26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 180

Suy gẫm cuối tuần – Trí tuệ và lòng can đảm của tuổi trẻ

Featured Image: Unknown Artist

 

Mặc dù đã có rất nhiều người đã nhiều lần nhắc đến sức mạnh của tuổi trẻ, kể cả cá nhân tôi cũng đã nhắc nhiều lần trong những năm qua, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu cả khi so với tiềm năng của tuổi trẻ Việt Nam và những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam mình.

Trong những ngày qua, chúng ta lại có thêm một số bài học từ tuổi trẻ, các bài học này có lẽ quý giá nhất trong lịch sử của thế giới trong cả 100 năm qua. Quý giá đến mức, theo tôi, cần phải được nêu ra và nhắc lại nhiều lần, nhất là với tuổi trẻ Việt Nam mình.

—–

Trước tiên, là bài học từ tuổi trẻ Hong Kong với hình ảnh của Joshua Wong

Chỉ 17 tuổi, Joshua và các bạn học sinh – sinh viên Hong Kong đã đánh thức cả xã hội Hong Kong. Nhưng những gì họ đã nhen nhúm để thành công đến mức này bắt đầu từ vài năm trước, mới chỉ vào lứa tuổi 14, 15. Họ tự đặt một tên mới “Scholarism” như là một trường phái, một định hướng nhằm đòi hỏi quyện tự chủ và sự mở rộng trong giáo dục cho tuổi trẻ Hong Kong.

Từ đó, kiến thức, nhận định của họ trưởng thành hơn xuyên qua những hoạt động cụ thể của họ, và họ nhận ra rằng thể chế chính trị quyết định chất lượng giáo dục của xã hội Hong Kong. Rồi từ đó, “Scholarism” đi đòi hỏi những điều mà “người lớn” – những tổ chức chính trị ở Hong Kong – đang đấu tranh.

Sự đòi hỏi của các bạn trẻ Hong Kong, vì không là một tổ chức chính trị nào hết, trở thành sự đòi hỏi hoàn toàn ở vị thế dân sự, cho nên họ được đại đa số bạn trẻ khác, phụ huynh, cũng như người dân Hong Kong hưởng ứng và hưởng ứng gấp bội so với những hoạt động của các đảng phái chính trị đối lập vói nhà cầm quyền Hong Kong hiện nay.

Không những các bạn trẻ tuổi chỉ từ 14 đến 22 này đã đánh thức xã hội Hong Kong, mà họ trở thành hình ảnh vĩ đại cho cả thế giới ngưỡng mộ trong nỗ lực đòi bình đẳng, tự chủ và quyền làm người.

Mặc dù có một số người Việt Nam mình sẽ cho rằng… “Vì xã hội Hong Kong đã có dân chủ từ trước nên các bạn trẻ này mói có cơ hội làm như vậy.” Tuy nhiên, có đưa ra bất kỳ lý do gì để giải thích về hiện tượng này đi nữa, thì không ai có thể phủ nhận được những điều quý giá của các bạn trẻ Hong Kong như sau:

Tuy còn rất trẻ, nhưng họ cực kỳ trưởng thành trong nhận thức; nhưng họ cực kỳ trật tự trong biểu tình với số lượng khổng lồ lên đến 200.000 người; nhưng họ cực kỳ tự chủ trong hậu cần và kết nối; và vô cùng khéo léo trong những tình huống phải đối phó với những trò dơ bẩn, khủng bố của nhà cầm quyền theo lệnh của CSTQ.

Hơn nữa, không phải “Vì xã hội Hong Kong đã có dân chủ từ trước nên…” nếu chúng ta tìm hiểu về bài học từ tuổi trẻ Pakistan trong vòng quản lý của bọn khủng bố Taliban như dưới đây.

Bài học từ Malala Yousafzai, bạn trẻ nữ 17 tuổi vừa nhận giải thưởng quý giá nhất thế giới, giải Nobel Hoà Bình 2014

Malala đã ý thức được Quyền Đi Học từ khi cô ta chỉ mới 11 tuổi, khi đó, Taliban bắt đầu cấm phụ nữ, con gái được đi học. Và những năm sau đó, bọn khủng bố Taliban đã liên tục đốt trường học nữ, khủng bố các gia đình gửi con gái đi học, v.v… nhưng Malala đã không chùn bước. Cô ta với những nỗ lực nhỏ nhoi và sự hỗ trợ của cha mình – một thi sĩ và thầy giáo – đã lên tiếng càng ngày càng mạnh mẽ, càng quyết liệt, để chống lại sự đàn áp, khủng bố của Taliban, cùng với cha cô, bất chấp hiểm nguy và bị đe doạ xử tử bởi bọn khủng bố này.

Đến tuổi 15, vào tháng /2012, Malala đã bị bọn khủng bố Taliban bắn 3 phát súng, trong đó 1 phát súng vào đầu cô ta, sau khi chúng chận chiếc xe bus chở học sinh và hỏi tên để xác định tên cô ta. Một hành động khủng bố – đối với một bé gái 15 tuổi không có một khả năng tự vệ gì hết – làm cho cả thế giới phẫn nộ.

May thay, Malala sống sót sau nhiều tháng trường hôn mê. Nhưng kinh nghiệm khủng khiếp đã không làm cho cô bé sợ hãi, mà ngược lại đã khiến cô bé còn can đảm hơn nữa.

Sau 9 tháng kể từ khi Malala bị bắn vào đầu, vào ngày sinh nhật thừ 16 của cô ta, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Malala đã phát biểu kêu gọi quyền đi học cho toàn thế giới, và ngày sinh nhật của cô ta được Liện Hiệp Quốc chọn làm “Ngày Malala”. Trong bài phát biểu này, có lẽ câu ý nghĩa nhất thể hiện được hình ảnh của Malala là:

“The terrorists thought they would change my aims and stop my ambitions, but nothing changed in my life except this: weakness, fear and hopelessness died. Strength, power and courage was born … I am not against anyone, neither am I here to speak in terms of personal revenge against the Taliban or any other terrorist group. I’m here to speak up for the right of education for every child. I want education for the sons and daughters of the Taliban and all terrorists and extremists.”

Tạm dịch:

“Những kẻ khủng bố tưởng rằng họ sẽ thay đổi định hướng và hoài bão của tôi, nhưng chẳng có điều gì của cuộc đời tôi thay đổi cả ngoại trừ: sự mềm yếu, sợ hãi và tuyệt vọng đã mất đi. Sức mạnh, năng lực và sự can đảm được sinh ra… Tôi không chống ai hết, và tôi cũng chẳng đứng đây để nói lên sự trả thù cho cá nhân tôi đối với Taliban hay bất kỳ nhóm khủng bố nào hết. Tôi chỉ muốn lên tiếng về quyền được học cho mọi đứa trẻ. Tôi muốn giáo dục cho những đứa con trai, con gái của Taliban và tất cả những nhóm khủng bố và những nhóm cực đoan.”

Vậy đó, một bạn trẻ 17 tuổi, đã chiến đấu từ 11 tuổi trong một xã hội bị Taliban cai trị, một bọ khủng bố tàn độc bật nhất của loài người. Và cô ta, như hình ảnh của lứa trẻ đầy cam đảm, trí tuệ và dấn thân cho xã hội loài người.

—–

Từ đó, một lần nữa, tôi xin khẳng định rằng:

– Đừng bao giờ nghĩ tuổi trẻ là thiếu kiến thức, thiếu nhận định đúng đắng và thiếu trí tuệ. Vì họ có thể dạy cho những “người lớn” rất nhiều điều quý giá của trí tuệ.

– Đừng bao giờ nghĩ tuổi trẻ là yếu đuối, nhút nhát và dễ sợ hãi. Vì họ có thể dạy cho những “người lớn” rất nhiều điều về lòng can đảm, kiên trì và sức mạnh.

– Đừng bao giờ nghĩ tuổi trẻ là ích kỷ, vô tâm. Vì họ có thể dạy cho những “người lớn” rất nhiều điều về sự dấn thân cho sự tốt đẹp của cả xã hội.

—–

Thế thì tại sao tuổi trẻ Việt Nam đã bao nhiêu năm qua chưa hề chứng tỏ điều gì có giá trị một cách rõ ràng?

Theo tôi, chỉ vì họ còn bị CSVN ép phải ngủ mê mà thôi. Khi họ tỉnh dậy, hoặc được đánh thức dậy, thì họ sẽ là nguồn lực chính để thay đổi xã hội Việt Nam mình thôi.

Chỉ mong họ thức dậy sớm, vì cũng ngủ cũng đã 40 năm rồi! Khá lâu… quá lâu!

 

Ngoc Diep Hoang

Challenge the status quo

Featured Image: Lora-Zombie

 

Thưa cha và mẹ,

Đầu tiên, con muốn nói rằng, nếu con cám ơn hai người vì công sinh thành, thì con đang nói dối lòng mình. Con – gồm cơ thể và tâm trí này thuộc về tạo hóa. Cũng giống như cha và mẹ ạ. Nhưng nếu nói, con cám ơn vì cha mẹ đã nuối nấng và chăm bẵm cho con, thì vừa đúng vừa không. Mặc dù cha mẹ phải vất vả để nuôi ăn và cho con hưởng nền giáo dục, với tất cả mong muốn tốt đẹp nhất, sự thật là, cha mẹ cản trở và gây hại nhiều hơn.

Nói đến đây, chắc cha mẹ sẽ trách con vì nói những điều bất hiếu và nghịch đạo làm con – nếu xét theo ý thức hệ, truyền thống Á Đông cũng như bản ngã của người làm cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng nên lấy làm mừng, vì đã có một đứa con thông minh, tỉnh táo và chân thành để nhìn nhận mọi chuyện khách quan, dám nói thẳng, nói thật. Chứ con không giả tạo và giấu diếm.

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, con hiểu rằng việc nói thật sẽ không được đón nhận, thậm chí còn bị trừng phạt ghê gớm. Dù với xã hội chúng ta từ trước đến nay, mọi người đều mong muốn sự chân thành. Nhưng thực tế thì, nói thật thì luôn bị ăn đòn nhiều hơn là phần thưởng.

Tuy phụ thuộc cha mẹ và gia đình về tài chính, nhưng về suy nghĩ và cảm nhận, con phải “chiến đấu” khá vất vả để có được sự độc lập tự chủ. Đây lại là một điểm nữa mà con nghĩ cha mẹ nên lấy làm mừng.

Vậy con viết lá thư này, là có ý gì đây?

Thưa mẹ, phải nói thật rằng, con cái hầu hết đều ghét cha mẹ. Và chừng nào, con cái được chấp nhận và sống với những gì tạo hóa ban cho, chừng nào nó có thể yêu bản thân mình và hiện thực hóa tình yêu ấy… Chừng ấy, tình cảm của chúng với cha mẹ mới thực chất và dạt dào. Cha mẹ có thể ép buộc: “Con cái phải yêu thương cha mẹ.” Được ạ, nếu cha mẹ thích hoa thật hơn là hoa giả.

Tuy vậy, nếu cha mẹ có thể kiên nhẫn để đọc và hiểu hết nỗi lòng của con, thì một tiếng cười lớn, sự nhẹ nhõm và bình yên của Trời Đất sẽ hạ xuống. Như thể, một vị thần vô hình đã trao cho cha mẹ một đóa hoa tươi thắm nhất. Ấy là phúc lạc của riêng những vị cha mẹ thông minh, và là ánh sáng dành cho tương lai của loài người.

Khi ấy, con và cha mẹ sẽ trở thành những người bạn tri kỷ, thật sự thoải mái và chân thành với nhau, chứ không hề giả dối, vụ lợi hay mù quáng. Cha mẹ lắng nghe con nhé…

Trước hết, khi 2 người làm tình với nhau và quyết định có con; cha mẹ đều còn rất trẻ, thiếu kiến thức khoa học và nhận thức về tâm lý, cũng như mù mịt về vận động thế giới xung quanh. Con trẻ không phải là “của” cha mẹ, mà là được ra đời “thông qua” cơ thể cha mẹ.

Một bộ máy tinh vi và kỳ diệu như con người, không thể chỉ có “nhấp nhấp” vài cái; treo chân lên trần, rồi trong suốt 9 tháng, tống vào người cơ man thức ăn thập cẩm mà có thể tạo ra. Hai con người, mà dù có là 2 nhà khoa học hàng đầu thế giới, với đầy đủ công nghệ tối tân nhất, cũng không thể tạo ra nổi một cặp mặt tuyệt đẹp như vậy. Thì nói, “chúng tao đẻ ra mày” là hoang tưởng.

Hơn nữa, nói “tao mang nặng đẻ đau”, để có ý trách móc khi con cái không làm đúng ý cha mẹ, là bạo lực với mình, và bạo lực với con nữa. Việc người mẹ chịu đau đớn khi sinh con, thực ra là do định kiến nhiều đời, chứ cơn đau ấy không có thật. Ở một thế giới mà con người sống tự nhiên, thuận với Đất Trời, thì sinh con đem lại khoái cảm và sung sướng tột cùng. Nói cách khác, người mẹ còn phải cảm thấy cám ơn, khi đứa con ra đời.

Trước khi quyết định sinh con, nếu cha mẹ là hai người mà chức năng suy nghĩ đã phát triển đầy đủ, hẳn sẽ phải tự hỏi nhau: “Chúng mình đã biết cách nuôi dạy một con người chưa nhỉ?” “Chúng mình đã hiểu về tâm lý con người chưa?” “Thế giới mà chúng mình đang sống, liệu có tốt nhất cho con cái lớn lên và sinh sống chưa?”

Đấy là vì sao, con nghĩ rằng, sinh con là một công việc vừa vất vả, lại vừa liều lĩnh nhất. Khi ấy, cha mẹ quả thật trẻ người non dạ.

Xuất phát từ chính suy nghĩ sai lầm, nhưng lại quá đỗi phổ biến, “con cái là của cha mẹ”… mà đủ loại bệnh dịch và tai ương bắt đầu hình thành. Cha mẹ kiểm soát, ra lệnh, cấm đoán, tác động… thậm chí là đánh đập con cái.

Con nhớ hồi con học lớp 8, vì thích một bạn gái trong lớp mà viết thư tỏ tình. Khi ấy, cha đã buộc con phải nói thật ai là người viết bức thư này. Để rồi khi nói ra, thì con bị ăn đòn. Một đứa ngu cũng hiểu rằng, nói thật là bị trừng phạt. Nếu từ gia đình đã vậy, con không nghĩ đứa trẻ khi lớn lên, sẽ trở thành một người chân thật và dũng cảm.

Vì nghĩ rằng, “con là của mình”, cha mẹ đã vô ý thức áp đặt mong muốn và nguyện vọng của mình lên con cái, chứ không mảy may một giây phút tự hỏi liệu ước mơ của con là gì. Bởi vậy, nếu không thông minh và bất tuân, cuộc đời của con sẽ chỉ là chuỗi kéo dài những mong muốn và khát khao mà cha mẹ không làm được. Đã biết bao ước mơ và tài năng thiên bẩm của con cái bị đè nén, rồi cụt quằn đến mất tích. Và hậu quả là con trẻ mất dần sự thông minh, tính tự chủ và quyết đoán.

Trớ trêu thay, khi lớn lên, cha mẹ lại mong muốn con cái mình có những đức tính như vậy. Quả thật là vừa vặn tay ga, vừa bóp phanh. Chẳng trách mà xã hội bây giờ đầy rẫy những con người tầm thường và không định hướng. Bởi tính nhân văn và cơ hội để khám phá tài năng thiên bẩm đã bị chính cha mẹ mình vô tình tiêu diệt từ trứng nước.

Cha mẹ hẳn có để ý vì sao khi con ở trong bụng mẹ, chân con đạp mạnh như vậy. Vì sao khi con ra đời, tiếng khóc của con đầy sức mạnh như thế? Vì sao tay con nắm vào như thế không? Bởi vì mỗi đứa trẻ đều được Tạo Hóa ban cho sự độc lập, khát khao sống hết mình và một tài năng độc nhất vô nhị đấy cha mẹ ạ.

Dĩ nhiên, con đủ thông minh để hiểu rằng cha mẹ nào cũng chỉ mong ước những gì tốt đẹp cho con thôi. Nhưng hiển nhiên, không thể lấy mục đích để bao biện cho cách làm sai. Và hơn nữa, cũng không thể trách cha mẹ được, bởi vì chính cha mẹ cũng bị áp đặt bởi ông bà, những thế hệ đi trước và văn hóa nữa. Nói cách khác, đây chính là căn bệnh truyền từ đời này sang đời khác. Con bất giấc nhớ tới ông Chế Lan Viên:

“Lũ chúng ta sống trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.”

Người Á Đông chúng ta nổi tiếng với căn bệnh gia trưởng và coi thường phụ nữ. Quả thật vậy

Con vẫn nhớ những trận đòn kinh hoàng, khi mà cha vì “thương nên cho roi cho vọt” đã “hóa thú” thực sự. Thời ấy, người ta chưa phổ biến luật “Bạo hành gia đình”, cũng như không nhận thức được đầy đủ về khoa học tâm lý. Khi mà những câu chê bai, thậm chí là nhục mạ của cha mẹ đã làm tổn thương con cái như thế nào. Đủ hiểu rằng vì sao mà người Á Đông thường tự ti và yếu thế như vậy, thậm chí nói không quá là kém phát triển về mặt tâm lý.

Cha thì thường là vậy. Còn mẹ? Những người mẹ hoặc là cũng tham gia cùng cha, để cách giáo dục con cái cho “thống nhất và đồng bộ”… như chủ trương của Đảng. Hoặc là nếu thương con, cũng chỉ biết đừng nhìn, cho đến khi xót quá thì dùng nước mắt để can thiệp.

Gia đình như vậy, tâm lý học có từ là “dysfunctional” hay là “đảo lộn”. Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ bị ngược đãi như vậy, khi lớn lên, lại vô thức chấp nhận bạo lực như thói thường. Nhẹ là trêu chọc, châm biếm, bôi xấu nhau. Nặng là ức hiếp, đánh đập. Cha mẹ không biết rằng, phải thông minh, nhạy cảm và kiên trì lắm, một người mới có thể chữa lành tất cả những vết thương như vậy.

Chỉ một số ít đã lành mọi vết thương. Chỉ một số nhỏ nhìn ra vấn đề. Và còn lại là mang bệnh, truyền bệnh ngược trở lại thế hệ sau trong vô thức

Xin thưa, nếu đọc từ lịch sử, thì gia đình loài người xuất phát điểm là mẫu hệ. Chỉ bởi vì dân số tăng lên chóng mặt, cộng với việc thức ăn và tài nguyên càng ngày càng khó kiếm, mà trụ cột gia đình chuyển qua tay người đàn ông. Mà dù có vậy, sự thật là mái ấm chỉ là mái ấm nếu có bàn tay của người mẹ. Chứ gà trống nuôi con thì trăm đường thiếu thốn, rồi sớm muộn, gà trống cũng phải tìm gà mái để cùng chăm con.

Con trách cha vì gia trưởng một cách ngu xuẩn. Con trách mẹ vì đánh giá quá thấp bản thân mình. Con thương cả cha lẫn mẹ vì vô thức và mù quáng bởi văn hóa và truyền thống. Viết đến đây, mẹ hiểu vì sao con phát sốt khi thấy ông bố bà mẹ nào mắng con, đánh con rồi chứ?

Trẻ em là những sinh linh thông minh và cực kỳ mỏng manh. Trớ trêu thay, chúng cũng là tầng lớp bị coi thường và đối xử tệ nhất trong xã hội. Chỉ vì một ý tưởng, người ta chẳng thèm kiểm chứng mà đem ngay trẻ con ra để thí nghiệm. Cha mẹ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của đủ loại bệnh tật và ngu xuẩn.

Cha mẹ đâu có coi con cái như một con người đúng nghĩa đâu nhỉ? Đôi khi, con cảm thấy, cha mẹ coi con cái như thú cưng, nhiều hơn là con người. Cha mẹ có thể bỏ cả chục triệu để hối lộ cho sếp, chi cả trăm triệu để mua quan tài gỗ vàng tâm cho người chết. Nhưng lại con là chuyện bình thường nếu cho con đi ăn KFC và mỳ ăn liền qua bữa. Cha mẹ có thể là những chính trị gia đấu tranh vì tự do dân chủ, hay là nhà hoạt động xã hội nhiệt tình với công việc từ thiện, nhưng lại áp đặt và quân phiệt với con cái, và keo kiệt vì sợ con hư.

Thật kỳ lạ, khi một đứa trẻ hư, người ta sẵn sàng đổ tại nó, đổ tại cách giáo dục của cha mẹ nó rất tự động. Nhưng không ai đặt câu hỏi, vì sao những ông bố bà mẹ như vậy lại được phép sinh con? Ai là người nuôi nấng và dạy dỗ những bậc cha mẹ ấy?

Hay người ta có hỏi, nhưng không dám trả lời?

Nhìn những ông bố bà mẹ trẻ, con tự hỏi, liệu họ có biết rằng dân số đông là một vấn nạn của xã hội ngày nay hay không? Liệu họ có biết là ở thành phố lớn, môi trường cực kỳ ô nhiễm, đến không gian cho người cao tuổi tập thể dục, cơ sở vật chất cho thanh niên chơi thể thao còn thiếu… thì lấy đâu ra chỗ cho con trẻ phát triển thể chất?

Ai cũng kêu ca rằng phải cải cách giáo dục. Ai cũng phàn nàn rằng kinh tế đói kém. Ai cũng thấy là đời sống con người chưa tự do và văn minh. Vậy mà họ vẫn quyết định đẻ con? Nhiều cặp vợ chồng, đến kiếm tiền nuôi thân chưa đủ, vậy mà vẫn đẻ? Họ sẵn sàng tống con cái mình vào bất kỳ ngôi trường nào để rảnh tay kiếm cơm. Họ nhanh nhẩu, “vì con em chúng ta… đánh bỏ cha con em nhà chúng nó”, trong công việc, trong đời sống hàng ngày. Tất cả chỉ vì cái ý tưởng, “con cái là của mình”.

Dĩ nhiên, con không là ai để có quyền phán xét. Nhưng hẳn, những vị ấy rất thiếu thông tin và chẳng suy nghĩ thấu đáo. Cho nên, các nhà văn, nhà báo, người ta phải dùng bút danh, nghệ danh… để viết ra sự thật. Chứ không ai dại mà dùng tên thật.

Nhưng nếu chỉ một cá nhân như con mà đã có những suy nghĩ như vậy, thì theo quy luật đồng bộ của ông Carl Jung, hay như tiếng Việt có câu, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; hẳn sẽ nhiều người cũng chia sẻ với con như vậy.

Những hoang tưởng của cha mẹ phải chấm dứt, và chắc chắn sẽ như vậy, chỉ là sớm hay muộn. Để thế hệ sau sẽ có một cuộc sống tốt hơn hẳn, một cách triệt để. Rằng chúng sẽ phải được tôn trọng như một công dân đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ ngay từ gia đình. Rằng những cái sai, cái thiển cận, cái hoang tưởng của truyền thống và văn hóa phải chấm dứt. Rằng trẻ con sẽ được quyền tự chủ quyết định, độc lập tư duy và được cha mẹ tạo cơ hội để phát triển tài năng thiên bẩm của mình, ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Cha mẹ à, những cái sai là của thời đại và văn hóa, nên hai người đừng rơi vào mặc cảm nhé. Sự đau đớn khi bị con cái chỉ trích sẽ qua nhanh, và nó chính là khởi đầu của tình cảm chân thật đấy. Muốn hiểu con trẻ dễ lắm, hãy ôm nó vào lòng, rồi nắm tay, nhìn vào mắt con, cha mẹ sẽ hiểu hết.

Cuộc sống đơn giản lắm, con cái không cần bất kỳ sự giáo dục nào hết. Chúng chỉ cần tình thương, tự do và sự thấu hiểu thôi. Trồng người như trồng cây vậy, cho chúng phân bón để xanh lá, cho chúng khoảng không để bắt rễ, cho chúng tự do được sống cùng nắng, cùng gió, cùng chim, ngày và đêm, những ngày đẹp trời và cả những ngày không đẹp, và chúng sẽ lớn.

Quan trọng nhất, để chúng có quyền được hỏi và quyền được nói thật, sống thật.

Con cám ơn cha mẹ.

 

Dao Quang

Qua vũng ngày xanh

 Featured Image: Noah Weiner

Ngày xanh còn tiếc tình chim sẻ
ngậm im bên góc phố già nua
ngậm im bên phiến chiều lịm lịm
hơi thở vòng xoay dấu cợt đùa

ngày xanh còn tiếc lời thoái hóa
băng hoại vòng ôm một vô hình
tinh khôi về trách thầm sợi bạc
triệu hồi cơn mất ngủ nguyên trinh

ngày xanh thay lá sau cửa sổ
lặng lặng rời tay cánh di thê
nghe rêu tê dại từng con chữ
ký vãng chiều nay chợt trổ về.

 

Phương Uy
11.10.14

Sài gòn về đêm

Featured Image: Pham Van Huong

 

Trong cuộc sống, có đôi khi những món quà thật ý nghĩa lại xuất phát từ một sự không may nào đó. Lịch trình nhạt nhẽo của một ngày như mọi ngày bị phá vỡ, nó đưa ta bước đi trên một con đường vô định, nó bắt ta phải dừng lại để suy nghĩ “mình phải làm gì tiếp theo?”. Đó là những gì mà tôi gặp phải trong một ngày rất bình thường gần đây.

Sẽ phải làm gì ở ngoài lúc 1 giờ đêm khi những kẻ ở chung phòng trọ thì say mèm và tắt điện thoại? nếu bạn là tôi, luôn mở máy để khi họ đi làm về dù rất khuya vẫn mở cửa, rồi đến phiên mình lại bị cho ở ngoài thì chắc sẽ giận lắm. Cuộc sống này có rất nhiều việc không như ta muốn, nó làm ta thất vọng, làm ta chán chường nhưng nó cũng cho ta những điều rất tuyệt vời. Và điều tuyệt vời nhất của tôi lúc ấy chính là em. Như một sự tình cờ, em gọi điện cho tôi, những lời an ủi ngọt ngào của em làm lòng tôi thấy bình yên hơn, ấm áp hơn dù trời thì mang cái lành lạnh của mùa đông Sài Gòn.

– “Vậy anh thuê khách sạn để ngủ đi. Khi nào đến khách sạn thì gọi em, em sẽ… sẽ… chúc anh ngủ ngon hihi!!”

– “Em! Chắc anh sẽ không ngủ khách sạn đâu, anh không quen ngủ nơi ấy khi chỉ có một mình. Anh sợ ma lắm! anh sẽ chạy quanh Sài Gòn vậy. Sài Gòn về khuya cũng có nhiều điều để nhìn.”

– “Đây là một ý hay, anh hãy quan sát và nhớ viết bài cho em đọc nhé. Thôi em đi ngủ đây. Bye anh!”

– “Hôn em! Chúc em ngủ ngon. Anh yêu em!”

Thế là cuộc hành trình ngoài dự kiến của tôi bắt đầu. Tôi biết, với nhiều người, Sài gòn về khuya cũng rất bình thường, nó bình thường vì họ chứng kiến nhiều lần lắm. Nhưng với tôi thì đây là lần đầu tiên thật sự quan sát và cảm nhận nó.

Từng cơn gió lạnh tạt qua trên con đường vắng, thật vắng lặng nếu so với sự đông đúc ồn ào của ban ngày. Đôi khi có những chiếc lá hay bao nylon bay lên, lại có con đường chỉ mang cái lạnh với không gian im lắng.

Người bạn đầu tiên của khuya Sài Gòn mà tôi thấy chính là những bác xe ôm đang nằm vắt mình trên xe. Có lẽ họ ngủ một tí hay lo nghĩ về cuộc sống khi một ngày mới bắt đầu. Làm bạn với những bác xe ôm thường là những quán nước vỉa hè nơi góc đường. Tôi tạt vào quán nước làm một ly cà phê cho mình tỉnh táo.

Lâu lâu trên đường vẫn có những chiếc xe gắn máy vụt qua với yên sau mang đầy rau cải. Tất cả những chiếc xe thế này sẽ mang nguồn thực phẩm ở nông thôn đến các chợ để chuẩn bị cho các bà nội trợ vào sáng sớm. Thông thường khi bạn bỏ tiền ra mua một thứ gì đó, bạn chỉ thấy được sản phẩm cuối cùng mà thôi. Hãy một lần thử đi ngược dòng của sản phẩm đó, bạn sẽ thấy đó cũng là cuộc phiêu lưu không kém phần thú vị. Chính cái sản phẩm trên tay bạn đã tạo ra một mối liên kết không ngờ đối với những con người ở những nơi xa nhau và không hề biết nhau. Mỗi sản phẩm như một con người trong đời người. Dòng đời đó có ánh sáng, cũng có bóng tối, trải qua nhiều giai đoạn. Nếu mỗi giai đoạn đều được trau chuốt cho tốt thì sản phẩm cuối cùng sẽ mang chất lượng cao. Con người chẳng phải cũng thế hay sao?

“Con ơi đi không?” – Đó là câu mời chào của một “bóng hồng” hơn 55 tuổi. Trên con đường ấy mỗi góc cây là một bóng hồng. Có bóng hồng đứng dựa vào tường với điếu thuốc trên môi, có bóng hồng ngồi co ro với thân mình run vì lạnh. Tôi tự hỏi lòng mình: “Làm sao nên nông nỗi thế?” Vì bản thân họ hay vì xã hội khiến họ phải thế? Là do một phút sa chân hay một sự kém may mắn nào đó khiến họ sinh ra trong nghèo hèn và vô học? Tôi chợt thấy buồn cười khi một ai đó cảm thấy tự hào vì mình không giống họ hay vì mình giàu có hơn người khác, hay học thức hơn. Thử hỏi nếu những người đó sinh ra trong một gia đình oan trái, một hoàn cảnh trái ngang thì liệu họ có thoát ra khỏi vũng bùn đó hay không? Sẽ có người bảo rằng – tôi sẽ vượt qua. Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó vô cùng. Vì vậy riêng tôi nghĩ – đừng tự hào vì ta có nhiều thứ hơn người khác, mà hãy tự hào vì sự cố gắng vươn lên của ta có nhiều hơn.

Nếu có người hỏi bạn công trình kến trúc nào của Sài Gòn về đêm là đẹp nhất thì bạn nhớ đáp đó là “ủy ban nhân dân thành phố” và sau đó là “nhà hát lớn thành phố”, rồi đến “nhà thờ đức bà” và “bưu điện thành phố”. Đó là những công trình mang tính văn hóa – lịch sử của Sài Gòn. Dù bên cạnh có biết bao nhà cao tầng mọc lên nhưng những cái mới ấy mãi luôn khom mình trước vẻ đẹp của những giá trị xưa củ. Từng có một thời cái công việc bảo vệ những giá trị ấy trở nên vô cùng cấp thiết. Với tôi giá trị của một nơi nào đó không nằm ở sự đồ sộ của nó mà nằm ở linh hồn đặc trưng của chính nó.

Nếu một thành phố không có những thứ giá trị cao quý nền tảng thì nó khác gì một cô gái điếm diêm dúa rẻ tiền? Bạn hãy thử đi dạo Sài Gòn về khuya, khi con người đang ngủ, bạn sẽ biết trái tim và linh hồn nó nằm ở đâu. Không phải những tòa nhà cao chót vót với khung kính giá lạnh, mà là những công trình kiến trúc tồn tại từ xưa đến giờ. Nhìn thành phố tôi lại nghĩ đến thân phận con người. Trong nó là sự đấu tranh của cũ và mới, nếu chỉ chuộng cái cũ thì ngừng lại trên con đường phát triển. Nếu xóa hết cái cũ để chạy theo cái mới thì khác chi rời bỏ cái gốc của mình để làm thân cỏ dại, mà cỏ dại thì khi có gió bão sẽ tróc gốc mà héo tàn. Có lẽ lựa chọn hợp lý nhất là hài hòa giữa cũ và mới, biết chọn lọc những gì có giá trị thật sự để giữ lại.

Đã 3 giờ sáng, tôi dựng xe bên lề trước bưu điện thành phố bên hông nhà thờ đức bà. Trước bồn hoa Đức Mẹ có vài người đang cầu nguyện. Một chiếc xe đạp, một chiếc xe gắn máy và một chiếc ô tô, niềm tin vào sự thiên liêng và hy vọng vào ngày mai tươi đẹp không từ chối một ai. Hay nói cách khác, dù bạn là ai, bạn giàu hay nghèo, bạn tốt hay xấu thì mong ước lớn nhất của bạn luôn là bình yên và hạnh phúc. Vì vậy hãy nhớ nguyện cầu về những điều tốt lành đó luôn luôn. Sẽ có ơn trên soi sáng hay ít ra khi nghĩ về điều gì đó nhiều hơn thì ta dễ nhìn thấy và nắm bắt nó hơn.

Đã có bác xe ôm, cô bán nước, những bóng hồng ven đường, những người chở hàng, vài người cầu nguyện.. thì không thể thiếu một người bạn vô cùng thân thiết của Sài Gòn là những người quét lá trên đường. Bạn có biết sau những công trình kiến trúc thì điều gì là đẹp nhất hay không? Xin thưa đó chính là họ. Tôi kinh ngạc trước vũ điệu quét lá của những con người đó, họ đi lùi rồi quét chổi ngang bên phải, rồi trở tay quét ngang bên trái. Đó là một động tác mang tính dưỡng sinh cao, họ quét lá như khiêu vũ, vô cùng chăm chú. Họ quét như một nghệ sĩ luôn đặt tất cả tinh thần vào một bức vẽ hay như đang trình bày một ca khúc tuyệt diệu. Tôi kinh ngạc vì vẻ đẹp đó, tôi kinh ngạc vì nó toát lên từ một công việc mà ta cho rằng là đơn giản và tầm thường. Phải chăng cái đẹp không nằm ở sự giản đơn hay phức tạp mà nằm ở trái tim ta đặt vào nó?

5 giờ có lẽ phòng trọ vẫn chưa mở cửa nên tôi cũng theo mọi người vào công viên để tập thể dục buổi sáng. Tất nhiên, sau một ngày làm việc, một đêm không ngủ thì tôi không còn sức đâu để chạy bộ nữa. Tôi bước đi theo dòng người trong công viên Tao Đàn. Những tán cây lớn nhòa trong sương sớm, những con người đi nhanh về phía trước với áo đầy mồ hôi. Đa số họ có tuổi vượt qua 50, khá ít thanh niên. Phải chăng ta chỉ làm điều gì đó khi cuộc sống bắt ta phải thế dù ta biết nếu ta làm sớm hơn thì sẽ tốt hơn? Đó thường là lựa chọn của phần đông con người. Khi cơ thể già nua và mỏi mệt mới biết chăm sóc nó, nhưng liệu có kịp hay không? Nhưng mà tôi cũng thế thì còn biết nói ai?

Thật dài cho một chuyến hành trình xuyên đêm nhưng cũng thật ngắn khi so với một đời người. Lại thật nhiều bổ ích khi so với những gì ta tìm được qua một ngày như mọi ngày mà ta vẫn sống. Sau một đêm không ngủ, tôi nghĩ mình cần nói với em một lời mà tôi rất muốn nói:

Cảm ơn em rất nhiều – người đã làm thay đổi tâm hồn tôi

 

Mắt Đời

Thị trường và đạo đức (kỳ 10)

 

Leonid V. Nikonov – Đạo lý của bình đẳng và bất bình đẳng trong xã hội thị trường

Trong tiểu luận này, nhà triết học Nga Leonid Nikonov khảo sát có phê phán một cách kỹ lưỡng ý tưởng về “bình đẳng” trong nền kinh tế thị trường và thấy rằng phần lớn những lời phê phán mang tính bài tư bản dựa trên đòi hỏi về bình đẳng – dù đấy có là bình đẳng về khả năng, bình đẳng về giá trị hay về kết quả – là không phù hợp. Leonid Nikonov là giảng viên triết học tại trường đại học tổng hợp quốc gia Altai ở Barnaul, cộng hòa liên bang Nga. Ông giảng dạy các môn như triết học, bản thể học, nhận thức luận, và triết học tôn giáo. Hiện nay ông đang viết tác phẩm với nhan đề Khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa tự do (Moral Measurements of Liberalism) và đã từng công bố nhiều bài viết trên các ấn phẩm mang tính hàn lâm của Nga.

Năm 2010 ông thành lập và sau đó trở thành giám đốc Trung tâm triết lý của tự do, trung tâm này thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo và thảo luận cũng như những chương trình khác ở Nga và Kazakhstan. Ông càng gắn bó hơn với công việc đó sau khi giành giải nhất cuộc thi (ở Nga) diễn ra vào năm 2007 viết về đề tài Chủ nghĩa tư bản thế giới và quyền tự do của con người, một cuộc thi tương tự như cuộc thi do quỹ Students For Liberty diễn ra vào năm 2011 và tham gia giảng dạy cho khóa học về tự do diễn ra vào mùa hè ở Alushta, Ukraine. (Chương trình lúc đó do Cato.ru, còn hiện nay thì do InLiberty.ru sắp xếp). Năm 2011 ông được mời làm thành viên trẻ của tổ chức Mont Pelerin Society, một tổ chức do 39 nhà khoa học thành lập vào năm 1947 nhằm khôi phục lại những tư tưởng tự do truyền thống.

______________________________________________________________

Thị trường không nhất thiết phải tạo ra kết quả như nhau cũng như không đòi hỏi mọi người phải có khả năng như nhau. Nhưng để có thị trường thì đấy là cái giá đáng phải trả. Bất bình đẳng không chỉ đơn thuần là kết quả bình thường của sự trao đổi trên thương trường. Nó là điều kiện tiên quyết của quá trình trao đổi, không có nó thì trao đổi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Hy vọng rằng những vụ trao đổi trên thương trường và xã hội thị trường, trong đó tài sản được phân bố thông qua thị trường, sẽ tạo ra sự bình đẳng là hy vọng hão huyền. Bình đẳng về những quyền căn bản, trong đó có bình đẳng về quyền tự do trao đổi, là nhu cầu thiết yếu của thị trường tự do, nhưng đừng nghĩ rằng thị trường tự do sẽ tạo ra kết quả như nhau cho tất cả mọi người, cũng như thị trường tự do không cần sự bình đẳng về điều kiện nào khác, ngoài bình đẳng trước pháp luật.

Có thể coi lý tưởng của quá trình trao đổi bình đẳng là sự bình đẳng về khả năng ban đầu hoặc bình đẳng vể kết quả chung cuộc. Nếu hiểu theo nghĩa bình đẳng về khả năng thì chỉ có những người ngang nhau về mọi khả năng liên quan mới có thể tham gia vào quá trình trao đổi bình đẳng, bất kỳ sự khác biệt nào cũng tạo ra trao đổi bất bình đẳng, đấy là lý do vì sao một số người bác bỏ hợp đồng lao động – vì sự bất bình đẳng (và vì vậy mà bất công) – giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu hiểu theo nghĩa bình đẳng về kết quả chung cuộc thì nghĩa là chỉ những giá trị ngang nhau mới được mang ra trao đổi hoặc sau khi trao đổi người ta sẽ nhận được những giá trị như nhau.

Thí dụ, cùng một số lượng hàng hóa với chất lượng như nhau được chuyển từ phía này sang phía kia thì cuộc trao đổi sẽ đáp ứng được điều kiện bình đẳng. Hãy tưởng tượng một cảnh kỳ quái, trong đó hai sinh vật có hình dạng giống như con người, hoàn toàn giống nhau (để tránh sự khác biệt tạo ra bất bình đẳng), chuyển giao cho nhau những món đồ hoàn toàn giống nhau. Bỏ qua một bên xúc cảm thẩm mỹ mà ta có thể có trước bức tranh trái tự nhiên này, ý nghĩa mà nó có thể gợi ra là ý tưởng về trao đổi bình đẳng là ý tưởng đầy mâu thuẫn. Trao đổi như thế chẳng làm thay đổi được gì, nó chẳng cải thiện được địa vị của bất cứ bên nào, nghĩa là chẳng bên nào có lý do để trao đổi hết.

(Karl Marx khăng khăng nói rằng trao đổi trên thương trường là dựa trên sự trao đổi của những giá trị ngang nhau, điều đó đã tạo ra một lý thuyết kinh tế vô nghĩa lý và chẳng ăn nhập gì với thực tế hết). Gắn trao đổi trên thương trường với nguyên tắc bình đẳng là đã tước đi chính lý do của sự trao đổi, mà lý do là các bên trao đổi để lấy cái tốt hơn. Về mặt kinh tế học, trao đổi là dựa trên sự công nhận về cách đánh giá khác nhau của các bên tham gia trao đổi.

Tuy nhiên, xét về mặt đạo đức, tư tưởng bình đẳng có thể là tư tưởng hấp dẫn đối với một số người. Đặc điểm chung của nhiều đánh giá mang tính đạo đức là chúng thường hình thành trên quan niệm về trách nhiệm, chỉ quan tâm tới việc phải làm chứ không quan tâm tới khía cạnh kinh tế hay cái thực sự hiện có hoặc thậm chí không quan tâm tới cái sẽ xuất hiện sau đã làm cái phải làm. Thí dụ, theo Immanuel Kant thì trách nhiệm đòi hỏi phải thực thi, bất chấp kết quả và hậu quả và thậm chí bất chấp cả khả năng thực hiện cái cần phải làm. Nói “anh phải” cũng có nghĩa là nói “anh có thể”. Cho nên, mặc dù bình đẳng trong trao đổi là lố bịch về mặt kinh tế, nhưng nó vẫn (và đang) được coi là lý tưởng về mặt đạo đức.

Bình đẳng – như một vấn đề đạo đức – là một chủ đề phức tạp. Chúng ta có thể phân biệt hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất: bình đẳng là mối quan tâm chủ yếu (những người theo chủ nghĩa bình quân) và quan điểm thứ hai: bình đẳng không phải là chủ yếu (những người không theo chủ nghĩa bình quân). Những người không theo chủ nghĩa bình quân không cần khẳng định bình đẳng là đáng mong muốn hay không đáng mong muốn, họ chỉ bác bỏ việc coi bình đẳng là mục đích nhằm loại bỏ những mục đích khác, đặc biệt là tập trung vào việc bảo đảm cho sự bình đẳng về mặt vật chất. Những người tự-do-phi-bình-quân-chủ-nghĩa khẳng định tầm quan trọng của một số quyền bình đẳng, mà cụ thể là bình đẳng về những quyền căn bản, họ cho rằng quyền bình đẳng này không phải là bình đẳng về kết quả, cho nên cũng có thể coi họ là những người theo chủ nghĩa bình quân kiểu khác. (Người dân trong các xã hội hiện đại và tự do coi bình đẳng về quyền là nền tảng của luật pháp, của quyền sở hữu và lòng khoan dung). Những người tự-do-phi-bình-quân-chủ-nghĩa cổ điển và những người theo phái tự do cổ điển bảo vệ quan điểm của họ, họ coi đấy là hình thức bình đẳng trong sáng nhất hay phù hợp nhất hoặc ổn định nhất, còn những người biện hộ cho quyền bình đẳng trong “phân phối” tài sản lại tuyên bố rằng bình đẳng của phái tự do là bình đẳng chỉ mang tính hình thức, bình đẳng trên lời nói chứ không phải trên thực tế. (Họ cho rằng bình đẳng trước pháp luật chỉ là nói về suy nghĩ và hành động của người ta chứ không nói về tình trạng đáng mong ước của thế giới hay của phân bố tài sản. Coi cách tiếp cận với quyền bình đẳng như thế chỉ là hình thức chứ không phải là thực chất phụ thuộc vào quan niệm của người ta về vai trò của thủ tục pháp lý và tiêu chuẩn hành vi).

Thật khó thảo luận những vấn đề triết học phức tạp trước khi chúng được trình bày một cách rõ ràng hoặc được đặt ra một cách đúng đắn. Các nhà triết học cả ở phương Đông lẫn phương Tây đã nêu ra các học thuyết về đạo đức cách đây hàng ngàn năm, tức là trước khi có những phân tích về những đánh giá liên quan đến trách nhiệm và lập luận hiển ngôn. David Hume là người đầu tiên thực hiện công trình nghiên cứu theo hướng này, sau đó là Immanuel Kant và những triết gia theo trường phái thực chứng khác như George Moore, Alfred Ayer, Richard Hare ..v..v..; công việc nghiên cứu vẫn còn tiếp tục.

Mặc dù cuộc tranh luận giữa những người theo chủ nghĩa bình quân và những người không theo chủ nghĩa bình quân không chỉ giới hạn trong việc xem xét quan hệ hợp lý giữa bình đẳng và đạo đức, tìm hiểu mối quan hệ giữa bình đẳng và đạo đức sẽ là đóng góp có giá trị vào cuộc tranh luận sôi nổi, đang diễn ra hiện nay, về việc liệu dùng vũ lực để tái phân phối lượng tài sản bất bình đẳng do thị trường tạo ra là việc làm hợp đạo lý hay là đáng phải bị cấm, nếu xét về mặt đạo lý. (Điều này khác hẳn với vấn đề là tài sản của những người chủ sở hữu hợp pháp bị nhà cầm quyền hay những kẻ tội phạm chiếm đoạt phải được trả về cho khổ chủ).

Xin xem xét vấn đề đạo đức của sự công bằng thông qua một câu hỏi đơn giản sau đây: Tại sao bình đẳng – dù đấy là bình đẳng về khả năng ban đầu hay bình đẳng về kết quả chung cuộc thì cũng thế – về mặt đạo đức, lại ưu việt hơn là bất bình đẳng (hoặc ngược lại)? Muốn tìm được câu trả lời cho cuộc tranh luận như thế thì phải hỏi trực tiếp cả những người theo chủ nghĩa bình quân lẫn những người không theo chủ nghĩa bình quân.

Phạm vi của những câu trả lời khả thể là có giới hạn. Trước hết, người ta có thể quyết định những tỷ lệ số học cụ thể nào đó (về bình đẳng hoặc bất bình đẳng) là tốt hơn những tỷ lệ khác. Thí dụ, tỷ lệ giữa X với Y là đức hạnh hơn nếu giá trị của các biến số này bằng nhau và kém đức hạnh hơn nếu các biến số này không bằng nhau, nghĩa là tỷ lệ 1:1 tốt hơn tỷ lệ 1:2 (và càng đức hạnh hơn so với tỷ lệ 1:10). Mặc dù dường như quan điểm như thế là rất rõ ràng, nhưng vấn đề đạo đức lại không dễ giải quyết như thế. Các giá trị không thể được rút ra từ những biểu thức toán học, bản thân những biểu thức này vốn đã trung tính về mặt đạo đức rồi. Khẳng định rằng tỷ lệ toán học này là ưu việt hơn tỷ lệ toán học kia là việc làm cực kỳ tùy tiện, chẳng khác gì hành động kỳ quặc của những đồ đệ của Pythagor, những người đã phân chia các con số thành giống đực, giống cái, đáng yêu, tốt, xấu ..v..v..

Tốt hơn là không nên tập trung vào sự bình đẳng về khả năng ban đầu hay kết quả chung cuộc mà nên tập trung vào đức hạnh của từng cá nhân, coi đấy là cơ sở để đánh giá những mối quan hệ (trong đó có quan hệ trao đổi) giữa các cá nhân với nhau. Theo đó: không ai có đức hơn (hoặc kém đức hơn) người khác hay ngược lại, một số người có đức hơn (hoặc kém đức hơn) những người khác. Trên cơ sở đó ta có thể nói rằng đòi hỏi bình đẳng về khả năng ban đầu hay kết quả là đáng mong muốn hay không đáng mong muốn. Cả hai quan điểm đều cùng hội tụ về một điểm là cần tái phân phối bằng bạo lực nhằm xóa bỏ hay thiết lập sự bất bình đẳng, trong cả hai trường hợp, luận cứ quan trọng nhất là đức hạnh của các bên, mặc dù giữa ý tưởng về đạo đức của người ta và địa vị hiện có của người ta là những khái niệm cách nhau một trời một vực, không thể nào kết nối với nhau được. Nói một cách cụ thể hơn thì vấn đề chính là quan hệ giữa, một bên là đức hạnh và bên kia là số lượng hay giá trị tài sản mà một người nào đó đang nắm giữ.

Chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa mà hỏi rằng vì sao mỗi buổi sáng hai người đức hạnh như nhau lại phải uống cùng số lượng hay cùng số tiền cà phê như nhau? Hoặc liệu một người nhân từ và ông hàng xóm keo kiệt của ông ta, cả hai đều có đạo đức như nhau (hoặc họ có như nhau không?), lại phải hay không được sở hữu số chậu lan như nhau? Những người có đạo đức như nhau dường như không có biểu hiện gì rõ ràng là họ bình đẳng về khả năng hay tiêu dùng hoặc tài sản mà họ nắm giữ là như nhau. Hãy xem xét quan hệ của hai người chơi cờ có đạo đức như nhau. Đạo đức như nhau có phải là tài nghệ như nhau hay ván cờ nào cũng hòa hay không? Hay họ phải theo cùng luật chơi, và điều này sẽ kéo theo là không thể có quy định mang tính quy chuẩn là tất cả các ván cờ đều sẽ hòa.

Như vậy là, không có mối liên hệ nào giữa đức hạnh với khả năng ban đầu hay kết quả cụ thể. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào hành vi hay luật lệ chứ không chú ý vào khả năng ban đầu hay kết quả chung cuộc thì chúng ta sẽ thấy là tình hình công việc là do hành động, sự lựa chọn và (nhất là trong những trường hợp tội phạm) ý định. Một người có bao nhiêu tiền trong túi và số tiền này lớn hơn hay nhỏ hơn số tiền trong túi của người hàng xóm, tự bản thân nó không phải là thành tố mang tính đạo đức. Vấn đề là số tiền đó từ đâu mà ra. Một ông trùm tư bản và một người lái taxi đều có thể được coi là người có đạo đức hay không đạo đức, tất cả phụ thuộc vào việc là hành động của người đó có tương thích với những tiêu chuẩn đạo đức phổ quát hay là không, thí dụ như họ có tôn trọng những quy tắc công lý và những tiêu chuẩn đạo đức vốn có trong họ và trong những người khác hay không.

Người ta ca ngợi hay phê phán một người không phải vì anh ta giàu hay nghèo mà vì hành động mà anh ta làm. Địa vị khác nhau tạo ra khả năng khác nhau trong việc thực hiện những hành vi tốt hay xấu, đạo đức hay vô đạo, công bằng hay bất công, nhưng những tiêu chuẩn vừa nói bên trên – chứ không phải khả năng ban đầu hay kết quả cuối cùng – mới chi phối hành vi của con người. Sử dụng một cách bình đẳng các tiêu chuẩn đạo đức là cơ sở để chúng ta đánh giá hành vi của một người là có phù hợp đạo lý hay không. Bình đẳng về mặt đạo đức nghĩa là tội ác là tội ác, dù người lái taxi hay một ông trùm tư bản thực hiện thì cũng vậy mà thôi, và buôn bán trung thực tạo ra lợi nhuận vẫn là buôn bán trung thực, do hai người lái taxi hay hai ông trùm tư bản hoặc một ông trùm tư bản và một người lái taxi buôn bán với nhau thì cũng thế.

Xin quay trở lại với quan hệ giữa tài sản và bình đẳng. Tài sản mà người ta có có thể là kết quả của hành vi đúng đắn hay dùng bạo lực cướp đoạt. Trao đổi trên thị trường tự do có thể tạo ra bất bình đẳng hơn hoặc bình đẳng hơn, nhà nước can thiệp hoặc tái phân phối cũng có thể tạo ra bất bình đẳng hơn hoặc bình đẳng hơn. Không thể nói trước được là những hình thức tương tác như thế là bình đẳng hay bất bình đẳng. Một doanh nhân có thể tạo ra của cải và vì vậy mà giàu hơn người khác, ngay cả khi tài sản được tạo ra cũng có lợi cho người kia. Trao đổi trên thị trường tự do có thể làm cho mọi người bình đẳng hơn: thịnh vượng lan rộng và xói mòn dần đặc quyền đặc lợi bất công mà một số người được thừa hưởng từ những hệ thống cũ.

Một người ăn cắp của một người nào đó và vì vậy mà có nhiều tài sản hơn nạn nhân, kết quả là bất bình đẳng hơn; còn nếu hắn lại bị mất cắp thì sẽ có bình đẳng hơn. Tương tự như thế, sự can thiệp của các lực lượng cưỡng bức có tổ chức của nhà nước có thể tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về tài sản – bằng cách chà đạp quyền lựa chọn của những người tham gia trên thương trường (chủ nghĩa bảo hộ, tài trợ và “độc quyền để thu lợi”) hoặc đơn giản là sử dụng bạo lực và cưỡng bức, như đã từng xảy ra trong các nước theo chế độ cộng sản. (Tuyên bố hi sinh vì bình đẳng không có nghĩa là thực sự tạo ra bình đẳng, như kinh nghiệm cay đắng của hàng chục năm qua đã cho thấy).

Dù hệ thống pháp luật hay hệ thống kinh tế có làm cho người ta tiến đến gần hơn hay xa hơn bình đẳng về thu nhập thì đấy vẫn chỉ là vấn đề thực tiễn chứ không phải là vấn đề lý thuyết. Báo cáo về mức độ tự do kinh tế thế giới (The Economic Freedom of the World Report -www.freetheworld.com) đo mức độ tự do kinh tế và sau đó tiến hành so sánh nó với những chỉ số thể hiện mức độ thịnh vượng khác nhau (tuổi thọ, trình độ học vấn, mức độ tham nhũng, thu nhập tính trên đầu người..v.v..). Số liệu cho thấy rằng dân chúng trong những nước có nền kinh tế tự do nhất không chỉ giàu có hơn hẳn dân chúng các nước có nền kinh tế ít tự do hơn, mà bất bình đẳng về thu nhập (cụ thể là phần thu nhập quốc dân mà 10% người nghèo nhất được hưởng) không phải là đặc điểm của những chính sách khác nhau, nhưng tổng thu nhập của họ thì lại là đặc điểm như thế.

Nếu chia các nước trên thế giới thành 4 nhóm (mỗi nhóm chiếm 25% dân số thế giới) thì phần thu nhập quốc dân mà 10% người nghèo nhất trong nhóm nước có nền kinh tế ít tự do nhất (trong đó có những nước như Zimbabwe, Myanmar và Syria) được hưởng trong năm 2008 (năm gần nhất có số liệu) là 2,47%; trong nhóm tiếp theo (đứng tứ ba về tự do kinh tế) con số đó là 2,19%; nhóm tiếp theo (đứng thứ hai về tự do kinh tế) con số đó là 2,27%; còn nhóm tự do nhất là: 2,58%. Mức độ dao động không phải là lớn. Có thể nói bất bình đẳng về kinh tế dường như miễn nhiễm đối với những quy định của chính sách kinh tế.

Nhưng mặt khác, tổng thu nhập mà 10% người nghèo nhất được hưởng thì lại khác nhau một trời một vực, biến số này chắc chắn là không miễn nhiễm trước các chính sách kinh tế. Người nằm trong diện 10% những người nghèo nhất trong những nước ít tự do kinh tế nhất chỉ có thu nhập trung bình là 910 dollar một năm, trong khi người nằm trong diện 10% người nghèo nhất trong những nước có nền kinh tế tự do nhất lại có thu nhập trung bình hàng năm lên tới 8.474 dollar. Dường như đối với người nghèo thì nghèo ở Thụy Sỹ vẫn tốt hơn là nghèo ở Syria.

Dù bạn và tôi có khởi đầu bình đẳng trước khi trao đổi hay có tài sản như nhau sau khi trao đổi thì điều đó, tự nó, cũng không phải là vấn đề đạo đức. Nhưng mặt khác, không đối xử một cách bình đẳng với những người bình đẳng với nhau về mặt đạo đức và không để họ được bình đẳng trước pháp luật – tất cả đều nhằm tạo ra thu nhập bình đẳng hơn (đây dường như là một công trình không thành công vì khó mà thao túng được kết quả) – chắc chắn là vấn đề đạo đức rồi. Đấy chính là vi phạm quyền bình đẳng về mặt đạo đức.

Cuộc tranh cãi ồn ào nhất về bất bình đẳng về thu nhập lại không phải là tranh cãi về bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trong những xã hội tự do về kinh tế mà là tranh cãi về khoảng cách khổng lồ giữa tài sản của người dân trong những xã hội tự do về mặt kinh tế và tài sản của người dân trong các xã hội không được tự do về mặt kinh tế. Khoảng cách giàu nghèo chắc chắn có thể được giải quyết bằng cách thay đổi luật lệ, nghĩa là thay đổi chính sách kinh tế. Giải phóng người dân trong những xã hội không được tự do về kinh tế sẽ tạo ra một lượng tài sản rất lớn, điều đó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa những người giàu trên thế giới và người nghèo trên thế giới hơn bất kỳ chính sách có thể tưởng tượng được nào khác.

Hơn nữa, điều đó còn có những hậu quả tích cực trong việc thực thi công lý vì nó chấm dứt việc đối xử bất bình đẳng với người dân trong các nước có bộ máy cai trị tồi vì nạn ô dù, tập quyền, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa xã hội và bạo lực. Tự do kinh tế là bình đẳng trước pháp luật và quyền của mọi người trong việc sản xuất và trao đổi đều được tôn trọng như nhau, đấy là tiêu chuẩn công lý đúng đắn dành cho những con người đức hạnh.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: The Morality of Capitalism

Thu qua Huế

Featured Image: Loi Nguyen Duc

 

Thu đã đi qua đông tìm tới
Huế buồn man mác nhỏ lê sầu
Buồn sao thu lại nhanh đi thế
Để Huế luyến tiếc những buổi chiều
Cùng nhau rảo bước nhịp Trường Tiền.
Để chờ đêm xuống ánh trăng lên
Dắt nhau ta đến cửa Thượng Tứ
Ngắm cảnh kinh thành lúc trăng buông

Huế còn nhớ lắm bầu trời thu
Một màu trong xanh, điểm chút nắng.
Và cũng nhớ lắm làn gió ấy
Man mác nhẹ nhàng qua hàng cây.
Như bàn tay ai khẽ vuốt tóc
Ân cần thủ thỉ với người thương.
Cũng có lắm lúc thu giận hờn
Buông làn gió rét, kéo mây đen
Trút xuống nơi đây bao giọt lạnh
Để cho tê buốt cả con tim
Buồn lắm nhưng Huế chẳng giận đâu
Bởi có bao lâu mà giận hờn

Thu đến rồi đi chẳng ở lại
Để Huế nơi này buồn lẻ loi
Thu bảo rằng thu sẽ trở lại
Nhưng mà thu à, thu có biết
Một khi cất bước xa nơi này
Thu quay trở lại chẳng là thu
Mà có là thu đi chăng nữa
Huế cũng chẳng là Huế ngày nay

 

Nguyễn Tùng Lâm

Tản mạn về báo chí và cách để ứng phó với một biển thông tin đến từ các phương tiện truyền thông

Featured Image: Doug Mataconis

 

“Một anh nhà báo và một anh bác sĩ là bạn thân với nhau. Một hôm cả hai gặp gỡ nhau nói chuyện. Anh bác sĩ nói:

– Bạn biết không, nguyện ước cả đời của tôi là trở thành một bác sĩ giỏi. Bây giờ tôi đã đạt được ước nguyện đó. Tôi tự hào vì công việc mình đang làm vì nhờ nghề này tôi có thể chữa trị và cứu sống tính mạng cho bệnh nhân của mình.

Anh nhà báo liền cười nói:

– Nhưng mỗi một lần bạn chỉ chữa bệnh được cho một người thôi. Còn tôi với mỗi bài báo và mình viết ra, tôi có thể “cứu rỗi tinh thần” cho hàng ngàn người.”

Qua câu chuyện trên ta có thể thấy rằng, sứ mệnh của người làm báo cũng quan trọng chẳng kém người bác sĩ. Người bác sĩ cứ cho là có đầy đủ cả tài lẫn đức, luôn luôn trách nhiệm và nhiệt tình với bệnh nhân đến mấy thì anh ta cũng chỉ cứu chữa cho một số người mà thôi. Nhưng một người làm báo chân chính, bằng ngòi bút của mình có thể cứu chữa tư tưởng cho rất nhiều người, thậm chí là cả một thế hệ. Họ có thể giúp cho mọi người tiếp cận thông tin một cách trung thực và khách quan nhất. Họ có thể giúp cho độc giả thay đổi suy nghĩ tiêu cực và gieo vào lòng độc giả những suy nghĩ lạc quan.

Nhưng điều quan trọng nhất là họ có thể khơi gợi trong lòng độc giả những tâm tư, tình cảm tốt đẹp, những khả năng tiềm ẩn mà độc giả bấy lâu chôn giấu. Cái thứ tinh thần tích cực đó một khi được bộc phát thì nó sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn, không chỉ cho riêng bản thân người đó mà còn cho đất nước và xã hội.

Báo chí thuở ban đầu cũng hướng tới những mục đích cao cả như thế. Nhưng qua thời gian, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những giá trị tốt đẹp của báo chí cũng bị mất đi ít nhiều. Nền kinh tế thị trường có thể hiểu nôm na là một nền kinh tế tự do, ít chịu sự can thiệp của nhà nước. Kinh tế thị trường, có thể nói là một cách thức sản xuất và phân phối hàng hóa ưu việt nhất hiện nay, vì nó có thể mang lại cho các quốc gia những lợi ích vật chất khổng lồ. Thị trường đã vươn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và chi phối nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Báo chí cũng không nằm ngoài guồng quay đó, cũng bị “thị trường hóa” “vật chất hóa”.

Nhiều nhà báo, phóng viên sẵn sàng bán rẻ lương tâm mình tạo ra những tin bài tạp nham, những bài viết không trung thực để thu hút độc giả. Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao những bài viết nhảm nhí, những tờ báo lá cải lại được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt như thế? Điều đó cũng xuất phát từ sự “yếu ớt về mặt tinh thần của con người”. Đất nước ta tuy hiện nay đã có những bước tiến dài về mặt kinh tế nhưng nhìn chung vẫn là một nước nghèo. Nghèo bởi vì thiếu tiền, thiếu tiền nên mọi người luôn dành rất nhiều thời gian và tâm trí để kiếm tiền nhằm bù đắp sự thiếu hụt đó. Tiền bạc và vật chất lúc này có sức hút rất lớn và là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Chính vì như thế nên con người ta mới sợ hãi và bất an, tinh thần trở nên yếu ớt như lâu đài xây trên cát.

Đây chính là cơ hội cho những tay bút bất lương có tài viết lách nhảy chỗ trống trong địa hạt tinh thần của con người để “thôi miên” họ. Sức đề kháng đã yếu cộng thêm với việc bị những tay nhà báo đê tiện như những con vi khuẩn cực độc xâm nhập đã khiến tinh thần con người ta “đã yếu nay còn yếu hơn”. Do đó, người ta dễ dàng chấp nhận không một chút hoài nghi, phản biện đối những thứ thông tin tầm phào,vô giá trị. Có thể nói rằng báo chí hay các phương tiện truyền thông giờ đây đang làm “đảo lộn trật tự xã hội”. Chúng ta đang nằm trong một xã hội như thế, một xã hội hỗn loạn về mặt thông tin, một xã hội mà con người luôn bị các phương tiện truyền thông “ám thị” từng ngày từng giờ. Chúng ta như đang bước vào một cái ma trận khổng lồ. Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi cái ma trận đó?

Chúng ta rất cần một thứ “công cụ lý trí” để thoát khỏi nghịch cảnh đó

Theo quan điểm của tôi chúng ta cần tạo lập cho bản thân mình một thói quen đó chính là “sự hoài nghi”. Chúng ta cần phải hoài nghi cho đến khi không còn sự hoài nghi nữa. Nói ra thì phức tạp nhưng thực hiện thì rất đơn giản. Trước một nguồn thông tin nào đó, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu về nguồn gốc của thông tin đó, xem chúng xuất phát từ đâu, từ tờ báo nào, từ cơ quan ngôn luận nào,trích dẫn từ đâu, có đáng tin cậy không. Sau đó chúng ta tìm hiểu về tác giả, xem tác giả đó thiên về lập trường gì, bênh vực cho ai,có thực sự khách quan hay không. Tiếp theo là về phần nội dung, xem cách lập luận, sử dụng từ ngữ có hợp lý không, nhưng phần này chứa đựng rất nhiều tiểu tiết, nếu chúng ta quá sa đà vào chúng thì sẽ khó mà nắm bắt được thông tin mà bài viết hay bài báo truyền đạt.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nắm được đại ý, phần cốt lõi của bài viết, xem bài viết đó muốn nói lên điều gì. Cuối cùng sau khi chúng ta nắm được thông tin thì ta đặt chúng vào bối cảnh không gian và thời gian chúng ta đang sống, chúng đã lỗi thời hay chưa, có phản ánh đúng thực trạng của xã hội chúng ta đang sống không.

Trên đây, tôi đã tạm nêu ra một số kinh nghiệm của bản thân trong việc sàng lọc thông tin cũng như vai trò và sự ảnh hưởng của báo trí tới sự vận động của xã hội. Nhưng đấy cũng chỉ là kinh nghiệm của cá nhân tôi, phù hợp với bản thân tôi mà thôi, hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo. Và có thể đối với một số người nếu áp dụng theo tuần tự những trình tự đấy thì sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mất thời gian thật khi chúng ta đọc báo, đọc sách chỉ nhằm mục đích giải trí. Nhưng điều đó sẽ rất có ích nếu như chúng ta tìm kiếm thông tin để phục vụ cho nghề nghiệp của chúng ta cũng như việc xây dựng cho bản thân một nền tảng học thuật vững chắc dựa trên những thông tin đáng tin cậy.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là thông tin không chỉ có trong sách vở hay báo chí, thông tin còn nằm trong những sự vật, con người bình thường và giản dị xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta biết cách nhìn nhận chúng bằng một con mắt thiện cảm và không có định kiến thì giá trị mà chúng mang lại cho chúng ta sẽ là vô hạn. Đấy chính là “những thông tin sống ” mà tạo hóa ban cho chúng ta. Hãy học cách để cảm nhận chúng!

 

Tiểu Mã

Sự sụt lở của một nền văn hóa

Featured Image: Matt Greenstreet

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc làu câu nói: “Đất nước ta bốn ngàn năm văn hiến.” Đó là một lịch sử đáng tự hào được xây dựng và gìn giữ bằng rất nhiều công lao và xương máu của cha ông. Nhưng hôm nay, khi đang được sống và thừa hưởng nền văn hoá đáng tự hào ấy, tôi lại phải hỗn phép, bất kính với cha ông trong đau đớn mà thốt lên rằng, Việt Nam ơi! Đất nước ta nền VĂN HOÁ TRỘM CƯỚP.

Đã có một mùa hè người ta ca thán về nạn gian lận trong mùa thi. Một mùa hè khác nạn hôi của lại được lên ngôi. Mùa đông năm qua lòng người lại sục sôi, hoang mang về những xác chết dưới lòng sông Hồng. Mùa xuân năm nay là tiếng thở dài, sỉ vã về những tên quan tham, nhũng nhiễu, lộng hành và những vụ án oan. Còn trong con mắt tôi, quanh năm là một mùa thu lá rụng. Mùa của sự già cỗi, suy đồi và vàng úa, chỉ nhìn thấy đầy rẫy những cảnh giết chóc, xa xỉ, lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng…

Nói về văn hoá, tôi rất thích lối suy luận trong cách dạy con dưới đây của tác giả Khaled Hossenimi trong tác phẩm Người đua diều:

“Có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không? Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”

Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.

Theo cách hiểu trên thì văn hoá là phạm trù khá rộng. Bởi vậy, tôi nghĩ Văn Hóa không chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Mà nó còn là “hệ điều hành” của con người. Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chúng ta, là giá trị cốt lõi của con người và xã hội. Là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác thì khi có văn hoá nghĩa là người ta có cái “chính mình” và khi có cái “chính mình” thì thứ người ta sợ hãi nhất là đánh mất chính mình. Còn ngược lại, khi chưa có cái “chính mình” thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền, có tiếng mà chẳng sợ cái gì cả.

Với cách hiểu như vậy, tôi thường gọi văn hoá Việt Nam mình đang ở “giai đoạn” mùa thu. Đó là nền văn hoá già cỗi nhưng đã bị suy đồi, bại rụn, xấu xí và nhếch nhác… Mỗi khi mở trang báo ra ngay lập tức ta bị “tấn công” bởi hàng trăm cái NẠN. Nào là cướp bóc, giết chóc, tham nhũng, oan sai, ô nhiễm… Vì thế nên người Việt Nam mới có câu tục ngữ vượt trên mọi “văn minh” của nhân loại – “ăn vụng phải biết chùi mép”. Nghĩa là thói ăn vụng ở Việt Nam mình đã được nâng lên ở tầm “nghệ thuật”.

Điều ấy cũng tương tự như quan niệm “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu thay vì được điều chỉnh, nắn sửa cho tốt đẹp lên thì nó lại bị “che” và “chùi” đi cho sạch dấu vết.

Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn. Mà khi thói vô trách nhiệm “lên ngôi” thì xem chừng văn hóa xin lỗi, văn hoá từ chức cũng dần bị cắt bỏ. Thử hỏi sao, sự HỦ BẠI lại không lên nhanh như “diều gặp gió”.

Tục ngữ có câu “nước chảy thì đá mòn” mà chảy nhiều thì sụt lở. Với tính thói bán rẻ “chính mình” trong xã hội chúng ta ngày nay thì “văn minh” sẽ mất dần chỗ đứng và sự THA HÓA sẽ có đất rộng để lộng hành. Đó cũng là lý do tội phạm ở nước ta ngày một tăng cao và dần “được trẻ hóa”. Chuyện bảo mẫu giết trẻ em và nữ sinh đánh nhau, lột đồ ở trường chẳng còn lạ nữa. Bởi khi người lớn không có cái “chính mình”, nhà giáo cũng đánh mất “chính mình” thì thử hỏi lấy tư cách gì đi dạy con trẻ, dạy học sinh?

Ngày nhỏ, khi còn đi học, tôi thường nghe cha mẹ và thầy cô khuyên nhủ rằng, “mong sao lớn lên con sẽ thành người” nhưng sao chẳng mấy ai nói cho tôi hiểu làm người là làm gì, cần học gì, và học như thế nào để thành người? Đó chính là lỗ hổng lớn nhất trong nền giáo dục của nước ta. Dường như nhà trường chỉ chú trọng “sản xuất” ra “công cụ lao động” chứ không phải đào tạo ra con người văn minh và tự chủ. Nói cách khác là người ta chỉ chú trọng nhồi nhét cái thứ được họ gọi là “trí tuệ chuyên môn” mà bỏ quên cái “trí tuệ văn hóa”. Nếu ta hình dung trí tuệ văn hóa là cái “chân thắng” còn trí tuệ chuyên môn là cái “chân ga” thì ta sẽ thấy cách giáo dục ấy nó nguy hiểm đến mức nào. Có “chân ga” ta mới leo được đèo cao, dốc cả, nhưng nếu cái “chân thắng” bị hỏng thì ngày xuống vực sâu chỉ là chuyện sớm muộn.

Người ta thường nói, mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Để có một xã hội tốt đẹp, văn minh thì phải có những “tế bào” tốt đẹp văn minh. Đáng buồn là hai chữ “văn minh” ở xã hội ta đang ngày một xa xỉ. Thứ đắt nhất bây giờ không phải là vàng, hay kim cương mà đó là niềm tin, còn thứ rẻ nhất chính là lời hứa. Thói vô cảm len lõi vào từng khe cửa, đến từng góc nhà và thấm dần vào mỗi con tim. Nếu xã hội chúng ta cứ “phát triển” theo hướng này, nếu chúng ta vẫn giáo dục con trẻ như thế này thì tương lai VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM không còn sụt lở nữa, mà là sụp đổ.

 

Nguyễn Văn Thương

“Lịch sử không chỉ là những cuộc chiến tranh”

Featured Image: Life Magazine

 

Vốn là một người chẳng ưa gì môn lịch sử với những bài học về các cuộc chiến nhàm tẻ khô khốc. Và cũng tự nhận là người ưa thích tìm hiểu những kiến thức hay ho mới lạ, tôi thường tìm hiểu khá nhiều về các chủ đề nhưng dường như tìm hiểu về lịch sử là việc chẳng bao giờ tôi muốn nghĩ tới. Xấu hổ hơn, tôi lại có thể để cho giáo dục và truyền thông ngang nhiên nhồi vào óc mình khái niệm về “lịch sử” chỉ là những cuộc chiến tranh và rồi chấp nhận khái niệm thiển cận đó. Không, chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ của lịch sử. Ấy vậy mà xưa giờ tôi hoàn toàn không để ý hay chẳng quan tâm gì cả. Nhưng rồi nghĩ lại, suốt những năm tháng học hành trung học, phổ thông. Tôi được dạy gì về lịch sử chứ? Có gì khác ngoài những cuộc chiến không?

Và cho đến bây giờ, sau nhiều năm học mòn mỏi, thật xấu hổ khi phải thừa nhận, tôi chẳng nhớ một mảy kiến thức nào về những cuộc chiến đó cả. Tuy tôi cũng từng bức xúc về cách mà nền giáo dục Việt Nam dạy môn Sử, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc mong muốn những bài giảng về các cuộc chiến nên sinh động hơn, cuốn hút hơn. Hay có thể nói, tư duy của tôi về bộ môn Lịch Sử chỉ luôn gói gọn trong những cuộc chiến. Thật là một sai lầm nghiêm trọng và khủng khiếp. Cũng nhiều khi, tôi tìm hiểu về sử chiến tranh, về bản chất những cuộc chiến, sau cùng tất cả cảm giác đọng lại trong tôi, chỉ là sự hoài nghi, thất vọng, cảm giác tức giận, bất lực và đau đớn như một kẻ bị cả thế giới dối lừa. Thế rồi tôi không muốn quan tâm tới lịch sử nữa.

Cho tới gần đây, đọc bài phỏng vấn về anh Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu sử học trẻ tuổi. Những chia sẻ của anh, những thông tin và kiến thức mới lạ khiến tôi bừng tỉnh. Và tôi tin, nó cũng có thể thức tỉnh bạn. Những góc nhìn mới, thật ra không mới nhưng giờ chúng ta mới được biết sẽ mang lại niềm hứng thú về chủ đề “lịch sử” vốn khô khan nhàm chán.

“Có nhà nghiên cứu giáo dục ở ta đã nói: Giáo dục Việt Nam không hề lạc hậu, mà là lạc đường. Lạc hậu là đi lùi phía sau và có cơ hội để tiến lên, nhưng lạc đường là đi hẳn sang một con đường khác. Quan trọng là đi đúng đường đã, sau đó chấp nhận lạc hậu, rồi từ từ đi lên.”

Điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt trong khía cạnh bộ môn lịch sử.

“Lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, tôi muốn nói rằng lịch sử không chỉ có các cuộc chiến tranh. Xưa nay, sử chiến tranh được chúng ta giảng quá nhiều, vô hình trung lại phản tác dụng, khiến người học mệt mỏi với quá khứ. Học lịch sử không phải chỉ để yêu tổ tiên, để tự hào dân tộc. Lịch sử là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ – người ta đã ăn thế nào, ngủ thế nào, mặc thế nào – tất cả đều là lịch sử. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” là nói về sử ăn mặc, sau đó sẽ có sử ẩm thực, sử vệ sinh, sử xe cộ, sử giao thông…

Những lát cắt về đời sống như thế sẽ làm diện mạo lịch sử muôn màu muôn vẻ, cuốn hút người trẻ hơn rất nhiều so với sử giáo điều, sử chiến tranh. Trong lịch sử cũng có những khoảng tối mà người ta cần phải biết. Sở dĩ người Việt như hôm nay bởi có người Việt như quá khứ. Cuộc sống hiện đại luôn bắt rễ từ quá khứ, nhưng cái quá khứ ấy được đẩy đi bao xa thì tùy thuộc vào người nghiên cứu sử. Ví dụ chúng ta ăn bánh trôi bánh chay trong tết Hàn Thực, nếu không đọc được sử liệu hay các nghiên cứu văn hóa, chúng ta chỉ biết đây là “phong tục nghìn đời của người Việt”. Để giải thích về các phong tục tập quán, chúng ta luôn luôn dùng chữ “nghìn đời”.

Nhưng nếu dựa vào các sách, ví dụ sách thời Trần, ta biết rằng tết Hàn Thực thời đó các cụ ăn bánh cuốn. Tới thời Lê trung hưng, người ta bắt đầu viết rằng tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay. Nghĩa là chúng ta sẽ có góc nhìn đoạn đại – từng lát cắt của lịch sử đã diễn ra, đã xuất hiện những gì. Và những điều tạo nên bối cảnh của người Việt hôm nay, từng nét văn hoá mà người Việt chia sẻ với nhau hôm nay có những thành phần nào, những thành phần ấy có từ bao giờ, đó là ngoại lai, là du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hay là của người Việt tạo ra… tất cả sẽ là những lý giải về đời sống, và về tư duy.”

Đúng thế, lịch sử tạo nên phong tục, tạo nên văn hóa, và văn hóa chính là thứ chi phối cuộc sống chúng ta đến ngày nay. Sẽ tốt biết bao nếu chúng ta được học về nguồn gốc những nét văn hóa, những tập quán và lối sống. Thay vì chỉ nhìn vào những ánh hào quang cũ kĩ mốc meo của các cuộc chiến. Lịch sử nên là thứ giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, để từ đó hiểu hơn về hiện tại rồi từng bước xây dựng tương lai. Lịch sử không nên chỉ là những cuộc chiến khô khan với toàn những số liệu súng ống người chết như cách ta vẫn làm. Chính lịch sử phải là thứ để chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống từ đó thay đổi cách hành xử cho thích hợp. Lịch sử phải là thứ chân thực giảng giải cho người ta hiểu nguồn gốc của mọi vấn đề.

Tại sao khi học môn lịch sử chúng ta không được dạy những thứ thế này:

“Nguồn gốc của trào lưu phân biệt vùng miền, tiêu biểu ở hiện tại là trào lưu ghét dân Thanh Hoá, nhưng dân Thanh Hoá bị ghét từ khi nào? Vấn đề kỳ thị vùng miền có từ rất lâu rồi, từ thời Bắc thuộc đã có sự không hoà hợp giữa vùng Thanh Nghệ và vùng Thăng Long. Ở thời Lê, dân Thanh Hoá có sự tự cao nhất định, bởi vua Lê chúa Trịnh đều là người Thanh Hoá, họ coi họ là trung tâm. “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là nói về thời đó. Lúc ấy, Huế lại là vùng Đàng Trong, có nhiều nét văn hóa, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của Chăm. Quan nhà Mạc Dương Văn An đã viết trong “Ô Châu cận lục” rằng: Thói tục của dân Huế rất thô bỉ, quê kệch. Như vậy, dân Huế từng bị coi là thấp kém về mặt văn minh.

Khi nhà Nguyễn thống nhất toàn bộ đất nước và bắt đầu giải quyết vấn đề vùng miền, Huế lại tự hào là đất kinh kỳ.Vậy nên không nên xem kỳ thị vùng miền là đúng hay sai, mà phải quan sát sự thay đổi tư duy của con người.

Đến thời hiện đại, dân Hà Nội lại tự hào mình là Thăng Long kinh kỳ, vì đây là trung tâm chính trị. Tóm lại, kinh tế và chính trị sẽ quyết định văn hoá. Kỳ thị vùng miền được quyết định bởi tư duy chính trị và văn hoá. Ở đâu lòng tự hào về bản thân quá cao sẽ dẫn đến xem thường những vùng miền khác, và khi anh quá xem thường các vùng khác, anh sẽ bị ghét là lẽ đương nhiên. Ta hiểu quá khứ sẽ hiểu được thời hiện tại. Ta sống như thế nào, nghĩ như thế nào trong hiện tại đều có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ.”

“Lúc nào ta cũng nói chuyện yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử lúc nào cũng coi Việt Nam luôn là chính nghĩa, lúc nào cũng thấy người Việt là dân tộc bị hại… nhưng bản chất ở phía sau tất cả luôn là một câu chuyện cồng kềnh.

Người ta cực đoan bài xích chữ Hán Nôm trong chùa, nhưng Hán không chỉ là Hán, Việt không chỉ là Việt, mà có sự hỗn dung về văn hoá và nguồn gốc. Không có dân tộc hay đất nước nào thuần chủng ở đây cả. Đây là vấn đề của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia từng sử dụng chữ Hán. Dân trí cao nên Nhật Bản không bao giờ tranh cãi rằng cái này của tao hay của mày, mà họ thừa nhận luôn rằng cái này tôi học của Tàu, cái này tôi học của Tây… và tôi tạo nên thứ của riêng tôi. Ở Việt Nam có sự thay đổi về tư duy chính trị (thời điểm sau 1979 và gần đây là vấn đề biển đảo Trường Sa – Hoàng Sa), cái nhìn về chữ Nôm, chữ Hán cực kỳ lệch lạc và cực đoan. Thêm nữa, dân trí của Việt Nam thấp, kinh tế kém phát triển. Vì dân trí thấp nên càng dễ sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cứ nghĩ cái gì của mình cũng là nhất, và giờ thì có thêm tinh thần bài Hoa, đặc biệt ở lĩnh vực văn hoá. Ở Việt Nam, vì không hiểu biết thấu đáo nên có nhiều người bài xích cực đoan, không có cái nhìn bao dung, khách quan đối với quá khứ. Đó là những thứ, xét về mặt tiến bộ, không phải là lạc hậu, mà là lệch lạc, gần nhất là lấy văn hóa đem so với Hàn Quốc và Nhật Bản.”

Văn hóa chính là lịch sử. Văn hóa là thứ được con người tạo ra, mỗi thời mỗi khác, người ta kế thừa nó, phát huy nó, bảo tồn hoặc sáng tạo nó. Văn hóa là thứ có thể thay đổi chứ không phải là bất di bất dịch. Tiêu biểu là mỗi triều đại phong kiến khác nhau lại ban hành những luật lệ, tập tục và những quan niệm văn hóa khác nhau.

“Không giống với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tất cả văn hóa Việt là bất biến, mà ngược lại, văn hóa có sự khác biệt trong mỗi thời kỳ, mỗi triều đại.

Theo đó, không phải thời đại nào văn hóa Việt cũng là một thứ chung nhất, một thứ đơn nhất. Có những cái văn hóa mà Lý có Trần có mà đến Lê mất, có những văn hóa mà Lê có nhưng Nguyễn mất. Đơn cử như nói tới khăn xếp áo the là trang phục truyền thống lâu đời nhưng đó chỉ là sản phẩm của nhà Nguyễn, tới thời nhà Lê thì không mặc như vậy nữa. Nhà Lê mặc trang phục kiểu khác, nếu chỉ nhìn cái khác đi này mà mọi người quy kết đó không phải là truyền thống là không đúng. Hiện tại văn hóa của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều nhất các nét văn hóa của thời Nguyễn. Nhờ lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy văn hóa đương đại vốn là tập hợp những nét văn hóa du nhập từ các nước xung quanh, sau đó được nhân dân làm mới lại cho thích hợp và lưu truyền. Nó không phải là một vật vô tri giữ nguyên hiện trạng năm này qua năm khác”. Nếu biết được điều đó, liệu người ta có còn sửng cồ lên với những người bị cho là “sính ngoại” hay “học đòi tư tưởng ngoại lai?

Nhiều nét văn hóa đã thay đổi nhưng có một nét dường như  qua bao nhiêu năm tháng vẫn không thay đổi: “Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất phát từ làng, văn hóa làng xã là cái rất riêng chỉ Việt Nam với có.”

Tự nhiên tôi chợt nghĩ, liệu có phải vì bị tác động bởi nét văn hóa làng xã này mà tư duy của chúng ta luôn bị bó hẹp, luôn chỉ suy nghĩ trong phạm vi nhỏ bé, khó tìm ra những hướng đi đột phá và mọi suy nghĩ đều phần lớn mang tính “ao làng”?

Hơn nữa, xuyên suốt những cuốn sách sử, chúng ta luôn được dạy rằng Việt Nam là nước nhỏ bé, yếu thế, luôn bị nhòm ngó và xâm lăng, bị chèn ép và xem thường. Nói cách khác, Việt Nam thật đáng thương và yếu ớt. Vậy nên trong xu hướng tự hào dân tộc, khi thế giới tự hào về những thành tựu, phát minh, những thứ thuộc thì hiện tại và tương lai. Thì lịch sử lại dạy cho chúng ta rằng Việt Nam dường như chỉ có hai điều tự hào duy nhất “những chiến thắng vẻ vang” và “nguồn tài nguyên vô tận”. Chính điều này đã làm cho lịch sử trở nên sai lệch và hình thành thói quen chỉ thích ngồi mát ăn bát vàng, không hề có tinh thần phấn đấu hay suy nghĩ buộc bản thân phải thoát khỏi những gọng kìm kềm hãm cả nền kinh tế, chính trị lẫn đời sống?

Niềm tự hào những chiến thắng vẻ vang không chỉ được dạy trong sách sử, nó còn được biểu hiện một cách đồng bộ và nhất quán từ các ngày lễ lớn cho tới những băng rôn áp phích và tên những con đường. Từ đó càng làm tăng lòng tự hào dân tộc của chúng ta. Càng tự hào bao nhiêu ta lại càng nói về nó nhiều bấy nhiêu và cho phép bản thân quên sạch sanh những sự thật về lịch sử khác. Những chính sách sai lầm, sự vô nghĩa của các cuộc chiến, những sự thật hay mặt tối của chúng hoàn toàn không được ta nhắc đến. Ta không thể nào biết để mà cảm thông với những người dân chết oan trong những “cải cách ruộng đất”, ta không thể nào biết được sự khổ cực và ai oán của những bà mẹ anh hùng, những gia đình tan nát vì chiến tranh, ta không hiểu thấu nỗi đau cùng cực của những nạn nhân gián tiếp từ các cuộc chiến, những thương binh liệt sĩ, những em bé nhiễm chất độc da cam, những bà mẹ dựng bàn thờ tất cả đàn con của mình…

Tại sao ta không được dạy nhiều hơn những điều đó, để yêu thêm đất nước, yêu thêm con người, để tâm hồn biết rung động, đồng cảm và căm thù chiến tranh. Làm sao người ta biết căm thù chiến tranh khi chúng ta dùng nó để tự hào? Và tại sao nước ngoài xâm lược nước ta thì gọi là xâm lược, còn nước ta xâm lược nước khác thì lại gọi là “mở mang bờ cõi”? Điều này có công bằng không? Lịch sử mà không công bằng hay không chuẩn xác thì còn nghĩa lý gì?

Lịch sử dạy chúng ta phải cảm ơn, phải tôn thờ, phải đời đời nhớ ơn những người người xa lạ: Các-Mác, Lê Nin. Lịch sử muốn chúng ta phải biết ơn chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy tại sao lịch sử không dạy ta về bản chất của các loại chế độ trên toàn thế giới để mà phân biệt và nhận định cho đúng về các ưu điểm, nhược điểm. Tại sao lịch sử không giải thích tại sao XHCN tốt đẹp thế mà lại bị sụp đổ, bị các nước khác xem thường và ghét bỏ? Nói chung, theo tôi, bộ môn lịch sử đang giấu diếm và đánh lạc hướng chúng ta quá nhiều. Làm sao có thể đạt được mục tiêu nâng cao dân trí khi mà mọi sự thật được giấu đi và thay thế? Làm sao để mà người ta quyết tâm xây dựng đất nước khi cứ nói oang oang rằng đất nước ta tài nguyên bao la không làm cũng có ăn?

Tự hào về quá khứ không có gì là xấu, nhưng nó là việc không cần thiết lắm trong việc xây dựng và phát triển đất nước ngay từ hiện tại cho đến tương lai. Tiếc thay, bộ môn lịch sử vô vùng thú vị và cần thiết như thế lại đang đi sai đường. Bị chính nền giáo dục làm cho nhàm chán và trở nên chẳng ý nghĩa gì với tuổi trẻ nói chung và cả đất nước nói riêng.

Lịch sử hẳn sẽ thú vị hơn nhiều nếu người ta biết được nguồn gốc của những việc đơn giản và nhỏ bé nhất. Như nguồn gốc cách đặt tên đệm “Văn” và “Thị” trong tên của người Việt. Rằng từ Thị tiếng Hán bao hàm nghĩa chỉ phái nữ nói chung, từ này ban đầu chỉ được dùng cho những người phụ nữ đã trưởng thành, nhưng sau đó nghĩa của từ Thị dần mất đi, người ta dùng nó để đặt tên cho phần lớn các bé gái với nghĩa “đó là con gái”. Tương tự với chữ “Văn” Bốn giai cấp trong xã hội cổ truyền là sĩ, nông, công, thương. Giai cấp sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa.

Do điều kiện này mà các bậc cha mẹ mong ước cho con có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên. Ước vọng này thể hiện qua việc đặt chữ văn trong thành phần tên của con. Chữ văn trở nên thông dụng đến độ làm ý nghĩa của nó trở nên mập mờ và lạm dụng. Người ta sinh con trai và đặt cho nó chữ văn với mong ước như thế. Nhưng về sau chữ văn chỉ được dùng đơn thuần với nghĩa “nó là nam”. Có một cách giải thích khác khá hài hước, theo lời ông Nguyễn Ngọc Ngạn “Thị là mắt, người ta đặt cho con gái với nghĩa hàm ẩn sự nhắc nhở, rằng con trai yêu bằng mắt nên con gái phải luôn nhớ điều đó để làm đẹp cho bản thân mình. Còn Văn, nghĩa là văn chương, ý nhắc phái nam rằng phụ nữ yêu bằng tai, thích những lời hoa mỹ, để từ đó cẩn trọng trong cách dùng ngôn ngữ chinh phục phái đẹp…”

Hoặc như lịch sử, thổ nhưỡng địa hình các vùng miền đã hình thành nên tính cách con người vùng đó ra sao. Người miền Trung đất đai khô cằn lại hay phải gánh chịu các loại thiên tai. Nên về cơ bản tính cách của họ thường cần cù, chịu khó, tiết kiệm và chắt bóp. Ngược lại, người miền Tây với đất đai màu mỡ, sản vật trù phú xung quanh chẳng mấy khi phải lo thiếu ăn nên tính tình thường phóng khoáng, vô lo… Chính những điều này đã tạo nên văn hóa và bản sắc mỗi vùng miền. Đó cũng chính là lịch sử – sử văn hóa.

Lịch sử cũng nên dạy cho tuổi trẻ Việt Nam những điều thật sự đáng được tự hào, như việc Việt Nam (Cộng Hòa) đã từng phát triển rực rỡ như thế nào về kinh tế và văn hóa. Rằng chúng ta đã có thể sản xuất ra chiếc xe hơi made in Việt Nam đầu tiên từ hơn 40 năm trước mang tên La Dalat, nó là chiếc xe hơi dân dụng đầu tiên được lắp ráp, mang thương hiệu và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Vào thời điểm đó, sáng lập viên của hãng xe Hyundai mới chỉ là tiểu thương tại Hàn Quốc mà thôi, nghĩa là họ còn đi sau chúng ta nữa. Nhưng giờ hãy nhìn lại xem. Ta đang theo sau họ hàng chục năm hay hàng trăm năm trong khi hiện tại  một con ốc chúng ta cũng không đủ trình độ sản xuất?

Nếu xét theo sự phát triển và tiến hóa, có phải chúng ta đang đi thụt lùi? Hay có những giai đoạn, nền kinh tế Việt Nam (Cộng Hòa) vượt xa những nước trong khu vực như Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc. Hay như trước 1975, có 11 dàn máy tính IBM 360 hiện đại đã được đưa về Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Giáo Dục. Lúc đó, toàn vùng Đông Nam Á chỉ có Singapore sắm được vỏn vẹn… 1 chiếc máy tương tự. Những chính sách tiến bộ trong giáo dục vốn cũng đã tồn tại từ lâu, như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh đi học không hề mất tiền học phí. Và đặc biệt từ thời đó, nguyên tắc căn bản trong nền giáo dục của chúng ta là:

“Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục. 

Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác. 

Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.” 

Đây là những triết lý vô cùng tiến bộ cấp tiến, không chỉ với thời xưa mà cả với thời nay. Chúng ta cần phải biết về nó khi học lịch sử nước nhà. Nhưng lịch sử lại ém nó đi để bao che cho những lời nói dối khổng lồ. Những thông tin này nếu muốn biết chúng ta buộc chỉ có thể thu nạp được từ những trang không chính thống. Vậy những con người u mê với lòng tự hào dân tộc hẹp hòi và thiển cận, họ có biết để mà tự hào không? Lòng tự hào dân tộc của họ có đi đúng đường được không khi tất cả đều bị dắt mũi bởi sách giáo khoa và truyền thông truyền thống?

Nhắc đến lịch sử, từ trẻ con cho đến người già, chúng ta đều thuộc nằm lòng cụm từ “lịch sử hào hùng”. Nghĩa là, những cuộc chiến hào hùng vẻ vang. Nghĩa là, lịch sử là một thứ đẹp tuyệt vời phát ra hào quang lấp lánh che mờ mắt người dân khỏi mọi sự thật đau lòng hay hấp dẫn khác. Chúng ta chẳng cần một lịch sử hào hùng, chúng ta cần một cái nhìn khác, một cách đánh giá khác về tầm quan trọng cũng như sự thành thật về lịch sử, về những việc, những sự kiện thật sự diễn ra trong quá khứ. Hơn gấp ngàn lần những con số súng ống và thương vong.

Đây mới là về Sử Việt Nam, đáng lẽ chúng ta còn nên được dạy thềm nhiều về Sử thế giới nữa, nếu muốn hiểu biết và hội nhập. Cũng như vô vàn thứ hay ho ảnh hướng đến đời sống mà ta cần biết, nên biết và phải biết, tất nhiên, bao gồm cả các cuộc chiến. Nhưng các cuộc chiến chỉ nên chiếm một phần thật nhỏ trong bộ môn lịch sử mà thôi.

Ôi trời, lịch sử quả là bao la, hấp dẫn và lôi cuốn. Ấy vậy mà người ta lờ nó đi, giấu nhẹm nó đi, cuộn nó lại và gói trong một cái vỏ bọc chiến tranh nhàm chán. Tôi không cam lòng.

Xin kết bài bằng đoạn phỏng vấn này của anh Trần Quang Đức: “Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử. Đó chắc chắn không phải thái độ mặc cảm, tự ti, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, dễ bị kích động. Đó phải là năng lực tri nhận, gạt bỏ những điều cổ hủ, lỗi thời. Đó là thái độ trân trọng, biết đón nhận, tiếp thu tất cả những giá trị cao đẹp của mọi nền văn hoá, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là tinh thần, khát vọng trở thành một dân tộc lớn, tự cường.”

Việc đầu tiên nếu bạn muốn xây dựng đất nước, có lẽ tìm hiểu về lịch sử, theo cách nhìn khách quan nhất, là một điều nên làm. Sẽ có hai con đường có thể xảy ra khi bạn tìm hiểu sâu vào lịch sử. Một, tất nhiên đó sẽ là một thế giới đầy những điều thi vị, hấp dẫn và lôi cuốn, giúp bạn thêm yêu mến đất nước, thêm niềm tự hào và giải thích được những hiện tượng văn hóa đương đại để từ đó có cách đánh giá khách quan và chính xác hơn. Hai, sẽ có nhiều điều khiến bạn bất ngờ, thậm chí thất vọng và hoang mang. Đừng sợ hãi, lịch sử chỉ là quá khứ thôi, thứ chúng ta cần phải lo lắng và quan tâm, chính là hiện tại này.

 

Phi Tuyết

Phản hồi bài viết “Béo phì trí thức?”

Featured image: Scholars’ Tower by juliedillon

 

 

Đọc bài “Béo phì trí thức?” của tác giả Mr Lias tôi thấy có một số điểm không được hợp lý, một số đoạn, ý lộn xộn và không rõ. Thấy việc đưa ra ý kiến của mình cũng là điều nên làm với vai trò của một người đọc, nên mạn phép gửi bài này cho Triết Học Đường Phố mong sẽ đến được với tác giả và những người đọc khác.

Thứ nhất, ngay từ câu vào đề của bài viết cũng đã không rỏ ý so với nguyên bản. Edmund viết “Reading without reflecting is like eating without digesting”, reflecting mà dịch là áp dụng thì tôi không đồng ý. Đây không chỉ đơn thuần là bắt bẻ câu chữ, mà việc dịch như vậy làm khác hẳn đi nghĩa của từ reflecting. Edmund trong câu này muốn nói, nếu người đọc sách mà không suy nghĩ, không đối chiếu và có tinh thần phản phản biện thì cũng như không. Mạnh Tử cũng có một câu với ý tương tự “Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà không đọc còn hơn” cũng nhằm ý nói với người đọc sách phải có những tinh thần như trên.

Từ chuyện suy nghĩ, đối chiếu và phản biến những gì thu nhận được đi đến chỗ áp dụng nó là một đoạn đường dài. Thứ hai, những người đọc nhiều sách, tin tức (?) thì có phải là trí thức? Mức độ tiếp nhận như thế nào thì là béo phì? Theo quan điểm của tôi, những người đọc sách, thu nhận thông tin có các mức độ khác nhau, tăng dần như sau:

Mức 1: Tiếp nhận được thông tin và kiến thức.
Mức 2: Có những suy nghĩ, đối chiếu và nhận xét về những gì tiếp nhận được.
Mức 3: Áp dụng kiến thức mình đã thu nhận được, phục vụ cho công việc hoặc đời sống của mình.

Không phải là tri thức khi biết nhiều thông tin, hoặc đọc nhiều sách. Tri thức theo ý nghĩa đơn giản nhất của nó thì người đó phải có kiến thức uyên thâm và có đóng góp thực tế về một hay nhiều lĩnh nào đó. Các vấn đề về “trí thức” mà bạn nói trong bài theo tôi là những người chỉ dừng lại ở mức 1 mà thôi. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không thể dùng từ trí thức để chỉ họ được. Nên tôi sẽ chỉ dùng “những người tiếp cận nhiều thông tin”.

Còn béo phì thì phải thụ thuộc vào khả năng và mong muốn tiếp nhận thông tin tới đâu, cái này thì mỗi người mỗi khác, béo phì chỉ khi thông tin bạn tiếp nhận đi quá mức bạn cần thiết, nhưng khi họ chủ động tiếp cận thông tin thì có nghĩa là họ cần, mà thứ họ còn cần thì không thể nói là thừa để kết luận họ đang béo phì được. Nên chăng chỉ nên dùng béo phì với những người hằng ngày tiếp cận thụ động thông tin mà thôi (thấy tin gì cũng đọc, thấy sách gì cũng ham, đọc không có suy xét chỉ dừng ở mức 1.)

Tiếp theo, về phần nhận xét về những hành động được cho là “nguy hiểm” của những người tiếp cận nhiều thông tin. Đoạn này dùng quá nhiều lập luận mang tính cá nhân và chủ quan. Tác giả nói “Cũng dễ hiểu thôi, chúng ta biết nhiều, chúng ta ngộ ra nhiều điều khi đó chúng ta sẽ tỏ ra xem thường những người tầm thường khác. Chúng ta sẽ đặt vị trí của chúng ta là những người đứng trên người, và vai trò của những người đứng trên người là thúc đẩy tạo nên những cộng đồng tốt. Nhưng không chúng ta xem thường họ, chúng ta phê phán họ, chúng ta mặc định cho rằng chúng ta cái gì cũng biết, cái gì cũng đúng thì những tên lưu manh trí thức này còn nguy hiểm hơn cả những tên lưu manh bình thường khác.” Vậy ai là “chúng ta” với tác giả? Tác giả cho rằng có một nhóm người biết nhiều, tức sẽ ngộ ra (lên mức 2) và “sẽ” tỏ ra xem thường người khác… Vấn đề trong lập luận này là một khẳng định mang cảm tính cao và không có thiếu căn cứ.

Chưa kể cảm giác bị xem thường có thể chỉ là một cảm giác chủ quan của người trong 2 bên giao tiếp. Ví dụ như một trí thức đúng nghĩa bàn luận vấn đề với những người khác đi. Khi những người này trong tình trạng thiếu kiến thức, người trí thức kia nói hãy về xem thêm sách, trao dồi thêm kiến thức rồi hãy nói chuyện tiếp thì người đối phương lại bị cảm giác bị kinh thường. Cái đó là do người ta khinh hay mình có cảm giác bị khinh đây?

“Lưu manh trí thức nói cái gì cũng biết, hỏi cái gì cũng am tường về phương diện lý thuyết. Chúng ta sở hữu một lượng lớn các kiến thức từ kinh tế, văn hóa, khoa học, vũ trụ, kỹ thuật, kinh doanh hay y học sức khỏe,… nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nắm rõ lý thuyết còn vận dụng những kiến thức này vào thực tế thì không mấy người làm được.” Tôi nghĩ tác giả có thành kiến với những người “am tường về phương diện lý thuyết”, hoặc giả không có ý đó nhưng lại dùng câu chữ không chính xác. Sở hữu kiến thức là một nhu cầu thiết thực, đến độ am tường thì có thể họ đã vượt qua mức 2 ở trên rồi. Còn “nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nắm rõ lý thuyết còn vận dụng những kiến thức này vào thực tế thì không mấy người làm được” thì có ý như xem những kiến thức tìm tòi được chỉ vì tò mò là vô ích và những người làm lý thuyết chỉ rẹc một lũ hủ nho chăng? Nếu tác giả có ý đó thì có thể xem lại lịch sử chính trị, triết học phương tây, coi những người thuần lý thuyết đó đã mang lại những gì cho loài người? Polato, Socrate ở thời La Mã cổ đại bàn về cái công bình, chính trực giữa những con người với nhau, bàn cách tổ chức xã hội phải chăng không đáng một xu, John Mill với “Bàn về tự do” đánh động tâm tưởng của những người làm chính trị hóa ra không có nghĩa gì, Rousseau với “Khế ước xã hội”, lý thuyết rẹc về tổ chức xã hội xem ra là phần bỏ đi? Họ, chỉ bàn luận và làm việc trên lý thuyết, có “vận dụng” đâu, những người đời sau mới “vận dụng” thì rằng có gì không đúng?

Nói thêm một xíu về ví dụ thương mại học của tác giả. Với nhìn nhận của tôi thì làm thương mại, kinh doanh không phải chỉ là am tường lý thuyết là có thể làm được. Lý thuyết là một chuyện, nhưng khi kinh doanh thực tế lại là chuyện khác, nó không chỉ phụ thuộc và cái lý thuyết mà họ am tường, mà còn phụ thuộc vào những yếu tố không thể kiểm soát được và tùy thuộc vào mỗi người như quan hệ, vốn, sự may rủi… Ví như Daron Acemoglu và James A. Robinson, tác giả cuốn “Vì sao những quốc gia thất bại” cũng là những lý thuyết gia về kinh tế. Không thể nghi ngờ gì về góc độ “lý thuyết” của họ trong thương mại rồi, nhưng họ có kinh doanh không, có thành công không? Không, nhưng như vậy đâu có đồng nghĩa với những kiến thức của họ là vô nghĩa, là “nguy hiểm” như lời tác giả.

Tôi xin đưa ra một ví dụ lý thuyết được áp dụng, vâng, lý thuyết được áp dụng triệt để:

“Chắc chắn là chúng tôi không đồng ý về vấn đề cơ bản sau đây: Liệu chúng ta có nên để cho các chính sách tương lai của chúng ta phải tùy thuộc theo nguyên tắc dân chủ này hay nguyên tắc dân chủ kia, hay là những nguyên tắc mà chúng ta thừa nhận chúng như những giá trị tuyệt đối; hoặc là chúng ta phải để cho tất cả các nguyên tắc dân chủ phải tùy thuộc theo riêng cho các mục tiêu của đảng chúng ta? Tôi hoàn toàn ủng hộ cho điều sau. Tuyệt đối  không có các nguyên tắc dân chủ nào khiến chúng ta phải không tùy thuộc theo các mục tiêu của đảng của chúng ta?” (Tiếng la ó “Thế còn tính thiêng liêng của còn người?”) “Vâng, cả cái đó nữa! Như một đảng cách mạng phấn đấu cho mục đích cuối cùng của nó – cuộc cách mạng xã hội – chúng ta phải đi theo chỉ riêng những xem xét là điều gì sẽ giúp chúng ta đạt được mục đích ấy nhanh nhất. Chúng ta phải nhìn vào các nguyên tắc dân chủ chỉ đơn thuần từ quan điểm vè các mục tiêu của đảng của chúng ta; nếu điều khẳng định này hay khẳng định kia không thích hợp với chúng ta, chúng ta sẽ không cho phép điều đó.” Posadovsky – Trích chú thích 112/tr201 sách Bốn tiểu luận về tự do – Isaiah Berlin

Ý kiến của Posadovsky – cùng nhóm với Lenin, những người theo và thi hành triệt để chủ nghĩa xã hội ở Nga đầu thế kỉ 20. Một ví dụ cho việc áp dụng lý thuyết ngoài đời thực một cách mỹ mãn. Và các áp dụng này dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn, và nó chống lại cả những tư duy phản tỉnh, suy xét mà Edmund đề cập ở trên. Theo tôi đọc nhiều, tìm hiểu nhiều và có kiến thức về một lĩnh vực nào rồi bắt buộc phải áp dụng nó, nhiều lúc tìm hiểu chỉ để có những phản biện cho nó mà thôi, đó cũng được xem là áp dụng vậy.

Đoạn từ “Khi chúng ta tiếp cận quá nhiều thông tin như vậy và chúng rất hay bị vướn các lỗi lý luận đại loại như thế này… nó thể hiện được một lỗi lý luận trong câu chuyện này.” Tôi không thấy tác giả đề cập đến lỗi lý luận gì, mà đơn thuần chỉ là chỉ những người tiếp cận thông tin một cách hời hợt và thiếu suy xét.

Và cuối cùng là kết luận của tác giả. Như những ý kiến của tôi ở trên, những người “có một bụng kiến thức rồi lại dùng nó để thách thức những người xung quanh, tỏ ra ta đây hơn người, tỏ vẻ chúng ta là thuộc tầng lớp trí thức” không phải là những người trí thức. Việc ai xem thường ai hoặc ai cảm thấy bị xem thường là điều cần xem xét kĩ chứ đừng để cái cảm giác chủ quan của mình mà nghĩ oan cho người khác.

Điều tôi muốn nhắn nhủ qua các ý kiến trên là gì:

  • Những người biết chút thông tin hơn người khác không phải là trí thức.
  • Nhu cầu tìm hiểu và nắm bắt tri thức của con người là vô hạn, chỉ những người tham lam tiếp nhận thông tin mà không hề suy xét mới đáng gọi là béo phì mà thôi. (Gọi là bội thực thông tin thì đúng hơn)
  • Việc ai khinh thường hoặc cảm nhận bị khinh thường không thể đánh đồng một cách chủ quan được.
  • Và những trí thức, chuyên gia lý thuyết là những người đáng trân trọng, không phải chỉ những người “vận dụng” mà thôi.

Ý kiến của tôi xem ra cũng dài và hơi lê thê. Nhưng với mục đích cuối cùng là có thể đưa ra suy nghĩ của mình với tác giả, xét cho cùng cũng là cầu cho sự phân tích đa chiều hơn, rỏ ràng hơn mà thôi.

 

Tien Phan