26 C
Nha Trang
Thứ hai, 14 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

10 bài học từ thí nghiệm xây dựng tính kỷ luật áp dụng dãy số Fibonacci

Cách đây 5 tháng, tôi có thực hiện một thí nghiệm nhỏ kéo dài 6 tuần với mục đích xây dựng tính kỷ luật, tự rèn luyện và đánh giá xu hướng hành động của bản thân. Sau này đọc cuốn Cộng Hòa của Plato, tôi mới được biết rằng 1 trong 4 phẩm chất cấu thành nên công bình chính trực (đề tài bàn luận xuyên suốt tác phẩm) là sự tiết độ và tính kỷ luật. Socrates đã đề xướng những cách thức xây dựng một thành quốc hoàn hảo. Trong đó, những ý tưởng về sự tự chế, tự giác, vừa phải, điềm đạm được nhấn mạnh rất nhiều lần.

Trong quá trình thực hiện, tôi đã liên tục cải tiến thí nghiệm cho tới điểm tôi cho là hoàn thiện nhất – không còn trở ngại trước việc thực hiện thói quen và tính toán được các thông số cần thiết (tôi đã dừng lại ở tuần thứ 7). Từ đó cho đến giờ, tôi quan sát lại thí nghiệm này và đối chiếu với những khía cạnh/trải nghiệm khác trong đời sống thì nhận ra được những bài học quan trọng với bản thân (có thể áp dụng trong thực tiễn được). Chưa kể, theo đánh giá của tôi, thí nghiệm này có thể sử dụng để xây dựng một Mobile App về thiết lập thói quen được. (Tuy nhiên, tôi chưa tìm được ai có thể hợp tác làm việc này.)

Hôm nay, thiên thời địa lợi nhân hòa, tôi xin chia sẻ sơ bộ thí nghiệm này với các bạn. Không phải nó sẽ đúng cho tất cả mọi người (vì tôi tự lấy bản thân làm chuột bạch), song cũng hy vọng bài viết này mang lại nguồn cảm hứng hay ý tưởng gì đó cho các bạn trong cuộc sống. Nếu không thì cũng đọc cho vui, để biết là trên đời vẫn còn có người mày mò làm thí nghiệm. Terence McKenna đã từng nói:

Không ai quá giác ngộ tới nỗi họ không cần phải cải tiến chính mình.

Mục đích chính của thí nghiệm là quan sát một thói quen được hình thành như thế nào, tìm hiểu mối liên hệ giữa các thói quen ảnh hưởng gì đến đời sống của bản thân, tác dụng của tính kỷ luật, làm sao để phát triển đức tính này và cuối cùng là tìm hiểu ý nghĩa của dãy fibonacci.

Tôi đã tiến hành như sau:

  1. Lựa chọn 5 hoạt động mình muốn xây dựng thói quen trong vòng 1 tháng (Đi bộ, tập yoga, thiền, viết sách và học ngoại ngữ. Với ai mới bắt đầu thì nên chọn 1 việc, rồi khi thạo rồi mới dần dần tích hợp thêm các việc khác.)
  2. Chia tổng giá trị (trọng số) cho các hoạt động tương ứng (tùy thuộc vào mức độ cần thiết, độ khó thực hiện và lợi ích của nó lên đời sống.)
  3. Gán hệ số phát triển là 7 số đầu tiên trong dãy fibonacci (1, 1, 2, 3, 5, 8, 13) tương ứng với 7 ngày trong tuần (từ thứ 2 đến chủ nhật) (Dãy số này xuất hiện rất nhiều trong tự nhiên. Tôi cho rằng vạn vật phát triển và suy thoái theo tiến trình của dãy số này.)
  4. Thực hiện mỗi ngày các hoạt động trên và đánh dấu check vào ngày nào làm được, bỏ trống ngày nào lười không làm và đánh dấu sao (*) ngày nào có sự kiện bất khả kháng chen ngang không thể thực hiện được.
  5. Kết thúc mỗi tuần, tôi tổng kết điểm số trung bình của từng hoạt động, từng ngày, tính % lười, % bất khả kháng, vẽ đồ thị phát triển của tuần, vẽ đồ thị phát triển của từng thói quen, tính biên độ giao động min/max, độ cộng hưởng của các hoạt động, tổng sinh khối của tuần.

*Dưới đây là một vài hình ảnh trong quá trình tôi làm thí nghiệm 😀_20180704_101750

_20180704_101804

Trong quá trình thời gian 6 tuần thực hiện thí nghiệm tôi nhận ra những yếu điểm của bản thân bao gồm:

  1. Lười
  2. Chán nản, thấy nhàm chán
  3. Ngụy biện để thoái thác công việc
  4. Làm việc cực đoan: Ngày không làm gì, ngày làm gấp đôi gấp ba
  5. Chạy theo thành tích mà không tập trung vào chất lượng công việc
  6. Ước lượng, tổ chức hoạt động/sự kiện khác trong ngày không khoa học dẫn tới nhiều việc chen ngang thói quen
  7. Không linh động trước các tình huống bất khả kháng
  8. Bỏ cuộc một lần là dễ chùn bước, không muốn quay lại

Sau này, nhờ có quan sát và chiêm nghiệm thêm cộng với việc tiếp tục duy trì 1-2 thói quen cơ bản (không đánh dấu vào bảng nữa), tôi có được góc nhìn rõ ràng hơn về thí nghiệm của mình và nhận thấy những lợi ích của việc xây dựng tính kỷ luật mang lại (càng về sau sẽ càng lớn nếu duy trì đều đặn), bao gồm:

  1. Nâng cao ý thức về cuộc sống
  2. Tăng cường sự tập trung vào bản thân, vào công việc và vào con đường mình đã chọn
  3. Tăng cường sự quyết đoán và sức mạnh ý chí
  4. Tăng cường sự kiên nhẫn, bền bỉ, gan lì dù gặp thất bại
  5. Tăng cường sự linh động trước tình huống nắm ngoài tầm kiểm soát
  6. Xây dựng được quan điểm/vị trí rõ ràng, vững chãi trước những biến cố của cuộc sống. (Từ đó có khả năng tự gỡ bỏ quan điểm khi nó không còn mức tối ưu cao nhất – tùy theo tình huống cụ thể.)
  7. Nhận biết được điều gì thật sự quan trọng trong đời sống cá nhân, điều gì cần bỏ bớt
  8. Chiến thắng sự lười, cảm giác nhàm chán và những lời lẽ ngụy biện cản trở trong đầu óc. Khai phóng được sức mạnh của bản thân.
  9. Tự tin hơn vào chính mình từ đó nâng cao được hiệu quả và hiệu suất công việc
  10. Tiết kiệm thời gian

Bên cạnh đó, tôi cũng rút ra được 10 bài học cho riêng mình (có thể nó sẽ đúng với ai đó):

1. Kỷ luật càng chặt chẽ, càng khó sa ngã

Việc chủ động xây dựng các thói quen cố định giúp bản thân có điểm nương tựa rõ ràng, vững chãi. Các hoạt động khác sẽ tự khắc được điều chỉnh thích hợp để tương thích với các thói quen được cài đặt. Mở rộng ra về việc xây dựng kỷ luật tinh thần, thái độ sống: Một người có thái độ càng rõ ràng và tích cực sẽ càng ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát và có khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn.

Kỷ luật càng chặt chẽ thì những điều tầm phào, mất thời gian, vô bổ, tiêu cực sẽ càng khó len lỏi vào đời sống, như một khu rừng có cấu trúc hoàn mĩ và không còn kẽ hở, các thực vật ngoại lai sẽ không thể xâm nhập được, hoặc nếu xâm nhập vào thì chúng cũng sẽ chết trong thời gian ngắn.

2. Không được bỏ cuộc

Khi đặt hệ số phát triển là dãy fibonacci, chưa cần nhân với trọng số của từng hoạt động, ta cũng dễ dàng nhìn thấy rằng nếu liên-tục-thực-hiện thói quen thì sự phát triển sinh khối những ngày sau càng lớn. Chỉ cần 1 lần gián đoạn thì đích đến đó bị tuột khỏi tầm tay một cách cực kỳ dễ dàng, thậm chí ta phải làm lại mọi thứ từ con số 0.

Giả sử ta thực hiện thiền liên tục trong 6 ngày, đến ngày thứ 7 ta bỏ không làm. Đáng lẽ ta sẽ đạt điểm 13 trọn vẹn, nhưng bây giờ ta không những không giữ được 8 điểm của ngày thứ 6, mà còn bị trừ đi 1 điểm khi bắt đầu rơi vào xoáy suy thoái. Rốt cuộc ta chỉ còn 7 điểm. Ta đã đánh mất 6 điểm – gần 50% tổng giá trị cao nhất có thể đạt được chỉ vì một lần bỏ cuộc.

Đấy là chưa kể nếu không vực lại ngay mà tiếp tục đà bỏ cuộc thì chiều hướng suy thoái càng ngày càng gia tăng theo dãy fibonacci. Thậm chí đến ngày cuối cùng tổng kết lại, sinh khối của tuần đó là âm. Tức là không những không được phần thưởng mà còn bị hao tổn năng lượng, nguồn lực. Rượu thưởng không được mà chỉ còn rượu phạt.

3. Kỷ luật là tự do (Khả năng nói Có hoặc Không)

Trước kia tôi đã từng nghĩ rằng việc ép mình vào một khuôn khổ/thói quen sẽ khiến bản thân bị gò bó, căng thẳng, mất tự do và điều này không tốt cho sự phát triển của bản thân. Nhưng khi thực hiện 6 tuần làm thí nghiệm, tôi đã nhận ra rằng việc xây dựng một thói quen sẽ giúp mình có sự lựa chọn, sự chủ động. Mình có khả năng nói có hoặc không trước một hoạt động/công việc nào đó chen ngang, hoặc ngay chính với thói quen mình đang thực hiện.

“True freedom is impossible without a mind made free by discipline.”
— Mortimer J. Adler

Chúng ta thường làm các việc trong vô thức và không có khả năng dừng lại hay nói “không” với nó. Ta không biết được điểm đầu vào của việc đó nên không thể tìm thấy lối ra, như việc ăn đồ ngọt, hút thuốc lá, check facebook, v.v…Chúng ta nghiện từ lúc nào mà không hay. Và khi xa rời những thói quen đó, chúng ta bị bồn chồn, cảm thấy thiếu thốn, khó chịu, không hài lòng và cần được thỏa mãn/giải tỏa ngay. Chúng ta là nô lệ cho những thói quen vô thức.

Nhưng khi đặt giới hạn cho số điếu thuốc ta hút, giờ hút thuốc, giờ check facebook, v.v… Ta tự do khỏi những thói nghiện đó một cách khá dễ dàng. Vấn đề không phải làm việc gì, mà làm nó ra sao. Tôi nhận ra rằng kỷ luật chính là tự do, còn phóng đãng mới là cứng nhắc (không có khả năng lựa chọn nói Có hoặc Không).

4. Không có công việc khó khăn hay sự bận rộn, chỉ có sự ngụy biện

Những ngày đầu thực hiện thói quen, những suy nghĩ trì hoãn xuất hiện rất nhiều và chúng cản trở tôi làm việc. Những lúc như thế tinh thần rất yếu đuối và mất tập trung. Khi nhìn rõ được những lý lẽ ngụy biện trong đầu, khi đến giờ làm việc tôi chỉ cần lao vào làm, bất chấp tâm trí nói gì, bất chấp mình có đang mệt hay không. Cứ 8h sáng là xỏ giày vào đi bộ, cứ 5h chiều là trải thảm ra tập yoga.

Khi bắt đầu không thỏa hiệp với những sự cản trở bên trong, những công việc bên ngoài dần được diễn ra mạnh mẽ và dứt khoát. Thậm chí về sau khi đã thành đường đi thông suốt, khi đến giờ, tự có một lực đẩy tôi về phía trước để thực hiện công việc. Thay vì nhăn nhó, khó chịu, than vãn như trước kia, bây giờ tôi vui vẻ, thích thú, sảng khoái. Khi ta bỏ bớt những chướng ngại sẽ thấy con đường luôn mở rộng.

5. Trung thực với bản thân là việc đầu tiên cần làm nếu muốn phát triển

Khi làm thí nghiệm, việc đầu tiên là phải trung thực. Nhiều lần, khi làm biếng bỏ một buổi nào đó, tôi vẫn muốn check vào bảng như là mình đã làm rồi vì nghĩ rằng có ai dõi theo mình đâu chứ.

Nhưng khi nhận ra nếu gian dối với chính mình thì thí nghiệm sẽ không cho ra kết quả chính xác. Như thế tôi sẽ không đánh giá đúng được hiện trạng của bản thân và không đề ra được các phương án cải thiện sau này.

Tương tự với các khía cạnh khác của cuộc sống, việc gian dối sẽ phủ lấp những điểm yếu của bản thân, thứ đáng lẽ cần được lộ ra để được cải tiến. Nếu một người muốn phát triển, tuyệt đối phải sống thực với chính mình, dù rằng việc soi thấy những điều tồi tệ ấy nhiều lúc không mang lại cảm giác dễ chịu. Người ta đã có câu:

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.”

6. Đoàn kết là sức mạnh

Trong thí nghiệm, tôi có tính toán độ cộng hưởng của các hoạt động với nhau. Vì chúng diễn ra song song nên sinh khối sẽ được tính bằng tích giá trị của các hoạt động đó. Kết quả thu được là những con số khổng lồ.

Tôi để ý thấy rằng chỉ cần 1 hoạt động thụt lùi hay rơi vào vòng suy thoái thì tổng sinh khối của tuần suy sụt nghiêm trọng, bất kể những hoạt động kia mình đã cố gắng ra sao.

Cũng giống như trong một tập thể, một người yếu kém sẽ kéo cả tập thể đi xuống. Một cái thùng nước chỉ chứa được lượng nước tới chiều cao của thanh gỗ ngắn nhất, chứ không phải cao nhất.

Vậy nên khi làm các việc song song, việc này ảnh hưởng sức mạnh đến việc kia. Nếu đã cố gắng thì tất cả phải cùng cố gắng. Khi xảy ra mâu thuẫn nội bộ, lệch pha lẫn nhau sẽ khiến chất lượng chung bị suy giảm.

Trong cuộc sống cũng vậy, ở một tập thể chung, sự đoàn kết và hài hòa giữa các thành viên quan trọng hơn là việc tranh luận ai đúng ai sai. Vì môi trường hài hòa là cốt lõi để phát triển, còn đúng sai chỉ là lớp vỏ hình thức, là thứ đến sau. (Tôi vẫn đang nỗ lực để cải thiện mình ở điểm này.)

7. Không nên chống lại tự nhiên

Ta không thể kiểm soát được mọi thứ, dù ta đã xây dựng các kế hoạch rất rõ ràng. Sẽ vẫn có những sự kiện chen ngang, tôi gọi nó là tự nhiên. Cuộc sống của một người là sự giao thoa giữa kế hoạch của anh ta và kế hoạch của tự nhiên.

Việc thiết lập thói quen chặt chẽ không chỉ giúp cam kết với công việc, mà còn tăng cường khả năng linh động khi rơi vào tính huống không mong muốn. Nó giúp ta biết phân biệt việc nào có thể kiểm soát được và việc nào không. Từ đó ta không bị rơi vào sự bất mãn khi mọi thứ không như ý. Một người càng nắm rõ bản thân thì càng dễ dàng thích ứng với ngoại cảnh, khiêm nhường với khả năng của chính mình và biết tôn trọng tự nhiên.

“Knowing other is intelligence, knowing yourself is true wisdom. Mastering other is strength, mastering yourself is true power.” – Lão Tử

8. Thành công không khó khi biết chia nhỏ vấn đề

Việc xây dựng thói quen và thực hiện đều đặn hàng ngày là một cách chia nhỏ khối lượng công việc để giải quyết. Càng chia nhỏ việc ta càng dễ làm. 1 tháng chạy bộ 100km nghe có vẻ to tát, nhưng thực ra chỉ cần mỗi ngày chạy hơn 3km là được. Một tháng đọc 1000 trang sách nghe đã thấy sợ, nhưng thực ra chỉ cần mỗi ngày đọc 30 trang là được.

Những người thành công là người có tầm nhìn, không phải người nước đến chân mới nhảy.

Tôi quan sát trong tự nhiên thấy sự chia nhỏ vấn đề, sự điều tiết nguồn lực và công việc của cây cối. VD cây chanh leo cứ 3 ngày nảy ra một dây cuốn, cây cà chua mới nảy cứ 3 ngày lại ra một nhánh lá, v.v…

Đến đây tôi chợt nhớ ra một câu nói, không nhớ chính xác tác giả là ai:

“Thiên nhiên không vội mà việc gì cũng thành.”

Thiết nghĩ, mình cũng nên học tập người thầy thiên nhiên điều tiết bản thân dần đi là vừa.

9. Cực đoan không phải là lối sống nên chọn

Sự cực đoan trong thí nghiệm được thể hiện ở việc chao đảo liên tục giữa chiều hướng phát triển và suy thoái, tức là ngày làm ngày bỏ, không ổn định. Tôi đã có một tuần lên-xuống như vậy và kết quả sinh khối cuối cùng của tuần đó bằng 0, thậm chí về âm.

Khi nhìn đồ thị những ngày kết quả đi xuống sâu, tôi phải nỗ lực nhiều hơn vào ngày hôm sau để kéo lại. Trong khi nếu thực hiện đều đặn, tôi không phải dùng quá nhiều sức mà vẫn cho kết quả cao hơn những ngày phải gồng gánh.

Có thể dễ dàng nhận ra, sự cực đoan làm hao tổn năng lượng nhiều hơn mà đem lại kết quả kém hơn sự ổn định trong cùng một khoảng thời gian, cùng một công việc.

Liên hệ đến đời sống, thiết nghĩ chúng ta cũng nên học cách điều tiết công việc, mối quan hệ và cảm xúc của mình, hạn chế sự chao đảo từ cực này sang cực nọ, tránh gây thất thoát nguồn lực, năng lượng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, theo nhìn nhận cá nhân, cực đoan cũng là mầm mống sản sinh ra sự phóng đãng, bất ổn, vô tổ chức, không cân bằng nên cũng không công bằng của một cá nhân hay của một tập thể.

10. Ý tưởng không đi kèm với hành động thì chỉ là ảo tưởng

Việc bắt tay vào làm thí nghiệm trên cũng xuất phát từ khao khát của tôi là muốn thấu hiểu mọi thứ và muốn trở thành một phiên bản con người có giá trị hơn. Trước kia, tôi thường hay mơ tưởng, hứa hẹn, trì hoãn mà mãi không hành động được nên cuối cùng không sản sinh được giá trị gì (kể cả cho mình hay cho tập thể). Từ đó, tôi càng rơi sâu vào cái hố tự ti, mặc cảm.

Nhưng khi bắt đầu xây dựng cho mình một lộ trình, một hướng đi và cam kết thực hiện nó đến cùng, tôi đã nhận ra rằng mình có nhiều sức mạnh hơn mình nghĩ. Và chỉ cần biết tổ chức tâm trí và cuộc sống thật quy củ thì dần dà, những điều gây cản trở trước kia sẽ tự khắc chuyển hóa thành động lực và công cụ hữu ích giúp mình thực hiện bước đường mong muốn.

Trong group THĐP đang tổ chức các Challenge xây dựng thói quen hàng tháng rất bổ ích. Chúng đã được phát triển được 3 tháng liên tiếp, bao gồm thói quen thiền, đọc sách, nofap và tập thể dục. Bạn nào muốn tham gia thì vào group ghi danh nhé.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin chia sẻ những điều mình cho là giá trị nhất đến với mọi người. Các nội dung và ý tưởng hoàn toàn xây dựng từ trải nghiệm cá nhân, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được các bậc tiền bối chỉ giáo. Xin cảm ơn rất nhiều.

“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.”

–Hồ Chí Minh

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: Free-Photos
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,860Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI