24 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 154

23 điều vô lý chỉ có ở Việt Nam

Featured image:  Duyanh Pham

 

Ở Việt Nam có những thứ và những điều vô cùng vô lý nhưng vì những thứ đó đang ở Việt Nam nên ai cũng cho rằng nó có lý và không có vấn đề gì. Có những thứ và những điều mà chỉ có ở Việt Nam, không có nước nào có. Hy vọng nhiều người sẽ nhận ra. Danh sách như sau:

1. Sổ hộ khẩu. Trên thế giới chỉ có 3 nước áp dụng chính sách này, cả 3 nước đều là 3 cường quốc của thế giới, là thiên đường. Đó là Việt Nam, Trung Quốc và….Bắc Hàn. Tôi thật sự không hiểu nổi mục đích của cái sổ hộ khẩu là gì, trừ việc làm mồi kiếm ăn cho mấy anh chị Công An. Nếu bạn nào có thế giải thích trong 1 câu “tại sao chúng ta lại có sổ hộ khẩu” tui chết liền. Ở xứ khác khi sinh ra chỉ có giấy khai sinh rồi lớn lên làm cái thẻ, hộ chiếu. Vài nước thì dùng bằng lái xe làm chứng minh. Muốn đi đâu thì đi, nước của mình mà. Tại sao mỗi lần chuyển địa phương là phải đi khai tạm trú, kt3. Mấy cái này là gì tui hiểu tui chết liền.

2. Đi mua xe đi đăng ký tên mình phải dùng sổ hộ khẩu về đăng ký tại nơi thường trú (nơi đăng ký hộ khẩu). Nó vô lý ở chỗ này. Bạn là dân Lạng Sơn chuyển công tác vô làm ở Cà Mau, bạn muốn mua xe máy và đứng tên bạn, lỡ xe có bị trộm thì người ta biết xe đó là của mình. Nhưng ở Việt Nam thì nếu mua ở Cà Mau thì dân Lạng Sơn phải chở xe về Lạng Sơn đăng ký. Có cái nước nào khác trừ Việt Nam làm vậy không? Có ai biết thì nói nha, tại tui khờ lắm, hiểu biết về thế giới bên ngoài Việt Nam kém nữa.

3. Cảnh sát giao thông kiểm tra xe nếu không có đủ giấy tờ sẽ bị giam xe. Tại sao người lái xe phải chứng minh xe đó là của người lái? Sao CSGT không chứng minh điều ngược lại. Phi logic. Còn việc giam xe thì tui chưa biết xứ nào khác làm vậy hết.

4. Thuế “chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Tui chưa biết xứ nào khác có cái thuế quái dị như vậy. Đây là loại thuế làm cản trợ quá trình công nghiệp hóa của đất nước. Bạn là một nông dân có 100 mét vuông đất nông nghiệp. Bạn muốn dùng 50m2 đó để xây cái hang. Bạn phải đi tới Sở Tài Nguyên Môi Trường nộp đơn chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Số tiền đó cộng với bôi trơn đút lót thì gần bằng giá bán thị trường rồi. Thế thì bạn phải bán đi 50 m2 còn lại. Nghĩa là cái thuế này làm mọi thứ liên quan tới đất đai mắc gấp đôi. Một trong những thứ khùng điên nhất.

5. Đi nộp giấy tờ phải đi công chứng rồi phải có con tem xác nhận. Đã vậy còn phải xin xỏ mấy bé mấy *** ** làm hành chính nữa chứ.

6. Đi “xin” việc ở cơ quan nhà nước, công ty quốc doanh và một số công ty tư nhân phải nộp “sơ yếu lý lịch”. Sơ yếu lý lịch yêu cầu bạn phải ghi rõ về gia đình và bản thân: Trước và sau 1975 đã và đang làm gì. Tui và gia đình tui làm gì trước sau 1975 thì liên quan gì tới năng lực yêu cầu của công việc?

7. Đi làm từ thiện phải (nộp đơn) “xin phép” Ủy Ban Nhân Dân và Mặt Trận Giải Phóng địa phương. Trời ơi, đã đi từ thiện, là bỏ tiền túi mình ra cho người khác, đã vậy còn phải đi xin giấy phép là sao? Độc Lập Tự Do Hành Phúc đâu rồi?

8. Tham gia các giải thể thao ở tỉnh (và vài thành phố) phải có hộ khẩu và sổ tạm trú ở đó. Thể thao Thái Lan đang phát triển với quy mô chinh phục Châu Á. Trong khi đó ở Việt Nam các nhà làm thể thao hỏi: “Hộ khẩu con đâu?” Thấy có ngu không?

9. Đi du lịch hoặc ở khách sạn nhà nghỉ phải đưa hộ chiếu hoặc Chứng Minh Thư cho tiếp tân. Ở xứ khác tui chỉ trình cái thẻ Master hoặc Visa. Nếu đưa hộ chiếu thì họ photocopy xong rồi đưa lại chứ không giữ. Tui chưa biết cái xứ nào làm vậy, trừ Việt Nam.

10. Trước giải, buổi, hội hay chương trình gì cũng phải giới thiệu danh sách mấy quan có mặt. Đã vậy danh nghĩa dài dòng lê thê. Có cần phải đọc tên từng người một, chờ từng người một đứng dậy ngồi xuống không. Tui thật sự không hiểu cái logic. Tui chưa bao giờ thấy một giải hay trận thể thao nào ở nước ngoài làm vậy.

11. Các trung tâm thể thao trưng khẩu hiệu “rèn luyện thể thao theo giương Bác Hồ vĩ đại”. Sao xứ Mỹ không trưng khẩu hiệu “tập luyện theo gương George Washington vĩ đại”? Bác Hồ hồi đó có tập thể thao mà sao tui không biết ta. Chuột cơ tay đô nữa, giờ tui mới biết. Phải ráng tập để nói theo gương Bác Hồ Vĩ Đại mới được.

12. Tất cả các giấy tờ hành chính pháp lý phải có dòng chữ này ở trên “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc”. Giấy xin phép nghỉ học cũng vậy, giấy báo cáo cũng vậy luôn. Xứ khác có vậy không ta?

13. Đi toilet ở Bến Xe (Miền Đông, Miền Tây, tỉnh, thành phố) mỗi lần phải trả 2,000 VND.

14. Toilet công cộng thường không có giấy vệ sinh. Vậy người ta dùng gì để chùi *** ta?

15. Làm xong cái hội thảo hay chương trình gì lớn chút cũng phải nói: “Cảm ơn các lãnh đạo đã tạo điều kiện.”

16. Quân Đội đi làm kinh tế: Viettel, MB Bank, Xăng Dầu Quân Đội, Binh Đoàn 318 Dầu Khí. Tui thật sự không hiểu. Quân đội gì mà làm kinh tế kinh doanh?

17. Quân Đội tham gia thể thao thành tích chuyên nghiệp. Tui chưa biết quân đội nước nào khác làm vậy.

18. Cảnh Sát Nhân Dân tham gia thể thao thành tích chuyên nghiệp.

19. Quân Đội phong hàm sĩ quan cho vận động viên đạt thành tích. Mặc dù chưa bao giờ qua trường lớp đào tạo sĩ quan, chưa bao giờ có kinh nghiệm cầm lính, chưa bao giờ có kinh nghiệm chiến trường. Hàm sĩ quan vô nghĩa vậy sao? Bạn là cha mẹ thì có cho con mình vô cái quân đội như vậy không? Vận động viên đạt thành tích thể thao thì liên quan gì tới phong hàm sĩ quan quân đội? Tui chưa biết quân đội xứ nào khác làm vậy hết.

20. Đi xin việc làm vô mấy cơ quan nhà nước hay quốc doanh phải lót tiền, cả trăm triệu hơn chứ không kém. Có xứ nào khác làm vậy không ta?

21. Đánh thuế kinh doanh trên facebook. Cái này miễn ý kiến.

22. Sinh viên học ĐH hay CD cũng phải học 1.5 năm lý thuyết kinh tế triết học Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 1.5 năm của cuộc đời mà sinh viên sẽ không lấy lại được.

23. Và cuối cùng, Đảng Cộng Sản đấu tranh hy sinh cả triệu người dân trong cuộc chiến chống Pháp, Mỹ Ngụy vì lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nhưng cuối cùng lại dùng chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường để làm giàu. Vậy cả triệu người Việt đã chết làm gì. Cuộc chiến đó có nghĩa gì?

 

Ku Búa

[Review] Light loss – Offthesky

Album Artwork 

 

 

Light loss là một album của nghệ sĩ nhạc thể nghiệm Jason Corder (Offthesky), đến từ Denver, Colorado (Mỹ). Album được phát hành bởi hãng đĩa Dronarivm (Nga) dưới dạng digital download và CD vào ngày 2 tháng 2 năm 2015.

Light loss xoay quanh sự chuyển mùa từ thu sang đông, dưới thứ ánh sáng lạnh và hư ảo. Đi cùng với đó là những cảm giác u ám, nặng nề xuyên suốt toàn bộ album.Những sắc thái trong mỗi track được xây dựng bởi sự đối lập giữa vẻ tối tăm của drone/noise/effect với những vệt sáng nhạt nhòa của những phần giàu giai điệu hơn, như của giọng hát, piano, violin, cello và synth.

Mouthful of Silence mở đầu album và nêu bật được chủ đề chính. Hoàn toàn được bao phủ bởi những lớp noise và drone dày đặc, những âm thanh mang hơi hướng của dark ambient dai dẳng và lê thê càng nhấn mạnh thêm cảm giác lạnh và tối tăm.

Trong phần còn lại của album, noise nhường chỗ dần cho âm thanh của các nhạc cụ. Field recording không rõ rệt, nhưng cũng đủ để nhận ra. Thiên hướng của electro acoustic cũng càng được thể hiện rõ rệt Âm thanh của saxophone giữ vị trí ổn định trong mỗi track, tạo nên một phần nền vững chắc. Saxophone cùng synth và effect không chỉ gợi nên cảm giác u uất chiếm lĩnh album này mà còn mang đến thêm nhiều yếu tố thể nghiệm đặc sắc.

Trong Dream Coma, từng đợt sóng liên tục của effect và saxophone tạo nên sự đối nghịch với những chuyển động chậm chạp của cello. Quả là một dấu ấn đáng để ý! Sau đó, Offthesky đã tạo nên một bước ngoặt bất ngờ bằng cách để những âm vực cao của synth dồn dập chồng lên những nét hư ảo của nhạc cụ dây.

Trong Bloodletting, một sắc thái mới xuất hiện ngay ở đầu track: những lớp giọng hát lơ lửng và quấn quýt lấy nhau như sương mờ buổi sớm. Trong nửa đầu của track này, synth và effect được giảm thiểu khá rõ, chỉ thấy hầu hết giọng hát chìm trong reverb. Trong nửa sau, noise và effect lại trỗi dậy và trở nên chói gắt hơn và dịu dần khi một lần nữa phần giọng hát xuất hiện và kết thúc tác phẩm

Track thứ 4 If We were a lake thể hiện một sự cân bằng khá rõ rệt giữa synth – effect – giọng hát – nhạc cụ dây. Không gian của tác phẩm này khá gần với không gian trong một bộ phim. Giai điệu nổi trội hơn nhiều so với những phần drone dài dặc. Một nét mới ở track này là giọng hát sánh đôi cùng phần piano mang tối giản và lặp lại, mang âm hưởng của modern classical. If We were a lake cũng là track đầu tiên mà phần violin có một đường nét giai điệu cụ thể thay vì chìm nghỉm trong biển effect.

Light loss – track chủ đề là track dài nhất của album (21 phút). Đây là một sự tổng hơp của tất cả các track còn lại. Điểm nổi trội duy nhất là phần trống xuất hiện từ phút 14. Cùng lúc đó, Saxophone xuất hiện mang thêm thiên hướng free jazz, đẩy cường độ lên cao cho đến tận cuối tác phẩm.

Như nhiều album khác được phát hành bởi Dronarivm Light loss của Offthesky được sản xuất rất công phu và tỉ mỉ. Album là một trải nghiệm đẹp lặng lẽ và choáng ngợp, là sự hòa hợp giữa phong cảnh và tâm trạng con người.

Album có thể được nghe và đặt mua tại đây.

 

[soundcloud url=”https://api.soundcloud.com/tracks/186936408″ params=”auto_play=false&hide_related=false&show_comments=true&show_user=true&show_reposts=false&visual=true” width=”100%” height=”450″ iframe=”true” /]

 

Cánh Đồng Âm Nhạc

Hướng dẫn 6 bước để trở thành dư luận viên

Featured image: blueteeth

 

Phần 1

Tại sao lại gọi là dư luận viên? Dư luận viên là ai? Dư luận viên ở đâu? Dư luận viên hoạt động như thế nào? Làm cách nào để phân biệt được dư luận viên? Dư luận viên có được trả lương không? Vân vân… Có rất nhiều những bức xúc về những dư luận viên này nhưng từ khi cụm từ này tồn tại cho đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào định nghĩa chính xác về chúng. Vì lẽ đó tôi đã bỏ thời gian hơn một năm qua để theo dõi, tìm hiểu và đúc kết về thành phần gây bức xúc này. Hôm này tôi chính thức viết một bài để mọi người không còn mơ hồ về họ.

1. Nguồn gốc

Dư luận viên thật ra là danh từ chỉ những thành viên của cái gọi là “Viện nghiên cứu dư luận xã hội”. Viện này được thành lập chính thức vào ngày 26/01/2008 [1] (Vừa ăn sinh nhật 7 tuổi cách bài viết này 10 ngày) . Thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, hiện nay đã dàn trải khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, mỗi tỉnh thành có ít nhất 1 trung tâm gọi là Trung Tâm Nghiên Cứu Dư Luận Xã Hội, tùy theo quy mô tỉnh thành mà có phân ra các phòng ban ở quận huyện hay không.

Về quy mô

Cấp Viện và Trung tâm thì được cấp hẳn một cơ quan, tách riêng khỏi cơ quan hành chính của các tỉnh thành. Đây là nơi dành để hội họp, tuyên truyền và tập huấn cho dư luận viên các cấp thấp hơn. Cấp phòng ban thì được gộp vào bên trong Ủy ban quận huyện, phường xã, được tách riêng hoặc gộp chung với Ban dân vận của địa phương (tùy cơ cấu nhân sự từng nơi).

2. Vai trò của dư luận viên (Xem phụ lục [2])

+ Tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý công việc soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện quyết định; thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội. (Đa phần các dư luận viên trên mạng chỉ chuyên thực hiện nhiệm vụ được gạch dưới này thôi.)

+ Góp phần củng cố và mở rộng nền dân chủ trong Đảng, trong xã hội. (Cái này quan trọng, nên đọc kỹ để ứng phó với dư luận viên và tuyên truyền cho những người sợ góp ý kiến.)

– Tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia vào các công việc của Đảng, Nhà nước: Việc tiếp xúc của các cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội với người dân để nắm bắt ý kiến của họ, nhất là các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội là cơ hội để người dân bày tỏ chính kiến, tham gia ý kiến với các công việc điều hành, quản lý đất nước của các cấp ủy đảng và chính quyền, nâng cao ý thức làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của họ.

– Phát huy vai trò phản biện xã hội, vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân: Khi người dân cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe, được coi trọng thì trách nhiệm phản biện, kiểm tra, giám sát xã hội của họ cũng được nâng cao. Nhân dân có “trăm tai, nghìn mắt” nên có thể nhìn rõ mọi vấn đề, sự vật dưới nhiều góc độ. Sự phản biện, kiểm tra, giám sát xã hội của nhân dân giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý kịp thời phát hiện những sơ hở, hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý của mình, trên cơ sở đó, kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục.

+ Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội góp phần đổi mới công tác tư tưởng của Đảng.

3. Các thành phần dư luận viên

a. Thành phần chính quy

Đây dĩ nhiên là cấp cao cấp nhất và ít khi lộ diện nhất, là cán bộ công chức, Đảng viên được đào tạo nghiệp vụ tuyên truyền và lý luận chính trị hẳn hoi mới được tuyển vào. (Tạm thời bỏ qua)

b. Thành phần bán chính quy

Đa phần là Đoàn viên (sinh viên – học sinh) ở các trường đại học.

Thêm một số ít Đảng viên – cán bộ, công chức ở các phòng ban khác của Ủy ban các cấp, có thời gian là nhảy vào. Những người này thì chỉ chuyên đánh lạc hướng dư luận về vấn đề liên quan đến địa phương mình.

c. Thành phần bị nhồi sọ

Lẽ ra không thể gọi thành phần này là dư luận viên, họ chỉ là nạn nhân! Nhưng vì cách comment của họ nhìn vào khá giống với dư luận viên bán chính quy nên dân tình mấy năm nay cứ gọi họ là dư luận viên (chẳng khác nào họ gọi người khác là phản động). Nhắc lại: Họ chỉ là những người bị đầu độc, và cần được giải độc.

Ghi chú:

[1] “Ra mắt Viện nghiên cứu dư luận xã hội” – Báo thanhnien (google search để biết thêm thông tin)
[2] “Vai trò của dư luận xã hội” – Tài liệu của các trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội. (google search cụm từ trên để đến cái file word của các trang Tỉnh ủy)

Phần 2

Trong phần này mình sẽ tập trung phân tích dư luận viên bán chính quy. Đây là lực lượng dư luận viên chính hoạt động trực tiếp trên môi trường internet nhưng vì sao gọi là bán chính quy thì mình sẽ giải thích trong bài. Không biết các thành viên trong Triết Học Đường Phố có ai đã hoặc đang là Đoàn viên không? Nếu có thì mình hy vọng các bạn có thể hỗ trợ xác minh cho mình những thông tin trong bài viết này.

Như ở phần 1 đã đưa ra, thì lực lượng Đoàn viên thanh niên (sinh viên – học sinh) bị áp đặt trở thành một trong những thành phần nồng cốt thực thi chính sách tuyên truyền, đánh lạc hướng và định hướng dư luận xã hội. Nhưng sự áp đặt này không diễn ra ở tất cả mọi nơi mà nó có chọn lọc. Ví dụ: khu vực Hà Nội, Hồ Chí minh… những nơi có nhiều người bất đồng với các chính sách của chính quyền, những nơi có khả năng diễn ra biểu tình, những nơi dân oan mất đất tập trung về thưa kiện..vv…

Vậy lực lượng này được điều động ra sao? Vì sao họ lại tham gia làm dư luận viên? Họ được hưởng chế độ như thế nào? Có được nhận lương hay không?

Thứ nhất: Họ là ai và vì sao họ tham gia làm dư luận viên? Trước hết, các bạn hãy hình dung thế này: các thanh niên ở các xã, huyện có điều kiện khó khăn, quanh năm chỉ có ruộng vườn, nương rẫy, cố gắng học hành để đỗ đại học, để được thoát cái nghèo. Đến một ngày, họ đỗ đại học ở các thành phố lớn. Vì lẽ đó họ rời quê nghèo đến với đô thị. Và thứ mà họ chứng kiến là gì? Là phố xá xầm uất, là xe cộ, là tiện nghi hào nhoáng…hay nói cách khác đó là ”sự lãnh đạo tài tình của Đảng”! Nó có khác với miền quê của họ không? Nó có làm họ tăng thêm lòng tin đối với Đảng không? Đọc đến đây tôi tin là bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói và tôi biết có thể bạn có thắc mắc, hãy nêu ra.

Thứ hai: 6 bước để trở thành dư luận viên

Bước 1: Ở vị trí như thế, từ sự thay đổi môi trường sống như thế nên lòng tin của họ là tuyệt đối (vào thời điểm ấy). Thế rồi họ có những tiếp xúc với công nghệ, họ chạm vào internet, họ bắt đầu đọc tin tức, tham gia vào facebook… Và thứ họ đọc được là gì? Là những bài báo bôi nhọ lãnh đạo, là những bài viết “gây hoang mang” dư luận, làm mất “lòng tin” của nhân dân vào “sự lãnh đạo của Đảng”, rồi là những lời chống đối mạnh mẽ, là những kẻ suốt ngày “xuyên tạc” chính quyền, là những thế lực thù địch, phản động lưu vong luôn nguyền rủa chính quyền… Mấy cái là…, là… ấy là được mớm cho? Ai mớm thì các bạn có thể tự đoán được.

Bước 2: Thế rồi họ được tham gia sinh hoạt Đoàn, họ tiếp xúc với những vị Đảng viên, cán bộ lãnh đạo “công chính liêm minh”, tận tình chỉ bảo cho họ. Họ được tuyên truyền cho cách lý luận để chống lại những giọng điều xuyên tạc, chống phá chính quyền… bla bla…

Bước 3: Vậy là họ hăng hái gia nhập vào chiến trường internet, tham gia vào công cuộc đập tan âm mưu của thế lực thù địch, chống lại tụi anh hùng bàn phím chuyên gây rối, kích động nhân dân biểu tình hòng “diễn biến hòa bình”…vv… Hăng hái và tràn đầy nhiệt huyết, họ chia sẻ với nhau những chiến tích, những thông tin về “bè lũ phản động” để cùng nhau hợp lực chống lại chúng, họ bắt đầu tham gia vào các hội nhóm, các trang facebook chống “phản động” … Có bạn nào thấy con đường này quen quen không?

Bước 4: Với cái sự hăng hái vạch trần âm mưu của bè lũ phản động ấy, như một lẽ đương nhiên họ bị đám phản động la làng lên rằng “Đồ Dư Luận Viên”, “Đồ cái đứa tháng lãnh 3 củ đi l*** đ** ĐCS, …etc…” Hầy, có oan không cơ chứ? Đến đây thì họ sẽ có đấu tranh tâm lý. Một là “nghe” theo tụi phản động quay ra tìm hiểu thông tin về những gì mà họ tin tưởng. Hai là kiên định lòng tin vào Đảng, vào chính phủ, bác bỏ tất cả luận điệu của tụi phản động. (Nếu lựa chọn một thì họ sẽ trở thành những Zombie như chúng ta.)

Bước 5: Nếu lựa chọn cách thứ hai trong bước 4 thì họ sẽ chính thức trở thành dư luận viên bán chính quy (chưa nói gì đến tiền nông nhá). Đến lúc này họ “nhận ra” rằng, đám phản động rất ghê gớm, chúng đã “đầu độc” những người “thiếu lập trường chính trị”, gây chia rẽ trong nội bộ Đảng,…blap blap… Rất nguy hiểm! Họ phải báo cáo cho nhà chức trách, phải tìm biện pháp mạnh hơn để đối phó với đám phản động này.

Bước 6: Họ được chi đoàn, liên đoàn, huyện ủy – quận ủy, thậm chí là tỉnh ủy – thành ủy hết lòng khen ngợi là Thanh niên xung phong, là thanh niên yêu nước…blap blap. Họ được cho tham gia tập huấn, được giảng dạy lý luận chính trị ở mức cao hơn (tức là bị tẩy não nhồi sọ nặng hơn ấy). Rồi thì họ nghĩ ra đủ mọi cách thức chống lại bè lũ phản động (Thanh niên mà – năng động và linh hoạt lắm). Thế rồi họ nghĩ ra cách ném mắm tôm, ném nước mắm, …blap blap… Để chống lại tụi phản động! Và rồi họ được tuyên dương, được nhận tiền “bồi dưỡng”. Mức tiền bồi dưỡng này thì bắp bênh lắm, không cố định ở mức 3 triệu đâu nhé (tùy thuộc độ rộng cái miệng của người trao tiền cho họ nữa)

—-Tạm dừng phần 2 ở đây—-

 

Zetal, Tham Mưu Zombie

Dân trí bao nhiêu cho dân chủ?

Featured image:  The-Wu

 

 

Bài viết này chỉ ra những lý lẽ và phân tích nhằm tìm giải đáp cho câu hỏi được nêu trong tựa đề. Với bài viết này, tôi hi vọng sẽ tháo gỡ được hoàn toàn (hoặc phần lớn) băn khoăn của không ít người về mối liên hệ giữa Dân chủ và Dân trí.

Nhiều người cho rằng để có dân chủ cần có dân trí cao, hoặc ít ra là không thấp. Theo đó, dân trí phải đạt đến một trình độ nào đấy là điều kiện cần cho dân chủ. Tuy nhiên, không mấy ai chỉ ra được trình độ nào đấy cụ thể ra sao.

Dân trí được định nghĩa là trình độ hiểu biết của người dân, nói chung [1]. Ở một nước như Việt Nam, đa số người dân sống bằng nông nghiệp, lại ít có điều kiện tiếp cận với tri thức, nên trình độ hiểu biết nói chung – hay dân trí – là tương đối thấp.

Tôi không có ý muốn bàn cãi với những ai phản đối nhận định trên, bởi đó không phải là một trong những điều mà bài viết này hướng tới. Thay vào đó, tôi muốn chúng ta cùng đi đến một khẳng định rằng: Dân trí thấp vẫn có thể có dân chủ.

Cuộc bầu cử tại Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua đã cho thấy rõ nét về quyền làm chủ của người dân nước này. Mặc dù đa số người dân Ấn Độ sống trong đói nghèo, và bởi thế, không có hoặc ít có điều kiện học hành, nhưng họ vẫn có thể sử dụng hiệu quả lá phiếu.

Trong một bài viết về cuộc bầu cử, Hồng Nga của BBC Việt ngữ đã mô tả một cụ bà 53 tuổi tên là Nila Devi, một nông dân ở làng Chhiattar, bang Bihar nghèo nhất nhì̀ Ấn Độ̣:

“Giống như đa phần phụ nữ ở độ tuổi trung niên trong làng, bà Nila không biết chữ và chỉ nhận biết các đảng chính trị theo màu cờ sắc áo. Nhưng bà biết phải bầu cho ai.”[2]

Bài viết dẫn lời nhận xét của một nhà phân tích chính trị địa phương:

“Cho dù nghèo đói, người dân ở đây nhận thức rõ ràng về dân chủ.”, và “Dân nghèo ở đây hiểu rằng quyền bầu cử là rất quan trọng, vì thông qua lá phiếu, họ có thể thay đổi cuộc đời.”[3]

Có thể nói, cuộc bầu cử tại Ấn Độ nói riêng và nền dân chủ Ấn Độ nói chung là minh chứng không thể chối cãi cho thực tế rằng: Dân chủ là hoàn toàn có thể ở một nước có mặt bằng dân trí thấp.

Nếu hình dung trình độ hiểu biết của một người như một chiếc tủ thì chiếc tủ ấy có nhiều ngăn. Mỗi ngăn của chiếc tủ chứa đựng những hiểu biết về một lĩnh vực nào đấy. Ngăn rỗng thì hiểu biết về một lĩnh vực bằng không, ngăn đầy thì hiểu biết về lĩnh vực ấy trọn vẹn. Trình độ hiểu biết của một người có thể được đánh giá là cao hay thấp, tùy thuộc vào việc chiếc tủ của người đó có các ngăn đầy, không rỗng không đầy, hoặc rỗng ra sao.

Hiểu biết về dân chủ có thể được đặt trong một ngăn. Ngăn này có thể rỗng ngay cả với người có nhiều hiểu biết, chẳng hạn những người có nhiều bằng cấp về các lĩnh vực chuyên môn nhưng lại không có khái niệm gì về dân chủ.

Thay chiếc tủ trình độ hiểu biết của mỗi cá nhân bằng chiếc tủ dân trí của người dân một nước. Ở góc độ dân trí, chỉ cần xem xét ngăn chứa hiểu biết về dân chủ, mà không cần xem xét các ngăn khác hoặc toàn bộ chiếc tủ, để biết người dân nước này có thể làm chủ hay chưa.

Hình dung đơn giản trên đây nhằm cho thấy rằng, để có dân chủ thì vấn đề không phải là dân trí cao hay thấp, mà là hiểu biết của người dân về dân chủ có đầy đủ hay không. Hiểu biết này chỉ là một phần nhỏ của dân trí. Không thể nói dân trí chung chung như một điều kiện cần cho dân chủ.

Dân chủ là một quá trình mà ở giai đoạn đầu, để hình thành một định chế với những yếu tố nền tảng đảm bảo cho việc người dân làm chủ thì không đòi hỏi dân trí cao. Song rõ ràng, trong bất cứ giai đoạn nào của dân chủ, dân trí càng cao thì việc thực thi dân chủ càng hữu hiệu. Trở lại hình ảnh về chiếc tủ dân trí, nếu các ngăn về các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, pháp luật,… càng đầy, thì khả năng người dân làm chủ một cách hiệu quả các lĩnh vực này – thông qua việc tác động và (gián tiếp) tạo nên các chính sách Nhà nước về các lĩnh vực, càng lớn.

Đến đây, có thể có ý kiến cho rằng: Cần một nền dân chủ có chất lượng cao ngay từ khi nó mới ra đời, và do đó, chỉ nên có dân chủ khi dân trí đã cao. Điều này tuy có vẻ đúng, nhưng thực tế là sai lầm. Bởi thứ nhất, đợi đến khi dân trí đã cao mới thực thi dân chủ thì sẽ không nhanh tiến bộ bằng thực thi dân chủ sớm khi có thể, và hệ quả là, thứ hai, không nhất thiết cần một nền dân chủ ngay từ đầu đã có chất lượng cao.

Có thể thấy nhiều quốc gia có nền dân chủ khá sớm khi trình độ dân trí không cao, chẳng hạn như Thụy Điển. Một thế kỷ trước đây, Thụy Điển vẫn chỉ là “một nước nông canh lạc hậu, với đại đa số dân chúng sống trong những điều kiện rất nghèo khổ”[4]. Cũng khoảng thời gian ấy, năm 1921 đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Nền dân chủ Thụy Điển từ đó hình thành và dần trở nên bền vững. Đến nay, thành công của nền dân chủ Thụy Điển có thể được dễ dàng nhận thấy qua “những yếu tố dân chủ mạnh mẽ không chỉ trong chính trị quốc gia, vùng miền và địa phương, mà còn ở cả nhà trường, nơi làm việc, trong các tổ chức quyền lợi và các khu vực khác của xã hội”[5].

Chắc chắn rằng, nếu nền dân chủ Thụy Điển chỉ xuất hiện khi dân trí đã cao, thì ngày nay chúng ta đã không có cơ hội được chứng kiến sự thành công của nền dân chủ này đến như thế!

Tán thành việc đợi cho dân trí cao rồi mới thực thi dân chủ tương tự như tán thành việc tích lũy lý thuyết thành đống rồi mới đem ra thực hành, trong khi nếu vừa học vừa hành thì sẽ sớm hưởng được ích lợi từ việc lý thuyết và thực hành bổ trợ cho nhau.

Cũng như thực hành tác động trở lại (qua việc củng cố và có thể làm gia tăng) lý thuyết, dân chủ giúp cho dân trí phát triển. Thực hành dân chủ là cách tốt nhất để người dân kiểm nghiệm lý thuyết về quyền làm chủ quốc gia, đồng thời, kinh nghiệm làm chủ quốc gia có thể giúp người dân đạt được những tri thức mới. Thêm vào đó, xã hội dân chủ cho phép các quyền tự do, mà với các quyền này, người dân có được không gian rộng mở cho sự phát triển cá nhân, trong đó có sự hoàn thiện tri thức. Chẳng hạn, thông qua báo chí tự do và bàn thảo công khai về các vấn đề thời sự, người dân có thể mau chóng thu được những hiểu biết cần thiết trong các lĩnh vực mà mình quan tâm.

Kết lại, toàn bộ lý lẽ và phân tích đã nêu có thể được tóm gọn qua ba điểm chính:

1) Dân trí thấp vẫn có thể có dân chủ. Để có dân chủ thì người dân cần hiểu biết về dân chủ, trong đó có quyền làm chủ của mình, hiểu biết này là một phần của dân trí.

2) Dân trí càng được nâng cao thì dân chủ càng được thực thi hữu hiệu, và ngược lại, dân chủ càng được thực thi hữu hiệu thì dân trí càng được nâng cao.

3) Thực thi dân chủ sớm khi có thể thì tốt hơn là đợi đến khi dân trí đã cao.

Cần lưu ý rằng, trong điểm đầu tiên, hiểu biết của người dân về dân chủ chỉ là một điều kiện cần (mà không phải toàn bộ điều kiện) cho dân chủ. Xét từ phía người dân, chỉ riêng hiểu biết này thôi là chưa đủ cho việc người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Nếu có hiểu biết về quyền làm chủ nhưng không có ý thức thực hiện quyền này thì có nghĩa người dân đã tự tước đi cơ hội được làm chủ đất nước. Cho nên, chỉ khi hiểu biết về quyền được song hành với ý thức thực hiện quyền, thì mới có hi vọng rằng người dân sẽ trở thành chủ nhân đích thực.

Tại Việt Nam, hiểu biết về dân chủ lẫn ý thức thực hiện quyền làm chủ của người dân còn hạn chế, vì vậy, để tiến tới dân chủ, hai yếu tố này phải được nâng cao. Việc nâng cao cả hai yếu tố sẽ diễn ra rất chậm chạp nếu thiếu đi những điều kiện tác kích. Những điều kiện ấy có thể được tạo ra từ phía chính quyền bằng cách mở rộng dần không gian sinh hoạt dân sự và chính trị cho người dân, để người dân tham gia ngày càng sâu vào việc điều hành xã hội[6]. Bên cạnh đó, chính quyền cần có những đột phá trong việc cải tổ hệ thống chính trị hiện tại để đạt đến một thể chế dân chủ hiệu quả trong tương lai.

 

Nguyễn Trang Nhung

**********

[1] Theo Từ điển tiếng Việt – Nxb Đà Nẵng.
[2] Đói nghèo và Dân chủ – Hồng Nga, BBC Việt Ngữ
[3] Như trên.
[4] Thụy Điển & Người Thụy Điển – Claes Britton và Viện Thụy Điển.
[5] Như trên.
[6] Ví dụ, mở rộng dần bầu cử dân chủ cấp cơ sở để tiến dần tới bầu cử dân chủ cấp quốc gia.

 

 

[Review] Khuyến Học – Quyển sách mọi người Việt nên đọc

 

Khuyến Học, hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất tại Nhật, được sáng tác bởi học giả Fukuzawa Yukichi.

Sơ lược về tác giả, hãy xem lời giới thiệu trên Goodreads:

“Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên. Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại.

Người Nhật tôn vinh ông là “Voltaire của Nhật Bản”, không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.”

Khuyến Học là tác phẩm có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến công chúng Nhật Bản của tác giả Fukuzawa Yukichi. Cuốn sách này được in lần đầu với 3, 4 triệu bản, so sánh với dân số Nhật Bản khoảng 35 triệu người tại thời điểm đó, rồi lại so sánh với lượng bản in trung bình chưa tới 5 ngàn bản của các đầu sách hiện đại, mới thấy được sức ảnh hưởng của nó. Người dân Nhật thời Minh Trị thuộc Khuyến Học như sách vỡ lòng, đâu đâu cũng thấy người ta cầm Khuyến Học, trên tàu điện, ở thư viện, trên xe buýt… Có thể nói không ngoa rằng đâu là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân.

Quyển sách khẳng định tầm quan trọng của việc học và việc nâng cao dân trí quốc gia. Xuyên suốt các chương sách, tác giả đề cao sự phát triển của chí khí dân tộc, khuyến khích quốc dân hợp tác với chính phủ để xây dựng đất nước, nhấn mạnh sự thống nhất của tinh thần quốc dân. Với văn phong phê phán, Fukuzawa Yukichi đả kích tâm lý bàng quan thờ ơ với vận mệnh đất nước, ỷ lại vào chính phủ. Ông lên án những phong tục lạc hậu, đánh trực diện vào tư tưởng xưa cũ vốn coi trọng đẳng cấp thứ bậc, trọng nam khinh nữ, những thói quen kém văn minh vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã ăn sâu vào tính cách người Nhật.

Mỗi phần trong sách đưa ra những ví dụ thực tiễn để vạch ra thực trạng tiêu cực, đả kích những điều mâu thuẫn bất hợp lý trong phong tục cũ, nhằm đánh đổ tâm lý sợ hãi tự ti và lối tư duy lạc hậu của người Nhật sau bao nhiêu năm bị phong kiến đô hộ. Từ đó tác giả hướng dẫn sâu sát, tỉ mỉ, mục đích hướng người đọc khỏi lối mòn suy nghĩ, xóa đi lối tư duy tiêu cực, mà hướng tới sự bình đẳng, tự do cá nhân để khuyến khích sự học, phát triển văn minh. Một vài đoạn phân tích đến từng khía cạnh nhỏ của cuộc sống, đôi khi chi tiết một cách quá mức, chủ yếu để loại bỏ tận gốc thói suy nghĩ cũ, làm sáng rõ sự quan trọng của tư duy logic, lý trí, khoa học.

Mình tình cờ đến với Khuyến Học trong giai đoạn đầu trên con đường tự học, khi đang mày mò vươn lên. Và đó là một quyển sách thực sự đúng lúc. Không hẹn mà gặp, Khuyến Học giúp trả lời những câu hỏi mà mình thấy bản thân và bạn bè xung quanh vẫn nghi vấn bấy lâu nay. Đó là những câu hỏi trong quá trình phát triển bản thân, hoàn thiện chính mình, như ý nghĩa của sự học, năng lực hành động, danh tiếng và thực lực…, và cả những câu hỏi về chế độ xã hội, về mối quan hệ giữa chính phủ với quốc dân, và nên hay không nên có cách mạng nhân dân. Khuyến Học đề cao vai trò của việc tự giáo dục, nhắc mình nhớ rằng thực học là sự nghiệp cả đời, rằng kiến thức không phải để làm giàu cho bản thân mà để giúp đời, và rằng mỗi người dân ngoài chăm lo cho bản thân, gia đình thì còn có bổn phận với xã hội, với đất nước.

Sách chứa đựng nhiều tư tưởng cấp tiến và gây sửng sốt cho độc giả, ngay cả độc giả thuộc thế kỷ hai mươi mốt. Những ý tưởng sau của ông khiến mình thực sự tâm đắc:

  • Trời không tạo ra người đứng trên người. Mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền lợi. Nếu có khác biệt là do học vấn.
  • Dân ngu tự chuốc lấy chính sách bạo tàn. Người dân tử tế nghiêm túc thì buộc chính phủ cũng phải tử tế nghiêm túc.
  • Có những người còn trẻ mà lại muốn lựa chọn những công việc an nhàn, tự cảm thấy thỏa mãn chẳng khác gì loài sâu kiến.
  • Việc tìm kiếm chân lý thường bắt đầu từ sự hoài nghi.

Đọc Khuyến Học, có thể hình dung rõ sự kinh ngạc của công chúng trước những tư tưởng mới mẻ đến lạ lùng này. Chúng như những nhát dao chặt mạnh vào luồng suy nghĩ truyền thống, cắt đứt những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ trong đời sống người Nhật. Những ý tưởng khai sáng vĩ đại làm thức tỉnh người đọc khỏi những tham vọng tầm thường, khiến họ tâm phục khẩu phục. Nhiều lần khi đọc sách, mình đã phải vỗ đùi thán phục, thực sự ngưỡng mộ những suy nghĩ cách tân của Fukuzawa Yukichi.

Đây là quyển sách mà mọi người Việt Nam đều nên đọc. Đọc để biết người dân Nhật Bản đã xây dựng đất nước như thế nào để biến một quốc gia lạc hậu thành cường quốc năm châu chỉ sau ba mươi năm công cuộc duy tân. Đọc để biết vì sao sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết hổ thẹn và phấn đấu xây dựng đất nước ngang bằng với láng giềng, sánh vai với phương Tây.

Nhưng cuốn sách này lại không hề là một cuốn sách dễ đọc. Bởi vì cứ sau một vài trang sách, ta sẽ thấy những hình ảnh minh họa cho thói hư tật xấu của quốc dân lại ẩn hiện bóng dáng của chính ta. Bởi cuốn sách khiến ta thấy xấu hổ với chính mình. Kuzukawa Yukichi đề cập đến hiện trạng xã hội Nhật cách đây hơn một trăm năm, nhưng khi đọc, cứ ngỡ như ông đang ám chỉ xã hội Việt Nam thời hiện đại. Hãy xem một vài trích đoạn đắt giá của sách:

“Đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào che chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng quan chức, sa vào các sự vụ quản lý vặt vãnh tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.”

“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tác độc lập, tự do thì dù có biến cả thế giới thành kẻ thù chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”

“Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa cũng bởi trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi nguồn ngoại tệ nước Nhật Bản tích góp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết… Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã…”

Bàn một chút về văn phong. Trải dài Khuyến Học là những ngôn từ bay bổng, gợi mở, tạo cảm hứng, giàu hình tượng. Từ ngữ súc tích, cô đọng, tạo cảm hứng và động lực mạnh mẽ để tiến theo con đường của học giả Fukuzawa. Ông sử dụng nhiều lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, nhiều hình ảnh mang tính liên tưởng cao, khiến người đọc ở mọi trình độ có thể dễ dàng tiếp thu mà không cảm thấy nhàm chán. Cách viết như đang thân tình trò chuyện với độc giả thể hiện một tính cách khiêm tốn với vốn kiến thức uyên thâm.

Quả thật, nước Nhật trở thành cường quốc như ngày hôm nay, sánh vai với phương Tây và được cả thế giới ngả mũ kính phục, nhờ vào công của những người như Fukuzawa Yukichi.

 

Rosie Nguyen

Có khi nào bế tắc giữa đường đời?

 Featured Image: BKPaul Hart

 

Giữa đường đời, có khi nào bạn cảm thấy bế tắc trên chính con đường mình đã chọn? Có khi nào nhìn lại, bạn không biết mình đã đi được bao xa, còn bao nhiêu bước nữa phải cố gắng, và bạn đánh mất lý do để bước tiếp? Những lúc như vậy, không ít thì nhiều, chắc chắn đã từng xảy đến với bạn. Không sao, bởi bạn không phải là người duy nhất trải qua điều này. Điều quan trọng hơn chính là cách bạn quyết định vượt qua điều đó như thế nào. Và sự chọn lựa sẽ quyết định cuộc sống của bạn. Vĩ mô hơn, những sự chọn như vậy sẽ quyết định đến sự tương lai của cả một xã hội.

Sự bế tắc trên đường đời và những lối thoát không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Trong Sa Hành Đoản Ca, Cao Bá Quát cũng diễn tả một vấn đề tương tự qua một hình ảnh rất xác thực: bước đi trên bãi cát. Người lữ khách bước trên bãi cát dài: “Đi một bước như lùi một bước..” Đi mãi, đi mãi, lầm lũi bước không biết đi về đâu. Không phải ai trong đời cũng tìm được cho mình một mục đích sống để phấn đấu. Vậy nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi, và con người vẫn phải sống. Vẫn cứ lầm lũi đi tiếp, vẫn những ngày bước trên con đường quen thuộc về nhà mà tưởng mình lạc lối. Sự bế tắc giữ chân người trong bùn lầy, càng xoay xở càng lún sâu, để rồi trói chặt số phận mình ở chốn tầm thường.

Nhưng cũng có những người lựa chọn vượt ra khỏi vũng sình ấy. Họ chọn thay đổi, thay đổi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ dũng cảm chấp nhận thử thách, bỏ lại đằng sau những thứ quen thuộc để chọn một con đường mới. Họ chấp nhận liều lĩnh và thử thách để phá vỡ cuộc sống an toàn đến tẻ nhạt mình đang có.

Đang là giảng viên một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội, sở hữu công việc ổn định, một địa vị cao trong xã hội và một mức lương đáng mơ ước của nhiều người, Tô Phước Thịnh lại quyết định chọn một con đường không-giống-ai. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của người thân, ông quyết định từ bỏ công việc giảng viên để chuyển sang…. kinh doanh tào phớ, một thức quà truyền thống. Bằng sự sáng tạo và lòng đam mê cùng óc kinh doanh tuyệt vời, Tô Phước Thịnh giờ đây sở hữu trong tay chuỗi cửa hàng Tofu nổi tiếng khắp đất nước, thu về 500 triệu đồng một tháng.

Khi nhận ra cơ hội mà bản thân mong chờ, ông đã không ngần ngại từ bỏ chỗ đứng an toàn để chọn một con đường đầy rủi ro. Khi đưa ra quyết định táo bạo đó, có lẽ Tô Phước Thịnh cũng đã sợ hãi. Nhưng: “Dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là chiến thắng được nỗi sợ của chính mình.” Ông đã vượt qua tất cả những rào cản là nỗi lo sợ và định kiến của mọi người, quyết định chọn một con đường mới với một mặt hàng hoàn toàn mới. Và quyết định thay đổi đã đền đáp cho Tô Phước Thịnh rất xứng đáng, bởi bây giờ, cuộc sống của ông đã không còn tầm thường nữa. Ông đã có cùng quyết định với Robert Frost trong bài thơ nổi tiếng Con Đường Không Có Dấu Chân Người:

Hai con đường cắt nhau giữa rừng
Và tôi chọn con đường không có dấu chân người
Điều đó đã tạo nên sự khác biệt.

Vậy tại sao chỉ một số ít người dám tạo nên sự khác biệt? Điều này xuất phát từ bản năng của con người. Một trong nhu cầu lớn nhất của mỗi người chính là nhu cầu được an toàn. Mỗi người đều có một “vành đai an toàn” cho riêng mình, và việc bứt khỏi vành đai an toàn đó không có vẻ là một sự lựa chọn sáng suốt cho đa số mọi người. Vô tình, chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù đang âm thầm níu bước chân ta: sự tầm thường. Sự tầm thường như một sợi xích vô hình, khiến mỗi bước chân của ta trở nên nặng nhọc hơn. Nhưng sự nguy hiểm của tầm thường nằm ở chỗ chúng ta sẽ dần quen với sức nặng của dây xích đó, đến nỗi ta không còn để ý đến sự hiện diện của nó nữa.

Khi bạn thất bại, thất bại và thất bại, đến khi bạn ở dưới đáy vực sâu, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài trèo lên. Nhưng nếu bạn tầm thường, mọi thứ vẫn ở trong sức chịu đựng của bạn, và bạn không có động lực để thay đổi. Cuối cùng, bạn chấp nhận một cuộc sống bế tắc, tù túng. Bạn để cho những ước mơ của mình ở ngoài tầm với một gang tay mà không cố gắng kiễng chân lên để với tới. Chỉ để có được một cảm giác an toàn, để tiếp tục đối mặt với những lo sợ hiện tại và không phải đứng trước những thách thức mới của cuộc sống.

Trong một giờ văn nói về việc “chọn lựa con đường không có dấu chân người”, một học sinh đã viết rằng mặc cho những bậc vĩ nhân khai phá những con đường mới, em chỉ mong muốn có một cuộc sống bình thường: học xong cấp ba, lên đại học, ra trường và kiếm một công việc ổn định. Xét cho cùng, người học sinh này chỉ nói thay cho tiếng nói của phần đông những người trong xã hội hiện nay, mong muốn có một cuộc sống “an cư lạc nghiệp”. Nhưng những bậc vĩ nhân cũng có những khởi điểm hết sức bình thường. Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại người Mỹ đã từng bị thầy giáo phê vào sổ “chỉ có thể đi chăn vịt”. Walt Disney từng bị biên tập nhiều tờ báo sa thải vì “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho”. Trước khi trở thành tỷ phú nhờ bảy tập truyện Harry Potter, J.K.Rowling là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội.

Chúng ta cũng là con người, cũng có trí óc và những tham vọng, tại sao chúng ta không thể trở thành những bậc vĩ nhân như vậy? Nhiều người sẽ nói rằng: “Họ là những người có IQ cao ngất ngưởng.” ”Họ sinh ra trong gia đình có truyền thống học rộng.” “Còn tôi, gia đình tôi thậm chí không có điều kiện cho tôi đi học xa.” Thoạt nghe, những lý do đó có vẻ rất hợp lý. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta dễ dàng nhân ra chúng không hơn gì những lời biện minh.

Nick Vujicic, chàng trai cụt cả hai tay hai chân từ lúc sinh ra, bằng nghị lực phi thường của mình vẫn sống một cuộc sống bình thường, thậm chí trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng mang lại cảm hứng cho hàng ngàn người trên khắp thế giới. Nick đã từng nói: anh cho rằng khuyết tật của mình chính là một sứ mệnh mà Thượng Đế trao cho, bởi chính khuyết tật đó đã tạo điều kiện để anh gặp và truyền cảm hứng được cho nhiều người đang gặp khó khăn trong cuộc sống hơn.

Thái độ sống tích cực của Nick khiến ta phải xấu hổ, ta chợt nhận ra những lý do biện minh cho sự nhụt chí của mình thật hồ đồ và vô căn cứ. Shakespeare từng nói: “Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lầm chỉ làm lỗi lầm đó nghiêm trọng hơn.” Dẹp bỏ những định kiến sai lầm đánh giá thấp bản thân, và bạn sẽ tìm thấy một lối ra cho những ngõ cụt trong cuộc sống của mình. Bạn làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ!

Nếu đối với mỗi cá nhân, việc thiếu can đảm để xóa những “con đường mòn” trong cuộc sống sẽ khiến con người ta không đạt được mục đích sống và dễ dàng lâm vào bế tắc thì đối với xã hội, sự chấp nhận tầm thường của phần đông mọi người càng đem lại nguy cơ lớn hơn nữa. Thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều mang tâm lý sợ rủi ro, co ro trong vị trí an toàn hiện có. Nhân loại sẽ mãi mãi không biết trái đất quay quanh mặt trời, hình học phi Euclide sẽ không bao giờ ra đời và bộ môn hình học sẽ mãi được giới hạn trên những mặt phẳng, thậm chí có khi bây giờ con người vẫn chỉ sử dụng điện một chiều.

Sự sáng tạo và cống hiến, không chấp nhận tầm thường của những bậc vĩ nhân cũng chính là sự đấu tranh thúc đẩy nền văn minh loài người phát triển. Và giờ đây, chúng ta, những con người của thế kỷ XXI, nếu chúng ta mãi để cho những nỗi sợ hãi lấn át, xã hội sẽ mãi mãi không phát triển được.

Kẻ thù của vĩ đại là tốt.” – Một câu nói rất ngắn nhưng mang những triết lý rất sâu xa. Nếu chúng ta mãi chấp nhận cái “tốt”, sẽ chẳng ai phấn đấu cho cái vĩ đại. Trong xã hội hiện đại, mỗi cá thể càng phải tin tưởng vào bản thân mình, dẹp bỏ những nỗi lo sợ và phấn đấu vì những mục tiêu trong cuộc sống. Có như vậy, mới thấy cuộc sống là một cuộc đua kỳ thú, không phải một ngõ cụt không lối thoát.

 

Night Poem

Nhận diện dư luận viên và công an mạng

Featured image: JamFactory

 

 

Dư luận viên hay Công an mạng hay đội lốt tranh đấu cho dân chủ để thâm nhập các trang FB có tiếng và dùng những thủ đoạn sau:

1. Gây hoang mang, chia rẽ trong giới tranh đấu bằng cách dèm pha, tạo nghi kỵ

2. Đánh lạc hướng chủ đề bằng nguỵ biện và ‘tung hoả mù’.

3. Làm loãng tranh luận bằng các cãi cù nhầy về câu chữ hay chuyện bên lề, hay chọc tức, hay gợi dục.

4. Đưa ra những chủ đề tranh luận có tính cách đào sâu hố ngăn cách giữa các cộng đồng để huỷ hoại tinh thần đoàn kết.

5. Doạ bóng doạ gió về an toàn cá nhân.

6. Hàm ý là họ có khả năng xâm phạm đời tư của bạn để làm bạn xấu hổ.

7. Khen bạn ngút trời để làm cho bạn tự mãn và mất đi khả năng tự kiểm và tự kiềm.

Hồng vệ binh

Hồng vệ binh còn được dân mạng yêu tự do dân chủ gọi là Dư luận viên. Những người làm Công tác HVB do Ban tuyên giáo tuyển chọn và có hưởng lương. Vì được hưởng lương, HVB viết theo đơn đặt hàng từ cấp trên nên phải theo định hướng của cấp trên. Số lượng HVB có thể lên tới hàng chục nhìn người tuỳ thời điểm, sự kiện chính trị xã hội.

Có những HVB chuyên chơi “hàng thối” có nghĩa là nhóm này được giao nhiệm vụ chọc thối, chửi bậy gây ức chế cho “chủ thớt” (chủ status). Nhóm này lương thấp và được phân công ném cứt vào “nhà” những chủ thớt thiếu bản lĩnh non tay dao.

Có những nhóm HVB chuyên “rót mật”. Nhóm này được giao nhiệm vụ cụ thể là vào những trang blog, facebook của những chủ thớt có ít nhiều tiếng tăm. Đám HVB này chỉ làm mỗi việc khen ngợi chủ thớt lên mây xanh hầng ngày, làm mọi cách cho chủ thớt đi từ trạng thái say sóng đến lâng lâng và cuối cùng là để nạn nhân bay lơ lửng như quả bóng bay không thể, không muốn hạ xuống mặt đất nữa và cuối cùng tự “nổ” cái bụp, xác tan nát như các mảnh bóng vụn.

Có một nhóm HVB khác, loại này trình cao hơn, rất kiên nhẫn, viết khá lưu loát, trong các comments thường có lối viết nhất ngôn đa nghĩa, hiểu sao cũng được. Nhóm này kết bạn rộng rãi với hầu hết các anh chị em tham gia tranh đấu dân chủ để nắm tin tức, nắm tâm tư tình cảm, hoàn cảnh cá nhân để lấy tư liệu phân tích, nhận định báo cáo lên Ban tuyên giáo để có đối sách sát với tình hình thực tế. Nhóm này vào tất cả các ngóc ngách trang cá nhân của người ta đào bới xem kĩ từng tấm hình gia đình, bạn bè, theo dõi các comment của đối tượng, lưu ảnh, phân tích sau đó tập hợp báo cáo gửi lên cấp trên. Nhóm này rất chịu khó lăn vào các chat room gây cảm tình với đối tượng, gây cảm tình cá nhân với các nick có trong danh bạ, chờ cơ hội khen ngợi, tiết lộ thông tin có cắt xén, gia giảm dấm ớt với người này người nọ gây chia rẽ trong nội bộ những người tranh đấu dân chủ đang được dư luận đánh giá tốt.

Nói tóm lại HVB ngày càng tinh vi và có khả năng thích ứng cao hơn. Nếu những người yêu tự do dân chủ không tự nâng trình của mình lên chắc chắn sẽ thua HVB toàn tập và bị họ xỏ mũi bằng sợi thừng mềm mà hoàn toàn không hay biết.

 

Hanh Tran

5 ngộ nhận thường gặp về chủ nghĩa tư bản [THĐP Vietsub]

Featured image: the past tends to disappear

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=QSO_iaUMdFs?list=PL-t6x6PzuIMs3Y7-u-GppEVhAmCnmTo93]

Ngộ nhận 1: Chủ Nghĩa Tư bản làm người nghèo ngày càng nghèo

Từ thập niên 1970, tính theo phần trăm, số lượng người trên toàn cầu đang sống với mức thu nhập dưới $1 USD/ngày đã giảm hơn 80%. Đây không phải kết quả của những cuộc viện trợ hay kế hoạch phát triển của Liên Hiệp Quốc (UN). Mà đây là kết quả của chủ nghĩa tư bản. Riêng ở Trung Quốc, thị trường tự do và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) — đầu tư, chứ không phải viện trợ — đã kéo 400 triệu người ra khỏi sự nghèo đói chỉ trong vòng 20 năm từ năm 1981 cho tới 2001. Chưa bao giờ có một hệ thống hay chính sách nào mà đã giúp nhiều người nghèo bằng chủ nghĩa tư bản.

Ngộ nhận 2: Chủ nghĩa tư bản được thúc đẩy bởi lòng tham

Nếu các doanh nhân làm việc chỉ vì tiền, họ có thể kiếm nhiều tiền hơn nếu làm việc trong các tổ chức của chính phủ. Dựa theo một thống kê của careerbuilder.com, các chủ cơ sở kinh doanh nhỏ kiếm 19% ít tiền hơn các nhà quản lý trong các tổ chức công (ở Mỹ). Các doanh nhân được thúc đẩy bởi sự khát khao để tự làm chủ định mệnh của mình. Họ phấn đấu để có được một thứ mà tôi gọi là “thành công bằng nghị lực”. Với vài người, thành công nghĩa là thành công trong việc kinh doanh; với những người khác, nó có nghĩa là nuôi nấng con cái thành tài, thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, hoặc làm nghệ thuật — hay bất cứ công việc gì mà tạo ra giá trị trong cuộc sống riêng và cuộc sống người khác. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới cho phép họ sự tự do để làm điều đó.

Ngộ nhận 3:  Chủ nghĩa tư bản tạo ra sự ghen tị

Từ năm 1973, cuộc Thống Kế Xã Hội Tổng Quát (General Social Survey) đã hỏi người dân Mỹ rằng sự may mắn hay sự cần cù là tố chất quan trọng hơn để vương lên trong xã hội. 40 năm đã qua, tầm 60 – 70% người đã hỏi đã chọn “sự cần cù”. Trong một cuộc thăm dò gần đây, Viện Nghiên Cứu Pew (Pew Research Centre) đã có thấy 88% người Mỹ nói họ khâm phục những người trở nên giàu có bằng nghị lực. Đây là quan niệm rất đặc biệt đối với nước Mỹ. Dựa theo thống kê của World Values, người Mỹ sẽ gắn kết sự thành công với sự cần cù nhiều hơn các dân tộc khác. Trong trường hợp này thì gấp 2 lần người Pháp.

Trong một xã hội mà tạo điều kiện và cơ hội, chủ nghĩa tư bản thúc đẩy sự khác vọng và tham vọng. Còn trong những xã hội mà kìm hãm sự tự do kinh tế và có ít các doanh nhân hơn xã hội đó sẽ có sự trì trệ của kinh tế, và sẽ sinh ra sự ghen tị, ganh ghét và bất ổn. Đây là trường hợp ở Châu Âu (và … Việt nam), nơi mà người dân yêu cầu chính phủ là đưa họ nhiều phúc lợi hơn thay vì yêu cầu để được giữ lại nhiều phần lương của họ nhiều hơn.

Ngộ nhận 4: Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra Sự Sụp Đổ Kinh tế năm 2008

Đây không phải là kết quả của chủ nghĩa tư bản; mà đây là hậu quả khi chủ nghĩa tư bản không được sự tự do để hoạt động. Chính phủ và các doanh nghiệp dựa vào các mối quan hệ công — đã làm sụp đổ nền kinh tế. Như đồng nghiệp của tôi ở viện American Enterprise Institute Peter Wallison đã chứng minh, 2 thập niên của các chính sách mà chính phủ đã tạo ra những hoàn cảnh mà đã dẫn đến sự sụp đổ của bong bóng thị trường bất động sản. Khi giá nhà sụp đổ, cả thị trường tài chính đã bị ảnh hưởng. Và ai đã kêu cứu trong khủng hoảng này? Các tập đoàn lớn, gồm có các tập đoàn xe hơi, các ngân hàng lớn, và 2 quốc doanh Fannie Mae và Freddie Mac.

Đây không phải là thị trường tự do hay chủ nghĩa tư bản. Đây là sự phối hợp giữa chính phủ và các doanh nghiệp nhờ vào các mối quan hệ công. Giải pháp là chủ nghĩa tư bản: nơi mà các doanh nhân có thể tự quyết định với đồng tiền của mình để kiếm được lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Ngộ nhận 5: Chủ nghĩa tư bản không công bằng

Khi tôi là một giáo sư môn kinh tế, sinh viên của tôi thường nói rằng chủ nghĩa tư bản không “công bằng” vì nó làm cho người giàu có nhiều phúc lợi hơn người nghèo. Tôi đã làm vầy, giữa chương trình học, tôi đã đề xuất rằng 25% của các điểm đạt được của sinh viên trong top trên (sinh viên đạt điểm cao) được chia lại cho top dưới (sinh viên đạt điểm thấp), để công bằng hóa bảng điểm cho tất cả sinh viên. Sau đề xuất đó, lớp không có ai tranh cải về cái gọi là “công bằng” nữa.

Chúng ta thừa nhận rằng những ai có thu nhập cao hơn cần và nên đóng góp nhiều hơn để chính phủ chi trả và duy trì chuẩn mực của hệ thống an sinh xã hội. Nhưng khi con người được tự do làm việc, có người sẽ kiếm nhiều tiền hơn những người khác. Đối với đại đa số người Mỹ, công bằng không phải là lấy bớt đi từ người giàu; công bằng ở đây là mỗi người được quyền hưởng theo năng lực của từng người — và chủ nghĩa tư bản đã làm như vậy.

Chủ nghĩa tư bản — như tự do ngôn luận, tự do tổ chức, tự do tôn giáo — đã làm cho đất nước chúng ta trở nên công bằng hơn, chứ không phải bất công hơn.

Tôi là Arthur Brooks, Giám Đốc của Viện American
Enterprise Institute cho Đại Học Prager.

 

Dịch: Nguyễn Trọng Nhân (THĐP’s Vietsub team)

 

Dennis Prager — Cảm nghĩ về Việt Nam sau chuyến du lịch

 Featured image: adde adesokan

Thật khó mà kềm nổi các cảm xúc của tôi — nhất là không tránh được phải nổi giận — trong chuyến viếng thăm Viêt Nam của tôi hồi tuần trước. Tôi càng ngưỡng mộ người dân Việt bao nhiêu — thông minh, yêu đời, tự trọng, và chăm chỉ — thì tôi lại càng tức giận chính phủ cộng sản đã gây đau khổ quá nhiều cho người dân nước này (và dĩ nhiên cả người Mỹ chúng ta) trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ 20.

Điều không may là chính phủ cộng sản vẫn cai trị nước này. Mà Việt Nam ngày nay đã đón nhận cách duy nhất, chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do, để thoát khỏi cảnh nghèo đói, chứ khoan nói đến chuyện thịnh vượng. Vậy thì 2 triệu người Việt phải bỏ mạng trong Chiến Tranh Việt Nam để làm gì? Tôi muốn hỏi một trong những người lãnh đạo Cộng Sản đang cai trị Việt Nam câu hỏi đó. Tôi muốn hỏi: “Này đồng chí, đồng chí đã bỏ hết tất cả những gì mà đảng Cộng Sản của đồng chí đã tranh đấu cho kỳ được: nào là cộng sản, nông nghiệp tập thể, hoạch định trung ương, và quân phiệt, ngoài những lý tưởng khác nữa. Vậy thì hãy nhìn lại xem Hồ Chí Minh yêu kính của đồng chí và đảng của đồng chí đã hy sinh hàng triệu đồng bào người Việt của đồng chí thì đúng ra là để được cái gì?”

Không có câu trả lời nào là câu trả lời hay. Chỉ có một lời nói dối và một lời nói thật, và lời nói thật thì thật thê lương.

Lời nói dối chính là câu trả lời của Cộng Sản Việt Nam, cũng như hầu hết mọi lời nói dối của Cộng Sản, và đã được khối cánh Tả phi Cộng Sản trên thế giới lặp lại. Lời nói dối này đã (và vẫn tiếp tục đang) được dạy tại hầu hết các viện đại học ở phương Tây, và đã (và vẫn tiếp tục đang) được hầu hết mọi phương tiện truyền thông trên địa cầu truyền tải: Lời nói dối đó là Cộng Sản Việt Nam (tức Bắc Việt), và Việt Cộng chỉ tranh đấu giành độc lập cho nước họ khỏi tay ngoại bang. Trước hết là tranh đấu chống Pháp, sau đó là Nhật, rồi đến Mỹ. Những người Mỹ sinh vào thời hậu chiến (sau thế chiến 2) sẽ nhớ là họ cứ được nhắc nhở mãi Hồ Chí Minh là George Washington của Việt Nam, và ông ta yêu mến Hiến Pháp Hoa Kỳ và đã dùng bản hiến pháp này làm nền tảng mô phỏng hiến pháp của ông ta, và chỉ muốn giành độc lập cho Việt Nam.

Sau đây mới là sự thật

Tất cả những kẻ độc tài Cộng Sản trên thế giới đều là những kẻ côn đồ ngông cuồng, thần thánh hóa cá nhân, tham quyền, khát máu. Hồ Chí Minh cũng thế. Hắn thủ tiêu các đối thủ, tra tấn biết bao nhiêu người Việt vô tội mà chỉ có trời mới biết chính xác được bao nhiêu người, và đe dọa hàng triệu người để họ phải cầm súng ra trận cho hắn — phải, cho hắn và cho đảng Cộng Sản Việt Nam đẫm máu, và được một tên sát nhân “vĩ đại” nhất mọi thời đại khác yểm trợ: Mao Trạch Đông. Nhưng những kẻ ngu ngốc về đạo lý tại Hoa Kỳ lại cứ hô to “Ho, Ho, Ho Chi Minh” trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh và gọi Hoa Kỳ là những kẻ giết người — “Hey, Hey, LBJ, hôm nay ngươi giết được bao nhiêu trẻ con?”

Đảng Cộng Sản Việt Nam không đánh Mỹ để giành độc lập cho Việt Nam. Mỹ không bao giờ muốn kiểm soát người dân Việt, và có một trường hợp tương tự để chứng minh điều đó: Chiến Tranh Triều Tiên. Mỹ có đánh Cộng Sản Triều Tiên để kiểm soát Triều Tiên hay không? Hay là 37,000 người Mỹ bỏ mạng tại Triều Tiên để người dân Triều Tiên được hưởng tự do? Ai đã (và vẫn là) người có tự do hơn — một người Triều Tiên sống dưới chế độ Cộng Sản Triều Tiên ở Bắc Triều Tiên hay một người Triều Tiên sống tại nơi mà Hoa Kỳ đã đánh bại Cộng Sản Triều Tiên?

Và ai đã là người có tự do hơn ở Việt Nam — những người sống ở miền Nam Việt Nam không Cộng Sản (dù là với tất cả các khuyết điểm của chế độ đó) hay những người sống dưới chế độ Cộng Sản của Ho, Ho, Hồ Chí Minh ở Bắc Việt Nam?

Hoa Kỳ tranh đấu để giải phóng các nước, không phải để cai trị họ. Sự thật là, chính đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ, mới là những kẻ muốn kiểm soát người dân Việt. Nhưng lời dối trá lại được tuyên truyền lan rộng khắp nơi và hiệu nghiệm đến mức đa số mọi người trên thế giới — trừ những người Mỹ hậu thuẫn cho cuộc chiến đó và thuyền nhân người Việt và những người Việt khác khao khát tự do — cứ tin rằng Hoa Kỳ nhập trận là để lấy kẽm, tungsten, và để thành lập cả một “đế quốc Mỹ” giả tưởng trong khi Cộng Sản Việt Nam thì tranh đấu cho tự do của người Việt.

Tôi ghé đến “Bảo Tàng Viện Chứng Tích Chiến Tranh Việt Nam” — tòa nhà triển lãm các hình ảnh chống Mỹ cao ba tầng của đảng Cộng Sản. Chẳng có gì để tôi phải ngạc nhiên — tôi chẳng ngạc nhiên vì không có đến một chữ chỉ trích Cộng Sản Bắc Việt hoặc Việt Cộng, không có đến một chữ về việc đe dọa mạng sống của mọi người khắp nơi nếu họ không chiến đấu cho Cộng Sản, không có đến một chữ về những người liều mạng để vượt thoát bằng thuyền, thà chịu nguy hiểm bỏ mạng ngoài biển cả, vào bụng cá mập, hoặc bị hải tặc tra tấn hoặc hãm hiếp tập thể, còn hơn sống dưới chế độ Cộng Sản đã “giải phóng” Nam Việt Nam.

Điều cũng không có gì đáng ngạc nhiên là không thấy có khác biệt gì mấy giữa lịch sử Chiến Tranh Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam kể lại với lịch sử cuộc chiến đó mà hầu như sinh viên nào cũng sẽ được nghe kể lại từ hầu như bất cứ giáo sư nào tại bất cứ trường đại học nào ở Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu, hoặc Châu Mỹ La Tinh.

Tôi sẽ kết thúc bằng đề tài tôi đã bắt đầu — người Việt. Đã đến thăm Việt Nam thì không thể không mang ấn tượng tốt đẹp về người dân nước này. Tôi hy vọng tôi còn sống để thấy ngày người dân Việt Nam, được giải phóng khỏi những lời dối trá của Cộng Sản hiện vẫn lan tràn trong đời sống hàng ngày của họ, hiểu rằng mỗi mạng người Việt hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ đều bị phí phạm vô nghĩa, là thêm một mạng người nữa trong số 140 triệu sinh mạng bị đem ra hy sinh trước bệ thờ tên giả thần khát máu nhất trong lịch sử: Chủ Nghĩa Cộng Sản.

**********

Dennis Prager hiện có một chương trình truyền thanh thính giả đàm thoại (Talk Show) hàng ngày trên đài KRLA tần số 870AM bao gồm vùng Los Angeles và Orange County. KRLA liện hợp với 140 đài khác trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ông viết xã luận hàng tuần, là tác giả của bốn cuốn sách và là sáng lập viên của Đại Học Prager.

**********

 

Dennis Prager
Dịch: PBD
Edit: Triết Học Đường Phố

15 câu nói đáng nhớ của Tổng Thống Mỹ Ronald W. Reagan

Featured image: Paul Shambroom via Getty Images

 

“Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh tại Viêt Nam về sau.”

“Chúng ta đang chiến đấu với một đối thủ nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, và nếu chúng ta thua trong cuộc chiến này, chúng ta sẽ mất đi sự tự do, lịch sử sẽ ghi nhận lại rằng những người có nhiều thứ để mất nhất đã làm ít nhất để ngăn chặn nó.”

“Làm thế nào để bạn biết người đó là một người cộng sản? Đó là những người đọc Marx và Lenin. Và làm thế nào để bạn biết được người đó là người chống cộng sản? Đó là những người hiểu Marx và Lenin.”

“Nếu chúng ta mất tự do ở đây (nước Mỹ), sẽ không còn một nơi nào khác để trốn. Đây là trụ cột cuối cùng trên trái đất. Và cái ý tưởng rằng chính phủ phải lệ thuộc người dân, là một ý tưởng mới lạ và khác biệt nhất trong lịch sử nhân loại.”

“Chúng ta đã được bảo rằng chúng ta phải chọn giữa phe cánh hữu hay phe cánh tả, nhưng tôi muốn gợi ý rằng chẳng có tả hay hữu gì cả. Chỉ có tiến bước hoặc lùi bước. Tiến bước để bảo vệ giấc mơ của nhân loại; quyền tự do trong mỗi cá nhân – hoặc lùi bước để trở về với sự độc tài, và những ai đã bán đổi sự tự do của chúng ta để lấy một chút hòa bình đã lùi bước vào nô lệ.”

“Tôi và bạn đều biết hòa bình dù có đẹp cách mấy cũng không có ý nghĩa gì nếu nó được mua với cái giá gông cùm và nô lệ.”

“Chúng ta nên làm gì để có được hòa bình? Chỉ một cách, rất đơn giản. Bạn và tôi phải có đủ can đảm để nói với địch thủ, “Có một cái giá mà chúng tôi sẽ không trả.” Có một ý nghĩa trong câu nói của Barry Goldwater, “hòa bình qua sức mạnh.””

“Bạn và tôi đều có cuộc đối mặt với đệnh mệnh. Chúng ta sẽ gìn giữ cho con cháu chúng ta điều này, niềm hy vọng cuối cùng cho nhân loại, hoặc chúng ta sẽ kết án chúng bước bước cuối cùng vào một ngàn năm đen tối.”

“Chúng ta sẽ luôn nhớ, luôn tự hào. Chúng ta sẽ luôn chuẩn bị, để chúng ta sẽ mãi được tự do.”

“Trong cơn khủng hoản hiện tại, chính phủ không phải là giải pháp cho các vấn đề; chính chính phủ là vấn đề. Từ ngàn xưa chúng ta đều tin rằng xã hội quá phức tạp để cho phép quyền tự chủ, rằng chính phủ của một nhóm ưu tú sẽ tốt hơn một chính phủ của dân, cho dân và vì dân. Nếu không một ai trong chúng ta có đủ khẳ năng để tự chủ thì làm sao ai có đủ khả năng để tự quyết giùm người khác?”

“Trên hết, chúng ta phải nhận ra rằng không có vũ khí nào lợi hại hơn ý chí và sự dũng cảm đức hạnh của những con người tự do. Đó là một vũ khí mà địch thủ chúng ta không có, nhưng đó là một vũ khí mà người Mỹ chúng ta có. Tất cả những tổ chức độc tài khủng bố trên thế giới nên nhớ điều đó.”

“Chúng ta là một quốc gia có một chính phủ, chứ không phải ngược lại. Và điều này khiến chúng ta rất đặc biệt so với các nước khác. Chính phủ chúng ta không có quyền lực gì trừ những quyền lực mà nhân dân đã giao cho họ.”

“Khi bạn bắt đầu một cuộc tranh đấu, bạn sẽ không biết nó sẽ đi về đâu. Chúng ta muốn thay đổi một đất nước, nhưng thay vào đó chúng ta đã thay đổi cả thế giới.”

““Chúng ta, những người dân” cho chính phủ biết họ nên làm gì, họ không không có quyền làm ngược lại. Chúng ta là người lái, chính phủ là chiếc xe. Và chúng ta sẽ quyết định chiếc xe đó sẽ đi về đâu, bằng đường nào, với tốc độ bao nhiêu. Hầu hết tất cả các hiến pháp trên thế giới đều viết với khái niệm chính phủ sẽ cho nhân dân biết quyền lợi của họ là gì. Hiến pháp của chúng ta được viết với khái niệm “Chúng Ta” sẽ cho chính phủ biết quyền lợi của họ là gì. “Chúng ta, những người dân” đang tự do.”

“Có một quy luật nhân quả đơn giản và dễ hiểu như luật vật lý: “chính phủ càng lớn, tự do càng bị thu hẹp.” Con người sẽ không được tự do trừ khi chính phủ bị giới hạn.”

 

Dịch: Ku Búa

Review: Triết Học Đường Phố