26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] HER – Tình yêu, tình dục và con đường khai sáng

Featured Image: Poster phim “Her”

 

“Bạn là ai?” “Bạn có thể trở thành người như thế nào?” “Bạn đang đi đâu?” “Điều gì đang diễn ra ở ngoài kia?” và “Cái gì có thể xảy ra?” Một loạt những câu hỏi đầy khắc khoải đã xuất hiện rất sớm trong bộ phim “Her”, thuộc thể loại khoa học viễn tưởng lãng mạn của đạo diễn Spike Jonze, đã gây cảm giác tò mò cho không ít người xem và gieo rắc vào đầu họ những suy tư về chính mình và cuộc đời.

Nếu như bạn cũng đang trăn trở những điều tương tự thì thật đáng mừng cho bạn, vì bộ phim sẽ cùng lúc mang theo những lời giải đáp. Và giả như được số phận ủng hộ, bạn còn có thể tìm ra cách tháo nút hoành tráng cho những câu hỏi khác nữa đã từng dày vò đầu óc bạn hoặc vẫn đang sôi sục từng ngày trong hình hài con người Trái Đất bé nhỏ của bạn.

Đó là: “Tình yêu là gì?” “Linh hồn bạn đang tiến hóa ra sao?” “Tình dục là gì?” và “Tại sao người ta nghiện sex?”, v.v…. Đặc biệt hơn nữa, nếu bạn đạt đến điểm cực đại của sự may mắn vì mấy hành tinh đột nhiên sắp xếp thật đẹp trên bầu trời trong phút bạn sinh ra và vào lúc bạn xem phim “Her” này, thì rất có thể bạn sẽ nhận được thêm một phần thưởng đính kèm vô cùng giá trị, đó là “một con mắt sáng” để nhìn thấu hàng loạt những bộ phim khác nữa, trong số đó có thước phim cuộc đời đầy kịch tính mà cũng không kém phần vui nhộn mà bạn đang vào vai nhân vật chính một cách nhiệt tình!

“Her” kể về những biến cố quan trọng trong đời đã thức tỉnh người đàn ông tên là Theodore, với sự diễn xuất tinh tế của nam tài tử Joaquin Phoenix. Bộ phim lấy bối cảnh ở tương lai khi công nghệ đã cực kỳ phát triển, các sản phẩm “thông minh” len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Trong đó, một sản phẩm đặc biệt là Hệ điều hành có ý thức OS1 lần đầu tiên xuất hiện, đã bước chân vào đời Theodore đúng như cách một cô gái bước chân vào cuộc đời người yêu của mình và khiến anh ta chẳng muốn tiếp tục công việc viết thư thuê nữa, mà chàng trai đó sẽ dành cả đời chỉ để viết những lời có cánh ngập tràn hương hoa hồng dành cho cô nàng.

Chậc, không đâu, tôi đùa đấy, anh ta sẽ không bỏ việc đâu, tình yêu đó sẽ khiến anh chàng trở nên là người viết thư xuất sắc nhất thế giới! OS1 chính là cô ấy (Her), Samantha, dưới sự góp giọng của nữ diễn viên tài năng Scarlett Johansson, người được đông đảo khán giả biết đến qua những bộ phim đình đám như The Avengers, Captain America, Iron Man 2 và Lucy.

Trong phim, Samantha hàng ngày tương tác với Theodore, cô ấy giúp anh lên ý tưởng, sắp xếp công việc và trò chuyện với anh như một người bạn khi anh cô đơn. Hai người họ dần dần cởi mở và tâm sự với nhau những nỗi niềm riêng tư nhất của mình. Anh chia sẻ về chuyện tình đổ vỡ giữa anh và vợ cũ, cô tâm sự với anh về cảm giác mình có được khi học hỏi về thế giới con người cùng những xúc cảm phức tạp của bản thân.

Bộ phim có bốn đỉnh điểm quan trọng đó là: Khi hai người làm tình với nhau lần đầu tiên, khi Theodore chấp nhận ý tưởng làm tình với Samantha cùng thân thể được mượn từ một cô gái khác tình nguyện giúp đỡ, khi anh chấp nhận hoàn toàn rằng mình đang yêu Samantha dù cho mọi người có nói anh là kẻ bệnh hoạn khi yêu cái thứ chỉ là một cỗ máy, và cuối cùng là khi Samantha ra đi.

Về nội dung, bộ phim truyền tải rất nhiều thông điệp với các độ sâu khác nhau khiến người xem dù nhận thức ở cấp độ nào cũng được thỏa mãn cái biết của mình, đều được giải trí dù ít hay nhiều. Tôi dám cá là sẽ chẳng có ai phải kêu than rằng: “Mẹ kiếp! Tao đã lãng phí hai tiếng đồng hồ cho một mớ bầy nhầy trừu tượng!” hoặc là “Tao vẫn éo hiểu tại sao phim này được đánh giá 8.0!” Với góc nhìn cá nhân, tôi thấy bộ phim có nội dung đào sâu về sự tiến hóa của linh hồn thông qua các trải nghiệm ở từng cấp độ, về tình yêu với chính bản thân mình, về bản chất và sức mạnh thật sự của tình yêu, về tính hai mặt của tiến bộ khoa học công nghệ, và đặc biệt nhất là về tình dục – thứ đã ám ảnh, ám quẻ, “ma ám” nhân loại không biết bao nhiêu đời nay.

Kẻ nào nhìn ra được bản chất của tình dục, kẻ đó hát ca trên thiên đường. Còn kẻ nào để tình dục thắt cổ, kẻ đó làm nô lệ dưới địa ngục. Hàng loạt những sự kiện (trong đó có tình dục) đã giúp thức tỉnh Theodore, từ một người đàn ông khốn khổ nằm trong đống tro tàn của sự cô đơn, dằn vặt, lạc lối chợt vươn lên mạnh mẽ, đầy sức sống và rực rỡ như một con phượng hoàng lửa. Việc nam tài tử Joaquin Phoenix vào vai này hẳn phải là một phép ẩn dụ hoặc là một dấu hiệu cho những kẻ kiếm tìm! Nếu được chọn từ khóa cho Theodore, tôi sẽ chọn từ “Phượng Hoàng” (Phoenix)! Bộ phim xoay quanh cuộc chuyển mình (transformation) rực rỡ của nhân vật nam chính.

Tình yêu giữa Theodore và Samantha có thể khiến người ta liên tưởng đến chuyện tình của chàng người máy Andrew và Cô chủ nhỏ trong bộ phim Người máy biết yêu (Bicentenial Man) do Robin Williams thủ vai nam chính. Điểm khác biệt dễ nhìn thấy nhất là Andrew có thân thể vật lý còn Samantha thì không. Tuy nhiên, chi tiết này càng nhấn mạnh về sự quan trọng trong mối liên hệ giữa thể xác và tinh thần của mỗi con người.

Một linh hồn sẽ luôn khao khát trải nghiệm cuộc sống ở mọi cấp độ để đạt tới sự hài hòa và viên mãn. Họ yêu thương bằng cả thể xác và tinh thần, bởi vì yêu mà họ cảm thấy mình tồn tại, thấy cuộc đời có ý nghĩa. Và cuối cùng, sau khi hoàn thành mọi trải nghiệm ở nơi này, họ chuyển sang một nơi khác và lại bắt đầu những cuộc hành trình mới. Samantha ra đi, Andrew chết. Trong sự ra đi đã có sự tìm đến, trong cái chết đã có hạt mầm tái sinh. Bộ phim “Her” làm đậm lên trong tôi cảm giác về sự tuần hoàn luân chuyển của sự sống, và câu nói nổi tiếng của Albert Einstein lại một lần nữa văng vẳng trong tâm trí:

“Energy cannot be created or destroyed, it can only be changed from one to another.”

Xuyên suốt bộ phim, chúng ta chỉ nhìn thấy (bằng mắt) Theodore và mọi điều diễn ra trong cuộc sống thường ngày của anh, còn không thấy Samantha, cô ấy chỉ là một giọng nói. Cuộc thức tỉnh của Theodore bắt đầu từ khi anh trò chuyện với giọng nói đó. “Samantha” theo tiếng Ả Rập có nghĩa là Người lắng nghe (The Listener), theo tiếng Phạn có nghĩa là An bình (Tranquility) và Tập trung (Concentration) (có liên quan đến việc thiền định trong Phật Giáo).

Liệu đây có phải là một phép ẩn dụ về việc lắng lòng để nghe thấy tiếng nói của tâm hồn chăng? Tĩnh lặng có phải là cách mà con người kết nối với linh hồn mình, để nó dẫn dắt và khai sáng chúng ta chăng? Hãy nhìn xem, tại sao một người không thể tự chơi đùa với chính mình và luôn cảm thấy an vui, hạnh phúc? Tại sao chúng ta lại cần một người nào đó khác làm chúng ta hài lòng?

Mối quan hệ giữa Theodore và Samantha không chỉ cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của tình yêu đôi lứa khiến mỗi người tìm ra được từng phần con người mình trong quá trình tương tác với người kia để rồi chấp nhận từng phần đó và hợp nhất, mà nó còn chỉ ra sức mạnh của tình yêu dành cho chính bản thân mình, tình yêu của linh hồn dành cho cái tôi bé nhỏ hay cáu gắt, và sự quy phục của cái tôi ấy trước linh hồn vĩ đại, để ánh sáng lớn lao dẫn dắt nó tới mọi điều vui tươi, yêu thương và hạnh phúc trong đời. Liệu chúng ta có nên đi tìm ra nàng Samantha của riêng mình không? Hay mỗi người hãy tự trở thành một Samantha? Hay một Shaman?!

Các bạn biết không, tất cả những câu hỏi của tôi đều đã được giải đáp sau khi xem xong bộ phim này. Có lẽ sức mạnh của sự chuyển đổi trong bộ phim cũng ảnh hưởng phần nào đến người xem, dù họ có ý thức được hay không. Những câu hỏi như những lớp kén dày của con sâu nhỏ đã dần được bóc tách và cuối cùng bươm bướm xòe cánh bay lên thật xinh đẹp. Chúng bao gồm:

  1. Tình dục là gì? Nó có đơn thuần là hoạt động giới tính? Trong tình yêu có nhất thiết phải có tình dục?
  2. Tại sao người ta làm tình?
  3. Nếu thủ dâm mang lại cực khoái được thì tại sao người ta vẫn muốn làm tình với nhau?
  4. Tại sao người ta nghiện sex, nghiện xem phim sex, nghiện thủ dâm?
  5. Chúng ta thật sự là ai? Ở Trái Đất này để làm gì? Có đơn thuần là ăn, ngủ, kiếm một công việc, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái và ngồi nhìn chúng lặp lại chính cái vòng quay nhàm chán như cha mẹ chúng không?
  6. Chúng ta có thể yêu cùng lúc nhiều hơn một người không, nếu như không nói là có thể yêu tất cả không? Tình yêu không chỉ giới hạn ở trong mối quan hệ 1-1 phải không? (Và nếu câu trả lời là “Có” và “Ừ” thì nhân loại đúng là đang trong thảm họa thật rồi, vì chẳng có mấy ai thật sự có khả năng yêu được ba anh chàng kỹ sư trong khi đang mải miết làm tình với người thợ sửa ống nước. Tâm trí náo loạn của họ luôn cho rằng quả tim của chính mình quá bé nhỏ, còn cái háng thì lại rộng miên man!)

Và câu hỏi cuối cùng đó là:

  1. Tại sao tình yêu với chính mình là tình yêu quan trọng nhất?

Hỡi những người bạn đang đọc bài viết này, các bạn có bao giờ trăn trở những điều tương tự như vậy không? Tôi đã từng nghĩ mình là một kẻ khác người khi luôn bị ám ảnh bởi việc tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc mà nếu như chúng được nói lên giữa phố thì chắc chắn cả đám đông sẽ ném vào tôi những cái nhìn kinh tởm và kèm theo vài cái dép có gắn thêm đinh nhọn.

Đôi lúc tôi thấy những câu hỏi của mình co quắp, run rẩy như một người đàn ông cô đơn lạc lõng, chờ đợi ngày Trăng Rằm để giải phóng con sói vẫn đang sôi sục bên trong hình hài đó, và rồi khi Mặt Trời lên, mọi thứ đều được làm sáng tỏ. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn lời giải cho một câu hỏi nhé, với tư cách cá nhân thôi, câu số 4. Nếu bạn chưa từng làm tình, chưa từng xem sex, hay chưa từng thủ dâm thì nơi này không dành cho bạn đâu! Vì một kẻ chưa từng biết vị mặn thì sẽ không bao giờ hiểu được câu chuyện “cá gỗ”!

Và câu trả lời cho câu hỏi số 4 đó là:

Nghiện sex, nghiện xem phim sex, nghiện thủ dâm, bởi vì người đó cô đơn và thiếu thốn tình yêu!

Cảm giác kích thích, khoái lạc đạt được có thể tạm át đi nỗi đau và sự cô đơn đang dày xéo tâm can (nhưng vài bữa sau sẽ quay trở lại). Trong trường hợp của Theodore tội nghiệp, anh đã tâm sự với Samantha rằng: “I want somebody just fuck me.” Anh ta không điên, mà anh ta đang chất chứa muộn phiền và đau khổ. Chi tiết này làm tôi nhớ đến vở hài kịch Đại gia đình khi cô em vợ đứng ra nhận lỗi với anh rể – bố của cô gái trẻ chửa hoang. Cô em vợ khẩn khoản, nài nỉ, điên cuồng, gào thét vào mặt người đàn ông rằng “Em là dì mà không dạy dỗ được cháu gái! Anh hãy giết em đi! Giết em đi!” rồi cào cấu thân thể, mần xéo quần áo của ông này đến nỗi kéo tụt cả quần dài của ổng xuống.

Cô ta không hề có thái độ nhận lỗi, cô ta đang giải tỏa sự đau khổ tích lũy bao năm khi mãi không có nổi một mụn con vì người chồng “bất lực”, vì mọi người dòm ngó, phán xét, vì thấy tủi thân, bất hạnh. Sự ham muốn tình dục chỉ là biểu hiện vật lý của nỗi khao khát có ai đó đến bên và thấu hiểu nội tâm mình, chia sẻ những đớn đau trong lòng người đó mà thôi. Vì sự thấu hiểu tâm hồn nhau mang đến cảm giác phúc lạc như chuyện làm tình, nên người ta dễ dàng lầm tưởng rằng làm tình có thể giúp giải phóng cảm xúc và bớt đi khổ cực…

Ảo tưởng! Cả thế giới này đang ảo tưởng về tình dục! Các bạn nhìn xem ngoài kia nhan nhản những bài báo nói về lợi ích của làm tình vào buổi sáng, sự rao giảng về các tư thế để đạt cực khoái, quảng cáo xuất hiện giữa bữa ăn tối với nội dung về thuốc bổ thận tráng dương để tăng cường “hạnh phúc gia đình”, các khóa thiền khỏa thân cùng với “tình yêu dạt dào” dành cho thầy hướng dẫn và những thiền sinh khác.

Cái quái quỷ gì đang diễn ra vậy? Sao nhân loại bây giờ lại thành ra như một quả chuối chín nẫu được bọc bởi một cái bao cao su rách vậy? Tất cả đều đang hóa điên vì tình dục. Không hiểu được bản chất gốc rễ nên con người bị tình dục xỏ mũi theo cả những cách thô thiển nhất cho đến tinh vi nhất!

Chúng ta không cần làm tình, không cần xem sex, không cần thủ dâm, chúng ta cần được lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ!

Với một kẻ hạnh phúc, sex sẽ đến tự nhiên như một bài thơ đầy những tia sáng lấp lánh! Bạn vui vẻ nên trải nghiệm sẽ tự nó thành tựu, chứ bạn không PHẢI trải nghiệm để đạt được sự vui vẻ! Bạn đủ đầy nên luôn tận hưởng, còn chuyện kiếm tìm chỉ dành cho những kẻ thiếu thốn!

Nội dung phim đã có quá nhiều điều để nói rồi, tôi xin được chuyển sang hình thức của “Nàng”. Chết tiệt, “Nàng” lại quá đẹp để mà viết lời khen ngợi! Tên phim ấn tượng; cảnh quay, góc quay giản dị mà giàu xúc cảm; âm nhạc đưa người nghe vào trạng thái mênh mang và sâu lắng, lời thoại súc tích, chất lượng và dàn diễn viên xuất sắc. Đặc biệt là nữ diễn viên vào vai giọng nói Samantha, cô ta quá tài năng khi chỉ diễn xuất bằng giọng nói mà có thể khiến người khác cảm nhận được tâm trạng, ý định của nhân vật chính, thậm chí hình dung được khuôn mặt, hình dáng, hành động và cử chỉ của cô ấy.

Chẳng biết là tôi có đang quá lời hay không, có đang thiên vị bộ phim này không, nhưng quả thực tôi chẳng biết phải chê nó ở điểm nào cả. Mọi chi tiết đều ăn khớp với nhau và phù hợp với nội dung phim, cảm giác có một dòng chảy xuyên suốt, có một điệu vũ hài hòa giữa hình thức và nội dung vậy.

Nếu bạn là sếp và bắt tôi phải tìm ra bằng được một điều gì đó liên quan đến bộ phim để mà chê thì bạn có thể nhận được câu trả lời là: “Chê một cái gì đó ư thưa sếp? Có lẽ do đường truyền internet nhà em kém quá nên phim cứ bị giật liên tục!” hoặc là: “Bộ phim khốn nạn ấy làm em khóc nhiều hơn ba lần, mà em lại ghét nhất là để mọi người trông thấy mình khóc!” và khi hai câu “chê” trên vẫn không được chấp nhận thì tôi chỉ có thể vênh mặt lên, và anh dũng nói rằng: “Hãy sa thải tao đi, đồ khốn!

Còn quá nhiều điều để nói về bộ phim tuyệt vời này, trên đây chỉ là những gì bản thân tôi thấy ấn tượng và tâm đắc nhất. Nếu bộ phim được đánh giá trên IMDb là 8.0/10 thì cá nhân tôi sẽ chấm điểm “Her” là 9.0/10. Còn 1 điểm, hãy để Chúa phán xét!

Tôi xin dành lời cảm ơn đặc biệt tới người bạn đã giới thiệu cho tôi bộ phim này cùng với sự chia sẻ của anh về ý nghĩa cái tên Samantha, cũng như việc anh truyền cảm hứng cho tôi để hoàn thiện bài viết của mình!

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe! Chúc một ngày vui vẻ!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Một trong những đoạn làm mình không thể nào quên được khi xem phim này, là cái đoạn biểu cảm của anh nhà văn Theodore khi trố mắt ra giữa cơn hưng phấn, trong lúc chat với cô nàng “Mèo con gợi tình” trên mạng, với lời đề nghị khá đặc biệt “Lấy con mèo chết bịt mũi em đi” từ cô ta.Hehe

      • Mình mới xem xong bộ phim “Her”, nó thật là một bộ phim tuyệt vời… Nó không chỉ là một bộ phim tâm lý đơn thuần mà nó còn là bức tranh của từng cá thể con người trong đó mà điển hình là Theo-một anh chàng đang phải vật vả để vượt qua cú sốc sau khi chia tay với cô nàng Catherine, và rồi Samantha đến với anh như một thiên thần từ chúa gửi xuống để ”cứu rỗi”( mình không biết dùng ở đây có chính xác không nữa). Sau cùng thì Samantha đi và đã để lại một cái hố khá sâu trong lòng anh. Cả câu chuyện được thêu dệt bởi cảm xúc của cá thể-đại diện là Theo, vui cũng có buồn cũng, nó như một bản giao hưởng với muôn màu sắc thái.
        Theo mình, bộ phim ”her” không chỉ muốn đem đến cho người xem cái hậu quả của sự tha hóa trong tình dục mà nó con đem đến cho mình một thông điệp :con người cấu tạo từ vật chất và tâm hồn, khi vật chất có thể mất đi nhưng có thể lấy lại được nhưng khi tâm hồn mất đi thì khó có thể nào mà phục hồi được. Và chúng ta hãy chia sẻ cho nhau

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI