25 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 120

“Sống Là Chính Mình”? Triết Học Đường Phố trong lòng tôi

“Hiếu ơi, chuẩn bị tốt nghiệp rồi, sắp tới ông dự tính sẽ thi vô trường nào?”

Hồi cuối lớp 12, có một cô bạn cùng khối thường hỏi tôi như vậy vào mỗi lần gặp mặt, bằng một thái độ quan tâm đầy khả ái. Lúc đó, trong lòng tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu, hàng ngàn hơi thở nối đuôi nhau cũng không thể thoả mãn được lồng ngực, tôi mỉm cười, không đáp, vội vã rời đi. Tôi của năm 18 tuổi là vậy, đã luôn luôn bế tắc, đã sống mà không có bất kỳ một mục tiêu nào cả.

Con đường phía trước thật tăm tối…

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Học đại học cũng được mà đi làm kiếm tiền cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Sống là chính mình?

Quả thật, đó là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi tính cho tới thời điểm khai sinh bài viết này. Gia đình thì ly tán vì cục nợ to tướng sau một vụ làm ăn thua lỗ, mối tình đầu thì tan vỡ trong tuyệt vọng, tôi phải chuyển đến ở nhờ nhà của một người bạn trong lớp và cố gắng đi học với sự thiếu thốn tài chính “không hề nhẹ.” Trong khi đó, tôi chẳng biết học, học nữa, học mãi,… tóm lại sẽ mang đến cho tôi điều gì?

Chán nản với nền giáo dục kém hiệu quả cũng như những khoá hướng nghiệp qua loa đại khái, kèm theo đó là sự xuống cấp của xã hội đang diễn ra ngay trong tầm mắt, não bộ của tôi bắt đầu hình thành một luồng tư tưởng chống đối mãnh liệt mà có lẽ rất nhiều người ngoài kia gói gọn nó trong một tập tin nén mang tên “Phản Động”. Đúng, tôi đã đến với Triết Học Đường Phố đời đầu một cách non trẻ và sặc mùi a dua như vậy đó.

Tuy nhiên, nếu ai đó nói rằng Triết Học Đường Phố là một trung tâm “Phản Động” thì chắc chắn người đó đã sai. Sau một khoảng thời gian tham gia diễn đàn để ủng hộ nhiệt tình cho phong trào Zombie lẫn bản nhạc ĐMCS của rapper Nguyễn Vũ Sơn (Dead Nah) và vô tình đọc các bài viết từ mọi người, tôi dần dần nhận ra được những bộ mặt khác đang tồn tại…

Từ một kẻ thù hiềm vô tội vạ, tôi đã trở thành một con người biết suy nghĩ hơn trong việc nhìn nhận mọi vấn đề. Triết Học Đường Phố, suy cho cùng cũng chỉ là một diễn đàn song nó lại đặc biệt hơn các diễn đàn khác ở chỗ: Tại đây, những con chữ được thả hồn, những hộp sọ được giải phóng, hầu hết ở dạng văn bản và tất cả đều TỰ DO.

“Cây bút nào mà không thẳng?”

Đôi khi sự thẳng thắn làm đau lòng người và đã có không ít nhân vật chỉ biết đọc chứ chẳng chịu hiểu. Họ cảm thấy bị tổn thương, từ đó, sự quy chụp hình thành để rồi hai chữ “Phản Động” lại tuôn ra.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Phản động cũng được mà không phản động cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Sống là chính mình?

Điều quý giá nhất tôi phát hiện từ Triết Học Đường Phố là tôi hoàn toàn có thể viết bài như bao người khác, không chỉ vậy, lượng tương tác ở đây cũng rất nhiều với những lời bình đầy tâm huyết và chân thật đến mức nhiều khi bạn sẽ cảm thấy như vừa bị chửi thẳng vào mặt, tuy nhiên cách họ chửi lại rất văn minh, luôn có lý lẽ thuyết phục, luôn có cái gì đó khiến cho bạn phải suy ngẫm. Họ không chửi đổng, không vùi dập. Họ giúp bạn nâng cấp hệ thống tư duy và ngược lại.

Tiến hoá là một quá trình không ngừng nghỉ

Tôi đã viết, viết vì một hoài bão lạ đời. Tôi muốn rằng vào một ngày đẹp trời trên đất Hoa Kỳ, mọi người, dĩ nhiên là không có bọn khủng bố chen chân vào, sẽ kéo nhau đến rạp chiếu phim để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được sản xuất tại Việt Nam, lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam hơn hai ngàn năm trước.

Bạn muốn biết phản ứng của họ sau khi rời rạp chứ?

“Wow, thật hoành tráng!” Một thiếu nữ tóc vàng thốt lên: “Gì cơ? Đây là phim Việt Nam á? Chúa ơi! Tôi cứ tưởng là phim Trung Quốc.”

“Kịch bản rất tốt…” Một anh chàng da đen nhận xét công tâm: “Nhưng tôi thường xem phim của Jackie Chan (Thành Long) nên cảm thấy tác phẩm này không được sáng tạo cho lắm, nhìn xem, con rồng chủ đạo đã xuất hiện quá nhiều trong nền điện ảnh Trung Quốc.”

“À!” Một anh chàng gốc Việt gượng cười: “Việt Nam và Trung Quốc nằm kề nhau nên trong lịch sử cũng có vài điểm giao thoa.”

Không, họ nhất định sẽ không nói như vậy.

“Wow, thật hoành tráng!” Thiếu nữ tóc vàng thét lên: “Đây là bộ phim cổ trang châu Á khác biệt nhất mà tôi từng xem.”

“Kịch bản rất tốt.” Anh chàng da đen phấn khích: “Tôi nghe nói có một con rồng trong phim và cứ nghĩ rằng nó sẽ trông giống với những con rồng Trung Hoa thường xuất hiện trên màn ảnh nhưng mà không, nó là một giống loài khác, thật mạnh mẽ, thật bá đạo!”

Anh chàng gốc Việt mỉm cười: “Đó là Giao Long trong truyền thuyết của người Việt Nam.”

“Giao Long?” Thiếu nữ tóc vàng xen vào: “Thế còn con rùa khổng lồ xuất hiện đầu phim?”

“Đó là Kim Quy Thần.” Anh chàng gốc Việt trả lời: “Một vị thần đã rất nhiều lần giúp đỡ người Việt vượt qua khó khăn.”

“Những chú chim mỏ dài thì sao?”

“Chim Lạc, đại diện cho nền văn hoá lúa nước của người Việt cổ.”

“Anh có vẻ như rất am hiểu trong lĩnh vực này?”

“Không, chỉ là… tôi có một nửa dòng máu Việt Nam.”

“Ồ! Chúng ta có thể làm quen không? Tôi thật sự rất muốn tìm hiểu một người đến từ Việt Nam. À, không…” Thiếu nữ e thẹn: “Là tìm hiểu về đất nước Việt Nam.”

“Rất hân hạnh thưa quý cô.”

“Ông nội mình có phải người Việt không nhỉ?” Anh chàng da đen chăm điếu thuốc: “Như vậy chắc sẽ dễ dàng tìm kiếm một cô gái.”

Chúng ta có quyền tự hào về nền lịch sử phong kiến nước nhà, tại sao không? Chúng ta có rất nhiều điểm khác biệt so với người phương Bắc, từ cách ăn mặc cho tới ngôn ngữ, tại sao lại cam chịu để cho người khác đánh đồng như thế? Đó là vì có một vài người lắm tiền nhiều của ngoài kia đang tự nhận mình giàu tâm huyết và dư thừa khả năng nhưng thực tế lại cực kỳ lười nhác cũng như yếu kém trong việc khai thác, phục dựng, quảng bá đề tài lịch sử trên đất quê hương. Đương nhiên là còn vô số những vấn đề khác mà tiêu biểu nhất là sự khan hiếm tri thức từ chính những đứa con của đức mẹ Âu Cơ, thật xấu hổ khi họ tự mình chối bỏ tổ tiên, chối bỏ quá khứ, tự mình công nhận lệ thuộc vào Trung Hoa. Đã có không ít người, hầu hết là những bạn trẻ đồng trang lứa, cho rằng hể cứ viết truyện cổ trang thì chắc chắn là đua đòi theo các nhà văn người Hán chứ làm gì có một nhà văn Việt Nam nào theo đuổi trường phái này? Thật sao?

Tôi cố gắng mỉm cười, một nụ cười hoang dại và đau đớn.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Cổ trang Việt Nam cũng được mà cổ trang Việt lai Tàu cũng được, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Nên tôi chọn viết, cách mà rất nhiều nhân vật khác trên thế gian này theo đuổi. Một số người đã đạt đến những thành tựu to lớn nhưng cũng có một số người ngủ quên dưới ba tấc đất mà chẳng có ai ghi nhớ. Tôi không biết mai này mình sẽ thuộc trường hợp nào nhưng tôi cảm nhận được rằng mình đã gặt hái được thứ gì đó từ nơi đây, Triết Học Đường Phố.

Đó là khi tôi đăng tải chương 1 của Đại Việt Long Phụng Kê với dự tính sẽ vung viết dồn dập như một khẩu đại liên, càng nhiều tác phẩm càng tốt. Tôi muốn xây dựng nên một vũ trụ võ hiệp đan xen lịch sử của riêng tôi để rồi sau này tự tay đưa nó lên trên màn ảnh rộng. Như cách hãng truyện tranh Marvel đã làm với những đứa con tinh thần của mình.

Tội nhận được lời bình luận đầu tiên sau vài giờ và nối tiếp là rất, rất nhiều, sau vài ngày. Có người nhận xét theo quan điểm cá nhân của họ, có người góp ý một cách thẳng thắn hơn bao giờ hết, có người tán thưởng, có người chê bai. Họ khiến tôi phải tự mình đọc lại sản phẩm của mình như một bước kiểm duyệt, khiến tôi nhìn ra được những cái hay, những cái dở trong lối hành văn của chính mình. Họ góp phần kiến tạo nên tôi ở thời điểm hôm nay, từ tận đáy con tim, tôi xin chân thành gửi đi một lời cảm tạ, dẫu chẳng còn nhớ rõ họ là ai.

Phần tri ân sâu sắc nhất, tôi xin dành cho anh Huy Nguyễn, người đã sáng lập sân chơi này. Với việc xuất bản 3 chương truyện, tôi nhận được từ anh một khoảng tiền khích lệ bằng Bitcoin không hề nhỏ, ít ra là đối với một đứa học sinh như tôi.

Đó là lúc sự nhiệt huyết trong tôi đạt tới đỉnh điểm, thậm chí nó còn nóng bỏng hơn cả một tô mì cay cấp độ 7 trộn thêm 3 ký ớt. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của ngòi bút, một tương lai rực rỡ.

Nhưng những ngày sau đó thật tồi tệ…

Càng sát với kỳ thi quốc gia, lịch học của tôi càng dày đặc dù tôi đã xác định rằng đại học sẽ không đào tạo tôi trở thành con người mà tôi mong muốn. Tôi thà đi tù với hai ngàn quyển sách như một sự đặc ân của pháp luật chứ không muốn bị giam trong bốn bức tường và những dãy bàn ghế. Tuy nhiên, giống với đại đa số các thí sinh khác, tôi vẫn chịu áp lực từ mọi phía. Tôi không biết phải giải thích thế nào cho gia đình hiểu nếu đạt kết quả kém cỏi trong kỳ thi, không biết phải nói chuyện thế nào trước mặt bạn bè nếu sau này chỉ là một thằng làm thuê làm mướn. Vì tính khí sĩ diện ấy, tôi cố gắng ngồi học thêm một chút, thời gian rảnh rỗi cũng bớt đi phân nửa.

Tôi bắt buộc phải lựa chọn giữa một trong hai: Viết hay chơi?

Tôi chọn chơi. Tôi cho rằng mình đã học gần hết thời gian và phải dành dụm một ít cho việc giải trí. Tôi đạp xe đi khắp Sài Gòn, đến những chỗ vui chơi giải trí, những quán cà phê yên tĩnh, những cửa hàng trò chơi điện tử đông đúc.

Tôi ngưng viết. Tôi biện minh rằng mình có lý do chính đáng và tự hứa hẹn với bản thân về một ngày trở lại, sau kỳ thi gian khổ. Tôi vẫn hay nghe về những tấm gương đã tạo nên kỳ tích trong khốn khó nhưng tôi không nghĩ mình sẽ làm được như vậy. Tôi đã chọn cách trở thành một kẻ tầm thường.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Tầm thường cũng được mà không tầm thường cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Rốt cuộc thì tôi cũng từ bỏ đại học sau một khoảng thời gian dạo chơi cho biết, mặc kệ những lời khiển trách trước mặt và sự khinh bỉ đằng sau. Đáng lý ra tôi nên làm như vậy từ vài tháng trước đó…

Cuộc sống luôn mang đến những cơ hội

Triết Học Đường Phố ngưng hoạt động. Tại sao? Từ khi nào? Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng mình vừa đánh mất một thứ gì đó rất tuyệt vời đối với bản thân, thứ mà tôi hoàn toàn có thể nắm bắt.

Triết Học Đường Phố ngưng hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc mối dây liên kết giữa tôi và những người bạn cùng tư tưởng trên diễn đàn hoàn toàn tan vỡ. Tôi tạo lại tài khoản Google và Facebook, cố gắng tìm kiếm những cái tên còn đọng lại trong tiềm thức của mình, nỗ lực bình luận vào một số video liên quan đến diễn đàn nhưng cuối cùng cũng chỉ tìm được những hình ảnh còn sót lại.

Hơn nửa năm trời không trực tuyến, tôi gần như quên hết tất cả.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Có Triết Học Đường Phố cũng được mà không có cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.”

Tôi lại suy nghĩ như vậy thêm một lần nữa, để rồi phần tiếp theo của câu chuyện thật sự rất tẻ nhạt. Hơn hai năm liền, tôi chỉ biết cắm đầu đi làm, từ quán cơm gà cho đến công ty bảo vệ, từ hiệu trà sữa cho đến cửa hàng tiện lợi. Đồng lương ít ỏi, tương lai mù mịt.

Hai tháng trước, tôi bắt đầu mệt mỏi, không phải sức khoẻ có vấn đề mà là tâm hồn đang xuống cấp. Tôi quyết định nghỉ việc, ở nhà, khép hờ mắt, suy nghĩ, đầu óc quay cuồng, điên đảo.

“Mà thôi! Đừng nghĩ nữa! Hãy cứ sống là chính mình.”

Sống là chính mình?

Tôi choàng tỉnh, tròng mắt phóng ra xa

Cả về vật chất lẫn tinh thần, tại sao cuộc sống của tôi lại trở nên túng quẫn như thế này? Cuối cùng, tôi cũng tìm được một câu trả lời thoả đáng. Tôi đã chọn cách buông thả khi khó khăn, chọn cách tầm thường khi vẫn còn có thể nỗ lực, chọn cách bỏ qua mọi chuyện thật dễ dàng và tự nghĩ rằng bản thân đang tiếp cận gần hơn với tư tưởng “Xuất Thế” của Lão tử. Tôi đã tin tưởng hoàn toàn vào tương lai của ngòi bút nhưng lại chẳng mảy may tìm cách thi hành nó, đã yêu Triết Học Đường Phố mà không hề sát cánh cùng cộng đồng trong những thời khắc quan trọng nhất. Liệu tôi có đang sống là chính mình hay không?

Không. Đôi khi con người ta vẫn hay lầm tưởng giữa những ham muốn tầm thường của thể xác và những giấc mộng trong tâm thức. Đừng để bốn chữ “Sống Là Chính Mình” trở thành lý do hoàn hảo cho việc đánh mất bản thân, buông bỏ lý tưởng.

Quá khứ đã qua, tôi thật sự chỉ sống cho một phần nào đó len lỏi bên trong cơ thể lười biếng này…

Tôi phải thay đổi, ngay lập tức, thời gian còn nhiều song nó lại không dành cho bất kỳ một sự phí phạm nào cả. Con người là một sinh vật kỳ diệu, chẳng có ai tầm thường, ngoại trừ những kẻ tự mình chọn lấy sự tầm thường.

Sóng, con sóng đầy thi vị,
Không tri thức nhưng chẳng sống qua loa.
Sóng cùng bờ như một đôi tri kỷ,
Nhịp từng nhịp cho cảm xúc thăng hoa.

Sống, đông đảo nên rộn ràng.
Trong cuộc sống lại có sóng chen ngang.
Sống, nghẹn ngào từng hơi thở.
Lênh đênh mặt sóng để thấy đời nhẹ nhàng…
Sống như con sóng nhịp nhàng.
Sóng, cho ta theo kịp nàng!

Rạng sáng hôm nay, ngày 23 tháng 5 năm 2018, tôi vẫn còn tỉnh táo nhờ những giọt cà phê nguyên chất từ Tây Nguyên và đang trong quá trình thiết kế lại các ý tưởng đã vô tình đánh mất cũng như tìm kiếm một diễn đàn văn học giàu tiềm năng để phát triển. Những bản nhạc Hip Hop từ thế giới ngầm vang vọng bên tai, tôi chán nản tắt đi một cửa sổ trình duyệt, thêm một diễn đàn nữa rơi ra khỏi sự kỳ vọng.

Cùng lúc ấy, chế độ tự động phát của Youtube dẫn tôi đến bài rap Nghiện Mà Ngại của Blacka, hai viên đạn xuyên thủng màng nhĩ:

“Đây đéo có phải Rap Việt mà tao được biết, càng đéo bao giờ xứng đáng là thứ được lan truyền.

Đây từng là chỗ của triết học đường phố chứ đéo dành cho thằng nghiện còn xin tiền.”

Tôi bắt đầu hoài niệm, lách cách, lách cách, những ngón tay gõ nhẹ trên bàn phím, khung tìm kiếm dần dần hiện lên.

Triết Học Đường Phố

Câu chuyện sau đó đầy hứa hẹn, Enter.

Tác giả: Võ Trọng Gia

Featured image: Josch13

[THĐP Translation] Tình yêu xịn thì “tẻ nhạt” – Tình yêu rởm thì thất thường

6

(Bài viết này hiện đang được 14.8 nghìn Likes trên Medium)

Tôi vừa đọc xong cuốn We Are Never Meeting In Real Life (rất đáng đọc) của Samantha Irby. Trong đó tác giả nói về mối quan hệ tình cảm của mình:

“Tôi đang yêu, và nó thật tẻ nhạt.”

Đúng vậy, chị gái ạ.

Chúng ta quá thường xuyên nghĩ rằng tình yêu phải cuồng nhiệt

Người ta ca tụng chuyện “mê đắm quên mình” hay “phải lòng” một ai đó; họ cam chịu đẩy đưa như thể họ chẳng thể làm được gì, họ để cho mình buông xuôi theo cảm xúc và gán cho đó mỹ từ “đam mê”.

“Chuyện tình cảm cần sự vun đắp,” chúng ta tự nhủ chính mình. Nhưng chúng ta lại hiểu sai nghĩa của từ “vun đắp”.

“Tẻ nhạt” thì tốt hơn “say đắm”. Và mặc dù hầu hết những mối tình tuyệt vời đều có sự hòa trộn của cả hai yếu tố trên; song nếu buộc phải chọn, chúng ta nên chọn sự tẻ nhạt. Lúc nào cũng ấm áp sẽ dễ chịu hơn là lúc nóng lúc lạnh.

Nét đẹp của sự tẻ nhạt

Nhắc đến “tẻ nhạt”, tôi muốn nói về sự ổn định, nhất quán và tin cậy. Chúng ta có thể tin tưởng ở những điều ấy; dựa trên đó ta có thể xây dựng trên một nền tảng vững vàng, bền chắc.

Sự vĩ đại được xây dựng nhờ tính ổn định, nhất quán

Điều này đúng với chuyện tình cảm, cũng như đúng với bất kỳ điều gì. Quá trình giảm cân diễn ra cùng nhờ có rất nhiều quyết định nhỏ mỗi ngày, không phải cứ ăn vô độ rồi xổ ra như một bệnh lý thiếu lành mạnh. Hoặc xây dựng một công ty cũng cần hàng triệu những khoảnh khắc nhỏ, chứ không phải chỉ là kí hợp đồng hoặc mất đi một Đối Tác Lớn. Sẽ dễ dàng hơn nhiều để thiết kế ra một giải pháp xoay quanh những biến số ổn định nhất quán – bất kể những biến số đó là gì.

Khi một bạn tình (hay một mối tình) lúc lạnh lúc nóng, sớm nắng chiều mưa…, ta phải dành quá nhiều thời gian ứng phó với những cảm xúc của người ấy và không đủ thời gian để thực sự xây đắp mối quan hệ. Tôi chẳng thể làm được gì với một người bạn tình thất thường. Tôi biết được điều này bởi vì tôi từng có quan hệ với một – à, hai người như vậy – đơn giản là mọi chuyện chẳng đi đến đâu cả.

Sự vĩ đại được xây dựng nhờ sự tự chủ và biết gánh vác trách nhiệm

Người bạn tình không có trách nhiệm “mua vui” cho ta.

KoE
Sponsored

Nếu tiếp cận một mối quan hệ với sự chân tình, ta sẽ không phàn nàn về “sự tẻ nhạt” với người bạn tình. Ta hiểu rằng trong mối quan hệ giữa hai người, họ không cần phải mua vui, hay làm ta xao lãng. Cuộc sống của họ không phải là nguồn giải trí cho ta, họ cũng không đến với ta chỉ để khiến ta khoan khoái hay xao lãng. Ta tự có trách nhiệm với sự lành mạnh về cảm xúc của chính mình.

Sự vĩ đại được xây dựng nhờ sự lành mạnh của cảm xúc

Những người có cảm xúc lành mạnh sẽ không theo đuổi “sự lãng mạn” và  có những màn thể hiện cảm xúc phóng đại. Họ hiểu rằng tình yêu chân thật, lành mạnh hiện hữu trong từng điều nhỏ nhặt thường nhật như nhớ lấy đồ về từ tiệm giặt ủi, một cái ôm, một lời động viên trước cuộc họp quan trọng. Họ cũng không yêu cầu hay hứng thú gì với mấy trò “khoe gấu” trên mạng xã hội.

Sự vĩ đại được xây dựng trong thường ngày, không phải trong vài khoảnh khắc hứng thú

Cũng như bất cứ thứ gì khác, những mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng trong chính mỗi ngày. Đó không phải việc cố chịu đựng hàng ngày để đợi đến kì nghỉ hay chuyến đi chơi tiếp theo, giống như với một công việc tốt thì ta không phải cố chịu qua những ngày làm việc để được nghỉ cuối tuần vậy. Mối quan hệ tình cảm được xây dựng trong “khoảng trắng” của cuộc sống; nó diễn ra hàng ngày. Vì vậy, những gì chúng ta làm với khoảng thời gian ấy sẽ tạo nên hoặc phá vỡ mối quan hệ của chúng ta.

Từng khoảnh khắc ta được ở bên người mình yêu đều là vô giá. Sự sống còn của mối quan hệ tùy thuộc vào những khoảng khắc ấy. Và đa phần những khoảnh khắc thường ngày ấy đều tẻ nhạt.

Một đôi vợ chồng 80 tuổi nắm tay nhau trong công viên, họ đang chia sẻ “sự tẻ nhạt” cùng với nhau đấy. Để có được ngày hôm nay, mối quan hệ của họ đã được vun đắp qua từng ngày.

6193352974_7f7e6ff120_b
Ảnh: Abdulsalam Haykal

Mê đắm là nguy hiểm

Nhắc đến “mê đắm”, tôi muốn nói về  sự phấn khích, dư thừa, thái quá. Những vui thú lãng mạn: nhà hàng mới, quà tặng, những chuyến du lịch, những màn thể hiện phô trương, những hứa hẹn liên miên, những lời tỏ tình nên thơ. Nếu muốn có một tình yêu đẹp, bạn nên tránh xa những điều kể trên.

Tạp chí Bustle đã đăng một bài viết về “17 điều cần làm khi bạn cảm nhàm chán trong một mối quan hệ.”

Tôi sẽ tiết kiệm cho bạn thời gian đọc bài viết ấy, bởi vì chẳng có “17” điều cần làm gì đâu. Ta chỉ cần làm duy nhất một điều, đó là “hãy có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình và hiểu rằng người yêu của bạn không có trách nhiệm phải giúp bạn được giải trí.”

Tất nhiên, cùng với người yêu mình thử làm những điều mới mẻ hay tới một địa điểm mới mẻ cũng rất có lợi cho mối quan hệ – nhưng hãy giữ cảm xúc điềm tĩnh, và đừng bao giờ cuống lên để phải làm một điều gì đó!

Việc theo đuổi những điều lãng mạn và phấn khích tác động đến tình yêu cũng giống như cách phim khiêu dâm tác động đến tình dục vậy. Tôi có thể đánh giá cao một sự ngạc nhiên đầy xúc động như mọi cô gái khác, nhưng không có gì khiến tôi cảm thấy mất hứng hơn là những cử chỉ lãng mạn trống rỗng theo kiểu làm cho có. Nếu được lựa chọn, tôi thà chọn một anh chàng không bao giờ cư xử lãng mạn nhưng luôn ổn định về mặt cảm xúc.

Gửi gắm trái tim mình vào “đam mê” là một điều rất nguy hiểm, bởi vì cảm xúc ấy sẽ phai dần theo thời gian. Cần phải được bền bỉ theo đuổi và liên tục vun đắp, nếu không ta sẽ có nguy cơ vỡ mộng rằng chẳng có gì nữa ẩn dưới cảm xúc ấy. Một tình yêu dựa trên sự theo đuổi cuồng nhiệt sẽ khiến ta trở nên mệt mỏi và kiệt sức, đến một thời điểm ta sẽ nhìn nhau và ngán ngẩm vì không thể nghĩ ra việc gì khác để làm.

Trong một tình yêu đẹp, không có gì “phải làm” ngoài việc yêu thương nhau. Mỗi ngày. Và nó không phụ thuộc vào việc ta cảm thấy như thế nào, bởi vì một tình yêu đẹp và lành mạnh không bị chi phối bởi những cảm xúc của ta; nó là một lựa chọn. Mỗi ngày.

Một tình yêu đẹp có vẻ ngoài “tẻ nhạt”, và gây cảm giác “tẻ nhạt”

Tình yêu đích thực, lành mạnh sẽ trầm lặng, không ồn ào. Nó êm đềm, không cuồng nhiệt. Nó vững chắc và ổn định, không hề bay bổng và thất thường. Như Irby đã viết:

“Tình yêu đích thực không phải là một trò chơi mà bạn không nắm rõ luật, hay là một bài thi mà bạn không có tài liệu để ôn luyện. Nó không bao giờ khiến bạn phải tự hỏi…phải làm thế nào để đón nhận và giữ nó ở lại dưới mái ấm của hai người. Nó tẻ nhạt hết sức, bạn ạ. Tôi không phải loanh quanh với sự bứt rứt bất an, phải thấp thỏm vì những điều không đáng… Tình yêu này khiến tôi thấy an toàn, ổn định và đoán được điều gì sắp đến. Nó tẻ nhạt vô cùng. Và thật dễ dàng để nói đó là điều tuyệt vời nhất tôi từng cảm thấy.”

Tình yêu đẹp hiện hữu trong chính mỗi ngày – từng ngày.

Tác giả: Kris Gage
Người dịch: Hà Huy Dương
Review: Dương Tùng, Nguyễn Hoàng Huy

*Featured image lấy từ bài viết trên Medium

 

Hawking kết hợp thuyết của Darwin sẽ đưa con người tiếp tục tiến hóa đến đâu? Con người tiếp tục tiến hóa sẽ trở thành con gì?  

(Bài viết là một comment rất dài của username lamhoangau trên trang viethungpham.com – Không nhất thiết phải có cùng quan điểm với THĐP)


Darwin cũng như Stepen Hawking – đều là những người theo chủ nghĩa Duy Vật Phụ thuộc mô hình, theo đó mô hình là những thứ hoàn toàn chỉ có trong trí óc con người , và người ta dựa vào những quan sát trong thực tế để kiểm nghiệm lại mô hình đó. Và do đó, không có một mô hình nào gọi là duy nhất mà mang tính đầy đủ và không mâu thuẫn cả. Thuyết tiến hóa của Darwin có đúng nhưng chỉ trong một phạm vi, môi trường tiến hóa của những sinh vật đơn giản và ta có thể quan sát được quá trình tiến này bằng mắt thường, nhưng nếu xem nó như là một thuyết duy nhất, chính xác, để giải thích toàn bộ sự sống trên hành tinh này và đặc biệt là sự phức tạp đến mức kỳ diệu của con người thì đúng là ngây thơ và ấu trĩ.

Ta hãy xem Hawking kết hợp thuyết của Darwin sẽ đưa con người tiếp tục tiến hóa đến đâu? Tức là con người khi tiếp tục tiến hóa nữa thì sẽ thành con gì? (Hawking là người theo chủ nghĩa Darwinism, ông xem thuyết tiến hóa là cơ chế duy nhất giải thích sự sống trên quả đất này.) Trước tiên ta hãy điểm sơ lược qua về lý thuyết của Darwin:

Nếu tôi có ba con bò sữa, nhưng chỉ có đủ cỏ để nuôi hai con. Tôi sẽ làm gì? Đương nhiên tôi sẽ giết thịt một con, và đương nhiên là tôi sẽ giết con ít sữa nhất. Điều đó rất hợp lý. Vâng, đó là điều mà hàng nghìn năm nay con người đã làm.

Tiếp tục, giả sử tôi muốn một trong hai con bò đẻ con, tôi sẽ chọn con nào? Đương nhiên tôi sẽ chọn con nào có nhiều sữa nhất vì nó sẽ dễ nuôi con hơn và con nó có thể sau này cũng sẽ cho nhiều sữa, điều này rất hợp lý.

Tiếp tục, giả sử tôi có hai con chó săn, nhưng tôi phải bỏ một trong hai con, tôi sẽ giữ lại con nào? Dĩ nhiên là con nào giỏi săn mồi hơn sẽ được giữ lại.

Đấy chính là cách mà con người đã gây giống vật nuôi trong hơn mười nghìn năm qua. Những người nhân giống đã thực hiện một sự chọn lọc nhân tạo để bây giờ gà có thể đẻ trăm trứng một tuần, ngựa đã có thể chạy nhanh và mạnh mẽ hơn, cừu đã cho nhiều len hơn.

Darwin chỉ ra rằng không có hai con bò, hai con chó, hai con cừu nào là hoàn toàn giống nhau. Vậy là Darwin đã tự hỏi: Liệu trong thiên nhiên có cơ chế tương tự nào như vậy để thực hiện quá trình chọn lọc của mình?

Darwin vẫn chưa hình dung được sự chọn lọc đó xảy ra như thế nào. Trong cơ chế chọn lọc nhân tạo thì có thể thấy được chính con người thực hiện quá trình đó, nhưng trong tự nhiên thì Darwin vẫn đang mơ hồ về cơ chế này.

Cho đến khi ông đọc được một cuốn sách nhỏ của Thomas Malthus, một chuyên gia về dân số đã chỉ ra rằng: “Nếu không có những yếu tố hạn chế trong thiên nhiên thì một loài thực vật hoặc động vật duy nhất sẽ phát triển tràn ngập toàn bộ địa cầu. Nhưng vì có nhiều loài, nên chúng kìm giữ nhau trong trạng thái cân bằng sinh thái.” Ông tin rằng một số lớn sẽ phải chết trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Do đó số sống sót để trưởng thành và duy trì nòi giống sẽ là những ai tỏ ra trội hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

tiến hóa 1*Ảnh: alainjacq235

Và đây là cơ chế mà Darwin đang tìm kiếm trong thiên nhiên. Chính là lời giải thích về sự tiến hóa sẽ xảy ra như thế nào. Đó là sự chọn lọc tự nhiên trong sự đấu tranh sinh tồn để cuối cùng hệ sinh thái sẽ được cân bằng.

Một cặp cá thể cha mẹ không bao giờ cho ra hai đứa con giống hệt nhau, luôn có một chút khác biệt. Hơn nữa, có những loài động vật và thực vật sinh sản bằng cách này chồi hoặc phân bào đơn giản.

Về căn bản, mọi sự sống và sự sinh sản là quá trình phân chia tế bào. Khi một tế bào phân đôi, hai tế bào giống hệt được tạo ra với các yếu tố di truyền y hệt tế bào ban đầu. Như vậy, ta nói rằng, khi phân bào, một tế bào sao chép chính mình.

Đôi khi những lỗi cực nhỏ xảy ra trong quá trình phân bào, do đó tế bào thu được sau khi sao chép không hoàn toàn giống tế bào mẹ. Theo thuật ngữ hiện đại, đây là một sự đột biến. Những đột biến có thể dẫn tới những thay đổi thể hiện trong hành vi cá thể. Trong thực tế, nhiều căn bệnh có nguyên nhân từ sự đột biến. Nhưng đôi khi đột biến có thể đem lại co cá thể một tính trạng tốt hơn bình thường, cần thiết để tự vệ trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

Ví dụ như một cái cổ dài hơn, và cái cổ này lại thích hợp để ăn lá cây ở trên cao khi mà lá cây ở dưới thấp đã không còn nhiều, đây là một lợi thế sống sót.

Một ví dụ về sự can thiệp của con người vào môi trường tự nhiên, quá trình đột biến và chọn lọc tự nhiên lập tức sẽ xảy ra và có thể quan sát được. Ví dụ người ta cố tiêu diệt sâu phá hoại bằng các loại thuốc trừ sâu. Ban đầu điều này cho kết quả tuyệt vời. Nhưng khi phun thuốc trừ sâu lên một cánh đồng, thực chất là ta đã gây ra một thảm họa môi trường đối với những con sâu bọ mà ta muốn diệt. Do những đột biến liên tục, một loại sâu bệnh mới có sức đề kháng với loại thuốc trừ sâu đó sẽ phát triển. Giờ thì những kẻ chiến thắng đó mặc sức hoành hành. Vậy là cuộc chiến chống sâu bệnh lại càng khó khăn hơn, mà lý do lại chính là sự cố gắng diệt trừ chúng của con người. Rõ ràng, những biến thể có sức đề kháng tốt nhất là những cá thể sống sót.

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, còn một chuyện khác đáng suy nghĩ hơn. Ta cũng đang cố gắng chống lại những con vi khuẩn ăn bám trên cơ thể ta. Ta dùng penicillin hay các loại thuốc kháng sinh, và penicillin cũng là một loại thảm họa môi trường đối với những con vi khuẩn ăn bám này, ta đang làm cho một số con vi khuẩn có khả năng đề kháng, và do đó tạo ra một nhóm vi khuẩn mới khó chống lại hơn trước. Ta phải sử dụng loại thuốc kháng sinh mạnh hơn, mạnh hơn nữa, cho đến khi….có lẽ chúng sẽ chui ra từ miệng ta.

Rõ ràng sự tác động của con người vào tự nhiên đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan rất nghiêm trọng, những con vi khuẩn càng trở nên hiểm độc hơn. Thời xưa, có nhiều trẻ em chết vì nhiều loại bệnh tật. Đôi khỉ chỉ một số ít sống sót, nhưng đó là những đứa rất khỏe mạnh và miễn nhiễm. Còn ngày nay, theo một nghĩa nào đó, sự chọn lọc tự nhiên đã bị miễn nhiễm bởi y học hiện đại. Về lâu dài, cái đã giúp cá thể qua khỏi căn bệnh nặng có thể góp phần làm yếu đi sức đề kháng của cả loài người đối với một số căn bệnh nhất định. Tiềm năng đề kháng của con người càng ngày sẽ càng yếu đi, hay nói cách khác, loài người đang bị suy thoái đi về mặt thể chất, càng lúc càng trở nên yếu ớt trong khi dân số thì càng lúc càng tăng.

tiến hóa 2*Ảnh: skeeze

Trong khi y học đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan như vậy, khoa học kỹ thuật lại phát triển như vũ bão kéo theo một loạt các hệ lụy về thiên tai, môi trường, đạo đức băng hoại… Việc đặt con người lên vị trí cao nhất có thể sẽ dẫn đến sự hủy diệt cả quả đất này.

Trong 200 năm qua dân số phát triển theo hàm mũ, cứ 40 năm dân số lại tăng gấp đôi, các số đo khác về khoa học công nghệ và mức tiêu thụ điện cũng tăng theo hàm mũ nhưng nhanh hơn. Nếu như mọi thứ cứ tiếp tục tăng nhanh như hiện nay thì chỉ khoảng 600 năm nữa chúng ta sẽ không còn đất để mà nằm, mọi người đều phải đứng san sát, chen lấn nhau như trong một cuộc biểu tình vậy, và mức tiêu thụ điện lúc đó sẽ làm cho trái đất trông như một quả cầu lửa đỏ rực.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể chưa đến lúc đó loài người đã tự hủy diệt mình bởi những cuộc chiến tranh hạt nhân, hay thiên tai do sự mất cân bằng sinh thái, hoặc môi trường sống đã xuống cấp đến mức hàng loạt dịch bệnh xảy ra với cơ thể yếu ớt của con người đã không còn khả năng đề kháng sẽ giết chết toàn bộ nhân loại này. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì khi văn minh con người phát triển đến mức đó thì nó sẽ không ổn định và tự hủy diệt, cũng giống như trong vật lý có một câu phát biểu là “mọi vật đều có xu hướng trở về mức năng lượng thấp hơn” – Vật ở trên cao (thế năng cao) sẽ không ổn định và có xu hướng sẽ rơi xuống (thế năng thấp) để trở về mức năng lượng thấp hơn. Hay nói theo lý thuyết hỗn độn là mọi vật sẽ có xu hướng kém trật tự hơn.

Đứng trước tình hình này một nhà khoa học như Hawking sẽ nghĩ như thế nào? Và giải pháp của ông ta đề xuất sẽ như thế nào? Chúng ta hãy xem, khá là rùng rợn. (Những ý tưởng này trong quyển The universe in a Nutshell của ông.)

Thay vì dừng lại và suy nghĩ, thì Hawking tiếp tục chọn con đường phóng lao là phải theo lao, đã trên thế cưỡi hổ rồi là chơi tới cùng, ông chọn con đường tiếp tục tiến hóa cho con người theo thuyết của Darwin để thích nghi với môi trường sống.

Ông thấy bằng cách nào đó, loài người cần hoàn thiện các năng lực trí tuệ và thể chất nếu phải đối phó với một thế giới xung quanh ngày càng phức tạp, và phải đáp ứng với những thách thức mới như du hành vũ trụ để tìm kiếm hành tinh phù hợp cho con người sinh sống trong tương lai. Con người cũng cần tăng độ phức tạp của bản thân nếu muốn giữ cho hệ sinh học luôn đi trước các hệ điện tử.

Trước một thế giới ngày càng phức tạp như vậy mà quá trình tiến hóa sinh học của con người để thích nghi môi trường lại quá chậm chạp (hoặc là chẳng có tiến hóa nào cả), chuỗi ADN của con người trong 10.000 năm qua không thấy có sự thay đổi nào. Với tình hình như vậy thì trước khi con người kịp đột biến được gì thì đã bị diệt vong toàn bộ. Hawking đề nghị chúng ta phải can thiệp vào quá trình tiến hóa sinh học chậm chạp này bằng quá trình tiến hóa nhân tạo. Ông thấy trí tuệ, sự hiểu biết của con người là chìa khóa của sự tồn tại của họ, hiện nay con người vẫn còn hiểu biết quá ít, bằng cách nào đó nếu có thể tạo ra những con người có bộ não thông minh, siêu việt thì lúc đó con người có thể quay ngược, thiết kế lại bản thân mình để thích nghi được với môi trường sống. (Hiểu theo một cách nào đó ông muốn trở thành Chúa Trời.)

Về mặt sinh học, Hawking cho rằng giới hạn thông minh của loài người cho đến bây giờ vẫn được quyết định bởi kích thước của bộ não gói gọn bên trong một hộp sọ nhỏ bé có thể chui lọt lòng mẹ. Nhìn những đứa trẻ mới sinh ta thấy chúng phải khó khăn như thế nào để cái đầu nhỏ bé mới nhô ra được. Ông đề xuất phá bỏ giới hạn này trong 100 năm nữa bằng việc sinh sản những đứa trẻ bên ngoài cơ thể người, việc nuôi dưỡng những phôi thai bên ngoài cơ thể người sẽ cho phép con người có bộ não lớn hơn và thông minh hơn.

Tuy nhiên việc tăng kích thước não người bằng kỹ thuật di truyền cũng sẽ gặp vấn đề khó khăn là các chất hóa học truyền thông tin chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần lại chuyển động tương đối chậm. Nghĩa là, việc tăng hơn nữa độ phức tạp của bộ não sẽ bù lại bằng việc giảm tốc độ. Chúng ta hoặc sẽ nhanh trí, hoặc sẽ rất thông minh nhưng không thể cả hai.

Các mạch điện tử cũng gặp vấn đề y như bộ não người, tức là độ phức tạp tăng nhưng tốc độ cũng sẽ giảm, nhưng trong trường hợp này các tín hiệu là điện chuyển động với tốc độ ánh sáng nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ các phân tử hóa học.

tiến hóa 3*Ảnh: geralt

Một cách khác để tăng độ phức tạp cho bộ não mà vẫn duy trì được tốc độ là các mạch điện tử sẽ sao chép bộ não người. Tức bộ não người bây giờ sẽ là giao diện sinh học-điện tử, trong đó con người vừa thông minh, vừa sáng tạo mà vừa tính toán nhanh như một cái máy tính. Các nơtron được cấy ghép sẽ làm tăng trí nhớ và dung lượng thông tin trọn gói, bây giờ con người có thể nhớ nội dung cả một cuốn sách chỉ với một lần đọc qua hoặc sẽ nắm bắt được đầy đủ một ngôn ngữ chỉ sau vài phút học. Hay nói cách khác, bộ não bấy giờ sẽ là bộ não siêu việt.

Với bộ não siêu việt như vậy, con người lúc đó sẽ quay trở lại thiết kế lại chuỗi phân ADN của chính bản thân mình mà không cần đến quá trình tiến hóa sinh học chậm chạp. Các đột biến ADN làm cho con người có thể thích nghi hoặc sống thoải mái với môi trường đầy tia X, môi trường chất độc hoặc có thể sống trong bóng đêm mà không cần ánh sáng…

Một loài người mới sẽ được chính con người thiết kế lại và những vấn đề đạo đức mới sẽ được đặt ra. Một viễn cảnh khá rùng rợn cho nhân loại. (Nhưng Hawking xem đây sẽ là quá trình tất yếu và bình thường.) Cá nhân tôi không xem đây là tiến hóa mà là thoái hóa của loài người.

Cuối cùng, đối với tôi thuyết Darwin có đúng, nhưng chỉ trong những môi trường tiến hóa nhất định những sinh vật với bộ não đơn giản hơn nhiều so với con người, không thể áp dụng cho toàn bộ sự sống trên hành tinh này như là một lý thuyết tối hậu về sự sống được, đặc biệt là con người với sự phức tạp kỳ diệu như thế. Điều này cũng giống như cơ học Newton chỉ áp dụng được cho những quy luật thường ngày, những vật vĩ mô và chuyển động chậm hơn nhiều so với ánh sáng. Khi vật chuyển động với vận tốc gần ánh sáng phải dùng thuyết của Einstein, và đối với thế giới vi mô lại phải dùng thuyết lượng tử vậy. Và giả sử tiến hóa có xảy ra như những người Darwinism tin tưởng, thì cũng dễ thấy rằng quá trình tiến hóa này diễn ra có định hướng. Suốt dọc thời gian, các loài động vật đã tiến hóa về phía các hệ thồng thần kinh ngày càng phức tạp để cuối cùng hoàn thiện đến mức có thể nhận thức được bản thân và sự tồn tại của mình, hàng đêm nhìn lên bầu trời để tìm kiếm lại nguồn gốc của mình. Cá nhân tôi không nghĩ rằng chuyện đó chỉ là ngẫu nhiên.

Sẽ là ấu trĩ và vô đạo đức nếu như xem Thuyết tiến hóa như là lý thuyết tối hậu về sự sống, và ép buộc con người phải tiến hóa theo thuyết này, nếu không tiến hóa được thì cũng phải ép cho nó tiến hóa như những ý tưởng lệch lạc của Hawking bên trên. Nếu ta tìm hiểu thêm, Hawking còn vẽ ra một viễn cảnh trường sinh bất tử cho con người nữa kìa.

Bản thân tôi cũng rất nể phục trí thông minh của Stephen Hawking (nhưng đối với tôi ông đã có sự nhầm lẫn), nếu ai có xem qua các sách của ông đã xuất bản đều thấy rằng ông có một niềm tin sâu sắc vào sự không tồn tại một Đức Chúa Trời, chính điều này làm cho tôi cố tìm hiểu ông. Không như những nhà bác học tiền bối như Đề các, Newton… – những người không thấy có sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học, những khám phá khoa học mới đều làm sáng danh cho sự tồn tại một Thiên Chúa. Stephen Hawking không tin Thiên Chúa. Theo tôi, điều này là do một cú sốc tâm lý quá nặng ảnh hưởng đến ông thời còn trẻ, vào năm 21 tuổi, khi tuổi trẻ đang tràn trề sức sống, sắp sửa kết hôn, tương lai sáng lạng thì tại họa bỗng ập xuống đầu khi bác sỹ thông báo ông bị một chứng bệnh nan y và chỉ sống được khoảng 3 năm nữa.

Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí ông ta để cảm nhận nó như thế nào? Bầu trời sụp đổ, mọi niềm tin đều sẽ mất hết, nếu Thiên Chúa tồn tại, sao lại giáng tai họa này xuống đầu ông? Điều này quá bất công, ông thật sự đã suy sụp toàn bộ, nhưng khi nhìn thấy một đứa trẻ trong bệnh viện đang chống chọi với căn bệnh ung thư máu, ông cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều, và nghị lực của ông đã chiến thắng bệnh tật, ông nghĩ rằng chẳng có Thiên Chúa nào giúp ông mà chỉ có ý chí của ông giúp vượt qua vực thẳm. Cá nhân tôi xem đây là lúc ông nhầm lẫn.

Nếu như Hawking có đọc Kinh Thánh hẳn ông sẽ hiểu trường hợp của mình cũng đã được chúa Jesus nhắc đến. Trong Kinh Thánh chúa Jesus đã nhiều lần làm phép lạ chữa khỏi nhiều bệnh, và mỗi khi chữa lành bệnh, Chúa không bao giờ khẳng định là mình chữa bệnh, những lần đó Chúa đều nói một câu rất rõ ràng “CHÍNH NIỀM TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU LẤY ANH.” (Đây chính là phép lạ mà chúa đã ban cho con người.) Đây cũng chính là phép lạ trong Y học, khi mà mọi thứ ở trần gian nãy đã bó tay thì chỉ có Niềm tin mãnh liệt chiến thắng bệnh tật, nghị lực vượt qua vực thẳm của chính bệnh bệnh nhân là cứu sống được bệnh nhân.

tiến hóa 4*Ảnh: geralt 

Stephen Hawking cũng giống như một người con hoang đàng bị thất lạc trong Kinh Thánh nhắc đến, người cha luôn ngày đêm mong chờ đứa con sẽ quay trở về, lúc đó sẽ là tin mừng, là niềm vui tràn ngập. Nếu ai là là những người tín hữu công giáo chân chính, hãy cùng nhau cầu nguyện cho ông ấy mau tỉnh ngộ, nhận ra được Thiên Chúa là chân của sự sống, là người cha luôn dang rộng vòng tay chờ đợi đứa con quay về. Và cá nhân tôi cũng có một niềm tin sâu sắc rằng chẳng bao lâu nữa Stephen Hawking sẽ giác ngộ được.

Có một câu hỏi cũng là lý do mà những người vô thần không tin Thiên Chúa hay hỏi đó là: “Nếu Thiên Chúa là đấng toàn năng và bác ái tồn tại, thế thì tại sao thế gian này lại có quá nhiều điều ác, có quá nhiều sự bất hạnh và bất công xảy ra ở khắp nơi ?” và do đó họ khẳng định “Không có Thiên Chúa.”

Trước khi trả lời tôi xin hỏi lại một câu “Có bao giờ bạn xem một quyển tiểu thuyết, một bộ phim trong đó tác giả xây dựng nhiều lớp nhân vật, một xã hội trong tiểu thuyết cũng lắm bất công, lắm cái ác, lắm bất hạnh, lắm âm mưu và thủ đoạn đến mức người đọc cũng phải đồng cảm rung động và rớt nước mắt chưa? Tôi chắc hẳn chúng ta ai cũng đã ít nhất một lần như vậy. Nhưng khi kết thúc, xếp sách lại mọi thứ lại được phơi bày ra chỉ là hư cấu.

Có ai đã từng thấy trong tiểu thuyết, nhân vật lại trách ngược lại tác giả, tại sao để tôi bất hạnh thế này, lại để lắm bất công xảy ra cho tôi như vậy chưa? Đương nhiên là không, vì tất cả chỉ là hư cấu, tác giả muốn viết như thế nào thì viết, tùy ý theo định hướng và mục đích của tác giả hoặc đạo diễn.

Cuộc đời này cũng vậy, nếu chỉ gói gọn trong bốn chữ Sinh, Lão, Bệnh, Tử rồi kết thúc thì lắm bất công ở cuộc đời này rồi sẽ đi đâu? Làm sao chúng ta biết chắc rằng mình không phải chỉ là ý tưởng, ý niệm hay chỉ là những nhân vật hư cấu của ai đó?

Nên nhớ về mặt triết học thực chứng, không thể chứng minh cuộc đời này là thật hay là ảo (tức là xác suất cuộc đời này là thật và ảo là như nhau), cũng như không thể chứng minh được cuộc sống trong giấc mơ và cuộc sống trong đời thực cái nào thực hơn.

Có thể những câu khẳng định của những người vô thần bây giờ đã trở thành những câu nghi vấn, nhưng những câu nghi vấn này đối những nhà thần học từ lâu đã được giải quyết bằng sự thấu hiểu và giác ngộ, bằng sự soi sáng của Chúa Thánh Linh. Hãy tin tưởng vào cuộc sống đời sau vì kiếp này chỉ vài lần chớp mắt, khi quay lại thì đời mình đã xanh rêu, chỉ là ảo ảnh.

Tác giả: lamhoangau

*Featured Image: typographyimages 

 

Họ có đủ tỉnh táo khi dấn thân vào hôn nhân?

1

Hồi chiều tôi vô tình xem được một video. Một bé gái đang độ tuổi dậy thì, từ lớp 8 đến lớp 9. Cô bé đang đứng huơ tay chỉ trỏ vào mặt mẹ mình và chửi bới thậm tệ người mẹ. Người mẹ cũng chẳng thua kém. Nói thật, cảm giác xem hai mẹ con đánh nhau mà chẳng khác hai nữ kiếm khách đang giao chiến để dành lại chân lý về phía mình. Còn những người xem xong vào bình luận chẳng biết nói gì ngoài việc chỉ trích nền giáo dục, chỉ trích chính trị… Đọc những bình luận đó, tôi cảm thấy thực sự nực cười.

Gia đình là gốc rễ. Con người tựa như một cái thân cây. Cây càng muốn cao lớn vươn lên bầu trời bao nhiêu, càng phải bám chặt vào gốc rễ của nó bấy nhiêu. Cũng như  một cái cây còi cọc siêu vẹo  không thể cho ra một hạt giống tốt, một người nếu không thể tự làm chủ tâm hồn và chiến thắng được bản thân, liệu họ có đủ tỉnh táo khi dấn thân vào hôn nhân? Và con cái của họ, họ có phải là những người cha mẹ có quyền  ao ước một đứa con?

Tôi 25 tuổi. Chưa lập gia đình và cũng chưa có ý định. Trong khi bạn bè ở quê đã tay bế tay bồng. Mỗi dịp về quê luôn được bà con hàng xóm ném vào vô số những câu hỏi đại loại như bao giờ lấy chồng, tuổi đó mà không lấy thì sau này ở giá suốt đời, vân vân… Nhưng liệu tôi có đủ khả năng để làm một người vợ, người mẹ?

Tôi luôn tự hỏi có những người lập gia đình và có con từ rất sớm. Trái trên cây đã thật sự chín mùi hay phải chăng chỉ là cuộc nổi loạn của con dã thú ẩn náu bên trong  và đó là một thứ nhu cầu cần giải quyết. Hoặc đó là sự cô đơn của kẻ cô độc bước lang thang đang muốn tìm đại một nơi trú ngụ trong cơn giông bão. Hay đó chỉ là giải pháp duy nhất được nghĩ ra trong cơn bức bách để giải quyết sự bất hòa của họ với những người xung quanh, thậm chí là với cả bản thân họ.

Xây dựng một mối quan hệ vừa đủ, rồi kết hôn, rồi sinh ra những đứa con. Đó là quy luật của tự nhiên. Đa số mọi người đón nhận nó như một trách nhiệm phải hoàn thành cấp bách. Họ cố gắng tạo ra một ngôi nhà mà chẳng cần bận tâm nó được dựng lên từ nền móng nào. Cái nền móng đó có đủ vững chắc? Nếu những người cha người mẹ không tự xây dựng hoàn thiện chính mình, về cả thân thể lẫn tâm hồn, liệu họ có đủ khả năng để nuôi dưỡng một đứa con?

newborn-1328454_960_720
Ảnh: profile

Việc nhân giống rộng ra, đó là một việc hoàn toàn đơn giản và dễ dàng. Tất cả vạn vật đang có trong mình sự sống, chúng tiến hành việc đó một cách rất ngẫu hứng. Nhưng tại sao con người lại được gọi là động vật bậc cao. Vì bên cạnh việc nhân giống “rộng ra”, con người còn có một khả năng khác là nhân giống “cao lên”. Hôn nhân từ lâu chính là mảnh đất màu mỡ mà con người chọn lựa cho việc nhân giống của chính mình.

Có bao giờ bạn tự đi sâu vào tâm hồn mình rồi tự hỏi tại sao mình cứ khăng khăng muốn mua chiếc vé đi đến hôn nhân? Hôn nhân là gì bạn đã thực sự hiểu hết hình dáng bên ngoài và tâm tư bên trong của nó? Bạn có thực sự khao khát nó hay chỉ đến với nó bằng cái ý chí muốn chung đôi, bằng cơn điên cuồng ngắn ngủi của tình yêu để rồi khi đủ tỉnh táo nhận ra cơn điên đã hết và giờ là lúc ta phải quay lại làm một người bình thường.  Bạn có đến với hôn nhân bằng ý chí muốn tạo ra một tạo vật thiêng liêng,  tạo vật đó nó phải tốt hơn đấng khai sinh ra nó. Hay bạn chưa bao giờ nghĩ đến, thậm chí chẳng còn quan tâm mình sẽ tạo ra cái người ngợm gì sau đó.

Bạn dùng sự nghèo nàn tâm hồn của mình để đến với hôn nhân và làm nhơ nhuốc hai từ thiêng liêng đó. Bạn bắt đầu đổ lỗi. Con người rất thích đổ lỗi. Họ phủ nhận hết tất cả trách nhiệm. Thật đáng thương cho cuộc đời khi phải luôn đứng ra hứng chịu những lời xỉ vả.

Có những người lên đường tiến đến hôn nhân một cách kiêu hãnh. Nhưng tại sao buổi sáng bạn ngẩng cao đầu bước đi mà đêm về thì cúi mặt. Tôi thấy nhiều người bước vào thánh đường, được tất cả mọi người chúc phúc ca tụng như một người vĩ đại vừa tìm ra được chân lý. Nhưng tại sao chỉ qua ngày mai là chân lý đó đã sớm vội biến thành sự dối trá ti tiện mà có gắn lên đó bao nhiêu châu báu ngọc ngà cũng không làm nó tỏa sáng lấp lánh. Rồi còn có cả  những cuộc trao đổi giao dịch. Họ tưởng rằng mình đủ thông minh để đầu tư có lợi nhuận, pha này ăn lời kiếm lớn, vậy mà một đêm tỉnh giấc nhận ra mình thua sạch mất hết cả gốc lẫn lời.  Còn có người cũng e dè,  lựa chọn một cách khó khăn, ngắt về nhà một bông hoa đẹp rồi tự làm héo nó bằng sư ngu ngốc của chính mình. Tôi thật chẳng còn nhìn thấy gì ngoài các cuộc mua bán đầu tư đầy thận trọng, dò xét và kỹ lưỡng tính toán chi li. Nhưng rốt cuộc thì mua hay người bán, tất cả đều thua sạch.

Hôn nhân. Hai từ thiêng liêng được viết ra bởi những kẻ chưa hiểu gì về nó. Họ nghĩ về một con vịt xấu xí khi muốn miêu tả một con thiên nga. Và biến bài văn của mình trở nên ngớ ngẩn trước người khác. Thật đáng thương tội nghiệp. Thử hỏi có bao nhiêu đứa con gục đầu trong đêm tối khóc cho cha mẹ chúng? Họ có biết mình đã phạm một bất công quá lớn đối với những đứa con. Và với sự nghèo nàn tâm hồn của mình, họ giải quyết chúng bằng cách lập tức thêm vào đó vô vàn những bất công khác bằng hiểu biết nông cạn. Muốn giỏi thì phải học, bạn không đầu tư  thời gian để rèn luyện học hỏi mà vẫn muốn giỏi bằng cách học vẹt sao?

Nhưng thực ra, tôi chẳng hiểu gì về hôn nhân để nói về nó. Tôi không muốn trở thành kẻ đần độn dám múa rìu qua mắt thợ. Tôi chưa có gia đình và chưa sống trong nó. Hãy bao dung và tha thứ cho tôi trước những lời lẽ ngu xuẩn trên kia. Nhưng trước một thực tế quá kinh hãi về hôn nhân và con cái. Tôi chỉ muốn hỏi: Bạn có biết thời điểm nào là thích hợp để cho hôn nhân mở mắt sáng suốt?

Và nếu một đứa con mắng chửi thậm tệ cha mẹ mình, nhất định là đứa con đó chẳng ra gì, chẳng có một cái tội nào đáng khinh bỉ bằng tội bất hiếu. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã khiến chúng trở thành như thế?

Tác giả: Ni Chi

Ảnh minh hoạ: jeremywongweddings

 

[BDT2018] Một cách đơn giản để hạnh phúc

3

Tôi đã đọc rất nhiều các bài viết về tâm, sinh và triết lý.

Có thời gian, tôi hay tìm đọc mấy đoạn tản văn; đó là những bài theo kiểu đọc cũng được, không đọc cũng không sao, tất cả đều rất cảm động, đánh vào lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và làm tôi rơi nước mắt. Sau thời gian được truyền cảm hứng từ thể loại này, tôi cảm thấy mình luôn cố gắng chạy theo một thứ gọi là hạnh phúc nhưng không sao nắm bắt được! Cảm giác bất lực bủa vây, não tôi lập tức bật cơ chế phản vệ bằng cách ra lệnh đóng băng trái tim. Và tôi quay ngoắt 180 độ, trở nên cực kỳ lý trí. Thói quen đọc cũng từ đó mà thay đổi, tôi chuyển sang đọc các bài viết mang tính thẳng thắn đến bất ngờ, đa phần là những bài nêu bật quan điểm sống cá nhân và song song đó lên tiếng chỉ trích một đối tượng nhất định trong xã hội. Lúc này, tôi không còn bị cảm giác bất lực đè nặng, cũng không còn phải miệt mài đi tìm hạnh phúc, thay vào đó, hai tiếng “hạnh phúc” được xóa sạch trong từ điển của tôi luôn, tôi như một cái máy thực thụ. Dường như, tôi đã lần lượt chìm dần vào hai thái cực: quá thực dụng và quá mộng mơ.

Song, bằng một cách diệu kỳ, tự dưng tôi hiểu ra phương pháp để cân bằng. Tôi quyết định không đi tìm hạnh phúc nữa, nhưng cũng không quên hẳn nó đi, mà tôi tự tin xây dựng một chiến lược cụ thể để có thể song hành cùng nó.

Vậy nên, những gì tôi sắp viết ra đây không phải là một trải nghiệm kinh hoàng, u uất, chạm đến trái tim hay khiến đôi mắt bạn đọc ướt nhòa. Và nó lại càng không phải là bí quyết kiếm được 1000 đô la khi chỉ làm việc trong 3 giờ đồng hồ hay dạy cách làm giàu từ hai bàn tay trắng. Hôm nay, tôi sẽ viết về cách mà tôi đã làm để có thể sống tốt, làm việc tốt, và thoải mái yêu thương trong cuộc đời này.

Để sống hạnh phúc, trước hết tôi sẽ kể cho bạn về cái cách mà tôi đã sống không hạnh phúc. Đó là khoảng thời gian chuẩn bị thi Đại học, tôi đã do dự không biết nên học ngành nào, và thay vì thẳng thắn nhìn vào vấn đề, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của mình, tìm hiểu về các môn học, về đầu ra của ngành học, thì tôi lại quyết định trì hoãn việc… quyết định! Sau cùng, ba mẹ tôi chỉ ra một cái tên ngành vào phút chót, tôi nghe theo. Kết quả, công việc tôi hiện nay không liên quan gì nhiều đến những thứ được học khi xưa, đó là một sự chuyển đổi khó khăn, đôi khi tôn ân hận. Ngoài ra, cũng trong quá trình học Đại học, tôi có cảm tình với một anh chàng, nhưng trì hoãn không bày tỏ, tôi đã đau khổ vì yêu mà không dám nói, cho đến một ngày anh ấy có bạn gái, tôi khóc lóc mấy tuần liền. Rồi sau đó, tôi làm freelance, tôi cũng lại luôn trì hoãn, tôi xao nhãng vào mấy việc như: nghe nhạc, đọc sách, xem hình mấy con chó mèo trên mạng trong tâm trạng… hơi hơi lo lắng về công việc! Rồi đến khi deadline còn 6 tiếng nữa, tôi mới bắt tay vào làm và hoàn thành trong vội vã. Rõ ràng, tôi đã không hề hạnh phúc!

Ngồi ngẫm nghĩ, tôi tìm cách lật ngược lại lịch sử, đi ngược vào quá khứ bằng trí óc của mình; nói thì nghe ma mị, chứ đơn giản chỉ là kéo cái ghế, rồi ngồi xuống, lấy tay chống cằm, mắt chớp chớp tượng tưởng lại việc đã qua mà thôi. Nếu năm ấy tự tôi quyết định chọn ngành, và chính tôi lựa chọn sai ngành y như cái cách mà ba mẹ tôi đã làm thì sao? Nếu năm ấy tôi tỏ tình, và bị anh chàng kia từ chối, rồi anh ta cũng có bạn gái khác thì sao? Và nếu như tôi hoàn thành công việc sớm hơn dự định, thế là tôi lại cũng có một khoảng thời gian nghe nhạc, xem phim y như việc tôi nghe nhạc, xem phim trước khi làm thì sao? Thật kỳ lạ, trong trường hợp này tôi lại thấy hài lòng và hạnh phúc, hay ít ra là tôi không thấy day dứt, hối hận.

Vì cớ làm sao mà cùng một sự việc, cùng một kết quả, nhưng cách đưa ra quyết định khác nhau lại dẫn đến cảm xúc khác nhau nhiều như vậy? Là bởi, não của chúng ta vốn có trí tưởng rất phong phú, nó rất thích vẽ vời, nhất là về những thứ mà nó không biết. Hay nói cách khác, con người thường hối hận về những gì mà mình đã trì hoãn không làm, khi đó họ hay thốt lên: “Giá như!” Còn nếu làm rồi, bộ não sẽ không còn phải tưởng tượng nữa, kết quả cũng có luôn rồi, việc duy nhất cần thiết lúc này là chấp nhận kết quả xảy đến như một thực tế hiển nhiên mà thôi, điều này không khó khăn lắm. Như vậy, sự trì hoãn chính là thứ đã đẩy lùi hạnh phúc!

Kết luận trên có vẻ hơi thừa, vì hình như ai cũng đã được biết điều này, mẹ tôi cũng đã nhiều lần dạy tôi như thế. Ơ! Thế vậy tại sao, dù biết rõ trì hoãn là xấu, mà tôi và không ít những người trong số các bạn, chúng ta lại đã có thời gian mê mụi đắm chìm trong nó? Tôi phải làm cách nào để không bao giờ trì hoãn nữa?

Đầu tiên, hãy thử nghĩ xem trì hoãn có vui không? Rõ ràng tôi thấy nó không vui, nhưng hình như nó lại đỡ căng thẳng hơn là lao đầu vào làm một việc gì đó ngay lập tức. À! Để tôi ví dụ một tình huống của chính mình cho dễ hiểu. Có lần, khi xếp hàng đi lấy máu và nhìn thấy cô y tá cầm chiếc kim tiêm trên tay, tôi liền quyết định im lặng khi cô ấy gọi tên mình. Tôi đứng đó, rất lo lắng, không vui vẻ, nhưng tôi thà như thế, chứ không nghĩ bản thân sẽ chấp nhận nổi cái cảm giác đau đớn của mũi kim cắm vào mạch máu dưới tay; thôi thì trì hoãn được phút nào hay phút đó! May mắn thay, anh bạn đi cùng đã xung phong đổi số thứ tự với tôi, anh ấy lấy máu trước, chịu đau một lần, rồi vui vẻ thoải mái ngồi đọc sách suốt buổi, trong khi bên cạnh anh là tôi, đang xanh lè mặt mày và sống trong lo sợ nhiều tiếng đồng hồ sau đó. Rõ ràng, anh ấy hạnh phúc hơn tôi!

Sau nhiều lần gặp phải các trường hợp tương tự, tôi biết rằng thì ra trì hoãn có liên quan mật thiết với cảm xúc sợ hãi. Cảm giác lo lắng trước khi bắt đầu làm một cái gì đó đôi khi nó còn kinh khủng hơn những khó khăn bạn gặp phải trong quá trình làm. Khi đó, con người tìm đến sự trì hoãn để tạm hài lòng, tạm quên đi khó khăn sắp đến, nhưng cảm giác lo lắng thực ra vẫn còn, và ngày càng đè nặng. Bây giờ, hãy thử tưởng tượng những cái êm ái nhất thời như: lướt web, nghe nhạc, xem phim, ăn vặt, nằm lăn ra giường, hay đơn giản hơn là đứng yên để không làm gì cả như tôi phía trên,v.v… tất cả chúng là những cái cây cổ thụ cao to trong khu rừng “Cám dỗ”. Việc của tôi (và cả bạn nữa), là tìm ra lối đi và tiến nhanh vào con đường mang tên “Hành động”, hãy làm ngay khi có thể, đừng sa đà vào cây cối xung quanh. Con đường có thể xa, có thể dài, nhiều đá sỏi, nắng nôi, mưa bụi, nhưng đừng vì thế mà rẽ sang lối vào lại khu rừng; vì rừng cây tuy đẹp, nhưng thời gian trôi qua, đêm xuống sẽ trở thành nơi nguy hiểm. Kiên trì đi trên con đường “Hành động”, cuối con đường sẽ là trị trấn “Thành công”, một nơi vừa thanh bình, vừa giàu có. Đó chính là cái mà tôi và những người bạn đi đường xứng đáng đạt được!

À! Tiện thể khi nói về từ “xứng đáng”, tôi muốn kể rằng sau bao năm lăn lộn mưu sinh, trái tim lại bắt đầu biết rung động một lần nữa, tôi cảm mến anh bạn kia hơn mình một tuổi; và lần này, tôi đã không trì hoãn trong tình cảm. Sau khi có những hành động mà người đời hay gọi là tán tỉnh, kèm một ít quà tặng, vài lần đi chơi, chia sẻ quan điểm sống kha khá, tôi quyết định bày tỏ. Bạn đoán thử xem? Vâng, anh chàng từ chối, giây phút ấy tôi nghĩ mình sẽ phải rất đau buồn. Nhưng một phép màu đã đến, tôi không buồn gì cả, hoàn toàn không! Cảm giác này khác hẳn sự day dứt, nuối tiếc với anh chàng hồi thời Đại học; tôi biết mình đã can đảm hơn rất nhiều. Tôi cũng biết anh bạn của tôi, anh ấy lo sợ rằng yêu nhau thì sớm muộn cũng xảy ra xung đột, sẽ có đôi lần mệt mỏi, rồi thì không may nếu có chia tay sẽ đau khổ biết bao, anh ấy muốn tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng như kiểu “trên tình bạn mà vẫn loạng choạng trước tình yêu.” Tôi cũng đã từng như thế, nhưng nay tôi biết những cái mập mờ do dự không xứng đáng để chiếm lấy thời gian của một người. Anh ấy vẫn còn đang trì hoãn, còn tôi thì không!

Nói như thế, không có nghĩa tôi luôn sống hấp tấp, thường vội vã ra quyết định, lao đầu theo công việc và bị guồng quay của xã hội chi phối. Ngược lại, tôi vốn là người theo chủ nghĩa sống chậm, nhưng điều đó không liên quan gì đến việc trì hoãn cả. Sống chậm, có nghĩa là tôi cho phép mình dành ra một khoảng thời gian trong ngày để uống một tách trà, đọc vài trang sách và ngắm mấy chùm hoa tím rịm nở rộ bên hiên, sau khi đã hoàn thành mọi công việc, xin lặp lại là “sau khi đã hoàn thành mọi công việc.” Sống chậm, có nghĩa là bạn đang tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời ở thị trấn “Thành công”, chứ không phải nằm ườn ra dưới một gốc cây nào đó trong khu rừng “Cám dỗ”. Đừng nhầm lẫn giữa một người sống chậm và một kẻ trì hoãn!

Nếu cuộc đời là một thành phố, và những hạt bụi chính là khó khăn ta phải trải qua, thì có lẽ thành phố nơi tôi đang sống không đến nỗi ô nhiễm hay ngập ngụa trong bụi bẩn, nó vẫn có một ít bụi, nhưng chúng không thể cản trở cuộc sống tốt đẹp của tôi. Từ những hạt bụi cuộc đời, tôi nhìn thấy, hít vào, dùng bộ não và trái tim để thanh lọc và cho ra đời từng con chữ. Có thể nói, tôi không phải là một người từng trải, chỉ là tôi biết cách để trải qua mọi thứ mà thôi!

Và cách tốt nhất mà tôi đã, đang và sẽ áp dụng để không phải hối hận, ăn năn, nhớ nhung, nuối tiếc; để dẹp bớt quá khứ và sống cho hiện tại, đó chính là không bao giờ trì hoãn. Đừng trì hoãn, công việc tốt sẽ đến nhanh hơn. Đừng trì hoãn, bạn sẽ sớm tìm ra người yêu phù hợp với mình hơn. Đừng trì hoãn, bạn sẽ hạnh phúc hơn!

Tác giả: Yinny

Ảnh minh họa: Wiki Commons

[BDT2018] Tôi đang trở lại với tình yêu

3

Tôi là một con người tầm thường và bé nhỏ, một hạt cát li ti cố gắng xây dựng cho mình một vũ trụ giữa dải ngân hà triệu triệu các vì sao, triệu triệu các giống loài đang vần vũ.

“hôm nay tôi là tôi
thức dậy lại phải là một con người
tôi đau đớn thay tôi
tôi không muốn sống chung cùng với đàn người
lo những nỗi lo của đàn người
sợ những nối sợ của đàn người
tham những cái tham của đàn người
thèm những cái thèm của đàn người
tôi chỉ là một cái cây
cái cây tôi khóc cho muôn vàn cái cây khác
trong rừng già trần ai
cái cây tôi khóc cho muôn vàn thịt da khác
ở hồ máu đau thương
cái cây tôi khóc hộ đàn người
đàn người ơi
đàn người lúc nhúc bò dưới hố sâu
lố nhố nhai đầu nhau
lút chút hút thịt nhau
đàn người giết nhau trong hoang tàn đổ nát
đàn người ơi!”

Tôi, đã khóc, cho những chiếc lá non tơ rung rinh trên cành. Tôi, đã khóc, cho những khổ ải trần gian. Tôi, đã khóc, cho những ai oán bi thương kiếp người. Tôi khóc cho nhân loại này. Ôi những tột cùng tội ác, những lầm lạc vô luân, sự chối bỏ lòng tử tế nơi con người suốt dọc dài lịch sử. Bản tính loài người ích kỷ và tham lam. Tôi cần tái sinh nơi này bằng tình yêu thương và lòng tốt.

Tôi là đứa trẻ bị chối bỏ, sinh ra từ mối tình lầm lạc. Tôi khao khát được yêu thương nhưng chưa bao giờ được yêu thương. Tôi bị đánh đập – hứng chịu bạo lực/ lạm dụng tình dục từ lúc tôi chưa biết tôi là con người, từ lúc tôi chưa có một nhận thức sơ khai về thế giới quan – tôi quá nhỏ bé để biết cơ thể và tâm hồn tôi đang phải hứng chịu những gì. Những cơn đau về thể xác và linh hồn hành hạ tôi mỗi ngày/ mỗi giờ/ mỗi phút…. Biến tôi thành con dã thú bị mũi tên bắn trọng thương, trên miệng vết thương ấy đàn ruồi đen đỏ bay vo ve, sưng tấy, mưng mủ, đau rấm rứt…

Từ lúc có nhận thức, tôi chỉ mang máng biết, hay chăng thế giới này không thuộc về mình, tôi nhớ về thế giới cũ, nơi tôi sống trước khi được sinh ra ở đây….một màn đêm đen thẫm, một cánh cửa tái sinh…hay chăng đó là những kí ức đầu tiên khi tôi chui ra khỏi ổ bụng mẹ mình, một ổ bụng bị rạch đỏ tan hoang….

Năm 22 tuổi, tất cả những người yêu thương nhất của tôi mất đi. Trong cơn đau đớn tột cùng, những giấc mơ về gia đình ám ảnh lấy tôi, thức dậy giữa đêm trái tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt, tôi thở dốc, mồ hôi đầm đìa. Tôi gào thét trong đêm đau đớn, ai oán, cuồng loạn, căm phẫn….

Tôi bắt đầu chương tăm tối cuộc đời mình
Nơi đây,
không một ánh sáng le lói,
màn đêm cuộn chặt lấy tôi, ôm tôi vào lòng.
Đen thẫm,
Tôi chui mình trong một cái hố
bầu trời cao vời vợi cũng chỉ là một cái hố,
tất cả xung quanh tôi là cái hố.
Một cái hố đa chiều, một cái hố mà tôi có chạy nhanh đến mấy nó vẫn là cái hố, tôi cố nhảy lên cao đến mấy thì nó vẫn là cái hố.
Tôi bị mắc trong đầu mình về ý nghĩa cuộc đời và cái chết.
Cái chết đã từng ám ảnh tôi.
Sợ đứng bên mép đường ray, vì tôi nghĩ mình muốn đâm đầu vào đoàn tàu đang lao nhanh.
Sợ đứng trên ban công nhìn xuống dưới, vì tôi nghĩ mình muốn nhảy.
Sợ lại gần các vật sắc nhọn, vì tôi muốn dùng nó đâm vào cổ mình/ một tia máu đỏ vọt ra và thể xác này lạnh ngắt mãi mãi.

Tôi uống rượu để chìm vào giấc ngủ, còn nếu không thể ngủ được tôi sẽ ngồi hút thuốc và thở, đầu óc tôi trống rỗng, tâm hồn tôi trống rỗng. Chưa bao giờ tôi thấy sự trống rỗng khởi nguyên từ sâu thẳm bên trong nhiều như thế.

“Máu chảy thành giọt ở trong gương.
12h đêm cô gái trọc đầu ngồi chải tóc.
giọt nước mắt đọng lại trong hốc mũi
đông cứng ở họng.
khạc ra thằng người câm lặng.
ý nghĩ mở hội thi marathon.
cặp vú dài như dải yếm thắm
ai đánh đu tâm hồn trong vực thẳm
ai cười hềnh hệch như thằng điên
ai treo đôi mắt mình lên móc sắt
xin người cho ta nhìn gót chân.”

Trong cô độc, tôi tìm đến sex. Tôi làm tình với bất cứ ai tôi muốn. Có những ngày tôi làm tình với 2, 3 người liên tiếp. Chỉ vì tôi muốn như vậy. Ám ảnh lạm dụng tình dục và bạo lực hồi nhỏ khiến tôi thuộc về cộng đồng BDSM – một thế giới nơi tôi được là chính mình. Tôi sex không tình yêu, không cảm xúc, miễn là tôi thấy được thỏa mãn về mặt thể xác và căn nguyên sâu xa tôi sợ cô độc. Tôi sợ phải ngủ một mình trong những đêm quá dài…

Vì vậy mỗi lần sex xong tôi lại càng buồn hơn…

Tôi chìm sâu vào nỗi buồn của mình…

KoE
Sponsored

Chương tiếp theo: Màu xanh – Màu xanh của rừng, màu xanh của biển, màu xanh của tình yêu con người

Tôi phóng vút bay trên đường xa lộ đêm với vận tốc 130km/h, con đường ven biển tuyệt đẹp nối liền Ninh Thuận – Bình Thuận… Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời/ những chiếc thuyền câu mực đêm le lói – phản chiếu nhau/ soi bóng hình nhau. Tôi như chạy xe giữa ngân hà quá vĩ đại… Khung cảnh tuyệt diệu này là hòa trộn giữa mẹ thiên nhiên và loài người… Tôi biết tôi vẫn còn yêu cuộc sống này…

Trước ấy, tôi nghỉ việc, khoác lên mình bộ quần áo bò bạc phếch, mang theo một cái lều, một chiếc  balo và tự chạy xe máy. Tôi lang thang vào bản người Dao ở chân đèo Khau Phạ sống. Đêm uống rượu men lá bên suối, nghe tiếng nước chảy róc rách, lộc cộc lộc cộc của mõ trâu trong chuồng, không điện không đèn không wifi, đom đóm bay lập lòe cửa rừng. Vợ chồng anh chị Sím cho tôi ở nhờ, để giành cho khách chiếc giường sạch sẽ nhất ngay chính giữa nhà, mặc dù tôi chỉ xin một góc để trải túi ngủ. Tôi ăn cơm cùng họ, bữa cơm đạm bạc có duy nhất hai món: rau cải mèo luộc và rau cần cạn luộc với muối.

Tôi đi bộ dọc rừng Tây yên tử lên Ngọa Vân Am, đêm thì cắm lều trong rừng ngủ, mệt xuống suối rửa mặt uống nước pha trà pha cà phê trong chiếc lon coca… Sáng ăn bánh mì và cơm nắm mang theo… Nghe tiếng chim rừng hót ríu rít vang động một buổi sáng…

Tôi đi khắp miền tây bắc để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, để thấy mình còn chút ý thức sống ít ỏi rơi rớt lại. Tôi đã đứng trước cảnh đẹp thiên nhiên mà khóc, vì trời ạ, tại sao núi non có thể hùng vĩ và xao động lòng người đến vậy. Tôi không thể chết! Đêm tôi cắm lều trên đỉnh Ô quý Hồ, ngủ nhờ trong các lán bán hàng, sáng dậy vừa đánh răng rửa mặt vừa nhìn quanh bốn bề, nắng vàng ruộm, mây trắng lơ lửng như bông gòn, ngăn ngắt xanh của con đèo xếp chồng quanh co hiện ra trước mắt…Tôi lên chợ Cán cấu xem người dân tộc dắt trâu đi bán, màu sương đùng đục che khuất những đỉnh núi cao chót vót… Về Bắc Hà uống cốc rượu ngô ăn thắng cố… Mùa lau lách thì đi dọc vành đai biên giới…

Hai năm trời tôi mải miết đi, rồi tôi xuyên việt, vào Đà Lạt sống gần nửa năm để trồng cây, nuôi mèo, đọc sách… Những đêm Đà Lạt lạnh, tôi ôm mèo xanh nhìn ra ngoài trời, tôi nghe tiếng thở khẽ khàng của mình… Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ ràng sự cô độc đến thế… Tôi hút những hơi cần dài trong đêm đen… Âm nhạc luôn bên tôi, xoa dịu tâm hồn tôi…

Tôi như kẻ hành khất đi tìm lẽ sống đời mình. Đồng thời tìm sự cân bằng của kẻ đi trên dây.

Chương cuối: Sự trở lại

Tháng 6/2017, tôi bắt đầu làm film tài liệu về một khu ổ chuột cho các bệnh nhi và gia đình ở trọ điều trị bệnh. Nửa năm tôi miệt mài sống, ăn, ở cùng họ để cảm nhận không khí, con người, thứ mùi đậm đặc của thuốc men, bệnh tật, cống rãnh hòa quyện với nhau. Nơi tôi thấy tình người là thứ có ánh hào quang lấp lánh nhất.

Nơi đau khổ tột cùng, lo lắng tột cùng, ranh giới sự sống cái chết mong manh nhất lại là nơi tình yêu lên ngôi. Chỉ có tình yêu mới có thể khiến người ta cam chịu, nhẫn nhịn, hy sinh. Chỉ có tình yêu người ta mới có thể xoa dịu đi trái tim mình để chống chọi với bão lớn. Nơi đây, trong mắt tôi là tình yêu là thứ to lớn vĩ đại nhất.

Tháng 11 film tôi chiếu tại Hanoi docfest.

Tháng 10, ngày mùng 10, tôi dùng nấm…

Với một cú trip quá liều.

Tôi đã giết đi một phần linh hồn mình trong cơn trip.

Tôi đã sống dậy một phần linh hồn mình trong cơn trip.

Tôi đã thấy một tình yêu rộng lớn trong trái tim tôi, khi ấy tôi thấy hạnh phúc vô ngần, tôi thấy cơ thể ấm lên, tai tôi nghe thấy âm nhạc, mũi tôi ngửi được hương thơm… Tôi yêu muôn loài trên thế gian này, tôi muốn cho đi tất cả, muốn tha thứ cho tất cả, tôi muốn ôm con người, động vật, cỏ cây muông thú vào lòng mình…

Tôi đã thấy đau khổ cho chính tôi, cho ám ảnh quá khứ của tôi, tôi van xin được chết đi, tôi cầu xin được chết, tôi khóc thảm thiết khi không tự giết được chính mình… Rồi, con người đau khổ ấy xin ở lại nơi này, một con quái thú bị xiềng xích. Một con người yếu đuối của tôi, vĩnh viễn ở lại căn phòng này….

Ngày hôm nay, tôi thấy sức mạnh của tôi, sức mạnh của một con người có thể thánh hóa mình lên, tôi khao khát được sống, được làm việc, được trải nghiệm… Tôi bắt đầu tin vào tình yêu. Tôi tin vào sức mạnh của tình yêu. Và chính sức mạnh ấy tiếp cho tôi nguồn năng lượng để đi hết cuộc đời này không nuối tiếc…

Tác giả: Vân Thanh

Ảnh minh hoạ: prettysleepy

Sai lầm và sự suy ngẫm

0

(Ban biên tập đã đọc và cho rằng bài viết này đã lạc đề + quá nhiều lỗi chính tả (đã sửa lại) + nước đến chân mới nhảy, nên quyết định sẽ không cho vào Contest.)


“Sai lầm” nó là gì vậy. Và trên hết làm sao bạn có thể nhận biết được đó là sai lầm. Bạn vận dụng những điều gì, bạn sử dụng điều gì để đánh giá đó là sai lầm, hay mặt ngược lại của vấn đề là “Sự đúng đắn”.

Nhiều người trong chúng ta thường dùng kết quả, hay những gì đang đến hay sẽ xảy đến để lý giải về những sai lầm trong hành vi, hay suy nghĩ đã xảy ra của mình. Điều này có nghĩa là chúng ta quan sát những gì xảy đến với mình và những gì bạn tưởng tượng sẽ xảy đến trong tương lai gần để lý giải về sai lầm. Và thực tế là nhiều bậc cha mẹ dễ cho rằng mình biết được cái sai của con cái và hay đưa ra các lời khuyên hay thậm chí là sự ép buộc vì họ đã lớn tuổi hơn, và do vậy họ quan sát nhiều hơn cộng với tình yêu thương của mình và cho rằng con cái nên nghe lời họ.

Mình nói nhiều nãy giờ cũng chỉ cân nhắc rằng liệu ta lý giải sự sai lầm hay sự đúng đắn bằng cách quan sát các hành vi, các hoàn cảnh xảy đến, các kết quả mà bản chất nó xuất phát từ bên ngoài để đưa ra kết luận về điều gì là sai hay đúng có thật sự chuẩn xác, nếu nó không chuẩn xác vậy điều gì là chuẩn xác nhất.

Chúng ta bắt đầu đi tìm hiểu xem nhé.

Khi ta lý giải sự sai lầm thông qua các hành vi, sự sai lầm của ta có vẻ như gắn chặt với tâm trạng của ta. Nếu bạn là một nhân viên bán hàng và đã 3 tháng trôi qua bạn vẫn chưa bán được hóa đơn nào cả, và với áp lực của các chỉ tiêu bạn ngẫm nghĩ lại xem mình đã làm gì trong 3 tháng vừa qua, mọi hành động của bạn, suy nghĩ của bạn, giao tiếp của bạn với người khác… và bạn thấy được nhiều sai lầm của mình. Nhưng một bất ngờ lớn, sang ngày hôm sau bạn có được một hóa đơn lớn, lớn hơn cả chỉ tiêu của 3 tháng cộng lại, bạn ngang nhiên chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng, như có phép thần kỳ diễn ra sai lầm của 3 tháng qua đã biến mất. Hôm qua thì  nó có ở đó nhưng hôm nay thì không.

Một ví dụ khác như: Bạn đã 48 tuổi và con bạn vừa tốt nghiệp đại học xong, bạn và nó đã nói chuyện vài lần và tranh cãi về việc con bạn nên làm gì và dù không hề muốn nhưng bạn vẫn là người biết suy xét, bạn quyết định để cho con bạn làm những gì nó thích dù là sâu bên trong bạn, bạn không hề thích cách nó làm vì bạn cho rằng nó không hiệu quả. Nhưng một năm trôi qua con bạn làm ra tiền số tiền khá lớn 1 tỷ đồng và nó nhận được nhiều khen ngợi, ngay tại thời điểm đó bạn cho rằng có thể ngày xưa ta đã khắt khe trong cách nhìn nhận và có thể ta đã sai con ta  đã đúng và nó thật tài giỏi. Nhưng rủi thay 2 năm sau con bạn bị phá sản và nó đang thất nghiêp, và việc nãy đã diễn ra được 6 tháng rồi, bạn bắt đầu nhìn lại và dù cố gắng nhưng những suy nghĩ 3 năm trước lại ùa về, bạn gặp nó và nói rằng “Ba đã nói rồi mà, con không nên làm như vậy, hay tệ hơn, con phải xin vào công ty nào đó đi, hãy nhìn lại xem bao nhiêu năm qua con đã làm được gì nào.” Ba năm trước bạn cho rằng con bạn sai, một năm sau bạn thấy rằng mình sai, và giờ bạn quay lại nói rằng còn bạn lại sai.

Những ví dụ đơn giản trên không nói lên nhiều điều nhưng một phần nào đó nó cho thấy bạn bấp bênh, sự đúng sai cũng bấp bênh, bạn liên tục thay đổi suy nghĩ của mình, khi bạn dựa vào những gì thuộc khía cạnh bên ngoài để lý giải cho sự sai lầm thì rõ ràng nó không hiệu quả. Nếu bạn đồng ý với tôi thì hãy dành một ít thời gian để xem xét nhé, hãy xem mình đang đánh giá điều gì là đúng hay sai thông qua hoàn cảnh xảy đến, thông qua người khác, thông qua các hành vi bên ngoài…. Dù bạn đang vui vẻ hay đang buồn bã thì có thể đánh giá của bạn đều sai, có thể giờ nó đúng nhưng nhiều năm tháng sau nó có thể là sai.

Có thể ngay lúc này bạn đang nghĩ rằng.

Ơ hay nhỉ, tại sao tôi phải dành thời gian xem xét cơ chứ. Tại sao tôi phải lý giải sự việc được cho là đúng hay sai và nó xuất phát từ đâu chứ. Tôi đang vui vẻ, tôi thấy điều này là không cần thiết, tôi đang lên kế hoạch đi chơi và phải dành thời gian vui vẻ. Hay như tôi đang buồn tôi thấy rằng tốt nhất bây giờ là mình nên ngủ một giấc và biết đâu đó khi tỉnh dậy tôi thấy khỏe và tôi rủ bạn thân của mình đi xem phim. Nhưng ngay thời điểm này bạn cần phải bình tâm suy xét xem, điều này hết sức quan trọng, khi bạn lý giải sự đúng sai thông qua các khía cạnh bên ngoài, nó gắn chặt với cảm xúc của bạn, và nếu bạn đang vui thì không sao nhưng nếu bạn không vui bạn có ngay một lý do giải thích cho việc đó. Hay ngược lại cũng vậy nếu bạn đang vui, bạn cũng có ngay một lý do để giải thích cho việc bạn đang làm, ngay cả việc bạn đang dành thời gian đọc những gì tôi viết.

Và lời giải thích đó dù bạn đang vui hay buồn nó luôn phù hợp với tâm trạng của bạn, nhưng ẩn sâu vấn đề nó không cho bạn biết bạn đang nhìn nhận đúng hay nhìn nhận sai, và nếu không thật sự biết điều gì là đúng hay điều gì là sai có thể những gì hiện tại bạn cho là đúng trong tương lai chính bạn sẽ cho nó là sai… và chắc hẳn là như vậy nếu bạn thực sự đi sâu vào chính mình.

Và như vậy bạn sẽ thấy rằng, luôn có một lý do phù hợp cho hoàn cảnh mà tôi phải tìm ra nguyên nhân cho hoàn cảnh đó, mà đa phần nguyên nhân đó phải phù hợp với cảm xúc của tôi, nếu nguyên nhân đó mà người nghe cho rằng không phù hợp thì lại có ngay một nguyên nhân khác để lý giải như: Mình đúng nhưng do mình trình bày không đúng cách, hay đơn giản do bên đối diện không hiểu, không thông cảm cho hoàn cảnh của mình và nếu điều này xảy ra trong cuộc sống gia đình giữa bố mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, hay các mối quan hệ đồng nghiệp và bạn sẽ thấy rằng tài khoản tình cảm của bạn đang bị âm, những hành vi chống cự đổ lỗi liên tiếp xả ra… và bạn sẽ gặp rắc rối với cuộc sống của mình.

Như đã nói khi chúng ta lý giải những sai lầm hay đúng đắn thông qua môi trường bên ngoài, cộng với những lời giải thích thuyết phục cho cảm xúc của mình. Dần dần qua thời gian như một điều hiển nhiên sẽ xảy đến, ta phụ thuộc vào cảm xúc của mình, ta chỉ muốn được mọi người khen ngợi, ta muốn được quan tâm vì đó là những điều làm cho ta vui vẻ và dễ chịu. Nếu ai đó chỉ trích như một thói quen ta bùng lên chống trả, những gai nhọn cảm xúc xù ra mắng nhiếc người đối diện, ta không còn giữ được bình tĩnh. Và tệ hơn ta đánh mất một mối quan hệ, có thể là người bạn, anh chị em hay một đồng nghiệp thân thiết. Nếu nhiều người chỉ trích ta, cảm thấy chiến đấu không lại, ta thu mình lại và cố gắng không quan tâm, ta có thể chôn vùi cảm xúc này bằng cách tập trung cho công việc khác, nhưng nó vẫn ở đó, vẫn bên trong ta không hề thay đổi và không sớm thì muộn nó cũng sẽ bùng ra ngoài theo nhiều dạng thức khác nhau.

Và theo thời gian tôi chôn vùi sai lầm thực sự, sai lầm nối tiếp sai lầm, nó dần chiếm lấy con người tôi, nó biến tôi thành con người khác, đến nỗi khi nhìn lại đôi khi tôi cũng cảm thấy sợ con người xưa cũ của mình.

Khi ta lý giải những sai lầm từ bên ngoài, như một cách vô thức (ta phụ thuộc cảm xúc của mình, ta muốn được nhận lời khen tặng, ta muốn được có gì trị…) ta cũng đặt luôn cảm xúc, những mong muốn, những ước mơ, niềm tin, hy vọng…. Vào hoàn cảnh và vào tay người khác. Và rồi những hành vi của ta làm hôm nay, ngày mai, được dẫn dắt bởi những hoàn cảnh xảy đến, bởi việc làm hài lòng người khác (vì ta vô thức đặt niềm vui của ta vào tay người khác), có thể ước mơ của ta cũng chính là ước mơ của bố mẹ, của người mình yêu thương, của hoàn cảnh, của những điều xảy đến mà ta cho rằng không phù hợp vì ta sợ bị chỉ trích. Nếu ta bị chỉ trích ta dễ dàng nổi nóng, ta mang sự khó chịu, bực dọc đó về nhà và áp nó lên những người thân yêu của ta. Ta dành thời gian mà đáng lẽ để ta học hỏi, tận hưởng để làm cái gì vậy?

Cuộc sống nội tâm của ta dần dần nhỏ lại, nó đang bé lại từng ngày, đến nỗi bạn cần những niềm vui bên ngoài, những sự quan tâm bên ngoài làm niềm vui cho bản thân bạn. Và bạn biến thành nô lệ cho môi trường bên ngoài.

Bạn có thấy sự bấp bênh khi đặt cuộc sống mình vào bên ngoài hay không, nó có phải là sai lầm không, vui buồn của bản thân bạn nó như thế nào khi trong tay người khác hay hoàn cảnh xảy đến, ấy vậy mà nhiều người còn không biết đến cả điều đó nữa. Và vì ta chỉ có một cuộc đời để sống, ta phải thay đổi, ta đâu thể nào phụ thuộc vào những điều mà người khác đánh giá mình, mà phẩm giá của con người đó là điều mà ta cần phải xem xét, ước mơ của ta, hạnh phúc của ta phải do ta vẽ nên chứ sao để hoàn cảnh, những cái nhìn hành vi từ xã hội thay thế cho chính ta được.

Khi nghĩ lại việc lý giải điều gì là đúng hay sai và nó được lý giải từ đâu nó có ảnh hưởng khá quan trọng và sâu hơn nó chính là một cái nhìn trong tiềm thức mà nó điều khiển suy nghĩ hay hành vi của ta. Ta cần một cái nhìn mới, một mô thức mới cho mình.

Cái nhìn của ta từ đầu đến giờ xuất phát từ bên ngoài, từ sự quan sát bên ngoài, và nó không mang lại hiểu quả. Nhưng tệ hơn nó còn thu hẹp đi niềm vui, hay hạnh phúc thực sự mà bản thân một con người có thể tận hưởng trong cuộc đời của chính bản thân người đó.

Tôi ngồi đó, trong căn phòng rộng và dài với tô điểm xung quanh là những khung cửa sổ dài và rộng, đã 8 tháng trôi qua, tôi dành nhiều thời gian để tim hiểu về cuốn sách 7 thói quen của người thành đạt của Tiến Sĩ Stephen R. Covey. Như một khởi đầu mới tôi thấy được mô thức đúng đắn cho chính mình và tôi tin rằng là cho tất cả tất cả mọi người, mô thức từ trong ra ngoài. Tại thời điểm tìm ra mô thức từ trong ra ngoài tôi tìm thấy chính mình và một niềm vui thấp thoáng, một hạnh phúc thực sự bắt đầu ẩn hiện, tuy nó không rõ ràng nhưng tôi biết nó đã bắt đầu xuất hiện và tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc ban đầu.

“Sự thay đổi phải đến từ bên trong chính bản thân mỗi người và không ai có thể mở cảnh cửa của sự thay đổi thực sự ngoài chính bản thân bạn cả, người khác có thể nói về sự thay đổi nhưng chính bản thân bạn phải là người đặt tay lên cánh cửa và đẩy nó ra ngoài, đó cũng là lúc bạn bắt đầu cảm thấy niềm vui và hạnh phúc thực.” Tôi được dạy như thế trong tác phẩm 7 thói quen của người thành đạt của Stephen R. Covey.

Đó là lúc  tôi cũng bắt đầu nhận ra ý nghĩa trong câu nói của T.S Eliot “Bạn không được ngừng khám phá và đích đến của hành trình khám phá là đến được nơi ta đã bắt đầu để lần đầu tiên được biết nơi này.” Tôi được biết qua câu nói này trong tác phẩm 7 thói quen.

Những ai đã đọc 7 thói quen, để biết được điều gì là đúng hay sai ta phải dựa trên các nguyên lý điều khiển con người, tôi muốn nói nhiều hơn nhưng tại sao phải nói khi tất cả đều nằm trong cuốn sách, tôi và bạn có thể học hỏi cùng nhau và trao đổi sự hiểu biết của chính mình về chân giá trị trong cuốn sách và đó là con đường duy nhất mà thôi.

Tôi bắt đầu luận về thói quen trì hoãn của mình, nó đến từ đâu.

Tôi nhận thấy rằng mình trì hoãn giải quyết một vấn đề hay một việc làm mà đáng lẽ ra ta phải làm như là một kế hoạch lâu dài từ trước đã được định sẵn.  Tôi trì hoãn một việc để thõa mãn thú vui nhất thời tại một thời điểm, hay thõa mãn một cảm giác yên bình nhất thời bên trong tâm hồn mình, việc làm này tạo cho tôi một cảm giác yên bình nội tại và cũng là do tôi sợ phải đối mặt với điều đó, nó xuất phát từ việc tôi chọn cách né tránh vấn đề và cũng nói lên rằng một phần bản tính cốt lõi của tôi là tôi nghĩ rằng mình không giải quyết được vấn đề nhưng cũng khônng thừa nhận điều đó. Tôi tìm kiếm một con đường khác an toàn hoàn hơn là né tránh vấn đề, khi vấn đề cần phải giải quyết tôi  sẵng đó một lời giải thích phù hợp để biện hộ.

Điều này xuất phát từ việc cho rằng mình thực sự kém cỏi nhưng nghĩ rằng mình đủ tốt, nhưng tôi không thừa nhận sự ngu dốt của mình, biết mình ngu dốt nhưng không thừa nhận sự ngu dốt vì ta sợ người khác đánh giá mình và có nghĩa là ta đặc giá trị của ta vào trong tay người khác. Việc cho rằng giá trị của mình nằm trong tay người khác, đối với tôi, dần dà nó hình thành nên tính trì hoãn.

Bạn biết không trong chương đầu tiên của Đắc Nhân Tâm nói gì không, muốn lấy mật thì đừng phá tổ ong, nhưng với tôi, muốn lấy mật bạn phải trồng hoa.

Những khái niệm về mô thức, tài khoản tình cảm, mô thức từ trong ra ngoài là gì, khái niệm về hiểu quả, đều được hiểu theo nghĩa trong cuốn sách 7 thói quen và đều được trích dẫn từ đó.

Tác giả: Thanh Hải

 

Điều gì tồn tại giữa chúng ta?

0

Lúc 4 giờ sáng, tất cả mọi thứ xung quanh chưa bắt đầu, tinh thần tôi lúc này tốt nhất để đón chờ mọi thứ xảy đến với mình, là thời gian tôi thích nhất trong ngày. Nhưng mọi thứ thật mong manh, giống như lớp sương mờ ảo đen tối ngoài kia, thời điểm và cảm xúc của tôi rồi cũng sẽ tan thôi. Tôi không phải là người thích viết lách, tôi thấy rằng trí thông minh về ngôn ngữ của mình thật đáng chán, rất rất nhiều lần, tôi không thể tìm ra được từ ngữ nào để diễn tả cảm xúc trạng thái của bản thân, trong khi suy nghĩ của tôi lại nhiều, móc nối và rối ren với nhau. Trước khi trở lại trạng thái bình thường của cuộc sống, tôi cố gắng viết ra một chút.

Từ bé thơ đến trưởng thành, tôi càng thấy việc duy trì những mối quan hệ khó khăn hơn. Ngày bé, tôi dễ dàng kết bạn với bất kì  người nào, chúng tôi đối xử với nhau bằng sự tất cả những gì vốn có, chia sẻ với nhau mọi thứ hàng ngày. Bởi vì chúng tôi đều là những đứa trẻ con mới nhận thức được thế giới, một khi kết bạn được, chúng tôi đem toàn tâm toàn ý mở lòng ra với nhau. Lớn lên, cũng là lúc tôi đã hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài, khi chúng tôi dần dần thấu tỏ đồng thời tự tạo nên con người thật của mình thì khoảng cách giữa những đứa trẻ ngày trước cũng xa dần đi.

Chúng tôi đã không còn những lúc gặp nhau cười hết cỡ và ôm nhau xiết chặt, đã không có thể thức đến 3 4h sáng nói chuyện với nhau đủ mọi thứ trên trần đời, đã không tức giận cãi nhau rồi năn nỉ vì không muốn mất đi người chơi cùng, không có thể bày ra những trò chơi điên rồ khi không có gì làm. Thời thơ ấu là quãng thời gian vàng son luôn ở một phần tôi, bây giờ dù tôi có thể để sự ngây thơ trong con người mình bộc phát ra thì cũng không thể cùng người ta có lại cảm giác ấy.

Các khía cạnh trong mình được định hình rõ nét, không còn mơ hồ chung chung như hồi còn nhỏ, có những quan điểm mà chúng tôi như ở hai đầu, đi về hai hướng trái ngược, đứng về hai phía đối lập, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn đều dễ gây nên xích mích mâu thuẫn. Không biết ai trong chúng tôi còn nhớ và trân trọng khoảng thời gian đã qua, có lúc nghĩ lại không thể hiểu được vì sao có thể từng thân đến thế, từng lấy người khác làm động lực niềm vui để hoàn thành công việc. Chúng ta sẽ nhớ một vài chuyện, quên một số cái, tôi không biết liệu phần kí ức được lưu lại của mỗi người có giống nhau không, nếu chúng tôi có thể nhớ được những chuyện như nhau, đây là một niềm an ủi…

Lớn thêm lên, khi mà gặp gỡ tiếp xúc với những người không giống mình, nhiều lần tôi không thể hiểu được tại sao con người lại hành xử khác nhau đến vậy, tại sao cuộc sống này không thể bao dung che chở cho nhau mà cứ làm người khác phải đau khổ không ít thì nhiều. Bản thân nghĩ: Từ xưa đến nay, con người luôn làm mọi thứ, phát minh sáng chế ra nhiều loại máy móc công cụ, tìm tòi khai thác tất cả các ngành khoa học mục đích cũng là để phát triển thế giới, nâng cao đời  sống con người, nhưng tại vì sao ở thời kì nào người ta cũng phải chịu đau khổ, xung quanh mình luôn tồn tại bi thương bế tắc?

Tâm hồn con người phải chăng như một giếng nước sâu không biết đáy ở đâu, càng xuống bên dưới lại càng tối tăm mù mịt. Chúng ta cần sự giúp đỡ của kẻ khác đồng thời gắn kết với người ta để khai phá ra bản thân mình, để có thể hòa hợp chung sống an vui, tháo gỡ từng lớp từng vỏ bọc của mình, không còn phải chịu thương tâm đau buồn nữa.

Vài năm trước, tôi đã nghĩ khi tôi đối xử với người ta thật chân thành, thật rộng lượng, tôi không tính toán những chuyện nhỏ bé bình thường, cố gắng sống thật nhất, vô tư có thể, thì người ta thấy tôi như vậy, cũng sẽ sống lại như thế với tôi. Tuy nhiên, tôi đã ích kỷ, sinh ra trên đời này, mỗi người là kết quả của gia đình, xã hội, bạn bè, tất thảy những thứ ở xung quanh.

Ai cũng có những khí chất của riêng mình, có suy nghĩ khác nhau, tâm trí khác nhau, từng hoàn cảnh xảy đến, từng con người đi qua cuộc đời dù giống nhau thì chúng ta vẫn cứ hành xử theo những cách khác nhau, ngày càng bồi đắp nên con người thật của mỗi chúng ta. Họ chỉ bị thu hút bởi những ai giống họ hoặc đáp ứng những nhu cầu họ thiếu. Tôi không thể ép suy nghĩ và lí tưởng người khác, một trong hai không thể thay đổi tính cách, chỉ có thể từ bỏ tìm một hướng đi khác.

“Cuộc sống không phải là cuộc hành trình tìm kiếm bản thân, nó là khả năng tạo ra chính mình.” Trải nghiệm những việc xảy ra trong đời, những vui sướng và khổ đau hàng ngày, có yêu thương, có mất mát, chọn lọc từ những gì nhỏ nhặt nhất đến những chuyện mãi không quên được, hội tụ và kết tinh làm nên mỗi cá thể. Bước chân vào xã hội, dù mỗi cá thể là duy nhất, nhưng người ta không đủ can đảm để bộc lộ con người thật của mình, người ta sợ sự đơn độc, sợ phải đứng một mình ngoài rìa với đám đông, có những tư tưởng còn ngờ vực chưa chắc chắn, nên ta hòa mình vào với nhiều người.

Muốn cảm giác được an toàn, tìm được những người tương đồng, có cảm giác được yêu mến dù ít ỏi mong manh, đó là một phần bản ngã của chúng ta. Cũng chính vì điều này, nó làm bào mòn đi những cái bản thể trong mình, lớp màng ban đầu ngày một dày thêm vì muốn để lộ ra ngoài những thứ dễ dàng được chấp nhận, tệ hại hơn là đánh mất bản thân vì khát vọng muốn được người khác tin yêu chú ý. Khi bắt đầu chịu thừa nhận và thành thật, chịu nhìn rõ tâm hồn mình, nhiều người chỉ đồng hành, ở bên nhau  trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, chỉ là những đường thẳng cắt qua đời nhau mà thôi.

Hành trình sống của bạn luôn phải tìm người có thể khiến bạn sống là chính mình, có nhiều điểm tương đồng với bạn nhất và cũng có thể bù đắp những thiếu hụt của bạn. Thực ra, bạn phải phá bỏ toàn bộ rào cản mà bạn ngăn cách bản thân để mở lòng ra, để cảm nhận những tình cảm tốt đẹp nhất của thế gian.

Khi đối diện với người khác, chúng ta luôn muốn là tốt nhất trong mắt nhau, luôn hòa nhã thể hiện những gì đẹp nhất mình có, nhưng cũng phải sống thật, sống ngay thẳng. Chính vì vậy mà chúng ta hiểu lấm nhau, rồi từ đó tích tụ lại chán ghét rời bỏ nhau. Một điều tàn nhẫn ở đây đó là họ đều là những người thân bạn bè, những người ở đáng lẽ ta phải ở bên cạnh chăm sóc yêu thương.

Mặc dù rõ ràng là khác nhau, thậm chí gieo vào lòng nhau những muộn phiền áp lực, nhưng chúng ta lại ý thức cuộc sống của mình cần có đối phương. Tận sâu trong tâm khảm vẫn hiểu rằng họ là một phần cuộc sống của mình, cũng muốn bù đắp những lỗ hổng trong họ, cùng với việc nhìn thấy và cố gắng cảm thấu những nỗi đau, mất mát mà đối phương phải chịu. Trong sự tức giận của tôi và bạn có sự xót xa thương cảm, xen lẫn nỗi chán ghét buồn bực là mong mỏi có thể bao dung và thương yêu hơn.

Tôi chắc rằng có rất ít người có thể sống chân thật hoàn toàn, vì khi đó bạn nhìn rõ bản chất người khác, bạn sẽ phải đánh giá mọi sự trên góc nhìn không phải của mình. Khi phô bày hết sự thật trần trụi cho người khác thấy, sẽ thật là nghẹt thở, thật khó sống thuận ý mình vui lòng người. Vì thế, chúng ta không nên đào quá sâu vào vấn đề, không nên đi đến tận dưới đáy tâm tư một ai, nếu bạn không đủ dũng khí đối mặt với những sự thật và vấn đề phát sinh sau nó. Dù vậy, nếu cần, bạn không thể che dấu cảm xúc thật của mình, càng khóc sớm, bạn sẽ càng đứng dậy và tỉnh táo lại nhanh.

Chúng ta luôn tồn tại nhiều hơn một nhân cách trong mình, bất kể bạn có là người đơn thuần đến thế nào, việc tranh đấu với mặt đối lập là điều không tránh khỏi. Từng giờ từng phút, tôi phải đối diện và nhìn thấy hằng hà sa số những xung đột, mâu thuẫn nội tại từ chính quan điểm, tư tưởng của mình và những người xung quanh. Khi tình cờ nhìn thấy ngoại hình ai đó không đẹp, một hành vi không vừa mắt, hay bất kì điều gì không vừa lòng trong đường đời, con người thường có xu hướng phê phán so sánh, có lúc buông lời khó nghe.

Nếu tích cực, đương nhiên chẳng vấn đề gì, còn tiêu cực, hẳn sau đó gây cho người nghe chút chạnh lòng. thực ra chúng ta không hoàn toàn có ý xấu, nhưng cái tôi khi ấy trỗi dậy đến mức không tự kiểm soát được, dù rút lại lời nói thái độ đó cũng khó cứu vãn. Điều này vô tình làm cho chúng ta thành kẻ ích kỷ tột độ, mật ngọt với mình lại là thuốc đắng với người khác, để mặc thật tâm ai nấy cũng mong muốn được đối xử dịu dàng ân cần.

Tốt hơn hết, chúng ta chỉ nên sống trọn vẹn cuộc đời của mình và giúp đỡ phần nào cho những  người ta yêu thương. Bên ngoài kia thiện ác đúng sai ra sao chỉ cần họ sống độc lập tự do hài lòng với cuộc sống ấy thì không người ngoài nào có tư cách đánh giá, cuộc sống không giống nhau, đừng làm phiền nhau. Bất luận bạn có sống theo cách nào, vẫn có người không thể hiểu được một chút nào về bạn, hiểu lầm về hành vi của bạn, bất đồng quan điểm với bạn. Suy cho cùng, giữ tâm thăng bằng đơn giản, vứt bỏ đi những bận lòng phù phiếm ở đời sẽ là cách giải quyết tốt nhất

Tôi là một người còn đang trẻ, tôi càng ngày càng có những mối quan hệ mới, tiếp xúc với nhiều kiểu người mới, những biến đổi hàng ngày từ thế giới, xã hội và những mối quan hệ với con người tác động trực tiếp đến suy nghĩ của tôi. Chỉ mong rằng trong cuộc bộn bề hiện nay, tất cả chúng ta có thể giữ nguyên bản tính lương thiện của mình, tình yêu thương và vị tha luôn là một điều kì diệu của cuộc đời. Hành trình tranh đấu với bản thân mình, dung hòa những mặt đối lập là không dễ dàng, hãy tin rằng nó sẽ xứng đáng với những nỗ lực từng ngày của chúng ta và kết quả cuối cùng mọi người sẽ sống trọn vẹn trong tình yêu thương.

Tác giả: Thanh Nhàn

Ảnh minh hoạ: StockSnap

 

[BDT2018] Nước mắt người đàn ông

3

Tôi – một cậu trai tuổi đôi mươi, sống trong một gia đình vui vẻ và chan hòa, có những người bạn vô cùng thân thiết, cũng có mối tình thật đẹp với người mình thương. Học hành thì cũng tàm tạm, cũng vào được một trong những trường đại học khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Có vẻ dường như tất cả đều bình thường, duy chỉ có một việc: tôi rất hay KHÓC – và đối với một gia đình chỉ có 1 thằng con trai là tôi thì điều này phiền muộn lắm, cho cả gia đình tôi lẫn tôi.

Xưa kia mỗi lần bị la hay đánh đòn, cái mà tôi có thể làm được là khóc, khóc thật to, và hết. Thuở nhỏ thì chắc ai chả vậy nhỉ? Điều đó thì cũng bình thường mà! Nhưng một trong những sự kiện sắp tới mới thật sự gây lo lắng. Chỉ vì một sự ức chế, tức giận vì tôi không thể cãi lại được chị mình, tôi cũng khóc. Chỉ vì thằng bạn cùng lứa to tiếng hơn tôi, tôi cũng khóc. Thậm chí là đang tranh giành nhau 1 cái đèn led với người anh họ mà tôi cũng có thể bật khóc.

Rồi thì lên tới cấp 2, cái tuổi chập chững bắt đầu biết thương người này, nhớ người kia; cái tuổi bắt đầu biết thêm sự đời, thêm sự tình; tôi vẫn không ngừng tuôn nước mắt. Chỉ một xích mích nhẹ, cãi nhau, nói được vài ba câu nước mắt tôi lại rơi, nhiều lúc cũng không hiểu vì sao? Vì quả tức trong mình hay vì sự yếu đuối, sợ hãi của bản thân; hoặc có thể là một thứ cảm xúc nào đó mà tại thời điểm ấy, tôi vẫn chưa hề biết đến. Rồi lên cấp 3, cái thời nam sinh điêu đứng một lòng một dạ với tà áo dài tung tăng đến trường, bắt đầu hiểu được tình yêu là gì; cái thời mà người ta vẫn thường hay nói về một tình yêu trong sáng, ngây ngô, dễ thương,…; cái thời mà suy nghĩ bắt đầu chín chắn hơn, cũng là bắt đầu cho một sự lo toan sau này nhiều hơn – nghề nghiệp. Cái thời mà người ta vẫn thường hay nói con người khi đó trưởng thành hơn, đững đạc hơn, tôi vẫn không ngừng khóc. Khóc vì bị người mình thương từ chối, khóc vì đội mình thua trận bóng sống còn. Rồi cho đến khi lên tới đại học, sự thay đổi cũng không có gì nhiều. Nước mắt – cái thứ cứ mãi bám theo tôi suốt 20 năm trời qua vẫn chưa bao giờ manh nha ý định từ bỏ.

Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn luôn được dạy rằng con trai là phải luôn mạnh mẽ, phải có sự nghiệp ổn định, là bờ vai vững chắc cho người phụ nữ, trụ cột vững chắc cho cả gia đình. Và vì thế, khóc là một điều không thể chấp nhận được ở một người đàn ông. Vì đối với ba, khóc là một động từ nhằm ẩn ý cho 3 tính cách: YẾU ĐUỐI, YẾU ĐUỐI VÀ YẾU ĐUỐI. “Con trai mà khóc thì như bê đê vậy!”

Nhưng cuộc sống của tôi đâu chỉ quanh quẩn trong nhà, tôi vẫn luôn có những người bạn, những người anh chị em,… và tôi mong rằng họ sẽ không phán xét tính cách của tôi. Nhưng có vẻ như điều đó không thực chút nào cho lắm. Vẫn là cái biệt danh MÍT ƯỚT đi từ nhà đến trường, rồi từ trường đến những nơi vui chơi,… riết rồi nó như một cái tên thứ hai mà tôi nghĩ chắc không còn ai nhớ được tên khai sinh của tôi la gì – ngoại trừ tôi. Còn mấy bác trong nhà thì chắc mọi người cũng đoán được mà! Làm gì có ai có thể chấp nhận một thằng cháu trai mà suốt ngày “khóc nhè” cơ chứ! Mọi thứ đến với tôi như một sự ngăn cản một cách ức chế cảm xúc của mình vậy, và chính điều đó càng làm tôi dễ khóc hơn!

Như tôi nói ở trên, cuộc sống trên đại học của tôi cũng không quá nhiều đổi thay. Vẫn cứ như thế, kìm được giọt nào hay giọt đó, nhưng khóc thì vẫn không thể nào thôi được. Khóc vì chia tay người yêu, khóc vì không bảo vệ được tình yêu của chị mình. Tôi vẫn cứ khóc thôi. Nhưng những giọt nước mắt này đặc biệt hơn một chút: rằng lúc ấy với tôi là những giọt nước mắt đồng hành, rằng chỉ tôi với nó, trong một căn phòng kín tắt đèn tối thui, rằng chỉ mình tôi được biết mình đang khóc. Nước mắt lúc ấy có vẻ hơi cô đơn, nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc nhất. Cho đến một ngày…

Tôi cũng khá may mắn khi có được một nhóm bạn thời cấp 3 vẫn còn chơi chung tới bây giờ. Tụi nó chơi cũng thoải mái lắm, ăn uống cũng không cầu kì gì, thấy rẻ là muốn ủng hộ ngay rồi! Đám trong đó có thằng Dương – một trong những thằng hài hước và cũng rất đàn ông (tính ra nếu xét về độ “mít ướt” thì tôi chắc trùm lớp rồi, huống chi đây chỉ là một nhóm 4 đứa!) Thiệt tình thì nó hay lắm. Cãi lộn là cãi cho bằng tới, thông minh nhưng lại rất đơn giản. Nó được tôi gọi ngầm là một trong những thằng vô cảm nhất, bởi vì nó đi đâu, làm gì cũng chỉ có một mình – một mình vậy riết không lẽ không chán, không tủi sao! Thế mà nó vẫn sống được như vậy tới bây giờ! Trời đất này cũng kỳ lạ ha! Và thế là (cho đến một ngày) …một ngày dịp lễ, tôi có ý rủ nó xem phim cùng ở rạp để cho cuộc sống nó bớt chán hơn (tôi tin là vậy), thay đổi cuộc sống của nó chút xíu. Nhưng ai ngờ đâu chính nó lại làm cuộc sống tôi đổi thay nhiều vô cùng, nói đúng hơn là giúp tôi sống lại với cuộc sống của chính mình!

Hai đứa cùng đi xem một bộ phim về tình yêu, đôi bên chia xa do dối gian nhau nhưng rồi cuối cùng cũng tha thứ và trở về cạnh nhau. Nhưng cái chính ở đây không phải là bộ phim, mà là ở thằng Dương: nó KHÓC! Nước mắt nó cứ chảy mãi suốt đoạn nam chính về lại bên nữ chính, cùng nhau bảo vệ kỉ vật mà hai đứa tạo ra trước dông bão. Nó khóc mà nước mắt chưa rơi hết giọt này lại vội rơi giọt khác, như thể cảm xúc ấy trong nó tràn ngập lắm! Nhưng mà…hai tay nó cứng đờ một chỗ trên thành ghế, nó không lấy áo lau, cũng chả buồn nhìn ngó xem có ai thấy mình khóc không. Vậy đó, mắt nó thì cứ hướng về màn hình, lệ nó thì vẫn cứ vội vã lăn. Phim hết, nó cũng chẳng vội chạy ra phòng vệ sinh, che mặt cho không ai thấy một đấng nam nhi lại khóc chỉ vì một bộ phim 90 phút. Nó ngồi yên đó, chắc là ngẫm lại cảm xúc lúc ấy, rồi lưu giữ nơi đâu đó, sau đó mới nói tôi ra về.

Vậy thôi, chỉ vậy thôi đó, chỉ vỏn vẹn chừng 10 phút hơn thôi, mà mọi thứ trong tôi như rối bời vô cùng. Tôi bất ngờ lắm, bất ngờ bởi vì một thằng bạn mà mình từng nghĩ nó vô cảm – giờ đây lại khóc trước một bộ phim; bất ngờ vì nó là một thằng con trai; và bất ngờ hơn nữa là vì nó dám khóc nơi đông người mà chẳng tơ vương lấy một chút xấu hổ hay ngại ngùng nào! Lúc sau tôi vờ đùa nó:

“Phim hay mày ha, tao xém khóc luôn ấy.”

“Tao thì khóc luôn rồi chứ xém gì nữa. Phim hay mà!”

Tôi bất chợt đứng hình, trộm nghĩ: mày dám nói cho tao biết rằng mày khóc luôn hả! Mày không sợ tao trì triết nói xấu mày sao! Rồi vô tình đúng lúc đó nó nói thêm:

“Đó là một trong những lí do tao thích xem phim một mình. Vì khi ấy tao có thể toàn tâm thưởng thức bộ phim hơn, khi ấy tao có thể được khóc nhiều hơn cho những cảm xúc đẹp ấy trong phim, và chính những cảm xúc ấy cũng sẽ ghi dấu trong tao, cho cuộc sống tao thêm muôn màu muôn vẻ hơn nữa!”

Như một cú tát táng thẳng vào những sức ép từ ba mẹ, những lời trêu chọc từ bạn bè hồi xưa, lòng tôi khi ấy như muốn bùng nổ vỡ tan tành, cảm xúc trong tôi không thể nào vui sướng hơn. Tôi muốn ôm nó, nhưng chắc nó không cho – tại nam với nam chốn đông người cũng hơi kì – thế nên chỉ khoác vai, và cười với nó suốt cả lúc ra về.

Nó khi ấy chắc không hiểu được đâu, một con người bị kìm nén trong tôi như muốn nhảy bổ ra ngoài, vui sướng vì hạnh phúc, mừng rỡ vì lần đầu tiên có người giống mình đến vậy, mà xúc động vô cùng khi chính người ấy lại đem đến động lực cho mình được cơ hội một lần nữa sống lại cuộc sống của chính mình!

Từ nhỏ đến lớn tôi luôn được dạy phải trở thành một người đàn ông đúng mực, mạnh mẽ, thành công – rằng một thằng đàn ông thì không bao giờ cho phép mình khóc cả. Và thế là trong tôi luôn dày vò giằng xé nỗi niềm ấy, cái mà tôi thường bị người ta gọi là MÍT ƯỚT. Và cũng chính vì những đám đông ấy mà trong suốt 20 năm qua tôi đã tin rằng đó chính là một trong những khuyết điểm lớn nhất của bản thân, rằng mình sẽ không bao giờ có thể trở nên một thằng đàn ông đúng mực nếu như cứ mãi khóc thế này.

Cho đến khi khoảnh khắc ấy xảy ra, cái khoảnh khắc như trời mệnh ban bố làm tôi chợt tỉnh giấc – rằng mình mãi ngủ quên trong những lời ra tiếng vào của mọi người bao lâu rồi nhỉ! Cái khoảnh khắc như một cú tát vào mặt choàng tỉnh, bật dậy chỉ để hỏi chính bản thân mình một câu: Cuộc sống này tôi sống cho ai? Và có ai thấy rằng tất cả những điều ấy đều được tạo từ con người mà ra, rằng từ những ý niệm về nước mắt là một sự yếu đuối thường chỉ dành cho phụ nữ giờ đây trở thành biểu tượng không được gán trên những người đàn ông không? Có còn ai chịu thấy rằng nước mắt có rất nhiều loại nước mắt không?

Nước mắt của sự bi ai, thương tiếc hay nước mắt khóc cho một nỗi uất ức, tức tưởi từ bấy lâu nay, nhưng cũng có thể giọt lệ này rơi xuống là để tả nỗi niềm hạnh phúc mà người ấy nhận được, hay chỉ đơn giản khóc vì một cái đẹp, vì một cảnh buồn hay vì một thứ gợi nhớ lại kí ức. Mắt là cửa sổ tâm hồn, thế nên những gì từ mắt ra đều là xuất phát từ tâm hồn cả. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải kìm nén một thứ từ tâm hồn, trong trắng và tinh khôi đến vậy!

Cuộc sống của con người chứa đựng đầy cảm xúc. Và chính những giọt nước mắt ấy là thứ giúp hằn sâu trong tâm hồn ta những kỉ niệm, những khoảnh khắc mà tại nơi đó, cảm xúc luôn được đong đầy, tràn ngập, dù cho đó có là vui hay buồn, tự hào hay oán hận… Chính những cảm xúc ấy đã làm cho cuộc đời ta thêm đẹp hơn, đầy sắc màu hơn.

Cuộc đời không còn là một chuỗi ngày dài bình thường lặp đi lặp lại hằng kì mà giờ đây nó là tổ hợp của cảm xúc trong từng giờ từng phút từng giây để từ đó tạo ra từng ngày khác biệt nhất. Sẽ có lúc đó là một ngày buồn, một cảm xúc chán nản vây quanh dồn dập; nhưng cũng sẽ có lúc cuộc đời vui như hoa ngày tết vậy. Cảm xúc lúc lên lúc xuống, cuộc sống cũng từ đó mà đa dạng thêm. Và việc khóc giờ đây trở thành một con dao – không phải đâm chết tim nhau – mà là cứa vào tâm hồn ta, hằn sâu những cảm xúc ấy trong ta sao cho thật nhất, đầy sinh động và rõ nét nhất. Vả lại những cảm xúc ấy không có lỗi, tâm hồn này có há chi mà phải đóng chặt lại, tự nhốt mình bên trong để rồi ngày nào ấy khi chốt cửa không còn mở được nữa, ta sẽ lại chết trong vô cảm và đầy cô độc mất.

Suy nghĩ trong tôi dần một thay đổi, và điều đó cũng làm hành động tôi thay đổi theo. Tôi bắt đầu dám khóc nhiều hơn và khóc trước nhiều người hơn. Khóc vì một bộ phim hay, khóc vì một cảnh quay đẹp, khóc cho một tình huống xót thương bên lề đường, khóc cho một cậu bé nghèo ngoài phố… Và rồi bất chợt một điều đặc biệt lại xảy đến với tôi: tôi cười nhiều hơn trước. Tôi cười cho một cuộc chia ly bất thành rồi lại tái hợp, tôi cười cho cặp vợ chồng già đèo nhau trên con xe Martin ngoài phố, tôi cười cho một cậu nhóc trẻ khóc đòi mẹ vào ngày đầu tiên đi học…

Có thể bạn không tin, nhưng cuộc sống của tôi đã bắt đầu thay đổi nhiều hơn trước. Cuộc sống của tôi giờ đây tràn ngập hết thảy những cảm xúc của đời người. Có những ngày chán nản vô cùng, vì buồn và vì mệt; nhưng cũng có những ngày thì vui như trẩy hội, những buổi chiều đầy tiếng cười với lũ bạn, những buổi tối đầy lâng lâng cảm xúc qua từng câu hát trong cái loa treo tường. Cuộc sống giờ đây đẹp hơn nhiều, đa sắc hơn nhiều, đậm đà hơn nữa qua ngòi tô của những cây sáp màu cảm xúc mà đầu ngòi tô ấy chứa đầy nước mắt.

Rồi tôi bắt đầu nghĩ đến những chuyện khác, tôi bắt đầu nghi ngờ những hình mẫu mà ba mẹ tôi đã luôn một mực dạy tôi rằng phải hướng đến, những quan điểm xã hội đùa nghịch về giới tính thứ 3 của bè bạn, những câu chuyện về hình xăm và “trông mặt mà bắt hình dong”… tôi bắt đầu nghi ngờ nhiều thứ hơn, nghi ngờ về những chuẩn mực xã hội được đặt ra, nghi ngờ về những khẩu hiệu ngoài đường phố về chống khói thuốc lá,… Và hành động tôi từ đó mà cũng khác đi.

Tôi đã bắt đầu thông cảm hơn với những người LGBT, tin rằng những hình xăm ấy không có nghĩa là sự quậy phá, giang hồ, ăn chơi, hư hỏng,… tôi cũng bắt đầu nhận ra hình tượng mà ba muốn tôi trở thành không phù hợp với tôi chút nào. Tôi không thể nào trở thành một người có cuộc sống ổn định, không ăn chơi đua đòi, không xa đọa trong những thú vui mà ba cho rằng không bổ ích như bar, pub,… mạnh mẽ, cứng rắn, uy quyền và đặc biệt là không bao giờ được khóc cả. Đây không phải là con người của tôi, và cũng chẳng phải là con người tôi muốn trở thành.

Chính Dương – thằng bạn của tôi – và những giọt nước mắt của nó đã như xóa tan đi cái định kiến ấy, nhắc nhở và thúc đẩy tôi hãy trở thành con người mà chính mày mong muốn, con người mà mày luôn tin rằng mày sẽ luôn thoải mái và hạnh phúc khi sống cùng. Tao đã nhận ra được rồi. Cám ơn mày nhiều lắm!

Một câu chuyện dài được viết ra chỉ qua trải nghiệm 10 phút đồng hồ trong rạp phim với thằng bạn. Ai hầu như ai cũng vậy, được chăm sóc, nuôi nấng dưới vòng tay của người thân; được vui chơi, đùa nghịch cùng lũ bạn chúng bè. Rồi sau này lớn lên, rời xa vòng tay gia đình, sống nơi đất khách quê người, gặp nhiều bạn bè mới, trải nghiệm nhiều điều mới, cũng sẽ phải bắt đầu chống chọi với nhiều thứ hơn trước, nhưng bản thân cũng bắt đầu được thỏa lòng mình tự do hơn.

Vậy khi đó, mong bạn hãy nhớ một điều rằng: giờ đây bạn đã gần như là một cá thể riêng biệt trong xã hội loài người này rồi, thì xin hãy tận dụng điều đó để sống như một cá thể độc lập thực thụ, biết suy nghĩ, biết nhìn nhận theo nhiều phía, đa góc cạnh, để từ đó chọn lựa sống đời sống mà chính bản thân này cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất. Chỉ cần mình hiểu được mình, những người khác không quan trọng! Vì cuộc sống là thế, đầy chông gai, đầy hiểm trở nhưng cũng đầy bất ngờ, đầy hạnh phúc. Và nước mắt người đàn ông khi ấy như một cái nét thật đẹp, thật tinh khôi và thật dịu dàng.

Tác giả: cuduy1997

Ảnh minh hoạ: StockSnap

 

[BDT2018] 20 tuổi, tôi vẫn chưa biết thủ dâm là gì

5

Tôi là một thằng con trai bình thường như bao người khác. Chỉ có một điều bất thường (hoặc là tôi nghĩ nó là không bình thường), đó là tôi chưa từng thủ dâm cho đến ngoài 20 tuổi.

Hồi nhỏ, lần đầu tiên tôi biết đến cái từ “phim sex” là qua mấy anh-bạn-hàng-xóm-cởi-truồng-tắm-mưa. Mấy ảnh nhao nhao là có phim hay ho gì đó và xúm xít coi chung. Nhưng tôi vì may mắn hay vì linh tính không hay, nên tôi né ra khỏi những buổi đó. Về mặt giáo dục giới tính, gia đình tôi thì vẫn một bài ca: coi phim sex học ngu, ghê tởm, rồi đến những cảnh ôm hun nhau thì ba mẹ bảo tôi phải nhắm mắt. Tôi mù tịt trong sự giáo dục giới tính từ đấy.

Cuối cấp 2 và đầu cấp 3, tôi cũng bắt đầu tò mò và khám phá hơn về sex qua những hình ảnh, video trôi dạt trên mạng. Tôi coi một cách lét lút. Tôi có những rạo rực dục vọng. Nhưng tôi vẫn không xuất tinh. Tôi thắc mắc tự hỏi “Không biết thủ dâm như thế nào? Tại sao tôi coi phim porn vậy mà vẫn chưa xuất?” Tôi ngu ngơ trước thế giới người lớn như thế.

Rồi càng lớn lên tôi lại càng lo sợ. Tôi không biết mình có bình thường không? Tại sao gần như 100% (tôi nghĩ thế) con trai ngoài kia đều đã từng thủ dâm mà tôi thì không? Tôi lo lắng cho sinh lý của mình. Thậm chí, đến khi tôi coi phim Doctor House, về một phân cảnh chàng trai kia phải vào một phòng và thủ dâm để xuất tinh cho y tá kiểm tra chất lượng tinh trùng. Tôi lại càng sốt vó hơn. Lỡ khi nào đến lúc đó người ta kêu mà tôi không biết làm thì sao…

Cho đến khi học hết năm 2, tôi dọn vô Sài Gòn ở chung với những anh bạn hàng xóm năm nào. Mọi thứ đều lành mạnh ở mức chấp nhận an toàn của tôi. Có điều một khoảnh khắc đã xảy ra. Bằng một phép lạ nào đó, tôi đã nêu tò mò của mình cho một anh và được chỉ cần phải cọ xát “của quý” của mình thì mới xuất dược. Ố là là. Tôi như eureka tìm ra sự khác biệt từ trước đến giờ. Rồi chuyện đâu cũng vào đó. Vào một đêm thanh vắng, tôi đã lần đầu thành công trong việc thủ dâm. Cảm giác đầy hưng phấn và ngỡ ngàng khi lần đầu làm “chuyện ấy”.

“Không thử dù chỉ một lần.” Tôi đoán rằng thủ dâm cũng có tính chất nghiện như ma túy. Một khi đã vướng vào thì rất khó để buông. Thế là tôi bước vào hành trình đều đặn và giảm dần khoảng cách mỗi lần từ hàng tháng, nửa tháng, hàng tuần, 2 ngày/tuần của mình…

Tôi lại ngụp lặn giữa xô bồ thông tin truyền thông. Nào là trong một buổi tư vấn tâm sinh lý, một anh “trainer” nào đó bảo rằng “1 tuần mà thủ dâm 2 lần vẫn còn quá yếu.” Thế là tôi lại hoài nghi và tiếp tục tăng dần cường độ. Tôi như thầy bói xem voi, quơ quào và tích cóp nhặt từng mẩu thông tin tách biệt không biết đúng sai về làm hành trang cho con đường tâm sinh lý đầu đời của mình.

Những câu hỏi cữ mãi popup trong đầu rằng: “Thủ dâm là đúng hay sai? Có nên thủ dâm không?” Tôi gần như tách biệt mình thành 2 cá thể. Một người luôn hướng đến những điều tươi sáng và một kẻ lại chỉ biết thụ hưởng và thỏa mãn. Tôi nhớ đến hình ảnh 2 con sói thiện và ác. Con chiến thắng là con được ta cho ăn nhiều nhất. Tôi liên tục đấu tranh với chính mình, giữa cái thiện cái ác mà tôi ngỡ là thiện và ác. Tôi đau khổ và lầm lũi trên con đường cô đơn đấy. Đôi lúc, tôi cũng tâm sự với vài người anh mà tôi tin tưởng để hỏi xin góc nhìn, ý kiến của họ. Nhưng hỡi ơi các câu trả lời đều chung chung và tôi không biết đâu là điểm tựa cho mình. Tôi lại tiếp tục tìm tòi mải mê cho câu trả lời thiện – ác ấy.

Thông qua quan sát về ý niệm và hành động về thủ dâm, tôi lượm lặt được cho mình những bài học sau:

  1. Tôi phát hiện ra rằng, cảm giác nhục dục ấy đến tùy vào tâm trạng của mình. Những lúc mà tôi quá đau khổ, bực tức vì những chuyện không đâu, tôi lại tìm về với sex (một mình) như một liều thuốc an thần để giải tỏa. Đó là cảm xúc bị dồn nén, ức chế và giờ “đây”, tôi có cơ hội bùng lên, thống trị và làm chủ hả hê. Nhưng, dù có ra sao, thì trong tâm khảm của mình, sau mỗi lần “chiều chuộng”, tôi lại mất đi một vốn liếng tự trọng ở bản thân. Dần dần tôi nhận ra, mình dang như một cái bình đã dần hoàn thiện, chỉ còn mỗi cái lỗ thủng mang tên dục vọng ấy. Bởi vậy mà cứ giậm chân và không thể vươn xa hơn được.
  1. Đôi lúc, tôi ganh tỵ với các bạn nữ. Bởi vì biết cái tính dục không lớn bằng các bạn nam, nên các bạn có thể tự tin và khỏe re hơn mình rất nhiều (tôi đoán vậy). Không phải đấu tranh vì cuộc chiến “thầm lặng” của biết bao thằng con trai khác (cũng giống như nghĩa vụ quân sự). Tôi thèm mong có tâm thanh thản về dục vọng của các bạn nữ để mình có thể tiết kiệm sinh khí và năng lượng cho những việc ý nghĩa hơn của cuộc đời… (Nói là vậy chứ tôi vẫn hiểu và cảm được bạn nữ còn cả tỷ tỷ tỷ thứ khó khăn bất lợi khác so với bạn nam.)
  1. Tôi nhớ đến những bộ phim kinh dị, khi ma quỷ luôn ám hại loài người. Nhưng qua thủ dâm, tôi ngỡ ngàng ra rằng các loài ma ấy ở sẵn trong tâm ta chứ đâu! Chỉ cần một chút trigger, tôi như người mê để tâm ma dẫn dắt mình vào con đường đen tối ấy. Rồi qua các đầu sách Phật học, tôi mới biết rằng mọi cảm xúc, suy tưởng dù tích cực hay tiêu cực đều có sẵn trong mảnh đất tâm thức của ta. Chỉ cần hội đủ điều kiện nhân duyên là chúng sẽ nảy mầm. Cho nên việc của ta là học cách ươm mầm và tưới tẩm những hạt giống thiện, tích cực, an lành. Hơn là phí hoài năng lượng để phản kháng những mầm mống độc hại kia. Mà đa số lại phản tác dụng chứ chẳng đùa.
  1. Tôi còn nhận thấy cái hành trình vượt thoát khỏi thủ dâm của mình cũng giống như một phương cách…thiền. Có khác gì đâu? Mỗi lần hành thiền, ta cần định tâm trí vào một đối tượng, thường là hơi thở. Ta tập trung được vào hơi thở càng lâu, càng tốt. Còn khi mất tập trung, ta cần dùng tâm trí để kéo những suy nghĩ vẩn vơ về lại với hơi thở. Tương tự như vậy. Khi tôi sống lành mạnh, tôi giữ được chánh niệm. Khi tôi thủ dâm, tôi đánh mất chánh niệm. Do đó, cách tiếp cận đúng tôi cần làm, không phải ra sức bài trừ hoặc lên án hành động thủ dâm của mình. Mà tôi cần nhìn nhận và dần dần điều chỉnh nó về mức chấp nhận. Còn mức ấy thế nào thì cũng tùy vào trình độ tu tập của mình. “Tổn hữu dư – bổ bất túc.” (Bớt chỗ thừa – bù chỗ thiếu) (Lão Tử)
  2. Tôi học được cách tha thứ và chấp nhận chính mình. Là một đứa sống cảm tính, tôi rất dễ đánh đồng mình với những lỗi lầm. Thủ dâm lại là thứ vừa đáng sợ vừa mơ hồ hơn khi tôi vẫn chưa hiểu rõ bản chất và ý nghĩa thực sự của nó. Cho nên, bài toán bất đẳng thức về thủ dâm bắt đầu như sau. Tôi có thể chiến thắng chính mình trong 14 ngày để sống an lạc. Thế nhưng, chỉ cần ngày 15 sơ suất, tôi đánh mất chánh niệm để làm “chuyện ấy” thì coi như công trình 14 ngày đổ sống đổ bể. Không khác gì dã tràng se cát vậy. Gom củi 3 năm – đốt trong 1 giờ. Không, tôi không chấp nhận mình chịu thiệt thòi và bất công với mình như thế. Tôi tập trung và trân trọng 14 ngày vừa qua của mình. Tôi nhẹ nhàng tha thứ cho ngày 15 đen tối kia. Cũng như câu chuyện “mũi tên thứ 2” của Đức Phật. Chuyện thủ dâm đáng lẽ sẽ không to tát đến khi ta lại bận tâm và dành quá nhiều năng lượng để trách móc mình.

Tôi đến với thủ dâm là như thế. Hành trình khám phá và chiến thắng bản thân trước cám dỗ vẫn còn dài. Đến bây giờ tôi vẫn còn mặc cảm bản thân mình chỉ vì chuyện thủ dâm. Nhưng may mắn, tôi đã hiểu và có cách đối diện với bản thân mình để chuyển hóa những năng lượng tiêu cực bên trong. Có lẽ ngày mà tôi có thể tự tin và đón nhận nó nhưng biết bao chuyện sinh lý khác, cũng là ngày tôi pass qua “môn học này”.

Tôi viết ra những dòng này để kể, để chia sẻ với mọi người và quan trọng hết là có cơ hội để đối diện với điều thầm kín nhất của lòng tôi hiện tại. Hy vọng câu chuyện sẽ là nguồn an ủi và động viên cho những XY khác vẫn đang chật vật đâu đó trong phòng tối vì nó.

Cảm ơn!

Tác giả: Mục Đồng

Ảnh minh hoạ: Alex Van