28 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hồi ký Vipassana

Photo: Jasmine Kaloudis

Cũng giống như những người đi xa mới trở về nhà khác, tôi muốn mang về những món quà nho nhỏ cho những người tôi yêu thương. Ngày trước khi đi, tôi không nghĩ mình có thể mang về món quà gì đó có ý nghĩa cho những người thân xung quanh ngoài cái tâm bình ổn, bớt dao động hơn để tránh làm hỏng việc, tránh đem lại phiền muộn cho người khác. Tôi không ngờ mình có thể đem về một món quà mà tôi cho rằng đó có thể là món quà quý giá nhất trong đời tôi có thể tặng cho những người ở nhà. Chỉ kịp đặt vali xuống, tôi bắt đầu bao gói món quà này dành tặng bạn. Bạn có thể mở ra xem bất cứ khi nào bạn muốn. Và bạn có thể nhận món quà này hay không tùy ý bạn.

Trước khi đến với khóa thiền Vipanassna, tôi chỉ nghĩ đơn giản thiền định sẽ giúp cho tâm mình tĩnh lặng, bớt xáo trộn với quá nhiều ý nghĩ cùng một lúc xuất hiện; giúp mình suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định một vấn đề. Tôi vừa trải qua một thời gian liên tiếp gặp nhiều trắc trở cả trong đời sống tình cảm lẫn công việc. Mặc dù lý lẽ trong đầu đã xác định là phải bỏ bớt tham, sân, si trong đời để bớt khổ. Nhưng trong suy nghĩ, trong lời nói, trong hành vi của tôi thì vẫn luôn còn tham, sân, si. Vẫn luôn tham muốn cái này, tham muốn cái khác, đặc biệt là trong công việc.

Quyết định dời đi 10 ngày để tìm lại một khoảng thời gian yên tĩnh, để nhìn lại mình, nhìn lại quãng thời gian mình đã sống và con đường kế tiếp mình đã chọn; cũng là tìm lại một khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Tôi không nghĩ toàn bộ cuộc đời tiếp theo của mình có thể thay đổi bởi 10 ngày này.

Cũng nhờ duyên may, có thể do còn chút phước phận trước đó, tôi được hai người em giới thiệu về Vipassana. Điều tôi thích khi đọc những thông tin đầu tiên về Vipassana là ở chỗ đây là pháp thiền nguyên thủy, không mang màu sắc tôn giáo, không tông phái, không yêu cầu cải đạo. Nó dành cho tất cả mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi màu da, mọi sắc tộc. Và nó có một bản nội quy rất nghiêm khắc về việc giữ trọn 5 giới trong suốt khóa thiền. Tôi rất ấn tượng với việc người ta yêu cầu các thiền sinh phải im lặng trong suốt 10 ngày, không nói chuyện với những người cùng tham dự, không liên lạc với thế giới bên ngoài bằng bất cứ cách nào. Ngồi thiền suốt 10 tiếng đồng hồ trong mỗi ngày. Tôi cũng ấn tượng bởi việc người ta không thu tiền lệ phí. Tất cả chi phí để tổ chức các khóa thiền là tiền của cúng dường của các thiền sinh cũ đã theo học muốn tạo tặng phúc lành cho những người khóa sau. Và còn một ý nghĩa thâm sâu khác nữa của việc này mà đến ngày cuối khóa tôi mới hiểu được.

NGÀY 0 – NGÀY TẤT BẬT NHƯ LỆ THƯỜNG

Trước khi đi 2 ngày, tôi thông tin trên FB cho những người bạn của mình biết về việc tôi sẽ vắng mặt 10 ngày. Điều lạ lùng là không ai ngạc nhiên khi biết tôi đi học thiền. Có lẽ mọi người đều thấy cái lệ thường là tôi đã sống quá tật bật, quá nhiều ham muốn, khát vọng – nhất là trong công việc. Và mọi người chúc tôi lên đường an lành. Ngay cả chị phụ trách ở công ty tôi đang làm việc. Mặc dù công việc rất nhiều, nhưng chị cũng động viên tôi yên tâm đi học.

Tuy vậy, vốn là người tham lam, tôi vẫn nhắn gửi với những ai đang còn muốn đòi nợ công việc tôi trước khi đi. Và thế là tôi lại nhận lời thêm công việc vào 2 ngày cuối cùng trước khi đi. Kết quả là đêm ngày trước khi đi tôi vẫn còn 2 bài viết dài phải hoàn thành, 1 cuộc hẹn nói chuyện điện thoại dài và 1 cuộc hẹn gặp trực tiếp. Quần áo, đồ đạc mới chỉ mua về chứ chưa thu dọn vào vali. Nhưng vì quá mệt, tôi lăn ra ngủ trước khi hoàn thành công việc.

Sáng ngày khởi ngày, trời mưa rất lớn. Thức giấc từ 6h kém để tiếp tục làm việc, nhưng tôi cũng chỉ kịp hoàn thành bản mô tả 1 dự án, đối thoại một cuộc điện thoại dài trước khi cô bạn của tôi đến nhờ tư vấn. Vừa nói chuyện với bạn, vừa tất bật tập hợp đồ cho vào vali, tôi ra đi trong khi vẫn còn 1 bản viết chưa hoàn thành. Để kịp giờ xe đón lúc 1h, và để cô bạn tôi tiện trở tôi ra bến xe, tôi ra khỏi nhàlúc hơn 12h. Sợ bạn phải về sớm ăn cơm, tôi không kịp ăn gì trước khi đi. Tôi vẫn luôn bị người bạn trai gần đây nhất cằn nhằn về việc luôn vội vàng, không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ như thế này nhiều lần. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chưa thể thay đổi. Nghĩ lại thấy đã có rất nhiều việc mình quyết định một cách quá nhanh chóng. Quyết định trong lúc đang rất hưng phấn, hoặc quá buồn bực đều không tốt. Tâm tôi không đủ tĩnh để suy xét kỹ lưỡng nhiều góc cạnh trước khi quyết định một việc. Và thực tế là tôi đang phải trả giá vì những quyết định nóng vội đó của chính mình.

Tôi bảo bạn dừng ở bãi đỗ đối diện bến xe Mỹ Đình. Điểm hẹn ở đó.

Bước vào quán nước, nơi đang có mấy người đàn ông – chắc là những người lơ xe đang ngồi. Ngày thường có lẽ tôi đã hơi e ngại khi vào đó, nhưng hôm nay tôi thản nhiên bước vào. Tôi kéo ghế ngồi, mua một hộp sữa đậu nành và gói hướng dương làm bữa trưa. Câu chuyện với anh bán mũ tại quán nước khá thú vị. Khi biết tôi đi học thiền, anh hỏi thiền là thế nào. Lúc đó tôi chỉ có thể giải thích với anh là để tâm mình an tĩnh, cho mỗi lời nói hành động của mình đều thể hiện cái ý muốn tốt của mình. Tránh đôi lúc mình có ý tốt, nhưng lời nói, hành động thể hiện ra ngoài lại rất khó nghe, hoặc làm người khác bị tổn thương. Anh gật gù.

Một lúc sau một nhóm các bà kéo vào quán ngồi. Họ rụt rè bảo mua cái kẹo cao su để ngồi nhờ. Anh bán mũ lúc này khá vui tươi bảo: các bà cứ vào ngồi, có ai bắt mua cái gì đâu. Có vẻ cái không khí có một chút tốt đẹp. Câu chuyện rôm rả về việc đi thiền, ai cũng náo nức mong chờ. Quán nước rôm rả với câu chuyện về việc thiền nhờ những thông tin hai bác thiền sinh cũ kể. Tiếng xe ồn ào trước bến làm mấy cô mới từ Thanh Hóa ra đau đầu phải bịt tai lại. Tôi gọi nốt cuộc điện thoại nhờ cô em ở văn phòng viết nốt bài viết mới chỉ gạch đầu dòng được vài ý. Thư giãn ngồi chờ xe.

Xe đến muộn, người đến muộn như cuộc sống lệ thường vẫn thế. 1h30 chúng tôi lên xe, và đoàn người từ phía đầu bên kia bãi đỗ xe kéo lại. Đông hơn tôi tưởng. Tôi tưởng chỉ khoảng 30 người một khóa thiền. Không ngờ có đến cả gần trăm người. Không hiểu sao người ta có thể lo ăn ở miễn phí cho từng đó con người trong suốt 10 ngày. Tiền từ đâu ra?

Trước khi tôi đứng dậy chào để lên xe, anh bán mũ nói với tôi: ” Em đi về rồi khi nào có dịp qua đây thì kể cho anh nghe nhé. Anh nhờ em đấy.” Tôi mỉm cười gật đầu: “Vâng”.

Tôi ngồi cạnh một chị khoảng gần 50, cắt tóc tém, có vẻ ngoài khỏe khoắn và tinh nghịch, nhưng lại mặc quần áo kiểu những người phớt đời. Chị bắt đầu nói chuyện: “Cái thằng bán mũ ấy, nó hiểu đời đấy. Bằng cách riêng của nó, nhưng nó hiểu đời.” Tôi đáp: “Vâng. Anh ấy dặn em nào về ghé qua kể anh nghe về khóa thiền.” Chị tiếp lời: “Ừ, chị cũng đã nghĩ hôm nào đó chị sẽ đưa thầy chị qua đây nói chuyện với nó. Chị thích ngồi mấy hàng nước chè lắm. Nhiều chuyện hay.” Và chị bắt đầu kể, bắt đầu hỏi tôi một số chuyện. Tôi đã xác định đi một khóa thiền im lặng, cũng không muốn nói nhiều nên nói với chị cũng hạn chế. Nhưng đây sẽ là một nhân vật đặc biệt đối với tôi sau khóa thiền.

Chúng tôi ngồi 3 người trên băng ghế. Tôi không có mấy thiện cảm với bác ngồi bên cạnh đơn giản bởi nhìn nét mặt bác có gì đó khó chịu, có gì đó hằn học. Tôi giải thích đó là do trực giác. Và tôi cũng không gợi chuyện bác. Bác này cũng là người gây nhiều sự chú ý của tôi trong suốt khóa. Con trai bác đi cùng, bước lên xe mùi nồng hơi bia.Chắc có lẽ vừa từ quán bia nào đó vào và bắt đầu nói chuyện ồn ào ở hàng ghế dưới cùng. Anh này sau là người bỏ về sau 3 ngày không chịu nổi kỷ luật khắt khe của khóa thiền. Mấy bạn trai trẻ băng ghế sau bàn luận sôi nổi về thiền, về các trường phái thiền – những thứ mà họ đọc được hay nghe người khác nói lại. Tôi im lặng.

Bất chợt tỉnh giấc. Xe đang đi trên một đoạn đường khúc khỉu với hai bên là cánh đồng gốc rạ vàng ươm. Tôi nghĩ chắc đã gần tới nơi. Cả xe bắt đầu thức giấc. Và như để chuẩn bị tâm lý cho nơi đến, hầu như không ai nói với ai câu nào. Tôi không nghĩ nơi học thiền lại gần Việt Phủ Thành Chương. Đã nghe về nơi này lâu rồi, nhưng tôi chưa có dịp ghé qua. Sườn đồi rất đẹp, chúng tôi đi qua con đường xanh mát với trúc và thông. Lấp ló là những ngôi biệt thự thật lớn trên sườn đồi. Xe dừng trước cổng 1 khu giống như khu nghỉ dưỡng. Tôi không thể ngờ chúng tôi lại đến một khu như khu nghỉ dưỡng. Thật đẹp. Thật yên bình!

Đón chúng tôi là 4 anh chị thuộc ban quản lý ngồi ở 4 bàn đăng ký dành cho thiền sinh mới. Chúng tôi ngồi tại một cái lán lớn sạch sẽ với hai khu ghế ngăn nắp, tách biệt cho nam và nữ riêng. Điền lại thông tin vào mẫu đăng ký đã gửi qua email, chúng tôi được cấp số giường và số thứ tự tọa thiền. Ban quản lý thiền sinh nữ trực tiếp có 2 người. Tôi thấy ngạc nhiên vì có một em rất trẻ. Sau này tôi biết em sinh năm 89 và đã ra trường đi làm 3 năm. Em làm thiết kế đồ họa nhưng từ cử chỉ, đầu tóc, quần áo em lại rất giản dị, rất nhu mì, không giống như phong cách dân thiết kế thường nổi trội hơn người khác. Những bạn thiền của tôi gồm đủ các lứa tuổi khác nhau, từ già đến trẻ; cả thành phố lẫn ở tỉnh, sau này tôi còn biết có cả những người từ Đà Lạt, từ Đà Nẵng ra học thiền. Nhưng điểm chung là nét mặt khá là mệt và ai cũng có vẻ không vui, nét mặt đờ đẫn, không tươi tỉnh. Tôi không có thiện cảm với một số chị mặc váy, đi giầy cao gót và vác theo một vali lớn đồ. Cứ như họ đang đi nghỉ mát vậy. Tôi nghĩ khi đã xác định đi thiền thì có gì đó họ đã phải có một suy nghĩ khác.

Chúng tôi được yêu cầu gửi lại tất cả các thiết bị liên lạc gồm điện thoại, máy ảnh, máy nghe nhạc,…và tiền mặt. Họ giữ riêng cho mỗi người vào một túi, đánh số túi và cho vào 1 hòm lớn khóa lại. Nhiều người trước khi gửi điện thoại còn nhắn tin số điện thoại của ban tổ chức để người nhà liên lạc khi cần gấp. Tôi suy nghĩ và quyết định không nhắn số cho ai cả. Không có việc gì gấp phải gọi giật mình từ xa trong 10 ngày này cả. Tắt điện thoại, đếm tiền và gửi cho người quản lý.

Trước khi đi, chúng tôi được dặn mang theo ô dù, đèn pin, chăn màn (nếu muốn dùng riêng), nên tôi đã tưởng tượng người ta sẽ trải chiếu xuống sàn để ngủ. Và nhà vệ sinh chắc hẳn ở một quãng xa chứ không ngờ phòng ngủ chung của chúng tôi là một căn nhà lớn với 35 chiếc giường đơn kê sát nhau thành 3 dãy, mỗi người một giường riêng. Chúng tôi có 4 nhà vệ sinh sạch sẽ, 3 phòng tắm, khu giặt và treo đồ với nhiều dây phơi thoáng mát ngay bên cạnh. Chúng tôi còn có 2 phòng vệ sinh kèm phòng tắm ở sát sườn nhà, nơi nấu nước nóng ngay cạnh, và người ta đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi rất nhiều xô chậu, móc áo, giấy vệ sinh, xà phòng để giặt đồ. Thật là chu đáo quá sức tưởng tượng của tôi.

Tôi nằm giường số 18, thuộc dãy giữa. Cách 1 lối đi nhỏ bên trái giường tôi là giường số 17, 16, 15, bên phải tôi là giường số 19, 20, 21,.. Các giường đều được trang bị sẵn đệm mỏng, chiếu, màn, chăn, gối, vỏ gối. Tất cả đều thơm mới, sạch sẽ. Thật tuyệt! Biết vậy tôi đã không phải vác hẳn 1 vali gồm quần áo mặc cho 10 ngày vì sợ không có chỗ giặt và phơi đồ, kèm theo cả chăn và màn.

Số 17 là 1 chị viên chức, hình như làm ở 1 viện khoa học nào đó. Thấp, nhỏ, nhưng luôn thướt tha với váy dài, áo sát nách và áo khoác dài bên ngoài. Số 16 là một bạn cũng rất mỏng manh nhưng lại toát ra vẻ mạnh mẽ trong nội tâm, có vẻ là người đã có kinh nghiệm đi rất nhiều nơi. Bạn mang theo đệm riêng, bồ đoàn (đệm ngồi thiền), chăn riêng giống kiểu dân phượt hạng sang chuyên nghiệp. Số 15 là một chị cao lớn, nhưng có vẻ thanh thoát, nữ tính và thảnh thơi. Nằm bên giường 19 là một bạn sau này tôi biết là bằng tuổi tôi, nhưng mảnh mai hơn tôi là người đã đọc nhiều về Phật pháp. Bạn thích giảng giải cho em nằm giường số 20 – một cô gái trẻ mang đậm chất dân phượt xe máy nội địa. Giường 21 kế bên là một bác đã gần 60 nhưng tính lại rất sôi nổi, trẻ trung, cười nói sang sảng được xếp chung dọc dãy bọn trẻ tụi tôi. Dãy bên trong là dãy của những người từ 50 – hơn 60. Đối diện giường số 17 là thuộc dãy trong chính là bác gái nhiều tuổi tôi không mấy có cảm tình khi ngồi chung trên xe.

Trong khi rất nhiều người bỏ cả vali và túi lên giường, đặt ngay dưới chân nằm, tôi đưa vali ra góc tường sát ngoài rìa phòng. Có một thứ duy nhất có giá trị lớn trong túi đồ của tôi – cái chứng minh thư, còn lại là quần áo, sữa tắm, sữa rửa mặt, chẳng có gì phải bận tâm. Tôi không thuộc kiểu phụ nữ thích mua sắm và mang theo nhiều đồ đạc. Cả phòng nhốn nháo mất một lúc khi mọi người bàn tán về chuyện ăn uống và lịch tập. Theo lịch học, chúng tôi phải thức dậy từ 4h sáng, ngồi thiền từ 4h30-6h, ăn sáng và nghỉ ngơi, thiền từ 8h-9h, từ 9h30 đến 11h, ăn và nghỉ trưa, rồi lại thiền từ 1h-2h30, từ 2h30-3h30, 3h30-5h; ăn chiều, rồi thiền từ 6h-7h, nghe pháp thoại từ 7h-8h30, thiền từ 8h30-9h, 9h30 đi ngủ. Thật là một lịch dày đặc và điều băn khoăn lớn nhất của mọi người: bữa chiều của chúng tôi chỉ được ăn một chút hoa quả và uống trà. Chúng tôi không ăn cơm tối. Làm sao mà chịu được đói nhỉ?

Chị quản lý bước vào và nhắc chúng tôi giữ Luật Im Lặng – Sự im lặng thánh thiện. Chúng tôi được giải thích là từ kinh nghiệm tổ chức các khóa thiền Vipassanatrên khắp thế giới, các thiền sư thấy rằng thiền sinh sẽ tu tập tốt nhất khi im lặng tuyệt đối. Lúc đầu rất nhiều người khó chịu vì cái luật nghe có vẻ rất vô lý này. Nhưng sau, tất cả chúng tôi đều có thể hiểu được vai trò tuyệt vời của Sự im lặng. Tôi đặc biệt cảm ơn Sự im lặng và thấy nó vô cùng hữu ích với mình.

Chúng tôi được ăn bữa ăn đầu tiên vào lúc 5h chiều. Ngày đầu tiên, chúng tôi chưa phải giữ chế độ chỉ ăn hoa quả và uống sữa. Bữa chiều của chúng tôi là xôi lạc ăn kèm củ cải khô – món này giống như ruốc vậy. Không biết là do sợ đói hay cũng giống cái cách mọi người tham lấy nhiều như khi đi ăn buffet, chỉ chưa đến 2/3 dãy người lấy đồ ăn thì bát củ cải đã hết. Chúng tôi thấy một lọ muối vừng đen trên bàn để hộp đồ uống: sữa đậu nành và trà gạo rang. Thế là những người sau chỉ ăn xôi với muối vừng đen. Một số người lúc đầu đã lấy quá nhiều củ cải khô, sau đã để thừa lại bát vì mặn không thể ăn hết. Món nước gạo rang thật ngon. Trong và thơm ngát. Tôi rất thích loại nước này. Bữa ăn đầu tiên không tránh khỏi sự lộn xộn, nhiều người vẫn nói và tiếng xô ghế vang lên. Nhiều người cau mày khó chịu, bác đứng sau lưng tôi càm ràm vì mọi người không biết giữ ý. Tôi im lặng.

Tôi khá ngạc nhiên khi vị thiền sư chúng tôi được biết mặt tại thiền đường lại không phải là thiền sư Goenkaji, vị thiền sư dạy Vipassana cho chúng tôi. Thiền đường trang nghiêm, rộng rãi, sạch sẽ chia làm hai bên, một bên dành cho nam, và một bên dành cho nữ. Chúng tôi có đệm ngồi màu xanh, gối ngồi, và cả một chiếc khăn đắp mỏng nhẹ màu tím rất mềm của hãng Korean Airline. Hai vị thiền sư phụ tá là một cặp vợ chồng người Việt, nói giọng còn chút gốc miền Nam. Lúc đầu tôi tưởng hai thầy cô sống tại trường thiền này và là người tổ chức các khóa học. Nhưng sau này tôi biết hai thầy cô là phụ tá của thầy Goenkaji, là người gốc Việt và đang sống tại Mỹ. Các thầy cô thiện nguyện tham gia giảng dạy tại các khóa thiền tổ chức trên khắp thế giới. Mọi tài liệu giảng dạy, pháp thoại đều là của thầy Goenkaji nên chúng tôi vẫn được gọi là học trò của Ngài Goenkaji.

Hai thầy cô phụ tá cỡ khoảng trên 60 tuổi, nhưng trông rất khỏe khoắn, trẻ trung, phúc hậu. Giọng của thầy đặc biệt ấm và vang. Tôi có ngay cảm giác yên lành và tin tưởng khi nhìn thấy hai người. Buổi đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn chỉ quan sát hơi thở, hít vào thở ra. Nhưng không phải hít vào thở ra một cách cố tình, mà là theo dõi hơi thở tự nhiên của mình. Vẫn thở một cách bình thường và quan sát nó.

Ngay trước khi được đưa vào Thiền đường (nơi ngồi thiền tập trung của tất cả các thiền sư và thiền sinh), chúng tôi đã được ban quản lý cho nghe băng dịch tiếng Việt về những lời căn dặn liên quan việc giữ 5 giới đạo đức (Sila): Không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống chất gây nghiện và cả sự im lặng thánh thiện, sự không đụng chạm giữa các thiền sinh. Khi vào trong thiền đường, chúng tôi lại được nghe những lời căn dặn như thế thêm một lần nữa; và thầy Goenkaji nhắc chúng tôi về quyết tâm ở trọn 10 ngày trong khóa thiền. Chúng tôi đi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày 1. Đêm đầu tiên tại trường thiền pha trộn nhiều thứ âm thanh: tiếng thì thầm nói chuyện, tiếng ngáy, tiếng dép đi vệ sinh của những người khó ngủ, tiếng trở mình, tiếng côn trùng kêu, tiếng sột soạt của túi nilong đựng đồ của người không chịu nổi đói. Tôi lặng lẽ nghe cho đến khi ngủ thiếp đi.

NGÀY 1 – TÂM TRÍ CHÚNG TA NHƯ NHỮNG CON KHỈ

Keng, Keng, Keng. Tiếng chuông báo thức lúc 4h sáng. Một số người già khó ngủ hơn đã thức từ trước đó khoảng 30 phút với tiếng dép đi loẹt xoẹt trong bóng đêm. Giờ thì 1 bóng điện bắt đầu được bật lên và tiếng ngáy đã tắt. Tôi tập động tác thức giấc Yoga rồi bước xuống giường, bắt đầu công cuộc vệ sinh cá nhân. Đánh răng, rửa mặt xong tôi còn gần 20 phút để gấp chăn màn và xoa bóp chân tay trước giờ thiền. Nhiều giường vẫn nằm ngủ, đặc biệt là dãy giường ở giữa của tôi – dãy gồm những người trẻ nhất. Rồi số 19, 20, 21,..cũng thức giấc, số 16, 15 cũng dậy, chì còn lại số 17 tiếp tục trùm trăn lên mặt che ánh điện và tiếp tục ngủ.

4h20 – Keng,, Keng, keng báo hiệu chuẩn bị giờ lên Thiền đường. Thiền đường nằm trên 1 đường cung, ở giữa khu nhà ở của nữ và nam. Chúng tôi cần đi một đoạn khoảng 100m để tới thiền đường. Bên ngoài trời mưa lạnh và vẫn còn tối. Đây là lý do vì sao chúng tôi cần mang theo đèn pin và ô dù để che khi trời mưa.

Bên ngoài thiền đường để rất nhiều hộp kem chống muỗi Sotifell. Chúng tôi bôi kem chống muỗi và lặng lẽ đi vào thiền đường. Các thiền sinh nam luôn là những người đến thiền đường sớm hơn nữ. Phần lớn họ đã ngồi khoanh chân ngăn nắp trước khi đám nữ thiền sinh bước vào. Hai thầy phụ tá chưa xuất hiện, nhưng khi thấy các anh chị quản lý tắt bớt đèn và bắt đầu ngồi thiền, chúng tôi cũng làm theo. Chúng tôi bắt đầu quan sát hơi thở. Thở một cách tự nhiên, không cố tình hít sâu hay thở sâu như tôi được hướng dẫn trong Yoga.

Khoảng 5h hai thiền sư phụ tá đi vào từ một lối cửa ra vào khác, dẫn từ khu nhà ở của thiền sư. Thiền đường có 3 cửa – 1 cửa cho nữ, một cửa cho nam và 1 cửa cho thiền sư. Sở dĩ tôi đoán đó là khoảng 5h vì khi đó chúng tôi vẫn nhắm mắt theo dõi hơi thở. Và trong suốt cả khóa, tôi vẫn không biết chính xác là mấy giờ thì thiền sư phụ tá xuất hiện, ngày nào cũng đúng vào giờ đó, nhưng ko biết là mấy giờ. Không có đồng hồ treo tường trong thiền đường, tôi không đeo đồng hồ đeo tay, tôi lại không hỏi ai vì giữ luật im lặng. Chiếc đồng hồ duy nhất tôi nhìn thấy là chiếc đồng hồ nhỏ để trên bàn của thiền sư phụ tá nam, cách khá xa chỗ tôi. Khoảng 30 phút trước khi buổi thiền đầu tiên kết thúc thì băng tiếng vang lên. Tiếng tụng niệm của Ngài Goenkaji. Tiếng vang và ấm, có gì đó thật đặc biệt. Thầy tụng bằng tiếng Ấn cổ, và khi đó tôi không biết nó có nghĩa là gì. Chỉ biết nó giống như thầy đang hát một giai điệu và giai điệu đó những ngày sau cứ vang mãi lên trong tâm tôi. Những giai điệu dễ chịu. Kết thúc bài tụng bao giờ cũng là câu: “Bhavatu mandalam… – có nghĩa là “Nguyện cho tất cả chúng sanh được hòa hợp, an lạc, hạnh phúc”. Những ngày tập khó nhọc ngay sau đó, cứ khi nghe tới câu này là như tôi được giải thoát, và đúng là giải thoát thật vì khi đó tôi được duỗi đôi chân đau nhức của mình ra khỏi thế ngồi bán già hay khoanh tròn.

Giờ ăn sáng đầu tiên. Chúng tôi xếp hàng dài để qua bàn để thức ăn. Bữa sáng được dọn ra là một thau nui và một thau canh củ quả nấu với hạt đậu. Ngon tuyệt! Chưa bao giờ tôi ăn món nui ngon thế.

Bữa trưa là những món hoàn toàn chay, nhưng cũng cực kỳ ngon. Tôi chưa bao giờ ăn đồ chay ngon như vậy. Ở những quán cơm chay tại thành phố Hà Nội hay HCM nơi tôi đã từng ăn, người ta thường nấu nhiều dầu, nhiều gia vị và thường hay giả là món thịt này thịt kia. Ở đây chúng tôi hoàn toàn không có món giả này, giả kia, các loại rau củ quả, đậu, nấm, mộc nhĩ, các loại đỗ xào, nấu, om hay luộc vẫn nguyên hình dạng cắt miếng nhưng tuyệt ngon. Sau này chúng tôi hiểu, những người phục vụ cũng chính là các thiền sinh cũ, những người đã theo học khóa thiền 10 ngày và tự nguyện đăng ký đi phục vụ. Và khóa học cũng chỉ chấp nhận những người đã học xong khóa học 10 ngày làm người phục vụ. Họ có tâm từ bi, tình thương yêu đối với các thiền sinh mới, và họ toàn tâm nấu những món ăn đó cho chúng tôi. Đó cũng là một phần đặc biệt quan trọng làm cho những món ăn đó ngon đến vậy.

Nhiều người khó chịu vì không được nói chuyện, vẫn ra hiệu, vẫn thỉnh thoảng thì thầm. Cô bé thiền sinh phục vụ tại nhà ăn thỉnh thoảng lại phải đưa tay lên môi: suỵt

Trên tấm bảng tại nhà ăn có dán một tờ A4 kẻ dòng ngăn nắp để thiền sinh đăng ký họ tên người muốn gặp tham vấn thiền sư, một tờ A3 giải thích về Sự im lặng thánh thiện, 1 tờ A4 giải thích việc tụng niệm của thầy Goenkaji đơn giản là để tạo không khí thích hợp cho buổi thiền. Việc một số thiền sư cũ vái lạy 1 lần trước và sau giờ thiền đơn giản là theo truyền thống tại Ấn Độ người ta muốn cảm ơn. Không ai bắt và muốn các thiền sinh mới làm điều đó. 1 tờ A3 về thời khóa biểu học tập trong ngày. 1 tờ A4 luôn thay đổi mỗi ngày – Hôm nay là ngày 1. Hôm nay là ngày 2,… cho đến ngày 11. Trong suốt khóa thiền, tôi không quan tâm hôm nay là ngày 26, 27, ngày mùng 1, mùng 2 hay ngày mùng 5, mùng 6. Tôi chỉ có khái niệm hôm nay là ngày thứ mấy của khóa thiền.

Chúng tôi có hai khoảng thời gian để các thiền sinh có thể tham vấn hỏi đáp, thắc mắc về những vấn đề gặp phải trong quá trình tu tập với hai thiền sinh phụ tá vào lúc 12h-12h30 và sau 21h mỗi ngày. Thầy giải đáp cho nam, cô giải đáp cho nữ. Tôi nhìn vào bảng đăng ký và suy nghĩ về việc tham vấn thiền sư vào lúc 12h-12h30. Tôi quyết định đăng ký gặp thiền sư phụ tá cùng 3 người khác nữa.
Câu hỏi của tôi là:

– “Thưa cô, con thấy khi theo dõi hơi thở thì rất nhiều ý nghĩ ập đến trong đầu, hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác chứ không liên tục tập trung vào hơi thở được. Như vậy có gì không ổn không?”

– “Thế tốt đấy. Không sao đâu. Con cứ tiếp tục quan sát nó.”

Tôi chỉ hỏi bà đơn giản vậy thôi. Tôi quyết định là mình cứ bình tĩnh làm lần lượt theo sự chỉ dẫn xem sao.

Tất cả những thắc mắc trong ngày của tôi đều được giải đáp trong bài Pháp thoại của thầy Goenkaji vào buổi tối. Sau này tôi biết rằng bài giảng của thầy được thu âm từ cách đây lâu lắm rồi, phải đến 20 năm vì thầy đã già yếu và không còn trực tiếp giảng giải cho thiền sinh cả đến hơn chục năm nay. Vậy mà mọi thứ thầy nói cứ như đang diễn ra với tôi. Chứng tỏ cũng đã rất nhiều người giống như tôi. Và thầy đã được nghe đủ các loại thắc mắc, các triệu chứng của hàng chục nghìn thiền sinh trên khắp thế giới. Tôi quyết định sẽ không cần hỏi gì trong các ngày tiếp theo nữa. Vì mọi thắc mắc trong ngày của tôi sẽ sáng tỏ vào giờ pháp thoại.

“Tâm trí chúng ta như tâm trí của những kẻ điên. Bạn hãy tưởng tượng có một người thấy thương một người bị điên, ông đem cho anh này một đĩa gồm mấy miếng thịt gà. Ngay khi anh này cầm miếng thịt gà lên, tâm trí anh ta bảo đó là miếng xà phòng và anh ta bắt đầu cọ xát nó lên người để tắm. Ngay khi vừa cọ xát lên người, anh ta lại nghĩ: ồ đây là quả bom, kẻ kia muốn giết mình và anh ta ném những miếng thịt gà vào người vừa cho mình.” Tâm trí của chúng ta cũng như vậy. Khi vừa khởi lên ý nghĩ này, nó liền khởi lên ý nghĩ khác, chưa kết thúc ý nghĩ này, nó lại khởi lên ý nghĩ khác. Tâm trí của chúng ta luôn chạy rông và tốn sức cho nhiều điều vô nghĩa. Đó là những nỗi dung mà tôi ấn tượng trong buổi pháp thoại đầu tiên.

Quả đúng như vậy! Tôi đã thực chứng điều đó với tâm trí của mình khi theo dõi hơi thở tự nhiên. Nếu trước đó tôi được yêu cầu hít ra, thở vào sâu một cách cố ý, tôi sẽ chỉ thấy hơi thở, tâm trí rất tập trung. Nhưng khi tôi cứ để hơi thở tự nhiên và theo dõi những gì xảy ra trong đầu mình thì tôi thấy một loạt ý nghĩ thay nhau xuất hiện. “Các ý nghĩ của chúng ta gồm đủ thứ, nhưng có thể chia làm 2 loại: những ý nghĩ về quá khứ hoặc ý nghĩ về tương lai. Nhưng không có ý nghĩ cho hiện tại.” Ồ, đúng vậy. Chúng ta luôn nghĩ về quá khứ, hoặc tương lai mà ít khi chú tâm suy nghĩ về cái thực tại đang diễn ra ngay tại lúc này, ngay tại đây. Nghịch lý của đời là quá khứ đã qua không thể thay đổi, tương lai thì chưa tới và là hệ quả của những gì đang diễn ra, nhưng chúng ta không dành tâm cho hiện tại. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những nỗi khổ của chúng ta.

Bài pháp thoại của thầy dài và nhiều điều thú vị, nhưng đó là những gì ghi dấu sâu nhất với tôi trong ngày 1. Tôi còn ấn tượng về cách mở đầu bài giảng vào mỗi ngày của thầy: “Vậy là ngày thứ …. đã qua đi, chúng ta chỉ còn … để tu tập.” Lúc đầu chỉ ấn tượng ở giọng điệu, nhưng sau tôi nhận thấy nó mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Một câu chuyện trong bài pháp thoại sau này sẽ làm sáng rõ điều này.

Sau buổi pháp thoại, chúng tôi được hướng dẫn cách thực tập thiền cho ngày tiếp theo trong vòng 30 phút. Luôn là như vậy. Tôi thường mong chờ giây phút này vì tôi là đứa thích điều mới mẻ. Mà tôi nghĩ chắc cũng không chỉ có riêng tôi như vậy. Đặc tính của bộ não con người là thích những gì mới lạ. Cả một ngày thực hành đi, thực hành lại một bài tập, não tôi đã rất chán bài tập cũ, chán đến nỗi những giờ tập buổi chiều nhiều lúc tôi phát hiện mình chợt giật mình sau một vài phút ngủ gật.

Photo: Hartwig HKD
Photo: Hartwig HKD

NGÀY 2 – TRỘM?

Buổi tập ngày thứ 2 chúng tôi được hướng dẫn vừa quan sát hơi thở ra vào tự nhiên, từ quan sát cảm giác vùng tam giác mũi; chấp nhận thực tế là tâm trí luôn lang thang. Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát xem tâm trí có quay trở lại với hơi thở trong vòng 5 phút không. Nếu không quay trở lại thì hít vào thở ra một vài hơi mạnh hơn một chút để gọi nó trở về. Mục đích là bắt đầu quá trình mài sắc khả năng quan sát cảm giác. Các buổi tập đối với tôi vẫn khá nhẹ nhàng. Chúng tôi vẫn được đổi tư thế chân, duỗi ra, co vào mỗi khi thấy mỏi và đau. Hơi buồn ngủ vì cứ tập đi tập lại động tác quan sát tam giác mũi cả ngày.

Chuyện làm tôi thấy mệt hơn lại chính là cái thế giới phức tạp của 31 người phụ nữ trong một căn phòng. Khó chịu với tiếng tụng kinh lầm rầm của bác già ở dãy giường trong; khó chịu vì tiếng lầm rầm nói chuyện của mọi người trong giờ nghỉ; khó chịu vì một vài hành vi vô ý thức trong nhà ăn; khó chịu vì phải chờ toa lét, vì bệ ngồi wc ướt nhẹp; vì chờ phòng tắm, vì chờ chỗ giặt, tiếng xả nước, máy sấy tóc vào giờ nằm nghỉ buổi trưa, vì tiếng dép loẹt xoẹt đi lại,…Mặc dù đã có luật im lặng, nhưng rất ít người giữ luật được tuyệt đối. Hầu hết vẫn thích rì rầm khi không thấy bóng dáng người quản lý. Sau một vài lần bị chị quản lý nhắc nhở phải giữ im lặng, nhiều người bắt đầu canh chừng giống như canh chừng cảnh sát. Tôi cảm ơn sự im lặng. Tôi cũng xác định mình phớt lờ. Tôi vẫn cố để có 15 phút ngủ ngắn sau mỗi giờ ăn sáng và trưa.

TRỘM, ÔI TRỘM…

Giặt thót người, chúng tôi choàng dậy. Một số người kêu toáng lên: Đâu? Đâu? Bật điện lên? Nó chạy lối nào rồi? … Tôi không chắc đó có phải là chị số 15 đang nói hay không. Tôi không cố nhìn xem đó là ai.

– Ôi, cháu cứ thấy có ai sờ soạng ở phía dưới chân. Lúc đầu tưởng là có ai đơ đơ trong phòng mình, ai dè, nhìn rõ là có người mà không rõ là nam hay nữ,….
Mọi người bắt đầu lao vào hỏi:
– Tại sao không kêu lên sớm hơn? Nó chạy đường nào nhỉ? …
Lúc đó là gần 1h đêm. Chị quản lý đi từ tầng 2 xuống. Căn nhà có 2 tầng với cầu thang ở bên ngoài cách biệt giữa tầng 1 và tầng 2. Chị bước vào và nói:
– Suỵt, đã bảo là mọi người không được nói mà. Dù có cháy nhà cũng không được nói. Mọi người về chỗ đi ạ.

Không mất gì cả. Chị để vali ở cuối giường và gác chân lên vali. Tôi cũng không biết có trộm thật không. Sau này được một chị nói chị là người phải dậy bật điện lên đầu tiên nhưng thấy các cửa vẫn đóng. Không hiểu có trộm không. Chỉ biết khi đó tôi cũng thót tim. Nhưng nhờ Sự im lặng, mọi người nhanh chóng không bàn tán, hỏi han, kể lể nữa. Tôi quay mặt sang bên phải và cố sử dụng hơi thở để định thần lại. Cái vali và balo của tôi để ở góc tường gần khu cửa ra vào vẫn ở nguyên đó. Có đôi khi người ta thấy mình cứ ki cóp giữ chặt đồ, họ tưởng có cái gì quý giá lại sinh lòng bất thiện. Tôi nghĩ mình cứ để đồ vất vưởng ở ngoài thế lại hay. Mà trong phòng tất cả đồ đạc có giá trị đều đã được gửi, còn gì ngoài quần áo và những thứ vặt vãnh của phụ nữ. May mà không có tên trộm nào bị bắt. Tôi không biết nếu có trộm bị bắt thì sự thể sẽ ra sao. Có khi người ta túm vào đánh rồi cũng nên. Nghĩ đến mà hãi hùng.

Bắt đầu từ ngày hôm đó, mọi cửa luôn được hỏi đã đóng chưa trước giờ đi ngủ. Bác ở dãy trong đôi khi còn sốt ruột ra gài cửa ngay cả khi biết còn người ở ngoài. Khi được người khác nhắc còn người ở ngoài. Bác lầm rầm:

– Đến giờ rồi thì phải đóng chứ. Ai còn ở ngoài cho ở ngoài.

Tôi im lặng.

NGÀY 3 – CHUẨN BỊ GIẢI PHẪU

Chúng tôi được căn dặn ngày 1, ngày 2, ngày 3 chúng tôi chỉ tập thiền Anapana – thiền theo dõi hơi thở – là sự chuẩn bị cho cuộc giải phẫu sâu nội tâm bằng Vipassana. Phải từ ngày thứ 4 chúng tôi mới bắt đầu thực hành Vipassana . Chúng tôi tiếp tục theo dõi hơi thở, nhưng quan sát cảm giác ở vùng nhỏ hơn – vùng ngay dưới mũi và trên môi trên. Chúng tôi mài sắc khả năng quan sát và cảm nhận cảm giác của mình.

Khi tâm trí đã được giao rõ nhiệm vụ là tập trung vào 1 vùng nhỏ nhất định, chúng bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn. Hoặc do hai ngày luyện tập kéo tâm trí về hiện tại của hơi thở, tâm trí tôi đã không còn lang thang nữa. À, lúc này tôi đã hiểu thế nào là ĐỊNH (Samadhi).

Bài pháp thoại của thầy Goenka mỗi buổi tối luôn là những giây phút tuyệt vời. Thầy kể nhiều câu chuyện rất giản đơn, nhưng lúc này tôi thấy nó thật nhiều ý nghĩa sâu sắc. Luôn nhắc chúng tôi phải quyết tâm, phải kiên trì luyện tập, tâm trí luôn quân bình, chấp nhận bản chất: tâm trí lang thang, hơi thở nông hay sâu cũng đều là thực tại. Chỉ khi chúng ta chấp nhận thực tại đúng như nó là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là, hay nó dường như là thì chúng ta mới có giải pháp cho nó được. Tôi không kể chi tiết về bài Pháp Thoại, tốt nhất nên để phần thú vị này cho bạn tự khám phá.

Photo: Hartwig HKD
Photo: Hartwig HKD

Ngày 4: NGÀY VIPASSANA

Cách thức làm việc của tâm chúng ta là như thế nào?

Qua các giác quan và ý thức, khi gặp bất kỳ sự vật, hiện tượng nào tâm chúng ta cũng bắt đầu từ NHẬN BIẾT nó – CẢM GIÁC nó (nó gây cảm giác dễ chịu hay khó chịu, khoan khái hay tắc nghẽn, êm dịu hay đau đớn,..) – NHẬN ĐỊNH nó (nó tốt hay nó xấu, nó đẹp hay không đẹp, hữu ích hay không hữu ích,…)- và PHẢN ỨNG lại (Ham muốn hay ghét bỏ).

Hầu hết chúng ta chỉ bắt đầu nhận thấy tâm ở tầng lớp bề mặt, từ Nhận định (dễ chịu hay khó chịu, đẹp hay không đẹp,..) rồi sinh ra Phản ứng ham muốn hay ghét bỏ đối tượng. Nhưng thực chất, phần vô thức ẩn sâu bên trong vẫn luôn diễn ra ngay cả khi chúng ta không chú ý đến nó. Nó bắt đầu gây cho chúng ta những thay đổi về hơi thở, những thay đổi cảm giác trên chính thân thể chúng ta. Vipassana là pháp thiền quan sát cảm giác chính trên thân thể chúng ta để phát hiện ra chân lý, phát hiện ra quy luật tự nhiên quyết định vạn vật: Luật Vô Thường – mọi thứ đều sinh ra rồi mất đi. Vạn vật đều luôn luôn thay đổi. Tôi của ngày hôm nay đã không còn là tôi của ngày hôm qua. Và tôi của ngày mai khác tôi của ngày hôm nay. Và anh cũng vậy. Vạn vật đều như vậy.

Bản thân mỗi chúng ta, mỗi cái cây, ngọn cỏ, ngay cả đến trái đất này đều do những phân tử nhỏ đến mức không nhỏ được nữa tạo thành. Chúng luôn vận động không ngừng, không ngừng sinh ra rồi diệt đi. Bản chất của vạn vật là không có bản thể. Cái tôi đâu có gì khác là một “đống” các phân tử đang vận động? Vậy tại sao chúng ta cứ bám víu vào cái “không có” ấy để hành động? Tại sao chúng ta lại cứ làm mình khốn khổ vì cái “của tôi”? Ôi, cô gái mà tôi say đắm rất xinh đẹp, nàng dịu hiền và tài giỏi. Nhưng sắc đẹp ấy đâu có mãi như vậy? Lúc này cô ấy dịu hiền, ai đảm bảo 1 năm sau, 2 năm sau cô ta vẫn dịu hiền? Cô ấy tài giỏi lĩnh vực này, chứ đâu chắc giỏi trong lĩnh vực khác. Ngày hôm nay cô ấy đang tài giỏi vì chịu khó luyện tập, nhưng tương lai cô ta thôi luyện tập thì đâu còn tài giỏi nữa? Vậy tại sao tôi lại say đắm cô ta vì những thứ “không mãi luôn như vậy?” Khi những thứ làm tôi say đắm mất đi, tôi sẽ chán ghét cô ta. Và thế là sự khổ đau của tôi bắt đầu, sự khổ đau của cô ta bắt đầu.

Thầy Goenkaji kể rất nhiều câu chuyện trong các bài pháp thoại trong ngày thứ 4 và các ngày kế tiếp để chúng tôi hiểu về cái lẽ vô thường của sự vật. Về sự bám víu, cố chấp của chúng ta về “cái tôi”, “cái của tôi”, là ngọn nguồn của đau khổ. Nhưng điều quan trọng hơn, thầy muốn chứng tôi chứng nghiệm cái luật vô thường ấy ngay trên thân thể của chúng tôi. Đó chính là đóng góp cao quý nhất của Đức phật. Người tìm ra phương pháp để thực chứng trí tuệ về luật tự nhiên trên chính thân thể của chúng ta. Bằng cách quan sát chính các cảm giác trên thân thể của chúng ta. Và bằng cách ngăn chặn các phản ứng ham muốn, ghét bỏ một cách vô thức của tâm, chúng ta sẽ rèn luyện khả năng giữ quân bình, có được trí tuệ nhìn sự vật như đúng bản chất nó đang là, chứ không phải là chúng ta muốn nó là, hay nó dường như là.

Chúng tôi được hướng dẫn tập trung sự chú tâm vào từng phần của cơ thể, rồi quan sát cảm giác trên từng phần đó. Chúng tôi được yêu cầu ngồi thiền với quyết tâm mạnh mẽ – Adhitthanna – 3 tiếng mỗi ngày vào các giờ 8h-9h, 2h30-3h30, 6h-7h tối. Trong các giờ Adhitthana, chúng tôi phải giữ nguyên tư thế chân và tay, không mở mắt liên tục một giờ. Vipassana không yêu cầu bạn phải ngồi kiết già (vắt hai chân lên nhau), bán già (vắt 1 chân lên trên chân còn lại) hay ngồi khoanh chân bình thường. Bạn có thể chọn bất kể tư thế ngồi nào thoải mái, nhưng phải là ngồi. Và bạn phải giữ đúng tư thế đó trong 1 giờ đồng hồ liền.
Nhưng điều quan trọng nhất được nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại trong suốt các buổi tập là chúng tôi phải giữ được sự quân bình – bình tâm trước mọi cảm giác có trên cơ thể. Dù đó là cảm giác dễ chịu, tinh tế, hưng phấn, hay cảm giác đau nhức, mỏi, giật, cứng đặc thì chúng tôi cũng không được khởi sinh ý (sancara) ham thích hay ghét bỏ. Chúng tôi không được mong chờ mãi thêm cảm giác dễ chịu, không được bực bội, tức giận, ghét cái chỗ đau. Chúng tôi phải luôn giữ quân bình, hiểu rằng cái chỗ đang đau rồi cũng sẽ hết đau, ngay sau đó có thể là cảm giác dễ chịu. Cái chỗ đang có cảm giác dễ chịu ấy rồi cũng sẽ hết cảm giác dễ chịu, và rất có thể ngay sau đó là cảm giác đau.

Nghe có vẻ dễ, nhưng thực tế nó chẳng dễ chút nào. Thực tế vô cùng khó khăn để có ngồi Adhitthana đủ trong 1 tiếng đồng hồ với tâm quân bình. Thầy vẫn ghi chú cho phép chúng tôi có thể thay đổi tư thế nếu đã hết sức quyết tâm mà không thể chịu được nổi đau đớn ở hai chân. Nhưng hãy quan sát số lần đổi chân và cố gắng sao cho mỗi buổi tập sau sẽ đổi chân ít lần hơn. Đó là cách thầy khích lệ và tránh cho chúng tôi nổi lên những ý ghét bỏ cái chỗ đau hay cảm giác đau của mình. Đó cũng là giới hạn cho lòng quyết tâm của mỗi cá nhân. Đó là giới hạn để khẳng định ai là người có quyết tâm mạnh mẽ.

Không giống như những pháp thiền bằng cách tập trung hơi thở hay tưởng tượng tới một hình ảnh dễ chịu nào đó, tụng một câu chú nào đó, chuyển sự chú tâm của mình qua một sự việc khác để giữ bình tâm trước sự việc ta đang khó chịu. Vipassana yêu cầu người ta phải quan sát cái khó chịu trên chính cơ thể của mình bằng cặp mắt của một ông bác sĩ đang không bị đau. Không việc gì phải vội, không việc gì phải kêu ca. Từ từ rồi vết đau sẽ hết. Anh cứ ngồi đây và chờ xem nó hết đau. Cứ thoải mái, bình thường nhé. Đừng có nhăn nhó, đừng có bực tức. Đó là cách chúng tôi rèn luyện cho tâm của mình không phải ứng một cách “vô minh” với những cám dỗ hay những thứ đáng ghét trong đời. Vipassana cho tôi cách thực chứng sự sinh ra và mất đi của các cảm giác ngay chính trong thân thể của mình. Không phải đi đâu xa cả. Hãy ngồi lại và nhìn vào tận sâu bên trong mỗi “vi tử” trên cơ thể của chúng ta. Mỗi phần một. Rồi toàn cơ thể. Rồi lại từng phần một.

Chúng tôi cũng được lưu ý Vipassana không giống các pháp thiền khác đơn giản là tạo một lớp bề mặt yên bình lên các âm ỉ bên trong nội tâm. Tôi ví nó như là cách chúng ta quét một lớp sơn mới sạch đẹp lên bức tường bẩn mốc mà không trà sạch trước vết bẩn mốc đó đi. Lúc mới khô nước sơn mới, bức tường có vẻ rất sạch đẹp, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn đang sinh sôi các bẩn mốc, và đến một ngày, từng lớp, từng lớp bẩn đó sẽ trồi lên bề mặt bức tường. Chúng trồi lên một cách nhanh chóng và ở phạm vi rộng hơn những vết bẩn lần trước. Vipassana là pháp thiền để thanh lọc tâm. Chúng ta mổ xẻ từng lớp, từng lớp tâm thức để rửa sạch các bẩn mốc, các cảm giác ham muốn, ghét bỏ, sân hận trong tận sâu đáy lòng để tự sau đó, tâm chúng ta sẽ bình yên. Mặt bức tường sẽ sạch lâu hơn. Tất nhiên, đó là một quá trình thanh lọc liên tục vì mỗi ngày chúng ta lại tiếp xúc với rất nhiều vết bẩn. Rất nhiều vết bẩn bám lên bức tường của chúng ta. Và quá lâu chúng ta không rửa, giờ đây các lớp bẩn chồng nhiều lớp lên nhau. Lần thanh lọc tâm đầu tiên sau nhiều năm bám bẩn bao giờ cũng sẽ là khó khăn, thách thức nhất. Từng lớp bẩn ẩn sâu bên trong sẽ trồi lên trên bề mặt bằng những cảm giác khó chịu, ứ nghẹn, cứng đặc, đau đớn và chúng ta phải giữ bình quân trước những cảm giác đó. Phải hiểu lẽ vô thường rằng chúng sẽ mất đi, dù nhanh dù chậm, chúng cũng sẽ mất đi. Nếu ngay khi những cảm giác khó chịu đó nổi lên và chúng tôi phản ứng bằng tâm ham muốn hay ghét bỏ, ngay lập tức những vết bẩn đó sẽ sinh sôi nhiều hơn.

KHÓC

Đó là phản ứng đầu tiên làm chúng tôi sửng sốt. Tôi nghe tiếng khịt mũi, tiếng nấc nghẹn rồi thì tiếng khóc vang lên, càng dần càng gào to. Đó là tiếng của một thiền sinh nam ngồi cùng dãy với tôi, cách tôi mấy người. Cả phòng bàng hoàng. Một vài người nam nhốn nháo đứng dậy qua chỗ anh kia. Thiền sư phụ tá vẫn ngồi trên bục nói với giọng dứt khoát: ” Về chỗ”. Và thế là mọi người ngồi xuống. Cái xôn xao, bàng hoàng của bên nhóm nữ thiền sinh cũng lặng xuống. Hai thiền sinh nam vác anh chàng đang khóc đứng dạy về khu nhà ở của nam thiền sinh. Tiếng khóc vọng xa dần.

Tôi vốn đã cố gắng không định mở mắt nhìn, nhưng rồi vẫn mở mắt nhìn về phía anh chàng đang khóc rống lên. Một cảm giác bàng hoàng xuất hiện. À, vậy ra đó là sancara đã nổi lên. Đó là khi người ta không kiểm soát được tâm quân bình. Vipassana không phải là pháp thiền đơn giản. Phải hết sức cẩn thận với Vipassana. Đó là lý do tại sao trong tài liệu hướng dẫn thầy Goenkaji nhấn mạnh thiền sinh không tự tập mà không có sự hướng dẫn của thiền sư hay thiền sư phụ tá. Cả những thiền sinh cũ cũng không được chỉ dạy cho thiền sinh mới.

Đến hết ngày thứ 4, tôi vẫn chưa ngồi thành công Adhitthana. Trong suốt cả ngày, tôi làm việc hoàn toàn chú tâm, không buồn ngủ. Nhưng chân và vai bên trái đau rút khủng khiếp. Tôi chưa thể bình tâm khám xét vết đau trên chính cơ thể mình như một vị bác sĩ đang không phải chịu đựng cái đau được. Tôi thay đổi tư thế ngồi 3 lần.

Tuy vậy, tôi thấy Vipassana thực sự sâu sắc. Những gì trước đây tôi mới công nhận ở mặt lý luận của bản thân. Tôi công nhận về luật nhân quả, về việc gieo hạt giống nào thì được quả đó. Tôi công nhận lẽ vô thường, mọi thứ đến rồi đi nên khi nó đến thì cũng đừng quá mừng vui, hay buồn khổ. Khi nó đi thì cũng đừng quá buồn khổ hay mừng vui. Biết vậy, nhưng trong đời thực tôi chưa thể áp dụng được những thứ chân lý đó vào hành động của mình. Tôi không suy xét kỹ từng ý muốn, lời nói, hành vi của mình trước khi cho nó thể hiện ra bên ngoài. Khi chia tay một mối tình tôi vẫn đau khổ, vẫn oán hờn. Khi bị đối tác bội ước, tôi vẫn bực dọc, oán trách. Tất cả những hiểu biết ở mặt lý luận đó, giờ tôi có thể thực chứng bằng Vipassana. Nó giúp tôi thực chứng, trực tiếp trải nghiệm sự đến rồi đi, trải nghiệm cái tác động từ thái độ, từ hành vi của mình. Tôi bắt đầu khởi lên ý tưởng viết hồi ký về những ngày luyện tập ở đây. Tôi muốn bố mẹ tôi được học Vipassana, anh trai, chị dâu, em trai tôi, cháu trai tôi, con trai tôi sớm được học Vipassana để mọi người sớm tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của chính mình. Tôi nảy ra ý tưởng đưa Vipassana vào nhà tù cho các tù nhân. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu những con người đã từng chịu rất nhiều đau khổ ấy được học VIpassana và tôi nghĩ đất nước Việt Nam sẽ có thể làm nên cuộc dạy sóng về tên tuổi khi tổ chức các khóa Vipassana trong nhà tù. Tôi muốn có những khóa học Vipassana dành riêng cho trẻ em, những đứa trẻ cần trang bị hiểu biết này càng sớm càng tốt. Tôi hứng khởi trong lòng và lao về phòng lấy ra cuốn sổ để ghi chép. Mặc dù quy định của khóa thiền là chúng tôi không được đọc, cũng không được viết. Điều đó chắc hẳn là muốn tâm tĩnh lặng. Nhưng đó không phải là điều phạm vào 5 giới đạo đức – là nền tảng cho Định, cho Tuệ giác, nên tôi vẫn viết mỗi ngày chỉ vài dòng ghi lại sự kiện chính. Tôi sợ mình quên.

Photo: Cornelia Kopp
Photo: Cornelia Kopp

Ngày 5: Mổ xẻ với tâm quân bình

Mặc dù chị bạn nằm bên giường số 17 luôn làm tôi khó chịu vì liên tục gõ ghép lộp cộp. Càm ràm với những người bên cạnh về việc khóa thiền quá nặng. Bắt người ta dậy sớm sẽ làm hại sức khỏe. Chị cho rằng ban tổ chức cần cắt giảm thời gian ngồi thiền đi, chỉ cần 3 tiếng một ngày là đủ. Chị nói tôi không được viết trong khi chị lại không hiểu là mình đang liên tục phạm luật về Sự im lặng. Tôi phớt lờ những lời nói của chị.

Mặc dù thân thể đau nhức, mấy đêm liên tục mơ những giấc mơ kỳ lạ và hãi hùng. Trong những giấc mơ, tôi như một kẻ quan sát khách quan rõ từng chi tiết các hành động của mình. Tâm trí tôi vẫn khá phấn khởi với mỗi ngày tập mới. Tôi thức dậy ngay khi nghe tiếng kẻng kêu, thu dọn chăn màn, làm các động tác massage yoga và lặng lẽ đi lên thiền đường. Tôi không nói chuyện với ai cả. Hoàn toàn im lặng và làm mọi việc một mình.

Buổi thiền sáng sớm, tôi vẫn thấy nam thiền sinh đã khóc ngày hôm qua bước vào thiền đường với tâm trạng bình thường. Tôi cứ nghĩ anh ta chắc hẳn phải nằm bẹp sau buổi hôm qua. Nhưng không. Rõ ràng, mọi sự đến rồi đi. Trong buổi thiền sau bữa sáng, tôi nghe hơi thở anh ta bắt đầu gấp gáp, thở lớn và hít lên giống người bị hen suyễn. Và rất nhanh chóng một thiền sinh khác nhấc anh ta đứng lên. Hai chân vẫn quặp ở tư thế kiết già. Anh ta chưa kịp khóc và cũng không tiếng khóc sau đó. Vào những ngày sau này, anh ta hoàn toàn khỏe mạnh. Các chị lớn tuổi hơn nói: đó là nghiệp kiếp trước nổi lên khi thanh lọc tâm. Sancara cũ quá mạnh và người ta không chịu nổi. Tôi lặng lẽ nghe.

Sau khi đã tập quan sát từng phần cơ thể riêng rẽ, giờ chúng tôi tập quan sát đồng thời cùng lúc các bộ phận cơ thể đối xứng, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Sau nhiều giờ nỗ lực, vào giờ thiền buổi tối tôi cũng đã học được cách quan sát vết đau của mình với thái độ của một vị bác sĩ đang không phải chịu đau đớn như tôi. Thầy dạy phải xem xét từng phần vết đau, mổ xẻ nó, so sánh nó, chia tách nó ra từng phần, nhìn sâu vào nó. Tôi làm theo và đau thật là đau. Nhưng nhờ tâm quân bình, sự chú tâm vào việc mổ xẻ thay vì nỗi đau nên nỗi đau cũng bớt dần. Dẫu vậy tôi vẫn chỉ ngồi Adhitthana được 50 phút. Rồi mở mắt và đổi thế chân. Chỉ còn 10 phút nữa. Cố lên.

Thầy Goenkaji tiếp tục kể một câu chuyện. Nhấn mạnh rằng chuyện kể cũng chỉ là chuyện để kể thôi.

“Một bà mẹ đưa cho một đứa con trai của mình 1 cái chai và 10 đồng Rupi, nói cậu bé đi mua dầu ăn. Cậu bé đi mua được đầy chai dầu, và trên đường về vấp vào cục đá. Cậu ngã và làm đổ chai dầu. Dầu đổ ra đường và trong chai còn một nửa lượng dầu. Cậu chạy về nhà nức nở khóc lóc và nói:

– Con đã đánh đổ mất dầu, giờ chỉ còn lại nửa chai thôi.

Bà mẹ này lại đưa cho đứa con trai khác 10 đồng Rupi và một cái chai để đi mua dầu. Cậu bé này cũng bị vấp ngã và đánh đổ mất nửa chai dầu. Cậu đứng dậy và đi về nói với mẹ một cách tươi tỉnh:

– Con bị ngã nhưng may thay chai dầu không bị vỡ. Con vẫn còn giữ được nửa chai dầu.

Bà mẹ lại đưa cho một cậu con trai khác 10 Rupi và một cái chai để đi mua dầu. Cậu bé cũng bị vấp ngã và đánh đổ nửa chai dầu. Nhưng đây là cậu bé Vipassana. Cậu chạy về nói với mẹ một cách bình thản:

– Con bị ngã và đã làm mất nửa chai dầu. Nhưng con vẫn giữ lại được nửa chai.
Và cậu bé này quyết tâm ngày hôm đó phải nỗ lực làm việc thêm để kiếm 5 rupi mua lại nửa chai dầu đã mất.”

Câu chuyện này chính là thứ cho tôi hiểu ý nghĩa sâu sắc trong câu mở đầu của thầy mỗi buổi Pháp thoại: “Ngày thứ … đã qua đi. Chúng ta chỉ còn… ngày để tu tập.” Và cũng như thế, tôi đã qua gần nửa đời người, chỉ còn nửa đời người để tu thân. Tôi cần phải nỗ lực hơn gấp đôi để bù đắp cho nửa đời đã bỏ phí. Tôi quyết tâm ngày mai sẽ cố ngồi cho được Adhitthana.

Ngày 6: Món quà

Phòng chúng tôi phân công cứ 3 người sẽ lo trực nhật một ngày: cọ rửa nhà vệ sinh, quét dọn và nấu nước nóng cho mọi người tắm – hạng mục công việc mà tôi không biết tới vì chưa dùng nước nóng để tắm khi nào.

Rủi thay số của tôi là 18 và tôi làm cùng nhóm với số 16 và 17.

Ngày thứ 6 là tới phiên chúng tôi. Không ai nhắc ai cả. Các nhóm cứ nhớ đến ngày của mình mà tự làm. Sau khi ăn sáng và chờ mọi người vệ sinh một hồi. Tôi và chị số 17 bắt đầu dọn dẹp. Bạn số 16 mặc dù là người có vẻ rất am hiểu, đi nhiều, ở nhiều, nhưng lại không hề có khái niệm về việc trực nhật. Bạn dửng dưng không hề có ý nghĩ đó là ngày trực nhật của bạn. Và trong lúc chúng tôi cọ rửa nhà vệ sinh, quét dọn thì bạn ngồi trang điểm da mặt. Chà, có một chút khó chịu về thái độ đó. Nhưng vì giữ luật im lặng. Tôi không nói. Lặng lẽ làm cho xong việc.

Chị số 17 tỏ ra là người rất chịu khó làm việc. Trong những ngày ăn trước đó, mặc dù chúng tôi được yêu cầu không được nói chuyện. Ai ăn xong thì tự rửa bát của người đó và xếp gọn vào giá đựng, nhưng chị rất mau lẹ nói mấy bác già hay nói chuyện cứ để bát chị rửa. Kết quả là những người đứng hàng sau phải chờ chị rửa dài dài một cách ngán ngẩm. Và trong buổi trực nhật lần này cũng vậy.

Quét dọn xong tôi leo lên giường định chợp mắt một chút trước giờ tập tiếp theo. Đang liu riu ngủ thì giật nảy mình vì có ai đó chạm mạnh lay người tôi : “Em ơi dậy khiêng cho chị cái nồi nước.”

Một trong những quy định chặt chẽ cũng tương ứng với sự im lặng là sự đụng chạm. Mọi người không được đụng chạm vào người nhau. Lý do đơn giản là vì chúng tôi đang rất tĩnh tâm để tự nhìn vào trong mình. Chúng tôi không cần có thêm xúc chạm với ai khác để gây xáo động tâm trí.

Bực bội trong lòng, tôi đứng dậy đi khiêng nồi nước với chị. Vấn đề là cái bếp than đã tắt ngúm và giờ làm sao để nhóm than lại khi không có bật lửa, không có mồi nhóm. Bác già ở dãy trong lại một lần nữa ra và nói: “Đáng lẽ phải thay than từ đêm hôm qua. Trực nhật phải lo việc đó. Giờ xuống nhà bếp để mà xin than nhóm.”

Chị nói tôi:

– Đi, em đi với chị xuống nhà bếp xin than.

Bất đắc dĩ, tôi cũng lững thững đi theo chị xuống nhà bếp cách đó khoảng 100m. Đi được một đoạn ngắn thì nhớ ra là lấy gì đựng than? Lại quay trở lại lấy cái cây gắp than. Tôi vừa quay trở lại thì thấy chị đang hỏi 2 cô thiền sư phục vụ đi từ nhà bếp lên và thấy cô già hơn gật gật đầu và thấy chị quay trở lại. Chị lần thần quay về không nói gì.

Tôi miễn cưỡng hỏi: “sao chị?”
– Cô ấy bảo cứ để đó sẽ có người nhóm cho.

Chưa tới 5 phút sau khi chúng tôi về phòng. Trong lúc chị số 17 vừa ra khỏi phòng thì chị quản lý bước xuống từ tầng hai với giọng bực bội: “Các chị có việc gì cần hỏi thì cứ hỏi người quản lý, hỏi em đây này. Sao lại cứ gặp ai là túm người đó lại hỏi là sao. Đã nói chuyện ăn ở, đau chỗ nào, cần cái gì thì hỏi em cơ mà.” Không khí trở lên sánh đặc. Tôi chợt nhận ra: “À, vậy là kể cả người đã theo học và tu tập rồi vẫn không thể tránh khỏi việc bực bội, nổi giận, vẫn có nhiều lúc không thể bình tâm.”

Tôi im lặng không nói gì. Quay lại tự nhủ với lòng mình. Còn phải tu dài dài. Tốt nhất là không nên tức giận để lại nổi sancara sân hận. Nghĩ vậy, tôi thấy mình nhanh chóng chuyển từ tức giận sang thương cả chị bạn cùng thiền lẫn chị quản lý. Công việc quản lý lo chuyện ăn ở, suốt ngày phải lo nhắc nhở mọi người quả thực là mệt nhọc.

Thầy Goenkaji kể thêm một câu chuyện mà tôi nhớ nội dung đại khái là:

Hồi Đức phật còn tại thế, có vị trưởng phái Balamon nơi người giảng dạy Vipassana vô cùng tức giận vì không những các học trò mà ngay cả vợ con ông giờ đây cũng thực hành Vipassana và không còn nghe theo lời ông nói. Ông quyết tâm tới để đập bể sọ Đức phật ra. Khi ông tới nơi, Đức phật chào hỏi và mời ông ngồi nói chuyện. Nhưng ông nghĩ Đức phật là người rất thông minh, ông quyết không ngồi nói chuyện vì sợ nói chuyện sẽ làm ông không còn giữ được ý định đập bể sọ Đức phật. Đức phật nói với ông:

– Ông chỉ cần trả lời tôi một câu hỏi thôi rồi tôi sẽ để ông làm việc ông muốn làm. Nhà ông thường có khách tới thăm không?
– Tất nhiên là có chứ. Ông hỏi gì lạ vậy?
– Thế khi các vị khách đến thăm ông, họ có mang theo quà tặng ông không?
– Tất nhiên là có rồi. Ông quan tâm tới điều đó làm gì?
– Khi họ tặng ông quà và ông không nhận thì điều gì sẽ xảy ra?
– Thì món qua đó vẫn là của họ.
– Đấy chính là điều tôi muốn nói với ông. Ông đến nhà tôi như một vị khách và ông theo một món quà. Tôi không nhận món quà đó và món quà đó vẫn là của ông.

Vậy đấy. Khi có ai đó tặng bạn một món quà khó chịu. Bạn có quyền từ chối nhận món quà đó và món quà khó chịu đó vẫn thuộc về người khác. Không ai bắt bạn nhận được. Nhưng thay vì từ chối món quà khó chịu, chúng ta lại thường nhận và trao lại cho đối phương cũng một món quà khó chịu khác, và cứ như thế khiến cả hai cùng có nhiều món quà khó chịu. Giờ tôi thấy câu chuyện này thật ngấm đối với tôi.

Tôi kết thúc ngày thứ 6 với sự khoan khoái trong lòng. Tôi đã nhích thêm được 5 phút chịu đựng cái đau ở chân khi ngồi Adhitthana. Chỉ còn phải cố thêm 5 phút nữa thôi. Và bài học quan trọng trong ngày: Tôi muốn nhận món quà nào là tùy ở nơi tôi.

Ngày 7: Ngẫm về Đạo Phật

Tôi vốn rất dị ứng với cảnh người ta chen chân lên chùa, đốt hương, đặt lễ và cầu khấn. Tôi nghĩ giả như các vị như Đức Phật, Chúa Giesu, Thánh Ala, hay bất kỳ vị thượng đế, thần thánh nào khác mà có khả năng nghe được lời cầu khấn của nhân loại thì chắc các vị ấy sẽ phải đau buồn ghê lắm. Cái gốc chung của mọi tôn giáo đều khuyên con người ta phải tự mình phấn đấu, tự mình sống tốt với những người xung quanh và từ đó cuộc sống của mình sẽ trở nên tốt đẹp theo. Nhưng vì nhiều lý do, vì mục đích sử dụng tôn giáo của nhiều người khác đi mà các tôn giáo trở nên biến tướng. Tôi đặc biệt ghét các loại nghi lễ và việc cầu khấn. Tôi cho đó là niềm tin mù quáng.

Trong tất cả các buổi pháp thoại, thiền sư Goenkaji đều nhắc đi nhắc lại việc Đức phật không hề muốn có Đạo phật. Người chỉ tự tìm ra con đường giải thoát cho bản thân khỏi nỗi thống khổ, và vì lòng từ bi người đã giảng dạy con đường đó cho chúng sanh. Bất kể người thuộc giáo phái nào, tin vào vị thần nào, đức thượng đế nào đều có thể theo học pháp thiền thực chứng quy luật tự nhiên của Ngài. Ngài không quan tâm, không yêu cầu việc họ từ bỏ niềm tin tôn giáo của riêng họ. Đức phật chỉ dạy về 3 thứ: Giới – Định – Tuệ và đóng góp lớn nhất của Ngài là phát hiện ra Tuệ thực chứng – là trí tuệ tự chúng ta có thể thực chứng bằng trải nghiệm của bản thân, chứ không đơn thuần chỉ là nghe vị vĩ nhân nào đó nói hay sử dụng lý luận của mình để công nhận. Và điều quan trọng hơn là Ngài đã tự tu tập và tự tìm được con đường giải thoát cho chính mình. Chúng ta chỉ có thể trông cậy vào bản thân chúng ta. Các vị vĩ nhân, Đức phật, Thượng đế hay bất kỳ vị thần thánh nào khác cũng chỉ có thể chỉ dẫn giúp ta con đường đi. Không ai có thể bước đi thay chúng ta được.

Cái đạo mà loài người phải theo đó chính là đạo của trời đất, là quy luật tự nhiên. Đó là luật vô thường, là nhân quả.

Loài người đang tự vẽ nên hình tượng thượng đế theo ý của họ muốn và lại dựa dẫm vào đó để trông chờ phép lạ màu nhiệm. Chính vì thế mà có những người miệng niệm phật, tụng kinh nhưng vẫn luôn làm điều bất thiện. Vẫn luôn khởi phát ý muốn, lời nói, hành vi làm tổn hại đến người khác.

9h sáng, tôi đã ngồi được Adhitthana. Lần đầu tiên bao giờ cũng là khó khăn nhất. Tôi tin tưởng lần sau sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi đã nhầm.

Photo: Hartwig HKD
Photo: Hartwig HKD

Ngày 8: Ngày khó khăn

Trong các buổi pháp thoại, thầy Goenkaji đã cảnh báo trước với các thiền sinh là người ta dễ nản lòng, bỏ cuộc nhất vào ngày thứ 2 và thứ 6, nhưng tôi lại thấy ngày khó khăn nhất ở ngày thứ 8.

Bài tập thực hành cho ngày thứ 7 và thứ 8 bắt đầu khó khăn hơn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó tập luyện hơn nhiều và cả sự bình tâm hơn nhiều. Và có thể chính những sancara cũ – những vết bẩn tồn kho từ trước bắt đầu nổi lên làm cho thân thể mọi người đau nhức, rã rời. Tôi liên tục thấy khắp các bộ phận trên cơ thể mình có những co giật liên hồi và toàn thân mệt như người hết hơi. Chị bạn giường số 17 sau mấy ngày liên tục bỏ buổi thiền sớm, bắt đầu nói to với những người giường bên cạnh là pháp thiền không khoa học. Bắt người ta thức quá sớm ảnh hưởng sức khỏe. Thiền là phải thấy thoải mái chứ ai lại thấy quá căng thẳng thế này. Lại không được nói, khó chịu hết sức. Và bốn chị giường bên bắt đầu rì rầm bàn tán. Góc phía bên phải tôi, góc dãy giường phía trong, dãy giường phía ngoài đều rầm rì tụm 3, tụm 4 nói chuyện. Có một bác khoảng trên 60 đã dọn sẵn hành lý, chờ xin phép thiền sư để ra về. Cảm xúc có tính lan truyền. Tôi có cảm giác là nhiều người thấy nản lòng. Tôi cố gắng kiềm lòng, lặng lẽ nằm quan sát.

Trong buổi thiền sáng, tôi cố gắng tập trung ngồi Adhitthana, tưởng là lần 2 mình làm sẽ dễ dàng hơn, nhưng không phải thế. Trong lòng tôi không được quân bình, tôi thấy chân và vai nhanh chóng đau nhức hơn ngày hôm trước.

Có vẻ như cả chị quản lý và nữ thiền sư phụ tá đều không thuyết phục được bác già cố gắng ở lại để tập cho hết khóa. Tôi không thấy bác vào buổi ăn trưa. Thế nhưng đầu giờ chiều lại rất ngạc nhiên khi thấy bác đã quay trở lại và lên lại thiền đường. Mọi người hỏi thì được câu trả lời: Con trai không cho về. Vào ngày cuối khóa tôi hỏi tại sao bác lại định ra về? Bác bảo do bị hạ huyết áp, ở nhà quen ăn đêm, uống sữa trước khi đi ngủ. Con trai bác đã đi khóa trước và giờ đang tình nguyện làm thiền sinh phục vụ, không cho bác mang sữa đi theo. Bác lại ngại không nói với ban quản lý sắp xếp cho bác ăn chiều nên đói, tụt huyết áp, rụng rời chân tay. Chiều hôm đó mới nói với ban quan lý thì bác được bố trí suất cơm chiều. Tất cả những ai đang điều trị bệnh, hay có bệnh đặc biệt đều được yêu cầu thông tin cho Ban quản lý để có chế độ chăm sóc riêng. Ấy vậy mà bác lại không thông báo. Chà, vậy là bác dở quá rồi. May mà bác đã ở lại.

Sau mấy ngày âm ỉ ý tưởng về việc muốn đóng góp công sức để nhiều người được biết tới Vipassana hơn, ý tưởng về việc đưa các khóa thiền Vipassana vào các nhà tù và khóa thiền dành riêng cho trẻ vị thành niên. Cộng thêm suy nghĩ sẽ có nhiều người đến gặp và nói chuyện với hai thiền sư phụ tá vào ngày thứ 10 – ngày bãi bỏ luật im lặng nên tôi nóng lòng đăng ký gặp thiền sư vào buổi trưa hôm đó. Đến gặp cùng tôi còn có 3 người khác nữa, có cả hai người nằm hai giường cạnh tôi, số 17 và 19, và một cô nằm dãy ngoài. Hai người còn lại đều gặp khó khăn về việc mất ngủ, còn chị số 17 thì có vẻ đã rất nản lòng và gặp stress vì hôm nào cũng không thể dậy cùng giờ với mọi người để lên thiền buổi sớm.

Trong thuyết pháp ngày thứ 7, thiền sư đã chỉ dạy là thiền sinh có thể thiền bằng cách quan sát các cảm giác trên cơ thể của mình ngay cả khi nằm xuống giường. Và với cách quan sát đó thì ngay cả suốt đêm không ngủ được nhưng sáng hôm sau thiền sinh vẫn có thể cảm thấy rất khỏe mạnh, tinh tấn như thường. Nhưng có vẻ người ta cũng chỉ nghe được một vài phần nào đó trong những buổi pháp thoại, chưa nói đến việc áp dụng. Sau khi được cô thiền sư phụ tá giải đáp, động viên, tôi thấy cả 3 lần lượt đi ra có vẻ nhẹ nhõm hơn.

Vì nghĩ mình có rất nhiều điều muốn trao đổi với thiền sư phụ tá. Khi đó tôi vẫn nghĩ chính hai thầy cô thiền sự phụ tá là người lo tổ chức khóa thiền nên mặc dù tôi đăng ký ở số thứ 2, nhưng tôi nói với chị quản lý là tôi xung phong tham vấn cuối cùng để dành cho 2 chị kia tham vấn trước. Tôi không ngờ cả ba người lại mất nhiều thời gian đến thế. Khi đến lượt tôi chị quản lý nói: “Em hỏi ngắn gọn thôi, đừng làm mất thời gian buổi nghỉ trưa của cô”. Ừ nhỉ. Vì rất phấn khích với ý tưởng của mình, tôi quên mất là tôi đang làm mất thời gian của cô. Tôi gật đầu và bước vào thiền đường gặp cô. Tôi hỏi cô về hiện tượng co giật khắp thân của tôi và việc tôi rã rời sau buổi tập. Cô nói tôi cứ tiếp tục quan sát thêm. Vipassana hoàn toàn tốt cho cơ thể khi tập đúng kỹ thuật. Và tôi nói với cô về mong muốn viết hồi ký để nhiều người biết đến Vipassana hơn. Cô nói tôi rất tốt, và hãy từ từ để lại cái ý nghĩ ấy vào ngày cuối khóa, sau khi chính bản thân tôi là người đã tu tập phương pháp thành thục. Đã thực sự thấy lợi ích từ phương pháp. Tôi hiểu ý cô: Mình có thấy được lợi ích tốt rồi thì nói người khác mới nghe. Và điều quan trọng lúc này là tôi cần tập trung tâm trí để tập luyện. Tôi chào cảm ơn cô rồi ra về. Kết thúc tham vấn trong 5 phút và nghĩ mình phải quyết tâm tập cho được.

Mọi người rầm rì nói chuyện trong phòng. Tôi thấy hơi phiền muộn rồi cũng nhủ lòng bình thản, im lặng. Cuối ngày tôi đã ngồi lại được Adhitthana.

Ngày 9: THỰC CHỨNG LUẬT VÔ THƯỜNG

Thực tập liên tục việc thay đổi sự chú tâm để quan sát cả cơ thể từ đầu tới chân, từ chân lên đầu, rồi lại quan sát cảm giác của từng phần riêng biệt của cơ thể, chúng tôi sẽ đạt được luồng cảm giác luân lưu thông suốt nhẹ nhàng khắp cơ thể và cảm giác cơ thể tan ra, không có hình dáng chắc đặc thông thường mà có thể cảm nhận rõ các vi tử đang vận động, đang thay đổi. Có thể thấy rõ bản chất vơ thể của mình. Sau khi có sự tan ra này, các lớp ý thức của tâm (sancara tham ái hay sân hận tích trữ trước đó sẽ dần nổi lên thành những cảm giác khó chịu. Chúng tôi cần bình tâm để quan sát các cảm giác đó, và chúng tôi sẽ thấy nó tan biến. Đó là cách chúng ta chứng nghiệm quy luật vô thường của tự nhiên trên chính cơ thể của mình: quy luật vạn vật khởi lên rồi lại mất đi.

Vào buổi tập sáng ngày 9 tôi đã thực chứng sự tan ra của cơ thể và quan sát việc xuất hiện những vùng đau rồi lại tự tan đi sau một lúc đau nhức. Ngay cả chỗ đau ở chân của tôi cũng tan biến. Thật tuyệt vời! Tôi muốn reo vang lên. Nhưng nguyên tắc là tôi phải bình tâm, nếu không thì các sancara sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở và tôi sẽ không thể diệt trừ mớ những tham ái, sân hận đã tích trữ từ lâu. Vậy là tôi phải kiềm lòng. Tiếp tục quan sát. Từng khu vực vừa lúc trước có cảm giác rất nhẹ nhàng giờ trở nên đau nhức. Khu vực đau nhức lại dần dần tan biến và cả cơ thể có cảm giác nhẹ bẫng, cảm giác rõ sự chuyển động của các phân tử li ti.

Vào gần cuối bữa trưa ngày 9 chúng tôi thấy người ta dán tờ thông báo: Thiền sư Goenkaji đã qua đời vào 10h30 sáng ngày 29/9/2013 tại Ấn Độ. Thọ 90 tuổi. Mọi sự là vô thường. Nguyện cho thiền sự được an lạc, được giải thoát.

Một luồng không khí lạnh toát chạy qua toàn thân từ chân đến đầu. Tôi nhắm mắt, đan chặt hai bàn tay đặt lên trên miệng: nguyện cho thiền sư được giải thoát. Cho tới lúc này tôi mới nhận thấy rõ sợi dây liên kết của Thầy đối với tôi. Trước đó, tôi vẫn chỉ thấy Thầy như một người xa lạ. Những lời pháp thoại của thầy mà chúng tôi được nghe mỗi ngày đã được dịch bằng giọng một thiền sư người Việt nào đó chứ không phải giọng của Thầy. Thứ duy nhất tôi nghe được là những câu tụng mang giai điệu đặc biệt của Thầy.

Tôi cố bình tĩnh trở lại. Mọi sự là vô thường!

Photo: PaulSteinJC
Photo: PaulSteinJC

Ngày 10, 11: Ngày phá bỏ sự im lặng, ngày yêu thương

Vào ngày thứ 10, để chuẩn bị cho thiền sinh quay trở lại với đời sống thường ngày, luật im lặng sẽ được phá bỏ. Mọi người có thể nói chuyện với nhau. Ai cũng háo hức, rộn ràng từ đêm hôm thứ 9. Riêng tôi thì không.

Chúng tôi được phép nói chuyện với nhau bên ngoài khu vực thiền đường từ 9h sáng ngày 10. Nhưng mọi người đã không thể giữ được sự im lặng từ đêm thứ 9. Sáng sớm ngày 10, khi tất cả rộn ràng ồn ào cả phòng. Tôi lặng lẽ lên thiền đường sớm.

Metta được gọi là phương pháp thiền tâm từ. Không giống Vipassana là ta tự soi vào tầng lớp sâu thẳm nhất của nội tâm để thanh lọc tâm, để tìm sự giải thoát cho chính ta, Metta là chúng ta tỏa ra những rung động yêu thương, mong muốn chia sẻ tình yêu thương, sự hòa hợp, thanh thản đến cho những người khác, cho muôn loài khác.

Metta là phần kết của Vipassana. Sau khi đã tìm được con đường giải thoát của bản thân, chúng ta khởi phát lòng từ bi, muốn san sẻ tình thương yêu thuần khiết, không vụ lợi đến cho mọi người khác, cho mọi loài quanh chúng ta. Đó là cái triết lý nhân ái mà tôi rất thích của Vipassana. Chúng tôi được yêu cầu sẽ thực hành thiền 5 phút Metta sau mỗi buổi tập Vipanassa .

Có nhiều người trong chúng tôi thắc mắc: Các chị thiền sinh ở đây nấu cơm chay ngon thế. Thực phẩm không có gì đặc biệt, món làm rất tự nhiên nhưng chúng tôi cảm thấy rất ngon. Và giờ thì chúng tôi đã hiểu. Các thiền sinh phục vụ trao tặng toàn bộ thiện ý Metta vào trong việc chế biến các món ăn. Họ phải thức dậy từ 3h30 và sau khi tất cả các thiền sinh mới đi nghỉ họ mới bắt đầu ngồi thiền cùng hai vị thiền sự phụ tá từ 21h30 cho đến 23h giờ mới ngủ. Rất nhiều người trong chúng tôi đã vô cùng xúc động khi biết rằng vì Hà nội mới tổ chức khóa thứ 3, chưa có đủ thiền sinh cũ thiện nguyện để phục vụ cho khóa mới, nên có cả thiền sinh trong Đà Nẵng, Hồ Chí Minh hay Đà Lạt đã tự nguyện bay ra đây để phục vụ chúng tôi suốt 10 ngày rồi lại bay về.

“Tôi là một người kinh doanh, và tôi thích cái truyền thống đã đi học thì phải trả đủ học phí thì mới học thực sự tốt được. Vì thế các bạn được yêu cầu hãy trả học phí cho tôi bằng cách tu tập Vipassana thật tốt và ban phát Metta cho muôn loài. Trong mọi loại cúng dường thì cúng dường Dhama (Con đường giải thoát khỏi khổ đau) là cao quý nhất. Các bạn hãy cúng dường Dhama bằng những đóng góp cho các khóa học thiền sinh sau.” Đó là lời dặn dò cuối cùng của Ngài Goenkaji trong cuốn băng hướng dẫn chúng tôi vào ngày mãn khóa, sáng sớm ngày thứ 11. Tôi không cầm được những giọt nước mắt tự lăn dài trên má.

Trưa thứ 10 tôi nhức đầu khủng khiếp vì tiếng ồn ào khắp phòng. Tôi vốn thường xuyên bị đau nửa đầu, và trong suốt cả buổi chiều hôm đó, khi ngồi thiền một nửa đầu tôi như một khối bê tông chắc đặc. Tôi ngồi thiền liên tiếp từ 2h30, không nghỉ giữa giờ mà vẫn không làm tan rã được khối bê tông chắc đặc ấy. Phải sau phần tụng kinh cuối cùng của thầy Goenkaji thì toàn thân tôi mới nhẹ nhõm trở lại. Trước khi gặp được thầy của mình, trước khi thực hành Vipassana, Ngài Goenkaji bị mắc chứng bệnh đau nửa đầu kinh niên. Ông đi khắp các nước mà không bệnh viện nào chữa trị được. Cũng chính nhờ chứng đau đầu này mà ông được một người bạn giới thiệu đến với thầy của ông – ngài U Ba Khin. Vipassana được truyền dạy và gìn giữ từ thầy đến trò trong suốt 25 thế kỷ qua. Đã có thời rất thịnh hồi Đức phật còn tại thế, rồi đã suy tàn ngay chính tại quê hương Ấn Độ. Và Goenkaji chính là người đưa Vipassana trở về thịnh hành tại Ấn Độ sau 2500 năm suy tàn.

Đêm ngày 10 mọi người trong phòng dường như không ngủ. Tiếng nói vang lên khắp nơi. Tôi đã chứng kiến một vài cái không hay nho nhỏ từ việc nói giữa những người bạn thiền. Chị bạn giường 17 bỗng nhiên ngày này lại ít nói. Chị đi ngủ từ sớm. Tôi có cuộc trò chuyện thú vị vào buổi chiều với chị phụ trách ban tổ chức và buổi tối với một chị thiền sinh tôi đã gặp ngay từ bến đợi xe. Nói chuyện với chị phụ trách ban tổ chức khóa thiền tôi mới biết khóa thiền hoàn toàn là do các anh chị đứng ra tổ chức, lo mọi thứ. Các thầy thiền sư phụ tá cúng dường chính bằng công sức giảng dạy. Các thầy cũng theo tinh thần hoàn toàn tự nguyện cúng dường công giảng dạy về Việt Nam. Ban tổ chức lo tiến vé đi về. Và đôi khi các thầy cũng cúng dường luôn tiền vé. Còn lại Ban tổ chức phải lo thuê địa điểm, lo toàn bộ thực phẩm, đồ dùng cho các thiền sinh. Tất cả tài chính đến từ cúng dường của các thiền sinh cũ. Những ai chưa qua tu tập 10 ngày Vipassana muốn cúng dường cũng không được. Phần thiếu hụt các anh chị ban tổ chức phải tự thu xếp. Quy tắc của các khóa học Vipassana do thầy Goenkaji giảng dạy là hoàn toàn miễn phí cho các thiền sinh. Đây là cách ông giúp các thiền sinh bỏ bớt “cái tôi”, cái chấp ngã của bản thân trong suốt khóa học. Dù là người nhiều tiền hay ít tiền thì mọi thiền sinh đều được đối xử công bằng như nhau. Và không ai được đòi hỏi ưu ái nào.

Chị phụ trách là một người phụ nữ có vẻ đẹp hết sức đằm thắm, toát lên nét hiền từ, cao quý. Chị hiện vẫn đang làm việc tại Unessco Việt Nam và chị mong muốn có thêm sự chung sức của nhiều anh chị em sao cho có thật nhiều người Việt Nam được hưởng lợi từ pháp thiền tuyệt vời này. Tôi rất tâm đắc với ý nguyện này của chị. Và tôi thực sự nể phục làm sao các anh chị có thể cáng đáng được nhiều đến như vậy. Riêng tiền thuê địa điểm tổ chức cho mỗi khóa thiền 10 ngày đã mất 50 triệu. Tôi có thể làm được những gì?

Các anh chị cũng cố gắng duy trì các buổi thiền chung tại Hà Nội vào ngày chủ nhật mỗi tuần cho các anh chị em thiền sinh cũ. Mấy chị em chúng tôi dặn nhau sẽ tham gia thiền chung.

Đêm không ngủ, tôi trằn trọc suy nghĩ về Vipassana. Đây thưc sự là một phương pháp chứng nghiệm tuyệt vời cho tất cả mọi người. Không chỉ thực chứng được quy luật tự nhiên, con người được giáo dục sống có đạo đức, sống có tâm yên bình và lòng từ bi với mọi người quanh mình. Tôi mong muốn góp công để có thêm nhiều người được hưởng lời từ Vipassana.

Tuy vậy, tôi luôn nhớ lời thầy Goenkaji dặn chúng tôi nhiều lần: Điều quan trọng là bạn phải tự tiếp tục tu tập. Phải duy trì sự tu tập hàng ngày ngay giữa đời thường mới là điều quan trọng. Khóa tu 10 ngày này chỉ là sự khởi đầu của bạn trên con đường của sự giải thoát. Nó không đảm bảo là bạn tìm được sự giải thoát.

Tôi thấy rõ điều đó khi mọi người bắt đầu nói nhiều trở lại. Mặc dù tôi thấy ai cũng vui tươi, phấn khởi, nhường nhịn nhau hơn, yêu thương, trìu mến nhau hơn vào 2 ngày cuối cùng, nhưng tôi vẫn thấy sự lơ đãng tâm trí khi chúng ta nói quá nhiều. Tôi nhớ câu: Nói lời chánh ngữ còn khó hơn nhiều so với việc giữ sự im lặng.

Một khía cạnh tuyệt vời của việc phá bỏ sự im lặng là tôi được nghe nhiều câu chuyện đặc biệt, từ những con người đặc biệt trong khóa thiền. Chuyện này tôi sẽ kể cho các bạn nghe sau. Mỗi hoàn cảnh lại là những bài học về đời và đạo mà bây giờ tôi nghiệm thấy ý nghĩa sâu sa mà trước đây có thể tôi không thấy.

Tôi đăng ký vào danh sách các thiền sinh phục vụ cho khóa thiền kế tiếp vào ngày 20/11. Tôi mong gói quà này của tôi sẽ đến được với thật nhiều người người bạn – những người tôi đã gặp, tôi đang gặp mỗi ngày hay những người bạn tôi chưa gặp. Mong rằng món quà này sẽ đem lại cho bạn những cảm giác dễ chịu, khoan khoái.

Và như câu tụng của thầy tôi mỗi ngày, tôi cũng xin nguyện cho tất cả các bạn được an lạc thực sự, hạnh phúc thực sự, giải thoát thực sự!

P/s: Đây là những nội dung tôi nhớ lại sau khi hoàn thành khóa thiền. Vì không được phép ghi nhật ký dài, có những nội dung tôi không nhớ chính xác hoàn toàn các câu chữ và thời gian. Bạn cũng lưu ý đây là những cảm giác, những trải nghiệm của riêng tôi. Không ai có trải nghiệm giống nhau khi làm cùng một việc.

Bạn có thể xem chi tiết các thông tin về Vipassana tại đây http://ucenlist.org/

 

Bui Hang

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. bạn có vẻ chưa từng tham gia những khóa 10 ngày nè !? Có vấn đề gì với bài viết của chị ấy khiến ng khác đọc sẽ dễ hiểu lầm vậy? Mình thấy là không. Chị ấy ghi lại rất hay và mình biết những trải nghiệm, cảm giác đó của chị là có thật trong chị. À, mình từng tham gia nhiều khóa rồi nên cũng biết :))

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,880Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI