24 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 152

Tôi cho rằng xã hội này tuy không thối nát nhưng cũng tồi tàn lắm rồi

Featured image: dans

 

Xin chào các Admin và các thành viên của Triết Học Đường Phố. Tôi đang là 1 sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian vừa qua tôi rất tích cực theo dõi các bài đăng của Triết Học Đường Phố cũng như các ý kiến của các thành viên, nhưng nhìn chung thì chưa thấy ai có cùng tư tưởng với mình cả nên tôi muốn đăng lên đây để chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người mong sẽ có người đồng chính kiến.

Nhìn chung thì các Admin và các thành viên đều có ý kiến trái chiều về tình hình XH Việt Nam hiện nay, nhưng dù xuôi chiều hay trái chiều thì đều có những thành phần tiêu cực comment toàn những câu tục tĩu, thiển cận thể hiện trình độ nhận thức rất kém, cái nhìn phiến diện không khách quan. Tôi tin những thành phần này cũng chẳng làm nên chuyện lớn được.

Về phần tôi, hiện tại đã được 21 tuổi, ít trải sự đời nhưng cũng có những suy nghĩ riêng, những chính kiến về XH này. Tôi cho rằng XH này tuy không phải là thối nát nhưng cũng tồi tàn lắm, và tôi không tin tưởng vào XH này, không tin tưởng vào bộ máy nhà nước này, không tin tưởng tương lai chúng ta sẽ có một XH tốt đẹp. Tôi xin giải thích suy nghĩ của tôi.

Chúng ta đang sống dưới một thể chế chính trị độc quyền. Khi chúng ta học tiểu học, chúng ta “bị” vào đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. “Bị” vì lúc đó chúng ta chả biết gì cả, các cô bảo vào thì cứ vào thôi, ai không vào sẽ bị cô nói khó dễ, tuy không phải thẳng thắn ép buộc nhưng đủ để học sinh hiểu là phải vào. Lớn hơn chút chúng ta “bị” buộc vào đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tiền thân Đảng Cộng sản. Ở độ tuổi này chúng ta cũng chưa có nhận thức được về XH, chưa hiểu được về chính trị nhưng chúng ta vẫn được “dạy” là “tin tưởng tuyệt đối vào Đảng”, “trung thành tuyệt đối với Đảng”. Thật vô lý, không có mối quan hệ nào là tuyệt đối cả, và chúng ta cũng chưa đủ trưởng thành mà họ đã bắt chúng ta phải gia nhập họ, trung thành họ, tin tưởng họ.

CHÚNG TÔI PHẢI CÓ CHÍNH KIẾN RIÊNG, LÝ TƯỞNG RIÊNG CỦA MÌNH. Các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp cũng vậy đều đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo tất cả, điều hành tất cả, quy định hệ tư tưởng chung cho tất cả nhân dân, đó là điều tôi không chấp nhận. Độc quyền sẽ dẫn đến tệ nạn tham nhũng.

Bố tôi làm thuỷ lợi ở Hợp Tác Xã, chăm lo nguồn nước phục vụ cấy hái, lương cả năm tính ra chỉ 3tr, phải chăn nuôi mới có nguồn thu. “Bọn chúng” bảo bố tôi phải chia cho chúng một nửa số lương đó, bố tôi quyết không chịu. Mỗi khi chúng đến thăm trang trại nhà tôi thì lại vòi vĩnh, đòi ăn con nọ, con kia, tin tôi đi, bọn chúng khéo miệng lắm, “anh em tiếc gì nhau con gà con vịt”, “ sống với nhau ở tình người, ở lương tâm chứ đâu vì tiền bạc.”

Bây giờ tôi không tin có cán bộ nào là không tham nhũng cả, nếu có cũng sẽ bị đào thải. Nếu có người phủ định tôi rằng: “Không có Đảng thì mày chả có được ngồi ăn rồi gõ phím như bây giờ đâu,” “không có Đảng thì bây giờ đất nước vẫn còn làm nô lệ cho Mỹ.” Tôi xin phản biện: Đúng là Đảng đã từng lãnh đạo nhân dân chiến thắng bọn xâm lược là Pháp và Mỹ, tôi công nhận, tôi tôn trọng điều đó, tôi không phủ nhận nhưng điều đó không có nghĩa là Đảng cũng sẽ là một tổ chức lãnh đạo tốt trong thời bình, không có nghĩa là Đảng sẽ đưa nền kinh tế VN phát triển vượt bậc.

Khi chiến tranh thì tất cả những người yêu nước đều một lòng cống hiến cho đất nước, sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, nhưng đến khi thời bình, có người lại cất luôn cái lòng yêu nước đi, nghĩ rằng đất nước phải bù đắp cho mình, đặt cái tôi cá nhân lên trên lợi ích Xã Hội. Đất nước đã có những chính sách ưu đãi và đền đáp họ nhưng họ lại lạm dụng sự ưu đãi đó để làm lợi cho bản thân. Những người tôi cho là đáng kính trọng như Bác Hồ hay đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất và tôi không còn tin tưởng những người lãnh đạo hiện tại có đủ tài đễ dẫn dắt đất nước như họ.

Đất nước này không trọng dụng nhân tài

Đi xin việc ở cơ quan doanh nghiệp nhà nước đều phải dung tiền để chạy, nếu là con ông cháu cha thì mất ít tiền hơn chút. Môi trường làm việc không có tính cạnh tranh, không có sự cống hiến, những kẻ không có năng lực lại điều hành những tổ chức kinh tế quan trọng của nhà nước. Nhưng nhân tài khi đi ra nước ngoài thường không muốn trở về, tôi nghĩ nguyên nhân cốt lõi là họ chán ghét XH này, không có niềm tin vào XH này vì nếu họ thực sự tin tưởng đất nước này thì họ sẽ trở về cống hiến cho đất nước, làm trong những công ty tư nhân Việt Nam để đảm bảo môi trường làm việc trong sạch và cạnh tranh.

XH này có nhiều hiểm nguy: tội phạm, tai nạn giao thông, bệnh tật, hay sự áp bức của các thế lực có quyền… Đó đều là hệ quả của một XH tồi tàn. Xóm tôi có một nhà buôn thuốc trắng, hằng ngày những con nghiện ra vào tấp nập công khai và an ninh khu tôi rất kém. Nhà tôi mất 4 con chó. Nếu có ai hỏi sao An ninh xã lại chúng lộng hành như vậy. Tôi xin trả lời: có lần tôi nhìn thấy An ninh xã ngồi chơi xơi nước với nhà đó, họ chơi với nhau, họ quen biết nhau thế thì nhà đó mới dám buôn thuốc.

Công an, An ninh, Cảnh sát trong mắt tôi là những kẻ hống hách, lạm dụng quyền lực, khinh người, rượu chè, cờ bạc và lăng nhăng. Được bao nhiêu trong số họ có ý chí là bảo vệ XH, bảo vệ người dân, là những người quan tâm đến từng truyện cướp giật trên xe bus, chuyện ẩu đả trong quán rượu hay ai đó bị xúc phạm về danh dự. Hay họ làm An ninh, Công an vì “ nhà tao có cơ, ra trường có người xin việc cho,” “để ngồi trên đầu kẻ khác, áp bức kẻ khác.”

Nếu có ai phản biện tôi rằng: Bạn chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực của XH, bao nhiêu điều tốt đẹp sao không nhìn. Tôi xin trả lời: Tôi nghĩ người đó hoặc là có suy nghĩ ngây thơ, không nhận biết được XH hoặc là không dám thừa nhận XH này tồi tàn rồi. Tôi biết có những người vẫn đang cống hiến hết sức mình cho đất nước, có những đề tài, ý tưởng sáng tạo cho XH… nhưng ở đất nước này cái tiêu cực quá nhiều nó đè lấn, áp hết cái tích cực thiểu số rồi.

Khi tôi nhìn cách mọi người trong XH cư xử với nhau, tôi thất vọng. Con người trong XH này sống với nhau thiếu tình thương, vô cảm, ích kỷ. Anh em đánh giết nhau vì tranh giành gia tài của bố mẹ, có người gặp tai nạn trên đường mà không ai cứu giúp, có kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác để mưu lợi, cấp cứu cũng phải đóng tiền trước rồi bác sĩ mới làm… Đạo đức XH ngày càng đi xuống.

Còn giới trẻ, những người chủ nhân tương lai của đất nước thì sao. Tôi thấy đa số họ không thể nhận thức được XH, họ không biết cư xử đúng mực trong cả những sự việc nhỏ nhặt của XH, vụ giàn khoan HD981 vừa qua là một minh chứng. Giới trẻ quan tâm đến những thứ phù phiếm như quần áo đẹp, xe đẹp, điện thoại xịn… để thể hiện mình đẳng cấp hơn người khác, làm sao để dụ con này lên giường chứ không phải yêu thật lòng hay kém hiểu biết về sức khoẻ giới tính. Họ chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ, không biết nấu cơm, rửa bát, giặt dũ, không biết tự chăm sóc bản thân, học trường gì cũng nghe theo bố mẹ, xin việc cũng nhờ bố mẹ chạy tiền, họ không biết tự lập. Một thế hệ trẻ như vậy thì tôi làm sao tin tưởng tương lại đất nước sẽ tốt đẹp hơn được.

Nếu có ai bảo tôi: Mày không thích thì sang nước khác mà sống. Tôi đáp lại: Tại sao tôi phải làm vậy chứ? Tôi phê bình XH này, tôi phê bình họ là vì muốn họ nhận ra họ còn yếu kém, họ chưa tốt, XH này chưa tốt, có như vậy mới nghĩ đến việc thay đổi, cải thiện bản thân cải thiện XH. Bạn không dám thừa nhận bạn là người như vậy à? Bạn không dám thừa nhận XH này tồi tàn à?

Đối với những suy nghĩ của các Admin THDP tôi có sự đồng tình lẫn phản đối. Tôi đồng ý là XH này cần phải cải cách, tôi đồng ý có thể con đường XHCN không phải là con đường chúng ta nên đi. Nhưng các bạn muốn ngay lập tức đất nước này phải thành lập đảng khác đi theo con đường chủ nghĩa tư bản hay ngay lập tức phải có đa đảng thì cá nhân tôi không đồng ý. Tôi tin là người dân VN chưa sẵn sàng cho việc đó, người dân VN chưa đủ nhận thức cho việc đó. Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng người dân để khiến cho nước ta trở nên tệ hơn.

Chỉ một chiếc dàn khoan thôi đã làm cả nước phải loạn cả lên thì đủ biết nhận thức người dân còn kém thế nào rồi. Nhưng không vì thế mà chúng ta ngại thay đổi, không vì thế mà chúng ta không dám thay đổi. Đọc bài viết nào đó của Nah Sơn tôi thấy bất bình. Vì tôi không chấp nhận những lời lẽ tục tĩu như vậy, dù gì Đảng CS cũng đã có công đánh đuổi ngoại xâm, đưa nước ta trở thành độc lập thì bạn cũng nên tôn trọng Đảng. Và tôi không đồng ý việc nhờ Mỹ giúp chúng ta cải cách, việc tự do sở hữu vũ khí.

Với nhận thức hiện tại thì chỉ có xảy ra bạo loạn bắn giết nhau khắp đất nước này mà thôi. Hơn nữa tôi không tin Mỹ, chẳng có việc ai giúp không ai cái gì cả, Nga, TQ từng giúp ta đánh Mỹ và cũng họ cũng lấy đi không ít tài nguyên của chúng ta, còn Mỹ lại là một kẻ tham vọng mưu mô.

Nhưng tôi không thể phủ nhận tôi muốn XH VN được như XH Mỹ, tự do bình đẳng bác ái, tôi muốn VN mạnh được như Mỹ, mạnh đến mức có thể xâm lược nước khác chứ đừng nói đến bảo vệ lãnh thổ. Nên bạn nào có suy nghĩ tiêu cực về Mỹ thì cũng nên xem lại nhé.

Về nguyên nhân, tôi xin chia sẽ suy nghĩ của mình như thế này: Nguyên nhân cốt lõi là ở bộ máy nhà nước, là những con người lãnh đạo, họ kém tài kém đức để dẫn dắt đất nước. Tôi nghĩ trước hết muốn thay đổi đất nước chúng ta cần phải cải cách giáo dục. Một nền giáo dục khách quan thông thái để thay đổi nhận thức giới trẻ đất nước. Muốn nâng cao nhận thức giới trẻ hiện nay thì cách tốt nhất là từ giáo dục. Dạy họ hiểu về lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dạy họ hiểu về quyền lợi nghĩa vụ bản thân với đất nước, dạy họ có chính kiến và lập trường vững vàng.

Sau một thời gian khi nhận thức thế hệ trẻ đã được cải thiện thì hãy để họ chọn lựa con đường phát triển cho đất nước (rất có thể là đa đảng). Lúc này chúng ta không sợ kẻ thù lợi dụng họ để làm loạn đất nước vì họ đã biết nhận thức về XH, về lòng yêu nước. Và có thể VN sẽ bắt đầu phát triển thịnh vượng, bền vững, chúng ta sẽ có 1 XH tốt đẹp hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để những người lãnh đạo dám thừa nhận sai lầm và ai sẽ là người dám cải cách đất nước giống như Thiên Hoàng Minh Trị của Nhật Bản?

 

Tuổi Trẻ, gửi cho THĐP

*Bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm của THĐP

Khi ai đó chửi tôi phản động, tôi như nhìn thấy chính mình của 7 năm về trước

Featured image:  | Fade |

 

 

Khi đọc những dòng comment của những cô bé cậu bé chửi mình là “phản động”, tôi như nhìn thấy chính mình của 7 năm về trước. Tôi không còn lòng dạ nào để trả lời bọn nó, những đứa em chưa mở mắt nhìn đời.

Tôi chợt nhớ về gia đình mình dạo ấy – bảo bọc tôi như trứng nước trong nhà, xa chính trị và xa rời xã hội. Thứ tôi biết là Cách Mạng vinh quang, là ơn Bác, ơn Đảng đã dày công dìu dắt. Tôi chửi tất đứa nào chống Đảng, chống Cách Mạng và hỗn hào với Bác.

Tôi ra trường đi làm cho doanh nghiệp, theo giám đốc tiếp các đoàn kiểm tra. Nào vệ sinh môi trường, nào bảo hộ lao động, nào thuế má, nào phòng chống cháy nổ….Mỗi đoàn hai ba người, mỗi người một phong thư. “Không đưa không được” là câu mà giám đốc cứ lập đi lập lại. Trong khi anh em văn phòng, thợ máy, thợ sơn yêu cầu tăng lương thì chỉ nhận được câu “Công ty khó khăn.” Thế đấy!

Rồi tôi cũng xin được học bổng du học khoảng 1 năm sau khi đi làm. Hai năm học chưa có lần nào tôi phải góp tiền “bồi dưỡng” giảng viên như thời ở Việt Nam, dù lúc ấy tôi học không tệ chút nào. Tôi đi làm, cần mẫn tỉ mỉ, được đề bạt làm trưởng nhóm, được tăng lương sau 6 tháng. Thế là tôi lại làm hăng hơn nữa. Những lần tôi đi làm thủ tục, giấy tờ không có ai đề nghị tôi đưa ra đồng nào để giấy tờ nhanh hơn. Hầu hết các loại giấy đều được giải quyết trong một buổi, lâu nhất cũng chỉ 1 tuần. Vì sao?

Ở cái nước mà ngày trước cứ nhắc tới là nghe nói bị khủng bố, bạo loạn suốt ngày này tôi chỉ thấy người ta chăm sóc từng li từng tí đến mỗi một trường hợp trẻ khuyết tật, chăm sóc đến tận răng từng con chó con mèo. Giá mà ở nước tôi người ta cũng chăm sóc người già, người bệnh như thế. Tại sao giữa nghe nói và chứng kiến nó lại khác đến vậy?

Tôi thường trầm tư nghĩ về Việt Nam mình, tôi đọc những tờ báo mạng tiếng Việt. Nay phanh thui ông xã này, mai phanh thui ông tỉnh nọ. Chỗ thì tai nạn giao thông, chỗ thì thanh niên chém giết vì những lý do ất ơ. Có chuyện gì đang diễn ra ở đất nước bình yên của tôi vậy? Tôi điện về cho gia đình, bố mẹ kêu tôi ráng sống tốt, cố gắng nhập tịch để còn bảo lãnh cho em tôi qua cùng…Tại sao? Tại sao lại như vậy?

Bố nói rằng xã hội bây giờ loạn lắm, ra đường phải dòm trước ngó sau, bị cướp giật, bị chặt tay cướp xe lúc nào không biết. Họ nói làm việc với chính quyền lúc nào cũng phải xì tiền. Tôi hỏi sao không tố cáo? Họ nói tố cáo cũng không thay đổi được gì, chỉ chuốc họa vào thân. Thằng này bị kỷ luật thì thẳng khác thay thế nó cũng vô đó.

Cái xã hội nước tôi nó tù túng như vậy sao? Sao ngày trước không ai nói cho tôi biết điều đó? Tại sao? Họ cho tôi đi du học là để tôi được yên thân bên này chứ không muốn tôi trở về nữa. Thế rồi tôi đọc được bài Du học, đi đi đừng về trên Triết Học Đường Phố…còn có bao nhiêu người như tôi và tác giả bài viết ấy?

Tôi muốn thay đổi xã hội VN, tôi muốn xây dựng quê hương mình phải tốt như nước người ta. Thế rồi tôi tìm hiểu về chính phủ và cách vận hành của chính quyền. Tôi nhìn thấy sự khác biệt, tôi đọc báo chính trị và quan tâm đến những cuộc đấu đá của các Đảng phái để dành quyền lực, đọc về những tin tức Đảng này tố Đảng kia thiếu minh bạch trong bầu cử, trong điều hành. Các Đảng kèn cựa nhau từng chút một. Đảng cầm quyền luôn phải giữ mình thật “sạch” để lấy lòng dân. Cho đến lúc đó tôi mới biết chính trị nước người ta khốc liệt như thế nào, vậy mà mấy năm sống ở đây tôi chẳng để ý gì.

Nhưng có một điều tôi vẫn chưa hiểu là vì sao họ lại đấu sống đấu chết để tranh dành làm gì? Họ có lợi gì? Tôi không hiểu. Nhưng tôi muốn chia sẻ những điều đó. Ấy vậy mà khi nói đến đa Đảng với những người tôi quen, với bạn bè thì ai cũng phản đối. Họ bảo tôi bị Việt Tân mua chuộc, họ bào tôi “phản động”. Tại sao vậy??? Ai đó cho tôi câu trả lời được không?

Những ngày nay tôi thường vào THDP đọc, tôi nhận thấy đâu đó những suy nghĩ tương đồng với mình. Họ cũng giống tôi, có nhiều người giống tôi. Tôi muốn tham gia với họ.

Xém tí là tôi quên, quên những đứa đàn em đang tuổi học sinh ngày ngày thể hiện lòng yêu nước mù quáng trên mạng. Tôi không trách chúng, tôi chỉ trách gia đình chúng. Họ cũng giống như bố mẹ tôi, biết rõ bản chất xã hội nhưng vì an toàn cho con mình mà không để chúng biết những gì đang diễn ra xung quanh. Giá mà họ “người lớn” hơn thì xã hội Việt Nam sẽ không rời vào tình cảnh như bây giờ.

 

Trần Tâm

[Truyện Ngắn] Cái nồi cơm

Featured Image: Khánh Hmoong

 

Anh cực thích cái việc đá nồi cơm. Bất kể nơi nào. Nhà anh, hay ở chỗ mà anh đến chơi, nếu nhìn thấy nó. Chẳng hiểu sao, người ta thì có biệt tài này nọ, hay ho. Người ta biết cách kiếm tiền để lo cho nhà cửa đàng hoàng, sang chảnh, quần áo bảnh bao ra đường khoe mẽ. Anh chỉ biết đi ra đi vào từ nhà trên xuống nhà dưới, từ phòng ngủ đến phòng vệ sinh. Và cái bếp nữa. Nó đập vào mắt anh hàng ngày. Cái nồi cơm chỏng chơ cũng vậy.

Trai hơn ba mươi. Chưa vợ. Anh vẫn nghèo, vẫn lông bông lang bang khắp chốn. Anh nghèo, nhưng anh không buồn. Anh chẳng thể buồn hơn được nữa. Người ta buồn mãi cũng thừa. Anh chỉ hơi nghĩ ngợi về cái sở thích quái đản của mình. Nồi cơm trong bếp biến hình biến dạng nhìn nó đáng thương đến độ, có lần anh rơi nước mắt. Nhưng, anh lỡ nghiện cái việc đá nồi cơm rồi. Anh chỉ muốn nó đừng tồn tại, đừng há mõm chờ đợi việc đổ gạo vào nồi hàng ngày, đừng khiến nhiều kẻ vì nó mà nhiễu loạn, chém giết lẫn nhau. Lương tâm là thứ rất dễ bị tha hóa. Sự méo mó của cái nồi cơm khiến anh bận lòng đôi chút. Nó khác gì anh bây giờ?

Thi thoảng, một ông bác tốt bụng sát bên nhà, có tí chức ở phường, đánh mắt sang bảo: “mày có muốn đi đá nồi cơm không, tao xin cho mày. Kiếm tháng vài đồng tiêu vặt, lại còn được thỏa mãn sở thích.” Anh nghe cũng sướng tai. Nhưng, chỉ liếc xéo cái nồi cơm nhà mình rồi lắc đầu lảng đi chỗ khác. Anh nhớ, mỗi lần đi ngang nó, anh không tài nào chịu được. Đôi chân anh ngứa ngáy. Trong lòng anh bồn chồn réo rắt như tiếng cơm sôi, như tiếng lửa cháy dồn dập tí tách. Anh phải làm sao đá nó được một phát mới sướng chân, mới hể hả cơn cuồng loạn.

Hôm nọ ra chợ xép, cái chợ vỉa hè quen thuộc, anh thấy một bọn chuyên đá thúng đụng nia của mấy bà buôn gánh bán bưng. Bỗng dưng, anh thích cái cảm giác đó ghê gớm. Vậy là, anh quyết định về nhà chọn cái nồi cơm của mình để làm đồ chơi, để tập dượt. Anh thấy họ ra uy thấy gớm. Anh muốn thử cái xem cảm giác kễnh mặt lên với thiên hạ nó ra sao. Dù chỉ là cái nồi cơm ở xó bếp nhà mình.

Thức dậy, việc đầu tiên của anh tất nhiên là vào nhà vệ sinh. Nhưng, muốn đến địa chỉ đó anh phải đi ngang cái bếp xập xệ. Nhà người ta, bếp treo trên kệ, trên bệ. Nhà anh, bếp cũ mèm buồn hiu một màu tro xám ngoét, lạnh toen toét. Anh nhìn rất ngứa mắt. Mặc dù nếu không có nó, anh chẳng thể nào chịu nổi sự dấm dẳng, gắt gỏng của cái bao tử mỗi lần lên cơn đói.

Sáng nay, anh vẫn đi ngang qua đó, vẫn liếc mắt nhìn xem nồi cơm nằm ở đâu. Mẹ không dậy sớm như mọi lần, loay hoay ngồi nhóm lửa. Bếp đã lạnh lại càng lạnh hơn nữa. Anh nghe tiếng thở nặng nhọc của mẹ, những cơn ho đứt đoạn. Anh bất giác nghĩ đến lời của bác hàng xóm hôm nọ. Cái nồi cơm méo mó mẹ đã vứt vào xó nhà sau nhiều lần nhắc nhở mà anh không tỉnh ngộ. Anh không còn gì để đá nữa. Anh lặng lẽ bước vào phòng vệ sinh, rồi bước ra, nhẹ nhàng dợm chân đến bên giường mẹ. Tiếng thở đã đều đều trở lại. Anh xuống bếp và bắt đầu mồi lửa. Ngoài cánh cửa có một cơn mưa. Ngoài cánh cửa có một cơn giông. Ngoài cánh cửa có một bầu trời mùa đông lạnh buốt.

Anh quyết định nhận việc ở bộ phận môi trường đô thị của phường. Hàng ngày anh được phân công làm nhiệm vụ chạy long nhong ngoài đường, giữ trật tự, giữ phố phường gọn gàng sạch đẹp. Những ngày đầu anh hăng hái, sốt sắng lắm. Nhưng càng về sau, anh càng có cảm giác cờn cợn trong lòng. Anh không thích đi vòng quanh phố, vòng quanh mấy cái chợ phường, mấy cái vỉa hè nữa, nhưng vẫn phải làm. Anh cần cái cái nồi cơm. Anh cần cái cần để câu cá. Anh cần nó vẹn nguyên và không chắp vá. Nhưng, thi thoảng anh lại thấy cái nồi cơm méo mó nhà mình còn đáng trân trọng hơn công việc của anh. Có bận nhìn thấy một người đàn bà tầm tuổi mẹ ngồi bán mớ rau héo bên vỉa hè. Mắt anh cay xè. Anh cho xe chạy lướt qua. Anh không tuýt còi hay lớn tiếng. Họ nghèo quá. Đời này, còn nhiều người khổ quá.

Dù sao, đó cũng là một cái nồi cơm. Anh nghĩ về cái xó nhà buồn hiu của mình. Anh nghĩ về mẹ. Anh nghĩ về những người đàn bà. Anh nghĩ về những ánh mắt găm xuống mặt đường rát bỏng, dầm dề giữa mưa và nắng dưới chiếc nón lá sờn rách. Anh nhìn phía trước, chỉ thấy sương khói mong manh, vây chặt lấy cõi người. Ở xứ này, có điều lạ kì lắm, mỗi lần ra đường anh luôn phải đội cái nồi cơm lên đầu đặng khỏi sợ bị kẻ khác đánh cắp mất.

 

Băng Khuê

Gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng — Vì sao giảm thuế có thể giúp gia tăng ngân sách

Featured image: Quoc Dung Phạm

 

Gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Quốc Hội,

Kinh tế chúng ta đang bị suy thoái, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chính phủ càng ngày càng phải vay thêm tiền để trả nợ. Tôi xin đề xuất một ý tưởng sau đây nhằm giúp doanh nghiệp, người dân và chính phủ thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Vấn đề trở ngại nhất hiện tại của doanh nghiệp là thuế. Nếu nói về thuế thôi thì không đúng, thuế ở đây là thuế chính thức và thuế “không chính thức”. Nhưng tôi sẽ không nói về vấn đề đó ở đây. Ở đây tôi chỉ muốn gợi ý chúng ta nên làm gì nhanh nhất, gọn nhất và hiệu quả nhất.

Tôi đề xuất Quốc Hội nên xóa bỏ TẤT CẢ các loại thuế lớn và nhỏ, chính thức và không chính thức và chỉ nên áp dụng 3 loại thuế với 3 mức thuế như sau nhằm tạo sự công bằng cho tất cả mọi người:

1) Thuế thu nhập cá nhân, 20%. Không phân biệt cao hay thấp, ai cũng phải đóng 20% để mọi người đều đóng vai trò lớn nhỏ trong việc xây dựng đất nước. Hiện tại nước ta có quá nhiều người ăn không ngồi rồi và không góp một xu nào vào kho bạc. Làm vậy để các cán bộ dư luận viên khỏi phải lặp đi lặp lại câu hỏi kinh điển “Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?” Sẽ không còn ai hỏi câu hỏi đó nữa vì mức 20% mà ai cũng phải đóng đã là câu trả lời.

2) Thuế VAT, 20%. Không phân biệt loại hàng hóa. Điều này sẽ giảm đi một bộ phận cán bộ không làm gì trừ việc phân tích hàng này có nên đóng thuế hay không và đóng bao nhiêu. Với 20% thì khỏi mất thời gian, tính một cái là ra. Tất cả các doanh thu sẽ được gửi trực tiếp qua điện tử mà không nhiều cán bộ thuế quản lý.

3) Thuế doanh nghiệp 20%. Không phân biệt doanh nghiệp. Điều này sẽ cân bằng hóa thị trường và độ canh tranh cho tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước. Sẽ không có một sự ưu ái nào vì doanh nghiệp nào cũng góp phần. Chính phủ cũng khỏi cần cử mấy anh cán bộ thuế đi lòng vòng kiểm tra kiểm toán coi doanh nghiệp có đóng đúng không. Doanh nghiệp cũng không cần cử người xếp hàng ở Sở Thuế để nộp. Tất cả sẽ được nộp trực tiếp bằng điện tử.

Như vậy thì đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của chúng ta mới xứng đáng với câu Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Xin cảm ơn Thủ Tướng và các thành viên Quốc Hội.

Ký tên,
Ku Búa

 

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=U6eiwOTuLyg?list=PL-t6x6PzuIMs3Y7-u-GppEVhAmCnmTo93]

Nơi mặt trời không biết khóc

Featured image:  Tanwir Jogi

 

Bước qua mớ tầm thường
là vô cực?
mặt trời đốt những đốm tàn trên thân thể khuyết
cháy bộng ánh mắt mộng du
con rắn trườn qua sự im lặng cúi đầu
uốn ép chiếc lưỡi huyền sử
có khi cứng
nhọn
đâm
bị thóc
mật ngọt phủ ngoa ngôn
ngày ánh sáng tắt
mặt trời không khóc trên đọt cây
khi đêm xuống
bước ra
từ những vũng lầy
lạnh giá
bình minh
không mang khuôn mặt nguyên khôi
tôi ôm tôi.

Sáng mù sương
rất chậm
nơi mặt trời không biết khóc.

 

Phương Uy

 

Tử nạn chữ

Featured image: Laganart

 

những con chữ xếp bằng – ra lối
kiết già – mang máng mùi tạp lai giao cấu không cùng loại
cuộc chửa đẻ ngoại tình lén lút phạch phò đạo chích
tâm chữ nảy lung tung trong nồng sực giả cầy – lạch bạch

những con chữ bị ép- quái thai – nặng mùi bợ đỡ
bâng bô xô châụ – rưng rức chiều
nắng quái – hàn huyên cỏ xanh lá xanh
giữa mùa gió giá – thốc ngược gió- thốc ngược nắng – cực cùng
dối trá – ngụ ngôn cẩu tạp chủng – chữ
khóc lóc giả tạo phường lòi tói – bè đảng vong nô- chữ
xác chết già – dòi bọ than van khóc mướn – chữ

những con chữ đeo kính trắng kính lão kính viễn thị
loạn thị – tẩm cổ cồn
sặc sừ long não-sặc
triết lý- nắng mưa nửa mùa nạc mỡ
ba phân hai lạng rưỡi – chắc bóp
chi li giả danh hào phóng – làm từ thiện
nhộn nhạo trận nôn ráng chiều ói – vàng xanh
tươm mật

những con chữ béo núc ních – trận cuồng
tưởng – mỹ nhân mặt mo mặt mốc – đua đòi
chòi mâm son – dầu mỡ
vàng suộm khói – xém – quá lửa – dư gia vị
nêm nếm không kheo khéo – thảm họa
ẩm thực – ngộ độc chữ

những con chữ chết oan – không siêu sinh – ức
như ngày đoạn tụ – hờn căm
cuộc o ép – đánh tráo – đánh cắp – bắt chước – học đòi – lu loa
trên mộ địa – tấm tức
nhị tỳ hương khói tha ma
bị áp chế – bị tầm nã ý nghĩ – chữ bay
tầng không thiên hà bát quái – ngã
lộn cổ – treo ngược cành cây
ngày tử nạn chữ…
Phương Uy

Đừng hỏi vì sao…

Featured Image: Réhahn Photography

 

Đừng hỏi vì sao người ta không thể dễ dàng tin tưởng nhau
Vì người ta đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau, nên lòng tin dần dần bị mai một
Vì cuộc đời này, không phải ai cũng đều là người tốt
Nên xin đừng trách người, nếu người vẫn hoài nghi.

Nhưng xin người hãy tự bảo vệ mình
Hãy nghi ngờ, và rồi hãy tin tưởng
Và người hãy tin nhau nhiều hơn trước
Có được không?

Vì sống ở đời cần có một tấm lòng
Nên hãy sống vì nhau, dù chỉ là một chút
Mỗi người một chút thôi, hãy sống vì người khác
Thì cuộc sống sẽ khác, và sẽ khác rất nhiều…

Phải có niềm tin rồi mới có tình yêu
Yêu cuộc đời, và yêu con người nhé!
Để đặt niềm tin, và để có được niềm tin không phải là chuyện dễ
Nên xin người đừng làm vỡ vụn những niềm tin...

 

Một Đời Quét Rác

Rồi cũng sắp đi qua mùa đông

Featured Image: blmiers2

 

Rồi cũng sắp đi qua mùa đông
địa cầu tan tuyết chảy
thôi
không nhặt nước mắt thành dòng
để dễ dàng đi qua đêm
ánh sao lạ
bùng cháy
triệu năm đã cửa đóng
thiên đường

Rồi cũng sắp hết những ngày hành khất nỗi buồn
vay trả giấc mơ một cuộc tình không thật
đêm hai bốn nghe lòng mình chật
thánh hóa được không khúc dối lừa?

Bên ô cửa chồn chân còn sót cơn mưa
đám mây lơ đãng bỏ quên trong một ngày ký ức
đóa trạng nguyên nhuốm máu sương mờ

Rồi cũng sắp hết một ngày
bằng tiếng chuông giục giã giờ canh thức
bài thánh ca hối tiếc
cho một đức tin dang dỡ
trốn vội vàng vào ngùn ngụt  mù sương
những ngón tay mê sảng bò đi
rối loạn trong túi áo khoác
con đường đã mất tích
làm sao còn nắm được tay em?

Phương Uy
24.12.14

(cho Bình An)

6 nguyên nhân vì sao năng suất làm việc của người Việt thấp nhất khu vực

Photo: ULTIMATE

 

Gần đây có một bài phân tích kinh tế nói rằng năng suất làm việc của người Việt Nam kém nhất khu vực. Không có gì bất ngờ, điều này ai cũng biết, nhiều người cũng hiểu, nhưng khổ nổi những người kia không hiểu. Bài viết này chỉ nói lên những gì ai cũng biết nhưng ít khi nào nói ra.

Năng suất chúng ta thấp hơn không phải vì chúng ta kém thông minh hơn mà vì văn hóa làm việc của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Năng suất thấp đồng nghĩa với việc thu nhập của chúng ta thấp hơn. Có rất nhiều nguyên nhân và vấn đề nhưng ở đây chỉ nói về văn hóa từ phía cạnh cá nhân. Năng suất làm việc của người Việt thấp vì:

1. Sự ảnh hưởng của thời bao cấp
2. Sự ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử Giáo
3. Kỹ năng làm việc nhóm kém
4. Nhậu
5. Kỷ luật kém
6. Văn hóa truyền thống

Ảnh hưởng của thời bao cấp

• Kinh tế Việt Nam chỉ bắt đầu là kinh tế thị trường (chỉ một phần) khi chính sách Đổi Mới 1986 bắt đầu. Nên tác phong và văn hóa làm việc vẫn còn bị ảnh hưởng rất nặng từ thời bao cấp theo cơ chế “xin – cho”.

• Người bán hàng không mang tư tưởng là mình cần khách hàng (thị trường), mà chỉ nghĩ là khách hàng cần mình (bao cấp). Vì vậy nên thái đội coi thường khách hàng/đối tác vẫn còn rất nặng, nhất là ở miền Bắc và những vùng miền ít va chạm với thế giới hiện đại.

Sự ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử Giáo

• Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ hơn 1000 năm nên văn hóa Trung Quốc đã có sự ảnh hưởng rất lớn. Lớn nhất là Khổng Tử Giáo.

• Mục đích tối cao của Khổng Tử Giáo là giữ sự ôn hòa, không cho phép ai đi ra ngoài rìa, không cho phép ai suy nghĩ khác. Mục đích đó không sai, nhưng khi áp dụng vào môi trường làm việc hiên đại, nơi yêu cầu sự sáng tạo và đột phá thì Khổng Tử Giáo là một tư tưởng vô cùng độc hại. Nếu ai suy nghĩ khác sẽ bị soi mói, chơi xấu, nói xấu, bị dìm xuống ngay lập tức. Một ý kiến dù nhỏ gấp mấy cũng không tồn tại được, cho nên sáng tạo rất hiếm còn sự đột phát thì quá xa vời.

• Trong môi trường doanh nghiệp, có sự phân biệt rất lớn giữa nhân viên và quản lý. Quản lý là phải quản lý nhân viên, và nhân viên phải nghe lời quản lý. Trong cuộc họp thì nhân viên chỉ ngồi nghe quản lý trình bày rồi sau đó làm theo, dù đồng ý hay không vẫn gật đầu và tươi cười, rất hiếm khi nào có ý kiến. Đây là một điểm yếu rất khó sửa trong văn hóa làm việc ở Việt Nam.

• Trong văn hóa làm việc Tây Phương thì quản lý cũng chỉ là người làm công ăn lương như nhân viên, mọi ý kiến đều được tôn trọng và khuyến khích.

• Khổng Tử Giáo đã làm cho đại đa số người Việt sống một cách giả tạo, hoặc sống với 2 bộ mặt. Trước mặt thì luôn tươi cười gật đầu đồng ý, nhưng sau lưng thì luôn tìm cách đâm chọt và nói xấu nhau. Bằng mặt nhưng không bằng lòng, một điều vô cùng độc hại trong môi trường doanh nghiệp.

Làm việc nhóm kém

• Người Việt làm việc cá nhân thì giỏi còn làm việc nhóm thì không ai làm được gì.
• Người này đẩy việc cho người kia, làm việc vô trách nhiệm.
• Cái tôi quá cao.

Nhậu

• Nhậu đã trở thành 1 văn hóa ở Việt Nam và đã ăn vô máu, nhất là đàn ông.
• Đi đâu cũng thấy quán nhậu mà quán nào cũng đông người nhậu.
• Ở Việt Nam cái thứ dễ nhất để tìm là quán nhậu và khó nhất là 1 con đường hay khu phố nào không có quán nhậu.
• Lâu lâu nhậu thì quá bình thường, hoặc uống vài ly thì không là vấn đề. Nhưng ngày nào cũng nhậu, nhậu quên trời quên đất, nhậu không cần lý do, nhậu quên giờ quên giấc, thì lúc đó mới có vấn đề.
• Ở Việt Nam nếu ai đó không biết nhậu, không thích nhậu sẽ bị mọi người cho ra rìa. Vì nhậu là cách để hòa đồng để kết nối lại.
• Nhậu làm suy giảm sức khỏe và trí tuệ của con người, làm cho con người trì trệ và lãng phí thời gian tiền bạc.
• Mấy anh làm ơn bớt nhậu cho đất nước nhờ nha?

Kỷ luật kém

• Đi trễ về sớm.
• Trong giờ làm việc hay nhả nhớt và ăn cắp thời gian làm việc quá nhiều.
• Không dựa theo kế hoạch ban đầu.

Văn hóa truyền thống

• Tết nghỉ việc quá lâu, có cần phải vậy không? Nên nghỉ tối đa là 3 ngày. Nghỉ nguyên 2-3 tuần thì ai còn làm được gì nữa. Chưa kể đầu óc từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2 thì chỉ nghĩ đến Tết, làm cho công việc bị trì trệ. Vì đây là truyền thống lâu đời nên rất khó thay đổi.

…..và còn nhiều nguyên nhân nữa. Nhưng ở đây chỉ nhìn từ phía cạnh văn hoá. Chúng ta luôn tự hào rằng chúng ta siêng năng, cần cù, chăm chỉ, chịu cực. Nhưng nếu thật lòng tự nhận xét thì có gì đó không đúng, phải không?

Gửi anh em Việt Nam, tôi hiểu được vì sao các bạn chửi

Featured image: Nah

 

Gửi anh em, đồng chí, chiến hữu,

Tôi viết những dòng này dưới tiết trời Thành phố Hồ Chí Minh nóng gắt. Những ngày qua, các cuộc tranh luận đã nổ ra kể từ sau khi anh Nah – hay Nguyễn Vũ Sơn, xuất bản một bài hát có nội dung có ca từ kịch liệt lên án và phê phán chế độ nhà nước hiện tại của chúng ta. Tôi hiểu được tại sao các bạn chửi. Tôi hiểu được tại sao các bạn nóng giận. Tôi cũng là một con người Việt Nam, nên tôi nghĩ rằng tôi hiểu được những điều đó.

Có những bạn lên án hành động của Nah, cho rằng anh phản động, bán nước, làm tay sai cho các thế lực thù địch, nội gián, gây mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ, thù trong để tiếp tay cho giặc ngoài, phát triển các diễn biến hòa bình. Tôi biết tại sao các bạn lên án như vậy, vì tôi cũng đã từng đọc qua những lời đó ở trong sách vở, trong những tài liệu đường lối cách mạng của chúng ta.

Tôi là con dân Việt Nam. Và tôi là một con người chủ nghĩa dân tộc. Các bạn ở đây, các bạn liệu có bằng lòng với việc mỗi khi nhắc đến dân tộc mình, người ta luôn gán thêm 2 chữ ở trong cùng câu nói: Xấu hổ? Liệu hàng triệu người Việt Nam có bằng lòng không, với việc dân tộc mình bị chà đạp lên danh dự, bởi tất cả các dân tộc khác, và bởi chính những người trong dân tộc của chúng ta? Hằng ngày đọc báo xem đài, các bạn có vui sướng và hạnh phúc khi thấy các tệ nạn cướp của, giết người, hiếp dâm, lừa đảo xảy ra với tần suất càng ngày càng dày đặt?

Cha tôi là một người nông dân, và là một người lính Cộng Sản. Tôi tự hào về ông. Tôi tự hào vì ông đã cầm súng lên và chiến đấu trong Chiến tranh biên giới 1979 Việt – Trung. Bởi vì ông đã tâm niệm rằng mình phải đứng lên và bảo vệ cho dân tộc, bảo vệ cho nhiều triệu người Việt Nam, bảo vệ cho sự ấm no của họ. Ông không đứng lên vì tiền, vì quyền lực, mà vì lòng yêu quý chính mảnh đất đã sinh ra ông. Và tới hiện tại ông vẫn sống mà không có cả tiền lẫn quyền lực. Liệu các bạn có dám đứng lên vì an nguy dân tộc, vì chính hai chữ Việt Nam thiêng liêng khắc ghi trong tim mình như ông? Những lời Nah nói ra có gai góc, có thô tục, nhưng tôi tin đó là những lời được thốt ra từ chính trái tim của anh, từ chính những điều nhỏ nhoi như vậy.

Các bạn bảo chúng tôi phản động. Đúng, chúng tôi là những con người phản động. Chúng tôi phản lại chính những sai lạc và bất công trong xã hội mà chúng tôi thấy được, trải nghiệm được. Chúng tôi không chấp nhận những thứ đó.

Các bạn bảo chúng tôi bán nước. Đúng, chúng tôi đã bán nước. Chúng tôi đã bán đất nước mình cho những con người có quyền hành, có thế lực, để vận mệnh dân tộc nằm trong tay những kẻ mà dân chúng không kiểm soát nổi. Chúng tôi đã không biết được mình có được quyền lợi gì, nghĩa vụ gì cho đất nước mà chỉ mong có được lợi lộc cho bản thân, sống an nhàn trong sung sướng để bỏ mặc những người nông dân, công nhân phải chịu đau khổ.

Các bạn bảo chúng tôi làm tay sai cho những thế lực thù địch. Đúng, chúng tôi chỉ là con rối. Chúng tôi chỉ hành động theo những gì được bảo để những kẻ ngồi trên có thể mặc nhiên hưởng thụ công sức của chúng tôi, xem chúng tôi tranh giành từ chiếc xe, lon bia đến từng đồng bạc; hưởng thụ nền giải trí cục súc và thấp kém để thỏa mãn nhục dục cho bản thân mà không biết được từng đồng xu mình làm ra có thể cải tạo cho xã hội như thế nào.

Các bạn bảo chúng tôi nội gián, gây chia rẽ tình đoàn kết dân tộc. Đúng, dân tộc tôi là Việt Nam. Tôi là người máu đỏ da vàng như các bạn, tôi đau khổ vì đất nước mình lầm than. Tôi muốn dân tộc mình phát triển, không phải làm thuê cho ngoại bang mà tự đứng lên trên đôi chân mình. Và ước muốn của tôi đã đi ngược lại mong muốn của những con người muốn đất nước mình mãi là xưởng gia công bậc thấp cho thế giới, và là thị trường tiêu thụ những sản phẩm thừa, lỗi, độc hại cho hành tinh này. Và tôi không thể đoàn kết được với những con người như thế.

Các bạn bảo thù trong giặc ngoài. Đúng, giặc ngoài rất mạnh, rất hung hăng. Chúng muốn chiếm biển Đông, chúng muốn nhìn dân ta mâu thuẫn để xâu xé. Nhưng thù trong không là gì với giặc trong cả. Giặc trong hàng ngày vơ vét từng đồng thuế, chiếm từng mảnh đất ruộng vườn của người dân, xây những con đường nguy nga tráng lệ ở tỉnh, ở huyện, để thỏa mãn cho bản thân và làm giàu cho dòng họ. Bác Hồ đã nói “Phải phòng ngừa giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Tôi sợ giặc đói và giặc dốt cũng như các bạn sợ giặc ngoại xâm vậy.

Các bạn đề cập đến diễn biến hòa bình của các nước đế quốc. Đúng, diễn biến hòa bình là một động thái của các nước đế quốc. Nhưng chúng tôi không bao giờ làm theo diễn biến hòa bình đó. Chúng tôi tự đứng lên, nói tiếng nói của chính chúng tôi, cho đồng loại của chúng tôi, không lệ thuộc vào tài chính, viện trợ, huy động của bất kì đế quốc hay xã hội nào. Chúng tôi nói bằng lời, bằng câu, bằng ca từ, để mong các bạn suy nghĩ nhiều hơn về tương lai của đất nước, chống lại cả diễn biến hòa bình từ bất kì đâu.

Các bạn bảo các bạn không đồng tình với quan điểm của Nah. Đúng, chính tôi cũng không đồng tình. Lời văn của anh mơ hồ, không mạch lạc, đầy mùi thù hằn và oán trách. Nhưng tại sao chúng ta không dám lên tiếng và nói với lời văn của chính chúng ta, như tôi đang nói với các bạn lúc này? Anh có cách của anh, và chúng ta cũng có cách của chúng ta.

Đến đây thì có nhiều bạn sẽ nói rằng, cách của chúng tôi là đợi dân trí cao lên, đất nước thay đổi, xã hội tốt hơn. Đúng, đó là phương án tốt nhất. Nhưng liệu xã hội có tự làm được điều đó? Chính chúng ta là những nhân tố cấu thành nên xã hội, chính chúng ta là xã hội. Bạn thờ ơ, xã hội sẽ thờ ơ với thay đổi. Rồi con cái bạn cũng sẽ thờ ơ, cháu chắt bạn sẽ không để tâm đến. Như vậy nghĩa là quốc nhục của chúng ta truyền mãi lại sao?

Tôi là một người theo chủ nghĩa dân tộc, và tôi yêu Việt Nam. Tôi yêu áo dài, yêu ca Huế, yêu ngày Tết có bánh chưng bánh dày. Yêu đức tính cần cù chịu thương chịu khó của những người nông dân, tự hào về truyền thống 4000 năm dù đứng dưới ách đô hộ của ngoại bang vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Và tôi đau, đau lắm mỗi khi đọc những biểu tượng văn hóa đó dần mai một mà không có cách gì cứu vãn nổi. Và vì một nguyên nhân thôi: Tiền.

Tôi nhìn qua một nước Đông Á gần chúng ta, một đất nước mà họ giữ được sự độc đáo đến lạ kỳ trong nền văn hóa dị biệt của họ dù có bao lần đứng trước sự đe dọa của thế giới. Đó là Nhật Bản. Tại sao những nghệ nhân đàn koto, shamisen của họ có thể sống được, và sống hạnh phúc, nhờ tình yêu với nghệ thuật dân tộc? Trong khi chúng ta cũng có cả một nền văn minh từ thời Âu Lạc và phát triển rực rỡ với nhiều tinh hoa mà không thể qua nổi vòng gửi xe của chuyện lương bổng? Xứ từng xâm lược ta, bị ta lên án và phê phán, lại có một nền văn hóa như vậy đấy. Tôi mong các bạn hãy bắt đầu suy nghĩ, chỉ suy nghĩ thôi, về những thứ bạn tự hào trong dân tộc, và những thứ bạn không tự hào. Và rồi, một lúc nào đó, bạn sẽ muốn thay đổi những thứ không tự hào ấy, như chúng tôi.

Thân,

8/2/2015
T.N