Featured image: via Tumblr
Kiếm được mười nghìn đồng trong lúc khó khăn dĩ nhiên phải khác xa so với có được mười nghìn đồng trong lúc đầy đủ. Cùng mệnh giá ấy nhưng người sử dụng nó với mục đích khác nhau cũng cho ra những kết quả khác nhau: người nhân ái dùng mười nghìn đồng mua gói xôi, ổ bánh mì biếu cho người có hoàn cảnh khó khăn bằng tất cả sự trân trọng; thợ sửa xe không có lương tâm thì dùng nó mua ít đinh rải đường quốc lộ để tăng xác suất nâng cao thu nhập cá nhân hằng tháng của mình; người mong muốn đổi đời nhanh chóng thì cầm tiền lao đi tìm người bán vé số để đổi lấy tờ giấy xổ cố định vào mỗi buổi chiều; người lo xa và tiết kiệm thì cuộn hoặc gấp mười nghìn đồng lại rồi chọt vào cái khe, nhét vào cái lỗ trên vật thể được gọi là heo đất, v.v… Dù là hình thức nào thì kết quả cuối cùng là người sử dụng chịu trách nhiệm với chính hành động của họ, chúng ta không có quyền giật tờ mười nghìn đồng trên tay mà chưa có sự đồng ý của người khác để dạy họ cách tiêu tiền như chính mình được!
Lúc nhỏ tôi từng bị ăn tát khi lỡ tay làm hỏng một món đồ trị giá mười nghìn đồng của đứa bạn, trong khi nó có thể vứt nhiều tiền hơn thế vào trò chơi điện tử mà chẳng một chút tiếc nuối nào! Nhưng tôi không có quyền lên án điều đó, vì cơ bản tôi đã làm sai với nó trước. Sau lần đó, tôi thận trọng hơn trước khi mượn một món đồ cũng như dùng đồ của người khác. Khi lớn lên, tôi gọi đó là những cái tát đầy động lực, cũng như cái tát mà Gemma “tặng” cho Ruồi Trâu khiến anh quyết chí vượt biên sang Argentina xa xôi, dựng hiện trường tự tử giả, để rồi mười ba năm sau là sự trưởng thành nhận thức đến mức choáng váng; một vài tin tức về sự ra đi của nghệ sĩ Văn Hiệp mà tôi từng đọc được trên mạng cũng có nhắc đến cái tát “để đời” mà diễn viên Hòa Tâm dành cho ông khi thử diễn một cảnh khóc, đưa ông đến con đường nghệ thuật; và nếu đọc bộ manga (truyện tranh Nhật Bản) có tựa đề Glass Mask hoặc anime (phim hoạt hình Nhật Bản) có tựa đề Skip Beat trong lúc đang hụt hẫng, có thể bạn sẽ tự tát vào chính mặt mình khi nhìn vào nghị lực phi thường của Maya và Mogami Kyoko!
Cái tát đầu tiên làm tôi nhớ mãi, cho nên tôi suy nghĩ về cuộc sống này rộng ra hơn với khái niệm “lần đầu tiên”
Thứ nhất, thuyết phục lần-đầu-tiên là khó nhất, bởi vì những lần sau nếu người ta từ chối thì mình chỉ việc nói: tại sao hồi đó cho mà bây giờ lại không cho?!? Cái này không chỉ là nghiệm đúng của chuyện phòng the, giường chiếu mà còn dính dáng đến nhiều lĩnh vực khác nữa, ví dụ như tại sao lúc trước mấy chú cho dán áp phích, treo băng rôn mà bây giờ lại không cho dán, cho treo? Tại sao bữa nọ bác đồng ý vận chuyển vượt quá số lượng quy định mà bây giờ lại không chịu? Tại sao hồi đó bọn bây có gan làm khống số liệu mà bây giờ lại không dám làm nữa? Tại sao ngày xưa tao mua hàng có chiết khấu mà bây giờ lại không có? Tại sao v.v…
Thứ hai, lần-đầu-tiên thường để lại những tì vết. Khi đến liên hệ công việc với đối tác, nếu “vô tình” cho những người bảo vệ nơi ấy một-chút-vật-chất thì những lần sau bắt buộc phải xòe tiền, nếu không thì y như rằng bị hạnh họe, vặt vẹo đủ thứ. Vấn nạn đút lót cho cảnh sát giao thông, nhét tiền cho hộ lý trong bệnh viện, đưa phong bì cho hải quan cũng cùng chung khởi nguồn, vì lần-đầu-tiên-rất-thiêng-liêng-nào-đó người ta đã dùng tiền để giúp cho công việc được trôi chảy hơn, ít tốn thời gian hơn, kéo theo tư duy được lập trình quán tính bằng câu phát biểu xanh rờn, ngắn gọn và chắc chắn: tiền là công cụ bôi trơn hiệu quả nhất.
Thứ ba, lần-đầu-tiên bị che lấp bởi những lời đổ lỗi, lên án thiếu công bằng. Nếu có dịp đến Cần Giờ, nhiều người sẽ được khuyên là không nên mang theo thức ăn, mũ, máy ảnh, túi nylon, giỏ xách hay bất cứ thứ gì dùng để đựng khi vào khu vực đảo khỉ, bởi mấy con đó rất là “mấy dạy” và thích giựt đồ, có đánh đuổi cũng không chống lại được. Nhưng ít ai để ý rằng hành vi không đẹp của động vật bắt nguồn từ hành động xấu của con người: chính chúng ta đã chọc phá, ném cây, chọi đá, triệt nguồn thức ăn và đối xử thô bạo với chúng trước nên mới dẫn đến việc chống trả, khiêu khích, ngoan cố, chai lì và bất trị của chúng sau này. Nhưng hầu hết người ta đều viện lí lẽ: bọn khỉ như thế nên chúng tôi phải đối xử như thế, có gì sai?!?
Thứ tư, lần-đầu-tiên sinh ra bởi nhu cầu muốn đè bẹp người khác, đánh bóng vị thế bản thân bằng một giá trị khá ảo. Việc học sinh đi học thêm quá nhiều được đổ lỗi bởi: thầy cô dạy trên lớp quá nhanh, dạy không hiểu, làm bài điểm thấp, dẫn đến nhu cầu mở lớp dạy riêng. Từ đó phát sinh chuyện phàn nàn của những người không học thêm: thầy cô cho đề trên trường toàn là những bài mà họ đã cho học sinh tiếp xúc trước ở lớp do họ mở tại nhà, hoặc không học thêm thì sẽ bị đì sói trán. Vì vậy người ta phủ nhận sự nỗ lực của mình: có học cố xác thì điểm cũng thấp thôi, ít ai chịu nhìn nhận rằng họ chưa cố gắng đúng mức và không can đảm vượt qua sự tự ti, nhưng rồi sau đó chính họ cũng lon ton kéo nhau đến những lớp học thêm ấy, với nhu cầu đạt điểm cao hơn những đứa còn lại.
…
Tôi kể câu chuyện này không phải phê phán đức hạnh của người khác để khiến mình đức hạnh hơn, chẳng qua đó là cách nhìn nhận của tôi đối với cuộc sống, mà đã là quan điểm cá nhân thì chẳng có cái nào đúng hoàn toàn và cũng chẳng có cài nào sai tuyệt đối. Đều mang giá trị là mười ngàn đồng trong hệ thống lưu hành nhưng tờ tiền này khác với tờ tiền kia bởi số sê-ri, những đứa trẻ cùng được thụ hưởng một nền giáo dục hiện đại và nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nhưng đến khi ra trường đứa thì làm việc đúng ngành, đứa thì làm việc trái ngành, vậy nên chúng ta đừng nên cố đồng nhất tất cả quan điểm lại với nhau, người cùng tư tưởng chưa chắc gì đã là bạn mình và người trái tư tưởng chưa chắc gì đã là kẻ thù của nhau.
Quách Dự Tây
Mình thì một lần , cần 40 ngàn đồng để đóng tiền học , Mẹ kế mình đưa rồi bảo : hết trách nhiệm với một đứa như mình … mình cũng muốn quên nhưng không hiểu sao không thể được , đến bây giờ đã15 năm rồi ….