29 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 160

Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu

Featured image: Mani

 

Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi, mà còn có nghĩa là năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời. Ở cái tuổi ấy, trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ thiếu tiền thôi, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy. Năm tháng qua đi khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sỡ hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian. Ta vốn được nghe nhiều người nói đến điều này rồi, nhưng hỡi ôi, sao chúng ta vẫn đang để cho tuổi trẻ của mình trôi qua một cách hời hợt và vô nghĩa đến thế? Với trí óc hạn hẹp được định hướng, phần lớn tuổi trẻ hiện tại của chúng ta vẫn cho rằng tiền bạc, hơn hết, mới là thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất là đáng lưu tâm nhất. Và rồi ta vô tình lãng quên hai món quà quý giá nhất đời, thời gian và sức khỏe. Thật ngu ngốc, thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương làm sao.

Tại sao lại như thế? Tuổi trẻ của chúng ta dường như đang ngủ quá say và quá lâu không chịu thức dậy để tận dụng hai món quà quý giá nhất? Đó là lãng phí, là ngu ngốc, hay cả hai? Trong bài viết trước tôi có gợi một nguyên nhân nho nhỏ, chính xác hơn là một sự đổ lỗi, cho các bậc phụ huynh, rằng chính họ là nguyên nhân góp phần tạo nên sự thụ động, ù lì nơi thế hệ trẻ, làm mất đi khả năng tự lập của chúng ta bằng thứ tình yêu bao la vô bờ bến. Thật ra, thoạt nghe thì những điều đó có vẻ hợp lý, nhưng dù hợp lý đến thế nào cũng vẫn không đủ, không đủ vì đó là chỉ cách để đổ lỗi, để biện minh mà thôi. Tuổi trẻ của chúng ta chỉ nên nhìn nhận nguyên do đó cho biết để mà tương lai bớt bao bọc con cái mình như thế. Còn thứ chúng ta thật sự cần, không phải là đổ lỗi, tất nhiên, cũng không phải là ngậm ngùi bực tức rồi để đó. Thứ mà thế hệ trẻ thật sự cần, là hành động, hành động để đập tan những gì ta chưa hài lòng, hành động để xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn, cho mọi người hay đơn giản là cho chính mình. Điều này thật sự không khó, nhưng sao mọi người cứ tránh né và nêu hoài những lý do cũ rích mốc meo? Phải chăng lại tại vì ta đã ngủ quá lâu để có thể sẵn sàng thức dậy? Một giảng viên của tôi từng nói “Thật ngạc nhiên khi quá nhiều người sống như thể họ có một cuộc đời khác đang cất trong ngăn tủ vậy”. Câu này nếu viết cho tuổi trẻ có thể thành “Thật ngạc nhiên khi quá nhiều bạn trẻ sống như thể họ còn có một tuổi trẻ khác cất trong ngăn bàn.” Bạn biết đấy, đồ ăn để lâu không ăn sẽ bị hư, quần áo để lâu không xài sẽ bị lỗi mốt, đồ điện lâu không xài có thể bị chập điện. Riêng tuổi trẻ, nếu bạn cứ để đó mà không xài, không tận dụng, tôi e là nó sẽ không hư, không lỗi mốt, không chập điện nhưng nó sẽ biến mất mãi mãi, không một dấu vết và rồi cả phần đời còn lại bạn sẽ phải sống trong nuối tiếc ngập tràn mà thôi. Viễn cảnh đó, thật tôi không dám tưởng tượng thêm nữa.

“Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá.”

— Mark Twain

 

Tạm thôi không so sánh về tuổi trẻ Việt Nam và thế giới. Bỏ qua luôn không nhắc đến khả năng tự lập, tư duy, chính kiến, sáng tạo, mối quan tâm và thành tựu của tuổi trẻ Việt Nam và thế giới. Tự bản thân mỗi người trẻ đều có thể hiểu và đánh giá.

Vậy thì, chắc chắn sẽ có người hỏi, câu hỏi muôn đời: thế thì phải làm sao? Tuổi trẻ phải làm gì để thay đổi, để khác biệt, để mang lại ý nghĩa đúng với trọng trách nó được giao phó?

Câu trả lời đơn giản làm sao, hãy tận dụng tốt nhất hai món quà lớn mà cuộc sống dành riêng cho tuổi trẻ chúng ta: Thời gian và sức khỏe. Hãy dùng nó để nhào vào đời, để quyện vào cuộc sống, để trải nghiệm mọi thứ khi còn có thể.

Vâng, là trải nghiệm. Đó chính là điều quan trọng nhất tôi muốn nói đến ngày hôm nay. Đó là điều tối cần thiết tạo nên một thế hệ trẻ khác biệt. Đó cũng là điều tuyệt vời nhất mà mọi người đều có thể làm dù đang ở vạch xuất phát nào trong cuộc sống. Dù bạn giàu hay nghèo, công việc tốt hay không tốt, bạn đẹp hay xấu, bạn cá tính hay mực tính… bất kể bạn thế nào, bạn đều có thể bắt đầu trải nghiệm cuộc sống này, biến nó trở nên ý nghĩa, và chính nó sẽ khiến bạn trở nên khác biệt hơn bao giờ hết.

Bởi vì, bạn có thể không tin, nhưng tuổi trẻ mà không có trải nghiệm, là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây, một đời người không có tuổi trẻ… Tất cả đều rất vô nghĩa.

Chính trải nghiệm, chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn. Tôi đang nói con người thật sự bên trong bạn ấy, không phải gia cảnh, xuất thân, đồ trang trí trên người, bằng cấp học vị hay gì cả. Con người thật sự của bạn, muốn biết nó như thế nào, muốn tìm kiếm nó, thật không cách gì ngoài việc bạn  phải bước vào đời, trải nghiệm, trộn bản thân mình vào cuộc sống, rồi cảm nhận, rồi đúc kết và rồi cuối cùng là phát huy hết sức những gì mình đã học được trong quá trình đó.

Giá trị của những trải nghiệm chính là giá trị con người bạn

Tôi hay nhắc đi nhắc lại câu nói này trong các bài viết của mình như một sự tâm niệm, hi vọng các bạn cũng có thể học được gì đó từ chúng. Câu nói về giá trị bản thân trong sách 7 thói quen “Nếu như tôi có những thứ giúp chứng minh tôi là ai, thì khi những thứ đó mất đi, tôi là ai?” Chúng ta thường hay tìm kiếm những thứ bên ngoài để chứng minh bản thân mình, quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế… Tất cả những thứ này là những vật chứng hoàn hảo nói về một con người ở thì hiện tại này. Nhưng tất cả chúng, lại là những thứ có thể mất đi. Bạn dùng chúng để chứng tỏ mình, bạn có dám đảm bảo chúng sẽ tồn tại mãi mãi không? Một công việc tốt, một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc, một căn nhà tiện nghi… Tất cả chúng đều có thể biến mất. Và khi đó, bạn là ai? Đấy là vấn đề của vật chất. Còn riêng với trải nghiệm ư, hãy yên tâm rằng chúng là của bạn, luôn là của bạn,  mãi mãi là của bạn, bên trong bạn, chúng sẽ không bao giờ mất đi. Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân và rồi bạn sẽ nhận ra bản thân mình thật đặc biệt và quý giá, hơn hết mọi những vật phẩm trang trí bên ngoài.

Hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là cuộc trải nghiệm, bạn sẽ không quá áp lực nên mọi sự lựa chọn của mình trong cuộc đời. Đó là cuộc chơi, không ai thắng và cũng không ai thua cả, vì suy cho cùng, ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác, sống nhiều hơn, không có nghĩa là sống lâu hơn nhưng là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như Jean Jacques Rousseau nói:

“Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”

Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc sống sung sướng hơn, sống tốt hơn, sống lâu hơn, thành “sống nhiều hơn”, thế là đủ.

Nhưng làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây có thể đều trở nên ý nghĩa và giải pháp là hãy không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xảy ra xung quanh mình, đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi.

Còn làm thế nào để trải nghiệm cuộc sống ư? Hãy thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, thay kế hoạch bằng hành động, hành động ngay đi thôi. Hãy ngưng nói mà làm, ngưng suy tính quá kĩ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi. Như Steve Job nói câu nổi tiếng nhất “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Henry David Thoreau nói: “Những người trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống?” Tôi thì sẽ nói lại “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn, ta tìm lý do.”

 Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?

Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới. Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do là vì tôi biết bạn không phải một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ. Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không? Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm. Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày… Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu những trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.

Cái giá của trải nghiệm là gì?

Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó. Còn trải nghiệm ư. Nếu bạn muốn có nó, tất nhiên không ngoại lệ, bạn cũng phải trả giá. Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa. Nhưng tin vui đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng.

Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ cũ kĩ quen thuộc, nhưng đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác tuyệt vời hơn. Như câu “Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn!

Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống cho chính mình, chứ không vì dư luận, vì xã hội, hay vì gia đình… không vì một cái gì hết. Chính vì thế bạn sẽ có thể bị người ta dèm pha, chê cười hay thậm chí là bị chửi mắng là ngu ngôc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu thật.

Nhưng này, đây chính là phần thưởng lớn dành cho bạn.

Yêu đời, yêu cuộc sống

Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về đời, về cuộc sống toàn diện và thông thoáng hơn. Họ thường nhìn ra được những thứ thật sự quan trọng với bản thân để rồi tập trung vào đó, hơn là việc phí công sức vào những thứ vô bổ phù phiếm hàng ngày. Đi đi, trải nghiệm đi, để thấy những mảnh đời bất hạnh, để nhận ra bản thân mình dù gặp nhiều rắc rối nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn bao nhiêu. Những người đi nhiều trải nhiều gặp nhiều việc sẽ có cái nhìn tổng quát và bao dung hơn. Họ có xu hướng trân quý cuộc sống hơn và dễ dàng hòa nhập hơn vào mọi hoàn cảnh trên đời. Đó chính là phần thưởng. Cứ mỗi khi trải qua một chuyện ta lại thấy mình lớn hơn, già hơn, thấy cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.

Trải nghiệm giúp ta tìm ra kẻ mang tên “chính mình”

Hàng ngày chúng ta cứ nghe ra rả bên tai và đọc được hàng ngàn thông điệp kiểu “hãy là chính mình, hãy tìm chính mình” nhưng khoan, hãy là chính mình bằng cách nào khi ta còn đang phải mải mê tìm kiếm chính mình là gì? Thật ra chỉ có một cách thôi, một câu trả lời cho tất cả, đó là hãy trải nghiệm đi, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống. Chỉ có trong trải nghiệm, trong những hoàn cảnh cụ thể bạn mới biết mình là người như thế nào. Chỉ có trong trải nghiệm bạn mới tìm ra được chính mình. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người can đảm hay sợ sệt. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người giữ lời hay là kẻ thất hứa, là người trọng tình cảm hay luôn bị lý trí lấn át. Chỉ trong trải nghiệm bạn mới biết được khả năng sinh tồn, khả năng xoay chuyển tình huống và khả năng đối phó với những khó khăn. Chính những nét tính cách đó là con người bạn. Làm sao bạn có thể tìm ra nó, tìm ra chính mình khi không trải qua những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống?

Người thầy vĩ đại

Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm? Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác, nhưng thôi nào, chẳng mấy ai chịu học từ bài học của người khác cả. Tôi có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh nhận định này, một trong số chúng là khi các bạn tôi đến hỏi kinh nghiệm mở shop thời trang hoặc quán cafe. Đương nhiên tôi luôn chỉ họ mọi điều, kể cả những kinh nghiệm đau thương của mình, nhưng rồi sao? Họ ờ à và rồi sau đó họ lờ nó đi và mắc những lỗi i chang tôi đã cảnh báo. Nhiều đến mức tôi chẳng thấy lạ hay buồn lòng gì nữa cả. Người ta thực sự chỉ học được từ chính trải nghiệm của bản thân.

Một người mới bắt đầu kinh doanh sẽ không thể biết tại sao vốn dự phòng lại quan trọng. Một người không bao giờ đọc sách sẽ chẳng hiểu nổi tại sao người ta phải đọc sách. Một người chưa đi du lịch bụi bao giờ sẽ không biết tại sao người ta phải mang theo mình thứ này thứ nọ như vài viên thuốc tây, chai nước lọc hay ít đồ ăn khô… Thật sự là như thế, bạn chỉ có thể học hỏi được nhiểu khi và chỉ khi chính bạn phải trải nghiệm cuộc sống trong từng hoàn cảnh xảy đến mà thôi.

Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, nhào vào cuộc sống, không sợ thử những điều mới lạ, những thử thách và cơ hội với tâm thế của người học hỏi mọi thứ, nhưng cũng đừng quên ước chừng trước những gì bạn có thể mất, hay cái giá bạn phải trả để có những trải nghiệm đó.

Tham gia một tổ chức đa cấp, đó là trải nghiệm. Làm thêm gia sư, phục vụ, lễ tân… đó là trải nghiệm. Tham gia một câu lạc bộ, những hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào, đó là trải nghiệm. Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới… đó là trải nghiệm. Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi… đi chính là kiểu trải nghiệm mạnh mẽ nhất.

Làm những việc mình chưa làm bao giờ, đó là trải nghiệm

Trên thế giới đã từng có một cuộc khảo sát về những điều người ta thường nuối tiếc trước khi chết. Và một trong số những điều người ta nuối tiếc nhất, đó là mọi người tiếc rằng mình đã sống quá an toàn, đã không trải nghiệm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn nữa.

Còn tiếc hơn khi chúng ta, những người còn sống, biết được điều đó nhưng lại cứ thế cho qua, cứ thế tiếp tục sống một cuộc sống an toàn, bình lặng, cứ thế sống hết kiếp người rồi sau cùng nhìn lại lại ước gì, lại giá như lại hối tiếc.

Ta không thể đánh mất những gì ta từng tận hưởng. Tất cả những gì ta yêu sâu sắc trở thành một phần trong ta.

– Helen Keller

 Món quà vô giá

Tiền là có giá, con người hiện tại luôn dùng tiền để định giá mọi thứ. Thời gian, xét về mặt nào đó, cũng có giá, người ta có thể bỏ tiền ra mua thời gian của bạn. Chúng ta hay nói sức khỏe là vô giá, nhưng rõ ràng người nhiều tiền có điều kiện vẫn có thể mua được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, kéo dài hơn thời gian sống trên đời. Còn trải nghiệm ư? Không một ai có thể trả bất cứ gì để mua trải nghiệm của bạn cả. Trải nghiệm của bạn là của bạn, của riêng bạn, nó vĩnh viễn không bao giờ thuộc về ai nữa cả. Nó không thể bị mất đi, không thể bị cướp, không thể mua bán được, nó là vĩnh viễn và thuộc về duy nhất người trải qua nó. Đó chính là điểm đặc biệt của việc trải nghiệm. Chỉ qua trải nghiệm, người ta mới trân trọng những đau thương và nhắc về nó với lòng tự hào tha thiết. Chỉ qua những trải nghiệm, con người ta mới lớn dần lên, tâm trí rộng mở đón chào mọi điều xảy đến trong đời.

Chỉ qua những trải nghiệm ta mới định nghĩa được bản thân một cách chính xác, sâu sắc và rõ nét.

Chỉ qua những trải nghiệm, ta mới sống được nhiều hơn, ta sẽ hơn được nhiều người vì chính điều đó, ta trải nghiệm nhiều hơn, ta yêu cuộc sống hơn, hiểu về nó và rất nhiều khi sẽ khiến những người khác ghen tỵ.

Ngập tràn cơ hội

Mỗi khi trải qua một điều gì mới mẻ, đến một nơi ở mới, làm quen những người bạn mới… chắc chắn bạn sẽ nảy ra vô vàn ý tưởng hay ho cho cuộc đời sau này. Những ý tưởng kinh doanh thành công đôi khi cũng chỉ bắt đầu từ những trải nghiệm thực tế. Một người đi làm thêm chẳng mấy chốc học đủ nghề và ra mở cửa hàng riêng. Một người đi du lịch vì quá nghiền món này món nọ mà cho ra đời những quán ăn địa phương trên những vùng đất khác. Một lần trải nghiệm làm người lãnh đạo một nhóm thuyết trình có thể khiến ai đó nhận ra tài năng lãnh đạo của mình. Việc gặp gỡ những người bạn trên đường trải nghiệm giúp ta hình thành một mạng lưới những người bạn ít gặp nhưng rất thân… Càng trải nghiệm nhiều bao nhiêu bạn lại càng thu lượm được nhiều ý tưởng và cơ hội bấy nhiêu để phát triển cuộc đời riêng của mình.

Trải nghiệm làm nên con người, trải nghiệm làm nên cuộc đời

Trên thế giới đã từng có một cuộc khảo sát về những điều người ta thường nuối tiếc trước khi chết. Và một trong số những điều người ta nuối tiếc nhất, đó là mọi người tiếc rằng mình đã sống quá an toàn, đã không trải nghiệm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn nữa.

Còn tiếc hơn khi chúng ta, những người còn sống, biết được điều đó nhưng lại cứ thế cho qua, cứ thế tiếp tục sống một cuộc sống an toàn, bình lặng, cứ thế sống hết kiếp người rồi sau cùng nhìn lại lại ước gì, lại giá như lại hối tiếc.

Chúng ta thường được nghe những lời kêu gọi như “hãy khác biệt, hãy sống hết mình, sống là không chờ đợi, hãy cứ dại khờ…” nhưng áp dụng cụ thể những lời khuyên đó như thế nào thì dường như lại chẳng mấy ai biết và cũng thật khó khăn vô cùng.

Tôi là một kẻ lắm điều và lắm lời, nhìn độ dài các bài viết của tôi thì biết, tôi khuyên mọi người đủ thứ, đủ việc, tôi làm mọi cách, dùng mọi lời để khiến mọi người làm những gì tôi đã làm: viết sổ tay, đặt mục tiêu, lên kế hoạch, kiểm soát cảm xúc, tạo thói quen tích cực, quan tâm mọi người, đọc sách, tập thể dục thể thao, bớt mua sắm và thậm chí là tặng quà miễn phí, viết thư tay cho nhau nữa. Cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại bao đồng thế, nhiều người sẽ cho rằng sao phải đi khuyên mọi người làm vậy làm gì, sống tốt thì cứ sống tốt đi, ai cũng có cuộc đời riêng cần phải lo, đâu ai giống ai đâu mà phải khuyên, khuyên rồi cũng chẳng mấy ai làm theo thì khuyên làm gì… Ờ, nghĩ cũng đúng, tôi cũng không chắc có ai làm theo những điều tôi nói không, có ai vì đọc những lời viết đó mà muốn thay đổi, mà tự giác thay đổi, mà hành động không. Tôi không biết, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn, những lời khuyên của tôi là không vô nghĩa, không giáo điều. Tôi không viết suông, viết láo, tôi chỉ viết những gì mình trải nghiệm, những gì mình đã làm, đã thực hành và thấy hiệu quả, thấy tác dụng tích cực thì mới khuyên. Và nhất là, đó là những việc hết sức bình thường, hết sức nhỏ bé mà ai cũng có thể làm được cả. Những việc nhỏ nhưng giá trị thì rất to.

Nếu như có một điều khiến tôi tự hào vào cuộc sống của mình, đó nhất định là tôi không sợ chết. Tôi không thích chết, nhưng tôi cũng không sợ nó. Tôi không muốn chết vì tôi còn quá nhiều dự định và kế hoạch muốn thực hiện. Vì tôi nhận ra cuộc đời thật quá đẹp tươi, quá thú vị và lôi cuốn. Vì còn quá nhiều thứ tôi chưa được trải qua, chưa được khám phá nên nếu vì lý do gì đó mà chết đi, hẳn tôi sẽ tiếc lắm. Nhưng mà tôi lại không sợ chết chút nào? Tại sao? Tại vì tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, với những gì mình đã làm và đang làm. Dù nhiều chuyện không như ý muốn, dù đôi khi cuộc sống này làm tôi phát điên, nhưng tôi vẫn không hối hận những tháng ngày đã sống trên đời.

Nên hôm nay, tôi lại mạo muội xin được đưa ra một lời khuyên nữa, một lời khuyên mà tôi đã dùng những năm tháng qua để thực hành và chứng minh. Một lời khuyên có thể giúp bạn cũng như tôi, sẽ không hối hận, sẽ không tiếc nuối và nhất là sẽ không sợ chết nữa, không sợ lúc về nhà lại nằm một chỗ ao ước giá như. Một lời khuyên ngắn gọn thôi: Sống, hãy trải nghiệm, trải nghiệm nhiều hơn, nhiều hơn nữa…

Bạn đã đọc bài “Thế giới khác rất tuyệt thời sinh viên” rồi chứ. Trong đó tôi có nói rõ rằng mình không phải một sinh viên giỏi, càng không thích môi trường đại học chút nào, nhưng để đánh đổi bất cứ gì để lấy khoảng thời gian làm sinh viên, tôi sẽ không đổi. Đơn giản vì đó là một khoảng thời gian tuyệt vời, tôi được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ, chính vì thế khoảng thời gian sinh viên trở thành khoảng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa và đáng giá.

Cuộc sống hiện tại của tôi cũng vậy, khi đặt bản thân vào tâm thế trải nghiệm cuộc đời, mỗi ngày xảy đến với tôi đều thật tươi vui và mới mẻ. Ngày xưa tôi đi được mấy nơi và tưởng rằng mình đi được nhiều lắm. Ngày nay tôi đi được nhiều hơn xưa rất nhiều nhưng lại cảm thấy mình đi quá ít so với những người bạn tôi quen. Những người bạn tôi, bất cứ ai mà trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn tôi, thú vị hơn tôi, tôi đều rất ghen tỵ với họ. Tôi thèm cái cảm giác được homestay trong nhà một người thiểu số của họ, tôi thèm được xách mũ bảo hiểm vừa đi vừa quá giang mọi người, tôi thèm được tự đi phượt khắp trời Âu, tôi thèm đủ thứ, bất cứ thứ gì người ta được trải qua còn tôi thì không, tôi thèm lắm, thế nên tôi vẫn sẽ và vẫn mãi không muốn dừng lại hành trình trải nghiệm của mình.

Trong công việc kinh doanh tôi thường hay bị một cậu bạn thân đang khá thành công lĩnh vực thời trang lắc đầu khó hiểu. Cậu ấy hỏi tôi sao lại phân tán đủ thứ như thế làm gì? Làm ít thôi, tập trung dô, làm cho một cửa hàng thật hiệu quả còn hơn mở đủ thứ mà không quản lý được. Tất nhiên tôi hiểu cậu, hiểu sự quan tâm của cậu và những gì cậu ấy nói hoàn toàn có lý. Nhưng tôi chỉ đơn giản là không thể nghe theo, vì hiện tại tôi không muốn chỉ làm việc vì tiền. Và nhất là, khác biệt ở chỗ tôi làm mọi thứ với tâm thế của người trải nghiệm. Tôi thử sức mình ở mọi lĩnh vực tôi yêu thích, ban đầu là thời trang, sau đó là lưu niệm, quán cafe, viết lách, sắp tới sẽ là về trà, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ homestay và rồi bất động sản… Bất cứ thứ gì tôi đủ quan tâm tôi sẽ làm thử, không chắc là mình làm tốt và thành công nhưng chắc chắn sau mỗi thất bại đi chăng nữa tôi đều học hỏi được rất rất nhiều.

Tôi 24, cái tuổi không lớn, nhưng tôi dám cá là mình hơn rất nhiều người lớn tuổi khác về khoản những trải nghiệm. Đó là điều khiến tôi tự hào. Vậy nên, nếu bạn cũng muốn có gì đó để bản thân thấy tự hào, mà những thứ đó không thể là gia cảnh, công việc tốt, ngoại hình đẹp…. thì hãy chọn con đường làm giàu trải nghiệm để bản thân có thể tự hào về chính mình. Bạn có làm được không?

Tự  nhiên tôi tưởng tượng về một thế giới, mà không, một Việt Nam hoàn toàn khác. Một Việt Nam mà tuổi trẻ thực sự là một món quà lớn lao, nơi đó người ta xông pha trải nghiệm mọi thứ. Mọi sinh viên đều chủ động đi làm thêm, đều có những mục đích, định hướng cho riêng mình. Một nơi mà đi khắp nơi đều gặp tuổi trẻ đi trải nghiệm đông vui trên mọi nẻo đường. Nơi mà tuổi trẻ không ù lì, không thụ động, không ca thán, không đổ lỗi… Nơi mà tuổi trẻ mặc sức sáng tạo và được quyền làm mọi điều mình muốn. Khi đó, sức sống của dân tộc Việt Nam sẽ lại hồi sinh, mãnh liệt và đáng tự hào. Còn hiện tại thì sao? Việt Nam có thật là một quốc gia trẻ trung không? Hay chỉ đơn thuần là một quốc gia nhiều người trẻ tuổi nhưng khả năng vận động lại yếu ớt như những cụ già? Bạn có yêu nước không? Có muốn thay đổi điều đó không? Thế thì hãy bắt tay hành động đi, đừng nói câu “tương lai đất nước nằm trên vai các con, các cháu” nữa. Biết bao thế hệ người Việt Nam ta nói câu đó mỗi ngày rồi? Tại sao không chính chúng ta chịu một phần trọng trách đó mà toàn trốn tránh và đùn đẩy cho các thế hệ sau? Tuyệt đối đừng nói câu đó nữa mà hãy tự mình hành động đi thôi. Với các bạn trẻ, hãy nhào vào đời, hãy trải nghiệm đi, mà mở mang tầm mắt, mà học hỏi, mà lớn lên… Bởi vì, không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu đâu!

Tuyệt đối không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều. Bởi lẽ với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Ấy thế mà bạn vẫn  muốn để tuổi trẻ trôi qua mà không có trải nghiệm gì sao? Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu tuổi trẻ là thời gian và sức khỏe đang ngay trong bạn đấy. Hãy tận dụng nó đi! Ngay đi!

 

 Phi Tuyết

 

 

 

 

Thị trường và đạo đức (kỳ 16)

 

Ludwig von Mises – Cơ sở kinh tế của tự do

Động vật hành động vì những thôi thúc bản năng. Chúng làm theo những xung động mạnh mẽ nhất và đòi đáp ứng ngay tại mỗi thời điểm. Chúng là những con rối của những ham muốn của chính chúng.

Con người khác loài vật ở chỗ biết lựa chọn giữa những phương án khác nhau. Con người điều chỉnh hành vi của mình một cách có cân nhắc. Con người có thể làm chủ được những xung động và ước muốn của mình, con người có đủ sức kìm nén những ước muốn mà để đáp ứng chúng thì phải hy sinh những mục tiêu quan trọng hơn. Nói ngắn: con người hành động, con người hướng tới những mục tiêu đã được lựa chọn. Đấy là điều chúng ta nghĩ trong đầu khi chúng ta tuyên bố rằng con người là một nhân vật đức hạnh, nhận vật tự chịu trách nhiệm cho nhân cách của mình.

Tự do là định đề của đức hạnh

Tất cả những học thuyết và những lời giáo huấn về đức hạnh, dù là dựa trên tín điều tôn giáo hay học thuyết thế tục, thí dụ như những người khắc kỷ, đều giả định rằng các cá nhân tự chủ về mặt đạo đức và vì vậy mà tất cả những học thuyết và lời giáo huấn đó đều viện đến lương tâm của mỗi cá nhân. Tất cả các học thuyết này đều giả định rằng cá nhân có quyền tự do lựa chọn giữa những phương án hành xử khác nhau và đòi hỏi rằng phải hành xử phù hợp với những quy tắc xác định, tức là phải hành xử theo các quy tắc đạo đức. Làm điều tốt, tránh xa điều xấu.

Rõ ràng là những lời cổ vũ và khuyên răn về đức hạnh chỉ có ý nghĩa khi ta nói với những người tự do mà thôi. Nói điều đó với những người nô lệ là việc làm vô nghĩa. Nói với người nông nô cái gì là tốt, cái gì là xấu cũng chẳng được ích lợi gì. Anh ta không được tự do lựa chọn cách hành xử của mình, anh ta bị buộc phải nghe theo mệnh lệnh của chủ. Thật khó có thể lên án anh ta nếu anh ta làm theo lệnh của chủ dù có thể bị những hình phạt cực kỳ tàn ác, đe dọa không chỉ anh ta mà cả người thân trong gia đình anh ta nữa.

Đấy là lý do vì sao tự do không chỉ là định đề chính trị mà còn là định đề quan trọng của mọi nền đạo đức, cả tôn giáo lẫn thế tục.

Cuộc đấu tranh cho tự do

Trong hàng ngàn năm, phần đông nhân loại hoàn toàn hay ít nhất là về nhiều mặt đã không được quyền lựa chọn giữa cái đúng và cái sai. Trong xã hội chia thành đẳng cấp của những ngày đã qua đó, những giai tầng bên dưới (đa phần dân chúng) thường bị hệ thống kiểm soát khắt khe ngăn chặn. Biểu hiện rõ ràng nhất của nguyên tắc này là quy chế của Đế chế La Mã, cho phép các ông hoàng và bá tước của đế chế có quyền quyết định trách nhiệm tôn giáo của những người dưới quyền họ.

Người phương Đông ngoan ngoãn quy thuận tình trạng này. Nhưng những người Thiên chúa giáo và hậu duệ của họ ở những vùng lãnh thổ hải ngoại chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho tự do. Họ đã xóa bỏ dần tất cả đặc quyền đặc lợi của các giai tầng và đẳng cấp và xóa bỏ những điều kiện bất lợi cho đến khi thiết lập được điều mà những nhà tiên khu của chế độ toàn trị cố gắng bôi nhọ bằng cách gọi đấy là hệ thống tư sản.

Uy thế của người tiêu dùng

Nền tảng kinh tế của hệ thống tư bản là kinh tế thị trường, trong đó người tiêu dùng là “thượng đế”. Người tiêu dùng, nghĩa là tất cả mọi người, quyết định – bằng cách mua hay không mua – cần sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao. Các doanh nhân – do tính toán lời lỗ – buộc phải tuân thủ mệnh lệnh của người tiêu dùng. Chỉ những doanh nghiệp cung cấp một cách tốt nhất và rẻ nhất những món hàng và dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua nhất mới có thể phát đạt được mà thôi. Những doanh nghiệp không đáp ứng được người tiêu dùng sẽ bị lỗ và cuối cùng phải ngừng kinh doanh.

Trong giai đoạn tiền tư bản người giàu là những người có những điền sản lớn. Họ hay tổ tiên của họ có được tài sản là do nhà vua – người mà nhờ họ giúp đỡ đã chiếm được đất nước và nô dịch được những người sống trên vùng đất đó – ban tặng (dưới dạng thái ấp hay đất phong). Những điền chủ quý tộc đó là những ông chủ thật sự, họ không cần người mua. Nhưng người giàu trong xã hội công nghiệp tư bản lại phụ thuộc vào thị trường. Họ kiếm được tài sản là do phục vụ người tiêu dùng tốt hơn những người khác và họ sẽ bị mất tài sản khi những người kia đáp ứng được ước muốn của người tiêu dùng tốt hơn hay rẻ hơn họ.

Trong nền kinh tế thị trường tự do, người chủ tư bản buộc phải đầu tư vào những ngành có thể phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Do đó, quyền sở hữu hàng hóa tư bản liên tục được chuyển vào tay những người biết cách phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất. Hiểu theo nghĩa này, trong nền kinh tế thị trường, tài sản tư nhân là một loại dịch vụ công cộng, buộc người chủ sở hữu phải sử dụng nó nhằm đáp ứng một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Đấy là cái mà các nhà kinh tế học hàm ý khi họ gọi kinh tế thị trường là nền dân chủ, trong đó từng đồng xu đều có quyền bỏ phiếu.

Khía cạnh chính trị của tự do

Chính phủ đại diện là hệ quả chính trị tất yếu của nền kinh tế thị trường. Phong trào tư tưởng xây dựng lên chế độ tư bản hiện đại cũng là phong trào đã đưa các quan chức được bầu thế chỗ cho chính quyền độc tài của những ông vua chuyên chế và những nhà quý tộc cha truyền con nối. Chính cái chủ nghĩa tự do tư sản vẫn bị người ta chê bai đó đã đem đến tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí và đặt dấu chấm hết cho những sự ngược đãi bất công đối với những người bất đồng.

Đất nước tự do là đất nước, trong đó mỗi công dân đều có quyền tự do sống theo ý mình. Người công dân được tự do cạnh tranh trên thương trường nhằm giành lấy những công việc mà anh ta ưa thích nhất và trên sân khấu chính trị thì giành lấy những chức vụ cao nhất. Anh ta phụ thuộc vào thiện ý của người khác như thế nào thì những người kia cũng phụ thuộc vào thiện ý của anh ta như thế ấy. Muốn thành công trên thương trường, anh ta phải làm cho người tiêu dùng hài lòng; muốn thành công trong lĩnh vực công, anh ta phải làm cho cử tri hài lòng.

Hệ thống này đã đem đến cho những nước tư bản phương Tây, Mĩ, Australia mức độ gia tăng dân số chưa từng có trước đây và đem đến cho họ mức sống cao chưa từng thấy. “Người dân bình thường” được hưởng những thứ mà ngay cả những người giàu có nhất trong thời tiền tư bản cũng không dám mơ ước. Anh ta được hưởng những thành quả tinh thần của khoa học, của thi ca và nghệ thuật mà trước đây chỉ có nhóm tinh hoa trong số những người giàu có mới được tiếp cận mà thôi. Và anh ta được tự do thờ cúng theo lương tâm của mình.

Sự xuyên tạc của phái xã hội chủ nghĩa

Tất cả những sự kiện liên quan tới hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã bị các chính trị gia và người cầm bút tự dán lên mình nhãn mác của chủ nghĩa tự do xuyên tạc và bóp méo. Thế mà trong thế kỷ XIX chủ nghĩa tự do chính là trường phái tư tưởng đã đập tan chính quyền độc đoán của vua chúa và quý tộc và mở đường cho tự do thương mại và tự do kinh doanh. Theo những người biện hộ cho sự trở lại của chế độ chuyên chế thì tất cả những điều xấu xa đang làm bại hoại nhân loại đều từ những âm mưu nham hiểm của những nhà tư sản kếch xù mà ra, muốn đem lại của cải và hạnh phúc cho người dân lương thiện thì phải đặt những công ty này dưới quyền kiểm soát ngặt nghèo của chính phủ.

Họ thừa nhận – mặc dù mới chỉ gián tiếp – rằng điều đó có nghĩa là chấp nhận chủ nghĩa xã hội, chấp nhận Liên Xô. Nhưng họ bảo là chủ nghĩa xã hội trong các nước phương Tây sẽ hoàn toàn khác với chủ nghĩa xã hội ở Nga. Và dù thế nào đi nữa thì đấy cũng là biện pháp duy nhất có thể áp dụng nhằm tước đoạt quyền lực của những công ty khổng lồ và ngăn chặn, không để chúng tiếp tục xâm phạm lợi ích của nhân dân.

Muốn chống lại trò tuyên truyền cuồng tín này thì phải nhắc đi nhắc lại sự thật là chính các doanh nghiệp lớn đã mang đến cho quần chúng mức sống cao chưa từng có. Những món hàng xa xỉ phẩm dành cho một số ít người giàu có có thể được những doanh nghiệp nhỏ sản xuất. Nhưng nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tư bản là sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Chính những người làm cho các công ty lớn lại cũng là những người tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra.

Quan sát gia đình những người có thu nhập trung bình ở Mĩ, bạn sẽ thấy bánh xe của máy móc đang quay vì ai. Chính các công ty lớn đã làm cho người dân bình thường tiếp cận được với những thành tựu của công nghệ hiện đại. Năng suất lao động cao của nền sản xuất lớn làm cho mọi người đều được lợi.

Nói về “quyền lực” của doanh nghiệp lớn là việc làm ngu xuẩn. Biểu hiện chủ yếu nhất của chủ nghĩa tư bản trong tất cả các vấn đề kinh tế là quyền lực tối cao nằm trong tay người tiêu dùng. Tất cả các doanh nghiệp lớn đều phát triển từ một xuất phát điểm khiêm tốn, chúng lớn lên là nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng. Không có doanh nghiệp vừa và nhỏ nào có thể đưa ra những sản phẩm mà không người Mĩ nào muốn mua.

Công ty càng lớn thì càng phụ thuộc vào thiện ý của người tiêu dùng. Chính ước muốn (có người nói là sự điên rồ) của người tiêu dùng đã thúc đẩy ngành sản xuất ô tô làm ra những chiếc xe to đùng và bây giờ lại buộc họ phải sản xuất những chiếc xe nhỏ hơn. Các cửa hàng và siêu thị phải thường xuyên điều chỉnh, thường xuyên đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi của người tiêu dùng. Quy luật căn bản nhất của thị trường là: khách hàng bao giờ cũng đúng.

Những người phê phán hoạt động kinh doanh và làm ra vẻ như nắm được những biện pháp cung cấp tốt hơn thực chất chỉ là kẻ ba hoa chích chòe vô công rồi nghề mà thôi. Nếu những người đó nghĩ rằng biện pháp của họ hoàn hảo hơn thì tại sao họ không tự mình đem ra thử? Ở đất nước này lúc nào cũng có những nhà tư sản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ sẵn sàng cung cấp vốn cho bất kỳ sáng kiến hữu lý nào.

Xã hội bao giờ cũng muốn mua những món hàng tốt hơn hoặc rẻ hơn hoặc vừa tốt hơn vừa rẻ hơn. Trên thương trường, giá trị không phải là lời nói mà là việc làm. Nói không làm cho các “ông trùm tư bản” trở thành giàu có được, phục vụ những người tiêu dùng đã làm cho họ trở thành những người giàu có như thế.

Tích lũy tư bản làm cho mọi người đều được lợi

Hiện nay sành điệu là người phớt lờ sự kiện sau đây: tất cả sự tiến bộ về mặt kinh tế đều phụ thuộc vào quá trình tiết kiệm và tích lũy tư bản. Không một thành tựu tuyệt vời nào của khoa học và công nghệ có thể được đem ra áp dụng trong thực tiễn nếu số vốn cần thiết không được tích lũy sẵn từ trước.

Điều cản trở những nước lạc hậu về kinh tế, không cho họ triển khai tất cả những lợi thế của những phương pháp sản xuất của phương Tây và vì vậy mà tiếp tục giam hãm nhân dân các nước đó trong cảnh bần hàn không phải là họ chưa làm quen với công nghệ mà là do đồng vốn ở đó không có hiệu quả. Khẳng định rằng vấn đề của các nước chưa phát triển là thiếu hiểu biết kỹ thuật, không có “know-how” là sai. Đa số các doanh nhân và các kỹ sư của họ đều tốt nghiệp tại những trường tốt nhất của châu Âu và Mĩ, những người này nắm được các môn khoa học ứng dụng. Nhưng họ bị trói chân trói tay vì thiếu vốn.

Một trăm năm trước, nước Mĩ thậm chí còn nghèo hơn các nước này. Chính “chủ nghĩa cá nhân thô lậu”, trong những năm trước khi có Chính sách mới (New Deal), không tạo ra những trở ngại trầm trọng cho những người có sáng kiến đã biến nước Mĩ thành đất nước giàu có nhất thế giới. Doanh nhân trở thành những người giàu có vì họ chỉ tiêu dùng một phần nhỏ lợi nhuận của mình và đầu tư trở lại phần lớn số tiền kiếm được. Đấy là cách họ làm cho mình và đồng thời làm cho những người khác cùng trở thành giàu có. Tích lũy tư bản làm cho năng suất lao động tăng lên và đồng lương cũng tăng lên theo.

Trong chế độ tư bản, lòng tham của từng doanh nhân riêng lẻ làm cho không chỉ anh ta mà tất cả những người khác đều được lợi. Có mối quan hệ hỗ tương giữa tài sản mà anh ta thu về thông qua việc phục vụ người tiêu dùng và số tư bản tích lũy được, và sự cải thiện điều kiện sống của những người làm công ăn lương, cũng là những người tiêu dùng.

Quần chúng nhân dân, cả trong vai trò người làm công ăn lương lẫn người tiêu dùng đều muốn việc làm ăn luôn phát đạt. Đấy chính là tâm tư của những người theo trường phái tự do trước đây khi họ tuyên bố rằng trong nền kinh tế thị trường quyền lợi chân chính của tất cả các nhóm dân cư đều được điều hòa, hài hòa quyền lợi là hiện tượng giữ thế thượng phong.

Chế độ tập quyền đe dọa thịnh vượng kinh tế

Người công dân Mĩ sống và làm việc trong trạng thái tinh thần và đạo đức của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Điều kiện ở một số khu vực ở Mĩ vẫn còn kém xa so với dân cư những khu vực phát triển hơn, mà đây lại là phần lãnh thổ rộng lớn hơn. Nhưng tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng đáng lẽ đã xóa bỏ được những khu vực lạc hậu nhỏ bé này từ lâu nếu chính sách Kinh tế mới không làm chậm lại quá trình tích lũy tư bản, một phương tiện không thể thay thế được đối với sự cải thiện nền kinh tế.

Đã quen với những điều kiện của chủ nghĩa tư bản, người dân bình thường ở Mĩ coi việc doanh nghiệp mỗi năm đều tạo ra một điều gì đó mới mẻ và dễ dàng tiếp cận hơn là chuyện đương nhiên. Nhìn lại những năm trước đây của chính cuộc đời mình, người ta thấy rằng nhiều đồ đạc mà thời trai trẻ người ta chưa hề biết và nhiều thứ thời đó rất ít người được sử dụng thì nay đã trở thành thiết bị bình thường hầu như của mọi gia đình.

Người ta tin tưởng rằng xu hướng đó sẽ vẫn còn giữ thế thượng phong trong tương lai. Người ta gọi nó một cách đơn giản là “Lối sống Mĩ” và không hề suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi: điều gì làm cho sự cải thiện liên tục như thế trở thành khả thi? Người ta không hề bận tâm về hoạt động của những tác nhân chắc chắn sẽ chặn đứng quá trình tích lũy tư bản mà còn có thể chẳng bao lâu nữa sẽ làm cho nó phân tán ra nữa.

Người ta không phản đối những lực lượng (bằng cách gia tăng những khoản chi tiêu công, cắt giảm việc tích lũy tư bản và thậm chí còn mang ra dùng ngay một phần vốn đã được đầu tư vào doanh nghiệp và cuối cùng là gây ra nạn lạm phát) đang phá hoại ngay chính cơ sở của sự thịnh vượng về mặt vật chất của anh ta. Người ta không bận tâm tới sự phình ra của bộ máy nhà nước, mà ở đâu làm như thế thì cũng đều dẫn đến kết quả là tạo ra hoặc giữ lại những thứ mà người ta cho là cực kỳ xấu xa.

Không có tự do kinh tế thì không thể có tự do cá nhân

Đáng tiếc là nhiều người cùng thời với chúng ta không nhận thức được rằng sự phình lên của bộ máy nhà nước và đem quyền năng vô hạn của nhà nước thay cho nền kinh tế thị trường thì chắc chắn sẽ làm cho đạo đức của người ta thay đổi đến mức nào. Người ta nghĩ rằng hoạt động của con người chia thành hai lĩnh vực rõ ràng – một bên là lĩnh vực hoạt động kinh tế còn bên kia là lĩnh vực hoạt động được coi là phi kinh tế. Họ nghĩ rằng hai lĩnh vực này chẳng liên quan gì với nhau hết. Cái tự do mà chủ nghĩa xã hội xóa bỏ “chỉ là” tự do hoạt động kinh tế, còn tự do trong tất cả các lĩnh vực khác đều vẫn giữ nguyên không suy xuyển.

Nhưng đây không phải là hai lĩnh vực độc lập với nhau như học thuyết này nói. Loài người không bơi trên chín tầng mây. Mọi việc con người làm đều nhất định sẽ tác động tới lĩnh vực kinh tế hoặc vật chất và đều đòi hỏi người đó phải có đủ sức mạnh để có thể tác động tới những lĩnh vực này. Muốn sống sót người ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt và phải có cơ hội sử dụng một số tài sản vật chất hữu hình nào đó.

Nhiều người lầm lẫn khi cho rằng những sự kiện diễn ra trên thương trường chỉ liên quan đến khía cạnh kinh tế của đời sống mà thôi. Nhưng trên thực tế, giá cả trên thị trường phản ánh không chỉ “những mối quan tâm về mặt vật chất” như thức ăn, nhà ở và những tiện nghi khác, mà còn phản ảnh cả những mối quan tâm thường được gọi là tinh thần hay cao quý nữa.

Theo hoặc không theo những điều răn của tôn giáo (hoàn toàn không làm một số việc nào đó hoặc không làm trong những ngày đặc biệt nào đó, giúp những người khốn khó, xây dựng hoặc sửa chữa nơi thờ phụng và nhiều việc khác nữa) là một trong những nhân tố quyết định việc cung cấp và nhu cầu về những loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau và vì vậy mà cũng quyết định giá cả và hành động của doanh nghiệp.

Cái tự do mà nền kinh tế thị trường bảo đảm cho cá nhân không đơn giản chỉ là tự do “kinh tế”, tách biệt hẳn với những quyền tự do khác. Nó còn ngụ ý cả quyền tự do quyết định tất cả những vấn đề được coi là đạo đức, tinh thần hay trí tuệ nữa.

Bằng cách kiểm soát toàn diện và tuyệt đối tất cả các tác nhân của quá trình sản xuất, chế độ xã hội chủ nghĩa còn kiểm soát toàn bộ đời sống của cá nhân nữa. Chính phủ phân cho mỗi người một công việc cụ thể. Chính phủ quyết định được in và được đọc những loại sách báo nào, ai được hưởng thú vui viết lách, ai được quyền sử dụng phòng họp công cộng, được quyền phát ngôn và được quyền sử dụng tất cả các phương tiện thông tin liên lạc khác.

Điều đó có nghĩa là những người nắm quyền điều khiển những công việc của chính phủ cũng là những người quyết định tối hậu tư tưởng nào, học thuyết nào, giáo lý nào thì được tuyên truyền còn tư tưởng nào, học thuyết nào, giáo lý nào thì không. Dù hiến pháp thành văn và được phổ biến có thể nói về tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và về việc không can thiệp vào các vấn đề tôn giáo thì trong chế độ xã hội chủ nghĩa, khi chính phủ không cung cấp những điều kiện vật chất cho việc thực hiện những quyền đó thì chúng chỉ là những ngôn từ chết mà thôi. Người nào nắm độc quyền toàn bộ phương tiện thông tin thì kẻ đó cũng nắm chắc trong tay mình trái tim và khối óc của tất cả những người khác.

Điều làm cho nhiều người hoàn toàn không nhận thức được những tính chất căn bản của hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng như những hệ thống toàn trị khác là ảo tưởng cho rằng hệ thống này sẽ được vận hành theo đúng như những gì họ nghĩ là đáng ao ước nhất. Trong khi ủng hộ chủ nghĩa xã hội, họ cho rằng đương nhiên là “nhà nước” lúc nào cũng sẽ làm cái mà họ muốn nó làm. Họ chỉ coi chế độ toàn trị kiểu đó mới là chủ nghĩa xã hội “chân chính” “thực tế” hoặc “tốt đẹp”, đấy là chế độ mà những người cầm quyền tương thích với ý tưởng của chính họ.

Tất cả những kiều khác đều bị họ coi là giả mạo hết. Điều đầu tiên họ chờ đợi ở bạo chúa là ông ta sẽ dẹp hết những ý tưởng trái ngược với ý tưởng của họ. Trên thực tế, tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội kiểu đó đều là những người bị ám ảnh bởi phức cảm độc tài hay toàn trị mà chính họ cũng không biết. Họ muốn chính phủ dùng vũ lực tiêu diệt hết những ý kiến và kế hoạch mà họ không đồng ý.

Ý nghĩa của quyền được bất đồng

Những nhóm ủng hộ chủ nghĩa xã hội khác nhau – dù họ có tự gọi là cộng sản, xã hội hay đơn giản là cải cách xã hội thì cũng thế – đồng ý với nhau về một cương lĩnh chính trị nòng cốt. Tất cả bọn họ đều muốn dùng bộ máy kiểm soát hoạt động sản xuất của nhà nước (hay như một số người thích gọi là kiểm soát của xã hội) thay thế cho kinh tế thị trường cùng với những người tiêu dùng đầy uy quyền của nó. Họ chia rẽ không phải vì những vấn đề về quản lý kinh tế mà vì đức tin tôn giáo hay ý thức hệ.

Có những người xã hội chủ nghĩa Thiên chúa giáo (Tin lành hay Công giáo) và có những người xã hội chủ nghĩa vô thần. Mỗi một kiểu chủ nghĩa xã hội này lại cho rằng quốc gia xã hội chủ nghĩa đương nhiên là sẽ được dẫn dắt bởi những giáo huấn tôn giáo của họ hoặc phủ nhận bất kỳ giáo lý nào. Họ không bao giờ nghĩ đến khả năng là chế độ xã hội chủ nghĩa có thể được cai trị bởi những người thù địch với đức tin hay những nguyên tắc đạo đức của họ, những kẻ có thể coi nhiệm vụ của họ là sử dụng tất cả sức mạnh khủng khiếp của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm đàn áp tất cả những gì mà dưới con mắt của họ là sai lầm, mê tín dị đoan hay sùng bái ngẫu tượng.

Sự thật đơn giản là cá nhân chỉ được quyền tự do lựa chọn giữa điều mà họ coi là đúng và điều mà họ coi là sai khi họ độc lập về mặt kinh tế với chính phủ. Chính phủ xã hội chủ nghĩa có đủ sức mạnh làm cho bất đồng ý kiến trở thành bất khả thi, bằng cách kỳ thị những nhóm tôn giáo hay ý thức hệ mà họ không ưa và không cung cấp cho những nhóm này phương tiện vật chất cần thiết cho việc truyền bá và thực hành đức tin của họ. Hệ thống độc đảng, cũng là nguyên tắc chính trị của luật pháp xã hội chủ nghĩa, còn hàm ý một tôn giáo và một hệ thống đạo đức nữa.

Chính phủ xã hội chủ nghĩa nắm trong tay những phương tiện có thể được sử dụng nhằm tạo ra sự phục tùng nghiêm ngặt trên tất cả các mặt, chính phủ quốc xã gọi đấy là Gleichschaltung (phục tùng chính trị). Các nhà sử học đã chỉ ra rằng trong giai đoạn Cải cách[i], in ấn có vai trò quan trọng. Nhưng nếu tất các máy in đều do chính phủ dưới quyền Charles V của Đức hay những ông vua vương triều Valois của Pháp[ii] thì các nhà cải cách còn có cơ hội nào hay không? Tương tự như thế, nếu tất cả các phương tiện thông tin liên lạc đều nằm trong tay nhà nước thì Marx còn có cơ hội nào hay không?

Tất cả những người yêu chuộng tự do lương tâm đều phải kinh tởm chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên là tự do tạo điều kiện cho con người làm không chỉ việc tốt mà còn cả việc xấu nữa. Nhưng hành động được thực hiện dưới áp lực của một chính phủ có quyền lực vô giới hạn thì dù tốt đến đâu cũng chẳng có tí giá trị đạo đức nào.

[themify_box style=”gray rounded” ]Ludwig von Mises (1881-1973) là lãnh tụ nổi tiếng của trường phái kinh tế Áo. Ông giảng dạy và viết về lý thuyết kinh tế, lịch sử, nhận thức luận, chính quyền và triết lý chính trị. Ông có những đóng góp quan trọng trong lý thuyết kinh tế, trong đó có lý thuyết về quan hệ giữa lượng tiền lưu thông và giá cả, lý thuyết về chu kỳ kinh doanh… Mises là học giả đầu tiên công nhận rằng kinh tế học chỉ là một phần của môn khoa học lớn hơn về hành vi của con người mà Mises gọi là “nghiên cứu hành vi của con người”.[/themify_box]

Bài này được đăng lần đầu trên tờ The Freeman, vào tháng 4 năm 1960, sau đó trở thành chương 1 cuốn: Tự do kinh tế và chủ nghĩa can thiệp (Economic Freedom and Interventionism – 1980).

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://mises.org/daily/5310


 

[i] Ý nói cải cách tôn giáo ở châu Âu thế kỷ XVI-XVII.
[ii] Charles V của Đức (1500–1558), theo Thiên chúa giáo, khủng bố những người dị giáo ở Hà Lan và chiến đấu chống lại đạo Tin lành trong các công quốc Đức. Trong giai đoạn trị vì của dòng họ Valois ở Pháp (1328–1589) đã xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, đấy là người tin lành, trong đó có người Huguenots, chiến đấu giành tự do thờ phụng.

Văn học nước nhà và quan điểm sáng tác của Nam Cao

Featured Image: Lê Huy

 

Thị trường là nơi chuyển giao sản phẩm, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, là một tập hợp những người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau, dẫn đến khả năng trao đổi. Thế nhưng, gần đây, ta lại thấy xuất hiện nhan nhản trên khắp các mặt báo hai chữ “thị trường” gắn sau các lĩnh vực nghệ thuật như: âm nhạc thị trường, phim thị trường… và mới đây nhất là văn học thị trường. Điều này làm không ít người lo ngại rằng văn học ra đời là để phục vụ nghệ thuật và phản ánh xã hội hay chỉ là để mua bán?!

Văn học là một loại hình sáng tác tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người. Và thế nào là một tác phẩm văn học hay? Nói một cách dễ hiểu thì đó là những tác phẩm phải chịu đựng được sự đào thải của thời gian. Nhà văn người Pháp André Maurois đã khuyên chúng ta:

“Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Molière chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà chưa chịu sự thử của thời gian.”

Chúng ta có thể thấy các tác phẩm nổi tiếng khác đã trải qua không biết bao nhiêu sương gió của thời gian mà vẫn giữ nguyên giá trị của mình, như: Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas (con), Trăm Năm Cô Đơn của Gabriel Garcia Marquez, Chuông Nguyện Hồn Ai của Ernest Hemingway, The Godfather (Bố Già) của Mariopuzo… Ở Việt Nam thì có các tác phẩm như: Truyện Kiều của Nguyễn Du; Đời Thừa, Chí Phèo… của Nam Cao; Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng; Tắt Đèn của Ngô Tất Tố…

Các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam đều được các tác giả viết trong giai đoạn đất nước gặp muôn trùng khó khăn. Tản Đà đã nói: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo.” Hay thậm chí nhà thơ Nguyễn Vĩ đã nói: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó / Nhà văn An nam khổ như chó / Mỗi lần cầm bút nói văn chương / Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương.” (Gửi Trương Tửu) Nhưng họ vẫn sẵn sàng cầm bút và cho ra những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn bẳng cả một trái tim nhiệt huyết và một cái nhìn ngay thẳng, đúng đắn về thời thế. Nói đến đây, ta thử nhìn lại xem dòng văn học hiện tại của nước ta – dòng văn học thị trường – đã làm được những điều ấy chưa?

Dòng văn học nước ta đang ở mức báo động nếu không muốn gọi là mục nát, đến nỗi phải gọi là “văn học thị trường” âu cũng chỉ là để phục vụ một phong trào mà thôi. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tác giả trẻ có lẽ là một phần làm cho văn học thị trường phát triển mạnh, vì họ ở tuổi còn trẻ, sống trong xã hội bây giờ và họ hiểu tâm lý của giới trẻ hơn các tác giả khác.

Phần lớn các tiểu thuyết, các sách do các tác giả trẻ viết đều là lối văn chương lãng mạn, ướt át và đánh đúng vào “tim đen” của giới trẻ. Giới trẻ tìm đến dòng văn học này ngày càng nhiều vì họ cảm thấy sự đồng cảm và an ủi trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình đó, họ không cân nhắc trước khi đọc, họ bị “hiệu ứng đám đông” làm cho mù quáng và họ đã đánh mất đi “cái tôi” thực sự của mình.

Dẫu biết tình yêu là vẫn để muôn thuở của con người và việc đưa nó vào tiểu thuyết cũng là lẽ đương nhiên, nhưng nếu chúng ta không cân nhắc phải trái đúng sai thì hậu quả ắt sẽ khó lường. Cố học giả Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang) đã nói:

“Những loại tiểu thuyết diễm tình xa sự thực dẫn dắt những kẻ đầu óc non nớt, nhất là phụ nữ đa cảm đa tình đi vào con đường phiêu lưu lãng mạn ngoài thực tế đến nỗi quên rằng đời là một trường tranh đấu các danh vọng, quyền lợi của con người, và chỉ có những kẻ nào thật có bản lĩnh mới sống nỗi.”

Nếu xét sâu xa hơn ta sẽ thấy chính những cuốn tiểu thuyết diễm tình như thế này sẽ tạo nên những ảo mộng nơi con người, và khi hai “tâm hồn” ảo mộng ấy gặp nhau thì họ tưởng rằng người kia là ý trung nhân của mình. Cuộc hôn nhân này nếu có thể xảy ra thì cũng sẽ rất dễ đổ vỡ vì những hệ lụy sau hôn nhân quả là điều chưa dám nói tới. Cũng chính Nguyễn Duy Cần, ông đã nhấn mạnh:

“Tính lãng mạn của những tiểu thuyết kiểu như Tố Tâm, Werther đã làm hư hỏng đầu óc của thanh thiếu niên nam nữ không ít.”

Và hơn lúc nào hết, những lúc văn học nước ta đang phải chịu nhiều tai tiếng như thế này thì ta lại càng nhớ đến nhà văn Nam Cao, nhớ đến những quan điểm sáng tác của ông biết chừng nào. Nam Cao là một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt Nam, là người có nhiều đóng góp lớn cho dòng văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Trước khi bước chân vào dòng văn học hiện thực, Nam Cao đã trải qua thứ văn chương ướt át, ủy mị của văn học lãng mạn và từ đó ông đã rút ra những kinh nghiệm để bày tỏ những quan điểm văn học đúng đắn và tiến bộ.

Là một nhà văn không nên chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng của loại văn chương phù phiếm, loại văn chương xa lạ với đời sống để rồi quay lưng với thực tại xã hội. Nhà văn phải nói lên hiện thực, phải phản ánh nỗi khổ của cuộc đời, bởi văn học không thể tách rời cuộc sống. Tư tưởng này đã được Nam Cao thể hiện rõ trong truyện ngắn “Trăng Sáng” với nhà văn Điền: “Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng kêu đau khổ thoát ra từ mọi kiếp lầm than.” Rõ ràng Nam Cao đã phê phán thứ văn chương lãng mạn và thoát ly hiện thực.

Bản chất của văn chương là sự sáng tạo, bởi văn chương không chấp nhận sự rập khuôn dễ dãi. Nếu nhà văn không tìm tòi, không sáng tạo thì không có văn chương. Tư tưởng này đã được Nam Cao bày tỏ trong truyện ngắn “Đời Thừa” qua phát ngôn của nhân vật Hộ:

“Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những gì chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có.”

Nam Cao còn đưa ra quan điểm về thứ văn học chân chính. Văn học chân chính là thứ văn học thấm đẫm tính nhân đạo và đòi hỏi người cầm bút phải có lương tâm. Nhà văn muốn viết cho nhân đạo thì trước hết phải sống cho nhân đạo. Ông quan niệm: “Sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện.”

Trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sáng tác rất nhiều, ông có trên 60 tác phẩm và đỉnh cao của văn học hiện thực. Nhưng, sau Cách mạng Nam Cao chỉ viết có hai tác phẩm, đó là truyện ngắn “Đôi Mắt” và “Nhật Ký Ở Rừng”. Điều này không phải do nhà văn cạn nguồn cảm hứng mà do ông quan niệm: “Sống rồi hãy viết.” Nhà văn phải xâm nhập thực tế, tìm được các nguồn cảm xúc thì mới có được những tác phẩm có giá trị. Đây là thái độ sống đẹp đẽ của một nhà văn chân chính.

Vậy là đã hơn 62 năm kể từ ngày Nam Cao trở về với cát bụi, nhưng quan điểm sáng vẫn được xem là cổ nhưng không cũ và đã trở thành kim chỉ nam của nhiều nhà văn. Trong thời kỳ đổi mới, đến năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho ra đời truyện ngắn: “Chiếc Thuyền Ngoài Xa” và vẫn còn phản phất rất nhiều quan điểm văn học của Nam Cao.

Nếu nhà văn nào đến bây giờ vẫn còn vận dụng những quan điểm này trong các sáng tác của mình thì ắt sẽ có được những tác phẩm hay. Và để vì một đất nước với một nền văn học chân chính thì đã đến lúc các nhà văn, các hội nhà văn cần phải áp dụng các quan điểm nghệ thuật này của Nam Cao vào các sáng tác của mình.

 

Linh Hoàng

Con gái: đừng chọn cam chịu, hãy chọn hạnh phúc?

Featured Image: Phoebe Wahl

 

Ngày qua ngày, giờ qua giờ, vẫn có rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị bạc đãi hay ngậm đắng nuốt cay mà không dám phản kháng. Có rất nhiều lý do được đưa ra như sức ép từ xã hội, bố mẹ hay con cái, nhưng theo mình, lý do lớn nhất đó chính là sự phụ thuộc.

Phụ nữ Việt Nam quá phụ thuộc vào người chồng. Những suy nghĩ như con gái học nhiều, cố gắng nhiều để làm gì, sau này về chồng nó nuôi, hay đằng nào thì cũng ở nhà nuôi con vẫn khá phổ biến. Chính sự phụ thuộc đó làm rào cản quá lớn với người phụ nữ để họ có thể tự lập trong xã hội: họ không có khả năng kiếm sống cho bản thân và cho con cái. Vì tình thương con hay sức ép từ xã hội, họ thường nhận lấy bất hạnh cho bản thân mình.

Trong cuộc sống, con người thường hay tự tin thái quá vào bản thân. Khi được hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người chồng tương lai của bạn không tốt như bạn tưởng, hay sẽ thay đổi. Nhiều bạn tự tin vào khả năng chọn người cũng như sự hiểu biết của bản thân về đối phương và trả lời: “Anh ấy là một người tốt và sẽ không làm những chuyện có lỗi với mình!?” Không ai có thể khẳng định bất cứ điều gì. Nicholas Taleb (tác giả cuốn sách “Lý Thuyết Thiên Nga Đen“) có nói:

“Dù cho bạn có nhìn thấy thiên nga trằng bao nhiều lần đi chăng nữa, bạn cũng không thể nào suy luận rằng thiên nga màu trắng. Nhưng chỉ cần một lần duy nhất bạn nhìn thấy thiên nga đen, nó là quá đủ để phủ nhận suy luận của bạn.”

Vâng, dù bạn có nhìn thấy người kia tốt với bạn như thế nào đi chăng nữa, chỉ cần một lần họ bạc đãi bạn cũng có thể phủ nhận niềm tin rằng họ sẽ tốt với bạn mãi mãi. Hơn nữa, tương lai thì luôn bất định. Điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống là sự thay đổi. Mọi vật, mọi hiện tượng, cảm xúc, cảm nghĩ, cách hành xử, mọi thứ rồi sẽ khác. Chỉ không rõ sự thay đổi là tốt hơn hay xấu hơn mà thôi.

Nếu như bạn không muốn những gì không may xảy ra với mình, hãy thay đổi, hãy làm chủ, hãy cố gắng để hoàn thiện chính bản thân mình và luôn có quyền tự quyết trong cuộc sống của mình. Nếu như bạn không đi làm ở nhà nuôi con thì đó là vì bạn chọn không đi làm chứ không phải vì bạn không thể đi làm. Càng để lâu, bạn sẽ càng bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố như gia đình, kinh tế, học vấn và càng khó để bạn chiến thắng được bản thân mình.

Hãy tưởng tượng sự lựa chọn trong cuộc sống là một chiếc bánh, và để có được chiếc bánh đó, bạn phải phải cố gắng. Càng để lâu, chiếc bánh càng nhỏ đi, sự cố gắng cần thiết phải làm để có được chiếc bánh đó càng tăng lên. Hãy lựa chọn chiếc bánh khi bạn còn no, và để dành cho lúc cần thiết, chứ đừng đợi đến khi thật đói bạn mới nghĩ đến chiếc bánh đó. Nếu như khi đó, chiếc bánh teo lại quá bé so với công việc bạn phải làm, bạn cảm thấy cuộc sống thật bất công và bạn thà chết đói còn hơn. Đó là lúc bạn chấp nhận, cam chịu số phận của mình và cảm thấy mình thật bất hạnh.

Nhiều người gặp hoàn cảnh đó rồi ước rằng ngày xưa họ đã khác, họ có cơ hội để làm lại, để cố gắng hơn và có quyền tự quyết cho cuộc sống của họ. Họ dại dột bởi họ không biết được chữ “ngờ”. Ngờ đâu người ta như thế. Có những người đã mắc sai lầm và có những người chưa. Nếu mình nói cho bạn biết điều đó ngay bây giờ, liệu bạn có sẵn sàng cố gắng và thay đổi để làm chủ cuộc sống của mình?

Bạn không cố gắng không có nghĩa bạn sẽ gặp phải tình cảnh như thế, nhưng hoàn toàn có khả năng để bạn lâm vào trong hoàn cảnh đó. Nếu sự cố gắng có thể biến khả năng đó gần về 0, bạn có sẵn sàng đánh đổi thời gian rảnh rỗi hay những lúc ăn chơi của bản thân? Nếu có, hãy thay đổi ngay đi, càng sớm càng tốt, bởi vì chiếc bánh đang teo lại khi bạn chần chừ suy nghĩ đó. Nếu không, chúc bạn may mắn tìm được một người tốt và sẽ không bao giờ phải cần đến chiếc bánh trong tương lai. Nếu như bạn bị bạc đãi, đừng có oán trách đời. Bởi bạn biết được rằng điều đó hoàn tòan có thể xảy ra, nhưng bạn đã chọn đánh cược vào một ván bạc mạo hiểm.

Có một lần, mình đọc được đâu đó: “Khi 2 người đến với nhau, cả 2 đều có khả năng sống một cách độc lập, lý do duy nhất họ đến với nhau là họ cảm thấy hạnh phúc hay sự quan tâm khi ở bên nhau, và đó là thứ duy nhất mà họ cần.” Đừng cưới vợ chỉ vì bạn cần một người giặt giũ, nội trợ hay giúp chăm sóc bản thân; đừng cưới chồng vì bạn cần một nguồn chu cấp. Hãy trở lên độc lập, bởi khi độc lập, bạn sẽ luôn có quyền tự quyết. Bạn có thể tự làm được mọi việc, và lý do duy nhất bạn đến với nhau là vì hạnh phúc. Nếu bạn đến với nhau nhờ tiền hay nhan sắc, khi điều đó không còn tồn tại, bạn đã đánh mất đi giá trị của bản thân.

Khi bạn không cần gì cả, khi bạn luôn có thể dứt áo ra đi, người ta sẽ biết quý trọng bạn. Con người thường không biết quý trọng những gì mình đang có, bởi họ luôn tin rằng, họ sẽ không bao giờ đánh mất nó. Nếu như họ biết rằng bạn sẽ ra đi khi họ không đem lại hạnh phúc cho bạn (thứ duy nhất bạn cần), họ sẽ luôn tìm cách đem lại hạnh phúc cho bạn.

 

Nguyễn Đình Tùng

Thực tập – sinh viên trông chờ vào ai?

Featured Image: Poster phim “The Internship”

 

Thực tập là cách tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Về cơ bản, quá trình thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong công ty. Các thực tập sinh sẽ làm việc chung với các nhân viên khác nhưng không phải để thay thế cho các vị trí chính thức.

Thực tập là một phần rất quan trọng để đánh giá năng lực của sinh viên về khả năng thu nhận kiến thức và khả năng ứng dụng thực tế những kiến thức đó vào thực tế công việc. Các thực tập sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp ở nơi mà các thực tập sinh đến thực tập. Khi được thực tập tại các doanh nghiệp các bạn sẽ được quan sát môi trường làm việc ở công ty, xem nó có năng động không? Các nhân viên ở đó có nhiệt tình và dễ hòa nhập không? Và sếp ở đó thế nào?

Sinh viên thực tập còn có cơ hội mở rộng mối quan hệ với các chuyên gia, các anh chị đi trước trong ngành của mình để trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm trong ngành. Song song với việc là điền vào CV của mình kinh nghiệm thực tập tại công ty X, doanh nghiệp Y nào đó. Cũng có một số trường hợp bạn sẽ được nhận lương khi thực tập và đặc biệt là bạn sẽ được tuyển vào vị trí đó khi còn đang thực tập.

Thực tập là một việc quan trọng và cần thiết nhưng thực tế của thực tập thì sao?

Nhìn thẳng vào thực tế thực tập sinh ở các công ty và quan sát các bạn sinh viên thực tập, chúng ta có thể nhìn thấy một sự thật là nhà trường chỉ cấp giấy giới thiệu thực tập cho sinh viên và yêu cầu báo cáo kết quả thực tập. Vô hình chung, điều này làm cho các sinh viên của chúng ta làm báo cáo thực tập hơn là trải nghiệm ở các công ty. Thêm một điều nửa, các trường chưa dạy sinh viên thực tập như thế nào cho tốt và “xài” công ty, sếp ở đó như thế nào.

Về phía các doanh nghiệp thì tình hình còn tệ hơn khi các sinh viên thực tập bị coi là người thừa trong công ty vì sợ sinh viên phá hỏng hay tiếc lộ thông tin. Có những trường hợp sinh viên chỉ làm những công việc vặt như photocopy, pha trà,… thậm chí là giữ xe. Còn có trường hợp, các anh chị được giao nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên thực tập thì chỉ giao tài liệu cho về tự nghiên cứu. Khiến sinh viên cả thấy mình như một kẻ “ăn nhờ ở đậu” trong công ty để xin được một chữ ký vào báo cáo tốt nghiệp.

Sinh viên ơi! Đừng là kẻ ăn nhờ ở đậu

Vậy sinh viên thực tập phải trông cậy vào ai đây? Sinh viên khó có thể trông chờ vào nhà trường hay doanh nghiệp. Sinh viên PHẢI trông cậy vào chính mình.

Đầu tiên, sinh viên thực tập và cả sinh viên của các năm nhất, năm 2 phải nên chuẩn bị cho mình những kiến thức nền tảng của ngành, nghề mình đang theo đuổi. Đầu tư phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết để có thể tự tin hơn trong môi trường doanh nghiệp. Việc phát triển các kỹ năng mềm với sự hỗ trợ của kiến thức chuyên môn sẽ giúp sinh viên sống sót lâu hơn trong một doanh nghiệp.

Các sinh viên cũng cần xác định cho mình công ty mình sẽ xin thực tập và tìm hiểu về môi trường doanh nghiệp ở đó trước. Xem xem công ty đó có văn hóa như thế nào, sếp ở đó là ai và các công việc trong công ty đó cần những gì. Khi chuẩn bị tất cả, bạn sẽ đường đường chính chính bước vào môi trường đó với đầy đủ vũ khí, trang bị của một người đi trải nghiệm chứ không phải là một người đi học.

Và đặc biệt, các bạn cần thoát khỏi cái tư duy “ăn nhờ ở đậu” trong công ty để có thể định vị được giá trị của bản thân mình. Các công việc đơn giản như photocopy, pha trà, đánh máy, giao hàng… thật sự nhàm chán nhưng bạn hãy thực sự làm tốt các công việc đó xem. Thử làm một thực tập sinh có tốc độ đánh máy nhanh nhất công ty xem nào.

Khi bạn tham gia 100% tâm trí vào một công việc dù nhỏ nhất, chắc chắn bạn sẽ là một điểm sáng. Và khi người ta tin bạn làm tốt được việc nhỏ thì mới dám giao cho các bạn những việc lớn hơn. Nói gọn là việc nhỏ Làm Được thì việc lớn mới Được Làm.

Các bạn hãy chủ động, đến và xin đi ăn trưa hay mời cà phê để có được vài phút ngắn ngủi để hỏi về những kinh nghiệm, bài học để làm những công việc phức tạp nào đó, hay chỉ là những tố chất cần thiết để làm công việc đó là gì. Với những người thật sự giỏi, với những bậc thầy trong công việc chỉ cần một vài phút thôi cũng đã là quá đủ vì họ đã thấm tất cả vào máu của mình.

Sinh viên ơi, đừng quá trông chờ vào một ai đó, hãy thay đổi từ chính mình. Vì chỉ có mình mới là chủ tương lai của mình thôi.

 

Lê Trường An

Học Viện Khổng Tử – Sự xâm lăng ngọt ngào

Ảnh: National Geographic

 

Chỉ là tàn dư của lịch sử

Học Viện Khổng Tử được khai trương ngay trong trường Đại Học Hà Nội là chuyện đã rồi. Nó được sử dụng làm gì (ngoài dạy ngôn ngữ) thì ai cũng biết, tiếng xấu đã đồn khắp từ những trường ĐH McMaster, ĐH Waterloo đến cả ĐH Chicago. Ngoài cái tên Học Viện Khổng Tử gợi nhớ đến bộ quy tắc sống của một người dân điển hình trong chế độ Phong kiến gồm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vốn không còn hợp thời bởi có khả năng gợi mở, kích động tính hiếu chiến trong một thế giới đề cao hoà bình, tự do hiện tại. Cái tên Học Viện Khổng Tử không mang nhiều mục đích hơn là giúp phân biệt tổ chức này giữa hàng trăm triệu cái tên khác loài người có thể nghĩ ra.

Những gì Khổng Tử đã làm và đúc kết được sinh ra trong thời loạn lạc, cùng cố gắng biểu dương tư tưởng của ông trong hơn nửa cuộc đời đi thuyết phục các đế vương sử dụng nó làm phương tiện cai trị mang lại lợi ích nhiều nhất cho các đế vương. Thời của các đế vương đã qua và thế giới hướng đến mô hình quản lý quyền lực phân bổ đồng đều – tam quyền phân lập, giá trị nó mang lại vì thế, chỉ giới hạn trong thời kỳ Phong kiến quân chủ độc quyền.

Hiện nay dù Khổng giáo là chủ đề để nghiên cứu học thuật, không nhà nước nào đem đi áp dụng vào xã hội hiện tại. Khổng Tử có gì và các sản phẩm của ông giờ là lịch sử. Chuyện chỉ trích Học Viện Khổng Tử ở Việt Nam phần nhiều chuyển hướng thành chỉ trích Khổng Tử và Khổng giáo không làm mọi việc tốt đẹp hơn, vì thế không làm giới hạn hoặc giảm thiểu nỗi lo Trung Quốc mưu đồ thống trị Việt Nam thành hiện thực nếu họ thực sự muốn sử dụng Khổng giáo như một công cụ.

Chiêu bài của nước lớn

Học Viện Khổng Tử mọc lên ngay tại trường đại học mang tên thủ đô và được ông Du Chính Thanh cắt băng khánh thành trong một chuyến công tác chóng vánh. Tại sao là Du Chính Thanh và điều đó có ý nghĩa gì thì cần xem xét vai trò của người cắt băng ở nước sở tại. Vai trò cuả nhân vật này có thể nói lên khá nhiều điều dù vẫn chỉ giới hạn ở sự hoài nghi:

Trong quan hệ ngoại giao, mỗi cá nhân đại diện và chức vụ cá nhân đó đang nắm giữ đều có một hàm ý đi kèm giúp làm rõ hay nhấn mạnh mục đích hành động mà cá đó thực hiện trong quan hệ giữa các quốc gia. Khác với Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo và là đảng phái duy nhất được công nhận, Trung Quốc là quốc gia có “bề ngoài” đa đảng – thông qua Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), Đảng Cộng Sản Trung Quốc công nhận và lãnh đạo tất cả các đảng phái còn lại theo một mô mình có thể hiểu là “đảng trên đảng”.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì thế có quyền lực hơn với các đảng phái còn lại và xuất phát điểm của quyền lực mang ít nhiều tính chất áp đặt. Ông Du Chính Thanh với vai trò chủ tịch Chính Hiệp xuất hiện tại Việt Nam để mở cửa Học Viện Khổng Tử – Cơ quan được thế giới coi như là nơi thể hiện tinh thần của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì vậy dấy lên hoài nghi cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm một sự áp đặt mới lên Việt Nam.

Đây chính là những gì Trung Quốc đã làm hàng nghìn năm trước và dù gánh xiềng xích đã bị người Việt đập tan năm 938, mục tiêu chính trị của người bạn phương Bắc chưa bao giờ có dấu hiệu từ bỏ. Dù ngoại giao hai nước chưa có xuất hiện căng thẳng không thể hoà giải, Trung Quốc chưa bao giờ thống nhất những gì họ nói và những gì họ làm bởi họ xử sự theo kiểu miệng nói hoà bình, tay cầm súng. Đến lúc nào biết Trung Quốc thật sự muốn gì vẫn chỉ là những câu hỏi. Theo lẽ thường, khi những câu hỏi mọc lên xung quanh nỗi sợ hãi, nỗi sợ hãi lập tức được nhân lên nhiều lần – Trung Quốc dường như đang thực hiện chiến lược xâm lược mềm Việt Nam từ bên trong hơn là sử dụng vũ lực.

Những tổ chức đều sống bởi con người nên mấu chốt sự tồn tại Học Viện Khổng Tử sẽ vô nghĩa nếu như không có những con người làm nên nó và những người chịu ảnh hưởng nó hướng đến. Người Việt có lẽ đã chịu thừa ảnh hưởng của Khổng giáo để phải cần thêm một tổ chức khuếch trương những điều đã có sẵn trong tư tưởng như bất bình đẳng nam nữ hay chữ “trinh” đứng ngang hàng nhân phẩm. Cổ vũ những điều đó cứ như bơm thêm không khí vào không khí vậy.

Thời điểm Học Viện Khổng Tử hoạt động đồng nghĩa sẽ có nhiều người Trung Quốc đến Việt Nam làm việc. Tất cả chúng ta đều không biết họ nuôi ý định gì trong đầu ngoài việc biết họ có một nền tảng văn hoá chung, nếp nghĩ của giới lãnh đạo và họ vì vậy sẽ có nhiều điểm trùng khớp. Dưới góc độ âm mưu mà nói sẽ chẳng có vỏ bọc nào hoàn hảo hơn một cơ quan văn hoá để làm nhiệm vụ tình báo vì điều kiện nghề tình báo là hoà nhập vào văn hoá của mục tiêu. Mặc nhiên, khi đã là người Trung Quốc được cử đến, mọi quyết định lựa chọn đều sẽ đưa về lợi ích quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà Cơ quan tình báo Canada (CSIS) thực hiện các cuộc điều tra phản gián nhằm vào Học Viện Khổng Tử, nếu họ nghi ngờ ta cũng phải có tâm lý đề phòng. Nhưng điều đó không đáng sợ bởi tất cả các cơ quan giao lưu văn hoá dù từ quốc gia nào đều sẽ quan tâm đến lợi ích quốc gia trước nhất, dù đó là Le’space của Pháp, Viện Geothe của Đức hay Japan Foundation của Nhật Bản. Tất cả đều đã được chào đón bởi người Việt, không lý do gì chúng ta bỏ mặc một cơ hội nếu nó mang lại hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, tình bạn và tri thức. Vậy mà chúng ta chỉ không chào đón Học Viện Khổng Tử. Hoặc có lẽ chúng ta không chào đón những gì Trung Quốc tìm kiếm?

Họ đã xâm lăng nơi khác

Người Trung Quốc muôn đời vẫn sẽ là người Trung Quốc, họ sẽ luôn ở đó và toan tính những điều khó đoán biết; nhưng người Việt bây giờ và người Việt mai sau nỗi lo lắng mang tên Trung Quốc có thể sẽ thể hiện rất khác. Khi đã trải qua một cuộc chiến tranh biên giới 1989 và mang trong mình một mảnh đạn của kẻ thù, người ta sẽ không bao giờ quên được cảm giác đau nhói khi nhắc về kẻ thù. Một số sẽ thù ghét suốt phần đời còn lại và không tha thứ – điều này không hề tốt nhưng ít nhất là một lý do hợp lý để liên kết bản thân con người với nỗi đau dân tộc.

Những người trẻ lại thiếu đi chính sự thấu cảm ấy, niềm tự hào dân tộc là một thứ vô hình thiêng liêng nhưng nó đang được dùng để ghét, người ta ghét chỉ vì ghét. Không hề có một lý lẽ nào biện hộ nổi việc xuống đường đập phá hàng trăm doanh nghiệp chỉ vì tên nhìn “giống như là Trung Quốc” khi dàn khoản HD-981 xâm phạm chủ quyền. Bộ phận rất lớn chúng ta quá thiếu khả năng suy xét và hành động còn cảm tính. Không ai muốn thờ ơ nhưng đập phá hay thù ghét là vị kỷ, chỉ biết thoả mãn cảm xúc riêng, nó thể hiện sự bất lực không có được một suy nghĩ thông tuệ để giải quyết vấn đề. Mọi vấn đề, chúng ta để nhà nước giải quyết bằng cái đầu lạnh của họ còn chúng ta hành động bằng cái đầu nóng. Những gì chúng ta có thật là sự đoàn kết lỏng lẻo.

Trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chúng ta đang trở thành những người “nhập siêu” và họ quả thực đang “xuất siêu” vào Việt Nam rất nhiều (nhưng không phải tất cả) những thứ xấu xí. Chúng ta đề phòng thế nào? Nếu ở Mỹ họ có tư tưởng tự do ngôn luận khiến thời điểm Học Viện Khổng Tử cấm nói về Tây Tạng họ tẩy chay và đóng cửa Học Viện Khổng Tử thì ở Việt Nam chúng ta có gì ngoài sự thù ghét sinh ra từ cảm xúc?

Những điều định nghĩa người Việt giờ đây cần phải kèm thêm yếu tố nước ngoài: Một người Việt sẽ đi xe máy HONDA, thích uống nước ngọt Coca-Cola, ghét Trung Quốc nhưng sẽ chọn đồ Trung Quốc giá rẻ nếu có nhu cầu mua sắm. Ở thời hiện đại mà chúng ta nghèo khổ vì quá thiếu đặc sản của riêng mình. Những gía trị người Việt sản sinh ra bằng chất xám rất thấp – ngay trong khối ASEAN thôi người ta chỉ ra Việt Nam duy nhất hơn được Campuchia; trong cùng khoảng thời gian chúng ta chỉ tạo ra bằng 50% giá trị những gì Philippines (xếp trên một bậc) làm được. Thế nhưng chúng ta chi trả để mua sắm lại đứng hàng đầu khu vực. Khi việc tiêu thụ nhiều và kiến tạo thấp đã thành một thứ thói quen, những gì của người Việt lựa chọn sẽ thật mong manh và chẳng bền vững. Những ảnh hưởng đó như thế nào chúng ta thấy rõ ngoài xã hội qua những vụ tai nạn, sập hầm, lở đường bất ngờ và yếu tố Trung Quốc cứ như một bóng ma.

Họ thậm chí đã thuê một phần rất lớn trong gần 200,000 héc-ta rừng đầu nguồn ở Việt Nam (10 tỉnh quản lý số diện tích rừng đều là tỉnh biên giới) để sử dụng thời hạn 50 năm. Phần độc hại của văn hoá Trung Quốc đã xâm lăng ngay vào chính cách chúng ta cư xử với đồng bào mình mà chúng ta mặc nhiên thừa nhận chúng tồn tại, chỉ tìm cách né đi chứ không tìm cách loại trừ: Kinh doanh gian trá, đầu độc thực phẩm, sùng bái cá nhân…

Tôi – người Viết bài này có lúc đã tâm niệm rằng hình như ngoài đất là của Việt Nam, những gì có trên mặt đất đều có dấu ấn Trung Quốc. Một cách khá ngọt ngào mà nói, về cơ bản, chúng ta đã bị xâm lăng. Chúng ta đang thật sự gặp nguy hiểm!

 

Hung Phan

Những năm tháng vội vã

Photo: imagebk

 

Trôi qua một năm, thời gian giao mùa cũng đến, cái lạnh hanh hao nhưng đủ ấm trong một chiếc áo khoác mỏng, nhìn dòng người tấp nập qua nhau trong cái không khí ấy, chợt có cảm giác nôn nao, ấm áp cùng với cái chông chênh. Tuổi trẻ có nhiều lắm những trăn trở nhưng chẳng đầu chẳng cuối và thường là những trăn trở không lời giải đáp.

Cứ thế trôi bao nhiêu năm tháng, ta lại đổi khác nhưng chính ta lại không thấy được điềù đó, chỉ là thời gian trôi qua nhanh quá khiến ta không kịp nhìn lại. Ta vẫn mãi loay hoay với mớ bộn bề ngoài kia, với bao nhiêu thứ lo toan mà đôi khi quên mất đi những cảm xúc của mình. Để rồi có lúc cảm thấy như thiếu thốn, như mất mát đi điều gì đó, là những cảm xúc chưa được giải bày, những suy nghĩ cứ nối tiếp suy nghĩ. Dừng lại một chút, đừng để thời gian lừa mị, hãy cho ta những khoảng lặng, để suy nghĩ để tự vấn bản thân, chỉ một mình, bởi vì chỉ có khi một mình, lặng yên ta mới biết đươc mình thực nghĩ gì và muốn gì, có thể lúc đó ta mới cảm thấy chân thật với lòng mình hơn. Cứ để mọi thứ được dịp phơi bày ra.

Quên đi những thường nhật lo toan, ta trở về với tĩnh lặng, lắng nghe âm thanh của cuộc sống,của mọi vật đâm chồi nảy nở, của dòng người luân chuyển ngoài kia, Qua những tháng ngày dài rong ruổi chỉ để tìm hiểu xem cái tâm hồn này nó muốn gì? Nghĩ gì? Hay chỉ là trống rỗng.

Mãi phân vân với những trăn trở mãi đi tìm thứ không thuộc về mình và đã nhân ra thứ mình đánh mất là chính mình, bởi những lạc lối, si mê vô độ, bởi những sự chấp vá có kỳ hạn, bởi những lớp ảo ảnh tinh vi che mờ, bởi những phù du mộng tưởng ấy là thứ không có thực nhưng luôn làm si mê lòng người. Bởi đôi mắt trần gian không thể thấu rõ mọi vật, bởi càng suy xét nhiều lại thấy xáo trộn tâm tư. Sau cùng ta học cách bình thản đón nhận, không suy xét hay chấp trước.

Dẫu có qua bao nhiêu thời gian, thì kỷ niệm cũng là thứ khó phai mờ nhất, nhất là khi kỷ niệm lại giống như món đồ cũ, hanh hao qua bao nhiêu lớp bụi thời gian, dù cũ nhưng nó đã cho người ta thấy sự can trường qua thời gian và giá trị hiện hữu. Càng cũ thì càng quý giá, những gì đã qua càng là những ảo ảnh đẹp đẽ, bởi vì trong tâm trí ta đã xây dựng cho nó thật lung linh và bởi vì nó không còn ở hiện hữu tiếp diễn nên ta luôn thấy thiếu vắng và hoan hoải về một miền xưa.

Lớp bụi thời gian ngày càng đóng rêu, càng trôi qua nhiều năm lớp rêu ấy càng dày đặc và phủ mờ quá khứ, khiến bao điều đã qua thành mờ nhạt. Vì thế kỷ niệm cũng meo móc, thời gian tầng tầng lớp lớp che phủ đi nhiều điều đẹp đẽ, biết rằng có những điều đẹp đẽ mà suốt cả đời ta cũng sẽ trân trọng mãi không quên.

Qua đi tháng năm, có những yêu thương chưa kịp thành hình đã vội vã bỏ ta, có những kỷ niệm chưa đợi ta trân quý cũng sắp chia xa. Có những người ta mãi yêu thương nhưng chưa một lần thổ lộ. Có những tháng năm thật dài mà ta đã để nó trôi qua lạc lõng, ta đã ngủ quên quá lâu để biết được thực cảm xúc của mình. Bởi vì khi lúc nhỏ, khi cảm xúc được phơi bày rõ ràng, ta thấy mình thực hơn, khi ta không quá phụ thuộc vào những thiết bị công nghệ như ngày nay, ta thấy mình thực có cảm xúc và dễ dàng phơi bày hơn.

Hãy cứ đi đi, đừng do dự, khi đi ta sẽ có con đường cho mình, khi ta do dự ta sẽ mãi cảm thấy chông chênh và lạc lối, bởi khi còn trẻ, ta được phép phạm sai lầm, được phép trải nghiệm, không ai trách ta khi ta thất bại cả nhưng khi ta không thực hiện điều gì ta mong muốn, dẫu ta cố lờ đi nhưng lương tâm sẽ tự vấn ta.

Tôi cho rằng dãu bạn không thực hiện được ước mơ của mình sẽ chẳng có gì đáng trách cả, chỉ khi bạn không dám thực hiên nó, không dám sống vì nó thì bạn đã mất mát khà nhiều . Tôi cứ đi theo tiếng gọi của những hoài bão, những ước mơ, tôi không quan trọng đích đến, không quan trọng mình đã đạt được những gì, vì trong cuộc hành trình đó dù được dù mất tôi đã học được từ những trải nghiệm, đó là bài học còn quý giá hơn cái đích đến. Dù cho mọi thứ vẫn còn dang dở thì ta vẫn cứ đi, vì khi đi ta mới biết được mình thực mong muốn gì.

Ai qua đi tuổi trẻ mà không một lần tiếc nuối? Nhưng đó là cái nhìn khi ta đã qua một thời trẻ dại, đã đi qua thời gian và đã thấm bụi trần, còn bây giờ khi đã hiểu ra, ta vẫn còn một chặng đường dài, đi qua năm cũ ta lại thấy chông chênh với một năm mới. Mọi sự hãy còn bắt đầu.

Cho những điều đã cũ
Cho những năm tháng vội vã qua nhanh
Cho những ngày dài còn lắm chông chênh

 

Vô Ngã

Vậy thuyền trưởng là người rời đi cuối cùng hay là người rời đi đầu tiên?

Featured image: Capt. Trufles

 

Vừa rồi trong tiết học Anh, thầy có đưa một câu viết lại:

“Nobody remained on the ship after the captain had left it (không ai ở lại trên tàu sau khi thuyền trưởng rời đi).”

“The captain was the last person to leave the ship (thuyền trưởng là người cuối cùng rời khỏi tàu).”

Không ai phản bác câu trả lời này. Sau đó tôi đứng dậy và nói: “Thưa thầy, em nghĩ ta nên dùng từ the first thì đúng hơn.” Một loạt ánh nhìn lạ lẫm và nhíu mày hướng về phía tôi. Có vẻ như việc phản bác ý kiến của thầy cô dường như rất lạ và mạo hiểm. Thầy giải thích: “Sau khi thuyền trưởng rời đi thì không còn ai ở trên tàu tức là con tàu trống rỗng, vậy thuyền trưởng phải là người đi cuối cùng chứ?”

Tôi hiểu ý thầy rằng lúc này hành khách đã đi hết, trên tàu chỉ còn một mình ông thuyền trưởng, và sau khi ông ta rời đi thì chẳng còn ai trên tàu nữa, vậy nên ông ta là người đi cuối cùng. Thầy nói xong liền chuyển qua bài tập khác, trong khi đó tôi vẫn còn đang đắn đo không biết liệu mình có sai hay không.

Và khi suy nghĩ thông suốt rồi, tôi cố giải thích với mấy bạn cùng lớp rằng: Ta có thể hiểu theo một cách khác, là lúc này trên tàu có hành khách và thuyền trưởng, thuyền trưởng là người rời đi đầu tiên, và sau khi ông rời đi thì hành khách cũng đi theo, không ai ở lại cả. Nói một cách dễ hiểu thì ý thầy cụm từ “không ai ở lại trên tàu” chỉ sự trống vắng về mặt không gian, chỉ rằng con tàu lúc này trống rỗng không còn ai, còn ý tôi cụm từ này nghĩa là hành động của một nhóm người, hành động rời đi theo sau thuyền trưởng, nhóm người này không ai ở lại sau khi thuyền trưởng rời đi. Vậy nên tùy theo cách hiểu mà ta có thể dùng từ the last hay the first đều được.

Tuy nhiên không biết vì lý do gì, các bạn của tôi không hề chịu tiếp thu ý kiến của tôi, họ chỉ chăm chăm giải thích cho tôi cách giải nghĩa của thầy, cứ như lời thầy phán ra đúng chắc chắn và chúng tôi chỉ cần nghe theo đó là được. Thật sự thì đây vốn chẳng phải vấn đề gì to tát lắm và tôi cũng chẳng phải dạng người chuyện bé xé ra to, thế nhưng khổ nỗi họ không thèm đếm xỉa gì đến lời nói của tôi.

Cứ mỗi lần mở miệng ra giải thích thì lại có những câu: “Không, câu này có nghĩa là thế này này…” ” Trời ạ, phải nói bao nhiêu lần nữa ông mới hiểu đây..” ” Thôi mệt quá, không nói nữa đâu…” Và quay đầu đi với ánh mắt khinh khỉnh như muốn nói rằng: “Cái thằng đầu đất, nói hoài không hiểu…” Tôi tự hỏi nếu lời của tôi được thầy nói ra hay thủ tướng phát ra thì thế nào nhỉ?

Đã có lần tôi nghe kể đại văn hào Leo Tolstoy từng viết một cuốn sách rồi giả dạng một bác nông dân gửi nó lên cho nhà xuất bản. Biên tập viên gửi thư trả lời lại bác nông dân rằng: “Nội dung truyện rất hay nhưng trình độ viết vẫn còn kém, chưa có sự chuyên nghiệp, và vì vài lý do khác chúng tôi không thể in thành sách.”

Thật sự nguyên nhân chính của nó là nếu xuất ra thị trường thì sẽ không có ai mua, đến nhà văn chuyên nghiệp viết còn dễ gì có mấy ai rờ vào quyển sách chứ đừng nói là một bác nông dân. Sau này Leo Tolstoy cho xuất bản cuốn sách đó dưới tên ông thì nghiễm nhiên nó bán rất chạy. Bấy giờ nhà xuất bản mới nhận ra đây là một phép thử của ông và có vẻ rất hối hận.

Một chuyện khác tôi tìm được trên wiki: Tác phẩm Mùa Lạc của Nguyễn Khải thường được trích dạy trong sách giáo khoa phổ thông môn Văn học nhiều năm qua. Có một lần, hồi còn ở bãi Phúc Xá, ông làm giúp con trai ông bài tập làm văn về nhà với đề bài yêu cầu phân tích tác phẩm Mùa Lạc của chính ông. Ông bỏ ra cả một buổi tối làm bài nghị luận cho con. Khi trả bài, cô giáo cho con ông, hay đúng hơn là chính ông – tác giả của tác phẩm được phân tích điểm hai, với lời phê: “Dùng từ sai. Em không hiểu ý tác giả!”

Chả nhẽ một nhà văn chuyên nghiệp lại cảm nhận tác phẩm của mình kém hơn giáo viên dạy văn sao? Tôi biết sẽ có nhiều bạn ý kiến rằng đôi lúc tác giả sẽ không hiểu hết về tác phẩm của mình như những người phê bình văn học, rằng có lẽ vì ông đã không làm đúng kiểu mẫu của mộ bài văn nghị luận ở THPT, rằng ngôn từ của ông không phù hợp với loại văn nghị luận, hay trình độ cô giáo cao hơn ông,… Tuy nhiên thử hỏi nếu cô giáo biết bài làm đó là của Nguyễn Khải thì bài làm đó có bị điểm 2 với lời phê “Dùng từ sai. Em không hiểu ý tác giả!” nữa không. Chắc chắn là không.

Đã nhiều lần tôi so sánh bài viết của những học sinh bồi dưỡng văn với những người tôi cho là giỏi văn nhưng không nằm trong đội tuyển văn. Ngạc nhiên là tôi chả thấy hơn nhau ở điểm nào cả, thậm chí nhiều lúc bài của hsbd còn nhàm và chán hơn bài của một hs bình thường. Do đâu mà điểm họ lại cao hơn bình thường như vậy. Dễ hiều thôi, vì họ nằm trong đội tuyển nên ít nhiều cái nhìn của thầy cô với họ sẽ khác, chấm bài họ sẽ chấm kỹ hơn, sẽ cố tìm ra cái hay trong bài của họ…

Tôi không nói thầy cô thiên vị nhưng con người mà, ít nhiều cũng phải có cái nhìn lệch đi giữa người có danh và người vô danh, không thể lúc nào cũng công bằng mãi được. À nói cho các bạn biết tôi cũng nằm trong đội tuyển văn, nhưng có lần khi tôi đọc một bài viết điểm 5 của một bạn trung bình môn văn trong lớp, tôi đã vò cái bài điểm 8 của mình quăng vào sọt rác, sau đó tôi đem bài điểm 5 kia lên ý kiến với thầy, và sau một hồi phân tích, tranh cãi, làm chuyện bao đồng, bài viết đó đã từ điểm 5 lên điểm 7.

Kẻ thông minh nói, ai cũng tin nhưng mấy ai hiểu. Người ngu dốt nói, ai cũng hiểu nhưng mấy ai tin. Copernicus một mình chống lại giáo hội để nhận lấy cái chết oan uổng, vì ông đã đứng lên đấu tranh lại tư tưởng bảo thủ của giáo hội, phản lại nhận thức của nhân dân lúc này đã quá tin tưởng vào giáo hội, vì một sự thật “dù sao Trái Đất vẫn quay.” Một kẻ không có tiếng nói mà cứ cố đứng lên cãi lại thì chỉ nhận kết cục thê thảm thôi.

Nếu một tên tội phạm nói: “Tôi không có tội.” Hội đồng xét xử phán: “Hắn có tội.” Bạn sẽ tin ai? 90% là hội đồng, vì nghĩ rằng tên tội phạm nào mà chả nói câu đó. Nhưng ai biết sự thật là anh ta không hề phạm tội, chỉ vì vô tình vướng vào vụ án mà trở thành nghi can. Và viện điều tra, hội đồng thì quá lười biếng để tìm hiểu, xem xét tỉ mỉ vụ án, hoặc nhận tiền đút lót đâu đó rồi cứ thế kiếm một con tốt thí nào đó trút hết tội lên đầu nó là xong.

Nếu một người tự nhận mình có tội thì các bạn cũng đừng vội tin, vì không thiếu những trường hợp một người vô tội được dẫn vào phòng xét hỏi, rồi mấy anh dân phòng cứ thế mà đánh đập thừa sống thiếu chết bắt nhận tội, đánh cho gần bất tỉnh rồi lại dỗ ngọt gì đó, nạn nhân không chịu thì cứ thế mà đánh tiếp, riết rồi dân đen chúng mình không chịu nổi, đầu óc quáng gà, vì muốn chấm dứt cái địa ngục tạm thời này mà đi nhận tội, để sau này phải chịu cảnh tử hình hay tù đày mấy chục năm gì đó.

Tuy nhiên thì mấy anh dân phòng đánh rất khéo, đánh đau mà không gây thương tích mới hay. Khi thả ra ngoài, nạn nhân có muốn kiện cáo gì thì mấy anh cứ chối bay chối biến, sếp cũng hùa theo mà bao che, làm gì được nhau, đâu có dấu hiệu nào cho thấy nghi can bị đánh đập trong phòng tạm giam đâu. Và rồi dân tin ai? Ừ thì tin mấy ông “vì nước quên thân, vì dân phục vụ“ chứ ai.

Vậy mới nói, cứ đứng dưới đáy xã hội mà gào thét thì cũng chả ai nghe, lo tìm cách mà trèo đầu, dẫm đạp người khác để mà vươn lên thôi. Bạn có suy nghĩ cao siêu đến mấy mà không có sự tin tưởng của người khác thì lời bạn nói ra cũng là lời sáo rỗng, nước đổ lá khoai thôi.

Hôm vừa rồi tôi có tranh cãi với bố về việc có nên theo đuổi ước mơ không. Tôi bảo có và kiên quyết theo đuổi ước mơ mình, bố lại bảo nên sống thực tế và xem ngành nào dễ kiếm tiền nhất hiện nay thì mình theo. Tôi ngồi phân tích, thể hiện quyết tâm, đổ dồn cảm xúc, đốt cháy khát khao,… nói chung là làm đủ mọi cách để chứng minh tôi đúng. Cuối cùng bố phán một câu: “Khi nào con kiếm được tiền thì lúc đó bố sẽ tin.”

Xong, tôi cũng chả biết nói gì luôn. Bố nói đúng, dù tôi có nói hay đến mấy mà không có gì thể hiện tôi đúng thì cũng chả có tác dụng gì, nếu sau này tôi không thể lo cho chính bản thân mình thì những lời hay ý đẹp tôi vừa nói ra có ý nghĩa gì. Nếu tôi chưa thể kiếm được tiền và lo cho người khác, thì dù tôi có nuôi hoài bão hay ước vọng cao xa đến mấy, trong mắt bố, tôi vẫn chỉ là thằng nhóc chưa trưởng thành.

Bạn cũng vậy, dù bạn có nuôi trong đầu những ý tưởng bác học đi chăng nữa, bạn vẫn sẽ không bằng một thằng nhóc ranh mua được tấm bằng bác học. Dĩ nhiên đúng sai sẽ để thời gian chứng minh. Nhưng nếu bạn muốn thay đổi một chân lý hay định kiến nào đó, trước hết phải thay đổi bản thân mình.

 

Đặng Huy

“Ông Trời ơi, ta hận người!”

Featured image: AFP/Juni Kriswanto

 

30 tháng 12 năm 2014. Năm 2014 sắp sửa kết thúc, người người trên đường về quê nhà để đón năm mới. Nhưng ông Trời dường như thật tàn nhẫn. Chuyến bay QZ8501 với 155 hành khách cùng đội bay 7 người đã gặp nạn… Một năm buồn cho ngành hàng không thế giới, và đặc biệt là đối với những người anh em Đông Nam Á của chúng ta… (cả 3 chuyến tai nạn máy bay năm nay đều là của những hãng hàng không Malaysia)..

“Ông Trời ơi, ta hận người!” Vợ mất chồng, cha mẹ mất con, anh mất em…Không ai có thể trách những người thân của các hành khách xấu số trong chuyến bay QZ8501 nếu như họ thốt ra lời oán trách kia…

Chao ôi! Thương thay! Buồn thay! Cho dù có biết rằng:

“Thiên địa bất nhân

Dĩ vạn vật vi sô cẩu.”

(Tạm dịch: Trời đất không có nhân. Coi vạn vật như loài chó rơm.)

— Lão Tử, Đạo Đức Kinh – Chương 5

Tạo Hoá, Cuộc Đời, ông Trời – hay dưới bất kỳ cái tên nào, ta đều cảm thấy có một cái vô hình gì đó thật lạnh lùng, thật tàn nhẫn mỗi khi chứng kiến những mất mát, đau khổ của đồng loại… Chẳng thế mà Nguyễn Du đã phải than:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời.

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.”

— Nguyễn Du,  Truyện Kiều

‘Ngẫm hay muôn sự tại Trời’… Những giây phút như thế này ta mới thật thấy loài người chúng ta thật mỏng manh, yếu ớt làm sao trong cái vũ trụ này…

Goddess of fortune – Dorjex.com

 

 

Hơn hai ngàn năm trước, Seneca,  một triết gia La Mã cổ đại có bàn về Nữ Thần Số Mệnh (The Goddess of Fortune). Tương truyền Nữ Thần Số Mệnh là con gái đầu lòng của Thuỷ Vương (Poseidon – theo thần thoại Hy Lạp, hay Jupiter – theo thần thoại La Mã). Nữ Thần Số Mệnh có biểu tượng là một người đàn bà, một tay cầm Sừng Dê chứa đầy hoa quả, tiền vàng (Cornucopia – tượng trưng cho sự may mắn, đầy đủ, no ấm, viên mãn), một tay cầm cái Bánh Lái Số Phận (rudder – or Wheel of Fortune). Seneca cho rằng Nữ Thần Số Mệnh có thể dùng Sừng Dê để ban phước lành, may mắn cho con người; nhưng bà cũng có thể có lúc bất chợt đánh Bánh Lái Số Phận, thay đổi quỹ đạo cuộc đời của chúng ta và lạnh lùng cười nhìn chúng ta tiêu vong…

“Không có gì là Nữ Thần Số Mệnh không dám làm cả…” — Seneca

Chúng ta đau khổ là bởi vì chúng ta bị bất ngờ khi Số Mệnh cuốn phăng ta đi ngược với ước vọng của chúng ta. Có ai khi tạm biệt người một người bạn lên chuyến bay QZ8501 kia, lại nghĩ rằng có thể đây là lần cuối mình gặp lại anh bạn của mình…

Vì thế mà Seneca khuyên chúng ta rằng: Này các người, mỗi sáng thức dậy hãy nghĩ về mọi khả năng, nghĩ về những điều tồi tệ nhất, để khi chúng xảy ra ta không bị bất ngờ…

Cá nhân kẻ cầm bút này tuy nhận rằng Seneca có thể có phần có lý rằng Số Phận nhiều khi trái khoáy, tàn nhẫn nhưng vẫn có phần không muốn chấp nhận ông… Làm sao có thể như Tạo Hoá để mà lạnh lùng vô cảm trước những đau thương của đồng loại? Luôn luôn nghĩ về những điều tồi tệ nhất? Có lẽ ít người đủ dũng cảm để mỗi sáng thức dậy và nghĩ là ngày hôm này anh ta có thể sẽ lìa đời, hay anh ta có thể sẽ mất một người bạn thân…

Dù ta có đồng ý với Lão Tử, có đồng ý với Seneca hay không thì ít nhất có lẽ cũng phải đều chấp nhận rằng nhiều khi quả thật ta cảm thấy có Số Mệnh, nhiều khi có vẻ vô cớ gặp vận rủi… Nhận ra điều đó ta mới thấy rằng chúng ta tuy khôn ngoan cải tạo được thế giới này theo ý mình, nhưng cũng có lúc không cưỡng lại nổi sức nặng guồng quay của Tạo Hoá… Cũng không tránh khỏi những lúc đau đớn phải thốt lên: “Trời hại ta! Trời hại ta!…”

Đúng, chúng ta yếu ớt, Pascal nói: “Con người là một cây sậy yếu ớt, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ..” Ông cũng nói rằng

“Khi Tạo Hoá nghiền nát một con người, con người đó vẫn cao quý hơn thế lực đang tiêu diệt mình. Bởi vì người đó biết là mình đang chết, và chiến thắng của người đó là ở chỗ Tạo Hoá không hề hay biết gì cả…” (“When the universe has crushed him, man will still be nobler than that which kills him, because he knows that he is dying, and of its victory the universe knows nothing.”)

“Cao quý hơn..” ta không dám khẳng định là Pascal hoàn toàn đúng… Nhưng ít nhất ta biết rằng ta là con người, ta là một ‘cây sậy biết suy nghĩ’ mà vì thế ta có thể coi mỗi lần chứng kiến những sự tàn nhẫn của Số Phận với những người khác là một lần nhắc nhở ta phải biết trân trọng cuộc sống này hơn… Mỗi lần như thế là một lần nhắc nhở ta rằng: Trong cuộc đời này, số phận của mỗi người chúng ta thật mỏng manh làm sao… Mà vì thế ngày nào còn sống thì ngày đó hãy sống hết mình, hãy yêu thương những người xung quanh mình… Như Og Mandino từng nói trong một bài nói chuyện:

“Mỗi ngày hãy sống hết mình như thể đó là ngày cuối cùng. Nhưng còn một điều nữa, nếu như bạn gặp một người và biết người đó sắp sang thế giới bên kia trong ngày hôm nay, bạn sẽ đối xử với người đó như thế nào? [..] Đó là cách mà bạn nên hàng ngày đối xử với những người quanh bạn …”

Bởi vì… biết đâu…

 

Kim Giang-Nguyễn Việt Hoà

*********

Tài liệu tham khảo:

  • 1. Alain de Botton, The Consolations of Philosophy (tạm dịch: ‘Nguồn an ủi từ triết học’). Chapter 3: Consolation of Frustration. (những mẩu chuyện về Seneca được trích từ chương này).
  • 2. Lão Tử – Đạo Đức Kinh. NXB Trẻ 2014. Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú.
  • 3. Nguyễn Du, Truyện Kiều
  • 4. Og Mandino’s ‘Greatest Secrets to Success’.

Đất nước của những kẻ Lười Biếng

Photo: paraflyer

 

Bạn có biết lý do chính dẫn tới việc nước Việt ngày càng sa sút? Câu trả lời là: LƯỜI!

Người ta cứ đang kéo cố gắng đất nước này đi lên. Hàng loạt bài báo được viết nên. Trong đó chỉ ra rằng đất nước này đang bị ô nhiễm hóa, đang bị bóc lột hóa, đang bị bất công hóa, và đang bị căng thẳng hóa… Nhưng rồi các bạn biết được điều gì là quan trọng? Ừ, CHẲNG AI THÈM ĐỌC NHỮNG BÀI BÁO ĐÓ. Nghĩa là người ta không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh họ, không biết được mức độ căng thẳng leo thang của thế giới xung quanh. Tóm lại là, người viết thì cứ viết, người chơi thì cứ chơi, không ai thèm đọc. Dĩ nhiên là ta đang nói đến số đông thôi.

Vậy ra, người ta đang cố gắng thay đổi mọi thứ ở phần ngọn. Nghĩa là kêu gọi những con người đã góp sức gây nên hiện trạng này, hãy thôi đừng phá hủy đất nước nữa, hãy thôi xả rác, hãy thôi chém giết. Đó là một ý tưởng điên rồ. Kêu gọi người từng sát hại đất nước này hãy suy nghĩ lại, rũ chút lòng thương, đừng phá hoại nữa.

Bạn biết vì sao mà đất nước này cứ thụt lùi, thậm chí bây giờ thua cả Lào và Campuchia không? Nếu bạn định trả lời là chính phủ thì hãy tạm gác lại cái ý nghĩ đó. Bởi vì vấn đề là dân chúng ở đây mang một căn bệnh nan y không thể chữa nỗi: LƯỜI!

Lười vận động, tập thể dục

So với số người tập thể dục, thì số người không tập chiếm gấp nhiều lần, nếu không muốn nói là áp đảo hoàn toàn. Bạn không tin? Sáng thức dậy 4 giờ sáng chạy bộ. Rất nhiều ông cụ, bà già sẽ chạy cùng bạn. Số trung niên cũng rất nhiều. Còn số thanh niên thì chiếm trên đầu ngón tay thôi nhé.

Mà không tập thể dục thì chẳng đào đâu ra sức khỏe, không có sức khỏe thì làm cái gì cũng mau mệt, mau mệt thì sẽ nhanh chán, mà nhanh chán thì sẽ sớm bỏ cuộc. Những người có sức khỏe yếu thường làm mọi việc qua loa. Tin tôi đi. Họ không chịu đựng nỗi bất cứ chuyện gì hết. Đó là khi chúng ta nên nói tiếp các kiểu lười khác là hệ lụy của lười vận động.

Lười học

Cái này thì khỏi nói rồi. Trừ các học sinh trường chuyên và công lập, đa số những trường khác, học sinh rất chi là lười. Khoan hãy nói đến việc kiến thức có hàn lâm hay không, có khó nuốt hay không, có kém thực tiễn hay không. Mà hãy tự hỏi, tại sao lại như vậy? Không ai chịu đựng nỗi 2 3 tiếng học bài ở nhà. Nói trắng ra là họ quá lười chịu đựng. Alan Phan đã từng nói rằng ông không hiểu tại sao một đất nước dân số vàng như Việt Nam lại có vẻ lù khù như các cụ già đến vậy.

Bạn hỏi tại sao? Hãy tạm trách Internet, Smartphone, Karaoke, Nhậu nhẹt, Lotte, Starbuck và các loại ăn chơi thời hiện đại nhé. Bạn lại hỏi tại sao nữa à? Bởi vì đó là thách thức của thời đại này. Thú vui hưởng thụ bao vây xung quanh, nhan nhãn đông tây nam bắc hướng nào cũng có. Tại sao phải chịu đựng học bài khi tụi bạn đi nhậu, đi hẹn hò, đi Lotte? À, quên nữa, đừng ai nói với tôi một câu mà đứa trẻ trâu nào cũng biết: Cái nào cũng có mặt lợi, quan trọng là đừng dùng quá liều lượng. Bởi vì, không có mấy ai biết kiểm soát chính họ ở cái vùng đất này đâu.

Lười làm

Tất cả những người chủ ở Việt Nam đều khó tính, họ thường đốc thúc công nhân của mình. Bởi vì họ biết, không đốc thúc, bọn công nhân chỉ ngồi chơi, và làm kiểu đối phó, chủ tới thì luôn tay luôn chân, chủ đi thì phì phèo điếu thuốc, thậm chí là lướt facebook chat chit nữa là đằng khác. Nếu cha mẹ bạn là người trả tiền cho công nhân, chắc bạn sẽ rõ điều đó hơn cả.

Bạn hỏi vì sao họ lười làm, họ bắt đầu lười từ khi nào? Vì sao? Vì họ chẳng có thích thú gì với công việc. Bởi vì họ từ cái giây phút họ lười học, họ chẳng có kiến thức gì để giải quyết vấn đề nên họ chẳng muốn xảy ra thêm vấn đề gì nữa. Mà đấy, cách hay nhất để không có vấn đề gì để giải quyết là ngồi chơi. Làm việc thì tạo nên vấn đề, giải quyết vấn đề chính là một bước thăng tiến. Nhưng họ lại sợ gặp vấn đề biết bao. Không giải quyết được lại bị chửi, lại bị sỉ nhục, lại quê với người khác. Nên họ thà làm người nhàn rỗi tay chân, áo sạch đồ đẹp, không một vết bẩn còn hơn lấm lem mồ hôi, nhếch nhác không ai thèm dòm.

Lười suy nghĩ

Lướt dạo hết vòng facebook là điều bạn có thể làm ngay. Nếu facebook bạn không có gì đáng để xem, không có gì để làm bạn cảm động, làm bạn thấy phải nhìn lại bản thân mình thì bạn chính là một ví dụ. Còn nếu có thông tin gì đó hay, viết về thực trạng của đất nước, về ô nhiễm môi trường, về động vật tuyệt chủng, hay các bài viết học thuật, hãy xem nó được bao nhiêu người like? À, thường thì không có bao nhiêu người like đâu. Không tin lướt ngay facebook là biết.

Chúng ta không có gì để học sao? Hay chúng ta chỉ quan tâm về tự sướng, em nào đẹp, em nào xài camera 360, anh nào GAY, chỗ nào chơi tốt, khu nào ăn ngon, quần áo chỗ nào bán đẹp? Nếu facebook của bạn không có bất cứ cái gì liên quan tới học thuật, kiến thức, thay vào đó là 90% ảnh girl xinh, trai đẹp, hãy yên tâm một cách chắc nịch rằng bạn là một trong những đứa lười suy nghĩ bậc nhất thế giới.

Lười tranh đấu

Cái này thì khỏi phải nói luôn rồi. Cha chung chả ai khóc mà. Đất nước ngày càng đi xuống thì cũng mặc. Nói thật, chả ai quan tâm cả. Những người có tâm, những người làm báo cứ như những kẻ thui thủi một mình tự kỷ vậy. Bài nào họ viết ra, họ tự đọc, chả mấy ai đọc nói chi đến like và comment. Đi chơi noel xong rác thải đầy đường để phải viết lên báo, cũng chả cần thấy nhục mặt cho bản thân hay cho đất nước này, cứ thế năm nào cũng vậy, cũng lên báo, rồi cũng thôi, vì chẳng ai còn hơi sức để nói nữa.

Thờ ơ là căn bệnh của người Việt. Nếu không tin, search bài báo: “Người Việt vô cảm thứ 13 thế giới” là biết. Họ chẳng muốn tranh đấu. Họ chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ những gì đang có. Tài nguyên chúng ta bán, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong vòng 10 năm tới sẽ cạn sạch. Nhưng mọi người thì cứ thờ ơ để mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, thiên tai; miễn là họ không bị gì hết. Càng ngày, người ta càng rút về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm… Nhưng không ai muốn tranh đấu! Chẳng ai muốn cả, vì họ bận phải hưởng thụ sự hiện đại này.

Đấy là những thế hệ đã được đào tạo. Việt Nam thuộc loại khủng của thế giới trong việc chi ngân sách cho giáo dục. Họ đã làm gì, và chúng ta đã tôi luyện bản thân như thế nào? Có khi nào chúng ta thấy nhục nhã, chẳng cần gì cao siêu, mà chỉ bởi vì chúng ta vừa quăng một cục rác xuống đường. Ai đó nhắc nhở, và chúng ta phản bác: TRƯỚC SAU CŨNG CÓ NGƯỜI QUÉT THÔI. Liệu có bao giờ chúng ta thấy nhục mặt vì cái độ lười nó ghê tởm đến nỗi những con chó thông minh, biết đi ị đúng chỗ cũng phải khinh thường?

Những thế hệ đi qua, và những bài học của các bậc mẹ cha ngày càng thực dụng. Bạn không thấy xã hội này quá co cụm từ khi bạn chuẩn bị cắp đồ lên thành phố học? 99,9% tôi đảm bảo sẽ được nhắc: Giữ tiền cẩn thận nha con, trộm cắp dữ lắm; Ở ký túc xá coi chừng nhà con, trộm cắp phức tạp lắm; ở Sài Gòn cẩn thận nha con, dân tứ xứ chẳng biết ai là ai đâu…

Bạn đã từng nghe, chắc chắn như vậy, và hãy thừa nhận là lũ người xung quanh bạn thật gớm ghiếc. Và bạn, tôi chỉ đích danh bạn đó, cũng chưa chắc là một trường hợp đặc biệt gì ngoài lũ gớm ghiếc đó đâu. Một lũ tệ hại, cười với nhau những nụ cười giả tạo, đôi tay vịn chắc túi tiền và trôi vào dòng cuộc sống. Chúng ta chắp vá đất nước này, rách chỗ nào vá chỗ đó, nhưng đúng như Lưu Quang Vũ nói:

“Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.”

Nhưng chúng ta chẳng quan tâm lời dạy này. Chúng ta chắp vá nhiều hơn là đằng khác. Ai đó đút lót, chúng ta đút lót nhiều hơn. Ai đó đối phó để được điểm cao, chúng ta quyết tâm biết được đề thầy sắp ra giờ kiểm tra. Ai đó quăng rác bừa bãi, chúng ta quăng rác một cách tinh vi. Ai đó lừa đảo ta, ta học cách đó để lừa đảo lại người khác. Và chúng ta có một xã hội như ngày hôm nay. Chẳng ra một cái gì cả.

Một dân tộc ghê tởm nhau, đề phòng nhau đến những chuyện nhỏ nhặt đến như vậy thì làm sao còn đầu óc để đầu tư vào những thứ tiến bộ khác hơn? Một xã hội co cụm, những ánh mắt đầy hoài nghi, ghê tởm thay cho chúng ta!

Chúng ta lười mọi thứ. Chúng ta lười vận động, rồi thì sức khỏe chúng ta kém, sức chịu đựng không có nên chúng ta nhác học, lười làm, buồn ngủ khi phải nghĩ và chán ngán khi phải chịu đựng. Tất cả những gì chúng ta có là đối phó, từ trong ra ngoài. Không đối phó bằng cách hối lộ tiền, thì đối phó bằng cách mua bằng cấp giả, nếu không được thì học đại cho xong, và trong lúc học cũng đối phó với thầy cô. Vâng, chúng ta đối phó n+1 các loại. Nhưng điều làm tôi ghê tởm hơn cả tật đối phó, chính là không thèm đối phó nữa mà sẵn sàng thải rác ra đường như không giữa ban ngày ban mặt, buông lời tục tĩu, dâm dục giữa thiên hạ. Số đó không hề ít, xin chớ coi thường.

Chịu đựng! Những người đi ra từ chiến tranh với sức chịu đựng ghê gớm lại nuôi dạy con họ một cách đầy nuông chiều. Quá nhiều người đi ra từ chiến tranh, quá nghèo khổ để nói đến đức hạnh, tất cả những gì họ lo lắng là tiền, là mưu sinh. Đó là lý do chúng ta ở đây. Cả một lũ không được giáo dục tốt. Cả một lũ đang làm đất nước này đi xuống. Đó không phải là lỗi của họ, hãy thông cảm vì điều đó. Họ đã cố phải xây dựng lại mọi thứ từ đống tro tàn. Nhưng còn chúng ta thì sao? Được nuông chiều từ nhỏ tới lớn, chẳng phải chịu đựng bất cứ cái gì, và giờ thì sẵn sàng ngồi quán cafe chém gió suốt ngày.

Bạn biết bọn nhậu nhẹt và ngồi quán cafe chém gió thường nói gì khi gặp nhau? Tao mới xin làm chỗ kia, lương 4 triệu mà toàn ngồi chơi. Liền lập tức, thằng đối diện sẽ bảo: NGON VẬY!

Cái tư duy ở xứ này là: Ngồi chơi và “khỏe”! Nhưng yên tâm đi, vũ trụ rất công bằng. Cái chỏm nhỏ ở chỗ này trước sau gì cũng bị trừng phạt nếu tiếp tục tồn tại theo kiểu đó.

Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.

Đừng uống cạn tài nguyên này, đừng ăn mặn để con cháu khát nước. Đừng để thế hệ nối tiếp thế hệ sống cuộc sống như thế này. Và xin cũng đừng, đừng xấu xa cho đã để rồi sau này bắt con mình trở thành một người tốt. Con nít học qua hình ảnh, nó bắt chước tất cả những gì nó thấy. Đừng bao giờ cho phép bản thân tệ hại, và dạy con bằng cái lối nói rằng bạn dù có xấu xa thế nào cũng là hy sinh cho tương lai của nó. Bởi vì, cách đó nhàm quá rồi, một lời biện hộ không có nghĩa gì hết.

Tôi biết là Việt Nam vẫn chưa đến lúc có một cuộc cách mạng cải tổ lại tư duy người Việt. Nhưng từ giờ cho tới lúc đó, hy vọng tôi có thể giúp ai đó hiểu rằng, hãy luyện tập, hãy chịu đựng để bước đi những ngày tháng trưởng thành. Bạn không thể lớn thêm nếu không chịu đựng. Nếu bạn muốn đi lên, bạn phải chịu đựng, dù xung quanh không có ai hỗ trợ bạn, dù xung quanh mọi người đang say ngủ…

NẾU BẠN MUỐN TRƯỞNG THÀNH, HÃY CHỊU ĐỰNG

Trong nghĩa của từ chịu đựng, không có lười biếng. Trong nghĩa của từ chịu đựng là sức mạnh. Mỗi một cá nhân có sức mạnh, khỏi cần phải bàn tới chuyện đất nước có đi lên hay không, vì đôi tay của họ thậm chí có thể nhấc bổng cả bầu trời…

(Nếu bạn nào đặt một dấu chấm hỏi vì sao bài trước tôi viết là chẳng có ai lười thì bài này tôi lại đỗ lỗi cho việc người ta lười, thì xin hãy hiểu rõ là trong 2 bài tôi đang đề cập đến 2 chuyện khác nhau. Bài trước là cảm thông với những người chưa tìm ra họ là ai trong cuộc đời. Bài này nói về những con người xung quanh tôi mà đầu óc bị mụ mẫm hóa hết rồi, không còn biết gì ngoài những lạc thú tầm thường nữa.)

 

Lục Phong