28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Review] X6 – Điệp viên hoàn hảo

Featured Image: Bìa sách “Perfect Spy X6”

X6-Điệp viên hoàn hảo – Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn” là một cuốn sách mà ngay từ lúc chuẩn bị ra mắt, đến khi được cầm trên tay và cả khi gấp lại, tôi vẫn cảm thấy xúc động vô cùng. Xúc động vì hiểu hơn về hình ảnh của Phạm Xuân Ẩn – người chiến sĩ tình báo tài ba. Xúc động vì lối viết chân thật, giản dị, gần gũi và góc nhìn mới lạ, đa chiều của tác giả Larry Berman. Cuốn sách là sự tiếp nối của cuốn ”Điệp viên hoàn hảo – Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn” mà Larry Berman viết sáu năm về trước.

Tôi đọc khá nhiều sách viết về các điệp viên, các nhân vật lịch sử, trong nước có, ngoài nước có. Nhưng họ mãi chỉ là “nhân vật” mà thôi, cho đến khi tác giả Larry Berman đem đến cho tôi một con người bằng xương, bằng thịt.

Trước khi đọc cuốn sách này, tôi ngưỡng mộ ông vì những chiến công của ông. Mà như tướng Giáp từng nói có cảm cảm giác mình đang ngồi trong phòng tham mưu của chính quyền Sài Gòn khi nhận được bản báo cáo hết sức chi tiết cùng những phân tích sắc bén của Phạm Xuân Ẩn. Những chiến công trong trận Ấp Bắc, Mậu Thân, chiến dịch Đường Chín Nam Lào… đều có dấu ấn của con người khiêm nhường ấy.

Tôi ngưỡng mộ ông còn vì ông còn là một trong những 4 huyền thoại của tình báo Việt Nam cùng với ông cố vấn Vũ Ngọc Nhã, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo. Và cũng bởi tôi thích lịch sử, thích những câu chuyện về điệp viên tình báo từ hồi thơ bé.

Tôi đã từng nhìn ông như một đứa trẻ ngước nhìn bức tượng đài to lớn với một niềm ngưỡng mộ cao cả nhưng xa xôi. Tôi cũng biết rằng nghề tình báo phải đánh đổi rất lớn. Nhưng chỉ khi đọc “X6-Điệp viên hoàn hảo – Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn”, tôi mới cảm nhận được con người ông, tất nhiên chỉ là một phần nhỏ. Nhưng tôi lại càng thêm kính trọng con người vĩ đại mà bình dị ấy.

Viết về người điệp viên ấy, cái tôi cảm nhận được là nỗi cô đơn của ông. Đúng như ông đã nói với tác giả Larry rằng: “Câu chuyện của tôi là một câu chuyện về nỗi cô đơn. Tôi là một điệp viên đơn độc, một Anh hùng cô đơn, một người Việt Nam cô đơn.”

Cô đơn không phải vì ông không có ai bên cạnh. Ông vẫn có gia đình, có bạn bè, có các đồng chí của mình. Nhưng khi con người ta buộc phải đeo mặt nạ, buộc phải sống hai cuộc đời, thì sự cô đơn, trống trải là điều dễ hiểu. Nỗi cô đơn khi phải sống trong lòng địch, khi phải hàng ngày hàng giờ luôn đem theo viên thuốc độc bên mình, tôi nghĩ đó cũng là điều bắt buộc với mỗi người làm tình báo. Nỗi cô đơn của ông phải chăng còn là sự day dứt, khó xử khi hàng ngày, hàng giờ ông phải giấu đi thân phận thật sự của mình với những người đồng nghiệp, những người Mỹ tốt bụng mà ông vô cùng yêu quý? Làm sao để sống trọn vẹn cho “hai cuộc đời” ấy, làm sao để chúng không xung đột với nhau? Một nhà báo Ẩn làm cho Time và một chiến sĩ tình báo của phe Cộng sản? Và nhất là khi ông cũng trót yêu cái mặt nạ của mình. Yêu cái nghề báo, yêu nhân dân Mỹ, những người Mỹ tốt bụng đã giúp đỡ ông khi ông du học, khi ông đi làm.

Và nỗi cô đơn của ông còn là nỗi niềm của một người với cảm giác bất lực với thực tại. Sau chiến tranh, ông mơ ước được đem những kiến thức của mình về nghề báo để dạy cho các thế hệ trẻ, ông muốn Việt Nam và Mỹ từ kẻ thù thành bạn, ông nhận thấy những sai lầm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung…Nhưng ông đã không thể làm được gì trong cái bối cảnh đó. Thậm chí đến ước mơ nhỏ nhoi là được ra nước ngoài, được đến Mỹ thăm lại trường xưa, tham dự hội thảo của các nhà báo hay để dự lễ tốt nghiệp của con trai cũng là xa vời với ông. Trong khi kẻ thua cuộc thì có thể thường xuyên từ Mỹ bay về Việt Nam, tự do đi lại. Còn ông-một vị anh hùng lại không thể cho mình sự tự do ấy. Thậm chí bạn bè nước ngoài đến thăm, ông cũng không được gặp. “Họ” không tin ông. Có thời gian ông chỉ có gia đình, nuôi chim cảnh, chó săn và chiếc đài BBC làm bạn.

Đấy phải chăng là cái giá cho một huyền thoại?

Tôi còn nhìn thấy tình bạn đẹp đẽ, cái tâm và sự công bằng của vị tướng tình báo ấy. Ông đối xử tốt với bạn bè, đồng nghiệp mình. Để rồi sau này, khi thân thế thật sự của ông được công khai, những bạn bè người Mỹ của ông vẫn dành cho ông cái nhìn trìu mến, cảm thông, thậm chí còn quyên tiền giúp đỡ cho Hoàng Ân-con trai ông sang Mỹ du học.

Phạm Xuân Ẩn đã không quản ngại sự nguy hiểm, bại lộ tung tích để cứu anh bạn đồng nghiệp Bob Anson. Và thậm chí hành động cứu bác sĩ Trần Kim Tuyến- trùm mật vụ của chế độ cũ vào ngày 30-4-1975 của ông cũng đã gây ra những rắc rối sau này cho ông. Nhưng ông vẫn làm, với Bob Anson vì anh là một người tốt, một nhà báo chân chính, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn, sẵn sàng cứu những trẻ em Việt Nam vô tội thoát khỏi bàn tay giết chóc của phiến quân Campuchia. Với bác sĩ Trần Kim Tuyến vì ông đã chịu ơn cứu mạng của ông ta. Có thể đàng sau đó còn có rất nhiều lý do khác nữa, nhưng với tôi thế cũng đủ để thấy tình cảm chân thành của vị tướng tình báo ấy.

Điều tôi trân trọng ở ông nữa đó là sự công bằng của ông. Đứng bên kia chiến tuyến, nhưng ông vẫn dành những tình cảm tốt đẹp, cái nhìn thiện chí cho những người Mỹ tốt bụng và cho nhân dân Mỹ. Ông được cử đi học báo ở Mỹ để hiểu hơn con người và văn hóa Mỹ, để tạo tiền đề cho những hoạt động sau này của ông khi về nước. Hai năm ở đất nước tự do ấy, ông hiểu được rất nhiều điều về họ. Ông đã có cái nhìn công bằng, không chịu ảnh hưởng của ý thức hệ trước đó để đánh giá những người Mỹ. Dù họ là kẻ thù, nhưng đó chỉ là nhà cầm quyền Mỹ, trong thâm tâm, ông vẫn rất cảm ơn nhân dân Mỹ, những người bạn đã giúp đỡ ông rất nhiều. Ông luôn mơ ước cái ngày mà nhân dân hai nước có thể tạo lập mối quan hệ bình thường với nhau. Ông mơ đến ngày được quay lại ngôi trường năm xưa mình đã học ở California. Ông đã luôn nói những điều tốt đẹp về những người bạn Mỹ của mình để rồi lại bị nghi ngờ về lòng trung thành với đất nước.

Thời cuộc đã chọn ông, lịch sử đã chọn ông. Ông đã phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân, nhưng sâu thẳm trong con người ấy, nếu được chọn lựa, liệu ông có chọn cho mình một hướng đi khác hay vẫn cứ là: “Câu chuyện của tôi là một câu chuyện về nỗi cô đơn. Tôi là một điệp viên đơn độc, một Anh hùng cô đơn, một người Việt Nam cô đơn”

Cái tên cũng giống như cuộc đời của ông vậy. Bí ẩn đến độ thành một huyền thoại. Có những điều mà mãi mãi ông luôn im lặng và đã đi theo ông về cỗi vĩnh hằng, có những điều còn chưa được lý giải, và bạn đọc sẽ chỉ thấy được phần nhỏ con người của ông qua cuốn sách này thôi. Tôi đã tự hỏi thực sự Phạm Xuân Ẩn là ai trong hai con người nhà báo và chiến sĩ cộng sản? Có lẽ là cả hai. Và như tác giả Larry Berman nói, người hiểu ông chắc chỉ có mẹ và vợ ông.

Nhưng thật sự, với một người trẻ như tôi, thế đã là đủ rồi. Tôi rất cảm ơn tác giả Larry Berman đã đem đến muốn cuốn sách hay như thế. Một cách viết rất gần gũi, sâu sắc. Tôi không phải đang đọc những trang tiểu sử khô khốc về một con người mà đúng hơn là tôi đang xem những thước phim sinh động về cuộc đời của họ để rồi có cái nhìn đa diện hơn về mỗi con người, để nhận ra đàng sau ánh hào quang của một huyền thoại là nỗi cô đơn, là nỗi niềm của một con người bình dị, là giá trị của tình bạn, giá trị của hòa bình.

 

Thuy Tran

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

    • Thật thú vị . Có thể em ấy hiểu, có thể chưa nhưng thật vui vì khi ở tuổi 11 cậu bé ấy lại đọc cuốn sách này. Mình thấy nhiều em thích game hơn, hoặc thích đọc truyện tranh hơn là sách nhiều chữ! Hồi mình học cấp 1, bên cạnh truyện tranh, cổ tích.., mình cũng đọc những cuốn sách như thế này. Đơn giản vì thích sách, vì tò mò với các nhân vật lịch sử. Lớn lên đọc lại thì hiểu hơn nhưng nhờ đọc từ bé nên cũng thêm yêu lịch sử, yêu sách vô cùng. Hy vọng cậu bé sẽ tìm thấy điều gì đó từ cuốn sách:)

  1. mình đã từng không thèm ôn bài kiểm tra 8 tuần giành trọn 2 ngày ôn thi để đọc nghiền ngẫm toàn bộ quyển sách này ! và mình thấy bõ công lắm . mình cũng xem phim phóng sự về bác cũng như xem cả cuộc phỏng vấn của bác trên “người đương thời ” ! bài phân tích của bạn rất đúng rất chân thực và rất có tâm ! từ khi đọc xong bác trở thành 1 thần tượng của mình ko đơn giản vì những chiến công thầm lặng quá phi thương mà còn vì cách sống cái tâm và cảm phục trước cái cách bác sống với nỗi cô đơn-ko 1 ai làm đc ! cảm ơn bạn

    • Cảm ơn sự đồng cảm của bạn. Mình cũng đã run hết tay khi cầm quyển sách ấy. Mình đã phóng thật nhanh về nhà, đóng cửa phòng lại và ngồi ngấu nghiến đọc trong buổi chiều muộn hôm ấy. Vừa đọc vừa gặm mỳ tôm vì mình không dứt ra để đi nấu cơm được:) Mình vừa đọc vừa cười và vừa khóc nữa. Vì chân thực và xúc động quá. Mình ít xem ti vi nên cũng chưa được xem chương trình ấy. Mình sẽ tìm lại và xem. Cảm ơn bạn nhé!

  2. Chào Thuy Tran,
    Mình đã đọc quyển sách X6 – Điệp viên hoàn hảo này 2 lấn. Cũng như bạn, mình bị cuốn hút bởi tag – điệp viên. Có lẽ từ trong máu thịt rồi, với cả nhiều người khác nữa, luôn bị cuốn hút bởi điều gì đó có tính bí ẩn, kỳ bí, ẩn thân,…và nhiều tính chất khác được mặc định cho nghề tình báo. Rồi thì cả nền công nghiệp điện ảnh Mỹ khai thác rất nhiều về đề tài đặc vụ, điệp viên này như James Bond của MI6, Bourne của Treadstone…
    Chỉ khi đọc về vị tướng tình báo lỗi lạc của cả 2 phe Mỹ – Việt Nam này, mới thấy nét riêng của người anh hùng tình báo tài ba bậc nhất Phạm Xuân Ẩn này, mới yêu quý và cảm phục thay những đức tính mà chính bác Tư Trung đã tóm gọn trong 3 con vật mà ông yêu quý:
    Con Chó dạy ông về lòng trung thành và khôn ngoan, loài Chim dạy ông luôn làm việc, lòa Cá dạy ông cách im lặng.
    Bạn có thể lên Youtube để coi trọn bộ phóng sự 12 tập của đài truyền hình TpHCM thực hiện như một sự tham khảo.
    Không ngoa khi nói rằng, chính tình báo đã góp phần quan trọng cho cuộc chiến thống nhất đất nước Việt Nam để mọi người được hưởng hòa bình và độc lập như ngày hôm nay.
    Mong ai có khả năng sẽ tìm đọc cuốn sách bạn giới thiệu cũng như bộ phim tài liệu mình nêu trên, cho thêm hiểu và tin yêu vào đất nước ta, từ đó làm động lực học tập và làm giàu đất nước trong tương lai.
    Thân.

    • Mình sẽ tìm xem 12 tập phóng sự ấy. Lần ấy về nhà mình có xem được một chút thôi. Mình rất thích những chia sẻ cuối của bạn.
      “Mong ai có khả năng sẽ tìm đọc cuốn sách bạn giới thiệu cũng như bộ phim tài liệu mình nêu trên, cho thêm hiểu và tin yêu vào đất nước ta, từ đó làm động lực học tập và làm giàu đất nước trong tương lai.”
      Trước khi đi đại học, mình yêu đất nước, nhưng tình yêu ấy là sự lý tưởng hóa. Học xong, mình vẫn yêu nhưng là một tình yêu khác. Thực tế hơn, không chỉ tự hào với những điều tốt đẹp, với truyền thống quê hương mà còn là nỗi đau với những điều chưa tốt ở đất nước, đau khi thấy nhiều người trẻ phê phán, mất niềm tin vào đất nước mình thay vì làm điều gì đó.
      Mình không biết bạn bao nhiêu tuổi, già hay trẻ, nhưng thật sự đã lâu rồi mình chưa nghe thấy một lời khuyên như thế, nhất là từ một người trẻ. Có thể với ai đó là sáo rỗng này kia, nhưng với mình, mình trân trọng. Có những cái đáng tự hào, tự tôn thì mình vẫn giữ trong lòng niềm tự hào đó, như bạn nói để lấy đó làm niềm tin, động lực, Cái gì không tốt thì mình sửa.
      Cảm ơn bạn nhiều nhé!

      • Gửi bạn Thuy Tran,
        Mình không phải là người đam mê đọc sách, nhưng sách cũng ảnh hưởng khá lớn đến nghề nghiệp và định hướng của mình. Cảm ơn bạn về những lời văn thật hay và súc động. Nhất định mình sẽ tìm đọc quyển sách này.
        Chúc bạn nhiều sức khỏe và hạnh phúc trên con đường của bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI