Featured image: Một câu trích dẫn nổi tiếng của Emma Goldman, dịch tạm: Nếu bầu cử có thể thay đổi được gì, họ sẽ khiến cho nó trở nên phi pháp.
Báo chí, truyền thông, Facebook khắp thế giới những ngày gần đây đang sục sôi với sự kiện hàng chục ngàn người tại Hong Kong xuống đường biểu tình đòi hỏi dân chủ. Tuy nhiên bài viết này sẽ không bàn về sự kiện đó như hầu hết những gì mọi người đang được cho biết, mà sẽ bàn về hai chữ “dân chủ”.
“Thượng nhân bàn về ý tưởng
Thường nhân bàn về sự kiện
Phàm nhân bàn về con người.”– Eleanor Roosevelt (Phu nhân cố Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt)
Để có thể nói cho tường tận, đầy đủ về dân chủ thì tôi cần phải viết cả một quyển sách, như có nhiều tác giả đã viết, nhưng hiện tại thì vẫn chưa có mạnh thường quân nào tài trợ để tôi thực hiện được việc đó, nên trong khuôn khổ một bài viết dành riêng cho Triết Học Đường Phố tôi sẽ cố gắng tập trung vào những điểm trọng tâm, vì thế tất nhiên sẽ có những điểm bị lược bỏ, thiếu sót. Nội dung chính của bài viết này tôi đoán trước được rằng sẽ trái ngược với quan điểm của 99% độc giả, nên chắc chắn sẽ có người phản biện; nhưng tôi xin được phép nói trước là có thể mình sẽ không trả lời những phản biện đó. Lý do? Có thể kiến thức chính trị tôi còn nông cạn nên không đối đáp được; hoặc cũng có thể tôi trả lời được nhưng đơn giản là không có thời gian, những ai biết tôi đều biết tôi hiếm khi nào có thời gian. Mọi người hãy xem đây như một bài tham khảo. Tất cả những hiểu biết tôi đều học được từ những người giỏi hơn mình; ai thật sự muốn tranh luận thì tôi có gợi ý là không nên tranh luận với tôi mà nên tranh luận với những người giỏi hơn tôi. Forum tụ họp của nhóm học giả này – trang tôi đọc mỗi ngày – sẽ được kèm theo ở cuối bài [2] (họ nói tiếng Anh).
Dân chủ là gì?
Thật sự thì dân chủ là cái gì mà tôi thấy người người hô hò dân chủ, nhà nhà hô hò dân chủ, thậm chí cả thế giới cũng hô hò dân chủ, các blogger hô hò dân chủ, các nhà hoạt động chính trị ai ai cũng hô hò dân chủ? Tôi có cảm giác rằng người ta chẳng biết mình đang hô hào cho cái gì; phải chăng nhiều khi nghe hai chữ dân chủ có vẻ hay hay và thấy người khác hô hào thì họ cũng hô hào theo nhưng sự thật thì chưa bao giờ suy ngẫm về nó hơn một giây (tất nhiên con số một giây này chỉ là một nghệ thuật thậm xưng). Dân chủ có phải chỉ đơn giản là một xã hội do nhân dân làm chủ? Tất nhiên là không đơn giản như vậy; chúng ta phải tập suy nghĩ sâu xa hơn. Cách thức để có được một xã hội do nhân dân làm chủ như vậy thì người ta phải làm gì? Bạn đã trả lời đúng: Bầu cử. Vấn đề của dân chủ không phải là nó do dân làm chủ hay vua làm chủ; vấn đề mấu chốt nằm ở việc bầu cử.
1. Dân chủ là đa số thắng thiểu số
Bất kỳ một người có lý trí nào cũng sẽ đồng ý rằng thành phần những người có tài năng, trí thức, thông minh, trí tuệ, học rộng hiểu nhiều, kiến thức phong phú,… đều không bao giờ thuộc về thành phần đa số. Ludwig von Mises có một câu nói từng được đăng trên THĐP, nhưng đây là lúc nó cần được nhắc lại:
“Tất cả những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được là thành quả có được từ động lực của một nhóm thiểu số nhỏ bé, những người đầu tiên xa rời tư tưởng và tập quán của đa số, sau đó nhóm đa số mới chấp nhận sáng kiến của họ. Đưa cho nhóm đa số quyền áp đặt nhóm thiểu số phải nghĩ gì, đọc gì, và làm gì cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết, một lần và vĩnh viễn cho sự tiến bộ.”
– Ludwig von Mises, Liberalism
Dân chủ nếu được cường điệu lên đúng mức thì nó không khác gì một chủ nghĩa bầy đàn xuất phát từ tâm lý bầy đàn. Dân chủ là một sự ngụy biện argumentum ad populum khổng lồ, một sự ngụy biện cho rằng cái gì nhiều người nói đúng thì nó là đúng; không có gì sai lầm hơn sự ngụy biện này. Tiếng Hán có câu “Tam nhân thành hổ” cũng là vì lẽ đó.
2. Dân chủ là 51% được quyền đưa ra quyết định cho 49% những người còn lại
Ngay cả khi khoảng cách giữa đa số và thiểu số chỉ cách nhau 2% chúng ta có thể thấy dân chủ đặt ra giới hạn và giết chết những khả năng như thế nào. Việt Nam hiện nay có hơn 93 triệu người, giả sử tổng số người bầu cử kỳ này là 50 triệu, bạn thuộc nhóm 24 triệu, lá phiếu của bạn và lá phiếu của 24 triệu người kia coi như vô ích. Toàn bộ nhóm 24 triệu người vừa bị nhóm 26 triệu áp đặt ý định. Nếu bạn biết tư tưởng và quan điểm của mình thuộc về nhóm thiểu số thì việc bầu cử là hoàn toàn vô ích. Ảnh hưởng của lá phiếu của bạn là 0%. Nếu biết lá phiếu của bạn là vô ích thì bạn có đi bầu không?
3. Dân chủ giới hạn những khả năng, tiềm năng, giới hạn sự lựa chọn
Trong một thị trường tự do, không một ai bị lãng quên, không có nhu cầu thiểu số nào là quá nhỏ đến nỗi không có người đứng ra cung cấp. Thị trường tự do là một sự một sự phân trung, phi tập trung. Trong khi dân chủ hay nhà nước thì trái lại, nó là một sự tập trung, tại một điểm single point of failure, một mô hình “đa cấp”, kim tự tháp, từ trên xuống dưới; trong khi phân trung là một mô hình mạng lưới, mạng nhện, không có điểm thất bại duy nhất. Torrent hoạt động dựa trên mô hình này; Bitcoin cũng hoạt động dựa trên mô hình này. Tôi không biết nói rằng nó là một mô hình bất khả chiến bại có phải là nói quá không, nhưng tôi cho rằng đây sẽ là mô hình của tương lai.
Trong một thị trường tự do, có cầu thì sẽ có cung, không phải chỉ nhu cầu của đa số, không phải chỉ nhu cầu của thiểu số, nhưng bất cứ nhu cầu nào miễn nó hợp luân lý thì nó sẽ có một cái giá. Trong khi với dân chủ, bạn không thể một cách hợp pháp có được dịch vụ bảo vệ bởi một nhóm người không dùng tiền của bạn đi giết người nơi xứ khác, để mua biệt thự, xế khủng, đất đai, địa ốc… Tôi cũng nghĩ rằng dự đoán của Jim Bell sẽ trở thành sự thật, một khi cryptocurrency và cryptography trở nên phổ biến, đại trà. Nếu nó thật sự là một điều không thể tránh khỏi như Jim Bell nói, chiến tranh diện rộng chỉ còn là cái có trong lịch sử. Tới đây thì Google is your friend, hãy làm quen với Google đi vì tôi sẽ không tiếp tục đi sâu vào hang thỏ này bởi nó không nằm trong chủ đề chính của bài viết.
Hãy thử hình dung ra viễn cảnh một xã hội tương lai, nơi luật pháp được cạnh tranh, anh ninh được cạnh tranh, khu phố này cạnh tranh với khu phố khác… Cạnh tranh không có nghĩa là chiến tranh, bạo loạn – những sự kiện này không hề miễn phí mà ngược lại, phải tốn kém, rủi ro rất nhiều, đã làm ăn kinh doanh thì phải hạn chế tốn kém, rủi ro tối đa. Thêm vào đó, tấn công luôn tốn kém gấp nhiều lần phòng thủ – mà là cạnh tranh dưới nguyên tắc NAP (Non-Aggression Principle, tạm dịch Nguyên tắc Không Xâm Phạm, một trong những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do, libertarianism). Pierre-Joseph Proudhon, một triết gia chính trị nổi tiếng người Pháp sinh năm 1809, người đã theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa thậm chí còn phát biểu rằng:
“Tự do là mẹ của trật tự, không phải là con.”
Hay Gustave de Molinari, một chính trị gia, kinh tế gia người Bỉ sinh năm 1819 đã từng nhận ra:
“Chiến tranh là hệ quả tự nhiên của sự độc quyền; hòa bình là hệ quả tự nhiên của tự do.”
Bạn không thích cần sa, không thích đồng tính, không thích người khác sở hữu súng, không thích Bitcoin, không thích tư hữu, không thích polygamy, không thích phá thai,… Không hề chi, bạn cứ sống ở khu phố Cộng Sản 75 với những người có cùng tư tưởng. Có tới vô số khu phố với những luật lệ khác nhau cho bạn lựa chọn. Nghe có vẻ viễn vông nhưng thực tế thì với các công nghệ sea-steading [3], cryptography và 3D printing càng ngày càng phát triển thì tôi tin rằng đây chính là tương lai mà loài người đang đi tới.
Một xã hội tự do cho phép chủ nghĩa xã hội tồn tại bên trong nó. Nhưng một xã hội chủ nghĩa thì không cho phép tự do tồn tại bên trong nó. Chủ nghĩa tự do có thể bao trùm chủ nghĩa xã hội; nhưng không có sự ngược lại. Đây là một sự khác biệt quan trọng thể hiện đẳng cấp.
4. “Tại sao anh không đi chỗ khác đi?”
Đây chỉ là một câu hỏi, không phải là một lý lẽ logic có thể dùng để phản biện. Đi hay không đi không liên quan gì tới vấn đề. Và vấn đề ở đây chính là khi một luật lệ được bầu ra một cách dân chủ, nếu nó xâm phạm vào nguyên tắc NAP thì căn bản là nó đã sai trước. Tại sao một người phải ra đi khi luật lệ kia mới là cái sai? Bảo người đó đi chỗ khác cũng giống như bảo một người đang sống trong một khu phố an ninh từ trước tới giờ đi chỗ khác khi bỗng nhiên có một tên côn đồ mới dọn về. Tên côn đồ mới là người phải đi chỗ khác.
Trớ trêu thay, nếu bạn muốn người ta đi chỗ khác chỉ vì họ không đồng ý với luật lệ bạn ủng hộ hay những người bạn bầu lên thì bạn đã được toại nguyện với não trạng chảy máu chất xám tại Việt Nam hiện nay, nhân tài đã bỏ nước ra đi hết, nếu vẫn chưa ra đi thì họ cũng đang tìm cách ra đi. Một đất nước không có nhân tài cũng giống như một thân xác không có linh hồn. Như Milton Friedman từng nhận xét về việc di cư giữa biên giới Hong Kong và Trung Quốc, “Hãy nhìn người ta bầu cử bằng chân của họ.” Xem người Trung Quốc muốn qua Hong Kong – một trong những có nền kinh tế tự do nhất thế giới – hay ngược lại? Giải pháp không phải là bảo người ta đi chỗ khác; giải pháp chính là phải cải cách, thay đổi hệ thống vận hành. Thay đổi thì tất nhiên đau đớn, nhưng nó phải diễn ra nếu chúng ta muốn trưởng thành. Chừng nào mà chúng ta còn chưa sẵn sàng để thay đổi tư duy, đột phá tư tưởng thì chừng đó chúng ta vẫn còn đang lê bước với tốc độ của một con rùa, trong khi bầu trời chính là giới hạn và nó đòi hỏi một sự cất cánh trong nhận thức.
5. Bản chất của dân chủ là những tầm nhìn ngắn hạn
Các chính trị gia khi muốn có được số phiếu của đám đông thiếu kiến thức về kinh tế, chính trị, chỉ thấy được những gì trước mắt, bề nổi, thì tất nhiên họ phải hứa hẹn những điều nghe hấp dẫn, mà hy sinh những lợi ích lâu dài, đổi lấy những lợi ích ngắn hạn. Giống như một người nghiện thuốc phiện lên cơn thì phải được thỏa mãn ngay lúc đó, trong khi giải pháp cần phải làm không gì khác hơn là cai nghiện. Tiến sĩ Hans-Hermann Hoppe đã lý luận trong cuốn Democracy: The God That Failed (tạm dịch: Dân chủ: Vị thần đã thất bại) của mình rằng chế độ dân chủ thật ra còn tệ hơn chế độ quân chủ. Một hệ thống mà phải trông chờ người tốt lên nắm quyền là một hệ thống yếu kém. Nếu bạn biết quan sát thì bạn sẽ thấy quyền lực rất nhiều khi còn làm tha hóa cả một người tốt.
6. Định lý Arrow’s impossibility
Định lý này được chứng minh bởi Tiến sĩ kinh tế Kenneth Arrow trong luận án tiến sĩ của mình và sau đó năm 1951 đã được in thành sách Social Choice and Individual Values. Diễn giải một cách đơn giản thì định lý này phát biểu rằng: Không thể có một cơ chế bầu cử nào có thể thỏa mãn 3 tiêu chí công bằng sau:
- Nếu mọi người đều ưu tiên X thay vì Y thì cả nhóm muốn X hơn Y.
- Nếu ưu tiên giữa X và Y không thay đổi (các nhóm khác có thể thay đổi, vd: X—Z, Y—Z, hay Z—W, thì ưu tiên của cả nhóm chọn X hơn Y vẫn không thay đổi.
- Không có “lá phiếu quyết định”, không người nào được quyết định khi có trường hợp hòa.
7. Bầu cử là trái với luân thường đạo đức, là phi logic
“Không có sự tàn bạo nào tệ hơn là bắt buộc một người phải trả tiền cho những thứ hắn không muốn chỉ vì bạn nghĩ là nó sẽ tốt cho hắn.”
– Robert Heinlein, The Moon is a Harsh Mistress
Hãy trả lời câu hỏi này: Bạn có quyền tấn công, sử dụng bạo lực với người khác–trừ các trường hợp tự vệ–không? Câu trả lời rõ ràng là không. Nhưng khi bạn bầu cử có nghĩa là bạn đang trao cho chính phủ một quyền bạn không hề có để chính phủ thực hiện những hành động bạo lực đó đối với người khác; bạn không thể trao cho người khác cái bạn không có. Nền tảng của mọi chính phủ chính là bạo lực; không có nó thì không một chính phủ nào có thể tồn tại. Một xã hội chưa trưởng thành là một xã hội sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề của nó. Một xã hội trưởng thành là một xã hội không cần dùng đến bạo lực, thay vào đó, Tự Do được đưa lên ngôi. Tự do mới là cái chúng ta cần phải đấu tranh, không phải dân chủ.
Tạm kết
Không biết từ khi nào mà hầu như tất cả mọi người ai cũng đặt tự do và dân chủ ngang hàng, song song nhau. Người ta không biết rằng cái giá phải trả cho dân chủ chính là tự do. Nói cách khác, không thể có dân chủ và tự do cùng một lúc. Sự khác biệt giữa dân chủ và tự do là gì? Dân chủ áp đặt quan điểm của người này lên người khác; tự do thì không. Bạn có tự do làm những gì mình muốn miễn nó không xâm phạm đến người khác, không xâm phạm vào nguyên tắc NAP. Một khi đã hiểu rõ về dân chủ, bạn sẽ không còn cổ động nó một cách vô minh như trước, thậm chí bạn có thể sẽ còn thấy khó chịu với thực trạng ai ai cũng đang ra sức cổ động nó như những con robot của văn hóa, “một thực tại ảo đã được phê chuẩn” theo cách dùng từ của Terence McKenna, và đó cũng là lý do khiến tôi phải viết bài này, vì nếu tôi không viết thì ai sẽ viết đây khi tôi vẫn chưa phát hiện được một đồng chí người Việt nào có cùng tư tưởng trong radar của mình. E là còn phải chờ đợi mỏi mòn.
Nguyễn Hoàng Huy
Người viết cổ vũ cho chủ nghĩa vô chính phủ? Theo tôi, nó cũng đẹp đẽ và nguy hiểm như chủ nghĩa Marx vậy.
Mình cũng đưa ra vài ý kiến như này:
1. Tự do nhưng trong khuôn khổ, không thì về thời tiền sử rồi.
2. Phải có người làm chủ ban hành luật pháp thì mọi người mới tuân và làm theo.
3. Dân làm chủ các chình trị gia phục vụ cho nhân dân và công đồng để đem lại những điều tốt đẹp nhất có thể mà đã thuyết phục và được đa số người dân đồng tình.
Vì được lòng dân thì được tất cả.
Hai mâu thuẫn nền tảng giữa bầu cử và dân chủ
Nếu dân chủ là « người dân làm chủ », thì bầu cử chính là tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Bầu cử mâu thuẫn với dân chủ. Trong phòng phiếu, khi để cho lá phiếu rơi khỏi tay, thì người dân mặc nhiên từ bỏ quyền làm chủ đất nước của mình, để đặt nó vào tay một người mà có khi mình chỉ được biết sơ sài qua vài màn trình diễn hay vài thông tin phiến diện được gạn lọc bởi những cơ sở truyền thông. Kết quả là quyền hành được chuyển nhượng cho một nhóm chính trị gia chuyên nghiệp, phân chia thành đảng phái để thay phiên nhau cai trị xã hội. Bầu cử, trong sự vận hành tốt đẹp nhất của nó, chỉ đưa đến một chính thể « thượng chủ » (oligarchie), với quyền hành luân chuyển trong tay một giới thượng lưu. Có lẽ vì thế mà Sartre đã cho rằng bầu cử là cạm bẫy dành cho bọn đần độn : « élection, piège à cons ! » (5) …
Mâu thuẫn nền tảng thứ hai giữa bầu cử và dân chủ đến từ một ngộ nhận phổ quát. Người ta nghĩ rằng khi mỗi cử tri phát biểu qua lá phiếu của mình thì đó là quyết định của « nhân dân », của dân tộc, của toàn xã hội, và cho đó là dân chủ. Điều này hoàn toàn là một ngộ nhận, vì lá phiếu chỉ phản ảnh sự chọn lựa của một cá nhân, và tổng hợp các lá phiếu chỉ cho biết quyết định của một tập hợp cá nhân. Một tập hợp cá nhân không phải là một dân tộc, không đồng nghĩa với « nhân dân », với xã hội. Xã hội, nhân dân, dân tộc, mang cá thể riêng biệt, khác hẳn với những cá nhân cộng lại. Chỉ cần nghĩ rằng : sự kín đáo của phòng phiếu chính là nơi mỗi cá nhân được dịp phản bội tập thể của mình
Ok, mình sẽ không phản biện, mình sẽ nhận xét thôi.
“KHÔNG THUYẾT PHỤC, THIẾU THỰC TẾ”
Thực ra hiện tại chúng ta vẫn chưa nghĩ ra được một thể chế xã hội nào hoàn thiện cả. Từ “tự do” mà ta thường dùng trong chính trị không thực sự mang ý nghĩa tự do tuyệt đối. Tự do làm những điều mình muốn nhưng không được ảnh hưởng tới quyền lợi cơ bản của những người khác. Thứ dân chủ mà tác giả nêu trong bài viết là thể chế dân chủ thời trung cổ, khi mà các vua chúa lạm dụng đại diện của số đông để định đoạt tất cả. Thậm chí khi những quyết định nhân danh đám đông đó vi phạm với quyền lợi cơ bản của những nhóm thiểu số. Đó cũng là nguyên nhân ra đời chủ nghĩa “cộng hòa” sau này.
Nhân loại cũng đã trải qua bao nhiêu đau thương, mất mát mới dần dần gây dựng nên những thế chế dân chủ xã hội như ngày nay. Tất nhiên, còn rất nhiều điểm thiếu sót cần phải khắc phục.
Do con người sống trong một tập thể, nên luôn cần có một số quy định chung để duy trì sự ổn định xã hội. Vì vậy sẽ không bao giờ có thể tồn tại sự tự do tuyệt đối. Đặc biệt những sự tự do gây tổn hại tới người khác.
Dân chủ không chỉ đơn thuần là tự do bầu cử cho người mình thích. Đôi khi người ta vẫn phải bầu cho đảng mình không thích để duy trì sự cạnh tranh công bằng, không muốn quyền lực dồn hết về một phé phái nào. Ý thức trách nhiệm của mỗi người, sự quan tâm, giám sát cũng rất quan trọng. Làm sao có thể làm chủ trong khi vẫn giữ thói quen làm tôi tớ ? Nếu chúng ta phát triển được xã hội dân sự trước, khi đó mới có nền tảng vững chắc hơn cho việc hình thành chế độ dân chủ.
Các bạn có thể xét xét những hành vi tự phát của các bạn trẻ HK, hoặc đơn giản như ý thức tự giác của người nhật trong những hoạt động xã hội. Xã hội dân sự của họ đã phát triển rất xa. Mọi người sẽ nghĩ ngay tới giáo dục, nhưng nếu giáo dục bị chi phối bởi một thể chế độc tài… vậy thì sẽ rất khó thay đổi.
“Tất cả những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được là thành quả có được từ động lực của một nhóm thiểu số nhỏ bé, những người đầu tiên xa rời tư tưởng và tập quán của đa số, sau đó nhóm đa số mới chấp nhận sáng kiến của họ. Đưa cho nhóm đa số cái quyền áp đặt nhóm thiểu số phải nghĩ gì, đọc gì, và làm gì cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết, một lần và vĩnh viễn cho sự tiến bộ.” – Ludwig von Mises, Liberalism –
Bài viết tuyệt quá a HH!
Đây
là hai mặt của một vấn đề. Nói dân chủ sai thì cũng có thể nói là sai,
mà nói đúng thì cũng có thể đúng. Tôi xin trình bày quan điểm như sau:
Thứ nhất, dân chủ ra đời nhằm mục đích gì? Lấy ý kiến của số đông. Đúng. Nhưng đồng thời nó ra đời mục đích
chính là nhằm bảo vệ LỢI ÍCH số đông trước LỢI ÍCH của thiểu số. Nếu
tách rời hai chữ LỢI ÍCH ra khỏi đời sống loài người thì đó là phi thực
tế, là KHÔNG TƯỞNG. TỰ DO cũng thế, phải gắn liền với LỢI ÍCH. Nếu bạn
có tự do, nhưng lợi ích của bạn đòi hỏi là quá đáng so với đa số, đương
nhiên bạn là kẻ không phù hợp. Dân chủ ra đời là để cân bằng giữa lợi
ích cá nhân và lợi ích tập thể. Một cá nhân lấy lợi ích của mình để chèn
ép xh, như thế là không được. Nhưng một tập thể cũng vậy, không thể ép
một cá nhân nếu cái cá nhân đó làm không quá đáng. Đó là nơi luật pháp
ra đời nhằm phân định rõ ràng ranh giới giữa cái cá nhân ấy có làm ảnh
hưởng đến xã hội hay không, hay xã hội mới chính là kẻ sai.
Thứ
hai, cái đấu tranh là tự do. Vậy tự do đến mức nào? Theo như Common
Sense, thì anh có quyền vung cái gậy tùy ý cho đến khi gậy đó đập vào
một người khác. Tức là vẫn quay lại đến vấn đề lợi ích. A được quyền làm
cái gì anh muốn,miễn là không xâm phạm đến các quyền và lợi ích chính
đáng của tôi: quyền sinh mạng, quyền về tài sản, vân vân. Nếu tự do quá
mức, thì đó là vô chính phủ, chứ không phải là hay ho gì. Mà có một cái
truyện cười nói là: “Trong nhà nước vô chính phủ, nếu bạn có hai con bò,
thì thằng hàng xóm sẽ bắn bỏ bạn và lấy luôn 2 con bò đó.”
Giải
thích ra rằng tại sao bạn lại thấy dân chủ hiện nay có vấn đề của nó.
Đấy là vì bản chất của con người. Bản chất con người là gì? Cái tôi lớn,
tham, sân, si. Khi con người không có rational thinking, tức là lý
tính, duy lý, thì chọn sai là điều đương nhiên. Sai lầm lớn nhất là
không nhìn nhận thế giới này là trần gian, nơi mà con người sẵn sàng
sống trên xương máu của kẻ khác. Nó không phải là thiên đường, nơi bạn
tự do bay nhảy. Nó là thực tế. Thế nên để có một kết cấu vững chắc, chủ
nghĩa hay mô hình nhà nước ra đời cũng dựa trên cơ sở nguyên tắc quân
bình giữa tự do, quyền cá nhân, quyền tập thể, và lợi ích.
Thứ
3, tầm nhìn của số đông có thể ngắn hạn. Đúng. Nhưng trong dài hạn,
việc số đông luôn đưa ra phản biện nhằm sửa sai cho hệ thống là một điều
đáng nói. Như các nước tư bản trước đây, bóc lột công nhân nhiều. Song
sau đó, luật lao động cũng như nhiều bộ luật khác ra đời đã bảo vệ quyền
của họ hơn. Tức là bản thân dân chủ có khả năng khắc phục các lỗi của
nó. Còn thể chế như quân chủ thì có thể tốt trong một thời gian ngắn.
Song nếu người đứng đầu đó chết, kẻ kế thừa lại không được chọn lọc kĩ,
thì cuối cùng cái đó còn thảm họa hơn. Mà quay lại với bản chất con
người, thân hữu là chuyện phổ biến bạn ạ. Nên bạn nhìn xem, có thể chế
quân chủ nào tồn tại được quá lâu không? Đồng ý là việc tranh cãi dân
chủ mất rất nhiều tiền bạc và thời gian, nhưng nó là nhằm tránh cho xã
hội rơi vào tình trạng sai lầm và lạm quyền của một người/ nhóm người.
Nó giống kiểu xấu đều còn hơn tốt lỏi. Bản thân cha đẻ của Hiến Pháp Mỹ
cũng đã đảm bảo rằng, dù xã hội có toàn những thằng ngu, thì Hiến Pháp
là bức tường sẽ giúp lũ đó tìm ra ánh sáng.
Kết
luận là xã hội bạn đang viết là một xã hội thiên đường, một Niết Bàn,
không phải là thực tế. Nếu con người là các vị Phật, những người có
rational thinking, thì thật sự là tuyệt. Nhưng đây là trần gian, nơi con
người có hỉ nộ ái ố, có tham sân si, có lợi ích và quyền lợi. Tôi là
một người thực tế, tôi nhìn vào thực tế nó là vậy. Xã hội có tự do với
những kẻ không có rational thinking là một lũ vô chính phủ, và đi đến
đánh nhau, giết nhau, hỗn loạn. Chừng nào toàn bộ nhân gian này đều
chứng Niết Bàn, chừng đó tôi nghĩ xã hội mà bạn mong muốn sẽ thành sự
thật. Cơ mà, vũ trụ này, cũng có thành trụ hoại diệt, sợ rằng chưa đến
được đó thì nó lại diệt một lần nữa rồi.
Tôi
cũng là một Phật tử, và khi nhìn 2 chữ vô minh của bạn tôi hiểu bạn có
thể cũng có tư tưởng thuần giáo. Nhưng tôi nghĩ rằng, giữa tôn giáo và
nhà nước là hai cái rất riêng, không nên để hai thứ quyện vào nhau. Vì
khi bạn làm như thế, hai thứ đả kích lẫn nhau, đưa đến rất nhiều đấu
tranh về nội tâm mà cuối cùng là không xác định được thực tế. Dân chủ,
đúng như bạn nói, thì không cho ta tự do hoàn hảo, nhưng dù sao một ít
tự do còn tốt hơn là không có tự do gì, phải không?
Vài lời thân ái
Quan điểm như cứt.
bài viết ngu dốt.
Khi bạn sống trong một căn phòng tối tăm, bẩn thỉu và ngột ngạt thì bạn mới khao khát oxy là gì. Bạn có thể đưa ra 10 lý thuyết rất khoa học và logic về dân chủ, có vẻ hay đó.
Bạn cần hiểu, người Việt trẻ có tri thức, họ khát tự do và tìm đường đấu tranh chứ không phải là thứ cao siêu nhàn rỗi bạn đang đề cập.
Mình không hiểu biết nhiều về chính trị, chỉ muốn nói một vài cảm nghĩ để mọi người tiêu khiển:
1. Dân chủ, cũng như mọi thứ trên đời, có khiếm khuyết. Chỉ ra khiếm khuyết của một thứ chưa đủ để chứng tỏ nó không đáng có. Muốn thực sự thuyết phục phải đưa ra một giải pháp tốt hơn nó. Chẳng hạn điện năng có khiếm khuyết: ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây tai nạn chết người nhưng người ta vẫn dùng điện vì các giải pháp khác đều kém hơn nó.
2. Giải pháp mà bạn Huy đưa ra là gì? Là xã hội “tự do”. Xã hội “tự do” là xã hội như thế nào? Sự mô tả của bạn chưa rõ ràng lắm nên mình không hình dung được. Cái mà mình không biết nó như thế nào thì mình không thấy hấp dẫn. Có nhiều người biết về xã hội đó không? Chắc là không nhiều.
3. Xã hội “tự do” đã tồn tại trên thực tế chưa? Chắc là chưa. Kinh nghiệm của mình khi lập trình là khi nào chương trình chưa chạy thì chưa biết nó đúng hay sai, và thường công sức sửa lỗi chương trình khi nó chạy lớn hơn công sức tưởng tượng ra chương trình đó. Để thiết kế cả một xã hội, cần có trí lực lớn không biết chừng nào. Đúng là những bộ óc lớn có thể nghĩ ra những ý tưởng lớn nhưng họ cũng mắc những sai lầm lớn, chuyện đó không hiếm. Karl Marx là một ví dụ. Một ví dụ vui khác là Camillo Golgi, người được giải Nô-ben nhờ phát minh ra thiết bị chụp ảnh nơ-ron đã khăng khăng là nơ-ron không tồn tại và bộ não là một thể liên tục, ngay trong lễ trao giải Nô-ben. Cá nhân mình không tin các lý thuyết người ta rao giảng mà chỉ tin vào thực tế.
4. Một mô hình xã hội chưa rõ ra làm sao, chưa được thử thách qua thời gian liệu có đáng tin cậy hơn mô hình xã hội dân chủ đã được ứng dụng ở rất nhiều nước và có lịch sử lâu đời? Riêng mình ưa cái sau hơn. Nỗi đau của dân tộc Việt Nam là đi theo một mô hình xã hội chưa được thời gian kiểm chứng. Dân tộc nào đó muốn tự làm chuột thí nghiệm thì kệ họ chứ Việt Nam thì mình thấy không nên.
Mình không biết xã hội “tự do” tốt hay xấu và không định nói nó tốt hay xấu. Mình chỉ cảm thấy mô hình đó không đáng tin cậy bằng mô hình dân chủ nên mình sẽ tiếp tục ủng hộ cho dân chủ. Không phải vì nói theo người khác mà vì đối với mình nó là phương án tốt nhất hiện có.
Xẫ hội muốn tồn tại cần duy trì các trật tự, nếu tồn tại tự do thì trật tự sẽ bị phá vở và xã hội đó cũng hết tồn tại.
Bài viết hay nhưng nó chỉ bao quát. Không ai đảm bảo là một xã hội tự do cái mà trong đó mỗi nhóm người có tư tưởng riêng sẽ sống yên theo đúng những nơi dành cho họ mà không xâm phạm các nhóm khác. Ví dụ nó sẽ ra sao nếu một nhóm người nghiện chất kích thích, thích cờ bạc, lười lao động có những hành động xâm phạm, cướp bóc những nhóm khác ? hay một nhóm nhỏ trong cái xã hội tự do đó có những người đi theo tư tưởng chính trị và văn hoá của riêng họ nhưng lại muốn bành trướng nó về số lượng từ đó cũng sẽ diễn ra những xung đột.
Dân chủ cũng không hẳn là xấu hay một ngõ cụt cho tự do, nó chỉ bất lợi cho nhóm thiểu số khi quan điểm và những lựa chọn của nhóm số đông xuất phát từ những công dân có hiểu biết hạn hẹp và điều này phụ thuộc và dân trí và nền giáo dục từng quốc gia, hay nói cách khác, dân chủ sẽ tốt hay xấu tuỳ thuộc vào dân trí và nền giáo dục của quốc gia đó. Tự do ” hoàn toàn” là một khái niệm rất hão huyền thay vào đó nó sẽ có tuỳ mức độ của tự do, mức độ rộng hay hẹp là do tư duy của số đông phát triển đến đâu.
vậy ở Việt Nam có dân chủ hay tự do không??? ở các quốc gia phát triển 51% áp đặt lên 49% còn ở mình thì chỉ vài nhóm lợi ích áp đặt lên hơn 90 triệu người…
nếu muốn viết sách, bạn có thể tự viết và ko cần 1 mạnh thường quân nào cả. tuy nhiên bạn thừa biết là viết 1 cuốn sách bằng những hiểu biết đã được tiêu hoá của mình, nó khác rất xa viết 1 bài tổng hợp thông tin bằng cách trích dẫn những gì người khác đã nói.
“Hãy trả lời câu hỏi này, Bạn có quyền tấn công, sử dụng bạo lực với người khác–trừ các trường hợp tự vệ–không? Câu trả lời rõ ràng là không. Nhưng khi bạn bầu cử có nghĩa là bạn đang trao cho chính phủ một quyền bạn không hề có để chính phủ thực hiện những hành động bạo lực đó đối với người khác; bạn không thể trao cho người khác cái bạn không có. Nền tảng của mọi chính phủ chính là bạo lực; không có nó thì không một chính phủ nào có thể tồn tại. Một xã hội chưa trưởng thành là một xã hội sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề của nó.”
Không biết bạn xem bộ phim này chưa nhưng cảnh bầu cử bằng cách giơ tay của các bệnh nhân cũng khớp với ý bạn.
Bài hay lắm Huy.
Người dân bị định hướng quá nhiều rồi.
Thank you 😀 Như em đã nói trong bài viết, em sẽ không trả lời những comment phản biện được đưa ra, comment của a không nằm trong số đó nên em trả lời 😀
không trả lời là k có thời gian hay là không muốn “tranh luận”?
Viết bài dài dài này con ra ngô ra khoai, đọc thấy hay hay mới mới này. Chứ thỉnh thoảng thả mấy cái STT chẳng đâu vào đâu. Cơ mà thấy cũng ông Ten gì đó nói cũng hơi có lý, có điều xa quá so với trình độ xã hội hiện tại thì phải.
Và Huy vừa tung ra 1 chưởng định hướng dư luận nữa.
Quan điểm của bạn khá hay. Một cái nhìn mới mà mình chưa bao giờ nghĩ đến.
Nhưng mình không nghĩ “cái giá phải trả cho dân chủ chính là tự do” hay “Dân chủ áp đặt quan điểm của người này lên người khác”. The mình, dân chủ chỉ đơn giản là “quyền” quyền được bầu cử, được thể hiện quan điểm cá nhân, được biết được giám sát, đươc tố cáo ….
Bầu cử suy cho cùng cũng chỉ là cách chúng ta chon ra người giỏi nhất lãnh đạo đất nước hay một công ty. 51% đâu có được quyền đưa ra quyết định hay áp đặt quan điểm cho 49% những người còn lại. 49% họ vẫn có quyền bảo vệ quan điểm của mình và tiếp tục đấu tranh để giành chiến thắng trong các kì bầu cử tiếp theo. Chúng ta không thể có 2 tổng thống, bạn phải chọn 1, vậy ban sẽ chọn ai ?
Ở Việt Nam chỉ 0.000..1%(BCT) được quyền quyết định ai sẽ là người lãnh đạo đất nước. Đấu tranh để loại bỏ điều đó chẳng phải là một trong những điều tốt sao.
Thế câu hỏi là ” Bây giờ Việt Nam với Hồng Kong phải làm sao ?” khi sự độc tài, độc quyền mọi mặt của chế độ đang làm đất nước suy yếu dần, và tuy Việt Nam có internet nhưng tổng thể chung vẫn bị tụt hậu so với rất nhiều nước trong khu vực. Bây giờ không hi vọng vào dân chủ thì chỉ còn cách là ngậm miệng ăn tiền nhìn đất nước đi xuống, dân chúng lầm than, xã hội tha hóa, xuống cấp đạo đức rồi lên ” Thiên đường” cả thể :). Với lại đợi tới lúc Việt Nam chạm tới và hiểu được cái ngưỡng của ” tự do” thật sự thì còn xa lắm bạn à khi mà còn chưa biết tới cái ” Dân chủ” là cái gì thì nói chi tới “tự do”, bạn có thấy mô hình tự do trong kinh tế chủ yếu phát triển ở các nước dân chủ chứ có nước cộng sản nào đẻ ra hay là khuếch trương đâu. Ở nước ta khi mà nhiều người vẫn chưa ý thức được mình đang sống trong tù “giam lỏng”, chưa ý thức được các quyền cơ bản của mình; khi mà đến quyền nói thật còn bị quy là chống đối, phá hoại đất nước thì cái ngày tới “tự do” thật sự hay “tự do dân chủ” còn xa vời lắm.
Mình thích bài viết này. Nó mang tới cho mình những suy nghĩ rât mới. Cảm ơn bạn 🙂