24 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 122

[BDT2018] Trở về bên mẹ

3

“Nhân vô thập toàn” là câu cửa miệng của hầu hết mọi người khi nói về lỗi lầm. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta dựa trên câu đó để bao biện cho những hành động sai trái của mình. Thực chất, “nhân vô thập toàn” là cái nhìn cảm thông  đối với mọi người xung quanh, đừng chấp nhất những lỗi lầm của người khác; hãy sống một lối sống vị tha. Không phải vì “nhân vô thập toàn” mà chúng ta cứ mê muội trong những hành vi không tốt của bản thân, để rồi bảo thủ, chai lì trong những lầm lỗi.

Vì “nhân vô thập toàn” nên mới sản sinh ra những lỗi lầm. Và lỗi lầm là gì? Lỗi lầm chính là những điều sai trái mà ai trên đời cũng từng vấp phải trong suy nghĩ, lời nói, cử chỉ và hành động. Tuy nhiên, có những sai lầm lại ẩn sâu trong điều mà phần lớn chúng ta cho rằng hợp lý, là đúng đắn, là lý tưởng cao đẹp… và để nhận ra được điều đó, có lẽ nhiều người phải mất cả đời. Không dám khoe mình, tôi chỉ mong muốn được chia sẻ, vì tôi cũng từng phạm điều lỗi lớn nhất của đời người!

Tuy sinh ra trong cảnh bần hàn và mồ côi cha, nhưng tôi lại được lớn lên trong sự đầy đủ từ tình yêu thương bao la của mẹ. Thời ấu thơ của tôi trôi qua êm đẹp. Nhưng đến năm học lớp mười hai, tôi lột xác thành một kẻ học đòi sự bê tha, và bắt đầu lao vào nhiều thứ mà lúc nhỏ tôi vô cùng ghét. Nguyên nhân chỉ vì sợ cảm giác cô đơn, sợ lạc loài. Cảm giác ấy khiến tôi mê loạn trong ghen tương với bạn khi chúng đi chơi mà không rủ tôi. Thèm được vui cùng bè bạn, thèm được thể hiện, không muốn bị thiếu và bị quên lãng, tôi say sưa trong các cuộc bia rượu, cà phê, karaoke… với bè bạn. Và trong nhiều ngày tháng, tôi đã bỏ lơ đi rằng ở nhà mẹ vẫn đang trông ngóng tôi về ăn cơm; nhiều khi, mẹ phải thức chờ tôi đến tận nửa đêm.

Khi được mẹ nhắc nhở, vui thì tôi thờ ơ cười trừ, buồn thì tôi cãi trả; thậm chí đã vài lần, tôi la lối trước mặt mẹ. Rồi tôi tự khoác cho mình lớp áo bảo vệ đầy sự hỗn hào rằng: “Mẹ biết gì! Vui vẻ với bạn mà mẹ cũng không cho nữa! Mẹ phải hiểu con đang hòa đồng với mọi người! Mẹ không hiểu gì về bạn bè của con cả! Mẹ toàn chia rẽ con với bạn…!” Trong đầu tôi dần xuất hiện những dòng tục tĩu sau mỗi lần to tiếng với mẹ.

Lương tâm ban đầu nhắc tôi rằng: “Mày là con, sao mày dám hỗn với mẹ?” Nhưng rồi vài lần như thế xảy ra, tiếng nói của lương tâm dần yếu ớt và bị đè bẹp dưới tiếng gọi mãnh liệt của các thú vui bên ngoài căn nhà nhỏ. Chúng cám dỗ tôi, cuốn hút tôi, và tôi đã bị chúng chế ngự. Chẳng lâu sau đó, tôi và mẹ không còn ngồi tâm sự như trước nữa.

Lúc nhỏ, tôi hy vọng rằng khi lớn lên, sẽ tìm một công việc nào đó tự chủ về thời gian để được gần gũi với mẹ hằng ngày. Nhưng rồi sau những lần to tiếng, tôi chỉ muốn đi làm thật xa, để được tự do và không bị phiền hà từ bà già phiền phức – mẹ tôi. Thậm chí, đã có lần, trong đầu, tôi từng mong cho bà chết sớm để được sống trong hai chữ “bình yên.”

Nhưng, ông Trời vẫn còn thương tôi lắm! Ông không để tôi sa vào vũng lầy sâu thẳm của tội đại ác – bất hiếu. Trong một lần về thăm quê, tôi chỉ biết lủi thủi ở nhà, buồn chán vì không có ai cùng trang lứa để chơi: Bạn bè đã đi thành phố làm, thanh niên trai tráng cũng đi xa, ruộng nương giờ chỉ còn những ông già, bà già chăm lo… nhà cao, cửa rộng, đường xá to và đẹp, nhưng sự ấm cúng ngày nào giờ phủ đầy sự vắng tanh.

Một hôm, tôi bắt chuyện với một người lớn tuổi trong làng. Ông khoe, các con của ông đứa nào cũng thành đạt, nhà to đẹp ở thành phố, con cháu thì được học trong trường quốc tế, không thua kém ai… Bất giác tôi hỏi: “Các anh chị con của bác giờ đã đi làm xa, chỉ còn hai bác ở nhà, vậy các bác có thấy buồn không ạ?”

Với nụ cười đượm chút bùi ngùi, ông nói: “Ai mà không buồn hả cháu! Sinh con ra, nuôi chúng lớn khôn cùng nhau, nhỏ thì nó quấn quýt bên mình, tình cảm khắng khít; giờ lớn lên, chúng lại đi xa, nhà cửa trống vắng, mặc dầu dư ăn, dư của, nhưng thấy thiếu thốn lắm. Nhưng biết sao giờ, lúc xưa hi sinh cho con cái được, thì giờ cũng phải cảm thông cho chúng nó, để chúng nó có công danh sự nghiệp, lâu lâu chúng còn nhớ về thăm nhà, vậy là đã vui lắm rồi! Làm cha làm mẹ phải biết hi sinh cho con cái chứ!”

Nghe đến đây, tôi thấy có gì nhoi nhói ở trong lòng.

“Làm cha làm mẹ phải biết hinh sinh cho con cái,” câu nói ấy tự nhiên vang đi vọng lại trong đầu tôi với dòng suy nghĩ: “Vậy con cái thì hi sinh cho cha mẹ được bao nhiêu?”

Những ký ức chôn vùi trong tôi bị đánh thức: Làn gió nhẹ hiu hiu từ chiếc quạt mo trong tay mẹ làm dịu cơn nóng trong những đêm hè oi bức; tiếng cười reo sung sướng mỗi khi thấy mẹ đi chợ về; những bát cơm sậm màu chan canh mướp, canh bầu; những câu hát ru dân dã giản đơn; những ngày đầu mẹ đưa một cậu bé đến trường trên chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kỹ; những sự chăm sóc ân cần khi người con ốm nằm trên giường; những hôm mưa dầm, mẹ bị chóng mặt phải nằm cả ngày, nhưng đến bữa vẫn gắng gượng nấu cho đứa con yêu chút thức ăn… Từng hình ảnh dần hiện lên trong đầu tôi như mới xảy ra ngày hôm qua.

Cố gắng ngăn không cho những giọt nước rơi xuống má, tôi nhéo vài cái thật đau vào đùi, vào bụng… nhưng tất cả đều vô tác dụng, mắt cứ ấm lên và nhoè dần. Tôi cảm nhận có cái gì đó sai sai trong mình bao lâu nay. Một lỗi lầm sẽ mãi mãi là lỗi lầm, cho đến khi ai đó nhận ra được nó và không là quá muộn cho một sự “tái sinh” nếu vẫn còn cơ hội để chuộc lại những lỗi lầm ấy.

Không còn ảo mộng vào những công việc tiền nhiều, công danh sự nghiệp lừng lẫy, không còn thèm khát những thú vui bè bạn, không còn những chuyến đi du lịch thăm quan, không còn những con đường thành phố tấp nập, hào hoa,…tôi lại khép mình “lủi thủi” ở nhà với mẹ như cậu bé ngoan ngày nào.

Và điều khác ngày xưa đó là: Bữa cơm đạm bạc không chỉ còn do tay mẹ nấu; những bộ phim, những bài nhạc tôi yêu thích được thay bằng những chương trình dân ca và những bộ phim hài mang lại nụ cười tươi trên mặt mẹ; những tiếng la mắng, giờ đã dần được thay bằng những tiếng trách nhẹ nhàng của mẹ; những lời cau có, khó chịu, la lối: “Bực mình, biết rồi, nói mãi…” giờ đang dần được thay bằng những câu nói pha chút bông đùa: “Con là con trai, những công việc của phụ nữ con đâu có giỏi hết, mẹ cũng phải thông cảm cho con một chút, để sau này con còn lấy vợ nữa chứ!”

Có ai đó nói với tôi rằng: “Tốc độ thành công của của con phải nhanh hơn tốc độ lão hóa của mẹ, nếu không lo phấn đấu làm ăn kiếm thật nhiều tiền bây giờ, ngộ nhỡ sau này mẹ con đổ bệnh, lấy tiền đâu mà con chữa chạy? Làm người phải biết lo tính cho xa!”

Tôi vốn biết việc lo gây dựng sự nghiệp là điều đúng, kiếm nhiều tiền để lo cho gia đình và cha mẹ sau này là điều tuyệt vời, không thể chê trách. Nhưng tại sao lại mang trong đầu suy nghĩ làm thật nhiều tiền để sau này chữa bệnh cho cha mẹ? Tại sao không nghĩ cha mẹ mình sẽ sống vui sống khỏe đến hết cuộc đời? Có được mấy ai khi thành công trong sự nghiệp mà được ở bên, chăm sóc cha mẹ hằng ngày đâu? Nếu có cũng cực ít, vì người ta sẽ đi mướn ô-sin, người ở. Và đó là cách trả ơn cha mẹ ư?

Tôi sẽ không bao giờ dại dột thêm một lần nào nữa mà đem đổi thời gian bên mẹ và nụ cười của mẹ để đi kiếm tiền của, danh vọng. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và gần bên mẹ, những tiếng cười, sự quan tâm, chăm sóc sẽ là liều thuốc bổ. Tại sao phải tạm bỏ quên sự chăm sóc cho mẹ hằng ngày để kiếm tiền, rồi dùng chính tiền ấy mua thứ “thuốc bổ rẻ mạt” mà thực trong lòng mẹ không cần đến?

Trong muôn tội ở thế gian, bất hiếu là tội đứng đầu. Tội bất hiếu không chỉ biểu hiện ở những sự mắng chửi, đánh đập, đối xử tệ hại, vô ơn, khiến cha mẹ phải buồn đau khóc lóc…mà còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm sóc của chúng ta đối với cha mẹ hằng ngày. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta, những ai đã và đang phạm những lỗi với cha mẹ hãy bình tâm lại, hãy nghĩ về những ngày xa xưa, khi chúng ta còn được bồng ẵm trên tay cha mẹ, ai đã chăm lo, nuôi dưỡng chúng ta mà chẳng quản khó nhọc, ai đã đã dạy chúng ta những tiếng nói đầu đời, ai đã lo cho chúng ta từng miếng cơm, tấm áo, cái quần …?

Có thể khoảng cách thế hệ giữa chúng ta và cha mẹ đã và đang gây ra nhiều sự ngăn cách, nhất là trong thời buổi công nghệ 4.0 này, việc tâm sự, nói chuyện với cha mẹ thật khó hơn việc cầm chiếc smartphone lên. Nhưng dầu thế nào chúng ta phải biết rằng, sau này chúng ta cũng sẽ có những đứa con, chúng ta liệu có muốn tình trạng của chúng ngày sau sẽ giống chúng ta ngày nay không? Hãy quan tâm cha mẹ nhiều hơn,… để khoảng cách giữa các thế hệ sẽ dần thâu hẹp lại và mong rằng ngày nào đó khoảng cách ấy sẽ không còn nữa.

Suy đi nghĩ lại, cha mẹ cũng là con người, “nhân vô thập toàn” là điều khó tránh khỏi, vì thế nếu cha mẹ có sai sót điều gì, thì chúng ta – những đứa con hiếu thảo, đừng bao giờ nặng lời; thay vì cãi trả, hãy nhỏ nhẹ tỏ bày trong sự tôn kính và hãy nhớ lấy “vết xe đổ” ấy của cha mẹ, để ngày sau chúng ta đừng đi vào đó.

Ngày nay, tôi mạnh dạn và tự hào trong lương tâm mà nói rằng, tôi đã và đang sở hữu một niềm đau – điều đã khiến tóc mẹ tôi phải bạc màu. Tôi không cho phép mình chôn sâu những gì đã làm mẹ tôi phải buồn rầu. Không phải tôi không thương mình, không phải để tôi sống mãi trong tình trạng ưu sầu, cũng không phải tôi sẽ cứ sống như vậy, mà để hằng nhắc nhở tôi không được phép quên, không được phép tái phạm những điều không tốt mà đã khiến mẹ tôi phải nặng đầu.

Trong xã hội thực tại, có thể tạm nói rằng tôi là một thằng điên với thứ suy nghĩ lạc hậu và thiển cận, nếu thế giới này toàn những kẻ như tôi thì sẽ chẳng có sự phát triển. Vâng! Nếu có ai đó chê, trách móc, chế giễu tôi là con người không có ý chí tiến thủ, tôi cũng vẫn luôn nở nụ cười tươi. Vì tôi biết mình đang ở vị trí nào trong cuộc đời. Tôi chỉ cần đủ sống để được chăm sóc mẹ của mình. Thế là đủ lắm rồi.  Cuộc đời này vốn là một bài toán nhân sinh, có nhiều cách giải, nhưng chỉ có một kết quả đúng thôi. Con người có sự tự do đi theo con đường của mình, nhưng lâu lâu hãy nhìn lại thời gian chúng ta dành cho cha mẹ được bao nhiêu.

Tôi – một con người nhỏ bé, xin mạn phép được tiếp gót nhà thơ Đỗ Trung Quân “gửi tặng” cho những ai được diễm phúc còn có mẹ bài thơ của ông:

“Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay…
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
Ai mất mẹ?
Sao lòng anh hoảng sợ
Tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
Bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới!”

Tác giả: Xuan Dang

*Featured Image: Pezibear 

 

Hãy tự biết mình

0

Scorates là một triết gia thời Hy Lạp cổ đại, được xem như ông tổ của triết học phương tây. Nhưng theo tôi, ông ta là một lão gàn dở nhất thành Athen thời Hy Lạp cổ. Cái gàn dở của ông là đi khắp thành đô của mình, miệng không bao giờ ngừng nghỉ câu nói: “Hãy tự biết mình.” Và chính cái gàn dở đó mà Scorates bị toà án kết tội là làm băng hoại đám thanh niên và phạm đến thánh thần.

Từ xưa đến nay chưa thấy người nào hô hào đám quần chúng “hãy tự biết mình” mà được sống an toàn. Vậy cớ tại sao xã hội sợ bạn biết rõ về bạn như thế?

Xã hội rất sợ những ai tự quyết định cách sống cho riêng mình. Bởi thế, nó luôn cố làm mọi cách để bạn sống như đám đông. Xã hội dùng quảng cáo để chi phối hành vi mua sắm của bạn, dùng thành công để chi phối ước mơ của bạn, dùng những ưu đãi của địa vị chi phối quyết định của bạn. Trong vô thức chúng ta nghĩ chúng ta hoàn toàn tự do trong các hành vi cuộc sống, nhưng thực ra không phải vậy.

Hãy dành một ngày chỉ để quan sát mọi thứ xung quanh bạn, bạn sẽ nhận ra: Mọi người sống giống nhau y như tất cả đều được đúc ra từ một khuôn. Tính cá thể không còn, thay vào đó là sự đồng điệu tới tẻ nhạt của đám đông.

Khi một người hiểu rõ chính mình, người đó sẽ biết cân bằng các nhu cầu trong cuộc sống của mình. Người đó sẽ không lao vào mua sắm như một con thiêu thân, không chạy theo trào lưu như một con rối, và sẽ không phục tùng một cách mù quáng.

Điều xã hội muốn ở đám đông là sự phục tùng một cách mù quáng. Và đó cũng chính là điều mà xã hội sợ ở những người hiểu rõ về chính mình.

Khi bạn bắt đầu quá trình hiểu về chính mình, bạn sẽ bắt đầu hoài nghi về thần tượng của xã hội. Những thần tượng của xã hội nó là hình mẫu lý tưởng hoá con người không thật được cố ý tạo ra. Chỉ những người biết mình, mới nhận ra trò lừa của xã hội qua thần tượng. Người đó không phục tùng một cách cuồng tín nữa, người đó cũng không bị mê hoặc bởi hình mẫu lý tưởng kia nữa. Người đó đi vào trong sự kính trọng hơn là tôn thờ, người đó biết cân nhắc thay vì cúi đầu tuân phục. Và khi xã hội có nhiều người hiểu biết về chính mình, xã hội đó có khả năng làm cân bằng cán cân lợi tức mà xã hội tạo ra. Hay nói đúng hơn, nguy cơ để xã hội đó đi vào con đường độc tài là rất nhỏ.

Nhưng điều khó trả lời nhất về khả năng tự biết mình, đó là: Chúng ta cần biết gì về chính mình? Hay nói cách khác: Biết về chính mình là biết cái gì?

Nếu như ngay lúc này, bạn tự đặt cho mình câu hỏi đó, vậy bạn sẽ trả lời như thế nào đây?

Dễ ợt! Để tôi thay bạn liệt kê vài câu trả lời vậy. Bạn sẽ nói về quê quán, ngày sinh tháng đẻ của mình. Rồi sẽ kể về bằng cấp, học vị. Rồi lại kể về tính tình quan điểm, niềm tin, tín ngưỡng… Nhưng câu hỏi là: Có phải như thế là tự biết mình rồi không? Hay đó chỉ là bề ngoài, cái vỏ bọc, cái khuôn mẫu bạn được tạo thành từ xã hội, từ tôn giáo, từ văn hoá, truyền thống? Lẽ nào hiểu biết về chính mình là sự hiểu biết thuộc về trí tuệ cao siêu chứ không phải là bảng liệt kê nhưng bề nổi mà ai ai cũng có thể thấy trên?

Cuối cùng, tôi chợt nhận ra: Lời mời gọi “hãy tự biết mình” vẫn là lời mời gọi chỉ phát xuất từ những kẻ gàn dở nhất của xã hội loại người. Nhưng nên nhớ, họ lại là những nhà cách mạng thật sự của nhân loại này: Scorates, Đức Phật, Jesus.

Tác giả: Binh Minh

*Featured Image: jplenio

Thượng Đế của em ở đâu?

3

Tôi không thích dùng từ “Thiên Chúa” cho lắm, tôi thích dùng từ “Thượng đế” hơn dù hai từ này đều có nghĩa tương đương. Vì từ “Thượng đế” thì nghe có vẻ ít mang tính tôn giáo hơn. Khách quan mà nói, dường như những người Thiên Chúa giáo đã biến vị Thượng đế vĩ đại của mình thành một ông thần linh bộ lạc.

Tôi từng nghe bạn trai cũ của tôi (cậu ấy là một người vô thần) nói rằng cậu ta tin rằng có một vị Thượng Đế nào đó tồn tại, nhưng không tin Thiên Chúa “của tôi” đâu. Cậu ấy hỏi tôi “Chúa của em ở đâu? Khi nào Chúa của em hiện ra trước mắt anh, thế thì anh mới tin.” Tại thời điểm đó, tôi đã dùng tất cả những gì mà tôi “được dạy”, “được cho biết”, những gì tôi vẫn luôn tin suốt hơn hai mươi năm để giải thích, tranh luận với anh. Và nếu anh không tin, thì anh sẽ bị trừng phạt, cách này hay cách khác. Sự háo thắng, niềm tin mù quáng… đã bóp nghẹt mối quan hệ của chúng tôi.

Tôi đã liên tục tìm hiểu, nghiên cứu và suy ngẫm, để tìm cách thay đổi niềm tin bất di bất dịch của anh. Và cuối cùng, bạn có đoán được điều gì đã xảy ra không? Tôi chính là người đã thay đổi. “Một con chiên ngoan đạo” như tôi nhận ra bản thân tôi trống rỗng, giáo điều, ngu ngốc và cố chấp. Niềm tin mà tôi vẫn ngỡ là mạnh mẽ và đúng đắn tuyệt đối hoá ra lại lỏng lẻo và trống rỗng đến thế.

Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng “Thiên Chúa” mà người Thiên Chúa giáo tôn thờ không còn là Thượng đế nữa mà đã bị biến thành một ông thần độc tài nào mất rồi. Sự ám thị đã đi quá xa, sự hiểu lầm đã quá lệch lạc.

Vì vậy, cần một cuộc cách mạng mới, đòi hỏi ta không đồng hoá Thượng Đế với Giáo hội, với sự bất dung, bất công, mù quáng, bạo lực, khủng bố, khì thị, khắc nghiệt, ham thích trả thù, giáo điều, bài xích tính dục, bài xích đồng tính, ham quyền lực, kiêu ngạo, chuyên chế độc quyền, lý tưởng hoá thái quá, hẹp hòi và ngu ngốc.

“Thiên Chúa là tình yêu” – Tôi đã đọc hàng ngàn lần câu này trên những tấm thiệp cưới. Tôi đã được nhà thờ dạy về điều này từ nhỏ, rằng hãy yêu thương vô điều kiện, hãy trao tặng mà không mong chờ nhận lại điều gì. Một lời giáo huấn tuyệt vời nếu như mọi thứ dừng lại ở đó. Nhưng người ta đã xây dựng và đạp đổ tất cả. “Thiên Chúa là tình yêu” với điều kiện hai người phải cùng tôn giáo với nhau, nếu không thì sẽ không chấp nhận, “làm như thế là xúc phạm Chúa, con sẽ bị cắt phép thông công, bị tội trọng, v.v…” Tôi tuyệt đối không bao giờ tin rằng Thượng Đế tình yêu lại có thể bị xúc phạm chỉ vì hai người yêu thương nhau được. Và tôi chống đối tất cả những hình phạt mà họ nói (bị tội trọng, bị Chúa phạt thế này thế nọ.)

Nhân danh Thượng Đế, người ta chia rẽ và chống lại Tình Yêu. Nhân danh Tình Yêu, người ta chống lại chính Tình Yêu, mà miệng thì hô to rằng họ tự hào là con cái của Tình Yêu. Người ta rao giảng về tình yêu vô điều kiện đồng thời đặt ra 1000 thứ điều kiện cho nó. Người ta không ngừng rao giảng rằng Thượng Đế là tình yêu và không ngừng nhân danh Thượng Đế để chống đối chính Ngài. Tình yêu bị xúc phạm, Thượng Đế bị bôi nhọ. Sự tự do bị huỷ diệt, sự tôn trọng bị chà đạp.

Thượng Đế mà đức Jesus nói đến đối lập hoàn toàn với những “ảo ảnh Thượng Đế” mà người ta đã được nhồi nhét vào đầu từ khi còn nhỏ. Đức Jesus tỏ lộ về một Thượng Đế bất bạo lực, giàu yêu thương, không căm giận phẫn nộ, không ham thích trả thù. Đó là một Thượng Đế rộng rãi tuôn đổ tình yêu xuống thế gian như ánh mặt trời chiếu rọi trên người công chính lẫn kẻ bất lương. Đó là một Thượng Đế bình đẳng, bác bỏ quyền lực và chuyên quyền thế gian, yêu cần tinh thần đứng cao hơn giáo điều, tình yêu và lòng trắc ẩn đứng cao hơn sự hà khắc cứng nhắc, sự tha thứ cao hơn công bằng luật pháp.

Thượng Đế không hẹp hòi, ngu xuẩn, bạo lực hay ham thích báo oán. Đã đến lúc ta cần thay đổi hệ thống tư tưởng lẫn góc nhìn nhận sai lạc của ta, không đồng hoá Thượng Đế với những điều tồi tệ đó nữa.

Tôi quá mệt mỏi khi mỗi lần đến nhà thờ lại phải nghe các linh mục rao giảng về cơn thịnh nộ, sự trừng phạt và trả đũa của một Thượng Đế thích báo oán; cụ thể là bằng lửa hoả ngục và các hình thức tra tấn ở đó. Tôi không kết án nhà thờ, nhưng tôi luôn cảm thấy bản thân mình xa cách nó.

Trong các cuộc tranh luận đề tài tôn giáo, tôi từng nghe nhiều người tin rằng nếu ta rao giảng về “hoả ngục”, về cơn thịnh nộ và sự trừng phạt của Thượng Đế, người ta sẽ vì sợ hãi bị phạt mà sống tốt hơn, sẽ chăm chỉ đến nhà thờ hơn, sẽ giữ các giáo luật tốt hơn. Nhưng tôi cho rằng, con người chỉ thực sự sống tốt hơn khi hoa trái tình yêu và trí huệ nở rộ nơi trái tim họ; khi người ta sống can đảm và kiên tâm cùng với sự tỉnh thức nội tại. Chỉ khi ấy, người ta sẽ sống tốt hơn từ tận căn con người họ. Và nhiều người cũng phản biện rằng không phải trên thế giới này ai cũng thông minh đủ để thức tỉnh mà sống tốt, thà rằng cứ để họ sợ hãi mà sống tốt thì hơn. Tôi đồng ý rằng mỗi cá nhân sinh và lớn lên trong những hoàn cảnh và môi trường giáo dục khác nhau, trình độ nhận thức và hiểu biết cũng vì thế mà khác nhau. Nhưng tôi không nghĩ rằng chỉ vì thế mà thay đổi thông điệp “tình yêu, sự tha thứ và cứu độ” thành “sợ hãi sự trả thù và báo oán.” Osho từng nói chỉ cần 10% nhân loại có thể thiền định, thì cả nhân loại có thể được tái sinh trong hoà bình và tình yêu. Tôi cho rằng, việc rao giảng về hình phạt đời đời là sự bôi nhọ Thượng Đế tình yêu và bao dung.

Ở một phương diện nào đó, phải công nhận một điều là sự đe doạ cũng có hiệu quả ở một mặt nào đó. Tôi đã lớn lên từ phương cách đó, từ sự đe doạ về một hoả ngục đầy khổ hình- nơi mà ma quỷ sẽ hành hạ con người, nơi mà Thượng Đế không bao giờ ghé mắt đến, nơi con người hoàn toàn bị bỏ rơi. Thật sự mà nói, nó đã từng tác động lên tôi rất nhiều, cả tích cực lẫn tiêu cực. Về tích cực, nó khiến tôi đủ sợ hãi để không dám “phạm tội” hay vấp phạm về mặt đạo đức và luân lý; tuy nhiên, vì luôn ám ảnh về các hình phạt và sự phán xét lạnh lùng nên cảm xúc và niềm tin của tôi đối với Thượng Đế cũng vì thế mà méo mó vô cùng. Giả dụ, liệu bạn có thật sự có thể yêu mến một người suốt ngày đe doạ bạn, coi bạn là tội đồ, là dơ bẩn hèn kém và không đáng tha thứ chăng?!

Một nền thần học lành mạnh cần phải ngừng tuyên bố và đe doạ ta về một hoả ngục đời đời đang sôi sục chờ chực ta, về một Thượng Đế bất khoan dung không bao giờ trao tặng cho con cái ngài cơ hội thứ hai. Khi tôi thắc mắc rằng làm sao người ta biết được việc Thượng Đế trừng phạt và bất khoan dung như thế; tôi nhận được câu trả lời rằng họ biết được điều đó qua Kinh Thánh và các kinh sách khác.

Ngôn từ chỉ là phương tiện để truyền đạt. Ngôn từ không bao giờ là thực tế sự kiện. Vì vậy tôi cho rằng ta cần thôi dựa dẫm quá chi li từng câu từng chữ vào các kinh sách, mà phải hiểu rộng ra những điều cốt lõi mà các kinh sách ấy muốn truyền đạt. Tôi đã chứng kiến nhiều người cãi nhau, thậm chí trong lịch sử cũng có nhiều cuộc phân tách và chia rẽ giữa tôn giáo này với tôn giáo kia chỉ vì người ta đã quá chi li và xét nét từng từ của các kinh sách mà dẫn đến bất đồng, chia rẽ.

Tôi thật sự tin rằng, điều mà tôn giáo cần đề cao để có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đó chính là “chiều sâu tâm thức” mà mỗi cá nhân có thể đạt được. Hãy tiến sâu vào, hãy tìm hiểu sâu cùng thấu tận, rồi từ đó mới lan rộng đến xung quanh. Khi bạn muốn lan toả tình yêu, trước hết, bạn phải có tình yêu cái đã. Hoa trái phải chín đậm thì mới thu hoạch bội thu được. Việc vội vàng tuyên truyền và gò ép người khác phải tin vào các “tín điều” bắt buộc khi họ chưa đạt được chiều sâu tâm thức thì cũng như hái ép trái còn xanh vậy. Một người chỉ thực sự theo một tôn giáo khi họ đến với tôn giáo đó bằng sự lôi cuốn, chứ không phải vì sự chiêu mộ.

Nhờ việc gặp được người bạn trai năm ấy – một người vô thần, tôi đã nhận ra những lỗ đen trống rỗng trong trái tim mình, từ đó dấn sâu tìm hiểu, khám phá niềm tin của chính mình, một bước chuyển lớn trong hành trình tâm linh của bản thân. Từ tận đáy lòng, tôi biết ơn vô cùng.

Chúng ta đã giới thiệu về Thượng Đế quá tệ. Không phải một Thượng Đế bạo lực, bất khoan dung; trong những câu chuyện Thánh Kinh mà tôi từng đọc, khi Thượng Đế xuất hiện, lời đầu tiên của ngài luôn là “Đừng sợ!” Chúng ta không có gì để sợ hãi sự thanh trừng của một Thượng đế hay trả đũa nữa. Bằng việc sống trong tự do vô lượng và tình yêu vĩ đại, ta tỏ lộ tình yêu và lòng biết ơn cùng sự tôn trọng lớn lao tới Thượng Đế, chứ không phải bằng cách sống trong sợ sệt và lo sợ rằng mình sẽ xúc phạm ngài hay bị ngài trừng phạt. Thượng Đế không ban phát những luật lệ giáo điều ép ta phải răm rắp nghe theo, nhưng trao tặng ta sinh lực dồi dào, khả năng sáng tạo thực tại và muôn vàn cơ hội để ta được sống như người mà ta vốn là.

Tác giả: Giang Uyen Bui

*Featured Image: FelixMittermeier

Thư gửi em trai Theo từ đại danh họa Van Gogh – Phần 1

Vincent Willem van Gogh (Tiếng Hà Lan: [ˈvɪnsɛnt ˈʋɪləm vɑn ˈɣɔx] 30 tháng 3 năm 1853 – 29 tháng 7 năm 1890) là một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng. Nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. (Wiki)

Nguồn thông tin toàn diện nhất về Van Gogh là thư từ giữa ông và em trai, Théo. Tình bạn lâu dài của họ, và hầu hết những gì được biết đến là tư tưởng và triết lý nghệ thuật của Vincent, được ghi lại trong hàng trăm bức thư trao đổi từ năm 1872 đến năm 1890. Théo là một đại lý nghệ thuật và cung cấp cho anh trai sự hỗ trợ về tài chính và tình cảm, và tiếp cận với những người có ảnh hưởng trong bối cảnh nghệ thuật đương đại. (Theo Wiki)

Những lá thư này đã được tập hợp thành sách. Triết Học Đường Phố xin giới thiệu đăng tải nhiều kỳ cuốn Thư gửi em trai Théo được Sơn Ca chuyển ngữ từ tiếng Pháp, cuốn Lettres à son frère Théo, nhà xuất bản Gallimard, tái bản năm 2008.

LA HAYE

 

Tháng 8/1872 đến tháng 5/1873

Tháng 8/1872

Cảm ơn thư của em, anh rất vui khi biết rằng em trở về an toàn. Mấy ngày đầu anh có cảm giác thiếu vắng em, thật lạ khi không còn được gặp em vào buổi trưa nữa.

Chúng ta đã trải qua những ngày tuyệt vời cùng nhau, xen giữa những cơn mưa, có thể đi dạo và nhìn ngắm nhiều thứ.

Thời tiết thật khủng khiếp. Lúc này đây anh có cảm nhận sâu sắc rằng những cuộc dạo chơi của em ở Oisterwijk sẽ chẳng làm em hài lòng. Hôm qua, chúng anh đã phải rất cố gắng cho buổi triển lãm: đèn chiếu sáng và pháo hoa phải hoãn lại vì thời tiết tệ hại, nghĩa là em đã đúng khi không ở lại đợi.

***

Tháng 1/1873

Một năm mới tốt lành đã bắt đầu với anh. Họ đã trả anh thêm 10 florins (có nghĩa là bây giờ anh kiếm được 50 florins mỗi tháng), và trên cả niềm vui ấy, anh còn được lĩnh thêm 50 florins tiền thưởng. Thật tuyệt vời đúng không? Như vậy anh có thể hy vọng mình sẽ tự xoay sở việc chi tiêu. Anh rất vui vì em làm cùng công ty. Đó là một công ty rất tốt, nơi mà chúng ta càng làm việc ở đó chúng ta càng cảm thấy mình thực sự đam mê. Ban đầu có thể hơi khó khăn hơn ở những nơi khác, nhưng chúng ta cần bền bỉ.

LONDON (Tháng 6/1873 – Tháng 5/1875)

Ngày 13/6/1873

Hiện tại anh đã tìm được một chỗ ở khá hài lòng. Có vài người khác nữa, đặc biệt là ba người Đức yêu âm nhạc. Họ chơi piano và ca hát. Tụi anh đã trải qua những buổi tối tuyệt vời. Anh không bận bịu nhiều như ở La Haye: chỉ phải có mặt ở cửa hàng từ 9h sáng đến 6h tối, và vào thứ 7 anh kết thúc công việc lúc 4h chiều. Anh sống ở một vùng ngoại ô tương đối thanh bình của London.

Cuộc sống ở đây quả là đắt đỏ, riêng chuyện nhà cửa đã ngốn của anh mất 18 shillings mỗi tuần, thêm nữa lại còn phải chi trả cho việc giặt giũ, và anh phải ăn ở bên ngoài. Chủ nhật tuần trước anh đi cùng ông chủ, ông Obach, về miền quê ở Boxhill, nơi là một ngọn đồi rộng lớn nằm cách London khoảng 6 tiếng. Có những phần đồi trắng phấn bởi đá vôi, và được bao phủ một bên bởi những tán cọ, còn bên kia là rừng sồi cao vút. Xử sở này thật diệu kỳ, khác xa với Hà Lan và Bỉ. Ở khắp nơi, tụi anh đều có thể tìm thấy những công viên rất đẹp với nhiều cây cổ thụ và những tán cây rậm rạp, nơi anh có thể đi dạo. Ở Pentecôte, anh đã có một cuộc du ngoạn thú vị cùng mấy người Đức, nhưng các quý ông này tiêu tiền hơi quá tay. Từ nay về sau anh sẽ chẳng đi chơi với họ nữa.

***

Ngày 13/9/1873

Ôi, người bạn tri kỷ của anh (*), anh rất muốn em tới đây thăm “nhà” mới của anh, mà anh nghĩ rằng em đã được nghe ai đó kể về. Bây giờ anh đã có một căn phòng hệt như những gì anh đã mong ước bấy lâu, không có mái nghiêng của những căn phòng trên tầng áp mái, và không có giấy dán tường xanh lơ viền xanh lá cây. Anh ở trọ tại nhà của những người rất dễ mến. Dạo trước, anh đi chèo thuyền dọc sông Tamise cùng với 2 người Anh. Thật là tuyệt vời.

Sức khỏe của anh rất tốt và anh có một căn hộ ưng ý. Anh chẳng có lý do gì phải phàn nàn ở đây, cho dù công việc ở cửa hàng kém thú vị hơn ở La Haye. Sau này, nếu việc bán tranh đem lại lợi nhuận, anh có thể quay trở lại với những công việc khiến mình cảm thấy hữu ích hơn. Và anh không biết miêu tả thế nào cho em hay về cảm giác thú vị biết bao khi khám phá London, người Anh, cách mà họ làm ăn và sinh sống. Nó thực sự khác những gì đang diễn ra trên quê hương mình.

***

Tháng 1/1874

Anh yêu thích trò chuyện với em lâu dài về nghệ thuật, chúng ta phải trao đổi về nó thường xuyên hơn nữa trong những lá thư. Hãy ngắm nhìn những điều đẹp đẽ thật sâu hơn nữa, hầu hết mọi người không để ý nhiều đến điều này.

Hãy tiếp tục những chuyến đi dạo và nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên, đó là cách tốt nhất để học tất cả những gì cơ bản về nghệ thuật.

Những người họa sĩ hiểu thiên nhiên và yêu mến thiên nhiên, bởi nó dạy chúng ta cách “thấu cảm”. Lưu ý rằng, trong số các họa sĩ, có những người không thể sáng tác được gì ngoài những bức tranh đẹp, họ không có khả năng tạo ra những bức tranh tồi tệ, tựa như việc trong đám đông hỗn loạn của nhân gian tồn tại những con người chỉ biết làm mỗi một việc, đấy là việc tốt.

Quay trở lại chuyện của anh, anh vẫn khỏe, anh có một căn hộ tốt và thật vui cho anh khi khám phá London, phong cách sống Anh và cả người Anh. Trên hết là thiên nhiên, nghệ thuật, và thi ca. Nếu thế mà vẫn chưa đủ thì có thể còn là điều gì nữa cơ chứ?

Nhưng anh không quên Hà Lan, đặc biệt là La Haye và Brabant.


Chuyển ngữ: Sơn Ca

(*) nguyên văn Van Gogh dùng từ Mon vieux.

[BDT2018] Đã có lúc tôi muốn từ biệt cuộc đời

5

Hai chữ “thanh xuân” nghe sao nó tươi mát lạ lùng nhưng đó chỉ là trong tưởng tượng. Lúc thanh xuân còn căng tràn trong từng mạch máu, tương lai đầy hứa hẹn, thành công đang vẫy gọi thì hỡi ôi tôi đã hơn một lần muốn chết. Thực ra, cái suy nghĩ dại dột đó vẫn cứ ghé thăm tôi mỗi khi gặp khó khăn. Đó là cái chết trong tinh thần. Nhưng đến ngày hôm nay tôi vẫn có thể ngồi đây viết lên điều này vì thứ nhất không đủ dũng khí để từ biệt cuộc đời, thứ hai tôi còn “nợ” cuộc đời này quá nhiều mà chỉ có sống thì mới trả được hết. Và tôi đã cố gắng chữa lành vết thương trong tinh thần để cứu sống cả tâm hồn lẫn thể xác. Cho dù, sẽ chẳng bao giờ dám tự tự thì ít nhất cũng đừng để suy nghĩ như thế xuất hiện trong đầu nó sẽ ăn mòn hy vong, tương lai và sự lạc quan của chính bạn. Mỗi một đời người đều có một bức tranh của riêng mình nó có đủ màu sắc và muốn biết bức tranh đó có đep hay không thì điều đầu tiên là ta phải bước vào và khám phá nó. Nếu nó không đẹp hoặc ta không thích vẻ đẹp đó thì hãy vẽ lại nó. Xin đừng quay lưng lại và bước vào bức tranh màu đen phía sau ta.

1. Vì sao có lúc tôi lại muốn từ biệt cuộc đời?

Vì một vài khó khăn trong cuộc sống nhiều lúc cũng đủ mạnh để đánh gục môt tâm hồn đang chênh vênh. Tôi nhiều lúc lại tự than phiền về cuộc đời bằng những câu hỏi: Tại sao mình lại khổ thế ? Tại sao những bận lòng, những muộn phiền chẳng bao giờ ngừng đeo bám? Có những lúc chán nản đến mức trái tim không buồn thổn thức yêu thương và hạnh phúc còn ngại ngần đón nhận. Nhưng lúc đó, tôi đâu có biết con người ai cũng có vấn đề của riêng mình mà họ bắt buộc phải chấp nhận, đối đầu và vượt qua. Khi tôi muốn chết là lúc tôi thua cuộc trước khó khăn, tâm hồn yếu đuối đến mức không thể điều khiển lý trí, không thể trao cho những suy nghĩ dại dột một bản lĩnh cứng cỏi. Có những thời điểm tôi cảm thấy cuộc sống của mình như một con thuyền sắp bị chìm đắm giữa đại dương cuộc đời. Con thuyền đó trở quá nhiều điều bi quan và nếu không vứt bỏ bớt thì chắc chắn nó sẽ bị vùi lấp. Bản thân bi quan đến vậy vì một vài lý do:

Lý do đầu tiên là đứng trước một vấn đề dù lớn hay nhỏ tôi luôn phân tích và đẩy nó đi xa hơn bình thường. Chỉ một sai lầm cũng khiến tôi dằn vặt, đau khổ, lo lắng. Ví như: Nếu sếp của tôi yêu cầu tôi gửi hợp đồng cho đối tác nhưng tôi lại gửi nhầm. Trong trường hợp đó, tôi hoàn toàn có thể bình tĩnh xin lỗi và ngay lập tức gửi lại để chữa lỗi sai của mình. Nhưng không tôi lại luôn sợ hãi, trách móc bản thân và những viễn cảnh như mình sẽ bị đuổi việc, sẽ bị kỉ luật cứ lởn vởn ăn mòn cả tinh thần. Đầu óc thì không thể nào tập trung để làm những việc khác vì nó còn đang bận đau khổ về lỗi lầm vừa xảy ra.

Lý do thứ hai có lẽ do cuộc sống của tôi quá nhàm chán và không có mục tiêu rõ ràng. Có những lúc tôi thấy chán nản về mọi thứ. Cảm giác trống rỗng cứ vây quanh mình. Tôi làm việc mỗi ngày lặp đi lặp lại và nhiều khi sống chỉ chờ đến cuối tuần. Tôi sống không rõ mục đích cho nên đôi khi lại trung thành đến mức đáng kinh ngạc với những việc tủn mủn. Có ai đó giống như tôi ngày nào cũng cầm điện thoại để lướt lướt không? Đôi lúc lại rất bận rộn những lúc đó tôi thường lầm tưởng tôi đang sống có ý nghĩa nhưng bất giác tôi chợt nhận ra con ong, con kiến cũng bận rộn được. Mà con người phải khác con vật ở chỗ bạn bận rộn phải vì một mục tiêu xứng đáng và tôi đang thiếu điều đó. Bản thân đang thiếu một bản đồ chỉ đường, một kim chỉ nam, một la bàn cho cuộc sống cho nên tôi bị lạc lối trên con đường dẫn đến tương lai. Vì vậy tôi trở nên chán nản.

Lý do thứ ba cũng là thứ khiến cho tâm hồn tôi bị “sói mòn”, nỗi buồn lúc nào cũng chảy róc rách trong tâm trí. Đó là việc tôi luôn cảm thấy những người xung quanh ngay cả người thân cũng thất vọng vì tôi cho nên không lý do gì mà tôi dám hy vọng về bản thân mình. Tất cả những người yêu thương tôi đều đặt kỳ vọng cho tôi. Đôi khi nó làm tôi nghẹt thở vì áp lực và việc mình làm không thể đáp ứng được những kỳ vọng đó. Cho nên tôi bắt đầu chán ghét và thù địch với chính mình. Chỉ một vài lời than phiền cũng có thể khiến tôi tổn thương. Tôi luôn nghĩ họ thất vọng về tôi.

Tất cả những điều đó khiến tôi như muốn nổ tung và trong phút giây dại khờ tôi đã từng có ý nghĩ chết đi để giải quyết mọi vấn đề.

2. Vì sao tôi không muốn chết nữa mà còn muốn sống tốt hơn bao giờ hết?

Có một lần tôi đến bệnh viện để lấy thuốc đau đầu thì chứng kiến cảnh tượng một bà cụ khoảng chừng 70 tuổi, chân đất, đưa cháu gái vào viện cấp cứu vì uống thuốc ngủ quá liều. Trong lúc đưa bé gái vào phòng cấp cứu bà cụ không đứng yên giây nào, hai hàng nước mắt không ngừng chảy thi thoảng lại lẩm bẩm mấy câu lạy trời, khấn phật. Nhìn bà cụ tôi thực sự đau lòng và dường như giây phút đó tôi chợt bừng tỉnh khỏi u mê và suy nghĩ tiêu cực.

Đến bấy giờ, tôi mới chợt nhận ra “sống” là điều đơn giản nhưng kì diệu nhất mà tạo hóa ban cho chúng ta. Vì vậy muốn xinh đẹp, trẻ trung, thành công, hạnh phúc, giàu có hay thậm chí trở thành một người vĩ đại thì ít nhất là bạn phải sống đã và phải sống thật tốt. Sống không phải cho chỉ cho mình mà còn vì mọi người xung quanh. Những vấn đề mà mình đang gặp phải thì chỉ có chính mình mới có thể giải quyết được mà muốn giải quyết thì ít nhất phải sống đã. Được sinh ra là một đặc ân mà chưa kịp làm gì cho đời đã chết một cách lãng phí thì đó là một tội lớn. Dần dần suy nghĩ trong tôi lần lượt thay đổi. Những muộn phiền trên con thuyền sắp đắm vì nặng kia tôi vứt bỏ hết để thuyền nhẹ mình hứng gió tiến về tương lai. Từ một người muốn buông bỏ sự sống giờ tôi lại bám riết lấy nó, giữ chặt đến bao giờ cuộc đời nói không thể mới thôi.

Giờ đây khi gặp bất cứ vấn đề gì tôi đều đơn giản hóa nó, nghĩ lạc quan và vui vẻ hơn chính điều đó làm cho công việc được giải quyết dễ dàng và đạt hiệu quả cao. Hiện tại, tôi đã biết đặt mục tiêu sống và theo đuổi nó điều đó làm tôi thỏa mãn và luôn sống vì ngày mai. Tâm trí là nơi bắt đầu mọi thứ. Nếu muốn đời mình bớt nhàm chán thì ngay hôm nay hãy thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta được tạo ra để chinh phục những thử thách và cuối con đường hạnh phúc đang ở ngay cạnh những mục tiêu trong cuộc sống. Khi chúng ta được sống, dám sống thì hãy sống thật tốt. Điều đó không chỉ tô điểm cho cuộc sống của chính mình mà còn lan tỏa những điều tốt đẹp đến người thân và mọi người xung quanh.

Tác giả: Huog123

*Featured Image: bichnguyenvo 

Thư gửi Đức Phật

0

Đà lạt, 18 tháng 5 năm 2018

Đà Lạt mấy hôm nay trời làm mưa. Cứ mỗi bận mưa về là con lại trèo lên gác trùm chăn, con cứ nằm thế nhìn trân trân vào trần nhà và cầu nguyện mong chờ hình bóng Ngài xuất hiện để giúp con trả lời một câu hỏi rất khó mà người đời dưới trần gian này đã hỏi. À không, họ không hỏi. Họ khẳng định. Họ bảo con là con quỷ vô thần. Ngài nghĩ họ nói thế có đúng hay không? Con biết hiện giờ Ngài đang bận cứu rỗi những kẻ đau khổ trên mặt đất trần gian và Ngài chẳng có thời gian để nói chuyện cùng con, vậy nên con viết lá thư này cho Ngài. Mặc dù Ngài sẽ chẳng bao giờ biết con là ai và cũng chẳng rảnh rỗi để cố tìm kiếm khuôn mặt con trong đám đông khuôn mặt khác.

Con thấy mình may mắn vì con có thể nói chuyện với Ngài mà đã biết mặt Ngài. Con thấy khuôn mặt Ngài ở khắp mọi nơi. Từ lúc mới mở mắt là con đã thấy mặt Ngài. Cả tuổi thơ con gắn bó với Ngài, con học lịch sử cuộc đời Ngài, con đọc kinh niệm tụng Ngài truyền giảng, con đến chùa mỗi tuần thăm viếng Ngài và thắp hương vái lạy Ngài. Hồi bé con còn tưởng Ngài cũng thuộc họ hàng thân thiết của con. Ông nội con cũng mặc một bộ đồ y hệt ngài, tay cầm tràng chuỗi hạt, đầu tóc cạo sạch, chân đất không mang dép và vẫn đứng sừng sững trong tấm hình đó suốt bao năm qua. Bằng chứng là cả cha của con bây giờ vẫn tích cực tham gia các hoạt động thăm viếng Ngài thường xuyên. Cả gia đình con mấy thế hệ gắn bó với Ngài. Chính vì thế mà đôi khi con tưởng Ngài là thành viên gia đình.

Con thấy mình thật may mắn vì con biết về cuộc đời Ngài, những ý tưởng trong đầu Ngài, về cha mẹ Ngài, về tuổi thơ tuổi trẻ của Ngài, về quê hương bạn bè Ngài. Chính vì thế mà con biết Ngài muốn con lìa xa Ngài vì con tin rằng Ngài muốn đứa học trò này phải giỏi hơn thầy của nó. Muốn giỏi hơn thì phải đi theo một con đường riêng, con không thể đi theo bước chân Ngài để lại gặp Ngài. Một đứa học trò phải giỏi hơn thầy của nó. Vâng, đó là đức hạnh của một người thầy và con tin Ngài cũng bằng lòng với con điều đó. Nhưng nói thế không có nghĩa con to miệng bảo con hơn Ngài.

Con tôn thờ Ngài nhưng con không dám tin vào những người đang đứng bên cạnh Ngài. Và vì thế mà con đã phải giết con người con ở quá khứ để có thể sống lại giữa mặt đất trần gian này. Con phải lìa xa họ. Ngài bảo xem làm sao con người ta có thể sống mà không dám ăn, không dám nói, không dám đi đứng, không dám thở. Con đã phải giết con để tìm lại con người con. Con đang sống và muốn sống như Ngài. Nhưng con không cần người khác phải trung thành, phải kính trọng con. Con chỉ ước rằng những kẻ khác cũng muốn sống như con vậy thôi. Con cũng có đức tin. Con tin nơi con y hệt Ngài cũng đã tin nơi Ngài. Và giờ khi con đang đi theo con đường của Ngài thì họ lại kết tội. Tại sao con người trên mặt đất trần gian này lại khó hiểu đến thế? Chẳng phải họ cũng đang tin Ngài?

Bi kịch lớn nhất ở đời là mỗi khi một vĩ nhân xuất hiện và nói ra một lời nào thì ngay lập tức có những môn đệ của họ muốn truyền giảng lại những lời đó. Nhưng mặc dù câu nói ấy cũng từng đó chữ được nói ra nhưng nó đã không còn là những chữ của vĩ nhân nữa. Con người đã phạm phải một lỗi lầm lớn nhất là đồng hóa tất cả mọi sự. Cùng một câu nói giống nhau nhưng ý nghĩa của nó đã bị thay đổi theo từng người và từng hoàn cảnh, để rồi kẻ mới chào đời nhẹ dạ mới nghe qua đã vội tin. Và cứ theo điệu đó mà lời nói của họ trở thành một sản phẩm của sợi dây chuyền đã lệch khỏi những mắt xích. Nó chỉ còn là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Ngài có thấy đó là một sự tai hại nguy hiểm.

Con tin vào bản thân con vì con cũng đang tin Ngài. Con không muốn tin những người bên cạnh ngài. Bọn họ đã quá đau khổ chính vì thế mà họ muốn người khác cũng đau khổ giống họ. Họ quá giảo quyệt và gian ác, trong lòng họ tràn đầy hận thù và họ sẵn sàng tấn công bất cứ người nào trái ý họ. Họ tự kết dính dòng máu họ với dòng máu Ngài, họ cho rằng họ có liên hệ quyến thuộc với dòng máu của Ngài nên họ muốn người khác tôn vinh dòng máu của họ, vì đó là cách họ bảo họ tôn vinh Ngài.

Họ tự trói buộc họ vào những xiềng xích, tự biến mình thành những tù nhân và chịu hình phạt đời đời rồi cho rằng đó là mệnh lệnh ban xuống từ Ngài. Họ gọi những gì chống lại họ và khiến họ đau khổ là Ngài. Họ chẳng biết yêu Ngài bằng cách nào khác ngoài việc đóng đinh Ngài vào đời sống này.

Con sống cuộc sống của con. Họ sống cuộc sống của họ. Ngài sống cuộc sống của Ngài. Ngài không thể thở cho cuộc sống của con được. Ngài không có trách nhiệm với cuộc sống của con. Con phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Con phải tự cứu lấy con, chỉ có những nỗ lực của con mới cứu lấy con được. Nếu con muốn nhìn thấy sự tròn vẹn của cuộc sống này, con phải biết rằng mình không cần phải là con người của quá khứ, không tương lai, chỉ được sống ở hiện tại mà không cần phải có một mái che đầu. Không cần một đảng phái nào, không cần một tôn giáo nào, không cần phải đi nhà thờ hay đi chùa mới sống được. Con sinh ra để sống hạnh phúc nhưng tại sao con lại không muốn hạnh phúc?

Con không cảm thấy đau khổ vì người ta bảo con mất gốc giữa cuộc đời. Con sung sướng vì bây giờ con đang được sống. Con đã khôn lớn và trưởng thành trong những công ước của xã hội, của những giáo lý. Con biết rằng nếu con chấp nhận nó thì con sẽ trở thành một phật tử tốt, một công dân tốt. Nhưng một phật tử tốt hay công dân tốt thì được gì nếu không phải là để sống. Chính vì thế mà họ chửi con vô thần và không phải con người, con là một con quỷ. Con cũng nghĩ như họ, nhưng làm một con quỷ vô thần thì có gì là xấu xa khi con chẳng bao giờ làm hại ai cả. Bi kịch không phải là khi con khước từ tôn giáo của mình. Mà bi kịch là khi con lãng quên vai trò giới hạn của chính mình.

Vâng, con cũng muốn làm một con quỷ để bị đầy xuống 18 tầng địa ngục. Lúc ấy con muốn biết rằng Ngài sẽ nổi giận và trừng phạt con thế nào. Con muốn nhìn xem lửa địa ngục mà người ta vẫn đe dọa đáng sợ đến đâu. Và con còn muốn xem Ngài có từ bi như Ngài vẫn rao giảng.

Thôi thư đã dài, con đã nói quá nhiều, con sợ mình đã xúc phạm đến cõi vô hình, bây giờ con sẽ tiếp tục im lặng và chờ đợi xem Ngài có xuất hiện trên trần nhà của con. Hoặc nếu không thì con mong được gặp Ngài dưới địa ngục. Lúc ấy dù có phải chết trong hỏa ngục con vẫn mãn nguyện vì con là người vinh dự được biết đến sự tồn tại của Ngài.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Devanath 

[BDT2018] Tâm hồn mày đã chết bao lâu rồi?

10

Này thằng bạn, tao biết mày đang trong tù, đang sống những ngày tháng không còn giống là con người nữa. Mày bị tước đi nhiều thứ quyền mà cả tạo hóa lẫn xã hội ban cho? Lần gần nhất vào thăm, mày nói mày không muốn sống nữa, mày muốn kết liễu nhanh chóng cho gọn, sạch và đẹp. Nhưng tao viết mấy dòng này chỉ để muốn mày biết, mày còn đáng sống, thèm sống và còn đang sống hơn rất nhiều người ngoài khung cửa sắt kia.

“Tao đã chết lâu rồi

Tao chỉ đang tồn tại thôi…”

Lại tao kể mày nghe, thứ hai tuần trước tao lần nữa say mèm. Cứ khi nào cảm thấy áp lực và bí bách về cuộc sống là tao lại tìm đến thứ nước lỏng pha cồn và được chưng cất. Chỉ những lúc ấy, những lúc cả người lâng lâng, tim đập mạch và đầu thì choáng váng, những lúc nước mắt thèm được ứa ra thì tao mới thấy chính tao hiện lên trước mắt. Mày thấy gì ở tao hả homie? Một con bé biết nỗ lực vươn lên, một con bé trong mắt nhiều người có tất cả mọi thứ? Gia đình giàu có và hết mực được chiều chuộng, có học thức, biết sống tự lập, tự kiếm tiền và nhiều trải nghiệm, lại còn đang lĩnh hội tri thức bên trời Tây. Tao có nhiều cái mà người đời vẫn thường mơ ước. Tao biết, mày cũng biết. Nhưng có thứ mà nhiều người không biết: Tao không có cuộc sống cho riêng mình.

Hôm tao say, tao mò đến nhà thằng Cà Rốt cách chỗ tao hai ga tàu điện. Giây phút hai đứa lững thững giữa những ánh đèn đường đêm hiu hắt của cái thành phố xa xỉ bậc nhất thế giới này, tao nhận ra chúng tao đang dành cả thanh xuân để làm cái quái gì nơi đất khách quê người vậy? Chúng tao lạc lõng vô hồn, lầm lũi bước đi giữa hàng trăm con người cũng bước đi vô hồn trên đường phố. Thằng Cà Rốt nhăn mặt khó chịu khi tao lảo đảo với chai Vodka trên tay, trông kệch cỡm và buông lơi giữa hàng hàng lớp người văn minh và trông tri thức. Nó lôi tao về phòng, chẳng nói chẳng rằng chỉ ôm tao thật chặt. Nó chỉ cần cất tiếng hỏi chưa dứt câu, tao đã òa lên như đứa trẻ cả năm chưa được khóc.

Tao nói tao thèm chết khi chính mình không còn những đam mê như ngày nào. Khi tao phải vần xoay để làm hài lòng cả thế giới, tao thèm tìm thấy con người tao với trái tim loạn nhịp nóng hổi và yêu thương cuộc đời. Tao thèm thấy mình phơi phới khi làm việc, khi hướng tới tương lai, chứ không phải bước những bước vô định mà chính tao còn không biết đích đến.

Tao gằn từng câu chữ về số phận của một đứa trẻ sinh ra đã đủ đầy mọi thứ, của một đứa đã sống cuộc đời hoàn hảo nhưng sự hoàn hảo đó được vun đắp là do nó đã từ bỏ những thứ nó yêu nhất. Thứ đồ chơi nó thích nhất, môn học nó muốn học nhất, mái trường nó yêu nhất, đứa bạn thân nó muốn chơi cùng nhất, tiếng đàn nó muốn cất lên nhất, bức tranh nó muốn vẽ nhất, lời ca nó muốn soạn ra nhất, và cả về sau, nó cũng phải từ bỏ công việc mà nó đam mê và người con trai nó yêu nhất. Tất cả chỉ vì để theo đuổi một cuộc sống mà xã hội ngoài kia muốn nó phải thế.

Như bao nhiêu đứa trẻ được coi là thiên tài, nó cần học để trở thành một tiến sĩ, giáo sư, nhà kinh tế học, thay vì vác cây đàn lênh đênh trên những nẻo cao của Tổ quốc, thay vì ngông ngênh và ngạo nghễ trên những chiếc mô tô phân khối lớn. Nó cần viết những bài luận xuất sắc thay vì soạn ra những lời ca mướt mải của một đời theo đuổi tự do và khát khao như cánh chim muốn đạp bằng sóng vỗ. Nó cần những dự án thay đổi một vài hệ sinh thái hơn là tiếng đàn tiếng hát ngân vang trong những đêm lửa trại cùng màu áo xanh sinh viên nhễ nhại mồ hôi. Nó cần những phát minh giúp cuộc đời tốt đẹp hơn, nó vùi đầu vào những con số, tính toán và phương pháp. Nó bật lên thành tiếng trong giấc mơ về những lý thuyết của những ông cụ thiên tài đi trước hơn là thả mình vào những ngày gió tạt cỏ lau trên cao nguyên có những chú bò ngênh ngang cùng diều sáo…Tao thương con bé ấy, nó bị giằng xé và bế tắc. Bi kịch của đời người là mắc kẹt trong chính những suy nghĩ của mình.

Tao nấc lên những tiếng không ra hơi: “Tại.sao…em.không.được.sống…cuộc.đời.của…riêng.em?”

Cà Rốt liếc nhìn tao, ánh mắt nó đột nhiên lạnh lùng rồi nó buông một câu cũng lạnh lùng không kém: “Anh chết lâu rồi.”

Tao im bặt. Tao bị bất ngờ trước lời hồi đáp đó. Nó chỉ nói ngắn thôi chứ chẳng mè nheo nhiều như tao, nhưng còn đau và buốt đến tận tim hơn là tao đang khóc. Nó bảo con người sinh ra đâu phải ai cũng có thể sống cho riêng mình. Con người mình tồn tại thôi, chứ tâm hồn thì đã chết đi từ lâu lắm. Có cái gì đó còn hơn cả sự đồng cảm, tao chợt nhận ra không chỉ riêng tao, một lớp người giống tao mà nhiều người, có khi sâu thẳm trong tất cả con người, chúng ta mắc phải cùng chung một bi kịch. Cái câu nói ấy, rằng mày đã chết từ tuổi hăm lăm, nhưng đến bảy lăm tuổi mới được chôn, đâu phải là không có cớ.

Tao tự hỏi liệu ngoài tao, ngoài thằng Cà Rốt, còn ai vầy nữa không? Đã bao lâu rồi các mày không còn vui thích với những điều nhỏ nhoi? Đã bao lâu rồi mày không thấy hứng khởi mỗi khi bừng dậy thấy ông mặt trời và vui vẻ bắt đầu ngày mới? Đã bao lâu rồi mày không yêu, không khát khao dấn thân vào những điều mới lạ? Hay đã bao lâu rồi các mày quen với văn phòng, với lịch làm việc dày kín, với deadline, công văn, với sếp, nhân viên, khách hàng,…?

Tao đang hỏi mày đó homie? Chẳng phải mày đã quá áp lực với những thứ đó trước khi mày say mèm và điên khùng vùng lên phang thẳng chai rượu vào đầu thằng Sếp? Người ngoài nói mày ngổ ngáo, khùng điên, nhưng tao chỉ thương mày vì mày đang mắc kẹt giữa lằn ranh giữa sống và chết. Chết không phải là khi thân xác mình tan trong đất, nó chỉ đơn giản là mỗi ngày mày không còn cảm nhận được sự sống nữa mà thôi. Cho tao ôm mày cái nhé homie, cho những kẻ đã phải dành cuộc đời của mình cho những cuộc đời khác.

Nhưng homie ạ, tao biết mày chỉ đang ở lằn ranh thôi, đừng rơi sang phía bên kia chết chóc. Tao biết mày còn vùng lên là còn đường để thoát. Mày còn mẹ già mong ngóng mày từng ngày để về, mày còn con người yêu nuốt nước mắt vào trong mà nỗ lực vì tương lai hai đứa. Mày còn tài năng, còn trí tuệ, còn đôi bàn tay. Mày còn có khát khao mở nhà hàng ngay cạnh biển với những con tôm hùm to bằng nửa cái nồi cơm điện trong câu chuyện phiếm mày hay kể những ngày ở cao nguyên. Mày thèm ra khơi, thèm nghe lời thì thào của thần Đại Dương vỗ vào tai, mày thèm mùi mặn nồng phả trong gió cát. Mày yêu những vỏ ốc trắng trải nơi triền bãi, yêu những con cá kình to khỏe tổ bố như voi, mày yêu những bãi san hô đủ sắc màu mà tao sợ chết khiếp vì bị xước toét tay chân.

Mày từng thủ thỉ với tao về khao khát lớn nhất đời mày: Là tiếp bước cha mình giữ gìn từng hải lí trên vùng biển quê hương. Mày bảo: Chẳng yêu đâu bằng biển đảo quê mình. Nơi gió xương chôn vùi hàng bao nhiều đời trai tráng để cháu con gìn giữ. Ước mơ và khát khao mày còn đó. Mày còn thứ ánh sáng le lói nơi cuối đường, bắt lấy nó đi mà đứng dậy homie. Mày còn sống vì còn lý do sống cho riêng mày. Thời gian ở tù không đánh gục nổi mày, nó chỉ khiến mày trở lên vững bước với cuộc đời. Cái gì không giết được mày thì sẽ khiến mày mạnh hơn.

Tao với thằng Cà Rốt còn hai tháng nữa là xong dự án. Chúng tao đã chết trong tâm hồn, nhưng chúng tao nguyện lấy phần xác và phần đời còn lại đóng góp cho thế hệ sau. Ít ra cuộc đời còn có ý nghĩa. Nước mình còn nghèo còn khổ lắm. Riêng mình mình sống đủ đầy cũng đâu có thoải mái hơn. Có thể tao không thấy còn vui khi phải đánh đổi tuổi trẻ và đam mê của mình vì sự nghiệp. Nhưng chắc chắn tao sẽ vui khi những đứa trẻ vùng cao, nhờ dự án của tao mà có cơ hội tiếp bước tới trường, đến với khoảng trời tri thức mới. Chắc chắn thằng Cà Rốt cũng sẽ cười, khi hệ thống đường sắt quốc gia nhờ ý tưởng cải tiến của nó mà nhanh hơn và tiện nghi hơn. Chắc chắn rất nhiều người khác nữa, cũng sẽ hài lòng khi tài năng và nỗ lực của mình đang ngày ngày góp phần vào sự phát triển của đất nước. Cả một lớp người trẻ như chúng ta đang hi sinh phần đời của mình mà kiến tạo lên xã hội tốt hơn, văn minh hơn, để dân Việt mình không còn đói khổ, lạc hậu, không còn phải cúi mình khi ra biển lớn.

Tao biết tâm hồn ai rồi cũng có những lần chết. Nhưng sau cái chết ấy mày biết hiến thân cho những điều ý nghĩa, làm lên những kỳ tích tuyệt vời, thì có khác đâu chết mà lên Thiên Đàng, và cuộc đời mày cùng nhiều người mới thêm đáng sống.

Tác giả: Lyocanty

 *Featured Image: Bess-Hamiti

[BDT2018] Bước ra khỏi vũng sình lầy

12

Tôi ngồi đó. Im lìm. Tôi ngồi đó. Nhìn nỗi đau liếm dần từ bàn chân, đến đầu gối, thắt lưng, lên tới ngực rồi càn quét khắp đỉnh đầu. Toàn thân tôi cứng đờ như khối gạch nung chỉ chực nổ tung trước sức nóng hàng ngàn độ C. Tôi đau đớn khốc liệt đến mức tưởng rằng có vô số sâu bọ đang đục phá xương tủy mình.

Khi cơn đau chạm đến giới hạn chịu đựng, tôi từ từ nhả đôi chân, giải thoát mình khỏi tư thế kiết già. Để tránh nhiễu động không gian hành thiền thinh lặng, tôi kìm nén để không phả ra tiếng thở ồ ồ dồn dập, vừa vuốt khẽ đôi chân, xoa dịu cơn đau. Tôi quỳ hai gối xuống nền nhà, một tay chống xuống nền gạch gỗ, tay còn lại vịn bờ tường để lấy sức đứng lên. Tôi đứng yên hồi lâu, để cơ thể làm quen với thay đổi, rồi khom người bước đi chậm chạp, lặng lẽ như lá cờ ủ rũ trong trời mưa.

Đó là những ngày tôi tập ngồi kiết già ở tuổi 29.

Thiền sư nói: “Có nhiều tư thế ngồi thiền: kiết già, bán kiết già, xếp bằng, ngồi trên ghế… Các bạn hãy chọn cho mình tư thế ngồi thoải mái, phù hợp với bản thân, để ngồi được lâu nhất.’’

Đau đớn, là chính tôi chọn lấy. Bởi tôi có một lời nguyện. Cũng bởi, đau đớn thể xác này, so với ngày hôm qua, chỉ như muối bỏ bể, nào có xá gì!

Khi còn là đứa trẻ, tam giác cuộc đời tôi đã xoay quanh ba cạnh: Bạo hành, xâm hại tình dục và biến cố gia đình. Tâm trí tôi cứ chạy đi chạy lại, chạy tới chạy lui trong ba cạnh đó, không cách nào ngăn nó ngừng khuấy đảo và xé rách ngày đời tôi. Tôi chống cự, bằng tất cả sức lực. Nhưng tam giác đó vẫn làm tuổi thơ tôi nhàu nát, phủ bóng tối u ám và nỗi ngờ vực khôn nguôi xuống suốt quãng đường trưởng thành.

Từ bé thơ, tôi vốn không hiểu tại sao tình cảm mẹ dành cho tôi lại thiên lệch đến vậy? Một dấu chấm hỏi lớn, treo lủng lẳng giữa tôi và mẹ, ghim vào lòng tôi những vụn vỡ khiến tôi ngơ ngác. Tôi lớn lên cùng với trận đòn triền miên của mẹ, vết đánh lằn ngang lằn dọc, đôi khi tứa máu. Ở trong nhà hay giữa đám đông, mẹ đánh tôi bằng mọi thứ có thể: Đòn gánh, cây bạch đàn, thanh củi, đũa, thìa… Khi không kiếm được vật gì, mẹ dùng bàn tay, sau đó là những cái tát nổ đom đóm mắt.

Giữa đời sống, trong thời thiền, tôi luôn run bắn người lên trước những hình dung về mẹ. Càng cố gắng gạt đi thì đến đêm tối, ký ức trở về sống động. Một tôi nhỏ bé leo trèo cửa sổ, đầu va vào cạnh tường, máu chảy bê bết sau lớp tóc rối. Sợ hãi, tôi gọi mẹ. Rồi mẹ quát tháo, mẹ chửi tôi lên bờ xuống ruộng. Tôi lau nước mắt, quay đi. Gió ngày hôm đó tạt vào mặt, luồn qua tóc mát lạnh, tôi nghe lòng mình tê tái.

Ký ức vùng vằng ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên: “Mẹ ơi, quần con có máu…” Giận dữ lại trút xuống. Mẹ bỏ mặc tôi. Tôi bối rối, hoay loay với miếng băng đầu tiên. Vào khoảnh khắc đó, tôi thấy tồn tại của mình ở cuộc đời này thật lạ lùng và rẻ rúng. Tôi như một vì sao cô độc sa xuống bầu trời đêm, không còn tìm thấy ánh sáng. Tôi khắc cốt ghi tâm: “Người duy nhất mà mày có thể trông cậy, đó là mày!” Bên trong tôi, tất cả khô lại, tôi trở nên cứng rắn và lì lợm, tôi trốn vào trong sự im lặng cằn cỗi. Tôi không còn khóc ré lên khi mẹ đánh, nước mắt ngừng rơi, không van nài nữa, tôi trơ mắt nhìn đòn roi vụt xuống. Có lúc, tôi còn cười. Liệu đó có phải là nụ cười thách thức, hay là loại cảm xúc được sinh ra từ những cơn buồn bã đan cài và vặn xoắn lại cùng với giận dữ?

Ký ức lướt qua ngày tháng non nớt, cơ thể của đứa con gái đang dậy thì đã bị vấy bẩn bởi bàn tay già nua của một người thân trong dòng họ gia đình. Hàng tỉ lần, tôi muốn xóa sạch ký ức, muốn mọi hình dung xấu xí về chuyện cũ biến mất, để tôi dũng cảm nhìn vào khuôn mặt nhắm nghiền, để tôi dành cho người lòng tôn trọng lần cuối khi quỳ gối trước linh cữu. Nhưng tôi đã mãi mãi mắc kẹt ở thời khắc đó, không thể đi xa hơn, không tiến thêm bước nào. Chỉ còn lại tôi méo mó, dị dạng. Tôi căm ghét cơ thể và giới tính của mình. Tôi ghê tởm mọi động chạm. Tôi nỗ lực triệt tiêu hấp dẫn tính dục khi cắt phăng mái tóc dài ngang eo, tạo kiểu tóc bờm xờm ngắn ngủn nhìn thấy cả da dầu, ăn mặc xuề xòa và kín bưng từ trên xuống dưới, để không ai nhận ra tôi là nam hay nữ. Mỗi lần soi gương, tôi thấy mình mất mát ghê gớm điều gì đó…

Mẹ tôi không hẳn là người bạc ác hay nhẫn tâm, ngược lại mẹ rất dịu dàng, trìu mến. Yêu thương đẹp đẽ đó, mẹ dành tất cả cho anh trai. Mẹ nuông chiều anh từ nhỏ đến lớn. Một bên là tình cảm ghẻ lạnh, một bên là quan tâm thừa mứa. Sự thiên lệch đó đã dẫn đến những hệ lụy không tránh khỏi. Anh dễ dàng sa đà vào cám dỗ. Kinh tế gia đình từ đó lao đao. Bố vốn phải đi làm xa để nuôi cả gia đình, nay cuộc sống càng chật vật hơn. Mẹ tiêu xài quá tay, lại không quen với khó khăn, khi kinh tế eo hẹp, mẹ chới với và bắt đầu hành động sai lầm. Đỉnh điểm là lúc mẹ quyết liệt đòi ly hôn để được chia tài sản. Mẹ bán hết đồ đạc trong nhà, mang theo số tiền duy nhất còn lại, bất chấp tất cả, mẹ bỏ đi, đẩy gia đình vào cảnh khánh kiệt và ly tan.

Rồi cuộc sống vẫn cứ trôi chảy, dù cho bạn đã chạm đáy hay vẫn còn chênh vênh. Từng ngày những cơn gió cảm xúc vẫn thổi chiều bạo liệt. Sau ngày mẹ người yêu tôi ngất xỉu trước mặt tôi và kịch liệt phản đối mối quan hệ của hai đứa, tôi thấy đã quá đủ. Tôi quyết định để lại mọi thứ, rời khỏi Việt Nam. Là bác ấy không chấp nhận anh lấy tôi làm vợ, bác nghĩ rằng tôi sẽ đi theo vết xe đổ của người phụ nữ thiếu chuẩn mực như mẹ tôi.

Tôi cũng chỉ có thể cười…

Tôi uống từng ngụm biến cố để chuếnh choáng say trong dư vị thăng trầm, hằng mong mình có thể chấm dứt lối mòn khô khan của khổ đau. Nhưng nỗi buồn thương là cái cây không có vòng tuổi, tôi vĩnh viễn không bao giờ còn ngây thơ như trước nữa.

Tôi học như điên để vào học trường Chuyên, thoát ly khỏi gia đình. Khi đó, tôi 14 tuổi. Mọi người nghĩ tôi giỏi giang, có tiền đồ. Chỉ tôi biết, đó là cuộc tháo chạy thực sự, rời xa mẹ, từ bỏ gốc gác của mình. Những gì diễn ra khiến tôi trải nghiệm nỗi ám ảnh còn dữ dội hơn cái chết. Cái chết thực sự không đáng sợ bằng sự dày vò của bản thân về việc mình đang mất đi kết nối với sự sống – ở ngay tại thời điểm mình đang sống. Người tôi gặp, nơi tôi đến, tất cả trôi qua hối hả như cụm mây lúc trời giông bão. Tôi tìm cách hủy hoại các mối quan hệ xung quanh, như một cách để tự cứu lấy bản thân. Đau thương và phẫn nộ, u buồn và bất lực, tôi trở nên kỳ quặc lẫn cực đoan. Bạn bè rời xa. Bên tôi chẳng còn ai. Tôi cũng không còn liên hệ với gia đình, nguồn cội.

Tôi không biết vì sao những cây xương rồng lại có gai, vì sao tôi lại sinh ra làm con của mẹ, vì sao người thân làm tôi đau đến vậy? Vào ngày đời hoang vu nhất, nhìn những mũi gai nhọn đâm vào mùa đông lạnh giá, tôi đã ứa nước mắt. Tôi nhận ra thiếu thốn của mình, rằng tôi không hiểu gì về yêu thương. Tôi thừa nhận mình đã làm mọi cách để chống lại hay xóa bỏ thiếu thốn đó. Tôi nỗ lực trong cùng cực và tuyệt vọng, chỉ để một lần, một lần thôi, được mẹ ôm vào lòng.

Tôi chấp nhận là mình đã rất khó khăn để học cách sống một mình, từ khi còn là đứa trẻ. Tôi ngủ co ro trong tư thế bào thai để tự bảo vệ mình, tôi nổi loạn, tôi phòng ngự, tôi buộc mình phải mạnh mẽ. Tôi giao du với người nào cho tôi cảm giác có mẹ, tôi gửi hàng loạt tin nhắn cho những người mà tôi nghĩ rằng họ sẽ giúp tôi lý giải quá khứ. Nhưng vô ích, thiếu thốn trong tôi vẫn còn nguyên, không sao khỏa lấp.

Đó là một phần của câu chuyện xưa cũ, tuy không phải là tất cả, nhưng là phần dữ dội nhất. Tôi nỗ lực viết ra thật gọn gàng, chân thực, về trải nghiệm tôi đã có, về va chạm tôi đã từng. Mặc dù tôi biết, câu chữ chỉ là đống ngôn ngữ xáo rỗng, không thể điễn đạt thấu đáo ngày hôm qua.

Ở Myanmar, tôi biến mất vào trong sự cô độc hãi hùng. Tôi chọn cho mình phần khó khăn nhất, như cách cuộc đời đặt lên đôi vai trẻ nhỏ – quá nhiều nặng nhọc. Tôi chọn ở trong căn phòng chứa nhiều âm khí nhất, trên tầng cao nhất của tòa nhà 5 tầng. Hàng ngày tôi vẫn vịn cầu thang lê từng bước về, toàn thân kiệt quệ rã rời. Buông mình xuống giường. Mắt nhìn vào khoảng không. Tôi thở khẽ. Căn phòng đóng lại!

Cứ như vậy, tôi sống ẩn dật. Hàng ngày dậy lúc 3h30, thiền từ 4h sáng đến 7h30 tối. Một ngày có 5 thời thiền, mỗi thời kéo dài 1 tiếng rưỡi. Tôi thường dùng khoảng nghỉ giữa các thời thiền để đi kinh hành ở dưới hàng cây cổ thụ. Tôi ăn 1 ngày 2 bữa, vào lúc 5h30 sáng và 10h30 trưa. Trong 18 tiếng còn lại, tôi không ăn thêm thứ gì.

Ở giữa “đoạn trường khổ lụy”, bước vào khóa tu, tôi bắt đầu trận chiến đơn độc với chính mình. Bằng mọi giá, tôi cần hiểu được dòng sự kiện đã qua, phải lý giải được: Tại sao? Chuyện gì đang xảy ra với mình? Tôi quyết tâm ngồi kiết già vì tôi biết mình tìm kiếm điều gì ở nơi hẻo lánh này. Tôi nuốt nước mắt, cắn răng chịu đau đớn để tác động vào huyệt Tam Âm Giao trong tư thế kiết già. Khi huyệt này được kích hoạt liên tục thì sẽ giúp dưỡng âm, làm ổn định và xoa dịu thần kinh. Đây là điều mà tôi nhắm vào trong giai đoạn tu tập đầu tiên.

Ngày đầu tiên xếp chân ngồi chéo, chỉ mới 10 giây là cơ thể tôi đã run lên bần bật. Không chịu được, tôi nhả chân ra. Lần sau, tôi tăng thời gian ngồi lên, từ 10 giây, lên 30 giây, rồi 45 giây, rồi 1 phút, 10 phút, 30 phút, 1 tiếng, 2 tiếng… Quá trình tăng tiến đó diễn ra trong hàng tháng trời. Tôi cứ ngồi, cơn đau đến và tôi chịu đựng. Ngày ngày tôi sống cùng với cơn đau đớn tê dại đó. Cho đến một buổi sáng tháng 5 mưa ẩm ướt, tôi ngồi xuống, chờ đợi cơn đau đến, như mọi lần. Nhưng đợi mãi mà không thấy cơn đau xuất hiện. Nhiều ngày sau, cơn đau hoàn toàn biến mất, không trở lại thêm lần nào nữa.

Sự kiện kỳ lạ này đã ủi an tôi. Phía trước vẫn là màn đêm, nhưng tôi biết mình đi đúng hướng. Tôi tận hưởng niềm vui lặng lẽ như Dương Quá khi chọn thanh Huyền Thiết Trọng Kiếm, vốn là thanh sắt màu đen trũi, vừa nặng, vừa cùn, thiếu bén nhạy, lại di chuyển bất tiện để luyện thành kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm. Tôi cũng đã dùng chính đau dớn đọa đày này để luyện nội lực cho mình. Cũng giống như trước khi tự tử thành công, một người phải vượt qua được sự suy kiệt tinh thần mãnh liệt để thực hiện hành động cuối cùng. Chính động lực thôi thúc vượt qua đó, nếu đặt ở một hoàn cảnh khác, thì nó lại là một loại tinh anh về cảm xúc và tinh thần để trải nghiệm sự sống chân thực, vẹn nguyên. Và đây là đích đến thứ hai của tôi.

Hẳn nhiên mọi thứ không hề dễ dàng. Khi cố gắng “bước ra” khỏi vũng sình lầy đó, tôi học được cách “bước lên” trên trận đồ cuộc sống vốn đã chứa đựng nhiều điều rối rắm và phức tạp, để nhìn sâu vào bản chất của chúng. Tôi dần hiểu mối liên hệ nhiệm màu giữa thiếu thốn và ham muốn. Ham muốn sinh ra từ cảm xúc lộn xộn ban đầu về tình trạng thiếu thốn và bị giới hạn, rồi tạo thành động lực thôi thúc tinh vi để lấp đầy những thiếu thốn. Đào sâu vào tâm thức, tôi nhìn ra nỗi khổ niềm đau gói trong ham muốn và thấu hiểu sự xung đột giữa các ham muốn. Tiếp đến, tôi xây những cây cầu hóa giải xung đột, tạo những cuộc đối thoại công bằng giữa từng phần ham muốn đối nghịch nhau. Bằng cách rút dần các suy nghĩ ra khỏi quá khứ tăm tối, mở ra thật nhiều không gian yên ổn bên trong, tôi dần phát triển được tâm thức vững chãi và lành mạnh. Từ đó, tôi tìm thấy điểm cân bằng luôn tồn tại ở giữa những thái cực trái ngược nhau, để tự mình chiêm nghiệm cái thực tại đang là.

Trở về Việt Nam, lần đầu tiên tôi ngắm thời gian trôi qua đẹp đẽ, thăng bằng đến vậy. Tôi đã nhìn khao khát của mình vụn vỡ trong đêm mùa hạ chứa chan sao trời ở Myanmar. Để giờ đây, tôi chẳng bận tâm xem mẹ có tìm kiếm tôi giữa những chuyến người xuôi ngược hay không? Tôi đã không còn quay trở lại nơi chốn cũ nữa, cũng không còn mơ lại giấc mơ xưa nữa. Tôi đã trở thành một con người khác. Cả giấc mơ còn lại cũng giống như một đêm nằm ngủ, mở mắt ra và thấy bên trong cơn mộng của mình vẫn còn nguyên sự tỉnh thức.

Tôi gặp mẹ, tha thứ cho quá khứ của tôi và mẹ, đón mẹ về nhà để gia đình đoàn tụ. Tôi kết nối lại với những người bạn cũ, gửi lời xin lỗi vì đã làm tổn thương họ. Thôi nghĩ về ngày tháng buồn, tôi mở ngỏ cánh cửa tương lai, tin rằng, dù có như thế nào, tôi vẫn luôn sẵn sàng, với mọi điều đang đến!

KoE
Sponsored

Này bạn ơi! Nếu bạn có nhiều ngày bĩ cực, nếu bạn thấy cuộc đời mình vô phương cứu chữa… Thì bạn của tôi ơi! Thực ra mọi thứ không như bạn nghĩ đâu. Bạn không phải là nạn nhân của hoàn cảnh. Tâm trí đôi khi là kẻ lừa phỉnh đáng ghét. Sẽ có rất nhiều vực thẳm và rối ren, cho đến khi bạn nhận ra chúng chỉ là hình hài khác của tâm thức bị bóp méo.

Tạo hóa vốn kỳ diệu. Tạo hóa biết chính xác khả năng và mức độ chịu đựng của từng người để gửi vào đó những bài học tương ứng. Tạo hóa sẽ chẳng trao cho bạn những bài học quá sức. Tất cả đều cân bằng, như nó phải thế! Hãy tin tưởng vào nội lực của chính mình. Đừng sợ đau khổ. Điều bạn cần làm là: Đánh thức nguồn lực có sẵn bên trong. Bằng cách dừng lại, tách mình ra khỏi hoàn cảnh và cảm xúc, im lặng lắng nghe từ trong sâu thẳm, liên tục hỏi mình những câu hỏi: “Vì sao?”, “Tại sao?”, “Như thế nào?”… Hãy hỏi liên tục. Chúng sẽ chỉ đường cho bạn, đưa bạn đến những cột mốc, giúp bạn nhìn ra điều gì được giấu kín sau lớp áo khổ đau, cũng như cho bạn thấy được những ẩn mật của bản chất thực tại.

Tôi gọi mình là “người đàn bà nơi xứ lạ.” Tôi đã đi một quãng đường dài. Xuyên thẳng qua nụ hôn của những ham muốn yếu mềm, bỏ lại những tổn thương trên hành trình thiên lý, chỉ để được trở về Nhà – nơi tôi có toàn quyền định đoạt Bình An cho chính mình!

Và tôi tin, bạn cũng sẽ như vậy!

Gửi tới các bạn, lời thương yêu trìu mến!

Tác giả: Sukha

*Featured Image: Free-Photos

Thư gửi người yêu cũ

0

Hôm nay, người yêu cũ có vợ!

Tôi đã quen rồi cái thói diễn đạt cảm xúc bằng ngôn từ. Và hôm nay hãy cho phép tôi được làm điều đó. Tôi thề là tôi đã không yêu một ai khác ngay lúc này hơn là Tự Do.

Có hai ngày trọng đại nhất trong cuộc đời mà tôi nghĩ mình phải trải qua. Là khi tôi theo người lên xe hoa về bên kia sông. Ngày còn lại là giây phút trọng đại anh trong tay cùng người ấy bước vào lễ đường. Tôi đã mường tượng khung cảnh ấy hơn một tỉ lần trong cuộc đời khi chúng tôi chấp nhận sống một cuộc đời không có nhau, nhưng khi nó đến, nào ai ngờ lại nhẹ nhàng đến thế. Có những điều không thể dùng những ngôn từ cũ kỹ này để diễn đạt thành lời. Có những cảm xúc kiềm nén và chôn chặt. Chúng ta sẽ tự giết chết chính mình bằng hành động ngu ngốc ấy. Thôi thì cứ trả cho hết duyên nợ cuộc đời rồi tiếp tục bước đi và xin đừng quay lại đứng nhìn.

Những làn khói trắng bốc ra, ly rượu nồng tôi uống cho ngày vui anh đưa người sang sông.

Xin gọi anh và xưng em trong suốt những trang viết trải dài ngày tháng này để hoài niệm lại những năm tháng qua đi bằng một cách chân thành và gần gũi nhất em có thể. Cái câu gọi anh xưng em chưa bao giờ được dùng để gọi nhau cũng như những điều thầm kín chôn dấu chưa bao giờ to nhỏ cùng ai.

Một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào rồi cũng có khổ sở của nó. Người cam đành biến mình thành kẻ bội bạc là người mạnh mẽ cứng rắn hơn để mở ra lối đi, giải thoát cho người kia khỏi sự ngạt thở bấy lâu nay mà trong thời gian qua ai cũng đã cố gắng để đóng trọn vai diễn trong cuộc đời nhau.

Chẳng cần nhắc đến bảy năm trời dài lê thê ấy, chỉ cần biết những chân thành đã qua cũng đủ làm kỉ niệm quý báu và lâu dài nhất trong 1 đời người. Trên cương vị là một người yêu hay người bạn, người tri kỉ, em biết ở vị trí nào chúng ta cũng đã có thật nhiều kỉ niệm đẹp trôi qua trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta rồi sẽ có thêm thật nhiều những kỉ niệm đẹp khác trong những ngày sau, nhưng những kỉ niệm đó thì không thể đánh đổi được với nhau. Cũng như không có một ai khác hơn có thể thay thế. Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt và hoàn toàn chẳng có điểm tương đồng.

Xin cám ơn những năm ròng rã nâng niu tình yêu ấy. Cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được. Đã bao năm qua em sống và ước mơ được có anh bên cạnh dài lâu trên chặng đường dài phía trước. Đã có những khi em muốn trở lại Huế để sống một cuộc đời thật bình thường trong căn nhà nhỏ có riêng hai ta. Trong những ngày tháng gần đây em dường như đã chán chê sự chen đua vào đời sống. Em chẳng biết Sài Gòn có gì vui mà người ta cứ muốn sống ở đây ngoài sự chật chội ồn ào và khói bụi ô nhiễm. Bây giờ mọi điều đã lỡ. Ước mơ chỉ còn lại trong tay em như một ngọn nến không được đốt lên. Trong tình yêu này, chắc chỉ có em hồn nhiên đến thế này. Em nghĩ mình thật tội nghiệp đáng thương.

Em bây giờ tự tìm cách sống riêng cho bản thân mình để tiếp tục đi tiếp những ngày tháng không còn anh bên cạnh. Để vui chung với niềm vui của những khuôn mặt quen thuộc, để yêu thêm yêu tiếp những thiết tha trong cuộc đời với niềm tin vào tình yêu. Tình yêu anh vẫn sẽ mãi sống cùng em đi qua những năm tháng cuộc đời như một người cha già vẫn luôn dõi theo bước chân con gái. Nó sẽ dạy em cách yêu, cách sống vì yêu và cái cách để trưởng thành trong chính tình yêu.

Anh hãy hạnh phúc ở đó, hạnh phúc cũng sẽ tìm đến em như điều hiển nhiên nó sẽ đến.

“Suốt con đường ai dìu lối, hãy yêu nhiều người anh tôi. Xin gửi anh một lời chào, một lời yêu, một lời thương, lần cuối cùng.”

Lá thư đã không được gửi đi. Địa chỉ người gửi giờ đã thành một căn nhà hoang tàn bị đổ nát bám đầy bụi rêu phong trong kí ức. Thứ giấy cũ kỹ đã úa vàng vì tháng năm, lâu rồi tôi không còn viết thư cho ai. Cuộc sống đôi khi lấy đi của người ta thật nhiều thứ.

Đây là lá thư cuối cùng tôi viết cho người tôi yêu trong số trăm ngàn lá thư và các bài thơ khác nhau tôi từng viết tặng người ấy. Và giây phút này, tôi gấp lá thư lại, nâng niu nhẹ nhàng cho vào phong thư rồi đặt lại vào vị trí cũ. Đã đến lúc tôi có thể bắt đầu viết tiếp những lá thư khác, cho một con người khác.

Nhắm mắt lại, tôi thấy cuộc đời này tựa như một giấc mơ. Bạn đừng quá đau buồn. “Mọi thứ rồi sẽ qua.’’

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: lailajuliana 

 

 

[BDT2018] Bước vào bức tranh cuộc đời

3

Tôi sinh ra trong một gia đình không dư dả, nhưng đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất. Không phải là một gia đình yên ả, song sự bao bọc quá kĩ lưỡng của những người yêu thương làm tôi có một ảo tưởng lớn về cuộc đời. Từ những ngày thơ ấu, tôi đã coi mình là trung tâm trong cuộc sống của chính mình. Rằng con người ai cũng tốt đẹp với tôi, và với những người khác. Để rồi khi gặp phải những sóng gió đầu tiên, ảo tưởng đó có chiều hướng đi xuống một cách tất yếu. Thế giới quan ngây thơ của một đứa trẻ trong thân xác đã lớn bị huỷ hoại theo một cách mà bản thân nó thấy là toàn diện.

Những việc nhỏ nhặt như bạn thân tôi có chuyện mà nó không chia sẻ với tôi mà hỏi ý kiến một người khác, tôi coi đó là một sự sụp đổ niềm tin trầm trọng, như thể không còn ai muốn ở bên mình nữa. Tôi là một người tồi tệ không xứng đáng có bạn bè, vì tôi không thể giúp đỡ gì cho họ. Khi tôi không đạt một điểm số ưng ý, tôi rất sợ gia đình thất vọng. Sau này tôi sẽ chẳng làm được gì nên hồn. Xã hội sẽ đào thải mình, khiến mình trở thành người thừa, thành đá lót đường cho người khác.

Để thoả mãn trí tò mò của tuổi trẻ và cứu rỗi tâm hồn, tôi tìm đến nhiều thú vui. Song không từ cái gì tôi có được niềm yêu thích và thành công trọn vẹn. Tôi không có điều kiện tốt nhất để theo đuổi sở thích của mình. Xung quanh bao giờ cũng là cũng có người giỏi hơn, khiến tôi nhanh chóng nản chí kể cả khi công sức và tiền bạc đã bỏ ra là không ít. Cứ tới một giai đoạn nhất định, tôi sẽ lại cảm thấy mọi thứ thật chẳng có ý nghĩa gì và từ bỏ.

Đến những năm cuối cấp trung học, trong tôi xuất hiện nhiều ám ảnh phi lý. Khi tôi không được gia đình ủng hộ thi vào một trường đại học yêu thích. Tôi thậm chí không biết sở thích của mình là gì, trong khi họ hướng tôi vào một môi trường mà thời điểm đó tôi cùng cực căm ghét, đến độ đó tưởng như là sự chấm dứt của mối liên hệ mật thiết giữa tôi và gia đình, bạn bè thân thiết. Tôi liên tục tự hỏi mình về sự sinh ra của bản thân, nghi ngờ nỗ lực của chính mình. Tôi cố gắng tìm kiếm một người bạn tri kỉ để cùng vượt qua giai đoạn đó. Nhưng ai cũng có vấn đề của riêng mình, khiến tôi không còn muốn làm phiền họ nữa.

Và đó là cách tôi đơn độc rơi xuống đáy vực khủng hoảng niềm tin vào cuộc đời năm 18 tuổi. Suy nghĩ về một tương lai đen tối dễ đến như vậy đó, những trải nghiệm không hay trong cuộc đời cứ thế tích tụ thành một gánh nặng tâm hồn, dần dần bóp nghẹt trái tim hi vọng của những người yếu đuối.

Có lẽ đó là giai đoạn điển hình với hầu hết người trong độ tuổi này, khi nhận thức về mọi thứ còn quá mông lung. Tôi cũng là một người trẻ như thế, nắm trong tay tất cả mà cũng như không có gì. Tôi vẫn còn nuôi những hi vọng về một ngày hạnh phúc, có những đam mê tôi chỉ có thể giữ trong thâm tâm mà chưa thể đạt thành, có sức khoẻ để đối phó bất cứ thứ gì mà cuộc đời ném vào mình. Song, lấn át tất cả là nỗi sợ hãi một tương lai vô định, sự băn khoăn, hoài nghi về những lựa chọn của mình, về số kinh nghiệm mà rõ ràng là không đủ đối với một kẻ sắp phải sống một cuộc sống đơn độc.

Những người có quan điểm tiêu cực về cuộc đời của mình, như tôi ngày đó, bảo rằng họ không hề muốn được sinh ra. Nhưng trong số những người đã từng có mặt trên cõi đời này, đâu một ai có thể biết trước việc đó? Nếu hiểu những chuyện như vậy là tất yếu, ngoài tầm kiểm soát, tại sao phải cố đặt ra một thứ giả định mà rõ ràng không tồn tại? Có thoả mãn được tâm hồn thì cũng chỉ là sự thoả mãn tạm thời, lừa dối chính mình trong vòng an toàn mà thôi.

Xã hội, theo tôi, đã cực kì không thành công trong việc giúp con người, đặc biệt là những người trẻ nhận định đúng đắn vị trí của mình trong xã hội, thế nên tự bản thân mỗi cá nhân phải tự đi tìm điều đó. Những điều tích cực khó nhận biết được, nhưng những dấu hiệu tiêu cực thì rất dễ nhìn thấy. Do cả những đặc điểm về tự nhiên (sinh học), và đặc điểm xã hội của con người.

Thứ nhất, một cơ thể không phát triển đầy đủ khiến con người ta trở nên bốc đồng và cực đoan. Những niềm tin cố hữu trong cá nhân, trừ khi có một sự tác động mãnh liệt mà khả năng cao gây ra những tổn thương tin thần, là gần như không thay đổi. Đến một độ tuổi nhất định, não bộ đủ khả năng kiểm soát các hormone điều khiển cảm xúc, làm gia tăng khả năng nhận thức, điều khiển tốt hơn hành vi cá nhân và trở nên thận trọng trước những quyết định của mình.

Đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ nhận ra đối phó với những điều đen tối của cuộc đời đơn giản hơn mình nghĩ. Bởi một phần không nhỏ trong đó là do góc nhìn cực đoan do chính chúng ta tạo ra. Những xung đột nội tâm, khi con người phải đấu tranh với chúng, bị coi là chướng ngại. Nhưng một khi đã giải quyết được, chúng lại trở thành động lực to lớn nhất của con người.

Thứ hai, những ràng buộc của xã hội hiện đại không cho phép tồn tại thứ gọi là tự do tuyệt đối. Từ khi sinh ra, con người đã phải chịu đủ loại ràng buộc, từ luật pháp, đạo đức đến những quy ước trong gia đình, quy tắc ứng xử và hàng loạt những hệ thống khế ước xã hội khác nhau. Chúng tạo ra các mối liên hệ cố hữu giữa người với người, cùng với đó là những nghĩa vụ tất yếu mà ai cũng phải chịu.

Cùng với sự ràng buộc dễ dàng ấy, hoàn thành vai trò của mình cũng không phải một nhiệm vụ quá khó khăn. Một biểu hiện đơn giản như tuân thủ luật pháp, trở thành một công dân làm những công việc bình thường nuôi sống bản thân đã là một quá trình trả nợ cho xã hội. Xu hướng đặt kì vọng quá lớn cho bản thân, cùng những lầm tưởng về ràng buộc xã hội đã làm trách nhiệm đó biến thành một gánh nặng. Mấu chốt chính là nhận ra những gi bản thân có thể làm được và không thể làm được, nhìn nhận bản chất cuộc đời không xám xịt như bề mặt của nó.

Thầy giáo của tôi từng nói, cuộc sống đúng là không chỉ có màu hồng. Nhưng nếu chỉ mãi nhìn đời bằng con mắt màu đen thì sẽ chẳng làm được việc gì ngoài đem lại sự đau khổ cho bản thân và những người xung quanh.

Đã mất một thời gian dài để tôi có thể hiểu được những lời thầy dạy. Một thời gian dài kinh qua quá trình đấu tranh tâm lý, nuôi dưỡng hi vọng trong lòng từ địa ngục của sự chán chường vô tận.

Tôi đã bỏ lỡ thứ mà người ta hay gọi là những năm tháng tươi đẹp nhất của thời thanh xuân. Sự tự ti, đồng thời là sự tự tin quá mức rằng không ai hiểu mình, rằng cuộc đời là một chuỗi sai trái, trở thành rào cản lớn ngăn tôi hoà nhập với bạn bè. Tôi từ bỏ ý định làm việc tốt chỉ vì cảm giác chúng thật vô nghĩa và chẳng cứu giúp được ai. Những người thân thiết hẳn đã bị tôi làm tổn thương rất nhiều, bởi tôi không nghĩ mình sẽ phải chịu trách nhiệm với ai cả. Tấm màn đen tôi phủ lên mắt mình, giúp tôi rèn được thói quen độc lập đấy, nhưng cũng đồng thời chia cắt tôi khỏi xã hội.

Rõ ràng sự bi quan không phải là một trạng thái tâm lý điển hình của một giai đoạn. Cho đến tuổi trưởng thành bây giờ, áp lực tôi đang phải chịu vẫn còn, thậm chí kinh khủng hơn gấp nhiều lần những vọng tưởng ngày xưa. Tôi nuôi những ảo tưởng về sự thất bại của bản thân và cái chết thậm chí còn mãnh liệt hơn so với ngày tôi chưa biết gì. Bám trụ được tới bây giờ, có lẽ là nhờ tinh thần qua nhiều đau khổ dần trở nên dịu dàng, khoan dung hơn. Hoặc, có lẽ là nhờ niềm tin đang lớn lên của tôi vào thế giới.

Hai năm đại học của tôi không nhiều trải nghiệm, nhưng đủ để đến một thời điểm, tôi tự nhận ra rằng, giả định một viễn cảnh cuộc đời đen tối quả là một sự lãng phí tời gian. Cảm thấy tuyệt vọng, tôi cố gắng tránh xa những hành vi tự huỷ hoại thể xác làm mình đau đớn hơn nữa, trong khi không nhận ra những suy nghĩ của bản thân đang giết chết tâm hồn mình.

Số thời gian quý báu bây giờ, tôi đành phải dùng để trở lại làm một đứa trẻ tự kỉ cố gắng hoà nhập cộng đồng, học lại từ đầu tất cả những thứ gọi là “giao tiếp xã hội.” Cũng thật may mắn, những người yêu quý không bao giờ bỏ rơi tôi, trở thành nguồn động lực lớn cho sự thay đổi chính mình này. Trước những câu chuyện tiêu cực, xuất phát là sự tẩy chay, chán ghét cùng cực, thứ hai là làm ngơ thì cuối cùng, tôi đã đến thời kì chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, nơi vẫn còn những điều tốt đẹp đang tồn tại. Những người bị tôi cho là xấu xa nhất, giờ đây tôi cũng có thể nhìn ra những điều đáng học tập, để ngưỡng mộ.

Chứng kiến một tôi như thế, có người người bảo tôi là một kẻ hiền lành, ngây thơ, mù quáng. Hiện tại, tôi chỉ có thể im lặng. Tôi hiểu họ chỉ có thể bị thuyết phục không phải bằng lời nói, mà bằng cuộc sống sau này của chính tôi với thế giới quan như vậy. Có lẽ tôi sẽ giữ cho mình niềm tin ấy. Cho đến ngày có một sự đổ vỡ thực sự, đủ để tàn phá tâm hồn này lần thứ hai, điều mà tôi hiện tại chắc chắn không bao giờ cho phép.

Không phải chiến tranh hay tìm kiếm một vị trí trên nấc thang danh vọng, giải quyết những xung đột nội tâm mới là cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt nhất của con người. Cách chúng ta nghĩ hình thành nên thế giới của chúng ta. Thực tại khách quan, dù có thiên biến vạn hoá dưới con mắt cá nhân đến mấy, thực chất cũng chỉ có một.

Đừng đóng vai nạn nhân, coi những gì xấu xa là hiển nhiên và điều tốt là phép màu. Hãy nhìn nhận thế giới tươi sáng đúng như bản chất của nó, để thấy những gì tốt đẹp của xã hội là một điều tất yếu.

Tác giả: K. N.

*Featured Image: Website Leave No Trace