độ mặc cảm, tự ti, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, dễ bị kích động. Đó phải là năng lực tri nhận, gạt bỏ những điều cổ hủ, lỗi thời. Đó là thái độ trân trọng, biết đón nhận, tiếp thu tất cả những giá trị cao đẹp của mọi nền văn hoá, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là tinh thần, khát vọng trở thành một dân tộc lớn, tự cường.”

Việc đầu tiên nếu bạn muốn xây dựng đất nước, có lẽ tìm hiểu về lịch sử, theo cách nhìn khách quan nhất, là một điều nên làm. Sẽ có hai con đường có thể xảy ra khi bạn tìm hiểu sâu vào lịch sử. Một, tất nhiên đó sẽ là một thế giới đầy những điều thi vị, hấp dẫn và lôi cuốn, giúp bạn thêm yêu mến đất nước, thêm niềm tự hào và giải thích được những hiện tượng văn hóa đương đại để từ đó có cách đánh giá khách quan và chính xác hơn. Hai, sẽ có nhiều điều khiến bạn bất ngờ, thậm chí thất vọng và hoang mang. Đừng sợ hãi, lịch sử chỉ là quá khứ thôi, thứ chúng ta cần phải lo lắng và quan tâm, chính là hiện tại này.

 

Phi Tuyết

Phản hồi bài viết “Béo phì trí thức?”

Featured image: Scholars’ Tower by juliedillon

 

 

Đọc bài “Béo phì trí thức?” của tác giả Mr Lias tôi thấy có một số điểm không được hợp lý, một số đoạn, ý lộn xộn và không rõ. Thấy việc đưa ra ý kiến của mình cũng là điều nên làm với vai trò của một người đọc, nên mạn phép gửi bài này cho Triết Học Đường Phố mong sẽ đến được với tác giả và những người đọc khác.

Thứ nhất, ngay từ câu vào đề của bài viết cũng đã không rỏ ý so với nguyên bản. Edmund viết “Reading without reflecting is like eating without digesting”, reflecting mà dịch là áp dụng thì tôi không đồng ý. Đây không chỉ đơn thuần là bắt bẻ câu chữ, mà việc dịch như vậy làm khác hẳn đi nghĩa của từ reflecting. Edmund trong câu này muốn nói, nếu người đọc sách mà không suy nghĩ, không đối chiếu và có tinh thần phản phản biện thì cũng như không. Mạnh Tử cũng có một câu với ý tương tự “Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà không đọc còn hơn” cũng nhằm ý nói với người đọc sách phải có những tinh thần như trên.

Từ chuyện suy nghĩ, đối chiếu và phản biến những gì thu nhận được đi đến chỗ áp dụng nó là một đoạn đường dài. Thứ hai, những người đọc nhiều sách, tin tức (?) thì có phải là trí thức? Mức độ tiếp nhận như thế nào thì là béo phì? Theo quan điểm của tôi, những người đọc sách, thu nhận thông tin có các mức độ khác nhau, tăng dần như sau:

Mức 1: Tiếp nhận được thông tin và kiến thức.
Mức 2: Có những suy nghĩ, đối chiếu và nhận xét về những gì tiếp nhận được.
Mức 3: Áp dụng kiến thức mình đã thu nhận được, phục vụ cho công việc hoặc đời sống của mình.

Không phải là tri thức khi biết nhiều thông tin, hoặc đọc nhiều sách. Tri thức theo ý nghĩa đơn giản nhất của nó thì người đó phải có kiến thức uyên thâm và có đóng góp thực tế về một hay nhiều lĩnh nào đó. Các vấn đề về “trí thức” mà bạn nói trong bài theo tôi là những người chỉ dừng lại ở mức 1 mà thôi. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không thể dùng từ trí thức để chỉ họ được. Nên tôi sẽ chỉ dùng “những người tiếp cận nhiều thông tin”.

Còn béo phì thì phải thụ thuộc vào khả năng và mong muốn tiếp nhận thông tin tới đâu, cái này thì mỗi người mỗi khác, béo phì chỉ khi thông tin bạn tiếp nhận đi quá mức bạn cần thiết, nhưng khi họ chủ động tiếp cận thông tin thì có nghĩa là họ cần, mà thứ họ còn cần thì không thể nói là thừa để kết luận họ đang béo phì được. Nên chăng chỉ nên dùng béo phì với những người hằng ngày tiếp cận thụ động thông tin mà thôi (thấy tin gì cũng đọc, thấy sách gì cũng ham, đọc không có suy xét chỉ dừng ở mức 1.)

Tiếp theo, về phần nhận xét về những hành động được cho là “nguy hiểm” của những người tiếp cận nhiều thông tin. Đoạn này dùng quá nhiều lập luận mang tính cá nhân và chủ quan. Tác giả nói “Cũng dễ hiểu thôi, chúng ta biết nhiều, chúng ta ngộ ra nhiều điều khi đó chúng ta sẽ tỏ ra xem thường những người tầm thường khác. Chúng ta sẽ đặt vị trí của chúng ta là những người đứng trên người, và vai trò của những người đứng trên người là thúc đẩy tạo nên những cộng đồng tốt. Nhưng không chúng ta xem thường họ, chúng ta phê phán họ, chúng ta mặc định cho rằng chúng ta cái gì cũng biết, cái gì cũng đúng thì những tên lưu manh trí thức này còn nguy hiểm hơn cả những tên lưu manh bình thường khác.” Vậy ai là “chúng ta” với tác giả? Tác giả cho rằng có một nhóm người biết nhiều, tức sẽ ngộ ra (lên mức 2) và “sẽ” tỏ ra xem thường người khác… Vấn đề trong lập luận này là một khẳng định mang cảm tính cao và không có thiếu căn cứ.

Chưa kể cảm giác bị xem thường có thể chỉ là một cảm giác chủ quan của người trong 2 bên giao tiếp. Ví dụ như một trí thức đúng nghĩa bàn luận vấn đề với những người khác đi. Khi những người này trong tình trạng thiếu kiến thức, người trí thức kia nói hãy về xem thêm sách, trao dồi thêm kiến thức rồi hãy nói chuyện tiếp thì người đối phương lại bị cảm giác bị kinh thường. Cái đó là do người ta khinh hay mình có cảm giác bị khinh đây?

“Lưu manh trí thức nói cái gì cũng biết, hỏi cái gì cũng am tường về phương diện lý thuyết. Chúng ta sở hữu một lượng lớn các kiến thức từ kinh tế, văn hóa, khoa học, vũ trụ, kỹ thuật, kinh doanh hay y học sức khỏe,… nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nắm rõ lý thuyết còn vận dụng những kiến thức này vào thực tế thì không mấy người làm được.” Tôi nghĩ tác giả có thành kiến với những người “am tường về phương diện lý thuyết”, hoặc giả không có ý đó nhưng lại dùng câu chữ không chính xác. Sở hữu kiến thức là một nhu cầu thiết thực, đến độ am tường thì có thể họ đã vượt qua mức 2 ở trên rồi. Còn “nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nắm rõ lý thuyết còn vận dụng những kiến thức này vào thực tế thì không mấy người làm được” thì có ý như xem những kiến thức tìm tòi được chỉ vì tò mò là vô ích và những người làm lý thuyết chỉ rẹc một lũ hủ nho chăng? Nếu tác giả có ý đó thì có thể xem lại lịch sử chính trị, triết học phương tây, coi những người thuần lý thuyết đó đã mang lại những gì cho loài người? Polato, Socrate ở thời La Mã cổ đại bàn về cái công bình, chính trực giữa những con người với nhau, bàn cách tổ chức xã hội phải chăng không đáng một xu, John Mill với “Bàn về tự do” đánh động tâm tưởng của những người làm chính trị hóa ra không có nghĩa gì, Rousseau với “Khế ước xã hội”, lý thuyết rẹc về tổ chức xã hội xem ra là phần bỏ đi? Họ, chỉ bàn luận và làm việc trên lý thuyết, có “vận dụng” đâu, những người đời sau mới “vận dụng” thì rằng có gì không đúng?

Nói thêm một xíu về ví dụ thương mại học của tác giả. Với nhìn nhận của tôi thì làm thương mại, kinh doanh không phải chỉ là am tường lý thuyết là có thể làm được. Lý thuyết là một chuyện, nhưng khi kinh doanh thực tế lại là chuyện khác, nó không chỉ phụ thuộc và cái lý thuyết mà họ am tường, mà còn phụ thuộc vào những yếu tố không thể kiểm soát được và tùy thuộc vào mỗi người như quan hệ, vốn, sự may rủi… Ví như Daron Acemoglu và James A. Robinson, tác giả cuốn “Vì sao những quốc gia thất bại” cũng là những lý thuyết gia về kinh tế. Không thể nghi ngờ gì về góc độ “lý thuyết” của họ trong thương mại rồi, nhưng họ có kinh doanh không, có thành công không? Không, nhưng như vậy đâu có đồng nghĩa với những kiến thức của họ là vô nghĩa, là “nguy hiểm” như lời tác giả.

Tôi xin đưa ra một ví dụ lý thuyết được áp dụng, vâng, lý thuyết được áp dụng triệt để:

“Chắc chắn là chúng tôi không đồng ý về vấn đề cơ bản sau đây: Liệu chúng ta có nên để cho các chính sách tương lai của chúng ta phải tùy thuộc theo nguyên tắc dân chủ này hay nguyên tắc dân chủ kia, hay là những nguyên tắc mà chúng ta thừa nhận chúng như những giá trị tuyệt đối; hoặc là chúng ta phải để cho tất cả các nguyên tắc dân chủ phải tùy thuộc theo riêng cho các mục tiêu của đảng chúng ta? Tôi hoàn toàn ủng hộ cho điều sau. Tuyệt đối  không có các nguyên tắc dân chủ nào khiến chúng ta phải không tùy thuộc theo các mục tiêu của đảng của chúng ta?” (Tiếng la ó “Thế còn tính thiêng liêng của còn người?”) “Vâng, cả cái đó nữa! Như một đảng cách mạng phấn đấu cho mục đích cuối cùng của nó – cuộc cách mạng xã hội – chúng ta phải đi theo chỉ riêng những xem xét là điều gì sẽ giúp chúng ta đạt được mục đích ấy nhanh nhất. Chúng ta phải nhìn vào các nguyên tắc dân chủ chỉ đơn thuần từ quan điểm vè các mục tiêu của đảng của chúng ta; nếu điều khẳng định này hay khẳng định kia không thích hợp với chúng ta, chúng ta sẽ không cho phép điều đó.” Posadovsky – Trích chú thích 112/tr201 sách Bốn tiểu luận về tự do – Isaiah Berlin

Ý kiến của Posadovsky – cùng nhóm với Lenin, những người theo và thi hành triệt để chủ nghĩa xã hội ở Nga đầu thế kỉ 20. Một ví dụ cho việc áp dụng lý thuyết ngoài đời thực một cách mỹ mãn. Và các áp dụng này dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn, và nó chống lại cả những tư duy phản tỉnh, suy xét mà Edmund đề cập ở trên. Theo tôi đọc nhiều, tìm hiểu nhiều và có kiến thức về một lĩnh vực nào rồi bắt buộc phải áp dụng nó, nhiều lúc tìm hiểu chỉ để có những phản biện cho nó mà thôi, đó cũng được xem là áp dụng vậy.

Đoạn từ “Khi chúng ta tiếp cận quá nhiều thông tin như vậy và chúng rất hay bị vướn các lỗi lý luận đại loại như thế này… nó thể hiện được một lỗi lý luận trong câu chuyện này.” Tôi không thấy tác giả đề cập đến lỗi lý luận gì, mà đơn thuần chỉ là chỉ những người tiếp cận thông tin một cách hời hợt và thiếu suy xét.

Và cuối cùng là kết luận của tác giả. Như những ý kiến của tôi ở trên, những người “có một bụng kiến thức rồi lại dùng nó để thách thức những người xung quanh, tỏ ra ta đây hơn người, tỏ vẻ chúng ta là thuộc tầng lớp trí thức” không phải là những người trí thức. Việc ai xem thường ai hoặc ai cảm thấy bị xem thường là điều cần xem xét kĩ chứ đừng để cái cảm giác chủ quan của mình mà nghĩ oan cho người khác.

Điều tôi muốn nhắn nhủ qua các ý kiến trên là gì:

  • Những người biết chút thông tin hơn người khác không phải là trí thức.
  • Nhu cầu tìm hiểu và nắm bắt tri thức của con người là vô hạn, chỉ những người tham lam tiếp nhận thông tin mà không hề suy xét mới đáng gọi là béo phì mà thôi. (Gọi là bội thực thông tin thì đúng hơn)
  • Việc ai khinh thường hoặc cảm nhận bị khinh thường không thể đánh đồng một cách chủ quan được.
  • Và những trí thức, chuyên gia lý thuyết là những người đáng trân trọng, không phải chỉ những người “vận dụng” mà thôi.

Ý kiến của tôi xem ra cũng dài và hơi lê thê. Nhưng với mục đích cuối cùng là có thể đưa ra suy nghĩ của mình với tác giả, xét cho cùng cũng là cầu cho sự phân tích đa chiều hơn, rỏ ràng hơn mà thôi.

 

Tien Phan

Phía sau cuộc “cách mạng Dù” ở Hồng Kông

Featured Image: Pasu Au Yeung

 

Trước đây, mỗi khi nhắc đến Hồng Kông thì tôi (có thể cả rất nhiều người) chỉ biết về nơi đây là mảnh đất hăng sặc mùi tiền và trào lưu khoe của. Nhưng hơn tuần qua, cơn thịnh nộ chính trị của học sinh, sinh viên, và người dân nơi đây đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới và khiến tôi có cái nhìn khác hơn về quốc gia nhỏ bé này. Rõ ràng bài học Thiên An Môn 25 năm trước còn lồ lộ trước mắt. Biểu tình chống lại chính quyền Bắc Kinh là hành động hết sức nguy hiểm. Vậy cái gì đã đứng sau hậu thuẫn cho phong trào ấy, và vì sao sinh viên nơi đây lại ngoan cường và quyết liệt đến vậy?

Phải chăng họ không thể tiếp tục sống dưới mức con người (sub human) hay làm “con người hạng hai” trong thế giới văn minh ở đầi thế kỷ 21 này nữa. Hay họ không muốn nhà cầm quyền Bắc Kinh đối xữ với mình như con nít, cứ vỗ đầu, hứa cho kẹo rồi đá đít. Cũng có thể họ ý thức rằng, khi Bắc Kinh đã trấn lột được một quyền thì các quyền con người khác sẽ tiếp tục bị lột sạch, chẳng mấy chốc họ sẽ trần trụi như dân lục địa.

Nếu cho đó là “động cơ” của cuộc biểu tình thì tại sao Trung Quốc đại lục, Việt Nam hay Bắc Hàn lại không giám đấu tranh như họ. Trong khi quyền con người ở những xứ sở này còn thấp tệ hơn nhiều lần ở Hồng Kông.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sau 50 mươi năm sống trong thể chế pháp trị của Anh quốc. Người Hồng Kông đã quen với một xã hội được đề cao nhân quyền, tự do và dân chủ. Bởi vậy sự o ép và lạm quyền của Bắc Kinh chẳng khác nào dùng rơm khô bọc quả cầu lửa. Vậy tại sao lực lượng nòng cốt trong cuộc biểu tình không phải là những người trưởng thành có tiếng nói “nặng ký” trong xã hội mà lại là sinh viên, học sinh?

Tất nhiên, những giả thuyết trên đều có phần đúng. Nhưng tôi nghĩ còn một lý do khác mà đa số chúng ta đều đã bỏ quên đó là hệ thống và chất lượng nền GIÁO DỤC của quốc gia này. Nó cũng là lời giải thích cho tính dũng cảm và sự kiên quyết của học sinh và sinh viên Hồng Kông.

Nếu như ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn môn Triết Học (thấp hơn là giáo dục công dân) được chính quyền và các nhà giáo áp đặt đặt lên bàn thờ bằng một mớ khuôn mẫu giáo điều với một tư duy và ý thức nô lệ thì ở Hồng Kông hoàn toàn ngược lại. Học sinh được học thứ triết học mở, liên hệ trực tiếp vào những vấn đề của cuộc sống nhân sinh, giúp phát triển khả năng tư duy độc lập, óc phán đoán, để hiểu về cuộc sống; về thân phận con người; về hạnh phúc, tự do, chân lý; về sự khác biệt; về nghệ thuật…

Không những thế, khi nhìn lên bảng xếp hạng trong những công trình nghiên cứu của các tổ chức giáo dục thì ta thấy Hồng Kông luôn được xếp ở những vị trí tốp đầu của thế giới.

– Theo đánh giá của công trình nghiên cứu băng hình TIMSS năm 1999 thì chất lượng giáo dục Hồng Kông đứng thứ 2 trong mười quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, trên cả Mỹ.

– Ở bảng xếp hạng của PISA (Program for International Student Assessment) năm 2012 thì vị trí của Hồng Kông cũng không hề thay đổi, họ chỉ đứng sau Phần Lan.

– Trong bảng xếp hạng công bố ngày 13/05/2012 của QS (tổ chức thực hiện xếp hạng Đại Học thế giới). Hồng Kông một lần nữa được khẳng định là một trung tâm giáo dục hàng đầu châu Á, khi nắm giữ 3 suất trong tốp 4 của châu lục.

Là người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, tôi không muốn dừng lại ở bảng xếp hạng. Ngoài các công trình nghiên cứu, tôi tìm đọc thế các tài liệu của viện IRED (Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục) đi sâu vào hệ thống chương trình giảng dạy ở Hồng Kông từ mầm non đến ĐH tôi càng hiểu thêm về lý do vì sao học sinh và công dân nước này lại dũng cảm và kiên quyết đấu tranh cho tự do và nhân quyền đến vậy. Dù họ ý thức được hành động ấy có thể dẫn đến bạo lực và cái chết.

Từng là thuộc địa của Anh, hệ thống giáo dục Hồng Kông gần giống như Anh quốc. Riêng ở bậc Đại Học có nhiều điểm tương đồng với Mỹ. Đặc điểm phân cấp trong hệ thống giáo dục của Hồng Kông gồm có: 3 năm mẫu giáo không bắt buộc, tiếp theo là 6 năm phổ thông cơ sở và 3 năm phổ thông trung học bắt buộc và 2 năm phổ thông cao cấp không bắt buộc để được cấp bằng bằng trung học Hồng Kông và một khoá 2 năm học chương trình cao đẳng đại học để nhận bằng giáo dục cao cấp Hồng Kông (Hong Kong Advanced Level Examination).

Ở bậc mầm non và tiểu học, trẻ em nơi đây đã được vun bồi ý thức tự do từ tấm bé, miễn không nguy hiểm cho bản thân và cản trở người khác được tự do. Chúng sớm hiểu rằng nó chỉ có thể đạt được điều nó mong muốn nếu cũng để cho người khác đạt được sự mong muốn của họ. Ở đây không có sự biệt đãi nào dành cho trẻ em nhà giàu hay quyền thế. Tất cả đều có được sự tôn trọng và công bằng như nhau.

Ở chương trình phổ thông, học sinh được đào tạo phát triển toàn diện về sức khoẻ, trí tuệ, có khả năng tự học suốt đời, khả năng phản biện, sáng tạo, tôn trọng sự đa dạng, sự khác biệt. Mang các giá trị của một xã hội công bằng và tự do. Tiêu chí ấy nó thấm vào tư duy, hành động, hàng ngày của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tạo ra một sự nhất trí chung thống nhất từ trong tư tưởng, hành động đến kết quả. Phần lớn các trường phổ thông hỗn hợp ở Hồng Kông thuộc trong ba dạng: trường công (ít), trường được bao cấp và trường tư. Các trường được bao cấp cho đến nay là loại phổ biến nhất, bao gồm trợ giúp của chính quyền và trường trợ cấp được quản lý bởi các tổ chức từ thiện thường có liên quan tới các tổ chức tôn giáo.

Ở bậc Đại học, Hồng Kông có 9 trường công và một số trường tư do Phòng Giáo dục và Nhân lực của Đặc khu Hành chính Hồng Kông quản lý. Với một lực lượng giảng viên hàng đầu thế giới, đào tạo đa ngành nghề, Hồng Kông luôn là điểm đến hấp dẫn cho nhiều du học sinh quốc tế. Thực hiện tiêu chí lấy sinh viên làm giá trị trung tâm, Đại học Hồng Kông chú trọng tạo ra một môi trường nghiên cứu ngoài giáo dục có lợi cho việc theo đuổi tri thức, tư tưởng và tự do ngôn luận, tuyên truyền vận động trong chính sách và thực tế, thúc đẩy sự hợp tác và tính đa dạng. Sinh viên được đào tạo thành những chuyên gia đầu ngành ghánh vác vai trò Lãnh đạo, dẫn dắt xã hội về mặt trí tuệ và tư tưởng; Đại diện cho chân lý, công lý và lương tri của loài người.

Như chúng ta đã biết, cái gốc của văn minh, hiện đại là giáo dục, mà giáo dục là nơi “sản xuất” ra Khoa Học, Công Nghệ, Kinh Tế, Văn Hoá, Tư Tưởng, Dân Trí… Bởi vậy, nếu đem nhốt một xã hội U Minh đã bị đồng hoá vào “khung sắt” của chế độ thô bạo, lũng đoạn và bức quyền thì may ra họ còn ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng nếu dùng “cái chuồng” ấy đi nhốt một xã hội văn minh, hiện đại thì sớm muộn gì cũng bị phá huỷ và vỡ vụn.

Có câu: “Con người là sản phẩm của giáo dục.” Qua những phân tích trên chúng ta đã thấy, “sản phẩm” của nền giáo dục Hồng Kông có “chất lượng” vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới. Đã là “sản phẩm” tốt thì không chỉ nó “bền” mà còn có nhiều tính năng, ứng dụng, và làm được nhiều việc. Và tất nhiên nó cũng sẽ không chịu khuất phục trước thách thức của bất cứ một thế lực nào. Ngược lại nó có thể giám “thử thách” những thứ cũ kỹ, định kiến, giáo điều của thế giới này. Đó là lý do vì sao chính quyền Bắc Kinh đã phải run sợ họ.

 

Nguyễn Văn Thương

Chẳng có sự tồn tại nào là vô nghĩa

Featured Image: AmandaNicole13

 

Có bao giờ bạn đã từng nghĩ rằng sự hiện hữu của bản thân trên cuộc đời thật vô nghĩa, cảm thấy bản thân chẳng làm được gì? Tôi cũng từng như bạn, cũng từng bi quan, tự trách mình và so sánh bản thân với mọi người xung quanh rằng ông A, bà B sao mà làm được nhiều thứ quá, cống hiến cho xã hội nhiều quá….

Nhưng sao bạn không nghĩ kỹ lại, tại sao bạn lại có mặt trên hành tinh này, bạn lại chính là bạn chứ không phải ai khác, bạn sống ngay tại phút giây này, tại vị trí này chứ không phải ở thời điểm khác, vị trí khác? Liệu rằng có phải bàn tay của Tạo hóa đã xếp đặt cho mỗi người những nhiệm vụ họ cần phải hoàn thành trên cuộc đời này? Khi nghĩ đến đó thôi, lòng tôi lại cảm thấy phấn chấn ngay và bắt đầu nghĩ nhiều hơn về năng lực của bản thân, về những gì mình có thể làm hơn là cứ suốt ngày ngồi đó mà than van, mà bi quan. Nếu như bạn đã từng rơi vào trường hợp giống như tôi, hãy thử suy nghĩ như vậy và hành động, dấn thân.

Cuộc đời bạn sẽ chẳng bao giờ vô nghĩa nếu bạn bắt tay vào làm việc, làm những gì bạn muốn, tất nhiên là có ích cho bạn và mọi người xung quanh. Nếu đủ khả năng, bạn cũng có thể trở thành người tiên phong trong một lĩnh vực của cuộc sống, bạn có thể làm những việc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác,… Lúc đó bạn sẽ thấy, sẽ phát hiện ra nhiệm vụ của chính mình trên hành tinh này. Giá trị về sự tồn tại của mỗi người đều được thể hiện thông qua những gì họ nghĩ, họ làm. Chỉ có suy nghĩ và hành động mới giúp bạn khẳng định được giá trị của bản thân.

Không phải chỉ có loài người chúng ta mới cảm thấy có ý nghĩa khi tồn tại. Những thứ xung quanh bạn, từ thiên nhiên cho đến những loài động vật, những vật vô tri vô giác mà đôi khi bạn không thèm để tâm đến đều có những nhiệm vụ riêng của chính nó.

Một viên đá nhỏ nằm lăn lóc bên vệ đường, bạn nghĩ nó thật vô dụng đúng không? Nhưng những con đường mà bạn đi hằng ngày, những ngôi nhà mà bạn đang ở đều được hình thành từ những viên đá nhỏ kia. Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện mà tôi từng được đọc về giá trị của bản thân mỗi con người, mà nhân vật chính là những viên đá vô tri giác kia. Câu chuyện đại ý thế này:

“Ở một ngôi làng nọ, người dân đang có ý định xây dựng một bức tượng đài về người anh hùng năm xưa đã từng góp công bảo vệ và xây dựng làng, để mỗi ngày dân làng đi qua đều có thể ngắm nhìn và tưởng nhớ đến vị anh hùng kia. Thế là cả làng bắt tay vào xây dựng bức tượng, họ mời một kiến trúc sư đến thiết kế cho bức tượng kia, mua thật nhiều đá về để xây tượng. Sau một thời gian, bức tượng hoàn thành, và mỗi ngày dân làng đi qua đều có dịp ngắm nghía, trầm trồ về bức tượng. Thế nhưng, những viên đá, nhất là những viên góp phần tạo nên khuôn mặt của bức tượng cứ tưởng người dân đang thán phục mình, ngưỡng mộ mình mà sinh lòng kiêu ngạo, khinh khi những viên đá ở dưới làm bệ đỡ, làm những bộ phận khác của bức tượng.

Thế rồi sau nhiều cuộc tranh cãi của những viên đá, những viên đá ở dưới quyết định rời bỏ khỏi bức tượng để dạy cho những viên đá ở phần trên của bức tượng một bài học đích đáng về sự ảo tưởng giá trị của bản thân. Nói rồi làm, từ từ toàn bộ bức tượng đổ sụp xuống, vì làm thế nào một bức tượng có thể tồn tại nếu như không có bệ đỡ chắc chắn. Và tất cả viên đá từ một chỉnh thể hợp nhất giờ lại trở về như trước kia, là một cá thể nhỏ bé. Từ đó, các viên đá hống hách nhìn nhận lại cách hành xử của bản thân và cuối cùng tất cả đều đi đến quyết định là sẽ tham gia vào việc góp mình xây dựng những con đường. Lúc đấy, ai cũng như nhau, không ai hơn ai vì tất cả đều cùng nằm trên một mặt bằng chung.”

Qua câu chuyện trên, tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về ý nghĩa của sự tồn tại. Bên cạnh đó, câu chuyện còn dạy tôi đừng quá ảo tưởng, đừng đắm chìm trong giá trị tồn tại của chính mình mà từ đó quên mất mình là ai, mình tồn tại là nhờ vào những gì.

Hay như những con gián – một loài côn trùng mà hầu hết cả tôi và bạn đều không thích và thường hay xua đuổi khi thấy chúng vì gián là loài côn trùng hôi hám với những chiếc chân có gai, bò khắp nhà, lên thức ăn, tủ quần áo,… lại có một vai trò rất quan trọng đối với thiên nhiên xung quanh. Gián hầu như ăn chất hữu cơ thối rữa, đang phân hủy chất rất nhiều nitơ. Chất này qua phân gián sau đó ngấm vào đất, đem lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây cối. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu không có những con gián cung cấp dinh dưỡng cho cây thì những cánh rừng bạt ngàn như ngày hôm nay có còn tồn tại nữa không?

Không chỉ vậy, gián còn là thức ăn cho các loài sinh vật khác như chim, chuột. Nếu gián biến mất thì các loài sinh vật khác cũng mất đi một nguồn thức ăn đáng kể. Riêng trong lĩnh vực sức khỏe, gián là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học vì tuy sống trong môi trường bẩn nhưng cơ thể gián sản xuất ra một loại kháng sinh rất mạnh, chống lại rất nhiều loại vi khuẩn. Từ việc nghiên cứu cơ thể loài gián, mong rằng trong tương lai không xa, các nhà khoa học sẽ điều chế ra một loại thuốc kháng sinh chữa được nhiều bệnh cho con người.

Và còn rất rất nhiều vai trò về sự tồn tại của những loài sinh vật, những đồ vật tưởng như vô tri giác kia vẫn đang hằng ngày đóng góp cho môi trường sống của chúng ta. Và dường như dưới bàn tay kỳ diệu của Tạo hóa, tôi cho rằng những gì đang hiện diện trên hành tinh này đều có liên đới với nhau, đều cùng nhau hỗ trợ, phát triển và xây dựng cuộc sống.

Tôi mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ nhận ra giá trị tồn tại của bản thân mình, từ đó lên kế hoạch và hành động cho tương lai. Mong rằng cả tôi và bạn đều làm nên những điều kỳ diệu, mang đến niềm vui sống cho mọi người xung quanh, giúp họ nhận ra giá trị của bản thân vì “chẳng có sự tồn tại nào là vô nghĩa”.

 

Trương Thanh

Cha mẹ và con cái đến bao giờ mới hiểu được nhau?

Featured Image: Chan Mya Soe

 

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Có nhà, cha mẹ rất yêu thương nhau, đến già mà tình cảm vẫn rất mặn nồng, khổ nỗi những đứa con lại không có hiếu. Có nhà được khoác bởi vẻ ngoài của một gia đình “cơ bản” nhưng chứa đựng những điều khó có thể chấp nhận bên trong… Còn những gia đình cha say xỉn, con bài bạc, mẹ không đàng hoàng… chưa cần nhìn, chỉ cần nghe phong phanh là cũng đủ hiểu.

“Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình.” Là mọi người nói ra vừa là an ủi nhau nhưng cũng là một góc nhìn khách quan của hiện thực. Nói trắng ra là không có gia đình nào lại không có vấn đề hết. Từ bé đến giờ, mới chỉ nghe người ta nói câu “gia đình đó cũng được” “nhà ấy cũng tàm tạm” hoặc đánh giá nghiêng hẳn về phía vật chất với những mỹ từ như “dư dật” “khá giả” “đại gia”… chứ chưa nghe nói một gia đình nào đạt tới chuẩn “mẫu mực”. Nghĩ lại cái danh hiệu “gia đình văn hóa” mới biết là không một chính quyền nào cấp như cấp chuẩn chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO. Mà thực ra có muốn cũng không làm được.

Tôi đi học. Bạn cũng đi học. Hết lớp này sang lớp khác bao giờ hết năng lực và hết điều kiện học hành thì thôi. Nhưng có một lớp dù nhiều tiền đến đâu cũng không có thầy để dạy. Đó là lớp HỌC LÀM CHA MẸ. Không ai là không có lỗi lầm. Trẻ có cái sai của trẻ, già có cái sai của già. Nhưng người lớn cứ tự cho mình quyền được quyết định tất cả mà quên mất rằng những đứa con của họ cũng đang muốn được lắng nghe, muốn được chia sẻ.

Mỗi lần bối rối trước những câu hỏi của con, cha mẹ vẫn thường vuốt tóc, nhìn con bằng đôi mắt trìu mến và nói dịu dàng: “Khi lớn lên, con sẽ hiểu mọi chuyện.” Bọn con nít lúc đó chỉ thấy mơ hồ, khó hiểu và vô cùng xa xăm. Thậm chí, chuyện bực bội ở đâu, người lớn cũng đem về nhà, rồi lúc đó giận cá chém thớt, mắng chửi con cái, trong nhà không bốc hỏa thì cũng chiến tranh lạnh. Đang tuổi lớn, mấy đứa đang khủng hoảng sinh lý giờ lại thêm khủng hoàng tâm lý nữa. Nói tóm lại là hoang mang toàn tập. Và đúng là giờ lớn lên thì tôi đã hiểu. Người lớn dù ứng xử nhẹ nhàng hay ứng xử thô bạo với trẻ con thì lúc đó họ đang lâm vào đường cùng, họ không thể lý giải nổi những diều dù là đơn giản nhất. Sự thực là người lớn luôn luôn bé.

Bạn bè của tôi, có nhiều người nói với tôi rằng, sau này học sẽ không vấp lại những sai lầm của cha mẹ họ. Chẳng ai có thể biết trước được điều gì. Chính cha mẹ của chúng ta cũng đâu có muốn đối xử với con cái như vậy, nhiều lần thâm tâm họ cũng dằn vặt lắm chứ. Nhưng rồi chúng ta đã nhận lại được những gì? Thời đại nào cũng có vấn đề riêng của nó. Khi chúng ta – những người hiện tại chưa lập gia đình một ngày nào đó cũng lần lượt làm cha làm mẹ thì chính chúng ta dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn sẽ không tránh khỏi những cuộc xung đột nảy lửa với con cái. Vâng! Lúc đó, chúng ta sẽ không lặp lại sai lầm của cha mẹ chúng ta ngày trước mà sẽ vấp phải những sai lầm lớn hơn. Làm sao con người có thể ý thức được hành động của mình đang sai khi mà chưa nhìn thấy kết quả?

Con cái thì chưa với tới giai đoạn làm cha làm mẹ nhưng bậc sinh thành thì đã trải qua quãng đời như chúng ta hiện tại. Vẫn còn nhiều thứ ta chưa trải qua và vì thế vẫn còn nhiều thứ ta chưa hiểu nổi. Suy nghĩ của cha mẹ tuy khác chúng ta nhưng họ muốn giành những điều tốt đẹp nhất cho con cái (đặc biệt là họ có thể hiểu ít nhiều về chúng ta hiện tại trong khi chúng ta chẳng biết gì hơn ngoài nói yêu và thương). Phải mất bao lâu nữa để cha mẹ có thể chấp nhận rằng con cái họ có những nhu cầu riêng và họ không nên áp đặt quá nhiều vào con cái? Và bao lâu để một đứa trẻ con biết tha thứ lỗi lầm cho người lớn?

 

Huyền Trang

Sáu Người Đi Khắp Thế Gian – Tuổi trẻ và hành trình tự do

Photo: Duy Nguyen

 

Một cuốn sách khá là khủng, đó là cảm nhận của tôi khi mới chỉ nhìn qua bìa sách và xem một số review về nó. Với thành tích suốt sáu tháng liền năm trong danh sách của New York times best seller, tác giả của nó thì nhận được vô khối giải thưởng danh giá như giải Pulizer, giải Franklin,… cuốn sách thu hút sự tò mò của tôi khi nó khẳng định là một cuốn sách “đặc biệt thấu hiểu giới trẻ”.

Sách gồm 2 cuốn. Cuốn 1 gồm 6 chương, mỗi chương giới thiệu về một nhân vật chính. Những nhân vật trong sách đều là những người rất trẻ chỉ ở độ tuổi dưới 20. Joe, một chàng thanh niên Mỹ trốn quân dịch và bị đưa đẩy vào hoàn cảnh bắt buộc phải tìm cách lang bạt xa xứ. Britta, một cô gái Nauy chạy trốn khỏi sự tù túng nơi quê nhà, luôn đau đáu về một mảnh đất hứa, giấc mơ, nỗi ám ảnh của cha cô- Ceylon. Monica- cô con gái bất hảo của nhà chính trị người Anh, cô là người có cá tính nổi loạn, sinh ra và lớn lên chứng kiến một Châu Phi dần nắm quyền hành và trở nên loạn lạc. Cato-chàng thanh niên da đen với ký ức kinh hoàng về sự phân biệt chủng tộc trong những năm tháng tại Mỹ.

Gretchen, một cô gái tài năng, khôn ngoan sinh ra tại Boston nhưng phải mang một nỗi tổn thương sâu sắc gây ra bởi cảnh sát và nỗi thất vọng với chính gia đình của mình. Cuối cùng là Yigal, chàng thanh niên mang hai dòng máu Isarel và Mỹ, có một tình yêu mãnh liệt dành cho Isarel và nền giáo dục của nước này, bên cạnh đó Yigal còn rất nhiều trăn trở khi phải lựa chọn quốc tịch cho bản thân. Mỗi người một cá tính, họ là những người mang trong mình sự bế tắc với các vấn đề cá nhân trong một bối cảnh xã hội rối ren. Điểm chung nơi họ chính là sự đam mê khám phá những miền đất mới, ở họ có sự tự do của tuổi trẻ và quan điểm cá nhân mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực tôn giáo, sắc tộc, cho đến phim ảnh, âm nhạc. Họ cùng gặp nhau và bắt đầu chuyến chu du “khắp thế gian” tại Torremolinos – thành phố mặt trời của Tây Ban Nha.

Phần 2 của cuốn sách hấp dẫn người đọc bằng đầy ắp những trải nghiệm về thiên nhiên, văn hóa, con người…Trí tưởng tượng của bạn sẽ thấy choáng ngợp trước những thành lũy châu Âu cổ xưa, được hòa mình vào không khí náo nhiệt của lễ hội San Fermin đầy màu sắc, pháo hoa, nhảy múa, sợ hãi lẫn phấn khích với những trận đấu bò tót ngàn cân treo sợi tóc hay cảm giác thích thú đầy kinh ngạc khi khám khu rừng rậm châu Phi hoang dã với sự đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt.

Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc. Nó bao gồm rất nhiều những kiến thức về chính trị hay tôn giáo mà thực sự chưa thể hiểu hết một cách sâu sắc nếu mới chỉ đọc một lần.Tôi không thể nghĩ rằng ở tuổi 17, 18 của mình lại có thể có những suy nghĩ già dặn và những quan điểm cá nhân dữ dội như họ, có thể thoải mái bàn luận những vấn đề sâu xa về chính trị, chiến tranh hay sự xung đột sắc tộc, đạo Hồi…Mặc dù có những điều khi đọc vẫn chưa được hiểu tường tận, nhưng đó cũng là động lực để chúng ta có thể mở rộng kiến thức của mình. Một điều khó đọc nữa của cuốn sách chính là sự táo bạo trong cách suy nghĩ của các bạn trẻ, đối với nhiều người thì không phải dễ dàng mà chấp nhận được.

Sự khác biệt này cũng được phản ánh ngay trong nội dung cuốn sách thông qua việc xây dựng khéo léo về hai tuyến thế hệ, thông qua giọng kể của tác giả, ngôi thứ ba, trong vai một ông già 60 tuổi trải đời đã mô tả tâm lý các nhân vật chân thực và tinh tế. Đó luôn luôn là hai thế hệ đối lập cố gắng để hiểu quan điểm của nhau. Thế hệ của tác giả và nhân vật Holt bạn ông là một thế hê cũ kỹ, với những thứ âm nhạc và các bộ phim tẻ nhạt không hợp thời. Phía của họ có thể xem như đại diện cho một loại người khá truyền thống trong xã hội: Coi phục vụ trong quân ngũ là cuộc đấu tranh cao cả của một người đàn ông, tôn trọng một cuộc hôn nhân nghiêm túc với sự đồng ý của gia đình,… Đây là lớp người sẽ hành động như phần đa số chúng ta, tìm kiếm sự an toàn bằng việc ở lại quê nhà học hành và phát triển sự nghiệp, tậu nhà, xây dựng gia đình.

Đó là những người với sự tài giỏi  thăng tiến chắc chắn theo một con đường chính thống sẽ đóng góp chủ yếu vào sự xây dựng và tạo ra những thành tựu cho xã hôi văn minh. Đối lập với thế hệ này chính là những nhân vật trung tâm của cuốn sách, họ mang trong mình những giá trị mới, hiện đại và thách thức tất cả những lề lối truyền thống xưa cũ: lang bạt với những điều kiện tối thiểu, chống đối lại gia đình, trốn quân dịch, yêu đương dễ dãi, sử dụng heroin, LSD…ở trong những nhà trọ rẻ tiền.

Đừng nhầm lẫn tất cả trong số họ đều là những kẻ bỏ đi, thực tế lại có rất nhiều những người ưu tú với những quan điểm cá nhân vững vàng và kiến thức xã hội rộng lớn nhưng lại đầy bế tắc. Họ là những cá nhân đặc biệt muốn trải nghiệm cuộc sống theo cách của riêng mình. Họ, là những người mà theo tác giả, một số ít có thể là những lãnh đạo về tinh thần cho xã hội này. Chính vì thế, điểm lôi cuốn nhất của cuốn sách chính là những quan điểm về đạo đức thách thức cái nhìn thông thường. Tác giả không hẳn là cổ xúy cho những lối suy nghĩ đó, nhưng bằng một đôi mắt thấu cảm, ông không phủ nhận cũng như không hề áp đặt nhận thức của mình lên họ. Thiết nghĩ đây là một phẩm chất đáng quý mà mọi ông bố bà mẹ đều nên có. Có được điều này, nhân vật kể chuyện đã phải trải qua những kinh nghiệm thất bại trong việc nuôi dạy đứa con đẻ của chính mình, vì thế ông luôn cố gắng để hiểu hơn về những người trẻ có suy nghĩ và tư duy khác với thế hệ của mình.

Cũng là một người trẻ, tôi vừa thấy xa lạ vừa thấy gần gũi với những nhân vật trong cuốn sách. Mặc dù có sự khách biệt sâu sắc về văn hóa, không gian và thời gian, nhưng mỗi chúng ta chắc ai cũng có thể soi thấy bản thân mình trong những suy nghĩ phóng khoáng, lạc quan và hiện đại của họ, đồng thời cũng đồng cảm với những niềm trăn trở và bế tắc khi mới chạm tới lứa tuổi đôi mươi trong cuộc đời. Cũng như họ, tôi thích được đến những nơi mới mẻ, khám phá các nét lịch sử văn hóa, tôi thích không khí náo nhiệt hội hè, thích những pha cảm giác mạnh, thích âm nhạc, phim ảnh…Cũng như họ, tôi đôi lúc cảm thấy không chắc chắn sẽ phải làm thế nào với cuộc đời của mình, hoang mang tìm cho mình một lối đi.

Kết thúc cuộc hành trình, có những bài học phải trả giá bằng mạng sống, cũng có cả sự tươi đẹp viên mãn và cả sự bế tắc chưa thể tháo gỡ…Nhưng mỗi người trong số họ sau đó dường như đều có thể rút ra những hiểu biết về bản thân và những ý tưởng cho riêng mình, dù ý tưởng đó có thể thành công hay thất bại. Điều đọng lại sau khi đọc xong cuốn sách có lẽ chính là niềm cảm hứng hành động một cách can đảm để theo đuổi ước mơ, lý tưởng và những giá trị riêng cho dù nó khác biệt hay cho dù một ngày nào đó, bạn có thể bị “vỡ mộng”. Hãy cứ đi để tìm thấy chính mình, hãy cứ làm những điều mới mẻ điên rồ thay vì chết dần chết mòn trong những tháng ngày vô nghĩa, như một ông thầy giáo chán nghề nhưng vẫn cứ giảng đi giảng lại một cuốn sách hết ngày này qua năm khác một cách vô hồn. Xin được kết ở đây bằng đoạn kết của cuốn truyện khi Gretchen và Britta nói chuyện với nhau về giấc mơ Ceylon của cha Britta:

Gretchen: “Hồi ở Alte cậu nói với chúng tớ rằng lỡ có khi nào cha cậu buộc phải nhìn thấy Ceylon đúng như thực chất của nó thì ông sẽ suy sụp cơ mà.”

Britta: “…Bây giờ tớ tin rằng mọi người đàn ông đều phải xác minh những giấc mơ của mình. Và hiểu đúng bản chất của chúng.”

 

Châu Diamond

Tôi sẽ lựa chọn “người tình” thay vì “người chồng”

Featured Image: Anni Graham

 

Khổ quá! Chồng con gì? Tại sao cứ mãi gắn mác cái chuyện cũ rích ấy là vấn đề của những cô gái trưởng thành cơ chứ. Chúng ta không phủ nhận rằng tình yêu là một điều cần thiết trong cuộc đời này, là thứ đáng để bất kỳ người nào cũng nên trải nghiệm qua. Thiếu ăn thiếu uống có thể chết, còn thiếu tình yêu chẳng có một ai chết cả, có điều thêm nó sẽ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên đa sắc màu hơn, được nêm nếm nhiều gia vị hơn. Nhưng nếu được lựa chọn một mối quan hệ lý tưởng giữa nam và nữ, tôi sẽ lựa chọn “người tình” chứ không phải là một “người chồng”. Chọn một người tình lý tưởng để yêu và được yêu, chăm sóc và được chăm sóc.

Tất nhiên tôi không cổ xúy hôn nhân và nếu bạn là người đã, đang hoặc sẽ nghĩ mình tràn ngập trong hôn nhân và hạnh phúc gia đình thì tôi xin chúc mừng bạn. Bạn thực sự là người may mắn, hạnh phúc xứng đáng đến với bạn. Bạn tìm thấy được niềm vui trong những trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, hạnh phúc với việc chăm sóc và bảo vệ gia đình của mình, điều đó rất đáng ngưỡng mộ. Mọi chuyện trên đời này đều có tính hai mặt của nó, hôn nhân cũng vậy, chọn cách vượt qua những khó khăn để hưởng thụ những điều tuyệt vời của hôn nhân, đó là lựa chọn của bạn.

Còn với tôi, tôi không thích những mối quan hệ bị ràng buộc. Không có thứ tình cảm nào tồn tại mãi mãi trên thế gian này cả, những lý thuyết sáo rỗng tình yêu vĩnh cửu, ai đó là cả thế giới của mình, bạn không thể sống thiếu một ái đó nghe thật sự nhảm xít. Tất cả mối quan hệ tình cảm nảy sinh cũng đều là sự đắn đo lựa chọn, là tính toán so đo, không vì vật chất thì là cảm xúc. Nên nhớ rằng duy nhất chỉ có một mối quan hệ trên thế gian này không lựa chọn, không so đo và tồn tại mãi mãi chỉ có tình yêu của cha mẹ dành cho con cái.

Bởi thế tình yêu cũng chỉ là một dạng cảm xúc hữu hạn, nảy sinh phát triển rồi suy đồi như bao quy luật tự nhiên khác. Nói thế thôi, chứ điều này cũng không đồng nghĩa với việc bạn cho phép bản thân mình lao mình vào những mối quan hệ hời hợt, chóng vánh, điều đó chỉ thể hiện bạn là người buông thả, bôi nhọ và xem thường cuộc đời của mình. Mọi thứ – mọi mối quan hệ đều cần sự nỗ lực để xây dựng, vun vén và bồi đắp.

Còn nếu bạn nghĩ rằng mục tiêu của đời người con gái là kiếm một tấm chồng hoặc một anh người yêu để tìm một điểm tựa an toàn, một bờ vai vững chãi, một người để chăm sóc cho cho cuộc đời bạn. Bạn có nên suy nghĩ lại không? Cuộc đời bạn tại sao cần ai đó để trở thành điểm tựa trong khi bạn có thể mạnh mẽ đứng trên đôi chân của mình. Nguyên tắc căn bản để phụ nữ trở nên hạnh phúc hơn là phải độc lập, tự chủ, độc lập về tài chính, về cảm xúc, tự chủ về bản thân. Chẳng ai trên đời này có thể lo cho cuộc đời bạn, ngoại trừ chính bạn.

Chăm sóc chồng con, bảo vệ gia đình đã vô hình mặc định trở thành thứ trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của người phụ nữ bao đời nay. Tôi chứng kiến qua nhiều sự hy sinh của phụ nữ dành cho tổ ấm riêng của mình, trong mắt họ, trong suy nghĩ và tâm trí chỉ tồn tại 2 chữ “chồng con”, họ luôn dành những miếng ăn ngon nhất, những điều đẹp đẽ nhất cho gia đình mình. Tôi không muốn thế giới mình bị thu hẹp như thế. Bạn có thể gọi tôi ích kỷ, nhưng được sống với những niềm vui và đam mê riêng của mình, làm cho bản thân mình vui vẻ và hạnh phúc, trau dồi kiến thức, làm đẹp cho vẻ ngoài và tâm hồn, khám phá thế giới đầy rẫy điều thú vị, chẳng phải lý tưởng hơn sao, tôi yêu quý sự ích kỷ của mình. Chỉ khi nào bản thân mình cảm thấy hạnh phúc, mới có thể tự tin mang lại hạnh phúc cho người khác.

Còn nếu bạn còn e sợ những lời dị nghị, những bàn tán xôn xao hay lo lắng ba mẹ mình không an tâm, thì bạn phải nhận thức được cuộc sống này là của chính bạn, không phụ thuộc vào miệng lưỡi thế gian, thiên hạ chẳng ai lo cho bạn bữa cơm nào cả, chẳng ai quan tâm cuộc đời bạn sẽ trôi chảy về nơi nào. Chỉ có ba mẹ mới là những người mong muốn cho bạn hạnh phúc và vui vẻ hơn bất kỳ ai hết, nhưng họ sẽ ra sao nếu bạn chôn vùi mình trong những cuộc hôn nhân u ám, nếu đau khổ khi không tìm được hạnh phúc, hay ray rứt khi không theo đuổi được đam mê. Cũng chẳng việc gì bạn phải theo đuổi những cuộc hôn nhân nóng vội chỉ vì những dèm pha xã hội, hãy tận hưởng những thú vị của một người tự do, của những mối quan hệ không ràng buộc.

À, đọc đến đây, bạn có thể sẽ thốt lên “lại những bao biện của kẻ ế”. Ừ, ế đấy, thì sao. Mỗi người có một cách chọn lựa cuộc sống riêng của chính mình, tất nhiên chọn lựa của thời điểm này có thể sẽ không phải là lựa chọn của thời điểm khác.

 

Trang Nguyễn