28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nhân Trường Hợp Huyền Chip

Ảnh: Huyền Chip

 

Năm ngoái, đánh máy được cho là một nghề khá nguy hiểm tại Việt Nam. Nhưng ở thời điểm hiện tại, viết sách cũng nguy hiểm không kém, đặc biệt là viết Nhật ký hành trình. Hãy thật sự cẩn thận với công việc này nếu bạn không muốn cố tình trở thành tâm điểm của cơn bão truyền thông và mạng xã hội, để rồi có nguy cơ hứng trọn gạch đá về mình.

Chắc hẳn các bạn đều đoán được tôi đang nhắc đến cuốn Nhật ký hành trình “Xách ba lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền.) Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này tôi không muốn nói quá nhiều đến tính đúng sai của cuốn sách hay những điều mà mọi người đã mổ xẻ hết rồi. Tôi chỉ muốn đưa góc nhìn của mình về xã hội hiện tại chúng ta đang sống, thông qua những sự việc diễn biến xung quanh sự kiện đang gây nhiều tranh cãi này.

Một xã hội thiếu chuẩn

Song hành với sự phát triển của mạng xã hội, việc thực hiện tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm cá nhân trở nên dễ dàng hơn, khiến bất cứ ai cũng có thể đưa ra những ý kiến hoặc lập luận của mình và truyền tải cho nhiều người biết.

Đây là một tín hiệu đáng mừng của một xã hội phát triển, ai cũng có quyền phát biểu một cách đa dạng. Tín hiệu đáng mừng là có rất nhiều bạn trẻ đưa ra những lập luận sắc sảo trên các blog cá nhân hoặc các trang web độc lập. Đặc biệt hơn nữa, ý kiến của những người mà trước kia thường được cho là “cầm cân nảy mực” như giáo sư, tiến sĩ, học giả… cũng có thể bị vùi dập tơi bời, bị chê bai không tiếc lời.

Trong cảnh “trăm hoa đua nở” có phần hỗn độn như thế, chúng ta thiếu hẳn một bộ phận trí thức tinh hoa, có tiếng nói có trọng lượng về những việc như thế này. Do ai cũng có quyền có tiếng nói, ai mạnh thì người đó nói to, nên có những tiếng nói rất to, át cả tiếng cộng đồng, nhưng tiếc thay lại không phải là ý kiến đúng đắn.

Cũng vì xã hội thiếu chuẩn, nên ranh giới của sự đúng sai cũng rất mơ hồ. Cùng một sự việc, có người cho là không chấp nhận được, có người lại cho là chuyện bình thường. Cũng vì không có những chuẩn mực hay thước đo trong tranh luận, nên nhiều khi càng tranh luận càng đi vào ngõ cụt.

Trong mớ hỗn độn ấy, báo chí nhiều khi lại thêm mắm thêm muối vào khiến người đọc không biết sự thật ở đâu, mù mờ lại càng thêm mù mờ. Ai đổ thêm tí mắm vào việc Huyền Chip hét giá 600 triệu? Ai cho thêm tí muối vào “nghi án” Huyền Chip đạo văn? Ai đổ cả thùng mắm muối về việc Huyền Chip cung cấp 22 bức ảnh để chứng minh cho hành trình của mình (trong khi cô ấy không cung cấp)?

Chúng ta đã thiếu bộ phận trí thức tinh hoa có khả năng đưa ra tiếng nói trọng lượng, nhưng báo chí cũng rất thiếu những cây bút sắc sảo, trong khi lại thừa những “con kền kền” chỉ chực ngồi copy status của ông nọ bà kia trên facebook rồi phát tán khắp nơi.

Trong một xã hội như thế, làm gì phải sợ cuốn sách của một cô bé 23 tuổi có thể định hướng và làm hỏng cả một thế hệ trẻ. (Nếu như giới trẻ biết phản biện lại cả giáo sư tiến sĩ thì hãy yên tâm là họ đủ tỉnh táo để không bị Huyền Chip làm nguy hại đến mọi hành động và cuộc sống của họ).

Đâu đâu cũng thiếu trách nhiệm!

Không thể không nhắc tới việc báo chí và truyền thông thiếu trách nhiệm, chỉ cần quan tâm có bài viết giật gân, có nhiều lượt truy cập và có sự kiện thật hot như trong trường hợp này khiến Huyền Chip rất có thể đơn thuần chỉ là nạn nhân của truyền thông.

Có thể ban đầu khi Huyền Chip viết cuốn sách này, em viết trước hết cho bản thân, để khỏi quên, viết vì mơ ước có một cuốn sách mang tên mình, như em đã chia sẻ ở lời mở đầu cuốn “Xách ba lô lên và đi” (tập 1). Nhưng sau đó em được báo chí giật tít, tung hô, trở thành biểu tượng của giới trẻ và em bị đắm chìm trong đó. Đến giờ, ai chịu trách nhiệm bởi những bài viết đưa thông tin sai về em? Chẳng nhà báo nào đứng lên xin lỗi cả. Họ bận lủi đi đâu mất, hoặc bận xào nấu tiếp những món ăn đang nóng hổi từ mọi động thái liên quan đến em.

Ngay cả người đã dầy công viết bản kiến nghị 21 trang để yêu cầu thu hồi sách của Huyền Chip biết đâu cũng chỉ là con mồi của truyền thông, và chưa biết chừng trong tương lai sẽ trở thành nạn nhân. Trần Ngọc Thịnh, người được cho là học giả từ Mỹ về, thật ra cũng là một người trẻ đang nằm trong vòng xoáy này. Thịnh có quyền gửi bản kiến nghị của mình nhưng anh ta cũng có quyền nói “không” với báo chí, không cần trả lời phỏng vấn tràng giang đại hải, không cần phải ngồi khoe trên facebook hôm nay thật vui vì kênh 14 đã đăng, tại sao “Dân Trí” chưa vào cuộc, báo “Thanh Niên” lề phải cũng đăng tin rồi nhé, v.v… Nhưng Thịnh đang ở đấy, ngây ngô và say đắm trong tâm cơn bão này, cùng em Huyền Chip, chưa biết bao giờ ra!

Cần nói thêm về trách nhiệm của BTV và các NXB khi đưa ra công chúng những sản phẩm có “sạn”. Đã từ lâu, chúng ta phải ăn quá nhiều “sạn” nên niềm tin của công chúng rất thuyên giảm. Nếu từ khâu biên tập sách, các BTV cẩn thận hơn, nghĩ cho tác giả hơn, các nhà sách chặt chẽ hơn, thì cũng giảm bớt được những chuyện kiến nghị, lùm xùm hoặc kiện tụng.

Tình trạng chung đối với nhiều cuốn sách là NXB bản đôi khi chỉ cần quan tâm đề tài này, tác giả kia có vẻ hot, bán được càng nhiều sách càng tốt. Bản thân các tác giả, đặc biệt những cây bút trẻ, nhiều lúc chưa ý thức được việc mình cần phải trau chuốt tác phẩm trước khi đưa ra công chúng – còn vai trò của BTV cũng như NXB đôi khi còn khá mờ nhạt. Nhưng lúc cần quảng cáo sách thì cứ làm cho thật lực, miễn càng nhiều người biết càng tốt chứ không cần biết sản phẩm của mình thật sự có chất lượng hay vẫn còn nhiều “sạn”.

Xã hội nhiều sự giả dối và suy nghĩ về hình ảnh Quốc gia.

Đứng trước một sự việc đương nhiên chúng ta có quyền hoài nghi về tính chân thực của nó, nhưng quan trọng là sự hoài nghi, đánh giá và đưa ý kiến ấy ở mức độ tới đâu.

Trong trường hợp cuốn sách của Huyền Chip, phải nói là có rất nhiều ý kiến đòi hỏi phải chứng minh sự thật, và lên đến đỉnh điểm là việc một học giả trẻ dù chưa đọc hết cuốn sách thứ hai cũng làm đơn kiến nghị. Điều này thể hiện một thực tế: chúng ta đang sống trong một xã hội thiếu niềm tin và sự thiếu niềm tin này lan tỏa mạnh hơn việc có đủ niềm tin để nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, cũng như, nhìn nhận giới trẻ một cách bao dung hơn.

Chúng ta bị lừa dối quá nhiều, từ hàng hóa thiếu chất lượng đến thực phẩm độc hại cho sức khỏe, từ việc báo chí phóng đại và tung hô quá nhiều về một thần đồng hay vĩ nhân nào đó đến việc các sản phẩm văn hóa bị PR quá lố. Chúng ta còn bị lừa dối cả khi bỏ tiền từ thiện, và ngay trong các bệnh viện, cơ sở y tế cũng không ít sự dối trá nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Trong một xã hội chúng ta đang sống, bằng cấp giả, giấy tờ giả, đạo đức giả, tư tưởng giả đầy rẫy không thể kiểm soát hết và không diễn tả hết bằng ngôn từ. Sẵn trong suy nghĩ của mỗi người là sự mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp và mất niềm tin vào nhau, nên chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng sẵn sàng thổi bùng lên một đám cháy lớn, lan tỏa, không cách nào dập tắt nổi.

Điều này có thể lý giải được phần nào việc ai đó cho rằng việc vượt biên trái phép, hay đi lậu vé của Huyền Chip làm ảnh hưởng đến hình ảnh Quốc gia, và theo lời của Trần Ngọc Thịnh thì việc này được nâng thành quan điểm: “Quyền, lợi ích của dân tộc là thiêng liêng, không một cá nhân nào được phép làm ảnh hưởng.”

Chúng ta sống, trước tiên, là phải chân thực với bản thân mình và bản ngã của chính mình. Trong xã hội hiện nay người ta vẫn không sao tách bạch được vai trò của một cá nhân với hình ảnh của Tổ quốc. Khi một người nào đó “lỡ” thành danh ở nước ngoài, dù không trực tiếp được đào tạo hoặc sinh sống tại Việt Nam nhưng chỉ cần mang gốc gác Việt thì nghiễm nhiên được cả xã hội hỉ hả, tung hô và tự hào.

Và khi một ai đó làm gì xấu hay phạm pháp, dường như chúng ta không thể tư duy một cách thông thường là ai làm sai kẻ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu Huyền Chip vượt biên bất hợp pháp và bị bắt, em có thể bị trục xuất và bị từ chối xuất ngoại trong những lần sau. Tuy nhiên, việc này chưa đến mức phải nâng quan điểm thành việc “làm hỏng hình ảnh Quốc gia”, cũng như chưa cần phải lo một bộ phận giới trẻ sẽ “noi gương” em làm điều xấu.

Trong chuyện này, Huyền Chip thực sự chỉ để ý đến sự thú vị của chuyến đi, say sưa kể lại những trải nghiệm của mình một cách ngây thơ, và người đọc bắt lỗi Huyền vi phạm pháp luật. Có lẽ đây mới chính là độ chân thực của một cuốn hành trình vì Huyền kể cả sự thật mình làm những điều chưa đúng với pháp luật. Với người khác, họ có thể đã giấu nhẹm đi rồi và tha hồ tô vẽ cho mình những cái hay không tồn tại mà chả ai kiểm chứng nổi.

Bài học cho người trẻ và một xã hội bao dung hơn

Trong một xã hội còn nhiều khiếm khuyết như vậy, giới trẻ biết sống thế nào và phải sống thế nào? Ai sẽ là những người chắp cánh và nâng đỡ họ, hay họ phải tự mò mẫm tìm đường để đi, để sai, trải nghiệm, nhận biết và trưởng thành?

Huyền Chip dũng cảm hơn nhiều người trong chúng ta, ít nhất em đã xóa bỏ được rào cản và quan niệm thông thường với sự gò bó của gia đình và trường học. Có nhiều người chỉ mơ ước được vứt bỏ mặt nạ của mình đi, sống thật với đam mê khao khát của mình, nhưng vẫn phải sống giả dối với chính bản thân mình. Sự giả dối đó không biết có ai lên án thay mình được hay không?

Đấy là chưa nói đến những sự dũng cảm liên quan đến tính mạng bản thân trên con đường khám phá và tìm hiểu những nền văn hóa, những miền đất mới mà khó ai có thể làm được. Không nhiều người dám đổi cả tính mạng của mình để đi theo tiếng gọi của đam mê và mơ ước. Trong cuộc sống có những việc người này làm được, nhưng người khác không làm được, theo những tư duy và những việc xảy ra thông thường. Có lẽ vì Huyền làm được nên Huyền mới có một hành trình đầy trải nghiệm, dấn thân và thú vị đến thế.

Trong mọi câu chuyện – kể cả hồi ký hay tự truyện – đều có những phần không viết ra hết sự thật, hoặc viết ra những sự thật chỉ để phục vụ một thông điệp hoặc mục đích nào đó của tác giả. Riêng chuyện không viết ra hết sự thật cũng đã là một sự thật không đầy đủ rồi. Còn viết sai sự thật, nếu không quá lố, tùy từng người có thể chấp nhận được hay không chấp nhận được.

Trong trường hợp của Huyền Chip, có thể cảm nhận đâu đó những hạt sạn, mà chúng ta không thể xác quyết được tính đúng sai một cách chính xác, nhưng em vẫn đáng thương và cảm thông hơn đáng chỉ trích. 23 tuổi là độ tuổi quá trẻ, con người ta có thể có những sai lầm nhỏ và Huyền Chip sẽ tự có những kinh nghiệm cho bản thân mình.

Cái giá của đam mê luôn quá đắt với người trẻ nhưng hiện tại không thiếu những bạn trẻ vẫn dấn thân cho mơ ước của mình. Không chỉ phải nỗ lực để chạm đến ước mơ của mình, họ còn cần phải biết suy nghĩ độc lập, không để người nổi tiếng hoặc truyền thông “dắt mũi”, cũng như phải biết tự bảo vệ mình trước dư luận và truyền thông.

Những người trẻ phải rút ra được những bài học cho riêng mình, trau chuốt hơn cho từng sản phẩm trước khi ra công chúng, cư xử thế nào khi gặp khủng hoảng truyền thông, vượt qua những khó khăn và sai lầm của mình như thế nào để vươn lên những tầm trải nghiệm cao hơn và sâu sắc hơn của cuộc sống. Nếu như ai đã từng một lần đi qua tuổi trẻ, phải vượt qua vô vàn cửa ải (cha mẹ, gia đình, nhà trường, xã hội…) để chạm đến ước mơ – và nhiều khi, phải trả giá cho những sai lầm của mình – thì hãy nhìn lại vào thẳm nội tâm mình để bao dung hơn với người trẻ. Không chỉ riêng với em Huyền Chip.

Qua sự việc này, tôi tin rằng Huyền Chip sẽ trưởng thành hơn rất nhiều, như em viết trong lời mở đầu của cuốn “Xách ba lô và đi” (phần 2) của em: “Châu Phi dạy cho tôi cách chấp nhận: chấp nhận rằng văn hóa là khác biệt, chấp nhận rằng cuộc sống tôi khi rất bất công, chấp nhận rằng trong đời cũng có lúc lực bất tòng tâm, chấp nhận rằng mình không sống cuộc sống của người khác thì không được chỉ tay năm ngón phán xét đúng sai.”

Có thể ở đâu đó không hoàn toàn là sự thật trọn vẹn thì tôi vẫn tin Huyền có được hạnh phúc và trải nghiệm mà không nhiều người có được. Như em từng chia sẻ trong sách của mình “Đó là một hạnh phúc âm ỉ khi bạn làm được một điều gì đó lạ lùng đến mức người ta không tin bạn đã làm được.”

 

Đoàn Minh Hằng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Bài viết phân tích hay nhưng em không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả.Tại sao tác gỉa không nhắc tới chuyên HC viết sách có nhiều chi tiết vô lý,phóng đại 1 cách quá lố.có thật là Hc ngây ngô hay không hay là man trá…" đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại" độc giả đã cho HC cơ hội nhưng bạn có xem clip buổi phóng vấn xem thái độ của HC là ngây ngô hay là khiêu khích.HC viết sách hợp tác với NXB bán sách thì phải có trách nhiệm,thử hội trách nhiệm của HC ở đâu.tác giả không thể nhìn 1 chiều như vậy được.

  2. Bạn đã hiểu sai hoàn toàn từ bao dung.bao dung là tha thứ cho ai đó đã làm sai 1 việc gì đó và họ nhận lỗi .Trường hợp HC ko hề nhận là mình sai ,đã dối gạt mọi người,thêm tình tiết ko thật vào tác phẩm .HC vẫn cho là mình nói hoàn toàn sự thật mà sự thật đó ai nhìn vào cũng biết là dối trá như kiểu"tao nói láo đó tụi bay làm gì được tao?Người như HC vậy có đáng được bao dung?Nếu như HC nhận mình đã sai thì mình sẽ là người đầu tiên tha thứ cho HC và ko bao giờ chỉ trích HC về chuyện này nữa

  3. "Bao dung" mọi người sẽ bao dung nếu HC chịu nhận là mình đã thêu dệt thêm thắt vào cuốn sách cũng như chuyến hành trình của mình(nhận sai sửa sai).Còn đằng này HC vẫn khăng khăng mình nói thật 100% ko lừa dối ai cả và cả GS Nguyễn Lân Dũng cũng nói thế .Làm việc sai ko nhận mình sai vậy có đáng bao dung hay không?và nếu xã hội bao dung cho những trường hợp như HC thì không lâu sau sẽ có nhiều cuốn sách khác :"Xách ba lô và lên mặt trăng","1 mình du hành ở sao hỏa","sống 1 mình ở bắc cực"…Tác giả nên nhìn nhận sự thật đi đừng lãng tránh nó

  4. Nói láo thì là nói láo sự thật là sự thật sao có sự bao dung ở đây ?Nói tới nói lui vậy ở đây ai đúng ai sai HC đúng à ?Vậy những người viết sách muốn viết gì cũng được ko ai có quyền chê trách?Chúng ta phải bao dung nghỉ thoáng cho những hành động sai trái?Vậy theo tác giả chúng ta nên bao dung tha thứ cho những người trẻ lầm đường lỡ bước như Lê Văn Luyện ?Tác giả thử xin tòa án bao dung giảm án xem ?Lê Văn Luyện đã làm sai và chịu trách nhiệm trước pháp luật ,Huyền chip cũng vậy đã sai thì phải chịu trách nhiệm trước dư luận.Nếu HC chịu đứng ra thừa nhận mình đã thêm rất nhiều tình tiết giả tạo vào cuốn sách và chuyến đi của mình nhằm cuốn sách mình bán chạy hơn thì mọi chuyện đã không đến nỗi nào ,đằng này HC luôn 1 mực khẳng định chuyến đi+cuốn sách của mình là sự thật 100% kèm theo sự ủng hộ của vài vị giáo sư "Đáng kính".Cục đá dù có nói thế nào thì nó vẫn là cục đá không thể thành cục vàng được Và sự thật chỉ có 1 mà thôi

  5. Cám ơn tác giả vì những phân tích rất tinh tế. Có những trải nghiệm nhất định mới có thể hiểu và làm sáng tỏ được giữa những luồng quan điểm trái chiều. Rất đồng tình với a/c Hằng về quan điểm trong đoạn: "Và khi một ai đó làm gì xấu hay phạm pháp, dường như chúng ta không thể tư duy một cách thông thường là ai làm sai kẻ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu Huyền Chip vượt biên bất hợp pháp và bị bắt, em có thể bị trục xuất và bị từ chối xuất ngoại trong những lần sau. Tuy nhiên, việc này chưa đến mức phải nâng quan điểm thành việc “làm hỏng hình ảnh Quốc gia”, cũng như chưa cần phải lo một bộ phận giới trẻ sẽ “noi gương” em làm điều xấu.

    Trong chuyện này, Huyền Chip thực sự chỉ để ý đến sự thú vị của chuyến đi, say sưa kể lại những trải nghiệm của mình một cách ngây thơ, và người đọc bắt lỗi Huyền vi phạm pháp luật. Có lẽ đây mới chính là độ chân thực của một cuốn hành trình vì Huyền kể cả sự thật mình làm những điều chưa đúng với pháp luật. Với người khác, họ có thể đã giấu nhẹm đi rồi và tha hồ tô vẽ cho mình những cái hay không tồn tại mà chả ai kiểm chứng nổi."

    Một lần nữa cảm ơn tác giả!

  6. Rất thích bài viết này. Rất từ tốn phân tích chậm rãi làm rõ vấn đề hơn những kiểu cố gắng đạp đỗ giành phần lấy ly lẽ cho mình.Hiện tại cần lắm những bài viết mang tính định hướng như thế này.

  7. Thưa chị, nếu HC ko cõ những biểu hiện BẤT THƯỜNG, ĐÁNG NGHI và DỐI TRÁ trong buổi ra mắt độc giả ở HÀ NỘI thì tôi sẽ không anti cô ấy. Điều mà chị, cùng với nhiều người lấp liếm ở đây là…

    Tại sao phải mời một ông giáo sư hay xuất hiện trên truyền hình đến ngồi cạnh HC ? Tại sao ko để HC tự mình đối diện ? Phải chăng HC được một bộ sậu phía sau chống lưng cho (trong đó có cả những người viết báo) ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI