24 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 126

Bản chất cuộc sống là sự vay trả

1

Tôi rất thích viết, nhưng những thứ tôi viết ra toàn là mấy dòng triết lý cùn, không đầu không đuôi, dài chừng khoảng dăm ba chục chữ trên facebook. Dài hơn thì là viết nhật ký và viết thư cho người yêu, cũng không đuôi không đầu. Hoặc dài hơn nữa, có bố cục đủ để gọi là một bài luận thì chắc chỉ có thể kể đến cuốn luận văn tốt nghiệp mà hồi đó tôi phải trầy trật lắm mới nặn ra cho đủ số trang yêu cầu tối thiểu. Viết luận quả là một thách thức đối với tôi, vì tôi viết cái gì cũng siêu ngắn, và vì tôi ghét nhất là viết mở bài và kết bài. Nên khi Triết Học Đường Phố mở cuộc thi này, tôi cứ đứng bên ngoài lao xao ngó vô thôi chứ không có ý định nộp.

Vậy mà trớ trêu sao tôi vẫn cứ viết, vì thấy ngứa tay quá. Ngứa mũi nữa. Dưới bếp, cậu tôi đang nấu sữa đậu nành, mùi sữa chín bay khắp nhà thơm phức.

Thế nên bây giờ chúng ta sẽ đi thẳng vào thân bài luôn nhé.

Từ lúc nhỏ tôi đã luôn là một đứa trẻ tò mò thích tìm hiểu khám phá xem cái gì nằm phía sau mấy thứ bị che khuất. Đằng sau bụi rậm ấy là gì? Biết đâu là cả một thế giới người tí hon trong đó? Bên trong chiếc đồng hồ là gì? Cái gì làm cho kim đồng hồ chạy? Phía sau bầu trời, xa hơn cả nơi mặt trời và mặt trăng đang cư ngụ sẽ là cái gì ngoài đó? Liệu chúng ta có phải là những người tí hon đang sống dưới chân những người khổng lồ và bên dưới chúng ta là những người còn tí hon hơn nữa cũng đang thắc mắc phía trên họ là gì? Hay là bên ngoài ấy còn những thứ gì khác?

Khi đã lớn hơn nữa thì tôi bắt đầu thắc mắc về con người, về xã hội. Tại sao người ta phải làm thế này mà không phải thế khác? Tại sao chúng tôi lại nghèo, còn người ta thì giàu? Tại sao có chiến tranh? Tại sao người ta lại tàn phá thiên nhiên? Tại sao con người bệnh tật? Và, đời sống này, bản chất của nó là gì nhỉ?

Tôi nhận ra câu hỏi về bản chất cuộc sống là một câu hỏi rất thú vị. Vì mỗi lần tìm kiếm câu trả lời, tôi lại nhìn thấy nó ở một khía cạnh khác, như thể bạn đang nhìn vào một tinh thể đá quý có nhiều góc cạnh vậy. Khi thì tôi thấy nó ở góc cạnh tình cảm, khi thì tôi thấy nó ở góc cạnh năng lượng – vật lý, khi thì tôi thấy nó ở góc cạnh tâm linh. Hôm nay, tôi nhìn thấy nó ở góc cạnh chuỗi mắt xích.

Dưới góc nhìn về đời sống như một chuỗi mắt xích, tôi thấy mỗi cá thể sống tồn tại trong thế giới này bản thân nó không sở hữu bất kỳ một thứ gì cả, kể cả cơ thể – body. Đời sống của từng cả thể là sự vay mượn thuần túy từ vũ trụ. Nó mượn các nguyên tố để cấu thành nên nguyên tử và phân tử, nó mượn ánh sáng để tạo ra năng lượng hoạt động, đồng thời nó cũng trả về cho vũ trụ các nguyên tố và năng lượng khác của chính nó trong suốt đời sống ấy. Nhiệm vụ duy nhất của nó là vận động. Vận động càng nhiều, nguồn lực vay mượn được từ vũ trụ càng lớn và sản phẩm trả về cho vũ trụ cũng tương xứng.

Cái cây mượn nhựa sống từ đất, từ nước, từ không khí, ánh sáng để sinh trưởng; rồi cái cây trả ơn vũ trụ bằng hoa cho ong hút mật, bằng quả cho người, cho khỉ, cho voi, và bằng chính nó khi bản thân nó cũng bị ăn. Con sóc cũng vay mượn những hạt dẻ làm thức ăn, gốc cây làm chỗ ở, không khí để hít thở, rồi sau đó con sóc trả ơn bằng phân nó thải ra làm giàu cho đất nuôi cây, bằng thịt của nó trong dạ dày của thú ăn thịt. Cứ tiếp tục theo chuỗi thức ăn như vậy, ta có thể thấy toàn bộ đời sống của thiên nhiên là một sự vay trả liên hoàn và cân bằng một cách hoàn hảo. Vì không sở hữu nên tự nhiên chỉ tiêu thụ vừa đủ những gì chúng cần và trao trả lại tất cả những gì chúng có.

Con người cũng thuộc về tự nhiên nhưng con người không hành xử như vậy.

Con người muốn sở hữu. Tiền là một phát minh quan trọng giúp con người trao đổi hàng hóa, nhưng cũng đồng thời mang lại hầu hết các rắc rối khi nó còn có một chức năng khác: Chức năng lưu trữ. Thóc chỉ có thể được trữ trong vòng vài tháng đến một năm; nhưng tiền, vàng, bạc, vỏ sò thì có thể lưu trữ được đến hàng trăm năm mà vẫn giữ nguyên được giá trị của bất kỳ món hàng nào mà con người muốn đổi chác. Nhờ có tiền mà con người có thể giữ lại những gì vay mượn được từ vũ trụ mà không cần trả. Và đó cũng là lúc sự cân bằng bắt đầu bị phá vỡ. Con người bắt đầu muốn sở hữu nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết. Con người hoạt động ngày càng nhanh hơn, nhanh hơn nữa để có thể vay nhanh hơn, tích lũy nhiều hơn. Sở hữu, vay nhưng không trả hoặc trả không đúng cách những nguồn tài nguyên từ vũ trụ – đó chính là dòng chảy ngầm bên dưới bức tranh hiện thực của nhân loại: Ô nhiễm môi trường, rác thải, đất đai cạn kiệt, bệnh tật, đói nghèo.

Điều tương tự cũng lặp lại ở một khía cạnh khác, khía cạnh tinh thần. Bi kịch xảy ra khi chúng ta đã quên rằng mình không hề sở hữu bất kỳ ai hoặc bất kỳ thứ gì, chúng ta hành xử như kẻ ngáo đá và gây ra biết bao nhiêu hỗn loạn:

Tôn giáo CỦA tôi

Người yêu CỦA chị

Lãnh tụ CỦA tao

Tư tưởng CỦA họ

Quá khứ CỦA mày.

Ôi của với chẳng cua! Chúng ta, những con người hiện đại, thiết nghĩ rằng hãy nên im lặng một chút mà nhìn vào tự nhiên, nhìn vào cách vận hành kỳ diệu của cơ thể này để nhớ lại tổ tiên của chúng ta đã vay trả vũ trụ như thế nào. (Thực ra thì chúng ta hay gọi là “nhận” và “cho” nhưng tôi dùng từ “vay/trả” để đối với từ “không sở hữu”. Không sở hữu thì làm gì có để mà cho và nhận?) Bằng đầu óc hạn hẹp của mình, tôi tin rằng khi chúng ta bắt đầu bớt nhìn thấy những cái gì là “của” đi, thì đó cũng là lúc chúng ta dần học được cách sống sao cho khiêm nhường, cho hòa nhã với tự nhiên và đất trời. Và chỉ cần như thế thôi cũng đủ để những vấn đề của nhân loại, của đất nước được hóa giải mà không cần phải tốn công tranh đấu rồi. Phải không nhỉ?

Phải! Tôi đã mơ như thế đấy, còn bạn mơ thấy gì?

Tác giả: Phương Vy

*Featured Image: cocoparisienne 

[THĐP Translation] Bạn có thật sự là một INFJ? 7 điểm khác biệt giữa INFJ và INFP

2

Nhìn bên ngoài, INFPs và INFJs rất giống nhau. Cả hai đều được mô tả là những người lý tưởng, đạo đức, dễ bị hiểu lầm và đồng cảm. Do các nét tính cách giống nhau này, INFJ thường bị nhầm lẫn với INFP và ngược lại. Tôi cũng đã từng nghĩ rằng mình là một INFJ khi thực sự tôi là một INFP. Càng nghiên cứu kĩ hơn về INFJ và INFP, tôi càng tự tin hơn trong việc xác định phân loại tính cách của mình. Hãy cùng xem xét kỹ hơn 7 khác biệt giữa INFJ và INFP.

1. Có nhiều khác biệt hơn chỉ một chữ cái

Mô hình tính cách Myers-Briggs dựa trên các chức năng nhận thức của Carl Jung, trong đó mỗi loại tính cách có thể được biểu diễn theo thứ tự của tám quy trình nhận thức, gồm: Se, Si, Ne, Ni, Te, Ti, Fe, Fi. Trong đó, e là hướng ngoại (extroverted) còn i đại diện cho hướng nội (introverted).

Ví dụ, Ne đại diện cho Extroverted INtuition, Trực giác hướng ngoại, một hàm nhận thức diễn giải tình huống bằng cách chọn lựa các ý nghĩa và các kết nối từ dữ liệu bên ngoài. Ngược lại, Ni đại diện cho Introverted INtuition, Trực giác hướng nội, một chức năng dự đoán các hàm ý và “những gì sẽ đến” chứ không phải từ dữ liệu bên ngoài.

Như Heidi Priebe giải thích, việc xác định những chức năng nào bạn sử dụng – và sử dụng theo thứ tự nào – là cách chính xác nhất để phân loại chính mình hoặc bất kỳ ai khác. Vì vậy, hãy xem các chức năng của INFP và INFJ:

  • INFP: Cảm xúc hướng nội (Fi), Trực giác hướng ngoại (Ne), Cảm giác hướng nội (Si), Lý trí hướng ngoại (Te)
  • INFJ: Trực giác hướng nội (Ni), Cảm xúc hướng ngoại (Fe), Lý trí hướng nội (Ti), Cảm giác hướng ngoại (Se)

Đáng ngạc nhiên, mặc dù INFPs và INFJs chỉ “khác” một chữ cái, chúng thực sự không chia sẻ bất kỳ chức năng chính nào!

2. INFJ thiên về nhận thức, trong khi INFP thiên về đánh giá

Chữ “P” ở cuối INFP là viết tắt của Nhận thức (Perceiving), và “J” ở cuối INFJ là viết tắt của Đánh giá (Judging). Tuy nhiên, hai phân loại này có chức năng trội trái ngược nhau! Fi (của INFP) là một chức năng Đánh giá, nó tiếp cận cuộc sống theo cách có cấu trúc, với mục tiêu kiểm soát môi trường xung quanh của họ. Ni (của INFJ) là một hàm Nhận thức, nó tìm cách thích nghi và hiểu về thế giới. Vì vậy đôi khi INFJs có thể hành động như những người nhận thức, không ngừng quan sát thế giới với mục tiêu duy nhất là hiểu nó. Tương tự như vậy, INFPs có thể rất quả quyết và đầy tham vọng, đặc biệt là khi họ cảm thấy có động lực và cảm hứng. Vì lý do này, INFJ thường bị nhầm lẫn với INFPs và ngược lại.

3. INFJs là những “con tắc kè” xã hội, trong khi INFPs thì rất cá nhân

Ni kết hợp với Fe khiến INFJ tìm kiếm sự hài hòa trong các mối quan hệ của họ. Họ muốn tạo ra cảm xúc tích cực trong các tình huống xã hội và tránh né xung đột. Vì lý do này, INFJs có thể là những tắc kè hoa. Họ thích ứng nhanh với tính cách của người khác, đôi khi bắt chước lại ngôn ngữ cơ thể, tông giọng… của người khác để làm họ cảm thấy thoải mái hơn – và có thể trông khá hướng ngoại. Tương tự như vậy, INFJs có một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất con người, và họ tìm cách truyền đạt những điều này theo cách mà những người khác sẽ có thể dễ dàng nắm bắt. INFJs thích cung cấp cho mọi người những hướng dẫn và tư vấn vì nó giúp họ cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng của con người.

Trong khi INFJs là những con tắc kè xã hội, thì INFPs rất cá nhân. INFPs sử dụng Fi để sống một cách chân thực, thuận theo giá trị và cảm xúc bên trong của họ. Mặc dù INFPs xem trọng sự hài hòa trong mối quan hệ của họ, không giống như INFJs, INFPs phản đối ý niệm hy sinh cá tính vì lợi ích của sự hài hòa hoặc những điều tốt hơn. Đối với INFPs, ý tưởng đánh mất bản thân cho sự đồng nhất của đám đông là một điều đáng sợ. Họ muốn tất cả mọi người sống đúng với chính mình hơn. INFPs cũng đồng cảm và thường thấy mình đầu tư vào cuộc sống của người khác, để giúp mọi người đạt được tiềm năng của họ và trở thành phiên bản đích thực và lý tưởng nhất của mình.

4. INFJs và INFPs hành động khác nhau khi căng thẳng

Đối với tất cả các loại tính cách, chức năng yếu hơn (chức năng thứ tư) có thể biểu hiện một cách khó kiểm soát khi gặp căng thẳng. Chức năng yếu hơn của INFJs là Cảm giác hướng ngoại, Extroverted Sensing (Se). Se hành động bốc đồng và nhất thời. Do vậy, khi căng thẳng, các INFJ có thể đưa ra các quyết định thiếu suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai dài hạn – điều này khá bất thường với các INFJ bởi vì họ là những người luôn thận trọng trong các quyết định và suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của hành động của họ. Các INFJ có thể dễ bị đắm nhiễm vào các thú vui vật chất như ăn uống, uống rượu bia hoặc mua sắm.

INFPs, mặt khác, có thể biểu hiện Lý trí hướng ngoại (Te) một cách vô tình, vô tâm, nhẫn tâm khi bị căng thẳng. Te thường được biết đến với tính tổ chức, hệ thống hoá, áp dụng logic, tạo ra trật tự và cấu trúc. Dưới căng thẳng, INFPs có thể không còn là người có lòng trắc ẩn và cởi mở như thường thấy. Thay vào đó, họ có thể trở nên lạnh lùng, lí trí và phán xét bản thân và/hoặc những người khác. Ví dụ, họ có thể chỉ trích người khác vì đã không hành động theo một cách cụ thể, khó tính đối với những lỗi lầm và khiếm khuyết của người khác.

5. INFJ tập trung vào một vấn đề trọng tâm trong khi INFPs thì nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác

Mục đích của Ni (của INFJ) là thanh lọc ra các thiên vị và tinh chỉnh nhận thức để đi đến được “một chân lý”. Điều này có nghĩa là dành ra một khoảng thời gian và công sức đáng kể để suy ngẫm về một ý tưởng và xem nó hoà hợp với hệ thống các tư tưởng thống nhất như thế nào. Điều này tương tự với cách Plato* xem xét kĩ lưỡng và phân tích chi tiết các chức năng cá nhân trong xã hội để đi đến được trạng thái lý tưởng được ông mô tả trong cuốn Cộng Hoà. (Plato có thể được xem là ông tổ của triết học hiện đại và cũng là một INFJ.)

*Plato (tiếng Hy Lạp: Πλάτων, Platō, “Vai Rộng”), 427-347 TCN, là một nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với Sokrates là thầy ông. (Wikipedia)

Ngược lại, các INFP sử dụng Ne để tiếp cận với các ý tưởng và các khả năng khác nhau. Họ cảm thấy thoải mái hơn với những điều không chắc chắn và tự phát bởi vì đó là cách mà họ tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Kết quả là các INFP có thể có rất nhiều sở thích và các mối quan tâm khác nhau, những thứ mà họ cần để khám phá ra những chân trời mới. Họ có thể sẽ có những khoảng thời gian khó khăn để xác định cho mình một mục tiêu đặc biệt, nhưng những đặc điểm này lại giúp cho họ trở nên linh hoạt và dễ thích nghi với cuộc sống.

6. INFJs hấp thụ cảm xúc, INFPs thì phản chiếu

INFJs sử dụng Fe để hài hoà với cảm xúc của người khác. Họ thậm chí còn hấp thụ những cảm xúc của người khác và trải nghiệm cảm xúc đó như thể chúng là trải nghiệm của chính họ. Bởi vì INFJ thường tập trung vào cảm xúc của người khác, họ có thể quên đi cảm xúc của chính mình – cho đến khi những cảm xúc đó trở nên mạnh đến mức họ không thể bỏ qua chúng.

INFPs, mặt khác, rất hài hòa với cảm xúc của bản thân bởi họ sử dụng Fi. Họ có thể cảm thông với những cảm xúc của người khác như INFJs, nhưng họ làm theo cách khác – họ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và “phản chiếu” cảm xúc của người khác bên trong họ. Ví dụ, một INFP sẽ thấu cảm sự đau khổ của một người khi bản thân họ đã trải nghiệm một cảm giác tương tự.

7. INFJs mong được mọi người hiểu, trong khi INFPs thì mong được công nhận

Mặc dù cả hai nhân cách đều có thể cảm thấy bị hiểu lầm, nhưng INFJs có xu hướng cảm thấy bị thiệt thòi vì họ hiểu rõ người khác, nhưng những người khác hiếm khi thấu hiểu họ. INFPs, mặt khác, cảm thấy bị hiểu lầm bởi vì không ai có thể hiểu rõ họ như cách họ hiểu chính mình. Tuy nhiên, thật thú vị, INFPs có thể không thực sự muốn được thấu hiểu, vì điều này có thể làm đánh mất đi một phần cá tính của họ và họ khiến cho họ trở nên giống với những người khác. Họ có thể lo lắng rằng họ sẽ đánh mất cá tính nếu ai đó cuối cùng đã có thể hiểu rõ họ. Thay vì được thấu hiểu, INFPs muốn người khác công nhận các hành động hoặc ý tưởng của họ mang thiện chí.

Cho dù bạn là INFP hay INFJ, hãy nhớ rằng cả hai tính cách đều xinh đẹp và thông minh theo cách riêng. Mỗi loại có rất nhiều điều để mang tới cho thế giới. Hiểu được một số khác biệt giữa hai loại tính cách phức tạp, hiếm có này có thể giúp bạn xác định loại tính cách thực sự của mình để có thể học cách tận dụng tối đa những khả năng tự nhiên của mình.


Tác giả: Catherine Chea
Dịch: Huy Phan, Mai Nguyen
Review: Nguyễn Hoàng Huy
Featured image: Sadie Pices

[Zen Pencils] Vẻ đẹp của một bông hoa

971422_767053673309099_1115249057_n1234931_767053696642430_1240970038_n996973_767053883309078_1058463372_n1457536_767053836642416_2054899596_n


Dịch: Tiểu Long
Graphic edit: Sadie Pices

[BDT2018] Ai hẹn với cái chết?

6

…Chiếc xe xoay mòng mòng lao xuống vực thẳm đang ngoác cái miệng đen ngòm như muốn nuốt chửng nó. Tiếng gió rít  ào ào bên tai, nó đang rơi, nó gào lên và đưa tay chơi vơi nắm lấy khoảng không vô định, cuộc sống sắp rời bỏ nó và chấm dứt.

Khôngggggggg… Nó bàng hoàng tỉnh giấc, thấy bóng đêm đang lặng lẽ nhìn nó cười khẩy. Cảm giác hoang mang sợ hãi khiến nó bần thần trước thực tại. Học nghành y, những cái chết của bệnh nhân trong mỗi đêm trực quá ám ảnh nó, cái chết luôn ám ảnh nó. Nặng nề đổ mình xuống giường, những hình ảnh của tua trực đêm qua dội về khiến nó chẳng thể ru tiếp được giấc ngủ .

Khoảng 3h sáng, tại C1 khoa cấp cứu tim mạch. Máy mo- ni- tơ theo dõi bệnh nhân uể oải vang lên những tiếng “Tít! Tít!” một cách đều đều khó nhọc. Còn thời gian thì đang bước từng bước lững thững qua căn phòng. 30 phút sau đó, trên C9 báo có một bệnh nhân vừa cấp cứu ngừng tuần hoàn, theo dõi chèn ép tim cấp, cần xuống C1 siêu âm tim. Lên C9 đón bệnh nhân, nó vẫn thấy nét hoảng hốt còn hằn trên gương mặt tím tái đang nhìn nó. “Mới 23 tuổi thôi, bạn ấy bằng tuổi mình mà.” Thế nhưng ở phía sâu trong lồng ngực kia, có một lượng dịch lớn đang ép vào quả tim, khiến cho nhịp đập rời rạc và không hiệu quả.

Lúc bạn ấy được đưa vào trong khu điều trị của C1, nó thấy một người đàn ông trung tuổi, áo quần xộc xệch, đi chân đất mà nó đoán là bố bệnh nhân, đang nhìn với theo đứa con, đôi mắt đỏ hoe đầy lo âu và thấp thỏm. Tự nhiên nó thấy cay cay sống mũi. Người bố ấy có thể mất đi đứa con trai của mình bất cứ lúc nào! Anh bác sỹ ra y lệnh cần nhanh chóng mổ giải phóng chèn ép tim tại giường. Chiếc dao mổ kéo dài một đường rạch chừng 3-4 cm trên ngực, một chiếc ống được đưa vào để dẫn lưu. Máu chảy qua ống, nhưng ngay sau đó, từ vết mổ dòng máu đỏ tươi ừng ực dâng lên lênh láng trên người bệnh nhân. Mới thấy lượng máu chèn ép tim nhiều thế nào. Bệnh nhân tiên lượng tử vong.

“Mới 23 tuổi thôi, bạn ấy còn quá trẻ!”

Nó đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực và nghèo khó. Nó học được từ mọi người và môi trường xung quanh rằng có thành công thì mới hạnh phúc mà thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, ngay từ nhỏ, nó là một đứa hiếu thắng và luôn ganh đua. Nó lao đầu vào học hùng hục như điên dại. Nó không muốn ai chiếm vị trí đứng đầu của mình. Và từ đó, con rắn của sự đố kỵ và tham vọng lớn dần lên trong tim nó. Khiến nó trở nên cô độc trong cái thế giới mê muội của riêng  mình.

Cho đến một ngày cấp ba, một chuyện xảy ra đã khiến thế giới quan của nó hoàn toàn đảo ngược. Một người bạn trong lớp nó đã tự tử chỉ vì không được vào top 8 người tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Mọi người bàng hoàng, nó cũng bàng hoàng vì cái chết của người bạn đó. Những cuộc ganh đua điên cuồng này, đâu đem đến cho người ta hạnh phúc chứ! Chỉ còn đớn đau do cái chết cứa lên tim của những người ở lại! Nó ghét cái chết và bắt đầu tự hỏi đâu mới là điều thực sự quan trọng với mình trong cuộc sống này?

“Mới 17 tuổi thôi, bạn ấy còn quá trẻ!”

Tiếng đồng hồ nhích  từng bước “Cạnh! Cạnh!” quanh cái trục tròn xoe, kéo nó về với màn đêm thực tại trước mắt. Thật nực cười khi một thằng nhóc mới có 23 tuổi đầu như nó, đang nằm thu lu trên giường, lại bận tâm về cái chết. Nhưng biết làm sao được, khi mà cái chết chẳng có cái hẹn nào với ai cả, không ai được báo trước và nó có thể đến vào bất kì thời điểm nào. Ai cũng biết cuộc sống này là hữu hạn, và có một ngày mình phải chết. Nhưng sự thật thì không ai tin điều đó cả, vì nếu tin thì chúng ta đã sống theo một cách khác. Chúng ta sẽ không phung phí phần lớn thời gian của cuộc đời để theo đuổi những giá trị bề ngoài hào nhoáng nhưng hời hợt. Vì hầu như tất cả những danh vọng, giàu sang, địa vị và kể cả nỗi sợ hãi thất bại…, tất cả những điều ấy sẽ tan biến trước cái chết, chỉ để lại những thứ thực sự quan trọng là gia đình, là tri kỷ, là những điều thực tâm ta muốn làm trong đời.

Chắc hẳn hiện tại, ai đó trong chúng ta ngoài kia đang phải đối mặt với những lo toan bộn bề cuộc sống, nhưng ta biết ta đang hy sinh, và cố gắng vì điều gì. Hay ai đó đang phải trải qua nỗi đau của sự chia ly với trái tim tan vụn vỡ, hãy bình tâm và cho mình thời gian để gom ghép từng mảnh lại. Đôi lúc bạn có thể phát điên lên vì cái cách mọi chuyện diễn ra. Bạn có chửi thề và nguyền rủa số phận, nhưng cuối cùng bạn vẫn phải ra đi. Một cách đơn giản hóa, cuộc sống sẽ là một hành trình để đến một kết cục thanh thản. Ấy thế nhưng cuộc sống thật bất công và khắc nghiệt làm sao, bởi cái chết có thể đến với ta ngay chính lúc ta tìm thấy niềm tin yêu vào cuộc đời. Thôi đành vậy!!! Ta phải biết trân trọng hiện tại với những gì ta đang có và sống phải ra sống, chứ không chỉ là tồn tại hắt hiu qua ngày.

Nó mập mờ thấy mình lao ra khỏi nhà trong chiếc ô- tô với sự hân hoan. Nó phóng xe trên sườn núi cao lộng gió. Rồi tại góc cua, nó lơ đãng ngắm nhìn đàn chim đang tíu tít bay trong ánh ban mai. Rầmmmmm, chiếc xe tải đi ngược chiều hung hãn lao vào nó. Nó mất kiểm soát. Và chiếc xe xoay mòng mòng lao xuống vực thẳm…

Tác giả: Hieu

*Featured Image: MoiraKaram 

 

 

 

Có những người kì dị…

1463618_759848837362916_1655062004_n1462886_759848847362915_1323202487_n1454670_759848824029584_2104074937_n1017498_759849227362877_1662336483_n


Source: viruscomix.com
Việt hoá: Triết Học Đường Phố

Đối diện với sự thật

4

Tony Montana là một nhân vật do Al Pacino thủ vai trong Scarface, bộ phim kinh điển của Mỹ nói về tội phạm ma túy. Hắn vốn là một tên du đãng mạt hạng đã từng ở tù tại Cuba.

Năm 1980, chính quyền Fidel Castro sau một thời gian cầm quyền đã khiến cho nền kinh tế Cuba ngày càng kiệt quệ, yếu kém dẫn đến sự bùng nổ làn sóng người dân Cuba bỏ trốn khỏi đất nước. Nhiều người đã đột nhập vào các tòa đại sứ các nước để xin tị nạn. Tháng Tư năm đó, Fidel Castro đã tuyên bố mở cảng Mariel để cho bất kì ai muốn ra khỏi đất nước đều được toại nguyện với điều kiện phải có người đến rước họ. Khoảng 125.000 người dân Cuba đã rời quê hương đến Florida, Hoa Kì cho đến khi cuộc di tản kết thúc vào tháng Mười năm 1980. Phía Hoa Kì phát hiện trong những người tị nạn có một số thành phần là tội phạm được thả từ các nhà tù và bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần ở Cuba. Tony Montana là một trong số đó.

Sau khi bị nghi ngờ về lai lịch là dân anh chị của mình, hắn bị giữ lại ở trại tập trung và đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Nhưng sau đó hắn nhận được một lời đề nghị từ một tổ chức ở bên ngoài sẽ lo cho hắn có thẻ xanh với điều kiện phải giúp họ giết một người trong trại đã từng là gián điệp cho Fidel Castro để trả thù riêng. Nhiệm vụ thành công, Tony trở thành công dân Mỹ.

Với bản tính cộc cằn và sự tàn bạo, ngang ngược, bất chấp của mình, Tony đã triệt hạ nhiều đối thủ trong giới giang hồ và nhanh chóng tiến thân trở thành thủ lĩnh một đường dây buôn bán cocaine, sở hữu một cơ ngơi rộng lớn, nguy nga như cung điện hoàng đế, có tất cả mọi thứ mà người đời ao ước. Tuy vậy, vì có nhiều kẻ thù, hắn luôn phải hao tâm tổn trí lo liệu làm sao để bảo đảm cho sự an toàn của chính mình trong chính cái cơ đồ ấy. Song song đó là cuộc sống hôn nhân không mấy êm đẹp với cô vợ mỹ miều. Lại thêm người em gái mà hắn yêu thương bắt đầu đổ đốn và hư hỏng vì được nuông chiều từ khi sự nghiệp của hắn phất lên như diều gặp gió, khiến cho mẹ hắn vô cùng suy sụp.

Vậy là cùng với sự “thành công” và dư dật của Tony là phiền muộn và nỗi bất an vẫn giăng đầy tâm trí của hắn cùng những trăn trở không ngừng về hạnh phúc đích thực. Dần dần, Tony bắt đầu nhìn thấy rõ hơn cái giá mà mình phải trả cho sự nghiệp kiếm tiền bất chính và trên tất cả, hắn bắt đầu nhìn nhận về con người mình một cách thấu đáo hơn.

Có một đoạn thoại trong phim thật sự rất giá trị vì nó khiến cho tất cả chúng ta phải giật mình thậm chí là phải cúi đầu hổ thẹn. Đó là đoạn Tony cãi nhau với vợ tại một nhà hàng sang trọng. Sau khi vợ hắn bỏ đi, hắn bắt đầu khập khiễng đứng dậy trong hơi men và sỉ vả các thực khách:

“Các người đang nhìn cái gì? Tất cả các người là một lũ khốn bởi vì các người không dám trở thành con người như mình muốn. Các người cần những người như tôi. Các người cần những người như tôi để chỉ những ngón tay thối tha của các người và bảo “Đó là người xấu.” Làm như thế các người sẽ trở thành gì? Tốt ư? Không. Các người không tốt. Chỉ là các người biết cách che giấu. Còn tôi, tôi không gặp phải vấn đề đó. Tôi luôn luôn chân thật, ngay cả khi tôi nói dối.”

Đoạn thoại trên như một diễn ngôn khái quát ngắn gọn cho chúng ta về bản chất của con người, phần chìm và phần nổi. Mặc dù chúng ta thấy rõ rằng Tony chỉ đang nhân danh sống thật để bao biện cho tội ác của mình nhưng ở đây, diễn ngôn này phô bày cho chúng ta một thứ quan trọng hơn cả, đó là sự thật, một sự thật mang tính toàn diện. Mỗi con người dưới áp lực của các chuẩn mực xã hội và các giáo điều, luôn luôn che giấu đi, áp chế đi một phần nào đó nhân cách của chính mình. Ngay cả Tony trong hoàn cảnh này cũng chưa hẳn đã chấp nhận toàn bộ sự thật về con người của mình. Khi khẳng định mình là một “bad guy”, hắn che dấu bên trong mình một cái tôi khác, một cái tôi không ngừng đòi hỏi hạnh phúc và ao ước một cuộc sống bình yên mà chỉ những người thật sự lương thiện mới có được.

Chúng ta cũng vậy, đương nhiên là trong trường hợp chúng ta khẳng định mình hoàn toàn lương thiện, thì bên trong chúng ta là những mặt tối khác mà ta không dễ gì phô bày ra ngoài hoặc cố chối bỏ nó đi, tuy nhiên, nó vẫn cứ tồn tại. Đó là những bức bối có thể dẫn đến bạo lực hoặc những ẩn ức của ham muốn tình dục. Bạo lực và tình dục là hai thứ mà nếu xã hội chấp nhận buông thả nó, thế giới văn minh con người có thể sụp đổ, song nó cũng là hai luồng sung năng mãnh liệt nhất luôn thúc đẩy con người. Bên cạnh đó còn có ham muốn hưởng thụ. Chúng thôi thúc con người luôn tìm cách tiến lên trong  hành trình sống để tồn tại. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể đẩy chúng ta lao về phía trước mà không thể lèo lái chúng ta đi đúng hướng, đến nơi cần phải đến. Để thực hiện điều đó, chúng ta cần đến cái gọi là lương tâm. Giáo dục chính là tiến trình giúp cho lương tâm của mỗi con người trỗi dậy để kiểm soát bản ngã.

Nhân vật Tony Montana ở trên lại cho chúng ta thấy trường hợp đối lập khi con người không được giáo dục hoặc giáo dục sai lầm dẫn đến bị bản ngã của mình kiểm soát ngược lại. Họ sẽ hành động ngông cuồng và gây hại cho đồng loại. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng lương tâm của họ đã chết mà nó chỉ bị đè nén, bị cầm giữ, nếu có một biến cố nào đó có thể làm cho lương tâm của một “bad guy” trỗi dậy, nó có thể vô cùng mãnh liệt.

Bản ngã là thứ có thể đánh đồng con người với súc vật, nó là nguồn gốc phát sinh của mọi tội lỗi, mọi hành vi xấu làm suy đồi và rối loạn xã hội. Tuy nhiên nó cũng chiếm giữ một vai trò tối quan trọng trong sự sinh tồn. Vì thế con người ta chỉ có thể tiết chế nó chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn. Dù gì người ta cũng cần ăn để sống, cần tình dục để duy trì nòi giống, cần phải phản kháng để chống lại cái xấu, bảo vệ bản thân, cần phải phấn đấu để làm thăng tiến bản thân trong đời sống. Đó chính là những lý do khiến bản ngã như là một thứ gì đó được Thượng Đế mặc định trong mỗi con người. Và như thế, hạnh phúc của con người là một hành trình mà trong đó, họ liên tục đấu tranh với chính mình sao cho cái bản ngã ấy luôn hoạt động trong tầm kiểm soát, thứ gì vượt ra ngoài mức độ cho phép sẽ phát sinh tội lỗi.

Cũng như bất cứ một cuộc chiến nào đang diễn ra trên mặt địa cầu cần phải được nhìn nhận toàn bộ cục diện để tìm kiếm một chiến lược hoàn hảo, con người khi muốn kiểm soát được bản ngã cũng phải trải qua hành trình khám phá chính mình để nhận thức một cách đúng đắn về tình trạng của bản thân.

Phật Giáo nêu ra ba tính xấu là cái gốc phát sinh mọi tội lỗi và đầu độc tâm hồn, đó là tham, sân, si. Công Giáo thì cho rằng con người có bảy tội lỗi: Tham lam, kiêu căng, lười biếng, tham ăn, dâm ô, nóng giận, ganh tỵ. Và mỗi tôn giáo đều khuyên tín đồ của mình siêng năng thiền định, tĩnh tâm, cầu nguyện,… Đó là những phương pháp để nhìn nhận lại bản thân một cách chân thật nhất, toàn diện nhất xem mình đã trừ được bao nhiêu và vẫn còn vướng phải bao nhiêu tính xấu trong đó. Khi thực hành những phương pháp ấy, chúng ta học cách đối diện với toàn bộ sự thật về bản thân, không chối bỏ, không che dấu.

Con người không ai có thể tránh khỏi tội lỗi nhưng quan trọng không phải là có tội hay không mà là biết tội hay không. Vô minh có thể được hiểu là tình trạng con người không thể nhận biết đúng sai, không biết cái gì là có hại, cái gì có lợi. Không nhìn ra được vị trí mà mình đang đứng, đó là một sự lạc lối đúng nghĩa.

“Hỡi con người, hãy tự biết mình.” – Socrates

Học cách sống nội tâm sẽ giúp chúng ta nhìn vào những góc khuất trong con người của mình, cả những góc khuất nơi chúng ta đang giam cầm con thú dữ mà mình không thể đánh bại. Một vài phút tĩnh lặng mỗi ngày sẽ như là một cách chúng ta thăm chừng, ve vuốt con thú dữ ấy để dần dần cảm hóa nó. Bên cạnh đó, nó còn giúp chúng ta nhìn nhận lỗi lầm của người khác một cách vị tha hơn, biết cảm thông hơn. Chúng ta không lên án đồng loại một cách vô thức nhằm nâng cao bản thân, tránh một lối sống giả hình. Khi biết nhìn nhận bản thân, chúng ta nhận ra sự bình đẳng của mọi con người bằng cách trước tiên nhìn vào sự yếu đuối của chính mình. Có một linh hồn chung liên kết toàn nhân loại, ở đó, mọi người đều như chúng ta đang loay hoay với việc tự hoàn thiện chính mình.

Lý thuyết này không những đúng trong phạm vi con người mà nó còn đúng ở phạm vi lớn hơn là tổ chức, cộng đồng hay quốc gia. Nó giúp duy trì và bảo toàn công lý không thiên lệch. Ở đâu mà con người được tiếp cận với sự thật một cách đầy đủ nhất có thể, ở đó có phát triển.

Bạn không nên chần chừ nữa, hãy tập đối diện với sự thật ngay từ hôm nay.

Tác giả: Nguyễn Tài

*Featured Image: geralt

Tháng Tư, 2018: Sự trở lại của Triết Học Đường Phố

Sau gần hai năm vắng bóng, Triết Học Đường Phố đã quay trở lại trong sự chào đón tích cực của anh em bè bạn gần xa, những người vẫn ủng hộ chúng tôi bất kể trên đoạn đường nào. Giữ trong lòng niềm tin về sự thành công khi lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng, chúng tôi đã thiết kế lại Triết Học Đường Phố bằng một cấu trúc mới, đồng thời bổ sung thêm một định hướng: tập trung vào hành động cụ thể, kết hợp hài hòa với định hướng ban đầu là tỏa những ý tưởng sáng tạo.

Không có gì vui mừng và hạnh phúc hơn khi Triết Học Đường Phố nhận được nhiều sự tin yêu và ủng hộ của mọi người đến vậy. Chúng tôi đã từng nghĩ rằng sự trở lại này là không thể vì hai năm im lặng là một thời gian khá dài. Sự trở lại này quả thực là một phép màu. Mỗi lời chúc mừng, động viên, chia sẻ yêu thương của anh em bè bạn đều là những động lực to lớn để Triết Học Đường Phố vực dậy từ đốm lửa đang sắp lụi tàn. Đối với chúng tôi, mọi người không chỉ là bạn, mà còn là gia đình, là ân nhân. Từ sâu trong lòng mình chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả anh em bè bạn xa gần.

Screenshot-2018-4-9 (1) Triết Học Đường Phố - Home

Chúng tôi trở lại với một cuộc thi viết  kể về sự thức tỉnh từ những trải nghiệm thất bại trong quá khứ. Càng ngày, càng có nhiều bạn gửi các bài dự thi về cho chương trình với những câu chuyện không chỉ cảm động mà còn đầy giá trị nhân văn. Triết Học Đường Phố rất hạnh phúc vì được đồng hành cùng mọi người.

Song hành cùng cuộc thi, số lượng và chất lượng các bài viết khác gửi về website Triết Học Đường Phố mỗi lúc một tăng. Các tác giả cũ và mới đang cùng nhau hướng về cùng một điểm, cùng chúng tôi lan tỏa chân – thiện – mĩ đến với cộng đồng. Hy vọng rằng các bạn vẫn tiếp tục sát cánh, ủng hộ Triết Học Đường Phố trên những bước đường phía trước.

Sự ủng hộ của mọi người không chỉ dừng lại ở khía cạnh tinh thần mà còn tiến xa hơn ở khía cạnh vật chất. Đó là Triết Học Đường Phố đã đón nhận được rất nhiều sự quyên góp tài chính của các bạn bè trên khắp thế giới để chúng tôi có thể đủ sức thực hiện những bước trở lại đầu tiên của mình khi đôi chân còn chưa vững vàng.

Danh sách nhà tài trợ, donations:

https://docs.google.com/spreadsheets/d/1QOslHxBlx1_L2yz99P9BRY5OYSKPuwWJda-H4ECU9ps/edit?usp=sharing

Chưa dừng lại ở đó, trong tháng Tư vừa qua, Triết Học Đường Phố đã mở một group để dễ dàng kết nối hơn với các thành viên, đưa mọi người lại gần nhau hơn. Ở trong này, mọi người được sẻ chia, thảo luận các ý tưởng, đồng thời thực hiện các hoạt động thiết thực, bổ ích khác để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

Nếu bạn thích những gì Triết Học Đường Phố đã và đang làm, có nhiều cách để hỗ trợ chúng tôi, thông qua donations hoặc đơn giản hơn là chỉ cần chia sẻ những bài viết bạn thích tới mọi người, vì nhiều người vẫn còn chưa biết tới Triết Học Đường Phố.

1

Screenshot-2018-4-8 Anh AX - Aaaaaaaaaaaa Ủng hộ cho sự trở lại đầy ý nghĩa T T (1)

 

Screenshot-2018-4-8 (1) Triết học đường phố trở lại (y) Ai có tấm lòng - Phùng Thanh Tuyến

Một lần nữa, xin cảm ơn mọi người rất nhiều. Thương chúc mọi người dồi dào sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.

Thân mến,

Triết Học Đường Phố

 

[BDT2018] Vào lúc sương tan

11

“Đời thay đổi khi ta thay đổi.”

Tháng tư – tháng của khắc khoải, tháng của những niềm thương nhớ. Hà Nội của tôi thong thả bước vào hạ. Một thành phố thâm trầm, đẹp dịu dàng và phảng phất buồn. Lại một tháng tư nữa tôi rời xa gia đình bé nhỏ và xa Hà Nội, “một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may.”

Saint Petersburg đón tôi vào lòng mình, yêu thương tôi như yêu thương một người tình trẻ, khi nồng nhiệt, khi lại dửng dưng. Nét ngây thơ của tuổi mười tám, sự kiêu hãnh của thành công nhỏ đầu đời, phần nào khiến tôi phán đoán sai vài điều, để rồi cách khóc bây giờ cũng đã khác. Tiếng cười giòn tan, vô tư của tuổi trẻ – tuổi đẹp nhất của đời người vang lên trong những ngày nắng nhưng cũng vội chìm dần vào những chiều mưa. Trừ tháng tám mưa nhiều, khoảng thời gian còn lại Saint Petersburg rất ít khi mưa, nhưng một khi đã mưa thì buồn vô cùng.

Chiều Saint Petersburg lúc nào cũng đẹp, dù trong cái se lạnh của chớm đông hay trong cái nắng nhạt của đầu hạ. Có nhiều hôm thành phố chìm trong những đêm trắng huyền ảo, ngày dài hơn và thời gian như trẻ lại. Bầu trời chẳng tối cũng chẳng sáng, không khí lúc nào cũng như có một lớp bụi mỏng, che phủ đi tất cả.  Những hạt mưa bụi lất phất bay như có như không, dãy đèn vàng lung linh soi bóng tôi trên con đường nhỏ lát gạch, chạy vuông góc với đại lộ hoa lệ. Chiếc bóng xiêu vẹo của một tâm hồn đơn độc, đổ dài theo những bước chân nặng nề, nặng nề sau mỗi phép thử của số phận.

Con phố nhỏ lẳng lặng lắng nghe lời thủ thỉ, tâm tình của một cô gái nhỏ, một cô gái với nhiều ước vọng lớn lao nhưng lại chẳng đủ dũng cảm để bày tỏ. Con phố nhỏ trìu mến ngắm nhìn một trái tim nhạy cảm, không biết bao nhiêu lần định khóc lên thật to nhưng lại cố kìm nén lại, để rồi những giọt nước mắt chưa kịp lăn dài hết gò má ửng hồng vì lạnh, đã bay vội theo những cơn gió đầu đông.

Tôi đã đi đủ xa để muốn trở về nhà, nơi mọi lỗi lầm đều được thứ tha và nơi yêu thương được trao đi mà không cần nhận lại. Thèm được về nhà, được nhìn thật sâu vào đôi mắt của mẹ, đôi mắt trong trẻo và dịu ấm, dù những ánh nhìn trẻ trung đã bắt đầu phôi pha. Thèm được ôm bố – một người đàn ông lịch lãm và tự chủ, luôn cố gắng giữ gìn sự cân bằng trong gia đình nhỏ. Thèm được làm chị, được che chở và bảo vệ cho thằng em nhỏ dại, một đứa trẻ ít nói, hơi nhút nhát nhưng ngoan ngoãn và rất tình cảm.

“Mối liên hệ giữa chúng ta không thể bị phá vỡ. Mẹ sẽ ở đây, con đừng khóc.”

Bao nhiêu năm sóng gió đã trôi qua, bao nhiêu năm ngổn ngang trăn trở lẫn ưu phiền mà đúng như bố tôi đã tiên liệu: “Con nhạy cảm và cầu toàn, nên khó khăn sẽ tăng nhiều lần so với các bạn.” Nhưng tôi không tin vào may rủi, tôi tin vào sự chuẩn bị của mình, sự chuẩn bị trong khả năng có thể. Bố mẹ luôn nhìn thấy những điều chưa xảy ra và hiểu được lời mà đứa trẻ không nói.

Giữa cái tĩnh mịch, tối tăm của một đêm xa nhà, một đêm dài như bao nhiêu đêm khác, tâm trí tôi lại chầm chậm lần mò về tháng tư năm ấy. Nắng dịu ngọt, buông thõng xuống thành phố, óng ả từng sợi như tơ tằm. Cả một bầu trời kỷ niệm đáng lẽ đã phải lưu lại trong tiềm thức của tôi dưới hình hài của Hạnh phúc, lại chọn cho mình dáng hình của Đớn đau.

Saint Petersburg khi ấy vẫn thế, và bây giờ cũng vậy, vẫn đẹp đến nao lòng. Nhưng với riêng tôi, lại là một vẻ đẹp đến khó chịu. Sao thành phố ấy lại phải rạng rỡ đến như thế, trong khi tôi vẫn đang đau lại một nỗi đau cũ? Sao những cặp trai gái yêu nhau lại hạnh phúc đến như thế, những bàn tay vẫn nắm những bàn tay, những đôi mắt ướt vẫn nhìn những đôi mắt. Tôi chơi vơi, xa lạ đứng bên rìa vùng hạnh phúc của họ. Lúc nào cũng chỉ dám cầu xin một tình yêu giản dị và chân thật. Nhưng tôi đã không gặp may, ngay tại mảnh đất xinh đẹp này, ngày ấy, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi hiểu rõ hai từ PHẢN BỘI.

“Tầm vóc của một người anh hùng không phải được đo bằng độ lớn của sức mạnh, mà bằng sức nặng của trái tim.” – phim Hercules 

Một từ ghép với hai tiếng ngắn ngủi, vỏn vẹn có vài chữ cái thôi nhưng cũng đủ đánh gục cả những tầm vóc lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại. Là Jesus thành Nazareth, là Judas Ben-Hur của thành Jerusalem, là chàng hoàng tử Hamlet phải giả điên loạn trong thế giới bi kịch của Shakespeare vĩ đại. Tôi không lớn lao được như họ, tôi nhỏ bé, vô danh, yếu ớt như một hạt cát trên sa mạc. Tôi không phải người tốt, hoàn toàn không phải người tốt, nhưng tôi hay chúng ta, đều không xấu xa đến mức, xứng đáng bị phản bội. Làm người thật khó, “bởi lương thiện thì khó hơn thông minh, thông minh là do trời phú, còn lương thiện là một sự lựa chọn.”

Tôi giận mình của những ngày tháng ấy, non nớt, yếu mềm và cảm tính, biết nhìn sự vật bằng mắt, nhưng không chịu gọi đúng tên. Không, thật ra là tôi nhớ mình của ngày tháng ấy, dù cuộc sống khó khăn đến thế nào, tôi vẫn tràn đầy hy vọng. Giây phút tôi phát hiện ra mình bị phản bội, tôi vẫn yêu anh bằng một trái tim nguyên vẹn, không sứt mẻ, một tình yêu đầu đời, chớm nở, trong sáng như hoa ngọc trâm. Nhưng cũng chính giây phút ấy bản thân tôi đã thay đổi. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đấy, khi mà cuộc đời đã không bao giờ còn giống như xưa được nữa.

Chuỗi ngày sau đó tôi vẫn yêu, hình như thế, nhưng không thể tha thứ, cũng không thể chấp nhận, vừa thương mình, vừa giận người. Những đêm dài không ngủ nổi vì khóc, khóc nức nở đến không thở được. Từng dòng nước mắt nóng hổi theo nhau rơi lã chã, thấm ướt cả vỏ gối. Giấc ngủ chập chờn, không đầu, không cuối, những cái giật mình thảng thốt giữa đêm khuya. Ngày lê từng bước chậm, ảm đạm dưới vòm trời xám đục. Hàng phong non ủ dột, đứng lầm lũi, buồn như có tang. Chút ánh sáng ít ỏi cuối ngày cũng vội vã trốn xuống chân trời màu tím nhạt.

Đầu tôi đau như muốn vỡ tung thành nhiều mảnh, mệt lả đi đến nỗi chỉ uống nước lọc thôi mà cũng thấy đắng. Tôi ngồi trong bóng đêm câm lặng, trống rỗng, vật vờ như một bóng ma và vẫn không thể tin vào sự thật. Mưa gõ từng nhịp đều đều trên khung cửa. Nằm trên nền nhà giá lạnh, tôi như con chim nhỏ gãy cánh, run rẩy, bất lực và trầy trụa. Trái tim thì rỉ máu, còn tâm hồn thì lỗ chỗ những vết thương.

Bao dự định vẫn còn đang dang dở, biết bao điều vẫn chưa kịp nói ra. Phải mất đến hơn hai năm, chúng tôi mới đủ dũng cảm nắm lấy lá bài của số phận. Hơn hai năm trốn tránh rồi kìm nén, không dám thừa nhận cũng không nỡ phủ nhận. Tình yêu cứ mỗi ngày một lớn lên trong khi sức chịu đựng của trái tim chỉ có hạn. Thế rồi cũng đến một ngày: thôi mặc kệ tất cả, em yêu anh và anh cũng yêu em. Đoạn đường đến với nhau gian khổ ra sao, trân trọng nhau đến thế nào vẫn còn tỏ tường như bình minh ban sớm. Có những lúc không cần nói gì mà cả hai cũng hiểu, không cần hứa hẹn gì mà cả hai vẫn tin.

Những ngại ngùng, thấp thỏm lẫn háo hức. Bao vui buồn, dịu ngọt lẫn đắng cay. Tôi nhớ mãi chuỗi ngày dài mong mỏi, để được gặp nhau và chìm vào hạnh phúc. Mỗi buổi chiều nơi góc quán cà phê quen thuộc, ta thầm thì, tư lự về tương lai vô định, anh thở dài, em lại xót xa. Nhưng hạnh phúc đó đã chấm dứt, hạnh phúc ngắn ngủi, mong manh như làn khói. Tất cả chỉ còn là ảo ảnh. Lúc cần nhau nhất lại là lúc phải chia ly.

Một ngày, chúng tôi cãi nhau, rồi im lặng, rồi phản bội. Tôi đã níu kéo rất nhiều và hy vọng được cùng nhau làm lại, bởi làm gì có cái giá nào đủ xứng, để đánh đổi những điều chúng tôi đã có? Tôi đã sai, nhưng tôi thương anh, thật lòng. Và khi biết anh không còn là của riêng mình, tôi chấp nhận ra đi, dứt khoát, không do dự, nhưng tiếc nuối. Tôi im lặng, nhưng sẽ không bao giờ tha thứ. Hoặc có thể sẽ tha thứ, nhưng không bao giờ quên.

“Không có mối quan hệ nào tồn tại mà thiếu đi cãi vã và bất đồng. Những người mạnh mẽ tranh cãi, thậm chí nặng lời với nhau, nhưng là để tìm cách ở lại, còn những người yếu đuối thì sẽ tìm cách để ra đi.” – Chekhov

Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu, tại sao chúng ta lại phải đối xử với nhau như vậy? Chúng ta bước ra cuộc đời này, luôn cố gắng hòa nhã với tất cả mọi người và chẳng muốn làm mất lòng ai cả, nhưng lại sẵn sàng xuống tay với những người gần gũi và thương yêu mình nhất, đã xin lỗi biết bao nhiêu người, nhưng nhất quyết không xin lỗi một người. Đúng là “cái gì người ta đã không cần, có tốt mấy cũng chỉ là rác.”

Rất lâu sau đó tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?” nhưng tôi không tìm được. Chẳng có câu trả lời nào là thỏa đáng. Có lẽ, chúng ta cư xử với nhau như vậy, là bởi nỗi đau của người khác lúc nào cũng dễ dàng chấp nhận hơn nỗi đau của chính mình. Ai mà lại không thể chở che bạn mình trong lúc tuyệt vọng, rồi đưa ra những lời khuyên đúng đắn và sâu sắc? Ai rồi cũng mất đi người thân hay đau khổ vì một tình yêu không trọn vẹn, nhưng khi đến lượt mình, không ai vượt qua được hết, tất cả chỉ đang chịu đựng và tập quen dần với điều đó.

Sự phản bội trong tình yêu hay trong bất kỳ thứ “tình” gì cũng đều kinh khủng và nghiệt ngã như nhau. Bởi điều đau khổ nhất khi bị phản bội là nó không bao giờ tới từ kẻ thù của chúng ta. Tôi đã từng đọc ở đâu đấy, rằng “khi bạn tin tưởng ai, tức là trao cho họ cơ hội để phản bội.” Tôi không dám tin vào câu nói ấy bởi vì tôi sợ. Tôi đã chọn sẽ luôn đấu tranh với số phận, nhưng tôi đâu lường trước được, cuộc đời luôn có cho riêng mình một sự lựa chọn khác.

Trách nhiệm của hai từ Con người và Lương tâm lớn như vậy đấy, chỉ vì một phút ích kỷ thôi để thỏa mãn tính hiếu thắng của bản thân, chúng ta cũng có thể đẩy người mình thương yêu vào nỗi đau khổ đến tuyệt vọng. Vào khoảnh khắc mà lòng kiêu hãnh chiến thắng, cũng là lúc chúng ta đánh mất nhau. Chỉ đến khi mất đi rồi, mới thấy nuối tiếc, nhưng chỉ còn biết thở dài…giá như…Vết thương bị phản bội vẫn sẽ luôn ở đấy, sâu trong buồng tim cuối cùng, nơi mà bao nhiêu năm hạnh phúc sau này cũng không thể bù đắp được.

Có hàng ngàn lý do để yêu nhưng chỉ cần một lý do vu vơ là có thể bỏ. Tình yêu hiếm thì mới đáng quý. Cho nên lỡ nặng lời với nhau cũng được, chỉ cần câu xin lỗi có người nói ra. Bình yên hay sóng gió cũng được, chỉ xin đừng dễ dàng nói “Đã đến lúc mình phải chia tay.”

“Sự ghét bỏ luôn là sai lầm nhưng yêu thương thì không.” – Lady Gaga

Chúng ta còn trẻ nhưng không có nghĩa là “đủ quyền để mỗi lần sai lại đưa tuổi trẻ ra chuộc lỗi.” Khi còn trẻ, chẳng nghĩ được sâu xa, nhưng thời gian để sai thì nhiều, còn thời gian để sửa sai thì không nhiều đâu. Giữa thời buổi tao loạn, vàng thau lẫn lộn, thật khó để làm người lương thiện và cũng thật khó để tìm được tấm chân tình. Vậy nên nếu không thể giúp đỡ được ai, thì cũng đừng làm tổn thương họ. Cuộc sống đã quá đủ khó khăn rồi. Chúng ta phải làm theo cái đúng, chứ không phải theo số đông.

Tôi đã từng nghĩ đến việc trả thù, nhưng tôi chọn im lặng. Tình yêu đáng sợ như thế đấy. Thứ tình yêu thiêng liêng làm chúng ta cao cả hơn mọi giống loài, lại có thể biến con người ta thành sát nhân hay quỷ dữ chỉ trong tích tắc. Tôi không đủ sức để trả thù, cũng không đủ nhẫn tâm, và hơn hết tôi tin vào Thượng đế. Luật của Người thật ra là vô tình nhất, bởi lẽ nó không tha thứ cho một ai cả. Trừng phạt là việc của Chúa, còn chúng ta phải học cách thứ tha.

Tôi cũng đã từng nghĩ đến cái chết, lần đầu tiên trong đời, một cách nghiêm túc. Sự phản bội từ người mình thương yêu như cú chạm cuối cùng. Chút hy vọng vào cuộc sống vốn đã mong manh, nay lại bị bóp nát trong tay người mà mình tin tưởng. Nhưng tôi đã không làm thế. Chúng ta không được phép thay quyền của Tạo hóa. Trách nhiệm của mỗi người là sống và dâng hiến cho một cuộc đời tốt đẹp hơn. Tự kết liễu đời mình không phải là sự giải thoát, mà chỉ đơn thuần là không đủ can đảm để sống tiếp mà thôi.

“Chúng ta không ai hoàn hảo. Chúng ta cãi vã, chúng ta mắc sai lầm. Nhưng chúng ta sẽ luôn tha thứ cho nhau và bước tiếp.”

Một tháng tư nữa lại về, nắng đua nhau xuyên qua mảnh trời trong như lụa, óng ánh trên mặt nước thanh bình, yên ả. Bạch dương bắt đầu tróc vỏ gọi chồi non mở mắt, lấm tấm xanh trên những cành cây khẳng khiu, nghuệch ngoạc. Cuộc sống vẫn trôi đi như bản chất vốn có của nó. Tôi vẫn sống và sẽ tiếp tục sống, dù nỗi buồn vẫn lẩn khuất sau những nụ cười, vẫn hiển hiện trên đôi vai gầy guộc, xộc xệch, héo mòn đi vì suy nghĩ. Nhưng đâu đó trong tâm hồn chắp vá, cảm giác thanh thản quen thuộc ngày nào đã nhen nhóm trở lại.

Tôi đã từng trốn tránh chính mình, không dám rẽ vào góc phố đầy ắp kỷ niệm, sợ gặp mọi người, sợ phải phơi trần bản thân ra trước con mắt người đời. Tôi sợ cả những khi phải ở một mình, lạc lõng ngay trong không gian thân thuộc. Không nhớ đã bao lần lang thang trong màn đêm vô vọng, sâu thăm thẳm, chỉ để không thấy cô đơn. Tôi trốn tránh tất cả, nhưng rồi cũng không hạnh phúc hơn. Cho nên nếu đau hãy thẳng thắn nói trái tim mình tan nát. Nếu muốn khóc hãy khóc cho thỏa mọi dỗi hờn. Hãy cho bản thân mình thời gian, bao lâu cũng được, để lắng nghe cuộc sống, rồi nhìn nhận nó với con mắt đa chiều hơn.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là đừng bao giờ đánh mất đi những gì tốt đẹp trong bản chất, dù từ ngày hôm nay chúng ta đã trở thành một chúng ta khác, sẽ nghi kị, sẽ nghiệt ngã hơn, nhưng mạnh mẽ và vững vàng hơn. Tất cả chúng ta rồi sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm.

Tình yêu đẹp nhất vẫn đang ở phía trước. Người chân thành nhất là người ở lại đến sau cùng.

“Chân lý cuối cùng ở cuộc đời này là: Tình yêu có nghĩa là sống và còn sống là còn yêu.” – Victor Hugo

 

Tác giả: Khương Thanh

*Featured Image: Splashi 

Mỗi người dân tự lực, đất nước sẽ tự cường

2

Chúng ta hãy cùng xem xét một cách nghiêm túc về đất nước ta hiện nay. Thời đại 4.0 – Sự thống trị của Internet, hầu hết những gì chúng ta đang sử dụng đều có liên quan đến Internet không nhiều thì ít.

Quay trở lại năm 2017 – năm startup của Việt Nam, nhưng hãy nhìn xem chúng ta đã thành công hay thất bại. Thành thì ít mà bại thì nhiều. Có lẽ, nguyên do lớn nhất ở đây vẫn là con người, hay chúng ta chỉ chú trọng bề nổi mà không để ý bên trong như thế nào, tốt nước sơn nhưng không tốt gỗ.

Giáo dục ở nước ta đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Chạy theo thành tích rồi sẽ được gì, cử nhân rồi cũng đi lái Grab bình thường. Kiến thức được học trong trường ít khi được sử dụng vào thực tế. Trong khi đó, hãy xem cách cả những nước tự cường như Israel – một nước nằm ở Trung Đông – nội chiến xảy ra như cơm bữa, ví trí địa lý cũng đắc đạo – một bên giáp biển Chết còn lãnh thổ phần lớn là sa mạc đã làm gì. Giới lãnh đạo đã tạo cho người dân một tinh thần tự lực. Kết quả như ta thấy, họ đã dẫn đầu thế giới rất nhiều mặt từ y tế đến nông nghiệp, từ công nghệ đến quân sự. Biết sự so sánh là không tốt, nhưng cùng suy ngẫm sự tự lực của người dân ta hiện nay mà xem, rất đáng để buồn.

Nhưng cái gì thì cũng nằm trong tay ta. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là xây dựng cách đọc sách của người dân, nhất là những người trẻ. Tự hỏi mục đích của việc đọc sách là gì. Đó là lấy kiến thức và rèn luyện trí óc cho mình. Tại sao các bậc anh minh đều đọc rất nhiều sách? Nên việc đọc sách bây giờ rất quan trọng. Vấn đề quan trọng thứ hai là cách học, cách tiếp thu kiến thức, giáo dục nước ta: Học dàn trải nhiều học sâu thì ít, đa phần chạy theo thành tích, nếu không muốn nói đề cao, rất thiếu tính thực tiễn.

Tự lực? Tự lực như thế nào? Hiểu đơn giản là cách làm cho con người mình hoàn thiện về tâm, tầm và trí. Có tâm để có nhiệt huyết, đam mê và trách nhiệm để làm công việc của mình; có tầm là phải biết nhìn xa trông rộng – phải thấy rừng không phải thấy cây; có trí để có tri thức, trí lực. Ba yếu tố này nếu được phát triển hoàn thiện trong mỗi con người thì người đó chắc chắn sẽ tự lực, trở thành một công dân có ích cho đất nước. Để xây dựng ba yếu tố này không phải dễ. Con người phải trải qua một quá trình rèn luyện, trau dồi, học hỏi lâu dài.

Có lẽ, đất nước ta cần rất nhiều người có tư duy kiểu mới mới làm cho đất nước tự cường được. Đó là những người dám vứt bỏ cái tôi của mình để theo đuổi đam mê: Đó là những Huyen Chip, Rô Nguyễn,… Còn rất nhiều bạn trẻ khác đang ấp ủ ước mơ những chưa dám thực hiện. Cuộc sống do mình lựa chọn, cách sống do mình quyết định. Hãy theo đuổi ước mơ ngay bây giờ, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ nhiều hối tiếc nhất. Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại đâu. Cứ đi và vấp ngã, rồi đến lúc nào đó, khi chán cái vấp ngã ấy rồi thì sẽ tự khắc trưởng thành, đứng vững trên đôi chân của mình để “sánh vai với các cường quốc năm châu.”

Cuối cùng mình xin gửi đến thông điệp rằng: Cuộc sống do mình quyết định.

Xin tạm hết tại đây.

Tác giả: An D.Z

*Featured Image: Pipatsak_Chaiyawong 

Hãy nói trong cả sự im lặng

1

“Cuộc đời cho tôi, cho tôi tiếng nói đôi khi vui tươi. Cuộc đời cho tôi, cho tôi tiếng nói đôi khi ngậm ngùi”

– Trịnh Công Sơn, Giọt lệ thiên thu

Có người, thậm chí là rất nhiều người, đã tôn vinh giá trị của sự im lặng dẫn đến sinh ra câu nói “Im lặng là vàng”. Đôi khi chính vì cái quyết định im lặng hay lên tiếng đã dẫn đưa chúng ta đến những thời khắc mang tính phán quyết cho cuộc đời mình, cho cái giá trị của bản thân mà chúng ta cố công gìn giữ suốt bao năm làm kiếp con người.

Không ít người trong chúng ta có lúc đã thắc mắc liệu có phải chỉ chúng ta, con người mới có tiếng nói hay không? Từ lúc có trí khôn, chúng ta đã nói, nói mọi lúc. Ngày còn thơ dại, chúng ta học nói bằng môi miệng. Khi trưởng thành chúng ta biết rằng không chỉ môi miệng mới có thể lên tiếng nói, bằng chứng là mỗi đêm về chúng ta vẫn thấy lòng mình day dứt bởi những tiếng nói từ tận sâu trong tâm khảm. Thì ra im lặng cũng có tiếng nói của riêng nó, và còn hơn thế nữa, đó là một thứ tiếng nói không bao giờ tắt. Con người đã đặt ra nhiều tên gọi để gọi thứ tiếng nói từ trong im lặng: Tiếng lòng, tiếng tâm tư, tiếng con tim,… tiếng lý trí hay nói rõ hơn đó chính là suy nghĩ. Im lặng để suy nghĩ, im lặng để lắng nghe không phải bằng đôi tai, im lặng để nói không phải bằng miệng lưỡi, một thứ khí giới mà đôi khi chúng ta không nhớ ra sự nguy hiểm của nó cho người và cả cho mình.

Nhưng vàng không phải là thứ duy nhất có giá trị trên đời, có những giá trị không thể nào đo đếm được. Và im lặng cũng không phải là thứ sức mạnh vạn năng bảo vệ chúng ta khỏi nanh vuốt cuộc đời. Cái nanh vuốt ấy chúng ta không thể nào trốn tránh mãi. Chúng ta cũng không thể làm một việc bất nhẫn là im lặng để tự bảo vệ mình mà để cho cái xấu tung hoành làm hại đến cuộc sống quanh mình vô hình trung làm hại chính mình là một phần trong ấy. Đó là lúc chúng ta cần phải chuyển hóa tiếng nói vô hình của mình thành một thứ gì đó khả giác để nó đi vào cuộc đời, thứ tiếng nói mà chúng ta ấp ủ và được mài dũa bằng ưu tư miệt mài.

Một phút tỏ bày như trút được gánh nặng ngàn năm. Con người mỗi lúc càng khát khao chia sẻ nhiều hơn, nhất là trong một xã hội mà tiếng nói đang lao đao trong vòng trói buộc. Tiếng nói cất lên như một sự phản kháng tự nhiên trong một cõi thế ngập đầy bất công, oằn mình dưới gánh nặng của áp bức.

Chúng ta có thể có người mang những tư tưởng như những hạt ngọc chôn dấu dưới cái sâu thẳm của nội tâm. Chúng ta không hé môi, chúng ta không đặt bút, chúng sẽ mãi chôn vùi. Đừng hoang phí vì Thượng Đế không muốn chúng ta hoang phí. Nhưng quyền quyết định cái đẹp và sức mạnh trong lời nói của chúng ta là do chính chúng ta định đoạt. Dù nhanh, dù chậm, dù phải tốn bao nhiêu thời gian cuộc đời để mài dũa tiếng nói trong im lặng, hãy im lặng, nhưng hãy nói vào một lúc nào đó.

Dù vui tươi, dù ngậm ngùi cũng là tiếng nói mà chúng ta đã được ban tặng. Lời nói thốt ra không rút lại được nhưng không có nghĩa rằng chúng ta luôn chọn im lặng mà điều ấy nhắc nhở chúng ta hãy săn sóc cho tiếng nói của chính mình. Đừng để tiếng nói trở nên lạc lõng, hãy vững tin rằng tiếng nói luôn được lắng nghe và đừng đánh mất niềm tin ấy mà để tâm tư chết vùi thây trong câm lặng.

Nếu chúng ta bị cướp đi tiếng nói, hãy nhớ rằng chúng ta vẫn còn tiếng nói trong tâm khảm mà không ai có thể cướp được, chúng ta mãi mãi cất giữ nó. Tiếng nói khả giác bị cướp đi là cơ hội cho tiếng nói tâm linh được thêm thời gian nung nấu và tôi luyện. Đừng vội vàng và nôn nóng nhưng hãy tin tưởng, những hạt giống khỏe mạnh thì không có lý do gì khiến chúng không nảy mầm. Nhưng chúng ta còn hơn cả những hạt giống, chúng ta có thể tự tìm kiếm mảnh đất tốt cho riêng mình.

Người ta có thể làm mọi sự để được nói và cũng có thể vùi sâu tâm tư cả đời trong im lặng. Nhưng im lặng lại chứa đựng nhiều tiếng nói hơn cả. Đừng để lòng nặng trĩu, hãy nói trong cả sự im lặng.

Tác giả: Nguyễn Tài

*Featured Image: George Hodan