29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Kẻ sĩ thời nay so với kẻ sĩ thời xưa

Featured image: Peer Into The Past

 

Thấm thoát vậy mà cũng đã gần tròn 40 năm ngày “giải phóng” miền Nam. Bốn mươi năm thiển nghĩ cũng đã đủ dài nhưng sao vết thương mãi vẫn không lành, vẫn rỉ máu, vẫn thấy đau xót cho quê hương, cho dân tộc mỗi dịp tháng Tư về. Bốn mươi năm dài sau ngày mà tiếng súng đã ngưng trên toàn cõi Việt Nam, vậy mà đất nước này, dân tộc này vẫn chìm đắm trong tăm tối. Số phận của con dân nước Việt ngày nay càng bi đát hơn bao giờ hết, trong thì bọn nội thù tha hồ đục khoét, tàn phá quê hương, coi mạng người dân như cỏ rác, ngoài thì họa mất nước vào tay kẻ thù phương Bắc ngày càng hiện rõ. Tôi ở đây, nước Mỹ, quê hương thứ hai của tôi, cha mẹ tôi cũng ở đây, anh chị em tôi ở đây, con cái tôi cũng lớn lên nơi này nhưng lòng tôi sao mãi hoài cố hương, mãi khắc khoải về một Việt Nam tự do, công bình cho hơn chín mươi triệu đồng bào tôi nơi quê nhà? Có ai giúp giải thích dùm tôi?

Chúng ta mất nước. Phải, chúng ta đã mất nước. Một quốc gia với đầy đủ những phẩm chất, truyền thống cao đẹp cha ông để lại, với một hệ thống pháp quyền đầy đủ xét theo mọi chuẩn mực của thế giới văn minh, một xã hội mà quyền con người luôn được coi trọng, tuy còn khá non trẻ, nhưng vẫn có thể ngẩng mặt với bạn bè, kiêu hãnh với đầy lòng tự hào là con dân đất Việt, chí ít với các quốc gia trong toàn cõi Đông Nam châu Á. Một dải giang sơn gấm vóc mà tiền nhân đã đổ biết bao xương máu để gầy dựng, vì cớ sự nào lại để mất vào tay một lũ vô quốc gia, vô thần và vô nhân? Nguyên nhân thì nhiều. Các chính trị gia, các bình luận gia, các vị học giả đã viết nhiều, rất nhiều, và nói cũng đã quá đủ nhưng theo tôi thiển nghĩ chúng ta phải tự vấn và tự trách mình. Ông bà chúng mình có dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Bài học xương máu này phải được khắc cốt ghi tâm, truyền lại cho con cháu, mới mong có ngày chúng ta nhìn thấy quê hương được quang phục.

Với tôi, việc chúng ta mất nước nguyên nhân chủ yếu vì chúng ta đã không có đủ kẻ sĩ hay có quá ít kẻ sĩ trong chúng ta. Theo khái niệm cơ bản nhất, kẻ sĩ là người sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với xã hội, với cuộc đời, và với đồng loại. Thật đáng buồn khi chúng ta lại là con cháu của hai Bà Trưng, hai vị nữ lưu vì nợ nước thù nhà mà đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống kẻ thù phương Bắc, là hậu duệ của Hưng Đạo Vương, một danh tướng đã khẳng khái tâu với vua Trần “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần đi đã.” Chúng ta là con cháu của Trần Bình Trọng, “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”, là hậu duệ của bà Triệu, “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!” Cha ông chúng ta kiêu hãnh, oai hùng trấn giữ một mảnh đất phương Nam, vậy mà con cháu chúng ta nay phải tha hương khắp nơi, tiếng mẹ đẻ cũng không biết có còn gìn giữ cho trọn vẹn được bao lâu?

Kẻ sĩ là người sống có trách nhiệm với bản thân mình do đó kẻ sĩ không thể là người mãi sống nhờ vào người khác. Khi quân viện còn dồi dào, chúng ta đã hoàn toàn ỷ lại, từ quan đến quân. Chúng ta đã không có kế hoạch gì để có thể tự lực cánh sinh, bồi bổ cơ thể quốc gia cho cường tráng, hầu có thể thoát hiểm khi không còn ai giúp đỡ, khi bạn bè ngoảnh mặt, buông tay. Chúng ta là một quốc gia nghèo về vật chất, thiếu thốn về phương tiện, kỹ thuật vậy mà quân đội chúng ta lại lệ thuộc và rập khuôn hoàn toàn theo cách dụng quân của quân đội Hoa Kỳ, một cường quốc về kinh tế lẫn quân sự. Người lính Việt được trực thăng vận vào chiến trường chỉ sau khi pháo binh yểm trợ từ quân đồng minh đã hoàn toàn bắn phá mọi thứ thành bình địa. Tự chúng ta đã triệt tiêu tính đề kháng của chính quân nhân của mình. Người lính cần phải có khả năng hành quân trên đôi chân của họ, mang theo những quân trang, quân dụng thiết yếu, phải có khả năng sinh tồn trong hoàn cảnh ngặt nghèo như những sói, hổ, đại bàng của hướng đạo chẳng may bị lạc khỏi bày hay đàn của mình. Quân đội Mỹ hùng mạnh là thế, vậy mà hàng năm vẫn gửi quân nhân qua Thái Lan hay Mã Lai để được giúp huấn luyện các kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm như tay không bắt rắn, uống máu rắn, trang bị cho quân nhân những hiểu biết cần thiết về du kích chiến. Vì kẻ sĩ là người sống có trách nhiệm với bản thân mình nên kẻ sĩ sẽ phải tìm ra cách sống phù hợp cho mình. Quốc sách ấp chiến lược với minh chứng đã gần như triệt tiêu toàn bộ sinh lực của bọn nằm vùng đã bị phá bỏ vì những kẻ vô mưu, bất tài, những kẻ sĩ giả hiệu.

“Ba đã làm hết sức trong khả năng và chức vụ của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam. Ba buồn cho đất nước mình nhưng lương tâm Ba bình yên vì Ba đã không làm một điều gì có thể ảnh hưởng xấu dẫn đến việc chúng ta mất nước.”

Ba tôi thường tâm sự với các con khi được hỏi về ngày đen tối 30 tháng 4 năm 1975.

Làm sao chúng ta có thể mất nước nếu mỗi người chúng ta, ai cũng sống trọn vẹn với hai chữ kẻ sĩ?

Kẻ sĩ phải là người sống có trách nhiệm với xã hội. Người ta đã vin vào nguyên do gia đình trị, đàn áp tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm mà kéo cả bàn thờ Phật xuống đường, mà phản thầy bán chủ cho ngoại bang chỉ vì vài đồng xanh đỏ. Người ta đã hà hơi, tiếp tay giật sập chế độ cộng hoà, để đã gần tròn bốn mươi năm đảng trị trên toàn cõi Việt Nam và để tôn giáo bị ràng đầu, buộc cổ, cúi mặt nhận lãnh ơn huệ “xin, cho” từ bọn cầm quyền vô thần. Và vì kẻ sĩ là người sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước nên kẻ sĩ phải là người có đủ sáng suốt nhận định đúng sai. Kẻ sĩ không thể vì quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm mà đang tâm chà đạp lên quyền lợi tối thượng của quốc gia, dân tộc. Các cuộc xuống đường, các mưu toan bẩn thỉu nhằm đánh phá nền cộng hòa non trẻ của miền Nam, giết hại những chí sĩ yêu nước, thương nòi không thể biện minh vì bất kỳ lý do gì.

Ngày xưa Judas chỉ vì ba mươi đồng bạc đã phạm tội bán Thầy của mình. Nhưng Judas rồi đã hối hận vì tội mình phạm, đem những đồng tiền máu trả lại cho các vị thượng tế “I have sinned in betraying innocent blood”, sau đó kết liễu cuộc đời mình bằng cách treo cổ tự vẫn. Thế mà đã hơn năm mươi năm sau biến cố tang thương 1963, những kẻ mà tay đã nhuốm máu người công chính Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, đã có ai biết nói chí ít lời tạ lỗi? Mai này khi quê hương thanh bình, tôi thiết nghĩ các thế hệ sau sẽ phải có trách nhiệm phá án oan sai “Ngô Đình Diệm và pháp nạn Phật giáo” mà cho đến hiện nay vẫn còn nhiều kẻ rêu rao, cho dù chứng cứ lịch sử đã được hoàn toàn bạch hoá, và nhân chứng lịch sử vẫn còn hiện hữu. Vì lịch sử là lịch sử, không ai có quyền bẻ cong, sự thật là vẫn mãi là sự thật, không ai có quyền bôi nhọ. Và kẻ sĩ là người công chính, nên không thể chấp nhận lịch sử bị bẻ cong hay sự thật bị bôi nhọ.

Miền Nam đàn áp tôn giáo ư? Miền Nam đã không có tự do ư? Miền Nam làm tay sai cho ngoại bang ư? Giật sập miền Nam rồi, bọn đón gió trở cờ, bọn ong tay áo, bọn khỉ dòm nhà bây giờ ở đâu khi mà anh em Hòa Hảo bị Việt cộng tra trấn, giết chết, mục sư, giáo dân Tin Lành bị bách hại, Công giáo, Phật giáo đầy những tu sĩ giả hiệu, tay sai? Bọn văn nô, bồi bút ở đâu khi mà báo chí nay bị ràng đầu, buộc tay đi theo lề phải, khi các blogger bị tù đầy chỉ vì viết nên sự thật? Bọn giết thầy, phản chủ dâng quốc gia cho kẻ nội thù nay ở đâu khi mà Trường Sa đang bị gậm nhấm dần, Tây Nguyên đã mất, hàng trăm ngàn dặm vuông biên giới phía Bắc rơi vào tay kẻ thù phương Bắc? Theo tôi, những người dám vỗ ngực xưng mình là kẻ sĩ phải có dũng khí đối diện với lương tâm của mình, chịu trách nhiệm vì những lời mình nói và những việc mình làm. Nếu chúng ta cứ mãi dối trá với chính mình, với xã hội, với con cháu chúng ta thì thử hỏi chúng ta mong đợi gì cho tương lai của quê hương, dân tộc?

Kẻ sĩ phải là người sống có trách nhiệm với đồng loại. Ông bà ta có dạy rằng “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Tôi thiển nghĩ, đã là nam nhi đứng trong thiên hạ, khi nước nhà hưng thịnh, bình yên thì cố đem sự học ra mà giúp nước, nhưng khi quốc biến thì sá gì tấm thân mà không dám đền nợ nước, trả thù nhà. Ngày xưa chúng ta có danh tướng Hoàng Diệu vì không giữ được thành mà tuẫn tiết để tròn câu “tướng chết theo thành”. Trước khi chết, trong tờ di biểu, ông cắn ngón tay lấy máu viết lời tạ tội với vua Tự Đức “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.” Ai trong chúng ta, những người còn có chút tình với quê hương, đất nước, mà máu lại không sôi, tim không ngây ngất trước tấm gương liệt nghĩa, trung thần này?

Xưa cha ông ta anh hùng là thế, ngày mất nước chúng ta cũng chứng kiến bao tấm gương ái quốc, can trường. Ngoài ngũ hổ tướng vang danh sử sách, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, chúng ta há sao lại có thể quên Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, người đã anh dũng chiến đấu tới cùng, không chịu hàng giặc để rồi ông bị cộng quân đem ra xử bắn nơi công cộng. Làm sao chúng ta lại không nhớ Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long tuẫn tiết dưới chân tượng đài Thủy quân lục chiến? Và còn biết bao tấm gương làm chói ngời cuốn quân sử và có cả những anh hùng vô danh đã ngã xuống cho quê hương vào những giờ phút sau cùng của cuộc chiến. Chúng ta cũng không thể quên những người công chính, đã sống và cũng đã chết, tròn hai chữ kẻ sĩ trong các trại tù mà Việt cộng đã dựng nên trên toàn cõi Việt Nam, giam cầm quân cán chính miền Nam dưới mỹ từ “cải tạo”, sau cái ngày gọi là “giải phóng”.

Chúng ta là con người với đầy đủ lý trí, sao lại có thể quên biết bao đồng bào, nạn nhân vô tội, đã ô nhục trong tay hải tặc, chết tức tưởi trên biển Đông hay trong các trại cấm, trên con đường vượt biên tìm tự do, tìm quyền làm người. Chính Karl Marx, cha đẻ của “Tư bản luận”, tiền đề của chủ thuyết cộng sản cũng đã viết “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”.  Vậy mà trong hàng ngũ chúng ta có kẻ đã từng là thủ tướng, phó tổng thống lại can tâm quay đầu về hàng giặc, đón tiếp kẻ thù, lại còn buông lời thóa mạ những người đã từng đứng chung chiến tuyến. Trách nhiệm ở đâu? Kẻ sĩ ở nơi nào?

Khi nhìn tấm hình một người thương phế binh VNCH cụt cả hai chân ngồi bên mộ bạn, mắt tôi bỗng dưng thấy cay xè. Xin được gửi đến chú lời tạ ơn từ đáy lòng tôi. Vì quê hương mà chú đã mất đi một phần thân thể của mình. Nay chú lại thay mặt bao người Việt xa xứ, còn có tấm lòng với quê hương, nhưng chưa được một lần về thăm lại nghĩa trang Biên Hoà, nơi yên nghỉ của biết bao anh hùng.

Tao rót cho mầy nửa ly thôi
để nửa kia tế cáo đất trời
tế thiên hạ, tế người cùng giống …
tế tao, tế mầy, tế núi sông

— Nguyễn Thanh Khiến, Thăm mồ bạn cũ

Một người thương phế binh, cụt cả hai chân, nhưng có lẽ tâm hồn lành lặn hơn rất nhiều người trong chúng ta, những người đã vô tình hay hữu ý mà quên đi nỗi đau của đồng bào mình. Khi còn bao nhiêu người đang lầm than, đói khổ, không có tương lai, thì chúng ta, nếu còn một chút lương tri, xin đừng “áo gấm về làng”, đừng hưởng thụ trên nỗi đau của dân tộc này.

Vì đâu một nhạc sĩ mà danh tiếng có lẽ không cần bàn cãi đã từng viết “Một ngày 75, đứng ở cuối đường, loài quỷ dữ xua con ra đại dương!…” lại quay đầu về với quỷ, và tuyên bố trước báo giới “Tôi không quan tâm về thể chế chính trị. Tôi chỉ cần một quần chúng để tôi hát.” Nếu không quan tâm đến thể chế chính trị sao ông đã bỏ nước ra đi? Sao ông không ở lại trong vòng tay của quỷ sau ngày mất nước? Khi mà Việt Khang, chỉ vì lòng yêu nước còn phải chịu cảnh tù đầy, thì thử hỏi vì sao một số ca sĩ ở hải ngoại, với đầy đủ quyền tự do lựa chọn, nay lại sẵn sàng quay về bán mình? Vì danh tiếng ư? Không phải. Vì tiền ư? Có thể. Nhưng điều đáng nói ở đây là họ không có can đảm của một kẻ sĩ, dám lên tiếng xác nhận mà lại ngụy biện cho rằng họ chỉ đơn thuần muốn gặp lại công chúng yêu mến họ mà thôi. Thử hỏi nếu Việt cộng chỉ cho phép họ về Việt Nam với điều kiện họ sẽ vĩnh viễn bị giữ lại, thì “tình yêu” của họ với công chúng có đủ lớn không?

Với những người “áo gấm về làng” vì bất kỳ lý do gì, xin hãy dành vài ba phút ôn lại một vài câu trong “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương mà có lẽ tất cả chúng ta đã được học từ thời tiểu học. “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ.” Chỉ vì nhìn thấy sứ Tàu nghênh ngang trên đất Việt mà ngài đã viết “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.” Vậy mà ngày nay, quý vị Việt kiều nào nếu có ghé về thăm Saigon, xin dành một ít thời gian đánh xe lên Bình Dương mà xem. Tại đây quý vị sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều khu phố mà các cửa hàng buôn bán nơi đây đều trưng bảng hiệu bằng tiếng Tàu.

Tiếng Việt có chăng chỉ là những dòng chữ nhỏ ở bên dưới, cứ như phụ đề trong phim bộ vậy. Quý vị “yêu nước” có thể dễ dàng nhận ra rằng, tuy buôn bán tại khu dân cư mà đa phần là người Việt Nam, nhưng các chủ nhân người Tàu vẫn ngang nhiên, bất chấp luật lệ, chỉ niêm yết giá bán là đồng Nhân dân tệ. Đây là đất Tàu ư? Có lẽ thế.Trên toàn cõi Việt Nam bây giờ, có bao nhiêu đất là của Tàu rồi? Khi nghe Việt Khang viết “Việt Nam tôi đâu? Việt Nam còn hay đã mất?” quý vị nếu còn một chút liêm sỉ, có thấy nhục không, có thấy đau không?

Đọc những bản tin gần đây trên mạng điện toán về những thông cáo cảnh giác dân địa phương về người Việt vì người Việt hay ăn cắp, hay ăn uống tham lam tại các siêu thị ở Đài Loan, Nhật Bản hay các nhà hàng ở Thái Lan, ai là người Việt, còn một chút liêm sỉ, mà lại không thấy đau, không thấy nhục? Vì đâu nên nỗi? Việt cộng “trồng người” đó sao?

Những ngày qua khi kẻ thù phương Bắc uy hiếp, giở trò côn đồ ngay trước cửa nhà, là con dân Việt ai lại không căm phẫn, bầu máu nóng lại không sôi vậy mà bọn cầm quyền từ tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, đều ngậm miệng ăn tiền, cả một lũ hèn với giặc nhưng lại hung ác với dân. Sống như thế, sống chi cho chật đất? Sống như thế, chẳng thẹn với tổ tiên, non sông sao? Kẻ sĩ là người có đầy đủ lý trí để quyết định và chịu trách nhiệm việc mình làm. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn, há sao không chọn đường sáng mà đi?

Tương lai đất nước này, dân tộc này hoàn toàn nằm trong tay giới trẻ, những thế hệ tiếp nối. Hình ảnh một cậu bé Nhật Bản đói lả nhưng từ chối được ưu tiên lãnh phần ăn trước, lặng lẽ, gắng chịu xếp hàng chờ đến lượt mình, đã dạy chúng ta điều gì? Phải chăng trẻ em Nhật Bản đã được dạy và trau dồi lòng tự trọng? Giữ lòng tự trọng đã khó, nhưng lại giữ được trong lúc nghiệt ngã, khó khăn, thì xin được nghiêng mình học hỏi. Trong những mẩu đối thoại được ghi lại bằng điện thoại của một nam sinh tử nạn trên phà Sewol, Nam Hàn, cho thấy các em học sinh đã nhường nhau áo phao, vẫn luôn nghĩ về gia đình, bạn bè, thầy cô trong những thời khắc xảy ra tai nạn. Chia xẻ là điều quí nhưng chia xẻ cho nhau sự sống thì mấy ai trong chúng ta làm được? Phải chăng trẻ em Nam Hàn đã được giáo dục rất kỹ lưỡng về cách sống có trách nhiệm với đồng loại?

Nhìn người mà ngẫm đến ta, theo tôi thiển nghĩ, chúng ta hãy cứ dạy cho con cháu chúng ta, và có lẽ cho cả chúng ta nữa, biết kính sợ Trời Đất, biết sống trọn vẹn với hai chữ kẻ sĩ. Vì khi rường cột của nước nhà là những kẻ sĩ, thì lo gì đất nước sẽ không ngàn năm thịnh trị, con dân nước Việt lại không một lần nữa được sống như những con người với đầy đủ phẩm chất phải có. Làm được như thế, khi ta phủi tay rời bỏ thế gian này, ta yên lòng nhắm mắt và ta cũng sẽ không phải cúi mặt tủi hổ khi giáp mặt tiền nhân.

 

Nguyễn Khánh Vũ

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

12 BÌNH LUẬN

  1. “Trong những mẩu đối thoại được ghi lại bằng điện thoại của một nam sinh tử nạn trên phà Sewol, Nam Hàn, cho thấy các em học sinh đã nhường nhau áo phao, vẫn luôn nghĩ về gia đình, bạn bè, thầy cô trong những thời khắc xảy ra tai nạn. Chia xẻ là điều quí nhưng chia xẻ cho nhau sự sống thì mấy ai trong chúng ta làm được? Phải chăng trẻ em Nam Hàn đã được giáo dục rất kỹ lưỡng về cách sống có trách nhiệm với đồng loại?”

    Bao nhiêu % sư thật?! Sao quan sát cách người Hàn hành xử tôi chả thấy tình người đâu cả???!!! Chí thấy mánh khóe con buôn chuyên lấy thịt đè người!!!

    Trang này giờ biến thành trang tuyên truyền chính trị của hải ngoại à?! Cứ như xưa có tốt hơn không?! Nói những từ đao to búa lớn mà làm gì?! Cứ sống cho tốt, trung thực tử tế đi đã!!!

  2. Bài viết như 1 bài Hịch tướng sỹ thời hiện đại. Cảm ơn bạn. Rồi có ngày chúng ta sẽ đánh đuổi được giặc ngoại xâm, được ngẩng cao đầu với toàn thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,850Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI