29 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 138

Điều gì làm nước Mỹ khác biệt?

Featured Image: Pexel

 

Xin chào,

Là một người nước ngoài, tôi có một quan niệm đặc trưng khi nhìn nước Mỹ. Như một người bạn Mỹ đã nói với tôi: ”Đôi khi, phải có một người ở nước ngoài để nhắc cho chúng tôi nhớ chúng tôi như thế nào ở bên trong.”

Tôi là một người Úc – có thể bạn đã đoán được (qua giọng nói) – và tôi yêu quê hương của tôi. Và tôi tự hào khi đất nước tôi là một đồng minh lâu năm của Mỹ. Nhưng tôi biết rằng Úc không phải là Mỹ, và đất nước tôi sẽ không bao giờ đạt được những gì nước Mỹ đã đạt được. Không có có quốc gia nào trong lịch sử nhân loại đã làm được như vậy.

Mỹ khác nhất chỗ nào?

Điều gì làm cho nước Mỹ khác biệt? Có rất nhiều câu trả lời, nhưng tôi sẽ bắt đầu với một thứ bạn có thể sẽ không nghĩ đến.

Đa số người nghĩ rằng nước Mỹ chỉ chuyên về sự thành công. Tôi thì có một cái nhìn khác. Tôi nghĩ nước Mỹ chuyên về sự thất bại. Đa số người trong thế giới không có cơ hội để thất bại. Nhưng người Mỹ thì coi đó là một cái gì đó bình thường.

Chỉ có người Mỹ mới nói: ”Nếu bạn không thành công trong lần đầu tiên, hãy thử lại lần nữa.”

Thậm chí, đã có một nghiên cứu hàn lâm để chứng minh điều này. Dựa theo một nghiên cứu bởi Trường Kinh Doanh Harvard của giáo sư Steven Rogers, đa số các nhà khởi nghiệp đã thất bại bốn lần trước khi họ thành công.

Thành công tốn rất nhiều thời gian, công sức, sự may mắn và nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng để thành công bạn phải có cơ hội để thất bại – và bạn phải chịu trách nhiệm khi điều đó xảy ra. Tôi rất yêu điều đó về người Mỹ. Điều đáng học nhất là họ không đổ lỗi cho người khác, họ lấy những sai lầm đó làm bài học và làm tốt hơn trong lần sau. Và ở Mỹ luôn luôn, gần như có lần sau.

Không ở một nơi nào khác bạn có sự tự do để chấp nhập những rủi ro trong khởi nghiệp. Hãy nói chuyện với một người kinh doanh nhỏ ở Đức hoặc Brazil và bạn sẽ hiểu tôi nói gì. Từ góc nhìn của một người nước ngoài, tôi chỉ có thể ngưỡng mộ điều này. Và tôi không phải là người duy nhất.

Hãy nhìn những Tổng Giám Đốc của một công ty hàng đầu ở Thung Lũng Silicon. Bạn sẽ thấy tên của những nhà khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới — Ấn Độ, Pakistan, Nga, Israel – bất cứ quốc gia nào bạn có thể nêu ra.

Tại sao họ lại đến Mỹ để sáng tạo? Bởi vì ở đây có nhiều tiền? Đúng, đương nhiên, nhưng chỉ đúng một phần. Cũng có nhiều nơi khác có nhiều tiền như thành phố London, Berlin và Tokyo nữa. Họ đến Mỹ bởi vì nước Mỹ cho họ cơ hội để thất bại… và cũng là cơ hội tốt nhất trên thế giới để thành công.

Và cả thế giới có thể cảm ơn sự may mắn cho sự thành công của nước Mỹ. Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Và nền kinh tế toàn cầu dựa vào khả năng để được bán trong thị trường Mỹ.

Sự cao thượng của nước Mỹ

Cũng là lẽ tự nhiên nếu người Mỹ muốn giữ riêng sự thịnh vượng này cho riêng họ. Nhưng họ đã không làm vậy. Thậm chí, họ đã làm điều ngược lại.

Nước Mỹ đã là một trong những nước hy sinh nhiều nhất trong lịch sử — đó cũng là một điều khiến nước Mỹ khác biệt. Có một quốc gia nào đấu tranh cho tự do cho những nước khác chưa? Ở Châu Âu trong hai thế chiến, ở bán đảo Hàn Quốc, ở Việt Nam và ở Iraq. Trong tất cả các cuộc chiến đó, nước Mỹ đã có lợi kinh tế rất ít hoặc không được lợi gì.

Bất cứ lúc nào có một thảm họa nhân đạo ở bất cứ nơi nào trên thế giới — ở Haiti sau cơn đại bão, ở Indonesia sau cơn tsunami – ai là người đầu tiên chạy đến để cứu trợ? Cho dù thảm họa xảy ra ở trong hay ngoài nước, người Mỹ luôn huy động hàng triệu đô, gần như ngay lập lức, để gửi lương thực, quần áo và trợ cấp đến những người đang gặp nạn họ không biết và sẽ không bao giờ gặp. Có dân tộc nào trên thế giới làm như vậy không?

Lo lắng về nước Mỹ

Tôi yêu nước Mỹ vì sự khác biệt của cô ấy. Điều khiến cho tôi lo nhất về nước Mỹ là việc cô ấy đang cố gắng để giống như những quốc gia khác.

Tôi rất lo lắng khi nhìn thấy quá nhiều người Mỹ bị thu hút bởi những lý tưởng của Châu Âu. Đó là thế giới cũ kỹ. Thế giới đó đã cũ dù ở năm 1776, khi nước Mỹ đã rách ra từ nó (giành độc lập từ Đế Chế Anh). Tại sao nước Mỹ lại muốn đi ngược lại với Cách Mạng Mỹ của cô ấy chứ? Tại sao người Mỹ lại muốn đi theo mô hình kinh tế và xã hội của một châu lục mà họ có thể thấy rằng đang thất bại trên mặt kinh tế và xã hội? Người Mỹ rất muốn bắt chước nước Pháp lắm sao? Hay là Hy Lạp?

Tôi rất lo lắng khi nhìn thấy quá nhiều người Mỹ đổi lỗi cho những yếu tố ngoài cho sự khó khăn của họ thay vì chấp nhận trách nhiệm và tìm cách phát triển bản thân mình.

Tôi rất lo lắng khi nhìn thấy các trường học Mỹ đang hạ thấp lịch sử oai hùng của nước Mỹ.

Tôi rất lo lắng khi nhìn thấy sự tăng trưởng của mức nợ công của Mỹ và việc chính phủ ngày càng bành trướng trong khi Quân Lực Mỹ và tự do bị thu hẹp.

Tôi rất lo lắng vì một nước Mỹ yếu đuối, tự hoài nghi là một điều tồi tệ cho tất cả mọi người ở mọi nơi yêu quý tự do.

Nhưng những sự lo lắng này sẽ không tồn tại dài lâu. Bởi vì mỗi lần tôi đến nước Mỹ tôi gặp một dân tộc tự tin, thích cạnh tranh, dũng cảm, chung thủy, lý tưởng, sáng tạo, truyền cảm, độ lượng và lạc quan.

Nước Mỹ là một nước không giống bất cứ một nơi nào trên thế giới. Tôi cầu nguyện rằng nó sẽ mãi như vậy.

Tôi là Nick Adams cho Đại Học Prager.

…..…và tôi là Ku Búa và tôi cảm ơn Thượng Đế đã trao cho nhân loại nước Mỹ. Mong nước Mỹ sẽ mãi phát triển trên những lý tưởng của họ thay vì đi theo thế giới.

 

Tác giả: Nick Adams, Prager University
Dịch giả: Ku Búa

30 câu nói về tự do

Featured Image: Wikipedia Commons

 

1. “Những ai trao đổi sự tự do để giữ một chút an toàn không xứng đáng để hưởng tự do và an toàn.” – Benjamin Franklin

2. “Nơi nào tự do cư ngụ, nơi đó là đất nước tôi.” — Benjamin Franklin

3. ”Tự do chưa bao giờ cách xa sự tuyệt chủng hơn một thế hệ. Chúng ta không thể truyền lại cho con cháu qua dòng máu. Cái cách duy nhất họ có thể thừa hưởng được sự tự do chúng ta đã hưởng là nếu chúng ta chiến đấu, che chở và bảo vệ nó và giao lại cho họ với bài học rằng họ cũng phải làm điều tương tự. Và nếu chúng ta không làm vậy, một ngày nào đó bạn và tôi trong lúc về già sẽ dùng những giây phút cuối đời để kể cho con cháu chúng ta nghe về ngày xưa đã từng có một nước Mỹ tự do.” – Ronald W. Reagan

4. “Theo đúng nghĩa, tự do không thể nào được ban tặng, nó phải được giành lấy.” — Franklin D. Roosevelt

5. “Lạy chúa! Nhân dân tôi biết quá ít về những thứ quý giá họ đang có mà không có một dân tộc nào trên thế giới được tận hưởng!” — Thomas Jefferson

6. “Nước Mỹ không được xây dựng trên sự sợ hãi. Nước Mỹ được xây dựng trên sự dũng cảm, trên trí tưởng tượng và sự kiên trì bất khuất để làm những việc phải làm. – Harry S. Truman

7. “Không có gì sai trái với nước Mỹ mà không thể giải quyết bằng những gì tượng trưng cho nước Mỹ – Bill Clinton

8. “Những ai từ chối tự do cho người khác không xứng đáng để hưởng tự do cho riêng mình.” – Abraham Lincoln

9. “Giấc Mơ Mỹ không phải là mọi người đều bình đẳng như nhau. Giấc Mơ Mỹ là tất cả mọi người đều được tự do để trở thành bất cứ những gì Thượng Đế muốn.” – Ronald Reagan

10. “Khi người dân sợ chính phủ, chúng ta có sự độc tài. Khi chính phủ sợ người dân, chúng ta có tự do.” John Basil Barnhill

11. “Nếu tự do có ý nghĩa gì, thì nó có nghĩa là có quyền để nói lên những gì người khác không muốn nghe.” – George Orwell

12. “Định nghĩa của tôi về một xã hội tự do là một nơi an toàn cho những thứ không được ưa chuộng.” – Adlai Stevenson

13. “Bất cứ ai muốn lật đổ tự do của một quốc gia phải bắt đầu với việc hạn chế quyền tự do ngôn luận .” – Benjamin Franklin

14. “Tự do chưa bao giờ đến từ chính phủ. Tự do luôn luôn đến từ người dân. Lịch sử của tự do là một lịch sử của sự phản kháng.” – Woodrow Wilson

15. “Một trong những điều bảo đảm tự do dưới bất cứ một chính phủ nào, cho dù được ưa chuộng hay tôn trọng đến đâu, là quyền để người dân sở hữu và trang bị vũ khí.” – Hubert H. Humphrey

16. “Tự do có nghĩa là trách nhiệm. Đó là tại sao đa số người lại sợ nó.” – George Bernard Shaw

17. “Tự do kinh tế là một thứ không thể thiếu để tiến tới tự do chính trị.” – Milton Friedman

18. “Khi cướp trở thành một lối sống cho một nhóm người sinh sống chung trong một xã hội, họ sẽ tạo ra cho riêng họ một hệ thống pháp lý mà cho phép nó, và một hệ đạo đức để tôn vinh nó.” – Frédéric Bastiat

19. ”Chúng ta là một quốc gia có một chính phủ, chứ không phải ngược lại. Và điều này khiến chúng ta rất đặc biệt so với các nước khác. Chính phủ chúng ta không có quyền lực gì trừ những quyền lực mà nhân dân đã giao cho họ.”’ – Ronald W. Reagan

20. ”Có một quy luật nhân quả đơn giản và dễ hiểu như luật vật lý: ‘chính phủ càng lớn, tự do càng bị thu hẹp.’ Con người sẽ không được tự do trừ khi chính phủ bị giới hạn.” – Ronald W. Reagan

21. ”Bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội tự do, chúng ta thường quên rằng phần lớn thời gian trong lịch sử nhân loại, con người đã sống trong độc tài, đau khổ và toàn trị.” – Milton Friedman

22. ”Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Đông Berlin (và các lãnh thổ CNXH) và Tây Berlin (và các lãnh thổ Chủ nghĩa tư bản): Đông Berlin không thể chấp nhận sự tự do và Tây Berlin không thể nào duy trì nếu không có sự tự do.” – Milton Friedman

23. ”Tự do kinh tế và tự do chính trị là một, cả hai không để tách rời.” – Milton Friedman

24. ”Cái cây tự do phải được tưới theo thời gian với những giọt máu của người ái quốc và độc tài.” – Thomas Jefferson

25. ”Nước Mỹ chưa bao giờ là một đế chế. Chúng ta có thể là một cường quốc vĩ đại nhất trong lịch sử có cơ hội và đã từ chối – để chọn sự cao thượng thay vì quyền lực và công lý thay vì vinh quang.” – George W. Bush

26. ”Cái giá để trả cho tự do luôn luôn đắt, nhưng người Mỹ đã luôn trả giá. Và có một lối mà chúng ta sẽ không bao giờ chọn, đó là đầu hàng và khuất phục.” – John F. Kennedy

27. ”Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh để được nói.” – Voltaire

28. ”Tự do là quyền để đặt câu hỏi về thay đổi những nghi thức hiện tại.” – Ronald W. Reagan

29. ”Mỗi con người đã được quyền tự do từ lúc chào đời. Tự do của chúng ta đến từ Thượng Đế, chứ không phải chính phủ, và chỉ có Thượng Đế mới có quyền lấy nó đi.” – Danh ngôn của người Mỹ

30. ”Khi con người được quyền chọn lựa, họ sẽ chọn tự do.” – Magaret Thatcher

 

Ku Búa

AFF Cup chỉ là cái “ao làng”

Featured Image: Ariff Ahmad Tajuddin

 

Khi AFF Cup diễn ra thì tất cả các ngóc ngách của Hà Nội, Sài Gòn đều dành cho… bóng đá! Cảm giác AFF Cup là… World Cup thì đúng hơn. Thậm chí World Cup ở Đức năm 2006 cũng không được sôi động như thế. Nhiều bài báo dịp World Cup 2006 cho thấy là dù có sự kiện lớn lao như vậy trên nước mình nhưng nhiều người Đức vẫn không biết hoặc biết rất ít! Còn với chúng ta sự kiện nhỏ như AFF Cup nhưng lại là…World Cup!

Thực tế AFF Cup chỉ là cái “ao làng” của vùng trũng nhất của nền bóng đá thế giới mà thôi! Nhưng các ngả đường với cờ xí, băng rôn… bóng đá sặc sỡ. Cảm giác như đây là ngày hội lớn của cả dân tộc không bằng (!?) Có trận đấu cả Thủ tướng (TT), nhiều Bộ trưởng trên khán đài! Trời ơi, thưa Thủ tướng CP, đây là trận đấu ở AFF Cup chứ không phải trận CK World Cup mà ông đến xem!

Đây là sự kiện nhỏ, rất nhỏ sao ông lại bận tâm đến vậy? Là Thủ tướng, suy nghĩ phải lớn lao chứ không nên suy nghĩ nhỏ nhoi tầm thường như thế. Nếu đây là trận đấu World Cup thì OK nhưng đây chỉ là trận đấu AFF Cup thôi ạ. Có TT đương nhiệm có tư tưởng nhỏ bé như vậy nên VN chẳng thể khá lên được là hiển nhiên. Là một công dân yêu nước, chúng ta rất buồn khi nhìn thấy Thủ tướng trên khái đài trận đấu này.

Buồn hơn nữa là khi chứng kiến cách biểu lộ cảm xúc của người Việt khi đội tuyển bóng đá nam Việt Nam thắng ở AFF Cup. Tất cả các con đường đều chật cứng, người người đổ ra đường, nhà nhà đổ ra đường… Tất cả đều hô to: “VN vô địch, VN vô địch!” Trời đất ơi, sao Việt Nam chúng ta lại tầm thường đến mức chỉ mới vô địch AFF Cup thôi mà cả nước đã đổ ra đường hô to: “VN vô địch, VN vô địch” như thế?

Thật nực cười. Đành rằng bóng đá là môn thể thao được nhiều người yêu thích, khi CLB yêu thích hoặc đội tuyển quốc gia nước mình thi đấu thì cảm xúc dâng trào. Mọi người có nhiều cách để biểu lộ cảm xúc của mình. Tuy nhiên nhìn cách thể hiện cảm xúc của chúng ta trong các dịp AFF Cup, SEAGAME mới buồn làm sao.

Đôi khi thể thao là cái cớ để người ta quên đi khó khăn hiện tại nhưng quá thổi phồng một sự kiện nhỏ như AFF Cup đến mức ấu trĩ như nhiều người đã làm là không thể chấp nhận được. Suy nghĩ của người Việt nhỏ nhoi quá. Mà nếu có vô địch ở cái vùng trũng này thì cũng có gì là oai. Nói thật là tôi coi thường những người có tư tưởng nhỏ bé như vậy, kể cả TT đương nhiệm!

Vì người dân có tư tưởng nhỏ bé như vậy nên

Biết bao bất công trong xã hội đang diễn ra hàng ngày. Biết bao mảnh đời cơ cực, khó nhọc, lầm than còn nằm chình ình đó. Quyền tối thiểu của một công dân vẫn đang bị chà đạp, xâm phạm một cách trắng trợn, vậy mà cả dân tộc cứ bị cuốn hút theo trái bóng qua những giải đấu vô hồn. Họ sẵn sàng đổ xô xuống đường vì một bàn thắng nhưng lại hờ hững trước những giá trị căn bản của xã hội đang bị vứt bỏ.

Những tiếng nói phản kháng đang bị tù tội là kẻ thù của chế độ, là phản động, không đáng bận tâm bằng một trận bóng đá khu vực! Giá mà chỉ một phần nhỏ nhoi trong số hàng triệu người ấy (chỉ biết xuống đường, cầm cờ ca hát, vui mừng chiến thắng) cũng biết đắng đo trước tương lai của dân tộc.

Họ cũng cùng nhau xuống đường đấu tranh cho dân chủ, cho công lý của quê hương thì hay biết mấy và có lẽ tương lai của đất nước sẽ sớm được đổi thay” (Lâm Bình Duy Nhiên)

Hiện nay chẳng có mấy ai quan tâm rằng Việt Nam chúng ta hiện nay là “một thời đại đen tối nhất của xã hội và của quyền con người trên đất nước Việt Nam”

Nhân đây xin nhắc lại một câu hỏi xót lòng của ông cựu TT Phan Văn Khải trong một cuộc gặp SV: “Khi Việt Nam thua Thái Lan trong trận chung kết bóng đá nam tại SEAGAME thì có bao bạn trẻ khóc nhưng khi thấy Việt Nam còn là nước kém phát triển thì có bao người người Việt chảy nước mắt?”

Để xây dựng được một xã hội sáng tạo người ta tính toán phải mất khoảng ba thế hệ. Tuy nhiên, để sáng tạo được một suy nghĩ nhỏ nhoi “không qua ngọn cỏ” như trên thì chúng ta sẽ phải mất bao thế hệ đây?

Mạo hiểm, suy nghĩ lớn lao đi tìm những vùng đất mới (như thế Colombo mới tìm ra Châu Mỹ); mạo hiểm, suy nghĩ lớn lao trước những ý tưởng mới, “Chúng tôi chưa bao giờ dừng bước trước những trải nghiệm đỉnh cao” (Sony)… như thế nên họ mới tạo ra được giá trị nhân loại, thương hiệu toàn cầu, làm thay đổi thế giới, cuộc sống mới có ý nghĩa. Còn với suy nghĩ nhỏ nhoi, ấu trĩ kiểu “VN vô địch, VN vô địch” khi đội tuyển bóng đá nam Việt Nam thắng ở “ao làng” AFF Cup thì chúng ta hy vọng gì ở tương lai đây…

 

Phạm AQ

Những con cừu không thể đứng lên vì chúng không biết gì. Nhưng còn những con cừu đã biết rồi mà vẫn không muốn hoặc không dám đứng lên?

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Tại giờ Văn, học thêm trong trường, vì tôi năm nay lớp 12, là lớp học sinh sắp được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đưa ra làm chuột bạch thí nghiệm. Giờ Văn dạy chán, rất chán, vô cùng chán. Bởi vì trong toàn cuốn Văn 12, tôi thích được bài Tây Tiến của Quang Dũng, bài Số Phận Con Người của Milkhai Solokhov, bài Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải, bài Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu. Bởi vì những bài đó là những bài hết sức trang trọng và miêu tả sự thật trong thời chiến và khổ đau của thời hậu chiến, và quan trọng hơn hết – nó không mang màu sắc chính trị của Đảng Cộng Sản?

Với văn thì thế, còn với sách lịch sử thì ôi thôi, không có gì để nói, vì trong đó tôi vô cùng “dị ứng” với các từ như: Ngụy quân ngụy quyền, con rối của giặc tư bản, kháng chiến chống Mỹ, ngoài ra còn “dị ứng” nặng hơn với các từ: sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ huy tài tình của các lãnh đạo bên ta, những vị anh hùng của giải phóng quân, sự tổn thất “không đáng kể” của quân ta…

Và khi tôi chất vấn thầy giáo về Tết Mậu Thân, về Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, về Điện Biên Phủ, về Cải cách ruộng đất và về thời bao cấp – đánh tư sản – thì y như rằng là thầy tôi sẽ như thế này: “Đó là một số sai lầm nhất thời nhưng Đảng đã kịp thời nhận sai và sửa sai, chuyện này thầy không trả lời em được vì không có bằng chứng, đó là do bọn phản động xuyên tạc dựng lên thôi, và gần đây nhất là – em lo ôn thi đi hỏi lảm nhảm mãi!”

Nhưng tôi cũng rất thông cảm cho thầy, thầy chỉ là một công chức ăn lương an phận, và vì thầy lo rằng có ngày tôi sẽ bị mò tới, nên ngày cuối gặp thầy thầy đã bảo thế này: “Thầy thì không dám trả lời, còn em, dù có dám thật thì giá gì cũng phải cẩn thận, hậu quả sẽ nặng lắm đó.”

Trở lại với chủ đề chính, trong giờ Văn dạy rất chán đó, anh bạn ngồi kế bên tôi cũng không học nữa, mà ngồi nói về chuyện tương lai của đất nước. Tôi lúc đó cười khẩy và nói cho anh nghe: “Đất nước bị đè đầu cưỡi cổ và nhồi sọ, giam cầm trong cái nhà tù ‘Việt Cộng’ này thì làm quái gì có nổi tương lai.” Thì anh bảo: “Sao tự nhiên mày phán tào lao vậy.” Rồi đương rảnh tôi kể anh nghe về chút kiến thức lịch sử chính trị của đất nước này, những kiến thức không bị Đảng “kiểm diệt”, vâng – “kiểm diệt”, thì anh lại cười và lắc đầu.

– “Mày mang tư tưởng phản động trong óc thì cuộc đời mày làm nên cái trò trống gì chứ, còng đầu mày đó con à.”

– “Tao cũng không biết là tao có thể làm được gì không nhưng tao thấy nhất quyết phải đứng lên giành lại sự công bằng.”

– “Hơ, đứng lên đấu tranh hả. Tụi nó cầm quyền đất nước này lâu rồi, đấu có lại tụi nó không, hay lại thiệt cho mày. Có nước cầm súng lên mới đấu lại nó. Đâu mày nói tao nghe coi, mày định lật nó bằng cách nào hay lại bô bô cái miệng rồi lên mạng bô bô nữa.”

– “Tao nghĩ từ kinh tế sẽ lấn sang chính trị sớm thôi, Việt Nam sắp phải mở cửa thị trường rồi. Vả lại bất công đầy rẫy trong xã hội, người dân sẽ sớm nhận ra và đoàn kết lại, chống lại sự bất công đó, như cách nhân dân Tây Âu lật đổ Cộng Sản và như Sự biến Thiên An Môn vậy. Mày chắc không biết mấy chuyện đó rồi. Mày đang bị bóc lột mà không biết đó. Tính đơn giản thôi, xăng 21.000/lít nhưng thuế hết 11.000 rồi.”

Rồi anh cười ha hả, rồi anh vặc lại tôi đủ kiểu, anh bảo lo toàn tào lao, rồi anh chửi Nah Sơn, rồi anh chửi tùm lum, rồi anh lại phán:

– “Tao nói thật tao cũng không ưa nhà nước, nhưng mà tao vẫn chấp nhận sống với nó, ‘ở bầu thì tròn ở ống thì dài’, nó sao thì mình vậy đi mày ơi. An phận mà kiếm sống thôi, lo chuyện bao đồng, phản động quá, mày tư tưởng phản động quá. Mốt ra đời đi làm rồi thời gian còn không có ở đó lo tàm xàm.”

– “Tao nghĩ sự khác nhau giữa tao với mày trong tư tưởng là một thằng chấp nhận bị hút máu và cầm tù còn một thằng quyết định không chấp nhận và đứng dậy đó. Hy vọng vài năm nữa gặp lại chính kiến của 2 đứa mình sẽ thay đổi.”

Nói đến đó thôi tôi lại ngưng. Hiểu rồi và lo thêm. Có lẽ đáng lo nhất là hạng người này, BIẾT NHƯNG KHÔNG DÁM CHỐNG. BIẾT NHƯNG IM. Anh có lẽ chưa ra đường đi làm, nên anh chưa thấu. Và anh chưa hiểu được sự tàn khốc của Việt Cộng. Và hơn hết, tôi lại thấy lo cho cái “tương lai Việt Nam” mà anh nhắc tới trong khi chúng ta là tệ nhất Đông Nam Á và cũng có thể là Châu Á, và bọn Trung Cộng thì đã xây xong đảo nhân tạo trong khi bên ta bưng bít mọi thông tin, và đồ độc đồ hại, cũ nát được bên ta nhập về, và nhập thêm một ông “thần” về thờ. Và hơn hết, sau một tuần nữa, là tôi phải lên đường ra mặt trận làm chuột bạch thí nghiệm rồi…

 

Mộng Hỏa

Phim có thể là một áng văn học không?

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Tiểu thuyết là câu chuyện kể mang tính nghệ thuật ngôn ngữ và ẩn màu sắc tư tưởng. Khi chưa có chữ viết thì kể bằng miệng. Lúc kể chuyện, muốn cho hấp dẫn; nghệ sĩ dùng một số bộ điệu đóng thế một số vai để câu chuyện trở nên sống động hơn. Đó là tiền thân của bộ môn kịch về sau. Và bộ môn kịch sớm được đưa vào văn học, và ngay ở buổi ban đầu, gần như nó chiếm lĩnh trên văn đàn đầy uy lực hơn so với tiểu thuyết văn chương chữ viết.

Bi kịch – hài kịch trên văn đàn Phương tây là một ví dụ. Các tác giả bi kịch Hy Lạp như Euripide, Sophocle, và hài kịch Latinh như Sénèque, Térence, Aristophane… (Hy Lạp) được kính trọng trong nền văn học Pháp.

Kịch là loại hình mô tả bằng động tác nên gặp nhiều khó khăn trong phổ biến, nhưng lại có nhiều lợi thế trong cảm nhận nơi người xem hơn là tiểu thuyết chữ viết. Nhân vật của kịch bày tỏ cảm xúc dễ gây phản ứng trực tiếp nơi khán giả do tâm lý xúc động trước tình huống cụ thể hơn là độc giả cảm nhận một cách riêng tư khi đọc.

Nhưng cái trở ngại của kịch hôm nay dược khắc phục rất nhiều và đạt đến lợi thế hơn tiểu thuyết nhờ vào kỹ thuật, bằng cách chuyển tải qua “phim”. Lợi thế của phim so với kịch chính là “kỹ thuật”. Nhân vật trong phim cũng hiện diện trực tiếp/đối mặt với người xem, cho nên sự truyền thụ cảm xúc cũng kích động hệ thần kinh làm cho phản ứng xung động tình cảm bị kích thích trực tiếp như kịch, mà còn hơn thế nữa, hiệu quả còn mạnh hơn là nhờ các frames cận ảnh (gros plan) lột tả cảm xúc chi tiết và tế nhị hơn.

Người xem phim có thể cảm nhận một diễn biến tâm lý, suy nghĩ của nhân vật qua từng nét mặt, đến tận từng chi tiết ánh mắt, nếp nhăn trên trán hoặc một cử động nho nhỏ của ngón tay, bàn chân…(gros plan).

Do đó, về luật “ba duy nhất” (thời gian, địa điểm và hành động) của kịch chuyển qua điện ảnh thì được rộng mở hơn, uyển chuyển hơn; giúp cho đạo diễn thể hiện cái mật ngữ của tác giả gởi gắm để người xem dễ dàng cảm thụ đến sâu sắc hơn.

Tính cách rộng mở và uyển chuyển của phim được nhà đạo diễn Nga Sergei Eisentein (1898 – 1948) khai triển thành ý niệm “ montage”: để những images với nhiều xung đột (collision) ở cạnh nhau làm cho điện ảnh thêm hấp lực hơn. Nhờ cái montage đó mà có thể xáo trộn thời gian cho việc diễn tả cái “Thời – Không” [temps – espace] trong tâm lý hiệu nghiệm hơn kịch và tiểu thuyết (tiểu thuyết cũng áp dụng cái montage đó như: “Chuyện đó không nói nữa… hồi sau sẽ rõ.” Hoặc “Trong khi đó…”; nhưng thiếu cái uyển chuyển của phim).

Dầu phim với kỹ thuật hiện đại cũng không thể ra ngoài cái luật “không – thời hợp nhất ấy”, nó chỉ có thể “chuyển cảnh (scène) lẹ hơn thôi. Mỗi “scène” của phim rộng hơn thôi! “Phim là kịch được nối dài” là vậy: cũng nhờ vào kỹ thuật mà nghệ thuật diễn đạt với được tới tầm cao có thể, qua mặt được bộ môn kịch. Phim cũng gần với tiểu thuyết hơn kịch ở chỗ nó có thể mượn cảnh để diễn tả tâm sự “người buồn… cảnh có vui đâu bao giờ.”[ND]

Kể cả kịch và phim đều có âm nhạc hỗ trợ hiệu quả trong sự gợi mở sức tưởng tượng cho người xem hơn là người đọc.

Do đó, kể về mặt ưu thế truyền cảm xúc, đẩy mạnh sức tưởng tượng thì phim trội hẳn hơn kịch và tiểu thuyết; nên người xem phim “sống” với nhân vật thực hơn. Và trên phương diện nghệ thuật, phim tổng hợp được các ưu thế của kịch và tiểu thuyết… và khắc phục được nhiều hạn chế hơn hai bộ môn trên.

Chính vì sức mạnh ấy của phim nên tác dụng của nó cũng hết sức cường liệt. Tốt thì ảnh hưởng tốt ngay, mà xấu thì cũng sẽ xấu tức thì. Một tác phẩm văn chương (tiểu thuyết – kịch) được chuyển thể sang phim thì hình như sức mạnh của thông điệp có tác dụng hữu hiệu hơn.

Sức quyến rũ, tính phổ biến chính là lợi thế của điện ảnh, giúp điện ảnh chuyển tải cái hoài bảo của kịch và tiểu thuyết bị chặn đứng trước ngưỡng cửa của những người ít chữ. Cái thú đọc sách của người biết chữ chia sẻ cùng người ít chữ nhờ cái thú thưởng thức phim; cũng như cái khoảng cách văn học… Điện ảnh sẽ mang họ xích lại gần nhau hơn. Cái tế nhị, cái ẩn ý mà tiểu thuyết muốn gợi mở, báo động làm cho độc giả phải suy gẫm… thì điện ảnh sẽ đền bù lại cho người không đọc tiều thuyết.

Người Viêt Nam hôm nay “đọc” Thủy Hữ, Tam Quốc Chí, Tây Du KýLe Cid, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà Paris, Cuốn Theo Chiều Gió, 1001 Đêm… Don Qiuchotte… nhiều hơn cha anh họ. Và rồi đây, có thể người ta (không phải tất cả) sẽ “nghe/xem tiểu thuyết” hơn là đọc tiểu thuyết.

Sự tương tác giữa kịch, tiểu thuyết và phim đã trở nên máu thịt. Fr. Sagan chuyển cái không khí mơn man buồn ở tiểu thuyết của bà sang kịch hết sức thành công; cũng như B.M. Koltès tạo ra không khí tiểu thuyết đen trong các vở kịch vậy. Và Dương Khiết đưa cái giả tưởng vào hiện thực mà người xem phim thì tìm lại được chính mình trong Tây Du Ký.

Một chiếc lông chim phiêu bạt trong không gian – hay là một thân phận nổi trôi trên giòng đời; “Số phận là thế ấy!” được đạo diễn trình bày trong phim “Forrest Gump”. Một tượng trưng gợi mở ở văn chương là “từ một tập hợp từ tới một mạng lưới các ý tưởng”(*) mà trong phim là hình ảnh: “Chiếc lông chim!” Một tượng trưng. Một ẩn dụ!

Kịch – Tiểu thuyết – Phim chỉ là ba phong cách nghệ thuật thể hiện của văn chương, và cùng đóng góp vào sự phát triển ngôn ngữ, khai mở tư tưởng và làm giàu thêm cho tâm tình nhân loại hơn lên.

Và điện ảnh: một phương tiện mới, một cảm nhận mới; chúng ta có thể có một ý niệm mới hay không? Cái mới chưa kịp tạo được danh nghĩa chính thống liệu nó có nguy cơ bị gạt ra ngoài cái chính đáng hay không?

Vâng, dẫu cho điện ảnh có khoảng chừng hơn 100 năm nay (kể từ ngày anh em nhà Lumière (Pháp) phát minh ra chiếc cinématographe quay và chiếu phim lần đầu tiên năm 1895)… so với tuổi đời của hai bộ môn kịch và tiểu thuyết thì chỉ là hàng hậu duệ khá xa… và hai bộ môn này đã đi vào tiềm thức nhân loại như một truyền thống cố cựu rồi. Do đó, điện ảnh khó chạnh tranh cái vị trí “truyền thống” với các tổ phụ của nó. Cho nên vấn đề được đặt ra là: cái mới chưa tạo được danh nghĩa chính thống liệu nó có nguy cơ bị gạt ra ngoài cái chính đáng không?

Thậm chí tạp chí UNESCO khi đặt vấn đề về “ĐIỆN ẢNH” cũng chỉ xem điện ảnh như một báu vật văn hóa cần phải bảo tồn chứ không hề quan tâm đến chức năng “văn chương” trong điện ảnh.

[Người đưa tin UNESCO số tháng 8-1984 – Bản Việt ngữ] Trong số báo này tập trung khá nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh: Raymond Borde, nhà sử học và phê bình điện ảnh Pháp – Paulin Soumanou Vieyra, nhà điện ảnh và phê bình điện ảnh Sénégale – Italo Manz, nhà phê bình và chuyên gia điện ảnh Argentina – Vladimir Dmitrev, nhà lưu trữ, phê bình và nghiên cứu lịch sử điện ảnh Liên Sô – Manuel Pepeira là nhà văn và nhà báo Cuba, và ông còn là nhà phê bình điện ảnh và viết kịch bản phim…cũng chỉ bênh vực khái niệm tài sản văn hóa cốt nhằm vào mục đích: quân sự, pháp lý, giáo dục, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học, lịch sử, sư phạm, công nghệ, y học, sân khấu… thậm chí cả mục đích triết học… nhưng không hề nghe nói đến “văn chương” hay mục đích “văn học” của điện ảnh.

Và nhiệm vụ phê bình (criticisme) qua những bài phê bình trên các báo, tv, radio…- đều tập trung vào trọng điểm: kỹ thuật, nghệ thuật và văn hóa – mà phần văn chương được âm thầm như không hiện diện khi phân tích một cuốn phim; dẫu cho cuốn phim đó được chuyển tải từ một áng văn học như Tây Du Ký, Don Qiuchotte, Cuốn Theo Chiều Gió, Quo Vadis, Doctor Jivago

Ở đây, người viết xin mạn phép không đặt lại vấn đề hay đưa ra thêm định nghĩa: thế nào là văn học? Thế nào là văn chương? Vì hai từ “văn học” và “văn chương” nó đã sẵn sàng trong tri thức người đọc rồi; luận thêm e loạn! Cái “văn chương”, nếu có trong một tác phẩm điện ảnh hoặc nói một cách khác là trong kịch bản phim thì “nó” không nằm ngoài “văn bản – xin được hiểu là lời văn trong kịch bản (chủ yếu là lời thoại).

Và “văn học” trong phim là gì? Hoặc nói một cách nhẹ nhàng hơn: “văn chương” là gì trong điện ảnh? Như câu hỏi này cũng được đặt ra cho kịch: “văn chương” là gì trong kịch?

Khảo sát văn chương của kịch không ngoài các lời thoại. Chắc hẳn văn chương của điện ảnh cũng không ngoài các lời thoại! Và chúng ta khảo sát văn chương chính văn chương của tác phẩm (điện ảnh được xem là tác phẩm nghệ thuật). Kịch Molière, Racine, Corneille, Shakespeare… chắc chắn lời của Hamlet được đưa vào văn học.

Các giải thưởng uy tín điện ảnh như Sư Tử Vàng, Cành Cọ Vàng, Oscar… đều có một giải cho “kịch bản” thì có lẽ ban giám khảo cho rằng “kịch bản là một tác phẩm” chăng? Giá trị của kịch bản phim được thừa nhận hẳn nhiên là gồm: cấu trúc câu chuyện, sắp xếp dàn dựng làm tiền đề cho đạo diễn, lời văn (chủ yếu là lời thoại) và tư tưởng được lồng vào cả ba phạm trù trên. Nhưng nhà văn học có ngắt ra được bông hoa “văn chương” nào trong đó không… như nhà phê bình văn học tỉa ra cái “văn chương” trong kịch và tiểu thuyết vậy.

Kịch đã được vào văn học, thì sao văn đàn lại đóng sầm cánh cửa trước mặt điện ảnh khi mà phim xét về tất cả mọi mặt nghệ thuật thì nó là một thứ kịch nghệ thứ hai, tức “kịch được nối dài” đó.

Cuộc tranh luận về tiểu thuyết và phim của nhà văn trước sức mạnh của bộ môn nghệ thuật thứ bảy này cho ta thấy nỗi lo lắng của họ không phải là không có cơ sở. Vì cái thú đọc sách là ở sự thưởng ngoạn văn chương chứ không phải là thứ ngoạn cảnh như người xem phim. Thú khám phá cái huyền ngôn mật ngữ mới là cái nhã của người đọc. Tác giả khi đắc một từ, một câu, một ý cũng là cái thú của người đọc thưởng thức cái kho trời chung mà vô tận của mình riêng.

Cái thú ấy, người xem phim cũng tận hưởng được cái vị mặn mà của câu nói ý nhị, cái chất ngọt ngào của ngôn ngữ phong nhã, cái hương thơm của tư tưởng đượm tình: với người, với thiên nhiên, với những người anh em nhỏ bé cùng chia xẻ sự sống với chúng ta trên cái giọt bùn bé nhỏ mong manh này.

Nhưng câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ!

 

Vũ Ngọc Anh

Dân trí mình đúng thấp thật rồi, cảm ơn đảng và nhà nước!

Featured Image: Chris Goldberg

 

Câu nói của ông đại biểu: “Dân trí nước ta còn thấp.” Bị người dân, chủ yếu dân mạng phản đối ầm ĩ. Còn lại đa phần số đông, những người dân, người lao động không bao giờ online thì chẳng biết, chẳng bận tâm. Mà cho dù có biết đi chăng nữa thì cũng kệ vì chả thấy liên quan gì tới mình. Đấy, mình bị cái đứa mình nuôi nó chửi thẳng mặt là ngu mà cũng không biết, không quan tâm, thì thử hỏi mình có ngu thật hay không?

Chưa kể,

Dân trí cao cỡ nào khi mà ngoại trừ những người quan tâm chính trị ra thì còn mấy ai biết cụ thể công việc, trách nhiệm của những chức danh như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy ban mặt trận Tổ Quốc… là cái gì? Họ làm những công việc gì? Trách nhiệm của họ đến đâu? Tại sao ông Đại Tướng chẳng bao giờ thấy mặt mũi trên các thông tin chiến trận ngoại trừ có mặt ở một vài cuộc họp vớ vẩn với ngoại bang? Tại sao những vụ doanh nghiệp Nhà Nước thua lỗ động trời không một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm hay nói một lời xin lỗi?

Dân mù tịt không biết đâu mà lần, thậm chí cũng là không quan tâm chút nào hết. Thế thì hỏi có là ngu không? Ngu vì không được dạy hay ngu vì không biết tự tìm hiểu hay ngu vì tìm hiểu mãi cũng không ra… Dù cho là ngu vì bất cứ lý do gì thì vẫn là ngu. Ngu thì là dân trí thấp. Đúng quá rồi còn gì.

Dân trí có cao không khi đa phần người dân không hề muốn nghe muốn nói đến chuyện chính trị vì cho rằng nó không liên quan tới cuộc sống của mình. Không hề biết rằng chuyện chính trị chính là quyền của mình để lập ra một chính phủ có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của mình.

Chính trị chính là nội dung giáo dục con cái mình nên người. Chính trị chính là niềm tự hào dân tộc của dân mình khi bước ra khỏi đất nước. Chính trị chính là liều thuốc con mình tiêm vào người, là con đường mình đi, là hàng hóa mình tiêu thụ, là không khí mình hít thở, là sức khỏe của chính mình và gia đình mình?

Tách rời chính trị khỏi cuộc sống và trách nhiệm của bản thân trong khi nó ảnh hưởng sâu sắc và gắn liền mật thiết đến nhau. Cho rằng nó thì không liên quan đến mình, mình thì không làm gì được nó, thì thử hỏi có ngu không, có dân trí thấp không?

Dân trí cao cỡ nào mà để cho Trung Quốc nó ngang nhiên chiếm đảo chiếm đất xây dựng sân bay, công trình mà vẫn im lặng không nói một lời.

Dân trí cao chắc chắn sẽ phải biết biểu tình và giữ im lặng khi bị bắt là hai trong những quyền cơ bản nhất của con người trên bất cứ vùng đất văn minh nào.

Dân trí cao thì đâu thể im lặng đi trên những cây cầu mới xây đã sập, bê tông cốt tre, đường cao tốc sóng trâu, công trình trăm ngàn tỷ vừa khánh thành đã hư hỏng, đập nước bờ kè mưa một trận đã sụt lún…

Dân trí cao thì nỡ nào mà để người dân mình tự lừa đảo người mình, tự đầu độc dân mình, tự làm hại đồng bào mình. Giúp người ta tiêu thụ hóa chất độc hại, nông sản độc hại còn nông sản của dân mình thì phải đổ bỏ đi vì thừa mứa và rẻ mạt.

Dân trí cao thì sao để chính quyền tự ý lấy thuế xây cái miếu vài trăm tỷ thờ một ông học giả ngoại bang rồi còn trơ trẽn tuyên bố xây thế thôi chứ chưa quyết định thờ ai. Hẳn là chính quyền dư nhiều tiền lắm. Nhưng dư tiền sao lại phải đi vay Trung Quốc tiền xây cái đường tàu cao tốc để rồi bị họ chèn ép. Dư tiền sao lại phải đi vay viện trợ bảo vệ môi trường trong khi tiền phí bảo vệ môi trường thì tận thu từ trong giá xăng giá điện?

Dân trí cao thì sao mà có mấy chuyện hy hữu cười ra nước mắt rằng cuộc sống của ta là hạnh phúc nhất, yên bình nhất.

Dân trí cao làm sao chịu nổi khi chính quyền làm được một việc nhỏ thì bắt dân mang ơn, tạc tượng. Còn khi chính quyền làm sai những việc tày đình thì không cần xin lỗi, từ chức, chịu trách nhiệm, chỉ cần rút kinh nghiệm là xong?

Dân trí cao thì hẳn đã chẳng phải xấu hổ khi dân ta ra nước ngoài mang bao tiếng xấu, trộm cắp, mại dâm, vô ý thức vô văn hóa.

Nếu dân trí mà có cao thì phụ nữ Việt đã chẳng phải lũ lượt ra nước ngoài bán dâm, bị mua làm vợ, bị hành hạ, bị xúc phạm. Người dân Việt đã chẳng phải qua Cam, qua Lào làm giúp việc, lao động nặng nhọc, chui nhủi.

Nếu dân trí mà không thấp thì hàng trăm ngàn sinh viên thạc sĩ tiến sĩ ra trường hẳn đã phải có công ăn việc làm, có những đồ án, công trình giúp ích cho cộng đồng chứ không xếp hàng dài thất nghiệp ăn bám gia đình xã hội.

Nếu dân trí cao thì hẳn phải biết đất nước đã đi thụt lùi thế nào sau những năm tháng “giải phóng”. Từ một nước tự sản xuất được xe hơi nội địa thành một nước không sản xuất được con ốc con vít. Từ một nước được miễn phí học hành, y tế biến thành có nhiều tiền cũng chưa chắc có được môi trường học hành, y tế đủ tốt. Từ một nước được bao nước thèm muốn, ước ao trở thành một nước bị xem thường.

Nếu dân trí cao hẳn đã phải nhận ra những mâu thuẫn, nhìn thấy những sự thật đang được giấu kín thay vì nói gì biết đấy, kêu gì làm đấy.

Nếu dân trí cao liệu có để cho các ngài lãnh đạo xem như trò hề, muốn làm gì thì làm, muốn chặt cây thì chặt, hứa một đằng làm một nẻo, muốn thay cây gì thì thay, muốn bán đất cho ai, bán tài nguyên cho ai, cho ai thuê đất bao lâu thì cho.

Nếu dân trí cao hẳn không thể để mặc cho những người được mình ủy quyền lộng hành tác oai tác quái. Sâu mọt khắp nơi từ trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài, từ lớn đến bé, từ xưa đến nay mà không một động thái ngăn cản.

Nếu dân trí cao người ta hẳn sẽ phải thích đọc sách hơn xem truyền hình, thích nghiên cứu tìm hiểu hơn là đọc tin tức giải trí. Nhưng xem kìa, Việt Nam là một trong những nước đọc sách ít nhất thế giới.

Nếu dân trí cao thì hẳn sẽ không cười xòa khi đọc tin tức “Cá mập cắn đứt cáp” “Nhím gà dê hỗ trợ nông dân đi lạc vào nhà bí thư, chủ tịch”.

Nếu dân trí cao hẳn người dân phải biết hợp sức lại, biết cất tiếng nói của mình, biết liên kết với nhau tạo nên sức mạnh.

Và quan trọng nhất, nếu dân trí cao thì người dân chắc chắn phải biết chuyện gì đang xảy ra với đất nước mình, với dân tộc mình.

Đấy, xin mời các bạn xem lại, tự vấn lại bản thân một chút. Rằng so với một vài biểu hiện của dân trí cao như trên, thì tự xem dân trí của mình có cao không? Nếu có, thì xem tiếp, xung quanh mình có bao nhiêu người có dân trí cao giống mình trên tổng số người mình quen biết và tiếp xúc hàng ngày? Còn nếu không, thì thôi, ông đại biểu nói đúng, dân trí mình thấp thật, nói thẳng tuột, mình thật là ngu, dân mình cũng ngu, rất ngu, đấy là sự thật không còn nghi ngờ và bàn cãi gì nữa.

Ấy thế thì, thay vì phản bác và chê trách ông đại biểu, người dám nói dân trí ta thấp, thì có lẽ, nên tuyên dương ông. Vì dám nói ra sự thật, sự thật mà các ngài lãnh đạo đều biết nhưng chưa ai có can đảm nói. Nhưng mà cũng không được, vì ông đại biểu này khi bị phản đối đã lại kịp có bài thanh minh rằng ông ta không nói ra điều đó. Ý ông không phải vậy, dân hiểu lầm ý ông rồi. Đấy, lại một lần nữa, dân trí thật thấp, thật ngu, lãnh đạo phát biểu gì người dân cũng hiểu lầm hết.

Từ “dân trí thấp” “quyền im lặng và biểu tình là nguy hiểm” “xu thế ghét Trung Quốc là nguy hiểm cho dân tộc” “nước ta còn dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản” “đa số người dân ủng hộ chặt cây” “chưa quyết xem thờ ai trong miếu” “chúng ta phải cố gắng xây dựng quân đội mạnh như Triều Tiên” “dân sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai”…

Đấy, câu phát ngôn nào cũng bị người dân hiểu lầm. Thế thì giờ sao? Lãnh đạo phải coi lại cách phát biểu sao cho dân hiểu. Hay người dân phải cố mà hiểu cho đúng ý lãnh đạo? Ôi tôi cũng không biết nữa, vì như đã nói, dân trí tôi thấp lắm. Sao hiểu được ý mấy ông. Nhưng mà dù dân trí tôi thấp đi chăng nữa, thì có một điều tôi dám cam đoan, rằng bất kể chuyện gì xảy ra bất kể kết quả thế nào, cũng là nhờ ơn Đảng và Nhà Nước. Nên dù cho cả nước có bị dân trí thấp, tôi cũng xin thay mặt toàn dân, cảm ơn Đảng và Nhà Nước!

 

TP

Hỡi những ký giả Việt Nam

Featured Image: Drew Coffman

 

Bạn có thấy báo chí Việt Nam hiện nay như đống giấy lộn? Tất cả đều không có một chút gì ý nghĩa. Nếu so sánh báo chí Việt Nam là một biển thông tin thì những thứ vô bổ trôi dạt lên, những thứ có ý nghĩa vì nhiều lý do bị chìm xuống.

Trên các trang tin trực tuyến, những cái tít luôn luôn nổi bật là cướp giật, hiếp dâm, lộ hàng, ngắm vòng 1 siêu khủng… Có bao giờ bạn tự hỏi: “Sao những chuyện như vầy mà cũng viết được thành bài báo?” Ví dụ như bản tin về một người đẹp đang xách chiếc túi trị giá vài ngàn USD, nội dung dài nhưng chỉ xoay quanh chuyện chiếc túi thì đắt tiền và người đẹp sang trọng bỏ tiền ra mua nó. Rồi chuyện gần đây một thiếu gia Trung Quốc xấu xí tên Trần Sơn với nhiều trò ngu cũng được nhiều tờ báo thèm thuồng khai thác, tung hô. Thế mới biết, có tiền, nhiều kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm.

Lại nói thêm về cách sử dụng từ ngữ. Những kiểu chữ nghĩa câu khách rẻ tiền như “Đắng lòng” “Lặng người” “Chết lặng”… nhà báo Việt Nam bây giờ lấy ở đâu ra? Ở Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền dạy họ ư? Vậy mà cũng nhiều người, nếu không nói là hầu hết, chủ yếu là giới trẻ thích thú khen hay, like, và áp dụng luôn vào cuộc sống hằng ngày như một cái mốt thời thượng.

Ngập trong đống thông tin vô nghĩa, thật tội cho những người độc giả chân chính, họ phải lọc bỏ hàng đống tạp chất mới tìm thấy cái họ cần. Trong những bài viết có ý nghĩa hiếm hoi, họ đăng lên ý kiến, giải pháp của mình, hy vọng là những người có trách nhiệm trong vấn đề đó sẽ lưu ý, nhưng tiếc là chẳng ai thèm quan tâm tới ý kiến của họ. Giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ý kiến nhiều lần mà chính phủ còn không thèm đếm xỉa thì nói chi dân đen.

Toàn những chuyện lá cải tầm phào đầy rẫy trên các trang tin tức. Có những chuyện cần chia sẻ, cần phẫn nộ thì bị chìm ngập và lãng quên trong cái thế giới báo chí bẩn thỉu này. Như vụ Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên (2014) bị 5 công an viên bức cung, nhục hình, giết chết bất chấp nạn nhân kêu oan. Những đứa trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe dọa.

Những tin như vầy thì báo chí không dám đưa, nếu có thì cũng sẽ dùng từ ngữ ma mị bao che cho tội ác của công an viên. Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt, thậm chí bị bóp méo một cách trắng trợn vì nhắm “đụng chạm” tới chính quyền. Chính quyền là luôn đúng mà. Báo chí phải là một kênh tuyên truyền của Đảng.

Nói đến báo chí Việt Nam hiện nay là nói lên tính cách người Việt và mối quan tâm của họ ở thế kỷ 21 này. Xã hội Việt Nam hôm nay chỉ toàn là những người vô cảm, họ thấy nỗi đau của đồng loại mình trước mắt mà không mảy may động lòng. Ngay cả khi đó là đồng bào của mình. Thậm chí có người biểu tình chống chặt cây xanh bị côn đồ – nhân viên an ninh chìm kiếm chuyện đánh đập phải nhập viện có những đứa trẻ trâu hay già trâu vào bình luận như thế này: “Lấy máu lợn thoa lên giả tạo à. Thù oán ai bị chúng đánh rồi đổ lỗi cho công an tụi tao hả. Những thằng như mày không tử hình là may rồi đấy.

Cả một thế hệ bị tẩy não chỉ biết nghe theo lời nhà nước với chiêu bài chụp mũ tất cả những ai đụng chạm tới quyền lực của họ là “phản động”, là sản phẩm của thế lực thù địch, bị xúi giục, được trả tiền để gây mất ổn định cho đời sống bình yên tại quê hương.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là không có những nhà báo có lương tâm. Chỉ là vì họ luôn bị áp lực, sách nhiễu, trấn áp. Những tấm gương như Kim Quốc Hoa hay Tạ Phong Tần là quá đủ cho họ sợ hãi.

Kim Quốc Hoa – Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi bị khởi tố, vì cho đăng bài động tới ông thanh tra gì gì đấy, cậu công tử ra Hoàng Sa gì gì đấy mà tôi cũng sợ nên không dám nêu tên ra ở đây. Sự thật là tôi cũng sợ sẽ đi tù như ông Kim Quốc Hoa khi đụng tới mấy người này.

Tạ Phong Tần từng là một nhà báo, một chiến sĩ công an, nhưng vì viết những bài viết chống tham nhũng trên blog mà bị cho thôi việc, bị bắt tù đày. Những người ra lệnh bắt cô ở Bạc Liêu là ai? Chính là những kẻ mà cô cáo buộc tham nhũng.

“Viết Công Lý – Sự Thật
Tù mười năm khổ sai
Viết “thư” dâng biển đảo 
Tù ấy mấy vạn ngày?” (- Phạm Văn Đồng, 1958)

Hỡi những nhà báo chân chính, đừng sợ hãi nữa, hãy liên minh lại với nhau. Chúng tôi, những độc giả luôn trung thành, ủng hộ các bạn muốn thấy có một ngày “Ký giả đi ăn mày II” trên quê hương này.

 

Kantcer

Tuyệt mệnh với nền giáo dục việt nam

Featured Image: Pixabay

 

Bây giờ với tôi mọi thứ dường như đã mất đi cơ hội trong cuộc đời mình. Tri thức là điều thiết yếu của cuộc sống con người, nó vận mệnh cho sự phát triển hay suy đồi của một nền đất nước hay một cá nhân riêng. Thế nên đối với tôi, mọi sự thật rối rắm và tôi cảm thấy băn khoăn khi không biết phải lựa chọn điều gì tốt với bản thân mình, mọi việc đều không được tự do như những nền tri thức ngoại quốc mà tôi hay đọc trong sách, internet và trên tivi.

Giáo dục hiện thời dường như đạng tụt hậu không một chút đổi mới mà vẫn thích ràng buộc và tiêu diệt. Giáo dục là thước đo cho sự vượt bậc của con người, nhưng tôi đang sống trong một môi trường hiện nay ở Việt Nam được học, được chơi, được sống…. mọi thứ đều mang tính ganh đua và thích được danh vọng hơn bản thân của mình.

Bằng cấp có phải là sự lựa chọn thiết yếu? Bằng cấp chỉ thể hiện mình chỉ đánh bóng tên tuổi và sự nghiệp mình nhưng quan trọng năng lực của họ đã tốt hay đã đúng như bằng cấp đề ra cho mình chưa? Mọi thứ thật khó để mà quyết định. Hiện nay trên các trang báo, internet tôi cảm thấy dường như nền giáo dục đang ngự trị bởi kẻ ngu dốt hơn là người khôn lanh việc làm họ khiến cho giáo dục thật chậm phát triển chỉ biết nghĩ tới tiền, danh vọng, bằng cấp hơn là khả năng của mình. Nhưng số phận quyết định vậy thì không thể đổi thay gì khi nó đã thấm trong tư tưởng của con người Việt Nam. Kẻ ngu dốt ngự trị bằng lý lẽ của kẻ ngu dốt thì cũng biến con người cũng trở nên ngu dốt và khờ dại.

Mọi thứ đều được kiểm soát không được một cá nhân nào quyết định mở trường tư ra dạy học, mọi thứ đều phải thuộc trong một đảng, một phái chính quyền nhà nước chứ đâu phải một cá nhân không theo đảng, không làm việc cho nhà nước. Chỉ là những thành phần vô lại, bóc lột sức lao động của người dân.

Họ lập trường tư để kiếm thêm lợi nhuận hơn là tích cực dạy học, họ chiêu dụ mọi mặt về hình thức quảng cáo cũng như lời thân ngọt, nghe thấy thích thích mà khi đã học rồi là cảm thấy bực tức khi học phí tăng cao, kiến thức rời rạc, quản lý ít nghiêm nghặt, tổ chức ăn chơi nhiều… rồi đến khi họ bừng tỉnh, mọi thứ xoay quanh họ như là sự diễu cợt trên giọt mồ hôi vất vã của người dân, con cái họ thích chơi hơn thích học. Rồi những ai đã thức tỉnh, họ quyết định rút hồ sơ xin chuyển một ngôi trường với môi trường thích hợp cho tương lai của mình, thì lại bị chiêu trò dụ dùng nhiều lý lẽ để thay đổi tư tưởng của mình. Không biết đó có phải là lương tâm nghề giáo không?

Giáo dục việt nam có quá nhiều bằng cấp. Cứ đem bằng cấp ra so sánh, sợ mình mang nhục hay thua người khác đó là cái tính háo danh mà giáo dục việt nam đào tạo. Còn năng lực thì như đồ thừa thãi vứt bỏ trong thùng rác thì làm sao mà phát triển được, chỉ cầm bằng cấp chiếu cố hay khoe mẻ cho được nêu danh, mang tiếng tâm cho mình nhưng chắc cũng phải né tránh khi họ thể hiện năng lực cho quần chúng! Giáo dục đang đè bẹp nhân tài, học để lao động thì nhiều còn nghiên cứu, phục vụ cho đất nước thì không có, chỉ là nhân tài theo kiểu đã tốt nghiệp loại xuất sắc tư tưởng cộng sản để ngự trị trong dân và lộng hành quyền một cách phi pháp bóc lột một cách thâm độc đến thế.

Càng sống trong xã hội Việt Nam bây giờ, thì cũng như con chim nằm trong lồng luôn mơ đến một ngày được tự do, tự tại. Con người trong xã hội Việt Nam đang bắt đầu mất nhân cách hay đúng hơn là bảo vệ quyền tự do của mình. Một lời ăn tiếng nói ảnh hưởng đến danh dự hay lòng tự tôn của họ thì cũng một sống một còn. Cái quyền con người nó bị xiềng xích đến như thế càng xiềng xích càng muốn được giải thoát. Nhưng sự sợ hãi là bóng tối bao trùm cảm thế giới định đoạt cho những cái ác lộng hành và tàn bạo.

Kiềm hãm tri thức, nhồi nhét tư tưởng cộng sản, mọi việc làm đều thông qua kiểm duyệt, mọi quyết định đều có bè có phái. Chạy chọt tiền bạc để được đề cao, để được một chỗ tốt cho mình mà không nghĩ đến lương tâm và mọi người khác hay sao! Giáo dục đã không còn đúng như khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Nữa mà trở thành một sự loạn lạc trong xã hội và tước đoạt nhân cách của quyền con người. Học sinh vẫn đang từng ngày uống dòng sữa từ tư tưởng của đảng, tri thức vẫn là sự chọn lọc chứ không được rộng mở thật khó để con người phát triển.

“Sự phát triển cá nhân để trở thành một con người đầy đủ phải là mục tiêu chính của tất cả mọi cố gắng của ta hiện thời. Văn minh loài người chỉ xây dựng được một cách vững vàng trên những con người ấy thôi.” – Alexis Carrel

 

Nguyễn Duy

Bàn về lạm dụng danh xưng

Featured Image: Dr.Farouk

 

Tôi hiểu. Ở Việt Nam, danh xưng đã trở thành một vấn nạn. Vấn nạn cấp quốc gia. Hầu như bất cứ ai cũng cố gắng làm tất cả có thể để có một danh xưng, kiểu như “phải có danh gì với núi sông” (mượn lời của cụ Nguyễn Công Trứ) . Người có quyền thế thì dùng chức danh trước tên họ. Người có bằng đại học thì dùng bằng cấp trước tên. Người có chức danh khoa học cũng ham dùng tên “học hàm” trước tên. Có nhiều trường hợp, người chức danh và danh xưng còn dài hơn cái tên của đương sự! Chưa có một đất nước nào mà quái đản như ở Việt Nam, nơi mà người ta viết những bằng cấp kiểu như “TS BS” trước tên mình! Những danh xưng ngộ nghĩnh như thế khi dịch sang tiếng Anh trở thành một sự xấu hổ mang tầm quốc gia.

Tôi thừa hiểu. Ở Việt Nam, danh xưng đóng vai trò quan trọng, có khi rất quan trọng. Có lần về làm việc ở một tỉnh thuộc vùng miền Tây, sau bài nói chuyện tôi được một vị cao tuổi ân cần trao cho một danh thiếp với dòng chữ tiếng Anh: “Senior Doctor Tran V. …” Đây là lần đầu tiên tôi thấy một danh xưng như thế trong đời. Sau này có dịp tìm hiểu từ bạn bè tôi mới biết ông là một cựu quan chức cao cấp trong ngành y tế của thành phố (đã nghỉ hưu), nhưng vẫn còn giữ chức vụ gì đó trong một hiệp hội chuyên môn. Tôi nghĩ danh xưng “Senior Doctor” (có lẽ nên dịch là ‘Bác sĩ cao cấp’ hay nôm na hơn là ‘Bác sĩ đàn anh’). Nhưng tại sao lại cần một danh xưng phân biệt “giai cấp” như thế? Tôi đoán có lẽ vị đồng nghiệp này muốn phân biệt mình với “đám” bác sĩ đàn em chăng?

Một lần khác, khi tôi phụ trách lên chương trình hội nghị, tôi thấy ban tổ chức viết tên diễn giả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những người có danh xưng tiếng Việt ví dụ như “TS BS Trần Thị …” được dịch sang tiếng Anh là “Dr. Dr. Tran Thi …” Tôi không khỏi cười thầm trong bụng vì chưa thấy nơi nào trên thế giới có cách viết lạ lùng như thế. Tôi sợ nhất là trong hội nghị có đồng nghiệp ngoại quốc mà họ đọc được cái danh xưng “Dr Dr” này chắc tôi tìm lỗ mà chui xuống không kịp quá! Tôi phải rất tế nhị đề nghị cách viết “đơn giản” hơn là chỉ “Dr” thôi là đủ, nhưng cũng phải vài ngày trao đổi qua lại, và cuối cùng phải qua vài phút thảo luận trên Skype người ta mới chịu đề nghị này!

Tôi vẫn còn giữ một danh thiếp khác với dòng chữ: “Dr Specialist II Nguyễn M”. Một anh bạn người Úc tôi có lần tình cờ thấy danh thiếp trên bàn nên thắc mắc hỏi tôi “Specialist II” là gì vậy. Lúc đó tôi cũng chẳng biết, nên đành nói: “I have no idea.” Nhưng tôi nói thêm rằng tôi đoán đó là bác sĩ chuyên khoa gì cấp 2 gì đó. Anh bạn đồng nghiệp cười nói mỉa mai (rất dễ ghét) rằng: “Ước gì tao cũng được cấp II nhỉ?”

Không nghi ngờ gì nữa: người Việt rất sính danh xưng. Báo chí trong quá khứ đã nhiều lần nêu vấn đề này. Có nhiều chuyện cười ra nước mắt về những nhầm lẫn về danh xưng (honorific), tước hiệu, và nghề nghiệp ở Việt Nam mà tôi từng chứng kiến trong các hội nghị. Nghe những lời giới thiệu dài lòng thòng như: “Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, bác sĩ Nguyễn Văn…” nó khôi hài làm sao!

Tôi vẫn tự hỏi tại sao người ta thích danh xưng trước tên mình? Kinh nghiệm của tôi, khi tiếp xúc với những người hay sử dụng danh xưng cho thấy họ thường dùng danh xưng với những động cơ sau đây:

1. Nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh cá nhân

Danh xưng thường có xu hướng bơm phồng “cái tôi” của một cá nhân, và do đó làm cho cá nhân đó tự đánh giá cao chính mình hơn là thực tế. Bà Jill Biden, vợ phó tổng thống Mĩ Joe Biden, từng phàn nàn rằng bà rất “bệnh” khi nhận email và thư gửi đến gia đình với dòng chữ “Sen. and Mrs Biden” (Thượng nghị sĩ và Bà Biden). Bà muốn được danh xưng là “Sen. and Dr. Biden”, và thế là bà đi học đế lấy bằng tiến sĩ Anh văn. Sau 4 năm nghiên cứu, bà được trao bằng tiến sĩ ở tuổi 55. Câu chuyện bà Biden sính danh là đề tài đàm tiếu của giới báo chí Mĩ hồi đầu năm nay.

2. Một hình thức tự quảng cáo

Thật ra, một số người sử dụng danh xưng “Tiến sĩ” hay “Giáo sư” nhắm mục đích tăng giá trị, trọng lượng của ý kiến của họ. Trong thực tế, công chúng cũng có khuynh hướng xem ý kiến của một “Giáo sư, Tiến sĩ” có giá trị cao hơn ý kiến của một… nông dân. Bởi vì đánh giá cao ý kiến của những vị sư sĩ này, nên ít ai dám chất vấn hay phản bác lại ý kiến của họ. Nhưng không có bất cứ một lý do nào để xem ý kiến của một vị giáo sư hay tiến sĩ có giá trị hơn ý kiến của một nông dân; vấn đề là logic và bằng chứng, vì hai khía cạnh này mới chính là thước đo giá trị của ý kiến.

3. Mong muốn được người khác kính trọng

Đây là biện minh (hay lý lẽ) của những người chức sắc tôn giáo, vì họ cho rằng họ cần những “Thượng tọa” “Hòa thượng” “Linh mục” “Mục sư” v.v… để tín đồ tỏ lòng kính trọng họ. Thế nhưng tôi lại nghĩ các Phật tử hay tín đồ Công giáo vẫn có thể gọi “thầy” và “cha” mà đâu có tỏ ra thiếu kính trọng gì đâu!

4. Gây sự chú ý

Người sử dụng danh xưng ngầm nói cho người khác rằng họ là người quan trọng và đáng được kính trọng. Mặc dù họ không bao giờ thú nhận ý đồ ngầm này, nhưng nghiên cứu tâm lý cho chúng ta biết động cơ sử dụng danh xưng là để gây chú ý như ca sĩ thích làm trò khác lạ để thu hút khán giả. Có nhiều lần tôi chú ý đến những danh xưng như “Giáo sư thực thụ” và tự hỏi nó có ý nghĩa gì. Ở Mĩ, chúng ta biết có 3 bậc giáo sư: Assistant Professor, Associate Professor, và Professor. Không cần đến tính từ “thực thụ”, vì chức danh nào cũng thực thụ. Tôi nghĩ chỉ “Giáo sư” là đủ rồi. (Dĩ nhiên có người có những danh xưng chính thức như “Distinguished Professor” hay “Honorary Professor” thì họ có quyền thêm tính từ gì đó cho thích hợp.)

5. Khao khát quyền lực và trần tục

Một nghiên cứu ở Mexico cho thấy rất nhiều chính trị gia không có văn bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn tìm cách mua danh xưng “Dr” bằng cách tranh thủ hay vận động để được một đại học nào đó cấp cho bằng “tiến sĩ danh dự” (honour doctor). Với danh xưng này, họ rất dễ thu hút cảm tình của cử tri và có cơ may đắc cử hơn những người không có danh xưng. Tình trạng này cũng giống như ở VN, nơi mà các quan chức rất thích có “TS” trước tên họ.

6. Quảng bá thái độ “elite”, thái độ kẻ cả, hoặc thái độ toàn trị

Những người này thường tự tô son điểm phấn cho mình bằng cách “tiêm” vào mình những danh xưng thật kêu và thật ấn tượng và bắt đầu nhiễm thói kiêu ngạo xem thiên hạ như dưới tay mình.

Ba tôi lúc sinh tiền thường nói rằng những người cần đến danh xưng phía trước tên mình là một tín hiệu cho thấy người đó hoặc là bất tài, hoặc là thiếu tự tin. Vì thiếu tự tin, nên họ phải lấy những danh tước đó ra để tự nâng cao giá trị cho mình. Ngẫm đi nghĩ lại tôi thấy ba tôi cũng có lý, bởi vì ở Việt Nam những người thích dùng danh xưng là các quan chức trong chính quyền. Là quan chức, làm việc hành chính hay chính trị, họ không phải làm chuyên môn; do đó, có lẽ họ có nhu cầu phải quảng bá mình như là một nhân vật “văn võ song toàn”, và để cho… oai.

Ở Việt Nam, vấn đề danh xưng là vấn đề “merit”. Trước tình trạng tiến sĩ giấy, tiến sĩ dỏm tràn lan ở Việt Nam như hiện nay, bất cứ ai được giới thiệu là “tiến sĩ”, người dân ngao ngán nghĩ thầm “lại một tiến sĩ giấy”. Trong bối cảnh đa số (70% hay 95%) giáo sư Việt Nam không xứng đáng với chức danh đó trên trường quốc tế, và với hệ thống phong tước danh như hiện nay thì làm sao danh xưng này củng cố lòng tin của người dân. Nhưng ở Việt Nam vẫn có những tiến sĩ, những giáo sư thật (tức là họ có học và có nghiên cứu xứng đáng với danh xưng đó), nhưng khổ nỗi vì đại đa số những tiến sĩ giấy và giáo sư dỏm kia làm cho công chúng chẳng biết ai là giả và ai là thật. Do đó, cách đánh bóng danh xưng như ở Việt Nam gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn.

Cách dùng danh xưng hiện nay lẫn lộn giữa bằng cấp, phẩm hàm danh dự, và chức vụ. Ai cũng biết cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là những học vị; phó giáo sư và giáo sư là chức danh khoa bảng trong trường đại học; những “nghệ sĩ nhân dân” “nghệ sĩ ưu tú” “nhà giáo nhân dân” “nhà giáo ưu tú” (toàn bắt chước Trung Quốc!) là những tước hiệu danh dự; còn những “giám đốc” “đại tá” “bộ trưởng” v.v… là chức vụ.

Ở Việt Nam, tôi thấy trong các hội nghị, những tước hiệu, chức vụ và học vị đều được liệt kê trước tên người diễn giả, chẳng khác gì một bản lý lịch bằng cấp và chức danh! Ở nước ngoài, trong các hội nghị khoa học, người ta chỉ giới thiệu diễn giả bằng một danh xưng duy nhất như “Dr” hay “Professor”, chứ rất rất hiếm ai giới thiệu thêm chức vụ, và chắc chắn chẳng có ai giới thiệu diễn giả dài lê thê như ở Việt Nam (nếu có ai giới thiệu như thế chắc chắn hội trường sẽ cười ầm lên vì họ nghĩ đó là kiểu nói đùa)!

Tôi càng hiểu hơn. Cách dùng danh xưng như hiện nay chẳng những lẫn lộn thật giả, giữa chức vụ và học vị, mà còn làm trò cười cho đồng nghiệp quốc tế. Trường hợp mà tôi thuật lại ở trên về “Specialist II” là một ví dụ điển hình. Bởi vì chỉ có Việt Nam mới có hệ thống bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, nên đồng nghiệp quốc tế chẳng thể nào hiểu được.

Thật ra, họ cũng chẳng cần hiểu, họ chẳng thèm tốn thì giờ đọc danh thiếp với những chi chít “Dr”, “Professor” làm gì; họ quan tâm đến CV, đến thực tài hơn. Có liệt kê chín mười danh xưng đi nữa mà CV chẳng có gì, thì chỉ làm cho đồng nghiệp ngoại quốc cười khẩy mà thôi. Khi thực tài không tương đồng hay còn quá thấp so với học hàm và học vị, thì những danh xưng đó chỉ nói lên hội chứng inferiority complex – mặc cảm tự ti. Như là một định luật, cái tôi (ego) lúc nào cũng là hàm số nghịch với kiến thức (knowledge) theo phương trình ego = 1 / knowledge.

 

Nguyễn Văn Tuấn

Quyền im lặng – Nghĩa vụ phản kháng

Featured Image: Jeremy Schultz

 

“Quyền im lặng” và “nghĩa vụ phản kháng”, theo tôi ở một khía cạnh nào đó, tưởng không liên quan mà lại có sự liên quan mật thiết đến lạ kỳ.

“Quyền im lặng” hiện đang trở thành một đề tài được bàn luận sôi nổi trên cộng đồng mạng sau tuyên bố của một ông Nghị gật rằng: “Mấy việc oan sai rất ít mà sửa luật làm khó cơ quan tố tụng.” Còn “nghĩa vụ phản kháng” thì đang âm ỉ cháy dưới dạng thức kêu gọi tiếng nói cộng đồng như “nói gì đi chứ” hoặc kêu gọi sự tham gia của công dân đối với các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống thường nhật của “Todocabi”.

Hai thứ quyền và nghĩa vụ này tương đồng hay xung đột, đang vận động dưới dạng thức nào trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta có ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình không? Có áp dụng được vào chính cuộc sống của mình không?

“Quyền im lặng”

Sẽ có những người có khả năng giải thích cho các bạn cặn kẽ, chính xác và dài dòng hơn tôi rất nhiều về “Quyền im lặng” và chắc chắn với những nguồn thông tin rộng lớn và đa dạng hiện nay trên mạng, các bạn có thể tìm hiểu một cách dễ dàng về “quyền im lặng”, bởi vậy, tôi sẽ chỉ giới thiệu ngắn gọn và đơn giản về “quyền im lặng” như sau: “quyền im lặng” là quyền giữ im lặng của nghi phạm trước sự thẩm vấn của các cơ quan điều tra có thẩm quyền kể cả khi có hay không có sự đại diện/có mặt của người đại diện hợp pháp về mặt pháp luật.

“Quyền im lặng” ra đời sau án lệ Miranda nhằm phòng tránh tối đa 3 yếu tố: thứ nhất việc bức cung bằng các nghiệp vụ chuyên môn (tâm lý, bạo lực) của cơ quan điều tra, thứ hai việc tự cung khai có tội dưới áp lực điều tra mà không có hiểu biết đầy đủ về pháp luật của người bị tình nghi cũng như việc buộc tội/công nhận có tội chỉ dựa trên lời khai của người bị tình nghi và thứ ba là việc cáo buộc trách nhiệm liên quan đối với người đại diện về mặt pháp luật cho người bị tình nghi.

“Quyền im lặng” ra đời sau án lệ Miranda vào ngày 2/6 cách nay nửa thế kỷ. Nhắc đến án lệ Miranda là nhắc đến một bước ngoặt về luật pháp hiện đại trên tôn chỉ tôn trọng và đặt quyền con người lên trước nhất. Đây là vụ án mà tác động của nó không chỉ có ảnh hưởng lớn tới luật pháp của nước Mỹ mà còn là sự thay đổi và bước tiến đối với nhân quyền trên toàn thế giới.

Án lệ Miranda đã cho ra đời “Cảnh báo Miranda”. Cảnh báo này, theo quy ước, phải được cơ quan điều tra thông báo và làm rõ cho nghi phạm về quyền cũng như nghĩa vụ của họ trước khi bị thẩm vấn. Ngoài ra, công nhận “Cảnh báo Miranda” và “quyền im lặng” cũng là công nhận việc xét xử dựa trên chứng cứ thông qua điều tra xác tín và loại bỏ việc sử dụng bản buộc tội như một chứng cứ hợp pháp để buộc tội nghi phạm khi họ chưa có hiểu biết đầy đủ về tình trạng, quyền, nghĩa vụ của họ.

Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nước thông qua, công nhận và hợp pháp hóa “quyền im lặng”. Tại Việt Nam, “quyền im lặng” vẫn đang trong quá trình thảo luận và ở dạng “dự thảo”.

“Nghĩa vụ phản kháng”

Thực ra khái niệm này tôi không rõ trong chúng ta đã có ai từng nghe chưa nhưng vào năm thứ ba Đại học, khi còn học tiếng Nhật tại trường, tôi có được học một bài đọc nói về vấn đề này. Bài viết được đặt tiêu đề là “nghĩa vụ phản kháng”. Và cho dù thời gian đã bào mòn đi rất nhiều ký ức về thời gian cắp sách tới trường, tôi vẫn không quên được tôi đã ấn tượng với bài viết đó như thế nào khi người Nhật đưa ra một khái niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với xã hội như vậy.

Thế nên tôi sẽ phân tích nó dựa trên bài viết tôi từng học và qua sự hiểu của tôi vậy. “Nghĩa vụ phản kháng” được đề cập tới trong bài viết có nghĩa là sự phản đối, lên tiếng, chống lại những hình thái, hành vi, hành động có ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng, cho dù hành vi đó lớn hay nhỏ. Bạn có thể tự hỏi rằng vì sao đối với một dân tộc coi trọng sự hòa hợp cộng đồng như Nhật Bản lại có thể đưa ra một khái niệm nghe có vẻ hoàn toàn hiếu chiến đến như vậy?

Tôi đã từng có băn khoăn tương tự. Nhưng bài viết đó đã đưa tôi đến một kết luận khác: Chính vì coi trọng hòa hợp cộng đồng, họ bắt buộc phải có tiếng nói phản đối những hành vi ảnh hưởng tới nó. Đó nên được nhìn nhận là một động thái tích cực mang tính xây dựng thay vì phá hoại. Ngoài ra, do bản thân người Nhật có một lợi thế lớn trong việc kiểm soát sự chỉ trích, chính vì vậy, việc phản đối không mang lại nhiều tiêu cực và tác dụng phụ như người Việt Nam ta có thể hình dung ra.

Và bạn sẽ ngạc nhiên. Ngạc nhiên khi biết rằng các chuyên gia viết ra bài viết đó chỉ đưa ra những ví dụ hết sức nhỏ bé để yêu cầu người Nhật phản kháng: chen hàng, gian dối, ồn ào nơi công cộng… Nhìn ở vị trí của chúng ta những điều đó rất nhỏ bé nhưng với người Nhật, việc chu toàn ngay từ những tiểu tiết có thể tạo ra một nền tảng bền vững để hình thành một con người hay một cộng đồng bền vững, có giá trị phát triển.

“Nghĩa vụ phản kháng” còn được đề cập và nhấn mạnh rất nhiều lần bởi các nhà hoạt động như anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi hay mục sư Martin Luther King Jr., chứng minh tầm quan trọng của tiếng nói của mỗi con người trong một quần thể xã hội. Việc tự ý thức được việc lên tiếng của mình đồng nghĩa với tác động lay chuyển những bất công cũng như sai trái mà có lẽ bất kỳ thể chế, cộng đồng nào cũng có thể gặp phải trong tiến trình phát triển là một đánh dấu quan trọng để tiến lên.

Ví như Martin Luther King Jr. đã nói:

“Có những đạo luật công chính và có những đạo luật bất công. Tôi tán thành với St. Augustine rằng những đạo luật bất công thì không phải là luật dưới bất kỳ hình thức nào. Người có mong muốn chống lại một đạo luật bất công phải công khai thực hiện với tấm lòng yêu thương. Tôi cho rằng một người chống lại một đạo luật mà lương tâm nói cho anh ta biết rằng nó sai trái cũng như sẵn sàng chấp nhận hình phạt vì chống lại đạo luật đó nhằm khơi lên lương tâm của cả một cộng đồng đối với những bất công xã hội thì đó chính là một người thể hiện tinh thần trọng pháp cao độ.”

Chúng ta có cái gì tương tự “nghĩa vụ phản kháng” hay không?

Có lẽ chúng ta đều đã có thể hiểu “nghĩa vụ phản kháng” là gì và mơ hồ thấy chúng ta có một thứ tương tự. Chủ nghĩa anh hùng, tư tưởng người quân tử trong Nho giáo là một thứ như vậy, là một kiểu phản kháng như vậy đối với cái sai cái xấu trong xã hội. Tuy nhiên, vì Nho giáo, sau mấy ngàn năm truyền bá, dần chỉ chủ yếu tập trung phát triển vào tầng lớp cầm quyền nghĩa là vẫn mang nặng tính chất cai trị, do đó, “nghĩa vụ phản kháng” chỉ được thể hiện ở một phương diện rất hẹp và thực thi bởi người nắm quyền.

Điều đó hết sức rủi ro. Lịch sử đã chứng minh bởi những kẻ cầm quyền không phải bao giờ cũng là người đủ sáng suốt để đưa ra sự phản kháng đúng đắn đối với những biểu hiện đi xuống của xã hội. Hitler khi phát động chiến tranh diệt chủng đối với tộc người Do Thái, chắc chắn trong lòng đã nghĩ rằng chủng tộc người đó là một sự sai trái đối với sự tiến hóa của toàn nhân loại. Việc thiếu vắng “nghĩa vụ phản kháng” của nhân dân Đức đã dẫn nước Đức vào một thời kỳ tăm tối trước, trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai cho tới khi có thể hoàn toàn hồi phục.

Ngược lại, “nghĩa vụ phản kháng” được đưa ra bởi các chuyên gia Nhật là nghĩa vụ áp dụng đối với mọi con người trong xã hội với tư duy khuyến khích mọi công dân tham gia vào công cuộc xây dựng cải cách và phát triển cộng đồng, đất nước. Lời kêu gọi này thể hiện sự tôn trọng của chính phủ đối với tiếng nói của người dân, sự khuyến khích người dân tham gia vào việc điều hành đất nước cũng như thể hiện tinh thần trọng thị nhân quyền, lấy con người làm nhân tố chính của đất nước.

Vì sao cần có “nghĩa vụ phản kháng”?

Thời gian gần đây các bạn có lẽ đều đã đọc những bài chia sẻ về vụ việc dàn dựng quen biết để cướp trên xe buýt và cô gái đó đã không nhận được sự giúp đỡ nào từ những người xung quanh. Khoan nói đến tính xác thực của vụ việc này, nhưng chỉ cần nhìn vào một hiện tượng như thế (hay như bất cứ vụ tai nạn nào trên đường phố với sự thờ ơ của người qua đường) chúng ta sẽ nhận thấy sự vắng bóng của “nghĩa vụ phản kháng”.

Con nguời thiếu “nghĩa vụ phản kháng” sẽ không còn thấy cái xấu để đấu tranh nữa. Và cho dù buồn bã, chúng ta đều sẽ phải công nhận rằng cái xấu không bao giờ biến mất trong xã hội này. Nếu chúng ta, ngay từ những vấn đề nhỏ bé nhất, không lên tiếng để chống lại chúng, chúng ta sẽ mãi tăm tối và một ngày nào đó, không thể trách móc khi không nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng bởi sự thờ ơ đã làm triệt tiêu đi cảm giác về lương tâm mất rồi.

“Tôi tin rằng bất hợp tác với cái xấu cũng có tầm quan trọng ngang với tán thành và phát huy cái tốt.” – Martin Luther King Jr.

Có lẽ, nhắc đến vụ việc tiêu biểu nhất trong thời gian vừa qua liên quan tới vấn đề tôi đang trình bày, thì không thể bỏ qua sự việc người dân Hà Nội lên tiếng trong sự kiện chủ trương chặt hạ, thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội. Với một thái độ ôn hòa, bản thân cũng là người có tham gia việc tuần hành hai lần, tôi cảm nhận được nhu cầu được nói được lắng nghe của người dân đối với chính quyền là rất lớn.

Và để không gây ra những tranh cãi về bất đồng quan điểm trong vụ việc cây cối này thì tôi muốn khẳng định lại một lần nữa: Tiếng nói người dân cất lên để được hiểu và biết về một dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống do thành phố tiến hành, không nhằm ngăn chặn việc thay đổi bộ mặt đô thị nếu dự án đó được giải trình hợp lý đối với người dân. Người dân muốn được biết và thông tin chính xác đầy đủ. Và với hình thức đấu tranh ôn hòa, tuần hành đi bộ, đạp xe trên phố, tôi ngạc nhiên cũng như vui mừng bởi người dân cho dù chỉ là số ít, vẫn phần nào ý thức được vị trí và tầm quan trọng của tiếng nói của mình.

Nhưng có một sự thực đáng buồn tại Việt Nam rằng chúng ta vẫn chưa có cả “quyền im lặng” lẫn “nghĩa vụ phản kháng” một cách hệ thống, sâu sắc. Không có “quyền im lặng” thể hiện sự thiếu sót với vấn đề nhân quyền nhưng không có “nghĩa vụ phản kháng” thể hiện sự thiếu sót của nhân tâm.

Bạn có thể cho rằng “nghĩa vụ phản kháng” không dành cho bạn, không thuộc về bạn, không phải là bạn. Nhưng hãy nghĩ tới việc bạn sẽ có gia đình, con cái, trong một xã hội rối ren, khi luật pháp vẫn áp dụng trên quy ước răn đe thay vì tinh thần thượng tôn pháp luật thì lòng tốt của con người sẽ giúp cho bạn yên tâm hơn mỗi khi bước ra đường vào ban đêm, con cái bạn sẽ có thể có một môi trường sạch sẽ hơn để làm những điều chúng muốn.

Vậy nên “nghĩa vụ phản kháng” không phải là điều xa lạ, không nên là một điều xa lạ. Nó và “quyền im lặng” là hai mặt của một đồng xu, trong túi bạn, ở trong tay bạn, chỉ là bạn sẽ sử dụng nó như thế nào mà thôi?

Bởi vì “không phải bao giờ một người tốt cũng đồng nghĩa với một công dân tốt.” mà công dân tốt cũng chỉ là một định nghĩa được áp lên xã hội do một chính thể cầm quyền. Tôi thì thích làm người tốt hơn…

 

Tương Nhi