(882 chữ, 3 phút đọc)
Tôi không am hiểu về y học, cũng chưa bao giờ có ý định dấn thân vào con đường cứu sống tính mạng của kẻ khác, bởi tôi là một kẻ bệnh hoạn đang che giấu trong mình bao nhiêu bệnh tật. Đối với những chẩn đoán, cơ thể tôi không ốm o gầy héo, nhưng tâm hồn tôi đang lụn dần đi theo từng ngày trôi qua. Tôi mang trong mình căn bệnh thế kỷ chưa tìm ra được phương thuốc chữa, căn bệnh lao phổi tâm hồn.
Sự khác biệt lớn nhất giữa người bình thường và những kẻ mắc bệnh như tôi là việc chúng tôi bị nghiện sự đau khổ và tuyệt vọng. Người bình thường hài lòng với tâm hồn thư thái, một tâm hồn ngoan ngoãn dễ chịu, họ mong ước những cơn đau bước qua đời họ bằng bước chân rón rén. Chúng tôi thì lại không chịu nổi tâm trạng hài lòng đó. Chúng tôi vui chơi với đau khổ tuyệt vọng đến nỗi mãn nguyện với nó rồi đâm ra thù ghét và muốn chạy trốn sự hạnh phúc. Chúng đã trở thành một phần máu mủ trong đời sống chúng tôi, nếu như phải sống mà thiếu vắng đi cảm giác đau khổ, chẳng khác gì cây khát nước, con người khát không khí để thở. Cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo với những ngày mà người bình thường ngợi ca tốt đẹp.
Rồi chúng tôi quyết định làm cuộc cuộc di cư vào trong những miền hoang vắng cô liêu, bởi đã quá chán ngán những phù du thường nhật mà con người bình thường đang tôn thờ. Chúng tôi khinh bỉ những điều đã tạo ra cuộc sống hài lòng, đó là vật chất tiện nghi, thói lạc quan luôn được bồi bổ và cố gắng duy trì cho đến khi cạn kiệt giọt sức cuối cùng. Việc chăm chút vun trồng tưới bón cho những xoàng xĩnh, đó là tất cả những nỗi khao khát man dại của con người bình thường, nhưng đối với những con bệnh, đó chỉ là một cơn điên cuồng với ham muốn đập nát đi hết tất thảy. Đôi khi tôi muốn cho nổ tung những tòa nhà cao tầng, muốn đập phá hết máy móc thiết bị, biết rằng đó là những hành động ngu xuẩn và ngông cuồng, muốn khạc nhổ một bãi nước bọt rồi vò tóc xúm đầu những kẻ luôn tỏ ra bộ tịch tỏ ra yêu quý cuộc đời.
Tôi biết kẻ mắc bệnh như chúng tôi chỉ là những kẻ biến thái điên tàn. Hiển nhiên là chúng tôi cũng yêu quý cuộc đời này không khác gì những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, phải chăng vì quá tôn thờ đời sống mà chúng tôi đâm ra chán ghét những kẻ dùng thứ tình cảm hời hợt để đối diện với lý tưởng của chúng tôi. Làm thế nào cho cả thế giới hiểu ra niềm mong mỏi tìm được một ý nghĩa cho kiếp nhân sinh này được mặc lên trên mình một thứ áo mới không còn vô nghĩa, chí ít là đối với riêng tôi.
Cả thế giới này có lẽ sẽ vồ dập vào tôi để chất vấn, tại sao chúng tôi có thể sống mà không hề chia sẻ được bất kỳ niềm vui nào đối với đời sống này. Không một niềm vui nào của người bình thường mà tôi có thể tìm thấy mình đắm say trong đó. Không thể đọc được một quyển sách thịnh hành, đứng trước niềm vui của bạn bè mình thì tôi quả luôn bất lực trong con đường tìm ra lời giải đáp tại sao những quán cà phê đông nghẹt, những rạp chiếu phim, rồi khu vui chơi giải trí, thú vui trưng diện, ăn uống nhà hàng hạng sang, tất cả đều gây cho tôi cảm giác ngột ngạt khó chịu.
Cũng giống như tôi, bạn bè tôi chẳng thể nào hiểu nổi tôi làm sao có thể hứng thú với thứ văn chương thi ca đầy ảo tưởng. Họ cũng đứng trước mặt tôi trố mắt kinh hoàng với một đứa chỉ có thể sống trong những điều phi thực tế. Thứ thơ ca lãng mạng tôi yêu quý và trót lỡ để mình đi lạc trong đó, tất cả chỉ là một sự điên rồ trong con mắt người khỏe mạnh.
Bao nhiêu lần tôi ném ánh mắt lên bầu trời hét lớn tại sao họ đúng còn tôi phải sai. Nhưng rồi chợt nhận ra nếu quả thật tôi không thể đúng thì việc chấp nhận mình sai cũng đâu có gì quan trọng. Họ bình thường còn tôi bệnh hoạn biến thái. Sống như họ mới là yêu quý cuộc đời thì tôi chấp nhận làm kẻ lạc loài yêu đời bằng tất cả sự điên rồ nhất mà tôi có thể dành trọn cho đời sống.
Nhân loại đang e ngại căn bệnh này. Tuy nhiên đối với tôi, bệnh không nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ. Có khi nếu đã được sống một ngày trong bệnh tật, bạn sẽ còn muốn níu kéo chúng ở lại mãi mãi bên cạnh đời sống mình.
Tác giả: Ni Chi
*Featured Image: Free-Photos
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2