28 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Năm mới và về ước mơ!

Photo: National Park Services

 

Dream? Ước mơ? Đam mê? Niềm yêu thích? Niềm hi vọng? Sự ao ước?

Tất cả chúng là một. Hôm nay tôi không muốn định nghĩa thành công, tôi muốn nói đến ước mơ. Tản mạn về một chút ước mơ của mỗi người.

Hôm nay là mùng 1 tết, tôi muốn nhắc lại những lời chúc: Mã đáo thành công, tiền vô như nước, sức khỏe dồi dào, vui vẻ và gặp nhiều may mắn.

Nào, hãy thử đào sâu một chút vào đây, những lời chúc tụng. Lời chúc? Chúng ta có những lời chúc “thủ sẵn” để đáp trả lại bất cứ những lời chúc nào khác và những bao lì xì đỏ chót. Rồi, thấy gì chưa? Chúng ta có! Chúng ta có ao ước, chúng ta có mong muốn, nói đúng ra là: Chúng ta có ước mơ! Chúng ta có các bạn ạ! Nên xin đừng “giả vờ” rằng chúng ta chưa từng có.

ƯỚC MƠ?

Ước mơ, ước mơ! Chẳng cần xa xôi hay cao siêu đâu. Vì:

“Những thứ cao siêu chưa chắc là những thứ vĩ đại. Nhưng những thứ vĩ đại thì lại giản dị đến vô cùng.” – Khuyết danh

Không nhất thiết phải là gì đó xa vời. Ước ao có một vóc dáng đẹp, ước ao học giỏi nhất lớp, ước ao được lái xe đi khắp miền đất nước, ước mơ xây một ngôi chùa, ước mơ đi dạy học và làm giáo dục, ước mơ trở thành một vũ công, ước mơ trở thành một họa sĩ, ước mơ một đất nước văn minh hơn, ước mơ được đặt chân lên những mảnh rừng ở phương Tây, ước mơ được ngủ một đêm với các bộ tộc da đỏ, ước mơ được giăng buồm đi ra khơi hay thậm chí ước mơ thay đổi thế giới đi nữa… Hãy cứ mơ đi, chúng ta được phép và cần thiết làm điều đó.

Chúng ta khoái điều đó! Chúng ta luôn chúc nhau những điều tốt đẹp để đạt được một cuộc sống “như mơ”. Đã bao lâu rồi những lời chúc tụng, những ước mơ chưa được chạm vào nhỉ? Đã bao lâu rồi chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ chúc tết xã giao!

Ước mơ, nó giống như một đứa con của mỗi người vậy. Nếu bạn có một ước mơ, bạn sẽ phải bận tâm nhiều về nó đấy, bạn sẽ rất bức rứt khi rời xa hay bỏ rơi nó đấy. Một đứa con, và chúng ta vứt nó ngoài bìa rừng rồi “nghĩ rằng” mình có thể quên nó sau một giấc ngủ, “nghĩ rằng” có thể sẽ sung sướng hơn khi không tốn công nuôi nó. Chúng ta “nghĩ rằng” và “tưởng” quá nhiều.

Để tôi nhắc cho bạn nhớ, một gia đình nghèo khó chưa chắc là đau khổ, nhưng một gia đình vứt đi đứa con của mình để làm nhẹ đi gánh nặng cơm áo mới là đau khổ, chúng ta chắc hẳn đã có lần hiểu được điều này trong những bộ phim mà người mẹ hay người cha bỏ đi người con của mình chứ? Kết quả có phải chỉ là những nỗi hối hận và tự trách? Có phải kết quả là không dám nhìn lại người con của mình sau bao năm xa cách mà giờ đã đong đầy tình cảm với cha mẹ mới? Kết quả có phải là mong được người con tha thứ? Kết quả có phải là bây giờ người con của mình chẳng còn tình cảm gì với mình nữa? Hãy nghĩ về điều đó một chút…

Tôi chợt nhiên nhớ ra một câu nói rất nổi tiếng:

“Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ.” – Tony Gaskins

Theo quy luật 80/20, thì trong 1000 người chỉ có 200 người có ước mơ, 800 người còn lại không có (chắc là cố tình quên). Trong 200 người có ước mơ chỉ có 20% của 200 người (40 người) dám “làm thử”. Trong 40 người đó chỉ có 20% của 40 người là dám theo ước mơ cho tới cùng (khoảng 8 người). Nói vậy thôi, chứ đây chỉ là con số trung bình của thế giới. Với Việt Nam có lẽ, con số thực tế thấp hơn vậy nhiều…

Nhiều khi tôi nghĩ, có quá nhiều lý lẽ để chúng ta ngừng làm và biện hộ, nhưng lại có quá ít lý lẽ để chúng ta BUỘC PHẢI LÀM CHO BẰNG ĐƯỢC. Đó phải chăng là một vấn đề cấp bách, quan trọng mà chúng ta phải hiểu?

THÀNH CÔNG?

Có nhiều người hay nói “lỡ như”. Lỡ như không được thì sao? Lỡ như thất bại thì sao? Số khác phòng thủ bằng nhiều cách để khi “lỡ thất bại” vội vã chui vào căn phòng được in sẵn hai chữ “an toàn”. Chúng ta là vậy, thích an toàn, lỡ không được thì cũng không sao vì đã “thủ sẵn”. Đó là cách mà chúng ta nói với người khác: “Tôi đã thử rồi, tôi đã làm vài lần rồi, tôi đã làm nhiều lần rồi.” Đó là lý do chúng ta chấp nhận yên phận quay về những thứ thường nhật cho khỏe.

Đừng, đừng như thế, bạn sẽ nhìn thấy đứa con của mình đang chăm học, bạn hi vọng nó sẽ học giỏi, bạn sẽ mong nó làm bạn tự hào, bạn vẫn cứ nghĩ nó sẽ có một tương lai tươi sáng, rồi đột nhiên bạn mệt mỏi với cuộc sống, bạn không làm nữa, bạn không chu cấp cho nó nữa, thế là đứa con đói kém phải lăn ra đường để kiếm cơm thay vì dùi mài tài năng, từ đó nó lấm lem mặt mũi với bụi đất, rồi thì đã không còn những hình ảnh và niềm hi vọng nữa. Bao nhiêu niềm hi vọng mất đi theo cách đó?

Bởi thế, thôi, khi mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi dưỡng sức, rồi mọi thứ sẽ ổn, rồi bạn sẽ có lại sức khỏe tiếp tục thực hiện những điều tốt đẹp. Nếu có ai đó nói bạn NGU thì hãy gật đầu và bảo: Ừ, tao N.G.U (Never give up). Nhớ, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ…!

Có ai đó nói với tôi, nếu họ thực sự không thành công sau cả đời dấn thân thì sao? Thì tốt chứ sao! Điều đó chúng minh nó là một ước mơ lớn nên bạn không thể hoàn thành nó trong một đời người. Giả như việc thay đổi thế giới hay tạo ra một làn sóng mới cho thế giới… Rất có thể chúng ta sẽ không làm kịp trong đời mình, song những điều chúng ta làm dù gì cũng tạo thành một làn sóng, một khởi đầu cho việc gì đó. Hãy nhớ lại những người đã đấu tranh cho dân quyền, đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc và màu da… Họ không lãng phí công sức, họ mở đầu một thế giới mới, chẳng phải chúng ta có được cuộc sống yên bình như thế này là bắt đầu từ những ước mơ tưởng như xa xôi kia sao?

Tôi thiết nghĩ giống như Lão Tử:

“Thành công là vấn đề không quan trọng bằng chuyến hành trình đi đến nó.″ – Lão Tử

Vấn đề quan trọng là được sống trong “dòng sự sống” đó, được sống trong “ý nghĩa cuộc đời”. Giống như việc ta đi tắm biển vậy, chúng ta có biết bơi về đâu giữa dòng mênh mông, nhưng chúng ta thích cái cảm giác được đắm mình trong dòng nước đó mỗi ngày, điều đó là quan trọng hơn cả.

Nói vậy chẳng phải là chúng ta sống chẳng có mục tiêu để rồi không biết cảm giác mãn nguyện khi thành công là gì. Chúng ta nên chia thành công ra nhiều mức độ. Thành công lớn – dài hạn, thành công nhỏ – ngắn hạn, như những cầu thang ấy. Đó là lúc chúng ta có thời gian đạt được những thành công nhỏ vừa đủ để cảm thấy vui, vừa đủ để tận hưởng cuộc sống, vừa đủ để dung hòa với những thứ xung quanh mà vẫn có thể tiếp tục đi đúng hướng suốt một đời dù đôi khi có xiên vẹo một tí nhưng cũng chẳng hề gì.

CON DAO HAI LƯỠI!

Với tôi thì mọi thứ đều là con dao hai lưỡi, làm quá lên, vượt quá mức độ là sẽ gây phản tác dụng. Bất cứ điều gì cũng sẽ như thế. “Vượt quá hóa không”, “Khi cực thịnh là lúc khởi suy” là câu tôi luôn tự nhắc mình nhớ rõ. Có một lời nhắc nhở mà tôi phải tự nhũ mình cũng như gửi gấm cho các anh chị em khác: “Đừng biến ước mơ hay thành công thành gánh nặng.”

Đừng bắt nó phải kiếm ra tiền cho mình (có thể nó sẽ kiếm ra vào một ngày nào đó, nhưng đừng bắt ép), đừng bắt ai phải nể trọng mình vì nó, đừng khao khát đến mức quên đi những niềm vui nhỏ trong cuộc sống – những điều xung quanh, đừng bất chấp mọi thứ kể cả phi đạo đức để thực hiện ước mơ. Đừng! Ước mơ là ý nghĩa cuộc sống, một ngày nào đó đánh đổi mọi thứ để lấy ước mơ, điều chúng ta còn lại là gì? Tôi lo lắng nó chỉ là một thành công vô nghĩa…

Hãy chia sẻ điều hay, hãy tạo ra giá trị cho những người xung quanh. Hãy nhớ, đừng đi một mình!

Ước mơ? Nó có xa vời không? Tôi cũng chẳng biết nữa, thôi thì để cho bạn tự trả lời điều đó.

Những lời chúc tụng vẫn mãi vang xa trong tâm trí tôi, nhưng hãy tạm dừng nghĩ về nó một chút. Tôi có một câu khác quan trọng hơn muốn hỏi:

BẠN CÓ SẴN SÀNG TRẢ GIÁ CHO ĐỨA CON CỦA MÌNH KHÔNG?

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=diuMucYNG4I]

-Lục Phong-
31/1/2014

Nguồn tham khảo: Slogan nổi tiếng thế giới

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,880Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI