30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những phương pháp thực tập tâm linh từ các nền văn hóa – (Phần 1) Truyền thống Yoga của Ấn Độ Cổ Đại

Tùy theo nền văn hóa, đặc điểm xã hội mỗi thời đại mà trong suốt lịch sử nhân loại đã phát triển rất nhiều phương pháp tu tập tâm linh khác nhau, được phổ biến qua nhiều tôn giáo, giáo phái hay hệ tư tưởng. Một điều quan trọng chúng ta nên biết rằng những phương pháp này không hề mâu thuẫn và đối lập nhau như chúng ta vẫn tưởng, mà thực ra chúng chỉ là những phương tiện được đa dạng hóa để có thể dễ dàng thích ứng với đặc tính của người tu học. Ví dụ như có những phương pháp phù hợp với người sống thiên về cảm xúc, có những phương pháp thiên về lý trí, hoặc tùy vào bối cảnh họ đang sống, cụ thể là trong môi trường phải làm việc nhiều hay thậm chí trong thời chiến tranh loạn lạc.

Vấn đề ở đây không phải là về sự khác biệt, mà nằm ở tính phù hợp. Tương tự với các bộ ngôn ngữ tôn giáo, có người tu học thấy được đồng cảm khi tiếp cận với ngôn ngữ Phật Giáo, có người cảm nhận ngôn ngữ thuộc bộ môn Yoga tốt hơn. Đạt được Niết Bàn trong Phật Giáo hay đến được Nước Trời trong Thiên Chúa Giáo đều như nhau. Khi hiểu được sự đồng nhất về thực tại nhưng được thể hiện theo các cách thức khác nhau này, chúng ta bớt đi năng lượng dùng cho việc tranh cãi hay gây chiến chỉ vì hiểu lầm không đáng có. Mà ngược lại có thể tôn trọng những sự riêng biệt, yêu thương và hỗ trợ nhau nhiều hơn trong hành trình đến với hạnh phúc tối thượng tự thân trong mỗi con người.

“Như chú ong gom mật từ nhiều loài hoa khác nhau, một người thông tuệ tiếp thu cốt lõi của mọi loại kinh sách từ các nền văn hóa và nhìn thấu được sự hướng thiện trong mọi tôn giáo.” – Mahatma Gandhi

Để hiểu sâu hơn về vấn đề này ở khung tham chiếu là những phương pháp tu tập tâm linh, chúng ta sẽ cùng dạo quanh qua các nền văn hóa và nhìn sâu hơn một chút về bản chất của những phương pháp tu tập tâm linh ấy.

A. ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI – YOGA

Yoga là một phương pháp thực tập chính yếu ở Ấn Độ cổ đại, được đề cập trong nhiều kinh sách Vệ Đà, nhưng được hệ thống hóa một cách chi tiết nhờ nhà hiền triết Ấn Độ Patanjali thông qua cuốn Kinh Yoga (Yoga Sutras). Yoga nghĩa gốc tiếng Phạn có nghĩa là hợp nhất, và những phương pháp này là những con đường đi đến sự hợp nhất với Đấng Tối Cao, hay còn gọi là Đấng Phạm Thiên (Brahman). Có nhiều con đường khác nhau, nhưng dưới đây là những con đường chính.

1. Yoga Bhakti – Con đường Sùng Kính: Bhakti Yoga thực tập hướng tâm trí về Đấng Tối Cao thông qua sự sùng kính, tận tụy và phục vụ. Đây là phương pháp dành cho những ai không giỏi tư duy phân tích nhưng mạnh mẽ về cảm xúc. Việc kết nối trực tiếp với Đấng Tối Cao bằng lòng yêu thương tuy dễ mà khó, vì nó không yêu cầu một tâm trí nhạy bén, nhưng phải có một trái tim thuần khiết. Ban đầu, khi tâm trí còn chống cự và nhiễu loạn, không thể kết nối với Thực Tại Vô Sắc Tướng, các môn sinh có thể dùng các biểu tượng, hình ảnh của các vị thần để giúp gợi mở và an định trong cảm xúc yêu thương.

2. Yoga Raja Con đường Thiền định: Raja có nghĩa đen trong tiếng Phạn là King/nhà Vua. Yoga Raja là phương pháp chế ngự và kiểm soát tâm trí thông qua các phương pháp thiền định. Trải qua nhiều năm tháng luyện tập, một người loại bỏ dần các xu hướng tạp nhiễm của tâm trí, và trở thành ông chủ (Master/King) của nó. Từ định lực này, Chân Ngã (Atman) nơi sâu thẳm trong linh hồn có thể được nhận biết và tỏa rạng.

3. Jnana Yoga – Con đường của sự Minh Triết. Ego/cái tôi cá nhân được cấu tạo từ nhiều lớp vỏ bọc của ngôn ngữ nhị nguyên, quan điểm, xu hướng, kiến thức sai lầm. Bằng cách thấu triệt tri thức về Cái Đích Thực Tối Cao (Brahman), cấu trúc ảo tưởng của bản ngã dần bị phá hủy và tan rã. Từ đó trực nhận Thượng Đế, Giác Ngộ Chân Ngã hay kết nối với Thực Tại Tuyệt Đối Brahman. Những vị minh triết hay Người biết Chân Ngã được gọi là Jnani / Enlightened / Giác ngộ.

4. Karma Yoga. Karma có nghĩa gốc là Hành Động. Trong Phật Giáo, Karma được giải nghĩa thành Nhân Quả, bởi vì bất cứ năng lượng nào được biểu hiện ra hành động ở thế giới nhị nguyên thì đều gây ra nguyên nhân và kết quả.

Trong Karma Yoga, một người từ bỏ mọi ham muốn hưởng thụ thành quả đối với hành động của mình. Họ hành động trong tâm thức thuần khiết kết nối với Đấng Tối Cao nhằm phục vụ tha nhân bằng tình yêu tận tụy. Lao động phục vụ và thực hành Karma Yoga càng nhiều, một người càng thanh lọc dần những xu hướng bản ngã bên trong chính mình. Trả lại cho họ tâm thức thuần khiết không bị ô nhiễm.

Đức Lão Tử, ở một bộ ngôn ngữ và cách tiếp cận khác, ông gọi Karma Yoga là Vô Vi. Vô Vi có nghĩa đen trong Hán Ngữ là Không Làm, có nghĩa là làm như không làm, làm mà không cưỡng ép, làm mà không chấp ngã. Hành động trong cưỡng ép và bị cái tôi cá nhân chi phối chỉ diễn ra khi hành động đó bắt nguồn từ ham muốn hưởng thụ thành quả. Khi Vô Vi, một người hòa điệu vào dòng chảy của Vũ Trụ, hành động của anh ta và sự vận động của Vũ Trụ được hợp nhất, và giờ đây anh ta hành động trong sự vô nỗ lực, đó là lý do tại sao gọi đó là Vô Vi.

5. Hatha Yoga (phương pháp thực tập trên khung tham chiếu là cơ thể vật lý và hơi thở), đặc biệt có phương pháp Pranayama (Yama = Kiểm soát, Prana = Năng Lượng).

Prana là dạng vi tế nhất của năng lượng vũ trụ, được biểu hiện ở thân thể con người thông qua hơi thở. Hơi thở chính là nguồn lực sống (Life Force) chính yếu của con người. Nhưng Prana là thứ cấu thành tâm trí. Vậy thông qua các phương pháp kiểm soát hơi thở, một người kiểm soát được tâm trí hiếu động, làm chậm các xu hướng bản ngã của nó và đưa tâm trí về trạng thái tĩnh lặng thuần khiết.

Trên đây là các phương pháp thực tập yoga chính yếu của Ấn Độ cổ đại. Cũng cần phải nhắc lại rằng, mục đích nguyên thủy và tối hậu của Yoga là hợp nhất với tâm thức Thượng Đế bên trong. Nói cách khác, những con đường được nêu ra bởi các bậc hiền triết xưa được cho là những con đường giải thoát – giải thoát khỏi ô nhiễm vật chất của tâm trí. Nếu không hiểu rõ mục đích này, chúng ta rất có thể tiếp cận Yoga một cách sai lầm, điển hình là những gì con người hiện đại ngày nay đang đồng hóa Yoga với một bộ môn thể dục hay uốn dẻo. Để nhấn mạnh vấn đề này, Đạo Sư Shunyamurti có viết trong cuốn The Transformational Imperative như sau:

“Thật không may, ở phương Tây, khái niệm “yoga” đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây khi gắn liền với sự phát triển công phu của một trong những phương pháp thực tập sơ bộ mở đầu của nó, đó là các asana, những tư thế giãn cơ và thăng bằng được nhiều người biết tới, thay vì mục đích thật sự của yoga, là đạt được trạng thái samadhi—trạng thái của ý thức thuần khiết trong đó mọi cấu trúc suy nghĩ và những tiếng ồn khác trong tâm trí được loại bỏ.

Thực tập các tư thế vật lý asana chỉ đóng một vai trò nhỏ trong các hoạt động chuẩn bị cho quá trình chuyển hóa của những bậc Yogi chân truyền. Thậm chí khi đọc một văn tự cổ xưa như Yoga Sutras (Kinh Yoga) của Patanjali, và bạn sẽ thấy đề cập rất ít tới các asana. Mục đích thực tập các asana chỉ đơn giản là học cách ngồi thoải mái để có thể thiền định trong khoảng thời gian dài mà không động đậy. Toàn bộ Kinh Yoga hướng tới việc đạt được trạng thái samadhi và những siddhis (năng lực/thần thông) kèm theo, những sức mạnh tinh thần-tâm linh đi kèm với sự phát triển tinh thần bậc cao.

Những hiểu biết nông cạn về Yoga thời nay như một kiểu bài tập thể dục là một triệu chứng của sự thoái hóa mang tính ái kỷ và chủ nghĩa vật chất đã làm tạp nhiễm ngay cả những truyền thống tâm linh thâm sâu nhất. Việc nhấn mạnh vào những kỹ năng thể chất đã dẫn đến những cảnh tượng đáng tiếc của các hatha yogi phô trương thêm tự hào về khả năng đứng bằng đầu hơn là việc chiến thắng được ego (bản ngã) của họ.

Mục đích của Yoga đích thực không là gì khác ngoài chuyển hóa và vượt qua tâm thức bản ngã (ego-consciousness).” (Shunyamurti, The Transformational Imperative)

(Đón đọc phần 2 – Các truyền thống Phật Giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo Sufi)

Tác giả: Kyogi
Biên tập: THĐP


Join THĐP Discord: https://discord.gg/thdp
💪 (NEW – VERSION 2) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC: https://bit.ly/cnnofapver2
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB: https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club: https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha: http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục tất cả nội dung Aloha volume 1-27: http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes: http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE: http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP: http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Bá Kỳ
Bá Kỳ
Peace - Love - Wisdom. Live the Truth, Live for Love, Guided by Inner Wisdom.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI