Dạo gần đây cứ thấy nhà nhà người người ai cũng bàn tán xôn xao về Kim Tan của Những Người Thừa Kế rồi thi phát sốt với cả phong trào dreamcatcher đang quay trở lại một cách ngoạn mục sau một thời gian dài không ai ngó ngàng tới. Nhiều người thích thú và cũng có lắm người không ưa. Có lẽ cũng phải rất lâu rồi sau thời kỳ của BOF thì mới lại có một bộ phim Hàn khiến người ta phải cuống cuồng ngóng trông từng tập phim rồi đua nhau bình phẩm như thế. Cá nhân mình là người theo dõi The Heirs từ những tập đầu và cũng đọc qua kha khá những lời bình phẩm, khen ngợi, chì trích dành cho bộ phim này cũng như dàn diễn viên trong đó. Nhưng theo cảm nhận của bản thân thì mình vẫn thấy đây là một bộ phim hay. Còn hay như thế nào thì có lẽ mình không cần phải trình bày vì lại mang tiếng là PR cho phim. Muốn biết hay dở như thế nào, hãy cứ xem “trọn vẹn” nó đi rồi hẵng phán. Đừng có đứng ngoài nhìn anh Ho đẹp trai phong độ quá rồi GATO với Kim Tan hay là xem được dăm ba tập đầu rồi lên mạng thốt hết tâm can ra được ba cái mớ văn ba xu mà chì triết điều này điều khác. Nó không hay.
Còn đây là những gì mình học được từ những vị phụ huynh của những người thừa kế trong The Heirs. Mặc dù họ không phải là những diễn viên trẻ nổi tiếng mặt hoa da phấn, cũng không phải là ca sỹ thần tượng đá chéo sân làm diễn viên khách mời. Nhưng nhân vật mà họ đảm nhiệm trong bộ phim này lại khiến cho người xem không khỏi phải suy nghĩ về cách làm cha mẹ của mình hoặc về những bậc phụ huynh đứng bên ngoài màn hình tivi.
Từ những bà mẹ yêu con…
Park Hee Nam – yêu thương không nhất thiết phải nói thành lời
Xuất hiện ngay từ những cảnh đầu tiên trong phim, bà “thím” bị câm có hoàn cảnh khó khăn này chắc chắn đã để lại dấu ấn khó quên đối với người xem. Có chồng thì đã mắc bệnh và mất sớm. Sinh được hai cô con gái thì ngoài Eun Sang thông minh, tháo vát, chăm chỉ làm việc đỡ đần mẹ thì cô chị Eun Seok lại vượt quá sức tưởng tượng của bà. Chẳng những bỏ ra nước ngoài sống thử với một người đàn ông Mỹ lại còn nói dối mẹ rằng mình đang đi du học, chuẩn bị kết hôn và cần có tiền để làm đám cưới. Nhưng ngay cả khi Eun Sang bay sang Mỹ đưa toàn bộ số tiền tiết kiệm mà bà đã kiếm một cách vất vả bao lâu nay cho Eun Seok thì bà vẫn không hề trách cứ con gái mình điều gì cả. Nhìn cảnh hai mẹ con Eun Sang cãi vã nhau ngoài đường chỉ vì sự vô trách nhiệm và lối sống buông thả không nghĩ cho ai của chị gái mà chỉ có Eun Sang nói được, còn mẹ cô thì phải dùng ngôn ngữ ký hiệu thực sự xót xa lắm thay. Ta có thể thấy được rõ cái nghèo khổ ở trong đôi mắt đượm buồn của bà mẹ này mỗi khi ngồi thừ ra làm một việc gì đó. Đi lấy rượu cho phu nhân trong căn nhà lớn, đi nhặt đỗ khi ở nhà để xay ra gửi sang Mỹ cho con, đi xếp lại những cuốn sổ dùng để viết những dòng chữ khi muốn giao tiếp với người khác,… Tất cả những công việc đấy đều được làm trong im lặng. Có lẽ khi người ta khổ quá, nghèo quá mà không thể làm gì hơn được nữa. Im lặng lại là điều tốt nhất.
Biết mình bị khuyết tật là như vậy đấy nhưng chưa một giây phút nào bà nghĩ cho bản thân mình. Dường như mọi sự cố gắng, nỗ lực của bà mẹ câm này đều chỉ nhằm mục đích đem lại những gì tốt đẹp nhất cho cô con gái nhỏ của mình. Đi làm giúp việc cho gia đình giàu có suốt 3 năm trời, lần nào phu nhân chán ăn bỏ bữa và chỉ uống rượu, cả bàn ăn thịnh soạn lại được bà gói về đem cho con gái. Mặc dù rất yêu quý và có phần thương cảm cho vị phu nhân “có miếng mà không có tiếng” nhưng để kiếm tiền mua đồng phục mới của trường Jeguk cho con, bà vẫn sẵn sàng cười nham hiểm bán cả chồng sổ ghi chép những cuộc đối thoại bằng giấy của mình cho phu nhân trên tư cách một người lưu giữ quá nhiều bí mật của gia đình này. Rồi thì khi giáo viên của nhà trường gọi điện mời bà đi họp phụ huynh cho Eun Sang, không còn cách nào khác khi nhấc máy, bà chỉ biết bất lực dùng ngón tay gõ gõ vào màn hình một cách vô ích để rồi lần khác, bà đã phải nhờ phu nhân nghe dùm điện thoại của cô giáo con mình.
Mọi hành động tưởng chừng như không suy nghĩ hay thậm chí là xuẩn ngốc như dốc hết tiền tiết kiệm cho một đứa con gái hư mà không hề hay biết hay là dọn hết đồ đạc và chuyển nhà về ở trong căn phòng chứa đồ bé tí tẹo dành cho người giúp việc của bà thực ra đều mang nhiều tình cảm trong đó. Bà biết, hiểu và sẵn sàng đứng lên bênh vực cho con gái mình khi bị phu nhân nặng lời khi biết Eun Sang dám đem lòng yêu Kim Tan. Bà sẵn sàng bỏ cả công việc làm suốt 3 năm ở nhà này để có thể chuyển ra ngoài và Eun Sang không phải khó xử trong căn nhà đó nữa. Một người mẹ mà đến cả câu “Mẹ yêu con” cũng không thể thốt lên lời như thế mà bất chấp trời tuyết rơi lạnh cóng vẫn đem quần áo ra ngoài cho con gái tá túc qua ngày ở nhà bạn chờ đến lúc kiếm được nhà trọ giá rẻ. Ở đâu đó trong con người của bà Park Hee Nam, có một phần người mẹ Việt Nam thì phải. Đau khổ giữ cho riêng mình, chỉ mong những điều tốt đẹp sẽ dành hết được cho con.
Han Ki Ae – thương con một cách có một không hai
Nói đến Han Ki Ae – mẹ ruột của Kim Tan thì trước hết phải kể đến những cái khổ của người đàn bà này. Đường đường là người sinh ra Kim Tan nhưng chưa một lần trong suốt 18 năm trời kể từ khi Kim Tan ra đời mà bà ấy được công nhận danh phận đó. Với tư cách chỉ là một người phụ nữ mà bà hai đưa về nhà cho Chủ tịch kiếm thêm một đứa con vì bản thân bà hai không thể sinh con. Cuộc đời “có miếng mà không có tiếng” của Han Ki Ae không khác gì bị nhốt trong tù. Bầu trời của bà chỉ vẻn vẹn ở trong căn biệt thự rộng rãi nhưng bí bách nhà họ Kim. Đêm ngủ riêng giường, bị giam lỏng trong nhà không được phép xuất hiện trong cùng một khung hình với bà hai, chán đời khi phải xa con trai 3 năm trời chỉ biết lấy rượu làm bạn. Vậy nhưng chưa một phút giây nào bà không nghĩ cho con. Khi con người ta khổ quá thì thường hay bấu víu vào những sự sung sướng mà người khác vẽ ra và hài lòng với nó rồi mặc nhiên cho rằng mình chỉ xứng đáng được hưởng hạnh phúc như vậy mà thôi.
Trong phim không ít lần ta thấy bà mẹ này dám đứng lên bật lại yếu ớt sự đàn áp một cách khốn nạn và ti tiện của bà hai nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì bà cũng không dám làm chuyện gì vượt quá sự cho phép cả. Vì bà biết mặc dù bà là mẹ ruột của Kim Tan nhưng bản thân mình không có tên trong sổ hộ khẩu, không có một chút cổ phần nào của tập đoàn Jiguk, nếu lỡ tay làm chuyện gì đó không phải thì liệu còn có sống để gặp mặt Kim Tan nữa hay không chứ đừng bàn đến chuyện yêu thương, chăm sóc con trai của mình.
3 năm trời Kim Tan bị anh trai đưa sang Mỹ cách ly, thậm chí bà còn không dám thở mạnh khi đứng trước mặt anh trai của cậu. Bà chấp nhận việc mình mang tiếng là phu nhân nhưng không hề có một quyền hành gì cả. Chỉ có một cái phòng ngủ, một tủ quần áo hàng hiệu, một đám người hầu có thể sai đi lấy rượu và chẳng thể làm gì khi người khác coi khinh, rẻ rúm mình hay tệ hơn là cả đánh đập mình. Từng việc, từng việc khi bà làm đều nghĩ cho Kim Tan nhiều hơn. Đến cả giờ phút quyết định khi Kim Tan công khai bà là mẹ ruột của cậu trước mặt gia đình Rachel để nhằm mục đích hủy hôn thì bà vẫn chối khăng khăng rằng mình không phải mẹ của cậu. Trước đó, khi Young Do đến nhà Kim Tan để vạch trần sự thật cậu chỉ là một đứa con rơi, bà cũng đã từng phải thót tim khi để cho thân phận của con trai mình bị lộ. Người xem nào không hiểu sẽ cho rằng thực ra bản Han Ki Ae yêu thương và che chở cho Kim Tan cuối cùng cũng là vì cái danh vị của cậu – Con Trai Thứ Hai Của Chủ Tịch Tập Đoàn Jiguk. Nhưng thực ra mọi người đã lầm.
Tất cả mọi việc làm của bà mẹ này tư lúc tính toán đến khi thực hiện và thậm chí cả là khi đổ bể đều xuất phát từ tình yêu của một bà mẹ yêu con, không gợn chút tham lam vật chất như chính bà hai trong phim. Chẳng thế mà ngay cả khi Kim Tan bị tiết lộ thân phận là con rơi, bên thông gia nhà Rachel đã đòi hủy hôn ước đã thương lượng bấy lâu. Bà vẫn làm mọi cách để khiến con mình được vui nhất và làm cho con những việc mà con thích nhất. Lén lút đem áo ấm ra ngoài cho Tan khi bị bố đuổi ra khỏi nhà. Đem tấm ảnh ngoại tình của mẹ Rachel ra để uy hiếp bà ta phải hủy hôn với Tan. Quỳ xuống cầu xin chủ tịch đừng đánh Tan. Và còn nhiều, nhiều hơn thế nữa những điều ở người mẹ này khiến ta phải suy nghĩ.
Đến những bà mẹ giết con
Esther Lee – sinh con ra để làm một món hàng
Ngay từ tập 1 của bộ phim ta đã thấy được bản chất của người đàn bà này thực ra không hề đơn giản. Chia tay với bố của Rachel và nắm giữ 50% tổng tài sản của RS International chưa được bao lâu thì đã có ý định tái hôn với Chủ tịch của Zeus Hotel Group và cũng là bố của Choi Young Do. Mọi mối quan hệ, mọi cuộc hôn nhân xung quanh con người này đều phải dính dáng đến tiền và lợi ích. Bà ta thực dụng đến mức chính con gái của bà – Rachel – đã phải vừa khóc vừa nói vào mặt bà rằng: “Mẹ đừng đem con ra làm một món hàng để trao đổi nữa, con không phải là món đồ nằm trong bộ sưu tập sắp ra mắt của công ty mẹ đâu!!!” Còn gì chua xót hơn khi chính con gái mình nói với mình những điều như thế?
Từ khi còn trẻ, Esther đã có kinh nghiệm kết hôn với người mà mình không hề yêu thương và chỉ đến với nhau vì lợi ích kinh tế. Để rồi đến khi có một cô con gái gần 20 tuổi đầu, bà lại mưu mô kiếm thêm tiền từ tập đoàn nhà Kim Tan nhờ cuộc hôn nhân suýt nữa đã thành với Tan. Mặc dù chẳng hề yêu đương gì bố của Choi Young Do và tằng tựu với cả người đàn ông khác khi đã đính hôn với ông ấy nhưng bà vẫn sẵn sàng dấn thân vào cuộc hôn nhân này chỉ vì một chữ: TIỀN. Và bản thân bà cũng biết rằng Tan không hề có tình cảm với Rachel nhưng vẫn ép cô con gái mình phải lấy cho bằng được Tan khi Tan còn có giá trị. Ngược lại đến khi phát hiện ra Tan chỉ là con riêng thì cho dù Rachel đã thú thực rằng có tình cảm với Tan thì bà vẫn nhất quyết hủy hôn (mà thực ra một phần cũng là vì tấm ảnh ngoại tình mà mẹ ruột của Kim Tan đem ra đe dọa :v ). Một người mẹ mà lúc nào cũng nghĩ cho bản thân nhiều hơn, đem con ra làm một thứ tài sản có ích và tính toán trước mỗi lần đầu tư như vậy. Đừng hỏi vì sao con gái không thể tôn trọng.
Mẹ Lee Hyo Shin – tự tay đâm chết ước mơ của con
Mặc dù trong phim nhân vật này chỉ được đề cập thoáng qua trong những cảnh phim xuất hiện Hyo Shin nhưng cũng đủ để có thể hiểu được cách nuôi dạy con của người đàn bà này. Đó là cách dạy con chết chóc. Kìm kẹp và hủy hoại ước mơ của chính con trai mình. Bà cùng với chồng là những người có chính sách độc tài trong việc giáo dục con cái. Thừa biết rằng Hyo Shin không hề thích ngành Luật và càng không có mong muốn theo đuổi nghề nghiệp gia truyền này nhưng bà vẫn một mực ép con mình phải học và phải thi cho bằng được vào ĐH Luật. Cưỡng ép đến chết ước mơ của con trẻ là một hành vi của những bố mẹ sát nhân đã được chứng kiến từ người mẹ này. Bà không màng đến suy nghĩ và thái độ, thậm chí là cả lời đe dọa “uống thuốc ngủ” để chết đi của Hyo Shin, một mực khăng khăng dạy con và hướng con theo con đường mà mình muốn, mà mình cho là tốt đẹp. Rồi ngay cả giáo viên dạy thêm đến nhà. Bà cũng không quan tâm đến việc có dạy tốt hay không, có phương pháp hợp với con trai mình hay không. Bà cũng sẵn sàng đuổi việc cô giáo Huyn Joo chỉ vì lờ mờ nhận ra con trai mình có tình cảm với cô giáo. Đây là hiện thân rõ ràng nhất của những ông bố bà mẹ bá đạo ngoài đời: muốn con sống lại cuộc đời của mình và ép chúng phải làm được những điều mà khi còn trẻ mình không thể làm hoặc làm chưa tới. Nhiều lúc người viết cũng tự hỏi rằng đó có phải là bố mẹ hay không hay là những người giết chết tâm hồn của những đứa con?
Và cả những ông bố đáng suy nghĩ
Choi Dong Wook và Kim Nam Yoon – hai ông bố kỳ lạ
Tại sao lại gọi đây là hai ông bố kỳ lạ? Đó là cả hai người đều có những thứ giống nhau và cách dạy con tương đồng đến kỳ lạ. Cả hai người đều có nhiều vợ. Cả hai người đều rất giàu và sở hữu những khối tài sản kếch sù. Và cả hai người đều có hai đứa con trai khó dạy.
Giám đốc Choi dạy cho Young Do ngỗ ngược của mình cách phải đứng lên khi bị người khác xô ngã. Dạy dỗ con trên sàn tập võ, chưa một lần nào là ông không đánh bại đứa con của mình kèm vài lời sỉ nhục thậm tệ. Chẳng những thế ông còn sẵn sàng bạt tai con mình ngay trong trường học chỉ vì nó đã để thua Tan trong một trận ẩu đả. Ông dạy con mình bằng vũ lực, biến nó trở thành một phiên bản hai của mình: cứng cỏi, dũng mãnh và không có tình yêu. Sẵn sàng làm mất mặt con mình bằng cách để nhân viên dưới quyền ra lệnh cho con phải rửa bát thật sạch mỗi lần cho Young Do làm nhân viên trong khách sạn của mình. Kết hôn với mẹ của Rachel cũng chỉ nhằm mục đích tăng thêm giá trị cho tài sản và củng cố vị trí của tập đoàn khách sạn của mình. Mọi thứ mà Giám đốc Choi làm dường như đều là để dành cho Young Do. Nhưng mà vì cách làm quá hà khắc và thiếu tình người nên nó đã tạo ra phản ứng ngược khiến cho chính con trai của ông cũng khó lòng chấp nhận được người cha của mình.
Còn Chủ tịch Kim thì sao? Ông vốn là một người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời. Từng phải đánh bại bao nhiêu anh chị em ruột thịt trong cuộc chiến dành quyền thừa kế tập đoàn Jiguk từ rất lâu về trước nên ông là người hiểu rõ hơn ai hết cái giá của chiếc vương miện mà ông sẽ đội lên đầu hai người con trai của mình là Kim Won và Kim Tan. Vì bị bệnh mà phải lui về ở ẩn, để cho Kim Won lên nắm quyền CEO cho tập đoàn. Nhưng chưa một phút giây nào ông lơ là và bỏ quên cảnh giác với mọi thứ xung quanh mình. Ông cho người theo dõi cả hai đứa con trai của mình. Ông can thiệp vào việc của công ty ngay cả khi tất cả người của ông đều đã bị Kim Won cho luân chuyển công tác. Ông đưa vào tay Tan một thanh kiếm cực kỳ sắc nhọn đó là số cổ phần bằng đúng số % mà Kim Won đang có để cố tình tạo cho hai anh em phải đấu tranh với nhanh để giành giật. Ông sẵn sàng đầu tư để tống cổ Eun Sang ra khỏi Hàn Quốc và không còn liên hệ gì với Tan nữa. Và ông cũng là người thổi phồng lên mọi sự mâu thuẫn diễn ra trong phim. Mặc dù phải nghe những lời cay nghiệt từ Tan khi nói không hề còn tình cảm gì giữa cha con, anh em nữa nhưng ông không hề quan tâm. Vì với cái nhìn của một người như ông, ông sẵn sàng để cho hai đứa con của mình chém giết lẫn nhau để giành giật Jiguk còn hơn là để Jiguk lọt vào tay người ngoài. Một con cáo già như Chủ tịch Kim dường như không gì là không thể. Tuy rằng cách dạy con có phần cực đoan và trông có vẻ vô tình nhưng tất cả đều là dành những thứ tốt nhất cho chúng.
Yoon Jae-ho – người cha ấm áp
Làm trưởng phòng nhân sự của tập đoàn Jiguk. Lương tháng không phải là ít ỏi nhưng người cha này vẫn dạy cho con trai của mình cách tiêu tiền hiệu quả và tính toán trước khi đầu tư rất hữu ích. Chan Young muốn đi Mỹ để học hỏi trong kỳ nghỉ hè, ông cũng phải bắt con mình tính toán hiệu quả của việc này đến đâu, có xứng đáng với số tiền ông phải bỏ ra hay không. Bản chất vốn là người hướng thiện và làm mọi điều chỉ vì lợi ích của tập đoàn mà không quan tâm việc chia bè kéo phái trong nội bộ công ty, trưởng phòng Yoon xứng đáng là một người cha mẫu mực nhất ở trong phim này. Khi bất ngờ gặp phải Lee Bo Na – cô bạn gái đáng yêu của Chan Young trong công ty, kệ cho cô bé nằng nặc gọi mình là “Bố” (gọi thay Chan Young) thì ông vẫn xua xua tay “Chú chứ” rất đáng yêu. Rồi thì mặc dù việc công ty rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian đi siêu thị mua đồ ăn và dạy con trai mình cách nấu nướng sao cho ngon nhất. Để cho Chan Young mặc dù không có mẹ từ bé nhưng vẫn biết nấu nướng ngon hơn cả Bo Na. Những người bố như vậy. Hình như còn hơi thiếu trong xã hội này.
Tạm kết
Trên đây chỉ là vài điều mình học được từ những vị phụ huynh của The Heirs. Người tốt có, kẻ xấu cũng nhiều. Những người nhiều tiền và có tài sản để lại cho con thừa kế như vậy có lẽ còn xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Nhưng nếu nhìn họ ở một góc độ khác – góc độ của những người làm cha làm mẹ thì thực ra lại gần gũi vô cùng. Ở đâu đó trong thế giới này, sẽ có những nhân vật sống, những ông bố bà mẹ dạy con kiểu như vậy, yêu con kiểu như vậy.
Xem đi để rồi biết nên dạy con mình ra sao, ngay cả khi mình không phải là người nhiều tiền!
P/s: Serie về The Heirs của mình vẫn còn dài. Đây chỉ là bài “dằn mặt” bạn blogger đáng mến đã chê ỏng chê eo The Heirs thôi :v Thực sự mình sợ bạn ý quá, hẳn là lên Tiêu điểm, hẳn là hot facebooker :v