Khi bắt đầu lật những trang sách đầu tiên, tôi nghĩ rằng đây là lời bênh vực, hoặc là bản án cho những người thuộc giới tính thứ ba – người đồng tính. Nhưng tôi đã nhầm, hoàn toàn nhầm và có lẽ nhiều độc giả cũng nhầm như tôi, nói đúng hơn là chúng ta đã bị tác giả lừa, bị gài bẫy. Vì chẳng có ai là người đồng tính trong Xác phàm cả. Tác phẩm là bản hùng ca đầy đau thương và bi tráng của dân tộc, là những trang sử hào hùng đã bị trôi vào quên lãng. Nói thẳng ra là chúng ta đã cố tình đào huyệt vùi chôn nó. Nói thẳng ra là chúng ta có tội. Và ở đó nhà văn Nguyễn Đình Tú là vị thám tử, người mạnh dạn vạch trần cái tội của chúng ta, của các nhà chức trách, nhà viết sử.
Trước khi đi vào nội dung của tác phẩm tôi xin mạn phép được hỏi rằng: Tại sao các nhà chức trách, các nhà viết sử lại dấu ẻm, cắt xén, vo tròn bóp méo sự kiện này. Tại sao không trả lại cho lịch sử sự thật của chính nó. Lịch sử có tội gì, hay là tội của những người dựng lại nó, những người đã đào huyệt chôn cất nó. Cố tình bưng bít, lèo lái “sự thật” nhằm mục đích vùi chôn những chiến công oanh liệt và những đau thương tàn khốc của cha ông để nuôi dưỡng mối quan hệ viễn vông “bốn tốt mười sáu vàng”. Nói vậy có nặng quá không thưa các anh, các chị, thưa những nhà viết sử? Cho tôi xin lỗi vì bản tính tôi vốn là người thực tế, tôn trọng sự thật.
Đầu tiên tôi ấn tượng về hai cái tên của hai nhân vật chính trong tác phẩm đó là Việt và Nam (Việt-Nam). Theo quan điểm của tôi, Nguyễn Đình Tú đã dùng nghệ thuật châm biếm khi đặt tên cái Xác phàm là Nam, người quan sát và lắng nghe Xác phàm là Việt. Phải chăng một phần lịch sử Việt Nam đã “được ghi lại” cũng là Xác Phàm, là thứ ẩm ương, dỡ tương dỡ ớt. Là kiểu tư duy theo lối Chuyện cổ tích. “Thạch Sanh, cô Tấm, thằng Bờm, chính diện” – phe mình, thì cái gì cũng phải tốt, bênh vực chằm chặp, bất kể đúng sai. “Lý Thông, con Cám, phú ông, phản diện” – phe nó, thì cái gì cũng phải xấu, xuyên tạc đủ điều, bất kể đúng sai.
Tôi không phải là người đọc sử nhiều, lại càng không phải là một học giả. Nhưng qua tác phẩm Đỉnh cao chói lọi của Dương Thu Hương, Bên thắng cuộc của Huy Đức, Đèn cù của Trần Đỉnh và bây giờ là Xác phàm của Nguyễn Đình Tú. Nhiều khi tôi muốn nói lời cảm ơn nếu như Lịch sử Việt Nam không phải do những người Vệt ghi lại.
Nguyễn Đình Tú đã xây dựng một nhân vật “lưỡng tính” bằng cái tên Xác phàm để kể về những tội ác và mất mát của chiến tranh biên giới mùa xuân 1979. Đan xen giữa hiện thực và tâm linh. Tác giả mượn hồn của những liệt sĩ trong cuộc chiến ấy trú ngụ ở người Nam – Xác phàm để kể lại diễn biến mười bảy ngày khốc hại, ác liệt, tang thương đã cướp đi sinh mạng sáu vạn người con của đất nước. Những linh hồn oan khuất đã không được ghi công tưởng nhớ mà bị lãng quên theo dòng lịch sử.
Nhào trộn với tiếng súng, tiếng đạn, tiếng bom mìn pháo nổ, tiếng la hét chết chóc là tiếng nhạc Trịnh du dương ru Nam trong phòng mổ. Trong cơn mê sảng ấy, những thước phim sinh động về cuộc chiến lần lượt được dựng lên và tái hiện qua lời kể của Nam. Cao trào, hồi hộp và cuốn hút như chính chúng ta đang tận mắt chứng kiến trận đánh, như chính mình đang lăn lộn trong vòng vây khói lửa. Một cách kể chuyện về chiến tranh vô cùng hấp dẫn của Nguyễn Đình Tú mà tôi chưa từng gặp ở bất kỳ một tác phẩm nào.
Qua những “thước phim” âm ảnh ấy. Những nhân vật Bố anh, Bố em, bác Hoàng, anh nuôi “mũ bông”, cô gái áo thiên thanh, Cu lõi lần lượt xuất hiện. Họ đại diện cho hàng vạn những chiến sĩ cảm tử theo vận mệnh Tổ quốc. Rồi đến Mẹ anh và mẹ em – và bao nhiêu bà mẹ khác nữa. Những mảnh đời đơn độc nuôi con và dài cổ ngóng trông người về từ tiền tuyến. Nhưng thứ duy nhất họ nhận được từ nỗi niềm trông đợi là tờ giấy báo tử và “danh hiệu” vợ liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những người con đã kiên cường, oanh liệt đã ngã xuống, mãi nằm lại với núi rừng, với pháo đài, đồi tả, đồi hữu…cho sự nghiệp vệ quốc của dân tộc. Những mất mát không gì bù đắp nỗi.
“Bố Anh không muốn bất kỳ ai phải nhìn thấy người chết nữa. Đặt khẩu súng ngắn vào nơi phần ngực của chính trị viên, bọc kỹ lại tấm dù hoa, sau đó Bố Anh cởi chiếc áo bông trên người ra, quấn thêm một lớp bên ngoài cái xác. Sau đó Bố Anh đặt xác chính trị viên vào ngách sâu nhất của vách núi. Trước hơn chục chiến sĩ đang hắt ra những ánh nhìn rỏ máu, Bố Anh đứng nghiêm làm động tác đưa tay chào chính trị viên rồi nói như khấn rằng: “Tình hình này không thể chôn cất anh được. Anh hãy nằm yên nghỉ ở đây. Qua cơn động loạn này, chúng tôi sẽ đưa anh về.” Nhưng những người ngồi nhìn cái xác ấy và cả người nói ra câu này cũng vĩnh viễn nằm lại ở nơi đây và chẳng ai còn được trở về nữa.
Là thế hệ đi sau, là người may mắn được sống trong hoà bình và độc lập. Tôi chẳng mấy quan tâm ngày 27/7 hàng năm là ngày gì. Tôi cũng chưa một lần thắp nén hương cho những linh hồn liệt sĩ, (tôi tin nhiều người trẻ cũng như tôi). Nhưng khi đọc Xác phàm, được xem những “thước phim” quay chậm qua lời kể của Nguyễn Đình Tú. Được nhìn thấy máu đổ, chết chóc, được cảm nhận nỗi đau, thiệt thòi của những đứa con, người vợ, tôi tự hỏi rằng: những gương mặt ta gặp hàng ngày, những ngôi nhà, góc phố, hàng cây, mỗi ngôi làng hay thậm chí một tiếng chuông chùa trong đêm sẽ như thế nào, sẽ ra sao, nếu như không có những người con ấy ngã xuống?
Tuy không phải cầm súng ra chiến trường nhưng tôi cho rằng nhà văn Nguyễn Đình Tú xứng đáng được gọi là người Chiến sĩ anh dũng khi đã mạnh dạn và dành nhiều tâm huyết đi khai quật, khảo cứu lịch sử để “dựng lại” Xác phàm. Anh là người “chiến sĩ tiên phong” thay thế vai trò của các sử gia nói lên sự thật đã bị bưng bít, cắt xén suốt mấy chục năm qua. Và theo tôi, điều quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm này đã được đúc kết ở câu trả lời đầy tự tin và rành rọt của Nam ở vòng thi vấn – đáp trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn lịch sử:
“Nam trả lời rằng, có tất cả muời một cuộc xâm lăng từ bên kia Quốc môn chứ không phải mười cuộc… Quân Khợ đã phải mất mười bảy ngày để tiến qua đoạn đường dài mười bảy ki lô mét. Để tiến được mỗi ngày một ki lô mét như thế, quân Khợ đã phải mất mười một nghìn chiến binh, bị bắn cháy tám mươi hai xe tăng, bốn mươi hai xe quân sự, bị phá huỷ gần một trăm khẩu pháo cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác… Trong mười một lần tiến công qua Quốc Môn, cuộc tiến công xâm lược của giặc Khợ là chậm chạp nhất… Trước câu trả lời không có trong đáp án này, những thầy giáo giỏi nhất về lịch sử của tỉnh phải hội ý lại và trao hai giải nhất cho kỳ thi học sinh giỏi môn Sử năm ấy.”
Qua đáp án này tác giả đã ngầm gửi đến những nhà chức trách, những người viết sử một câu hỏi rằng: tại sao một sự kiện lịch sử đầy oai hùng và bi tráng như vậy lại không được ghi lại trong sử sách? Ngay đến những thầy giáo giỏi nhất về môn sử cũng mù mờ về nó. Và chỉ được trả lời bởi những linh hồn liệt sĩ trú ngụ trong Xác phàm.
Cuối cùng, nếu cho phép tôi được nói điều gì qua tác phẩm này thì tôi sẻ QUỲ XUỐNG và nói với từng người một hoặc đứng thẳng dậy quát to vào mặt những nhà viết sử mà nói rằng: Các vị được hưởng lộc Nước để làm “chính Sử”, thì nên khai quật Lịch sử để trả lại tính KHOA HỌC, KHÁCH QUAN, SINH ĐỘNG cho chính nó – vốn là một thuộc tính quan trọng bậc nhất của Lịch sử. Xin đừng nhìn Lịch sử bằng tư duy truyện cổ tích, tệ hại hơn nữa là nhìn Lịch Sử trên quan điểm chính trị, vo tròn bóp méo, tô hồng, bôi đen, bẻ cong ngòi bút… dưới áp lực của cường quyền.
Nhân tiện qua tác phẩm Xác phàm, cho tôi mạn phép được hỏi khi nào thì các nhà viết Sử Việt Nam dám công khai sự thật về những chiến công, mất mát, đau thương thảm khốc của mùa xuân năm 1979? Khi nào các vị dám sỉ soi, moi móc kẻ gây tội ác trong cuộc chiến ấy như cách các vị nói về quân Pháp, quân Mỹ? Hay các vị còn coi đó là đề tài cấm kỵ, nhạy cảm. Hay ngòi bút của quý vị đã trót bị cắm vào cái cán “lập trường giai cấp”, lập trường địch – ta, tự biến mình thành những tay bồi sử, “Sử nô”. Tôi xin lỗi vì đã ko thể viết nhẹ nhàng hơn, vì tôi muốn biết sự thật, muốn con cháu và nhiều thế hệ mai sau cũng biết sự thật. Tôi thành thật xin lỗi những nhà viết Sử và những nhà Chính khách.
P/s: Có lẽ nhà văn Nguyễn Đình Tú sẽ thất vọng khi đọc bài viết này của tôi. Vì đây chẳng phải là bài Review sách mà đúng hơn là tôi đã mượn “Xác phàm” để viết một bản cáo trạng dành cho những nhà viết sử và chính khách Việt Nam.
Nguyễn Văn Thương