28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 116

Nhà là nơi để trở về rồi lại ra đi?

0

Đã bao lâu tôi sống man rợ trên những vùng đất hoang vu lạnh lẽo xứ người, tôi đã bỏ mặc nỗi nhớ trơ trọi ở đó cùng nước mắt ngắn dài. Để hôm nay về đây nhìn bốn bức tường rêu xanh đã phủ kín khoảng trời tuổi thơ. Mọi vật đang nhìn tôi với ánh mắt dè chừng xa lạ, nhưng làm sao trách móc khi chính tôi đã lạnh lùng quay lưng chạy trốn nó như chạy trốn một cơn giông bão. Tôi chính là kẻ mà xưa kia đã la hét gào khóc một mực muốn rời xa nó. Tôi đã rời bỏ người bạn thân thiết để biến mình thành kẻ đơn độc, để đến khi bị bỏ rơi hắt hủi giữa đám đông lố nhố, lại thèm khát được quay về. Vâng, hôm nay tôi về nhà.

Quê hương vẫn thế. Vẫn lặng lẽ nhìn cuộc đời trôi qua. Mỗi ngày vẫn ngồi đây, trời trong xanh gió mát, bao nhiêu người lố nhố nói nói cười cười, họ nô đùa vui sướng. Những gương mặt buồn rũ rượi úp mặt vào bàn. Bao nhiêu lớp người kế tiếp nhau đều lần lượt trải qua vui buồn cuộc đời. Họ ca hô xưng tụng, có kẻ thì oán trách, dù thái độ họ có thế nào thì từng ấy bi kịch hài kịch cuộc đời vẫn tiếp diễn không ngừng. Quê hương tôi, mái nhà của tôi vẫn mãi là thế, dù tôi có nổi loạn thì nó vẫn chỉ là nó. Nó chỉ có một thôi. Vâng, quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi.

Tôi đã nhìn thấy bao nhiêu sự thay đổi khi rời xa nơi đây. Thay đổi của tôi, của mọi người xung quanh tôi. Tôi sợ hãi tất cả mọi thay đổi đó. Nhưng cuộc sống vốn là sự thay đổi và phải chăng chỉ có sự chết thì mới trường tồn vĩnh viễn theo thời gian. Mà sự chết thì sẽ bắt đầu khi tôi ngừng sống. Không phải ai cũng đang sống, bọn họ chỉ tồn tại trên một cái thân xác không còn linh hồn, hoạt động như một con robot được cài đặt những tính năng đã được lập trình sẵn. Con người sẽ bất diệt khi họ có một linh hồn. Con người không sinh ra để đau khổ mà chết đi. Họ sinh ra để sống, sống trọn vẹn với quả tim của họ.

nhà là nơi trở về 2Ảnh: StockSnap 

Bao nhiêu năm đã đi qua. Trước đây tôi nghĩ rằng thời gian như nước chảy trôi qua cầu, nhẹ nhàng hiền dịu mà gian ác vô cùng. Thời gian là kẻ trộm cắp chuyên nghiệp, đã đánh cắp đi quá nhiều thứ của chúng ta trong những đêm tối cuộc đời. Nhưng giờ đây tôi nhận ra thời gian chỉ là thời gian vì nó sinh ra là để đi qua. Thời gian chỉ lấy đi tương lai và quá khứ, nó không thể đánh cắp hiện tại. Vì giây phút hiện tại chỉ có tôi mới có thể nắm giữ. Giây phút hiện tại là giây phút trường tồn. Đừng sợ hãi thời gian, khi tôi không còn sợ hãi thì cuộc sống của tôi sẽ không bao giờ bị phá hủy.

Trở về nhà là khi tôi có dịp nhìn ngắm lại tất cả tiếng cười ở tuổi cắp sách đến trường.  Tuổi trăng tròn vẫn còn là những nụ hoa vừa hé nở. Tuổi đẹp nhất của cuộc đời trong bộ váy áo xinh. Tuổi của hồn nhiên ngây dại. Đời tôi phiêu bạt quá nên càng ngày càng tự đẩy mình ra xa những yên lành cũ, đẩy mình ra xa đời sống cũ cũng như ra xa những người bạn cũ. Những gì mà mình dựng lên hôm qua đã đổ sụp trong hôm nay. Những người còn ngồi lại với nhau là những người có chung một tiếng nói, một suy nghĩ, một lý tưởng sống. Mỗi người sống cùng nhau trong một giai đoạn cuộc đời, phải chăng chỉ những người đó mới có thể hiểu và cảm thông được cho nhau. Tôi đã lớn lên rồi đi qua từng làn mây trên trời, đi qua những buổi chiều đẹp trên nền hoàng hôn, như những vết chim di trên biển. Đã đi qua tất cả bọn họ, và dù hôm nay có trở về lại nơi đây thì cũng thật khó để tìm lại điều gì đó thân thuộc trong những tâm hồn đã trở nên quá xa lạ.

Nhưng tôi biết rằng cuộc trở về hôm nay chỉ là một bình thở khí hồi phục sinh lực. Nó không thể là nguồn khí mãi mãi. Bởi lẽ chỉ một vài ba hôm nữa, tôi sẽ lại muốn được ra đi. Nhớ rồi về, khi về được một thời gian rồi bỗng chán, lại muốn đi. Phải chăng đó là ý nghĩa của cuộc đời? Con người chỉ hạnh phúc khi chưa đạt được, lúc được rồi thì lại bỗng chán. Tôi luôn nghĩ rằng mình thật sự cô độc, nhưng khi hết cô độc rồi, tôi được sống giữa một bầu tình yêu thương thì lại muốn quay trở lại với cô độc. Tôi nghĩ sẽ trở về sống cùng cha mẹ, tôi sẽ ở bên cạnh họ những giây phút bình yên, nhưng sẽ đến lúc tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi muốn rời khỏi Huế, đi đến bất kỳ nơi đâu có thể. Như vậy nghĩa là gì? Tôi không hiểu được chính mình. Con người là thế chăng? Tôi không dám chắc nhưng tôi nghĩ chỉ có cô đơn là ở lại bên mình, bởi tôi chỉ muốn là tôi, tôi không muốn trở nên là gì cả, không muốn ai cả.

Tại sao tôi lúc nào cũng muốn rời xa gia đình, rời xa cha mẹ? Chẳng lẽ tôi không có chút tình yêu thương muốn gắn bó nào với gia đình? Không, tôi không rời xa ai cả, cha mẹ vẫn luôn ở khắp nơi dù tôi có đi đến bao xa đi nữa. Không bao giờ mà tôi không yêu thương họ. Tuy họ có một ngôi nhà, trong ngôi nhà ấy có những người luôn yêu thương tôi, muốn ôm ấp bảo vệ cho tôi, dù tôi có từ bỏ tất cả để ra đi, mọi người vẫn luôn chờ đợi ngày tôi trở về.

nhà là nơi trở về 3Ảnh: TanteTati 

Cha mẹ đã vui sướng vì tôi trở về, nhưng tôi luôn muốn ra đi. Tại sao tôi lại muốn từ chối tất cả tình cảm mà người khác dành cho tôi? Bởi vì ngôi nhà đó sẽ giam nhốt tôi. Khi tôi trở về gặp nó, tôi đã thấy rất vui sướng, nhưng tôi không thỏa mãn.Vì nếu tiếp tục ở trong ngôi nhà đó, tôi sẽ không còn là chính tôi. Khi tôi trở về nhà, cả nhà sẽ nhộn nhịp đón rước, bạn bè người thân ríu rít hỏi thăm, mọi người đều mừng rỡ. Mỗi ngày được ăn cơm mẹ nấu, cả gia đình tối tối quây quần nhau bên mâm cơm chuyện trò, tôi sẽ không cô đơn vì tôi có cha mẹ anh em. Tôi đã cảm nhận được điều đó, nhưng tôi vẫn không tin chắc rằng mình đã thật sự mãn nguyện.

Tôi đã đi, đã nhận ra ý nghĩa của gia đình, giá trị của yêu thương, trong đó thứ tình cảm mà con người ta nên trân quý nhất là tình yêu thương cha mẹ, yêu anh chị em, yêu thương gia đình và quê hương. Nhưng tôi không thể sống theo lối sống ấy được. Trước khi trở về Huế, tôi đã tự hỏi chính bản thân mình liệu mình có hạnh phúc khi trở về đây không? Hay hết cô đơn, bây giờ sống trong hạnh phúc lại đâm ra chán, lại thèm nhớ những miền đất lạ, những chân trời mới xa xôi, những con đường, những người mới chưa quen với khuôn mặt lạ lẫm.

Tôi yêu gia đình, yêu cha mẹ, nhưng không biết sao vẫn có một nỗi buồn nào đó khiến tôi đứng ngồi không yên, tôi cảm thấy có điều gì đó thiếu thốn trong cuộc sống của mình. Khi tôi nhìn vào con đường nhỏ dẫn lối vào nhà, tôi nhớ những con đường trải dài rộng thênh thang. Khi tôi gặp những người hàng xóm, tôi nhớ những nụ cười, câu chuyện của những người mà tôi đã gặp ở vùng đất mới, tôi lại khao khát được gặp thêm họ  rất nhiều nhiều lần nữa trong đời.

Tôi đã được ấm cúng dưới ngôi nhà này, ấm áp trong tình yêu mà cha mẹ dành cho, nhưng tôi cảm thấy mình cứ như cái máy được lập trình để ăn uống ngủ rồi lại ăn uống ngủ, cứ thế mỗi ngày trôi qua. Khi ở đây, tôi không còn cảm giác nhớ nhung hay muốn gặp cha mẹ tha thiết nữa, tôi nghĩ tôi đã yêu thương mọi người nhiều người hơn khi tôi cách xa nơi này. Ở đây tôi sống trong đầy đủ, tôi không cô đơn trong tiếng nói của mọi người, nhưng tôi cô đơn trong chính tâm hồn mình. Tôi không nghe được tiếng chim lạ , không nhìn thấy biển lạ, không thấy những dãy núi lạ, thiếu bầu trời xanh mây trắng ở vùng đất mới, tôi nhớ tất cả những thứ ấy.

Tôi biết lần trở về này tôi sẽ lại ra đi, tôi sẽ lại đơn độc như những lần trước, đôi khi tôi còn sẽ chết trong đơn độc. Nhưng thà sống trọn vẹn với lòng mình rồi chết đi, có phải đó là tiếng gọi mà tuổi trẻ nào cũng phải bước qua?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Free-Photos

Hiện trạng của nhiều sinh viên Việt Nam

0

Không dự tưởng được cuộc sống của mình, chỉ thức giấc, ăn, đến trường, lướt web, ngủ, đại loại công việc kiểu ấy diễn ra đều đặn mỗi ngày. Kết thúc năm năm cấp 1, bốn năm cấp 2, ba năm cấp 3 và đã nộp đơn thi vào trường đại học để tiếp tục chặng đường học hành nghiêm túc theo như ý muốn của cha mẹ. Không có gì khác biệt giữa họ cùng bạn bè đôi lứa.

Không lên được đại học thì không có tương lai. Họ chỉ tiếp nhận tư tưởng này từ xã hội mà thậm chí không xác định được tương lai được nhắc đến ở đây là gì? Không có tiền mua gạo và thức ăn, không có tiền mua áo quần mặc, sống không được vui vẻ, sống kém hạnh phúc. Tương lai mà mọi người muốn phác thảo ra là gì mà chẳng khác nào cảm giác bị cưỡng bách uy hiếp trước cuộc sống. Tuy nhiên, đến khi vào được đại học, hình như họ vẫn chưa hiểu tương lai là như thế nào?

Họ được rao giảng trên truyền hình, báo chí, sách vở về ý nghĩa cuộc đời. Nhưng với một cuộc sống dựa dẫm cha mẹ thì phải chăng ý nghĩa cuộc đời chỉ cần được vui vẻ mỗi ngày, ăn món mình thích, mặc một bộ áo quần xinh, được cha mẹ chu cấp đầy đủ tiền tiêu vặt. Có sự khác biệt nào giữa ý nghĩa cuộc đời ẩn ý đó với ý nghĩa cuộc đời hồn nhiên vô tư lự của họ bấy giờ không? Có nghĩa là họ không hiểu. Họ không hiểu ý nghĩa cuộc đời mà mọi người vẫn đang nhắc đến.

Khi còn là một sinh viên, đôi khi tôi nghĩ tất cả mọi người đều giống tôi? Đều ăn uống no nê, khi đi trên đường cũng nhìn ngắm cây hoa lá cành, tối ngủ họ có mơ gì đó đặc biệt. Họ có cần đủ tiền tiêu vặt để ăn mấy món bên lề đường yêu thích như tôi, hay họ muốn nhiều hơn? Nếu như thế, tôi chẳng thể biết được con người khao khát chạm đến những tinh cầu nào ngoài trái đất. Càng suy nghĩ tôi càng thấy bất an, sao người khác lại có nhiều điều cần làm đến thế, còn tôi thì hoàn toàn chẳng biết bản thân muốn gì và thích gì. Như thế liệu có phải tôi sống mà thậm chí còn không biết mình sống để làm gì?

Đối với tất cả mọi người xung quanh, tôi lúc nào cũng run rẩy sợ hãi. Có người sinh ra làm thiên tài, tầm hiểu biết vượt ra khỏi mặt trăng, có kẻ ngồi lệch bệch dưới đáy giếng, chỉ đợi ngày đi gặp diêm vương để giải trình sự ngu muội ở trần gian, còn có kẻ khác như tôi, thiên tài không thấy mà đứa ngốc cũng chẳng ra gì, cứ đờ đẫn sống qua ngày như xác không hồn, không biết mình muốn gì, thích làm gì. Thành ra tôi luôn tự chôn giấu nỗi lòng này tận đáy sâu trong tim, dưới vẻ mặt ngây thơ hồn nhiên, tôi tỏ ra là một đứa vui vẻ, một sinh vật tràn ngập hạnh phúc nhất hành tinh. Mặc dù tôi rất đau khổ về căn bệnh nan y của mình, nhưng tôi không bao giờ để kẻ khác nhìn thấu tâm can tôi, cần ly tán cái nhìn của họ, không được làm vướng mắt họ. Tôi biến mình thành cơn gió lướt nhẹ qua tất cả.

Việc học hành ở trường của tôi phải nói là bê bét. Tôi nghĩ tôi phải là đứa đứng đội sổ cuối lớp nếu như tôi không may mắn gặp được những kẻ lười biếng hơn cả tôi. Sự nhàm chán của các môn học khiến tôi như rơi xuống mười tám tầng địa ngục, những bài giảng đó không thuộc về hành tinh nơi tôi sống. Xem nào, ở trường học, họ dạy tôi những cái thuyết sáo rỗng, triết học, toán học chỉ là một đống lý thuyết không thể vận hành trong đời sống. Mặc dù nó cũng giúp tôi rèn luyện tư duy nhưng có lẽ nó chỉ dành cho mấy đứa có chỉ số IQ cao. Họ dạy tôi thể thao rèn luyện thân thể, họ bảo rằng điều đó tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi lại không thể tự chọn cái nào phù hợp cho bản thân. Làm gì có cái nào tốt cho tôi khi tôi hoàn toàn không hề thích thú nó. Có thể tôi ngây thơ khi cho rằng cái tôi thích mới là cái tốt cho tôi. Trường học sẽ thật tốt cho bất kỳ ai yêu quý nó, yêu những gì họ được học trong đó, còn đối với những người không thuộc về, liệu có cần phải tốn thêm thời gian để đi vào con đường mà chắc chắn sẽ là ngõ cụt.

Không riêng gì tôi, tất cả đám còn lại trong lớp đều luôn tự nhận đang nghe những điệu nhạc dở tệ nhất mỗi ngày, nhưng tất cả bọn chúng đều không muốn phản kháng, chúng nghĩ chỉ cần cúi mặt rồi bơ đi, chỉ cần nghe tai này lọt qua tai kia, cuộc đời sinh viên đến thế là xong. Chúng tôi, một đám người sống cúi đầu cam chịu an phận trong phần đời đã được xã hội sắp đặt sẵn.

Không vào đại học thì không có tương lai, thế khi vào được? Tôi dám chắc tương lai sinh viên đang có chắc phải là chiếc vé đưa tiễn họ đến miền cực lạc cuối cùng. Vậy mà họ vẫn xem như mọi thứ diễn ra là bình thường. Mặc kệ thôi. Tuy không hứng thú với việc mọi người lừa dối sự đau khổ trong nhau nhưng bản thân tôi cũng sáng qua chiều đang sống cuộc đời đau khổ như tất cả .

Tôi không mong chờ gì sự đồng cảm từ cha mẹ hay mọi người về sự học chán chường của tôi. Họ sẽ không hiểu vì lời nói của tôi không đi qua được lỗ tai họ. Dù có kể với cha mẹ, hàng xóm, hay thưa trình lên cơ quan chính phủ nhà nước thì hình như cũng không thể thưa hết sự tình. Có một sự thực mà càng lớn tôi càng nhận ra rõ rệt là việc giải bày với thế gian luôn là trò mèo vô ích. Nếu không có một phương án nào khả thi để thay đổi tình thế thì tốt nhất là tôi nên im lặng.

Thời sinh viên, tôi rất thích lái xe qua các con đường ngoằn ngoèo trong thành phố. Nhìn đám lục bình trôi dạt trên sông, tôi dựng xe trên vỉa hè rồi ngồi nhìn chúng. Thỉnh thoảng tôi ngước lên bầu trời, những đàn chim bay lượn trong không trung, tôi thấy những đám mây đang trôi, mọi người di chuyển qua lại trên đường phố. Mọi cuộc sống quanh tôi đều đang chuyển động, chỉ tôi đứng yên. Tôi vẫn thức giấc với một vài công việc mỗi ngày, nhưng không có một mối liên kết nào với cuộc sống, tôi luôn nhận thấy chiếc kim phút ngưng đọng, chiếc kim giờ ngưng dịch chuyển, còn chiếc kim giây thì như muốn rơi ra khỏi trục quỹ đạo của nó. Thời gian của tôi đã dừng lại, có phải cuộc sống của tôi đã kết thúc, cái chết của tôi đã bắt đầu khởi động. Tôi lại nhìn vào khoảng không mênh mông sâu thẳm kia, phía đường xa chân trời, có ai đó hãy trả lời: “Tôi sống có ý nghĩa gì?’’

Nhưng hầu hết sinh viên lại luôn ngại ngùng khi nhìn thấy mấy anh chị lao công quét rác trên vỉa hè. Mặc cho đó cũng là một công việc ý nghĩa, làm sạch đẹp cho môi trường thiên nhiên. Họ nghĩ đến cảnh mình đang vật lộn ngoài đường bên cạnh một xe bánh mì. Họ rất sợ phơi mình giữa nắng nóng trong tâm thế một anh thợ hồ… Họ cũng tưởng tượng đến bộ dạng mình trong tất cả nghề nghiệp và biết rằng họ không sẵn sàng để đưa ra quyết định thay đổi. Phải rồi, đối với sinh viên thì việc học mới là điều quan trọng nhất, không có bất kỳ một mối bận tậm nào quan trọng hơn là việc kết thúc những năm học, hãy khép lại tất cả mọi thứ cho đến khi tốt nghiệp.

Tôi thì nghĩ đúng hơn là không có bất kỳ một mối bận tâm nào quan trọng hơn việc học đại học đối với cha mẹ họ, đối với hàng xóm láng giềng, với người xung quanh họ. Có thể người khác sẽ bảo đừng nói về những thứ vớ vẩn ấy khi chưa bước chân vào đời. Làm điều mình thích là việc quá dễ dàng, nó rồi sẽ được ưu tiên cho những thứ khó khăn hơn. Khi bước chân ra đời, va chạm rồi vấp ngã, sẽ thấy mỗi ngày trôi qua đều có người rời bỏ cuộc chơi của mình để sống dung hòa với xã hội như bao người khác.

Tôi chỉ thực sự không hiểu tại sao người ta cứ nói làm theo những gì chúng ta muốn là điều không quan trọng. Mọi người cần phải kiềm chế mình trước những mong muốn đó của bản thân. Người ta tưởng rằng nói lời cay nghiệt để dập tắt đi những khát khao đam mê của người khác là một lời khuyên, là một sự chân thành cần thiết, người ta tỏ ra thật có đạo đức với hành động ấy mà không nghĩ thật tàn nhẫn khi bắt một người khác phải dừng lại điều mình yêu thích còn ác độc gấp trăm lần.

Cuộc sống này, nhiều người đánh lừa bản thân bằng những giá trị ảo tưởng, không ai biết sống thật. Họ đứng trên sân khấu cuộc đời mình, mặc những bộ xiêm y lộng lẫy, nói những lời hoa mỹ ngọt ngào êm tai trước tất cả những người đang dõi theo họ, che đậy cảm xúc hiện trên khuôn mặt mình bằng những lớp dày son phấn. Hầu như không ai biết thành thật ngay cả chính mình. Tôi thấy chán ngắt những vẻ bên ngoài ấy, lừa dối giả tạo.

Sống trong một đời sống mà con người mất hẳn đam mê với đời sống, tất cả mọi người bị cuốn vào đó và rồi chẳng còn mấy ai là còn thiết tha với điều mà bản thân yêu thích. Ai cũng chạy theo ảo vọng rồi quên đi mục đích mà mình đến trái đất là để làm gì, mấy ai còn đang đi theo đúng sứ mệnh của chính mình, còn mấy ai đâu.

Bạn phải đi thật xa ra khỏi những cạm bẫy, phải sống một cuộc sống đáng giá hơn. Nhưng đam mê của bạn là gì? Bạn cần đi tìm kiếm nó. Và trước khi chưa tìm thấy, tốt nhất là hãy cứ ngồi yên trên chiếc ghế mà bạn phải tốn rất nhiều tiền để mua nó vì đó không phải là tiền của bạn. Đó là mồ hôi sương máu của cha mẹ bạn.

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: ptksgc

Drug users — 10 kiểu người chơi “đồ”

Drug users, hay những người chơi đồ, cũng có dăm bảy loại người chơi đồ khác nhau. Có thể không đầy đủ nhưng dưới đây mình muốn kể về những kiểu mình đã từng gặp hoặc biết.

1. Dân quẩy

Đây chắc là kiểu phổ biến nhất và gần như đông đảo nhất ở Việt Nam hiện nay. Dân quẩy chơi đồ là những bạn hay đi bar sàn quẩy tung dời uống bia uống rượu và cắn kẹo xào ke hút cỏ mút bóng. Thường những bạn này được bạn bè rủ rê chơi cho vui lúc đi quẩy hoặc quen rồi thì cứ thế mà chơi tiếp. Mục đích hầu như là chơi lấy phê, càng phê càng tốt, như một cách giải khuây trong giây lát, không đem lại ý nghĩa gì lắm và thường chỉ dùng trong những buổi đi quẩy. Cũng vì thế nên mấy bạn này thường bỏ lỡ nhiều niềm vui và ý nghĩa khác của việc dùng drug.

Các dân quẩy thường không có nhiều hiểu biết về các loại drug, từ tên gọi đến bản chất và tác dụng, không quan tâm đến dosage (liều lượng), không test đồ bằng test kit trước khi dùng. Thường cứ thế mà mua ở mối quen và dùng.

2. Tâm linh nửa mùa, lậm, có vấn đề về thần kinh

Là những bạn chơi đồ vào xong bắt đầu cảm thấy ma quái bí hiểm. Các bạn này thường hay tin vào pseudoscience (ngụy khoa học), thường tin răm rắp các conspiracy theory (thuyết âm mưu) và những thứ nhảm nhí vô căn cứ khác.

Mấy bạn này chơi đồ xong rồi thường hợm hĩnh nghĩ mình đã giác ngộ hơn người. Cảm giác về mấy bạn này rất nửa vời và nông cạn.

Đây là một bài viết kĩ hơn chỉ ra những bạn này bullshit ở chỗ nào cho những ai muốn hiểu thêm.

3. Ravers

Kiểu này khá ít ở Việt Nam, là những người thích rave, thường đi các festival lớn để cắm trại, rave và dùng đồ. Kiểu người này mình không biết nhiều, chỉ nghe qua loa và biết vậy.

4. Drug Addicts hay Con nghiện

Đây là một thể loại drug users thuộc thế hệ old school ở Việt Nam khi nước mình còn tràn ngập kim tiêm và xóm liều. Không cần kể nhiều chắc mọi người cũng quen với hình ảnh mấy anh nghiện ất ơ ở đầu ngõ đứng cột điện tiêm chích. Thể loại này chủ yếu chơi đá, chơi ke, heroin, nói chung là những loại gây nghiện nặng và tàn phá cơ thể, bòn rút sức khỏe và tiền bạc.

5. Mọt drugs

Là một cuốn từ điển sống về drug thường được anh em bạn bè hỏi nhờ tư vấn: “Tao hút cái này có hại gì không? Tao chơi Molly cùng Acid có sao không? . . . vân vân…” Cứ tưởng tượng một fan K-Pop thì sẽ thuộc vanh vách tên và tính cách các thần tượng, năm phát hành album đầu tay của thần tượng, xem hết các gameshow mà thần tượng tham gia. Còn một mọt drugs thì cũng với niềm say mê đấy nhưng dành cho drug, và có phần nghiêng về hướng khoa học.

Mấy bạn mọt đồ này thuộc vanh vách công thức hóa học, cấu trúc phân tử của các loại đồ, cũng như biết rằng Kẹo trong tiếng Việt hay Molly trong tiếng Anh có tên khoa học là MDMA (3,4-methylenedioxymethamphetamine). Hiểu các chất dẫn chuyền thần kinh tương tác với nhau như thế nào, cách chiết tách DMT, tác dụng của từng loại đồ, danh sách hóa chất cấm Bảng 1, . . . , tất cả đều nằm trong đầu mấy con mọt này hết.

6. Cưỡi ngựa xem hoa có trách nhiệm

Là những người dùng đồ có hiểu biết, có trách nhiệm. Ít nhất họ biết về những thứ cơ bản như set & settings, dosage, effect. Họ biết tính toán xem nên dùng đồ vào thời gian nào, ở đâu để có trải nghiệm tốt nhất và đảm bảo an toàn, biết cách thoát khỏi bad trip, thought loop khi cần. Họ test đồ trước khi dùng bằng test kit. Trước khi dùng một chất nào đó thì sẽ tìm hiểu trước xem có những tác dụng gì, thời gian kéo dài bao lâu, liều lượng phù hợp là từng nào, nên chuẩn bị tinh thần ra sao.

Các bạn này chơi cho vui, cho biết trải nghiệm, lấy cảm hứng sáng tạo hoặc để thư giãn như một sở thích thông thường nhưng không phải cái kiểu vào bar quẩy lắc thác loạn. Đơn giản có thể là một buổi chiều hút cần rồi xem phim ăn uống thư giãn, đi dạo cùng bạn bè hay buổi đêm ở trong phòng nghe nhạc một mình. Họ cũng thử các hoạt động khác nhau như bơi, chạy bộ, nghe nhạc, vẽ, nhìn ngó, mỗi khi dùng các chất khác nhau để xem sẽ cảm thấy thế nào một cách tò mò vui vẻ. Đấy là những niềm vui nhẹ nhàng mà dân quẩy bỏ lỡ.

*Dành cho ai chưa biết thì có một thứ gọi là Test kit, là bộ thử đồ. Những người cần thận trước khi tiêu thụ bất kì chất nào sẽ đem Test kit ra để thử đồ. Test kit sẽ cho bạn biết đồ bạn mua về có phải đồ xịn không, tinh khiết khoảng bao nhiêu phần trăm, trong đấy là chất gì. Nó giống như làm mấy bài tập nhận biết ngày xưa học hóa học ấy.

7. Tâm linh nghiêm túc

Những người theo đuổi spirituality một cách thực sự là những người đi tìm đạo, tìm hiểu một cách có căn cứ và khôn ngoan.

Tuỳ vào mục đích và con đường của mỗi người mà có các cách thực tập khác nhau. Có những người lặn lội đến tận những thung lũng vùng Amazon để được dùng Ayahuasca một lần. Có người tìm hiểu về Shamanism, có người sống theo Taoism, có người tập thiền và đi tìm giác ngộ như Bụt vậy. Họ suy xét những câu hỏi triết học ví dụ như bản chất của thực tại là gì.

Mình không nói rằng tất cả những ai đi tìm đạo đều dùng đồ. Mình nói đến một số người vô tình hoặc có duyên mà dùng psychedelics (các chất thức thần) và tiếp tục tìm hiểu về nó và có thiên hướng đi tìm đạo (đây là đạo chứ không phải tôn giáo nhé).

8. Psychonauts

Psychonaut dịch ra có thể gọi là nhà du hành tâm thức. Giải thích ngắn gọn là những người thích tìm hiểu và khám phá tâm trí của con người nói chung và của chính mình nói riêng. Họ thử nghiệm và quan sát các trạng thái khác nhau của tâm trí của chính mình bằng nhiều cách khác nhau. Có thể là dùng các chất, các loại đồ, có thể là tập lucid dream, có thể là sleep deprivation, có thể dùng sensory deprivation tank và nhiều cách khác.

9. Activists

Là những nhà vận động xã hội & chính trị, họ là thành phần nòng cốt tham gia chống lại drug war của chính phủ. Nhờ họ mà cần sa được hợp pháp ở nhiều bang ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Đây là những người khao khát muốn đòi quyền tự do sử dụng các chất chính phủ cấm đoán một cách vô lý. Họ mưu cầu một xã hội có cái nhìn đúng đắn về drugs, một nền giáo dục chân thật khi dạy về các chất. Họ là những người tìm hiểu về giá trị y tế của cần sa, của nấm thần, của LSD đã được khoa học chứng minh nhưng lại không được biết đến rộng rãi.

10. “Tôi không dùng ma túy” — (“I don’t do drugs”)

Chính là những người cổ hủ khẳng định mình không dùng ma túy nhưng uống cafe, hút thuốc lá, uống bia rượu, ăn junk food, đường, và đồ ăn nhanh mỗi ngày mà không hiểu rằng bản chất những thứ đó cũng là drug. Họ không biết những sự thật về các chất bị cấm nên đánh đồng tất cả các chất đều là ma túy và có hại như nhau. Rất khó để thuyết phục được những người này hiểu vì những thứ được tuyên truyền ăn sâu vào họ mất rồi.

<

p class=””>Tác giả: Nguyễn Nhật Dương
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: Free-Photos

Chiêu trò của đàn ông khi cố lừa gạt phụ nữ

1

(Nội dung bài viết chỉ là những quan điểm cá nhân của tác giả.)

Tôi muốn dùng một máy thăm dò đặt vào tâm hồn người đàn ông xem đó có phải là một cái hố sâu thẳm?

Đàn ông luôn tự phong mình là người chiến thắng. Người phụ nữ luôn phải là người về sau. Nhưng đàn ông đã tự chiến thắng bản thân? Họ chỉ có những ước vọng và cố mò tìm như một kẻ mù trong vùng an toàn. Đàn ông luôn phải đứng ở bậc thang cao hơn người phụ nữ. Đó là tấm rào chắn kiên cố đàn ông dựng lên để bảo toàn định luật nam nữ vợ chồng. Đàn ông không muốn xây dựng một cái gì đó vượt cao hơn mình. Lười biếng hoàn thiện phát triển bản thân nên họ chỉ cần đạp đổ người phụ nữ đứng bên cạnh.

Thay vì sáng tạo mình thành một người đàn ông có cốt cách thượng đẳng, cả thân thể lẫn tâm hồn cho thẳng đứng, họ chỉ muốn tìm kiếm những phụ nữ hạ đẳng. Đó chính là sự nghèo nàn tâm hồn của đàn ông. Phụ nữ luôn cần đứng nép sau lưng đàn ông, đó là điều mà đàn ông gọi là chân lý được ghi dấu lên trời cao.

Đàn ông bao giờ cũng cố gắng tìm kiếm những khuôn mặt phụ nữ thiếu sắc khí thần thái hơn anh ta. Bởi lẽ. Đàn ông không muốn một người phụ nữ có giáo dục và học thức hơn. Nếu phụ nữ đủ thông minh để lập luận lý lẽ, đó sẽ là một sự ô nhục. Khi phụ nữ có nhiều trí tuệ tranh cãi, luận cứ của nàng có thể phá bỏ quyền lực. Phụ nữ không thể nổi tiếng hơn đàn ông vì anh ta sẽ mãi là cái bóng bên cạnh nàng, anh ta trở thành thứ yếu. Đàn ông không muốn cưới  phụ nữ cao hơn họ, họ muốn người phụ nữ nhỏ nhắn để tận hưởng cảm giác mình là kẻ mạnh. Người vợ phải ít tuổi hơn chồng vì phụ nữ luôn già dặn hơn đàn ông… Đàn ông chỉ muốn lấy  phụ nữ kém cỏi hơn họ. Và chính vì thế mà hầu hết phụ nữ tự động biến mình bé nhỏ trước người đàn ông họ yêu. Vì đó là cách duy nhất để được đàn ông yêu.

chiêu trò của đàn ông 1Ảnh: aliceabc0 

Đàn ông luôn muốn đánh lừa phụ nữ trong cái lốt của một đứa trẻ. Để được phụ nữ yêu chiều. Còn phụ nữ lại luôn muốn dấn thân vào con đường đã được đàn ông dự tính sẵn bằng một tình yêu con trẻ. Nàng yêu gã đàn ông nằm trong lồng ngực như những đứa con đã lớn lên từ chính bầu vú sữa nóng của mình. Phụ nữ không ngây thơ, nhưng nàng vẫn cố gắng hiểu đàn ông như hiểu một đứa trẻ thơ. Chính vì thế mà đàn ông vẫn luôn mong muốn người phụ nữ bên cạnh mình phải thuần túy mong manh, phải tỏa rạng những đức hạnh của thế giới bởi lẽ người phụ nữ đó luôn có đủ lý do để không rời bỏ họ.

Bất kể người đàn ông nào cũng mang mộng tưởng mình phải được nuôi dưỡng cho chiến chinh. Người phụ nữ chỉ được nhớ đến bên lề những cuộc vui thú thưởng ngoạn. Nếu phụ nữ có khao khát muốn trở thành chiến sĩ, trong mắt đàn ông, người phụ nữ đó là thứ ngu xuẩn điên rồ. Đối với họ phụ nữ chỉ là thứ trái cây dịu ngọt tẩm bố hồi phục nguồn sinh lực đã mất đi trong các cuộc chiến.

Đàn ông, chỉ cần ban phát cho người phụ nữ bên cạnh một chút tình yêu. Thứ tình yêu bé nhỏ sẽ biết cách để tỏa sáng lung linh trong mắt người phụ nữ. Thường thì phụ nữ  rất ít khi hiểu rõ về tình yêu. Chính vì thế mà tôi luôn thấy kinh hãi khi nhìn thấy bất kỳ người phụ nữ nào có suy nghĩ nàng đang được người đàn ông yêu thương. Vì chính khi đó, người phụ nữ sẵn sàng làm hết mọi thứ để đáp trả. Nàng sẽ hy sinh tất cả, ngoài tình yêu với người đàn ông nàng yêu, mọi thứ đối với người phụ nữ chỉ còn là rác rưởi. Phụ nữ cũng thù hận bản thân khi biết vừa đánh mất chính mình, nhưng nàng lại không đủ mạnh mẽ để tự giải thoát ra khỏi vòng tay ấm áp. Đối với phụ nữ, hạnh phúc của nàng bao giờ cũng chỉ nằm vỏn vẹn trong hai từ “anh muốn”.

Khi phụ nữ đã bị đàn ông sập bẫy, nàng được gì? Chỉ nói về cuộc sống của một người vợ được xem là hạnh phúc chuẩn mực. Người vợ tưởng rằng nàng hạnh phúc khi được chồng chu cấp đầy đủ một cuộc sống không thiếu kém vật chất. Người chồng không có bóng dáng người phụ nữ khác bên ngoài. Con cái vài ba đứa. Hạnh phúc khi chồng mỗi tuần vẫn dành ra vài ba tiếng đồng hồ ở nhà cùng vợ con thay vì tụ tập đánh chén bạn bè. Nhưng trong khi phụ nữ  phải ba chân bốn cẳng lo việc bếp núc nhà cửa thì chồng của nàng chỉ nằm thẳng cẳng hai chân, tay cầm điện thoại đọc tin tức thế giới và tỏ ý bức xúc tình hình xã hội rối ren, còn vợ đang sấp mặt với đống việc nhà và con cái thì họ chẳng thấy quan trọng.

Đôi lúc tôi nhận ra thân phận người phụ nữ chẳng khác gì thân phận nô lệ. Dù tôi có thể dùng một từ ngữ khác để giảm nhẹ mức độ nhưng tôi vẫn cứ muốn dùng hai từ “nô lệ” khi nói về vai trò của người vợ trong gia đình. Và gã đàn ông đang nằm dài trên ghế sô pha chẳng khác nào một kẻ hưởng thụ bằng việc cưỡng bức sức lao động của người vợ. Người chồng sử dụng sức lao động của người vợ và nghĩ rằng đó là chuyện công bằng. Họ hợp lý hóa tất cả mọi sự rằng chuyện ngoài nhà là chuyện đàn ông, chuyện phụ nữ là chuyện trong nhà. Nhưng người chồng sẽ không bao giờ hài lòng khi nghe vợ mình trình bày quan điểm. Làm phụ nữ thì không nên lý sự nhiều, phụ nữ chỉ cần cắm đầu cắm mặt vào bếp núc và cọ rửa nhà vệ sinh. Lau mông chùi đít cho con cái và rửa chân cho chồng.

chiêu trò của đàn ông 3Ảnh: Pexels 

Lo cho chồng rồi lo cho con. Nàng luôn sống trong nỗi lo sợ cho con cái. Niềm vui sướng mà đứa con sinh ra khỏe mạnh, đôi má hồng, đôi mắt ướt át ngây thơ, đôi tay đôi chân mũm mĩm. Hạnh phúc đó là quá bé nhỏ trong những nỗi đau mà người vợ phải gánh chịu. Thử cố đặt lên bàn cân đong đếm cái lợi và cái không lợi, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc hay khổ đau thì biết ngay  phụ nữ có cần phải lấy chồng và sinh con?

Tuy nhiên, xã hội sẽ ngay lập tức họp hội đồng để chỉ trích bất kỳ người phụ nữ nào bảo rằng họ không muốn lấy chồng sinh con vì đó chỉ là sự ích kỷ. Đối với xã hội, sự đau khổ của phụ nữ là không thể nào sánh bằng tiếng nói cười của trẻ thơ. Nếu họ nói rằng họ không nên có đứa con mà họ sẽ yêu thương đó, họ không muốn hy sinh bản thân mình để sinh ra cái sinh thể đáng yêu đó. Rõ ràng họ chỉ là một người phụ nữ lạnh lùng sắt đá không còn trái tim.

Tôi đã trông thấy những người vợ dường như bị rút đi toàn bộ sức lực để chăm sóc cho chồng con. Đứa này rồi đến đứa khác, những năm tháng liên tục bị đe dọa bởi các mối nguy hiểm, họ cố thoát ra điều này thì ngay lập tức sa vào một điều khác. Vâng, mải mê với lũ con, âu yếm, che chở và yêu thương chúng là bản năng của bất kỳ một người mẹ nào. Làm sao để chúng luôn khỏe mạnh, không bệnh tật, làm thế nào để nuôi dạy. Phụ nữ luôn cố gắng học thuộc lòng tất cả các công thức đủ hình trạng và luôn thay đổi từng ngày. Phải cho ăn loại thực phẩm này, tắm bằng loại sữa dưỡng thể này, tìm hiểu cái gì là tốt nhất để giáo dục con, rồi đi chơi, rồi hít thở… Họ phải không ngừng học hỏi bởi lẽ nếu đứa con có mệnh hệ gì thì mọi lỗi lầm chắc chắn phải là của người mẹ. Đó là khi đứa con khỏe mạnh, còn nếu nó đổ bệnh. Đó là khi nó còn là một đứa bé, còn khi nó khôn lớn, khi nó trưởng thành. Kiểu nào người phụ nữ cũng không thoát khỏi nỗi lo lắng.

Phụ nữ chẳng còn giống con người khi bước vào vai trò người vợ. Nhưng khổ nỗi là hầu hết phụ nữ đều không muốn làm con người. Nàng tin vào tình yêu và cố động viên mình đó là món quà. Người chồng là món quà của tình yêu. Con cái cũng là món quà của tình yêu. Nàng cho rằng số phận của nàng không nằm trong tay nàng, nó thuộc về số phận.

Phụ nữ không bao giờ hiểu thời kỳ huy hoàng nhất của nàng là khi còn đang ngập tràn phơi phới tuổi thanh xuân. Vậy mà khi đang sống với thanh xuân, lý tưởng của nàng vẫn là một gã đàn ông. Bất kỳ người con gái nào dù học thức cao hay thông minh đến đâu, vẫn cứ luôn chọn một người đàn ông làm điểm dừng. Họ chỉ thành công khi lôi kéo được nhiều người đàn ông yêu mến mình để có thêm nhiều sự lựa chọn.

Xã hội  luôn hạ thấp phụ nữ. Và sẽ không bao giờ hết hạ thấp nếu người đàn ông không thay đổi quan điểm của họ, chính người phụ nữ cũng cần được thay đổi tư thế an phận của chính mình.

Kẻ đàn ông gian xảo nhất là kẻ chọn phụ nữ bằng cách thận trọng và cố biến nàng vừa khít với mẫu hình lý tưởng trong mắt mình. Rồi gọi đó là tình yêu. Anh yêu em nên anh muốn dành tất cả những gì tốt nhất cho em. Và tất nhiên anh thừa thông minh để biết điều gì mới là điều tốt dành cho em.

Ngay cả khi tình yêu của một người đàn ông dành cho phụ nữ là tuyệt hảo nhất thì đó cũng chỉ là một ngọn đuốc có nhiệm vụ soi sáng bước chân người đàn ông. Chỉ có khi  người phụ nữ đã uống cạn chén đắng mà người đàn ông dành cho họ thì lúc đó nàng mới biết rằng nàng chỉ được yêu khi tình yêu của nàng vượt quá người đàn ông nàng yêu.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Pexels 

Hãy tỉnh táo trước các vị thần

1

(Bài viết chỉ là những quan điểm cá nhân của tác giả)

Tôi lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật, tôi cũng chẳng mấy quan tâm hay tìm hiểu về Đức Phật và các bức tượng trong chùa làm gì. Chỉ đơn giản đấy là sự thờ phụng, là đức tin là niềm tin vô điều kiện của các Phật tử về một Đức Phật cứu độ chúng sanh. Đương nhiên, mọi sắp đặt của tôn giáo rất hoàn hảo. Tôn giáo đánh thẳng vào điểm yếu của những kẻ hèn nhát, tạo ra địa ngục và thiên đường. Sau hàng vạn năm, họ sợ hãi và tôn sùng những điều hiển nhiên mà bao đời nay người ta đã vẽ ra không chút nghi ngờ. Tôi là một trong số đó, tôi quyết định quy y Tam Bảo và trở thành Phật tử từ khi mười bốn tuổi, tôi đến chùa đọc Kinh và nghe Giảng.

các vị thần 2Ảnh: TiBine 

Vài lần tôi đến thử nhà thờ vào lễ Giáng Sinh và cầu nguyện như tất cả mọi người. Có một thằng nhóc đã nói với tôi rằng “Nếu tôi đã theo đạo khác thì không được đến nhà thờ làm lễ nếu không sẽ bị xuống địa ngục”. Vì còn là một đứa trẻ, tôi vẫn tiếp tục sự tò mò, một phần là được nhận bánh của Cha, phần khác thì được xem rước lễ rất vui.

Nhà thờ và nhà chùa bề ngoài có vẻ khác nhau. Nhà chùa thì khói nhang nghi ngút và tượng vàng, còn nhà thờ lại đầy ắp những ngọn nến lung linh. Kiến trúc của chùa thì gồm các kiểu chữ tam, chữ công và chữ đinh bắt nguồn từ Trung Quốc và kiến trúc Stupa của Ấn Độ còn nhà thờ lại theo kiểu kiến trúc Gothic bắt nguồn ở Tây Âu. Rõ ràng mỗi nơi đều có những vẻ đẹp và sự linh thiêng riêng biệt. Và khi đi lễ nhà thờ tôi cảm giác các con Chiên vô cùng kính cẩn và trong ánh mắt họ toát lên những niềm tin vô cùng mãnh liệt về phép màu và Chúa y như những Phật tử tôi đã nhìn thấy. Tôi tưởng như họ đã được nhìn thấy bằng da bằng thịt đức tin ấy là một con người có sự sống đang đứng trước mặt họ chăng? Hay chỉ vì tôn giáo đã nghiên cứu hành vi con người sâu sắc đến nỗi có thể nắm thóp mọi tâm hồn ở mỗi cá thể này.

Đến đây, xin đừng trách phạt tôi là một con quỷ vô thần chỉ vì tôi có phần báng bổ Chúa trời hay vị chư Phật nào của các người. Tôi cũng có đức tin, tôi cũng là một kẻ mơ mộng tin rằng luôn có những vị thần bảo hộ. Có lần tôi đã gấp một nghìn ngôi sao giấy và ước tôi được học sinh giỏi. Vâng, điều ước thành hiện thực như một phép màu.

Nhưng khi nhìn vào hiện thực, rõ ràng tôi chưa bao giờ thấy một ai đó hiện ra như một ông Bụt hiện trước mặt Tấm. Tôi chỉ biết tôi có một niềm tin mãnh liệt, một niềm tin mà không bất kỳ ai có thể chạm vào và sờ nắm nó. Khi chúng ta tin vào sự cứu rỗi, sự cứu rỗi xuất hiện để chúng ta trở nên mạnh mẽ giống như luật hấp dẫn vẫn chưa lý giải. Quả thật, Phật hay Chúa hay bất kỳ đạo nào cũng thế, họ tạo ra những hình mẫu, những pho tượng tưởng như ta sẽ dễ dàng dùng bàn tay trần tục mà vuốt ve vào. Thật ra đó chỉ là sự nhân hóa của niềm tin cho dễ hình dung. Những con người có cái đầu ngắn ngủi và trí tưởng tượng bay xa sẽ luôn vẽ ra những bức tranh về thiên đàng và địa ngục về Chúa Trời và Đức Phật về cõi vĩnh hằng y như nghĩa đen của các cuốn Kinh. Nhưng những con người thông thái sẽ hiểu theo những nghĩa bóng khác nhau về các hình tượng và cả về lời rao giảng thao thao bất tuyệt của các Cha và Trụ trì.

các vị thần 3Ảnh: Skitterphoto 

Sau khi khoa học phát triển, số người đi nhà thờ ít hơn vì gần như tất cả sự nhiệm màu của Chúa đã có đáp án. Ban đầu tôi cũng nghĩ như thế là hiện đại, là không mù quáng nhưng dần dà tôi thấy nhờ có khoa học mà con người bắt đầu trở thành những cái máy hoạt động cứng nhắc. Thay vì mỗi cuối tuần hay mỗi tối họ đến nhà thờ hoặc cửa chùa để đọc Kinh cho tâm thanh tịnh thì họ chui trong phòng với đầy các loại thiết bị tối tân, những suy nghĩ chạy vòng vo trong đầu về thế giới và những điều xa tít chân trời, chẳng liên quan gì đến họ. Những nhà khoa học, họ nghĩ đức tin đã lỗi thời, chính họ mới là kẻ đại diện cho sự hiện đại. Và chính họ cũng không thoát khỏi đức tin về điều mình sẽ nghiên cứu và tạo ra cho thế giới. Vậy đức tin của họ có khác gì đức tin của các con Chiên và Phật tử? Nếu phân tích rạch ròi thì có sự khác nhau rõ ràng nhưng nếu bao quát vấn đề đấy cũng chỉ là những niềm tin vào phép màu như nhau. Khoa học tìm kiếm những điều bí ẩn của thế giới bên ngoài còn tôn giáo lại đi thật sâu và kiếm tìm nội tâm chính mình. Rõ ràng đó là sự đối xứng, cân bằng và bổ trợ mà mọi vật thể trên trái đất này đều như thế, ví dụ như notron và electron.

Tôi đã đi từ một đứa trẻ với đức tin mù quáng đi chùa, lễ Phật, dâng hương mà chẳng biết mình làm điều đó vì cái thá gì. Cho đến một tuổi trẻ ngông cuồng, kiến thức nông cạn, thích thể hiện mình vô thần, vô đạo đôi lúc còn tôn sùng quỷ dữ. Nhưng giờ đây, tôi có một đức tin với cả Phật và Chúa, với cả chính bản thân tôi. Đôi lúc họ thần thánh hóa, đôi lúc họ thích nói quá về thiên đường và địa ngục nhưng vẫn có một điều tốt đẹp cạnh bên, họ đều hướng đến những điều lành và cứu rỗi những linh hồn yếu đuối. Bất kỳ điều gì cũng không nên thái quá, chúng ta nên tỉnh táo khi nghe, đọc về những điều ta chưa biết. Nhìn nhận một cách khách quan về mặt tốt và xấu, đừng để bất kỳ lời nói nào làm lu mờ tâm trí kể cả điều đó hướng tới trái tim ta. Một liều thuốc sẽ chữa khỏi bệnh nhưng hai liều có thể làm ta chết ngay lập tức.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: ZERIG 

DSK — Tôi kể về gã điên tình tìm chốn bình yên

7

Hôm trước sang nhà chơi, gã mời tôi điếu cỏ: “Hút đi em.” Tôi lắc đầu như thói quen thường lệ.

“Anh quên mất Chi không thích hút cỏ. Đó chỉ là một sự trải nghiệm thôi em.”

“Em không thích cảm giác phê cỏ. Nó khiến em không tỉnh táo. Nếu đó là một sự trải nghiệm, em đã thử. Em không muốn biến nó thành ham muốn. Càng có nhiều ham muốn lại càng sống phụ thuộc.”

“Anh cũng muốn bỏ cỏ để chứng minh anh không cần hút cỏ thì vẫn có thể viết rap.”

“Anh không cần bỏ cỏ thì em vẫn tin rằng anh không phải là một tên nghệ sĩ rởm.” Tôi nghĩ  thầm.

Hình dáng bên ngoài của gã tố cáo một đời sống nội tâm mây đen giăng lối. Gã có đầu tóc xoăn đúng chất nghệ, người gầy yếu ọp ẹp chẳng khác gì một tên nghiện. Những cái răng hô. Gã đeo mắt kính. Tôi chúa ghét những thằng tong teo kiểu ấy lại luôn mặc thứ áo quần để lộ da thịt, nhìn trông như mấy thằng bần cùng nghèo khổ trong khu ổ chuột. Nhưng tôi lại rất quý gã.

Tôi chẳng biết gã là người nổi tiếng. Nói đến ngôi sao là tôi như kẻ mù đường. Dù đã biết thì cũng đếch quan tâm. Tôi chỉ thần tượng bản thân tôi, những kẻ còn lại trong thế gian này chỉ là hạt cát giữa sa mạc, không làm nên nổi một cơn lốc giữa cuộc sống của tôi.

Tôi quý gã vì câu chuyện gã đã từng muốn phóng lên những đỉnh cao, từng khao khát những vì sao, nhưng mà bản năng xấu xa của gã, chúng cũng khao khát tự do. Khi gã sống trong giấc mơ ấy, gã chỉ là một tên tù nhân luôn tưởng tượng đến tự do. Xưa kia gã mơ mộng trở thành ngôi sao, giờ đây gã quá sợ biến mình thành ngôi sao đó, gã sợ những phiền não, gã không muốn có một tâm hồn tràn đầy sợ sệt trước cuộc sống.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay. Người làm nghệ thuật nhiều vô số kể. Bất kể nghệ thuật được tạo ra mang dáng dấp gì thì chủ nhân của nó cũng dễ dàng bước lên những bậc thang tự vinh danh mình là người nghệ sĩ. Chính vì thế mà nghệ sĩ rởm đông chẳng khác nào những con ruồi. Những con ruồi bu đầy lởm chởm vào miếng bánh ngon nghệ thuật. Làm nghệ thuật thời đại này mang lại sự nổi tiếng, tiền bạc. Người làm nghệ thuật còn được lãi từ công việc kinh doanh cá nhân bên lề vì đã có điểm tựa chính là sự nổi tiếng. Không ai còn quan tâm tác phẩm mình tạo ra là gì? Nói đi cũng phải nói lại. Nếu người thưởng ngoạn tác phẩm  không tỏ ra thích thú thì mấy tên nghệ sĩ rởm cũng chẳng có đất dung thân. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là tại nghệ sĩ rởm hay tại thị hiếu khán giả kém chất lượng?

Một tên nghệ sĩ rởm sẽ miêu tả hoàng hôn bằng hình ảnh “mặt trời đã tắt”. Nhưng một người nghệ sĩ được trời phú cho cái tài sẽ đánh bóng buổi hoàng hôn ấy bằng những từ ngữ hoa mỹ “hoàng hôn đã khoác lên vạn vật một chiếc áo choàng mỏng nhẹ.” Đại loại là thế. Vậy nên, muốn biết tác phẩm của gã ta có phải là một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Tôi không cần phải là fan cuồng của gã, nắm lòng bàn tay những bài gã viết, tôi chỉ cần một vài lần bị bắt ép phải nghe gã hát là đã quá nhiều để nhận ra.

Cũng có thể xem là đàn anh đời đầu gạo cội trong làn nhạc rap, có thừa những mối quan hệ cần thiết. Nhưng tôi chẳng bao giờ nghe gã có ý định dấn sân vào thế giới sao Việt. Tôi chưa bao giờ trông thấy một sự ảo tưởng người nổi tiếng trong con người gã, mặc dù gã có rất nhiều người hâm mộ. Tôi chỉ nhìn thấy trong căn nhà lụp xụp kia ở Đà Lạt là một gã nghệ sĩ nghèo sống bằng niềm tin với đam mê nhiệt huyết âm nhạc. Ôi đã có những ngày tôi phát ngán thứ âm nhạc rap nhức đầu điếc tai mà gã ngân vang từ sáng thức giấc cho đến chiều. Vậy đấy mà tôi không thể nào bước đến trước mắt gã rồi bảo anh có thể cho em một chút yên tĩnh. Bởi lẽ tình yêu âm nhạc của gã đã luôn cảm hóa được tôi. Sự nhiệt huyết lớn lao trong gã đã nhấn chìm sự khó tính trong tôi.

Chẳng bao giờ thấy tổ chức show hay đi lưu diễn, chẳng thấy xuất hiện trên ti vi mặt báo. Không cần cho ra những bản nhạc triệu lượt xem. Chỉ đơn giản là cách để gã kể những câu chuyện của riêng gã bằng sự chân thật trong từng ca từ. Có hôm sang nhà chơi ngủ lại. Mấy anh em đốt lửa đốt thuốc ngồi chém gió đến tận khuya. Sáng ra được gã làm cho miếng bánh mì ly cà phê. Vừa thưởng thức vừa nhìn gã tưới nước quét  nhà. Ôi nghệ sĩ nổi tiếng gì mà suốt ngày thấy dọn dẹp giặt giũ rồi nấu ăn. Làm nghệ thuật gì mà chẳng có xu nào dính túi. Mặc áo quần thì lôi thôi lếch thếch. Chẳng thấy họp fan hâm mộ mà chỉ toàn thấy chơi với chó mèo.

Cả gã và tôi đã cùng nhau nói về những ngày trẻ. Nói về cái sự khởi sinh ban đầu của nhiệt huyết, sự kiên nhẫn cho những an định chưa kịp đến. Nói về sự yêu thương và chung thủy với con đường mình đang theo đuổi. Hãy khoan tìm kiếm câu trả lời mà trước hết phải sống bằng những câu hỏi đặt ra trước mắt. Câu trả lời sẽ đến bất ngờ vào một ngày mà tôi hoàn toàn không trông đợi như nó đã đến trong cuộc đời gã. Làm nghệ thuật để sống là chuyện quá tầm thường nhưng muốn sống để làm nghệ thuật thì mới khó khăn.

Trước đây tôi cũng từng ao ước trở thành một nhà văn. Tôi có thật nhiều người hâm mộ, sách của tôi được cả thế giới biết đến. Tôi sẽ đi ký tặng sách, tôi đi tham dự các chương trình tổ chức hướng nghiệp, định hướng cho các bạn trẻ như những nhà văn khác vẫn làm. Nhưng giờ tôi không còn biến mình thành kẻ mộng du, không còn muốn tìm kiếm mình trên những đỉnh cao heo hút. Tôi hổ thẹn vì đã có ý định leo lên và thở hổn hển, tôi mệt mỏi vô cùng khi bước lên những miền cao thăm thẳm.

Vâng, tôi và gã. Những kẻ cùng bước chung trong đêm tối mà vẫn cố ôm siết lấy niềm đam mê bằng tình yêu với bao nhiêu cao cả tuyệt thế đê mê. Tôi và gã, hai kẻ đồng minh. Đang bước theo từng bước chân nhau. Vì cả hai đều đang tự bước riêng trên từng bước chân của chính mình.

“Và tao muốn được tự do như làn khói như điếu thuốc chưa từng cháy
Thả mình về đại dương như dòng sông chưa từng chảy
Vùi mình trong bóng đêm như chưa từng có ánh trăng
Đôi bờ vai lại buông lơi như chưa từng có gánh nặng.”
— DSK, Chưa Bao Giờ

https://youtu.be/mhzz8mvynxE

Đã được gã kể nghe những bản nhạc của gã. Đã kể cho gã nghe những quyển sách của tôi. Nhưng lần này phải là một bài viết của tôi về gã. Bài viết được dành tặng riêng cho anh Minh.

Tác giả: Ni Chi

Hôm nay tôi cô đơn

0

Rút trong hộp ra điếu thuốc, châm lửa hít mạnh một hơi. Trời lạnh quá, im lặng quá. Nhiều khi mình phải cố tình bị sặc để khói trôi ngược vào lồng ngực. Cố hết nội lực ho mấy tiếng cho thật to, hy vọng có ai đó nghe thấy. Cố thổi làn khói đang lơ lửng chập chờn giữa không trung, làm sao cho tận cuối chân trời là nghĩa địa. Không bao giờ còn nghe thấy, không bao giờ còn trông thấy. Bay đi làn khói trắng, bay đi hỡi nỗi cô đơn.

Một ngôi nhà bằng gỗ thật xinh xắn có cửa ngõ phủ kín những chùm hoa. Một thùng thư bằng sắt màu xanh đã gỉ sét. Có lá thư nào sáng nay vừa được bác bỏ thư cho vào gửi đến chủ nhân. Muốn biết câu trả lời, tôi có nên gõ cửa một tiếng, đứng đợi vài giây. Tôi có thể lại châm lên một điếu thuốc, đứng lẳng lặng thả khói bồng bềnh, đang lúc ấy, chủ nhân ngôi nhà sẽ bước ra, mỉm cười với những cử chỉ và động tác đã hình thành thói quen thường lệ. Nhưng khi suy nghĩ vừa chớm tắt, nhìn lại, tôi đã bỏ đi rất xa khỏi ngôi nhà xinh đẹp.

Lại tiếp tục bước lang thang. Tôi tự hỏi sáng nay thành phố có bao nhiêu người vừa thức dậy, đang đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng? Bao nhiêu người vẫn còn ngồi tụt quần trong nhà vệ sinh chìm đắm trong cơn ngáy ngủ? Có cặp tình nhân nào đang còn ôm hôn thắm thiết trên giường, níu kéo dư âm cuộc trèo đèo lội suối để tiến lên đỉnh đêm hôm qua? Dân số thành phố này là bao nhiêu? Bao nhiêu trong đó sống hạnh phúc? Bao nhiêu khổ đau?

Mà cô đơn là gì? Một nỗi hoang trống, cảm thấy không có gì cả, cảm thấy vô định, không có gì chắc chắn. Đó không phải là thất vọng, không phải là tuyệt vọng. Người đau khổ thấy cô đơn và người hạnh phúc cũng chẳng thể tránh được kiếp nạn. Ôi một khoảng trống không thể vùi lấp dù có cố gắng.

Tôi đang chạy trốn nỗi cô đơn này bằng cách bắt ép cơ bắp hoạt động liên tục. Nếu cứ mãi bước đi không ngừng nghỉ, phải chăng mình có thể chạy trốn. Hay là tôi có thể ngồi xuống dưới một gốc cây, lấy bút giấy ra rồi bắt đầu làm thơ. Bao giờ trong túi cũng có một quyển sách mang theo, hoặc là đọc sách.

hôm nay tôi cô đơn 2Ảnh: Free-Photos

Nhưng cô đơn chỉ là hiện trạng của tâm thức. Khi vừa ý thức được nỗi cô đơn, tôi có nên chạy trốn? Biến sự chạy trốn đó trở nên quan trọng? Nếu tôi đặt sự phụ thuộc vào cô đơn trở nên quan trọng, cũng đồng nghĩa với sự cô đơn trở nên không thể tách lìa cuộc sống. Đó chỉ là sự cố gắng lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Tôi đang không ý thức được những gì tôi đang làm. Tìm mọi cách để lấp đầy nỗi trống không của cô đơn. Nhưng có lấp được không? Tất cả chỉ là một sự tạm bợ. Nỗi cô đơn vẫn ở đó, tôi không bao giờ có thể chạy trốn nó một cách toàn triệt.

Đảo mắt xung quanh. Ôi những khuôn mặt xa lạ. Cô đơn là gì mà cứ hễ bước ra đường thì sợ gặp người quen. Sợ người ta đến chào hỏi rồi buông lơi mười vạn câu hỏi. Tuy lòng người trẻ đã vứt bỏ hết tất cả nhưng đôi lúc vẫn ngượng nghịu khi phải phô bày mảnh giẻ rách của mình trên đường phố. Sự phản chiếu đối nghịch kinh hoàng từ bên ngoài và sâu thẳm hơn nữa trong tâm hồn của hai con người thuộc về hai thế giới. Làm sao nhanh chóng tìm ra được hành tinh thuộc về mình. Ra đường nhìn ai cũng giống nhau thì mình mới tự tin nhìn thẳng được. Mình lố lăng, nên gặp người quen rất dễ bị phát hiện.

Nghĩ  thấy mình cũng hèn nhát, nhưng hiển nhiên quá đi rồi, ai bảo mình nhảm nhí thì cũng đúng thôi. Mình nghĩ nhiều quá, chính vì nghĩ nhiều quá mà đâm ra sợ sệt chuyện trên trời dưới đất. Nhưng bây giờ đi thế này để làm gì? Để gặp người hoàn toàn không quen biết. Có ai trong số đó ngay từ khi mới trông thấy, tuy chưa nói với nhau một lời nào mình cũng đã cảm thấy có thiện cảm với họ?

Chiếc lá khô vừa chào gió rồi lìa cành hội ngộ mặt đất. Tưởng đâu cuộc đời là sự chia ly, ai ngờ rời xa người này để biết sự hiện diện của một người khác trong cuộc đời nhau. Chàng trai bên kia đường vừa đẩy cửa bước ra từ quán cà phê, che ô bước đi thật nhanh. Đi đến ngã ba rồi quẹo trái mất hút.

Sáng nay trong thành phố, mình đâu phải là người duy nhất cô đơn? Rồi lại châm lửa…

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: PublicDomainArchive 

 

20 chi tiết quan trọng về Dự luật Đặc khu và 9 nghi vấn được đặt ra

0

Bài viết này nhằm để bạn đọc tiết kiệm thời gian đọc toàn văn bản dự luật. Phần đầu bài viết là 20 fact rút tỉa từ bộ dự luật rất dài này. Bạn có thể đọc lướt qua để đi tới phần trọng tâm là các nghi vấn mà người viết nêu ra sau khi đọc bộ dự luật. Chúng ta không thảo luận về chủ nghĩa ái quốc cuồng tín hay bài Tàu cực đoan, mà từ bản văn và tình hình thực tế, có cái nhìn tổng thể về vấn đề đang dậy sóng xã hội này và tự có thái độ cho riêng mình.

20 chi tiết trong dự thảo “Luật Đơn vị hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc”

1. Đặc khu là đơn vị cấp tỉnh, nhưng do Quốc hội lập, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu. (Điều 3)

2. Trong Đặc khu thì dự luật này có giá trị cao hơn các Luật hiện hành. Khi điều ước quốc tế và luật Đặc khu khác biệt, điều ước quốc tế được ưu tiên. Tất nhiên, lợi ích của nhà đầu tư cao hơn cả luật và điều ước. (Điều 5)

3. Bản án của tòa án nước ngoài cũng có hiệu lực tại Đặc khu, nếu đó là thỏa thuận của hai bên. (Điều 6,7)

4. Thời hạn thuê đất trong Đặc khu cơ bản là 70 năm, có thể gia hạn đến 99 năm và do Thủ tướng quyết định. (Điều 32)

5. Tùy loại dự án, có thể được miễn thuế, miễn phí tiền thuê đất và mặt nước từ 3 – 30 năm. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về Chủ tịch Đặc khu. (Điều 43 – 45)

6. Người nước ngoài không có giấy phép lao động, vẫn có thể làm việc bán liên tục tại đặc khu, thời hạn từ 1 – 6 tháng trong một năm, tùy trường hợp. Trường hợp khác, do Chủ tịch Đặc khu quyết định. (Điều 46)

7. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thường trú trong đặc khu, do Chủ tịch Đặc khu quyết định. (Điều 48)

8. Tiền nước ngoài được lưu thông tại khu thương mại tự do trong Đặc khu. (Điều 49)

9. Người nước ngoài vào thẳng Đặc khu được miễn visa 2 tháng. Luật không giới hạn nước nào. (Điều 51)

10. Người Việt Nam được phép và Đặc khu chơi trong casino. (Điều 53)

11. Người China có thể chỉ vào Vân Đồn với một mẩu giấy thông hành. (Điều 54)

12. Hàng hóa nước ngoài có thể vào thẳng Bắc Vân Phong rồi đi ra lãnh thổ Việt Nam thoải mái. (Điều 55)

13. Đầu tư 110 tỷ trở lên ở Phú Quốc thì có thể được visa 10 năm hoặc thành thường trú nhân. (Điều 56)

14.  Hệ thống chính quyền đặc khu có Hội đồng và Ủy ban. Hội đồng tối đa 15 người, bầu ra Ủy ban 3 người. Chủ tịch Ủy ban Đặc khu do Bội Nội vụ giới thiệu để Hội đồng Đặc khu bầu. (Điều 57-69) 

15. Đặc khu có Tòa án riêng, bao gồm các loại: Dân sự, Hình sự, Gia đình, Vị thành niên, Kinh tế, Lao động, Hành chính, Xử lý Hành chính. Tòa án Đặc khu được xem ngang với cấp huyện. (Điều 70-74 )

16.  Đặc khu có tổ chức quân đội và biên phòng, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định thành lập, cơ cấu cụ thể tùy theo từng đặc khu. (Điều 77)

17.  Đặc khu có tổ chức công an, do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định thành lập, cơ cấu tùy theo từng đặc khu. (Điều 78)

18.  Đặc khu có casino, đương nhiên. (Phụ lục II, III)

19.  Ở Đặc khu có thể bán vũ khí quân dụng và thiết bị quân dụng, sản xuất vũ khí và thiết bị quân dụng, chất nổ, chất phóng xạ, công nghệ nguyên tử, sản phẩm GMO. (Phục lục IV, mục: 1, 2, 4, 30, 95, 108, 109)

20.  Ở Đặc khu có thể bán ra nước ngoài bảo vật quốc gia. (Phụ lục IV, mục: 115-116)

9 nghi vấn đặt ra

1. Dự luật không quy định Chủ tịch Đặc khu là người Việt Nam, như vậy người nước ngoài hay người nước ngoài quốc tịch Việt Nam thì sẽ đủ tư cách ứng cử?

2. Dự luật không nói rõ tương tác của dân ngoài đặc khu và đặc khu. Liệu người dân ở ngoài Đặc khu có được ra vào tự do, ngoài mục đích vào casino đánh bạc?

3. Trong đặc khu có dạy nghề cho người thường trú, không giới hạn đối tượng. Vậy nhà đầu tư đem công nhân lao động phổ thông vào và tổ chức đào tạo thì lách luật giới hạn lao động trình độ thấp dễ dàng?

4. Trong khu thương mại tự do, tiền nước ngoài được tự do lưu hành. Vậy đồng nghĩa trong đặc khu có một khu chợ đen công khai thu đổi ngoại tệ, nguy cơ mất an ninh tiền tệ là hoàn toàn có cơ sở. Dù ở một số điều luật có nói về việc lập chi nhánh ngân hàng nhà nước nhưng việc lưu thông tự do ngoại tệ thì ngân hàng chỉ là cái bình hoa trang trí?

5. Do vấn đề miễn thuế, miễn tiền thuê đất lâu dài, cơ chế cho người lao động nước ngoài vào dễ dãi… Liệu người dân có được hưởng lợi trực tiếp từ  đặc khu, ví dụ cơ hội việc làm? Liệu lợi tức (nếu có) từ Đặc khu sẽ làm cho người dân giàu hơn, phúc lợi xã hội sẽ tăng lên?

6. Về mặt cơ cấu chính quyền, rườm rà và nhiều ban bệ y như hệ thống hiện nay. Cũng không có hình thức bầu cử tự do Đặc khu trưởng mà là bầu người của Bộ Nội vụ giới thiệu, nếu Bộ giới thiệu một người thì bầu một người, giới thiệu hai người thì bầu hai người hay sao? Vấn đề là không có sự cách tân về thể chế, thì dẫu tên gọi có khác thì vẫn là bình mới rượu cũ, cho rằng Đặc khu là thí điểm về thể chế mới thì chỉ là cách nói mị dân không hơn không kém.

7. Dự luật không quy định nhà đầu tư nước nào được đặc cách, nhưng trẻ con ba tuổi cũng biết hiện nay ở ba vùng đặc khu trong dự luật thì người China hầu như dày đặc. Liệu các nhà đầu tư từ những nước khác có truyền thống liêm khiết (ví dụ Nhật Bản) có cạnh tranh với những thủ đoạn gầm bàn nổi tiếng của giới kinh tài China và hệ thống chính trị tham nhũng dày đặc như hiện nay. Có phải dự luật này gần như đo ni đóng giày cho người China?

8. Không cần chính thức lập ra nhưng hiện nay vẫn có nhiều khu mà người China ở Việt Nam như một lãnh thổ riêng, ví dụ: Formosa, Sơn Trà – Điện Ngọc, Lee & Man Sông Hậu… đến mức họ có bao nhiêu người trong đó chính quyền địa phương cũng không biết và cũng không vào được. Liệu cơ chế dễ dãi của Đặc khu có tạo điều kiện để nhà đầu tư biến nơi đó thành lãnh thổ riêng với khí tài quân sự hùng hậu?

9. Một vấn đề nho nhỏ kèm theo dịch vụ casino của China, chính là sự nhập cảng các bang hội đen, các dịch vụ kinh doanh con người và thế giới ngầm. Mời quỷ thì dễ, trục quỷ thì khó.

Thuyết Âm mưu về cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Sau khi từ giã sân khấu chính trị một cách bất ngờ, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn xuất hiện đều đặn trong các hoạt động công khai cùng nhiều yếu nhân chính trị khác hiện nay, cho thấy bộ sậu của ông vẫn khá hùng hậu. Và người ta vẫn không thôi đồn đoán thậm chí mong mỏi một sự trở lại chính trường ngoạn mục của ông – một người được cho là thuộc phe thân phương Tây. 

Cách nay vài tháng, khi bắt đầu có sự râm ran của dư luận về việc thành lập đặc khu ở Phú Quốc, trước khi dự luật này được đưa ra mổ xẻ, thì sự nghi ngờ về chuyện trở lại của ông Dũng càng được củng cố hơn nữa, khi con cả của ông – Nguyễn Thanh Nghị –  là bí thư Kiên Giang, cũng phát biểu ủng hộ chuyện thành lập đặc khu một cách khéo léo qua việc tán dương thu nhập khủng ở Phú Quốc hiện nay. Động thái này khá trái khoáy khi mà cha ông từng có những phát ngôn mang đậm tính chống China xoay quanh vấn đề biển đảo, còn dự luật đặc khu lại gần như là đặt ra để chào đón nhà đầu tư China, vốn đang đông như quân Nguyên tại các nơi nói trên.

Ngoài ra, khi dư luận đang dấy lên một làn sóng cuồng nộ về chuyện dự luật đặc khu, thì lại có người bỏ tiền ra để một đoàn nhà báo có ảnh hưởng trên facebook hiện nay đi “tham quan học  tập” tại đặc khu Thâm Quyến của China, rồi trở về tán dương chuyện thành lập đặc khu như một bước tiến kinh thiên động địa mà ai nói ngược lại đều là phản động, đẩy làn sóng phản đối lên một cao trào mới.

dự luật đặc khu 2
Ảnh: FB Page Tin Không Lề

Rõ ràng, dù có đưa ra  quốc hội hay không, thì những “đặc khu” đã tồn tại một cách bán chính thức. Nhưng lần này dư luận được huy động rầm rộ từ facebooker đến cả đám diễn viên người mẫu ngày thường được coi như đám đầu đất chẳng biết gì ngoài tự sướng và sống ảo. Rõ ràng dư luận được chia thành hai phe rõ rệt. Một cuộc đấu đá mới đang được mở màn?

Link tham khảo: 

http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1319&LanID=1496&TabIndex=1

https://m.thuvienphapluat.vn/cong-van/bo-may-hanh-chinh/luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-2017-340180.aspx

https://www.facebook.com/tinkhongle/posts/1024915340992797

Tác giả: Hai Le

*Featured Image: qimono 

Trung Quốc đã khơi dậy lòng yêu nước của người Việt ra sao?

0

Mấy hôm gần đây đang dậy sóng vụ Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất 99 năm. Bao nhiêu bài báo đã mổ xẻ phân tích nên tôi nghĩ mình không cần phải nói thêm điều gì. Trong bài viết này tôi chỉ muốn nêu lên quan điểm của tôi về việc Trung Quốc đã khơi dậy lòng yêu nước của người dân Việt Nam ra sao?

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” – Hồ Chí Minh

Vâng, lòng yêu nước của dân ta đã được minh chứng qua một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày dưới cái bóng của đế quốc Mỹ. Chúng ta đã từng rất tự hào về truyền thống yêu nước đó. Nhưng chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm. Tinh thần yêu nước đã đi qua hơn 40 năm. Còn bao nhiêu tàn tro sót lại cho tinh thần yêu nước ấy? Hay chỉ  còn sự ảo tưởng về niềm tự hào dân tộc? Hãy nhìn xem lòng yêu nước của người Việt Nam bây giờ?

Ngày xưa anh hùng dân tộc dùng gươm đao súng đạn, đánh đổi tính mạng để bảo vệ đất nước. Xã hội hiện nay thì chỉ toàn anh hùng bàn phím dùng võ mồm võ miệng, nhưng tôi cũng chẳng biết họ chiến đấu vì điều gì?

lòng yêu nước 2Ảnh: Réhahn

Suốt mấy ngày lướt các trang báo mạng. Đâu đâu cũng xuất hiện đầy rẫy những câu chửi bới. “Chúng ta cần hành động kiên quyết với bọn tàu khựa.” Nếu bạn biết tôi và bạn có thể làm gì để kiên quyết thì xin hãy chỉ dẫn cho mọi người cùng kiên quyết, tại sao chỉ nói có vế đầu rồi bỏ ngỏ vế sau. Có người bảo “đánh mẹ chúng nó đi, tôi sẵn sàng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.” Bạn này thì chắc đang háo hức mong chờ chiến tranh. Có người không biết nói  gì nên cứ việc chửi bới người Trung Quốc.

Đối với những thành phần yêu nước nồng nàn này. Tôi chẳng thấy một tinh thần yêu nước nào ngoài những lời lẽ thiếu hiểu biết hồ đồ. Phải chăng khi cả nước đang đoàn kết, đang nhuộm đỏ máu Việt, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc thì họ cũng cần phải nói ra một điều gì đó để chứng minh  tôi cũng là một người yêu nước?

Tất cả chúng ta đều không muốn dung thứ cho kẻ thù đang lăm le nhìn ngó đất nước của mình. Tôi cũng là người Việt, tôi cũng mang dòng máu với các bạn. Tôi biết mối hận thù và lòng khao khát đang nung nấu tâm can của các bạn. Đứng trước tình yêu của mình, chúng ta không đủ rộng lượng để bao dung cho kẻ nào sát hại tổn thương lên tình yêu đó. Nhưng phải yêu nước thế nào để đủ cao đại và không biến tình yêu đó thành sự xấu hổ?

Tôi yêu hòa bình và chán ghét chiến tranh. Người nào muốn giải quyết xung đột bằng chiến tranh, người đó chỉ đang muốn đánh đổi mạng sống của dân tộc để thỏa mãn cái tôi của họ. Bạn tưởng rằng những người đã nằm lại trên các chiến trận, họ đấu tranh vì muốn chiến thắng kẻ thù? Tôi không nghĩ thế. Họ chỉ chiến đấu cho một nền hòa bình, cho anh em đồng đội, cho người thân. Đạo đức xã hội luôn đề cao lòng yêu nước của chiến sĩ. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng nếu tưởng tượng một ngày bạn thức giấc chỉ với một ước mơ duy nhất làm sao sống qua ngày mai. Bạn sẽ hiểu rằng chúng ta chỉ có một cách duy nhất là phải chiến đấu. Dù lính bên này hay bên kia chiến tuyến, trong bối cảnh lịch sử chiến tranh, họ không thể là một công dân lãnh đạm và thờ ơ với thời cuộc. Nhưng lính Việt Nam không yêu quý chiến tranh, lính của kẻ thù cũng chẳng thiết tha gì. Chiến tranh chỉ là bài toán của chính trị. Người dân chúng ta chỉ là công cụ. Đừng để họ dắt mũi.

Có người thể hiện lòng yêu nước bằng lời lẽ ba hoa cãi cọ lăng nhăng, chửi bới người dân Trung Quốc. Tôi mong các bạn nếu không thể là một bậc thánh của tri thức thì xin hãy làm một chiến sĩ bé nhỏ của tri thức. Hãy là một con người có đôi mắt tìm kiếm kẻ thù sáng suốt. Không phải người Trung Quốc nào cũng muốn đứng chung với bạn trên một trận chiến.

Những người Trung Quốc tôi từng gặp không phải ai cũng là người xấu. Bạn tôi là một người Việt gốc Hoa. Mỗi lần có sự xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi có thể cảm nhận được nổi buồn phiền của nó khi phải ngồi nghe những lời chửi bới của mấy bạn Việt xung quanh. Đi đâu cũng nghe tẩy chay Trung Quốc. Đuổi hết bọn tàu khựa về nước. Trong khi bạn tôi yêu Việt Nam, nơi cô ấy đã lớn lên còn hơn cả Trung Quốc tổ tiên nòi giống.  Còn có thằng kia cũng người Hoa. Tôi hỏi nó nếu chiến tranh Việt Nam Trung Quốc diễn ra thì mày sẽ làm gì? Nó bảo nó sẽ đi đầu quân cho Việt Nam. Nơi mà nó đã lớn lên và gắn bó, đó mới chính là quê hương của nó. Mặc dù đi đâu ai cũng gọi nó là thằng tàu khựa.

Rồi còn cả những người Việt Nam đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Nếu chúng ta có thể đuổi hết được người Trung Quốc về nước họ cũng đồng nghĩa bao nhiêu kiều bào Việt Nam bên đó cũng phải cuốn gói xách va li về nước sống cảnh thất nghiệp. Chúng ta xem thường người Trung Quốc ở Việt Nam thì người Việt Nam sống bên đó dĩ nhiên cũng chẳng được tôn trọng.

lòng yêu nước 3Ảnh: Réhahn

Lòng yêu nước được thể hiện bằng cách tẩy chay hàng Trung Quốc. Xin hỏi bạn có thể tự tin khẳng định rằng bạn không dùng bất kỳ một mặt hàng nào có xuất xứ “made in China”. Đó là chưa kể bao nhiêu mặt hàng Việt Nam đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc?

Bạn nghĩ rằng tất cả hành động đó của mình là lý do thích đáng để thánh hóa lòng yêu nước của mình? Chỉ có sự hồ đồ đang thánh hóa bạn mà thôi.

Mọi người chỉ trích tôi là kẻ có trái tim lạnh lùng, không yêu nước khi tôi bảo rằng tôi không quan tâm đến sự kiện này. Thiết nghĩ tôi chỉ là một người yêu nước khi tôi phải lên mạng hùng hổ bày tỏ tâm tình thân ái? Mà tôi có thể nói được lời lẽ nào hay ho để cứu đất nước này khỏi cảnh bị Trung Quốc thuê 99 năm? Ai đó có thể chỉ dẫn cho tôi một hành động  thiết thực và xác đáng, chứng tỏ cho tôi thấy rằng hành động của tôi là không vô nghĩa?

Điều các bạn cần làm là chứng minh cho kẻ thù chúng ta thấy rằng mình là một kẻ thù đáng kính chứ không phải là một kẻ thù đáng khinh. Bạn nghĩ rằng chửi bới bạo động là những điều cao nhã. Không, đó chỉ là hành động của những tên hạ nhân. Chỉ có những tên hạ nhân không đủ khả năng mới chơi trò kém sang.

Đứng giữa một vùng chiến loạn đang diễn ra sôi nổi và không bao giờ ngừng nóng hơn. Nếu bạn có đủ khả năng để có thể làm gì cho đất nước, xã hội đang rất cần sự đóng góp từ bạn. Còn nếu bạn chẳng thể làm được gì. Vậy xin hãy im lặng, đừng biến lòng yêu nước của mình trở thành kẻ dư thừa vô tích sự.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Réhahn

 

Nếu chưa có mục đích sống, đừng sợ!

1

Ai cũng nói về tuổi trẻ, vậy xin cho phép tôi cũng được nói về tuổi trẻ của mình. Người ta rầm rộ trên các kệ sách những cuốn self-help về một tuổi trẻ nồng nhiệt, tuổi trẻ đầy tham vọng và quyết liệt. Người ta reo rắc vào đầu những cô cậu tuổi teen rằng thành công là có thật nhiều tiền, đi du lịch thật nhiều nơi như Trên đường băng, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? và phải luôn có một cái đầu chứa đầy kiến thức vô hạn. Vậy, có phải tôi đang là một kẻ có tuổi trẻ thất bại thảm hại không?

Tôi không hề có chút tham vọng nào, đôi lúc chỉ là muốn được đủ đầy, ấm no. Tôi trốn khỏi gia đình nằm giữa một nơi xô bồ tấp nập. Tìm đến núi rừng hiu hắt. Tôi chẳng có lý tưởng nào cả. Tôi bỏ đại học và cũng không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi đang sốt ruột chờ đợi cái đam mê, cái ước mơ mà lũ bạn đã có sẵn còn tôi vẫn luẩn quẩn đi tìm.
Tôi tìm hoài tìm mãi đến độ có những lúc bật khóc vì cảm thấy mình thật vô dụng trên cuộc đời này. Tôi sợ hãi và áp lực vô cùng.

Tôi đang là một kẻ THỪA ở xã hội này. Tôi đã đọc rất nhiều về đam mê, ước mơ, thành công, những cuốn self-help hừng hực khí chất. Vậy mà giờ đây tôi là một kẻ THẤT BẠI, ngồi khóc trên những trang sách. Tôi quở trách những kẻ may mắn biết được sự say mê công việc của họ và họ chỉ việc theo đuổi nó. Tôi còn chẳng có bất kỳ cái gì để theo đuổi!
Bạn bè tôi đều đi làm, đi học hoặc cả hai. Bọn họ bận rộn tất bật, họ gặp những khó khăn trong công việc nhưng lại say mê giải quyết nó. Trong khi tôi vẫn không có gì trong tay, kể cả một ước mơ.

mục đích sống 4Ảnh: cocoparisienne

Mặc dù một nửa con người tôi tin rằng thành công không phải là kiếm được thật nhiều tiền và đi du lịch nhiều nơi. Tôi biết thành công của mỗi người là khác nhau. Có người lưỡng lự về cái chết và họ chọn chết đi chính là thành công của họ. Nhưng nửa còn lại vẫn còn nằm trong vòng xoáy của xã hội. Tôi không thể nào ngừng nghĩ rằng mình là một kẻ vô tích sự chỉ ngặm sách sống qua ngày và sách là thứ bao biện cho sự lười nhác của tôi.

Đến giờ đây, tôi đang ở cái tuổi người ta gọi là huy hoàng nhất vậy mà mỗi sáng thức dậy tôi thấy mình chỉ như một bông hoa dại nở đầy ngoài sân chẳng mấy chốc mà lụi tàn.
Có những người trẻ họ sẵn sàng tự tử và họ có những khổ đau nhất định để nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời. Tôi đây chẳng có lấy một lần nếm được đau khổ tột cùng là gì? Hoạ chăng chỉ là vài giọt nước mắt và một giấc ngủ, tặc lưỡi kệ đời.

Người ta nói phải để nỗi đau chạm đáy thì người ta mới bật dậy được như một cái lò xo bị ép hết cỡ vậy. Nhưng tôi còn không biết mình đã chạm đáy hay chưa. Tôi biết về luật hấp dẫn, tôi cố gắng nghĩ ra mình sẽ trở thành con người như thế nào để tôi có thể trở thành. Nhưng thầm sâu bên trong tôi luôn luôn lặp đi lặp lại rằng tôi là một kẻ thất bại.
Tôi tưởng tượng như mình đã chọn đi con đường vô cùng cam go, tối tăm và gian khổ. Mà ngay ngã ba đó tôi tự tin rằng mình sẽ tìm ra ánh sáng. Vậy mà giờ đây, tôi nếm trải nó, đôi lúc tôi ân hận, đôi lúc muốn buông bỏ, đôi lúc tôi mặc kệ bản thân tuột dốc, tôi là kẻ nhụt chí, tôi yếu đuối nhưng lại ảo tưởng bản thân rằng mình mạnh mẽ.

Chắc chắn sẽ có người đinh ninh rằng không một ai trên đời sống mà không có mục đích. Vâng! Một nhân chứng sống là tôi đây. Tôi thật tội nghiệp bản thân khi bấu víu vào những quyển sách giúp tôi tìm ra khát vọng cuộc đời. Nhưng không thể, tôi là một kẻ mộng tưởng hoang đường. Tôi thích đặt cái tôi của mình lên hàng đầu, tôn sùng và thờ phụng nó với những triết lý sâu sắc. Nhưng cơ bản tôi còn chẳng hiểu cái tôi của tôi muốn gì. Đôi lúc tôi tỏ ra ngông cuồng và cứng đầu, thích làm gì thì làm bởi thật ra tôi chẳng có cái gì nhất định để mà theo đuổi, để đánh đổi.

mục đích sống 3Ảnh: ThePixelman

Cũng chẳng có năng khiếu nhất định để phát huy. Tôi bắt đầu trách mắng cuộc đời, trách mắng gia đình không định hướng những thế mạnh của tôi từ bé, trách mắng giáo dục của nhà trường, trách mắng cả những quyển sách vớ vẩn tôi đọc. Tôi trách mắng cả những vấn đề khoa học ngớ ngẩn như tạo ra những thứ vô cùng nhảm nhí. Tôi tưởng tuổi trẻ của mình phải đẹp lắm, ngờ đâu lại thảm hại như thế. Tôi còn nhận ra mình tồi tệ thế nào.

Cho đến một ngày, tôi gặp một người chị tương tự, chị cũng cho tôi biết Triết Học Đường Phố đã sống lại. Tôi viết bài viết đầu tiên, tôi theo dõi xem có được đăng hay không? Ngay khoảnh khắc tôi biết bài viết của tôi được đăng lên và có khoảng 10 người chia sẻ, 1 bình luận ủng hộ quan điểm của tôi. Tôi đã bật khóc, tôi biết điều tôi tìm kiếm bấy lâu nay là gì rồi. Tôi khóc to như một đứa trẻ, như lúc tôi lạc ở ga tàu lửa và nhìn thấy khuôn mặt mẹ tôi trong khoảng 30 giây tàu chuẩn bị chạy.

Tất cả như vừa là ập đến một cách dữ dội nhưng cũng thật êm đềm. Giờ đây tôi như biết rằng tôi là ai. Tôi cũng thầm cầu mong cho những người đang lạc lối ở một nơi tối tăm nào đó có thể tìm ra chút ánh sáng lẻ loi như tôi đây. Tôi vẫn chưa có thành quả nhất định nào nhưng đây là sự hoan hỉ vô cùng chân thật. Như tôi đã tìm được kho báu của cuộc đời mình. Cảm ơn sự hội tụ của đất trời đã giúp tôi đi từ những cảm xúc tuyệt vọng đến vô cùng bồng bềnh này. Có thể muộn so với người khác nhưng không bao giờ muộn nếu như tôi chưa chết.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: castleguard