26 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 111

Nhà quê lên tỉnh và những gì tôi đã học được khi sống ở Sài Gòn

1

Tôi chỉ biết đến một thành phố lớn qua ti vi sách báo, đây là lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn. Đâu đâu cũng là đèn giao thông, biển báo, bảng hiệu rực rỡ màu sắc, người qua lại đông đúc và xe cộ. Ô tô chạy rầm rầm trên các con đường, đám xe buýt, khách bộ hành. Những vỉa hè đầy rẫy sự giao thương. Ở các giao lộ, mấy anh cảnh sát đứng nghiêm nghị đang thổi còi điều khiển xe cộ lưu thông giờ tắc đường. Đây chính là sự hối hả và tấp nập của một thành phố lớn nhộn nhịp.

Rồi tôi rẽ vào một con đường nhỏ sau khi băng qua khu đại lộ đông đúc. Nếu như không có mấy bảng hiệu ghi rõ địa chỉ thì tôi chẳng biết nơi tôi sẽ sống cũng được gọi là Sài Gòn. Tôi lấy làm lạ là nơi này cũng chẳng khác gì nơi tôi từng sống, thậm chí còn tệ hơn. Tôi đã từng nghe đến một Sài Gòn đô thị phồn hoa, trên đường đi tôi cũng đã trông thấy điều đó, nhưng thực tế cho thấy người xa xứ như tôi chỉ có thể sống ở một nơi thế này. Chốn xa hoa kia không phải là nơi mà tôi có thể sống ở đó.

Chỗ của tôi là ở đây, trong căn phòng trọ thấp bé lẻ tẻ, lối vào bằng cái lỗ mũi, vách tường đổ nát cũ kỹ. Khu này đường xá hẹp, hai bên đường chạy dài những nhà cửa mộc nát, dơ bẩn, xấu xí. Rác rưởi vứt thành từng đống, rau quả ôi thiu bốc mùi hôi thối. Mấy rãnh nước đọng lại, xe cộ chạy ngang qua, bùn bắn phèn phẹt lên từng mảng dày, chập vào tường mấy ngôi nhà xung quanh.

Tất nhiên là nếu tôi không từng sống trong nó bạn sẽ chê cười vì điều tôi nói ra là vô căn cứ không lý lẽ. Nhưng chính vì đã quá hiểu rõ để vạch mặt sự trần truồng của nó, có lẽ bạn sẽ càng chê cười mỉa mai tôi hơn, bởi lẽ những điều tôi đang giải trình phải chăng chỉ là sự thái quá cực đoan của riêng tôi?

Sài Gòn, xứ sở văn minh hiện đại nhất của đất nước tôi. Một đứa nhà quê lên tỉnh đã từng choáng ngợp bởi nó. Nhưng khi đã phóng bay quá xa vào nó, tôi nhận ra bản chất thực sự của một thành phố hiện đại, đó là sự rùng mình run sợ đang vồ chụp lấy tôi. Tôi đã ước bay ngược trở về thật nhanh.

Nhưng chuyện gì đã xảy đến với tôi? Điều gì đã khiến chân tôi run rẩy trong khi miệng vẫn đang mỉm cười? Đó chẳng phải là lần đầu tiên tôi được sống với tấm lòng đầy hoài vọng, một khát vọng từng rất chân thật?

Những khuôn mặt và tâm hồn được tô quét lên đó những đốm màu đủ sắc, chiếu rọi bởi những tấm gương tâng bốc, cả tôi và những người sống trong nó, ai cũng chơi trò học hỏi bắt chước nhau vô cùng hăng say. Ở vùng đất văn minh hiện đại này, tôi đã mệt mỏi khi luôn phải mang một chiếc mặt nạ. Ai có thể nhận ra được bộ mặt thật của tôi? Bộ mặt lem luốc của tôi được bao phủ bởi một lớp dày son phấn, đó là cách tôi lẩn tránh khỏi mọi sự thăm dò. Kể cả tôi hay ai khác, đều đủ khả năng để khiến mọi người tin rằng trái tim mình vẫn còn đang đập thình thịch trong lồng ngực.

Sống ở thành phố, vật chất và xã hội dường như luôn biết cách làm lẫn lộn nhân cách tôi. Nhưng tôi lại không lột bỏ chúng ra khỏi cơ thể mình, nếu thế tôi chỉ còn lại là một con chim non nớt yếu đuối và luôn sợ hãi. Thực ra, điều đã khiến tôi sợ hãi nhất là bỗng một ngày nọ tôi thấy mọi người xung quanh trần truồng, không màu sắc, lại tỏ những cử chỉ yêu thương với tôi.

Một thành phố lớn luôn nói đến văn minh, mọi người ưỡn ngực hô vang rằng họ biết về tri thức, sự hiện đại, họ biết những cái vĩ mô, biết về vũ trụ nhân loại. Họ vênh váo thế đấy, nhưng trái tim họ trống rỗng.

Tôi không hiểu nổi mình. Nhưng khi nhận ra mình chỉ là con chim lạc lối, e dè những thứ đã quá quen thuộc với mình, tôi muốn bay đi. Tôi đã trông thấy tôi đứng trước mặt đời sống, khô cạn, nghèo nàn. Mọi thứ đều đang bị lụi tàn hủy diệt. Ôi tôi bật cười ngạc nhiên về cả chính mình.

Những con người tâm trí đơn sơ, mang đầy rẫy trang sức và ngồi long trọng trên những chiếc xế hộp, nằm ngủ trong các biệt thự cao tầng. Chính  xứ sở văn minh hiện đại này  đã đặt họ vào ngồi trong đấy, trang điểm cho họ và gọi tên tráng lệ, rực rỡ. Khi tôi tự dấn thân mình trên con đường tìm kiếm ấy, tôi sẽ phải trả giá.

Dẫu đã từng yêu thương nó thế nào đi nữa, thì tôi cũng phải chấp nhận nó giờ đây cũng đã biến thành thù địch đối với ý chí tình yêu trong tôi. Nhưng đừng nghĩ rằng mọi suy nghĩ trong tôi luôn cực đoan. Nhà quê lên tỉnh, tôi cũng học được khối điều hay ho.

Giá trị tinh thần được xây dựng kiên cố qua bề dày kinh nghiệm những năm sống ở một thành phố lớn. Tôi đã hiểu hơn về chính mình bằng những tự do khám phá. Trở nên độc lập qua từng năm tháng can đảm đẩy mình ra khỏi vùng an toàn bình yên trước đây. Hiểu được cảm giác tự giải quyết các vấn đề mà không được sử dụng quyền trợ giúp của người thân. Ý chí tự lực tự cường giữa cơn giông bão. Trở nên cứng cáp hơn và không còn biết sợ hãi… Tôi đã học được cách ra khơi, biết cách vũng vẫy giữa đại dương. Một thành phố lớn đã luôn biết cách để rèn luyện mài dũa một đứa nhà quê trở thành một chiến binh.

Giá trị vật chất của một thành phố lớn thu hút một đứa nhà quê còn là bởi sự đa dạng ánh sáng và sự sang trọng của nó. Tôi rất hài lòng bởi nó cho phép tôi tận hưởng sự tiện lợi. Sống ở một thành phố lớn, bạn sẽ có cơ hội học tập và làm việc tốt nhất. Dễ dàng tìm được một công việc với mức lương tốt. Dịch vụ y tế luôn đáp ứng nhu cầu sức khỏe của mọi người…

Tuy nhiên, khi kẻ nhà quê khờ khạo làng lúa bắt đầu quên đi ấn tượng ban đầu để trở nên quen thuộc thích nghi với sự xa lạ. Đó phải chăng là lúc tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi cho riêng mình. Nơi đâu mới thực sự là nơi tôi thuộc về?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Quangpraha

10 bài học từ thí nghiệm xây dựng tính kỷ luật áp dụng dãy số Fibonacci

2

Cách đây 5 tháng, tôi có thực hiện một thí nghiệm nhỏ kéo dài 6 tuần với mục đích xây dựng tính kỷ luật, tự rèn luyện và đánh giá xu hướng hành động của bản thân. Sau này đọc cuốn Cộng Hòa của Plato, tôi mới được biết rằng 1 trong 4 phẩm chất cấu thành nên công bình chính trực (đề tài bàn luận xuyên suốt tác phẩm) là sự tiết độ và tính kỷ luật. Socrates đã đề xướng những cách thức xây dựng một thành quốc hoàn hảo. Trong đó, những ý tưởng về sự tự chế, tự giác, vừa phải, điềm đạm được nhấn mạnh rất nhiều lần.

Trong quá trình thực hiện, tôi đã liên tục cải tiến thí nghiệm cho tới điểm tôi cho là hoàn thiện nhất – không còn trở ngại trước việc thực hiện thói quen và tính toán được các thông số cần thiết (tôi đã dừng lại ở tuần thứ 7). Từ đó cho đến giờ, tôi quan sát lại thí nghiệm này và đối chiếu với những khía cạnh/trải nghiệm khác trong đời sống thì nhận ra được những bài học quan trọng với bản thân (có thể áp dụng trong thực tiễn được). Chưa kể, theo đánh giá của tôi, thí nghiệm này có thể sử dụng để xây dựng một Mobile App về thiết lập thói quen được. (Tuy nhiên, tôi chưa tìm được ai có thể hợp tác làm việc này.)

Hôm nay, thiên thời địa lợi nhân hòa, tôi xin chia sẻ sơ bộ thí nghiệm này với các bạn. Không phải nó sẽ đúng cho tất cả mọi người (vì tôi tự lấy bản thân làm chuột bạch), song cũng hy vọng bài viết này mang lại nguồn cảm hứng hay ý tưởng gì đó cho các bạn trong cuộc sống. Nếu không thì cũng đọc cho vui, để biết là trên đời vẫn còn có người mày mò làm thí nghiệm. Terence McKenna đã từng nói:

Không ai quá giác ngộ tới nỗi họ không cần phải cải tiến chính mình.

Mục đích chính của thí nghiệm là quan sát một thói quen được hình thành như thế nào, tìm hiểu mối liên hệ giữa các thói quen ảnh hưởng gì đến đời sống của bản thân, tác dụng của tính kỷ luật, làm sao để phát triển đức tính này và cuối cùng là tìm hiểu ý nghĩa của dãy fibonacci.

Tôi đã tiến hành như sau:

  1. Lựa chọn 5 hoạt động mình muốn xây dựng thói quen trong vòng 1 tháng (Đi bộ, tập yoga, thiền, viết sách và học ngoại ngữ. Với ai mới bắt đầu thì nên chọn 1 việc, rồi khi thạo rồi mới dần dần tích hợp thêm các việc khác.)
  2. Chia tổng giá trị (trọng số) cho các hoạt động tương ứng (tùy thuộc vào mức độ cần thiết, độ khó thực hiện và lợi ích của nó lên đời sống.)
  3. Gán hệ số phát triển là 7 số đầu tiên trong dãy fibonacci (1, 1, 2, 3, 5, 8, 13) tương ứng với 7 ngày trong tuần (từ thứ 2 đến chủ nhật) (Dãy số này xuất hiện rất nhiều trong tự nhiên. Tôi cho rằng vạn vật phát triển và suy thoái theo tiến trình của dãy số này.)
  4. Thực hiện mỗi ngày các hoạt động trên và đánh dấu check vào ngày nào làm được, bỏ trống ngày nào lười không làm và đánh dấu sao (*) ngày nào có sự kiện bất khả kháng chen ngang không thể thực hiện được.
  5. Kết thúc mỗi tuần, tôi tổng kết điểm số trung bình của từng hoạt động, từng ngày, tính % lười, % bất khả kháng, vẽ đồ thị phát triển của tuần, vẽ đồ thị phát triển của từng thói quen, tính biên độ giao động min/max, độ cộng hưởng của các hoạt động, tổng sinh khối của tuần.

*Dưới đây là một vài hình ảnh trong quá trình tôi làm thí nghiệm 😀_20180704_101750

_20180704_101804

Trong quá trình thời gian 6 tuần thực hiện thí nghiệm tôi nhận ra những yếu điểm của bản thân bao gồm:

  1. Lười
  2. Chán nản, thấy nhàm chán
  3. Ngụy biện để thoái thác công việc
  4. Làm việc cực đoan: Ngày không làm gì, ngày làm gấp đôi gấp ba
  5. Chạy theo thành tích mà không tập trung vào chất lượng công việc
  6. Ước lượng, tổ chức hoạt động/sự kiện khác trong ngày không khoa học dẫn tới nhiều việc chen ngang thói quen
  7. Không linh động trước các tình huống bất khả kháng
  8. Bỏ cuộc một lần là dễ chùn bước, không muốn quay lại

Sau này, nhờ có quan sát và chiêm nghiệm thêm cộng với việc tiếp tục duy trì 1-2 thói quen cơ bản (không đánh dấu vào bảng nữa), tôi có được góc nhìn rõ ràng hơn về thí nghiệm của mình và nhận thấy những lợi ích của việc xây dựng tính kỷ luật mang lại (càng về sau sẽ càng lớn nếu duy trì đều đặn), bao gồm:

  1. Nâng cao ý thức về cuộc sống
  2. Tăng cường sự tập trung vào bản thân, vào công việc và vào con đường mình đã chọn
  3. Tăng cường sự quyết đoán và sức mạnh ý chí
  4. Tăng cường sự kiên nhẫn, bền bỉ, gan lì dù gặp thất bại
  5. Tăng cường sự linh động trước tình huống nắm ngoài tầm kiểm soát
  6. Xây dựng được quan điểm/vị trí rõ ràng, vững chãi trước những biến cố của cuộc sống. (Từ đó có khả năng tự gỡ bỏ quan điểm khi nó không còn mức tối ưu cao nhất – tùy theo tình huống cụ thể.)
  7. Nhận biết được điều gì thật sự quan trọng trong đời sống cá nhân, điều gì cần bỏ bớt
  8. Chiến thắng sự lười, cảm giác nhàm chán và những lời lẽ ngụy biện cản trở trong đầu óc. Khai phóng được sức mạnh của bản thân.
  9. Tự tin hơn vào chính mình từ đó nâng cao được hiệu quả và hiệu suất công việc
  10. Tiết kiệm thời gian

Bên cạnh đó, tôi cũng rút ra được 10 bài học cho riêng mình (có thể nó sẽ đúng với ai đó):

1. Kỷ luật càng chặt chẽ, càng khó sa ngã

Việc chủ động xây dựng các thói quen cố định giúp bản thân có điểm nương tựa rõ ràng, vững chãi. Các hoạt động khác sẽ tự khắc được điều chỉnh thích hợp để tương thích với các thói quen được cài đặt. Mở rộng ra về việc xây dựng kỷ luật tinh thần, thái độ sống: Một người có thái độ càng rõ ràng và tích cực sẽ càng ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát và có khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn.

Kỷ luật càng chặt chẽ thì những điều tầm phào, mất thời gian, vô bổ, tiêu cực sẽ càng khó len lỏi vào đời sống, như một khu rừng có cấu trúc hoàn mĩ và không còn kẽ hở, các thực vật ngoại lai sẽ không thể xâm nhập được, hoặc nếu xâm nhập vào thì chúng cũng sẽ chết trong thời gian ngắn.

2. Không được bỏ cuộc

Khi đặt hệ số phát triển là dãy fibonacci, chưa cần nhân với trọng số của từng hoạt động, ta cũng dễ dàng nhìn thấy rằng nếu liên-tục-thực-hiện thói quen thì sự phát triển sinh khối những ngày sau càng lớn. Chỉ cần 1 lần gián đoạn thì đích đến đó bị tuột khỏi tầm tay một cách cực kỳ dễ dàng, thậm chí ta phải làm lại mọi thứ từ con số 0.

Giả sử ta thực hiện thiền liên tục trong 6 ngày, đến ngày thứ 7 ta bỏ không làm. Đáng lẽ ta sẽ đạt điểm 13 trọn vẹn, nhưng bây giờ ta không những không giữ được 8 điểm của ngày thứ 6, mà còn bị trừ đi 1 điểm khi bắt đầu rơi vào xoáy suy thoái. Rốt cuộc ta chỉ còn 7 điểm. Ta đã đánh mất 6 điểm – gần 50% tổng giá trị cao nhất có thể đạt được chỉ vì một lần bỏ cuộc.

Đấy là chưa kể nếu không vực lại ngay mà tiếp tục đà bỏ cuộc thì chiều hướng suy thoái càng ngày càng gia tăng theo dãy fibonacci. Thậm chí đến ngày cuối cùng tổng kết lại, sinh khối của tuần đó là âm. Tức là không những không được phần thưởng mà còn bị hao tổn năng lượng, nguồn lực. Rượu thưởng không được mà chỉ còn rượu phạt.

3. Kỷ luật là tự do (Khả năng nói Có hoặc Không)

Trước kia tôi đã từng nghĩ rằng việc ép mình vào một khuôn khổ/thói quen sẽ khiến bản thân bị gò bó, căng thẳng, mất tự do và điều này không tốt cho sự phát triển của bản thân. Nhưng khi thực hiện 6 tuần làm thí nghiệm, tôi đã nhận ra rằng việc xây dựng một thói quen sẽ giúp mình có sự lựa chọn, sự chủ động. Mình có khả năng nói có hoặc không trước một hoạt động/công việc nào đó chen ngang, hoặc ngay chính với thói quen mình đang thực hiện.

“True freedom is impossible without a mind made free by discipline.”
— Mortimer J. Adler

Chúng ta thường làm các việc trong vô thức và không có khả năng dừng lại hay nói “không” với nó. Ta không biết được điểm đầu vào của việc đó nên không thể tìm thấy lối ra, như việc ăn đồ ngọt, hút thuốc lá, check facebook, v.v…Chúng ta nghiện từ lúc nào mà không hay. Và khi xa rời những thói quen đó, chúng ta bị bồn chồn, cảm thấy thiếu thốn, khó chịu, không hài lòng và cần được thỏa mãn/giải tỏa ngay. Chúng ta là nô lệ cho những thói quen vô thức.

Nhưng khi đặt giới hạn cho số điếu thuốc ta hút, giờ hút thuốc, giờ check facebook, v.v… Ta tự do khỏi những thói nghiện đó một cách khá dễ dàng. Vấn đề không phải làm việc gì, mà làm nó ra sao. Tôi nhận ra rằng kỷ luật chính là tự do, còn phóng đãng mới là cứng nhắc (không có khả năng lựa chọn nói Có hoặc Không).

4. Không có công việc khó khăn hay sự bận rộn, chỉ có sự ngụy biện

Những ngày đầu thực hiện thói quen, những suy nghĩ trì hoãn xuất hiện rất nhiều và chúng cản trở tôi làm việc. Những lúc như thế tinh thần rất yếu đuối và mất tập trung. Khi nhìn rõ được những lý lẽ ngụy biện trong đầu, khi đến giờ làm việc tôi chỉ cần lao vào làm, bất chấp tâm trí nói gì, bất chấp mình có đang mệt hay không. Cứ 8h sáng là xỏ giày vào đi bộ, cứ 5h chiều là trải thảm ra tập yoga.

Khi bắt đầu không thỏa hiệp với những sự cản trở bên trong, những công việc bên ngoài dần được diễn ra mạnh mẽ và dứt khoát. Thậm chí về sau khi đã thành đường đi thông suốt, khi đến giờ, tự có một lực đẩy tôi về phía trước để thực hiện công việc. Thay vì nhăn nhó, khó chịu, than vãn như trước kia, bây giờ tôi vui vẻ, thích thú, sảng khoái. Khi ta bỏ bớt những chướng ngại sẽ thấy con đường luôn mở rộng.

5. Trung thực với bản thân là việc đầu tiên cần làm nếu muốn phát triển

Khi làm thí nghiệm, việc đầu tiên là phải trung thực. Nhiều lần, khi làm biếng bỏ một buổi nào đó, tôi vẫn muốn check vào bảng như là mình đã làm rồi vì nghĩ rằng có ai dõi theo mình đâu chứ.

Nhưng khi nhận ra nếu gian dối với chính mình thì thí nghiệm sẽ không cho ra kết quả chính xác. Như thế tôi sẽ không đánh giá đúng được hiện trạng của bản thân và không đề ra được các phương án cải thiện sau này.

Tương tự với các khía cạnh khác của cuộc sống, việc gian dối sẽ phủ lấp những điểm yếu của bản thân, thứ đáng lẽ cần được lộ ra để được cải tiến. Nếu một người muốn phát triển, tuyệt đối phải sống thực với chính mình, dù rằng việc soi thấy những điều tồi tệ ấy nhiều lúc không mang lại cảm giác dễ chịu. Người ta đã có câu:

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.”

6. Đoàn kết là sức mạnh

Trong thí nghiệm, tôi có tính toán độ cộng hưởng của các hoạt động với nhau. Vì chúng diễn ra song song nên sinh khối sẽ được tính bằng tích giá trị của các hoạt động đó. Kết quả thu được là những con số khổng lồ.

Tôi để ý thấy rằng chỉ cần 1 hoạt động thụt lùi hay rơi vào vòng suy thoái thì tổng sinh khối của tuần suy sụt nghiêm trọng, bất kể những hoạt động kia mình đã cố gắng ra sao.

Cũng giống như trong một tập thể, một người yếu kém sẽ kéo cả tập thể đi xuống. Một cái thùng nước chỉ chứa được lượng nước tới chiều cao của thanh gỗ ngắn nhất, chứ không phải cao nhất.

Vậy nên khi làm các việc song song, việc này ảnh hưởng sức mạnh đến việc kia. Nếu đã cố gắng thì tất cả phải cùng cố gắng. Khi xảy ra mâu thuẫn nội bộ, lệch pha lẫn nhau sẽ khiến chất lượng chung bị suy giảm.

Trong cuộc sống cũng vậy, ở một tập thể chung, sự đoàn kết và hài hòa giữa các thành viên quan trọng hơn là việc tranh luận ai đúng ai sai. Vì môi trường hài hòa là cốt lõi để phát triển, còn đúng sai chỉ là lớp vỏ hình thức, là thứ đến sau. (Tôi vẫn đang nỗ lực để cải thiện mình ở điểm này.)

7. Không nên chống lại tự nhiên

Ta không thể kiểm soát được mọi thứ, dù ta đã xây dựng các kế hoạch rất rõ ràng. Sẽ vẫn có những sự kiện chen ngang, tôi gọi nó là tự nhiên. Cuộc sống của một người là sự giao thoa giữa kế hoạch của anh ta và kế hoạch của tự nhiên.

Việc thiết lập thói quen chặt chẽ không chỉ giúp cam kết với công việc, mà còn tăng cường khả năng linh động khi rơi vào tính huống không mong muốn. Nó giúp ta biết phân biệt việc nào có thể kiểm soát được và việc nào không. Từ đó ta không bị rơi vào sự bất mãn khi mọi thứ không như ý. Một người càng nắm rõ bản thân thì càng dễ dàng thích ứng với ngoại cảnh, khiêm nhường với khả năng của chính mình và biết tôn trọng tự nhiên.

“Knowing other is intelligence, knowing yourself is true wisdom. Mastering other is strength, mastering yourself is true power.” – Lão Tử

8. Thành công không khó khi biết chia nhỏ vấn đề

Việc xây dựng thói quen và thực hiện đều đặn hàng ngày là một cách chia nhỏ khối lượng công việc để giải quyết. Càng chia nhỏ việc ta càng dễ làm. 1 tháng chạy bộ 100km nghe có vẻ to tát, nhưng thực ra chỉ cần mỗi ngày chạy hơn 3km là được. Một tháng đọc 1000 trang sách nghe đã thấy sợ, nhưng thực ra chỉ cần mỗi ngày đọc 30 trang là được.

Những người thành công là người có tầm nhìn, không phải người nước đến chân mới nhảy.

Tôi quan sát trong tự nhiên thấy sự chia nhỏ vấn đề, sự điều tiết nguồn lực và công việc của cây cối. VD cây chanh leo cứ 3 ngày nảy ra một dây cuốn, cây cà chua mới nảy cứ 3 ngày lại ra một nhánh lá, v.v…

Đến đây tôi chợt nhớ ra một câu nói, không nhớ chính xác tác giả là ai:

“Thiên nhiên không vội mà việc gì cũng thành.”

Thiết nghĩ, mình cũng nên học tập người thầy thiên nhiên điều tiết bản thân dần đi là vừa.

9. Cực đoan không phải là lối sống nên chọn

Sự cực đoan trong thí nghiệm được thể hiện ở việc chao đảo liên tục giữa chiều hướng phát triển và suy thoái, tức là ngày làm ngày bỏ, không ổn định. Tôi đã có một tuần lên-xuống như vậy và kết quả sinh khối cuối cùng của tuần đó bằng 0, thậm chí về âm.

Khi nhìn đồ thị những ngày kết quả đi xuống sâu, tôi phải nỗ lực nhiều hơn vào ngày hôm sau để kéo lại. Trong khi nếu thực hiện đều đặn, tôi không phải dùng quá nhiều sức mà vẫn cho kết quả cao hơn những ngày phải gồng gánh.

Có thể dễ dàng nhận ra, sự cực đoan làm hao tổn năng lượng nhiều hơn mà đem lại kết quả kém hơn sự ổn định trong cùng một khoảng thời gian, cùng một công việc.

Liên hệ đến đời sống, thiết nghĩ chúng ta cũng nên học cách điều tiết công việc, mối quan hệ và cảm xúc của mình, hạn chế sự chao đảo từ cực này sang cực nọ, tránh gây thất thoát nguồn lực, năng lượng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, theo nhìn nhận cá nhân, cực đoan cũng là mầm mống sản sinh ra sự phóng đãng, bất ổn, vô tổ chức, không cân bằng nên cũng không công bằng của một cá nhân hay của một tập thể.

10. Ý tưởng không đi kèm với hành động thì chỉ là ảo tưởng

Việc bắt tay vào làm thí nghiệm trên cũng xuất phát từ khao khát của tôi là muốn thấu hiểu mọi thứ và muốn trở thành một phiên bản con người có giá trị hơn. Trước kia, tôi thường hay mơ tưởng, hứa hẹn, trì hoãn mà mãi không hành động được nên cuối cùng không sản sinh được giá trị gì (kể cả cho mình hay cho tập thể). Từ đó, tôi càng rơi sâu vào cái hố tự ti, mặc cảm.

Nhưng khi bắt đầu xây dựng cho mình một lộ trình, một hướng đi và cam kết thực hiện nó đến cùng, tôi đã nhận ra rằng mình có nhiều sức mạnh hơn mình nghĩ. Và chỉ cần biết tổ chức tâm trí và cuộc sống thật quy củ thì dần dà, những điều gây cản trở trước kia sẽ tự khắc chuyển hóa thành động lực và công cụ hữu ích giúp mình thực hiện bước đường mong muốn.

Trong group THĐP đang tổ chức các Challenge xây dựng thói quen hàng tháng rất bổ ích. Chúng đã được phát triển được 3 tháng liên tiếp, bao gồm thói quen thiền, đọc sách, nofap và tập thể dục. Bạn nào muốn tham gia thì vào group ghi danh nhé.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin chia sẻ những điều mình cho là giá trị nhất đến với mọi người. Các nội dung và ý tưởng hoàn toàn xây dựng từ trải nghiệm cá nhân, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được các bậc tiền bối chỉ giáo. Xin cảm ơn rất nhiều.

“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.”

–Hồ Chí Minh

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: Free-Photos

Trịnh Công Sơn – 20 năm xin trả nợ người

0

Ánh nến đốt lên phảng phất hình bóng của những chú muỗi ẩn hiện rập rình. Mấy người xung quanh, họ thủ thỉ vào tai nhau câu chuyện tâm sự, một vài người lặng im lắng nghe giai điệu êm ái của tiếng hát những năm trước 1975 không thu âm bằng điện tử.

“Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quảng đời dài hơn 20 năm. Đi từ Huế tới Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng dòng nước ngầm không quên lãng. Anh không thấy Ánh thay đổi gì khác. Cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Anh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay, hãy để một người khác giữ và mình thì lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thật.”

Lời tự sự của lão Trịnh sắp mở màn cho bản Xin trả nợ người phát ra từ chiếc loa thùng.

Tôi châm lên một điếu thuốc. Hít vào một hơi nồng nàn rồi thả trôi những làn khói trắng bồng bềnh. Lão Trịnh này ghê thật. Tôi mới đi được một nửa chặng đường lão mà đôi khi muốn tắt thở. 20 năm thiên thu của lão biết bao giờ mình đuổi kịp. Mà Dao Ánh này, nàng đúng là cô gái may mắn. Đôi khi tôi nghĩ tình yêu lão Trịnh dành cho nàng thật ghê gớm. Nhưng để khước từ tình yêu hủy diệt đó của lão, nàng phải thuộc vào hàng ngũ siêu nhân.

trinhcongsonvadaoanh201502092
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong một lần tái ngộ

Dao Ánh là em gái của Bích Diễm, người mà lão Trịnh một thời vương vấn. Không đến được với nhau, lão đã chôn giấu tình cảm của mình qua bài hát nổi tiếng Diễm xưa. Bài này tôi đã nghe đến mòn cả hai lỗ tai. Nhớ răm rắp từng câu từng chữ, bởi lẽ tôi cũng đã lớn lên những ngày tháng như thế ở Huế. Nhưng nghĩ lại thấy cuộc đời đúng hay ho, những lời an ủi của Dao Ánh trong thư viết động viên lão sau chia tay lại chính là những hạt mầm gieo vào  khu vườn tình mà lão đâu ngờ phải mất cả một đời người để sống cùng.

Nói đúng ra thì chẳng phải nàng bỏ lão, chính lão là người chủ động rời xa nàng sau gần bốn năm mặn nồng thư từ hơn 300 bức. Lúc đó, lão đang đi dạy trên B’lao (Lâm Đồng), mới 25 tuổi sau khi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn và Dao Ánh đang là cô nữ sinh 16 tuổi học tại Huế. Do hoàn cảnh xa cách, niềm tin mong manh dần vụn vỡ, Trịnh Công Sơn chủ động chia tay với Dao Ánh.

“Chúng mình chấm dứt tình yêu ở đây… anh xin cám ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó, cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng.”

Nhưng chính lão cũng đã bàng hoàng khó tin khi nhận được tin nàng lên xe hoa vào hai năm sau. Lão chưa bao giờ có thể quên nàng, chưa có ý định quên.

“Mọi việc đến quá nhanh, việc chuẩn bị cho tương lai của anh thì quá chậm…Từ buổi chiều nay hay là sớm mai này anh phải tập cho anh vào một lề lối mới, tập cho anh biết rằng từ đây anh không bao giờ còn có Ánh được nữa. Chúc Ánh cũng hạnh phúc như Diễm.”

Cứ tưởng từ đó rừng xưa đã khép lại, ai nào ngờ đâu 20 năm sau nàng trở về. Khi mà tưởng rằng đã quên thì sự muộn màng giờ đây “Hai mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một thời em đã bỏ ai, hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi.”

“Một dĩ vãng tưởng chừng sẽ mất khuất mãi mãi bỗng dưng còn đó, trở về như một hiện tại, như của ngày hôm nay. Tất cả những hình ảnh đó cứ trôi đi bềnh bồng trong anh và cứ buộc anh phải cầm ly rượu lên để mà nhớ.” Kèm lời nhắn ấy, lão còn gửi  tặng nàng một hộp đựng nữ trang bằng sơn mài với một lời đề tựa lãng mạn: “Anh gửi Ánh cái hộp laque đựng bijoux, đựng luôn trong đó nỗi nhớ của anh và nếu cần Ánh hãy bỏ cả nỗi nhớ của Ánh vào đó.”

Lão ta yêu da diết cả đời vậy thì tại sao tôi không thể tin vào tình yêu của mình mặc cho người tôi yêu đã chết?

Nghĩ thử xem người ta cứ tụ tập chen chúc quanh tình yêu, dùng từ ngữ hoa mỹ để nói về nó, nhưng có ai thực sự hiểu được thứ tình yêu tôi đang bảo vệ tôn thờ ấy. Khi tôi bảo rằng tôi muốn dành cả một đời để yêu một người, không có ai tin tôi, họ không bao giờ tin vào thứ tình yêu vĩnh cửu trường tồn theo năm tháng.

Nhưng có mấy ai được sống trong ngày tháng cô đơn từng khiến tình yêu trở nên hoàn hảo? Có mấy ai hiểu cái chết của một người tình trở thành lời hứa hẹn cho một tình yêu bất tử? Chỉ có những kẻ chưa biết yêu mới luôn gán quá nhiều tầm quan trọng vào tình yêu. Tất cả bọn họ đều xem tình yêu là quan trọng, nhưng bản thân mới là một điều tất yếu với họ. Nếu họ không biết yêu nên họ có đủ tư cách để bàn luận tình yêu?

Làm một kẻ tha thiết với tình yêu, chết vì yêu còn chẳng đáng sợ huống gì được sống mãi mãi trong tình yêu. Đường của tôi còn ngắn vì tình yêu đang giết chết tôi hay đường của tôi đã đi xa lắm vì tình yêu vẫn dõi theo từng bước chân tôi?

Tôi không muốn nói cho nhân gian nghe về những người yêu mà tôi chỉ muốn nhắc mãi đến một người yêu. Một người yêu luôn khiến trái tim tôi chan chứa tràn bờ. Một người yêu mà tôi muốn dành một đời để ôm ấp và yêu thương.

Dù cho tôi là một ngôi sao đang lao mình vào khoảng không trống rỗng, trong hơi thở giá lạnh của cô đơn. Tôi vẫn muốn kể về một thế giới tràn đầy tình yêu. Người yêu tôi đã chết nhưng tình yêu tôi thì vẫn mãi trường tồn. Đánh lừa tình yêu và dối trá ngay cả chính mình, tôi không thể.

Họ cho rằng tôi chỉ đang thánh hóa tất cả mọi sự. Nhưng chỉ khi họ biết đến thứ tình yêu mà dù có cố gắng thì mình vẫn cứ mãi không thể cao chạy xa bay khỏi nó. Dù mình có chạy trốn đến đâu thì vẫn không thể từ bỏ. Bao giờ người ta hiểu được “Ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu.” (Khung cửa hẹp của Andre Gide). Lúc đó họ mới hiểu rằng có những người tình càng muốn quên đi lại càng thấy nhớ thêm.

Thực tế bắt ép những người yêu nhau luôn đòi hỏi một người yêu phải luôn yêu thương mình. Nhưng phải chăng một khi đã thuyết phục được họ yêu thương mình, thì đó chẳng qua là mình đang yêu lấy chính mình. Nhưng nếu họ không yêu mình thì cớ làm sao mình cứ yêu họ. Biết thế mà có bao giờ ngừng yêu được đâu?

Dù cho tôi có trở thành trò cười thiên hạ vì một lòng một mực tôn thờ người yêu đã bỏ đi theo một người yêu mới khác. Tôi biết họ nhìn tôi thế nào, tôi biết chứ? Ánh mắt bạn bè tôi. Tôi là một kẻ ngu ngốc, một đứa lụy tình, một kẻ ngoan cố sùng bái thứ tình yêu chỉ có trong ngôn tình. Tóm lại, tôi chỉ là một đứa điên tình. Rồi thì hãy cứ cho là thế đi, tôi chẳng muốn phân giải tình yêu với những kẻ thậm chí còn chưa yêu ai bao giờ?

Ngày tháng đã qua đi, tôi chẳng còn đủ thời gian để tường tỏ. Một sự giam hãm vô hình đã siết tôi lại với chính tôi, làm thế nào khi kẻ cầm trong tay chìa khóa cũng chẳng muốn mở ra. Tôi muốn mình mãi mãi sống trong nhà tù. Tôi chẳng cần ai nữa cả, bởi tôi đã có tình yêu.

Tình yêu là gì? Làm sao cắt nghĩa được một buổi chiều… chẳng gặp nhau mà đã biệt ly, hồn vẫn dõi theo…Tôi không hiểu sao hồi trước tôi lại có những suy nghĩ ngu xuẩn như lão Trịnh. Tôi còn tập tành bắt chước viết thư gửi người tình giống lão. Bây giờ thì tôi không dám nói đến những lá thư đó nữa. Ôi những lá thư chưa kịp gửi đã chết trong tù.

