Featured image: Denis Charlet/AFP/Getty Images
Ô hay, sao tôi lại có tựa bài kì cục vậy. Ai cũng nói đến lợi ích tuyệt vời của việc đọc sách, tình yêu sách không giới hạn. Bản thân tôi cũng coi sách như một báu vật, một người bạn tri âm, tri kỉ cơ mà. Vậy tại sao lại nói đọc sách mà làm chi. Tôi cũng không biết nữa. Thỉnh thoảng câu nói ấy vẫn vang lên trong tôi, bằng cách nào đó len lỏi vào suy nghĩ của tôi và đôi khi chất vấn ngược trở lại tôi.
Nó hỏi tôi rằng: Mi đọc sách mà làm gì khi cuộc sống thực tế và sách vở khác xa nhau, thậm chí là một trời một vực. Thực tế chỉ cần cơm để ăn, áo để mặc, nhà để ở và có một việc để làm. Thế là tốt lắm rồi, chả cần đòi hỏi gì hơn nữa. Trong khi đó, sách vở lại cứ “vẽ huơu vẽ vượn” đủ thứ xa xôi, tự làm phức tạp những vấn đề đơn giản, mổ xẻ phân tích những khái niệm đã cũ mòn như tình yêu, hôn nhân, gia đình… Thực tế là phải kiếm tiền, kiếm càng nhiều tiền càng tốt, còn sách vở lại dạy người ta phải kiếm tìm những giá trị tinh thần, những ước muốn khát vọng đâu đâu. Thực tế rõ ràng hiển hiện bao nhiêu thì sách vở lại trừu tượng, khó nắm bắt bấy nhiêu.
Bao nhiêu người chẳng cần đọc một quyển sách họ vẫn sống tốt, sống khỏe đấy thôi, thậm chí còn giàu có, lên xe xuống ngựa đàng hoàng, lời nói tựa như gang như thép, có kẻ vâng người dạ. Mi có giỏi thì đem những kiến thức trong sách ra áp dụng ngoài đời xem nào. Hụt hẫng ngay. Ở xã hội mà người ta chỉ lo kiếm tiền, ở thời đại người ta chỉ thích shopping và smartphone thì sách là cái gì. Mi ngốc lắm, khờ khạo lắm, cứ ngồi một xó mà ôm quyển sách, có biết ngoài kia người ta thay đổi từng ngày từng giờ như thế nào không. Vốn sống, vốn kiến thức thực tế như mi thì có đọc cả trăm quyển sách cũng chẳng để làm gì. Có tài cán thì hãy lao vào đời đi, đừng ở đó mà nói suông nữa. Chính mi mới đang là gánh nặng của gia đình và xã hội chứ không phải những người chẳng bao giờ đọc một cuốn sách đâu. Có kẻ luôn cười vào mũi mi, mỗi khi mi định cao giọng ca ngợi một quyển sách nào đó , anh ta hắt cái nhìn khinh thị, mỉa mai, chế giễu vào mi, mi có biết không? Những lúc mi đau, mi bệnh, mi cần tiền thuốc, tiền ăn, tiền để sống, sách vở có giúp gì được cho mi chăng?
Giọng nói thầm ấy còn chất vấn tôi là đọc sách làm gì, chỉ thêm mệt óc, khiến người lúc nào cũng đắm chìm trong những suy nghĩ mông lung, buồn những nỗi buồn vu vơ, vui những niềm vui khó hiểu, mộng tưởng những ảo vọng hão huyền; trò chuyện say sưa cùng trang sách để rồi lại câm lặng với trang đời; thỏa mãn, bay bổng với trí tưởng tượng của tác giả để rồi lại quay về thất vọng bất mãn với thực tại. Như thế phỏng có ích gì?
Nó bảo tôi đói thì ăn, khát thì uống, rảnh rỗi thì nghỉ đi cho khỏe, đừng phí thời gian vào trang sách nữa. Bồi bổ tâm hồn đâu chả thấy, chỉ thấy phí giấc ngủ trưa, đánh mất những khoảng thời gian trống ít ỏi. Ha ha, kể ra cũng không sai.
