“Điều tôi muốn nói là: Nếu thế giới có thể cứu vãn được, nó sẽ được cứu vãn bởi những người có những tư tưởng thay đổi, những người với một tư tưởng mới. Nó sẽ không được cứu vãn bởi con người với những tư tưởng hủ lậu và những chương trình mới. Nó sẽ không được cứu vãn bởi con người với tư tưởng thủ cựu cùng với một chương trình mới.”
Tôi không thể hiểu tại sao nhưng sự thật không thể nhầm lẫn được là tất cả mọi người trong căn hầm hình như đều nhìn về phía tôi, chờ đợi câu trả lời từ tôi. Tôi nói, “Tôi không chắc rằng tôi biết được sự khác biệt giữa một tư tưởng và một chương trình.”
“Tái chế vật liệu là một chương trình,” B trả lời “Ủng hộ pháp chế bảo vệ môi trường là một chương trình. Anh không cần một tư tưởng mới mẻ nào để bắt tay vào hai chương trình này.”
“Ý của anh nói là những chương trình như thế chỉ làm tổn phí thời gian?”
“Không hoàn toàn như thế, mặc dù chúng có khuynh hướng khiến cho người ta có một cảm giác sai lệch về sự tiến triển và niềm hy vọng. Chương trình thường được khởi động để đối kháng và đánh bại tư tưởng.”
“Hãy nêu lên một thí dụ điển hình về cái mà anh gọi là tư tưởng.”
“Tư tưởng trong xã hội chúng ta ủng hộ sự cách ly. Nó là cột chống của một tổ ấm riêng biệt cho mỗi gia đình. Nó nói rằng những ổ khóa trên các cánh cửa là tất yếu. Nó mời gọi chúng ta hãy ở lại sau những cánh cửa khóa và nhìn ngắm thế giới bằng các phương tiện điện tử. Trong trường hợp này, không ai cần đến một chương trình nào để động viên mọi người ở lại trong nhà và xem truyền hình. Mặt khác, nếu anh muốn mọi người phải tắt máy truyền hình của mình và bước ra khỏi nhà, đó là lúc anh cần đến một chương trình.”
“Tôi nghĩ tôi hiểu rồi.”
“Sự cách ly được hậu thuẩn bởi tư tưởng. cho nên nó được xúc tiến theo tự nhiên, nhưng việc thiết lập cộng đồng thì ngược lại, cho nên nó cần được hậu thuẩn bởi nhiều chương trình. Chương trình luôn luôn được tiến hành đối nghịch với tư tưởng và chúng thường được dúi vào tay người ta – người ta cần phải được thuyết phục hoặc bắt buộc phải thi triển chúng. Thí dụ như, nếu anh muốn mọi người sống đơn giản, hạn chế mức tiêu thụ, tái chế biến vật dụng, và tái sử dụng vật liệu, anh cần phải thảo nhiều chương trình để cổ vũ lối sống đó. Nhưng nếu anh muốn họ tiêu thụ và lãng phí rất nhiều nhiên liệu, anh không cần phải soạn thảo chương trình để động viên vì những hành vi này được hậu thuẩn bởi tư tưởng văn minh xã hội hiện đại của chúng ta.”
“Vâng, tôi hiểu rồi.”
“Tư tưởng là một giòng sông nước chảy. Chương trình là những cọc đóng ở đáy sông dùng để ngăn cản dòng chảy. Điều tôi muốn nói là thế giới sẽ không được cứu vãn bởi con người với những chương trình. Nếu thế giới có thể cứu vãn được, nó sẽ được giải cứu vì những người sống trong đó có một tư tưởng mới.”
“Nói một cách khác, những người có tư tưởng mới sẽ có những chương trình mới.”
“Không, tôi không nói như thế. Tôi lập lại: Tư tưởng không cần đến chương trình. Tư tưởng là một giòng sông nước chảy đều. Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp là một giòng sông nước chảy đều. Nó không cần một chương trình nào cả để xúc tiến và tiếp tục tiến triển.
“Nhưng không phải lúc nào nó cũng chảy đều một cách trôi chảy.”
“Đúng vậy. Nó không phài là một giòng sông trôi vào thế kỷ thứ 2, thế kỷ thứ 8, hoặc thế kỷ thứ 13. Không có dấu hiệu nào của giòng sông được tìm thấy trong những thế kỷ đó. Nhưng những đường nước nhỏ cử tiếp nối nhau rỉ ra và bắt đầu chảy cùng một giòng từ thập niên này sang thập niên khác, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Vào thế kỷ thứ 15, nó chỉ là một tia nước nhỏ. Vào thế kỷ thứ 16, nó bắt đầu hình thành một con suối. Vào thế kỷ thứ 19, nó trở thành một giòng nước lũ. Vào thế kỷ thứ 20, nó trở thành một trận lũ nuốt chửng cả thế giới. Và từ trước đến nay, không có một chương trình nào được cần đến để thúc đẩy những tiến triển của nó. Nó được xúc tiến, được duy trì, và được phát triển hoàn toàn bởi tư tưởng.”
“Tôi hiểu.”
“Việc ủng hộ cho tư tưởng của chúng ta hiện nay được xem như là một hành động tệ hại; trong khi đó, việc hủy hoại những tư tưởng đó được xem là một hành động cao quý, ưu tú. Đó là dấu hiệu của xã hội văn hóa đang trên đà sụp đổ. Một thí dụ về tư tưởng là: Ở trường lớp, người ta không nên khuyến khích trẻ em tham muốn những phần thưởng vật chất khi học thành đỗ đạt. Sự thành đạt là một điều cần được theo đuổi vì chính lợi ích của nó, nhất định không phải vì những vinh hoa phú quý mà nó đem đến. Các nhà lãnh đạo kinh doanh có thể được nể trọng và được tôn vinh như những thần tượng dựa vào sức ‘sáng tạo của họ’ và những ‘cống hiến của họ đối với xã hội’, nhưng họ không nên được kính nể và được xem như là thần tượng chỉ vì họ có nhà cao cửa rộng, xe ôtô lộng lẫy sang trọng, và có kẻ ăn người ở phục vụ và chăm sóc đến từng miếng ăn, cái mặc của họ. Trong thế giới tương lai được đề cập đến trong sách giáo khoa của con cháu chúng ta, một người đáng kính trọng không bao giờ lảm một chuyện gì chỉ vì tiền.”
“Vâng, tôi cũng cho đó là đúng.”
“Tất cả mọi người sống trong xã hội văn minh của chúng ta đều là những người có thể cắn chặt viên đạn một cách kinh khủng. Đối với những ai chưa quen với câu thành ngữ này, ‘cắn chặt viên đạn’ có tác dụng giúp cho một người lính chịu đựng được cơn đau đang dày vò thân xác. Người lính trước tiên sẽ cố chịu đựng cơn đau, nhưng nếu cơn đau quá sức chịu đựng, người lính đó sẽ ‘cắn chặt viên đạn.’ Đối với những ai đang nghĩ và viết về tương lai của chúng ta, đấy là một kết quả đã định trước rằng tất cả chúng ta cần phải cắn chặt viên đạn hơn bao giờ hết để có thể sống tồn. Những nhà tư tưởng và nhà văn này không bao giờ nghĩ đến khả năng mọi sự sẽ thoải mái đến đâu nếu chúng ta có thể bắt đầu lại từ đầu. Theo nhận thức của họ, nhiệm vụ của chúng ta là phải cắn răng và trung thành bấu vếu vào tư tưởng mà chính nó đang hủy diệt chúng ta. Theo những gì họ nhìn thấy được, vận mệnh xui xẻo của chúng ta là phải tiếp tục dùng một tay đấm vào đầu mình trong lúc sử dụng bản tay kia để bỏ từng viên thuốc aspirin vào miệng để chống lại cơn đau nhức.”
Tôi hỏi lại, “Việc thay đổi một tư tưởng văn hóa khả thi lắm sao?”
“Cách đo lường thích đáng nhất không phải dễ và khó, không phải là sẵn sàng hay chưa có chuẩn bị. Nếu thời thế không thích hợp cho một tư tưởng mới, không có một sức mạnh nào trên trái đất có thể khiến người ta để tâm đến nó. Nhưng nếu thời thế thích hợp, nó sẽ lan rộng khắp thế giới như một trận cháy rừng. Dân chúng thành La mã đã sẵn sàng để lắng nghe những gì Thánh Phao-Lô sẽ nói với họ. Nếu họ không sẵn sàng, ông ta sẽ biến mất không để lại dấu vết gì và chúng ta sẽ không bao giờ biết đến ông ta.”
“Kitô Giáo thật ra không lan tràn như một ngọn lửa rừng.”
“So với mức độ lan truyền thông tin và ý tưởng mới vào thời đó, không kỹ thuật in ấn, không máy phát thanh, không máy truyền hình, nó lan rộng như một ngọn lửa rừng.”
“Vâng, có lẽ vậy.”
“Tôi muốn nhấn mạnh một điều nơi đây là tôi không biết những người với tư tưởng thay đổi sẽ làm gì. Phao-Lô cũng ở trong tình trạng tương tự như thế khi ông ta du hành khắp vương quốc thay đổi tư tưởng của mọi người vào giữa thế kỷ thứ nhất. Ông ta không thể nào có thể hình dung ra chế độ Giáo Hoàng hoặc khuôn mẫu của cộng đồng giáo dân Kitô Giáo dưới chế độ phong kiến ở Âu châu. Trái lại, nhà văn chuyên viết truyện khoa học giả tưởng Jules Verne ngày xưa có thể hình dung và đoán một cách chính xác về những gì sẽ xảy ra trong vòng 100 năm, chỉ vì giữa thời của ông ta và thời của chúng ta, không có gì thay đổi trong tư tưởng của mọi người. Nếu người ta 100 năm sau có được một tư tưởng mới, họ sẽ làm những chuyện mà chúng ta không thể nào đoán ra được. Thật vậy, nếu là ngược lại – nếu chúng ta có thể đoán ra được họ sẽ làm gì – điều này chứng minh rằng họ không có một tư tưởng mới nào, tư tưởng của họ và của chúng ta cơ bản giống như nhau.”
Tôi nói, “Tuy vậy, theo tôi thì anh có một chương trình. Anh có ý muốn thay đổi tư tưởng.”
“Anh có nghĩ rằng Phao-Lô có một chương trình hay không?”
“Không. Tôi nghĩ ông ta chỉ có một mục đích hoặc một mục tiêu.”
“Thì tôi cũng nghĩ vậy thôi. Chương trình không phải là một từ có thể miêu tả những gì tôi đang làm, mặc dù tôi biết đó là từ mà tôi dùng để trả lời câu hỏi của cô gái kia đêm nay.”
“Theo anh nói thì mọi người nên tránh không làm gì cả. Không phải hành động nào rồi cũng sẽ trở thành một chương trình hay sao?”
“Lập luận này bỏ mất đi điểm chính. Không ai ‘cấm cản’ chương trình cả. Điều quan trọng là hiểu rõ sự khác biệt giữa chương trình và tư tưởng. Chương trình là một sự phản ứng có tính chất thừa hưởng. Thế không có nghĩa là chúng ‘không tốt’, nhưng chúng chỉ là một sự phản ứng mà thôi. Có nghĩa là lúc nào chúng cũng theo sau, không bao giờ dẫn đầu (vì chúng chỉ phản ứng đối với việc gì đó). Chương trình tương đương với dụng cụ cứu thương. Thế không có nghĩa là chúng ‘không tốt’, nhưng chúng có tính chất phòng bị và tạm thời mà thôi. Chương trình là một sự phản ứng đối với điều gì đó không tốt lành, có nghĩa là chúng phải chờ cho đến khi điều không tốt xảy ra. (Một lần nữa, đây không có nghĩa là chúng không tốt, chỉ vì chúng mãi mãi chơi trò rượt đuổi phía sau mà thôi). Ngược lại, tư tưởng không chờ đợi điều gì không tốt lành xảy ra. Tư tưởng không chống đối, chúng đề xuất. Chúng không đánh bẹp sự thất bại, chúng mở đường cho sự thành công.
“Trong xã hội hiện đại của chúng ta hiện nay, hướng chảy của giòng sông chĩa thẳng về phía thảm họa, và các chương trình là những cọc đóng giữa lòng sông nhằm để làm dòng chảy chậm lại. Mục đích của tôi là làm thay đổi hướng chảy của giòng sông, xa dần thảm họa. Khi giòng sông chảy về một hướng mới, người ta không cần phải thiết lập chương trình để ngăn cản dòng chảy. Và tất cả những chương trình hiện nay sẽ bị bỏ rơi trong bãi sình, bất cập và vô dụng.”
Tác giả: Daniel Quinn, The story of B
Dịch giả: Hoàng Triết