26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 145

Bỗng dưng muốn ngồi xuống

Featured image: ommation

 

Và, cất tiếng hát ca vang ở những vỉa hè nào đó trên phố đông người lại qua.

Tôi biết mình chỉ là một kẻ đi hoang, quên mất lối về, quên mất những rong rêu của kí ức xa xưa còn nằm đâu đó, hoặc ngủ mê trong chốc lát. Tôi vẫn chỉ là tôi, một ngày gió bụi cuốn tung mù mịt nơi xứ người, bỗng nghe mùa ve không còn là những vui tươi rộn rã như thường lệ vào đầu tháng tư nữa. Tôi mộng tưởng, huyễn hoặc hóa dấu chân mình in thành vết trên mỗi chặng đường đã đi qua bằng nước mắt, bằng những nỗi đớn đau, chia biệt chỉ để mong được lắng nghe thêm những yêu thương thật thà ở phía nào đó của chốn bình yên nhiều hoa thơm cỏ ngọt cho tất thảy mỗi thân phận có mặt trên cõi đời, dù là mặt người hay chỉ là ánh mắt cần được cứu rỗi của một chú chó con.

Gió bụi thổi qua, cay xè hay rát bỏng trong mắt tôi?

Sớm hôm nay, nắng hòa vào tiếng ghita vang vọng phía đầu đường, từ con hẻm ngày xưa, mỗi lần tôi đi qua, đang tràn ra cả phố. Trời Huế chập chờn, như mây mưa mùa đông, rủ rỉ sẻ chia và tưởng nhớ người quá cố. Tôi, lấp lửng đôi chân, thôi bước, dừng lại và hát thật to giữa những người xa lạ không hề quen biết.Hát như bao giờ được hát, hát như đã từng hát trước đây trong đêm khuya vắng, khi tất thảy những âm thanh chỉ còn là tiếng thở đều đều hòa âm với gió. Và, chỉ còn lại tôi, chỉ còn lại những người bạn dưới chân cầu thang kí túc xá sinh viên, say mê gõ, rồi hát theo phách nhịp, theo từng nốt nhạc lên bổng xuống trầm, lúc cao vút, hoặc có khi chùng lại tắc ở đâu đó bởi những nghẹn ngào tuổi thơ đuổi bắt tận trong cùng mạch máu.

Đá sỏi dưới chân, nhiều khi cứ ngỡ chỉ là giấc mơ đời tứa máu chăng?

Hình như không phải thế, tôi chập chờn nửa mê nửa mộng, để rồi nhận ra mình tỉnh hơn bao giờ hết giữa những lựa chọn, giữa những bước chân, giữa những xốn xang mong nhớ xa xôi về chốn nào đó đã sinh ra tôi. Thôi, thì ngồi bệt xuống đây, ở đâu cũng thế, có khác chi nhau. Nơi nào cũng thế, cũng đầy nỗi đau. Tôi, sẽ nghe bạn hát, hoặc sẽ tự mình kể cho ai đó, người đi đường cùng tôi chẳng hạn, về những vết sẹo lồi lõm trên mu bàn chân mình. Ngày nắng, phút chốc chuyển thành xám xịt. Ngày gió bụi, phút chốc chỉ còn mỗi mình tôi. Ngày mưa, cho tôi xin những âm u kia hóa thành tro tan vào lòng biển khơi mặn đắng cùng hạt muối đang trôi dần về phía khác.

Ngồi xuống đây, tôi với người hãy hát những lời xưa cũ vẫn còn dở dang, nổi trôi trong từng kí ức của bao kẻ đi từ dưới mặt đất lên, đang khóc nức nở theo từng tiếng ca chết, theo lời cỏ cây rì rầm mỗi khi trời gần về sáng.

“ta đã thấy gì trong đêm nay…”

Tôi có thể không thấu nhận hết được những điều đã qua, đã nằm sâu dưới bao nhiêu lớp đất, nhưng tôi sẽ hát lên những câu kinh như lời cầu nguyện thẳm sâu, chỉ mong hàng vạn linh hồn được nghỉ yên, được lắng nghe thêm những khúc ru thương yêu đời đời.

Ngồi xuống đây, gõ phách nhịp cùng tôi

Hãy để tiếng ca thay thế, hòa vào lòng kẻ còn sống, còn ngửa mặt nhìn mặt trời mỗi sáng sớm những xúc cảm chỉ có ở trái tim, chỉ nằm ở một phía duy nhất, nơi lồng ngực phải, nơi khiến cho con người còn chút ít thi vị mang ơn cứu rỗi.

Ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây.

Có tiếng vọng trả lời nào không, khi gối đã chùng, chân đã muốn được dăm ba phút nghỉ ngơi, lời ca đã sẵn sàng cất cao, nước mắt đã muốn rơi ngược vào phía thẳm sâu tận cùng, để nở dù chỉ một nụ cười chát đắng.

Bỗng dưng, nghe gió xôn xao. Bỗng dưng, nghe bão mùa hè vồ vập dưới cơn mưa đổ vội ở phía sau lưng mình. Tháng tư chầm chậm, tưởng chừng như đang đưa ru những lời xa vắng, vẫn còn nguyên dư âm buồn tênh xa xót:

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Gia tài của mẹ, để lại cho con. Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn…”

 

Băng Khuê

 

 

 

 

 

Tip hay không tip?

Featured image: Aeon

 

Thật dễ chịu và mãn nguyện sau khi thưởng thức một bữa ăn dưới bóng râm trên tầng thượng ngập nắng của một nhà hàng tại Vernazza, một ngôi làng đẹp như tranh vẽ ở Liguria, trên bờ biển phía tây bắc Italy. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp phải đi đến hồi kết, và để báo hiệu bữa trưa kết thúc, tôi đã phải thực hiện nghi lễ chia tay cuối cùng: để lại tiền tip (tiền boa).

Hoặc có lẽ không. Kỳ nghỉ của tôi đã được vài ngày và tôi nhận ra rằng, trái với thói quen của tôi ở quê nhà, tôi không để lại tiền tip, vì tôi hiểu rằng đó không phải là cách người Ý làm. Nhưng sau đó tôi bắt đầu lo lắng những suy nghĩ của mình đã lỗi thời. Vì vậy, tôi thẳng thắn hỏi người phục vụ về phong tục địa phương. “Khách có thể thêm một hoặc hai Euro, nhưng không được hơn thế,” người phục vụ nói. Lúc đầu, tôi thấy nhẹ nhõm, nhưng sau đó tôi nghĩ, không biết anh bồi bàn của chúng ta có quen với việc du khách sẽ tip tiền theo thói quen của khách như ở nước bản xứ của họ hay không? Vì vậy, tôi hỏi người phục vụ nghĩ gì nếu một người Mỹ chỉ tip một đồng Euro lẻ. ‘Tirchio’ là câu trả lời của anh chàng: keo kiệt. Khi ở Rome, bạn có thể làm như người La Mã, nhưng đừng luôn mong đợi sẽ được cảm ơn về điều đó.

Việc tip tiền thật khó hiểu, và nghịch lý. Chúng ta tip tiền cho những người phục vụ, nhưng không tip cho những người khác làm việc vất vả nhưng đồng lương lại ít ỏi. Ở Tokyo nếu để lại tiền tip thì đó là sự xúc phạm, nhưng ở New York sẽ là thô lỗ nếu không tip nhiều tiền. Chúng ta giả định rằng mục đích của tiền tip là để khuyến khích việc phục vụ tốt nhưng chúng ta lại chỉ tip sau khi dịch vụ đã được thực hiện, lúc đó đã quá muộn để thay đổi, và thường là tip cho những người sẽ không bao giờ phục vụ chúng ta lần nữa. Việc tip tiền đã thách thức cả các nhà kinh tế lẫn các nhà nhân chủng học hiểu biết vừa sâu vừa rộng. Hiểu cách thức và lý do tại sao chúng ta tip tiền là bắt đầu hiểu được con người chúng ta phức tạp và hấp dẫn.

Các sử gia đều đồng ý rằng việc tip tiền ban đầu là tục lệ của tầng lớp quý tộc. Ở nước Anh vào đầu thế kỷ thứ 17, khách viếng thăm một tư gia khi ra về sẽ để lại một số tiền nhỏ, được gọi là tiền thưởng (vail), cho những người tôi tớ trong nhà. Tập tục này mở rộng sang các quán cà phê, sau đó đến các loại hình dịch vụ khác và cuối cùng lan truyền ra nước ngoài.

Bản thân từ “tip” có nguồn gốc không rõ ràng. Nguồn khả dĩ nhất là từ tiếng Latin stips, có nghĩa là một món quà. Kể từ lúc Oxford English Dictionary (từ điển tiếng Anh Oxford) trích dẫn sử dụng lần đầu vào năm 1706, gần như ai cũng gán từ “tip” là viết tắt cho cụm từ “To Insure Prompt Service” (Để bảo đảm phục vụ nhanh chóng), một ký hiệu mà Samuel Johnson cho biết nhìn thấy trên một lọ đựng tiền tip trong một quán cà phê thế kỷ 18. Tiền tip hiếm khi đảm bảo được những điều như vậy. Giống như tiền thưởng khi khách ra về, hầu hết tiền tip được đưa ra vào lúc quá muộn, không thể thay đổi sự phục vụ. Điều này khiến các nhà kinh tế lúng túng, họ không thể hiểu tại sao người ta phải trả thêm tiền cho một dịch vụ lẽ ra cần phải như thế.

Việc tip tiền để được phục vụ tốt hơn không chỉ tồn tại lâu dài bất chấp thời gian, nó còn là một thách đố dưới góc độ quan sát thực tế. Các nghiên cứu cho thấy sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ít quan hệ chặt chẽ với việc khách tip nhiều hay ít. Có cách khác giúp tăng số tiền tip dễ dàng hơn việc phục vụ tốt, chẳng hạn như “tăng mức bán hàng (upsell)”: thuyết phục khách gọi món nhiều hơn, hoặc gọi món đắt hơn (thực phẩm và đồ uống). Hóa đơn thanh toán càng lớn thì tiền tip thường càng nhiều, vì hầu hết mọi người tip theo phần trăm.

Các nhà nhân chủng học cũng như các nhà kinh tế đều đau đầu với việc tip tiền. Trong nhiều thập kỷ, họ chấp nhận sự phân biệt giữa quà tặng và nền kinh tế hàng hóa (hoặc trao đổi), do nhà nhân chủng học người Ba Lan Bronisław Malinowski và nhà xã hội học người Pháp Marcel Mauss đưa ra trong những năm đầu đến giữa thế kỷ 20. Trong nền kinh tế trao đổi, chẳng hạn như các quốc gia công nghiệp phát triển hiện nay, hàng hóa và dịch vụ chỉ đơn giản là được mua, thường là bằng tiền nhưng đôi khi bằng hình thức hàng đổi hàng. Trong những nền văn hóa này, một món quà không còn là một món quà, nếu kỳ vọng được nhận lại cái gì đó. Tuy nhiên, có những quy tắc và tập quán ngầm đảm bảo việc trao đổi này tồn tại theo thời gian, người tặng trở thành người nhận, và cả hệ thống hoạt động vì lợi ích chung của tất cả.

Bất kỳ nhà hàng nào thực khách thấy đáng đồng tiền bát gạo đều hiểu ý nghĩa quan trọng của hai yếu tố trong thuật ngữ “hospitality industry” (hospitality hàm chỉ hai nghĩa: “ngành nhà hàng khách sạn” và “lòng hiếu khách” – ND). Vâng, thực khách trả tiền, nhưng nhân viên phải đảm bảo họ cảm thấy là khách, không chỉ là người mua. Đó chắc chắn là cách bếp trưởng tại Noma ở Copenhagen, bốn lần chiến thắng giải thưởng nhà hàng tốt nhất thế giới, nhìn thấy. “Hầu hết nhân viên trong nhà hàng làm mọi thứ họ có thể làm cho khách,” René Redzepi nói. “Tiền tip là sự ghi nhận điều đó.”

Shaun Hill, chủ nhà hàng Walnut Tree ở Abergavenny xứ Wales, đưa ra một ví dụ hay minh họa khi nào cần để lại tiền tip. “Nếu bạn thức đến hai giờ sáng ngồi nhâm nhi món đồ uống tráng miệng và trò chuyện với người bạn thân mới nhất, và thế là một kẻ tội nghiệp nào đó phải ngồi đợi đến khi bạn biến về nhà mà không tính thêm tiền. Tiền tip trong trường hợp này là cách ứng xử tốt, tất nhiên trừ khi bạn đồng ý phải ra về ngay sau khi uống xong cà phê.”

Ý nghĩa phức tạp của tiền tip phản ánh vai trò đa dạng của một nhà hàng. Một phần đó là hình thức thanh toán, là phần thưởng tài chính thuần túy cho một công việc được thực hiện tốt. Nhưng đó cũng là biểu hiện của lòng biết ơn, một cách để giúp nhân viên có được phần nào niềm vui mà chính bạn cũng đã được trải qua. Có lẽ đó là lý do tại sao một số nhân viên phục vụ nói rằng họ sử dụng thu nhập của mình theo hai phần khác nhau: thanh toán các hóa đơn bằng tiền lương và vui vẻ buổi tối bằng tiền tip.

Không có lời giải thích nào có thể lý giải chung cho việc tip tiền, vì nhìn dưới góc độ địa điểm sẽ gặp khúc mắc. Khi nào chúng ta tip tiền và tip như thế nào thay đổi tùy theo giá trị và truyền thống của mỗi nền văn hóa. Một trong những yếu tố liên quan là bản chất và tầm quan trọng của sự tôn trọng. Dường như công việc nhà hàng được tôn trọng nhiều bao nhiêu trong xã hội, thì nhân viên được tip tiền ít bấy nhiêu. Do đó, Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia trên thế giới mà việc tip tiền được xem là thô lỗ, vì như vậy là không tôn trọng người phục vụ. Trong văn hóa Nhật Bản, mỗi người hoàn thành vai trò của mình một cách tốt nhất trong khả năng là thể hiện phẩm cách của mình. Không phải mọi công việc đều có địa vị bình đẳng như nhau, nhưng mỗi việc được tôn trọng phù hợp riêng với nó. Việc tip tiền cho thấy chỉ làm công việc của bạn là không đủ, và cho thấy người phục vụ không có phẩm giá như những người làm cùng công việc giống mình mà không có tiền tip.

Trong thế giới phương Tây, các kiểu tip tiền dường như cũng có liên quan đến sự tôn trọng. Tại Bắc Mỹ, bồi bàn là công việc có địa vị rất thấp và có tiền tip cao. Ở Anh cũng tương tự như vậy. Nhưng ở lục địa châu Âu, phục vụ là nghề được kính trọng hơn. Hãy suy nghĩ một chút về những hình ảnh tiêu biểu về một người phục vụ ở Pháp hay Anh. Bồi bàn ở Pháp (garcon) thường là một người đàn ông lớn tuổi, đầu hói đã phục vụ món bít-tết khoai tây chiên (steak-frites) trong suốt cả đời của mình; trong khi bồi bàn ở Anh là một thanh niên, có thể là một sinh viên, đi làm kiếm thêm một số tiền cho đến khi có được một “công việc thích hợp”.

Cho rằng tiền tip có mối quan hệ nghịch với sự tôn trọng là ý kiến thú vị, giúp giải thích tại sao người Scandinavian là một trong những người tip tiền ít nhất ở châu Âu. Thật vậy, Tore Skjelstadaune, lãnh đạo Hiệp hội công đoàn Na Uy (Fellesforbundet), một tổ chức trong đó bao gồm nhân viên nhà hàng, nhân viên phục vụ, nhân viên khách sạn ở Oslo, đã lên tiếng phản đối tiền tip, trừ trường hợp dịch vụ cực kỳ tuyệt vời. “Trên nguyên tắc, bạn cần phải có một mức lương đủ sống ở Na Uy,” ông nói với tờ báo trực tuyến Na Uy Nettavisen vào năm 2013.

Điều này phù hợp với những phát hiện của Michael Lynn, giáo sư về marketing và hành vi người tiêu dùng tại Cornell, cho rằng tỷ lệ tiền tip giảm khi tỷ lệ GDP quốc gia từ việc thu thuế tăng. Vì vậy, ở những nước Scandinavia có mức thuế cao, sự tôn trọng đòi hỏi toàn thể xã hội phải được cấu trúc theo cách nào đó đảm bảo một mức sống tốt cho tất cả mọi người. Tôn trọng mỗi cá nhân một cách đúng nghĩa tức là là đảm bảo mỗi người có được cuộc sống thoải mái nhờ làm việc chăm chỉ, và điều đó có nghĩa là phải trả một mức lương công bằng. Đó là lý do tại Noma ở Copenhage mức tiền tip trung bình chỉ là ba phần trăm.

Nhìn dưới góc kính này, việc tip tiền trông giống như một hiện tượng lỗi thời từ khi mà nhân viên nhà hàng có vị trí thấp nhất trong những vị trí thấp, với quyền lợi nằm đâu đó giữa mức tối thiểu và không tồn tại. Shaun Hill nhớ lại khi thực khách không chỉ “trả phần lớn tiền lương nhân viên phục thông qua tiền tip”, mà các đầu bếp còn kiếm được một số tiền đáng kể từ các nhà cung cấp nhờ vào những phong bì màu nâu hàng tháng với số tiền khoảng năm phần trăm hóa đơn sản phẩm được bỏ trong đó. Tại Anh, sự phụ thuộc vào tiền thưởng vẫn còn phổ biến cho đến năm 2009, khi mà việc chủ lao động sử dụng tiền tip để nâng thu nhập của người lao động bằng mức lương tối thiểu được phán quyết là bất hợp pháp. Nhưng mà ngành ăn uống đã không còn là thiên đường của người lao động kể từ đó. “Hiểu rõ ngành công nghiệp nhà hàng từ bên trong,” Redzepi nói, “Tin tôi đi, với mức lương thấp đến nổi hầu hết đầu bếp và bồi bàn đều thấy khó khăn để xoay sở cuộc sống, thì tiền tip thật sự giúp thu nhập hàng tháng của người lao động thoải mái hơn nhiều.”

Vì liên quan đến mức lương và địa vị thấp trong lịch sử và hiện tại, không ngạc nhiên gì khi một số người đã cố gắng xóa bỏ tiền tip hoàn toàn. Năm 1904, William R Scott thành lập Hội phản đối tiền tip Hoa Kỳ (Anti-Tipping Society of America). Scott, tác giả của The Itching Palm: A Study of the Habit of Tipping in America (1916) (Ngửa tay xin tiền tip: Nghiên cứu về thói quen tip tiền ở Mỹ), cho rằng tiền tip khuyến khích người ta “sẵn sàng hạ thấp mình để được đoái hoài”, và đó là một sự thoái lùi phi dân chủ trở về thời kỳ Quân Chủ Châu Âu. Chiến dịch của ông đã dẫn đến lệnh cấm việc đưa tiền tip, vào những năm 1910, ở Arkansas, Georgia, Mississippi, Iowa, South Carolina, Tennessee và bang Washington (mặc dù tất cả các luật này đã được bãi bỏ vào những năm 1920). Ông sẽ xót xa biết bao khi thấy nước Mỹ ngày nay là quê hương của những người tip tiền nhiều nhất trên thế giới. Đó là một nghịch lý nữa khi mà việc tip tiền vừa mang tính Mỹ đặc sắc, vừa không mang tính Mỹ một cách cơ bản.

Có thể giải thích việc tip tiền gây ra tính căng thẳng trong các giá trị Mỹ bằng dữ kiện này: Mặc dù Hoa Kỳ là một nền văn hóa bình đẳng trong khát vọng, nó lại không chia sẻ quan điểm với nhóm cánh tả châu Âu về thành quả kinh tế. Tại Hoa Kỳ chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, sự tôn trọng bình đẳng cho mọi người nghĩa là tạo điều kiện cho người dân được tự do trong những lựa chọn của riêng mình, trong việc kiếm sống của mỗi người, với càng ít sự can thiệp của nhà nước càng tốt. Vấn đề là cơ hội như nhau, hơn là tiền lương như nhau. Điều này có nghĩa là nhân viên phục vụ ở Mỹ thật sự vẫn dựa vào tiền tip để thanh toán các hóa đơn của họ.

Khác biệt văn hóa cũng có thể được giải thích một phần bởi “lý thuyết công bằng” do John Stacey Adams, nhà tâm lý học hành vi tại nơi làm việc, phát triển vào năm 1963. Ông cho rằng tính xã hội khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, phiền muộn khi mối quan hệ của chúng ta với người khác không công bằng. Ở Nhật Bản hay Na Uy, việc đưa tiền tip làm nổi bật sự khác biệt địa vị, tăng cảm giác về tính bất bình đẳng và vun cao thêm cảm giác khó chịu. Ở Anh và Hoa Kỳ, tuy nhiên, tiền tip được xem là làm giảm sự bất bình đẳng về tài chính giữa khách hàng và nhân viên, và do đó làm giảm sự căng thẳng.

Ngay cả khi việc đưa tiền tip từng bị xem là hạ thấp phẩm giá, bây giờ chuyện đã khác. Không ai trong số những người bồi bàn tôi đã nói chuyện có ý thức mạnh mẽ rằng việc đưa tiền tiếp là có ý xem thường họ. Có lẽ một lý do là cách đây không lâu, mọi người đều chấp nhận rằng địa vị xã hội được quyết định phần nhiều khi được sinh ra. Bây giờ chúng ta sống trong một thế giới linh hoạt hơn, làm thay đổi tác động qua lại giữa khách hàng và nhân viên phục vụ. Không còn trường hợp một người có địa vị xã hội cao hiển nhiên phải được phục vụ bởi người bồi bàn thấp kém hơn. Người phục vụ tôi hôm nay có thể sẽ được người khác phục vụ sau này. Người pha chế có thể có năng lực cao hơn người khách đang nhấm nháp ly cocktail. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao bây giờ bạn sẽ thấy khách hàng nào đối xử kiêu căng ngạo mạn với nhân viên phục vụ thường sẽ bị nhân viên và các thực khách khác khinh thường.

Do đó sẽ hơi quá đáng nếu buộc tội việc đưa tiền tip vốn dĩ là sai. Nhưng khi cho rằng có nhiều cách khác nhau trong việc tổ chức việc đưa và nhận tiền tip, thì cách nào, nếu có, là công bằng?

Một số nhà hàng đã cố gắng bỏ hoàn toàn việc đưa tiền tiếp tự nguyện. Tại Anh, phí dịch vụ được tự động cộng thêm đã trở nên cực kỳ phổ biến. Tại Mỹ, nhà hàng Linkery ở San Diego áp dụng mức phí dịch vụ 18 phần trăm và thông báo với khách hàng không đưa tiền tip, trong khi Toast Kitchen & Bar ở Oakland cộng thêm 15 phần trăm cho các hóa đơn, và để khách hàng tùy ý có muốn tăng lên 20 phần trăm hay không. Redzepi mạnh mẽ chống lại xu hướng này. “Tôi không thích mức tiền tip cố định, như bạn nhìn thấy ở một số nơi,” ông nói. “Nó phải dựa trên trải nghiệm cá nhân của khách và khả năng thanh toán của họ.”

Tại nhà hàng cũ của mình, Merchant House ở Ludlow, Hill cộng gộp phí dịch vụ trong mức giá, nhưng làm vậy chỉ khiến cho nhà hàng trông đắt hơn các đối thủ cạnh tranh tách riêng biệt phần dịch vụ ra. Tại nhà hàng mới của mình, Walnut Tree, phần phí dịch vụ là tùy ý. Nhưng ông lý giải tại sao một số cơ sở tự động cộng thêm phí dịch vụ khi phục vụ các buổi tiệc: “Bàn ăn lớn cần nhân viên phục vụ nhiều hơn nhưng tiền tip luôn ít hơn một cách không cân xứng.”.

Theo ý tôi, phí dịch vụ tự động hạ thấp bản chất của tiền tip, biến nó từ một món quà trực tiếp do thực khách gửi đến nhân viên phục vụ trở thành một loại phụ phí, do người sử dụng lao động làm trung gian thu phí. Nó làm đảo lộn tính cân bằng tinh tế mà một nhà hàng phải duy trì giữa việc kinh doanh và sự hài lòng vui vẻ.

Ngay cả khi tiền tip mang tính tự nguyện, nhiều cơ sở đã gây áp lực lên tính hào phóng của khách hàng bằng cách buộc họ phải rộng rãi hơn. Có một xu hướng là khi khách hàng được giao thiết bị thanh toán điện tử, khách sẽ được đưa ra các lựa chọn về mức tiền tip theo các tỷ lệ khác nhau. Thông thường, mức thấp nhất trong những tỷ lệ này, hoặc mức mặc định, cao hơn mức trung bình hiện nay, và bất cứ ai muốn tip ít hơn phải cương quyết lắm mới làm được, và họ buộc phải cảm thấy mình keo kiệt.

Về lâu dài, tôi nghi ngờ tất cả những nỗ lực nhằm áp đặt hoặc thúc đẩy khách hàng đưa tiền tip hào phóng sẽ chỉ làm cho khách cảm thấy ít rộng lượng hơn thôi, vì mọi người ai cũng ít sẵn lòng cho đi khi cảm thấy bị ép buộc phải làm như vậy. Và khi phí phục vụ càng trở thành một chuẩn mực bao nhiêu, thì càng ít người nghĩ đến việc đưa tiền tip tùy ý bấy nhiêu.

Mặc dù tiền tip thường được xem là hệ thống khen thưởng tài chính thô thiển và không hoàn hảo, nhưng ở mức tốt nhất, nó giúp trải nghiệm ẩm thực của chúng ta mang tính nhân văn hơn tính thương mại. Hãy xem xét những phát hiện của Michael Lynn: Những bữa tiệc lớn lại có tiền tip ít hơn, tính theo tỷ lệ tổng hóa đơn; khách hàng quen thuộc có xu hướng tip nhiều hơn; và người ta thường tip hào phóng hơn cho người khác giới. Tổng hợp những yếu tố này lại cho thấy mối quan hệ giữa khách hàng và nhân viên phục vụ càng mang tính cá nhân bao nhiêu, thì tiền tip càng có ý nghĩa bấy nhiêu. Hóa đơn chỉ thuần túy mang tính trao đổi tài chính, nhưng tiền tip, khi là một cử chỉ hoàn toàn tự nguyện, thể hiện bữa ăn tối của bạn có ý nghĩa lớn hơn một giao dịch thương mại nhiều.

 

Tác giả: Juian Baggini

Dịch: Võ Quân


 

Julian Baggini là nhà văn và biên tập viên sáng lập The Philosophers’ Magazine. Tác phẩm mới nhất của ông là “The Virtues of the Table” (2014).

Thư gửi ký ức

Featured image:  ewitsoe

Chán chường.
Dưới ánh đèn huỳnh quang chói chang
tôi ngồi đây
gõ bàn phím.
Đôi tay khô ráp tê buốt vì lạnh.
Mà ngoài trời gió vẫn quần quật
qua những hàng cây.
Muốn tập trung tư tưởng
để viết một thứ gì đó
có giá trị
mà sao khó quá.
Hết vò đầu rồi lại bứt tóc
ánh mắt thẩn thơ xa vắng.

Trong trí óc
bao ý tưởng đang trải dài
như cánh đồng bất tận
nhưng ý nào cũng cạn và nông.
Cảm giác bất lực xâm chiếm.
Ai cho ta sức mạnh
đập tan mọi khó khăn?
Trí óc quay mòng mòng.
Choáng váng
Quay trở lại nào!
Trôi đi đâu
Trôi về miền mơ tưởng
Trôi theo những ước mơ
Trôi vào trang sách mở
Trôi cùng ánh đèn điện
Trôi vèo tiếng gió kêu
Vô định…
Xa xăm…
Trống rỗng…

Có lẽ
ta cần những khoảng trống
để tâm hồn thanh thản.
Đôi chân đã mệt
phải có lúc nghỉ ngơi.
Cố hoài mãi sao đặng?
Thở dài nối tiếp mạch suy nghĩ
Ôi chao!
Rời rạc, rối rắm, rác rưởi.

Cho ta một phút
nhìn lại mình
nhìn vào gương
nhìn vào tâm.
Sao xác xơ, héo hon đến lạ?
Tìm đâu nguồn nước suối tưới mát tâm hồn ta?
Rời xa ồn ào
những thanh âm xô bồ
cái bức bối quay cuồng thời công nghệ.
Tìm về cỏ cây
hoa lá.
Mẹ thiên nhiên luôn sẵn lòng
đón nhận những đứa con lầm lạc
với tình yêu thương vô hạn
mà không bao giờ nghĩ suy.
Vỗ về ta trong ánh nắng ban mai
ôm ấp ta qua mùa đông giá lạnh
quạt mát ta những ngày nóng nực
hơi thở ngọt ngào chan chứa hương hoa.
Hít thở đi
nhẹ nhàng, từ tốn
không vội vàng, gấp gáp làm chi.
Hít vào đón nhận yêu thương
thở ra trao gửi chân tình.
Cuộc sống không cần quá vội
Nhấm nháp, nhẹ nhàng mà tận hưởng.
Vậy thôi!

Viết trong những ngày cao nguyên lạnh giá…

Nguyễn Ngân Diệu Niê

Hàn Quốc “cool” từ bao giờ?

Featured image: Gangnam Style

 

Khoảng vài tháng trở lại đây, mình thường xuyên share một số nội dung trong quốc sách The Birth of Korean Cool: How one nation is conquering the world through pop culture (Euny Hong, 2014), thậm chí cưỡng ép bạn bè đọc bằng cách gửi ebook dù chẳng ai đòi. Đây là một trong số ít những cuốn sách gần đây mình cầm lên đọc một mạch tới dòng cuối cùng không đặt xuống. Đây cũng là một trong số rất ít những cuốn sách mà vừa đọc vừa nghĩ phải dịch nó ra tiếng Việt càng sớm càng tốt vì nhiều lý do. Trong quá trình đọc, mình cũng rất khó tránh khỏi liên tục liên nối nội dung của cuốn sách tới Việt Nam.

Như đã được đề cập rõ ràng trong tên sách, văn hoá phổ thông (popular culture) và sức mạnh mềm (soft power) là cái khung nội dung chung của cuốn sách với nhiều ca cụ thể và đặc trưng Hàn Quốc. Cuốn sách phần nào lý giải cái cách mà chính phủ Hàn Quốc đã tận dụng vị trí của mình trong toàn bộ chiến lược “rebranding” cho một quốc gia.

Dù còn những chi tiết mang tính chủ quan của tác giả, The Birth of Korean Cool cung cấp nhiều dữ liệu về Hàn Quốc và quá trình nước này chuyển hoá từ một nước thuộc thế giới thứ ba thành một con rồng châu Á, và hiện nay đã đứng thứ 15 trên thế giới về tăng trưởng kinh tế vỏn vẹn trong vòng vài thập kỷ. Trong khi đó, Việt Nam cùng có xuất phát điểm tương đương với Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh thế giới thứ II, thậm chí còn cao hơn một chút, lại đang được cho là tụt hậu so với nước này khéo phải gần nửa thế kỷ.

Một khác biệt rất dễ dàng nhận thấy giữa Việt Nam và Hàn Quốc là bộ máy chính phủ cùng những hoạch định chính sách của họ và đặc biệt là những người công dân. Sở dĩ dùng từ công dân chứ không phải người dân là vì người Hàn họ đã thực hành cái gọi là citizenship của họ quá là nghiêm chỉnh. Chưa bao giờ mình nghĩ lại có thể cảm động vì thực hành công dân của một xã hội như vậy.

Dưới đây là phần mình trích dịch chương Mở đầu của cuốn sách, phần nào đưa ra tổng quan chung về chiến lược phát triển đất nước thông qua văn hoá phổ thông của Hàn Quốc.

Còn trong link này là đoạn trích dịch chương 4, một chương cũng cực kỳ hay, nói về tính cách làm nên số phận của người Hàn Quốc, do PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại Thương) chia sẻ.

Mục lục:

1. Before Cool
2. The birth of Irony
3. The Dying Art of School Thrashings
4. Character is Destiny: The Wrath of Han
5. Kimchi and the Cabbage Inferiority Complex
6. Why Pop Culture? Or, Failure is the breakfast of champions
7. When Korean banned Rock ’n’ Roll
8. The Lean, Mean, Star-making K-pop Machine
9. Northern Girls, Southern Boys
10. K-Drama: Television and the Origin of Hallyu
11. K-Cinema: The Journey from Crap to Cannes
12. Haley: The shot heard round the world
13. Korea’s Secret Weapon: Video Games
14. Samsung: The Company formerly known as Samsuck
15. The Ministry of Future Creation

American Beauty vs. Korean Beauty

MỞ ĐẦU

Trước năm 1985, Hàn Quốc không hề cool.

Tất nhiên, giờ đây, Hàn Quốc đã giàu có và có một tương lai rộng mở. Quá dễ để một ai đó quên mất rằng, vừa mới năm 1965, GDP của Hàn Quốc còn kém cả Ghana, thậm chí thấp hơn Bắc Triều Tiên. Ngay cả vào những năm 1970s, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn còn đang chạy đua kiểu kẻ tám lạng, người nửa cân.

Ngày nay, Hàn Quốc đã đứng thứ 15 trên thế giới về kinh tế và Seoul thì giống một thành phố công nghệ mà Arthur C. Clarke đã vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết 2001: A Space Odyssey. Họ còn đang lên kế hoạch xây dựng một toà nhà chọc trời vô hình bằng cách sử dụng camera và đèn led để tạo ra hiệu ứng ảo ảnh khiến mọi người tưởng toà nhà không nằm ở đó. Mỗi toa tàu điện ngầm đều có hai máy phát wifi và người dân có thể xem chương trình ti vi buổi sáng trên chiếc Samsung Galaxy của họ, nhờ vào đường truyền internet cực cao không bao giờ bị nhiễu sóng cho dù đi qua đường hầm xuyên núi hay dưới nước. Hàn Quốc đang được cho là một trong những câu chuyện thần kỳ về kinh tế trong thời hiện đại.

Điều mà hầu hết cả thế giới đều chưa biết – hay biết mà đã quên đi – là thời kỳ đau đớn giữa những ngày đói nghèo với những ngày giàu sang. Trong vòng chỉ một vài thập kỷ, Hàn Quốc đã trải qua nhiều sự thay đổi mà hầu hết một đất nước thịnh vượng nào cũng mất ít nhất vài trăm năm để đạt được: xã hội ngày càng cấp tiến như được trải qua cuộc cách mạng Pháp và kinh tế thay đổi như thể có được nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp.

Cầu, nhà cao tầng và đường xa lộ như từ hư không hiện ra, nó gần giống như xem một đoạn video đứt quãng. Trong khi đó, mọi người cũng bắt đầu lớn tiếng đòi quyền lợi cho mình: phụ nữ, sinh viên, nhóm người mới giàu, nhóm quý tộc cũ, người lao động, viên chức cổ trắng. Đó là một thời điểm hỗn loạn và chối tai để sống ở Seoul, nhưng cũng đồng thời là một dấu mốc kỳ diệu. Một số người, trong đó có tôi, thậm chí còn có thể tự kiêu mà nói rằng họ nhìn thấy Rome được xây nên chỉ sau một ngày.

Nhiều quốc gia khác đã đi từ những nghèo nàn rẻ rách đến sự giàu có trong thế kỷ trước. Tuy nhiên trong số ấy, chỉ có Hàn Quốc là dám tính toán để trở thành nước xuất khẩu văn hoá phổ thông (popular culture) hàng đầu thế giới.

Phim truyền hình, nhạc, phim, trò chơi điện tử và đồ ăn nhanh Hàn Quốc đã kịp thống trị toàn bộ diện mạo văn hoá châu Á. Trên thực tế, họ đã trở thành người tạo xu hướng, kẻ quyết định thị hiếu cho châu Á trong hơn mười năm qua, và sự bành trướng sang các nước phương Tây của Hàn Quốc là khó thể chối cãi. Có thể bạn không nhận ra, nhưng đó là điều có thực.

Ví dụ, nếu bạn dùng điện thoại iPhone, thì chính microchip của nó lại được sản xuất bởi đối thủ mạnh nhất của Apple – công ty điện tử Hàn Quốc Samsung.

Làn sóng văn hoá phổ thông Hàn Quốc được gọi tên là “Hallyu”. Bạn nên nhớ lấy nó, bởi rồi đây bạn sẽ nhìn thấy nó rất nhiều. Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã nhắc tới làn sóng này trong một chuyến viếng thăm Hàn Quốc vào tháng 3/2012 khi đề cập tới các đổi mới về văn hoá phổ thông và cải tiến kĩ thuật của quốc gia. Ông nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, rất nhiều người trên thế giới đã bắt nhịp với làn sóng Hàn Quốc – Hallyu”.

Không hề là nói quá khi bảo rằng Hallyu là hệ hình văn hoá lớn và nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Làm thế nào mà Hàn Quốc có thể tiến lên nhanh như vậy?

Vào năm 1994, khi Mỹ và Anh còn đang đấm đá, hò hét trong cuộc đấu tranh chống lại việc chuyển đổi từ TV analog sang truyền hình kỹ thuật số thì Hàn Quốc đã bận rộn thiết lập kết nối internet băng thông rộng trên toàn quốc từ ngân sách nhà nước, coi nó giống như những dự án xây dựng hệ thống đường cao tốc hay đường tàu quốc gia. Phương tiện truyền thông mới này đem đến cho Hàn Quốc tất cả những gì mà trước đây họ không có: tự do, đa ngôn ngữ, bỏ qua trật tự đẳng cấp tôn ti, không đóng hộp trong ba mặt nước biển và một mặt đất liền phía Bắc hung hăng toàn trị, và sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho các ấn phẩm không kiểm duyệt và rất có thể mang nhiều màu sắc nổi loạn. Cởi mở và phóng khoáng không phải là đức tính truyền đời của người Hàn Quốc: những nhà thám hiểm phương Tây từ thời thế kỷ 19 đã gọi vùng đất này là Vương quốc của những kẻ tu hành khổ hạnh. Tuy nhiên, thứ hấp dẫn quốc gia này không phải là những “kiện hàng” ngoại đó mà là điều quan trọng là Hàn Quốc sẽ đem thứ gì ra thế giới.

Liệu lúc đó người Hàn Quốc có biết rằng Gangnam Style rồi sẽ trở thành bài hát đưa Hàn Quốc lên bản đồ thế giới? Tất nhiên là không. Nhưng họ biết ngày này rồi sẽ đến. Họ đã chuẩn bị và bố trí cả một cơ chế thống trị bằng văn hoá phổ thông kể từ thuở khai sinh của World Wide Web vào thập kỷ 1990s.

Ai đó có thể đặt câu hỏi, vì sao lại tập trung vào văn hoá phổ thông khi mà lĩnh vực này gần như là lãnh địa của nước Mỹ suốt cả một thế kỷ qua. Bởi vì Hàn Quốc đang phát triển sức mạnh mềm của mình.

“Sức mạnh mềm”, một thuật ngữ do Joseph Nye, một nhà khoa học chính trị Havard, đưa ra vào thập niên 1990s, là sức mạnh vô hình được xây dựng nên từ hình ảnh của một quốc gia thay vì từ vũ lực. Khác với sức mạnh cứng là tiềm lực quân đội hay áp đặt kinh tế, sức mạnh mềm là cách mà Hoa Kỳ đã từng sử dụng để thuyết phục cả thế giới mua thuốc lá Marlboro Reds hay quần bò Levi’s: bằng cách gieo rắc những hình ảnh đáng khao khát. Bằng cách gieo rắc sự cool của mình.

Không phải công nghệ xe tăng Mỹ hay buổi biểu diễn cơ bắp hoành tráng chiếm đóng đảo Grenada khiến cho bọn trẻ ở vùng cộng sản Yugoslavia muốn dành dụm hai tháng tiền tiêu cho một cái quần bò Levi’s 501 ngoài chợ đen. Mà đó chính là [nam diễn viên] James Dean.[1]

Giờ đây, Hàn Quốc đang muốn có được thứ dấu ấn văn hoá này – thậm chí là ở cả phương Tây – nhưng nó không phụ thuộc vào Gangnam Style hay K-pop. Tôi không nghĩ rằng người Hàn Quốc, nếu họ thực sự thành thật, tin rằng âm nhạc của họ sẽ thống lĩnh thị trường của Mỹ hay Tây Âu. Thay vào đó, kế hoạch là khiến cho thị trường thế giới thứ ba, dù vẫn còn ngái ngủ nhưng lại cực kỳ quan trọng như Đông Âu, các quốc gia Ả Rập và sắp tới là châu Phi, quắc câu vào văn hoá phổ thông Hàn Quốc. Cơn nghiện đã bắt đầu. Tại Iran, bộ phim truyền hình cổ trang Báu vật hoàng cung phổ biến tới nỗi người Iran bắt đầu sắp xếp giờ ăn của mình để không ảnh hưởng tới lịch phim phát sóng.

Giờ đây, những nước thuộc thế giới thứ ba còn quá nghèo để nhận được sự quan tâm của các quốc gia phương Tây. Đây là nơi mà Hàn Quốc có đặc quyền và lợi thế duy nhất: không có một quốc gia thống trị văn hoá toàn cầu nào cũng từng là một nước thuộc thế giới thứ ba. Vì thế, Hàn Quốc hiểu rõ từng giai đoạn phát triển của những thị trường này; họ đã cẩn thận nghiên cứu văn hoá từng nơi để xác định rõ thể loại văn hoá Hàn Quốc nào sẽ được ưa chuộng nhất ở đó. Và các nhà kinh tế Hàn Quốc đã làm việc cật lực để đo đếm điểm rơi mà một quốc gia bắt đầu có tiền và tăng khả năng tiêu thụ hàng hoá. Bạn có thể cá rằng một khi công dân các nước này có đủ khả năng mua điện thoại di động và máy giặt, họ sẽ mua các nhãn hiệu của Hàn Quốc. Vì sao? Bởi vì họ đã bị quắc cần câu vào thương hiệu Hàn Quốc từ trước đó rồi.

Nếu điều này nghe hơi giống một chiến dịch quốc gia, thì đó là bởi nó thực sự là một chiến dịch như vậy. Chính phủ Hàn Quốc đã đặt làn sóng Hàn Quốc ở vị trí số một trong ưu tiên quốc gia.

Hàn Quốc có rất nhiều kế hoạch năm năm, thứ mà các nước dân chủ và tư bản hầu như không nhìn thấy bao giờ. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc truyền bá văn hoá Hàn Quốc trên toàn cầu phụ thuộc vào độ phủ sóng của Internet, vì thế Internet được nhà nước Hàn Quốc trợ cấp tới cả những hộ dân nghèo nhất, tới người già và nhóm khuyết tật. Gần đây, chính phủ cũng tiến hành lắp đặt hệ thống kết nối tốc độ 1Gb/giây cho tất cả hộ gia đình – cao hơn 200 lần so với tốc độ trung bình ở Mỹ. Hàn Quốc đã học được một bài học từ cuộc tái thiết sau cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên (1950-1953) rằng nếu bạn định thay đổi thì cần phải thay đổi thật mạnh mẽ, thật nhanh và phải hướng đến tất cả mọi người. Email chẳng có giá trị gì nếu chỉ có một số người sở hữu nó.

Và không phải chỉ có mỗi chính phủ Hàn Quốc mới có kế hoạch năm năm; các công ty tư nhân nước này cũng có. Một hãng thu âm Hàn Quốc sẽ dành năm tới bảy năm để chăm chút chuẩn bị cho một ngôi sao K-pop tương lai. Đây là lý do vì sao một số nghệ sỹ Hàn Quốc kí những bản giao kèo 13 năm ràng buộc họ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nửa đầu dành cho đào tạo tập luyện, và công ty không thể thu lại được những gì họ bỏ ra trừ phi người nghệ sỹ tiếp tục phát triển sau thời kỳ trứng nước.

Nền kinh tế Hàn Quốc là một nghịch lý: nó chắc chắn là nền kinh tế tư bản, tuy nhiên cùng lúc, theo một cách nào đó, lại vẫn là mô hình kinh tế mệnh lệnh. Từ những ngày đầu độc lập khỏi nhà cầm quyền Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II, chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp vào khu vực tư nhân.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống internet chất lượng cao, Hàn Quốc còn là một trong những nước có nguồn tiền chính phủ dồi dào đầu tư cho các nhóm khởi nghiệp (start-ups). Năm 2012, nguồn quỹ từ chính phủ chiếm 25% tổng vốn đầu tư ở Hàn Quốc. Một phần ba vốn đầu tư ở nước này dành cho ngành công nghiệp giải trí – nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Một kế hoạch năm năm khác là năm 2009. hi ngành công nghiệp thu âm Hàn Quốc bị sụt giảm doanh thu do hiện tượng download không bản quyền, chính phủ đã chi 91 tỷ USD để cứu lấy K-pop. Kế hoạch bao gồm xây dựng một trung tâm K-pop với rạp hát 3000 chỗ và chỉnh đốn các dịch vụ karaoke (noraebangs) để đảm bảo họ trả tiền bản quyền cho các bài hát trong hệ thống. Hầu hết các quốc gia khác sẽ không bao giờ chấp nhận dùng tiền công để thanh tra [bản quyền] các phòng karaoke. Ý tưởng nực cười này có lẽ chỉ có thể tồn tại ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã quyết định thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Hàn Quốc, giống như thế kỷ 20 là của nước Mỹ. Sẽ không bao giờ là đủ nếu Hàn Quốc chỉ sản xuất ô tô và dụng cụ bán dẫn, nó cần phải cool nữa. Tất nhiên, Hàn Quốc đang làm thay đổi quan niệm phổ biến cho rằng càng nỗ lực để cool chỉ làm bạn uncool mà thôi.

Có lẽ người thể hiện rõ nhất được tham vọng và sự to gan lớn mật của Hàn Quốc là ông trùm âm nhạc Jin-young Park (giám đốc hãng thu âm JYP). Khi một nhà sản xuất âm nhạc phương Tây hỏi “Anh đến từ đâu?”, anh ta trả lời đầy khó hiểu: “Tôi đến từ tương lai”.

CHÀO MỪNG TỚI HÀN QUỐC. CHÀO MỪNG TỚI TƯƠNG LAI.


 

[1] James Byron Dean (1931 – 1955) là nam diễn viên người Mỹ, biểu tượng văn hoá của thanh thiếu niên nước này với những hình ảnh đập tan ảo mộng và sự ly gián xã hội. Một trong những bộ phim thể hiện rõ nhất tư tưởng này của James Dean là Rebel Without a Cause (1955).

 

Bùi Trà My

5 Tín Điều của Tự Do

Featured image:  Proz@k!

 

1. Bản chất tự nhiên của Quyền

Tôi tin tưởng rằng chỉ duy nhất cá nhân có quyền chứ không phải tập thể; rằng những quyền này là thuộc về thực chất bên trong của mỗi cá nhân chứ không phải được ban phát bởi nhà nước; Vì rằng nếu nhà nước có sức mạnh để ban cho họ thì cũng có sức mạnh để từ chối họ, và như vậy là không thích hợp với Tự do Cá nhân.

Tôi tin tưởng rằng một nhà nước công bằng có được quyền lực của nó duy nhất chỉ xuất phát từ những công dân của nó. Vì thế nhà nước phải không bao giờ tự cho phép mình làm bất cứ thứ gì vượt quá giới hạn mà từng công dân của nó có quyền làm. Nếu không như thế thì nhà nước sẽ là quyền lực của quyền lực và trở thành ông chủ thay vì trở thành người phục vụ của xã hội.

2. Quyền tối cao của cá nhân

Tôi tin rằng một trong những đe dọa lớn nhất đến sự Tự do là cho phép bất cứ một nhóm nào, dù số lượng trội hơn, từ chối quyền của thiểu số; và một trong những chức năng chính yếu của nhà nước là để bảo vệ mỗi cá nhân khỏi sự tham lam và sự giận giữ của đa số.

3. Tự do lựa chọn

Tôi tin tưởng rằng những mục tiêu kinh tế xã hội mong muốn nên đạt được bởi hành động tự nguyện hơn là bởi sự ép buộc của luật pháp. Tôi tin tưởng rằng ổn định xã hội và tình đồng bào nên đạt được bởi sự khoan dung, sự thuyết phục, và sức thuyết phục của việc làm tốt hơn là bởi sự ép buộc của luật pháp. Tôi tin rằng những người khó khăn nên được giúp đỡ bởi lòng từ thiện, mà được cho tặng từ tiền riêng của mọi người, hơn là bởi trợ cấp xã hội, mà được cho bằng cách lấy tiền của người khác thông qua ép buộc của luật pháp.

4. Bình đẳng trước pháp luật

Tôi tin tưởng rằng tất cả các công dân nên được bình đẳng trước pháp luật, bất kể nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, giáo dục, điều kiện kinh tế, cách sống hay quan điểm chính trị. Tương tự như vậy, không có tầng lớp nào được ban cho sự đối xử đặc cách, bất kể phẩm chất hay sự mến mộ của mọi người đối với mục đích của nó. Ưu ái cho một tầng lớp này hơn tầng lớp khác là không bình đẳng trước pháp luật.

5. Vai trò thích hợp của nhà nước

Tôi tin tưởng rằng vai trò thích hợp của nhà nước là bị động chứ không phải chủ động; là phòng thủ chứ không phải tấn công. Nó là để bảo vệ chứ không phải ban phát; Vì rằng nếu nhà nước được cho quyền lực để ban phát cho ngưởi này, thì nó chắn chắn sẽ có thể lấy đi từ những người khác, và điều đó luôn dẫn đến sự tham ô được hợp pháp hóa và mất tự do. Nếu nhà nước đủ sức mạnh để cho chúng ta mọi thức ta muốn, thì nó cũng đủ sức mạnh để lấy đi mọi thứ chúng ta có. Vì thế, vai trò thích đáng của nhà nước là bảo vệ cuộc sống, tự do và tài sản của các công dân của nó, và không gì hơn thế. Nhà nước tốt nhất cai trị ít nhất.

 

Trích G.E.G via Thánh Ca Tự Do

Chủ nghĩa Tự do vs. Chủ nghĩa Tập thể

 Featured Image: Ewitsoe

 

Vấn đề cơ bản của thế giới hôm nay là gì?

Vấn đề cơ bản của thế giới ngày hôm nay là giữa hai nguyên tắc đạo lý: Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Tập thể.

Chủ nghĩa Tự do xem con người có những quyền được ban cho bởi tạo hóa và không thể chuyển nhượng hay bị tước đoạt bởi bất kỳ người nào, bởi bất cứ số đông, nhóm hoặc tập thể những người khác. Vì thế mỗi người tồn tại bởi những quyền của riêng anh ta và cho lợi ích của chính anh ta, chứ không phải cho lợi ích của một nhóm.

Chủ nghĩa Tập thể cho rằng con người không có quyền; rằng công việc, thân thể và nhân cách anh ta thuộc về nhóm; rằng nhóm có thể làm với anh ta bất cứ gì họ muốn, vì lợi ích của những gì họ tự quyết định là vì sự thịnh vượng của nhóm. Vì thế mỗi con người tồn tại chỉ bởi sự cho phép của nhóm và vì lợi ích của nhóm.

Hai nguyên tắc cơ bản này là cội nguồn của hai hệ thống xã hội đối nghịch. Vấn đề cơ bản của thế giới ngày nay là giữa hai hệ thống này.

Hệ thống xã hội là gì?

Hệ thống xã hội là những quy tắc luật pháp mà mọi người tuân theo để cùng chung sống với nhau. Những quy tắc này phải có một nguyên tắc cơ bản, một điểm xuất phát, hoặc nói cách khác nó không thể được tưởng tượng ra. Điểm xuất phát là câu hỏi: quyền lực của xã hội là có giới hạn hay vô hạn?

Chủ nghĩa Tự do trả lời rằng: quyền lực của xã hội bị giới hạn bởi những quyền cá nhân, do tạo hóa ban phát con người. Xã hội chỉ có thể đề ra những luật mà không vi phạm đến những quyền này.

Chủ nghĩa Tập thể trả lời rằng: quyền lực của xã hội là không giới hạn. Xã hội có thể làm bất cứ luật nào nó muốn, và áp đặt chúng lên bất cứ người nào theo bất cứ cách nào nó mong muốn.

Ví dụ: dưới hệ thống của chủ nghĩa Tự do , một triệu người không thể thông qua luật để giết chết một người vì lợi ích của họ. Nếu họ vẫn làm và giết người đó, họ đang phạm pháp – do pháp luật bảo vệ quyền được sống của anh ta – và như vậy họ sẽ bị trừng phạt.

(Khi lực lượng quân đội Mỹ đột kích và giết chết Osama Bin Laden, các phóng viên đã đặt câu hỏi: Bin Laden có vũ khí và có đã chống trả lại không? Đã có nỗ lực nào để bắt sống ông ta không? Lý do của thắc mắc này là vì: là con người Bin Laden có quyền sống và có quyền được xét xử bởi tòa án.)

Dưới hệ thống của Chủ nghĩa Tập thể, một triệu người (hoặc bất cứ ai tuyên bố đại diện cho họ) có thể thông qua luật để giết một người (hoặc một thiểu số), bất cứ lúc nào họ nghĩ đa số sẽ có lợi với cái chết của người đó. Quyền được sống của anh ta không được thừa nhận.

(Khi bà Nguyễn Thị Năm bị hành quyết trong chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Cộng Sản Việt Nam tại miền Bắc những năm 1949 – 1956 quyền được sống của bà Năm đã không được công nhận mặc dù bà đã không gây ra tội lỗi nào, thậm chí còn là người có công với cách mạng. Một khi tập thể đã quyết định rằng cái chết của cá nhân có lợi cho “đa số” thì cá nhân phải bị xử tử hình.)

Dưới chủ nghĩa Tự do , giết một người là phạm pháp và là hợp pháp khi một người tự bảo vệ mình. Luật đứng về phía của quyền. Dưới chủ nghĩa Tập thể nó là hợp pháp khi đại đa số giết một người và bất hợp pháp khi người đó tự vệ. Luật đứng về phía của số đông.

Trong trường hợp đầu tiên, luật cấm tử hình tiêu biểu cho nguyên tắc đạo đức.

Trong trường hợp thứ nhì, luật tiêu biểu cho một khái niệm rằng chẳng có nguyên tắc đạo đức nào cả, và mọi người có thể làm bất cứ những gì họ thích, miễn là có đủ số lượng những người như họ.

Dưới hệ thống của chủ nghĩa Tự do , mọi người lúc nào cũng bình đằng trước pháp luật. Mỗi người có cùng những quyền, bất chấp anh ta chỉ có một mình hay có cả triệu người khác ủng hộ.

Dưới hệ thống của chủ nghĩa Tập thể, mọi người phải kết băng đảng với những người khác – và bất cứ ai có băng đảng lớn nhất tại thời điểm đó, có mọi quyền, trong khi người thất bại (cá nhân hoặc một thiểu số) sẽ chẳng có gì. Bất cứ người nào cũng có thể là một ông chủ tuyệt đối hoặc một người nô lệ vô vọng – tùy thuộc vào số lượng trong băng đảng của mình.

Một ví dụ của hệ thống đầu tiên: Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khi tuân thủ với Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc Lập của họ.

Một ví dụ của hệ thống thứ nhì: Nước Nga Sô Viết, Đức Quốc Xã, Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

Dưới hệ thống Sô Viết, hàng triệu những người nông dân hay địa chủ đã bị hành quyết bới luật pháp, một luật được biện minh lấy cớ rằng điều này là vì lợi ích của đại đa số, mà nhóm cai trị dám chắc là “bài địa chủ”. Dưới chế độ Đức Quốc Xã, hàng triệu những người do thái đã bị hành quyết bới luật pháp, một luật được biện minh lấy cớ rằng điều này là vì lợi ích của đại đa số, mà nhóm cai trị dám chắc là “bài Do thái”.

Luật Sô Viết hay luật Đức Quốc Xã là hệ quả tất yếu và nhất quán với nguyên tắc của Chủ nghĩa Tập thể. Khi được áp dụng vào thực tế, một nguyên tắc mà không thừa nhận đạo đức lẫn những quyền cá nhân, còn có thể dẫn đến điều gì khác ngoài tính tàn bạo.

Hãy nằm lòng những điều này khi bạn thử quyết định cái gì là một hệ thống xã hội đúng đắn. Bạn phải bắt đầu bằng cách trả lời câu hỏi đầu tiên. Hoặc quyền lực của xã hội là bị giới hạn, hoặc là không. Không thể là cả hai.

Những nguyên tắc cơ bản của tự do là gì?

Chủ nghĩa Tự do được xây dựng trên nguyên tắc rằng con người sở hữu những quyền do tạo hóa ban tặng.

  • Rằng những quyền này thuộc về mỗi người như những cá nhân – không thuộc về nhiều người như một tập thể hay một nhóm;
    rằng những quyền này là sở hữu vô điều kiện, riêng tư, cá nhân, riêng biệt của mỗi người – không phải là sỡ hữu tập thể, xã hội hay công cộng của một nhóm;
  • Rằng những quyền này được tạo hóa ban cho con người khi sinh ra – không phải bởi một đạo luật của xã hội;
  • Rằng con người có những quyền này, không phải từ tập thể hay vì tập thể, mà là đối kháng với tập thể – như là một ranh giới mà tập thể không thể xâm phạm;
  • Rằng những quyền này là sự bảo vệ của một người khỏi tất cả những người khác;
  • Rằng chỉ duy nhất trên cơ sở của những quyền này con người mới có một xã hội tự do, công bằng, nhân phẩm, và đứng đắn;

Hiến pháp của Tự Do không phải là văn bản giới hạn những quyền của con người – mà là văn bản giới hạn quyền của xã hội đối đối với mỗi con người.

Quyền là gì?

Quyền là sự công nhận hành vi độc lập. Quyền là những gì có thể được hành sử mà không cần sự cho phép của bất cứ ai. Nếu bạn tồn tại chỉ bởi vì xã hội cho phép bạn – bạn không có quyền đối với cuộc sống của riêng bạn. Sự cho phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Nếu, trước khi thực hiện một số hành động, bạn phải có được sự phê chuẩn của xã hội – bạn không có tự do bất chấp sự phê chuẩn này được thông qua hay không.

Chỉ có nô lệ mới hành động dựa trên sự cho phép. Sự cho phép không phải là quyền. Đừng nhầm lẫn tại điểm này khi nghĩ rằng một người công nhân là nô lệ và rằng anh ta giữ được việc làm vì sự cho phép của người chủ. Anh ta giữ việc làm không phải vì sự cho phép – mà là bởi hợp đồng, mà là sự đồng thuận tự nguyện với nhau. Người công nhân có thể bỏ việc. Nô lệ thì không.

Những quyền của tạo hóa cho con người là gì?

Những quyền của tạo hóa cho con người là: quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Quyền được sống có nghĩa là một người không thể bị tước đi cuộc sống của mình vì lợi ích của những người khác hoặc bất cứ số đông nào những người khác.

Quyền được Tự do có nghĩa là quyền của một người có hành động cá nhân, lựa chọn cá nhân, tự chủ cá nhân, và tài sản cá nhân. Không có quyền đối với tài sản cá nhân thì không thể có tự do hành động.

Quyền mưu cầu hạnh phúc có nghĩa là mỗi người có quyền sống cho bản thân, quyền chọn những gì cấu thành hạnh phúc bản thân, cá nhân và riêng tư, và làm việc để đạt được những điều đó miễn là anh ta tôn trọng cũng quyền đó của những người khác. Nó có nghĩa là một người không thể bị ép buộc hiến dâng cuộc sống của mình cho hạnh phúc của người khác hoặc của bất cứ số đông nào những người khác. Nó có nghĩa là tập thể không thể quyết định cái gì nên là mục đích của sự tồn tại của một người cũng như không thể quy định những chọn lựa hạnh phúc cho một người.

Làm thế nào để chúng ta nhận ra quyền của người khác?

Do con người có những quyền do tạo hóa ban tặng, có nghĩa là cùng những quyền đó được có cho từng người, bởi mỗi người, bởi tất cả mọi người, tại mọi thời điểm. Vì thế, những quyền của một người không thể và không được xâm phạm tới những quyền của người khác.

Ví dụ: một người có quyền sống, nhưng anh ta không có quyền lấy đi cuộc sống của người khác. Anh ta có quyền được tự do, nhưng không có quyền bắt làm nô lệ người khác. Anh ta có quyền chọn hạnh phúc cho riêng mình, nhưng không có quyền quyết định rằng hạnh phúc của mình đổi bằng sự bất hạnh (hoặc sát nhân hoặc cướp bóc hoặc nô dịch) của người khác. Chính ngay quyền mà dựa vào đó một người hành động định nghĩa cùng một quyền đó của người khác, và đóng vai trò kim chỉ nam cho biết cái gì một người có thể và không thể làm.

Đừng mắc nhầm lẫn của một kẻ ngu dốt khi nghĩ rằng người theo chủ nghĩa Tự do là người nói: “Tôi sẽ làm những gì tôi thích bằng phí tổn của người khác.” Một người theo chủ nghĩa Tự do là người nhận ra được những quyền ban tặng bởi tạo hóa cho mỗi người – cho mình và cho người khác.

Một người theo chủ nghĩa Tự do là người nói: “Tôi sẽ không nắm cuộc sống của ai cũng không để ai nắm cuộc sống của tôi. Tôi sẽ không cai trị và không để bị cai trị. Tôi sẽ không là ông chủ cũng chẳng là nô lệ. Tôi sẽ không hy sinh bản thân cho người khác – cũng chẳng hy sinh người khác cho bản thân tôi.”

Một người theo chủ nghĩa Tập thể là người nói: “Hãy tập hợp lại đây, những cậu bé – và khi đó con voi sẽ chui lọt lỗ kim!”

Làm thế nào để xác định rằng một quyền là đã bị xâm phạm?

Quyền không thể bị xâm phạm ngoại trừ sử dụng vũ lực. Một người không thể tước đi quyền sống của người khác, không thể nô dịch anh ta, cũng như không thể cấm anh ta mưu cầu hạnh phúc, ngoại trừ bằng cách sử dụng vũ lực chống lại anh ta. Bất cứ lúc nào một người bị ép buộc hành động mà không có sự đồng thuận của anh ta một cách tự nguyện, cá nhân, riêng tư và tự do – quyền của anh ta đã bị xâm phạm.

Chính vì vậy, chúng ta có thể vẽ một ranh giới rõ ràng giữa quyền của người này và người khác. Nó là một ranh giới khách quan – không phụ thuộc vào sự khác biệt quan điểm, không phụ thuộc vào quyết định của đa số, cũng chẵng phụ thuốc vào sắc lệnh chuyên quyền của xã hội. KHÔNG NGƯỜI NÀO CÓ QUYỀN KHỞI ĐẦU SỬ DỤNG VŨ LỰC CHỐNG LẠI NGƯỜI KHÁC.

Luật hành xử thực tế của một xã hội tự do, là xã hội của chủ nghĩa Tự do, là đơn giản và dứt khoát: bạn

Không thể trông chờ hoặc yêu cầu bất cứ hành động nào từ những người khác, ngoại trừ thông qua sự đồng thuận một cách tự do, tự nguyện của anh ta.

Đừng bị lầm lạc tại điểm này bởi mánh lới cũ của những người theo chủ nghĩa Tập thể như vầy: Không thể có Tự do tuyệt đối, do bạn không được tự do giết người; xã hội giới hạn tự do của bạn khi nó không cho phép bạn giết người; vì thế, xã hội có quyền hạn chế tự do của bạn theo cách nó thấy phù hợp; vì thế, hãy từ bỏ ảo tưởng về Tự do – Tự do là bất cứ gì do xã hội quyết định.

Nó không phải là xã hội, cũng chẳng phải quyền xã hội, ngăn cấm bạn giết người – mà là quyền do tạo hóa ban tặng, quyền của một người được sống. Đó không phải là “thỏa hiệp” giữa hai quyền – mà là một đường ranh giới bảo vệ cả hai quyền không bị xâm phạm. Ranh giới đó không đến từ sắc lệnh của xã hội – mà đến từ quyền do tạo hóa ban tặng cho chính cá nhân bạn. Định nghĩa của sự giới hạn này không được phán định bởi xã hội – mà là ẩn tàng trong định nghĩa của ngay chính từ quyền của bạn.

Bên trong khối cầu của những quyền của riêng bạn, tự do của bạn là tuyệt đối.

Vai trò đúng đắn của chính phủ là gì?

Vai trò đúng đắn của chính phủ là bảo vệ quyền con người; có nghĩa là bảo vệ con người chống lại vũ lực.

Trong một hệ thống xã hội đúng đắn, mọi người không sử dụng vũ lực đối với người khác; Sức mạnh chỉ có thể sử dụng trong tự vệ, đó là, để bảo vệ quyền bị xâm phạm bởi vũ lực. Mọi người ủy quyền cho chính phủ quyền sử dụng sức mạnh trong phản vệ – và chỉ trong phản vệ.

Chính phủ thích đáng không khởi xướng sự sử dụng của vũ lực. Nó sử dụng sức mạnh chỉ để đáp trả những kẻ đã khởi xướng vũ lực. Ví dụ khi chính quyền bắt một kẻ tội phạm, thì không phải là chính quyền xâm phạm quyền cá nhân, mà là chính tên tội phạm đã xâm phạm quyền cá nhân và khi làm như vậy hắn đã tự đặt mình ra khỏi nguyên tắc của quyền cá nhân, khi đó mọi người không có cách nào khác ngoại trừ dùng vũ lực chống lại hắn.

Bây giờ quan trọng là phải nhớ rằng tất cả các hành động được định nghĩa như là tội ác trong một xã hội tự do liên quan đến vũ lực và chỉ những hành động này mới được đáp trả bằng vũ lực.

Đừng để bị nhầm lẫn bởi sự diễn đạt ướt át như là “kẻ sát nhân thực hiện tội ác chống lại xã hội”. Kẻ sát nhân không sát hại xã hội, mà là sát hại cá nhân khác. Hắn không phá vỡ quyền xã hội, mà là quyền cá nhân. Hắn không bị trừng phạt vì làm tổn hại tập thể. Hắn không làm tổn thương cả một tập thể – hắn chỉ làm tổn thương một người. Nếu tên tội phạm cướp đoạt của mười người, thì hắn cũng không cướp của tập thể mà là của mười cá nhân. Không có cái gọi là tội phạm chống lại “xã hội” – tất cả các tội ác được thực hiện chống lại những con người cụ thể, những cá nhân cụ thể. Nhiệm vụ chính xác của một hệ thống xã hội đúng đắn và của một chính phủ đúng đắn là để bảo vệ cá nhân chống lại sự tấn công của tội phạm, chống lại vũ lực.

Tuy nhiên, khi mà chính phủ trở thành người khởi xướng sử dụng vũ lực, thì sự bất công và suy đồi đạo đức liên quan sẽ là không thể tả xiết.

Lấy ví dụ:khi một chính phủ tập thể yêu cầu một người làm việc và trói anh ta vào một công việc, bằng hình phạt cầm tù hoặc tử hình, đó là trường hợp chính phủ khởi xướng sự sử dụng của vũ lực. Một người mà không dùng bạo lực với bất cứ ai nhưng chính phủ lại sử dụng bạo lực chống lại anh ta. Không thể có sự lý giải thỏa đáng nào cho trình tự này trên lý thuyết. Và không thể đạt kết quả nào trên thực tế ngoại trừ máu và sự khủng bố mà bạn có thể quan sát thấy trong bất kỳ đất nước Tập thể Chủ nghĩa nào.

Sự lầm lạc về mặt đạo đức có liên quan là như vầy: nếu mọi người không có chính phủ và không có bất cứ hệ thống xã hội nào, họ có thể phải tồn tại thông qua sức mạnh tuyệt đối và phải đánh nhau với từng người một khi có bất kỳ sự bất đồng nào. Trong nhà nước như vậy, một người sẽ có cơ hội công bằng với một người khác, nhưng anh ta không có cơ hội nào khi đối đầu với mười người khác. Con người cần sự bảo vệ không phải là để khi đối kháng với cá nhân, mà là khi đối kháng với một nhóm.

Trong thực tiễn, khi những xã hội Tập thể Chủ nghĩa vi phạm những quyền của thiểu số (hoặc của một cá nhân), thì kết quả là thiểu số mất luôn quyền đó, và quyền đó được chuyển sang nhóm nhỏ toàn quyền cai trị thông qua sức mạnh vũ lực tàn bạo.

Nếu bạn muốn hiểu với sự phân biệt thật rõ ràng sự khác nhau giữa việc sử dụng sức mạnh để kháng cự (như nó được sử dụng bởi chính phủ trong xã hội Tự do) và sự sử dụng sức mạnh như là sự khống chế chủ yếu (như nó được sử dụng bởi chính phủ trong xã hội Tập thể Chủ nghĩa), thì đây là ví dụ đơn giản nhất: nó giống hệt sự khác nhau giữa kẻ sát nhân và người giết người để tự vệ. Chính phủ đúng đắn hành xử trên nguyên tắc một người tự vệ. Chính phủ Tập thể Chủ nghĩa hành xử như một kẻ sát nhân.

Có thể có một hệ thống xã hội “pha trộn”?

Không thể có một hệ thống xã hội mà là sự pha trộn giữa chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Tập thể. Hoặc là quyền cá nhân được nhìn nhận trong xã hội hoặc là không. Chúng không thể được “nửa” nhìn nhận.

Tuy nhiên, cái thường xảy ra là một xã hội dựa trên Chủ nghĩa Tự do không có đủ can đảm, chính trực và trí tuệ để quan sát những nguyên lý của chính nó phù hợp trong mỗi ứng dụng thực tiễn. Thông qua sự ngu dốt, hèn nhát, sự ướt át trí tuệ, xã hội này thông qua những đạo luật và những quy định mà đối nghịch với chính những nguyên lý cơ bản của nó và xâm phạm quyền con người. Trong mức độ của sự xâm phạm này, xã hội phạm vào tội ác của sự bất công, độc ác và ngược đãi. Nếu những vi phạm này không được sửa chữa, xã hội sẽ rơi vào sự hỗn loạn của Chủ nghĩa Tập thể.

Khi bạn nhìn thấy một xã hội mà nhìn nhận quyền con người ở chỗ này, nhưng thiếu ở chỗ khác, đừng gọi nó là hệ thống “pha trộn” và đừng kết luện là có một sự thỏa hiệp giữa những nguyên lý cơ bản, đối nghịch trong lý thuyết, có thể vận hành được trong thực tế. Những xã hội này không vận hành được; nó chỉ đang tan rã. Sự tan rã sẽ mất thời gian. Không có gì tan rã ngay lập tức – dù là thân xác con người hay xã hội loài người.

Liệu xã hội có thể tồn tại khi không có luân thường đạo lý?

Rất nhiều người ngày nay vẫn giữ những niềm tin ngây ngô rằng xã hội có thể làm bất cứ gì nó muốn; rằng những nguyên tắc là không cần thiết, rằng quyền chỉ là ảo tưởng, và động cơ cá nhân luôn là thực tiễn chỉ nam cho hành động.

Sự thật là xã hội có thể từ bỏ luân thường đạo lý và tự biến chính nó thành một bầy thú chạy lồng lên tới bờ hủy diệt. Cũng thật như là một người có thể cắt cổ chính mình bất cứ lúc nào anh ta muốn. Nhưng một người không thể làm thế nếu anh ta muốn sống. Và xã hội không thể rũ bỏ luân thường đạo lý nếu nó muốn tồn tại.

Xã hội là một số lớn những con người sống cùng nhau trên cùng một đất nước, cùng giao dịch, tương tác với nhau. Trừ phi có một luân thường đạo lý khách quan, đã được xác định rõ ràng, mà mọi người cùng hiểu và tuân theo, con người không có cách gì để giao dịch với nhau – do không ai biết là có thể trông đợi nhận được cái gì từ người hàng xóm của mình. Người mà không thừa nhận bất cứ luân thường đạo lý nào là tội phạm; bạn chẳng thể làm được gì khi giao dịch với tội phạm, ngoại trừ cố gắng đánh vỡ sọ hắn trước khi hắn đánh vỡ sọ bạn. Bạn sẽ không có được một tiếng nói chung nào, không có một quy tắc ứng xử nào cùng được chấp thuận. Để nói về một xã hội không có luân thường đạo lý hay những nguyên tắc đạo đức là cổ xúy con người sống với nhau như những kẻ tội phạm.

Chúng ta vẫn đang tuân theo, theo truyền thống, rất nhiều giáo huấn đạo đức mà chúng ta mặc nhiên công nhận, và không nhận ra rằng có biết bao nhiêu hành xử thường ngày trong cuộc sống của chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi có những nguyên tắc đạo đức. Tại sao bạn lại an toàn khi đi vào một siêu thị đông người, mua hàng và trở ra? Đám đông xung quanh bạn cũng cần hàng hóa vậy; Đám đông có thể rất dễ dàng chế ngự vài cô bán hàng ở đó, cướp phá cửa hàng, giật gói hàng và cả ví tiền của bạn. Tại sao họ không làm vậy? Chẳng có gì ngăn cản họ và chẳng có gì bảo vệ bạn – ngoại trừ một nguyên tắc đạo đức về quyền cá nhân của bạn đối với tài sản và cuộc sống của mình.

Đừng nhầm lẫn khi nghĩ rằng đám đông bị kiềm chế chỉ do bởi sự sợ hãi lực lượng cảnh sát. Liệu có thể có đủ cảnh sát viên trên thế giới này nếu mọi người đều tin rằng cướp bóc là thiết thực và chính đáng. Và nếu mọi người tin vào điều này, thì tại sao những cảnh sát viên lại không cũng tin như vậy? Khi đó, ai sẽ là cảnh sát?

Ngoài ra, trong một xã hội những người theo chủ nghĩa Tập thể, nhiệm vụ của những cảnh sát viên không phải là để bảo vệ các quyền của bạn, mà là để xâm phạm chúng.

Nó sẽ là thích đáng cho đám đông cướp phá siêu thị – nếu chúng ta chấp nhận, tạm gọi là, “luật hành xử thích hợp” và giả thiết là dưới luật này hành động đó được coi là thích hợp và đúng đắn. Nhưng chúng ta có bao nhiêu siêu thị, bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu nông trại, bao nhiêu ngôi nhà, và sẽ có trong bao lâu, dưới “luật hành xử thích hợp” như vậy?

Ngay cả nếu chúng ta loại bỏ đạo đức và thay thế nó với học thuyết của những người theo chủ nghĩa Tập thể về quyền cai trị vô hạn của đại đa số, ngay cả nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng rằng đại đa số có thể làm bất cứ gì họ muốn, và rằng bất cứ gì được làm bởi đại đa số là đúng bởi vì nó được đại đa số làm (lập luận này khi đó trở thành tiêu chuẩn duy nhất cho Đúng hay Sai), thì vẫn làm sao mà con người có thể áp dụng điều này trong thực tiễn vào cuộc sống thực sự của mình? Ai là đa số? Trong tương quan với từng cá nhân cụ thể, tất cả những người khác là những thành viên tiềm năng của một đại đa số mà có thể tiêu diệt cá nhân đó nếu muốn vào bất kỳ lúc nào. Khi đó mỗi người và tất cả mọi người trở thành những kẻ thù; mỗi người phải sợ hãi và nghi ngờ tất cả người khác; mỗi người phải cố gắng cướp và giết trước khi bị cướp và bị giết.

Nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là một lý thuyết trừu tượng, hãy nhìn vào Châu Âu với một minh chứng thực tiễn. Trong nước Nga Sô Viết và nước Đức Quốc Xã, các công dân bình thường đã làm công việc ghê tởm nhất của G.P.U và Gestapo, do thám những người khác, đem những người bà con thân thích và bạn bè của chính họ đến sở mật thám và những phòng tra tấn. Đây là kết quả trên thực tế của Chủ nghĩa Tập thể trên lý thuyết. Đây là ứng dụng cụ thể của cái khẩu hiệu hiểm ác, trống rỗng của những kẻ theo Chủ nghĩa Tập thể mà nghe qua thì có vẻ rất khoa trương đối với những người thiếu suy nghĩ: “Đặt lợi ích chung lên trên bất cứ quyền cá nhân nào.”

Không có những quyền cá nhân, không có lợi ích chung nào có thể thực hiện được.

Chủ nghĩa Tập thể, đặt nhóm lên trên cá nhân và nói mọi người hy sinh quyền lợi của họ vì những người anh em của họ, sẽ chỉ dẫn đến một nơi mà con người không còn lựa chọn nào khác ngoài kinh sợ, thù hận và tiêu diệt những người anh em của họ.

Hòa bình, an toàn, thịnh vượng, hợp tác và thiện chí giữa con người, tất cả những gì được coi là mong ước của xã hội, chỉ có thể làm được dưới hệ thống của Chủ nghĩa Tự do, nơi mà mọi người được an toàn trong sự thưc thi các quyền của cá nhân của mình, và trong sự hiểu biết rằng xã hội ở đó để bảo vệ những quyền của anh ta chứ không phải để hủy diệt chúng. Khi đó mỗi người đều biết rằng cái gì anh ta có thể và không thể làm với người hàng xóm của mình, và những gì mà người hàng xóm (một hoặc cả triệu người) có thể và không thể làm với anh ta. Khi đó anh ta tự do giao dịch với họ như là người bạn và một cách bình đẳng.

Không có luân thường đạo lý, không thể tồn tại một xã hội loài người đích thực.

Không có sự thừa nhận những quyền của cá nhân, không thể tồn tại luân thường đạo lý nào.

Liệu “điều tốt nhất dành cho đại đa số” là một nguyên lý đạo đức?

“Điều tốt nhất dành cho đại đa số” hay nôm na hơn “Hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể” là một trong những khẩu hiệu hiểm ác nhất từng được áp đặt lên nhân loại.

Khẩu hiệu này không có một ý nghĩa xác định hay cụ thể nào cả. Không có cách nào để phiên dịch nó theo một ý nghĩa nhân ái nào, nhưng có quá nhiều cách nó có thể được sử dụng để biện hộ cho những hành động độc ác nhất.

Cái gì là định nghĩa của “điều tốt” trong khẩu hiệu này? Chẳng có gì, ngoại trừ: mọi thứ là tốt cho đại đa số. Ai, trong bất cứ vấn đề cụ thể nào, quyết định rằng cái gì là tốt cho đại đa số? Ngoài ra, tại sao phải là đại đa số?

Nếu bạn cho rằng việc này là hợp đạo lý, bạn sẽ phải tán thành các ví dụ sau, mà là những áp dụng chính xác của khẩu hiệu này trong thực tiễn: năm mươi mốt phần trăm nhâm loại nô dịch bốn mươi chín phần trăm còn lại; chín kẻ ăn thịt đồng loại đang đói khát sẽ ăn người thứ mười; một đám đông hành quyết một người mà không cần đưa ra xét xử chỉ vì họ cho rằng người đó là mối nguy đối với cộng đồng.

Đã có bảy mươi triệu người Đức ở nước Đức và sáu trăm ngàn người Do Thái. Đại đa số (người Đức) đã ủng hộ chính phủ Quốc Xã khi đó đã nói với họ rằng điều tốt nhất dành cho họ mang lại bởi việc hủy diệt thiểu số (người Do Thái) và tước đoạt tài sản của chúng. Sự ghê rợn này đã đạt được trên thực tế bởi một khẩu hiệu hiểm ác đã được chấp nhận trên lý thuyết.

Nhưng, bạn có thể sẽ nói, đại đa số trong tất cả các ví dụ này cũng đã chẳng đạt được bất cứ gì thực sự tốt cho chính họ. Đúng, không đạt được. Bởi vì rằng “điều tốt” không được xác định bởi việc đếm số lượng và cũng chẳng đạt được bởi sự hy sinh người này cho người khác.

Những người thiếu suy nghĩ tin rằng khẩu hiệu này lờ mờ ám chỉ điều gì đó cao thượng và đạo đức, rằng nó nói mọi người biết hy sinh bản thân cho đại đa số. Nếu vậy, nên chăng đại đa số kia cũng cao thượng và hy sinh bản thân họ cho thiểu số, những người vốn xấu xa và sẽ chấp nhận ngay sự hy sinh của họ? Không? Chà, khi đó liệu thiểu số kia có nên cao thượng và hy sinh bản thân mình cho đại đa số, những người vốn xấu xa và chấp nhận ngay sự hy sinh đó không?

Những người thiếu suy nghĩ thường giả thiết rằng mỗi người khi nói ra khẩu hiệu này, đã không nghĩ đến lợi ích của bản thân, đã đặt chính mình cùng với thiểu số dám hy sinh cho đại đa số. Tại sao anh ta nên là thiểu số? Cũng không có gì trong khẩu hiệu này chứng tỏ anh ta sẽ làm vậy. Anh ta giống nhiều hơn là một người thuộc nhóm đại đa số, và đang bắt đầu hy sinh những người khác. Cái mà khẩu hiệu này thật sự nói với anh ta là anh ta không có chọn lựa, ngoại trừ cướp hoặc bị cướp, tiêu diệt hoặc bị tiêu diệt.

Sự đồi bại của khẩu hiệu này nằm ở sự ám chỉ rằng “điều tốt” của đại đa số phải đạt được thông qua sự chịu đựng của thiểu số; rằng lợi ích của một người phụ thuộc vào sự hy sinh của người khác.

Nếu như chúng ta chấp nhận học thuyết của Chủ nghĩa Tập thể rằng con người tồn tại chỉ là vì lợi ích của người khác, khi đó nó đúng khi nói rằng mỗi niềm vui một người tận hưởng (hoặc mỗi miếng thức ăn) là xấu xa và vô đạo đức nếu có hai người khác muốn nó. Trên cơ sở này, thì con người không thể ăn, thở, hoặc yêu. Tất cả đó là ích kỷ. (Và chuyện gì xảy ra nếu hai người đàn ông khác muốn vợ của bạn?) Con người không thể nào sống cùng nhau, và chẳng thể làm gì khác ngoài trừ rốt cuộc hủy diệt những người khác.

Chỉ trên cơ sở của những quyền của cá nhân, những điều tốt – chung hoặc riêng – mới có thể được định nghĩa và đạt được. Chỉ khi mỗi con người được tự do để tồn tại cho chính bản thân anh ta – chẳng phải hy sinh những người khác vì anh ta mà cũng chẳng hy sinh bản thân vì người khác- chỉ khi đó mỗi người mới được tự do làm việc, vì điều tốt nhất anh ta có thể làm cho chính bản thân anh ta, theo cách do chính anh ta chọn, bởi nỗ lực của chính anh ta. Và tổng của tất cả các nỗ lực của từng cá nhân là cách duy nhất có thể hiện thực được sự tốt đẹp xã hội và quảng đại.

Đừng nghĩ rằng đối lập của “điều tốt nhất dành cho đại đa số” là “điều tốt nhất dành cho thiểu số”. Đối lập của nó là: điều tốt nhất dành cho người đạt được nó bởi nỗ lực tự nguyện của chính mình, dành cho tất cả mọi người đang sống.

Nếu bạn là một người theo chủ nghĩa Tự do và bạn muốn bảo tồn lối sống tự do, thì đóng góp lớn nhất bạn có thể làm là loại bỏ, một lần và mãi mãi, khỏi những suy nghĩ của bạn, khỏi những phát biểu của bạn, và khỏi những đồng cảm của bạn, cái khẩu hiệu trống rỗng “điều tốt nhất dành cho đại đa số”. Hãy bác bỏ bất cứ lập luận nào, hãy phản đối bất cứ đề nghị nào nếu chẳng có gì ngoài cái khẩu hiệu này biện minh cho chúng. Nó là một cái bẫy treo. Nó là giáo huấn của Chủ nghĩa Tập thể thuần khiết. Bạn không thể vừa chấp nhận nó vừa đồng thời tự gọi mình là người theo Chủ nghĩa Tự do. Hãy chọn lựa. Nó chỉ có thể là một trong hai.

Liệu động cơ có thay đổi bản chất của chế độ độc tài?

Dấu hiệu của một người trung thực, để phân biệt với những người theo Tập thể Chủ nghĩa, là anh ta thật sự muốn làm những gì anh ta nói và biết những gì anh ta thật sự muốn.

Khi chúng ta nói rằngchúng ta công nhận quyền Tự do là do tạo hóa ban tặng và không thể chuyển nhượng, chúng ta phải muốn làm chỉ có vậy. Không thể chuyển nhượng có nghĩa là chúng ta không thể lấy đi, đình chỉ, vi phạm, hạn chế hay xâm phạm – không bao giờ, không bất cứ lúc nào, không cho bất cứ mục đích dù nó có là gì.

Bạn không thể nói rằng “con người có quyền tự do ban tặng bởi tạo hóa ngoại trừ khi trời lạnh và vào mỗi thứ Ba”, cũng hệt như bạn không thể nói rằng “con người có quyền tự do ban tặng bởi tạo hóa ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp”, hoặc “quyền con người không thể bị xâm phạm ngoại trừ cho những mục đích tốt”.

Hoặc quyền con người là do tạo hóa ban tặng không phải do chuyển nhượng, hoặc không. Bạn không thể nói một thứ như là “bán chuyển nhượng được” và tự xem mình là trung thực hoặc có đầu óc lành mạnh. Khi bạn bắt đầu đặt những điều kiện, bảo lưu và ngoại lệ, bạn thừa nhận rằng có một cái gì đó hoặc ai đó đứng cao hơn quyền con người và có thể xâm phạm chúng một cách tự quyết.

Ai? Đó là xã hội, hay thực chất là Tập thể. Vì lý do gì? Vì điều tốt cho Tập thể. Ai ra quyết định cho phép xâm phạm quyền con người? Cũng lại là Tập thể. Nếu như đây là những gì bạn tin tưởng, hãy chuyển sang phía bên kia, nơi bạn thật sự thuộc về và hãy thừa nhận bạn là một người Tập thể Chủ nghĩa. Khi đó hãy chuẩn bị đón nhận tất cả các hậu quả mà Chủ nghĩa Tập thể đưa đến. Không có một vị trí trung gian ở đây. Bạn không thể vừa có cái bánh và vừa ăn nó. Bạn không thể lừa dối ai mà bạn chỉ đang lừa dối chính bản thân bạn.

Đừng nấp sau những khẩu hiệu vô nghĩa, kiểu như là “đoạn giữa của con đường”. Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Tập thể không phải là hai làn của cùng một con đường, với rãnh an toàn cho bạn ở giữa. Đó là hai con đường ngược chiều. Một dẫn đến Tự do, công bằng và thịnh vượng; con đường còn lại dẫn tới sự nô lệ, sợ hãi và hủy diệt. Sự lựa chọn là tùy ở bạn.

Sự lan tràn của Chủ nghĩa Tập thể trên thế giới không phải vì bất cứ sự thông minh nào của những người Tập thể Chủ nghĩa, mà bởi vì thực tế là hầu hết những người phản đối nó thật ra chính họ lại tin vào Chủ nghĩa Tập thể. Một khi luậtchơi đã được chấp nhận, không phải là người nửa vời mà chính là người toàn tâm toàn ý sẽ thắng; không phải là người ba phải mà chính là người kiên định nhất sẽ thắng. Nếu bạn tham gia vào một cuộc chạy thi, và nói “tôi chỉ định chạy mười mét đầu tiên”, thì người mà nói “tôi sẽ chạy tới vạch kết thúc” sẽ đánh bại bạn. Khi bạn nói: “tôi chỉ xâm phạm quyền con người một chút xíu” thì những người Cộng sản và Phát xít mà nói “Tôi sẽ thủ tiêu tất cả quyền con người” sẽ đánh bại bạn và sẽ thắng. Chính bạn đã mở lối cho họ.

Bởi việc cho phép chính mình trốn tránh và sự không trung thực ban đầu này mà con người đã rơi vào cái bẫy của Chủ nghĩa Tập thể, trên câu hỏi liệu chế độ độc tài là đúng hay sai. Hầu hết mọi người nói đãi bôi chỉ trích chế độ độc tài. Nhưng rất ít người trong số họ giữ một lập trường vững vàng để nhận diện chế độ độc tài từ bản chất của nó: nó là sự xấu xa tuyệt đối dưới mọi hình thức, bởi bất cứ ai, vì bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ lúc nào và cho bất cứ mục đích gì.

Rất nhiều người bây giờ tham gia vào cuộc mặc cả bẩn thỉu về sự khác nhau giữa “chế độ độc tài tốt” và “chế độ độc tài xấu”, về động cơ, nguyên nhân và lý do khiến chế độc độc tài toàn trị trở nên thích đáng. Khi được hỏi “Bạn có muốn chế độ độc tài toàn trị?” những người Tập thể Chủ nghĩa trả lời bằng một câu hỏi khác “Kiểu chế độ toàn trị nào bạn muốn nói tới?” Họ sau đó có thể để bạn mặc sức tranh luận, họ đã ghi điểm của họ.

Rất nhiều người tin rằng chế độ độc tài là khủng khiếp nếu nó là vì “động cơ xấu”, nhưng nó khá là ổn thậm chí là đáng mong muốn nếu nó là vì “động cơ tốt”. Những người thiên về Chủ nghĩa Cộng sản (họ thường tự xem mình là “nhân đạo”) tự cho rằng các trại cải tạo và phòng tra tấn là xấu xa khi được xử dụng một cách “ích kỷ”, “vì lợi ích của một chủng tộc” như Hitler đã làm, nhưng lại là cao thượng khi được sử dụng một cách “không ích kỷ”, “vì lợi ích của đa số” như Stalin đã làm. Những người thiên về Chủ nghĩa Phát xít (họ thường tự xem mình là “thực tiễn cứng rắn”) tự cho rằng roi vọt và bắt làm việc quá sức là không thực tế khi được sử dụng một cách “không hiệu quả” như ở Nga, nhưng lại rất thực tế khi được sử dụng một cách “hiệu quả”, như ở Đức.

Khi bạn tranh luận về cái gì là chế độ độc tài “xấu” hay “tốt”, bạn đã chấp nhận và tán thành nguyên tắc của chế độ độc tài. Bạn đã chấp nhận cơ sở của một sự xấu xa hoàn toàn – đó là quyền cho phép bạn nô dịch người khác vì những gì bạn nghĩ là tốt. Kể từ đó, nó chỉ còn là câu hỏi ai sẽ điều hành Gestapo. Bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được sự đồng thuận với những chiến hữu Tập thể Chủ nghĩa của bạn về cái gì là lý do “tốt” cho sự tàn bạo và cái gì là “xấu”. Định nghĩa yêu thích của riêng bạn có thể không giống của họ. Bạn có thể cho rằng nó là tốt khi tàn sát những người chỉ biết vì lợi ích của người nghèo; ai đó khác có thể lại cho rằng nó là tốt khi tàn sát những người chỉ biết vì lợi ích của người giàu; bạn có thể cho rằng thật là vô đạo đức khi giết người trừ khi họ là thành viên của một giai cấp nào đó; Ai đó có thể cho rằng thật là vô đạo đức khi giết người trừ khi họ là thành viên của một chủng tộc nào đó. Đó là tất cả những gì mà bạn sẽ đạt được.

Một khi bạn tán thành nguyên tắc của chế độ độc tài, bạn mời gọi tất cả mọi người làm giống bạn. Nếu họ không muốn cách riêng của bạn hoặc không thích “động cơ tốt” của bạn họ không có cách nào khác là vội vã đánh bại bạn và xây dựng cách riêng của họ cho “động cơ tốt” của riêng họ để nô dịch hóa bạn trước khi bạn nô dịch hóa họ. Một “chế độ độc tài tốt” bàn thân đã là sự mâu thuẫn về từ ngữ.

Vấn đề không phải là: Vì mục đích gì thì nô dịch hóa con người là chính đáng? Vấn đề là: Nô dịch hóa con người có chính đáng hay không?

Có một sự suy đồi đạo đức không được nói ra khi nói rằng chế độc độc tài có thể được biện hộ bằng “động cơ tốt” hoặc “động cơ không ích kỷ”. Tất cả các xu hướng tội phạm và tàn bạo mà loài người – trải qua nhiều thế kỷ lần mò để tự thoát ra khỏi hành vi độc ác – đã học để nhận diện được là sự ác độc và không thực tiễn, nay đã và đang trốn tránh dưới vỏ bọc “xã hội”. Nhiều người bây giờ đã tin rằng sẽ là độc ác khi cướp đoạt, giết người, và tra tấn vì lợi ích của riêng cá nhân, nhưng sẽ là tốt khi làm thế vì lợi ích của những người khác. Bạn có thể không nên thỏa mãn sự tàn bạo vì lợi ích của bạn, họ nói, nhưng xin mời nếu là vì lợi ích của người khác. Có lẽ phát biểu gây ra sự ghê tởm nhất một người có thể nghe được là: “Chắc chắn rồi, Stalin đã mổ thịt hàng triệu người, nhưng nó là thích đáng, vì nó là vì lợi ích của đại đa số.” Chủ nghĩa Tập thể là nấc cao nhất của hành vi độc ác trong tâm trí loài người.

Đừng bao giờ xem những người Tập thể Chủ nghĩa như là “những nhà lý tưởng trung thực nhưng ngây thơ.” Đề xuất nô dịch hóa một vài người vì những người khác không phải là một ý tưởng; sự tàn bạo không phải là lý tưởng bất kể mục đích của nó là gì. Đừng bao giờ nói rằng mong muốn “làm điều tốt” bằng vũ lực là một động cơ tốt. Dù là sự thèm khát quyền lực hay là sự ngu dốt, chẳng cái nào là những động cơ tốt.

 

Via Thánh Ca Tự Do
(Phỏng theo Ayn Rand, 1946…)

Con đường tăm tối trong hội họa và sự hiến thân của nghệ sĩ

Featured Image: Phạm Tuấn Tú

 

Đóng sách tranh triển lãm Nhập Nhằng- Affitta của Phạm Tuấn Tú lại, tôi thấy kinh sợ đến nỗi thở phào vì đã kết thúc trang cuối cùng. Cảm giác kinh tởm mới dấy lên quá mạnh trong lòng khiến tôi phải nhấp vội một ngụm sirô. Sau cái lợm người đến bủn rủn, tôi khâm phục cái can đảm của những nghệ sĩ như anh Tuấn Tú – những người dám dấn thân vào một thế giới tối tăm của cảm xúc.

Ảnh 1: Ngày vui của con (Phạm Tuấn Tú)

Sinh vật đứng đỏng đảnh, gợi cho tôi liên tưởng đến những cô gái quý tộc trong tiệc rượu. Khuôn vai cơ múi gồ gề và cái đầu méo mó dị dạng khiến cho tôi cảm thấy sinh vật mang trong mình một nỗi thống khổ tột độ tới nỗi hình hài không còn cầm giữ được những biến cố nội tâm. ‎

 

 

 

Ảnh 2: Trong lòng Hà Nội (Phạm Tuấn Tú)

Cái đầu hất hàm với ánh mắt liếc xéo đầy ám ảnh nhô lên giữa hồ Hoàn Kiếm. Cảm giác sinh vật như đang coi khinh tất cả những giá trị được xã hội tôn trọng, nhìn đời bằng nửa con mắt. Cái đẹp nhất của chúng lại là những cái lông mũi xoăn tít được miêu tả công phu, thứ vốn được coi là xấu xí cần giấu giếm trong quy chuẩn bình thường.

Như họa sĩ Phạm Quang Hiếu phê bình, trong tranh anh Tú xuất hiện nhiều nhân vật “đồng/lưỡng tính”, “với bầu không khí ma quái liêu trai”. Tôi lại cho rằng biểu tượng trong tranh anh không phải người mà là con quỷ – sinh vật hội tụ những gì xấu xa, đau đớn nhất trong bản ngã mà con người thường cố né tránh. Những con quỷ này đứng ngoài vòng xét đoán của các quy chuẩn xã hội. Chúng mang nặng những nỗi đau đớn, dày vò đầy giằng xé trong tâm can con người, bất kể khung cảnh (bờ Hồ, đám cưới, phòng ngủ). Sự xấu xa của chúng hiện thân qua vẻ ngoài: đôi mắt ti hí gian manh liếc xéo, khuôn cằm nhọn, má hốc hác, cái miệng đỏ chót xộc xệch cố ra vẻ mời chào, giấu bên trong những răng vàng lởm chởm.

Tôi thấy những con quỷ như đang muốn liếc tình mời gọi (dáng đứng cong cớn, đuôi mắt tít đàng điếm), trong khi đang ôm ấp những âm mưu thực dụng ti hèn (khóe miệng cong lại, cằm nhọn hoắt), hệ quả của những uẩn ức dồn ứ đã kết tủa. Quả vậy, không phải những mưu đồ xấu xa, niềm tị hiềm, sự tuyệt vọng, nỗi đau đớn luôn là những thứ nhăm nhe lợi dụng, chiếm lĩnh lấy tâm hồn con người hay sao? Câu hỏi sinh ra: Tại sao anh lại vẽ được nên những hình hài nghẹn bứ như vậy?

Nghệ sĩ thị giác Annette Messager nói: ”

Being an artist means forever healing your own wounds and at the same time endlessly exposing them.” (Trở thành nghệ sĩ tức là mãi mãi hàn gắn vết thương và đồng thời moi khoét chúng.)

Tôi cho rằng phương thức khai thác này nằm sau bộ tranh “Nhập nhằng – Affitta”. Những người nghệ sĩ như anh Tuấn Tú liên tục đào bới đống rác trong lòng mình (hay trong lòng xã hội/vũ trụ tùy theo phạm vi chủ thể cá nhân mà nghệ sĩ muốn đứng vai). Một công việc nhọc nhằn, khó khăn làm sao! Người nghệ sĩ phải phân loại, phân tích từng li từng tí thành phần của những đống rác để có nhận thức sâu sắc về vấn đề. Trong đống rác đã được phân loại rõ ràng, họ mới bắt đầu nhận ra những lấp lánh li ti của mầm hướng thiện để từ đó tạo lối thoát cho mình.

Lấy tranh của Francis Bacon, một họa sĩ đình đám của thế kỷ 20, làm một minh chứng nữa:

Ảnh 3: Figure with Meat (Francis Bacon) Dịch: Dáng hình cùng thịt

Ảnh 4: Three Studies for a Crucifixion (Francis Bacon) Dịch: Ba nghiên cứu về một vụ Xử tử đóng đinh người lên gỗ.

Trong cả hai tác phẩm này, ta đều thấy hình tượng những khúc thịt bê bết máu với xương và da lủng lẳng, còn những hình thù mặt mũi nhòe nhoẹt như bị cào xước, mang tâm trạng hốt hoảng. Những hình ảnh trong tranh Francis Bacon sống sượng và khốc liệt, nét màu mãnh liệt và thống thiết. Với tính dục đồng giới luôn phải che dấu và một tuổi thơ thường xuyên bị bố bạo hành, ông đã thị giác hóa những vết thương trong đời mình. Đọc kỹ về tiểu sử của Bacon, ta có thể nhận rõ, cảm hứng trong tranh chính là nỗi đau đớn vì phải che giấu tính dục của mình và những khoái cảm man rợ từ Bạo dâm (Sadomasochism) (theo nhà sử học nghệ thuật John Richardson). Vậy là khi đắm đuối trong cuộc khai thác những giằng xé bên trong, Bacon tạo ra những tác phẩm thật ám ảnh.

Lựa chọn những mảng cảm xúc u tối trong nội tâm mình, những nghệ sĩ như Tuấn Tú và Francis Bacon miệt mài đào bới, khai thác không chút rụt rè. Việc này đồng nghĩa với việc liên tục cấu chí vào những vết thương, những u uẩn tăm tối trong lòng mình. Như vậy, theo Pleasure Principle (Nguyên tắc Khoái Lạc) của nhà tâm lí học Sigmund Freud, hành động này đi ngược hoàn toàn với thiên hướng tự nhiên của con người là né tránh nỗi đau và khát khao khoái cảm. Trong khi số đông cố đè nén những mảng tối của mình xuống tiềm thức để tránh đối diện với những cái đê tiện hoặc cái đau đớn của bản ngã, nghệ sĩ lại khơi chúng lên rồi hữu hình hóa.

Tôi có cảm giác những người nghệ sĩ đi theo con đường này đang hiến tế chính một phần linh hồn và cuộc sống của mình cho nghệ thuật nhân loại. Cái giá như vậy có xứng đáng không?

 

Khánh Khánh

 

Nguồn:

  1. Charlotte Higgins. “Sado-masochism and Stolen Shoe Polish: Bacon’s Legacy Revisited.” The Guardian. N.p., n.d. Web. 
  2. “NHẬP NHẰNG – Ám ảnh, Mông Lung Và Rờn Rợn.” » NHẬP NHẰNG – Ám ảnh, Mông Lung Và Rờn Rợn. N.p., n.d. Web. 27 Mar. 2015. 
  3. “Notes towards a Portrait of Francis Bacon.” DangerousMinds. N.p., 14 July 2011. Web. 27 Mar. 2015. 

 

 

Nghệ thuật là phương thuốc chữa bệnh tinh thần

“Chúng ta đều biết nghệ thuật không phải là sự thật, nghệ thuật là sự giả dối giúp ta tìm ra sự thật hoặc ít nhất là sự thật mà ta cần phải hiểu. Người nghệ sĩ cần phải biết cách thuyết phục mọi người tin vào sự thật trong lời nói dối của mình.”  – Pablo Picasso

“Mục đích thực thụ của nghệ thuật không phải là tạo ra những thứ đồ vật đẹp… Đó là một phương pháp để thấu hiểu, một con đường xâm nhập thế giới và tìm ra vị trí của một người ở trong đó.”- Paul Auster

“Thế giới cần đến tất cả các kiểu trí óc.” – Temple Grandin

Tối nọ tôi lang thang ở nhà sách, xem vu vơ qua một vài bức vẽ ký hoạ, lướt qua vài dòng bình luận về tác phẩm và tác giả và có một bình luận như thế này, tôi nhớ đại khái thôi vì lúc ấy tôi không mang theo điện thoại để chụp ảnh và cũng không có giấy bút bên cạnh để viết lại. Tác giả đã không ngừng lặp đi lặp lại nét vẽ nhẹ nhàng tìm đặc điểm trên gương mặt cô gái để tự làm cảm động chính mình.

Kỳ quặc, lúc ấy tôi đã nghĩ như vậy, chỉ là một bức tranh, vẽ sao cho thật đẹp, thật giống là được rồi không phải hay sao? Một lời bình luận như thế này có vẻ quá khoa trương nhưng không thể phủ nhận rằng sâu bên trong tôi cảm thấy chấn động. Sau một lúc suy nghĩ về câu nói trên tôi lấy một cuốn sách khác, hướng dẫn vẽ ký hoạ dành cho người mới bắt đầu, giở từng trang xem người hướng dẫn kỹ thuật vẽ ký hoạ màu cần phải như thế nào, tôi thấy chân dung khuôn mặt người đàn ông rất bình thường được vẽ với nhiều loại màu sắc khác nhau trông vô cùng quái lạ, trừu tượng và cũng rất ấn tượng, bên dưới là lời khuyên dành cho tác giả đại loại là khi vẽ cần đơn hoá suy nghĩ của chính mình hoặc thậm chí không được suy nghĩ gì ngoài việc phải hoàn thành một mạch cho xong bức tranh, đôi khi nên dừng lại nếu không cảm thấy có hứng thú muốn vẽ tiếp v.v…

Thì ra bên dưới mỗi một bức vẽ đều có cái tôi của hoạ sĩ, mỗi một bức tranh đều được truyền thần, mỗi một loại màu mà tác giả sử dụng đều có khí chất và mục đích riêng, khắc hoạ hay nhấn mạnh những đặc điểm mà tác giả cảm thấy muốn truyền tải thái độ của mình. Tự hỏi, thật sự không biết điều gì diễn ra bên trong bộ não của tuýp người nghệ sĩ này, hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc đổ bộ vào nhà sách và viện bảo tàng thường xuyên.

Cũng tối đó tôi mơ thấy đại dương nổi sóng gió, nước cuồn cuộn xoáy giữa đêm tối, tôi đứng từ xa nhìn và cảm thấy rất hào hứng. Sau một lúc, tôi thấy hai chiếc thuyền thật to đâm sầm vào nhau vỡ tan tành, không những không sợ mà còn cảm thấy hào hứng hơn. Sáng hôm sau, mọi thông tin về biểu tượng “biển” và “đại dương” được tôi khai thác triệt để, phần lớn thông tin đều cho rằng có nhiều điềm xấu vì các biểu tượng như “sóng cuộn” “bão tố” “đêm tối” “thuyền vỡ” trong giấc mơ nhưng tôi tin những thứ đó không đúng với riêng mình. Một lúc sau tôi tra thấy những chú giải này, tôi không dịch vì không muốn làm sai lệch ý nghĩa có trong đoạn văn (tôi không tự tin lắm về khoản dịch dọt của mình).

“It is said that the dream about the sea symbolizes endless opportunities in front of the dreamer. There are many things that the person is able to achieve, the only thing that is needed is the effort. The dream also represents the wholeness of human, therefore the changes of the sea, shows the changes in the mind or the health.”

Lý giải như thế vô cùng phù hợp vì dạo đó tôi bỗng dưng thích thú ghi chép lại những tưởng tượng về nhiều loại hình ảnh khác nhau trong đầu khi nhìn lên trời hoặc những thứ vằn vện trên nền nhà. Điều khác biệt giữa tôi lúc ấy với tôi trước đó nữa là sự tò mò muốn tìm hiểu xem cái gì đang diễn ra bên trong vì có lúc tôi hơi sợ hãi với những gì mình tưởng tượng và nghĩ rằng mình sắp điên. Đỉnh điểm là lần nọ tôi lấy hết can đảm đến bệnh viện yêu cầu, phải nói là năn nỉ để họ cho tôi làm trắc nghiệm nhân cách xem tôi có bình thường như mọi người hay không, kết quả là tôi chỉ hơi khác với chuẩn một chút xíu thôi.

Trước đây tôi vẫn biết thế giới là một nơi vô cùng đa dạng và phong phú, là một nơi mà theo tôi con người không cần thiết phải có siêu năng lực như dị nhân, một nơi thường được miêu tả là sự chồng chéo hỗn độn của thiên đường và địa ngục, cùng lúc tồn tại cả thiên thần và ác quỷ. Là nơi mà con người có thể trải nghiệm cuộc sống của mình cùng lúc ở cả hai thế giới, thế giới thực và thế giới tưởng tượng.

Thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, nghệ thuật chính là nơi hai thế giới gặp nhau nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy kinh ngạc vì điều đó, ý tôi muốn nói về sự khác nhau giữa cái biết và cái cảm nhận. Trước đây tôi chỉ biết nhưng bây giờ tôi mới có khả năng cảm nhận. Trong một chốc tôi cảm thấy thế giới là một xứ sở kỳ diệu nếu mọi người dám tha thứ cho bản thân và tha thứ cho nhau để có thể sống thực với bản ngã của mình.

Khi đó thế giới sẽ còn hỗn loạn hơn nữa nhưng là hỗn loạn trong sự thống nhất vì mọi người đều hài lòng với vị trí của mình dù mỗi một cá nhân riêng lẻ đều đặc biệt quái lạ không giống với những người còn lại, điều đó cũng có nghĩa là ai cũng đẹp và độc đáo, không có ganh tị, không có sợ hãi. Thế giới sẽ tràn ngập màu sắc và tôi nghĩ rằng thật là phi lí khi con người với 60 năm cuộc đời lại không chịu cởi mở để tiếp nhận mọi thứ do chính con người sáng tạo ra.

Lúc đó con người không chỉ mới thực sự có khả năng thực hiện phép màu bởi họ biết cách lắng nghe trực giác. Con người có khả năng tiên đoán về tương lai của mình bằng cách thực hiện nó, ai đó đã nói câu này nhưng tôi muốn bổ sung thêm rằng, con người thực sự có thể tiên đoán tương lai của mình bằng cách lắng nghe trực giác, hiểu rõ chính mình muốn gì rồi thực hiện nó.

Samsung nói rằng: “You decide your life.” Nhưng tôi nghĩ hơi khác một chút thế này: “You design your life.” Lúc đầu bên trong sẽ có những xung động, những thôi thúc rất nhẹ, rất mơ hồ nhưng nếu con người lắng nghe và làm theo thì dần dần nó sẽ dẫn ta đến với những mục tiêu ngày một cụ thể hơn, cảm giác sẽ ngày một mạnh mẽ hơn cho đến khi con người quay đầu nhìn lại quá khứ họ có thể hiểu được rằng mọi thứ diễn ra đều có lí do cả.

Nghệ thuật là phương thuốc cho những căn bệnh tinh thần. Trước đây, một người bạn đã cười cợt trên lời dạy của một giảng viên rằng đã dạy tâm lý học thì không nên đem văn học vào để làm dẫn chứng. Tôi có thôi thúc muốn táng hắn một cái vì sự ngu dốt của hắn, hắn không hề biết nguồn gốc ra đời của phân tâm học là từ văn học, một nhà văn với trực giác của mình có thể thấy được nhiều hơn một nhà tâm lý học với cái tôi vô cảm kèm theo cái đầu tràn đầy lý thuyết sáo rỗng.

Có rất nhiều trường hợp sinh viên tâm lý đem bệnh nhân ra làm trò cười, sinh viên y khoa đem thi hài ra làm trò chơi là chuyện bình thường (vì chúng vô cảm), những loại như vậy tôi nghĩ không có tư cách mở miệng chứ đừng nói đến chuyện phê phán ai. Tôi đã từng trông thấy nhiều bức tranh do bệnh nhân vẽ, rất cầu kỳ, rất đẹp. Trong số họ không ít người là thạc sĩ, tiến sĩ, là tri thức bỗng dưng ngày nọ họ mất trí, vậy thôi. Không có thông báo gì cả.

Chỉ đáng tiếc là nước mình còn nghèo, dân không đủ ăn còn nói gì đến nghệ thuật. Hôm nọ tôi nghe lỏm được câu chuyện của những quý bà nói với nhau về chuyện học hành của con cái họ, mấy chục ngàn đô chỉ để học ngoại ngữ rồi gì đó cũng lại về ngoại ngữ, không thấy nói gì đến nghệ thuật để tinh thần con trẻ phát triển lành mạnh. Thật đáng buồn vì những người nghệ sĩ được miêu tả như người mê mê tỉnh tỉnh, mơ mơ màng màng, đầu óc ở trên mây, chân không chạm đất v.v… Nếu không có họ, cuộc sống thực sự là vô nghĩa đấy.

 

Quyên Quyên

Hỏi đáp về Ayahuasca, một loại chất thức thần có chứa DMT cực mạnh

 

 

Trong những ngày qua, có rất nhiều người bạn đến tìm tôi hỏi về chất thức thần. Các câu hỏi của mỗi bạn nhìn chung giống nhau. Vì vậy tôi tổng hợp các câu hỏi này lại thành một danh sách để trả lời. Tôi hy vọng phần giải đáp này của tôi có thể giúp bạn hình dung rõ hơn về chất thức thần, đặc biệt là Ayahuasca.

 

1. Chất thức thần dù không chứa chất gây nghiện nhưng nếu sử dụng vài lần, thấy những hiện tượng đó và nhận ra nhiều điều, nhưng khi hết sử dụng thì những hiện tượng đó cũng đi. Vậy thì rốt cuộc đây cũng chỉ là hiện tượng nhất thời thoáng qua, và người sử dụng vẫn buộc phải sử dụng nhiều lần. Như vậy vẫn là thứ gây nghiện?

Đối với những loại nhẹ như nấm, cần sa, mỗi lần sử dụng bạn nhận ra một điều khác nhau. Khi bạn nhận ra điều đó, nó đã nằm trong bạn và là món quà của bạn chứ không phải chỉ là khoảnh khắc thoáng qua rồi sau đó biến mất. Đối với những loại cực mạnh như Ayahuasca hoặc DMT, có thể chỉ cần một lần sử dụng duy nhất là hiểu biết được rất nhiều. Và hiểu biết đó là có thật, không phải là một khoảng khắc thoáng qua tâm trí.

Về việc nghiện, đây là do ý thức của bản thân người dùng chứ không phải do chất thức thần. Đây là một hình thức nghiện tâm lý (như nghiện chơi game, nghiện xem TV, nghiện Facebook…), chứ không phải nghiện thể lý. Tôi biết một trường hợp nghiện tâm lý, ngày nào cũng hút cần sa quá nhiều tới mức đầu óc lúc nào cũng mơ màng, không tỉnh táo, lại còn ăn nấm mỗi tuần. Những thứ này chỉ nên sử dụng khi thật tâm muốn hiểu biết, muốn nhận món quà nó mang lại chứ không phải vì thích cảm giác nó mang lại. Một người thường xuyên dùng nó với những liều nhẹ liên tục sẽ nảy sinh sự thích thú cảm giác. Đây là kiểu ý thức không đúng về chất thức thần và việc sử dụng sai mục đích sẽ không mang lại kết quả tốt. Cũng như quá nhiều sẽ gây béo phì.

2. Bạn đã sử dụng những loại chất thức thần nào? Có sự khác nhau nào giữa chúng?

Tôi chưa dùng nhiều loại nhưng tôi đã từng dùng liều mạnh. Hai loại tôi đã dùng qua là nấm và Ayahuasca. Nấm là loại nhẹ, tác dụng trong vòng khoảng 4 tiếng nếu bạn ăn ít. Tôi chưa thử liều nấm nào quá mạnh nên không biết ăn từ 4 grams trở lên sẽ thế nào. Nấm mang bạn đến gần hơn với bản chất thận của bạn, với sự hiện tồn. Liều mạnh hơn giúp bạn thấu hiểu được nỗi cô đơn, những kiếp sống, lịch sử, nỗi đau của loài người.

Loại thứ 2 tôi sử dụng là Ayahuasca. Đây là loại chứa DMT, cực mạnh. Người uống Ayahuasca phải thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tinh thần vì đây không phải là một trải nghiệm bình thường hay nhẹ nhàng. Bạn sẽ không còn ý thức gì về thực tại và được dẫn dắt qua hàng loạt những nỗi sợ trong tâm thức theo đúng nghi thức của một lễ tế. Việc sử dụng Ayahuasca không đơn thuần là một trải nghiệm màu sắc hay những hình ảnh hay cảm xúc. Theo như những gì tôi trải qua và cảm nhận, đây thực sự là một nghi thức tế lễ để bản thân giáp mặt với các đấng thần thánh, hiểu biết về toàn bộ dòng chảy tiến hóa và bản chất con người.

Một số người sử dụng LSD có kể lại trải nghiệm của họ cho tôi nghe. Theo những gì họ nói thì có lẽ LSD nhẹ hơn Ayahuasca vì họ vẫn còn cử động được và làm chủ được. Còn nếu dùng từ 2 hits/lần trở lên thì tôi không hiểu rõ.

3. Việc sử dụng Ayahuasca cần chú ý những điều gì?

Người uống phải chuẩn bị tinh thần thật kỹ vì Ayahuasca mang lại những trải nghiệm rất mãnh liệt, không còn ý thức về thực tại và không còn làm chủ được thể xác nếu liều lượng mạnh. Nên có người theo dõi trong suốt quá trình. Nơi trải nghiệm nên là nơi quen thuộc (phòng ngủ) để tránh tình trạng quá hoảng loạn. Nên mặc quần dài, chuẩn bị sẵn thau, chậu để phục vụ cho quá trình “tẩy uế” cơ thể. Toàn bộ nơi trải nghiệm phải được dọn dẹp, không để nhiều đồ đạc vì trong lúc Ayahuasca tác dụng có thể làm bạn cử động đụng trúng các đồ vật này. Cất hết những đồ vật có màu đen và màu đỏ. Không được ăn thịt hoặc thức ăn lên men trong khoảng 5 ngày trước khi trip vì có thể gây ngộ độc. Để cạnh bên mình một cây đèn pin hoặc đèn để bàn vì chắc chắn cuối trip bạn sẽ cần nó.

4. Bạn đã nhờ người theo dõi suốt quá trình? Có khác nhau nào giữa không có người theo dõi và có?

Tôi không có ai hỗ trợ mà tự trip một mình vì lúc đó tôi không quen biết ai. Việc nhờ người theo dõi cần thiết để bạn yên tâm. Bạn nên đảm bảo người theo dõi là người có hiểu biết về Ayahuasca để họ không cảm thấy hoảng sợ khi nhìn thấy những biểu hiện của bạn khi bạn uống nó. Vì nếu người theo dõi thiếu hiểu biết, sợ hãi và can thiệp sai vào quá trình này khiến nó bị ngưng đột ngột, chắc chắn sẽ có những vấn đề rất trầm trọng xảy ra.

5. Những ai nên uống nó và ai chưa nên?

Ayahuasca và DMT nguyên chất không phải là những chất thức thần bình thường. Người sử dụng nó phải là người “có duyên” với nó. Nghĩa là sử dụng nó đúng thời điểm cần thiết, khi mà nhận thức của người sử dụng đạt đến một điểm nhất định để có thể nhận được “câu trả lời” về những gì mình thắc mắc, nghĩa là ở vào điểm gần cuối của sự thức tỉnh tâm linh.

Tôi có biết đến một trường hợp sử dụng LSD chứ chưa phải Ayahuasca, có lẽ do sử dụng không đúng thời điểm, tinh thần chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên sau khi dùng xong, người này bị hoảng loạn tới mức nói sảng, không bình tĩnh và tinh thần sa sút suốt một thời gian dài. Việc trải nghiệm các loại mạnh như DMT thực sự cần đúng thời điểm. Có nghĩa là người dùng hiểu ra nhiều điều, cần thiết có một sự thay đổi đột phá, không sợ hãi, sẵn sàng đi đến hiểu biết.

Các trường hợp hoảng loạn hoặc sa sút về tinh thần là do người sử dụng chưa ở vào thời điểm sẵn sàng. Nhận được câu trả lời từ nó nhưng không đủ vững chãi để đối mặt với câu trả lời. Chất thức thần cho bạn nhìn thấy con đường nhưng nó không thể giúp bạn đi trên con đường đó. Bạn phải là người đi. Vì vậy sự vững vàng về tinh thần sau khi hiểu biết là rất quan trọng.

6. Tôi thấy những đoạn videos trên Youtube mô tả về trải nghiệm này có khá nhiều hình ảnh về rắn. Trải nghiệm của bạn cũng có nói đến Rắn Thần Chết. Có phải ai uống nó cũng sẽ nhận được những trải nghiệm giống nhau? Và rắn có phải là một biểu tượng đặc biệt về mặt tâm linh?

Không giống nhau. Mỗi người có một lộ trình sống với những kiến thức, trải nghiệm, ký ức…rất khác nhau. Món quà của bạn sẽ lớn tỷ lệ thuận với những trải nghiệm bạn từng có trong quá khứ. Trong trip của tôi, tôi gặp Rắn Thần Chết nhưng bạn có thể sẽ gặp những nhân vật khác. Tuy nhiên, thông thường ai uống Ayahuasca cũng sẽ đi qua việc cận kề cái chết và xuất hồn.

Hình tượng con rắn, hoa sen và các vòng tròn có trong rất nhiều nền văn minh, tôn giáo và là những biểu tượng có ý nghĩa.

7. Các phương pháp tu tập tâm linh của các tôn giáo luôn đi theo một quá trình từ thấp lên cao. Còn chất thức thần thì chỉ cần uống/ăn/hút vào là có ngay hiểu biết. Liệu điều này có tốt và việc cắt ngắn quá trình như vậy liệu có phải trả giá?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, điều gì chưa qua trải nghiệm thật thì chưa thể kết luận. Mỗi một cấp độ hiểu biết sẽ đều có cấp độ cao hơn hoặc những phương cách mới mẻ hơn mà chúng ta chưa biết tới. Ai đảm bảo rằng cách phương pháp tu tập kia là tốt nhất hoặc tốt hơn chất thức thần, và ai khẳng định được chất thức thần không phải là một phương pháp hữu hiệu hơn?

Tôi đánh giá cao các pháp môn như Thiền. Nhưng đồng thời tôi cũng luôn xem trọng các nghi lễ cổ xưa của các bộ lạc luôn luôn hòa mình trong tự nhiên. Họ sống gần thiên nhiên và hiểu biết nhiều về nó. Pháp môn tu tập là một hình thức đi đến giác ngộ bằng sự tập luyện, ayahuasca là liều thuốc sử dụng trong các nghi lễ tâm linh của các bộ lạc để thấu hiểu trời đất và giáp mặt với thánh thần. Khác nhau về phương pháp nhưng không khác về bản chất. Khi bạn sử dụng chất thức thần hay Ayahuasca nói riêng, bạn đang ở trên một dòng chảy đẩy bạn đến với nó và chắc chắn trước đó bạn đã trải nghiệm nhiều trong đời. Việc sử dụng nó sai thời điểm như tôi đã nói ban đầu mới chính là “cắt ngắn quá trình” và gây nên hậu quả.

Về cái giá phải trả, tôi nghĩ cái giá phải trả duy nhất là bạn đã nợ những người đã giúp mình đến với nó. Hãy nhớ họ và giúp họ phổ biến nó hơn.

8. Từ khi uống Ayahuasca, cuộc sống của bạn ra sao? Có những triệu chứng nào xảy ra sau đó không?

Tốt hơn rất nhiều. Cuộc sống của bạn cũng thế nếu bạn đã giải quyết được những vấn đề về tâm.

Có khá nhiều triệu chứng lạ xảy ra trong khoảng từ 1 tuần đến 1 tháng sau khi trải nghiệm. Tùy người, tùy liều lượng mà thời gian kéo dài khác nhau và triệu chứng khác nhau. Triệu chứng rõ ràng nhất là triệu chứng “ma nhập”. Tim của bạn đập rất nhanh mỗi khi bạn suy nghĩ hoặc tập trung vào một điều gì đó. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy bạn không còn thở mà hình như có ai đó đang thở dùm bạn. Thường xuyên bị gọi dậy vào lúc nửa đêm với những tiếng động kỳ lạ, thấy mọi vật có màu sắc bất thường nhất là màu đen và màu đỏ trở nên đáng sợ. Tỉnh dậy bất thần khi đang ngủ và nhìn thấy những đường xoắn DNA chạy dọc theo các đồ vật. Sợ bóng tối, cảm thấy có những luồng khí lạnh…

Khi gặp những triệu chứng này, bạn phải bình tĩnh, một thời gian sau sẽ hết. Khi cảm thấy sợ thì có thể bật đèn lên thì chúng sẽ đi.

9. Quá trình kéo dài bao lâu? Có nên để đèn ngủ không? Có thể bật nhạc không?

Thông thường là từ 5-6 tiếng. Tuy nhiên trường hợp của tôi lâu hơn thế. Tôi nghĩ không nên để đèn ngủ, chỉ nên mở cửa sổ để có một chút ánh sáng từ đường phố hắt vào. Bạn nên nghe nhạc êm dịu trước khi trip. Với nấm thần hay LSD, bạn có thể bật nhạc nhưng với Ayahuasca thì không nên. Ayahuasca có thể biến âm nhạc thành một âm thanh rất đáng sợ và làm tăng độ sợ hãi lên đến cực độ. Lúc trip, tôi có bật bài Nella Fantasia của Sarah Brightman nhưng khi vừa có hiện tượng người dẻo như kẹo cao su, tôi phải tắt ngay vì cảm thấy âm thanh đáng sợ.

10. Vấn đề sức khỏe nào nên chú ý khi quyết định uống?

Tôi nghĩ những ai bệnh về tim mạch, cao huyết áp hoặc có tiền sử tai biến mạch máu não không nên sử dụng Ayahuasca. Ngoài ra sau khi uống bạn có thể bị chán ăn kéo dài, không ngửi được mùi thịt. dòng suy nghĩ liên tục tuôn đến. Bạn chỉ cần giữ bình tĩnh.

11. Cách nấu Ayahuasca như thế nào? Bạn nói bạn đã không thành công trong lần đầu, theo bạn là vì lí do gì?

Bạn có thể xem cách nấu tại đây. Tuy nhiên, cách tôi nấu Ayahuasca khác cách nấu này. Những cách nấu khác nhau có thể mang tới những hiệu quả khác nhau. Khi nấu Ayahuasca không được có cảm xúc bực bội vì thời gian nấu lâu và phải thật tập trung, hy vọng nó sẽ mang lại điều gì đó. Không được tự ý rút ngắn quá trình nấu. Lần đầu tiên, có lẽ do tôi nấu theo cách chưa hợp với mình và trong lúc nấu, vì lâu nên tôi có hơi bực bội. Những cảm xúc như vậy ảnh hưởng đến tác dụng của nó. Màu sắc của Ayahuasca sau khi nấu xong là màu nâu pha xanh đậm đặc.

12. Có uống cả xác hạt Syrian Rue không?

Tùy người, tôi uống luôn xác hạt. Bạn phải xay hạt thật nhuyễn mới uống được vì Ayahuasca khá khó uống. Khi uống nín thở, nuốt nhanh, uống thêm vào 1 ít nước và bụm miệng lại để không bị nôn hết ra ngoài.

13. Việc nôn mửa sau khi uống có hại gì không?

Không có hại mà có lợi. Đó là nghi thức tẩy độc cơ thể. Tuy nhiên bản thân tôi có bị “ọe” nhưng không hề bị nôn. Tùy vào người uống sẽ có các tác dụng khác nhau. Tôi chỉ nôn nhẹ khi vừa bắt đầu uống vì Ayahuasca có mùi nặng.

14. Bạn nghĩ Ayahuasca và DMT tinh thể nguyên chất dùng để hút cái nào cho hiệu quả cao hơn?

Một số người cho rằng DMT nguyên chất cho hiệu quả cao hơn vì nó nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình giác ngộ chỉ trong vòng 10 phút. Một người bạn khác của tôi đã từng trip cả Ayahuasca lẫn DMT nguyên chất thì cho rằng Ayahuasca tốt hơn và nguyên thủy hơn. Bản thân tôi chưa trải nghiệm DMT nguyên chất nên không dám khẳng định.

Tuy nhiên, theo như mô tả từ những người dùng DMT nguyên chất thì nó không gây ra nhiều triệu chứng và không làm cho người hút bị nôn mửa, hay có nhiều hành động lạ thường khi trải nghiệm. Nó đẩy nhanh quá trình đến điểm cuối. Đối với Ayahuasca, tôi cảm thấy rằng mình phải đi theo một tiến trình dài, vượt qua nhiều thử thách để đến điểm đích và tôi cho rằng điều này rất có ý nghĩa với mình. Giống như bất kỳ quá trình nào để bạn thành thạo hoặc đạt được đỉnh cao ở một nghệ thuật nào đó. Bạn chưa biết gì, bạn trải nghiệm, vượt qua thử thách và cuối cùng bạn làm chủ hoàn toàn nghệ thuật ấy. Vì vậy nếu bạn muốn một trải nghiệm nhanh chóng, an toàn, mát dịu, đi thẳng đến đích thì nên chọn DMT nguyên chất. Còn nếu muốn mình đi theo một quá trình, nhiều thử thách và nhiều cung bậc cảm xúc mãnh liệt, không sợ những triệu chứng lạ và hiểu được trải nghiệm về một lễ tế thì hãy dùng Ayahuasca.

15. Có cách nào để chiết xuất DMT từ nguyên liệu nấu Ayahuasca?

Bạn có thể tham khảo ở đây, hoặc ở đây.

Xem thêm mô tả về trip Ayahuasca bên dưới

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=UxtkoE-HV-k]
Clip này mô tả về quá trình trải nghiệm Ayahuasca từ thử thách đến ánh sáng nhưng các hình ảnh thì không giống. Một lễ tế Ayahuasca cần phải trải nghiệm trực tiếp chứ không thể nhìn chính xác qua clip mô tả.

 

Lu 

Giá trị đích thực của bạn nằm ở đâu?

Featured image: Riccardo Annandale on Unsplash

Giá trị đích thực không phải là gì?

Câu trả lời đầu tiên, chắc nịch dường như ai cũng biết là nó không nằm ở vẻ bề ngoài của bạn. Tuy quần áo, dày dép, nón mũ, trang sức có thể làm cho bạn lỗng lẫy hơn nhưng không thể làm con người bên trong của bạn khác đi. Và bất cứ ai cũng có thể thay đổi hình thức bề ngoài của mình nếu muốn và nếu có tiền. Đơn giản vậy, thì sao gọi là giá trị đích thực được.

Bạn đã bao giờ thèm khát được xinh đẹp, lỗng lẫy như người này, người kia chưa? Bạn đã bao giờ từng ước ao giá mình có tiền để mua sắm những bộ váy áo đẹp nhất, bắt mắt nhất chưa? Và bạn có từng đinh ninh rằng mình sẽ từ một cô bé lọ lem hóa thành công chúa, từ con gà mái hóa thành con công, con phượng nhờ những thứ đó không? Tôi đã từng như vậy đấy!

Ồ, lúc đầu quả thực rất vui, rất tự tin khi được khoác lên mình đúng kiểu mà mình thích. Nhưng… chỉ vậy thôi, không còn gì hơn nữa! Bộ trang phục đẹp chỉ làm người ta liếc nhìn mình một cái, có thể là một thoáng ngạc nhiên, một phút so sánh ngầm, thêm một câu khen ngợi là chấm hết. Rồi người ta sẽ nhanh chóng quên bạn luôn, nếu bạn chẳng còn gì để gây ấn tượng. Bạn cô đơn ư, vẫn hoàn cô đơn, bạn tự ti ư, vẫn tự ti như thường. Bộ trang phục chẳng giúp gì cho bạn hết nếu bạn không biết cách giao tiếp, nếu bạn không có chút hiểu biết gì về đề tài người ta đang nói đến.

Thực ra tôi không có ý phê phán sự thích làm đẹp của bạn vì tôi cũng vậy mà (có những người biết làm đẹp thì trình độ thẩm mĩ chung của xã hội mới đi lên chứ). Tôi chỉ muốn nhắc bạn rằng tuyệt đối không được ngộ nhận về nó,không được đẩy nó lên thành thước đo đánh giá bản thân, hãy trả hình thức về đúng vị trí của mình:  là “tốt nước sơn” mà thôi.

Giá trị đích thực của bạn cũng không nằm ở nhà đẹp, xe đẹp, những vật dụng đẹp đẽ, tiện nghi mà bạn có. Chúng  chỉ nói lên rằng bạn có điều kiện kinh tế hơn người khác. Với nhà nghèo thì đó là mơ ước cả đời, nhưng với nhà giàu thì cũng chỉ bình thường, không có gì ghê gớm cả. Những thứ ấy do bạn làm ra hay do cha mẹ để lại hoặc một ai đó đem tặng bạn thì sao? Nếu bạn làm ra thì liệu có phải là những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi, trí tuệ của bạn hay là sự chụp giật, cơ hội mà có được? Nếu là đồng tiền chính đáng thì liệu những vật chất ấy có nói lên hết được công sức mà bạn bỏ ra không.  Tóm lại, vật chất chỉ giúp bạn thỏa mãn hơn trong sinh hoạt, chứ không quyết định bạn là ai, bạn làm người như thế nào.

Vậy phải chăng giá trị đích thực của bạn nằm ở bằng cấp,học hàm, học vị. Câu trả lời cũng là không vì nếu thế thì một nửa dân số trong xã hội này là đồ bỏ đi. Điều ấy hết sức phi lý. Có một thực tế là bạn học giỏi nhưng đi làm chưa chắc đã giỏi, có học hàm, học vị cao nhưng chưa chắc hiệu quả công việc đã cao. Và ngược lại nhiều người không có bằng cấp gì vẫn có thể làm nên sự nghiệp, minh chứng nhiều không nói hết. Chưa kể đến bao nhiêu cử nhân thất nghiệp gần 30 tuổi vẫn ăn bám bố mẹ, bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ chẳng làm nên trò trống gì cho đời.Trong một xã hội trọng bằng cấp như nước ta, ai cũng chỉ biết lao vào học để có được một tấm bằng nhưng khi ra trường lại thấy gần như không sử dụng được chút kiến thức nào thì bằng cấp lại càng ít giá trị hơn bao giờ hết. Thậm chí người ta có thể bỏ tiền ra để mua bằng cấp,vậy nó khác nào món đồ trang sức nặng kí nhằm mục đích làm lóa mắt người khác lúc ban đầu.

Quyền lực có làm nên giá trị của bạn không? Thoạt đầu là có, rất nhiều đằng khác, “dưới một người mà trên vạn người”còn gì sung sướng hơn. Nhưng nó cũng phù phiếm vô cùng, giống như của cải vật chất, hôm nay bạn có được, ngày mai chưa biết chừng sẽ mất đi. Khi bạn quyền cao chức trọng,bao nhiêu người ngả mũ cúi chào, hết thời hết vận, bấy nhiêu người sẽ ra đi. Nếu giá trị của bạn nằm ở quyền lực thì khi vì một lý do nào đó nó không còn nữa, giá trị của bạn cũng hết ư?

Giá trị đích thực của bạn càng không nằm ở những nhận xét, đánh giá của người ngoài vì đa phần chúng đều nhuốm màu chủ quan hơn khách quan. Nếu bạn làm cho họ quý mình thì những nhận xét về bạn đương nhiên là tốt đẹp, nếu bạn làm cho họ ghét bạn thì họ cũng sẽ nhận xét cay độc về bạn. Mỗi con người như một khối rubich đa diện, có thể lúc thế này, lúc thế kia,  một người may mắn chỉ nhìn thấy mặt tốt bạn phô ra, lời đánh giá của họ sẽ hoàn toàn khác với một người chỉ được tiếp xúc với cái xấu của bạn. Vì thế, đừng vội ảo tưởng vào những lời khen ngợi và cũng đừng quá buồn phiền nếu ai đó nhìn nhận bạn chưa tốt. Ây vậy mà… chúng ta lại hay có  thói quen  thích nghe người khác đánh giá về mình hơn là tự đánh giá.

Kết luận, giá trị đích thực của bạn chỉ có thể là chính bạn, không ai, không điều gì có thể thay thế được. Trí tuệ của bạn như thế nào, tâm hồn bạn ra sao, cách mà bạn sống và làm việc mới làm nên con người bạn. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng sự thực là vậy, muôn đời vẫn là vậy.

Gần đây người ta thường có xu hướng tự ca ngợi mình, cho mình là một, là riêng, là thứ nhất, là sản phẩm độc đáo duy có trên trái đất, kết tinh giá trị của mấy triệu năm tiến hóa… Vâng, đúng thế nhưng điều quan trọng hơn là hãy hỏi xem cái tôi “đỉnh cao ngút ngàn” ấy đã làm được gì cho bản thân, gia đình và xã hội thì mới đáng để nói.

Người có thể thẩm định được giá trị của bạn cũng chỉ có thể là chính bạn. Không một ai hiểu rõ và đánh giá đúng thực chất con người bạn bằng bạn với điều kiện phải trung thực và nghiêm túc tự nhìn nhận bản thân. Nào hãy vắt tay lên trán và nghĩ xem trong khối tài sản khổng lồ kia bạn có bao nhiêu công lao làm ra nó, trong tấm bằng danh giá đẹp đẽ này bạn đã mất công mất sức như thế nào, trong quyền lực nhất thời hiện tại bạn đã phấn đấu ra sao để dành được. Đôi khi những thứ bạn có chưa phản ánh hết giá trị của bạn hoặc lại  khuếch đại hơn giá trị thực mà bạn có. Một bà nội trợ đảm đang thì sẽ hơn một người đi làm chỉ để lấy mẽ, một công nhân có tay nghề giỏi chắc chắn giá trị sẽ cao hơn một kĩ sư dởm, một lao công chăm chỉ sẽ hơn hẳn một công chức tồi,quen ăn cắp giờ nhà nước vv…

Giá trị đích thực không đứng yên bất biến mà nó hoàn toàn có thể đi lên hoặc đi xuống như một đồ thị, phụ thuộc vào mong muốn của bạn. Nếu bạn quyết định sống được chăng hay chớ, buông thả mình cho số phận và những thứ phù phiếm dắt mũi thì lập tức bạn sẽ tiến về gần điểm 0, còn nếu bạn luôn hàng ngày hàng giờ phấn đấu cho khát vọng sống tích cực hơn, ý nghĩa hơn thì giá trị của bạn sẽ tỏa sáng mãi thậm chí đến tận lúc chết đi, hoặc lâu hơn nữa. Tuyệt không?

Vậy còn chờ gì nào, hãy làm tăng giá trị của mình thôi. Cuộc đời là một hành trình, đi tìm giá trị bản thân cũng nằm trong hành trình ấy. Có lúc, chính bạn sẽ thấy bất ngờ với giá trị đích thực của mình đấy.

Phương Liên

Xem thêm

💎 Đừng cố trở thành người thành công, hãy trở thành người có giá trị