Điều đáng sợ nhất là nó hỏi tôi đọc sách mà làm chi khi không lan truyền được những điều tốt đẹp ấy đến ít nhất một người. Ô quả thực đọc chỉ để mình biết, mình nghe, mình hiểu thôi thì cũng uổng. Tốt chẳng ai hay, đẹp chẳng ai biết thì tốt đẹp mà làm gì. Tốt đẹp là phải nhân rộng nó lên, phải làm cho người khác cảm thấy được hoa thơm trái ngọt của việc đọc sách, việc hiểu biết. Mà biểu hiện đầu tiên dễ nhận thấy là người đọc sách thì phải cư xử đúng mực, bao dung, độ lượng hơn những người phàm phu không bao giờ đọc sách chứ. Đằng này, mình cũng nhỏ nhặt, ích kỉ, hèn mọn như ai thì có xứng để đọc sách nữa không.
Nó thậm chí còn muốn hét lên khi nói với tôi điều này: Đọc, đọc, đọc… thôi đừng đọc nữa hãy xắn tay lên hành động đi. Mục đích cuối cùng của sách chẳng phải là muốn người ta hãy làm theo sách nói đấy ư. Ừ nhỉ, nào thì hành động. Nhưng biết hành động gì đây, cuộc sống đã thành lối mòn rồi cứ thế mà làm thôi, cần gì phải theo sách nữa. Ô kìa, vậy là kết cục cách suy nghĩ của tôi có khác mấy những người không đọc sách đâu. Thế thì đọc mà làm chi nữa…
Những suy nghĩ vốn vững như bàn thạch của tôi như đọc để hiểu biết, đọc để làm phong phú tâm hồn, để sống vui hơn, sống tốt hơn bỗng chốc chao đảo nghiêng ngả trước những lý lẽ đanh thép đang chĩa thẳng vào tôi kia.
Các bạn, những người yêu sách, có khi nào gặp phải sự hoang mang, bối rối giống tôi không?
Phương Liên
Nhân vật Người bạn trog bài là 1 thằng ngáo thực sự, ngáo quá mức, chẳng hiểu gì, và lập luận nó đưa ra hoàn toàn ko thuyết phục, và nếu phải trăn trở bởi ý kiến của nó thì khiến nhiều ng` nghĩ bạn thực sự cũng … ngáo giống nó :v Nhiều người hiểu nhầm ý của bạn. Ko phải bạn quá tinh tế mà cách viết chưa thực sự khéo léo :v
À quên, ý tưởng của bạn rất hay :v
Một góc nhìn riêng của bạn phương liên rất hay. Nhưng tôi cũng xin bỏ ra vài phút nói chuyện với bạn. Nếu bạn cứ đọc đọc đọc …. như vậy thì sự hoang tưởng sẽ xảy ra ngay, người ta gọi đó là mọt sách đó bạn. Làm gì có cái gì là tuyệt đối chứ, đâu phải sách hay là ta cứ chăm chú đọc mãi như vậy đâu, ta còn công việc, ta còn bạn bè, ta còn kế hoạch, nhiều thứ phải làm đấy chứ,… tất cả chúng đều có những điểm hay riêng mà ta cần khám phá, đâu phải mỗi trong sách. Ở vị trí là con người của xã hội này, mọi thứ cần kế hoạch. Đọc sách cũng như vậy, cần phải có kế hoạch. Có thể không phải, nhưng cảm xúc mình cảm nhận được khi đọc bài viết này thì bạn là con mọt sách chính hiệu, để rồi khi gặp hết quyển sách nhìn ra thấy mọi thứ quá xa vời, khi so sánh chúng, bạn lại thấy mất cân bằng cũng bởi vì, suy nghĩ của bạn chỉ chăm chăm vào sách. Sách từ đâu mà ra, bạn thừa biết, từ những gì diễn ra trong cuộc sống mà ra cả. Vậy bạn phải sống nhiều hơn đọc sách chứ. Những gì chúng ta cần là kế hoạch bạn à. Sự sắp xếp sẽ làm nên sự khác biệt, hơn hết, chính bản thân mình sẽ cảm nhận được. Mỗi ngày, người ta chỉ cần bỏ ra 30 phút để đọc sách mới thấy, ôi mình yêu sách biết bao, câu hỏi, đọc sách để làm chi? chắc lúc đó bạn trả lời sẽ là hay nhất. Mình hiểu cảm xúc của bạn/ Thân!
À, mình muốn nói thêm một điều nữa, chẳng phải khi còn nhỏ ta vẫn không biết học đạo đức làm gì, học tự nhiên xã hội làm gì, học hóa học làm gì, học vật lí làm gì nhưng khi lớn lên chúng là những thứ đã khai sáng mọi khám phá của bộ não sao. Vấn đề là thời gian, bao lâu hay khi nào chúng ta mới cần đến nó.
Nhắc đến sách, mình mới đọc xong quyển “Tuổi thơ dữ dội”. Mình thích đọc những câu chuyện như vậy hơn là những quyển sách dạy kỹ năng sống. Những câu chuyện thật, đắm chìm vào nhân vật, vui, buồn cùng họ. kỳ lạ là sau khi gấp quyển sách lại cảm giác như thiếu thiếu cái gì đó. Thấy mất mát đấy nhưng như kiểu chất gây nghiện vậy, rứt ra không được.
Khung thời gian của mình cũng hẹp lắm, thường là khi ăn cơm tối xong, tắm rửa sạch sẽ, mình sẽ dành 30p – 1h đọc sách – mua hoặc mượn của bạn bè. Mình quan niệm đơn giản lắm, cơ thể bẩn thì tắm, tâm hồn bẩn thì đọc sách. Khi cái tôi bạn đủ rộng lớn để bao trùm thế giới của riêng bạn thì sợ gì đắm chìm vào trang sách mà xa rời thực tế.Tôi sẽ ôm trang sách vào lòng chứ không nấp sau những câu chữ.
Nếu bạn hỏi mình đọc sách để làm chi mình sẽ trả lời:
Bạn tắm mà làm gì khi ngày mai kiểu gì chả bẩn 😀
Suy nghĩ của bạn, theo tôi thì đa số đều đúng với những người đọc sách, tuy hiệu quả lan tỏa không hiện hưu trước mắt ngay nhưng bạn cứ tin rồi cuộc đời sẽ như những trang sách.
Đọc sách giúp bạn tiêu sầu, tìm thấy sự đồng cảm trong sách mà bạn không tìm thấy ở cuộc đời. Đọc sách để biết phân biệt đúng sai. Bạn có thể không thể thay đổi được xã hội nhưng ít ra bạn không góp phần làm nó tệ hại hơn nếu bạn là người đọc sách (tốt). Và những gì bạn tích luy ở kiếp này sẽ là bước chuẩn bị cho bạn ở kiếp sau (nếu bạn tin vào triết lý đạo Phật). Khi bạn chưa gặp thời, chưa có cơ hội làm việc lớn thì hãy tích lũy tri thức và vốn sống. Cơ hội đến tay mà đã có quá trình rèn giũa kỹ càng trước đó thì bạn sẽ hạn chế được những sai lầm (đôi khi không chỉ tổn hại cho riêng bạn mà còn ảnh hưởng đến số phận của nhiều người khác). Quyền lực cao mà ngu dốt thì sẽ là đại họa. Cứ học đi, sẽ không thừa đâu, mặc người đời có nói gì cũng đừng mất lòng tin vào mình. Cứ nghe ngóng nhưng vẫn giữ chính kiến của mình bạn ạ.
Một cuốn sách chỉ thực sự bắt đầu đọc khi ta gấp trang cuối lại. Chứ không phải đọc hết trang cuối của một trang sách là ta đã đọc xong nó, hãy mang những thứ mình đọc vào cuộc sống, như vậy việc đọc sách mới thực sự bắt đầu từ đây. Hãy trở thành người đọc yêu cầu cao, đừng sách gì cũng đọc. Mục đích đọc một cuốn sách của bạn là gì? Có nhiều loại sách, sách thực hành, sách kiến thức, sách giả tưởng(tiểu thuyết, truyện, kịch…). Bạn muốn đọc sách để học một kĩ năng(sách thực hành), hiểu biết(kiến thức), hay bồi dưỡng tâm hồn(sách giả tưởng)? Tốt nhất sách giả tưởng chỉ nên chiếm 20% trong số sách bạn đọc thôi, vì có nhiều loại khác quan trọng hơn, nhưng cũng đừng chỉ đọc một loại sách quen thuộc, và chỉ nên đọc vào một giờ cố định trong ngày. Ví dụ khi đọc sách về kĩ năng bán hàng, như Zig Ziglar nói, bạn chỉ nên đọc vào sáng sớm và trước khi đi ngủ, còn thời gian còn lại trong ngày nên giành cho khách hàng.
Có một câu chuyện thế này : có một chú bé hàng ngày rong chơi ngoài bãi biển và ném những con sao biển trên bãi cát trở lại biển.
Nhiều du khách hỏi cậu ấy đang làm gì vậy,có hàng ngàn con sao biển ở đây,có dành cả đời cũng ko cách gì cứu hết đám sao biển,vì sao phải làm vậy ?
Cậu bé gật đầu nói ngắn gọn : Vâng,đúng là vô ích thật,nhưng đối với con sao biển này thì điều đó đầy ý nghĩa !
Nói xong,cậu ném con sao biển vào sóng và tiếp tục công việc.
Một ví dụ hay, mình đã đọc ở đâu đó nhưng quên mất, bạn nhắc mới nhớ. thanks!
Mình rất thích mấy câu cuối của Phương Liên, khá giống quan điểm của mình khi đọc sách .
” Không đọc sách cuộc sống bạn chỉ đi theo một hướng, vì vậy hãy sống nhiều cuộc sống “
tôi cũng yêu quý sách như bạn nếu một ngày không sách đọc tôi sẽ không ngủ được.Mà khi đọc xong nó tôi cảm thấy con người khoan khoái cảm giác đọc xong một cuốn sách ,làm mình là thích thú thêm với những trang sách mơi ghi chép lại những đoạn minh thích .Còn sách mang lại cho chunhs ta rất nhiều thứ sách đưa chúng ta vào sự giao thiệp một cách tự tin bởi sự hiểu biết của mình ngày một dòi dào.Nó làm cho tôi tự tin trước mỗi câu nsi mà tôi đưa ra
sách không hoàn toàn giống sự thật nhưng nó cho ta cái gần giống với sự thật, trong một thành phố xa lạ một người cò bản đồ trong tay vẫn hơn một người không có gì chứ ^^!
Tôi yêu sách 1 tình yêu đích thực !. Chỉ vậy thôi đã là quá đủ và không cần bất cứ lời giải thích dài dòng nào khác ^^
Hay đấy! Mình cũng không có khả năng phân tích bình luận như mấy vị trên kia, chỉ biết đọc sách giúp mình bớt cô độc thôi
Có một cậu bé cũng luôn thắc mắc với bố cậu: đọc sách để làm gì, khi mà cậu chẳng hề nhớ và áp dụng chúng đc vào cs. Bố liền đưa cho cậu bé một cái xô bị thủng và dính đầy vụn than, nói cậu ra ao gần nhà múc nước về. Cậu bé nghe lời, nhưng nước vừa đc múc lên, đi chưa đc nửa đg về nhà thì đã chảy hết. Cậu bé múc hết lần này tới lần khác vẫn k thể mang nước đc vào nhà, rất tức giận chạy đến bên bố kể lể. Lúc này, bố cậu mới cười và nói: con hãy thử nhìn cái xô bây giờ xem có gì khác với lúc đầu. Cậu bé nhìn lại cái xô thủng lấm lem, nay đã trở nên sạch hơn nhiều vì được nước gột rửa. Bố nói: việc đọc sách cũng vậy đó con, sách giúp thanh lọc tâm hồn con trở nên thanh khiết hơn, có thể con k nhớ, k áp dụng được luôn, nhưng những kiến thức đó đã thấm vào con, trở thành một phần của con, và con vận dụng chúng vào cs thường ngày như cách con tư duy, phản ứng, hành xử…tự nhiên đến nỗi con cũng k thể nhận ra vậy.
Truyện ngụ ngôn kể lại theo trí nhớ của Bạch Hương.hi.
Khi bạn sống đẹp, đó chính là cách lan tỏa hữu hiệu nhất của việc đọc sách. Và “sống” chẳng phải đó cũng chính là hành động hay sao?
Giống như cái xô dính bùn than, mình vẫn sẽ cố gắng tiếp tục gạn đục khơi trong. Chỉ hoang mang, và bối rối không biết đâu là nước sạch hay nước ao bùn…để mình được gột rửa. Cũng giống như việc p suy nghĩ, chọn lựa nguồn đọc đúng đắn trong biển tri thức ngày nay.
Hi, từ nay mình đã có một câu chuyện rất hay để làm dẫn chứng cho tác dụng cuả việc đọc sách. Cảm ơn bạn nhiều nhé.
câu chuyện của bạn rất hay. Nước chảy thì đá phải mòn…
uk mình cũng đọc được câu chuyện này :)) Sách sẽ từ từ thanh lọc tâm hồn chúng ta 🙂
Sách và cuộc sống thực tế có thể khác nhau. Nhưng cho dù là khác nhau đi nữa thì người bạn không-đọc-sách cũng không có quyền cho mình là biết đủ rồi. Kiến thức là vô hạn.
Mỗi khi đọc sách là chúng ta phiêu lưu vào 1 thế giới mới mà tác giả là người quyết định sẽ thuyết trình, chỉ dẫn chúng ta điều gì, dẫn chúng ta đi đâu. Bạn có thể tới các hành tinh xa xăm ngoài vũ trụ hoặc trở về quá khứ thế kỷ 18. Bạn có thể chui vào phòng thí nghiệm gen hoặc theo chân tác giả tới hòn đảo Galapagos ngoài Thái Bình Dương.
Qua những câu chuyện đó, chúng ta quan sát, nắm bắt, theo dõi sự kiện sự việc và rút ra cho mình những bài học, tránh cho mình những thất bại có thể đợi chờ ta ngoài kia hoặc học cho mình tinh thần bền bỉ, không sợ thất bại.
Có những người học rất tốt từ việc đụng chạm thực tế nhưng cũng có người học rất tốt những vấn đề trừu tượng qua sách vở. Chúng ta không thể lấy tiêu chuẩn của người này đánh giá người kia được. Quan trọng là ở kết quả. Có thể anh chàng không đọc sách có nhà cao cửa rộng, xe ô tô đẹp đẽ nhưng lại hết sức vũ phu với con cái và vợ. Anh ta còn có thói trăng hoa nữa. Còn anh đọc sách kính cận kia có 1 gia đình nhỏ đáng yêu và mọi người đều yêu thương trân trọng nhau. Vật chất không thôi thì không thể đem lại hạnh phúc. Tiếc là xã hội này đặt vất chất lên trên hết thảy và coi thường trí thức, tinh thần và tôn giáo.
Câu chuyện của bạn làm tôi nhớ 1 câu hỏi: vậy có những gì đọng lại sau khi chúng ta đọc 1 cuốn sách cách đây 10 năm và quên gần hết các chi tiết trong đó?
Có người đã trả lời như sau: hồi nhỏ bạn uống sữa hàng ngày nhưng khi lớn lên thì bạn gần như không uống sữa nữa. Sữa đó đi vào cơ thể bạn, bồi bổ canxi làm xương bạn chắc khỏe và lớn được như ngày hôm nay.
Sách cũng như vậy, sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Sách chỉ cho bạn thấy 1 con đường. Con người là 1 thể nhị nguyên gồm thể xác và tinh thần. Chối bỏ tinh thần cũng là chối bỏ chính con người bạn.
cảm ơn phần chia sẻ rất tâm huyết của bạn.
Mình thì thấy sách dạy cho mình rất nhiều điều.
Sách giống như cuốn cẩm nang hướng dẫn để mình vào đời. 🙂
Thực ra thì bạn đã có giải pháp cho bế tắc của mình rồi: làm một cái gì đó. Chẳng qua bạn không dám nghĩ tiếp là nên làm gì.
Mình gợi ý bạn cải tiến vài thứ xung quanh bạn: trước đây bạn làm một việc trong 3 giờ, nghĩ cách làm trong 2 giờ 45 phút; bạn đọc được một thứ gì đó hay ho về tình yêu, bạn thử nghĩ ra tình huống kiểm tra xem (chỉ cho nhỏ bạn-hơi ác!, thử nghiệm trên chính mình); thử không ngủ trưa mà dành thời gian làm chuyện khác như ngồi thiền, tán dóc, đi loanh quanh ngoài trời nắng ngắm trai đẹp thì thấy thế nào; trong khi ăn thử nhắm mắt ăn thì vui không, thử cách trang điểm mới thì sao v.v…
Làm mới mấy thứ vặt vãnh thì rất thú vị và dễ nghĩ ra. “cuộc sống đã thành lối mòn rồi” thì refresh nó.
Viết cho bạn mà cũng là viết để nhắc nhở mình 🙂 Nhiều khi mình cũng quên nên chán chường, lại vùi đầu vào sách vở.
Bài viết rất tốt có chiều sâu. Những người thành công không nhất thiết là họ phải đọc nhiều sách. Nhưng họ lại biết nắm bắt và học hỏi những kinh nghiệm trên những người đọc sách và những người đi trước thực tại hơn cả đọc sách. Tất nhiên là bỏ thời gian ra đọc sách vẫn rất tốt vì nó tuy ko có kết quả liền sau đó, có thể là suy nghĩ mông lung và nhiều lúc phản tác dụng nhưng kiến thức trong trang sách đó sẽ ở trong con người bạn và đợi đến lúc thuận tiện để nẩy mầm. Theo tôi thì nếu có thể vẫn nên đọc sách và đọc sách phù hợp
Chào bạn,
Mình là người thích đọc sách, không hề mắc phải tình trạng như bạn, còn về sau này thì không biết thế nào. Nhìn vào bài viết của bạn, bạn chỉ nói đến một vài thể loại sách thôi. Tất nhiên, có những loại sách nói đủ điều, nhưng so với đời thực hoàn toàn khác xa. Tất nhiên, có những loại sách chỉ bạn cách đi như thế này làm như thế nọ nhưng đâu cho bạn kết quả mong muốn…Song, bên cạnh đó cũng có nhiều thể loại sách giúp bạn phát triển bản thân, giúp bạn tự mài dũa mình, giúp bạn có nhiều kiến thức hơn để ra đời, còn kết nhiều nhiều lợi ích khác. Bạn nói cũng đúng, vì bây giờ qua nhiều đầu sách được đưa vào thị trường, nhưng người tạo ra nó thì chẳng quan tâm đến giá trị, đa số các tác giả hiện nay cho ra một quyển sách 10 chương, thì chỉ có vài chương thật sự có giá trị. Từ đó, nhiều bạn thấy giá trị của sách ngày càng giảm đi, dần dần không còn tha thiết nữa. Với mình, mình luôn coi sách là bạn, là một phương tiện truyền tải kiến thức được sàn lọc bởi chính đôi mắt và cảm nhận chân thật của bản thân. Có khi cũng sai đó chứ, nhưng cũng nhờ vậy mà phải càng cố gắng sàn lọc kĩ hơn, với mong muốn một ngày nào đó, những mình sách mình sẽ đọc đều có giá trị, về một mặt nào đó. 🙂
Thân ái.
Những người mới đọc sách hoặc chưa đọc được cuốn sách nào thực sự thấy tâm đắc thì mới có cảm giác hoang mang vậy thôi. Không phải cuốn sách nào cũng mang ra áp dụng thực tê một cách cụ thể, có những cuốn sách khi đọc khiến chúng ta yêu mến nhân vật trong truyện, cảm phục tinh thần và ý chí của nhận vật từ đó mà trở thành những bài học, thành nguồn sức mạnh tinh thần khi cuộc sống ta có lúc gặp gian nan khó khăn, vấp ngã…
Cám ơn tác giả về bài viết. Nó cho mình thấy một góc nhìn mới về việc đọc sách. Với bản thân mình thì đọc sách giúp mình tìm những giá trị sống mới và củng cố những giá trị cũ. Sách cũng là một người bạn giúp mình cảm thấy được chia sẻ.
Đọc sách mà làm chi khi cái xh nó như thế nhỉ? Tự hào là người
hay đọc sách (có học) mà làm gì khi phong cách sống cứ đi theo lối mòn? Nói rất
hay! Hi hi, nhưng tôi biết bạn vẫn cứ tiếp tục đọc sách thôi. Những câu hỏi đó
theo tôi nghĩ là bạn đang hỏi những người khác chứ không phải hỏi bản than bạn.
Vì rằng khi viết một bài thế này, nhìn ra cái xh thế kia thì cái tình yêu với sách có thật sự bị lung lay
không.
Tôi từng sống trong mù mờ, tôi đi theo những lối mòn có sẵn,
cứ đi theo đó mà không suy nghĩ, rồi một ngày tôi chợt hỏi mình đang làm gì. Những
câu trả lời mà tôi nhận được đều có trong sách cả, với một xh như hiện tại thì
sẽ không có câu trả lời nào cho bạn đâu. Chính vì thế việc đọc sách còn cần thiết
hơn bao giờ hết, giống như trong giá lạnh thì hơi ấm càng trở nên quý giá hơn. Còn
vì sao đọc mà mình còn ích kỷ quá thì cũng do đọc chưa tới thôi.
Hoang mang về niềm tin vào sách thì tôi chưa bao giờ có,
nhưng đau khổ vì đọc sách thì có rồi hi hi, thật ngược đời đúng không? Vì sau
khi đọc sách, tôi đã không làm được những điều mà khi chưa đọc tôi đã thường
làm. Khi không làm được những việc đó thì tôi thấy mình bị thiệt thòi rất nhiều,
làm thì sung sướng bản thân nhưng tâm hồn đau khổ, không làm thì bản thân đau
khổ nhưng tâm hồn bình yên, tất nhiên là khi bản thân đau khổ thì tâm hồn cũng
chẳng thật sự bình yên. Nhưng có nhiều
điều tôi đã chọn không làm.
Còn mang việc mang lại những điều tốt đẹp thì tôi hay bạn đều
đang làm đấy, từ những bài viết nè. Chúng ta đâu có viết bài để tuyên truyền
cái xấu, chúng ta mang lại những gì tốt đẹp cho người đọc. Hiện tại thì chỉ góp
những việc nhỏ nhặt qua các bài viết thôi, khi nào tinh thần đủ lớn mạnh thì sẽ
nghĩ đến những việc to lớn hơn. Ví như có vài người tích cực xây dựng thư viện
sách cho gia đình, nhà trường hoặc làng xã… Trước tiên thì đọc sách đi đã, khi
tâm hồn đã thay đổi thì thân xác này cũng phải bị buột bò ra cái hang của mình
thôi hi hi
Bạn rất giỏi trong việc nắm bắt ý định thực sự của người viết. “Đọc sách mà làm chi khi cái xh nó như thế nhỉ? Tự hào là ngườihay đọc sách (có học) mà làm gì khi phong cách sống cứ đi theo lối mòn? Nói rất
hay! Hi hi, nhưng tôi biết bạn vẫn cứ tiếp tục đọc sách thôi. Những câu hỏi đó
theo tôi nghĩ là bạn đang hỏi những người khác chứ không phải hỏi bản than bạn.
Vì rằng khi viết một bài thế này, nhìn ra cái xh thế kia thì cái tình yêu với sách có thật sự bị lung lay
không.”
cái hay ở những bài viết của bạn là nó rất nhẹ nhàn nhưng vẫn khơi gợi rất nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống để người đọc phải suy nghĩ. Mình viết bài theo cách ấy không được hi hi. cũng không phải giỏi nắm bắt mà là tôi thấy suy nghĩ của tôi và bạn gần giống nhau, chỉ là cách thể hiện hoàn toàn trái ngược nhau 🙂
Mình đoán không sai ,sẽó nhiều bạn cmt lại cho mình về lợi ích của việc đọc sách, khuyên mình hãy cứ đọc. Hi, đấy đâu phải ý của mình. Dù sao cũng cảm ơn các bạn. chỉ có MĐ là hiểu mình thôi,h
hi hi, trong tất cả các bài viết được bình luận thì mình thấy bài này là đẹp nhất, đẹp vì vẫn còn rất nhiều người yêu sách. nhiều khi đâu cần người ta thật sự hiểu bài viết đúng không nào? chỉ cần người đọc sau khi đọc xong có được những suy nghĩ có giá trị thì bài viết đã phát huy tác dụng của nó rồi. Những bình luận trong bài này cho mình thấy một tia hy vọng về sự tốt đẹp đấy. Bạn không thấy thế sao 🙂
Nhan đề bài viết của mình là đọc sách mà làm chi nhưng sau khi đọc các cmt mình lại thấy ý nghĩa của nó là hãy đọc sách đi, hi, hay thật, tác dụng ngoài mong muốn.
Tôi cũng thích đọc sách, nhưng dạo này tôi chẳng đọc nổi một cuốn sách, mà thời gian rãnh ra dùng để học thêm một ít nữa, học để sẵn sàng đến những chân trời mới. Có thể nói là tôi đang “hành động” theo như nghĩa của bạn.
Trước đây, tôi cũng như bạn, đọc sách nhiều rồi đôi khi nói ra nhiều lời sách vở trong khi mình lại hành động chưa ổn. Và tôi cũng bị chỉ trích như bạn. Sau đó lại trầm ngâm, suy nghĩ nhưng có lẽ hành động quan trọng hơn. Im lặng, tử tế hơn, lắng nghe hơn, khiêm nhường hơn và quan trọng nhất là hành động nhiều hơn đã thay đổi dần con người tôi.
Và sự thay đổi đó dần dần giúp tôi sống và cảm nhận được nhiều hơn và khá hơn một chút theo suy nghĩ của tôi. Tôi mong rằng bạn vững vàng trong suy nghĩ, sẵn sàng học hỏi để khá lên và quan trọng là hành động để những điều bạn nghĩ là tốt và thích trở thành hiện thực.
CHúc may mắn nhé!
Meta Spirit!
Sau khi đọc xong bài này tự nhiên đúc kết được câu này: “Chúng ta không thể lấy một thứ gì nếu chỉ nhìn vào nó.”
tôi không hiểu ý của bạn định nói gì?
Bạn nghĩ thử đi.:D
ý bạn ấy là hành động đi, đừng chỉ muốn.
“Hành động đi, đừng nói suông/muốn” Đây là câu nói ngu xuẩn nhất trong những điều ngu xuẩn.
Có ai biết tại sao ko?
tôi cũng muốn hành động, nhưng sao tôi vẫn ko thể hành động. có cái gì đó níu giữ tôi lại. tại sao, cái gì?
Thực ra nhiều người vẫn hô hào đọc sách nhưng chẳng mấy ai hiểu ý nghĩa của việc đọc sách.
Người ta cứ tin tưởng rằng, đọc sách là đê tiếp thu tinh hóa cổ xưa v.v….Rồi cứ cắm mũi tin vào nó. Xong nhìn ra đời thấy khác sách quá, lại đâm ra mất niềm tin. Đấy là ý nghĩ sai lầm.
Sách, tác dụng lớn nhất của nó là KHƠI GỢI. Chúng ta gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống, và chúng ta tìm đến sách, vì thấy trong đó có những giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể tìm trong đó những lời gợi ý, những nguyên tắc xử lý vấn đề, chứ không thể tìm thấy lời giải từ gốc đến ngọn đâu.
Còn nếu ai đó thấy việc đọc sách ảnh hưởng tới giấc ngủ trưa, thì tốt nhất nên chọn ngủ trưa.