Tôi châm lên một điếu thuốc, rồi điếu thứ hai, điếu thứ ba cho đến khi số thuốc lá trong hộp vơi dần đi.

“Có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được. Bình thường thôi, anh sống một mình và cố tìm một niềm vui của riêng anh.” — Trịnh Công Sơn

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: Pezibear

 

Em có dám yêu vô điều kiện?

1

Dám là động từ thể hiện việc ta đang thử thách mình thực hiện điều gì đó khó hoặc ít khi/chưa bao giờ làm. Với em, dấn thân vào tình yêu vô điều kiện là một sự sẵn sàng, em không đón nhận bất cứ thách thức nào để phải đạt được nó. Em chỉ là tự nhiên đi rồi đến được đây, và em đón nhận mọi thứ như nó là. Chỉ thế thôi.

Vậy yêu sao là yêu vô điều kiện?

Nếu người nói em nghe về nó vài năm trước, em sẽ không nuốt nổi mà quay đi. Làm sao có thể sẻ chia người mình yêu với ai khác? Làm sao mà nhìn ai cũng có thể yêu được? Làm sao mà yêu được cả những cái mình không đồng quan điểm? Hóa ra, vì em gán cho định nghĩa về tình yêu co quắp như thế, nên em đã không hiểu.

Em vẫn cần thêm trải nghiệm để hiểu hơn về nó. Và đúng là khi dùng ngôn từ để nói, nó đã không còn đúng như bản chất của nó nữa. Em sẽ mượn lời mẹ Teresa thường nói với chúng ta:

“Spread LOVE everywhere you go. Let no one ever come to you without feeling HAPPIER.”

Đơn giản nó là thứ tình yêu càng lan rộng càng được thêm nhiều. Giống như loài hoa bồ công anh, đủ nhân duyên, cơn gió thổi qua và trăm hạt giống bay đi để rồi nảy nở sự sống mãnh liệt.

dandelion-3416140_1280
Photo: Comfreak

Em yêu người như yêu một người bạn. Không có đôi bạn thân nào lôi nhau ra phường đăng ký KẾT BẠN hay ra tòa LY BẠN cả. Nhưng tình bạn là cái gì đó ta luôn tin tưởng dù không có bất cứ tờ cam kết nào, hay không có tí huyết thống nào, ngay cả khi ta không nói chuyện với người bạn ấy cả một đoạn đời, người đó vẫn cứ hãy là bạn ta. Người từng nói với em, mối quan hệ không cam kết, chính là mối quan hệ có sự cam kết mạnh mẽ nhất. Đối với em, nó thực sự đôi khi đem đến bất an, nhưng là bất an gắn với tự do.

Em có thể ở gần người, hoặc cách xa người cả nửa vòng Trái đất. Khoảng cách hữu hình không khiến em thấy xa xôi người. Em trân trọng thời gian được bên người bằng xương bằng thịt. Nhưng khi người vắng mặt theo chiều kích không gian này, cảm xúc đủ đầy vẫn thường trực trong em, em vẫn thấy người hiện diện qua những khuôn mặt bạn bè, hay bất cứ sự vật nào quanh em.

Bạn bè hỏi em liệu tình yêu thế này có nhạt không?

Mẹ em từng yêu cuồng si hai người đàn ông, bố em và dượng cũ thời thanh xuân. Ôi tình yêu cuồng si, em thấy nó đẹp đẽ cháy bỏng như chính khí khái mạnh mẽ của mẹ. Nhưng ngọn lửa mạnh đến mấy cũng có lúc tàn rụi. Tình yêu rực rỡ rồi cũng tan thành khói mây. Em từng thấy mẹ còn lại với rất nhiều thương tổn, những ngày tháng cô đơn đeo bám. Đến nỗi mẹ đã chẳng thể tin yêu thêm một người đàn ông nào. Tuy vậy, việc tu tập đã giúp mẹ bình an và đủ đầy hơn. Em mừng vui vì điều ấy. Mẹ cho em hiểu rằng, không phải là ta phải tìm ai đó đi bên mình cả đời rồi sống cuồng si, mà là ta chọn lựa đi bên chính mình thế nào. Đó là bài học mẹ đã dành phân nửa cuộc đời để trải nghiệm và dạy cho em.

Em cũng từng yêu điên cuồng. Em thậm chí còn không tỉnh táo mà đâm vào yêu. Chẳng ai dạy cho em phải yêu thế nào. Nên hết lần này sang lần khác em đi vào vết xe đổ của chính mình. Khi em đã đến cái mốc cảm thấy quá khổ sở, em quyết định dừng lại và học yêu lại từ đầu – là yêu chính mình trước cái đã.

Rồi nhân duyên đủ, em gặp người, em thấy nó nhạt hơn bát nước luộc rau. Nhưng thứ nước luộc rau này có vị ngọt thanh ở cuống họng, uống vào em giải được cơn khát đã đành, em còn thấy vui tươi vì có đường, vitamin bổ trợ. Tình yêu nước luộc rau ấy đã dạy em những bài học sơ đẳng nhất về việc yêu chính mình.

>> [THĐP Translation] Tình yêu xịn thì “tẻ nhạt” – Tình yêu rởm thì thất thường

Làm sao em có thể yêu người như chính người là, nếu em không thể yêu em như chính em là? Có lúc em chưa yêu em đủ, nên em bế tắc, và sự bế tắc ấy biểu hiện lên mối quan hệ với người. Khi ấy, sự nhẫn nại, yêu thương, hiện diện đủ đầy người dành cho em bất kể cảm xúc thất thường đã giúp em đi qua những cơn bão lòng. Giúp em dần tự biết cách mà chuyển hóa, mà yêu thương rộng hơn. Tình yêu này nhẹ nhàng như lục bình trôi trên hồ nước. Mưa có to cách mấy, lục bình vẫn trôi là việc của lục bình.

Em cũng thôi dằn vặt về quá khứ. Em đã chẳng chọn sai ai cả. Chẳng ai đến sai thời điểm. Em biết ơn tất cả những người thương ghé đến em, cho em nhiều bài học để lần sau em yêu đúng hơn, yên vui hơn.

Thành thật đi, em có sợ không?

Rất nhiều người khác cũng sẽ yêu người như cách em yêu người, và người cũng sẽ đem tình yêu rộng lớn đến tất cả. Trong nhiều giấc mơ vào những đêm lo sợ, em không giấu rằng em sợ hãi, lo lắng. Nhưng THIS TOO SHALL PASS. Nỗi sợ chỉ là biểu hiện của bản ngã, em cảm ơn bản ngã đã báo hiệu “nguy hiểm” có thể đến với em. Em đã biết cách an ủi nó, nó chỉ có quyền thông báo, chứ không có quyền quyết định cho cuộc đời em. “Người là của tất cả, người không thuộc về ai, vì người thuộc về tất cả.” Và em cũng vậy. Như em đã nói, bất an trong mối quan hệ đi liền với tự do. Khi đã hiểu về mối bất an ấy, ta có thể chấp nhận rồi chuyển hóa. Mỗi ngày em dần hiểu sâu sắc điều này hơn.

Và em yêu người như chính người là. Em chấp nhận người như chính người là, và chấp nhận cả những thay đổi mai sau chắc chắn sẽ xảy ra. Em sẵn sàng cho việc ấy.

Vậy nên làm gì có cái gọi là chia tay

Người ở cạnh em, hay xa em, người vẫn luôn tác động được đến em, ảnh hưởng đến hơi thở của em, nhịp tim em. Một con bướm đập cánh ở Sài Gòn còn có thể gây ra cơn lốc ở Tây bán cầu cơ mà! Thế nên em hiểu, dù có chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn tiếp tục bổ trợ, nâng đỡ cho con đường này, bằng cách này hay cách khác. Hiểu được điều đó, thì sẽ không còn bám chấp, lo sợ mất mát nữa. Đã khổ nhiều rồi, bây giờ chúng ta có quyền chọn lựa hạnh phúc đích thực ra sao.

Cảm ơn người vì sự sẻ chia cùng em mỗi ngày. Con đường tu tập với em còn khó khăn lắm, nhưng nó xứng đáng bởi chính em xứng đáng yêu và được yêu đúng đắn. Người ta rồi sẽ cười mà kể lại những thứ đã từng khiến họ phải khóc trong giây lát. Không hẳn vì vết thương đã lành, mà bởi ai cũng sẽ trưởng thành hơn qua mỗi trải nghiệm.

Cảm ơn người vì luôn dạy em những bài học khó nhằn. Học yêu có lẽ học cả đời không hết. Gặp được người là hạnh ngộ lớn trong cuộc đời em.

Cảm ơn người vì hành trình này em có người bước bên, với nhiều niềm hân hoan, không thiếu những loang lổ còn sót của quá khứ được đánh động rồi trồi lên. Nhưng thôi em không gồng mình nữa, em để nó tự chảy qua em tự nhiên cũng như khi em vui cười bên người. Không có gì là xấu với cảm xúc của mình, tất cả đều là cơ hội soi tâm mình, soi cho thật rõ.

Cảm ơn người luôn tưới tẩm cho em mỗi ngày, nâng đỡ em, thấu hiểu và dìu dắt em trên con đường tu tập khó khăn nhưng không thiếu trải nghiệm thú vị. Em thích tình yêu nước luộc rau này!

Có những bài học, nghe như đơn giản lắm người nhỉ. Như bài học lan tỏa tình yêu, vậy mà biết bao nhiêu thế kỷ, con người ta vẫn còn vật lộn với nó. Thượng Đế đã luôn sắp đặt mọi bài học hiển hiện như bông hoa, chúng ta yêu bông hoa, và ti tỉ người có thể yêu được nó. Nhưng nó vẫn chỉ làm một việc là-một-bông-hoa.

Khi tình yêu được lan tỏa, tâm phân biệt cũng sẽ mờ dần đi mất. Một em bé bồng trên tay ai, em cũng có thể xem như con mình, đối đãi như với con mình. Hãy tưởng tượng một ngày, thế giới vận hành như thế. Yêu ai cũng như đang yêu chính mình, yêu con mình.

Này người thương, người thấy không. Cô gái đáng yêu của người (của mà không của, không của mà của) vẫn đang trưởng thành mỗi phút giây.

Tác giả: The Clearest Bleu

*Featured Image: Josch13 

[THĐP Translation] 5 phương pháp giúp bạn giảm stress

0

3

(Bài viết hiện đang có 77.8k Saves tại trang getpocket.com, và được nằm trong chuyên mục Must Read.)

Bill Rielly (Head of Partner Marketing, Apple Pay) đã có tất cả những thứ này: tấm bằng đại học West Point (Học viện Quân sự Hoa Kỳ), một chức vụ điều hành ở Microsoft, một niềm tin mạnh mẽ, một gia đình yên ấm, và rất nhiều tiền. Ông ta còn hòa thuận cả với anh chị em vợ! Vậy tại sao ông lại trở nên quá căng thẳng và lo âu tới mức không thể chợp mắt vào mỗi tối? Tôi đã làm việc với Bill được vài năm và bọn tôi nghĩ rằng những trải nghiệm của Bill sẽ trở nên hữu ích với những người có khả năng và động lực.

Bill-Reilly_McAfee
Bill Rielly — Photo: Business Wire

Đã từng có lúc, không có mức độ thành công nào là đủ đối với Bill. Ông đã được học ở trường West Point rằng cách để giải quyết vấn đề là phải kiên nhẫn vượt qua mọi nỗi đau. Nhưng cách này lại không có tác dụng khi ông cần giảm căng thẳng. Khi ông hoàn thành cuộc chạy đua marathon (42.2km) lần thứ 2 chậm hơn vài phút so với mục tiêu, ông cảm thấy mình đã thất bại. Vì vậy, để “giải quyết” vấn đề đó, ông lại tiếp tục tham gia một cuộc marathon khác năm tuần ngay sau đó. Cơ thể ông ngay lập tức chống đối ý tưởng này, và kết quả của vòng marathon này là ông đã về đích chậm hơn lần trước tận một giờ đồng hồ. Cuối cùng, vợ ông thuyết phục ông tìm ra nguyên nhân gây ra stress. Ông bỏ ra vài năm tiếp theo để tìm niềm vui trong hành trình của cuộc đời. Trong vài năm đó, ông đã tìm ra 5 công cụ. Đó là những công cụ thông thường, nhưng chúng lại chứng tỏ khả năng thay đổi cuộc sống và cho ông cơ hội để trở nên thành công với cương vị nhà điều hành Apple sau này.

1. Hít thở

Bill bắt đầu đơn giản với việc hít thở sâu 3 lần mỗi khi ông ngồi xuống bàn làm việc và ông cảm thấy việc đó khiến ông thư giãn. Khi hít thở sâu 3 lần đã thành thói quen, ông kéo dài chúng thêm vài phút mỗi ngày. Ông cảm thấy mình kiên nhẫn, điềm tĩnh, và có thể sống trong hiện tại nhiều hơn. Giờ đây ông bỏ 30 phút một ngày cho việc hít thở. Việc này giúp ông khôi phục lại những quan điểm, cùng lúc giúp ông có cái nhìn khác hơn về một câu hỏi hay một vấn đề và tìm ra hướng giải quyết mới. Những bài tập hít thở sâu là một phần trong những bài tập yoga đã có nhiều ngàn năm nay, nhưng nghiên cứu gần đây[1] của Bệnh viện Đa khoa Harvard’s Massachusetts General Hospital cho thấy hít thở sâu có tác động tích cực lên khả năng chống lại stress của cơ thể.

2. Thiền định

Lần đầu tiên biết về thiền, Bill nghĩ rằng thiền chỉ dành cho đám hippie. Nhưng anh đã rất ngạc nhiên khi biết được nhiều người nổi tiếng cũng ngồi thiền: Steve Jobs, Oprah Winfrey, Marc Benioff, và Russell Simmons là những ví dụ tiêu biểu. Được khuyến khích bởi khám phá ấy, Bill bắt đầu thiền một phút mỗi ngày. Ông thiền bằng cách sử dụng kĩ thuật “quét cơ thể”, tập trung trí lực và năng lượng vào các phần của cơ thể từ đầu đến chân. Nghiên cứu gần đây[2] của Harvard cho thấy thiền trong vòng ít nhất 8 tuần sẽ giúp cơ thể tạo ra chất xám tại vùng não bộ giúp một người điều tiết cảm xúc và sự học hỏi. Nói cách khác, những người tọa thiền có thể cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc và tăng sức mạnh của não bộ.

3. Lắng nghe

Bill nhận ra rằng nếu anh tập trung vào việc lắng nghe người khác với sự tập trung như khi thiền tọa, phản ứng của ông sẽ lập tức trở nên sâu sắc hơn. Người đối diện có thể nhận ra rằng Bill đang lắng nghe, gần như một cách vật lý. Và một khi họ biết Bill đang lắng nghe họ, sợi dây liên kết giữa hai người sẽ được tạo ra dễ dàng hơn. Cuộc sống ngay lập tức trở nên sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Như giáo sư Graham Bodie đã ghi nhận[3] theo kinh nghiệm, lắng nghe là hành động giao tiếp tích cực giữa các cá nhân.

4. Đặt câu hỏi

Công cụ này không phải chỉ là hỏi người khác những câu hỏi, mà là đặt câu hỏi về những suy nghĩ tâm trí bạn tạo ra. Chỉ vì tâm trí tạo ra một suy nghĩ không có nghĩa những suy nghĩ đó là đúng. Bill đã tạo ra thói quen hỏi bản thân “Suy nghĩ đó có đúng không?” Và nếu ông không chắc chắn nó đúng, ông sẽ buông bỏ nó. Ông nói: “Biết ơn tâm trí của bạn khi nó tạo ra những suy nghĩ rồi quên nó đi. Tôi cảm thấy tự do hơn vì điều này sẽ giúp tôi bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực, nó giống như là một van xả xoa dịu cảm xúc mà tôi chưa phát hiện ra trước kia.”

Kĩ năng truy vấn những suy nghĩ của bản thân đã được Byron Katie[4] làm cho nhiều người biết đến, cái bà gọi là “the great undoing” (tạm dịch: sự hoàn tác vĩ đại.) Kinh nghiệm và nghiên cứu của bà cho thấy sẽ tốt hơn khi ta nhìn nhận những suy nghĩ tiêu cực thay vì kìm nén chúng. Thay vì cố phớt lờ điều ta tin là đúng, việc đặt câu hỏi sẽ giúp ta đối mặt với những suy nghĩ của bản thân và bỏ qua những suy nghĩ ấy vì chúng không đúng.

5. Mục tiêu

Bill quyết tâm sống có mục đích. Không phải kiểu “Mục Đích Cuộc Đời” — nó giản hơn thế. Anh sống trọn vẹn với những quyết định của bản thân và chỉ tập trung vào những điều mình chọn. Nếu anh ấy quyết định xem TV, anh sẽ thật sự xem TV. Nếu anh ấy ăn một bữa ăn, anh sẽ giành thời gian thưởng thức bữa ăn ấy. Đã có một cuộc nghiên cứu ủng hộ trải nghiệm của Bill, nó được đặt tựa đề “Bước đi không bị điều khiển bởi electron: Một nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề Làm việc không email.”[5] Tác giả nghiên cứu Gloria Mark và Armand Cardello đưa ra bằng chứng về việc những người lao động trí óc kiểm tra email lên đến 36 lần trong một giờ. Kết quả của việc làm này là gia tăng stress. Hãy hoàn toàn tập trung vào hoạt động bạn đang làm và sống trong khoảnh khắc ấy.

Chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công của Bill trong việc giảm stress là nhờ vào việc bắt đầu với những bước nhỏ – rất nhỏ. Điều này rất quan trọng vì bạn không thể chiến đấu với căng thẳng bằng một cách làm căng thẳng. Thường thì chúng ta sẽ tạo ra những thay đổi bằng cách thật sự nỗ lực và dồn tất cả năng lượng của ta vào bước đầu tiên. Tuy nhiên bạn không thể chiến đấu với stress bằng cách sử dụng những kĩ thuật đã tạo ra stress ngay từ đầu.

Thay vì thế, chìa khóa là làm ít hơn một chút so với mục tiêu. Nếu bạn cảm thấy muốn tập hít thở sâu 2 phút, bạn hãy bắt đầu với 1 phút. Nếu bạn muốn lắng nghe mọi người trọn vẹn nguyên cả ngày, hãy chỉ lắng nghe trong suốt buổi họp tới. Hãy khiến bản thân bạn cảm thấy muốn cố gắng tiếp vào lần tới. Cái bạn muốn là tạo ra được một thói quen có thể duy trì: giảm căng thẳng bằng một lối tiếp cận không căng thẳng.

Tham khảo

  1. Harvard’s Massachusetts General Hospital
  2. Havard’s research
  3. Graham Bodie
  4. Bryon Katie
  5. A Pace Not Dictated by Electrons: An Empirical Study of Work Without Email

Tác giả: Greg McKeown, Harvard Business Review
Dịch: Hà Huy Dương
Review: Nguyễn Hoàng Huy

Featured image: Free-Photos

Làm sao để nhẹ cánh bay?

Em ngồi. Bên ly cafe Capuchino còn nóng hổi, phả hương ngọt ngào lướt nhẹ qua cánh mũi em. Em hít một hơi, mắt nhắm khẽ, thả mình vào chiều Hà Nội mát mẻ hiếm hoi. Em đã huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời, mặc tôi chúi đầu vào cuốn sách cũ của Alan Phan, thỉnh thoảng có đẩy nhẹ gọng kính và “ừ” một cái để tỏ ra rằng tôi vẫn đang lắng nghe câu chuyện của em, chứ không vô hình. Tôi biết em đang ôm mớ bòng bong không tài nào tháo gỡ. Tôi hiểu vấn đề của em hơn chính bản thân em.

Tại sao em lại sống cuộc đời thế này nhỉ, em mới chỉ hai mươi…

Tôi liếc nhìn đồng hồ. Mất chính xác đến 2 tiếng 36 phút cho những chuyện đâu đâu, em mới có can đảm để trải lòng. Cô bé của tôi thường ngốc, và tiêu tốn nhiều thời gian vậy đấy. Tôi đặt nhẹ cuốn sách xuống bàn, đẩy gọng kính lần nữa, mắt nhìn thẳng em:

— Nào có chuyện gì, nói anh nghe.

— Haizzz – tiếng thở dài thườn thượt cuốn cả hương cafe theo – nhìn các bạn xem, bạn A đi du học rồi, bạn B cũng được nhận công ti này công ti nọ, bạn X ấy, hôm trước ra mặt một anh rõ đẹp trai, lại đi Audi cơ, nghe đâu bảo còn sở hữu chuỗi khách sạn lớn… Còn bao nhiêu bạn nữa, sao các bạn may mắn quá vậy anh? Em đâu có đến nỗi nào, mà sao em chẳng được bằng như thế.

Tôi cười, hỏi. Đối với cô bé của tôi, chẳng câu trả lời nào là thích đáng, nên biện pháp duy nhất là hỏi lại, chỉ có thế em mới biết tự vấn lại chính mình:

— Mục đích sống của em là gì?

— Ơ thì… Em ngừng lại, em định nói nhưng biết rằng những gì em nói sẽ bị tôi bẻ cong trong một nốt Đô trầm. Em ngập ngừng không thành tiếng.

— Mục đích cuộc đời của em – Tôi nhấn mạnh lại – là những thứ hào nhoáng, xa hoa, là có nhà, có xe, có học thức, có địa vị chỉ-để-trưng-diện thôi sao? Em vì sợ bị người khác khinh thường mình kém cỏi, và khao khát những thứ đó, chỉ để chứng tỏ cái tôi của mình, chỉ để người khác ngước nhìn thèm khát và tôn trọng em?

Mắt cô bé long lanh, đồng tử mở to hết cỡ. Trong đầu em đang là một mớ cảm xúc hỗn loạn bùng lên mà người châm ngòi nổ là tôi. Những lúc cảm xúc không ổn định là lúc người ta dễ bị nghe theo nhất. Tôi nhân cơ hội này mà tiếp:

— Bây giờ giả sử có hai con chim. Hai con cùng phải bay đến đích. Con thứ nhất bị quàng thêm vào cánh vài hòn sỏi còn con thứ hai thì không. Em nghĩ con nào về đích trước và bay cao hơn?

— Tất nhiên là con thứ hai… – Em lí nhí.

— Thì đúng. Một quy luật đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng hiểu. Anh thấy bọn phát triển nó có thể tập trung tối đa nguồn lực khi nó muốn làm một cái gì đó, còn mình thì như con chim thứ nhất ấy, bao nhiêu thứ đeo nặng trên vai. Em có thấy em giống con chim đó không? Những hòn sỏi xung quanh cuộc đời em có thể là Xuất phát điểm khó khăn nên em phải dành nhiều thời gian kiếm tiền, nhưng cũng có thể là Mục đích, khát khao của em không thể vượt lên cao được, em còn nhìn thấp quá, còn sân si quá. Nó cũng có thể là cái tôi lớn, cái suy nghĩ manh mún, và tư duy quá ngắn cho cuộc đời em. Đó là lí do mà em dù là con chim chăm chỉ, vẫn dành cả thanh xuân chỉ để đập cánh là tà dưới đất.

— Anh không ham thơ, nhưng hồi Trung học anh đặc biệt ấn tượng với một câu thơ của Chế Lan Viên: “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Nếu mà em có cái giấc mơ quá cỏn con ấy, thì cả cuộc đời em cũng chỉ sống cỏn con như thế, mãi không lớn lao, hào sảng được. Anh cũng nghe nhiều giữa việc ước mơ và suy nghĩ viển vông, nhưng theo anh nghĩ ấy, giấc mơ là đỉnh xa nhất khi ta chiếu một ngọn đèn. Dù đường đi còn mù mịt, nhưng em đã định hình được nơi xa nhất mình có thể đi. Ngọn đèn chiếu tủn mủn, thì chỉ có nước em vừa đi vừa mò đường, và khả năng đi lạc rất cao.

Cô bé của tôi miệng méo xệch. Em bị hẫng khi chưa kịp bắt nhịp với những gì tôi nói, em lắc lắc cái đầu để tập trung hơn. Còn tôi thì bị thánh Alan Phan nhập khi vừa đọc được nửa cuốn sách của ông mà thấy hấp dẫn quá, nên lỡ lời tuôn cả mớ suy nghĩ đâu đâu. Tôi kéo sát ghế cạnh em:

— Để anh kể em nghe. Hồi anh đi làm thêm bồi ở Mỹ, anh thấy người Việt mình sao mà sân si và cái tôi lớn quá. Hai ông Việt cùng làm với nhau, mà chỉ vì ông này nhờ ông kia lấy hộ cái khăn, ông kia không làm, mà ông này nghĩ ngay rằng ông kia khinh mình, rồi để bụng. Lâu dần xích mích quen, lời qua tiếng lại và rồi không ai chịu ai, thành đánh nhau, và tình bạn thì tan thành mây khói. Em thấy có ai dễ chửi, và chửi hay như dân mình không. Ra ngoài đường va chạm xe, thay vì xin lỗi đàng hoàng lịch sự thì gào lên chửi nhau ngay được. Chẳng ở đâu mà chỉ vì một cái nhìn “đểu” người ta có thể đâm chém và cướp đi mạng sống của nhau. Em thấy có dở hơi không? Ngay ở trong môi trường văn phòng, em cứ thử để ý, mấy ông có tri thức cả rồi đấy, mà thỉnh thoảng nói xấu nhau vài câu, cái tôi bùng lên, lập phe lập phái đấu đá lẫn nhau. Bọn doanh nghiệp Tây Tàu tha hồ xâu xé miếng mồi thị trường ngon, trong khi mấy ông gà nhà thì còn đang mải vặt lông lẫn nhau. Buồn hết mức…

Em thấy không? Khi cái giấc mơ con, còn cái tôi thì lớn. Em bị chúng kìm lại. Ngày ngày em dành thời gian để lo những thứ đâu đâu, đâu có thời gian cho chính cái bản ngã của mình. Này nhé, em xem. Sáng em thức dậy đi học, em kể em đi học thì trốn cô ngủ cho qua tiết, đến kì thì cố sống cố chết cho qua môn. Đối với anh, học không phải là gánh nặng, anh hào hứng mỗi ngày trước khi đến lớp, vì anh biết hôm nay anh sẽ được tiếp thu kiến thức mới, một bậc trong nấc thang dài vô tận dẫn anh đến với kho tàng vô giá của nhân loại. Anh không sợ giáo viên hỏi bài như em, anh luôn chủ động hỏi lại giáo viên. Anh coi các bài thi là thử sức và điểm số là đánh giá năng lực bản thân. Chừng nào em còn coi việc học là gánh nặng, mà không, bất cứ việc gì, thì em còn hao mòn thời gian, tuổi trẻ, và có khi cả cuộc đời để chạy theo cái bóng của nó, rồi tự em lại thấy mệt khi không đuổi kịp, rồi lại sinh buồn, sinh nản, đó chính là cái “khổ” mà em vẫn thường nghe trong Giáo lý nhà Phật vậy.

Học xong em làm gì, em đi làm thêm. Em kể, em làm nhàng nhàng rồi đếm thời gian chỉ mong cuối tháng lãnh lương. Anh hỏi nhé, cũng là quãng thời gian đó em phải bỏ ra, sao em không cố gắng chăm chỉ một tí thôi, em coi như em vừa làm vừa được học, công việc gì cũng có cái để học, doanh nghiệp vừa được việc, em cũng vừa được việc, win-win. Còn hơn em ngồi chơi không, lãng phí nguồn lực. Mà cuối tháng lãnh lương, em có thấy xấu hổ với chính mình không? Đành rằng hoàn cảnh cũng như một hòn sỏi kìm sải cánh em bay, nhưng thay vì tận dụng nó, em đổ lỗi, hờn trách nó, cuộc sống của em cũng xoay xoay quanh cái cơm áo gạo tiền, lấy sức đâu em đầu tư cho chính mình?

Em còn kể, em ghét cái mụ làm cùng ca tối với em. Người đâu mà sai em làm hết việc này việc nọ, em không làm xong thì nói kháy nói móc, kiểu: Đơn giản thế mà không làm được à? Mang tiếng sinh viên, đầu óc không bằng con động vật. Em bực dọc, em khó chịu chỉ vì người ta động đến cái tôi của em? Em ghét lại người ta chỉ vì người ta tỏ ra không thích em? Em ơi, ghét qua ghét lại nhau hết nguyên một ngày. Đêm về thay vì dành đầu nghĩ về những giấc mơ, em nghĩ cách làm sao để bật lại bà quản lí, làm sao lôi kéo mấy bạn cùng làm nói xấu mụ ta cho bõ ghét. Em rước mệt vào người vì chính cái tôi của em quá lớn. Tại sao em không nghĩ, mụ quản lí đó đáng ghét vậy, nhưng nhìn khách quan bà ấy làm được việc, còn làm rất giỏi, em nên lấy đó làm tấm gương mà phấn đấu, thay vì gây thêm thù oán thì em nghĩ cách để nói với bả: Em còn non nớt, cần học hỏi nhiều và mong bà chỉ bảo. Đấy thấy không, em vừa thêm bạn, vừa bớt thù, lại học thêm nhiều điều mới. Và đêm về, em lại có chỗ cho những giấc mơ, thay vì những điều tủn mủn bực dọc không tên. Đó cũng lại là một trong những cái “khổ” em thường hay nghe vậy…

Tôi dừng, liếc đồng hồ, gấp cuốn sách và khẽ đứng dậy.

— Xin lỗi em, đến lúc anh phải đi rồi.
— Ơ… anh – Em vẫn còn đơ ra trước quá nhiều thứ cần nghe dồn vào một lúc. Khi tôi bước dần ra quán, em gọi với theo, ú ớ:
— Thế tại sao anh có thể bay, nhưng lại từ chối bay cao, và sống nhàn tênh như thế?

Tôi mỉm cười, vọng lại:

Khi em nhận ra chém gió cũng là một loại tài năng, em sẽ dành trọn thời gian cho nó. cười

Tác giả: Lyo Canty

*Featured Image: MK817

 

[Bài dịch] Tại sao nhiều người muốn “thức thần”?

Rất dễ để giải thích tại sao ma tuý như heroin và cocaine lại khiến người ta muốn dùng chúng vì chúng trực tiếp kích thích các vùng tạo ra khoái cảm trong não. Thế nhưng rất khó giải thích tại sao chất thức thần lại khiến người ta hứng thú đến thế. Suy cho cùng thì không có lí do hiển nhiên nào cho việc trạng thái nhận thức khác thường – thường được miêu tả như triệu chứng của ngộ độc hay bệnh tật – lại thú vị đến vậy. Thế nhưng, người ta không chỉ trả tiền cho những trải nghiệm này, họ còn chấp nhận nguy cơ bị bắt. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời đó là những loại thuốc này là lối tắt tới các trải nghiệm tâm linh có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá của con người. Lí do tại sao trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta suy xét cách nền văn minh đã được định hình bởi tôn giáo ra sao.

Suốt một thời gian dài, các nhà nhân chủng học đã tranh cãi rằng những người theo đạo thường cộng tác tốt hơn những người vô đạo. Trong các nhóm nhỏ thì tác động của tôn giáo thường ít thể hiện hoặc thậm chí là thể hiện tiêu cực. Tuy nhiên, trong nhóm người lớn hơn, có vẻ tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra kết nối giữa những người lạ. Thực tế, các học giả cho rằng sự xuất hiện của các thành phố lớn ở Trung Đông 12.000 năm về trước xảy ra là nhờ niềm tin vào “Chúa” – kẻ theo dõi mọi hành động của con người.

Tại sao tôn giáo lại khiến người ta cộng tác tốt hơn? Một mặt, niềm tin rằng một chủ thể đạo đức tối cao vô hình nào đó đang theo dõi khiến người ta dễ kiềm chế việc phá luật để vụ lợi bản thân hơn. Tác động này khá mạnh mẽ, các nghiên cứu cho thấy rằng chỉ một thứ nhỏ nhặt như bức tranh có hình đôi mắt trên một chiếc hộp có thể khiến người ta trả tiền thật thà hơn gấp 3 lần.

Mặt khác, tôn giáo kết nối con người với một hiện thực lớn hơn họ có thể nhận thức được. Đó có thể là nhóm xã hội phù hợp với họ, sự kết nối là vô cùng quan trọng vì nó giúp con người cộng tác ngay cả khi không có cái lợi trước mắt. Nếu tôi tin rằng mình là một với mọi sinh linh thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn để chấp nhận việc người khác hưởng lợi từ việc làm của mình.

Có lẽ điều đó giải thích tại sao chất thức thần lại kích thích trí tò mò đến thế. Bằng cách tạo ra các trải nghiệm tâm linh, chất thức thần tái tạo các trạng thái nhận thức đóng vai trò quan trọng về mặt tiến hoá, giúp người ta cộng tác với nhau hơn và sinh tồn tốt hơn. Điều này không có nghĩa là việc sử dụng chất thức thần là một bản năng của con người. Nó giải thích rằng việc sử dụng chất thức thần là một công cụ cho phép đạt được các trạng thái tâm linh nhanh chóng.

Pháp luật không thể thay đổi bản tính con người

Nếu điều trên là đúng, thì điều đó có nghĩa là sử dụng thuốc về bản chất không khác gì tụng kinh, tuyệt thực, thiền định, các hoạt động mà tôn giáo sử dụng để đạt được trạng thái nhận thức khác. Những người thuộc trường phái “tự nhiên” có thể sẽ phản đối vì việc sử dụng thuốc không yêu cầu sự kiên nhẫn và kỉ cương thường được nhắc đến trong các hoạt động tâm linh. Điều này là đúng, nhưng cũng có thể phản biện rằng việc mua một chiếc xe không kỉ cương và cần sự nhẫn nại như tự lắp ráp một chiếc. Dù sao thì cũng có nhiều tôn giáo sử dụng chất thức thần trong các nghi thức.

Chất thức thần còn có thể có tác dụng tích cực trong việc nâng cao tinh thần. Hiện nay đã có nhiều bằng chứng rằng chất thức thần có thể chữa lành các bệnh tâm lí mãn tính và trầm cảm. Dù điều này không đảm bảo rằng thứ thuốc này có tác dụng chung cho mọi người, các bằng chứng chứng tỏ rằng một phần lớn dân số có thể cải thiện cuộc sống bằng chất thức thần.

Việc cấm chất thức thần là một việc kém hiệu quả. Nó giống như cấm hoạt động giao cấu không khiến người ta dừng việc thèm muốn sex, cấm chất thức thần không khiến người ta dừng thèm muốn các trải nghiệm thức thần. Một cách tiếp cận hợp lí đó là tạo ra một khung tiêu chuẩn cho phép người dân sử dụng chất thức thần mà vẫn đảm bảo an toàn. Thực tế là không có hệ thống pháp lí nào có thể thay đổi bản tính con người và không có lí do gì cho thấy việc cấm chất thức thần có tác dụng.

Nguồn: The Conversation
Phóng dịch: VN Psychedelic
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: noonexy 

[Bài dịch] Liệu chất thức thần có khả năng giúp chúng ta thức tỉnh?

Cái chết là cội nguồn của mọi nỗi sợ. Lý do duy nhất chúng ta kìm mình lại, chọn con đường an toàn và sống trong vỏ bọc của mình – một cuộc sống ảm đạm ám ảnh bởi những nỗi lo sợ. Cái chết là ẩn số lớn nhất trong cuộc đời chúng ta, và lý do chúng ta không bao giờ có thể giải được ẩn số đó cho tới khi chúng ta trải nghiệm điều đó khiến chúng ta tê dại.

Nhưng tại sao cái chết lại đáng sợ vậy? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể chứng kiến cái chết trước khi nó xảy ra? Liệu nó có giúp ta cởi mở hơn với muôn vàn khả năng khác của cuộc sống? Liệu chúng ta có chấp nhập những thứ xấu của người khác với thay vì giận giữ và ruồng bỏ?

Câu trả lời là có. Bởi vì khi chúng ta đã thấy được những thứ nằm ngoài thực tại này, thì cõi vĩnh hằng có vẻ không đáng sợ cho lắm. Khi chúng ta đã trải nghiệm được sự hợp nhất vĩnh cửu với Sự Hiện Hữu, ngay cả khi nó mới chỉ dừng lại ở một niềm tin dựa trên phỏng đoán, hầu hết sẽ dễ chấp nhận hơn ý tưởng cơ thể họ đang ngày một héo mòn. Đó chính là vòng lặp của sự sống, mặc dù ít ai trong chúng ta để ý.

Họ nói tất cả nằm ở cách bạn nhìn nhận vấn đề. Đây là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đang sử dụng nấm ảo giác, LSD và MDMA như một biện pháp chữa trị những người mắc bệnh tâm lí mãn itnhs. Những người đang gặp đau đớn, trầm cảm, những người mà thự tại của họ tràn đầy sự khổ đau đang tìm được sự an bình trong thực tại sau những chuyến đi ở một vũ trụ khác, một cách cảm nhận khác của thực tại.

Những câu chuyện đổi đời sau trải nghiệm thức thần có rất nhiều. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn nói tới ở đây. Tôi muốn nói tới truyền thống sử dụng xa xưa của chất thức thần, cũng như các kiến thức hiện đại về tác dụng của các chất này về mặt chữa lành những nỗi sợ về cái chết.

CÁI CHẾT CỦA CÁI TÔI

Khi nói về cái chết, cần nói tới cái tôi, cái “Tôi là ai”, nguồn năng lượng chính thúc đẩy chúng ta dần trở thành những con người ích kỉ.

Khi chúng ta sử dụng chất thức thần, chúng ta có thể trải nghiệm cái chết của cái tôi. Chúng ta có thể thấy mình từ một góc nhìn rộng khắp và trong bức tranh toàn cảnh ấy những động lực cá nhân thường ẩn trong bóng tối bị đưa ra ánh sáng.

Bằng cách này, mặc dù sau đó chúng ta vẫn trở về bình thường và sống cuộc sống bình thường, bên trong chúng ta mãi mãi đã thay đổi. Có lẽ sau một trải nghiệm nhìn thấy cái tôi thấp bé của mình, chúng ta thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận cái thân nhỏ bé ấy, và nhớ rằng chúng ta dù cảm thấy cô đơn trong thế giới này nhưung chúng ta vẫn luôn luôn là một cộng đồng. Chúng ta sẽ không còn nhìn mình như trung tâm vũ trụ và sẽ để ý hơn tới thế giới xung quanh, những con người chúng ta yêu quý theo một cách rất khác.

Đối với một số người thì nó xảy ra khá âm thầm, một số người khác thì cả thế giới quan của họ sẽ thay đổi. Dù sao, trải nghiệm ấy cũng sẽ cho ta thấy tại sao chúng ta đạt được ngày hôm nay trong một nỗ lực chung. Qua hàng nghìn năm lịch sử, tổ tiên chúng ta đã rất tôn thờ chất thức thần và Trái Đất. Trái với một xã hội cấm đoán những thứ thuốc từ thiên nhiên và nhốt người ta vào tù vì cố thay đổi xã hội, cùng lúc huỷ diệt hành tinh và gây ra chiến tranh, tôn vinh bạo lực, trải nghiệm sẽ cho bạn thấy cách nhìn nhận khác sẽ thay đổi tất cả, và cái tôi của chúng ta đã vụt ra khỏi kiểm soát của chúng ta rất xa.

TRUYỀN THỐNG SỬ DỤNG THUỐC THỰC VẬT XA XƯA

Có lẽ bản ghi chép được biết đến nhiều nhất về truyền thống sử dụng chất thức thần xa xưa đó là cuốn Thức ăn của thần thánh (Food of  the Gods) bởi Terrence McKenna. Terence nói tới tục sử dụng nấm thức thần bởi những nền văn hoá lâu đời. Bằng chứng chỉ ra là từ năm 3500 trước công nguyên, hình ảnh của những thầy phù thuỷ nhảy múa trên tay là nấm ma thuật, bên cạnh là gia súc, được khắc trên cắc mặt đá đồi Tassili Plateau ở Nam Algeria.

Tuy rất khó để biết chính xác phương pháp mà các nền văn minh cổ đại này sử dụng chất thức thần, rõ ràng họ rất tôn thờ thứ thuốc này. Trên mỗi lục địa, trong mỗi nền văn hoá bản địa, đều tồn tại bằng chứng của các chất thức thần đã được sử dụng. Ngay hiện giờ truyền thống sử dụng ayahuasca, xương rồng, nấm ảo giác, iboga vẫn được sử dụng trong các tục lệ thổ dân khắp thế giới.

Theo phỏng đoán soma, được tả là một thứ cây không có lá hay rễ trong sách Rig Veda, một ghi chép cổ của gường Aryan di cư từ Siberia đến Ấn Độ, thực chất là nấm thức thần.

“Chúng tôi đã uống Soma; chúng tôi đã trở nên bất tử và hoà với ánh sáng; chúng tôi đã tìm thấy Chúa.” (Rig Veda 8.48.1-15)

THỨC THẦN TRONG THỜI ĐẠI MỚI VÀ SỰ CHẤP NHẬN CÁI CHẾT

DMT, nấm ảo giác, LSD và MDMA đều đã được nghiên cứu vì tiềm năng giúp chúng ta hiểu hơn và chấp nhận số phận một ngày sẽ đến.

Và chúng ta sẽ mất gì khi ai cũng ngày nào cũng đang đối mặt với một cái chết cận kề? Khi mà chúng ta đã đối mặt được với điều tệ nhất, chúng ta có thể cho phép những nỗi sợ nhạt phai dần và bắt đầu thử nghiệm những thứ mới. Có lẽ đây là lý do tại sao chúng ta thấy một sự trỗi dậy trong nghiên cứu về tác dụng tâm lí của chất thức thần.

Điều này đang xảy ra tại Mỹ, với nhiều bình luận ngay cả trên các mặt báo nổi tiếng như New Yorker trong bài “Liệu pháp Trip”, nói về sự quay trở lại của chất thức thần trong tâm lí trị liệu với các bệnh nhân sắp qua đời do bệnh nan y.

Nghiên cứu này bao gồm các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được các nhà nghiên cứu điều trị 2 lần, một lần với thuốc giả và một lần với thuốc thật, kèm theo các buổi gặp chuẩn bị tinh thần và tư vấn tâm lí. Các buổi gặp được thiết kế để giúp bệnh nhân an tâm hơn về độ an toàn của nghiên cứu.

Tới giờ thì nghiên cứu đã chỉ ra kết quả tích cực trong điều trị lo lắng, trầm cảm và cảm giác vô vọng ở các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Đứng sau nấm ảo giác là LSD, thứ thuốc đã thay đổi cả một đất nước. Trước năm 1966, LSD vẫn đang được nghiên cứu sâu về tác dụng y khoa. Hàng ngàn nghiên cứu về LSD được công bố với hơn 40,000 người tham gia. Nhà văn và thức thần gia nổi tiếng Aldous Huxley đã sử dụng LSD trước khi qua đời do ung thư.

Trong phỏng vấn nổi tiếng giữa Huxley và Mike Wallace, ông đã nói điều này về các trải nghiệm thức thần của mình:

“Người nào trở về qua Cánh cửa sẽ không bao giờ còn là con người cũ, con người đã đi qua Cánh cửa. Anh ta sẽ thông thái hơn nhưng thiếu chắc chắn hơn, hạnh phúc hơn nhưng thiếu thoả mãn hơn, nhún nhường trong việc nhận ra sự ngạo mạn của mình, hiểu hơn về mối quan hệ giữa lời nói và hành động, giữa logic và những bí ẩn mà nó cố giải đáp nhưng sẽ không bao giờ có thể giải đáp được.”

LSD đang dần trở lại trong nghiên cứu. Một nghiên cứu nhỏ bởi nhà tâm lí học, tiến sĩ Peter Gasser tại Thuỵ Điển bao gồm thử nghiệm tác dụng của LSD và trị liệu giao tiếp với 12 bệnh nhân nan y.

Gasser cho biết trong bài viết 1 năm sau khi kết thúc nghiên cứu rằng chứng lo lắng của bệnh nhân đã thuyên giảm và không tái phát trước khi họ qua đời.

Một câu hỏi là liệu chúng ta có đang lừa dối mình với những ý tưởng về chất thức thần. Câu trả lời là khó mà biết được. Nhưng câu hỏi thật ở đây là: Chúng ta có quyền gì mà có thể áp đặt những yêu cầu về bằng chứng khoa học lên những câu chuyện về cuộc đời một ai đó trở nên tốt hơn nhờ trải nghiệm gần gũi với thuốc thực vật? Chẳng phải chúng ta có quyền tự do lựa chọn trải nghiệm của riêng mình, nhất là khi điều đó liên quan tới cái chết?

MDMA cũng được sử dụng để giúp bệnh nhân chấp nhận những chuẩn đoán nguy kịch. Một chất mà đã từng được tự do rộng rãi nghiên cứu vào những năm 60s giờ đang dần trở lại.

Rick Strassman, MD, nổi tiếng với nghiên cứu tại Đại Học New Mexico năm 1990 trong đó sử dụng DMT để tạo ra trải nghiệm cận kề cái chết. Trong một thế giới mà cái chết là một điều cấm kị, trải nghiệm điều đó trước khi nó xảy ra là khó thể chấp nhận được.

DMT tinh khiết rất khác với các thứ thuốc thực vật, vì trải nghiệm chỉ kéo dài khoảng tối đa 30 phút, tuy nhiên trong trải nghiệm thì người trải nghiệm không có cảm nhận thời gian.

Với các thứ thuốc thực vật như ayahuasca, có thành phần là DMT kết hợp với một chất khác, trải nghiệm kéo dài từ 12-24 tiếng. Trong một thế giới bị ám ảnh với thời gian, trải nghiệm như này thu hút ít người hơn là chuyến đi 3- phút.

Nghiên cứu của Strassman đã được dựng thành phim cũng như sách có tên DMT: The Spirit Molecule (DMT: Phân tử tâm linh). Tuy nhiên từ đó tới giờ vẫn chưa có nghiên cứu nào về riêng DMT, mặc dù nó không gây ra tác dụng phụ ngoài cảm giác khó chịu khi đi vào trạng thái khác.

MỘT CÁI CHẾT ĐẸP

Dẫu quá trình tiến triển chậm, cộng đồng y khoa đã bắt đầu chấp nhận những phương pháp một thời cấm đoán này. Mặc dù gần như mọi nghiên cứu phải dùng nguồn ngân sách tư nhân, các tổ chức như MAPS đang dẫn đầu trong cuộc chiến tự do này.

Lý do mà chính phủ và các công ty dược phẩm do dự khi đổ vốn vào các nghiên cứu này có hai mặt. Một là, họ sẽ bị ép công nhận tác dụng y khoa của các chất này và không còn cách nào ngoài loại chúng ra khỏi danh sách cấm. Hai, đó là ngành công nghiệp dược phẩm, với nhân tố động lực chính là lợi nhuận, sẽ khó có thể đăng kí bản quyền các chất tự nhiên và các chất này cũng không giống thuốc công nghiệp cần người dùng phải duy trì sử dụng.

Điều này khiến chúng ta mắc kẹt tiếng thoái lưỡng nan. Cái chết, dù cấm kị đến đâu, cũng cần phải được chúng ta hiểu. Cả cách hiểu nghĩa đen và cách hiểu về cái chết tâm linh của cái tôi. Nếu chúng ta muốn kiểm soát cái tôi của mình tốt hơn trong cuộc sống, có lẽ chúng ta nên tìm một sự tự do để thực sự sống và thoát khỏi những gông cùm vô hình của sợ lo sợ.

Stephen Jenkinson, tác giả của Chết khôn ngoan: Bản kim chỉ nang cho sự tỉnh táo và tâm hồn, đã hoạt động rất nhiều trong cộng đồng y tế nhằm giúp đỡ những người sắp qua đời và gia đình. Lời khẳng định mạnh mẽ của ông “Không phải thành công. Sự trưởng thành. Hay hạnh phúc. Cái nôi của tình yêu cho sự sống chính là cái chết” bàn luận về thái đội của xã hội chúng ta với cái chết. Chúng ta lẩn trốn, nhưng cuối cùng, việc cuộc đời chúng ta cần có một ý nghĩa cao đẹp hơn là vô cùng quan trọng.

Hiểu được quy luật rằng một ngày ai trong chúng ta cũng sẽ qua đời thực sự là một giải thoát khó khăn. Để chết một cái chết đẹp là rời bỏ thế giới với một sự chấp nhận và thanh thản trong tim. Có cách nào tốt hơn là thoáng nhìn cái tôi chết và nhìn thế giới qua con mắt không bị lọc bởi những thấu kính lo sợ mà nền văn hoá đã áp đặt lên chúng ta?

Tác giả: Chantelle Zakariasen
Dịch: Neo-Woodstock
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: Activedia 

 

Fernando Hierro — Tội đồ của Tây Ban Nha 2018

Nếu có một đội bóng toàn diện nhất tại World cup 2018, thì đó phải là Tây Ban Nha. Tất cả ba tuyến đều mạnh, và đều có các ngôi sao. Cả đội là một sự hài hoà của nhiều thế hệ, từ Iniesta cho đến Thiago, sự hài hoà của hai phong cách lớn giữa Barcelona và Real Madrid, và điểm xuyết viên đá đỉnh vòm là một tiền đạo khoẻ mạnh, khôn bóng, tinh quái đầy chất Nam Mỹ—Diego Costa, tức một tiền đạo có thể tấn công, làm tường, tì đè và sút xa—khác hẳn với các mẫu tiền đạo phản công lâu nay của Tây Ban Nha, như Raul hay Torres.

Tây Ban Nha là một đội bóng mà hầu hết mọi cầu thủ đá chính từ 3 tuyến đều có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng mỗi cú chạm bóng hay chuyển bóng qua sự điều lực tinh tế y như bác sỹ giải phẫu não dùng dao mổ. Xem họ chạm bóng để hiểu nghĩa sâu sắc nhất của tính từ “tinh tế”, của động từ “quan tâm thấu đáo kỹ lưỡng” (care), của danh từ “cái đẹp”, và của trạng từ “một cách phi thường.”

Ấy vậy mà toàn bộ tác phẩm ấy, lại bị một anh thợ vụng Fernando Hierro làm hỏng. Thực tế công việc huấn luyện viên đội tuyển bao gồm hai phần chính. Phần 1, tạm hiểu là xây dựng bộ khung, lối chơi, sự ăn ý, và trên hết là quan hệ giữa người với người trong một tập thể. Phần này Hierro không có vai trò gì. Phần 2. Tướng ngoài chiến địa. Phần này bao gồm việc phân tích đối thủ cụ thể, đưa ra nhận định và phương án trước trận đấu, và quan trọng nhất là đọc trận đấu để có thể thay đổi nhịp điệu, lối chơi hay miếng đánh, giúp đạt mục tiêu. Cỡ Iniesta, Pique, Isco hay Ramos thì chả ai dạy họ đá banh được. Cái họ không thể, đó là đứng ngoài sân quan sát tổng thể và ra các quyết định mà họ sẽ phải tuân theo (bởi họ không thể nhìn được tổng thể vì họ đang nằm trong trận đấu). Đây chính là vấn đề của Fernando Hierro.

Một huấn luyện viên chưa từng cầm quân ở các giải đấu lớn, dĩ nhiên sẽ không thể đọc được các trận đấu ở giải đấu lớn. Điều này như thể ai chỉ quen với văn chương câu lạc bộ cao tuổi một ngày phải đọc hiểu và phân tích tác phẩm của Dostoievsky. Đó là bất khả. Chính khả năng đọc trận đấu kém cỏi đã làm cho Tây Ban Nha hoà 3-3 với Bồ đào nha trong một trận đấu mà Tây Ban Nha đang dẫn trước lúc sắp hết trận, mà lại bị gỡ hoà vì đòn phản công. Hierro đã không làm được việc mà lẽ ra mọi huấn luyên viên, kể cả Lê Thuỵ Hải cũng phải hiểu, đó là đọc trận đấu. Đó là không bị cuốn vào nhịp điệu dù lờ đờ hay hối hả của bề ngoài các hoạt động để nhìn ra chân tướng sâu xa của các mối nguy hay lợi thế ngầm sâu bên dưới và đưa ra các mệnh lệnh hay giải pháp hợp lý. Trong trận đấu bị Bồ Đào Nha gỡ hoà bằng đòn phản công, Hierro đã thay David Siva bằng Lucas Vasquez, Diago Costa bằng Iago và thay Iniesta bằng Thiago. Có nghĩa là ba người vào thay đều chơi đúng vị trí của người bị thay, chỉ có điều trình độ kém hơn. Việc thay người này do đó không phải thay về chiến thuật (giảm nhịp độ, đổi chiến thuật tấn công thành phòng thủ) và vì thế dẫn đến việc đội hình vẫn thiếu nhân sự chống phản công trong khi nhân sự tấn công không hiệu quả và không giữ được bóng. Kết quả là đã bị gỡ hoà bằng phản công.

Những tưởng một sai lầm tày trời như thế chỉ là sự non nớt vụng về lúc khởi đầu chưa vào nhịp, song tới trận vòng 16 đôi, gặp đội Nga, chính sự không có khả năng hình dung thực tế về đối thủ và sau đó không thể đọc được trận đấu đã biến Hierro thành tội đồ của Tây Ban Nha.

Một đội hình ra quân thiếu đi Iniesta, chất kết dính giữa tiền vệ công và tiền vệ trụ cùng hậu vệ, giữa tiền vệ cánh và tiền đạo, để thay vào đó một Asensio cả trận chuyền được có 7 key pass (ít nhất trong số các tiền vệ) và gần như mất tích. Chưa hết, việc thay ra Diego Costa, tiền đạo hiệu quả duy nhất đã cho thấy Hierro một lần nữa không đọc được trận đấu. Không phải Diego Costa thiếu hiệu quả, mà sự thiếu hiệu quả là do hàng tiền vệ với Isco luôn chỉ đi bóng ngang sân, Asensio mất dạng và David Silva bơ vơ vì không có người ban bật đề cắt mặt hay xuyên phá. Chính điều này đã làm Diego Costa đói bóng. Việc thay Iniesta vào để cung cấp bóng nhưng không có đủ sát thủ lạnh lùng để giải quyết cũng bằng không. Lẽ ra người vào thay phải là Thiago và Iniesta, với Diego Costa vẫn ở lại.

Nói tóm lại, nếu như Sampaoli của Argentina đã cho thấy rằng: một huấn luyên kém cỏi không thể giúp một đội bóng dở, thì Hierro lại cho thấy thêm 1 khả năng khác nữa của một huấn luyện viên kém cỏi, đó là: Thậm chí hắn còn làm hại được cả một đội bóng hay.

Thưa bà con cô bác.


Tác giả: Nguyen Nhu Huy

Featured image: elcomercio.pe

7 điểm giải ảo về mạng xã hội Minds.com

4

Disclaimer: Bài viết chỉ là quan điểm, nghiên cứu riêng của tác giả, không nhất thiết phải đại diện cho THĐP.

1. Minds dùng công nghệ blockchain để backup data người dùng, mỗi user là một máy chủ?

Đây là sai lầm ngớ ngẩn nhất mà nhiều người đang share chóng mặt trên facebook. Hiểu nôm na một cách vật lý, để lưu trữ thứ gì đó online, bạn cần có một miếng đất online, gọi là host. Chưa có công nghệ nào mà khi bạn tải một hình ảnh hay thứ gì đó lên mạng, rồi chính thiết bị của bạn biến thành host lưu trữ cả. Minds không phải mạng xã hội của thần linh, họ đang xài server của Amazon, server của Minds là một server èo uột vì ít tiền nếu so với Facebook. Không có chuyện công nghệ blockchain gì ở vụ dữ liệu người dùng. Mọi người đã mắc lừa chỗ này. “Blockchain” trong profile của Minds thực ra là dịch vụ thưởng crypto. Thông tin này do chính Minds công bố trên whitepaper của họ. Nhưng có ai đó đã cố ý đánh lừa mọi người bằng cách vẽ ra cái bánh “công nghệ blockchain” này. Chắc chắn không phải từ Minds, mình tin vậy. Họ đang bất ngờ vì cuộc đổ bộ của người Việt Nam. Vậy là ai? Cố ý hay vô tình? Phải chăng họ có ẩn ý mục đích lý lẽ gì đằng sau việc này?

2. Minds không thể xoá nick hay xoá bài?

Xoá được hết, thậm chí cũng xoá khi có tranh chấp với bên thứ ba, xin đừng nằm mơ về chuyện “người tạo ra nó cũng không thể điều khiển nó.” Các thành viên Reddit khởi đầu cũng có ngộ nhận này và họ đã ngâm cứu vụ này từ 2017. Minds cũng đã công khai nói về vụ xoá này trong điều khoản sử dụng.

3. Minds bảo mật cao?

Nếu dữ liệu của Minds không được chia nhỏ ra theo công nghệ blockchain như lời thổi phồng, mà chạy bình thường trên một server giá rẻ, bảo mật cao hay không tuỳ bạn nghĩ.

4. Minds thưởng crypto cho tất cả user?

Không, chỉ cho những bài chất lượng mới đáng kể, và nếu bạn không rành IT để chơi under-ground thì có tí ti crypto thực ra cũng không có ý nghĩa gì, và trong tương lai thì là crypto của Minds phát hành, chẳng phải bitcoin đâu, đừng tưởng bở.

5. Minds sẽ không cung cấp thông tin của bạn cho nhà cầm quyền?

Càng sai, trong điều khoản riêng tư Minds đã minh định rõ, Minds sẽ cung cấp thông tin của bạn cho nhà cầm quyền khi có yêu cầu.

6. Qua Minds sẽ gây áp lực với Facebook?

Trước nhất thì thoả mãn được sự tự tôn, nhưng khi số tài khoản Minds tăng lên mà số tài khoản Facebook vẫn vậy không giảm xuống, thì sự cảnh cáo sẽ như một trò đùa. Xét về số lượng, số facebooker lề trái quá ít ỏi so với cả chục triệu tài khoản Facebook hiện hành. Còn chuyện Facebook đã bán đứng dân lề trái cho nhà cầm quyền chưa, vẫn là nghi án. Không thể nói như đinh đóng cột về chuyện này. Facebook hay Google hiện tại đều là những công ty quá lớn để có những thay đổi dại dột.

Nhưng có một điều chưa thấy ai nói, đó là chiến thuật của animal (an ninh mạng): tăng cường report tập trung ở một nơi để Facebook xoá! Mà hai trang đầu tiên hứng đợt tấn công tiền pháo hậu xung này chính là Việt Tân và Nhật Ký Yêu Nước. Để làm được điều này, quân số của chúng có thể đã tăng lên nhiều lần và hoạt động khá hữu hiệu. Việc vượt biên trên mạng của dân lề trái, chỉ làm cho animal khoái trá vì đã “đuổi” được đám người này ra đảo.

7. Minds là của Anonymous?

Hông có đâu, nó công khai. Trong số Advisor của nó có một tay Việt Nam tên Nguyen Anh Tuan, nhìn mặt quen quen, in là VC.

Cuối lời, dù đã bị mắng bằng những lời thô lỗ nhưng thực sự mình chẳng thể thây kệ được. Thêm một sân chơi là thêm một mặt trận đối đầu với cường quyền, điều đó tốt. Nhưng chỉ thực sự tốt khi những ngọn lửa cùng cộng hưởng, còn chia ra cháy chỗ này tắt chỗ kia thì vô cùng phí phạm. Mà như bạn thấy đấy, Minds không phải miền đất thần thánh như bạn nghĩ!

P/s: Hãy thử lấy hình hoàng kỳ làm avatar trên Minds xem sao? Có người than phiền là Minds không nhận hình hoàng kỳ.

Tham khảo


Tác giả: Hai Le
Edit: Triết Học Đường Phố