28 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Dư luận có thật sự đáng sợ?

Chuyện kể rằng có một người đi chợ mua cá về nấu riêu, tưởng là ở chợ yên bình nhưng không hề. Bốn bề xung quanh là những cái miệng rộng cỡ vài gang tay chu vào, đổ bộ những lời lẽ nhận định, đánh giá, phán xét, quy chụp, chèn ép, thậm chí là tấn công người đang đi mua cá: “Ăn thịt heo được hơn ăn thủy sản nhiều”, “Tiền chỉ có nhiêu kia thì chắc đủ mua vài cái vây cho mèo thôi nhỉ”, “Chỉ có bọn nhà quê mới ăn những con biết bơi ở dưới nước”, “À, nói cho mà không thèm nghe thì chỉ là loài máu lạnh, bảo sao mày thích ăn cá”, v.v…

Rồi sau đó thì sao? Sẽ có hai trường hợp xảy ra đối với người đứng giữa vòng vây của đám đông: Hoặc là cảm thấy khó chịu, tổn thương và quyết định chuyển sang mua thịt heo, vừa mua vừa khóc; hoặc là thấy vui tai với những gì mọi người phát biểu, tiếp tục vừa mua cá vừa cười.

Vậy dư luận có phải là điều đáng sợ không nếu người mua cá kia chẳng cần phải là một người sành ăn, cũng chẳng cần phải là người sang giàu quý phái, thậm chí, cũng chẳng cần phải là người luôn?

Nói đến đây có lẽ các bạn cũng đã hiểu, dư luận chẳng phải là thứ hổ báo cáo chồn gì ghê gớm, khiến ta phải dúm dó ở một góc và luôn phân vân, đắn đo, âu lo thường trực về tất cả mọi thứ có thể âu lo. Thứ thật sự đáng sợ ở đây là định nghĩa của ta về chính mình. Nó là một loại “đám đông chìm” nằm bên trong mỗi người mà chỉ được khơi dậy khi bắt gặp bầy đàn nhốn nháo ở thế giới bên ngoài.

Những định nghĩa về chính mình kia là một cái bình hoa thủy tinh hết sức mong manh, luôn trong trạng thái có thể bị đập vỡ khi ta vừa bước nửa bàn chân khỏi cửa nhà. Tôi cho rằng người nào còn sợ hãi dư luận, còn không thể đứng trụ được trước dư luận thì người đó còn chưa thật sự nhìn ra “ta là ai”, mà vẫn còn sống trong những vỏ bọc tưởng tượng về chính bản thân mình. Dư luận xung quanh chỉ là những con sóng, có trách nhiệm bào mòn, hoặc nói gắt hơn là xô đổ những cái vỏ bọc luôn run rẩy ấy.

Tôi thiết nghĩ rằng nếu đã như thế thì chúng ta có thể xem dư luận là một thứ công cụ tốt lành giúp xé nát những ảo tưởng của mỗi người. Nó giống như những cỗ xe ngựa phanh thây một kẻ tù nhân vậy. Cái thây ảo tưởng ấy xứng đáng bị như vậy vì nó sinh ra là để tan vỡ. Vậy thì tại sao ta phải đánh đồng mình với nó để rồi cảm thấy đau đớn tột độ, hay kinh hoàng khi đứng trước đám đông, đứng trước lời lẽ của những cái lưỡi không xương xẩu?

Những xâu xé của thiên hạ chỉ dành cho những người còn giữ những “của nả” cho riêng mình, rằng tôi là người thế này, tôi phải như thế kia, v.v.. Một khi ta đã chẳng mang theo bất kỳ một vali định nghĩa nào thì lấy gì để mà mất mát hay đau khổ. Lúc ấy, tất cả những luận điệu trầm bổng của thế gian chỉ có thể rót vào tai nhưng không thể nằm lại trong đầu hay trong tim. Vì ta chẳng còn ý niệm về đầu với tim nữa rồi, thậm chí ta có còn là người nữa đâu.

Văn chương tuồng chèo của cõi ta bà muốn chảy đến đâu thì chảy, cuộn sóng thế nào thì cuộn, mọc ra ba đầu sáu tay gì thì mọc, ta cũng chẳng hề liên quan, dính líu gì với chúng cả. Đến lúc đó, ta chợt nhận ra mình có một khả năng đặc biệt là cưỡi những con sóng ấy mà bồng bềnh chu du thiên hạ – một trải nghiệm yomost hơn bao giờ hết.

— Mày là đồ con lợn!

— Ừ, làm lợn cũng không tệ.

— Vậy là mày ngu rồi!

— Ừ, lũ lợn cũng chẳng thích mình quá thông minh đâu.

— Ngữ như mày thì chỉ có IQ ngang với ốc sên thôi.

— Ừ, tôi đang mơ ước được trở thành ốc sên đây vì tôi chán cảnh luôn phải trần truồng như nhộng rồi.

Đấy, các bạn có thấy dư luận đáng sợ không hay thấy người lướt sóng đáng sợ? Tôi cho rằng miệng lưỡi thế gian sinh ra là để ở dưới, không phải ở trên. Người nào đội lời người khác lên đầu mình thì chẳng khác nào tự dìm mình chết đuối. Chúng ta có thể đi chợ mua cá, nhưng chúng ta không thở lâu ở dưới nước như cá được đâu nên đừng làm liều.

Trong phim Harry Potter có đoạn những học sinh phải đối diện với những nỗi sợ hãi của chính mình. Lũ trẻ đã học được cách hóa giải chúng bằng việc đặt những nỗi sợ hãi ấy vào trong những tình huống buồn cười, ví dụ như đứa sợ nhện thì cho con nhện trượt patin và ngã dúi dụi.

Đó chính là cách mà ta cần luyện tập để cư xử với đám đông. Đó là một sự bẻ lái, một cú lướt mình theo con sóng mà không vấp phải tổn hại gì. Nếu không làm như vậy thì con nhện kia sẽ vẫn là con nhện đáng sợ và nhảy bổ vào ta khi ta đang mải kinh hoàng khiếp đảm.

Người đời có câu:

“Chó cứ sủa đoàn người cứ tiến.”

Những con chó không đáng sợ đâu, chỉ có sự tưởng tượng của ta về việc sẽ bị chó cắn làm ta run lên như cầy sấy thôi. Vậy nên tốt hơn hết là việc mình mình cứ tiếp tục làm. Còn thiên hạ á? Thiên hạ nào cơ?

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: StockSnap

📌 THĐP đã giảm giá membership tạp chí Aloha để nhiều người có thể mua được hơn. Một năm 24 volume chỉ còn 999k (thay vì 1499k như trước). Mua ngay tại ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1 (miễn phí), Volume 2, Volume 3, Volume 4, Volume 5, Volume 6

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài này của nàng làm NN nhớ đến một vài hài kịch đã diễn ra trong THDP club thời gian vừa qua.

    Và hình như trước đo Ni Chi cũng từng viết một bài với thông điệp tương tự bài này. Hehe.

    Tóm lại thì ai sủa cứ sủa, ai đi cứ đi và vui nhất có lẽ là thằng bỏ tiền ra mua vé coi hài kịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,880Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI