28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ngộ nhận về 49 ngày thiền

Thế giới này là một thế giới bình thường. Chỉ có con người chúng ta, vì mơ những điều phi thường, mà trở nên không bình thường. Thiền sư Viên Minh có nói đại ý như vậy.

Một người tu hành theo đạo Phật là một người đang trở về với cái bình thường. Và người giác ngộ là người bình thường nhất trong số những người bình thường. Phật Thích Ca có lẽ là người giác ngộ đầu tiên được ghi tên lại.

Điều bình thường thể hiện rõ trong hành trình giảng đạo của ngài. Ngài đi bộ. Đi bộ với chân trần suốt mấy chục năm trời, cho đến khi ngài qua đời ở tuổi ngoài 80, sau một đợt bệnh nặng (đi ngoài ra máu, mà tôi ngờ rằng là ung thư đường tiêu hóa) kèm theo ngộ độc thức ăn. Ngài đã đi như chúng ta đi và chết như chúng ta chết, có khi còn chết đau đớn hơn nhiều người không giác ngộ – những người đang khỏe mạnh bình thường bỗng ra đi trong một giấc ngủ ngon, ít đau đớn.

Kinh điển nói về các sự thần thông biến hóa liên quan đến cuộc đời ngài. Tôi cho rằng đó chỉ là sự thêm thắt, không có gì phi thường trong đời ngài cả. Đời sống của Phật là tận cùng của sự bình thường.

Nếu bạn có dịp đọc Đường xưa mây trắng, cuốn tiểu thuyết của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết dựa trên cuộc đời và các lời dạy của Phật Thích Ca – bạn sẽ thấy thiền sư Nhất Hạnh lược bỏ hầu hết những gì thần thánh hóa quanh đức Phật, trả ngài về trong hình dáng một con người hòa dịu bình thường. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng hình bóng Phật trong cuốn sách đó có gì phảng phất hình bóng của chính ngài Nhất Hạnh và phép tu thiền riêng của Làng Mai. Điều này cũng khó tránh khỏi.

Mẹ của Phật chết sau khi sinh ra ngài. Ngài lớn lên trong hoàng cung và được bù đắp bởi tình yêu từ vua cha. Ngài lấy vợ sinh con và có một cuộc sống đẹp. Tuy nhiên, ngài từ bỏ tất cả để ra đi sau một đợt (mà ngày nay chúng ta gọi là) khủng hoảng tinh thần. Rất may ngài không sống trong thời hiện đại, nếu không có lẽ người ta sẽ bảo ngài “bị hâm” và đề nghị ngài dùng thuốc chống trầm cảm.

Đức Phật đã tập Thiền Định để tìm câu trả lời. Nhưng sau khi đạt đến những tầng cao nhất của thiền định, ngài nhận ra trong nội tâm mình, đau khổ vẫn còn. Vì thế, ngài từ bỏ thiền định, và dấn thấn vào lối tu khổ hạnh: Hành hạ thể xác để tìm câu trả lời. Đây là một cách tu ngớ ngẩn và ngài đã suýt chết vì nó.

Vì thế chúng ta nên cẩn trọng với huyền thoại nói rằng đức Phật “ngồi thiền” dưới cây bồ đề 49 ngày và đạt được giác ngộ. Chúng ta nên cẩn trọng với việc truy cầu các “tầng thiền định” để đạt được giác ngộ. Chẳng có giác ngộ nào trong thiền định cả – đó là điều chính đức Phật khẳng định. Thiền định dù có xoa dịu nội tâm ta êm ái đến đâu, thì trong sâu thẳm, đau khổ vẫn còn.

Bản thân con số 49 là một con số có nhiều ý nghĩa trong văn hóa Á Đông, vì vậy, có thể nó cũng chỉ là một con số biểu tượng, được thêm thắt sau khi Phật qua đời. Phật chưa hẳn đã cần tới 49 ngày để nhận ra chân lý.

Sự giác ngộ của đức Phật được đánh dấu bằng việc ngài từ bỏ mọi nỗ lực tu hành, một phần bởi lúc đó thân thể ngài đã suy kiệt do tu khổ hạnh. Ngài được cứu sống nhờ việc sử dụng thực phẩm bình thường, bắt đầu với sữa động vật – thứ mà nhiều người tu hành hiện nay không dùng vì cho rằng nó không phải thực phẩm “thuần chay”. Ngài từ bỏ việc “thoát khổ”, một sự từ bỏ hoàn toàn. Bởi mọi hành động “thoát khổ'” đều chỉ là phản ánh của ham muốn tìm kiếm hạnh phúc. Và ham muốn kiếm tìm hạnh phúc, đến tận cùng, sẽ đem tới bất hạnh.

Nghịch lý là khi không còn nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc, thì một thứ “hạnh phúc” tự nhiên và đích thực sẽ đến.

Không phải ngẫu nhiên mà bài kinh đầu tiên Phật giảng sau khi giác ngộ, kinh Tứ Diệu Đế, lại khẳng định rằng: Khổ là một sự thật. Một sự thật không thể chối cãi. Làm sao bạn có thể chạy trốn, làm sao bạn có thể dập tắt, làm sao bạn có thể phủ định được sự thật?

Khát khao “thoát khổ” chỉ là tham vọng của bản ngã mà thôi. Chỉ khi nào bạn chấp nhận sâu sắc rằng bạn không thể thoát được Khổ, tức bạn từ bỏ sâu sắc cái ước vọng kiếm tìm hạnh phúc, thì bình yên đích thực mới bắt đầu xuất hiện. Đó là trạng thái mà Phật gọi là Niết Bàn. Và con đường vô ngã bắt đầu hé mở.

Sự giác ngộ của Phật được gọi mởi khi ngài nghe câu chuyện của hai người lạ mặt về dây đàn: Dây đàn căng quá cũng không được, chùng quá cũng không được. Muốn chiếc đàn có âm thanh hay, thì dây đàn chỉ nên được căng ở một mức vừa phải. Chúng ta cũng vậy, nên nỗ lực vừa đủ. Đừng buông thả quá, nhưng cũng đừng nỗ lực thái quá. Ví dụ, nếu bạn đang tập thiền, bạn không cần phải ngồi thâu đêm suốt sáng hoặc cắt bớt giấc ngủ của mình để làm điều đó. Nếu điều kiện cho phép, hãy ngủ đủ giấc và sinh hoạt một cách khoa học.

Phật đã nhớ lại hình ảnh tuổi thơ của mình trong lúc đang giác ngộ. Chúng ta cũng vậy, hãy thấy ở mình một đôi mắt hồn nhiên của trẻ thơ.

Bất cứ một điều gì cao siêu đều không phải là Phật Pháp. Điều gì càng bình thường, giản dị, càng gần với Phật Pháp. Tận cùng của sự bình thường, tận cùng của sự giản dị, chính là Phật. Chẳng thế mà thiền sư Trần Nhân Tông viết:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.”

Dịch là:

“Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ.

Chân lý nằm trong những điều bình thường. Điều bình thường chính là chân lý.  (Và phát biểu này cũng chẳng có gì mới mẻ cả. Mọi điều tôi nói trên đều đã cũ. Dù vậy, nhắc lại chúng cũng tốt thôi.)

Ngộ nhận về chân lý dẫn đến những việc đáng tiếc. Một trong những ngộ nhận dễ thấy nhất gần đây là tình trạng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ của cà phê Trung Nguyên. Trong những điều ông Vũ đã làm, có những khía cạnh đáng trân trọng. Nhưng ở đây chỉ bàn tới vấn đề phương pháp.

  • Ông Vũ ngồi 49 ngày, có lẽ là bắt chước điển tích “Phật ngồi 49 ngày dưới gốc cây bồ đề.” Như đã nói, con số 49 có thể không chính xác.
  • Ông Vũ ngồi thiền và nhịn ăn. Đó là hai thứ mà Phật đã từ bỏ: thiền định và khổ hạnh. Trong quá trình giác ngộ “dưới cội cây bồ đề”, Phật Thích Ca đã ăn uống trở lại để khôi phục sức khỏe sau những ngày dài nhịn ăn, hành xác.
  • Có vẻ như sau khi ngồi thiền và nhịn ăn, ông Vũ đã khám phá ra bí mật của vũ trụ. Phật thì chẳng khám phá ra thứ gì cả. Ngài chỉ thấy rõ những sai lầm nội tâm đem đến đau khổ trong chính mình. Ông Vũ hướng tới sự siêu việt, còn Phật trở về với sự bình thường.

Đáng tiếc.

Tuy nhiên, những sai biệt ấy cũng không thấm vào đâu so với những biến đổi từng xảy ra trong lịch sử Phật Giáo, biến đạo Phật từ một chuỗi những gợi ý để người ta tự điều chỉnh các tổn thương bên trong lòng mình, thành ra một tôn giáo đa thần với nhiều bùa chú và khấn nguyện cao siêu ở nhiều nơi trên thế giới.

Như dây đàn không quá chùng cũng không quá căng, đừng trở nên tầm thường nhưng cũng đừng tìm thứ phi thường. “Tâm bình thường là đạo.”

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

*Featured Image: brenkee 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Đôi dòng cùng tác giả!
    Mình chỉ là một Phật tử bình thường và cũng chưa tìm hiểu sâu về giáo pháp kinh giảng của Phật. Nhưng ở những điều cơ bản của đạo Phật thì mình có biết qua một ít nên xin góp ý.
    Trong bài viết tác giả nhiều lần khẳng định “Sự giác ngộ của đức Phật được đánh dấu bằng việc ngài từ bỏ mọi nỗ lực tu hành” (nguyên văn) có lẽ đã có sự nhầm lẫn rất lớn!
    Bất cứ ai nếu hiểu về cuộc đời đi tìm đạo giải thoát và đạt đạo, truyền đạo cho đến ngày nhập tịch của Đức Phật Thích Ca đều biết rất rõ: Đức Phật đã hiểu ra con đường tu hành giải thoát nhờ 49 ngày thiền định dưới gốc cây bồ đề, đó là một sự thật không có gì chối cãi mà trong tất cả kinh sách đều ghi nhận rõ về sự kiện này! Mình không hiểu tác giả lấy nguồn ở đâu mà khẳng định là Phật giác ngộ được sau khi từ bỏ nỗ lực tu hành?
    Đức Phật từ bỏ hoàng cung, danh vọng, vợ đẹp , con ngoan.. tất cả không ngoài mục đích giải thoát, tìm ra con đường tu hành chân chính nhất để cứu giúp chúng sinh. Trong suốt gần 20 năm không ngừng tìm kiếm đạo giải thoát đó, dù trải qua rất nhiều biến cố (tìm gặp chân sư nhưng tu không thành, tu khổ hạnh, bệnh tật, đau yếu..) nhưng Đức Phật vẫn chưa bao giờ từ bỏ con đường tìm đạo giải thoát. Cuối cùng Đức Thế Tôn chỉ hiểu ra được mọi chân lý nhờ thiền định 49 ngày dưới cội cây bồ đề! Nhưng mình không hiểu sao tác giả bài viết luôn phủ định điều này!
    Trình tự một số mốc thời gian quan trọng mình xin ghi ra để mọi người không bị nhầm lẫn khi đọc bài viết trên:
    -Đức Phật trải qua quãng thời gian tu khổ hạnh (gần như không ăn thức ăn, chỉ uống sương trên lá và ăn trái cây rừng rơi rụng gần chổ ngồi..) nhưng không tìm được con đường giải thoát
    -Sau khi từ bỏ khổ hạnh, Đức Phật thiền định 49 ngày dưới gốc cây bồ đề và đạt được đạo giải thoát, hiểu ra được chân lý giải thoát cứu độ chúng sinh
    Trân trọng!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI