27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đường Tăng: Lý tưởng và tình yêu

* Featured image: Tây Du Ký, Đạo diễn: Dương Khiết

Tương kiến nan, biệt diệt nan

Chẩm tố giá trung ngữ vạn thiên

Bài hát có giai điệu và lời lẽ da diết, ngọt ngào là tâm trạng chung của nữ vương Tây Lương quốc và Đường Tăng. Trong nguyên tác Tây du Ký của Ngô Thừa Ân chỉ nói sơ qua đoạn này mà chưa lột được cái đấu tranh nội tâm ghê ghớm của Đường Tăng thì tập “Thỉnh kinh nữ nhi quốc” do đạo diễn Dương Khiết dàn dựng, cùng với những ca khúc đi vào lòng người đã diễn đạt những thử thách này.

Lúc biết tin Đường Tăng sắp đến yết kiến nữ vương, dù chưa gặp mặt nhưng dường như lòng nàng đã rung động khi nghe nữ thái sư tấu trình: Đường Tăng từ đông thổ đại Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, là người từ bi, nhân hậu, khôi ngô, thần sắc cứ như tiên giáng trần. Nàng ngày đêm mong chờ được gặp Ngự Đệ, mặt đối mặt tại nữ triều thì nàng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Dù là đế vương của một nước, địa vị cao sang, vinh hoa phú quí trọn đời nhưng nàng cũng chỉ là phận nữ nhi thường tình, đóng một vai như bao cô gái khác trong tạo hoá của trời đất. Quyền quí là chi, địa vị là chi, hoàng đế là chi… những thứ đó đối với nàng lúc này là hư không, nàng chỉ muốn mơ một giấc mơ như bao cô gái khác, muốn cùng người mình yêu thương vai kề vai, sớm tối bên nhau sống trọn kiếp người.

Uyên ương cùng lượn, bướm cùng bay
Xuân sắc tràn đầy, lòng đắm say.
Nữ Vương khe khẽ nhìn tăng hỏi:
Đẹp hơn ? Nữ nhi hay là mây ?
Vương quyền phú quý chỉ là hư
Lại còn giới luật thanh quy ư ?
Vứt đi, bỏ hết, không màng đến.
Chỉ cần có chàng, đời đã dư.
Mong sao trời đất mãi bền lâu
Ta cùng với chàng ở bên nhau.
Ta yêu chàng lắm, yêu chàng lắm
Kiếp này mất chàng, còn kiếp sau ? (1)

Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng hai người đã có những kỷ niệm đẹp biết bao: cùng ngắm mặt trời lặng, lên núi ngắm cây ngân hạnh, cùng vẽ chữ làm thơ… những kỷ niệm đó khắc trong trong tâm trí nữ vương.

Rất muốn được ở bên chàng

Sánh vai nhau lắng nghe tiếng chim hót trong rừng sâu.

Rất muốn được ở bên chàng

Cùng bước chân trên khắp nẻo đường

Cùng đi đến chân trời góc bể

Để từng ngày được bên nhau của đôi ta

Trở thành những hồi ức đẹp nhất.

Khi một mình, nữ vương vẽ chân dung Ngự đệ, lòng nàng tràn đầy những mộng tưởng và chẳng còn nhớ gì, thậm chí chẳng còn biết mình là vua của một nước.

Đường Tăng, Phim "Tây Du Ký" - Đạo diễn: Dương Khiết
Tây Du Ký, Đạo diễn: Dương Khiết

Dường như là chạy về phía trước cùng chàng,

Luôn có ngàn dặm trời đầy mây đẹp,

Dần dần không còn mơ ước gì nữa,

Cảm giác như làm thiếp mãn nguyện

Thật hạnh phúc biết bao

Về phía Đường Tăng, chàng là người có lòng từ bi, nhân hậu, bao dung và quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ. Thế nhưng trong tập phim ta thấy rõ rằng Đường Tăng đã động lòng trước nữ vương, cũng chỉ là một con người bằng xương bằng thịt, có giới hạn mà chính bản thân không thể vượt qua nếu không bị yêu quái cuốn đi.

Đường Tăng trước sau như một, lòng luôn giữ vững chữ đạo và không bao giờ từ bước trên con đường thỉnh kinh gian nan đã chọn, đó là lý tưởng. Lúc Tôn Ngộ Không bày kế, bảo Đường Tăng đóng kịch chiều theo ý nữ vương để sớm ra khỏi Tây Lương quốc, Đường Tăng nhất quyết không chịu nhưng cuối cùng đành phải làm theo. Là người tu hành không thể dối trá, Tam Tạng chọn cách im lặng nhưng như ta đã thấy trong phim, im lặng hơn muôn ngàn lời nói, chính ánh mắt của Đường Tăng đã thể hiện điều đó, còn nữ vương thêm si tình, đó chính là tình yêu. Vậy Đường Tăng phải chọn cái nào, lý tưởng hay tình yêu?

Ta giả sử rằng, Đường Tăng cùng nữ vương kết duyên hồ điệp, sớm tối bên nhau: chàng là đế vương, nàng là hoàng hậu. Đường Tăng với vai trò là vua của một nước, là vị hoàng đế tốt chàng sẽ tạo phước cho muôn dân, xây dựng một đất nước thái bình hạnh phúc, điều này chẳng phải thiết thực hơn tu hành để phổ độ chúng sinh sao! Nếu như thế, Đường Tăng đã từ bỏ lý tưởng của mình cũng có nghĩa là từ bỏ chính mình, Đường Tăng sẽ không còn là Đường Tăng nữa mà đã là một người khác. Bạn có biết, nếu ta sống mà không phải là chính mình, vẫn cái hình hài ấy nhưng là con người khác thì sẽ đau khổ thế nào. Từ bỏ lý tưởng, Đường Tăng cũng sẽ không có được tình yêu, chàng sẽ đau khổ suốt đời.

Đọc mấy lời trên, có lẽ nhiều bạn không đồng tình với tôi, dù gì đó cũng chỉ là kiến giải cá nhân mà thôi. Trên con đường lý tưởng, con đường truy tầm chân lý, để đến cái đích ta đã chọn luôn có vô vàn cám dỗ, cạm bẫy vì vậy phải luôn giữ vững lý tưởng, từ bỏ lý tưởng đi rồi ta sẽ đánh mất chính mình. Như ta đã thấy, Đường Tăng đã vẹn cả đôi đường, lên đường thỉnh kinh và luôn mãi có được tình yêu của nữ vương. Lúc ra đi, Ngự đệ chẳng dám quay mặt nhìn lại, còn nữ vương thì ánh mắt mãi dõi theo. Nhìn tình yêu của mình bay xa mà đau khổ muôn phần.

Gặp nhau khó, biệt ly càng khó
Nói làm sao những nhung nhớ trong lòng
Thiếp như tình vạn ý, chàng chí quyết ra đi
Chỉ oán kiếp này vô duyên ngã lối
Chàng giữ đạo, thiếp đành trân trọng
Thầm chúc chàng thượng lộ bình an.

Bóng Đường Tăng khuất xa dần, chỉ còn lại mình nữ vương ở Tây Lương quốc lòng đầy nhớ nhung. Đến đoạn này tôi chợt nhớ mấy câu của Nguyễn Du, tuy là so sánh khập khiễng nhưng lại thấy rất hợp với cảnh “tương kiến nan, biệt diệc nan”. Nếu Dương Khiết biết đoạn thơ này có lẽ cũng sẽ mượn để đưa vào phim.

Người lên ngựa kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuấn mấy ngàn dâu xanh,

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai sẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (2)

Người ra đi lòng đầy vương vấn, người ở lại phòng không lẽ bóng, lặng ngắt như tờ, chìm vào giấc mộng để mong được gặp lại nhau… đau khổ là thế nhưng tôi nghĩ đó là lối thoát duy nhất cho cả Đường Tăng và nữ vương. Cái nội tâm tranh đấu ghê gớm đó nhưng cũng chỉ là giây phút xao lòng của người thỉnh kinh: lý tưởng và cám dỗ. Chắc hẳn nhiều người tiếc mối tình ấy mà trách Đường Tăng, cũng có thể viện cớ bắt tội Tam Tạng là người tu hành sao lại khiến kẻ khác phải sầu khổ, âu chăng đó cũng là duyên phận.

  Nếu ta lớn tiếng hỏi rằng “Đường tăng, chàng là ai” (3) và ta lại tiếp tục hỏi nữa “Đường tăng, chàng là ai”… cũng là ta đang hỏi chính mình. Mỗi một người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và tương lai đều có Đường Tăng, vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh ấy chính là hành trình đầy trắc trở của chính ta trong con đường lý tưởng, con đường truy tìm chân lý. Đi về đâu để có được điều đó? Nước Thiên Trúc ư? Nơi ấy nào có xa và con đường thỉnh kinh cũng chẳng phải là hành trình từ phương đông sang phương tây diệu vợi. Kinh báu chùa Lôi âm chỉ là hình ảnh tượng trưng cho chân lý, nó nằm trong tự thân mỗi con người. Cuộc thỉnh kinh vì vậy là con đường quy hướng về nội tâm, là hành trình phản tỉnh, quay lại nhìn vào chính nội tâm ta và tìm thấy những lý tưởng cho riêng mình.

Chú thích:

(1)  Bài này thơ này được dịch từ bài “Tình nhi nữ”. Các bài “thơ” khác trong bài viết  chính là dịch nghĩa chứ chưa phải là thơ, được tôi sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau (không rõ tác giả).

Âm Hán Việt

Dịch nghĩa

Uyên hương song tê điệp song phiMãn viên xuân sắc nhạ nhân tuýTiễu tiễu vãn thánh tăngNữ nhi mỹ bất mỹThuyết thập ma vương quyền phú quýPhạ Thập ma giới luật thanh quyChỉ nguyện thiên trường địa cửu

Dã ngã ý trung nhân nhi khẩn tương tuỳ

Ái luyến y, ái luyến y

Nguyện kim sinh thường tương tuỳ.

Đôi uyên ương cùng đậu, đôi bướm cùng bayKhắp vườn, xuân sắc khiến người  say đắmLén lút hỏi thánh tăngNữ nhi có đẹp hay không?Nữ nhi có đẹp hay không?Kể làm chi vương quyền phú quýNgại làm chi giới luật thanh quy

Chỉ muốn trời đất lâu dài

Được cùng với người trong lòng ta mãi sát bên nhau

Yêu thương chàng, yêu thương chàng

Muốn kiếp này luôn được ở bên nhau.

(2)  Đây là đoạn “Kiều tiễn biệt Thúc Sinh” nên đem so sánh với nữ vương Tây Lương tiễn biệt Đường Tăng quả là không hợp chút nào, từ tình cảm đến hoàn cảnh đều khác xa, đó chỉ là liên tưởng của riêng tôi mà thôi.

(3)  Mượn ý và đôi lời của tác giả Lê Anh Dũng trong “Giải mã truyện Tây Du”: “Nên ta thử hỏi lớn tiếng rằng  “Đường tăng! Anh là ai? Câu hỏi ấy phải chăng xấc xược? Sao lại dám xưng hô với Đường Tăng là… Anh? Ta cứ hỏi nữa: Đường Tăng! Anh là ai”…

(4)  Thông tin này tôi đọc được thông qua báo chí, chẳng biết chuyện thực hư thế nào (Phần Đôi lời cho Tây Du Ký). Cũng có thể giới nhà báo nói quá để thêm phần hấp dẫn nhưng theo tôi câu chuyện này có thể tin được vì lẽ: Chu Lâm đã cùng Từ Thiếu Hoa diễn vở diễn quá hay và người bạn diễn đó cũng chính là con người lý tưởng trong cô. Nếu coi cuộc đời là một sân khấu lớn thì cũng chẳng biết đâu là Chu Lâm đâu là nữ vương , đâu là Từ Thiếu Hoa và đâu là Đường Tăng. Mà điều cũng dễ hiểu, nếu đã từng yêu một ai đó quá lý tưởng thì sau này khó có thể yêu người khác sao cho mặn nồng như trước được.

Đôi lời viết thêm cho Tây Du ký

Với tôi, bộ phim Tây Du ký dường như sống mãi trong ký ức và gắn liền với tuổi thơ. Mỗi độ hè về lại được xem Tây Du, tính ra cũng đã hai mươi mùa hoa phượng nở rồi. Tôi nhớ lần đầu tiên xem phim là lúc 4 hay 5 tuổi gì đó, khi ấy xem ở nhà một người quen với chiếc tivi trắng đen chỉ nhỏ bằng cái lưỡi cuốc bàn, nhiều đứa nhỏ và người lớn vây quanh tivi ngoài sân mà xem, hình ảnh không được rõ lắm, hay chập chờn nhưng bộ phim dường như có sức hút kỳ lạ. Thời đó công nghệ và kỹ xảo điện ảnh còn quá xa lạ với mọi người, những cảnh thần tiên, yêu ma, biến hoá… trong phim khiến tôi ấn tượng mãi và lúc đó tôi cũng tưởng những câu chuyện trong phim là có thật.

Gần 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn thích xem Tây Du Ký, hè này cũng vậy, tuy nhiên tình cảm dành cho phim có nhiều thay đổi: từ chỗ thích những cảnh biến hoá, phép thuật, thần tiên chuyển sang thích các ca khúc, triết lý trong Tây Du và tôi cũng bỏ công tìm hiểu nhiều hơn về nguyên tác của Ngô Thừa Ân. Lúc nhỏ tôi thích nhất tập “Đại náo thiên cung”, cảm động nhất tập “Tam đả bạch cốt tinh” đoạn Đường Tăng đuổi Ngộ Không, đoạn này thuở nhỏ 3 lần ngồi xem là khóc hết cả 3 lần, còn bây giờ thích và cảm động nhất tập “Thỉnh kinh nữ nhi quốc” đoạn Đường Tăng từ biệt nữ vương Tây Lương quốc.

Mấy hôm nay ngày nào cũng có xem phim, xem xong thấy thích quá, muốn viết cái gì đó về Tây Du ký để làm kỷ niệm và đương nhiên sẽ viết về tập phim mà tôi thích và cảm động nhất. Mà cũng vì lẽ là tôi có xem qua cuốn “Giải mã truyện Tây Du” của Lê Anh Dũng và cuốn “Lục Tiểu Linh đồng bình Tây Du”, thấy người ta phân tích nhiều nhưng chẳng nói gì đến đoạn này, chỉ có Lục Tiểu Linh Đồng là viết hơn nữa trang giấy nhưng chỉ toàn chuyện đạo lý. Ngoài ra, đoạn này trong phim lại không có trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân mà do chính Chu Lâm (thủ vai nữ vương) đề xuất với đạo diễn Dương Khiết, kịch bản và lời thoại do Từ Thiếu Hoa (vai Đường Tăng) và Chu Lâm thực hiện, ngoài chốn phim trường hai người cũng có tình ý với nhau, thầm thương trộm nhớ nhưng tiếc rằng Từ Thiếu Hoa đã có vợ trước khi gặp Chu Lâm mấy ngày, cô gái xinh đẹp họ Chu ngày nào đến bây giờ vẫn chưa lập gia đình và giữ mãi những kỷ niệm đẹp với Ngự đệ trong tập phim đó, khiến cho tình thật tình phim càng thêm cảm động (4). Thêm một lý do nữa là tôi rất thích bài “Tương kiến nan, biệt diệt nan”- gặp nhau khó, biệt ly khó-  (lời khác “Tình nhi nữ”, “Giấc mộng nữ vương”) trong tập phim, tôi đã nghe bài này không biết bao nhiêu lần từ bản độc tấu sáo, hoà tấu đến bản có lời tiếng Trung, mà tôi không biết tiếng Trung nên có nghe lời cũng chẳng hiểu, bù lại tôi có biết vài từ Hán Việt học từ hồi phổ thông nên hiểu sơ sơ dưới dạng chữ quốc ngữ phiên âm tiếng Hán, nhưng thích nhất vẫn là giai điệu của bài hát và sự liên tưởng đến cảnh phim.

Cuộc đời là một chuỗi tình cờ. Cái đích ta đã có rồi nhưng con đường đến đó chẳng bao giờ là đường thẳng.

 Nguyễn Hữu Lâm

 Khép lại đời sinh viên, Đà Nẵng 2009

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI