26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 146

[Bài dịch] 10 điều cần đơn giản hóa giúp cuộc sống hạnh phúc hơn

Vì sao nên sống tối giản?

Đó là cách để thoát khỏi sự thái quá của thế giới xung quanh chúng ta – sự thái quá của chủ nghĩa tiêu dùng, sở hữu của cải vật chất, tình trạng lộn xộn, có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều nợ, quá nhiều phiền nhiễu, quá nhiều tiếng ồn. Nhưng lại QUÁ ÍT Ý NGHĨA. Lối sống tối giản (LSTG – Minimalism) là cách tránh những điều không cần thiết để tập trung vào những gì thực sự quan trọng, những gì đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, những gì cho chúng ta niềm vui và giá trị.

Lối sống tối giản không phải quá nhàm chán hoặc quá đơn điệu sao?

Đây là quan niệm sai lầm. Tôi không ủng hộ LSTG như một sự trống rỗng, nhàm chán, khô khan. Thay vào đó, chúng ta loại bỏ mọi thứ ngoại trừ những điều quan trọng nhất – để nhường chỗ cho những gì đem lại cho chúng ta niềm vui. Xóa bỏ những phiền nhiễu thiếu tập trung giúp chúng ta tạo ra những điều kỳ diệu. Xóa bỏ những trói buộc giúp chúng ta dành nhiều thời gian với những người thân yêu. Xóa đi sự ồn ào giúp chúng ta tập trung vào sự an tĩnh nội tâm, vào tâm linh (nếu chúng ta muốn), vào quá trình tư duy của chúng ta. Kết quả là sẽ có nhiều hạnh phúc, bình an và niềm vui, bởi vì chúng ta đã dành tâm trí cho những điều này.

Sống tối giản là gì?

Nó chỉ đơn giản là loại bỏ những thứ bạn không sử dụng hoặc không cần, tạo một môi trường gọn gàng, đơn giản và một cuộc sống đơn giản, gọn gàng. Đó là sống mà không phải ám ảnh về của cải vật chất, hay ám ảnh với việc làm tất cả mọi thứ và làm quá nhiều. Đó là sử dụng các đồ dùng đơn giản, có một tủ quần áo đơn giản, mang theo ít vật dụng và sống nhẹ nhàng.

Lợi ích của lối sống tối giản là gì?

Rất nhiều lợi ích. Ít căng thẳng hơn. Ít tốn kém và ít nợ. Ít phải lau dọn và bảo trì. Cuộc sống thú vị hơn. Có nhiều chỗ cho sự sáng tạo, cho những người thân yêu, cho sự bình an, cho những việc đem lại niềm vui. Có nhiều thời gian để sống khỏe mạnh. Nó bền vững hơn. Nó giúp tổ chức cuộc sống dễ dàng hơn. Đây chỉ là những lợi ích ban đầu.

Kế hoạch của một người sống tối giản trông như thế nào?

Không có câu trả lời đơn lẻ cho câu hỏi này. Nhưng một người sống tối giản sẽ tập trung vào việc ít bận bịu hơn, có một lịch trình ít bề bộn hơn, và những gì nằm trong kế hoạch của họ đều là những việc quan trọng. Một người sống tối giản có thể không thực sự giữ một kế hoạch hoặc lịch biểu nào, nếu họ không có nhiều việc phải làm mỗi ngày. Thay vào đó, họ có thể sống và làm việc với từng khoảnh khắc trong cuộc sống, hay mỗi buổi sáng chỉ cần tập trung vào một hoặc hai điều quan trọng.

Nói chung, người sống tối giản có nhiều thời gian hơn để thư giãn, theo đuổi sở thích, để sáng tạo, và làm những điều thú vị.

10 điều cần đơn giản hóa để cuộc sống hạnh phúc hơn

Sự đơn giản mang lại trạng thái cân bằng, tự do và niềm vui. Khi chúng ta bắt đầu sống đơn giản và trải nghiệm những lợi ích của nó, chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi tiếp theo: “Những khía cạnh nào khác trong cuộc sống mà tôi có thể loại bỏ sự phiền nhiễu, và chỉ đơn giản tập trung vào những điều cần thiết?”

Dựa trên cuộc hành trình cá nhân, các cuộc trò chuyện, và quan sát của chúng tôi, dưới đây là danh sách 10 điều quan trọng nhất để đơn giản hóa cuộc sống của bạn trong ngày hôm nay, giúp bắt đầu lối sống cân bằng hơn, vui vẻ hơn:

1. Các vật dụng sở hữu

Quá nhiều của cải vật chất làm cuộc sống phức tạp hơn nhiều so với những giá trị chúng ta nghĩ chúng đem lại. Chúng làm thất thoát tài khoản ngân hàng, giảm năng lượng và sự tập trung của chúng ta. Chúng làm chúng ta xa cách những người thương yêu, và xao nhãng những giá trị cuộc sống của mình. Nếu bạn đầu tư thời gian để loại bỏ những vật dụng không cần thiết khỏi cuộc sống, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc.

2. Cam kết thời gian

Hầu hết chúng ta đã lấp đầy một ngày của mình từ sáng sớm đến tối mịt với những ràng buộc thời gian như: công việc, gia đình, con cái, sinh hoạt cộng đồng, thực hành tôn giáo, sở thích … và nhiều việc khác. Khi có thể, giải phóng bản thân khỏi những cam kết thời gian không phù hợp với các giá trị lớn nhất của bạn.

3. Mục tiêu

Giảm số lượng các mục tiêu mà bạn đang cố phấn đấu trong cuộc sống xuống còn một hoặc hai. Bằng cách này, bạn sẽ nâng cao khả năng tập trung và tỷ lệ thành công. Lập một danh sách những điều bạn muốn đạt được trong cuộc sống, và chọn hai điều quan trọng nhất. Khi hoàn thành được một mục tiêu, bạn thêm một mục tiêu khác từ danh sách đó.

4. Suy nghĩ tiêu cực

Hầu hết các cảm xúc tiêu cực đều hoàn toàn vô ích. Oán giận, cay cú, căm ghét và ganh tị không bao giờ cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người. Chịu trách nhiệm với tâm trí của bạn. Hãy bỏ qua những tổn thương trong quá khứ, và thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những điều tích cực.

5. Các khoản nợ

Nếu đang mắc nợ thì hãy giảm nó. Bắt đầu ngay hôm nay. Hãy làm những gì phải làm để thoát ra khỏi gánh nặng nợ nần. Tìm sự giúp đỡ mà bạn thấy cần. Hy sinh sự xa xỉ hôm nay để được tự do ngày mai.

6. Lời nói

Nói ít hơn. Giữ lời nói của bạn đơn giản và trung thực. Nói những gì cần nói. Tránh tán gẫu.

7. Thực phẩm

Tránh các chất béo chuyển hóa, ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng), xi-rô từ bột bắp có nhiều fructose, và quá nhiều natri. Hạn chế tối đa các thành phần này sẽ cải thiện mức năng lượng của bạn trong ngắn hạn và sức khỏe trong dài hạn. Ngoài ra, giảm sử dụng càng nhiều càng tốt các loại thuốc không kê toa – cho phép cơ thể của bạn tự chữa lành một cách tự nhiên, thay vì phụ thuộc vào các chất bên ngoài.

8. Thời gian trên màn hình

Tập trung sự chú ý của bạn trên truyền hình, phim ảnh, trò chơi video, và công nghệ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Phương tiện truyền thông thay đổi các giá trị của bạn. Nó bắt đầu thống trị cuộc sống của bạn. Nó tác động sâu sắc đến thái độ và quan điểm của bạn. Thật không may, khi thường xuyên sống trong môi trường đó, bạn không nhận thấy nó đang tác động đến bạn như thế nào. Cách duy nhất để đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của nó trong cuộc sống của bạn là tắt chúng đi.

9. Kết nối với thế giới

Sự liên hệ với người khác là tốt, nhưng sự mê mẩn liên tục là xấu. Học cách biết khi nào nên tắt điện thoại Blackberry, thoát khỏi Facebook, hoặc không đọc một tin nhắn nào. Tập trung vào điều quan trọng, không phải điều thúc bách. Đắm đuối trong sự kết nối với những người khác có thể làm cho chúng ta cảm thấy quan trọng, cần thiết, hoặc được mong đợi, nhưng cảm thấy quan trọng và thực sự quan trọng là hai điều hoàn toàn khác nhau.

10. Làm nhiều việc

Nghiên cứu chỉ ra rằng làm nhiều việc cùng lúc làm tăng căng thẳng và giảm năng suất, trong khi làm từng việc một là một nghệ thuật đang bị lãng quên. Hãy tìm hiểu nó. Xử lý từng việc một. Làm cho tốt. Và khi nào hoàn thành hãy chuyển qua việc tiếp theo.

Tác giả: Leo Babauta và Joshua Becker 
Dịch giả: Võ Quân

*Featured Image: scottwebb

Bạn ở vị trí nào trong “đám đông” náo nhiệt?

Featured image: Vbeercock

 

Bản thân tôi chỉ muốn ở ngoài rìa, đôi khi bước vào nhưng không ở trong đó quá lâu, tôi cố gắng tránh xa mọi sự chú ý, nói đúng hơn là tôi sợ “đám đông”.

Con người có xu hướng sợ hãi những thứ bản thân họ không hiểu rõ.

Tôi thì khác, tôi ngồi ngoài rìa nhưng tôi quan sát và hiểu rõ bản chất cơ bản của “đám đông”. Tôi sợ họ, mỗi người bọn họ đang đeo một cái mặt nạ và nó làm tôi phát điên để phân biệt giữa hai thành tố đúng và sai, càng ở lâu trong đó, tôi càng mất dần khả năng nhìn nhận và một cách nào đó tôi bị đẩy ra ngoài rìa đúng nghĩa đen theo bản chất của vấn đề, tôi bị ảnh hưởng 1 cách vô thức theo hiệu ứng đám đông, vì trước mặt tôi, có 1 kẻ đang cố đóng một vai diễn rất đạt, 1 kẻ là vai chính của trò chơi, kẻ là tâm điểm của mọi sự chú ý, hắn có thể là kẻ im lặng nhất đang giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể và cũng có thể là kẻ ồn ào nhất đang luyên thuyên không ngừng về 1 thứ tư tưởng chưa được xác thực và dù đúng hay sai, bạn sẽ bị ảnh hưởng… rất nhiều nếu không thể thoát ra.

Tại sao tôi để từ đám đông trong ngoặc kép? Định nghĩa tôi về đám đông trong bài viết này mang tính ẩn dụ vì đám đông của tôi đề cập đến chính là sự lan truyền về 1 hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng đó đơn giản là từ một cuốn sách, một bộ phim, một hình ảnh, một câu nói từ 1 kẻ nổi tiếng..vân vân.. và hệ tư tưởng đó đang được lan truyền theo cấp số nhân từ người này sang người khác. Đó là “đám đông” – “Hiệu ứng đám đông”. Có thể tôi hoặc bạn đã từng ra một “hiệu ứng đám đông” rồi đấy thôi.

Bạn nghĩ tôi ghê tởm “đám đông”? Không, tôi hoàn toàn không ghê tởm “đám đông”, tôi đã từng nỗ lực vài lần để hòa nhập và thay đổi nó theo lẽ mà đúng như nó phải là chứ không phải là cái nó đang là, điều này khó hơn tôi tưởng tượng. Vì “đám đông” không phải là một bản thể riêng biệt, nó là một cơ số rối rắm đang được đan xen lẫn nhau một cách vô tổ chức, bạn không thể đánh số hay sắp xếp từng cá thể theo thứ tự trừ khi bạn thực sự trở thành KẺ MANG LẠI HIỆU ỨNG “ĐÁM ĐÔNG” – tâm điểm của mọi sự chú ý.

Như hòn sỏi được thả vào mặt nước tĩnh lặng, rồi hàng loạt những vòng tròn đồng tâm lan tỏa ra ngày càng rộng, chúng lồng vào nhau nhịp nhàng rồi để lại những sóng nhỏ, bạn không thể kiểm soát việc chúng giao động không ngừng. Số vòng tròn cũng như đường kính của chúng sẽ tỷ lệ thuận với khoảng cách cũng như khối lượng của hòn sỏi đó. Tâm điểm “đám đông” cũng mang lại hiệu ứng tương tự, nhưng nó không dễ hình dung bằng hình ảnh như vậy, cái tôi đang đề cập đến chính là tư tưởng. Nếu tư tưởng đó tốt thì bạn sẽ trở nên tích cực hơn, nhưng nếu nó xấu thì sao? Hệ lụy về tư tưởng sẽ bị bóp méo theo chìu hướng xấu tệ. Điều cơ bản là bạn đã có mặt trong đám đông đó và cảm thấy thích thú khi trở thành 1 phần của “những vòng tròn”, tiếp nhận mọi thứ 1 cách thụ động và mất đi khả năng phân biệt đúng sai.

Hãy chọn lọc. Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội từ 1 show truyền hình thực tế đến một bài viết từ trang mạng xã hội cũng đủ để bạn ngộ thông tin.

Vì đơn giản 90% mọi người khi tiếp cận đến nó chỉ muốn được giải trí hay lấy lại tinh thần một cách thỏa đáng. Nhưng hãy luôn tự đặt ra vấn đề rằng nguồn gốc thông tin đó ra sao so với thực trạng của xh hiện tại,có mâu thuẫn nào không?

Lượt bình chọn của 1 ca sĩ được xem là tài năng có khiến bạn hài lòng không? Ai là kẻ giật dây của con rối đó?

Bài viết này có thực tế không? Bạn có bao nhiêu mâu thuẫn phát sinh khi đọc nên bài viết này? Bạn đang lắc lư và thích thú với một bài hát nhưng bạn có đặt ra câu hỏi vì sao lời nhạc lại quá vớ vẩn và vô nghĩa thế không? Bộ phim đó được nhiều người yêu thích nhưng xét về bản thân bạn về bài học rút ra từ bộ phim đó như thế nào?

Tất cả chúng ta chỉ muốn vui vẻ nhưng hãy một lần dừng lại và nhìn rõ bản chất của “hiệu ứng đám đông” đó. Vì tôi nghĩ rằng, đám đông đúng thì chưa chắc họ đã đúng,và một ngày bạn sẽ một mình chống lại đám đông để bảo vệ tư tưởng của riêng mình rồi từ một kẻ ở ngoài rìa bạn trở thành tâm điểm để rẽ hướng mọi sự sang một hướng tích cực hơn.

Ngà Hầm Hố

25/3/2015

Về những cây thực vật thức thần (psychedelics)

Xin chào các growers!

Loay hoay mãi chưa biết bắt đầu từ đâu để post bài trên trang mới này vì rất nhiều lý do khác nhau – Một trong những lý do chính là sự an toàn của người sử dụng. Mình tin rằng những người đã sử dụng những cây thực vật psychedelics đều hiểu mình đang nói đến điều gì. Và mình cũng tin rằng những cây thực vật psychedelics thực sự phải được sử dụng với nhận thức đúng đắn để phát huy đúng tác dụng tiềm ẩn của chúng. NẾU là ngược lại sẽ gây ra những hậu quả không thể cứu chữa! 

Tại sao lại không thể cứu chữa? (chắc bạn sẽ đặt ra câu hỏi này) – À, Mình không hề có ý dọa dẫm các bạn mới tìm hiểu về những cây thực vật này mà trên thực tế mình đã đọc, đã thấy nhiều trường hợp tâm thần, nhiều trường hợp ảo tưởng sau khi sử dụng những cây thực vật psychedelics với chất lượng kém do canh tác không đúng hoặc người dùng chưa có hiểu biết và chưa được chuẩn bị tâm lý trước khi sử dụng dẫn đến những điều đáng tiếc, mà tồi tệ nhất là chết người! Sự thật trong lịch sử đã có không ít trường hợp tự tử sau khi sử dụng nấm ma thuật (nước Hà Lan đã cấm nấm từ năm 2008 vì lý do này).

Nếu bạn là người mới tìm hiểu về các loài thực vật psychedelics thì mình có một lời khuyên thành thật & chân thành dành cho bạn đây:

Đừng sốt ruột để thử càng sớm càng tốt mà thay vào đó hãy sốt ruột tìm hiểu kỹ về những cây này, từ lịch sử tới việc người nguyên thủy sử dụng chúng như thế nào tới những tác phẩm hội họa như tranh/ảnh… và sau cùng bạn nhất thiết phải tìm hiểu những lời khuyên của người dùng đi trước về chất lượng (nguồn gốc) tới liều lượng, tới hiệu ứng, tới chống chỉ định (ví dụ như những bạn (hoặc có người nhà) bị mắc bệnh tâm thần phân liệt hay còn gọi là Schizophrenia tuyệt đối không nên dùng những cây thực vật psychedelics). Hãy để những cây này tự tìm tới bạn và khai thần cho bạn như một “cơ duyên”.

Phương pháp gieo trồng những cây thực vật này hầu như rất dễ dàng bởi vì hầu hết những loài cây psychedelics không yêu cầu/đòi hỏi nhiều kỹ thuật canh tác. Chúng cũng không có nhu cầu gì đặc biệt về ánh sáng hay dinh dưỡng. Trên Internet hiện tại nếu bạn tìm kỹ sẽ thấy rất nhiều trang web có bán phôi/hạt/cành chiết/chiết xuất… của những loại cây này.

Lợi và hại của những cây psychedelics cho tới thời điểm này đã được các nhà khoa học cũng như nhiều tổ chức Y Tế lớn chỉ ra rõ ràng và con người đã tốn rất nhiều bút mực để viết ra nhiều cuốn sách khác nhau đứng từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên việc sử dụng (và hợp pháp hóa) những cây thực vật psychedelics luôn luôn gây ra sự tranh cãi, thật lòng mà nói với tình trạng xã hội rối ren và sự thiếu ý thức cũng như hiểu biết của rất nhiều thanh niên Việt Nam hiện tại làm mình thấy rất lo ngại khi cung cấp những thông tin về canh tác & sử dụng những cây thực vật psychedelics – Điều mình lo ngại là nếu thông tin được sử dụng bởi nhiều người ham lợi nhuận và không quan tâm tới khía cạnh con người thì chắc chắn sẽ có những vấn đề lớn đủ để lên mặt những tờ báo lớn ở Việt Nam và gây ra cơn sốt trong cộng đồng (lịch sử của những nước khác đã chứng minh điều này). Do đó Mong các growers khi canh tác những cây này hãy chú ý tới vấn đề chất lượng sản phẩm và không chia sẻ bừa bãi để tránh những vấn đề lớn. Mong các bạn đã sử dụng chia sẻ kinh nghiệm về những gì nên và không nên cho những người đi sau.

Viet Growers

Featured Image: Pixabay

Dân chủ: Kẻ thù của tự do

Featured image: James C Taipei

 

Dân Chủ là một mỹ từ để đánh lừa công chúng. Nó nghe có vẻ cao thượng và hy sinh vì người khác. Dân là ai? Là Bạn, là Tôi… là chúng ta? Không, rất tiếc không phải như vậy. Dân là nhóm đa số. Dân chủ có nghĩa là nhóm chiếm đa số làm chủ, hay gọi đơn giản là số đông làm chủ. Trong nền Dân Chủ, ngay cả khi bạn không muốn thì bạn vẫn bị ép buộc tuân theo ý chí của nhóm đa số. Dân chủ đòi hỏi thiểu số phải hy sinh cho đa số.

Ngày 05/10/2009, đường phố Tehran chật ních những người Iran trẻ tuổi mang theo bảng ngữ tiếng Anh hô hào cuộc biểu tình của họ cho “Tự do” và “Dân chủ”. Rất nhiều người trẻ tuổi hiện nay, các học giả, và số lượng ngày càng nhiều các giáo sư trí thức, thường xuyên tuyên xưng cùng một tình cảm đó. Điều này thật đáng lo ngại. Thật ra khái niệm Tự do và Dân chủ mâu thuẫn với nhau tới mức mà Plato đã phát biểu: “Dân chủ dẫn tới tình trạng hỗn loạn, là luật lệ của đám đông.” Tự do là khả năng ra quyết định và hành động vì chính bản thân mình. Dân chủ đòi hỏi tất cả mọi người phải điều chỉnh hành động của mình tuân theo theo luật lệ của số đông.

Các hệ thống “tư pháp” trên thế giới ngày nay cũng tương phản. Có hệ thống ủng hộ tự do cá nhân và bình quyền (luật của pháp luật, công bằng bình đẳng). Có hệ thống tư pháp khác thì ủng hộ dân chủ (luật của đa số, công bằng xã hội).

Những nguyên tắc của xã hội tự do dựa trên thành phần cốt lõi là công bằng bình đẳng. Đó là một hệ thống luật pháp áp dụng cùng một luật lệ cho tất cả mọi người và thi hành một khái niệm luật cao hơn – được gọi là các quyền tự nhiên không thể chuyển nhượng của con người. Những quyền này thấm đầy và cố hữu trong mỗi chúng ta, nó cho phép mọi người được sống cuộc sống cho chính mình, với sự tự do để hành động, với quyền sử dụng và tận hưởng các tài sản cá nhân của mình.

Bên dưới công bằng bình đẳng, quyền lực của chính quyền tương ứng phải là hạn chế. Đây là nền móng của nền Cộng hòa. Ngày nay, nền cộng hòa gần như trong tình trạng suy tàn trên thế giới. Khi mà nền Cộng Hòa vốn công nhận sự giới hạn quyền lực bị thay thế bởi nền Dân Chủ với quyền lực hầu như vô hạn, thì không còn sự thừa nhận về mặt chính trị đối với các quyền tự nhiên không thể chuyển nhượng của con người và luật đám đông thay thế các quyền của cá nhân.

Dân chủ tận dụng một hệ thống công bằng khác gọi là công bằng xã hội. Công bằng xã hội sinh ra các kết quả khác nhau đối với các nhóm người khác nhau tùy thuộc vào nhìn nhận của luật về cái gọi là “lợi ích chung”. Bởi vì “lợi ích chung” thay đổi từ ngày này sang ngày khác, không một người nào có thể bao giờ biết được rằng ai sẽ có những quyền gì vào ngày mai.

Trong một nỗ lực để cung cấp “sự bình đẵng” cho tất cả các nhóm, công bằng xã hội tạo ra các giai tầng chồng chéo, mỗi nhóm đại diện cho một “lợi ích chung” được bầu cử hợp pháp, và mỗi nhóm lại kêu gào thêm nhiều quyền lực hơn nữa cho nhóm mình. Nhưng không có nguyên tắc nào liên quan đến quan điểm bảo vệ cho tài sản cá nhân tồn tại dưới công bằng xã hội. Sự sử dụng cá nhân của tài sản có thể được công nhận là “sự bảo vệ tạm thời” dưới luật lệ của công bằng xã hội, nhưng chỉ khi kết luận này được cho là thúc đẩy “lợi ích chung”. Chưa hết, thậm chí trong khi xem ra có vẻ sự bảo vệ những quyền tự nhiên không thể chuyển nhượng của con người xuất hiện dưới công lý xã hội, thì sự bảo vệ đó cũng có thể bị rút lại sau đó khi chúng phục vụ “lợi ích chung” bởi vì sự nhận thức về “lợi ích chung” luôn luôn là đề tài có thể bị “thay đổi”.

Dân chủ (số đông là chủ) thường được sử dụng để đo độ chính xác hoặc thực thi viễn tưởng của công chúng. (Do đó cái gọi là “lợi ích chung” luôn được đưa ra khi xây dựng niềm tin nhất thời của công chúng vào một chương trình diễn tiến dân chủ mà thực chất là để thầm lặng đưa đến một chính thể đầu sỏ). Quá trình này xảy ra khi chính thể đầu sỏ đang chịu trách nhiệm những hoạt động của chính phủ đẩy đưa vào một hệ thống công bằng xã hội được thiết kế để cuối cùng chiếm lấy sự kiểm soát tối thượng tất cả hoạt động của con người. Công bằng xã hội là sự “bình đẳng” của những nhà kinh tế chính trị Phát Triển Bền Vững đang lèo lái các chính sách chính trị trong màn sương mù của kỷ nguyên hậu-tự do…

Khi hệ thống tư pháp tiến triển từ “công lý bình đẳng cho tất cả” sang hình thức “bình quân” hoặc Công Bằng Xã Hội, nền Cộng hòa biến đổi thành nhà nước tập thể và sự sụp đổ của Chủ Nghĩa Tự Do sẽ diễn ra nhanh chóng.

Một câu hỏi tức thì nảy sinh: Sự sụp đổ đó là kết quả tự nhiên của quá trình diến biến bình thường của xã hội hay là do nó đã được lên kế hoạch sẵn? Sự sụp đổ đó có liên hệ với sự nổi lên của những thể chế cai trị thế giới (Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế Giới, Tỗ Chức Thương Mại Thế Giới, Liên Minh Châu Âu, Ngân Hàng Thanh Toán Thế Giới, Các hiệp ước thương mại khu vực như NAFTA, CAFTA và FTA và hơn nữa)? Chính phủ thế giới là tiến trình phát triển tự nhiên vì sự tiến bộ của loài người hay nó được đạo diễn bởi chính thể đầu sỏ mà động cơ là sự tập trung quyền lực trung tâm?

Những câu hỏi này rõ ràng đang là trọng tâm các vấn đề của thế giới ngày hôm nay. Với cuộc diễu hành tới Dân Chủ (số đông làm chủ) chúng ta đang thúc tiến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tập thể. Mikhail Gorbachev đã nói, “thêm chủ nghĩa xã hội có nghĩa là thêm dân chủ, thêm cởi mở và chủ nghĩa tập thể trong cuộc sống thường ngày.”

Khi những Con Người Tự Do đang im lặng trước kia bắt đầu trấn tĩnh lại xung quanh rất nhiều các chủ đề nóng, thì rất là quan trọng phải đảm bảo họ hiểu rõ mối đe dọa của nền dân chủ. Như James Madison đã nói,

“Các nền Dân chủ vẫn sẽ mãi mãi là quang cảnh của sự hỗn loạn và bất đồng, vẫn sẽ mãi mãi đối lập với sự an toàn của cá nhân và quyền tư hữu tài sản; và nói chung các nền Dân chủ đã và đang và sẽ có một vòng đời ngắn ngủi và một cái chết bị bạo hành.”

Trong khi những người Iran trẻ tuổi ở Tehran có thể giương cao bảng hiệu hô hào một cách lầm lạc rằng cuộc biểu tình của họ vì “Tự Do” và “Dân Chủ”; những Con Người Tự Do trẻ tuổi, những học giả, những giáo sư nhà nghề, thực sự tất cả các bộ phận của xã hội cần phải ý thức rõ được sự nguy hiểm của nền Dân chủ, sao cho họ sẽ đeo đuổi việc xây dựng và tiếp bước nền Cộng hòa, bảo vệ Tự do Cá nhân và bảo vệ các quyền con người được tạo hóa ban tặng.

 

Thánh Ca Tự Do – Phỏng theo Michael Shaw

Phải học thêm? Học thêm cái gì?

Featured image: Chilk2411(Peaceful Lullabies…♫)

 

Tất nhiên đối tượng của bài viết này không giành cho lứa học sinh, chúng chẳng bao giờ mò vào đây đâu, nhưng cho những bậc phụ huynh tương lai không còn thời gian vớt vát quá khứ, nhưng kịp suy xét để hành động.

1. Sao lại phải học thêm?

2. Khi là học sinh, nếu không học thêm, tôi làm được những gì?

3. Khi là phụ huynh, tôi sẽ làm gì để con tôi bớt thời gian rảnh vào những thú vui vô bổ, thay vì bắt chúng học thêm?

4. Khi là phụ huynh, tôi nên làm gì để con em nhà tôi, nếu không học thêm thì không còn cảm giác lạc lõng giữa bạn bè khi mỗi sáng vào lớp, tiếp cận với khối kiến thức đã được nhồi sọ từ mấy hôm trước ở một chỗ không phải là nhà trường?

Xin mạn phép bỏ qua phần giải thích “học thêm” là gì, vì phần lớn lứa 18+ chắc hẳn từng trải, khá kinh nghiệm về “nghề” này, thậm chí tuổi “nghề” khá cao, chỉ tiếc là thời ấy mình chưa có ý thức và quyền hạn hỏi hai câu hỏi đầu, nhưng sẽ phải đối mặt với hai câu sau. Tôi tin rằng ít nhiều người đọc trả lời được cả bốn câu, nên vài điều chia sẻ và gợi ý cá nhân sau đây cần thiết hơn lời lẽ giáo điều sặc mùi “ra vẻ”.

Nâng cao dân trí, phát triển đức dục và trí dục, kỹ năng sống, phát triển bản thân, học cách chơi mà học, cách chơi được định hướng và kiểm soát, học cách chủ động trong cuốc sống, ý thức về bổn phận trong gia đình, học cách không phải sống như cái máy, học cách là chính mình, cách tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng theo đuổi và thực hiện ước mơ, học cách không bị “smartphone và tablet hóa”, học cách yêu…những quyển sách, yêu thiên nhiên, động vật, học cách quan tâm và chia sẻ, cách thích nghi nhiều hoàn cảnh sống, hòa nhập cộng đồng, được giáo dưỡng về thể chất (thể thao) lẫn tinh thần (nghệ thuật), được chia sẻ về kiến thức giới tính, về quy tắc xã hội căn bản theo độ tuổi, về cách đối thoại với bản thân (tự kiểm), được học hỏi về sự liêm chính, lòng tự trọng, về ý thức môi trường, môi sinh, và rất rất nhiều kỹ năng mềm và kiến thức phổ thông khác tôi không tiện để nêu ra.

Chúng có phải là những ý nhỏ trong khái niệm “giáo dục toàn diện” không? Nếu chưa đủ chuẩn toàn diện thì ít ra, những nội dung trên còn có ích cho công dân tương lai hơn rất nhiều so với việc hao tốn tuổi thơ, tuổi trẻ trong từng ấy năm vào việc lầm lũi ghi chép câu văn mẫu, “công thức” ngữ pháp sinh ngữ, đẳng thức phương trình và những cái chống cằm, chống luôn cả những khuôn mặt đờ đẫn từ sáng đến gần nửa đêm. Lịch sinh hoạt đúng chuẩn công nghiệp, chuẩn đến nỗi vài tháng trước khi thi ĐH, hầu hết học sinh bắt đầu hối hả quyết định “chắc là mình thích ngành này!?” và sau này là sinh viên năm 2, 3: “Nên tiếp tục hay bắt đầu lại với sở trường bản thân” (ừ thì nhìn chung “tôi của ngày hôm qua” cũng được rèn thể chất đấy theo kiểu rất Việt Nam, trên tinh thần phóng khoáng của bộ giáo dục về thị trường “học thêm” thả nổi)

Vì sao tôi nói đến điều điều cũ rích này? Đập vào mắt tôi là hình ảnh học sinh cấp 1, 2, 3 từ trung tâm dạy thêm có tiếng trong thành phố ùa ra sau 21 giờ mỗi tối, rồi tự hỏi có bao người như tôi, nhìn lại quãng đời học sinh mà tiếc rẻ cho cơm tiền bố mẹ, tuổi trẻ của mình, sự đầu tư quá lớn và dài hơi hơn 12 năm để đổi lấy những con số được cho là đẹp mắt và thỏa mãn tâm trang tức thới, cho mấy cái bằng khen, danh dự, cháu ngoan bác Hồ và nhiều cô dì chú bác khác, mà không biết chúng ở trong vựa tái chế giấy nào rồi, hay chỉ giữ vài tờ tượng trưng làm kỷ niệm,) hay vì sự hãnh diện tức thời của ba mẹ, nhưng thời gian trôi thì những thứ tôi và gia đình thu được cũng “trôi” theo rồi. Ba mẹ cũng chẳng còn nhớ xấp nhỏ có bao nhiêu cái bằng…khen, huống chi mấy quyển sổ liên lạc (chắc chắn sẽ bị thất lạc.)

Nhếch mép trong vài giây, tôi ngộ ra tuổi 18 xa xưa, thấy mình sao thiếu nhiều thứ quá, thấy không được tự tin, rồi cứ loay hoay tìm tòi “học thêm” chắp vá, thiếu gì học đấy, không biết bắt đầu từ đâu, đâu là thứ căn bản học đầu tiên, những điều mà đáng ra tôi có cơ hội được học và áp dụng ngay từ khi đeo phù hiệu học sinh, cũng ngỡ ra những thứ “học thêm” sau tuổi 18 có ích khoảng 70% vào cuộc sống nói chung công việc nói riêng, không bổ ngang cũng bổ dọc và ngay cả khi lúc này, tôi vẫn vừa áp vừa cải thiện, cập nhật kiến thức “học thêm thực sự.” Một trong những lý do giải thích cho sự thiếu hiểu quả sau khi sinh viên/người đi làm tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng sống, kỹ năng mềm là: chúng ta được học…quá trễ! Khi chính thức bước vào đời, chúng ta thiếu rất nhiều hành trang cơ bản. 12 năm với độ tuổi tiếp thu rất tốt nhưng không học được nhiều là một sự lãng phí khổ lồ vô hình.

Dấu chấm hết cho 12 năm phổ thông là ngày đầu bước vào giảng đường đại học, hay nói cách khác, phần lớn kiến thức từ sách giáo khoa, giáo trình ôn thi để chạm đến cổng thiên đường đại học công, đều có hạn-sử-dụng, thi xong là hết hạn. Điều này đúng, ít ra là với quan điểm cá nhân tôi. Không oán trách ba mẹ sao lại để tôi như thế, nhưng biết ơn, vì họ đã cho tôi những gì tốt nhất mà họ có, tôi tiếc vì thế hệ trước và sau tôi gần kề vẫn còn hưởng trọn chủ trương “ngu dân” của chính phủ. Cái cách ư, tôi luôn nghi ngờ về việc đó từ những tầm nhìn không bao giờ muốn thông. Chậc, ít ra sinh viên không phải học thêm môn triết học Mác Lê-Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh…, liều thuốc chống mất ngủ trong giảng đường cũng đủ quá rồi!

Chính chúng ta phải thoát khỏi những tư duy kiểu cũ, bằng không, nếu ai xem việc con cái phải chấp nhận sự áp đặt ước mơ, thể diện, mục đích của mình lên chúng là báo hiếu thì chúng không phải là con cái, nhưng là công cụ, lẽ vì áp đặt là tước đoạt những thứ lớn lao. Khi chúng ta có cơ hội tiếp cận những kiến thức hay về giáo dục, và là nhân tố định hướng cho thế hệ sau, trừ những thứ bắt buộc mang tính thủ tục từ cơ chế giáo dục nước nhà, tôi không dám dùng từ “khôn ngoan,” nhưng hy vọng rằng ta sẽ “đầu tư hợp lý” trong khả năng và điều kiện cho phép:

Xin chắp cánh cho con cháu bằng những điều thiết thực, thực tế cuộc sống và mang tính lâu dài, tạo môi trường và điều kiện sống phát triển tự nhiên và cân bằng cho chúng, được học thêm những điều có nghĩa và giá trị thực thụ, để chúng được sống một cuộc đời của chúng, được tự do, được giải thoát khỏi những giá trị phù phiếm, định kiến xã hội và tư duy khô cứng, được mưu cầu hạnh phúc, quan trọng nhất: để sống có ích (tối thiểu có ích cho bản thân.)

 

Trí Xích Lô

Peter Schiff — Lương tối thiểu – Thiệt hại tối đa

Featured image:  Luis Sinco, Los Angeles Times

 

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=qNZQAxXYhqY&w=853&h=480]

Trong một thị trường tự do, nhu cầu luôn là một chức năng của giá cả: giá càng cao, nhu cầu càng thấp. Một điều có thể làm đa số chính trị nha ngạc nhiên là quy luật này áp dụng một cách công bằng đối với giá cả và lương. Khi chủ doanh nghiệp xem xét nhu cầu lao động và vốn cần thiết, chi phí là yếu tố quan trọng nhất. Khi chi phí để thuê những lao động tay nghề thấp giá tăng, những công việc đó sẽ mất. Mặc cho quy luật này, sự gia tăng của mức lương tối thiểu luôn được coi là một hành động cao cả của chính phủ. Nhưng thức tế thì hoàn toàn ngược lại.

Khi bị kẹt ống cống, đa số chúng ta sẽ gọi vài người thợ ống công và thuê người với giá thấp nhất. Nếu tất cả giá thuê đều quá cao, đa số chúng ta sẽ tự lấy dụng cụ và tự thử sửa. Thị trường lao động cũng hoạt động như vậy. Trước khi thuê thêm một nhân viên khác, chủ doanh nghiệp phải chắc chắn rằng năng suất lao động người đó mang lại phải cao hơn chi phí chi trả (bao gồm lương, thuế và các phúc lợi khác). Nếu một người lao động tay nghề thấp chỉ có thể đem đến $6 năng suất trong một tiếng, người đó là một người thất nghiệp với mức lương tối thiểu $7.25 một giờ.

Những lao động tay nghề thấp phải cạnh tranh với nhau cùng với những lao động tay nghề cao khác để được chủ doanh nghiệp thuê. Ví dụ, nếu một lao động kinh nghiệm có thể làm việc với năng suất $14/giờ, trong khi hai người lao động thấp có thể làm với $6.5/giờ, thì chủ doanh nghiệp sẽ chọn 2 lao động tay nghề thấp thay vì 1 người lao động có kinh nghiệm. Tăng lương tối thiểu lên $7.25/giờ thì hai người lao động tay tay nghề thấp kia sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường lao động. Đây là lý do chính vì sao các công đoàn lao động là những người ủng hộ lương tối thiểu mạnh nhất. Mặc dù không một ai trong số thành viên công đoàn được trả lương tối thiểu, luật lương tố thiểu giúp bảo vệ họ từ việc phải cạnh tranh với những lao động tay nghề thấp.

Chủ doanh nghiệp có sự lựa chọn nên thuê con người hoặc máy móc. Ví dụ, một chủ doanh nghiệp có thể thuê một thư ký hoặc đầu tư vào một máy trả lời tự động. Lần kế tiếp khi bạn bực bội vì phải nói chuyện với một cái máy khi gọi điện thoại, bạn biết nguyên nhân là gì rồi đấy.

Có vô số ví dụ về việc chủ doanh nghiệp dùng vốn (máy móc, dụng cụ) để thay thế người lao động chỉ bởi vì luật lương tối thiểu đã làm cho những người lao động tay nghề thấp không thể cạnh tranh lại và không đáng giá để thuê. Chẳng hạn như xe đẩy đã thay thế nhân viên dịch vụ hành lý (trước đây vài hãng hàng không dùng nhân viên để phụ khách với hành lý) tại các sân bay. Lý do chính vì sao các cửa hàng thức ăn nhanh dùng dĩa giấy thay vì dĩa nhựa là vì họ không muốn thuê nhân viên rửa chén.

Kết quả là rất nhiều lao động tay nghề thấp trước đây được thuê hiện tại đã vô tình bị lương tối thiểu đẩy ra khỏi thị trường lao động. Bạn có thể nhớ lần cuối cùng một nhân viên rạp chiếu phim dẫn bạn đến số ghế đã đặt không? Lần cuối cùng một nhân viên trừ người thu ngân phụ bạn để đồ vào giỏ rồi phụ bạn đẩy ra xe của bạn là lần nào? (trước đây các siêu thị Mỹ thuê nhân viên phụ khách hàng để đồ vào giỏ rồi ra xe, như một dịch vụ miễn phí). Và không lâu nữa, các nhân viên thu ngân đó sẽ bị lương tối thiểu đẩy ra khỏi thị trường và được thay thế bởi các quầy tính tiền tự động, và bạn phải tự tính tiền và tự để đồ vào giỏ xách.

Sự tan biến của những công việc này có những kết quả kinh tế và xã hội rộng lớn hơn. Những công việc đầu tiên là một công cụ để những lao động tay nghề thấp học kinh nghiệm để tăng năng suất của mình cho sau này. Khi tay nghề của họ cao hơn, lương của họ sẽ tăng theo. Nhưng, khi bạn không cho phép họ có những việc làm tay nghề thấp (vì lương tối hiểu quá cao), họ sẽ không bao giờ có cơ hội để bắt đầu sự nghiệp.

Lần sau bạn đổ xăng trong mưa, đừng chỉ nghĩ đến một thanh niên có thể giúp bạn đổ xăng, mà nghĩ đến việc anh thanh niên đó có thể trở thành một thợ máy – nếu mức lương tối thiểu kia đã không cho phép anh ta có được công việc đầu tiên đó. Rất nhiều trong số thợ sửa xe đã học nghề khi họ làm nhân viên phụ đổ xăng. Từ việc đổ xăng, kiểm tra bánh xe, rửa kính, họ đã học rất nhiều điều từ việc phụ giúp những thợ sửa xe đi trước.

Bởi vì lương tối thiểu đã ngăn chặn nhiều người trẻ (bao gồm số đông là dân tộc tiểu số: da đen, Mỹ Latin) từ những công việc đầu đời đó, họ chưa bao giờ có cơ hội để phát triển tay nghề cần thiết để có được những việc làm tay nghề với mức lương cao hơn. Kết quả là rất nhiều trong số họ đã tìm đến con đường tội lỗi, trong khi số khác ăn bám vào sự trợ giúp tém phiếu của chính phủ. Những người ủng hộ mức lương tối thiểu cho rằng mức lương đó không thể nuôi sống một gia đình. Điều đó đúng, nhưng không liên quan, vì những việc làm với mức lương tối thiểu đó không phải để nuôi sống một gia đình. Đa số những người làm việc lương tối thiểu chỉ mới vào đời và được sự trợ giúp từ gia đình.

Sự thật là con người ít ai lập gia đình cho đến khi họ có được một mức lương đủ để hỗ trợ gia đình họ. Những công việc lương thấp đó cho phép họ kiếm được kinh nghiệm để dần dần có đủ tay nghề để kiếm được những việc làm lương cao hơn, đủ để họ có thể nuôi một gia đình. Có ai thật sự nghĩ một đứa trẻ giao báo có đủ tiền để nuôi một gia đình không?

Cách duy nhất để tăng tiền lương là tăng năng suất lao động. Nếu lương có thể được tăng bằng cách ra những bộ luật, chúng ta có thể tăng lương tối thiểu lên $100/giờ và giải quyết mọi vấn đề. Nhưng ở mức lương đó, đa số người trong thị trường lao động sẽ mất việc vì giá để thuê họ cao hơn năng suất, hoặc giá cả cho hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên, kết quả là sức mua của họ không thay đổi. Đó là cái gánh nặng mức lương tối thiểu áp đặt lên người nghèo, lao động tay nghề thấp và người tiêu dùng.

Trong khi các nhà lãnh đạo của chúng ta không thể hiểu được khái niệm kinh tế đơn giản này, thì làm sao chúng ta có thể mong họ giải quyết những vấn đề phực tạp hơn trong xã hội?


 

Giới thiệu về Peter Schiff: Peter Schiff là Giám Đốc Điều Hành của công ty tài chính Euro Pacific Capital, là một trong những nhà kinh tế học thị trường tự do theo trường phái Áo Học tiêu biểu nhất.

 

Tác giả: Peter Schiff
Dịch giả: Ku Búa

 

Những vụn vặt của một buổi sáng

Featured image: Andrew Perizzites

 

Ngày chủ nhật, bỗng dưng, lại muốn ra phố sớm hơn mọi ngày, muốn đi qua vài con đường chỉ để ngắm cây và đếm số thứ tự của nó, hoặc đọc tên nó lên thật to. Nguyễn Trường Tộ có Xà cừ, phượng vàng, phượng đỏ. Lê Lợi có bằng lăng, điệp vàng. Lý Thường Kiệt có sò đo màu đỏ như hoa gạo làm nhiều người lầm tưởng. Nguyễn Huệ dịu dàng hơn khi thi thoảng tôi nghe mấy đứa bạn tranh cãi nhau về một loài cây cao, lá như lá me, hoa vàng rộ thành từng chùm như muồng muỗng. Nhà có số, phố có tên, cây cũng phải thế. Người có phận, có duyên, có sống có chết, cây cũng ắt có linh hồn.

Chuyện cỏ cây gắn với đời sống con người như kiểu tinh khí của đất trời trong cái mối quan hệ nhân sinh quan không thể nào dễ dàng tách rời vô lí được. Tôi chẳng tính viết câu chữ thừa thãi gì, nhưng vẫn không muốn tưởng tượng ra cảnh, nếu những vòng ôm của cây xà cừ lâu năm kia bất chợt bị người ta cưa đổ, có lẽ khó mà kiềm chế nỗi sự ấm ức, xót xa. Phố của tôi cũng chỉ là một cái hộp bé nằm trong một cái hộp khác lớn hơn và bị chi phối bởi những bàn tay đen. Nhưng, ít ra, lúc này, ngay ở đây, những hàng cây vẫn còn được an lành rung rinh lá, trổ hoa đón mùa hè nắng đổ.

Từ phố này, nhìn về phố khác, cách xa, nơi tôi từng được bạn tự hào khoe, đường này có nhiều cây che bóng mát nhất, đường này đẹp nhất Hà Nội. Cảm giác của một người miền Nam khi lần đầu chạm chân đến mảnh đất ngàn năm ít ra cho tôi một chút phấn khích và yêu mến. Mỗi năm, tôi ra Hà Nội một lần, thay vì nam tiến Sài Gòn như trước đây. Nhưng, dạo này, nhất là sau vụ chặt cây ấy, có lẽ tôi và một số người như tôi từng mến yêu sẽ đợi lâu lâu mới quay trở lại thêm lần nữa. Cây có linh hồn. Cỏ có tinh khí.

Đó là những suy nghĩ hơi cạn lòng của tôi trong vài khoảnh khắc xót xa. Mà, xót xa hơn nữa phải nghĩ đến đầu tiên là cho người Hà Nội. Lấy không khí trong lành đâu để thở với mật độ dân số đông đúc, chật nghẹt như thế? Lấy tình yêu đâu để nhớ thương, hò hẹn ngày quay về, khi cây chết, khi cây chỉ còn trơ gốc? Tiền có thể mua bán lương tâm, kể cả chút ít lòng trắc ẩn của linh hồn con người đến thế ư? Tiền có thể bảo bọc trọn vẹn cho sự bất tử của một xác thịt phàm tục mãi được hay không? Tôi chẳng muốn đặt bất cứ câu hỏi nào nữa. Bởi lẽ, họ, những người nhẫn tâm chạy theo đồng tiền và dự án này nọ sẵn sàng bán rẻ cả sự sống, sức khỏe của mình cho quỷ dữ, thì cũng không còn gì để gìn giữ chăng?

Dạo này, tôi tập cho mình một thói quen: lạc quan đón nhận tất cả những hên xui may rủi trong cuộc sống thường ngày. Coi nó là một điều hiển nhiên như những con số đếm phải có chẵn, có lẻ vậy. Cũng như, con người, có kẻ tốt, kẻ xấu, có kẻ sa đọa, có kẻ tử tế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như vầy: mình tử tế với người khác, thì họ cũng sẽ đối đãi tử tế với mình. Hoặc là, sự tử tế của mình sẽ để lại sự tử tế cho anh chị em, bạn bè yêu thương xung quanh mình. Nó như một quy luật nhân quả bình thường (dù đến sớm hay muộn). Sát sinh không phải chỉ là khái niệm bó hẹp trong khuôn khổ của việc giết chóc động vật. Nó gồm cả sinh linh. Nó là vật thể đang còn sống.

Chuyện cây có linh hồn, bởi cây cũng là một sinh vật còn sống. Ngay cả việc sau khi xác thịt thối rữa người ta vẫn muốn khẳng định, linh hồn chưa bao giờ chết. Thế giới này còn nhiều bí ẩn chưa tỏ tường hết. Những kẻ không sợ trời, không sợ đất, không sợ nhân quả báo ứng, chẳng qua họ chưa nhìn thấy, chưa chứng nghiệm sớm mà thôi.

Và, cũng trong sáng nay, ngoài việc đi loanh quanh đếm cây, đọc số thứ tự, tên của nó là thú vị nhất của một ngày cuối tuần. Tôi còn nhìn thấy ánh sáng nào đó từ những dòng status trên mạng xã hội về cây, về những chiếc nơ vàng thắt quanh cây, những chiếc áo xanh màu lá của các bạn trẻ nơi đó. Tôi bỗng mường tượng ra sức trẻ đang bừng sáng. Màu vàng của những chiếc nơ sẽ thắp xanh màu lá của cây. Đó là tình yêu, sự khẳng định tình yêu và lương tâm của những kẻ còn có linh hồn. Tôi chỉ là người bình thường, rất bình thường, nhưng điều tôi đang có và đáng để cảm thấy mình tồn tại đủ đầy ý nghĩa là: tôi biết yêu, biết xót cho tất cả sự sống dù phải cố vươn mầm lên dưới lớp đất đá đang cằn cỗi đi mỗi ngày bởi tay phá hoại của một số kẻ khác, ở xứ sở này.

Chẳng có gì bất tử và tồn tại mãi mãi. Đời cây cũng như đời người. Tôi nghĩ sự sống, sự chết là một vòng tròn có bắt đầu và kết thúc hết sức tự nhiên như lẽ thường tình trên thế giới nhân sinh quan ấy. Tôi mong/muốn ai đó, mỗi sáng thức dậy, thử đi dạo một vòng quanh thành phố và thử tự tay mình đếm cây, đọc tên, tự cảm nhận những rung rinh của lá trong cơn gió nhè nhẹ mùa hè. Biết đâu, cũng như những chiếc nơ vàng đầy ẩn dụ kia sẽ khiến cho linh hồn của chúng ta biết cách để tồn tại và tôn trọng sự sống, tôn trọng từng hơi thở trong lành hơn chăng?

 

Băng Khuê

 

Khi một đất nước vắng bóng nghệ thuật

Chắc hẳn nhiều người cũng đang tự hỏi tại sao đạo đức con người và văn hóa dân tộc đang đi xuống chạm đáy như vậy? Một xã hội trọng vật chất, với ảo tưởng rằng cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền! Đó là một câu nói đùa phổ biến, nhưng nó phản ánh hiện thực đầy chua xót.

Nhưng làm sao để con người không quá thiên lệch về vật chất? Chỉ có cách là kéo lại bằng thứ gọi là nghệ thuật, thuộc về tâm hồn, gần gũi với tâm linh. Không có nghệ thuật, tâm hồn rất khó để có niềm tin. Bởi vì nó chẳng biết tin vào cái gì cả! Và khi đã không có niềm tin vào những thứ vô hình như vậy, nó liền quay sang tin vào những thứ có khả năng bày ra ngay trước mắt: TIỀN!

Thật không khó để thấy các bộ phim giải trí, hời hợt được chiếu nhan nhản khắp các kênh truyền hình, hết kênh này tới kênh nọ, hết phim này tới phim kia. Họ không thấy chán! Thực sự họ không chán cốt truyện nhạt phèo đó, bởi vì họ chưa chán tiền. Cứ có phim để chiếu, trích một số cho chi phí bôi trơn, rồi thì tiền cứ tiếp tục chảy vào túi. Vậy tại sao phải đầu tư làm một phim ra hồn cho tốn thì giờ?

Không chỉ có phim, show truyền hình, âm nhạc, thậm chí quảng cáo cũng chẳng có gì đáng để xem. Show truyền hình giả tạo, âm nhạc với ngôn từ dễ dãi chẳng có gì hơn là nhạc xập xình, quảng cáo đầy rẫy những phụ nữ mướt mát đi nhỏng nhảnh trên màn ảnh. Một phô diễn của một cái gì đó nông cạn, đến nỗi mà, thậm chí không đạt được chức năng “giải trí”.

Người ta không có niềm tin nữa! Truyền hình không có niềm tin gì sâu sắc gửi cho người xem, chẳng có nhân vật nào với nhân cách lớn làm người khác phải động lòng trắc ẩn. Tôn giáo cũng mai một bởi rất nhiều những “tấm gương” nổi tiếng. Đó là chưa nói đến việc đi chùa, đi nhà thờ lại dần trở thành một hoạt động phong trào. Họ nào biết, Chúa hay Phật, thánh thần chẳng bao giờ xuất hiện ở những nơi ồn ào, náo nhiệt đó.

Nhưng không chỉ có truyền hình. Mạng lưới internet cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Các hiệu sách cũng bị lợi nhuận hóa. Đầy rẫy những cây bút tầm thường dễ dàng “phù một phát”, nổi tiếng! Tôi đã từng thử cố gắng đọc xem họ nói gì, nhưng rồi những con chữ cứ kéo nhau loãng dần trong trí óc. Tất cả tác phẩm “dễ nuốt” hay “hot” ở nhà sách đa số được trưng bầy trước mắt người xem. Còn những quyển sách hay, thì hầu như không tái bản, mà nếu có tái bản cũng nằm ở góc kẹt đầy bụi bám nào đó. Nhưng nếu kiến thức chỉ là thứ đọc một phát hiểu ngay thì còn có ai trên đời này cần phải động não, để thấy rằng mình còn tồn tại?

Nói vậy không có nghĩa là xã hội xung quanh ta hiện nay chẳng còn gì hết. Còn chứ! Đương nhiên còn! Nhưng bao nhiêu phần trăm? Ta đâu thể nói mình thiện nếu lòng trắc ẩn chỉ xuất hiện khi thấy máu chảy thành dòng?

Có lẽ rất nhiều trí thức hiện nay đều thừa nhận là: Giá trị của xã hội đã bị đảo ngược. Không phải xuống dốc, cũng không phải đang đảo ngược, mà là đã bị đảo ngược.

Khi nghệ thuật vắng bóng, cảm xúc con người bị mờ nhạt, chai sạn dần. Chẳng có gì là bất tử cả, nên con người cũng không phải là ngoại lệ. Cây thiếu nước thì chết, tâm hồn con người thiếu cảm xúc cũng chắc chắn trở nên vô hồn. Và người ta cứ sống với sự vô hồn đó, bước đi mà không biết mình đang làm gì, thậm chí va quẹt người xung quanh không hay, vừa giẫm phải ai cũng chẳng biết.

Rất tiếc, cảm xúc không phải là thứ để nói bằng lý lẽ. Nhưng mọi người xung quanh luôn áp lực nhau bởi lý lẽ, phải trái. Như thế này là không được, như thế kia là không xong. Ai cũng biết một điều rằng: Lý lẽ là khô khan, lý lẽ là nhàm chán. Vì chẳng phải từ xưa ông bà ta đã có câu: “Hợp lý, hợp tình” hay sao? Nói đúng lý lẽ chỉ làm người ta chịu thua một lúc, nhưng làm cho họ cảm phục bằng xúc cảm, họ sẽ phục cả đời.

Nhưng chúng ta quên rồi! Dân mất lòng tin vào chính phủ, cha mẹ mất niềm tin vào sự lựa chọn của con cái, bạn bè mất niềm tin vào lẫn nhau, vợ chồng đánh nhau như cơm bữa là chuyện không hề hiếm thấy…

Hàng ngày, tôi nhìn thấy con người ta như vậy đó. Họ chẳng bao giờ sống hết mình, hay chỉ một lần hoàn toàn tin vào ai đó, mà thật ra, chính là tin vào bản năng của chính họ. Mọi người cứ rụt rè với nhau, nghi ngại và dè chừng. Tôi sẽ không để anh bắt bài tôi, tôi sẽ giữ lại chút niềm tin cho mình, tôi sẽ không bao giờ tin ai trọn vẹn nữa hết. Chúng ta cứ sống như thế, và bảo rằng: Đó là thực tại. Chúng ta dạy trẻ con theo cách đó: Đời không như là mơ. Và thế hệ đi trước lúc nào cũng bảo thế hệ đi sau là non kém, không hiểu đời.

Thực tại, chỉ đơn giản là tồn tại. Nếu 1 người trên đời này giữ nguyên lý tưởng của họ, thế giới sẽ có nghĩa là đã từng có lý tưởng đó tồn tại. Nhưng chúng ta lại quá dễ thay đổi lý tưởng của mình, bởi vì… bởi vì… chúng ta không có niềm tin.

Thế đấy! Khi một đất nước vắng bóng nghệ thuật, dân tộc sẽ mất lòng tin. Và khi mất lòng tin, xã hội này nghi hoặc lẫn nhau. Điều đó chắc là không dễ chịu chút nào, nhỉ?

Nghệ thuật có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ trong phim ảnh, văn học hay âm nhạc. Nghệ thuật tồn tại trong cảm xúc của loài người. Dĩ nhiên, loài người này, dân tộc này vẫn còn chút cảm xúc. Nhưng có thể, nó đang ở một dạng rất khác…

Lục Phong

Cái chết của tháng ba

Featured image:  1crzqbn

 

Con bọ ảo tưởng bị gắn vào não. Bạn có một vết sẹo không dài ở phía sau gáy, bị tóc phủ kín. Vì thế chẳng ai có thể phát hiện ra. Và, hàng ngày bạn vẫn chạy nhảy, đùa bỡn, nâng bi, tâng bóng ngoài mặt đường đầy bụi. Chúng đỏ quạch như máu. Não bạn có còn thở hay chỉ phập phồng sắp nổ tung?

Nó nằm chết, chĩn chện và đầy kiêu hãnh. Bạn vô tư gọi đó là tình yêu. Nhưng, hóa ra, bạn vừa sực nhớ rằng: mình cũng chẳng khác gì nó. Chết thẳng cẳng. Chết không kịp giãy đành đạch lần cuối cùng. Chết như những mùa lãng mạn vừa được chích thuốc bảo quản để tươi lâu. Và rồi, sau ngày lễ mà theo tôi biết nó không cần thiết xuất hiện. Những giả dối tưởng chừng hết sức vụn vặt ấy đang giết chết bạn từng giờ, từng phút. Nỗi đau vẫn hoàn nỗi đau. Chúng chồng chất lên nhau, nối dài thành những bậc thang đi mãi vẫn chẳng thể nào đến nơi được gọi là nước của thiên đường.

Chúa ngự ở đâu? Phật ngự ở đâu? Các thánh thần ngự ở đâu?

Bạn mỏi gối, chồn chân, khóc ròng không ra một hột nước mắt. Bạn nhỏ bé như một con kiến trước sự vĩ đại của người mẹ anh hùng. Nhưng, chẳng phải một bức tượng bằng gạch đá vôi vữa có thể đổi lại xương máu và kí ức của người mẹ già khi bày một mâm cơm cùng với chín bát nhang giữa chiếu. Mẹ biết gì đâu? Mẹ cần gì đâu? Sự vinh danh lớn lao nhất phải chăng là ủi an nỗi niềm cô độc, là khiến cho nhiều người già như mẹ có cơm ăn áo mặc đủ đầy?

Những linh hồn xếp hàng.

Những huyệt mộ vẫn chảy máu, dù rõ ràng xương trắng chỉ còn là một nắm đất. Tôi thấy bạn cười hể hả. Tôi thấy những tháng ba rực rỡ sắc màu của nỗi đau và đang đợi ngày phán xét. Có thể niềm tin cũng đang dần chết, thực sự chết. Nhưng, thánh thần liệu có cứu rỗi được sự ảo tưởng cuồng điên không còn cữu chữa được ở xứ sở có những con lừa đang bị chuốc thuốc mê và nhảy giai điệu của thuốc lắc?

Khối kẻ đang say máu với lễ hội này kia, trước tháng ba, sau tháng ba, và tiếp theo nữa những tháng ba dài đăng đẳng, chật nghẹt, bí kẹt từng hơi thở hôi hám. Trong đám người chen chúc, giành giật xem chém giết như trò chơi rất vui và có văn hóa, bỗng dưng tôi phát hiện ra mình thật là lạc lõng. Tháng ba đáng sợ như căn bệnh ung thư đang dần dần chiếm cứ cả thể xác và linh hồn của bạn.

Hôm qua, người đàn ông ghé mua một mớ nụ hồng không nở để tặng tôi vào cuối buổi chiều khi chợ tàn, trời tối. Anh ấy bảo rằng: chỉ mười lăm ngàn mười bông, cùng với một đôi mắt ám ảnh. Tháng ba, chảy máu. Những cánh hoa vừa kịp chuyển sang màu héo úa và chết chìm dưới mặt đất toàn bùn đỏ boxit phơi xác ở cao nguyên. Tháng ba nhảy nhót như lên đồng vì nắng chồm hỗm đè nát mặt đường ở xứ mưa dầm quen thuộc.

Vài kẻ cho rằng, có thể tháng ba là thiên đường của tình yêu nơi trái đất. Nhưng, với tôi, thì tháng ba đã chết. Từ hôm qua, hôm kia. Từ năm trước, năm trước nữa. Từ khi người ta cố tình dựng nên những đền thờ vô nghĩa. Và, kể cả từ những bức rèm quá khứ chưa bao giờ được vén lên hoặc làm sáng tỏ.
Câu trả lời còn nằm đâu đó dưới huyệt mộ.

Bạn lửng lơ như quả bóng bay. Cố tình kiếm tìm nhiều hơn những sắc màu của hi vọng trên bầu trời chỉ toàn mây xám. Quả bóng bể tan. Bức tượng người mẹ khổng lồ, bỗng dưng khòm lưng xuống nhìn mặt đất, nhìn manh chiếu cũ rách có chín bát cơm và chín bát nhang cháy dở dang. Một giọt máu rớt ra từ khóe mắt bằng xi măng cốt thép. Họ vẫn nắm tay nhau cười, cụng li và chúc tụng. Tôi ước, giá như người mẹ khổng lồ ấy sẽ nằm ở cửa ngõ của biển đông, có khi trái tim mẹ được ủi an bội phần. Rằng mình: vẫn còn có ích cho đất nước. Bông hoa nào tốt tươi, đẹp rạng ngời như nụ cười của mẹ vào những tháng ba không còn nữa sắc màu u ám từ nơi các con mẹ đã nằm xuống.

Hình như có rất nhiều khói từ cánh rừng nào đó vừa mới trồng lên cách đây không lâu trong lễ mừng năm mới ở xứ sở này, đang bốc cháy vì một ngọn lửa vô tình dưới ánh mặt trời chiều đã tắt.

 

Băng Khuê

Chủ Nghĩa Dada (Dadaism) — Câu hỏi về Nghệ thuật hay một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn?

Featured image: Marcel Duchamp, LHOOQ, 1919

 

 

Vào ngày 28/11/2010, Yoko Ono, nghệ sĩ đa phương tiện, ca sĩ, đã trình diễn bản Voice Piece for Soprano tại Triển lãm nghệ thuật đương đại tại New York. Video này của bà đã trở nên vô cùng nổi tiếng khi bị số đông giễu nhại rằng âm thanh bà tạo ra là “vô nghĩa,” “như mèo gào đực,” “ai cũng làm được”…và cho rằng những âm thanh này phát ra hoàn toàn vô thức, ngu xuẩn. Vậy tại sao khán giả tại triên lãm vỗ tay hưởng ứng? Tại sao Bảo tàng nghệ thuật New York phê duyệt tiết mục này? Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và một sự ngẫu nhiên vô nghĩa? Muốn trả lời những câu hỏi trên, ta cần tìm hiểu Dadaism (Chủ nghĩa Dada).

1. Nguồn gốc

Dada, cái tên như mô phỏng tiếng kêu vô nghĩa của đứa bé. Đồn rằng cái tên đã tạo thành khi những người tiên phong của chủ nghĩa cắm một con dao vào giữa quyển từ điển, một hành động phỉ báng những giá trị truyển thống. Con dao đã cắm vào đúng trang có từ Dada (tiếng Pháp: ngựa gỗ đồ chơi). Vây là một cái tên vô nghĩa để thể hiện bản chất của chủ nghĩa đã được hình thành. Vậy Dadaism sinh ra từ tư tưởng nào?

Năm 1914, Thế chiến I nổ ra khiến Châu Âu lâm vào cảnh cực kỳ rối ren. Các nghệ sĩ (phần lớn người Đức, người Pháp) đã trở về tị nạn ở Thụy Sĩ. Vốn vô cùng nhạy cảm, họ trở nên căm phẫn với xã hội Châu Âu, tin rằng chính những niểm tin truyền thống (chủ nghĩa vật chất, lý trí, thói trưởng giả) là nguyên nhân của chiến tranh và sự tàn bạo.

Từ năm 1916, nhóm nghệ sĩ gắng sức tạo ra những thứ vô lý, phi lý, đi ngược với tất cả những quan niệm thông thường trong xã hội để chế giễu chính chế độ bấy giờ với các nguyên tắc của nó. Nghệ thuật (nhất là hội họa và nghệ thuật thị giác) là lĩnh vực họ tấn công dễ dàng nhất. Nói cách khác, một cách rất mỉa mai, những người tiên phong đã dùng nghệ thuật để báng bổ nghệ thuật và các giá trị đi kèm nghệ thuật trong xã hội. Thứ nghệ thuật họ dùng làm công cụ chế giễu này được tạo ra với mục đích càng châm biếm, vô nghĩa, mang tính đả phá, báng bổ thì càng được đề cao. Phần lớn, họ tạo ra những tác phẩm Dadaism từ những kiệt tác được xã hội tôn vinh hoặc từ những vật dụng rất tầm thường có sẵn (readymade)

Dòng chảy (1917) bởi Marcel Duchamp. Ký tên Richard Mutt và gửi một cái bồn tiểu tới triển lãm của Hội đồng Họa sỹ tự do, Duchamp đã tạo ra tác phẩm mang tính cột mốc và ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 (bình chọn bởi 500 chuyên gia nghệ thuật vào năm 2014). Theo triết gia Stephen Hicks, tác phẩm này mang thông điệp đả kích quan niệm nghệ thuật vốn có một cách rõ ràng: Nghệ sĩ là chỉ là người góp nhặt, mua hàng; nghệ thuật là thứ được sản xuất hàng loạt; là thứ gây cảm giác kinh tởm; và là cái mà người ta tè vào.

LHOOQ (1919) sáng tác bởi Marcel Duchamp. LHOOQ nghĩa là “Cô ấy đang có ngọn lửa tình nơi hạ bộ” (Tiếng Pháp). Với việc vẽ thêm râu cho bức Mona Lisa nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci, đặt lại tên và đặt nó vào triển lãm, Duchamp đã có một tác phẩm đầy báng bổ, đậm tính Dada.

Những năm từ 1917 đến 1924, Dadaism, sinh ra từ tư tưởng phản chiến đã lan ra toàn thế giới, nổi trội ở những nơi như Berlin, New York, Paris, Italy, Tokyo, Zurich, Yuhoslavia,…và phát triển mạnh ở Hoa Kỳ. Những cái tên tiêu biểu nhất là Marcel Duchamp, Tristan Tzara, Picabia,…

2. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Dadaism

Dadaism đã làm thế giới nhận thức lại về các giá trị vốn có và nghi ngờ các quan niệm vẫn được tôn vinh trong xã hội. Sự mất niềm tin sau chiến tranh đã khiến thế giới định nghĩa lại văn hóa và văn minh, mà tiên phong là những người nghệ sĩ. Chủ nghĩa Dada chính là một lời chỉ trích lớn để phỉ báng thời đại bấy giờ và mở ra cơ hội để còn người nhìn thấy chân lý.

Với tính nổi loạn và xúc phạm đến tiêu cực, Dadaism đã vẽ đường cho lối tư tưởng mới liên tục nghi ngờ cái cũ và vì thế, thúc đẩy sự sáng tạo. Dadaism là tiền để cho những trường phái nghệ thuật sau đó: Vị lai (Futurism), Lập thể (Cubism), Biểu hiện (Expressionism), Siêu thực (Surrealsim), trừu tượng (Abstract) và Hiện thực mới (New Realism). Tất cả những trường phái này đã làm nên nền Hội họa hiện đại với một quan niệm nghệ thuật cực kỳ mới.

Như vậy, Dadaism là một thứ nghệ thuật mới, đả phá truyền thống và thường dùng những hình thức thể hiện dường như “vô nghĩa”.

3. Câu hỏi về Nghệ thuật hay một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn

Quay trở lại với Yoko Yono. Tôi cho rằng bà cũng là một người tiên phong đang thử nghiệm một trào lưu mới. Trong cảm nhận cá nhân của tôi, những tiếng hú, hét mà Yoko tạo ra thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tự nhiên: có thỏa mãn, có kinh sợ, có hoảng hốt có dằn vặt. Tiếng thét có nhịp điệu, nhấn nhá như đay nghiến. Từng âm thanh phát ra được ngân dài và dai, lặp lại nhiều gây cảm giác hoảng loạn. Có đoạn nghe như tiếng thở đầy khoái cảm khi làm tình, có khi nghe xót xa như con thú mắc bẫy. Sự mô phỏng của Yoko cũng như Kitaro, một nhạc sĩ người Nhật, mô phỏng âm thanh nước chảy, lá kêu vậy. Chỉ có điều những âm thanh của Kitaro mang những nhiệp điệu êm dịu hợp với những hợp âm xã hội cho là hài hòa:

Hoặc nghĩ khác đi, có thể Yoko đang muốn châm biếm thứ nhạc hiện thời chứa quá nhiều quy chuẩn và luật lệ gò bó? Tác phẩm của Yoko mang đầy bản năng, sự “vô nghĩa”, những thứ là bản chất của Dadaism. Ta buộc phải chấp nhận sự tồn tại đầy mục đích của thứ nghệ thuật vô nghĩa này. Nếu thứ nghệ thuật này là dễ dàng và vô thức, tại sao chúng ta không làm mà chỉ có Yoko làm? Điểm khác biệt là Yoko đã để ý và dám khai thác những âm thanh tưởng chừng vô thức và ngẫu nhiên rồi biến chúng thành tác phẩm, những người còn lại thì không. Để ý nét thú vị của hiện thực đời thường rồi đem chúng vào trong nhận thức của cộng đồng chẳng phải luôn là cách khai thác nghệ thuật sao?

Cuộc tranh cãi liệu một tác phẩm có xứng đáng là nghệ thuật hay chỉ là một sự tình cờ theo tôi là cuộc tranh cãi cực kỳ vô nghĩa. “Nghệ thuật nằm trong mắt của người cảm nhận.” Những đánh giá về cảm quan nghệ thuật mang đầy tính chủ quan và không bao giờ có thể chứng minh. Những tác phẩm không thể mang ra đóng dấu theo kiểu kiểm duyệt theo kiểu “Có nghĩa”, “Vô nghĩa”.

Với tôi, chừng nào tác phẩm có mang một tầng ý nghĩa và hướng đến một mục đích nhất định, dù là châm biếm công kích hay mục đích gây khoái cảm đơn thuần,…thì nó có đủ phẩm chất trờ thành nghệ thuật.

 

Khánh Khánh

 

Tham khảo

  • Ảnh 1: Marcel Duchamp, Fountain, 1917
  • Ảnh 2: Marcel Duchamp, LHOOQ, 1919
  • http://en.wikipedia.org/wiki/Anti-art
  • http://www.thietketaodang.com/index.php?option=com_content&view=article&id=123:trng-phai-hi-ha-ea-ea-dadaism&catid=46:design-style&Itemid=71
  • http://arthistory.about.com/cs/arthistory10one/a/dada.htm