26 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 110

Đừng sợ sách bị dơ

3

Tôi là một người thích đọc sách, thích kiến thức, thích mình là một kẻ người ta hỏi gì mình đều biết, thích có thật nhiều sách trong nhà. Có hôm bạn mượn sách mình về đọc xong hỏi mình sao sách mà gạch be bét chi chít thế? Không biết giữ gìn sách à? Không biết trân trọng sao? Và phán rằng mình là kẻ lôi thôi, lộn xộn không biết yêu và trân trọng từng trang sách.

Bạn đọc sách không dám gấp mép lại để đánh dấu trang mình đọc, không bôi gạch, sách bạn bọc plastic không có một vết nhàu nát nào. Bạn không dám ghi chú vào cuốn sách, vào những chỗ quan trọng bạn không dám highlight.

Và tôi xin hỏi khi bạn đọc xong 100 cuốn sách sạch đẹp ấy bạn có nhớ gì không? Bạn có ấn tượng gì không? Hay bạn vẫn tự hào rằng sách mình thật sạch, mình là người cẩn thận, mình yêu sách? Đúng, có thể bạn là người yêu sách. Nhưng một cuốn sách bao gồm phần giấy và phần kiến thức, bạn yêu sách nhưng bạn chỉ yêu giấy thôi, bạn không quan tâm kiến thức, bạn mặc kệ rằng mình nhớ hay quên, bạn muốn mọi người biết rằng bạn yêu và trân trọng sách. Nhưng khi người ta hỏi một cuốn bất kỳ rằng ý nghĩa của cuốn sách ấy, những chuyển biến bi kịch của câu chuyện hay những câu nói hay trong cuốn sách bạn có nhớ nổi không? Cùng lắm bạn chỉ nhớ nổi phần dàn ý câu chuyện, phần ở bìa sau ấy hoặc là ý nghĩa nào đó ấn tượng nhất với bạn. Nhưng đôi lúc bạn bỏ quên hết điều hay.

Mình thấy việc highlight rất hiệu quả khi bạn muốn đọc lại cuốn sách đó, những phần in đậm bạn sẽ đọc kỹ hơn, nhớ sâu hơn. Việc giữ gìn kiến thức chắc chắn trong đầu bạn mới là phần cốt yếu quan trọng hơn việc đi khoe khoang bề ngoài. Bạn yêu sách là khi người ta nêu ra một đầu sách không phải bạn sẽ trả lời rằng cuốn đó tôi giữ rất kỹ mà rằng là cuốn đó tôi rất tâm đắc vì điều gì?

Về phần tôi, tôi rất thích viết những điều mình nghĩ vào những chỗ trống ở trang sách điều đó giúp tôi có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Và những bài viết của tôi sẽ sinh động hơn, sẽ có giá trị hơn, được tin tưởng và thực tế hơn khi có những câu trích dẫn trong chính cuốn sách tôi đã từng đọc. Tôi yêu sách nhiều bởi vì tôi không còn biết yêu thứ gì khác. Tôi yêu sách nhiều vì tôi sẽ tự thấy mình thông thái khi nói chuyện hơn. Tôi muốn có một thư viện sách thật to để có thể chia sẻ cả kiến thức và sách hay cho mọi người. Hãy cứ mượn về và chỉ cần cược lại niềm tin và uy tín của bạn. Tôi không yêu sách mù quáng và sai lệch, chỉ muốn sở hữu cho riêng mình. Tình yêu không phải là sự sẻ chia sao?

Bởi thế ông cha ta luôn có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vậy mà chẳng ai nhớ cả. Tôi thấy câu này rất đúng ở trường hợp nói về sách. Vì nếu là những thứ để trưng bày khác như rượu, máy chụp hình, v.v… thì chúng ta cần trân trọng vẻ ngoài. Hoặc nếu để chỉ con người thì tốt nhất vẫn là tốt cả hai mặt. Tuyệt nhiên với sách việc “tốt gỗ” nên được đặt lên hàng đầu dù có phải làm xấu đi vẻ bề ngoài.

Điều bạn yêu kiến thức hay giấy còn ảnh hưởng tới việc bạn có rộng lòng chia sẻ được hay không? Khi bạn yêu kiến thức, bạn thích trao đổi, thích bàn luận, thích chia sẻ điều đó với mọi người, bạn lan rộng những câu chuyện hay. Còn khi bạn yêu giấy, bạn không dám cho người khác mượn sách, bạn sợ cuốn sách của bạn bị nhàu nát, bạn không chịu nổi, bạn không muốn chia sẻ, bạn muốn giữ thật sạch sẽ, bóng loáng và bạn có cả một kho tàng nhưng bạn không thể chia sẻ bất kỳ điều gì.

Bạn lỡ cho người ta mượn sách người ta không giữ sách theo ý bạn, hoặc sách bạn lỡ bị con chó cắn nát. Bạn đánh con chó thừa sống thiếu chết. Bạn ghét người mượn sách. Nhưng nếu là người đi mượn sách thì mình nên dùng cách viết vào sổ tay và tôn trọng cuốn sách của chủ mặc dù nó có rách nát đến đâu. Đó là điều cơ bản khi bạn mượn bất cứ thứ gì. Còn người có sách ơi, bạn mất cuốn sách, mất luôn tình yêu của con chó, mất luôn cả người bạn, mất luôn chính bản thân mình. Tất cả điều đó có đáng để đánh đổi hay không?

Sách thì cũng chỉ là giấy thôi, chỉ là một phương tiện để chúng ta có thể tiếp cận với những thứ đằng sau con chữ. Đừng ngần ngại gạch và viết, gạch và viết.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: jarmoluk

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[Quora] Nếu quy luật nhân quả đúng, tại sao nhiều người xấu lại thành công? Tại sao những người tốt lại khổ cực?

0

Đây là một câu hỏi tuyệt vời, và tôi tin là rất nhiều người, kể cả tôi, đã từng trăn trở với suy nghĩ này. Tôi đã suy ngẫm thật kỹ và tra cứu qua nhiều tài liệu. Đây là câu trả lời của tôi:

Trước tiên, để tôi bắt đầu bằng một câu hỏi: Ai thành công hơn: Ram hay Ravan? (Translator: Ai từng đọc qua sử thi kinh điển Ramayana thì biết.) Hãy xem xét một vài sự kiện:

Ravan:

– Đã chiến thắng mọi đạo binh Thiên Quốc
– Có một kinh đô nơi tất cả nhà cửa cung điện đều được làm bằng vàng (Golden Lanka)
– Danh tiếng lẫy lừng bốn phương. Mọi người đều công nhận và sợ hãi sức mạnh của hắn.
– Nhưng xảo trá, tha hóa, vô lễ, khép kín, ích kỉ, kiêu ngạo, v.v…
– Rất giống với một chính trị gia tha hoá lũng đoạn thời nay.

Ram:
– Thông tường kinh sách Vệ Đà
– Rất khiêm nhường
– Một người cai trị rất giỏi
– Hòa đồng
– Tuân thủ luật pháp
– Nhưng đã bị lưu đày (cùng vợ và em trai) 14 năm trước khi lên ngôi
– Vợ là Sita bị bắt cóc trong thời gian lưu đày
– Phải vượt đường xa ngàn dặm tìm vợ
– Một lần nữa vợ chồng bị chia cắt khi anh lên ngôi vua
– Cơ bản là luôn có những khốn khó xảy ra trong đời
– Rất giống với một “người tốt” ngày nay!

Chúng ta luôn nói rằng Ram là người thành công – phải không? Nhưng trong thế giới ngày nay, có thể chúng ta sẽ nói Ravan (hay những người xấu xa) là người thành công. Tại sao có sự khác biệt này? Điểm sai nằm ở đâu? Vâng câu trả lời nằm trong cùng những cuốn sách đã định nghĩa nhân quả: Vệ Đà, Chí Tôn Ca, v.v..

Nếu bạn nhìn kĩ, chúng ta nói rằng Ram thành công là vì nó đã được viết trong sử thi Ramayana và tri thức này thì lại được truyền lại cho chúng ta từ đời này qua đời khác, các chương trình TV, v.v… Điều quan trọng cần chú ý trong trường hợp này, nhân quả và thành công được định nghĩa trong cùng một nơi – trong cuốn sách. Trong khi với câu hỏi này chúng ta đang nói về những định nghĩa ở hai nơi khác nhau: Nhân quả theo định nghĩa trong kinh sách, và “thành công” theo định nghĩa thời nay.

Hãy xem thành công là gì dựa theo kinh sách

Kinh Vệ Đà định nghĩa một người thành công là một người có trình độ tâm linh cao, người đã chiến thắng được giận dữ, ương ngạnh, và tham lam. Người này không mưu cầu quyền lực hay tiền bạc, bởi vì anh ta đã giác ngộ được chân lý tối thượng và biết được rằng cả hai thứ này đều “không thực” – chúng chỉ là những nguồn gốc của sự trói buộc và đưa đẩy một người xa rời con đường dẫn hắn tới God. Người này luôn biết thỏa mãn tri túc và hạnh phúc, không cần biết là thua hay thắng.

Nhưng trong thế giới hiện đại, tất cả những định nghĩa này đã thay đổi, quyền lực và tiền bạc tạo ra một ma trận so sánh. Danh tiếng và địa vị quan trọng hơn nhận ra điều đúng sai. Dựa theo kinh ssach thì đây là cái được gọi là *maya* (hư ảo) , những thu hút và cám dỗ giả tạm, là nguồn gốc của sự trói buộc vào thế giới vật lý này.

Cho nên bạn đã có thể thấy, những người xấu xa còn lâuuuuuuuuuu mới được gọi là thành công nếu căn cứ theo kinh sách. Nếu bạn tin vào nhân quả, bạn cũng nên hiểu thành công theo như kinh điển dạy. Đây cũng là ý nghĩa của câu nói “gieo nhân nào gặt quả đó.” Nếu bạn đã tha hóa, bạn sẽ có xu hướng chạy theo tiền bạc và quyền lực, nó sẽ dẫn dắt bạn tới sự trói buộc và thất bại tận cùng!

Tôi hy vọng câu trả lời này sẽ giúp xua tan khúc mắc.

Trả lời: Shikhar Agarwal, Top Writer 2013 (218.5k Views, 5.3k Upvotes)
Phóng dịch: Ka Ka

Featured image: Geralt

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Cảm ơn ông trời vì đã cho tôi sinh ra trong một gia đình nghèo

1

Hôm nọ về Sài Gòn thăm gia đình sẵn ra ngồi cà phê với nhỏ bạn. Nhỏ dễ thương, tuổi đôi mươi, đầy lý tưởng, khát vọng và ước mơ, đầy tài năng đến nỗi tôi phải lấy làm ganh tỵ. Nhỏ vẽ đẹp, rất đẹp, thêu thùa may vá đủ cả, giỏi tiếng anh, văn, toán. Vừa đi học vừa làm gia sư, nhà mặt phố chẳng phải lo miếng ăn. Tại sao tôi lại kể về nhỏ nhiều như vậy khi vừa bắt đầu câu chuyện? Vì tôi biết nhiều người nghèo hơn thế và nhiều người giàu hơn thế. Tất cả ai ai cũng đều có nỗi lo của riêng mình. Xin đừng mở miệng ra nói người giàu là người được sinh ra ở vạch đích, là người sung sướng hơn.

Người nghèo, tất nhiên nỗi lo của tất cả người nghèo là tiền bạc, là bữa cơm, nhà cửa. Nhưng người giàu họ cũng có những nỗi lo khác còn to lớn hơn những nỗi lo của người nghèo. Người nghèo không sợ bị cướp của, người giàu đêm ngủ không yên sợ trộm vào nhà. Người giàu họ lại càng muốn giàu đến nỗi họ có quá nhiều việc, phải duy trì làm sao để không bị phá sản, không bị người khác chơi xỏ, v.v… Con của người giàu không biết xã hội hoạt động như thế nào vì người giàu sợ để con ra đời nó không chịu nổi. Con người giàu không được trải qua những cảm xúc chạm đáy nỗi đau khổ, tủi nhục để biết trân trọng cuộc sống. Con người giàu không phải được sinh ra từ vạch đích mà được sinh ra rồi lớn lên trong một cái bọc đến lúc vỡ cái bọc không biết mình đang ở đâu. Lúc đấy con người giàu cũng đau khổ như con người nghèo nhưng là một nỗi đau khác.

Tôi cảm ơn ông trời, trịnh trọng hôn chân ông trời vì đã cho tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Tôi không than thân trách phận tại sao mình không được như người ta. Vì chính bản thân tôi nhìn thấy được giữa nghèo và giàu có những mặt lợi – hại gì. Lúc có tôi, mẹ tôi không giàu, từ nhỏ đến lớn tôi không biết tiêu xài phung phí. Bạn bè rủ tôi đi coi phim một vé 50.000 tôi không đi. Tôi nói 50.000 đó tôi có thể mua được một cái áo hoặc thứ gì đó thực dụng hơn. Tôi đã tự buôn bán trên trường học và internet để có thêm tiền tiêu vặt. Đến lúc mẹ tôi có tiền là lúc có em tôi, nó cấp 1 mà dùng tiền như nước không cần biết giá trị đồng tiền là như thế nào. Vậy nên tôi rất hiểu vấn đề.

Có vẻ tôi đã đi quá xa cô bạn lúc đầu. Cô gái này quá hoàn hảo về mặt vật chất và không phải trong top người chỉ lo cơm áo gạo tiền qua ngày. Nhưng cô lại có những nỗi lo khác. Đây là ví dụ cho những nỗi lo xa hơn. Nhỏ với tôi uống cà phê. Nhỏ hỏi:

— Sao L có thể sống bình thản mà không cảm thấy mình vô dụng? Mấy ngày nay A không kiếm ra tiền cứ thấy mình rất vô dụng và bứt rứt trong người.

Thì ra vẫn có liên quan đến tiền, nhưng không phải để ăn mà là sợ bản thân vô dụng mặc dù không túng thiếu. Tôi mà không có lúc như vậy ư? Có mà đầy, nhưng chỉ là trước kia thôi. Và tôi biết thừa ngay lúc này đây vẫn có rất nhiều người sợ cảm giác không làm gì và nghĩ mình là kẻ vô dụng. Tôi trả lời ngay:

— Có lẽ đây là khủng hoảng ở tuổi bọn mình, sợ người khác coi mình là kẻ ăn bám, sợ người ta nói mình vô dụng, sợ mình là kẻ thừa của xã hội nếu mình không đứng lên bước ra xã hội mà kiếm tiền. Người ta sẽ nói mình sao không đi làm bưng bê phục vụ mà kiếm thêm đi, cũng học được kinh nghiệm. Người ta quở trách mình là kẻ lười nhác, sinh viên là phải đi làm thêm không sẽ bị coi là kẻ ăn bám. Còn không phải sinh viên mà còn không đi làm thì càng bị nói nhiều hơn nữa. Đã ngu còn lười blah blah…

Nhưng nên nhớ, người ta cho dù là cha mẹ mình đi chăng nữa, mình không thể sống suốt đời để thoả mãn họ. Mình phải sống cuộc đời của mình. Mình không sống dùm người ta mà người ta cũng không sống dùm mình được. Không làm ra tiền không có nghĩa mình vô dụng. Tất cả những việc có ích cho bản thân mình đều có ý nghĩa. Mình đọc sách, tập thể dục, làm việc nhà là những việc trau dồi kiến thức và sức khoẻ cho mình. Chúng không kiếm ra tiền không có nghĩa là vô nghĩa. Phải có những ngày nghỉ, xả hơi cho mình thoải mái mới hiệu quả làm việc. Còn sức khoẻ vật vờ như ma, kiến thức hạn hẹp thì kiếm ra bao nhiêu tiền cũng chỉ để làm nô lệ cho đồng tiền. Thay vì những lúc ngồi suy nghĩ mình vô dụng hãy đứng lên làm những việc có ích cho bản thân.

L bình thản vì L vẫn có cơm để ăn, áo để mặc, vẫn được đi du lịch, được ăn rau sạch và không khí trong lành. Cuộc đời đối với người này là dài nhưng đối với người kia lại ngắn. Đó là lý do tại sao 10 năm trôi qua họ nhìn lại họ thốt lên rằng sao nhanh quá! Vì ngày hôm qua họ cũng sống y như ngày hôm nay và 10 năm lặp đi lặp lại mà họ không hề để mình chậm lại cảm nhận mỗi ngày trôi qua đều khác. Quần quật kiếm tiền để mong một ngày được ấm no, ăn ngon mặc đẹp nhưng rõ ràng những điều ấy đã có mà họ vẫn tiếp tục làm theo thói quen và chẳng biết khi nào ấm no mới đến. Họ kiếm tiền, kiếm vật chất hào nhoáng, thoả mãn với những lời khen gợi mà quên mất rằng thứ đáng kiếm tìm nhất là ý nghĩa cuộc đời, là yêu thương, là bình yên.

Lúc ấy A có vẻ phấn chấn và cảm ơn tôi nhiều lắm. Chà, chém gió mà giúp được người thiệt là thích. Vài ngày sau cô gái lại gọi mình ra cà phê. Tay đầy vết gạch chi chít. A nói:

— A mới rạch tay và giờ lại muốn nữa. A thấy thoải mái khi có ý nghĩ ấy và A cần giúp đỡ. Và không có lý do gì hết chỉ là A muốn.

Hừm, thì ra lần trước tôi chỉ chữa cái ngọn của cô gái này thôi. Có vẻ cô ấy bị trầm cảm nặng. Tôi nói:

— Hôm trước tôi nói với A những điều đó chỉ là để đánh lừa bản thân A thôi. Để A lại tiếp tục bận rộn và không suy nghĩ nhiều. Nhưng có vẻ bản thân A đã nhận ra điều đó nên A thấy tất cả điều đó đều không phải. Nếu chính bản ngã của A muốn gặp A, hãy để nó được nhìn thấy. Hãy để tâm A bình tĩnh lại, nhìn thẳng vào A. Luyện tập từ từ và lâu dần A sẽ biết bản chất thật và điều A muốn là gì. Đừng lẩn trốn nữa, đừng sợ. Hãy tập trung vào hơi thở, hoà mình vào tiếng động xung quanh.

A làm theo tôi, sau đó tôi nghĩ: “Thật ra tôi cũng điêu lắm về bản ngã và bản chất nhưng cứ nên là dạy theo lời tôi đã đọc. Có thể sẽ giúp ích cho cô ấy. Vì rõ ràng tôi không còn cách nào khác, tôi chỉ là một kẻ chém gió dạo chứ đã giác ngộ bao giờ. Chí ít tôi cũng đã thực hành và giờ đây tôi sống vui vẻ.”

— A hết hẳn cảm giác bứt rứt và muốn tự huỷ hoại thân thể rồi. Sau những giây phút ngồi bình tâm lại và cảm nhận hơi thở A cảm nhận được những điều kì lạ, A thấy cơ thể nhẹ bẫng và những suy nghĩ đến và đi, rồi A thấy thác nước, thấy dòng chảy, A thấy bình yên.

— Mong A sẽ tìm được bản thân mình trong hành trình này nhé. Và nhớ kết hợp với sự trau dồi sức khoẻ, kiến thức và đạo đức. Không cần trau dồi tiền hay lời khen gợi đâu. Vì người có một giỏ tiền rồi cũng có ngày dùng hết nhưng người có một giỏ kiến thức sẽ kiếm ra tiền và nhiều thứ khác nữa. Chúc A luôn vui vẻ và yêu đời.

Chém gió đến đây thôi chứ thực ra tôi chỉ là một kẻ huênh hoang cái nghèo của mình chứ chẳng hơn gì ai. Nhưng với tôi nghèo mà không có nỗi lo vẫn thích hơn giàu mà trăm ngàn lo toan. Sướng khổ tự tâm. Tôi nghèo vật chất nhưng giàu bình yên và hạnh phúc Nên tôi luôn thích phân phát bình yên và hạnh phúc cho mọi người.

Và tôi không thực hành thiền định để tìm tự do, để giác ngộ hay để đến được niết bàn. Tôi thích triết học nhưng tôi rất sợ mình lạc lối đến thần học, đến những điều cao siêu. Tôi chỉ cảm nhận hơi thở, nhịp tim để tâm tịnh, để dễ ngủ hay đơn giản là để xả stress. Theo tôi đây là cách đơn giản nhất tại nhà ngoài ra có thể tập yoga và thiền tập thể.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: nattanan23

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Thức ăn từ thiên đường (Phần 1): Tảo xoắn Spirulina

Xin chào mọi người!

Lời mở đầu, nhìn nhận thấy tình trạng khan hiếm thức ăn sạch, bổ dưỡng, của đa số mọi người ở Việt Nam. Hằng ngày người Việt phải ăn đồ ăn với dư lượng trừ sâu, tăng trưởng, hóa chất, v.v… đủ các kiểu độc hại, làm mình rất đau đầu về chuyện ăn uống ở đây. Thức ăn là một phần của đời sống, chúng ta ăn gì, chúng ta nhận nấy. Thực tế xảy ra sẽ là nếu phải bị ăn đồ ăn “bẩn” trong khoảng thời gian dài, khi già bạn sẽ mắc rất nhiều bệnh tật, nhấn mạnh ở đây là “rất nhiều”. Sự khác biệt có thể thấy khi so sánh người dân sống ở nông thôn so với thành thị.

Cái khó ở đây, đa số người dân Việt Nam là người nghèo, đồ ăn Organic sạch thì giá cả lại mắc gần như gấp đôi thực phẩm thường, người dân nghèo ở thành phố gần như mắc kẹt trong đống thực phẩm bẩn mà thương gia nhập bán hằng ngày, không lối thoát. Trớ trêu thay, Thượng Đế tặng cho con người cả quả đất màu mỡ, với đầy đủ mọi thứ tốt đẹp đủ để con người sống no đủ trọn đời, chỉ là đôi khi con người lãng quên mất điều đấy.

Với loạt bài viết “Thức ăn từ thiên đường”, mình sẽ nghiên cứu và giới thiệu với tất cả các bạn các loại thực phẩm “ngon, bổ, rẻ” và “đỡ dơ” nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay. Mình không dám đảm bảo 100% sạch khi loài người đã tác động quá nhiều đến nguồn nước, đất, không khí và ngay cả hạt giống biến đổi gen. Nhưng mình có thể đảm bảo những thực phẩm này là tốt nhất và rẻ nhất cho cơ thể các bạn ngay cả khi bạn không có gì để ăn. Rất phù hợp với tình hình xã hội Việt Nam với nhiều biến động trong năm 2018 này. God không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

1.  TẢO XOẮN SPIRULINA

Tảo xoắn (tên khoa học là Spirulina platensis) là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, chỉ có thể quan sát thấy hình xoắn sợi do nhiều tế bào đơn cấu tạo thành dưới kính hiển vi. Những nghiên cứu mới nhất lại cho biết chúng cũng không phải thuộc chi Spirulina mà lại là thuộc chi Arthrospira. Tên khoa học hiện nay của loài này là Arthrospira platensis, thuộc bộ Oscilatoriales, họ Cyanobacteria.

Tảo Spirulina đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Chúng có những đặc tính ưu việt và giá trị dinh dưỡng cao. Các nhà khoa học trên thế giới đã coi tảo Spirulina là sinh vật có ích cho loài người. Loại tảo này do tiến sĩ Clement người Pháp tình cờ phát hiện vào những năm 1960 khi đến hồ Tchad ở Trung Phi. Nhà khoa học này không khỏi kinh ngạc khi vùng đất cằn cỗi, đói kém quanh năm nhưng những thổ dân ở đây rất cường tráng và khỏe. Khi Clement tìm hiểu về thức ăn của họ, bà phát hiện trong mùa không săn bắn, họ chỉ dùng một loại bánh màu xanh mà nguyên liệu chính là thứ họ vớt lên từ hồ. Qua phân tích, bà phát hiện ra loại bánh có tên Dihe này chính là tảo Spirulina. (Nguồn wikipedia)

Với hiểu biết riêng của mình, tảo xoắn đã và đang được dùng làm thực phẩm cho phi hành gia ngoài không gian, với dạng đóng vào tuýp, họ có thể tồn tại khỏe mạnh với việc chỉ ăn tảo xoắn trong thời gian dài. Có nghĩa là trong điều kiện khắc nghiệt, tảo xoắn hoàn toàn có thể cứu chúng ta khỏi chết đói chỉ với vài gram mỗi ngày mà không cần phải ăn thêm thực phẩm gì khác. Đây là thứ được giới khoa học nhận định là loại siêu thực phẩm với giá trị dinh dưỡng cao thuộc hàng bậc nhất.

“Hàm lượng protein trong Spirulina thuộc vào loại cao nhất trong các thực phẩm hiện nay, 56%-77% trọng lượng khô, cao hơn 3 lần thịt bò, cao hơn 2 lần trong đậu tương.

Hàm lượng vitamin rất cao. Cứ 1 kg tảo xoắn Spirulina chứa 55 mg vitamin B1, 40 mg vitamin B2, 3 mg vitamin B6, 2 mg vitamin B12, 113 mg vitamin PP, 190 mg vitamin E, 4.000 mg caroten trong đó β-Caroten khoảng 1700 mg (tăng thêm 1000% so với cà rốt), 0,5 mg axít folic,inosit khoảng 500-1.000 mg.

Hàm lượng khoáng chất có thể thay đổi theo điều kiện nuôi trồng, thông thường sắt là 580–646 mg/kg(tăng thêm 5.000% so với rau chân vịt), mangan là 23–25 mg/kg, Mg là 2.915-3.811/kg, selen là 0,4 mg/kg, canxi, kali, phốtpho đều khoảng là 1.000-3.000 mg/kg hoặc cao hơn (hàm lượng canxi tăng hơn sữa 500%).

Phần lớn chất béo trong Spirulina là axít béo không no, trong đó axít linoleic 13.784 mg/kg, γ-linoleic 11.980 mg/kg. Đây là điều hiếm thấy trong các thực phẩm tự nhiên khác.

Hàm lượng cacbon hydrat khoảng 16,5%, hiện nay đã có những thông tin dùng glucoza chiết xuất từ tảo Spirulina để tiến hành những nghiên cứu chống ung thư. ” (Nguồn wikipedia)

2. TÌM TẢO SPIRULINA Ở ĐÂU?

Ngoài chợ chắc chắn không bán, và bạn cũng không có khả năng tìm kiếm thứ này trong tự nhiên, giá nhập khẩu sản phẩm từ Nhật thì rất mắc, nên mình khuyến nghị phương án cuối cùng là “tự cung tự cấp”. Chi phí dao động vào khoảng rẻ nhất là 1,5 triệu, phụ thuộc vào qui mô mà nó sẽ đội thêm phí. Lợi ích là sau khi đầu tư khoảng < 2triệu bạn đã có thể tự nuôi và thu hoạch tảo rất đơn giản, và không tốn thêm bất kì phí duy trì mắc tiền nào ngoài tiền điện cho máy sục khí (không đáng kể) , và dinh dưỡng 6 tháng phải thay 1 lần (khoảng 500k sau 6 tháng), rất rẻ phải không?

3. NUÔI TẢO XOẮN NHƯ THẾ NÀO?

Các bạn có thể dùng từ khóa “Nuôi trồng tảo spirulina” trên youtube để nghiên cứu về cách nuôi trồng, và hiện đã có người đứng ra cung cấp dinh dưỡng cũng như tảo giống cho các bạn ở Việt Nam, khá dễ để tìm hiểu hết về nó. Mình chỉ ra luôn cũng được, nhưng mình muốn mọi người nên tập thói quen tự tìm tòi để nó trở thành kinh nghiệm riêng của mỗi người.

4. SỬ DỤNG TẢO XOẮN NHƯ THẾ NÀO?

Có thể ăn sống, hoặc phơi khô qua một nắng rồi giã thành bột để dành pha với nước hoặc với các thực phẩm khác.

Đó là tất cả thông tin cơ bản về Tảo xoắn Spirulina, một trong những loại thực phẩm cao cấp mà loài người có thể sử dụng, nếu cảm thấy sự ủng hộ, mình sẽ dành tâm huyết hơn cho những bài viết về loại thực phẩm kế tiếp. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc và tìm hiểu! Có câu hỏi gì thêm về nội dung inbox mình qua Facebook Nguyễn Huỳnh Trọng Hiếu nhé.

Ngoài lề một chút, thêm lý do để mình viết loạt bài này vì nhận thức được sự khó khăn đang đến với dân tộc Việt Nam trong vài năm tiếp theo. Khi lạm phát gia tăng, khả năng Việt Nam thành Venezuela là có thật nếu người dân “không làm gì cả”. Khi đó sẽ ra sao? Với các loại thực phẩm được nêu trong đây, bạn có thể tồn tại mãi mãi mà không phải phụ thuộc vào kinh tế cũng như chính phủ, chỉ khi đó con người ta mới được tự do một chút để đấu tranh cho bản thân mình. Mình luôn hi vọng mỗi cá thể người Việt sẽ luôn biết phải làm gì trong khoảng thời gian này. Pray for VietNam, for me and you!

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Trọng Hiếu

*Featured Image: Nouchkac 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chẳng có ai bán chiếc vé trở về tuổi thơ

1

Năm tháng đã trôi qua biền biệt, sự tăng trưởng của áp lực cuộc sống khiến tôi luôn cảm thấy nhức nhối. Vậy nên, những buổi sáng thức dậy cùng bình minh nằm dài trên giường và ước mong có tiếng mẹ đẩy cửa bước vào phòng, gọi lớn: “Này con, dậy đi, con sắp muộn học đấy!”

Tôi muốn quay trở lại căn nhà ấm cúng từng sống cùng cha mẹ thuở ấu thơ, muốn xa lánh thế giới của người lớn hiện tại. Ôi tôi đã từng mơ không cần phải đến trường, tôi ghét sự quản thúc của mẹ, ghét tỉ thứ của cuộc sống một đứa trẻ và tôi đã từng muốn lớn thật nhanh. Vậy mà giờ tôi lại thèm thuồng giấc mơ được bé lại, nó chẳng phải từng là nỗi ám ảnh của tôi sao?

Cho đến hôm tôi trông thấy một đứa bé rất quen thuộc đang tiến đến, ngồi xuống bên cạnh tôi, đứa bé nói: “Kể cho em nghe đi, cảm giác được làm người lớn.’’

Tôi run rẩy nhìn em và bật lên tiếng kêu khóc thảm thương. Bởi khuôn mặt ngây thơ hồn nhiên đó khiến tôi hổ thẹn, tôi chỉ có một khuôn mặt luôn nhăn nhó khó chịu. Nhưng thật ngạc nhiên, đứa bé lại rất hứng thú với những điều tôi kể, những câu chuyện quen thuộc mà tôi đã phát ngán tận ruột gan. Và có vẻ như trong đôi mắt trong sáng ấy, tôi hiện ra chẳng khác gì một người hùng.

Khi trưởng thành, tôi luôn đặt ra một dấu chấm hỏi lớn. Tại sao cuộc đời lại đối xử với tôi như vậy?

Cuộc đời là hai từ quá xa lạ đối với tôi lúc còn nhỏ. Không ai gọi tên nó trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi chưa bao giờ trông thấy nó có hình hài ra sao? Thậm chí là tận khi biết đến sự tồn tại của nó, tôi bây giờ vẫn còn quá kinh ngạc.

Giống như một đứa trẻ luôn vòi vĩnh cha mẹ những điều chúng yêu thích. Khi tôi lớn, mũi tên đã được chuyển hướng sang một đối tượng khác, đó chính là cuộc đời.

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi liệu cuộc đời này đang đối xử với bạn thế nào không? Đừng hỏi những câu ngu ngốc kiểu đấy, cũng giống như cha mẹ chưa bao giờ cho tôi quyền tự do sở hữu những điều tôi muốn lúc còn bé. Cuộc đời cũng thế thôi, bạn muốn điều này nhưng nó sẽ chỉ dành cho bạn điều kia, nhưng đừng oán trách làm gì. Cha mẹ bạn sẽ biết cách dỗ dành khi bạn giận hờn, cuộc đời không như thế, nó sẽ mặc kệ bạn.

Bạn thừa thông minh để nhận ra cuộc đời này đếch quan tâm đến bạn, vậy nên khi bạn đủ lớn để nhận ra, bạn lúc nào cũng muốn mình bé lại. Nhưng làm sao bé lại khi nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn là gánh nặng trên vai. Ngay cả khi phải vất vả một ngày trên trường, mình vẫn có thể vui chơi thâu đêm với lũ bạn. Nhưng để xem khi mình đã lớn, một ngày làm việc trên công ty và tối về đến nhà là chỉ muốn ngay lập tức được nằm cho thỏa cái lưng. Tại sao hồi xưa cha mẹ luôn không hiểu ý mình, nói gì ra cũng tranh luận. Nhưng khi đã lớn, ừ thì cũng có thể cha mẹ mình đã đúng.

Ôi con chán ngán với những câu hỏi hôm nay bài tập con làm xong chưa? Môn thi này cuối kỳ con đạt bao nhiêu điểm? Đề dễ thế này mà chừng đó điểm sao? Học hành kiểu gì đấy? Dù sao nó cũng khiến tôi thoải mái hơn những lời của sếp. Sao chưa nộp báo cáo? Tiến độ thế này à? Anh chị nộp cho tôi cái gì đây? Nó quá tệ! Kinh hãi nhất là cảnh cô chủ trọ đến ngày đòi tiền thuê nhà. Gạo trong thùng không còn mà mì gói cũng sạch. Và có một điều mà người lớn nào cũng nhận ra là không đâu bằng nhà mình, không gì sung sướng hơn ở với cha mẹ. Ôi bao nhiêu mơ mộng ảo tưởng đã theo gót chân người lớn trôi dạt phương trời nào?

Có lẽ khi chúng ta lớn, là những ngày buồn bã, chán nản, tuyệt vọng  với cuộc sống. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng chỉ chừng đó chuyện chúng ta phải trải qua. Mỗi giai đoạn lại phải đối diện với một vấn đề. Người lớn nghĩ rằng nỗi đau của trẻ con tí tẹo bằng con kiến, người lớn không bao giờ hiểu việc mẹ không cho con ăn bim bim cũng chẳng khác nỗi đau hôm nay trong thùng người lớn hết gạo.

Hãy nhớ thời điểm lúc bạn còn bé. Đó là ước mơ muốn được là bây giờ và thử cố sống lại những ngày bạn nghĩ mình sung sướng. Tôi không chắc bạn cũng trải qua một tuổi thơ giống tôi. Nhưng hồi bé tôi không được sống tự do như lúc này. Mẹ luôn bắt tôi phải làm việc này việc kia, không được đến những nơi tôi muốn, thậm chí là sang nhà đứa bạn hàng xóm cạnh bên. Tôi bước ra đường và muốn mua một món đồ nhưng tôi không có tiền. Tôi về nhà xin mẹ, nhưng bạn biết đấy, không phải lúc nào mẹ cũng hài lòng với những thứ chúng ta thích. Đấy, làm người lớn cũng hạnh phúc vì chúng ta có thể tự lựa chọn và đủ khả năng để chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Khi bé không thế. Hồi bé từng ước mong mình lớn thật nhanh. Rồi cũng từng ước mơ mình bé lại như bao người.

Tuy nhiên, tôi cần nhận ra nếu  không từng khao khát lớn lên thì cũng chẳng bao giờ mơ bé lại. Vì nếu tôi đứng trước cuộc đời mà hoàn toàn vô cảm, điều đó thật tai hại. Vậy phải chăng cảm giác chán nản buồn bã lúc này chỉ là một sự hiển nhiên?

Với riêng tôi, nếu mang lên bàn cân đong đếm, tôi nghĩ làm người lớn sẽ nặng ký lô hơn. Vì khi tôi lớn, tôi bắt đầu được trải nghiệm những điều tôi thích, nếm trải được rất nhiều cung bậc cảm xúc mà hồi bé không có. Gần gũi nhất có lẽ là tình yêu nam nữ. Đó là một cảm xúc tuyệt vời mà chỉ có người lớn nào may mắn mới được nếm qua. Tôi hiểu thế nào là đau khổ tuyệt vọng cùng cực. Biết là có khi mình phải lao xuống vực sâu hố thẳm, nhưng chỉ đến một giới hạn, chúng ta lại biết cách vùng vẫy ngoi lên. Cuộc sống này có những cột mốc giới hạn, và chỉ có người lớn mới đủ khả năng chạm vào, điều đó khiến tôi không còn cảm giác sợ hãi. Khi bé, chúng ta có bao nhiêu thứ phải sợ hãi. Sợ ma, sợ bị té, sợ bị mẹ đánh… ôi nếu sống mà phải sợ hãi nhiều điều thì có gì hay ho để sống nữa. Bạn có nghĩ vậy không?

Cuộc đời vẫn luôn thế. Đừng nghĩ rằng nó bất công. Nó công bằng với tất cả, không ngoại trừ một ai. Đừng hỏi những câu ngớ ngẩn: Cuộc sống cô ấy sao may mắn và thuận lợi hơn tôi? Cha mẹ cô ấy giàu có nên cô ấy sung sướng hơn tôi? Tại sao tôi sinh ra lại nghèo túng khó khăn? Không! Hãy nhớ rằng hôm nay bạn thất tình thì ngoài kia còn có hàng trăm người đang thất nghiệp. Chẳng phải trẻ con cũng luôn so sánh sao bạn ấy có đồ chơi mới, trong túi bạn ấy có nhiều kẹo hơn con, búp bê của bạn ấy xinh hơn, con muốn có chiếc xe như bạn ấy…

Biết rằng làm người lớn là khi phải luôn e dè cẩn trọng với mọi người xung quanh, nhưng đó có lẽ là lý do khiến người lớn luôn bị đánh lừa. Người lớn sợ hãi thống khổ nhưng không biết rằng một đứa bé lúc khát nước đã uống trọn tất cả các thứ ly đặt trên bàn. Người lớn muốn trong sạch giữa cuộc sống, nhưng đứa bé luôn háo hức trước bùn lầy dơ bẩn.

Nào! Can đảm lên hỡi trái tim già cỗi. Chúng ta không thể sống lại bằng một đứa bé nhưng chúng ta có thể vui hưởng trong thân xác một người lớn. Có biết bao nhiêu điều hôm nay người lớn gọi là thống khổ nhưng thật ra chúng chỉ vỏn vẹn rộng chừng một cái giường và kéo dài bằng một giấc ngủ. Sáng mai thức giấc, ngày mới tươi đẹp lại mỉm cười với trần gian.

Chỉ khi nào bạn chối bỏ đứa bé xưa kia bạn đã từng thì lúc đó bạn mới thực sự trở thành đứa bé bạn ao ước. Đừng trông mắt dõi tìm, đứa trẻ đó không thất lạc, nó vẫn luôn ở trong bạn.

Bạn muốn một chiếc về trở về tuổi thơ? Chẳng có ai bán đâu! Và phải chăng người nào muốn trở về tuổi thơ thì chỉ có một cách duy nhất. Đó là vượt thắng người lớn trong chính họ.

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: Free-Photos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[Bài dịch] 11 điều kì lạ về “nấm thần” (Magic mushroom)

Thoạt nhìn qua, “Psilocybe cubensis” (tên 1 giống nấm thần) chẳng có gì ma thuật cả. Thật ra, tên khoa học của loại nấm nâu nâu trắng trắng này có nghĩa là “đầu hói”, nghe hợp có vẻ với loại nấm này hơn. Nhưng những ai đã từng thử đều nói rằng thứ nấm này làm thay đổi cả thế giới của họ.

Nấm thần là một chủng nấm bao gồm khoảng 100 loài nấm có chứa psilocybin và psilocin, nguyên nhân chính gây ra sự ảo giác và các trạng thái thức thần khác. “Nấm thần” đã được sử dụng từ lâu trong các nghi thức tôn giáo ở Trung Mỹ, còn bây giờ nó nằm trong danh sách hàng trên chợ đen của Mỹ và nhiều quốc gia khác, nơi mà nó được coi là một chất bị kiểm soát.

Làm sao mà mấy cây nấm nhỏ xíu đó có thể mở mang đầu óc bạn ra được? Hãy cùng tìm hiểu những bí mật lạ lùng của nấm thần nhé.

1. Nấm thần tạo ra siêu kết nối trong não bộ

Các chất có trong nấm làm cho người dùng có cảm giác “nhũn não”, nhưng thực tế, nấm lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại. Psilocybin tăng cường khả năng liên kết của não, theo một nghiên cứu của King’s College London. Trong nghiên cứu này, 15 tình nguyện viên được scan não của mình bằng máy cộng hưởng từ fMRI. Sau khi đã sử dụng 1 liều nấm thần, họ sẽ được scan não, và scan lại một lần nữa sau khi sử dụng thuốc giả dược. Kết quả của bản đồ liên kết não cho thấy khi sử dụng psilocybin, các dây thần kinh của não không còn liên kết một cách tự nhiên nữa. Hành vi này của não giải thích vấn đề tại sao người dùng nấm thần kể rằng họ cảm thấy như đang mơ sau khi sử dụng nó.

2. Làm chậm

Nấm thần còn có tác dụng khác lên não. Psilocybin hoạt động bằng cách bám vào các tế bào chuyển vận thần kinh serotonin. Mặc dù vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động này tác động lên não một cách chính xác, nhưng các nghiên cứu cho rằng nấm thần còn có các hiệu ứng liên quan tới giao tiếp giữa các vùng não do đó tăng cường khả năng đồng bộ của não bộ.

Thalamus Brain Anatomy
Photo: Shutterstock

Trong một nghiên cứu, những hình chụp của não bộ của những tình nguyện viên sử dụng nấm thức thần cho thấy nó làm giảm khả năng truyền thông tin ở phần đồi não, nằm sâu ở giữa não. Làm chậm khả năng hoạt động của đồi não từ đó làm cho thông tin di chuyển khá tự do trong não, vì đồi não như cánh cổng để giới hạn những liên kết, theo nghiên cứu của Imperial College London.

3. Quá khứ của nấm thần

Người Trung Mỹ đã sử dụng nấm thần rất lâu trước khi người châu Âu đặt chân đến vùng đất mới này. Loại nấm này phát triển tốt ở khí hậu nơi đây. Nhưng con người đã sử dụng loại nấm này từ bao lâu rồi?

aHR0cDovL3d3dy5saXZlc2NpZW5jZS5jb20vaW1hZ2VzL2kvMDAwLzA4OS82ODgvb3JpZ2luYWwvTWFnaWMtbXVzaHJvb21zLWdvLXdheS1iYWNrLmpwZw==
Credit: Pichugin Dmitry/Shutterstock

Đây là câu hỏi khá hóc búa, một bài báo cáo năm 1992 trong 1 bản tin “Tổng hợp: chuyến đi của thảo dược thức thần và văn hóa”, cho rằng những tác phẩm từ đá ở Sahara từ 9000 năm trước đã mô tả NẤM THẦN. Hình dáng của một người đang cầm một vật trông giống nấm trên tay đã được tạc lên đá. Những bức hình khác cho thấy nấm thần còn xuất hiện sau những hình dáng của con người (vật giống nấm trên bức điêu khắc đá đó đã được cho rằng là hoa, mũi tên hay các loại cây khác). Tuy nhiên, đây vẫn là một câu hỏi bí ẩn: Người cổ đại ở Sahara đã trip nấm thần hay chưa?

4. Nấm thần giải thích về ông già Noel?

Theo truyền thuyết, một câu chuyện mua vui trong lễ giáng sinh. Theo nhà nhân chủng học John Rush từ đại học Sierra, nấm thần giải thích cho nguyên nhân trẻ con hay ngồi chờ các nàng tiên mang quà tới vào đêm Noel.

aHR0cDovL3d3dy5saXZlc2NpZW5jZS5jb20vaW1hZ2VzL2kvMDAwLzA4OS82ODkvb3JpZ2luYWwvTWFnaWMtbXVzaHJvb21zLWV4cGxhaW4tU2FudGEuanBn
Credit: Elena Masiutkina/Shutterstock

Rush cho rằng pháp sư Siberian đã từng mang quà là nấm thần cho từng nhà vào mỗi mùa đông. Tuần lộc là linh vật của những thầy pháp này, và sử dụng nấm thần làm cho những thành viên của bộ tộc đó tin rằng tuần lộc có thể bay. Thêm nữa, bộ đồ đỏ trắng của Santa trông như màu của loại nấm thần Amanita muscaria, giống này mọc ở đâu, đoán thử đi, dưới cây thông! Tuy nhiên, giống này có độc, đừng có thử ăn.

Cảm tưởng như đang bad trip? Đừng lo lắng, Không phải tất cả các nhà nhân chủng học đều bị thuyết phục về sự liên quan giữa nấm thần và giáng sinh. Nhưng Carl Ruck, nhà nghiên cứu Hy Lạp và La Tinh Cổ Đại đến từ Đại Học Boston, đã chia sẻ với Live Science vào năm 2012: “Thoạt tiên thì người ta nghĩ điều đó kỳ quặc, nhưng không.”

5. Nấm thần thay đổi con người rất lâu dài

Các nhà tâm lý học cho rằng chỉ có vài điều thật sự ảnh hưởng đến tính cách của một người đã trưởng thành, và nấm thần là một trong số những điều đó.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy sau một liều Psilocybin, con người muốn trải lòng, muốn trải nghiệm nhiều hơn trong khoảng thời gian ít nhất 14 tháng, một sự thay đổi hoàn toàn. Người có tính cách hòa đồng nay lại càng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật tốt hơn. Họ còn có cảm xúc hơn và văn chương hơn.

Lý do của những thay đổi này có lẽ do Psilocybin đã tác dụng lên cảm xúc. Người dùng tả rằng trip nấm thần là một kinh nghiệm đáng quý, họ cảm thấy rất vui vẻ, họ liên kết với mọi người và thể giới xung quanh họ. Những trải nghiệm này vẫn nán lại với người dùng một thời gian dài. (Trong thực tế, các nhà nghiên cứu đã rấ khổ sở để đảm bảo rằng tình nguyện viên sử dụng nấm không bị bad trip, bởi vì đã có người dùng nói rằng nấm thần gây lo âu, sợ hãi và ói mửa. Tình nguyên viên được trip trong một căn phòng với nhạc nhẹ và không gian dịu.)

6. Nấm thần loại bỏ nỗi sợ hãi của bạn

Một tác dụng lạ kì khác của nấm thần: dẹp bỏ nỗi sợ của bạn. Nghiên cứu năm 2013 cho thấy những con chuột sau khi được tiêm một liều psilocybin, chúng không còn “sợ chết cóng” khi nghe âm thanh lạ nữa, chúng còn biết cách đối phó với giật mình. Còn những con chuột không được sử dụng thuốc, nó cũng không sợ tiếng động lạ, nhưng sau một thời gian dài hơn.

Những con chuột đó chỉ được tiêm một liều psilocybin nhẹ, và các nhà nghiên cứu mong rằng nghiên cứu trên động vật này sẽ tạo cảm hứng cho việc nấm thần sẽ được dùng để chữa trị các vấn đề tâm lý. Ví dụ, một liều nấm thức thần nhỏ có thể chữa khỏi chứng hậu chấn thương tâm lý.

7. Nấm thần tạo ra gió

Nấm thần không chỉ tồn tại để cho con người có cảm giác phê, tất nhiên, nó còn có cuộc sống riêng của mình. Một phần của sự sống đó là sinh sản. Như các loại nấm khác, nấm thần sinh sản nhờ phôi bay khắp trong không khí để tìm nơi phát triển.

Nhưng nấm thường sống ở những nơi sát mặt đất trong rừng, chỗ mà gió không thổi tới. Để phân tán phôi, một số loại nấm thần ( bao gồm cả loại gây ảo giác Amanita muscaria) tự tạo ra cơn gió riêng của nó. Để làm được vậy, cây nấm tăng lượng nước thoát hơi trên bề mặt của nó. Lượng nước bốc hơi này, cùng với không khí được tạo ra bởi sự bốc hơi này, sẽ mang phôi nấm đi. Việc này sẽ giúp phôi nấm bay cao cỡ 4inches (10cm) trên nấm, theo một thuyết trình năm 2013 tại cuộc họp của Cộng Đồng Vật Lý Hóa Kỳ, Phân Khoa Cơ Học Chất Lỏng.

8. Có rất nhiều loại nấm

Có ít nhất 144 loại nấm có chứa hoạt chất thức thần, theo một nghiên cứu năm 2005 trong bài báo về nấm thần trong y học (International Journal of Medicinal Mushrooms). Mỹ Latin và Caribean có hơn 50 loại. Còn riêng Mexico đã là 53. Ngoài ra, 22 loại nấm thần có ở Bắc Mỹ, 16 ở châu Âu, 19 ở Úc và khu vực địa trung hải, 15 loại ở Châu Á, và chỉ có 4 loại ở châu Phi.

9. Trải nghiệm với nấm thần

Gần đây các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm với chất thức thần như một phương thức điều trị lo lắng, trầm cảm, và các vấn đề thần kinh khác. Lĩnh vực nghiên cứu này đã bị đóng băng cả thập kỉ và rất khó để tiếp tục, vì các chất thức thần bị liệt vào bảng 1, có nghĩa là theo DEA nấm thần không có giá trị y học và có khả năng bị lạm dụng cao.

Trong quá khứ, Psilocybin cũng như các chất thức thần đã từng là trung tâm của các công trình nghiên cứu quy mô. Có thể kể đến, những năm 60, nhà tâm lý học của Havard, Timonthy Leary và các sinh viên của ông đã làm 1 chuỗi các thí nghiệm với nấm thần, có tên gọi “Psilocybin Havard”. Trong số đó, nổi tiếng nhất là thí nghiệm Marsh Chapel, trong thí nghiệm này, tình nguyện viên được cho sử dụng psilocybin hoặc thuốc giả dược trước một buổi lễ trong nhà thờ. Những người dùng nấm thần nói rằng họ có một trải nghiệm tâm linh rất thú vị. 25 năm sau, vào năm 1991, những người đã từng dùng chất thức thần trong thí nghiệm đó vẫn nhớ mọi thứ còn sắc nét và thiêng liêng. Một số người mô tả đây như bước ngoặc của đời họ.

“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng có một môi trường ngoài kia, lớn hơn nhiều những thứ tôi từng biết. Tôi có giải thích của mình về nó, nhưng nó từ một mệnh đề trở thành thực tiễn. Cuộc đời của tôi đã thay đổi hoàn toàn một cách nào đó sau khi biết được vẫn có cái gì đó ngoài kia,” một nhà nghiên cứu vào năm 1991 cho biết.

10. Vai trò trong truyền bá văn hóa phản kháng

Trải nghiệm chất thức thần là một phần của văn hóa hippie, và người đã mang nấm thần đến với nền văn hóa drugs của Mỹ là một nhà văn và thực vật học có tên Terence McKenna. Ông ấy đã dùng thử chất thức thần từ hồi niên thiếu, nhưng tận tới năm 1971, sau một cuộc hành trình đến Amazon để khám phá nấm thần, cả một rừng nấm, theo tạp chí Wired.

Năm 1976, McKenna và anh trai của ông đã xuất bản Psilocybin: Cách trồng nấm thần (Psilocybin: Magic Mushroom Grower’s Guide), cuốn sổ tay cho những người trồng nấm thần tại nhà. “Những thứ được mô tả trong đây chỉ hơi phức tạp hơn việc làm thạch hay mở đồ hộp thôi.” Mckenna viết những dòng này ở lời mở đầu của quyển sách.

11. Động vật cũng cảm nhận được hiệu ứng

Nấm thần mọc trong tự nhiên, vậy nên động vật hoang dã chắc hẳn cũng đã ăn nấm. Năm 2010, một tờ báo nhỏ của Anh đã báo cáo về việc 3 con dê nhỏ tại một khu bảo tồn, chạy ngang qua nữ diễn viên Alexandra Bastedo, đã phê nấm. Những con dê này có triệu chứng lờ đờ, ói mửa và bước đi lảo đảo. Cần tới 2 ngày để những con dê này hoàn toàn phục hồi.

Tuần lộc Siberian cũng thích ăn nấm thần, theo tài liệu của BBC năm 2009. Vẫn chưa rõ ràng việc tuần lộc có trip giống chúng ta hay không, nhưng vẫn có những người Siberian dám thử uống nước tiểu của tuần lộc đã ăn phải nấm thần để có được trải nghiệm tâm linh theo phong tục của nghi lễ.

Nguồn: Live Science
Dịch: Việt Growers Psychedelics Plants
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: Meditations

📌 Ủng hộ Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Translation™] Ra ngoài một mình – Tại sao lại ngại người lạ đánh giá?

0

E-T-3

Nếu bạn luôn phải chờ đợi người khác để làm một việc gì đó, bạn sẽ không bao giờ làm được việc gì. Một trong những điều thú vị đặc trưng của việc sống ở New York là việc được tự do ngồi uống một mình trong một quán bar, hay ăn một mình trong một nhà hàng mà không phải lo rằng người khác sẽ vội vã đánh giá bạn, bởi vì ai cũng ăn uống một mình. (Tôi nhận ra rằng cánh phụ nữ sẽ khó ngồi một mình mà không bị làm phiền hơn là cánh đàn ông – nhưng những cô bạn của tôi đồng ý rằng ở New York, họ vẫn ít bị làm phiền hơn tất cả các nơi khác.) Tuy nhiên, việc một mình ở những nơi công cộng của tôi cũng có giới hạn: Tôi sẽ không bao giờ mang theo một cuốn sách vào pub vào tối thứ bảy, hay ăn một mình ở nhà hàng được gắn sao Michellin một mình kể cả khi tôi có đủ điều kiện. Tôi đã thường xuyên đi xem phim một mình, nhưng “tự hẹn hò với bản thân” ở một buổi hòa nhạc là điều không tưởng; vì vài lí do, việc đó khiến tôi cảm thấy như một kẻ thua cuộc.

Tôi không nghĩ rằng có nhiều logic đằng sau những khác biệt tinh tế này – nhưng, nhờ vào một nghiên cứu sắp được công bố trong Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng (Journal of Consumer Research), ít nhất tôi cũng biết được tôi không đơn độc trong tư duy về chuyện đi chơi một mình.

Rebecca Ratner và Rebecca Hamilton từ trường đại học Maryland và Georgetown là người đã đưa ra nghiên cứu trên – tôi tìm thấy trên trang Science of Us  – nghiên cứu cho rằng ta thoải mái hơn rất nhiều khi bị nhìn thấy đang làm những việc “tiện lợi” (những hoạt động có chủ đích) một mình, hơn là bị nhìn thấy khi đang làm những việc mang tính “tiêu khiển” (những hoạt động giải trí). Có lẽ là, ví dụ trường hợp bạn thích mua sắm giày, và mua giày có lí do của nó – để sở hữu đôi giày – bạn sẽ không phải sợ người ngoài đánh giá việc đi mua giày một mình. Tuy nhiên trong trường hợp những thú vui tiêu khiển, nghiên cứu chỉ ra rằng, ta thường “đoán rằng sẽ có những suy nghĩ tiêu cực từ người khác về khả năng quan hệ xã hội của bản thân”: Ta thường nghĩ rằng người khác sẽ đoán ta không thể tìm được người bạn đồng hành.

Cho nên mới có lời khuyên phổ biến là mang theo một cuốn sách khi vào nhà hàng một mình, vì nó tiện lợi. “Nhìn đây!” bạn đang báo hiệu cho những thực khách khác, “tôi phải đọc hết quyển sách này, vừa ăn vừa đọc thật là tiện.” (Sẽ tốt hơn khi bạn đọc báo hoặc tài liệu học tập hơn là một cuốn tiểu thuyết kinh dị.) Nó cũng có nghĩa là: “Tiện thể nói luôn, chắc chắn tôi không nghe lén các ông nói chuyện đâu.”

Nghiên cứu của Ratner và Hamilton cũng chỉ ra rằng chúng ta rất kém trong việc biết rằng ta sẽ vui thế nào khi tham gia những hoạt động tiêu khiển một mình. Trong một thí nghiệm, họ sắp xếp để mời một số sinh viên tham dự một buổi triển lãm hội họa khi những sinh viên này đang đi trong trường một mình hoặc cùng bạn bè. (Để khích lệ, những người tham dự có khả may trúng được 250 đô la.) Những sinh viên đi một mình thường không chấp nhận lời đề nghị, và họ thường đoán rằng họ sẽ không vui khi ở đó. Nhưng một khi những sinh viên này tới xem triển lãm, họ trả lời rằng họ thật sự thích trải nghiệm này. Nghiên cứu kết luận rằng, nếu ta tránh khỏi những hoạt động vui vẻ chỉ vì nghĩ rằng nó sẽ không vui khi không có bạn đi cùng, ta sẽ đánh mất đi cơ hội được tận hưởng niềm vui.

Tôi nghi ngờ rằng lí do tiềm ẩn của sự khó chịu khi bị bắt gặp đang tham gia các hoạt động một mình, chính là hiện tượng tâm lý: hiệu ứng ánh đèn sân khấu (the spotlight effect*). Hiệu ứng này xảy ra khi ta, qua nhiều năm, phóng đại việc người khác chú ý khi ta lóng ngóng trong giao tiếp xã hội – hoặc thậm chí phóng đại việc người khác chú ý đến ta. Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2000, Thomas Gilovich và đồng nghiệp đã thử nghiệm cho những sinh viên trường Đại học Cornell University mặc áo in hình Barry Manilow (ca sĩ nổi tiếng Hoa Kỳ) đi đến những nơi công cộng một mình.

*The spotlight effect: Là hiện tượng người ta tin rằng họ được chú ý nhiều hơn sự thật, nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”. Lý do đằng sau hiệu ứng này là người ta thường quên rằng mỗi người chỉ là trung tâm trong thế giới của anh ta, không phải thế giới của người khác.

24557703_max

Kết quả là, những người sinh viên trong cuộc thử nghiệm đoán rằng một nửa số người tham dự sự kiện sẽ chú ý. Thực tế cho thấy chưa đến một phần tư số người tham dự chú ý đến họ. Gilovich và đồng nghiệp giải thích rằng: “Chỉ vì chúng ta quá tập trung vào hành vi của bản thân, ta sẽ khó đánh giá chính xác được người khác sẽ chú ý đến ta nhiều thế nào – hay ít thế nào.”

Thật đáng báo động khi đánh giá thấp sự phổ biến của hiệu ứng này. Ví dụ, có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều cặp đôi sẽ có giấc ngủ tốt hơn khi 2 người ngủ khác giường. Tôi không biết có bao nhiều người không thể làm được điều này vì ngại người khác sẽ có cái nhìn xấu về mối quan hệ của hai người. Sự lo lắng đó quá vô lý. Dĩ nhiên là nếu có người đứng trong phòng ngủ của bạn và đánh giá ta về cách bạn ngủ, có lẽ bạn nên gọi cảnh sát. Những lo ngại về việc bị xã hội luôn tồn tại sâu thẳm trong mỗi người.

Ngoài việc bạn sẽ tận hưởng được niềm vui nhiều hơn bạn nghĩ, lí do thật sự khiến bạn không nên ngại đi ăn uống, đi xem phim, đi tham gia sự kiện một mình, là sẽ không ai chú ý. Tôi có thể kể cho bạn hàng tá các câu chuyện để khiến bạn tự tin hơn về việc đi ra ngoài một mình sẽ khiến họ nhìn bạn như một con người tự tin và bản lĩnh, và về việc họ ghen tị với thần thái của bạn. Nhưng sự thật là họ đã bị mê hoặc bởi chính những suy nghĩ của họ để có thể chú ý đến bạn quá nhiều. Người đàn ông ngồi cách bạn 2 bàn đang lo lắng về mái tóc của anh ấy. Người phụ nữ ngồi bàn trong góc nhà thì đang tự hỏi tại sao mình lại cưới phải anh chàng ngồi góc đối diện. Cả ba người ấy đều trông có vẻ quan tâm đến người khác, sự thật là họ chỉ đang chú ý đến bản thân họ thôi.

Và sự thật là khi họ quá chú ý đến bản thân họ, bạn sẽ được tự do đến quầy bar, gọi một ly Gin và tonic kinh điển, mở ra một quyển sách và bước ra khỏi bản thân được vài giờ đồng hồ.


Tác giả: Oliver Burkeman, The Guardian
Dịch: Hà Huy Dương
Review: Nguyễn Hoàng Huy

 

8 tiếng, tan ca, vác xác thân mệt mỏi về nhà

0

“8 tiếng, tan ca, vác xác thân mệt mỏi về nhà.
Quấn điếu ganja, mơ màng buông mình xuống sô pha…”

https://youtu.be/g9_VYyZtprI

Mấy bro nói sao chứ ngày của bro 8 tiếng còn được quấn vài điếu nằm sô pha, hồi trước em ngày 16 tiếng về đến nhà chỉ có nằm chẹp lép trên giường không còn biết trăng sao. 8 tiếng của bro còn hạnh phúc quá đáng thì cớ sao còn chửi bới inh ỏi trên youtube thế này. Mà nhạc hay lắm, nghe thư giãn lắm, mấy bro làm em nhớ ngày xưa em còn đi làm lắm.

Tại sao chúng ta chăm chỉ làm việc 8 tiếng mỗi ngày? Sáng ra cắp sách đến công ty, thỉnh thoảng đưa mắt liếc nhìn đồng hồ đã sắp điểm giờ tan ca? Chúng ta chán ngán công việc đó nhưng vẫn không thể từ bỏ?

Một câu hỏi quá dễ để trả lời. Chúng ta cần kiếm tiền. Đừng nói với tôi những điều ý nghĩa triết lý xa xôi. Kiểu như tôi sẽ học hỏi được các kĩ năng, kinh nghiệm, điều đó giúp tôi trưởng thành. Tôi làm việc vì tôi biết mình đang cần gì chứ không phải cần chiếc phong bì vào cuối tháng. Công việc đó là ước mơ hoài bão của tôi. Tôi không bao giờ lấy tiền lương làm mục đích của lao động… Ôi thôi bạn đừng kể cho tôi hàng trăm lý do chứng tỏ bạn đang cố gắng làm việc để vẹn tròn ý nghĩa cuộc sống của bạn. Bởi những người làm việc để theo đuổi ý nghĩa cuộc sống riêng họ, họ có thể làm việc 24 tiếng mỗi ngày mà không cần quan tâm đếch gì kim chỉ đồng hồ.

Thật ra có người cũng đang cố gắng làm việc chăm chỉ vì trách nhiệm. Sống ở đời, con người gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm. Với cha mẹ, con cái…Để hoàn thành bổn phận của mình, đôi khi người ta phải hy sinh rất nhiều, vất vả kiếm tiền không phải vì quá yêu tiền mà là vì quá yêu thương những người bên cạnh, không dám ngã xuống vì sau lưng còn rất nhiều người đang cần mình chống lưng cho họ.

Tôi từng có suy nghĩ chán ghét những con người làm việc robot. Nhưng có lẽ khi đã sống nhiều hơn những ngày dài cần thiết, tôi nhận ra họ xứng đáng được khen ngợi và động viên. Những kẻ bỏ phố lên núi ngao du với thiên nhiên giống tôi thì khỏe khoắn, vô lo vô ưu như tôi thì may mắn quá. Tôi chỉ là một đứa hèn yếu. Kẻ nào ở lại chiến đấu với bon chen cuộc sống mới xứng đáng là người hùng. Kẻ đó thật ra mới là người can đảm. Có thể họ không đủ can đảm để vứt bỏ những điều mình không thích, nhưng họ đã rất dũng cảm khi tiếp tục ở lại và quyết chí sinh tồn cùng nó.

Tôi nhận ra rằng những kẻ đang cố gắng từng ngày với không chỉ 8 tiếng mà nhiều hơn thế cùng công việc họ chẳng yêu thích, họ đúng là những con người gan góc, dám đương đầu với những điều mình sợ hãi. Những người thuộc loại này, thử hỏi có trùng khơi dữ dội nào mà người cầm lái không vững tay băng qua.

Chúng ta cần được sống với những điều mình yêu thích. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta để cho tâm hồn mình bị cuốn hút về những tiếng sáo vi vu cũng đúng. Biết là có  những ngày ưu sầu bước đi trong ánh hoàng hôn nhợt nhạt, khuôn mặt tối tăm khốc liệt, đôi môi mím chặt nhưng chúng ta sinh ra nhất định đã có sẵn một con đường cần phải bước qua dù đó là một con đường quá dữ tợn.

Tôi từng có thời gian làm việc 16 tiếng một ngày, làm những công việc tệ hại nhất đối với suy nghĩ của cha mẹ tôi. Tất nhiên là ngay cả chính bản thân tôi cũng chán ghét công việc đó. Sáng ra ngập mặt trong giấy tờ, buổi tối cặm cụi cùng đống chén bát trong nhà hàng. Tôi đã bắt đầu công việc ấy bằng việc lấy tay bịt mũi, chớp mắt lia lịa, đưa tay lên cằm, chúng bốc lên những mùi quá  kinh khủng. Ở nơi làm việc, không chỉ là mùi của chén bát chất đống chưa rửa, mà còn cả mùi trộn lẫn các thứ thức ăn thừa trong thùng rác, thi thoảng pha trộn mùi thơm các gia vị của ẩm thực phong phú lọt qua cánh cửa, hòa trộn với mùi ghê sợ của nhà vệ sinh nườm nượp người ra vào. Tôi tin chắc rằng bất kỳ ai  đứng ở vị trí của tôi thì giác quan của họ cũng sẽ phải choáng ngợp.

Nhưng hồi ấy tôi bỏ học, bỏ nhà để vào Sài Gòn. Tôi đã ra đi với một niềm tin vững chắc không bao giờ quay trở về nhà xin cha mẹ tha thứ, và tôi đã quyết tâm trụ lại Sài Gòn bằng mọi giá. Tôi biết là mình chẳng thể mong đợi gì nhiều hơn công việc tôi đang làm sau khi đã giết chết và thiêu rụi đi bao nhiêu niềm tin từ cha mẹ. Tôi là con quái vật đáng ghét nhất hành tinh. Tất cả khó khăn tôi đã và đang trải qua là cái giá cho tội ác tôi đã gây ra. Tôi làm gì có quyền sợ hãi, dù cho đây là chút hơi thở cuối cùng của một đứa khốn nạn đang sống những ngày tuyệt vọng.

Tôi không có ý kể lể trình bày khó khăn. Tôi chỉ muốn các bạn biết rằng tôi đã từng sống qua những ngày đó. Tôi hiểu những gì người khác đang trải qua. Những người giống tôi, chán ghét công việc hiện tại nhưng không thể từ bỏ. Không ai làm gì mà không có lý do của họ. Tôi biết điều đó luôn luôn đúng.

Tôi biết họ đang bước trên một con đường quá cô đơn, mặc dù có rất nhiều người đang cùng bước trên đó. Trên con đường ấy, bạn chỉ có thể căm nín im lặng lắng nghe mỗi bước chân riêng của chính bạn. Những bước chân vẫn lầm lì bước đi trên những tiếng rít mạnh giễu cợt của sỏi đá.

Không thể dừng bước, mặc cho tinh thần trì trệ nặng nề vẫn luôn xui khiến và rót vào tai tôi từng giọt, từng giọt, nhưng phải chăng tâm hồn người chiến sĩ cần trở nên chai sạn hơn thế nữa?

Cố gắng, cố gắng hơn nữa. Sự mạnh mẽ trong tôi thách đấu tinh thần sa trụy đang muốn lôi nó xuống hố thẳm. Tinh thần trì trệ nặng nề, tôi phải luôn xem nó là kẻ thù truyền kiếp.

Tôi đã từng sống những ngày như thế. Đã từng có một lòng can đảm chẳng khác gì một kẻ sát thủ tuyệt vời. Nó kiêu hãnh trước cuộc đời mỗi khi cất tiếng. Sao? Cuộc sống chỉ có thế thôi sao? Tôi tự tin vì mình có lòng can đảm. Nhưng đến lúc mọi sự cùng đè nén tôi ngạt thở. Đã đến giới hạn thì ngay cả lòng can đảm cũng không đủ để dập tắt mọi chán nản rã rời. Lòng can đảm cuối cùng cũng chịu dừng chân lên tiếng: “Này, gánh nặng cuộc đời, đã đến lúc ta với mi phải quyết một trận sinh tử thôi, ta và mi hôm nay phải có một người chết.” Giây phút đó tôi sống và chấp nhận mình là kẻ hèn yếu.

May sao là bên cạnh tôi không có ai cần bờ vai tôi để nương tựa. May sao tôi sinh ra không mang vác nhiều trách nhiệm. Và dù tôi có chấp nhận biến mình thành kẻ hèn nhát thì cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Tôi lại không có quá nhiều ham muốn nên cả tôi và cuộc sống này đã cùng học cách bằng lòng với nhau.

Bởi không còn gánh nặng nào nên tôi cũng chẳng quan tâm tương lai sẽ lôi kéo tôi đi đến đâu. Tôi không thể cứ mãi chạy theo một con đường dài tận thiên thu vĩnh viễn. Bởi càng bước đi, tôi chỉ càng thấy mình đứng chơ vơ giữa những khoảng không man dại hoang liêu, lạc loài giữa màn đêm hoang tịch.

Hỡi các bạn gan lì đứng chung quanh tôi, tôi biết cũng có khi bạn muốn cất tiếng cười như chưa từng nghe một con người cười như bạn trong cõi đời này. Cũng có khi bạn muốn vứt bỏ mặc kệ tất cả, không cần biết mình là ai. Tôi biết, biết tất cả. Vì thế mà tôi ở đây, để các bạn hiểu rằng vẫn có tôi luôn hiểu thấu và cảm thông cùng các bạn.

“Và không gian bao la là nhà ta lim dim trôi la đà.
Nơi đây không bon chen ganh đua riêng mình ta ta tà tà.”

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: www_slon_pics

[Quora] (Những câu chuyện trong) đạo Hindu chỉ là huyền thoại hay có thật?

0

Trả lời từ Ajay Krishna, The student of life

Cái gì là thật và cái gì chỉ là một mảnh tưởng tượng?

Không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này. Cái bạn cảm nhận được có thể không phải là thực. Thế giới chúng ta có thể không phải là thực. Nhưng nó không quan trọng. Những gì bạn học được khi còn sống mới quan trọng. Những gì giúp bạn trưởng thành mới là thật.

Hinduism là một văn hoá, một lối sống đã tiến hoá trong nhiều nghìn năm. Những câu chuyện, hay còn được gọi là puranas, có vẻ như được thêu dệt phóng đại và khó tin. Dù cho những vị thần thánh trong đó đã từng tồn tại hay không không quan trọng. Rút ra những tinh tuý. Hấp thụ những nguyên tắc. Đạo Hindu không phải chỉ có chuyện thờ phượng thần linh. Có rất nhiều chi pháp và phương pháp để lựa chọn Con đường tri thức, con đường phục vụ vị tha vô ngã, con đường khổ hạnh, con đường thờ phượng, vân vân… Mỗi người có thể lựa chọn cho mình con đường thích hợp. Một tâm trí non nớt có thể không hiểu những gì đã được viết, nhưng sẽ toàn tâm tôn kính và trung trung thực với niềm tin của anh ta. Anh ta có thể tin những câu chuyện kia là hoàn toàn có thật, nhưng đó lại chính là sức mạnh của anh ta, một niềm tin tưởng không lung lay.

Còn đối với những tâm trí thông minh hơn thì tìm thấy chân lý ẩn sau từ ngữ, anh ta tìm kiếm những ý nghĩa sâu sắc hơn và phát triển.

Cái đẹp của Hinduism, hay bất kì tôn giáo nào khác, dù bạn có chọn con đường nào, bạn vẫn sẽ có được hạnh phúc và bình an.

Cho nên nếu bạn hỏi Hinduism có thật không, câu trả lời chắc chắn là có. Nếu nó có hư cấu, huyền thoại thì chỉ là một phần nhỏ, nhưng nói tóm lại thì chuyện này không quan trọng.

Source: Quora
Phóng dịch: Ka Ka

Featured image: Marisa04

Tôi, người Kito hữu hay tín đồ Công giáo? Chất vấn Jesus trong mơ

0

Tín đồ Công giáo

Giống như bao đứa trẻ khác sinh ra trong một gia đình Công giáo tại Việt Nam, tôi được đưa đến nhà thờ từ khi còn rất nhỏ để trải qua nghi thức rửa tội và theo đó, trở thành một Kito hữu. Mặc dù được “nhập đạo” trong trạng thái chưa phát triển nhận thức nhưng tôi không cảm thấy thụ động, ngược lại còn có phần thoả mãn bởi lẽ tôi đã lãnh nhận tôn giáo như một phần tài sản kế thừa hay một yếu tố di truyền từ cha mẹ.

Bạn biết đấy, dẫu có chào đời với một cơ thể khuyết tật, chúng ta vẫn nên học cách hài lòng với những gì đấng sinh thành ban cho vì đó là những thứ tốt đẹp nhất (trong hầu hết mọi trường hợp).

Tuổi thơ của tôi gắn liền với các buổi thánh lễ, đôi khi háo hức, đôi khi bị bắt buộc. Tôi còn nhớ rất rõ thói quen ấy, hễ cứ nghe thấy tiếng chuông nhà thờ là lập tức tắm rửa sạch sẽ, quần tây áo trắng, sốt sắng di chuyển trên con đường bê tông đổ nát. Ở đó, người đông như trẩy hội. Ở đó, không khí thật trang nghiêm. Ít ra thì tôi thấy tiết học giáo lý ngắn ngủi sáng Chúa nhật vẫn bổ ích hơn môn Đạo Đức thời tiểu học, môn Giáo Dục Công Dân thời trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Tôi mỉm cười đắc ý, vì sao ư? Vì tôi là con Thiên Chúa. Sự tự hào non trẻ ấy thậm chí còn khiến tôi lao vào ẩu đả với một người bạn thân hồi năm lớp 4 chỉ vì một câu nói mang tính chất đùa giỡn. “Nghe bảo đạo Thiên Chúa có thằng Dây-su (Jesus).”

Để rồi mọi thứ dần sụp đổ, thể xác càng to lớn, niềm tin trong tôi càng nhỏ bé, dần dà trở thành một đứa trẻ, dễ dàng bị hiếp đáp bởi những kẻ tồi tệ. Tôi nhìn thấy một bà lão phúc hậu dâng hiến rất nhiều thời gian và tiền bạc cho giáo xứ nhưng lại đi bày bán các mặt hàng độc hại chỉ vì lợi nhuận kinh tế. Tôi nhìn thấy những gã đàn ông đốn mạt vẫn sống phè phỡn ngoài xã hội, những tên giả tạo vẫn được đám đông tin tưởng. Tôi nhìn thấy bất công đầy rẫy, kể cả bên trong nhà dòng của Chúa. Tuy nhiên, đừng lo lắng, chỉ cần họ đến với thánh đường 45 phút mỗi tuần, họ sẽ được tha thứ!?

Đồng tiền chi phối, Judas Iscariot sẵn sàng bán rẻ con Thiên Chúa và những cô nàng bán nước giải khát trên đường quốc lộ cũng đang học cách kinh doanh bất động sản.

Đại hồng thuỷ dâng trào, giông tố mang theo sự đen tối, chỉ còn tôi lạc lõng trên vũng nước. Tôi nhìn thấy thánh giá, Jesus, máu đỏ và những cây đinh gỉ sét, mờ ảo, rõ ràng, không thống nhất.

“Người có thật?”

Tôi choàng tỉnh giữa lòng thành phố, chạy băng qua vài con hẻm hôi thối, từng bước chân loạn lạc. Lại thêm một con hẻm nữa hiện ra, rác thải ngập vỉa hè, thi thể tràn cống rãnh, điện thoại thông minh, dân cư đần độn.

Tôi hoài nghi…

Người Kito hữu

Kể từ khi đánh mất đức tin, tôi bắt đầu dành thời gian cho việc tìm hiểu các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo hay gần gũi hơn là đạo Cao Đài. Tôi khát khao nhìn thấy sự tồn tại của thần linh thay vì chấp nhận những lý giải được khoa học đưa ra.

Đã có lúc tôi tin tưởng vào thiên kinh Quran (Hồi giáo) rồi bất chợt nghiên cứu Phật sử, thỉnh thoảng lại phó thác nơi Shiva, một trong 3 vị God chính của Hinduism. Mải mê lang thang giữa muôn vàn tín ngưỡng, tôi chán nản nhận ra rằng chẳng thứ gì có thể (tuyệt đối) thuyết phục được bản thân. Suy cho cùng, thượng đế cũng chỉ là bậc đáng kính thuở xa xưa còn tôn giáo hình thành nhờ vào ảo giác, chất thức thần, sự tin cậy và yếu tố di truyền. Tôi đang nghĩ vậy.

Giai đoạn “vô thần” tiến triển trong vài năm, tôi dần dần rời xa Thiên Chúa dù vẫn thường xuyên lui tới nhà thờ mỗi khi cảm thấy bế tắc hoặc đơn giản hơn là chẳng còn chỗ nào khác để đi. Đối với tôi, không gian bên trong bốn bức tường giáo xứ luôn luôn mang lại sự thanh tẩy cần thiết, nó chữa lành mọi thương tổn.

Một buổi chiều thứ 7 cách đây hơn ba tháng, tôi chạy xe vào một nhà thờ rộng lớn thuộc thành phố Biên Hoà, an vị lên chiếc ghế đá đối diện tượng Đức Mẹ nằm bên phải thánh đường. Khác với những lần trước, lần này tôi không hề mang theo bất kỳ một thứ gì cả, không hành lý, không thù hiềm, không dục vọng, tiện đường ghé qua, tâm hồn trống rỗng. Hôm đó, dấu chỉ đầu tiên đã xuất hiện.

Tôi hướng về phía mẹ Maria, nở một nụ cười rạng rỡ thay cho lời chào thành kính rồi thả lỏng cơ thể, buông bỏ tất cả mọi vướng bận ngoài kia, khép mắt tận hưởng những phút giây thanh bình hiếm có.

“Hôm nay con đã trưởng thành hơn.” Một giọng nói vang lên trong tiềm thức. “Không còn niềm đau, sự ấm ức và những giọt nước mắt.”

Tôi hé mắt, quang cảnh dường như vẫn vậy song lại bị bao trùm bởi những tia sáng mờ ảo. Trước mặt, bên dưới tượng Đức Mẹ, một người đàn ông cường tráng đang mỉm cười với gương mặt nồng ấm và giàu lòng trắc ẩn.

sculpture-3408348_960_720
Photo: Couleur

“Jesus?”

Người khẽ gật đầu dù điều ấy căn bản không cần thiết.

Tôi điềm tĩnh nghĩ rằng đây thực tế chỉ là một giấc mơ. “Ai cũng có thể quỳ gối, cầu xin hoặc than khóc trước tôn nhan Người?” Tôi đứng dậy, tiến tới, từng bước chân chậm rãi.

“Đúng, ta vui mừng vì điều đó.”

“Và đau đớn nhận ra… những khi khoẻ mạnh hay sung sướng, họ chẳng bao giờ nhớ tới Người.” Tôi gằn giọng. “Người sẵn sàng ban phước?”

“Tại sao không?”

“Họ nhân danh Người làm những điều sai trái.”

“Họ không biết việc họ làm.”

“Người dung túng cho họ.” Tôi nổi cáu. “Đó là cách mà Người cai trị?”

Jesus không trả lời, Người ngẩng đầu, thái độ “tỉnh queo”.

“Chẳng có phép màu nào cả!” Ngay khi tôi sắp sửa bồi thêm vài câu nói phạm thượng, mặt đất đột nhiên rung chuyển, bầu trời sập tối, đại hồng thuỷ dâng trào. Tôi nhìn thấy thánh giá trồi lên từ vũng nước, kéo theo Người, máu đỏ và những cây đinh gỉ sét.

“Con là ai?”

“Con là ai? Sao giờ này còn ở đây?”

Tôi mở mắt, bắt gặp một ông lão ăn mặc lịch sự đang chăm chú quan sát từng cử chỉ của tôi. “Con có bị làm sao không đấy?”

“Con không sao.” Tôi cố gắng đứng dậy cho phải phép. “Con, một người Kito hữu.” Rồi bật cười giải thích. “Ngủ quên thôi ạ…”

Lúc đó đã gần 7 giờ tối.

Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân về những phép màu nhiệm? Đó là khi Thiên Chúa “phán một lời”, tất thảy mọi chuyện đều theo ý của bạn? Không, Người đã phán trời đất, nhân loại và vạn vật, phần còn lại là do tôi, do bạn mà thành (hoặc bại). Đã đến lúc chúng ta tự đứng lên xây dựng “nước trời” thay vì dựa dẫm vào thượng đế. Sự tồn tại của chúng ta chính là minh chứng rõ ràng nhất cho phép màu Thiên Chúa, hãy nhân danh người làm nên những chiến công vĩ đại.

“Đi là sẽ tới, tin là sẽ có.”

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen.

Tác giả: Võ Trọng Gia
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: Skitterphoto