29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 130

[Review] Manchester by the Sea – Bức tranh vẽ bằng những nỗi đau

1

Nếu bạn là một người thưởng thức những bộ phim chính kịch, tâm lý để tìm kiếm những triết lý sống,  những câu thoại ý nghĩa, thâm thúy, hoặc bạn đang đi vào lối mòn của nhiều người xem phim hiện nay là cố nhăn trán, bóp não để cho ra một thông điệp nào đó thì sau khi xem một bộ phim Manchester by the Sea, bạn sẽ thay đổi những lề lối ấy trong tư duy thưởng thức của bạn.

Với nhân vật chính là một người đàn ông với đời sống khép kín, kiệm lời và có chút vụng về trong diễn đạt lời nói, có vẻ như đạo diễn muốn người xem không chỉ là lắng nghe nhân vật của mình mà phải sống cùng anh ta, đặt mình vào vị trí của anh ta từ đó thấu hiểu được tâm tư của anh ta và cảm thông cho hành vi của anh ta. Rồi đến cuối cùng, chúng ta lại phải lặp lại một câu bình luận quen thuộc đó là: Tôi bắt gặp mình ở đâu đó trong bộ phim này, trong nhân vật này, trong tình huống này.

Manchester by the Sea nói về nhân vật Lee Chandler (Casey Affleck), một người làm tạp vụ và sống cô độc ở Quincy thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Lee là một người khá trầm lặng, ít cởi mở và thỉnh thoảng cáu gắt. Khi được tin người anh trai của mình là Joe Chandler (Kyle Chandler) phải nhập viện sau khi bị ngã ở trên thuyền, anh lập tức lên đường đến bệnh viện ở Beverly. Nhưng khi đến nơi, anh nhận được thông báo Joe đã qua đời sau những tháng ngày sống cùng căn bệnh suy tim xuất huyết. Khi đến Manchester để báo cho con trai của Joe là Patrick (Lucas Hedges) biết tin cha cậu đã mất và lo hậu sự cho anh trai, Lee lại được biết rằng Joe đã trao quyền giám hộ Patrick cho anh mà không bàn trước với anh. Tuy nhiên, Lee không muốn ở lại Manchester bởi vì ở nơi đây, anh đã có một ký ức đầy đau thương với gia đình cũ của mình. Từ đây, bộ phim bắt đầu đi vào mối quan hệ của Lee và cháu trai của anh sau khi cha cậu qua đời, song song đó là những dòng hồi tưởng của Lee về quá khứ ở Manchester.

Bộ phim đã rất thành công khi kể một lúc hai câu chuyện của cùng một nhân vật. Một câu chuyện ở hiện tại và câu chuyện còn lại ở quá khứ. Qua đó, nó giúp người xem dần dần hiểu rõ và đồng cảm với nhân vật. Thông qua một sự đan xen đầy dụng ý, người xem như ngầm hiểu rằng Lee không ngừng nhớ về quá khứ trong suốt thực tại mà anh đang trải qua, khi ở văn phòng, lúc trong thang máy… Với một kí ức đau thương luôn đeo bám và ám ảnh anh như vậy, ắt hẳn trong lòng người đàn ông với vẻ bề ngoài đầy cam chịu và một đôi mắt sâu khắc khoải này có những nỗi đau không sao diễn thành lời.

Thực tế đã chứng minh điều đó, anh không hề mở miệng nói về quá khứ của mình trong suốt tiến trình của câu chuyện hiện tại. Tất cả những nỗi đau vẫn tiếp tục dai dẳng trong tâm trí của Lee cộng với những lo toan, những khó khăn gặp phải khi lo hậu sự cho Joe, những thu xếp cho người cháu vị thành niên,… Tất cả dồn nén lại từ sâu bên trong người đàn ông ấy để rồi bật ra thành những lời lẽ thô tục và hành động bạo lực. Vì anh không quen tỏ bày và chia sẻ, cũng như mở lòng với bất kỳ ai, đó như là một thói quen mà anh đã tập cho mình khi lãng tránh ký ức đau thương ở Manchester và chôn vùi cuộc đời ở một xứ khác để từng ngày gặm nhấm nỗi đau. Đây chính là lúc nhân vật đòi hỏi ở người xem một sự cảm thông sâu sắc và một sự thấu cảm trọn vẹn để rồi khi liên hệ với đời sống thực, chúng ta có một cảm nhận khác về những hành động xốc nổi quanh mình.

Manchester by the Sea là một bộ phim buồn, tuy nhiên nỗi buồn ở đây tỷ lệ nghịch với nước mắt. Nó cho người xem một sự hình dung về thế giới nội tâm của các nhân vật đã trải qua vô vàn đau đớn trong đời sống thông qua diễn xuất kiềm nén của các diễn viên mà đơn cử là Casey Affleck và Michelle Williams trong vai Randi, vợ cũ của Lee. Đó là lối diễn xuất đòi hỏi người diễn viên cần có sự hóa thân trọn vẹn vào chính thân phận và suy nghĩ của nhân vật để rồi những gì họ phơi bày cho người xem chỉ là ánh mắt bối rối, ngập ngừng, giọng nói nghẹn ngào, cử chỉ vụng về và những giọt nước mắt đã cố kiềm nén nhưng vẫn chực trào ra ngoài.

Hơn thế, bộ phim còn đòi hỏi người xem là một người sâu sắc và có một ý niệm hay một trải nghiệm nhất định về đời sống hướng nội để có thể nuốt trọn từng xúc cảm thầm lặng, kín đáo mà tác phẩm mang lại. Và những sắc màu nội tâm không mấy đẹp đẽ ấy lại tương phản với cảnh vật nên thơ của thị trấn ven biển Manchester. Nó khiến khán giả một lần nữa biến mình thành nhân vật, khi khung cảnh ấy dường như bị quên lãng, vì người ta bận phải vuốt ve vết thương lòng của chính mình.

Đây chính là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn dành 137 phút cuộc đời mình để sống một cuộc đời khác từ đó biết trân trọng cuộc sống hơn từ những điều bình dị nhất, cũng giống như cách mà nhân vật Lee Chandler tìm lại được một chút niềm vui cho mình.

Tác giả: Nguyễn Tài

 

[THĐP Review] Kung Fu Panda 3 – Trái cần chín thêm chút nữa

1

 

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280Sau 5 năm vắng bóng, Kung Fu Panda đã quay trở lại với cuộc hành trình hoàn toàn mới lạ của chú gấu trúc Po. Tất cả những sự kiện diễn ra trong bộ phim đã diễn tả một bước ngoặt quan trọng, có thể gọi là bậc nhất trong cuộc đời của anh chàng mập ú này. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì bộ phim đã cho thấy góc nhìn tâm linh của Po đã đạt đến điểm POW – Thần Long Đại Hiệp – nơi sứ mệnh được nhận ra và thành tựu. Điều đáng quan tâm đó là Kung Fu Panda 3 đã thể hiện chuyến đi ấy như thế nào mà thôi. Mặt trăng chỉ một, nhưng ngón trỏ cả ngàn. Cùng xem bộ phim có ngón gì ha!

Tóm tắt sự kiện nổi bật trong Kung Fu Panda 3 có vài ý sau: Po đã gặp lại được người cha ruột thịt của mình; với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, cậu đã tìm ra sức mạnh tột cùng, đánh bại được Kai (kẻ đi cướp “khí” của người khác để có thể trở thành mạnh nhất thế giới với mục đích bá chủ thiên hạ.)

Một câu hỏi được đào bới nhiều nhất trong bộ phim đó là “Who am I?” Tất cả các nhân vật đều hành động để hướng về chìa khóa cho câu hỏi muôn thuở ấy. Khi khai thác chúng ở lớp bề mặt, khán giả sẽ tạm thời nhận ra được thông điệp là: “Hãy làm những gì mình thích và làm hết khả năng ở đó. Mọi người đều có cá tính riêng biệt cần được tôn trọng để bản thân có thể phát huy được tiềm lực tối đa.” Khi ở phần ngọn này, Po đã làm thầy dạy mọi người: Lần đầu tiên cậu áp đặt họ theo cách mình biết là họ nên làm như thế – thất bại, lần thứ hai cậu khuyến khích động viên họ đi theo bản năng, tiềm năng, kĩ năng của bản thân – thành công. Tuy nhiên, việc trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” này vẫn chưa phải là mức độ cuối cùng, vì khi đương đầu với Kai, mọi người vẫn bất lực.

Master Shifu thậm chí cũng chưa tìm ra đáp án, biểu hiện là ông ấy vẫn chưa đánh bại được kẻ thù và cuối phim vẫn muốn được Po chỉ dạy cho bí kíp. Vậy điều ông ấy nói với Po rằng “You don’t even know who you are” cũng chỉ là nói dựa mà thôi – dựa vào những gì mà Cụ Rùa Oogway đã tiên tri về Po – người sẽ lĩnh hội được sức mạnh phi thường. Tôi cho rằng một người thầy thực thụ sẽ không nói những gì mình không biết, dù rằng những điều đó thốt ra từ miệng của người mà mình tin yêu kính trọng nhất. Tác giả đã (chẳng may) làm hình tượng Master Shifu sụp đổ.

Trong Kungfu Panda 2, Po đã tìm thấy được “Inner Peace” khi đối mặt với pháo lửa bắn ra từ những khẩu thần công. Vậy tại sao trong phần 3, Po vẫn không đánh nổi tên trâu Kai đó? “Inner Peace” kia có bao hàm ý nghĩa gì khác ngoài việc lắng lòng không bị xao nhãng để có thể phát huy được kỹ năng võ thuật ở mức cao nhất? Câu trả lời thể hiện rõ mồn một là “không”. Thứ Po tìm thấy ở phần 2 chỉ là một phần lớt phớt giông giống với “Inner Peace” thật sự mà thôi. Vậy nên việc gọi ra chữ “Peace” ấy là điều không hợp lý chút nào.

Theo tôi, chữ “Khí” bộ phim đề cập đến tương tự như The Force trong Star Wars. “Khí” của mỗi người chỉ là mức độ khác nhau trong việc thể hiện dòng chảy sự sống chung ấy ra thế giới vật lý – hay còn gọi là sức mạnh nội tâm hay sức mạnh cá tính. Kẻ nhận ra bản chất của vạn vật sẽ là kẻ hiểu luật chơi – tức là biết cách sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, sẽ luôn chiến thắng dù không cần phải chiến thắng.

Kai cướp khí của sư phụ Rùa và sau đó của Po – những người đã hiểu về “khí”, vậy tại sao hắn lại có hai kết cục lại khác nhau? Đơn giản vì thứ tên trâu này cướp chỉ là sức mạnh cá tính của Quy lão tiên sinh mà thôi – một thứ hữu hạn, còn thứ hắn nhận lấy từ Po là vô hạn. Kai không thể chứa nổi nên thành ra banh xác. Điều đáng khen là ở chỗ sư phụ Oogway không “xử đẹp” Kai dù ông có thể, mà để hắn sống trở lại cõi trần như một cơ hội để Po được học về “khí”. Điều này thể hiện tầm nhìn của một bậc thầy đích thực, khiến cho tượng Cụ Rùa trong phim có đổ sụp nhưng trong lòng khán giả vẫn còn nguyên vẹn rạng ngời.

Bộ phim bộc lộ rất tường minh những cái chết đều là do sự chống cự, sự tự giới hạn và chia rẽ. Những cái chết đó đều là sự vỡ nát của những lớp áo choàng mà thôi. Không khó để có thể đoán trước được việc Po đưa “khí” cho đối thủ rồi trận chiến kết thúc hoành tráng khi thân xác trâu Kai tan tành. Người xem sẽ không khỏi hả hê trong bụng rằng: “Cuối cùng phe thiện cũng chiến thắng!”

Nhưng khi nhìn kỹ hơn thì thấy cái kết này vẫn chưa thật sự thuyết phục đối với một nội dung phim đáng giá như vậy. Câu chuyện không còn đơn thuần là phe thiện và phe ác nữa. Khi đã đẩy bộ phim đến ý nghĩa tâm linh sâu thẳm, đến những chân lý bao trùm tất cả rồi thì cái chết của Kai khiến tôi không khỏi nghi ngờ rằng tác giả đã có thật sự hiểu về “Khí”, hay đang cố tình đánh vào tâm lý chia rẽ đúng – sai, mạnh – yếu để thu hút người xem – tức là hạ tầm của bộ phim xuống một mức để vừa lòng đám đông?

Khi một bên đã hiểu ra bản chất của vạn vật rồi thì cuộc chiến không còn cân sức nữa, hay nói chính xác hơn thì thắng thua là điều vô nghĩa. Vậy câu chuyện chẳng còn gì thú vị nếu gấu Po vẫn đánh đến cùng. Tôi cảm thấy cái chết của Kai là sự sụp đổ hoàn toàn của giới hạn tâm trí được tác giả biểu đạt bằng một sự quằn quại, đau đớn, kinh sợ thông qua hình ảnh vật lý.

Nếu Kai này chỉ là một hình ảnh ẩn dụ thì việc tan xác là điều phù hợp. Nhưng hắn cũng là một nhân vật có chức năng tương đương như mọi nhân vật khác. Khi dừng lại ở cái chết của Kai, bộ phim chưa diễn tả được ý nghĩa sâu sắc của việc nhận ra bản chất “là một” của vạn vật, chưa kể nó còn khiến người xem dễ nhầm lẫn đánh đồng Kai và Po chỉ đơn thuần là địch thủ, càng làm gia tăng thêm sự chia rẽ, phân biệt – vô tình đi ngược lại với ý nghĩa của việc hiểu ra chân lý hợp nhất. Tôi không thấy kết thúc bộ phim này thật sự thuyết phục.

Nếu được viết lại đoạn kết thì tôi sẽ không để Kai gánh màn thảm kịch như vậy. Gấu trúc Po sẽ giúp trâu Kai tự nhìn thấy cái chết đau đớn của chính mình nếu vẫn còn cố níu giữ giới hạn tâm trí, từ đó ngộ ra “Khí” thật sự là gì. Khi hắn đã hiểu ra mọi chuyện, sẽ không còn chiến tranh nữa, không còn sinh tử nữa, những ân oán hàng trăm năm trước giữa hắn và sư phụ Rùa sẽ chấm dứt. Hai người bạn sẽ gặp lại nhau ở nơi nguồn cội ấy, ôm lấy người kia thật hiền từ, nhỏ những giọt nước mắt thay cho vạn điều muốn nói, rồi mỉm cười bay lượn giữa không gian cùng muôn vàn cánh hoa đào mềm mại.

Kung Fu Panda 3 đưa ra nội dung về “Khí” là một đề tài quá lớn nếu như không nói là quá sức. Xét theo góc nhìn của cá nhân, tôi thấy bộ phim này chưa thực sự thành công trong việc truyền tải. Nội dung quá khổng lồ khiến cho những ý tứ khác bị lép vế, như: Sống là chính mình, tình yêu gia đình, sự đoàn kết, v.v… Điểm khác biệt trong trận đánh lần này là Po phải nhờ đến sự hỗ trợ từ mọi người thì mới nhận ra được sức mạnh, còn những lần trước chỉ là màn độc diễn. Đây cũng là một ý tưởng ăn khớp với ý nghĩa của dòng chảy sự sống, tính toàn thể, hợp nhất, cái “tất cả”. Đành rằng ta cần những mảnh ghép nhỏ để dẫn tới bức tranh chung cuối cùng, nhưng việc diễn đạt nội dung cao nhất của phim cũng chưa toàn vẹn nên thành ra mọi thứ hỗ trợ nó trở nên lãng phí. Kungfu Panda 3 giống như thứ quả còn chưa chín mà đã hái xuống ăn nên hãy còn đắng và chát.

Nội dung phim ở nhiều cấp độ nên có thể tiếp cận với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, cái dở lại là nằm ở sự chênh lệch quá lớn về tầm mức ý nghĩa ấy khiến cho khán giả ít nhiều bị chới với vì cảm giác không thỏa mãn hay không hiểu.

Những yếu tố gây hài trong phim không có gì quá mới mẻ nên không để lại ấn tượng, thậm chí lặp lại cùng một dạng sẽ tạo nên cảm giác lãng nhếch. Dường như Kung Fu Panda 3 đang cạn kiệt ý tưởng rồi nên phải dùng những pha chọc cười ven đường để làm hài lòng khán giả. Còn đối với bọn con nít thì khỏi nói, Kung Fu Gấu Trúc quá ư buồn cười với chúng.

Diễn biến của bộ phim theo trình tự thời gian nên dễ dàng đoán được những bước tiếp theo, chưa kể người xem cũng đã quen thuộc với mô tuýp của hai phần trước nên phần 3 này không có gì quá bất ngờ. Nếu không đoán được cốt phim chính xác là gì thì người xem cũng đã có tâm lý chuẩn bị cho kiểu kết thúc tương tự ngày xưa rồi.

Về mặt hình thức, cảnh phim và âm nhạc của Kung Fu Panda 3 rất sống động, có tính sáng tạo cao, đòi hỏi một óc tưởng tượng không hề nhỏ và khả năng cảm nhận tinh tế. Người xem được làm cho mãn nhãn và mãn nhĩ liên tục. Các nhân vật được thiết kế rất dễ thương về vẻ bề ngoài và tính cách bên trong. Có thể nói đây là những phần ăn điểm mạnh nhất của bộ phim lần này.

Tóm lại, Kung Fu Panda 3 dành được của tôi 7,5/10 điểm.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: sieuimba

Tôi đã thay đổi và trân quý cuộc sống hơn sau trải nghiệm với nấm thần

Bữa nay tranh thủ thời gian rảnh rỗi nên ngồi viết lại review/cảm nhận/kinh nghiệm về hành trình (Trip) sau khi sử dụng nấm và những gì mà mình nhận được trong quá trình này. Có thể nói là nếu chỉ dùng ngôn từ thì không biết phải dùng từ gì để diễn tả được. Tùy các bạn, có người tin, có người không, có người thì bán tín bán nghi. Nhưng tựu chung lại là mình muốn chia sẻ với mọi người về cảm nhận của mình và ít ra là mình nghĩ nó có ích lợi, và giúp các bạn có cái nhìn khách quan về việc sử dụng nấm, và các chất thức thần (Psychedelics) là như thế nào.

Cơ duyên đến với nấm rất đơn giản, mình liên lạc được với một bạn chuyên bán hạt giống rất là nhiệt tình và dễ thương và mình được hướng dẫn rất tận tình. Giống nấm mình sử dụng là giống nấm đất, nấm mọc ngầm ở dưới đất, nhiều người gọi là nấm củ (không phải là giống nấm mushroom có mũ nấm ở trên đầu nha). Về liều lượng thì mình sử dụng 20gr nấm tươi, qua tìm hiểu thì hàm lượng psylocybine có trong nấm loại này cũng tương tự như trong nấm mushroom.

Vì nấm là loài thực vật linh thiêng cho nên trước khi sử dụng nấm mình để bụng không ăn uống gì cả. Bữa đó bữa tối, tắm rửa tẩy uế sạch sẽ. Trước khi sử dụng còn đốt nhang (hơi mê tín dị đoan một tí), thầm nghĩ trong đầu là tôi tin nấm sẽ cho tôi thấy được những điều còn khúc mắc trong lòng và dẫn dắt tôi tới một tầng nhận thức cao hơn. Lúc đó khi ăn nấm, mình ghi chú lại là khoảng 8h15 tối. Tinh thần cực kỳ thoải mái và nghe nhạc thư giãn relax với nghe chú đại bi để tinh thần tỉnh táo và cân bằng.

Về vị nấm thì ăn có vị chua nhẹ, thoang thoảng mùi hăng và lớp hương giữa sau khi nhai tan vào miệng thì nó chua nhiều và thoang thoảng mùi nho khô một tí. Nhưng sau khi nhai nhuyễn thì vị đắng và hơi khó nuốt do chưa có quen vị. Sau khi nuốt xong và uống nước thì bắt đầu ngồi đọc tài liệu và nghe nhạc piano thư giãn bình thường.

Trong lúc ngồi đọc tài liệu thì sực nhớ ra là mình nên biết lại họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, học tập, nơi ở,… để tránh tình trạng lạc hướng trong quá trình trip.

Khoảng 9 giờ thì thấy tài liệu mình đang đọc bắt đầu lượn sóng. Các dòng chữ nó cứ lênh đênh như sóng, biết là nấm đã được ngấm nên kiếm chỗ nằm để bắt đầu trip. Nằm xuống được rồi thì mình thấy mọi thứ nó rất là méo mó, biến dạng đủ thứ. Ghế với kệ sách, bàn học như là chất lỏng, gợn sóng linh tinh. Còn mặt đất thì hệt như mình đang đi trên mặt nước, bước một bước chân cảm giác như sóng nó lan ra như viên chạm chân xuống mặt nước. Bản thân thì thấy người nhẹ nhõm hơn, còn kiểm soát được khá tốt.

Sau đó khoảng 15 phút, mình bắt đầu cảm giác được đầu óc mình bắt đầu tuông ra nhiều luồng suy nghĩ. Phải nói là nhiều đến mức mà không thể nào kiểm soát được, và không thể nào chặn lại được. Nó cứ như một dòng chảy, nhảy hết từ vấn đề này sang vấn đề kia. Nhắm mắt lại thì như là lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, chỉ thấy toàn là hoa. Sau đó chắc nghĩ mình được một Good Trip cho nên bật bài Chú Đại Bi tiếng Phạn dài hơn 1 tiếng lên bật chế độ repeat để nghe. Lúc mà cầm 2 cái tai nghe để nhét vào lỗ tai thì thấy 2 cái tai nghe như 2 cái bông hoa sứ. Không biết mọi người thấy sao chứ tự nhiên nghe thấy cái mùi hoa sứ nó thoang thoảng ra từ cái tai nghe đó.

Sau đó khoảng 30 phút, gần như mình bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Khi mở mắt ra, mình cảm nhận được vị của ánh sáng. Hơi tếu một chút nhưng mà cái vị của ánh sáng trắng phát ra từ bóng đèn huỳnh quang thì có vị chua chua. Vị của cái ánh sáng của bóng đèn vàng thì ngọt ngọt của mùi mía. Và cái vị của cái đèn led màu xanh dương thì nó lại chua chua nhưng lạnh lạnh như kem… Giai đoạn này thì nói chung là mọi thứ suy nghĩ logic hay lối mòn trong tư duy từ xưa đến nay bị bật gốc hết, hoàn toàn mình cảm nhận được một thế giới hoàn toàn mới và khác lạ. Mọi thứ đều thú vị và đáng để khám phá. Không còn bất kỳ cái thứ gì có thể làm vướng bận cảm xúc hay suy nghĩ bên trong mình được. Nhìn chung lúc này, nhận thức vẫn còn kiểm soát bản thân tốt. Chỉ là mọi vật xung quanh mình cảm nhận trước giờ đều biến thành một thế giới khác hẳn.

Lúc này, mình vẫn còn nghe Chú Đại Bi bên tai. Nhưng sự thực là đến khi nhắm mắt lại, gần như là mình lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Mình chỉ thấy một thế giới chỉ toàn là hoa cỏ và thiên nhiên xanh tươi mát. Cảm giác rất nhẹ nhõm và yêu thích mọi thứ. Lúc này, mình không còn biết là mấy giờ nữavì chỉ chú tâm thưởng thức thế giới quan trong tâm trí. Lúc đó, mình nghe được mùi hoa lài ngào ngạt xung quanh mình. Thoang thoảng và sâu thẳm bên trong mình dâng lên một cảm xúc rất thoải mái. Không biết nói sao nữa, hoàn toàn không phải như phê thuốc, mà một cảm giác hoàn toàn khác lạ, vừa thoải mái, vừa cảm thấy vui vẻ, vừa cảm thấy cơ thể như được làm dịu và tươi mát.

Nhưng đấy mới là màn dạo đầu, sau đây mới là cái cảm giác như thể một cái búa tạ đập tan nát hết mọi thứ rào cản mà trong suy nghĩ mình tự dựng nên. Lúc này, luồng suy nghĩ bắt đầu tuôn trào, nhiều đến mức nó khiến mình sợ hãi. Không phải nỗi sợ vì bị nhiều thứ dồn ép mà là nỗi sợ vì cô đơn. Cảm giác lúc đó như thể chỉ có một mình mình ngồi đối mặt với chính mình, đối mặt với cả một thế giới rộng lớn mênh mông. Mình cảm thấy sự cô đơn xâm chiếm toàn thể xác, mọi thứ trong đời chỉ còn lại mình ta đối mặt. Lúc này, mình cảm thấy cô đơn, lạc lõng và sợ hãi vì cái nỗi sợ này nó xâm chiếm tâm trí, cơ thể vẫn còn nằm trong trạng thái nghỉ ngơi. Sau một hồi, hình như mình cảm nhận được Chú Đại Bi giúp mình bình tâm trở lại, đưa mình trở về trạng thái thật sự tĩnh tại. Tĩnh để suy xét, tĩnh để nhìn nhận mọi thứ với cái tâm không phán xét, không ý kiến, chỉ quan sát và nhìn nhận.

Hàng loạt dòng suy nghĩ bắt đầu ùa về. Hàng loạt những hình ảnh trong quá khứ hiện về. Nó sống động, tràn đầy màu sắc, rõ ràng và cảm xúc như thể mới ngày hôm qua. Trong lúc đó, mình cảm thấy mình như một người xem phim, xem lại cuộc đời với thái độ học hỏi, chiêm nghiệm và nhìn nhận lại bản thân.

Hàng loạt những kỷ niệm sống động của thời trẻ nhỏ tràn về, nói chung lúc đó mình nhìn thấy được thời còn ở học sinh cấp 2, cấp 3, và cả đến ngày hôm nay. Cấp 2 thì vừa học vừa phá, nói chung là vui có, buồn có. Nhưng cảm giác những bài học của thầy cô, những câu nói dạy dỗ từ những sai lầm của mình cứ như ngày hôm qua. Sống động đến mức khó tả, có thể nói là từ trước đến nay chưa bao giờ mình có thể nhớ được mọi thứ một cách sống động và rõ ràng từ âm thanh đến câu từ đến như thế. Và rồi những kỷ niệm thời cấp 3, trung học phổ thông tràn về, nào là bạn bè, nào là đi đánh lộn để cuối năm phải dọn vệ sinh, nào là tình yêu dại khờ thời trẻ, nào là những kỷ niệm đi chơi, cúp học.

Rồi cả những bài học đầu đời về cuộc sống bên ngoài mà thầy cô nhắc nhở. Về “cái gì cũng có cái giá của nó” “Em đứng yên là em đã đi lùi, huống chi là em thụt lùi” của một thầy dạy Toán. Về cái cách đối nhân xử thế nhẹ nhàng, khéo léo, và nhường nhịn mọi người nhưng lúc nào cũng trong tâm thế chủ động cuộc đời mình của cô giáo chủ nhiệm năm 11. Và cả về tình cảm đầu tiên trong đời, vì những sự lựa chọn dại dột, và những cách nghĩ còn bồng bột chỉ vì áp lực từ cuộc sống.

Và rồi cả những biến động trong cuộc đời kể từ năm 18 tuổi. Mình nhìn thấy được cơ duyên mình có được như ngày hôm nay. Mình cảm nhận được những bài học mà bây giờ cần phải chiêm nghiệm lại và nhìn nhận lại. Và rồi thế giới như bừng tỉnh trở lại. Bạn ko biết đâu, lúc đó mọi thứ tái hiện lại, mình trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Từ vui vẻ, phấn khởi, háo hức, hy vọng cho đến buồn bã, đau khổ, thất vọng, mất niềm tin và cả hận thù, căm phẫn… Rồi những bài học từ những vấp ngã khi bước vào cuộc sống, khi phải đối mặt với những căn bệnh khốn khổ, khi nhìn thấy mọi người xung quanh ai cũng thờ ờ duy chỉ có ba mẹ là người luôn đồng hành và hy sinh vì cuộc sống của mình như ngày hôm nay, những lời động viên đến từ những người anh em không ruột rà máu mủ nhưng xem nhau như người nhà vàà sự thất vọng, cô đơn tột cùng khi phải đối mặt với cảm giác vĩnh viễn mất đi những người bạn, tri kỷ, anh em thật sự… Sự khắc khoải tìm kiếm những người anh, những người em trong vô vọng. Toàn bộ những ký ức về cuộc sống hiện về như một cuốn phim tua lại. Mọi thứ rõ mồn một.

Nhưng mình cảm thấy mọi thứ không còn đau đớn hay buồn bã như trước nữa. Mình đón nhận những sự kiện này với một tâm thế hân hoan và phấn khởi. Vì nhờ trải qua những nỗi đau tột cùng như thế, mình mới cảm nhận được những điều hạnh phúc đơn giản trong hiện tại. Những điều quá khứ dạy ta sống cho trọn vẹn với ngày hôm nay. Về những bài học nhân quả và những điều này giúp cho mình nhận ra một điều là: Thế giới này rất đáng sống, và rất đáng để ta bước ra ngoài trải nghiệm. Thế giới này tràn đầy màu sắc và muôn vẻ luôn tồn tại song song hai thái cực. Trắng – đen, buồn – vui, đau khổ – hạnh phúc, hoảng loạn – cân bằng, yêu thương – lãng quên, phẫn nộ – bình tĩnh. Mọi thứ trong thế giới này hiện hình như đúng dáng vẻ mà nó cần phải như thế.

Điều quan trọng hơn là đâu đó trong tâm trí mình, mình nhận ra được bài học quý giá. Mình phải cho đi nhiều hơn, giúp đỡ người khác nhiều hơn, quan tâm và chia sẻ với người khác nhiều hơn. Vì những điều cho đi này không phải vì cái tâm mong đáp trả mà vì cái tâm hân hoan và mong cầu cho mọi người tốt hơn và bớt đi phiền muộn. Có người khổ tâm, mình chia sẻ với họ. Có người khổ trí, mình tìm người có thể chỉ cho họ thấy đâu là vấn đề. Chung quy lại là ai cũng khổ cả, nhưng vấn đề không phải là nỗi thống khổ mà người ta chịu đựng. Vấn đề thực sự là cách ta đối mặt với nỗi đau và nhìn nhận chúng. Có những nỗi đau không còn là nỗi đau nữa khi mình nhìn nhận lại. Nó là những bài học mình cần trải qua để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Nỗi đau do tâm ta mà ra, do trí ta mà thành, và do cách nhìn nhận của ta mà nên hình dạng. Nó chỉ tồn tại ở đó cho đến khi ta suy xét lại và nhìn nhận theo một cách khác đi.

Và rồi nấm đưa mình đến nhận thức ngược ngạo, nhìn nhận mọi thứ khác đi. Lúc này thật sự mình nhận ra được rất… rất… rất… nhiều điều. Không thể diễn tả hết bằng ngôn từ. Mình hiểu được khi mình nhìn nhận mọi thứ khác đi, mình sẽ trở nên khác xa với mọi thứ xung quanh mình, những người xung quanh mình, không còn phải gò bó theo một khuôn mẫu nào.

Mình hiểu được có những người chửi mắng ta nhưng lại là người sẵn sàng giúp đỡ ta mà không cần hồi đáp. Lại có những người ngọt ngào, lịch sự, tỏ vẻ anh em thân thiết với ta nhưng khi ta cần sự giúp đỡ, họ lại chối từ và trở mặt. Lại có những người khác sẵn sàng hy sinh cho ta, không vì điều gì, không vụ lợi. Họ đến với ta bằng một sự chân thành và gắn kết, tuy chỉ hiện tướng bên ngoài rất là thô kệch, vô văn hóa và cọc cằn, không ai dám lại gần. Lại có người bên ngoài tỏ vẻ nhân từ, độ lượng nhưng trong thâm tâm toàn là dao kiếm.

Rồi mình nhìn thấy được vỏ bọc đẹp đẽ và trang trọng mà con người trong xã hội này cố gắng khoác lên. Mọi người đều muốn cho người khác thấy hình ảnh trang hoàng và lộng lẫy của mình, về sự thành đạt và danh tiếng, sự nể phục người khác giành cho mình, về những khuôn mẫu con người mà đám đông theo đuổi. Họ cố gắng ngược xuôi, bóp ép bản thân mình theo khuôn mẫu đẹp đẽ ảo vọng bên ngoài và giấu diếm những nỗi sợ hãi và thất vọng bên trong. Mình thấy được sự bồng bột và nông nổi muốn thể hiện cho người khác những điều mà ta đạt được, làm được, hay có được. Đâu đó trong thâm tâm mình cũng khát khao như thế. Nhưng đến lúc này, mình nhìn thấy được tất cả mọi thứ chỉ là hư ảo, mọi thứ đều có thể bẻ cong và sai lệch. Mọi thành danh trên đời đều chỉ do người đời dựng nên, truyền tụng nhau, tung hô nhau, và cả việc bị dẫn dắt như một bầy cừu và mình là một con cừu trong số đó.

Và còn thú vị hơn nữa là mình nhận ra được những thứ con người ta phải đánh đổi, phải trả giá, phải hy sinh để có được. Không phải để cho chính mình, mà là để cho người khác, để cho họ ngợi ca và tán dương. Trong khi mình hiểu rõ được trong thâm tâm mình, mình hoàn toàn không thích những điều này. Mình đánh mất đi chính bản thân để theo đuổi ảo vọng. Mình bán giấc mơ cuộc đời với cái giá rẻ mạt chỉ vì số đông cho là nó không đáng. Mình đã ngây ngô khi tin vào mục tiêu tìm được công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, và tiện nghi thoải mái. Tất cả chỉ là sự hư ảo, mê muội mà số đông dựng lên. Ta bị cuốn theo vòng xoáy, xu hướng phải tranh đấu, giành giật lẫn nhau vì sự thèm khát được người đời ca tụng, nhưng lại vứt xó những kế hoạch và giấc mơ, bán rẻ đi giá trị sống của bản thân và không được sống là chính mình.

Đến lúc này, mình thầm biết ơn mọi thứ trong cuộc đời, cảm ơn những khó khăn, thử thách hay khổ đau đã, đang và sẽ đến. Vì khi đối mặt với chúng, vượt qua được chúng, ta thêm mạnh mẽ và khéo léo hơn. Chinh phục được chúng, ta sáng suốt và tỉnh táo hơn khi đứng trước những thử thách phía trước. Mình cảm ơn cuộc sống đã nhào nặn ra con người mình ngày hôm nay. Cảm giác yêu thương cuộc sống tràn đầy tâm trí và cơ thể, yêu thương trân trọng từng con người đến với mình, đi ngang qua cuộc đời mình hay ở lại với mình.

Mình trân trọng sự hy sinh mà ba mẹ đã giành cho mình để mình có thể trở nên như ngày hôm nay. Khi mình đau ốm bệnh tật, khi buồn khổ thất vọng đến mức điên loạn, họ luôn bên ta, âm thầm cầu mong cho ta hạnh phúc và vui khỏe từng ngày. Họ hy sinh mọi thứ chỉ để cho ta được tốt hơn. Ba mẹ yêu thương mình bằng tình yêu rộng lớn bao la khắp vụ trụ. Bạn bè yêu thương mình bằng tình yêu thiên nhiên muôn loài với nhau. Vậy nên mình biết được mình cũng cần phải cho đi tình yêu thương ra thế giới bên ngoài. Có thể người khác nghĩ mình thờ ơ, thô thiển hay ra sao. Chỉ cần bản thân mình biết được, hiểu được, nhận thức được những gì mình đang làm là tốt cho người khác, thế là đủ.

Đến lúc này thì mình trở về với thực tại, nhìn lại đồng hồ thì cũng đã 5h30 sáng và nghe được tiếng chim hót chào ngày mới, nghe được vị tươi mát của buổi sáng và mùi thoang thoảng của niềm hân hoan tràn đầy khắp tâm trí. Mình nhận ra được nhiều bài học trong cuộc sống sau chuyến đi với nấm. Bằng này từ ngữ không thể nào diễn tả trọn vẹn được hết những gì mà mình đã nhìn thấy và cảm nhận được trong hành trình này. Có thể nói là mình được một good trip trọn vẹn, cảm nhận được hết đủ mọi cung bậc cảm xúc, màu sắc và hương vị của cuộc sống.

Nó vốn không lãng mạn như tranh, có khi nó đen tối, u ám và khắc nghiệt. Nhưng cuộc sống vốn là như thế: Muôn hình, muôn vẻ và muôn màu. Nó trở nên đen tối để dạy ta bài học về hy vọng. Nó trở nên u ám để dạy ta bài học về nhìn nhận. Nó trở nên khắc nghiệt để dạy ta bài học về sự kiên trì và lòng nhẫn nại. Nó cũng có thể trở nên cay đắng để dạy ta bài học về sự trân trọng và biết ơn. Dĩ nhiên, cuộc sống không bao giờ dừng lại, nó vẫn tiếp diễn và không chờ đợi ai. Nó im lặng và âm thầm, nhưng đôi lúc lại cuộn trào dữ dội và mạnh mẽ. Nó cho ta thấy được chân lý vĩnh cửu về sự thay đổi và vận động không ngừng của thực tại. Một sự thật không bao giờ thay đổi chính là sự đổi thay. Không ai có thể lường biết trước được.

Nói tóm lại, nấm đã giúp mình thấy những điều mình vốn đã thờ ơ bấy lâu nay. Giúp cho góc nhìn của mình về mọi thứ trong đời được rõ ràng và sâu sắc hơn. Có thể nói, đây là một cú thức tỉnh cực kỳ mạnh, giúp cho thế giới quan của biến đổi về trạng thái tĩnh lặng, linh hoạt và cân bằng hơn. Nấm đã giúp mình thay đổi nhận thức và cách nhìn nhận về cuộc sống: Tốt đẹp và tích cực hơn rất nhiều.

Lúc đó mình ngủ thiếp đi cho đến khoảng 9 – 10h sáng. Khi tỉnh dậy, trạng thái cơ thể hoàn toàn thoải mái, cảm giác rất nhẹ nhõm và yêu đời. Dĩ nhiên, mình làm việc hoàn toàn bình thường.

Mình thật sự cảm ơn cuộc sống và cơ duyên đã cho mình đến với nấm. Cám ơn cuộc sống này với những con người, những chất liệu muôn màu đã nhào nặn nên chính mình ngày hôm nay. Cảm ơn tất cả. Tôi yêu cuộc sống này.

Sài Gòn, ngày 14 tháng 12 năm 2015
Tác giả: Nguyễn Diệp

*Featured Image: Aline_vieira

[Review] Inception – Anh vào trong mơ hay cõi mộng vào anh?

0
tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Chuyện lạ lùng khi xem bộ phim Inception

Một điều lạ lùng đã diễn ra trong quá trình theo dõi bộ phim Inception kéo dài 148 phút này, đó là tôi một mực cho rằng mình đang sống ở năm 2008, chậm hơn 2 năm so với ngày phát hành bộ phim lừng lẫy ấy. Chuyện đó khiến tôi cảm giác như mình đang được nhìn thấy trước tương lai vậy. Trong khi thật sự, tôi chỉ đang xem lại một nội dung đã được trình chiếu từ 8 năm về trước. Tổng thời gian chênh lệch giữa thực tế và cảm giác cá nhân là 10 năm. Chuyện này thật là kỳ cục!

Thôi, vào chủ đề chính nhé.

Nội dung phim khoa học viễn tưởng Inception của đạo diễn Christopher Nolan

Inception

Bộ phim khoa học viễn tưởng Inception của đạo diễn Christopher Nolan kể câu chuyện về một người đàn ông có tên Dominick Cobb (do tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio thủ vai) đã chấp nhận một lời đề nghị, một nhiệm vụ bất khả thi là: “Ý tưởng khởi nguồn” (Inception) – cấy ghép ý tưởng của một người vào tiềm thức của một người khác.

Nếu công việc này thành công, Saito – người đề nghị nó, sẽ đạt được mục đích của mình là phá vỡ được tập đoàn năng lượng của đối thủ là Maurice Fischer. Cùng với đó, Cobb sẽ được Saito xóa bỏ cáo buộc rằng Cobb đã giết vợ mình để anh có thể trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình.

Bộ phim Inception là cuộc hành trình liều lĩnh của Cobb cùng đồng đội tiến vào một giấc mơ ba tầng, đồng thời là chuyến đi sâu vào tiềm thức nhức nhối của chính anh – nơi lưu giữ những ký ức hạnh phúc cũng như đau đớn nhất về người vợ đã qua đời của mình.

Inception thật sự vĩ đại khi nó khơi mở một khối lượng ý tưởng khổng lồ, không chỉ về những giấc mơ, mối liên hệ giữa tiềm thức và ý thức con người, mối tương thông giữa các tầng thực tại mà còn về bản chất của cuộc sống, sự sáng tạo, những khao khát của con người và trên tất cả, là tình yêu.

Bộ phim có rất nhiều tầng ý nghĩa móc nối, chồng chất nhau không khác gì những cảnh phim là những tầng giấc mơ liên tục đan cài nên việc theo dõi diễn biến và nội dung muốn truyền tải của tác phẩm kiệt xuất này là điều không hề đơn giản.

Inception

Đào sâu hơn một lớp nữa vào các hiện tượng xung quanh

Có khi nào các bạn thử đào sâu hơn một lớp nữa vào các hiện tượng xung quanh mình? Điều gì thật sự nằm sau một cơn giận dữ, một sự bất mãn hay một nỗi niềm thương tổn? Điều gì chìm dưới một ước mơ trở thành họa sĩ, một khao khát được ra ngoài tự nhiên hay đơn giản một ý muốn dưỡng nuôi một chú chó? Điều gì thật sự ẩn giấu đằng sau hình hài con người nhỏ bé này? Có khi nào các bạn hỏi như vậy và đi tìm câu trả lời chưa?

Tôi đã lăn lộn tìm kiếm và nhận ra rằng có vô hạn các thực tại/giấc mơ chồng chất lên nhau tại cùng một không gian. Nhưng tần số của mỗi thực tại đó khác nhau nên sự biểu hiện của chúng cũng khác nhau. Chúng như một biển nước vô hạn nơi hàng tỷ các tầng sóng giao thoa. Điều này có ý nghĩa gì? Nếu tần số rung động của bạn thay đổi, bạn sẽ dịch chuyển đến một thực tại khác, theo một cách ý thức hoặc vô thức.

“Chúng ta tạo ra và nhận thức thế giới cùng một lúc. Trí não chúng ta làm việc đó tốt đến mức chúng ta không biết nó đang diễn ra. Điều đó cho phép chúng ta nhảy vào ngay giữa quá trình này. Bằng cách nào? Bằng cách giành lấy phần kiến tạo.”

Nghe thật nghịch lý nhưng trong biển thực tại đó, những con sóng có tần số thấp hơn (tầng đáy) sẽ bao trùm và chi phối những con sóng có tần số cao hơn (tầng bề mặt). Càng tiếp cận và hòa nhập được với các lớp sóng bằng phẳng hơn, một người sẽ càng nhìn nhận rõ động lực thúc đẩy một ý nghĩ, lời nói hay một hành động.

Đó là bản chất của việc tự biết chính mình và thấu hiểu người khác. Thiền định, cầu nguyện, tập yoga, sử dụng mật chú, v.v… đều là các hình thức hạ thấp tần số rung động, giúp người thực hành đi tới một trạng thái nhận thức rộng mở hơn, tiếp cận gần hơn với cội nguồn của trí tưởng tượng, ý thức nguyên thủy, và hơn cả, tới gần hơn với con người đích thực của anh ta.

Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh về nước. Nhân vật chính tỉnh dậy trong một tầng giấc mơ trên bờ biển, những cú giật để thoát khỏi giấc mơ được thể hiện bằng cách đẩy người đó rơi/ngã/lao vào một khối nước. Nước là hình ảnh tượng trưng cho biển thực tại hay bể đời đau khổ. Đồng thời, nước cũng mang hàm ý về ý thức (awareness) hay Đạo.

“Vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng (nước chảy đá mòn). Nước là vật cực mềm, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới (khiêm nhường), ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được. Đạo cũng ví như nước vậy.” – Lão Tử, Đạo Đức Kinh

Chưa dừng lại ở đó, bộ phim Inception còn thể hiện được vòng lặp, ma trận giấc mơ hay chính là sự không thể phân định được tuyệt đối chính xác các con sóng ở trong biển thực tại. Phi vụ “Ý tưởng khởi nguồn” bắt đầu từ một cảnh trên máy bay, trong đó Cobb và đồng đội tiến vào ba tầng giấc mơ. Khi phi vụ kết thúc, tất cả mọi người đều xuất hiện trở lại chiếc máy bay đó nhưng trong bối cảnh hoàn toàn khác khiến cho chúng ta cảm giác bối rối không biết đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc.

Những giấc mơ/thực tại có sự liên đới với nhau, không thể tách biệt được. Cũng giống như vạn vật trong cuộc sống nằm trong một chỉnh thể hài hòa thống nhất. Trong đó, một đối tượng bất kỳ được định nghĩa dựa trên sự tương quan với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Do vậy, việc cho rằng một cá thể tồn tại độc lập riêng biệt là một góc nhìn sai lầm.

“We are all connected in the great circle of life.” – Lion King (1994)

Nên:

“We are here to awaken from the illusion of separation.” – Thích Nhất Hạnh

Khi xem phim, chúng ta tưởng rằng Cobb và đồng đội đi từ giấc mơ này đến giấc mơ nọ, nhưng thật ra không phải. Họ vẫn đang ở trong một giấc mơ lớn duy nhất bao trùm với các phân cảnh nhỏ hơn tương thông với nhau, giống như một ngôi nhà có nhiều căn phòng vậy.

Mối liên kết giữa các thực tại

Nhờ việc chỉ ra được mối liên kết giữa các thực tại, Inception đã gợi ý cho người xem đâu là điểm khởi đầu của một giấc mơ – là tất cả mọi điểm. Vì chúng là lối vào ma trận vô hạn nên chúng cũng chính là lối đi ra khỏi đó. Tức là, sự tự do ẩn chứa trong tất cả các gông cùm và mỗi người đều có cơ hội ngang nhau chạm tới vùng đất hạnh phúc ấy.

Rất nhiều lần trong bộ phim, Cobb đã nhìn thấy những đứa con ngay trước mắt mình và có cơ hội để trông thấy gương mặt yêu dấu của chúng, nhưng anh đã lựa chọn cách từ chối vì anh cho rằng cảnh đó không phải là thật, không phải thực tại anh đang sống. Nhưng rồi cho đến cuối cùng, cảnh kết thúc bộ phim – Cobb được đoàn tụ với gia đình, thật ra vẫn là một giấc mơ.

Hạnh phúc là một cách sống, là một sự lựa chọn

Ai đó đã từng nói: Hạnh phúc ở đây và ngay bây giờ. “Ở đây” hoàn toàn không liên quan đến bối cảnh vật lý, “bây giờ” không liên quan đến dòng thời gian vì khoảnh khắc hiện tại không phải một dấu mốc lịch sử mà là một không gian (space). Bộ phim Inception đã nêu bật lên một ý nghĩa rất quan trọng nữa, đó là: Hạnh phúc là một cách sống, là một sự lựa chọn.

Nếu mỗi người không thể gây dựng một thái độ sống, một cách tiếp cận cuộc sống cho riêng mình thì chúng ta sẽ mãi đắm chìm trong vòng xoáy cuộc đời – một chương trình máy tính đã bật nút khởi động với vòng lặp vô hạn. Khi ấy, chúng ta sẽ không có sự lựa chọn hay điểm nhìn tách biệt nào khi đứng trước một hoàn cảnh bất kỳ. Ta tự động phản ứng dựa trên những động lực không được ý thức soi sáng. Ta có mắt nhưng không thấy đường, sống chẳng khác nào chết.

Ý tưởng này được thể hiện trong phim bằng chi tiết các nhân vật tạo riêng cho mình những totem để xác định họ đang ở trong hiện thực hay trong giấc mơ. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến việc một người không xây dựng kỷ luật cho chính mình thì sẽ rất dễ sa ngã vào những cám dỗ, những thói nghiện độc hại (ma túy, tình dục, danh vọng, tiền bạc, quyền lực,…)

“Cô chưa từng thực sự nhớ được khởi đầu của một giấc mơ đúng không? Cô luôn nhảy ngay vào giữa những gì đang diễn ra. Vậy chúng ta đến đây bằng cách nào?”

Nếu đã nhìn thấy cửa ngõ ra/vào một giấc mơ/thực tại/ảo tưởng thì chúng ta còn bận tâm tới việc thoát ra khỏi nó nữa không? Vì một khi “sự thấy” xảy ra, ngay lập tức, bạn trở thành lối thoát. Việc sống trong hoàn cảnh nào không còn quan trọng nữa, đau đớn không còn quyền uy nữa, cái chết không còn đáng sợ nữa. Vì lúc đó, mọi thứ chỉ đơn giản là bạn đang sống.

Nói đến đây tôi lại nhớ tới câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên, khi cô bé gặp chú mèo Cheshire đang ngồi trên cây. “Tôi nên đi đường nào đây?” cô bé hỏi. “Cô muốn đi đâu?” chú mèo trả lời. “Tôi không biết,” Alice đáp. “Thế thì,” chú mèo nói, “đi đường nào cũng vậy thôi.”

1000726_745627508785049_1741687516_n

Triết lý của phim Inception

Inception không những thể hiện được góc nhìn về khoa học giấc mơ mà còn thể hiện được tính triết lý trong đó nữa. Bên cạnh những khía cạnh liên quan đến ý thức (awareness), bộ phim còn nêu bật lên tiềm năng sáng tạo vô hạn của con người bằng việc nâng cao trí tưởng tượng khi tiếp cận thế giới. Nó khuyến khích chúng ta nhìn nhận vấn đề theo góc độ đa chiều, vượt lên trên giới hạn của cơ thể vật lý để sáng tạo nên thực tại của riêng mình.

Trong phim, Cobb và Mal – vợ mình, đã đi vào tầng limbo để xây dựng nên một thành phố khổng lồ của riêng hai người trong suốt 50 năm. Ở đó, họ cảm thấy mình như một đấng sáng tạo. Tất nhiên, họ chỉ có thể làm được điều đó trong giấc mơ – nơi vượt ra ngoài giới hạn vật lý của cơ thể.

“Người ta nói chúng ta mới chỉ dùng một phần nhỏ tiềm năng thật sự của não khi chúng ta tỉnh. Khi chúng ta ngủ, trí não có thể làm được hầu như mọi thứ.”

Việc nhìn nhận thế giới theo một cách khác đi là khả năng đạt được khi một người sử dụng chất thức thần. Psychedelics làm thay đổi tần số rung động của bạn và khiến bạn chứng kiến thực tại ở một dạng biểu hiện khác, từ đó thay đổi cảm giác, thái độ của bạn về thực tại.

Nhưng sau đó, thay vì tự rèn luyện cách đổi mới góc nhìn của bản thân, người ta lại lún sâu hơn vào việc sử dụng chất thức thần/chất kích thích/ma túy như một cách để trốn tránh thực tại vật lý, tìm kiếm một thứ gì đó cao siêu hơn cuộc sống thường ngày, hoặc để thức tỉnh/giác ngộ.

Những người đó sẽ không bao giờ tìm ra được hạnh phúc chân thực vì thứ họ nhìn thấy trước và trong khi trip chỉ khác nhau ở vẻ bề ngoài, nhưng về bản chất chúng là một – cùng là những con sóng trong biển thực tại. Nếu không thấy vẻ đẹp ở thế giới hiện sống thì vẻ đẹp ta thấy trong chuyến trip chỉ là màn huyễn hoặc. Khi ấy, psychedelics không phải người dẫn đường mà trở thành thứ bịt mắt ta chặt hơn.

Trong bộ phim, có những người hàng ngày đều dành ra 3-4 tiếng để ngủ trong phòng thí nghiệm đặc biệt và mơ những giấc mơ có thể kéo dài 40 tiếng. Không ai có thể đánh thức họ dậy được nữa vì họ cho rằng mình đi ngủ để tỉnh dậy.

“Hạt giống mà chúng tôi cấy vào trí não người này sẽ nảy mầm thành một ý tưởng. Ý tưởng đó sẽ định hình anh ta. Nó có thể thay đổi mọi thứ về con người anh ta.”

Những ý tưởng Inception thể hiện khiến tôi không khỏi liên tưởng tới rất nhiều những bộ phim khác về đề tài giấc mơ trong suốt, thực tại song song và sự tự đánh lừa của tâm trí như: Vanilla Sky, Avatar, The Matrix, Truman Show, Interstellar, Arrival.

Những khía cạnh tâm lý trong phim Inception

Inception là một bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng không phải vì thế nó không thể hiện được những mặt gần gũi trong cuộc sống đời thường. Bộ phim đã khai thác những khía cạnh tâm lý (mối quan hệ gia đình, tổn thương trong quá khứ) ảnh hưởng đến xu hướng hành động, hành vi của con người trong tương lai.

Chưa hết, những khao khát thẳm sâu nhất của con người là được yêu thương, sáng tạo và phát triển cũng được lật mở trong bộ phim đầy lôi cuốn này. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của những người quyền lực, giàu có, nổi tiếng lên cục diện thế giới cũng được đề cập một cách tinh tế. Quả thực, phải có một đầu óc vĩ đại và kiệt xuất thì Christopher Nolan mới có thể tạo dựng nên tuyệt phẩm Inception này.

Về mặt kỹ thuật, tôi không nói nhiều nữa vì những giải thưởng bộ phim đạt được đã nói lên tất cả. Inception đã đoạt bốn Giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất, Biên tập âm thanh xuất sắc nhất, Hòa âm hay nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, và được đề cử ở bốn hạng mục khác: Phim hay nhất, Nhạc phim hay nhất, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Tóm lại, Inception là một bộ phim đáng giá và đáng xem, không chỉ một lần mà nhiều lần. 9.5/10 là điểm tôi dành cho kiệt tác này.

Điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây, đó là:

“Ai nắm bắt được những ý tưởng, kẻ đó nắm bắt được tương lai.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Bạn tồn tại, bạn sống, hay là sống tự do?

5

Ai đó đã nói rằng: Không sợ chết chưa hẳn là can đảm, nhưng lòng can đảm còn thể hiện ở chỗ người ta có dám sống theo cách mà mình muốn hay không.

Trong những lúc khốn khó nhất của cuộc đời, nhiều người nghĩ đến chết như một cách để giải thoát. Arthur Scopenhauer, triết gia người Đức, khi nêu lên quan điểm của mình về tự tử đã khẳng định rằng những người muốn tự chấm dứt sự sống của mình lại là những người muốn sống hơn ai hết. Họ thà chết chứ không muốn sống một cuộc đời vô nghĩa, một cuộc đời không như ý mình muốn (*). Họ muốn một cuộc đời đáng sống nhưng lại không đủ mạnh mẽ để giành lấy nó.

Con người được sinh ra và bị buộc phải tiếp tục tồn tại. Con người bị trói buộc vào sự tồn tại của chính mình. Hành trình sự sống là hành trình đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại ấy để nó không còn là một sự ràng buộc nữa. Đời sống này sẽ đơn giản biết mấy nếu trên cái hành trình ấy, con người không tự mang lấy cho mình những gánh nặng để rồi đến một lúc nào đó, để có thể tiếp tục hành trình, người ta buộc phải giải thoát chính mình khỏi những gánh nặng do tự mình mang lấy.

Cái chết không phải là sự giải thoát của con người. Người ta gán cho nó cái sứ mệnh ấy vì người ta không có can đảm tự giải thoát chính mình ngay khi còn sống.

Người ta không có can đảm để giải thoát mình khỏi vòng trói buộc của ham muốn vật chất bất tận. Người ta không có đủ nghị lực để kiềm chế bớt ham muốn của thân xác, để chỉ mưu cầu một cách tối giản cho sự sống còn. Người ta không đủ sáng suốt để nhìn ra đâu là thứ có cũng được, không có cũng không sao.

Rốt cuộc cố gắng để chiếm hữu cả thế gian có làm cho người ta hạnh phúc? Sự thâu tóm quyền lực có khiến cho người ta nên vĩ đại? Nếu ban đầu người ta không ham muốn những thứ ấy thì cuộc sống sẽ nhẹ nhõm hơn hay không?

Chúng ta sẽ đi đến chặng nào của con đường giải thoát ấy? Chúng ta sẽ đơn giản là tồn tại, chúng ta sống hay là sống tự do?

Cuộc sống là muôn vàn câu hỏi mà đôi khi càng trả lời nó sớm thì chúng ta càng dễ mắc sai lầm. Chi bằng cứ âm thầm mà chiêm nghiệm, cứ bình tâm quan sát cõi đời. Cuộc đời sẽ không thể giết chết bạn ngay hôm nay chỉ vì bạn không chịu cúi đầu làm nô lệ cho nó.

Gông cùm của chúng ta là do tự chúng ta đeo vào cho mình, chúng ta sở hữu chìa khóa để tháo bỏ nó. Hãy ném đi những khối nặng nề của lòng tham, của lòng tự tôn phù phiếm. Hãy sở hữu cho mình cái rỗng không vô hạn của tâm hồn, đủ để chứa đựng một đại dương của thanh thản, của yêu thương, thứ yêu thương không ám mùi toan tính.

Trước khi đấu tranh với cuộc đời để gỡ bỏ những xiềng xích, chúng ta hãy gỡ bỏ trước tiên những gông cùm mà mình đã tự mang lấy.

Hãy sống đơn giản mà không đơn điệu, hãy nên nhỏ bé chứ đừng nhỏ nhen. Như con chim bé nhỏ sở hữu cả bầu trời. Và chúng ta sẽ được tự do mà không phải đánh đổi bằng một vòng nô lệ nào khác.

Đừng ngại ngần khi bắt đầu mọi thứ từ con số không. Như Socrates nói:

“Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả.”

Đó cũng là khởi điểm của mọi sự hiểu biết trên đời. Đôi khi người ta không phải là không có gì nhưng là đã có quá nhiều những thứ không đáng có. Hãy buông bỏ để trở nên như không và bắt đầu từ cái rỗng không ấy.

Con thuyền nổi được vì nó rỗng và nó sẽ chìm nếu chở quá nặng. Chúng ta là chủ con thuyền của đời mình, hãy biết chọn lọc những gì mà mình sẽ mang theo. Những thứ nặng nề nhưng chẳng để làm gì như là lòng tham của chúng ta, như là lòng đố kỵ đối với kẻ khác, như là sự hằn học của chúng ta khi bị cuộc đời trêu đùa. Những thứ càng mang theo nhiều bao nhiêu càng nhẹ nhõm bấy nhiêu, như là một chút tình yêu không bi lụy, một chút thản nhiên không vô cảm, một chút thứ tha, bao dung…

Đời sống của chúng ta cuối cùng cũng chỉ là một chuỗi những tranh đấu miệt mài, trong đó có cả tranh đấu với chính mình. Và món quà chúng ta nhận được chính là tự do đích thực.

(*) Tìm đọc Siêu hình tình yêu, Siêu hình sự chết do Nhã Nam và NXB Văn học phát hành.

Tác giả: Nguyễn Tài

*Featured Image: kellepics

Văn hóa là một hệ điều hành – Terence McKenna

(Trích) Thứ nhất, văn hóa LÀ một hệ điều hành. Chỉ có vậy thôi. Và thứ hai, hệ điều hành này có thể bị xóa sạch và thay thế bởi một cái khác.

• • •

Trong vòng 100 trở lại đây khi những siêu công nghệ được phát triển tại phương Tây, những thí nghiệm đập bể nguyên tử, sự phát minh ra radio, TV, máy tính, thuốc men, vân vân và vân vân… Thông tin về hoạt động của những xã hội ‘khác thường’ đang ngày càng được xuất hiện nhiều hơn trên khắp thế giới.

Và chúng đã làm tan biến đi những thực tại thông thường, những giá trị văn hóa thông thường, thông qua một sự tương tác cộng sinh, một mối liên hệ với những loài thực vật bản địa, có khả năng khuấy động hệ thống hóa học trong não bộ. Và trong miền hóa học của não bộ được khuấy động này, hệ điều hành văn hóa được xóa sạch.

Thay thế hệ điều hành văn hóa

Và có một cái gì đó xa xưa hơn, ngay cả cho những người này. Một điều gì đó xưa hơn, sống còn hơn, gần gũi với linh hồn động vật hơn, thay thế nó, thay thế hệ điều hành văn hóa. Một điều gì đó không được quyết định bởi lịch sử và địa lý nhưng là một điều gì đó được viết bằng ngôn ngữ của chính thân xác. Đây chính là con người của bạn. Đây chính là sự trần trụi đích thực.

Bạn không trần trụi khi bạn cởi quần áo ra. Bạn vẫn còn mặc trên người những giả định tôn giáo, những thành kiến, những sợ hãi, những ảo tưởng, hoang tưởng. Khi bạn rũ bỏ cái hệ điều hành này, cơ bản thì khi đó bạn mới thật sự trần trụi trước sự suy xét của tâm trí.

Desmond Morris gọi nó là “con vượn trần trụi”. Và từ vị trí đó, một ví trí nằm ngoài hệ điều hành văn hóa, chúng ta mới có thể bắt đầu hỏi những câu hỏi đích thực như:

• Làm người có ý nghĩa như thế nào?

• Loại hoàn cảnh nào chúng ta đang bị vướng mắc?

• Và có loại cấu trúc nào, nếu có, để chúng ta có thể đưa vào để xoa dịu nỗi đau và biểu dương sự tuyệt diệu và kì vĩ đang nấp chờ chúng ta, trong lát cắt thời gian rất mỏng giữa kênh sanh sản và nấm mồ nguội lạnh.

Hay nói cách khác, chúng ta phải trở lại với những cơ sở đầu tiên. Và, tôi đã nghĩ về điều này rất nhiều. Lúc đầu thì nó có vẻ chỉ như là một sự ví von, câu nói, “văn hóa là một hệ điều hành.” Nhưng vì tôi đã đi đây đi đó rất nhiều, nên cũng thường hay có trải nghiệm ‘co giật’ khá thường xuyên.

Chẳng hạn như, khi rời London vào một tối đầy sương để tới Johannesburg 14 tiếng sau đó, vào một ngày đầy nắng trong một thành phố với 14 triệu dân và đang bước tới ngưỡng vô chính phủ. Tôi phải thay đổi hệ điều hành của mình khá thường xuyên. Và tôi mới để ý thấy được tính tương đối của những hệ điều hành này. Một số tương thích với cái này, một số với cái khác.

Ví dụ như nếu bạn là một người theo chủ nghĩa thực chứng. Nếu bạn đang chạy Thực Chứng 4.0, bạn không thể ủng hộ UFO được. Thực Chứng 4.0 không hỗ trợ UFO. Tuy nhiên nếu bạn đang chạy Siêu Khoa 5.1, UFO và một số thứ khác sẽ có thể qua được cánh cửa. Đó là cái chúng ta có thể gọi là một hệ điều hành bao dung hơn. Hay những plugins của nó có hỗ trợ những kĩ xảo đặc biệt bị từ chối bởi những người Lạc Quan.

Vâng, khá là vui khi nghĩ về chúng như vậy. Bởi vì nó cho bạn thấy rằng bạn không cần phải là một nạn nhân của văn hóa. Nó chẳng phải giống như màu mắt của bạn, chiều cao của bạn, hay giới tính của bạn. Nó mỏng manh. Nó có thể được tái tạo. Nếu bạn thật sự muốn vậy.

Và sau đó, câu hỏi đặt ra là, “Làm sao một người có thể tải về được một hệ điều hành mới?” À, điều đầu tiên bạn cần phải làm là xóa bớt dữ liệu trong ổ cứng của bạn. Cách tốt nhất để làm điều này có lẽ là nhờ sự trợ giúp của những yếu tố hóa học. Psilocybin là một thứ tẩy rửa ổ cứng xuất sắc. Bạn có thể bỏ rất nhiều thứ vào thùng rác và làm chúng biến đi với một lần nâng cấp Psilocybin.

Một y dược khác sẽ có thể dọn dẹp ổ cứng của bạn là Ayahuasca. Và tất nhiên những thứ này chỉ là tẩy rửa sơ thôi, chúng tốn khoảng 5, 6, hay 7 tiếng gì đó để làm nhiệm vụ.

Nếu bạn đang muốn tống khứ mớ dữ liệu cũ đi gấp, và có ngay một hệ điều hành mới. Bấm vào cái nút ghi “Dimethyltryptamine” (DMT). Một trình xóa đĩa đã được nén sẽ ngay lập tức được tải xuống, giải nén, cài, và chạy. Và bạn sẽ thấy mình có một đầu óc mới ngay lập tức.

Những người bộ lạc Shaman đã luôn biết điều này, tuy nhiên có thể là họ không dùng loại ngôn ngữ mà tôi đang dùng ở đây. Shamans đã luôn luôn biết về cái mẹo này. Mẹo gì? Nó có 2 mặt:

Thứ nhất, văn hóa LÀ một hệ điều hành. Chỉ có vậy thôi. Và thứ hai, hệ điều hành này có thể bị xóa sạch và thay thế bởi một cái khác.

Nên căn bản là những gì đang xảy ra giữa Shaman và những người đi đến họ mong muốn được chữa lành và hướng dẫn vv. Có thể nói ngắn gọn là các shaman thật ra chỉ là đang chạy một hệ điều hành cao cấp hơn khách hàng của họ. Những Shaman đang nắm giữ một số dữ kiện về cây cối, về thú vật, về chữa bệnh, về tâm lý con người, về địa lý quanh vùng, về tứ lung tung những thứ khác… mà thân chủ của họ không biết đến.

Các thân chủ đang chạy trình Văn Hóa Gọn Nhẹ. Còn Shaman thì dùng phiên bản có đăng kí bản quyền hẳn hoi. Hệ điều hành của họ thì đầy đủ và nặng hơn nhiều cái phiên bản Gọn Nhẹ đó của thân chủ.

Tôi nghĩ là tất cả chúng ta nên có được mong mỏi để thực hiện cuộc nâng cấp này. Nó rất quan trọng để có thêm được những tính năng này cho hệ điều hành của bạn. Nếu không thì sẽ có người nào đó chơi trên chân bạn.

Vâng, hệ điều hành mà chúng ta đang sử dụng có gì là sai? Chủ Nghĩa Tiêu Thụ 5.0, hay là cái giống gì đi nữa… Nó ngốc nghếch! (khán giả cười). Nó cổ lỗ sĩ. Nó rất thiếu tính cạnh tranh, nó bừa bộn, nó phí phạm môi trường, nó phí phạm tài nguyên nhân lực. Nó thiếu hiệu quả. Nó chạy trên những khuôn khổ. Nó chạy trên một độ phân giải thấp, cũng chính là cái tạo ra những khuôn khổ. Một độ phân giải thấp làm cho mọi người ai cũng giống nhau, trong khi sự huy hoàng đích thực thì lại nằm trong sự khác biệt của mỗi người.

Hơn thế nữa, hệ điều hành hiện tại còn bị lỗi nữa. Nó còn bị dính bugs, virus trong đó nữa. Chúng tạo ra những mâu thuẫn. Mâu thuẫn như chính chúng ta đang cắt đôi mặt đất ngay dưới chân chúng ta. Chúng ta đang đầu độc chính bầu khí quyển mà chúng ta thở.

Đây không phải là một hành vi thông minh. Đây là một xã hội với một cái lỗi trong hệ điều hành của nó, khiến nó đưa ra ra những hành vi rối loạn, biến loạn.

Đã đến lúc phải gọi kĩ thuật viên. Và ai là những kĩ thuật viên? Các Shamans chính là những kĩ thuật viên.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Xem thêm

(Trích) Thứ nhất, văn hóa LÀ một hệ điều hành. Chỉ có vậy thôi. Và thứ hai, hệ điều hành này có thể bị xóa sạch và thay thế bởi một cái khác.

• • •

Trong vòng 100 trở lại đây khi những siêu công nghệ được phát triển tại phương Tây, những thí nghiệm đập bể nguyên tử, sự phát minh ra radio, TV, máy tính, thuốc men, vân vân và vân vân… Thông tin về hoạt động của những xã hội ‘khác thường’ đang ngày càng được xuất hiện nhiều hơn trên khắp thế giới.

Và chúng đã làm tan biến đi những thực tại thông thường, những giá trị văn hóa thông thường, thông qua một sự tương tác cộng sinh, một mối liên hệ với những loài thực vật bản địa, có khả năng khuấy động hệ thống hóa học trong não bộ. Và trong miền hóa học của não bộ được khuấy động này, hệ điều hành văn hóa được xóa sạch.

Thay thế hệ điều hành văn hóa

Và có một cái gì đó xa xưa hơn, ngay cả cho những người này. Một điều gì đó xưa hơn, sống còn hơn, gần gũi với linh hồn động vật hơn, thay thế nó, thay thế hệ điều hành văn hóa. Một điều gì đó không được quyết định bởi lịch sử và địa lý nhưng là một điều gì đó được viết bằng ngôn ngữ của chính thân xác. Đây chính là con người của bạn. Đây chính là sự trần trụi đích thực.

Bạn không trần trụi khi bạn cởi quần áo ra. Bạn vẫn còn mặc trên người những giả định tôn giáo, những thành kiến, những sợ hãi, những ảo tưởng, hoang tưởng. Khi bạn rũ bỏ cái hệ điều hành này, cơ bản thì khi đó bạn mới thật sự trần trụi trước sự suy xét của tâm trí.

Desmond Morris gọi nó là “con vượn trần trụi”. Và từ vị trí đó, một ví trí nằm ngoài hệ điều hành văn hóa, chúng ta mới có thể bắt đầu hỏi những câu hỏi đích thực như:

• Làm người có ý nghĩa như thế nào?

• Loại hoàn cảnh nào chúng ta đang bị vướng mắc?

• Và có loại cấu trúc nào, nếu có, để chúng ta có thể đưa vào để xoa dịu nỗi đau và biểu dương sự tuyệt diệu và kì vĩ đang nấp chờ chúng ta, trong lát cắt thời gian rất mỏng giữa kênh sanh sản và nấm mồ nguội lạnh.

Hay nói cách khác, chúng ta phải trở lại với những cơ sở đầu tiên. Và, tôi đã nghĩ về điều này rất nhiều. Lúc đầu thì nó có vẻ chỉ như là một sự ví von, câu nói, “văn hóa là một hệ điều hành.” Nhưng vì tôi đã đi đây đi đó rất nhiều, nên cũng thường hay có trải nghiệm ‘co giật’ khá thường xuyên.

Chẳng hạn như, khi rời London vào một tối đầy sương để tới Johannesburg 14 tiếng sau đó, vào một ngày đầy nắng trong một thành phố với 14 triệu dân và đang bước tới ngưỡng vô chính phủ. Tôi phải thay đổi hệ điều hành của mình khá thường xuyên. Và tôi mới để ý thấy được tính tương đối của những hệ điều hành này. Một số tương thích với cái này, một số với cái khác.

Ví dụ như nếu bạn là một người theo chủ nghĩa thực chứng. Nếu bạn đang chạy Thực Chứng 4.0, bạn không thể ủng hộ UFO được. Thực Chứng 4.0 không hỗ trợ UFO. Tuy nhiên nếu bạn đang chạy Siêu Khoa 5.1, UFO và một số thứ khác sẽ có thể qua được cánh cửa. Đó là cái chúng ta có thể gọi là một hệ điều hành bao dung hơn. Hay những plugins của nó có hỗ trợ những kĩ xảo đặc biệt bị từ chối bởi những người Lạc Quan.

Vâng, khá là vui khi nghĩ về chúng như vậy. Bởi vì nó cho bạn thấy rằng bạn không cần phải là một nạn nhân của văn hóa. Nó chẳng phải giống như màu mắt của bạn, chiều cao của bạn, hay giới tính của bạn. Nó mỏng manh. Nó có thể được tái tạo. Nếu bạn thật sự muốn vậy.

Và sau đó, câu hỏi đặt ra là, “Làm sao một người có thể tải về được một hệ điều hành mới?” À, điều đầu tiên bạn cần phải làm là xóa bớt dữ liệu trong ổ cứng của bạn. Cách tốt nhất để làm điều này có lẽ là nhờ sự trợ giúp của những yếu tố hóa học. Psilocybin là một thứ tẩy rửa ổ cứng xuất sắc. Bạn có thể bỏ rất nhiều thứ vào thùng rác và làm chúng biến đi với một lần nâng cấp Psilocybin.

Một y dược khác sẽ có thể dọn dẹp ổ cứng của bạn là Ayahuasca. Và tất nhiên những thứ này chỉ là tẩy rửa sơ thôi, chúng tốn khoảng 5, 6, hay 7 tiếng gì đó để làm nhiệm vụ.

Nếu bạn đang muốn tống khứ mớ dữ liệu cũ đi gấp, và có ngay một hệ điều hành mới. Bấm vào cái nút ghi “Dimethyltryptamine” (DMT). Một trình xóa đĩa đã được nén sẽ ngay lập tức được tải xuống, giải nén, cài, và chạy. Và bạn sẽ thấy mình có một đầu óc mới ngay lập tức.

Những người bộ lạc Shaman đã luôn biết điều này, tuy nhiên có thể là họ không dùng loại ngôn ngữ mà tôi đang dùng ở đây. Shamans đã luôn luôn biết về cái mẹo này. Mẹo gì? Nó có 2 mặt:

Thứ nhất, văn hóa LÀ một hệ điều hành. Chỉ có vậy thôi. Và thứ hai, hệ điều hành này có thể bị xóa sạch và thay thế bởi một cái khác.

Nên căn bản là những gì đang xảy ra giữa Shaman và những người đi đến họ mong muốn được chữa lành và hướng dẫn vv. Có thể nói ngắn gọn là các shaman thật ra chỉ là đang chạy một hệ điều hành cao cấp hơn khách hàng của họ. Những Shaman đang nắm giữ một số dữ kiện về cây cối, về thú vật, về chữa bệnh, về tâm lý con người, về địa lý quanh vùng, về tứ lung tung những thứ khác… mà thân chủ của họ không biết đến.

Các thân chủ đang chạy trình Văn Hóa Gọn Nhẹ. Còn Shaman thì dùng phiên bản có đăng kí bản quyền hẳn hoi. Hệ điều hành của họ thì đầy đủ và nặng hơn nhiều cái phiên bản Gọn Nhẹ đó của thân chủ.

Tôi nghĩ là tất cả chúng ta nên có được mong mỏi để thực hiện cuộc nâng cấp này. Nó rất quan trọng để có thêm được những tính năng này cho hệ điều hành của bạn. Nếu không thì sẽ có người nào đó chơi trên chân bạn.

Vâng, hệ điều hành mà chúng ta đang sử dụng có gì là sai? Chủ Nghĩa Tiêu Thụ 5.0, hay là cái giống gì đi nữa… Nó ngốc nghếch! (khán giả cười). Nó cổ lỗ sĩ. Nó rất thiếu tính cạnh tranh, nó bừa bộn, nó phí phạm môi trường, nó phí phạm tài nguyên nhân lực. Nó thiếu hiệu quả. Nó chạy trên những khuôn khổ. Nó chạy trên một độ phân giải thấp, cũng chính là cái tạo ra những khuôn khổ. Một độ phân giải thấp làm cho mọi người ai cũng giống nhau, trong khi sự huy hoàng đích thực thì lại nằm trong sự khác biệt của mỗi người.

Hơn thế nữa, hệ điều hành hiện tại còn bị lỗi nữa. Nó còn bị dính bugs, virus trong đó nữa. Chúng tạo ra những mâu thuẫn. Mâu thuẫn như chính chúng ta đang cắt đôi mặt đất ngay dưới chân chúng ta. Chúng ta đang đầu độc chính bầu khí quyển mà chúng ta thở.

Đây không phải là một hành vi thông minh. Đây là một xã hội với một cái lỗi trong hệ điều hành của nó, khiến nó đưa ra ra những hành vi rối loạn, biến loạn.

Đã đến lúc phải gọi kĩ thuật viên. Và ai là những kĩ thuật viên? Các Shamans chính là những kĩ thuật viên.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Xem thêm

💎 Terence McKenna – Trí tuệ cổ xưa vs. Chủ nghĩa duy vật, Khoa học

[Free ebook] Phơi bày bản chất nhà nước – Murray Rothbard

Dẫn nhập

Cuốn sách này đưa ra một trình thuật cô đọng từ góc nhìn của Rothbard về Nhà nước. Nối tiếp Franz Oppenheimer và Albert Jay Nock, Rothbard cũng nhìn nhận Nhà nước như một thực thể bóc lột. Nó không sản xuất ra bất kì thứ gì nhưng lại trộm cướp nguồn lực từ những người tham gia sản xuất. Khi áp dụng quan điểm này lên lịch sử nước Mỹ, Rothbard cũng mượn đến những trước tác của John C. Calhoun.

Làm thế nào một tổ chức thuộc dạng này có thể duy trì chính bản thân nó? Nó phải vận dụng tuyên truyền để giành được sự ủng hộ của quần chúng đối với những chính sách của nó. Giới trí thức và tòa án đóng một vai trò then chốt ở đây, và Rothbard dẫn ra tác phẩm của nhà lý thuyết pháp luật có ảnh hưởng lớn Charles Black, Jr. như một điển hình của sự huyễn hoặc về tư tưởng trong quá trình Tòa án Tối cao trở thành một cơ quan được sùng kính.

Link download free ebook: https://drive.google.com/file/d/1K9sD8o7KH-_0ZU0Di-eV1H1_QRzixNN-/view?usp=sharing

*Tựa sách đã được thay đổi cho thu hút hơn, tựa gốc bản tiếng Anh là Anatomy of the State

Xem thêm

Thị trường và đạo đức (kỳ 18)

[THĐP Translation] 5 cách giúp bạn biết quý trọng thời gian hơn

2

Nhiều nguyên lý cốt lõi của The Red Pill (TRP) xoay quanh một chân lý giản dị. Chân lý ấy, nếu bạn mong muốn chấp nhận nó, chính là bạn chỉ có được chừng ấy thời gian mà thôi, và nó đang không ngừng cạn kiệt. Với hiểu biết này, tôi hy vọng rằng một số điều sẽ trở nên sáng tỏ với bạn như chúng đã trở nên sáng tỏ với tôi.

1. Cố gắng tận hưởng bản thân

Điều này không đồng nghĩa với việc sống một cuộc đời lấp đầy bởi tình dục, ma tuý và tiệc tùng. Một người thông thái đã từng nói rằng có hai cách để sống một cuộc đời thảnh thơi và dễ chịu. Cách đầu tiên là hãy trở nên giàu có, cách thứ hai là hãy sống với một lối sống đòi hỏi càng ít tiền càng tốt. Hiện tại, bạn có thể phản bác lại điều đó khá dễ dàng, nhưng quan điểm của tôi vẫn được thể hiện vững chắc. Hãy học cách tận hưởng mọi thứ nhiều hơn. Hãy học cách khiến cho mọi thứ đáng tận hưởng hơn. Bạn đang làm một việc chán ngắt ư? Hãy hít vào một hơi thật sâu. Nghĩ về việc khoản tiền bạn sắp kiếm được sẽ làm gì cho bạn. Hãy thiền quán. Học cách trân trọng những khoảnh khắc như chúng vốn vậy cùng với trải nghiệm mà chúng đem lại cho bạn.

2. Tạo ra và nắm bắt những khoảnh khắc

Có những điều chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm lại được. Một lần tôi đang dạo bộ vào khu trung tâm một thành phố mà tôi chưa từng đặt chân đến trước đó. Có gì đó về toà nhà tôi đi qua ấy khiến tôi để mắt đến. Tôi ngó cánh cửa và thấy nó đang mở. Ở bên trong là một người đàn ông và căn phòng gần như trống trơn chỉ có mấy bức tranh. Tôi hỏi người đàn ông ấy xem nơi mình vừa bước vào là nơi nào, và bỗng tôi bị cuốn vào một cuộc trò chuyện tuyệt vời về những tác phẩm nghệ thuật trong gallery tôi đã tình cờ ghé thăm ấy. Đó là một điều tôi hết sức trân quý. Hãy học cách để ý đến những cơ hội nho nhỏ cuộc đời trao cho bạn. Chúng thường xuất hiện trong những hình dạng của tính hiếu kỳ. Đây chính là khía cạnh “dừng lại để thưởng thức hương thơm của những bông hồng” trong nguyên lý tận hưởng bản thân. Cũng sẽ rất tuyệt vời trong những cuộc hẹn hò. Bạn chỉ cần một ý tưởng về nơi sẽ tới, một dãy phố, một con đường quê, và rồi hãy cứ bước theo bất kể thứ gì khiến bạn để mắt đến.

3. Đầu tư thời gian

Bạn có khoảng chừng 18 năm chủ yếu phải làm theo những ý muốn bất chợt từ những người có vị trí cao hơn bạn trong môi trường trường học và gia đình. Bạn không có mấy phương hướng hay động lực trong quãng thời gian này cho đến khi bạn sau cùng cũng khởi động được bản thân. Một số người không bao giờ thật sự làm được như vậy. Nếu bạn đang ở đây đọc những dòng này, nhất định bạn làm được. Bạn biết được rằng mình chỉ có chừng ấy thời gian, vì vậy bạn cần phải xác định mình sẽ làm gì với nhận thức ấy. Tuổi già có lẽ cũng mang đến thêm khoảng 10-20 năm đình trệ nữa. Nếu nhìn thật kĩ, bạn có được khoảng 40 năm trong đó cơ thể và tâm trí bạn vẫn còn khá ổn, bạn không phải chịu những cơn đau triền miên, tiềm năng để bạn trở nên hấp dẫn có nhiều hơn, v.v.  Đây chính là sống theo cách đòi hỏi tiền bạc ít nhất có thể, tương phản với phải trở nên giàu có để sống. Điểm mấu chốt là bạn có thể bỏ ra một số trong những năm tháng tươi đẹp nhất của mình dưới hình thức những khoảng thời gian dành để cải thiện bản thân, và đổi lại – điều đó có thể tăng cường chất lượng những năm tháng thư nhàn sau này của bạn. Tôi thường tập tạ khi không làm việc gì khác, bởi đó chính là cách bạn có thể đầu tư vào thời gian hiện tại để có thêm thời gian về sau này. Có thêm những năm tháng khỏe mạnh.

4. Xác định và giảm bớt những khoảng thời gian vô bổ

Bạn có thể mang theo một cuốn sách để đọc trong phòng đợi khi đi khám, bạn có thể nghe một podcast trên đường đi làm. Hãy học cách phân loại và đặt ưu tiên cho các hành vi từ cao xuống thấp với tiêu chí hành vi nào sẽ đem lại phần thưởng to lớn nhất cho bạn, hay là có lợi/đáng đầu tư nhất. Có một số phạm vi giá trị bạn cần nhận thức rõ. Tài chính, tinh thần/tâm linh và thể chất có lẽ là những giá trị quan trọng nhất. Chúng đều dung dưỡng lẫn nhau. Các vấn đề tiền bạc gây căng thẳng cho bạn và đó là một gánh nặng về tinh thần. Căng thẳng, làm việc quá mức, không nghỉ ngơi đầy đủ có thể khiến bạn kiệt quệ dần. Những điều đó sẽ gây những tổn hại cho bạn về tinh thần, thể chất, và nếu không được lưu ý – chúng có thể ngăn cản bạn phát huy tối đa tiềm năng của mình.

5. Luôn chấn chỉnh bản thân

Ok, như vậy là chúng ta quý trọng thời gian của mình bởi chúng ta nhìn nhận thời gian như bản chất vốn có của nó. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều có tiềm năng. Hãy giỏi đầu tư vào tiềm năng đó và cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều. Bạn sẽ bắt đầu thấy được những khoảnh khắc này như những cơ hội có thể cải thiện. Càng cải thiện, bạn sẽ càng cảm thấy mạnh mẽ hơn, và điều này cũng bắt đầu trở thành một hoạt động có tính gây nghiện. Đây chính là ngụ ý của tôi khi nói “tận hưởng bản thân” và “học cách tận hưởng công việc”. Vậy nên khi ở phòng gym, càng tự thúc ép chính mình, tôi càng tận hưởng bản thân nhiều hơn. Khi thực hiện một dạng tiếp cận nào đó, càng chịu căng thẳng và phải cách xa vùng an toàn của mình, như vậy càng hay cho tôi.

Bạn học hỏi để thấy được thời gian của bản thân như một phương tiện dẫn để đạt tới mục đích. Bạn cần lắng lại một khoảnh khắc bởi vì bạn đã làm việc thật sự vất vả. Vậy nên hãy hít vào một hơi thở, ngồi thiền một lúc, ăn chút đồ ăn nhẹ, uống chút nước mát lành, cũng có thể là xem một đoạn video. Bạn đặt giới hạn cho mình trong quãng nghỉ ngắn ngủi ấy và cảm thấy dễ chịu bởi vì không chỉ là bạn đang giải lao trong quãng nghỉ ấy, bạn còn đang chịu trách nhiệm với điều – mà để đáp lại – sẽ xây dựng sự tự tin cho bạn. Đoạn này giờ đây đã rõ ràng một cách phũ phàng đối với tôi, nhưng tôi đã từng là kiểu người cười khẩy gạt bỏ hết những trách nhiệm cá nhân, và rồi hình thành một rối loạn lo âu bởi vì tôi nhận thức sâu sắc sự vô dụng của chính mình. Hãy chấn chỉnh bản thân và khả năng tin tưởng của bạn rằng mình có thể chấn chỉnh bản thân sẽ gia tăng. Và rồi điều này sẽ lại gia tăng khả năng chấn chỉnh bản thân của bạn. Đó là một vòng lặp hồi quy tích cực.
Nếu hiểu được những gì tôi đang nói, bạn sẽ học được cách tận hưởng từng khoảnh khắc và chỉ cần sống trong đó thôi. Chánh niệm và thiền là điểm mấu chốt trong quá trình này. Khi bạn chủ động nắm giữ thời gian của mình, khi bạn làm cho mỗi khoảnh khắc là một nỗ lực và quyết định tỉnh thức, bạn bạn đầu thật sự sống. Tôi không chỉ đang tụ tập với bạn bè, tôi còn đang hòa mình trong một hoạt động xã hội, nghỉ xả hơi, thử thách và cải thiện kĩ năng xã hội của mình trước một nhóm khán giả có chọn lọc hơn. Tôi không chỉ đang nấu một bữa ăn tốt cho sức khỏe, tôi còn đang học một kĩ năng hữu ích và đang tiết kiệm được tiền bạc.

Hãy sống sao cho hầu hết sự hiện hữu của mình bắt rễ trong hiện tại, luôn chú tâm để bắt nhịp với thứ có thể cải thiện khoảnh khắc hiện tại của bạn trong tương lai.

Tác giả: BurnoutRS

Người dịch: Dương Tùng

Featured image: Alexandre Duret-Lutz

[THĐP Review] Những lá thư không gửi, Susie Morgenstern – Để khóc, để cười và để yêu thương

2

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Những lá thư không gửi là câu chuyện về cậu bé Ernest đã tìm thấy niềm vui sống sau khi kết bạn với một cô bé đầy tươi sáng có tên Victoire. Nàng ta kéo Ernest sang một thực tại mới đầy sắc màu – thứ trong suốt 10 năm cuộc đời, cậu không hề biết đến sự tồn tại của nó. Thậm chí, cậu bé còn mơ hồ về sự tồn tại của chính mình trong ngôi nhà già nua, buồn tẻ cùng với bà nội Précieuse và bà Germanine cũng già nua, buồn tẻ không kém. Victoire làm tôi nhớ đến Pippi Tất Dài – một cô bé tràn ngập nắng vàng đã làm thay đổi cuộc đời của không biết bao nhiêu người mà nàng ta gặp gỡ.

10 năm trong kén, cái cậu Ernest ấy! Có người sẽ cho rằng chuyện một đứa bé thui thủi một mình ở một nơi chán ngắt hơn cả trại giam ấy là điều bất khả, nhưng nếu nhìn rộng ra ngoài xã hội thì có những người đã sống trong xiềng xích hết cả một đời mà chẳng hề hay biết – xiềng xích trong tư tưởng. Cậu bé ấy chỉ là một phép ẩn dụ cho một cuộc đời rô-bốt nhàm chán, bế tắc đến mức chẳng nhận ra là mình đang bế tắc, bị tẩy não đến mức chẳng biết là mình có não. Nhưng Victoire đã xuất hiện và sự tươi sáng của cô bé khiến Ernest nhận ra rằng như thế nào mới là sống.

Nhưng nỗi sợ phải thay đổi thói quen, đặc biệt là thay đổi nhận thức khiến người ta dễ dàng rơi vào cuộc chiến tranh nội tâm hơn là bắt nhịp dần dần để đón nhận. Thật may mắn khi đây lại là một cậu bé. Bản năng của trẻ thơ đã giúp Ernest tiến tới những nhịp điệu mới lạ với một tâm thế thích thú nhiều hơn là sợ hãi. Tác giả Susie đã mô tả rất chính xác hai loại phản ứng của một con người khi đứng trước những thay đổi lớn của cuộc đời thông qua hai hình ảnh: Sự trốn chạy của bố Ernest và sự dấn thân của cậu bé.

Sự xuất hiện của Victoire vừa là cái cớ và vừa là động lực để cho Ernest bắt đầu một cuộc đời mới.

Nói thế thôi, người ta chỉ có thể tặng nhau được công cụ chứ không thể tặng được nhận thức mới, hành động mới và một trái tim mới được. Đó là lý do vì sao Victoire chỉ là tác nhân chứ không phải là nguyên nhân của sự thay đổi. Có nhiều người ngoài kia cũng cần phải chuyển mình rồi nhưng dường như vỏ bọc cũ đã quá dày khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhân tố giúp đổi thay thì lúc nào cũng đầy khắp xung quanh, nhưng còn ý thức thay đổi thì lại chưa từng một lần le lói chứ chẳng nói chuyện bùng lên như ngọn lửa cách mạng. Hay nói cách khác là khi không tự thông được não thì cả trăm Victoire cũng bằng zero!

Nhưng có một điều tôi phải đề cập tới, đó là giá trị 10 năm sống tẻ nhạt của cậu bé Ernest. 10 hay 9 chỉ là một quãng thời gian nhất định, nhưng vấn đề nằm ở việc người có trải nghiệm ớn lên tận cổ ấy sẽ cảm nhận sâu sắc hơn hương vị cuộc sống khi họ được tiếp xúc với nó. 10 năm chính là cái giá phải trả để Ernest được thật sự yêu đời. Cậu mua mảnh đất nhàm chán để được nhìn thấy khoảng trời sinh động. 10 năm chính là lời nhắc nhở về sự kiên nhẫn cho tất cả chúng ta khi ở trong hoàn cảnh khó khăn. 10 năm cũng là hiện thân của giới hạn để ta không chần chừ khi cánh cửa đổi mới đã mở. Người nào đi qua đủ đắng cay mới hiểu được thế nào là ngọt ngào, nếm đủ thất bại thì mới thấu vị thành công.

Cuốn sách đã mô tả cả một cuộc hành trình đầy biến động trong cuộc đời cậu bé Ernest. Khi đôi chân cậu chưa vững vàng vì vừa chạm tới bến bờ mới thì nhờ tình yêu thương của những người xung quanh, cậu bé trụ lại được. Thứ làm lay động trái tim người đọc chính là tình yêu và sự hòa hợp. Chúng ta chẳng còn thấy người khó khăn và kẻ cứu rỗi, nên cũng không thấy sự trả nợ hay ban ơn, chúng ta chỉ thấy sự sẻ chia trong niềm vui như thể anh em một nhà.

Các nhân vật trong cuốn truyện này đầy ắp tình yêu. Họ nương tựa và ôm ấp lẫn nhau, giống như rừng già sẽ chẳng gục ngã khi ở tận dưới lớp đất sâu là những bộ rễ đan cài. Chỉ có ở trong gian nan thử thách thì chúng ta mới dễ dàng nhận ra được tình người hiện hữu. Nó xóa nhòa đi mọi khoảng cách và mọi sự phân biệt. Những hành động, những cử chỉ yêu thương được tác giả diễn tả một cách hết sức mộc mạc và trong sáng. Chính sự giản dị đó đã lấy được nước mắt của mọi người, dù chỉ là một lời khen, một cái thơm lên má, một lá thư với đủ các câu chúc mừng bất chấp không đúng dịp nào cả, v.v… Chúng ta cần yêu và được yêu như vậy đến nhường nào.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở việc lên được đến bờ vì những tổn thương trong quá khứ vẫn còn đó. Những lá thư không gửi của bố Ernest dành cho cậu là biểu tượng của những vết thương lòng day dứt cần được chữa lành. Vì với mỗi một lời cần giải tỏa không được nói ra sẽ tương đương với một vết chém trở lại vào trong trái tim. Và với mỗi câu trả lời không được nhận khi mình hoàn toàn xứng đáng sẽ chẳng khác nào một tấm màn đen phủ lên tâm hồn.

Nhưng bức thư mà Ernest gửi đi cho người cha của mình chính là giọt nước tràn ly, là tiếng nói đanh thép rằng: “Tôi muốn được chữa lành và tôi sẵn sàng.” Một cậu bé mười tuổi dũng cảm đứng lên vì hạnh phúc của chính mình, đây là chuyện không phải ai cũng làm được. Ernest là hiện thân của sức mạnh và niềm tin vào sự rộng lượng của cuộc đời. Vì cậu bé thật sự muốn hạnh phúc nên vũ trụ liên tục mở ra cho cậu những cánh cửa để chạm tới nó. Ernest gửi đi một lá thư và cậu nhận về hàng nghìn lá. Cậu chàng mười tuổi này lại trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh để cha và bà nội cậu dũng cảm đối mặt với những nỗi đau xưa cũ – bước đầu tiên của công cuộc chữa lành.

Đôi lúc, tôi thấy Ernest không thật lắm vì từ ngữ cậu dùng cứ như của một ông cụ 80. Nhưng khi nhìn lại quãng thời gian đơn độc của cậu thì tôi có thể hiểu được nó đã khiến Ernest trở nên nhạy cảm và trầm mặc đến thế nào. Có những con chim đủ lông cánh rồi mới bị bão bùng vậy bủa. Nhưng dường như những cơn bão đời ấy nhìn thấu được sức mạnh tiềm tàng của linh hồn cậu bé nên chúng đã ập đến ngay từ ngày cậu mới chào đời. Những khó khăn, những thương tổn làm ta đau đớn, nhưng chúng lại chính là thứ giúp ta trở thành vĩ nhân vào một ngày nào đó không hay. Mà nói cho cùng thì cũng không ít những cụ già 80 nói chuyện như một đứa con nít đấy thôi. Vì bão hủy hẹn mà!

Cuốn sách chỉ có hơn trăm trang nhưng chất đầy những ý tứ lay động lòng người và những pha gây cười ngộ nghĩnh. Những câu chữ trong tác phẩm này được sàng lọc một cách tối đa, các nhân vật nói vừa đủ, tác giả kể chuyện vừa đủ. Những lá thư không gửi ghi điểm rất đậm cũng vì sự “ít-mà-chất” ấy của mình. Trong chuyện viết lách, bôi ra hoa lá cành thì dễ nhưng để thể hiện trọn vẹn linh hồn của tác phẩm mà lại dùng ít ngôn từ nhất thì đòi hỏi tác giả phải có một đầu óc cực kỳ sắc sảo và tinh tế.

Cuốn sách bé nhỏ này thật sự là một thế giới phong phú. Tôi dám cá rằng mỗi người sẽ nhìn thấy một góc phần nào đó cuộc đời của chính mình đằng sau những con chữ ấy, để khóc, để cười và cuối cùng, để yêu thương…

8.5/10 là điểm tôi dành cho tác phẩm này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured image: marisannphoto