28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hành trình của kẻ dịch chuyển

Featured Image: Werner Kunz

 

Cuộc đời là một hành trình hay là một đích đến. Nếu thử qua một lần đi phượt, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn câu trả lời cho chính mình. Khoan nói về sở thích hay đam mê đi khám phá đây đó, chỉ nói về cách bạn đi đến một địa điểm nào đó đôi khi thể hiện quan điểm sống của bạn.

Cuộc sống hầu hết mọi người đều có kế hoạch, dù ngắn hạn hay dài hạn, dù sơ sài hay kỹ lưỡng, những chí ít sẽ đều có một sự mường tượng trong tâm trí mình.

Nếu bạn thực hiện một hành trình mà cụ thể không biết mình sẽ đi đến đâu, bạn sẽ đi như thế nào. Chờ cho đến khi xác định được điểm đến rõ ràng hay tiếp tục chuyến đi với tâm lý thoải mái nhất, nhẩn nha ngắm cảnh, tận hưởng từng quãng đường với biết bao điều thú vị. Hoặc cũng có lẽ bạn sẽ không bao giờ xuất phát, bạn sợ sự mông lung phía trước, sợ sự xao nhãng trên đường đi, sợ những thứ bí ẩn đang chờ đợi mà bạn không thể nắm bắt.

Ngược lại, một hành trình với kế hoạch chi tiết về điểm đến, thời gian liệu có khiến bạn an tâm hơn. Xác lập mục tiêu, tập trung vào trọng điểm, ước lượng khả năng và cố gắng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, có vẻ đây giống như là một cuộc đua hơn là một chuyến phượt.

Theo tôi, cái thú vị của những lữ khách là việc “dịch chuyển” chứ không phải là chuyện “đi đến”. Với 2 quan điểm khác nhau, cách thực hiện hành trình sẽ khác nhau. Người “dịch chuyển” đi chầm chậm và tận hưởng mọi thứ trên hành trình, quan sát mọi thứ diễn ra với con mắt tò mò và nụ cười mãn nguyện vì đơn giản, với họ, việc “dịch chuyển” đã là một phần thưởng rồi. Đối lập lại, người “đi đến” sẽ tăng tốc hết mức vì với họ, mục tiêu là quan trọng nhất, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu, nếu không chạm được nơi cần đến xem như chuyến đi là thất bại.

Tôi tự cười một mình khi nghĩ lại chuyến đi phượt gần đây với một nhóm bạn, mặc dù đã nói rõ là chuyến đi không có lịch trình cụ thể nhưng sau một hồi lòng vòng dưới trời oi bức, có người liền phàn nàn về cái ý tưởng ngu ngốc ấy. Tôi không trách họ vì đơn giản họ là người “đi đến”, họ cần một cái gì thật cụ thể và rõ ràng để nhắm đến. Nếu không biết sẽ đi đâu, họ sẽ không thể thoải mái tận hưởng những gì đang hiện diện trước mắt và với họ, chuyến đi như vậy nên kết thúc càng nhanh càng tốt.

Tôi thường đi chậm, ngay cả khi đã biết rõ điểm đến. Một là tôi có thể suy tưởng, hai là tôi có thể chậm chạp nhìn ngắm những điều đang trôi đi trước mắt, luôn lạ lẫm, luôn mới mẻ và nhiều ý nghĩa. Trộm nghĩa, dường như đó là cách tôi đang thực hiện hành trình cuộc đời mình: chậm chạp, nhẩn nha, tận hưởng, ít quan tâm đến đích đến vì đường nào nó cũng tới, không vội vã, không khẩn trương…

Liệu điều đó có đúng đắn, liệu tôi có vô trách nhiệm với cuộc đời của mình hay không, tôi giống một kẻ lang thang hơn là một tay đua chuyện nghiệp mỗi ngày lại rèn luyện bản lĩnh của mình để đến đích nhanh hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra khi họ đến đích, nó khiến họ thỏa mãn hay không, thỏa mãn vì điều gì: ta có tài, ta chinh phục, ta tập trung, ta vượt lên, ta đạt được… Và nếu giả sử cái đích đến không như trong tưởng tượng, chuyến đi có thể quay ngược lại không?

Gần đây tôi có một vụ kinh doanh nhỏ với một kế hoạch khá tỉ mỉ. Kết quả kinh doanh không như ý muốn vì mục tiêu đã không đạt được. Nhưng lạ là tôi không thấy buồn bã hay nản lòng đơn giản là vì tôi đã được tưởng thưởng những điều tuyệt vời trong suốt thời gian thực hiện công việc đó. Chỉ có một điều vương vấn là tôi không biết liệu tôi có thể mở công ty kinh doanh với cái lối suy nghĩ như thế hay không.

Để chuyến hành trình được trọn vẹn, lời khuyên cho người “đi đến”: hay sẵn sàng tâm lý rằng, dù đích đến có như thế nào, bạn cũng sẽ tận hưởng nó mà không hối tiếc gì.

Lời khuyên cho người “dịch chuyển”: bạn vẫn chẳng cần lên kế hoạch hay xác định mục tiêu gì cả, tuy nhiên, phải nhớ là lúc đó bạn nên đi một mình. Đừng bắt ép người khác lang thang tư tưởng như bạn, vì nếu đã là “lang thang” thì không thể nào có điểm chung cho ít nhất hai người. Muốn tiếp tục dịch chuyển, cả hai phải có một “điểm đến”.

 

AVKH

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. đúng rồi anh, cũng có những lúc đi xe đến một đích đến xa lạ và ngắm nhìn những cảnh vật, địa danh cũng xa lạ không kém hai bên đường là một cảm giác hay ho, và quan trọng học được thêm điều gì đó mới mẻ thực sự rất tuyệt vời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI