Ba tôi từng nói: “Đó giờ xem kịch chỉ Dạ Cổ Hoài Lang là hay nhất, ngay cả Bí Mật Vườn Lệ Chi hay Ngàn Năm Tình Sử có công phu mấy cũng không bằng. Đơn giản, nhẹ nhàng vẫn là nhất.” Còn những người trẻ như tôi, xem kịch phải xem hài vừa vui, vừa giải trí. Cả ngày mệt lắm rồi, dại gì rước thêm “bi” vào cho nặng mình, để dành nước mắt cho chuyện của mình còn hơn là chuyện của người.
Thế nên, khi “Dạ Cổ Hoài Lang” được dựng lại sau 20 năm ở sân khấu Idécaf thì tôi cũng không hào hứng lắm. Trong suy nghĩ của tôi thì chắc vở này nói về chuyện yêu đương những năm 30-40 thế kỷ trước, đúng như cái tên gọi của nó, chắc là hội đồng-tá điền-kép hát thôi… Nhưng không, bối cảnh câu chuyện diễn ra xuyên suốt ở nơi đất khách, lạnh lẽo, trống trải… nơi mùa đông tuyết che lấp đi mọi nẻo đường. Đó cũng là câu chuyện đầy tình cảm, nam có, nữ có, nhưng tuổi đời, lối sống, suy nghĩ của họ cách xa nhau cả 2 thế hệ.
Chú Thành Lộc vẫn hoạt ngôn, làm chủ vở kịch, một ông Tư già bị gia đình đứa con bỏ trong viện dưỡng lão (nơi mà ông hay gọi vui là “trại tâm thần”). Ông thèm được ở gia đình con, được sống cùng gia đình đứa con trai duy nhất, cùng đứa cháu nội tuổi mới lớn với những suy nghĩ bồng bột (mãi đến sau này tôi mới biết, hình tượng ông Tư được khắc họa trên chính hình tượng NS Thành Tôn – ba của chú).
Một ông Năm – Hữu Châu là người bạn thân nhất của ông Tư, hai người cùng làng, cùng lớn lên, cùng yêu một người, để rồi vì tài nghệ kép hát mà ông Tư lấy được bà Tư, còn ông Năm đành tức tưởi bấy nhiêu năm chỉ vì không biết hát. Họ gặp nhau ở trời Tây, trở thành đôi bạn mấy mươi năm, họ thèm quê hương, họ thèm được thấy lũy tre, bờ đê, con sông, thèm mùi đất của quê mình, thèm cả những trò “nghịch dại” mà khi nhỏ từng chơi.
Đúng ngày giổ của bà Tư, ông Tư trốn viện về nhà, định làm mâm cơm cúng bà Tư nhưng con trai đi làm quên giỗ mẹ, cháu nội thì lo cho người yêu nên ông phải lén “mượn” cái bánh kem của đứa cháu làm tặng bạn trai để cúng cho bà. Ông Năm là khách mời duy nhất của lễ giỗ, họ lại hát “Dạ cổ hoài lang”, họ trách quá khứ, họ khóc cười cùng kỷ niệm quê hương.
Đỉnh điểm cho bi kịch khi đứa cháu gái tức giận khi ông nội điên quấy phá gia đình, ông treo những tấm màn có lũy tre, con sông, bờ đê do chính tay ông vẽ nên trong những ngày ở viện. Nó gào khóc trút hết sự tức giận, sự sợ hãi lên đầu ông nội, nó sinh ra tại một đất nước xa xôi không biết quê hương là gì, chỉ thấy quê hương qua hình ảnh hai lão già điên lâu lâu lại lẩm bẩm một mình hay thậm chí leo lên mái nhà giữa trời tuyết, nó kinh sợ ông nội vì cho rằng ông quậy phá, điên khùng, bệnh hoạn, lén đọc nhật ký của ba nó, làm khổ gia đình, ông là gánh nặng khiến ba mẹ nó suốt ngày cãi vả, ông là người khiến ba nó phải làm việc suốt ngày mới đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu quê hương là hình ảnh ông nội và ông Năm thì nó sẵn sàng chối bỏ và không cần cái quê hương đó.
Bao nhiêu hiểu lầm của đứa cháu gái được giải bày sau khi ông nội cùng ông Năm khoác tay nhau bước đi giữa trận bão tuyết. Nhờ người bạn trai khuyên bảo, đọc cho nó nghe cuốn nhật ký của ba nó, nó mới biết được sự thật.
Sở dĩ ba nó không muốn nhắc về Việt Nam vì ba má nó sợ nó bị trả thù. Bởi trong lần vượt biên ra đi, ba má nó lênh đênh trên biển, trôi dạt khắp các thuyền bè, hòn đảo. Ba nó nghe được âm mưu của nhóm người giả vờ nhân đạo nhưng thực chất là muốn cướp bóc, hãm hiếp rồi đục thuyền cho chìm giữa biển, nên chuyến đó ba má nó giả bệnh không lên thuyền. Chính nhờ vậy mà bảo toàn mạng sống và vượt biên thành công.
Từ đó, ba nó sợ, ba nó ám ảnh về sự hèn nhát của mình. Ba nó khát khao về quê hương nhưng lại sợ, ba nó nhớ quê hương da diết nhưng hình ảnh vượt biên năm nào lại làm ba nó sợ. Bằng cách nào đó, ba nó làm thật nhiều tiền mong rước ông bà nội nó qua, nhưng bà không kịp đi nên mãi mãi nằm lại trên quê hương, còn ông nội đó cũng không muốn rời khỏi quê hương, muốn bên cạnh bà, nhưng lời trăn trối trước khi chết bà muốn ông sang đoàn tụ gia đình.
Cũng chính bi kịch vượt biên đã khiến người cha ám ảnh về quá khứ, đứa con gái không hiểu chuyện nghĩ xấu về ông nội, gia đình, về quê hương. Nó chối bỏ quê hương bởi nó nghĩ ba nó cũng ghét quê hương nhưng thực ra đó là sự thèm khát được trở về nhưng không dám. Nhờ những dòng chữ, những bức ảnh người bạn trai chụp được trong chuyến về Việt Nam, nó mới thấy được quê hương của nó đẹp lắm.
Quê hương của nó là con sông ông nội đã chèo ghe ra giữa dòng để báo cho cả làng ngày nó ra đời. Quê hương của nó là cây khế trước sân mà bà nội đã chăm sóc, chờ nó về hái quả. Quê hương của nó chính là ông nội, là bà nội, là ông Năm… Khi nhận ra mọi thứ, nó chạy ra đường để tìm ông nội và ông Năm đang đứng trên nóc nhà giữa trời giá lạnh, nó muốn òa khóc xin lỗi, mong được tha thứ vì sự nông nỗi của mình
Ông Tư và ông Năm đi tìm quê hương trên những ống khói nhấp nhô như hình chiếc nón lá, tuyết phủ bao quanh làm hai ông gợi nhớ hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha nón lá đến trường. Đó là quê hương, quê hương ở khắp mọi nơi nếu trong trái tim mình luôn khát khao, mong mỏi. Hai ông lại ngân nga “Dạ cổ hoài lang”, lần này ông Năm hát cho ông Tư nghe, tuyết vẫn rơi dầy. Ông Tư chết trên vai người bạn tri kỷ nên nóc nhà đầy tuyết, trong tiếng hát “Dạ cổ hoài lang” khàn đục của ông Năm, ông đã về với quê hương, khi đứa cháu gái chưa kịp nói lời xin lỗi.
Khán giả vỗ tay liên tục, khiến 4 diễn viên cúi chào rất nhiều lần, đâu đó sụt sịt tiếng khóc. Tôi thậm chí nhìn thấy dòng nước mắt hiện rõ trên gương mặt của Chú Thành Lộc, Chú Hữu Châu, Anh Lương Thế Thành và cả Chị Vân Trang. Có người nhớ quê hương, có người nghĩ phận đời, có người cảm thông cho người thân xa xứ, có người chua xót cho phận đời vượt biên…
“Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc đừng lạt phai…
Thiếp nguyện theo chàng
Nguyện cho chàng hai chữ an bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi…” – Đó là khi tôi thấm thía câu nói của ba.
Vy Nguyen
Một tác phẩm đầy tính nhân văn về tình yêu. Tình yêu giữa ông Tư và vợ ông thật đẹp. Họ đã luôn giữ ngọn lửa ấy trong cuộc đời này, để rồi cuối cùng không còn gì có thể chia cắt họ được nữa.
Ở đây, một lần nữa ta thấy đề cập tới sự khác biệt văn hóa giữa tây và ta. Cuộc sống bộn bề ở đất nước phát triển khiến người ta ít có thời gian cho gia đình, mà điều này là một thử thách lớn đối với người nhập cư, đặc biệt là những người già – những người khao khát quanh quần bên con cháu. Vở kịch cũng chạm tới tình yêu quê hương mà chỉ có những ai xa nó mới thấu hiểu hết cái sự thiếu hụt nơi đáy lòng.
Tôi thích hình ảnh ông Năm, ông là người giàu tình cảm và vị tha. Tình yêu của ông dành cho bà Tư đủ lớn và ông thật sự trân trọng tình bạn giữa ông và ông Tư để có thể chứng kiến ông Tư và bà Tư hạnh phúc bên nhau.
Đâu đó lại thấp thoáng sự hy sinh dành cho người mình yêu thương. Hãy cứ cho đi từ cõi nầy!
tình người ôi khó tìm
Cũng đọc nhiều về nỗi nhớ quê hương của những người xa xứ nhưng nếu mình chưa thực sự trải qua thì khó mà cảm nhận được…
Tự nhiên nhớ mấy câu hát:
Nắng bên này buồn lắm em ơi
Một mình anh lê bước trên đời
Nắng nơi đâu cũng là nắng ấm
Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương…
Thực ra giờ có về chắc cũng không còn cảm nhận được hương vị đậm đà của quê hương nữa. Cái gì cũng thương mại hóa hết nên lễ Tết giỗ chạp gì cũng nhạt nhẽo, vô vị. Ngày xưa nghèo mà sao Tết thiếu nhi, Trung Thu, Tết cổ truyền rồi giỗ chạp, liên hoan thấy vui thế! Mọi người quây quần lại cùng nấu cỗ, vừa làm vừa chuyện trò rôm rả đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, tuy mệt chút nhưng ấm áp… Con cháu đến đông đủ từ sớm chứ giờ đứa nào cũng bận làm ăn, bận công việc (chả biết có bận thật không hay chỉ lấy cớ) chả thấy mặt mũi đâu. Có đến cũng ngồi độ 1, 2 tiếng rồi đứng dậy phủi đít đi cho khổ chủ è cổ ra dọn! Sao mà thấy BẠC!!! Tóm lại tiền vô, thương mại hóa vô nó có tiện lợi thật đấy nhưng nhạt như nước ốc, bạc phếch như vôi!!! CHÁN ỐM!!!
Ra đường thì ô nhiễm khói bụi tắc đường các kiểu. Cây xanh cổ thụ chặt đốn dần dần để nhường chỗ cho nhà hàng, quán nhậu, nhà nghỉ, quán nét, siêu thị với chả siêu xe… Vẫn biết phải thay đổi chứ không thể giữ nguyên hiện trạng cũ nhưng thay đổi kiểu này thì chỉ có nước KHÓC THÉT LÊN mà thoai!!!
Về làm chi Việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời
Mà tình thương chưa lên ngôi…
Bài viết tuyệt lắm, một u uất khó diễn tả của tình người.
Bài viết đầy đặn cái tình người.