27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm thế nào để hiểu chính mình?

Tôi đã đi được nửa chặng đường đời. Từ lúc thơ dại đến lúc 10 tuổi tôi sống hạnh phúc trong những cảm giác tuyệt diệu của tuổi thơ, những cảm giác rất vi tế mà đó là bí mật lớn đối với tôi trong suốt thời gian dài. Từ 11 tuổi đến 20 tuổi tôi sống hạnh phúc trong những cảm giác tuyệt diệu của sự khám phá, học tập, tôi đam mê khoa học và tin tưởng tuyệt đối vào khoa học. Năm 20 tuổi tôi bắt đầu đánh mất cảm giác hạnh phúc đó, tôi sống trong đau khổ và trăn trở.

Thời gian chuyển hoá tâm thức được diễn ra khi tôi bắt đầu biết đến sự đau khổ của đời người, nghĩa là khi tôi bắt đầu bước qua tuổi 20. Tôi luôn trăn trở và đau khổ, dù tôi có đạt được những thành tựu mà trước đây tôi hằng mong ước như những giải thưởng nghiên cứu khoa học, thành tích học tập cao, đạt giải trong các cuộc thi này nọ… và kể cả chuyện tình cảm được như ý. Tất cả những gì tốt đẹp mà một người bình thường mong muốn đạt được từ tiền tài, danh vọng cho đến tình yêu đối tôi đều vô vị, chán ngắt và luôn đau khổ. Tôi không hiểu tại sao tôi lại mất đi cảm giác hạnh phúc trước đó và giờ tôi phải sống khổ sở thế này.

Tôi không hiểu được chính mình? Tôi không biết mình là ai? Tại sao tôi lại có mặt ở cuộc đời này? Đời sống này có ý nghĩa gì? Tôi cần phải sống như thế nào?…Rất nhiều câu hỏi trong tôi và tôi luôn đi tìm câu trả lời. Các giáo sư triết học ở trường đại học không làm tôi thoả mãn. Tôi đến các cơ sở tôn giáo, tham vấn nhiều đạo hữu cũng như lãnh đạo các tôn giáo như Kito, Phật giáo đại thừa, Cao Đài, Tin Lành… Họ luôn chào đón tôi, vui vẻ giảng đạo và sẵn sàng cho tôi vào thư viện để mượn sách. Nhưng những câu trả lời của họ vẫn không làm tôi hài lòng, cuộc sống tôi vẫn không có gì thay đổi.

Tôi cũng bắt đầu đọc rất nhiều sách. Đọc sách các tôn giáo khác nhau, các triết gia, tư tưởng gia nổi tiếng. Tôi đọc Marx, Hegel, Upanishad, kinh Thánh, kinh Phật, kinh Cao Đài, Nho giáo, Lão Trang, Talet, Heraclit, Pitagor, Platon, Aristote, Kierkegaard, Nietzsche, Martin Heidegger, Jean Paul Sartre, Sigmund Freud… cho đến những người được mệnh danh là bậc thầy tâm linh như Eckhart Tolle, Osho, Krishnamurti, Suzuki, Nisagadatta Maharaj… Nhưng tôi vẫn không tìm được câu trả lời thoả đáng, có nhiều thứ tôi không hiểu được. Tuy vậy, tôi cũng đã sáng tỏ được nhiều vấn đề và chịu ơn của một số vị thầy mà tôi chưa từng gặp mặt như học giả Nguyễn Hiến Lê, thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Thích Trí Siêu, tiên sinh George Ohsawa và nhất là ngài Eckhart Tolle.

Tôi đã trải qua nhiều thất bại và thành công. Thất bại lớn nhất đối với tôi là khi đối diện với cái chết vào năm 25 tuổi, tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết và tôi sợ hãi điều đó. Tôi không biết được chết rồi sẽ đi về đâu, vì là một người làm công tác khoa học nên tôi luôn tin vào chứng cứ, vào những gì mình nhận thức được, tôi sợ rằng một khi chết đi tôi sẽ tan biến mãi mãi.

Thành công lớn nhất đối với tôi là khi tôi 30 tuổi, lúc đó tôi đã thất bại hoàn toàn về phương diện cuộc sống thế tục nhưng may thay tôi đã biết được bí mật lớn nhất về chính tôi và về vũ trụ này. Vào một đêm mất ngủ, khi đang thao thức trăn trở với câu hỏi “Ta là ai?” và lắng nghe tiếng quạt máy “xành xạch” trong đêm khuya tĩnh lặng, bỗng nhiên tôi nhận được câu trả lời và mọi thứ đều sáng tỏ. Tôi nghi ngờ điều đó và đã vội tìm các cuốn kinh Phật trong tủ sách để đọc kiểm chứng. Tôi đã mất 10 năm để tìm câu trả lời “Ta là ai?” và cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới, giờ tôi là một con người tự do và tôi cần phải nổ lực rất nhiều để đạt đến sự tự do tuyệt đối. Tuy còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng điều quan trọng là tôi đã biết được tôi là ai, đời sống này có ý nghĩa gì và tôi cần phải làm gì.

Sẽ có bạn hỏi tôi rằng “Thế bạn đã biết được bạn là ai? Bạn có thể nói cho mọi người cùng biết được không?” Đương nhiên là tôi rất muốn trả lời câu hỏi này, nhưng điều trớ trêu là khi tôi mở miệng trả lời thì câu trả lời đã sai, ngôn ngữ không thể diễn đạt được chân lý. Nếu bạn muốn biết bạn là ai thì tự bản thân bạn phải nổ lực đi tìm, không ai có thể nói cho bạn biết được. Giống như cảm giác no đói khi ăn, người nào ăn người đó tự biết, không ai có thể ăn giúp bạn được.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về Socrates, một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp (khoảng 500 TCN), ông đã đi bộ qua các đường phố và các khu chợ ở thành Athens với công việc dạy học. Ông luôn nói với các học trò của mình: “Các bạn cần phải hiểu chính mình! Các bạn cần phải hiểu chính mình! Các bạn cần phải hiểu chính mình!” Ông thường lặp đi lặp lại như thế. Rồi một ngày nọ, có một sinh viên hỏi ông: “Thầy luôn dạy chúng con là cần phải hiểu biết chính mình. Nhưng còn thầy thì sao ạ! Thầy có hiểu biết chính mình chưa?” Socrates trả lời “Không. Tôi không biết chính tôi, nhưng tôi hiểu cái không biết này.”

Tôi biết tôi là ai nhưng cái biết đó là cái biết của trực giác và sự phủ nhận của những cái tôi không phải là. Cũng giống như Socrate, tôi hiểu cái không biết này. Cái biết ta là ai đó nếu nói ra thì chỉ có thể dùng ngôn ngữ như một phương tiện, tôi có thể nói theo rất nhiều cách khác nhau và ngôn ngữ không thể diễn đạt hết được. Vì vậy, tôi chỉ nói với các bạn một số điều mà tôi cho là quan trọng và có thể hiểu được, nhưng cũng không phải dễ hiểu, không phải vì nó quá cao siêu mà vì là nó không hề giống bất cứ thứ gì bạn đã từng gặp hay kinh nghiệm qua.

Sau đây là quan điểm của cá nhân tôi, dựa trên những gì tôi đã trải nghiệm qua. Nó có thể không đúng với những gì bạn đã trải nghiệm được, nhưng hy vọng là sẽ giúp được cho những ai đang trăn trở về ý nghĩa cuộc đời, đang trăn trở về chính mình.

Với câu hỏi “Ta là ai?” bạn đừng nghĩ chỉ đơn giản trả lời rằng “Đây là tôi chứ đâu”, nếu vậy đâu cần đến các triết gia và tôn giáo. Nếu bạn đủ tinh tế để quan sát thì sẽ thấy rằng “Đây là tôi” thật sự không ổn lắm. Lúc đó bạn sẽ tiếp tục hoài nghi, nếu đây không phải tôi thì tôi ở đâu. Hãy giữ sự hoài nghi đó và tự mình nổ lực tìm câu trả lời, khi nhân duyên đủ thì bạn sẽ nhận được đáp án. Tuy nhiên, ở đời không phải ai cũng trăn trở đi tìm tôi là ai, không phải ai cũng trăn trở về ý nghĩa cuộc đời mà thường họ sẽ sống giống như đa số mọi người. Nghĩa là, thấy người ta đi học thì cũng đi học, tìm việc, cưới vợ (chồng), sinh con, nuôi dạy con thì họ cũng làm y vậy mà không chút hoài nghi gì, rồi đến khi già, bệnh, chết ta họ cũng cho là bình thường.

Để nói về con người thật sự của bạn, tôi xin mượn đôi lời của Lục tổ Huệ Năng khi ngài thốt lên lúc đại ngộ, ngài nói về 5 đặc tính của con người thật của bạn:

“Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâu ngờ tự tánh vốn không sinh không diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.”

(theo Pháp Bảo Đàn Kinh)

Nếu bạn cảm thấy khó hiểu thì tạm có thể nương theo một tôn giáo nào đó. Bạn có thể tin rằng bạn là con của Thượng Đế, con của Phật (Phật tử), là được sinh ra bởi Đại Ngã (Brahma), là ánh sáng vô lượng… nhưng bạn đừng để sa vào sự suy tư và ngôn ngữ, bạn sẽ rất dễ đi vào con đường mê tín.

Nếu bạn thừa nhận những điều trên như một tiên đề (giống như tiên đề nổi tiếng Ơclit trong hình học) thì những điều sau đây sẽ trở nên dễ hiểu hơn, nó giống như những hệ quả tất yếu được suy ra từ tiên đề. Đây là những điều tôi muốn nói với bạn và cũng là nói với chính tôi.

Thất nhất, cái chết là chỉ ảo tưởng của trí năng. Thật sự bạn chưa từng được sinh ra và sẽ không bao giờ chết đi. Cái chết mà bạn thấy đó, nó thật sự diễn ra như ngọn nén đang cháy, nhìn ngọn lửa có vẻ liên tục nhưng nó chết đi và được sinh ra liên tục, cái chết xảy ra ngay khi bạn đang còn sống.

Khi bạn “chết” chỉ là sự chấm dứt của một “giấc mơ” và bạn sẽ tiếp tục một giấc mơ khác, điều này được gọi là trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Nó chỉ là một giấc mơ thôi, khi bạn tỉnh giấc tất cả những rắc rối, đau khổ trong giấc mơ đó sẽ tự nhiên biết mất. Khi bạn biết được bạn là ai thì bạn sẽ không còn sợ hãi trước cái chết.

Thứ hai, bạn không phải là cái tôi là ở đây. Có thể bạn thấy rất rõ ràng bạn là thân xác và tâm trí này, nhưng không phải vậy. Đó là sự chấp ngã, là một loại ảo tưởng của trí năng, là căn bệnh chung của nhân loại.

Khi bạn nói “Đây là thân thể của tôi”, “Đây là suy nghĩ của tôi”, “Cái này là của tôi”…. hay khi bạn phán xét người khác là bạn đang chấp vào một cái Tôi giả tạo, cái Tôi đó không phải là bạn, bạn hãy thử tìm cái Tôi đó là ai xem sao. Đó chính là sự chấp Ngã, một loại ảo tưởng cực kì kiên cố, bạn khó có thể dứt trừ được nó nhưng có thể làm cho nó suy yếu đi, nhỏ lại. Cái ngã càng nhỏ lại thì không gian bên trong bạn càng rộng ra.

Thứ ba, thế giới vật chất mà bạn đang nhìn thấy chỉ là một thế giới ảo, là sự phóng chiếu từ ý thức tuyệt đối. Bạn nhìn thấy cái bàn, cây cối, nhà cửa, mặt trời, các hành tinh, các ngôi sao… có vẻ như chúng độc lập với bạn và là vật chất riêng biệt. Nhưng tất cả chúng chỉ là hình ảnh trong nhận thức của bạn mà thôi. Điều này thật khó giải thích.

Thế giới bên ngoài chính là sự phóng chiếu của thế giới bên trong, chúng tuy hai mà một. Nếu hiểu được chính mình thì cũng sẽ hiểu được vũ trụ bên ngoài.

Nếu nói theo khoa học thì vũ trụ này là thông tin, là một toàn ảnh khổng lồ (holographic universe). Nếu bạn hiểu được thí nghiệm hai khe hở (Double slit experiment) thì sẽ hiểu được lý thuyết lượng tử (Quantum Leap), điều này sẽ giúp bạn dễ hiểu về thế giới vật chất hơn. Hoặc nếu bạn có hiểu biết về tâm lý học hiện đại như phân t7âm học, tâm lý học chiều sâu thì cũng sẽ giúp bạn dễ hiểu hơn những gì được trình bày ở bài viết này.

Thứ tư, tất cả những gì có hình tướng và có thể suy tư được thì đều không phải là con người thật của bạn. Bạn đừng quá tin vào những gì bạn nhìn thấy và suy nghĩ. Phật, Chúa hay Thượng Đế mà bạn nghĩ đến chỉ là những suy tư và tưởng tượng trong đầu bạn mà thôi. Khi bạn hiểu được chính bạn rồi thì bạn sẽ hiểu được Phật, Chúa. Thượng đế không phải ở bên ngoài mà là bên trong bạn, và bạn cũng đang ở trong Thượng Đế.

Vũ trụ này hay những cõi thiên đường, địa ngục, Tây phương cực lạc… đều là những cõi ảo. Chúng cũng giống như vũ trụ này, nhìn có vẻ thật nhưng không phải là thật. Đau khổ hay hạnh phúc đều là ảo tưởng của trí năng. Tôn giáo là thuốc giả trị bệnh giả cho con người.

Nếu bạn được dạy thuyết tiến hoá của Darwin hay bất cứ lý thuyết nào thì bạn đừng vội tin ngay, mặc dù nó có vẻ rất logic và khoa học nhưng cũng chỉ là những suy tư trong bạn, bạn có thể hiểu được và nắm bắt được, nó không phải thật. Bạn không phải tiến hoa từ vượn người, bạn là chính bạn, là cái con người không sinh không diệt kia. Khi bạn tin một điều gì là chân lý bạn sẽ đánh mất chân lý.

Thứ năm, hãy giải thoát chính bạn khỏi những suy tưởng miên man. Con người thời nay lúc nào cũng bận rộn, họ bận học tập, làm việc, kiếm tiền, suy nghĩ về quá khứ và tương lai… và khi rảnh rỗi một chút thì họ liền giải trí bằng cách lướt web, chơi game trên điện thoại, facebook, zalo… Con người không chịu đối diện với chính mình mà mãi chìm đắm trong dòng suy tưởng miên man, kết quả là họ thấy ngày càng xa lạ với chính mình.

Bạn hãy dành thời gian để ở một mình, bạn hãy cố gắng ở không và không suy tư gì, đây là việc khó làm (bạn có thể mượn đối tượng hơi thở để dễ dàng thực hành hơn) nhưng hãy đối diện với chính mình. Lúc đó, bạn sẽ thấy tâm trí bạn xuất hiện rất nhiều suy nghĩ, ý tưởng, cảm giác không kiểm soát được, chúng đến và đi. Hãy chịu khó quan sát chúng mà không nhận xét, phê phán gì cả. Quan sát chính nội tâm bạn như chúng đang là, dần dần bạn sẽ hiểu rõ chính bạn hơn. Bạn không phải là những suy tư kia mà là chủ thể nhận thức chúng, bạn chỉ là người quan sát. Con đường duy nhất để thoát ra ngoài chính là đi vào bên trong.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất. Hãy buông bỏ mọi câu hỏi và chỉ giữ lại duy nhất “Ta là ai?” Bạn hãy nỗ lực đi tìm câu trả lời, nếu câu trả lời của bạn là thứ gì đó có hình tướng hoặc có thể suy tư được, nhận thức được thì đó là câu trả lời sai, bạn hãy quên đi và tiếp tục đi tìm “Ta là ai?”

Chúng ta biết rất nhiều về thế giới này và ngày càng vươn ra vũ trụ nhưng chúng ta không hiểu chính chúng ta. Thật ra, bất cứ ai dù có sản nghiệp đồ sộ đến đâu đi nữa mà vẫn chưa biết được chính mình, vẫn chưa nhận ra được niềm an lạc sâu thẳm trong tâm hồn thì người đó vẫn chỉ là một hành khất trong cuộc đời. Cuộc sống vật vờ như những chiếc lá nổi trôi, chịu sự lôi cuốn của dòng đời. Ngay cả khi họ đang sở hữu sự giàu có, danh tiếng và được xem là những người thành công nhất thì họ vẫn luôn đi tìm những mảnh vụn của những lạc thú nhất thời, sự thoả mãn của bản thân để muốn chứng minh cho mình một giá trị, một cảm giác khẳng định, ngay cả trong tình yêu nam nữ. Họ không hề biết rằng họ vốn đã và đang sở hữu một kho báu ở bên trong, con người thật của họ, với những đặc tính vốn tự đầy đủ, không sinh không diệt (xem lại bài kệ của Lục tổ Huệ Năng.) Vì không biết mình là ai nên con người sẽ mãi chìm đắm trong thế giới của hình tướng và suy tưởng miên man, họ luôn phóng chiếu ra bên ngoài và cầu tìm hạnh phúc bên ngoài, thứ hạnh phúc mà họ không bao giờ nắm bắt được và cuối cùng sẽ phải đối mặt với những khổ đau của cuộc đời. Chỉ khi nào bạn biết được con người thật của mình, hiểu được chính mình thì cuộc đời bạn mới trở nên thật sự ý nghĩa, mới có thể đạt được niềm vui của sự ung dung tự tại và niềm an lạc sâu thẳm.

Tác giả: Nguyễn Hữu Lâm

*Featured image: ThorstenF
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

34 BÌNH LUẬN

  1. Vậy cho em hỏi 1 câu là khi chúng ta tìm được câu trả lời: ” Ta là ai?” rồi thì mục tiêu sau đó là gì?? sau khi ngộ ra được câu hỏi : “Ta là ai?” thì linh hồn và thể xác của ta có bị tan biến đi và vĩnh bất siêu sinh?

    • Sau khi biết được câu trả lời “ta là ai?” bạn sẽ biết được con người thật sự của bạn và cuộc sống của bạn mới thực sự bắt đầu. Con người thật của bạn không khác Phật, Chúa; Đức Phật từng nói “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”,”Ai cũng có khả năng trở thành Phật, đã có sẵn Phật tánh”.
      Biết được ta là ai lúc đó bạn sẽ tự hiểu thể xác là ảo tưởng, siêu sinh cũng vốn không thật có. Nó có vì mình chấp thật, vì còn mê muội chưa thức tỉnh.
      Sau khi trả lời được câu hỏi đó rồi, việc quan trọng tiếp theo là bạn phải trở về với con người thật của mình. Đây là quá trình gian nan. Lúc đó bạn không còn phải luân hồi sinh tử nữa, ko còn chịu đau khổ nữa, bạn cũng có thể tự do ra vào tam giới (giống như chúa Jesus ngài muốn cứu với loài người thì ngài giáng sinh xuống trần, ngài mang thân xác của một con người).
      Khi trở về với chính mình rồi bạn sẽ thành tựu viên mãn, hạnh phúc tròn đầy, tự do tự tại… Cảnh giới đó không dùng ngôn từ để tả được. Nảy giờ những gì mình nói giống như gió thổi mấy bay, đọc xong hiểu ý rồi thì bạn quên đi, đừng chấp vào lời nói của mình.

      • Cái biết này như uống nước nóng lạnh tự biết. Chẳng qua ngôn tự hay tìm hiểu. Nếu đem tâm đi tìm hiểu “ta là ai” thì là đầu chồng đầu, lại chẳng thể biết.

    • Đâu đó thì sau khi kiến tánh rồi thì còn phải trải qua 1 quá trình nữa để đến 1 mức mà bất kể ngày hay đêm ngủ hay thức thì nó vẫn còn như thế. Quay lại bên thiền tông có bức họa khá nổi tiếng là Thập mục ngưu đồ chỉ con đường để đạt được sự viên mãn thì đâu đó quá trình kiến tính giống như tại lv 3-4: thấy trâu và bắt trâu. Tương ứng với mức cuối cùng bên ấn độ thì tương ứng với sahaja nirvikalpa samadhi. Đúng ko bạn Hữu Lâm.

  2. Xin cám ơn tác giả đã chia sẽ những trãi nghiệm của mình và cám ơn các bạn đã tranh luận , đọc tranh luận của các bạn với thái độ học hỏi tôi lại hiểu thêm nhiều điều mới . Tôi không biết có phải là ví dụ ” con sư tử ” của bạn Ngoc Ngoc đã trợ giải được câu nói của tác giả trích dẫn ” đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ ” (có lẽ tôi chỉ mới hiểu trên câu chữ ) và nhờ bạn Ng Minh Chí mở màn tranh luận thì tôi lại có cơ hội đc đọc thêm nhữg trãi nghiệm quý giá từ các bạn . Nhưng sau bài viết này ,tôi sẽ thôi tìm kím những sự lý giải mà nên quay về tìm hiểu bản thân mình .Có lẽ tôi với tác giả có duyên với nhau vì 2 lần vào đây đều đọc bài của tác giả và những gì tác giả viết lại đúng những gì tôi đang cần tìm hiểu . Chúc mọi người an lạc. Thân !

  3. Chào anh. Em hiểu được những gì anh chia sẻ. Vì những lời trên là những gì em tìm hiểu suốt mấy năm nay. Cám ơn anh.
    Anh có thể giải đáp cho em câu này được không?
    Làm thế nào để buông bỏ cảm xúc về một sự việc đang gây vướng mắc và đau khổ. Những giáo lý tôn giáo đối với em thì rất khó hiểu. Ví như một cảm giác đau khổ xuất hiện, hãy nhận biết nó và sau đó buông bỏ nó đi. Câu hỏi ở đây là vế sau, biết nó rồi giờ buông bỏ bằng cách nào, nó đang ở trong người mình, nó gây ra cảm giác tức ngực, khó chịu. Nếu nó là vật chất thì có thể rút nó ra và vứt đi, nhưng đây là năng lượng.
    Cám ơn anh.

    • Nếu như bạn biết được bạn là ai thì vấn đề sẽ được tự giải quyết, tuy nhiên rất khó để biết được “ta là ai?”. Do đó ở đây chúng ta sẽ sử dụng 2 phương pháp đó là thiền định và thiền quán. Mình có mấy gợi ý với bạn thế này:
      + Thứ nhất, bạn quan sát và gọi tên cảm xúc tiêu cực đó mà đừng bình luận gì cả. Ví dụ: có một cảm giác khó chịu (đừng nói tôi có, hãy bỏ chữ tôi đi), sau đó bạn chỉ việc quan sát nó. Nếu cảm giác đó tăng lên thì bạn ghi nhận là tăng lên, nếu giảm xuống thì ghi nhận là giảm xuống, đừng xen suy nghĩ của mình vào. Khi bạn quan sát nó, đặc biệt là kết hợp với hơi thở thì thường cảm xúc tiêu cực đó nó sẽ yếu đi. Tuy nhiên, cách này không làm cho cảm xúc đó mất đi mà nó có thể trở lại bất cứ lúc nào.
      + Thứ hai, bạn lội ngược dòng suy tư. Nếu bạn đau khổ, xuất hiện cảm giác tiêu cực mà bạn buông xuôi thì sẽ bị nó đồng hoá không có cách gì thoát ra được. Bạn có thể đặt câu hỏi: cảm giác đó là gì? Tại sao gây khó chịu?… khi bạn trả lời được rồi thì sẽ đỡ bớt sự khó chịu đó. Mình ví dụ, bạn ghi nhận là bạn có một cơn giận. Sau đó bạn suy tư: tại sao giận-> bạn nhân được đáp án là: sự việc trái ý tôi-> bạn tiếp tục quán để biết rằng sự việc xảy ra luật luận nhân duyên, nhân quả chứ không phải theo ý bạn-> quán xả, quán tha thứ.
      + Thứ ba, nếu 2 cách trên thất bại thì bạn sử dụng phương pháp “thay thế” cảm xúc tiêu cực đó. Cảm xúc đó cứ lặp đi lặp lại trong bạn khiến bạn khổ sở (nhất là cái giận, sự tương tư…). Bạn phát triển các cảm xúc khác như từ bi, hỷ xả, thực hiện bố thí, trì giới, tinh tấn, kham nhẫn, thiền định, trí tuệ (tập yoga, khí công cũng là một cách)… Giống như là bạn đang xem một bộ phim buồn, tiêu cực, bạn tắt đầu phát đi và thay vào đó bằng một bộ phim khác vui tươi hơn.
      + Thứ tư, nếu 3 cách trên thất bại thì bạn cần phải nổ lực hơn và cần sự đầu tư nghiêm túc. Có những người thất tình đau khổ suốt đời, hận thù một ai đó suốt đời, bị một vết thương lòng trong quá khứ… cảm xúc tiêu cực này theo họ suốt đời không dễ gì xoá bỏ. Bạn hãy dành thời gian học về “Duy thức học”, đây là bộ môn tâm lý học Phật giáo, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về con người bạn, về tâm trí bạn và các cảm xúc tiêu cực kia. Bạn là Tâm, còn cảm xúc tiêu cực kia là Tâm hành, nó là nó chứ không phải bạn, nó như những đám mây bay qua bầu trời, còn bạn là bầu trời bất biến, bạn đừng đồng hoá mình với đám mây.
      + Thứ năm, nếu tất cả những cách kia thất bại thì bạn cần một người hướng dẫn, người đó phải hiểu được họ là ai. Họ sẽ rất linh hoạt, sẽ có những bài thực hành riêng để phù hợp với bạn.
      Tóm lại, vấn đề của bạn cũng là vấn đề chung của rất nhiều người. Chắc chắn là có cách hoá giải, tuy nhiên nó còn tuỳ thuộc vào điều kiện của từng người. Tuỳ bệnh mà cho thuốc, thuốc không đúng thì không hết được bệnh. Sẽ có người khuyên bạn rằng nên niệm Phật, nên sám hối, nên tin theo Thiên Chúa… những “thuốc” này không đúng với bệnh của bạn nên dù cho bạn tinh tấn thì vẫn không giải quyết được đau khổ. Cách hay nhất vẫn là tìm hiểu chính mình, hãy trả lời cho bằng được “ta là ai?” (tuy nhiên cách này khó thực hiện).
      Chúc bạn thành công!

  4. Đọc qua comment của bạn Ngoc Ngoc tôi thấy ngay bạn ấy là người đã hiểu rõ con đường mình đi và bạn ấy biết về thực tướng (biết chứ không phải chứng). Và tôi không có gì để nói với bạn ấy cả, vì có nói gì cũng thừa, ngôn ngữ đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Chúc bạn Ngoc Ngoc ngày càng tinh tấn, thân tâm thường an lạc!
    Còn bạn Ng Minh Chí thì vướng phải một vấn đề là chấp ngã, chấp thật quá nặng. Tôi biết là không thể nói chuyện được với bạn nhưng tôi vẫn cố vì tôi đánh giá bạn cao. Bạn hiểu biết nhiều (có thể là nhiều hơn tôi rất nhiều), bạn thông minh, giỏi lý luận và bạn cũng có một vài “tiểu ngộ” trong con đường tâm linh. Tôi đánh giá bạn cao qua một số phát biểu: con người bị giới hạn bởi các giác quan, khoa học chỉ là để tham khảo… và quan trọng là ban có niềm tin vào Chúa. Tôi có mấy lời thế này, mong bạn hiểu cho.
    + Vì sao tôi không khuyến khích tranh luận trong bài này. Bản chất của tiên đề là chấp nhận hay không chấp nhận, nó không thể chứng minh được, không thể giải thích được. Với câu trả lời “ta là ai?” thì chỉ có thể trực nhận chứ không trả lời được. Tôi ví dụ thế này. Tôi viết một bài viết là “Xoài trong vườn nhà tôi rất ngon”, tôi mô tả màu sắc, hình dáng, hương vị của nó trong bài viết… bạn đọc được, bạn tranh luận đủ thứ nào là ngon, nào là không ngon….nhưng làm sao bạn có thể biết được nó ngon hay không qua ngôn từ nên mọi đáp án của bạn tôi không chấp nhận. Cách duy nhất là bạn tới vườn nhà tôi, tôi hái xoài đưa bạn ăn, sau khi ăn xong bạn bảo “xoài dở ẹc” nhưng tôi mĩm cười chấp nhận câu nói của bạn, vì bạn đã trực tiếp ăn trái xoài đó và cảm nhận được vị ngon dở của nó, bạn đã vượt ra khỏi tư duy, lý luận và ngôn ngữ. Chân lý cũng như vị ngon của trái xoài kia, không thể dùng lời nói để hiển bày, người nào ăn người đó tự biết, nói với người khác thì người khác thường chỉ chấp vào lời nói của bạn thôi.
    + Bạn hiểu sai về chấp ngã và vô ngã rồi. Thời xưa rất nhiều đệ tử của đức Phật cũng hiểu vô ngã như vậy rồi bi quan, yếm thế. Nếu vô ngã không còn gì thì ai chứng niết bàn, ai giải thoát, ai về Tây phương cực lạc…Không hiểu về vô ngã là chuyện bình thường, đây là vấn đề khó chứ không phải dễ. Chứng được vô ngã là đã giải thoát khỏi đau khổ sinh tử luân hồi, là quả vị cao nhất của Phật giáo Tiểu thừa, là trở thành một A La Hán. Nhưng với Phật giáo đại thừa thì lại khác, họ sẽ nói Niết Bàn làm gì có mà chứng, A La Hán chỉ là chấp thật… Rồi có những câu nói rất “phạm thượng” để phá chấp thật của người tu như “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ”, có người bảo “Phật là con mèo trèo cây cau”, cũng có vị tổ phun nước bọt vào tượng Phật… nhìn những vị tổ Đại Thừa (nhất là Thiền tông) họ nói năng không đâu vào đâu, hành động thì khó hiểu nhưng nào ai biết được trí tuệ và lòng từ bi vô hạn của họ.
    + Bài viết của tôi dài, nhưng cuối cùng tôi đã tóm lại một câu “Buông bỏ mọi câu hỏi, chỉ giữ lại “ta là ai?””. Nếu bạn không biết được bạn là ai thì làm sao bạn biết được Phật, được Chúa là ai. Mà đã không biết được Phật, Chúa là ai thì niềm tin đó liệu có đúng. Những người nói rằng tin hay không tin Phật, Chúa thì cũng giống như nói rằng tin hay không tin xoài của tôi ngon. Họ bị vướng vào ngôn ngữ, suy tư, họ tin vào niềm tin của họ và đã đánh mất chân lý. Người nào càng biết nhiều, càng giỏi suy tư thì lại càng dễ bị kẹt vào ngôn từ (nhưng họ là người có ngộ tính cao, cũng như bạn).
    + Dù tôi luôn nói là cần phải tìm hiểu “Ta là ai?” nhưng thật sự mấy người đi con đường đó. Căn cơ con người rất khác nhau, vì thế sẽ có nhiều con đường khác nhau phù hợp với họ để đi đến chân lý. Thuốc nào chữa được bệnh thì thuốc đó hay, không có thuốc nào hay hơn thuốc nào hay con đường này hay hơn con đường kia, hay đạo của tôi tốt hơn đạo của bạn…
    Vì mọi người ai cũng chấp thật và chấp ngã nên tôi rất khuyến khích người ta tin vào Phật, Chúa, Đấng sáng tạo, Ánh sáng vô lượng… Hãy tin vào “điều gì đó” siêu việt, vượt lên trên số phận con người… còn những người vô thần thật là không tốt, nhưng đừng trách họ vì trải nghiệm của họ chưa tới mức khiến họ phải tin vào một cái gì đó siêu việt như Phật, Chúa. Niềm tin vô thần của họ đúng với chính những trải nghiệm của họ.
    Tôi nói rằng Phật, Chúa là “giả” nhưng hãy tin vào cái “giả” đó để mà giải thoát chứ không phải chấp vào niềm tin đó. Tôi ví dụ, tôi là một giáo viên dạy địa lý, tôi dạy về trái đất. Tôi không thể dạy trực tiếp cho học sinh của tôi hiểu trái đế như thế nào được nên tôi cầm một quả địa cầu. Tôi chỉ vào địa cầu và nói, hình dung đây là trái đất và tôi bắt đầu giảng về trái đất, học sinh của tôi dễ hiểu bài hơn nhưng rõ ràng là học sinh tôi chưa từng thấy trái đất thật, cái hiểu đó là không đúng nhưng mà nó gần đúng, gần với sự thật và đến một ngày nào đó học sinh của tôi sẽ hiểu ra sự thật. Phật, Chúa mà chúng ta tin cũng giống như quả địa cầu kia, không phải là thật nhưng sẽ giúp chúng ta hiểu được Phật thật, Chúa thật.
    Đối với những anh chị, cô bác bận việc mưu sinh, những người không thích suy tư, những người căn tánh “thấp”… thì tôi sẽ khuyết khích họ tin tuyệt đối vào Chúa. Tôi sẽ nói Chúa là đấng toàn năng, ngài sáng tạo ra tất cả, rồi tôi khuyến khích người ta làm lễ trước tượng Chúa, tôn thờ ảnh Chúa… Con đường đó hợp với đa số mọi người.
    Với bạn, tôi tin rằng bạn là người có căn tánh cao, bạn chỉ cần thay đổi một chút là có thể vượt qua được niềm tin để cảm nhận chân lý một cách trực tiếp.
    Tóm lại, tôi nói nhiều là vì tôi đánh giá bạn cao. Bạn hãy đi con đường của mình, tự trải nghiệm lấy mọi thứ, so với mọi người bạn đang ở một mức cao hơn, hãy trân trọng điều đó và hãy giúp đỡ những người “kém” hơn mình một cách vô điều kiện.
    Chúc bạn thành công!

    • đọc cm còn hấp dẫn hơn bài viết@@
      bạn Minh Chí đã chọn làm cái “tóm lại” mà bạn nói đấy,còn bạn
      “Buông bỏ mọi câu hỏi, chỉ giữ lại “ta là ai?”
      hóa ra
      buông bỏ chẳng phải buông bỏ
      cuối tuần mọi người vui vẻ

  5. Ngoc ngoc, Tôi không biết 2 bài này có phải bạn viết không, hay bạn chép từ người khác, việc đó không quan trọng, nếu bạn gắn vào cmt của tôi thì nghĩa là ý bạn tương đồng với ý bài viết. Vì vậy tôi sẽ trả lời quan điểm tôi, với tôi thì 2 bài viết này khá hay.
    Đây là câu trả lời cho mọi bài viết, mọi quan điểm của người khác, dù đó là người thường, tôn sư hay Đấng giác ngộ như Phật:
    Tôi tin có Thiên Chúa và không nghi, khi dẫn lý luận Chúa có thể có, có thể không là tôi muốn chỉ ra cái giới hạn của con người rằng việc chứng minh là bất khả, vì vậy kẻ nào tự viện dẫn lý lẽ của họ để chứng minh Ngài có/không là chân lý thì đều là mê muội, trừ khi tự Ngài chứng minh sự tồn tại của Ngài. Trong lịch sử nhân loại, có rất nhiều người “gặp” và làm chứng cho sự tồn tại của Ngài, và khi tôi nhìn vào cách sống, đạo đức, nhân cách của các nhân chứng ấy, tôi đã tin họ, tôi không cần thấy (Chúa) mới tin, nhưng cũng thông qua các nhân chứng mà tôi đã “thấy” Chúa rồi. Nhưng có vô số những con người trí tuệ tột bực, họ đòi phải “thấy” tận mắt mới tin, những con người ấy dù có những khả năng vượt thoát loài người rất xa, đó mới là những người hoài nghi đến tận xương tủy, thước đo của họ là lý tính tuyệt đối, họ hoàn toàn diệt bỏ cảm xúc. Và chỉ với lý tính tuyệt đối, tôi biết nó sẽ dẫn họ tới đâu. Tôi thì thích đi theo con đường khác cơ, đó là cảm tính tuyệt đối, vì chỉ có cảm tính tuyệt đối mới có thể giúp tôi cảm nhận được cuộc sống này trở nên có ý nghĩa, vì tôi muốn sống, muốn cảm nhận cuộc sống. Còn lý tính với tôi chỉ là thứ công cụ để dẫn dắt tôi đến với cái cảm tính tuyệt đối ấy.
    Chúng ta đều chấp nhận rằng tất cả mọi con đường đều hướng về cùng một nơi – một toàn thể, nơi đó có thể là Đạo, Cõi Niết Bàn, Đại Ngã, Thiên Chúa, Đấng sáng Tạo, tùy quan điểm mà cách gọi khác nhau. Bởi điều tôi chọn là sự sống, nên khi nhìn vào cuộc sống, tôi thấy có những giá trị sống mà không một toàn thể nào đủ hoàn hảo để để phán định giá trị ấy một cách chính xác và công bằng tuyệt đối nếu chỉ có lý tính mà không có cảm tính để cảm nhận. Ví như 2 xu của bà góa nghèo và đồng tiền vàng của ông chủ giàu, hay làm từ thiện vì yêu thương và làm từ thiện vì để lên thiên đàng. Có vô số những điều như thế, mà nếu không có cái cảm tính tuyệt đối thì không thể cảm nhận được rằng cái nào mới là cao quý. Nếu một toàn thể mà không thể làm được việc ấy, thì toàn thể ấy vô nghĩa với tôi. Nhưng vì tôi cảm nhận được đời sống có ý nghĩa, có sự cao quý, mà tôi là một trong toàn thể ấy, vì vậy tôi tin toàn thế ấy là Thiên Chúa, một Thiên Chúa toàn năng vừa là chân lý tuyệt đối vừa là tình yêu tuyệt đối.
    Nói đơn giản thì tôi chọn sự sống, vậy thôi. Còn an nhiên mà mọi ý nghĩa của sự sống đều mất hết thì ai muốn chọn cứ chọn, đó là tự do của mỗi người.
    “ta là đường, là sự thật và là sự sống, ai theo ta sẽ không chết đời đời”

  6. Bạn Ng Minh Chí chấp thật rất nặng, bạn quá tin vào những gì bạn suy nghĩ và lý luận. Đã vậy lại thích tranh luận và quy chụp cho người khác nên tôi không có cách gì để nói chuyện với bạn được. Tôi chỉ có mấy lời sau:
    1. Như trong bài viết tôi đã nói rõ “đây là quan điểm cá nhân của tôi, nó có thể không đúng với người khác”. Tôi chỉ là nêu quan điểm, còn bạn thì cho rằng tôi kết luận và phán xét người khác “ngông cuồng”.
    2. Bạn không phải là tôi sao bạn lại biết tôi nói quá những gì tôi hiểu biết. Bạn cũng không phải là Phật làm sao bạn biết Phật không biết cái gì.
    3. Tôi không kết luận và cũng không bảo bạn tin vào những gì tôi viết. Bạn hãy đi con đường của bạn, sống bằng niềm tin của bạn. Cuộc sống là sự trải nghiệm, đúng sai phải trải qua thời gian dài “tiến hoá” mới biết được. Cuộc đời, đau khổ, bệnh tật, cái chết… sẽ là người thầy tốt.
    4. Bạn hãy chấp nhận sự khác biệt. Sẽ luôn có người bất đồng ý kiến với bạn, cho dù họ sai bạn cũng hãy chấp nhận điều đó một cách vô điều kiện và đừng phán xét. Người ngu có cái lý của người ngu, người khôn có cái lý của người khôn, bạn không thể dùng sự hiểu biết và trí thông minh của mình để nói người ngu là ngu. Bạn nói đúng họ cũng không hiểu, không tin và không thèm nghe. Bạn càng cố gắng bạn sẽ càng tốn công vô ích. Trừ khi bạn dùng trái tim: trí tuệ và lòng từ bi để lay động trái tim họ.

    • Mỗi người chúng ta đều có cái chấp của mình. Tôi thích tranh luận thì đúng, còn có quy chụp hay không thì còn tùy góc nhìn của từng người. Về các mục mà bạn nêu ra:
      1. Quan điểm của tôi là quan điểm như của bạn là “ngông cuồng” và tôi có giải thích trong cmt đó.
      2. Tôi không phải là bạn hay Phật, nhưng lý luận đưa ra của tôi có sai không và sai thế nào?
      3. Về mục này thì tôi đồng ý hoàn toàn, chúng ta đi theo con đường của mỗi người, chỉ nhắc lại là bạn viết bài nêu quan điểm của bạn còn tôi viết cmt để nêu quan điểm của tôi, chỉ đơn giản thế thôi.
      4. Tôi luôn chấp nhận sự khác biệt, không phải khi quan điểm của tôi khác của bạn nghĩa là tôi không chấp nhận sự khác biệt. Ồ! hình như tôi chỉ nêu quan điểm của tôi chứ có bảo ai ngu hay khôn hơn ai đâu, đừng suy diễn ra như thế, làm vậy mới là quy chụp. Đồng ý về câu “dùng trái tim: trí tuệ và lòng từ bi để lay động trái tim họ”, và tôi luôn làm theo cách đó, chỉ là đôi khi chưa được tốt thôi.
      Cảm ơn bạn đã trả lời cmt

      • Lý luận sai của bạn rất khó nói. Bạn chấp thật và chấp ngã rất nặng, mắc kẹt vào tư duy và ngôn ngữ nên tôi có nói gì cũng vô ích, khi nào bạn đủ khả năng làm ngưng lại mọi suy nghĩ trong bạn và thể nhập vào được đối tượng khác thì tự khắc bạn sẽ hiểu.
        Bạn biết quá nhiều, giỏi lý luận, đó là một trở ngại để cảm nhận chân lý trực tiếp. Bạn giống như một ly nước đầy không thể rót thêm gì vào được. Hơn nữa bản ngã bạn lớn, không chịu thua, thích bắt bẻ và tranh luận đến cùng mà bài viết này không dành cho việc tranh luận.
        Về mặt khoa học thì bạn mắc vài lỗi rất nghiêm trọng. Thứ nhất, bạn nói khoa học chẳng là gì đối với thế giới hết, nó bị giới bạn bởi các giác quan. Bạn có biết rằng con người bị “giam hãm” trong cảm nhận của 5 giác quan, khoa học là sự triển khai của 5 giác quan. Nếu hiểu rõ chúng, con người có thể thoát được chúng. Loài người đang thừa hưởng những thành tựu rất lớn từ khoa học đấy, bạn dám nói khoa học chẳng là gì đối với thế giới thì hãy tự coi lại và hỏi người khác nghĩ gì về bạn.
        Thứ hai, bạn không hiểu gì về khoa học, bạn đọc không kỹ bài viết mà lại nêu quan điểm lung tung. Bài viết của tôi trình bày theo kiểu: thừa nhận tiên đề -> chấp nhận hệ quả. Đối với tiên đề mà tôi nêu ra, bạn chỉ có 2 lựa chọn là chấp nhận hoặc không chấp nhận. Còn việc nói vũ trụ ảo là hệ quả của tiên đề, đây là logic tất yếu. Nếu bạn đã thừa nhận tiên đề thì chỉ có thể chấp nhận hệ quả. Nếu bạn thắc mắc gì có thể hỏi, ở đây không có chỗ để bạn tranh luận. Giống như việc bạn chấp nhận tiên đề Ơclit thì một trong những hệ quả của nó là tổng số đó 3 góc trong của một tam giác là 180 độ. Nếu bạn tranh luận nó không bằng 180 độ thì cũng như bạn tranh luận 2+2 không phải bằng 4. Không ai có thể tranh luận với bạn được.
        Nếu bạn vẫn còn ý muốn tranh luận thì đọc kỹ lại bài viết của tôi đoạn “đây là trải nghiệm cá nhân” và “nếu chấp nhận tiên đề thì những điều sau đây là hệ quả được suy ra từ tiên đề”. Nếu bạn vẫn muốn tranh luận nữa, thì vui lòng hãy học lại kiến thức toán học lớp 6, đừng tưởng lớp 6 là dễ, đó là đúc kết hàng ngàn năm phát triển của toán học.
        Chúc bạn thân tâm thường an lạc!

        • Cũng là 1 sự chấp, tôi chấp ngã hoặc có thể nói tôi chọn ngã, còn bạn nói là tôi chấp thật và chấp ngã thì thật ra bạn cũng đang chấp vào cái vô ngã mà bạn tin, nó cũng là một dạng chấp ngã. Ngưng mọi suy nghĩ là một lựa chọn, và tôi khg muốn lựa chọn nó, bạn chọn nó và xem nó là một chân lý thì bạn đã chấp vào nó rồi. Diệt sạch mọi ý nghĩ, mọi cảm xúc để được an nhiên thì khg phải là lựa chọn của tôi, lựa chọn của tôi là tin vào tình yêu dù phải đau khổ, tôi khg cần cái an nhiên vĩnh cữu mà bỏ đi những gì tôi xem là quý giá hơn sự an nhiên đó, vì tôi khg cần sự an nhiên đó, nó vô nghĩa với tôi. Tôi cần tìm điều gì đó có ý nghĩa với mình, còn con đường bạn chọn thì cuối cùng cái từ ý nghĩa cũng diệt sạch trong bạn. Bạn có thể gọi là tôi chấp ngã, bạn có thể bảo là tôi u mê, nhưng trong sự đối chiếu, tôi thấy điều bạn chọn là vô nghĩa.
          Tôi có thể là một ly nước vì tôi tôi còn chấp ngã, còn bạn khg phải là một ly nước, bạn không là gì cả (cái này khg có hàm ý xúc phạm) vì bạn chọn con đường vô ngã, vậy khi bạn có rót vào cả vũ trụ thì nó vẫn như khg rót, vì nó làm gì có ý nghĩa gì với bạn, vậy thì cái việc có rót được hay khg với bạn thì nó đã vô nghĩa rồi, khg cần chấp tôi là ly nước đầy hay khg đầy mà làm chi.
          Lý luận logic và bắt bẽ là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau, tôi dùng lý luận để tìm ra chân lý cho chính tôi, với bạn nếu gọi đó là bắt bẽ thì đành chịu.
          Chịu rồi, khi bạn nêu ra một tiên đề và xem nó như một chân lý (với bạn) và bạn chỉ cho người khác chấp nhận hay khg chấp nhận và khg thể tranh luận thì xong rồi.
          Nội cái việc bảo tôi học lại lớp 6 là hiểu, dù đó là hệ quả của 1 ví dụ hihi. tôi vẫn thích câu này “Trừ khi bạn dùng trái tim: trí tuệ và lòng từ bi để lay động trái tim họ”
          Còn về khoa học, nó có thể giúp con người vượt qua 5 giác quan thì tôi đồng ý, nhưng so với vũ trụ thì nó khg là gì cả, không là gì cả vì nó luôn bị giác quan con người giới hạn, bị tuổi thọ con người giới hạn, khoa học mãi mãi chỉ là thứ để tham khảo vì nó có thể bị lật đổ bất kỳ lúc nào, coi nó quá trọng chỉ khiến người đó khg thoát ra khỏi mặt đất mà thôi. trong khi con người có thể hoàn toàn vượt qua cái giới hạn đó bằng con đường khác. tôi chấp nhận một lý luận về tính khả dĩ có hoặc không có thượng đế còn bạn thì khg, điều đó đủ để nói lên ly nước của mỗi chúng ta. Chì là tôi chọn tin có Thượng Đế, tôi chọn tin mà khg bảo có thượng đế là một chân lý, vì điều đó chỉ có niềm tin là mang lại. Còn bạn thì xem không có thượng đế như là một chân lý. Đó là sự khác biệt của chúng ta.
          Lẽ ra sau khi đọc xong cái cmt ở trên là đã đủ kết thúc quá trình trao đổi này, vì nó vô cùng rõ ràng. Nhưng bạn không chấp nhận nỗi điều đó. Bạn nên đọc lại nó kỹ hơn. Còn tâm an lạc thì khg cần, cái tôi cần là tìm thấy những chân lý trên con đường mà tôi chọn, là cái ý nghĩa trong đời sống chứ khg phải sự diệt sạch, vì nếu là diệt sạch thì tìm làm chi cho mệt người á.
          Chúc bạn tâm an lạc

          • Đối với NIỀM TIN?

            Đã tin, thì không còn nghi
            Còn có nghi, là tuyệt nhiên chưa hề tin!

            Không có bất kỳ một ai có bất cứ quyền gì bắt bạn phải tin, khi chưa thực sự thấu hiểu vấn đề nào đó. Vì chỉ có thấu hiểu điều gì đó rồi thì mới có thể có chút khả năng giúp bạn tự tin và vững vàng với niềm tin mà bạn CÓ!

            Người ta luôn có vô vàn những nỗi sợ hãi vô hình về tất cả mọi điều mà người ta tuyệt nhiên chưa hề biết!

            Thế nhưng, Người ta lại luôn thích đi tìm kiếm về những điều mà người ta cũng chưa bao giờ từng biết tới, chưa từng thực thấy trong CÕI ĐỜI này!

            Tìm kiếm God chẳng hạn!
            Tìm kiếm Chân Lý chẳng hạn!

            Trong khi, biết bao kinh văn luật luận, tài liệu khoa học cũng đã CÓ CHỨNG MINH cho vô số nghi tình, trả lời thỏa đáng cho mọi câu hỏi của người ta, nhưng người ta lại đâu hề có chịu lắng nghe, chịu xem, chịu tìm hiểu?

            Người ta luôn làm trái, luôn tự mâu thuẫn về mọi thứ, ví như:
            – Đừng chấp vào ngôn tự!
            + Nhưng người ta lại dính chấp hết vào ngôn tự!

            • Đừng chấp vào hình tướng, danh, vị, tôn giáo, các giáo điều…
            • Nhưng người ta lại vướng chấp hết vào những điều đó!
            • Chân lý mà có thể nói ra, không là Đạo thường hằng!

            • Nhưng người ta lại đi tìm Đạo thường hằng thông qua chân lý được ai đó nói ra!

            • Nước Trời không đến như cách thông thường có thể trông thấy được. Sẽ không ai nói – Kìa Nước ở đó hoặc Nước ở đây. Vì cớ, Nước Trời ở trong lòng các ông!

            • Nhưng người ta lại ĐI TÌM NƯỚC TRỜI ở đó, ở kia, ở cõi nào đâu không á!

            • Phúc cho những ai không thấy mà tin

            • Nhưng người ta lại cứ thường đinh ninh rằng, phải thấy mới tin!

            • Người ta đi tìm CÁI KHÔNG gì đó…

            • CÁI KHÔNG? Thì CÓ đâu mà tìm cho đặng chớ?

            Và rồi, người ta cứ mãi loay hoay với vô số những sai lầm lặp đi lặp lại và cứ thế mà cứ mãi xà quần tự giam hãm trong vòng lặp luân hồi nơi CÕI HỒNG TRẦN MỘNG liên tu bất tận, chẳng biết ngày ra!

            Có mắc cười lắm không cơ chứ?
            Thấy thương mà không thể nói vì cớ, khi nói ra, người ta lại cứ đinh ninh rằng, nó đang chấp biết chứ không phải là người ta đang chấp biết vì người ta cho rằng, người ta biết nó!

            Với quyền tự do ý chí được bảo đảm bất khả xâm phạm nơi đây, thì không muốn cũng phải bó tay thúc thủ đối với sự cố thủ của người ta, chẳng thể nào làm gì hơn cho đặng!

            Như Chư Phật mà còn không bao giờ CAN THIỆP QUYỀN TỰ DO Ý CHÍ của người ta, tất cả đều phải là tự nguyện, tự giác – giác tha mà?

            Huống hồ chi, chỉ là một kẻ phàm nhân trần tục chứ?
            CHỊU!
            Hong chịu cũng phải chịu mà thôi!

            Bất lực tuyệt đối!

            Duyên tác tương tùy!
            16/01/2016
            RpN

          • Có quá nhiều cái sự BIẾT RỒI để mà rồi, thực ra là không biết gì hết trơn ráo trọi!

            Cho nên, vì thế, bởi vậy, tại vì vô lượng duyên do… mà có NHÂN – QUẢ để cho người ta hái quả, nhận nhân, tích cóp dần dần mà làm thành bài học cho tinh tấn, cũng chính là tiến hóa!

            BẠN – có thể biết hết tất cả nhưng không có nghĩa là bạn sẽ làm được tất cả hay có thể trở thành tất cả những gì bạn cho rằng, bạn biết!

            Ví như: Ai ai có lẽ cũng biết rằng, vừa sinh ra thì cũng đã phải bắt đầu học những bài học đầu tiên: Học KHÓC – tiếng khóc chào đời, tiếng khóc thể hiện cho sự đói – đòi sữa, đòi ăn một cách hết sức bản năng – như là một “vũ khí” vô cùng lợi hại của trẻ sơ sinh, ấu nhi – cho sự sinh tồn!

            Rồi, học lật, học bò, học chựng, học đi, học chạy…
            Rồi, học mầm non, học mẫu giáo, học tiểu học, học trung học cơ sở/phổ thông/nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học… như là Thạc sĩ, Tiến sĩ,… v.v & v.v… mà nói chung là HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ… và quan trọng nhất là HỌC ĐỂ THÀNH NHÂN!

            Học ở trường học, học ở trường Đời, học Đạo Sống trong Đời…

            Có học, cũng phải có hành… gọi là học-hành thì mới có thể tạm xem là đầy đủ cho sự học, để sống, để có thể tồn tại…

            Có lẽ, ở một giai đoạn nào đó, không ai là không biết về bức tranh tổng quan của sự sống!

            Cái học, nào đâu chỉ có nhân loại mới có ĐẶC QUYỀN này đâu chứ?
            Cái học, cũng phải được ĐẶT ĐÚNG MÔI TRƯỜNG thì mới có thể học phù hợp!

            Ví như: Một bạn Sư Tử, từ lúc chào đời mà được nuôi nấng bởi bầy Cừu, thì hiển nhiên như là điều tất yếu, rằng bạn ấy sẽ chẳng thể nào học được những kỹ năng thực thụ của Loài Sư Tử, dẫu rằng bản năng của bạn ấy, vốn dĩ là có sẵn!

            • Đâu phải là bạn, biết rằng học vị cao nhất của nhân loại đương hiện là Tiến Sĩ thì bạn, có thể trở thành Tiến Sĩ?
            • Đâu phải cứ rằng, bạn biết học hàm cao nhất của nhân loại đương hiện, là Giáo Sư… gì gì đó thì bạn có thể trở thành Giáo Sư?

            • Đâu phải bạn biết về những Nhân Loại nổi tiếng, thậm chí là biết về những Vĩ Nhân thì bạn có thể trở thành những Vĩ Nhân, những Người nổi tiếng như họ?

            Và trên hết, đâu phải bạn BIẾT về điều gì đó, như là Thiên Đàng, Niết Bàn, Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, Chúa Trời,… thì BẠN – CÓ THỂ trở thành NHƯ – ĐIỀU BẠN BIẾT?

            BẠN TUYỆT ĐỐI KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ TRỞ THÀNH BẤT KỲ AI, BẤT KỲ ĐIỀU GÌ, BẤT KỲ CÁI GÌ, mà bạn cho rằng, bạn BIẾT – thông qua lý thuyết!

            Bạn – tuyệt đối không thể trở thành bất kỳ một ai khác, ngoài chính bạn, riêng bạn, cho bạn và vì bạn – DUY NHẤT!

            Tại sao, bạn cứ phải TRỞ THÀNH AI ĐÓ mà không phải là CHÍNH BẠN cơ chứ?

            À ờ thì là… TẠI VẬY!
            Là tại vậy thôi vậy vậy, thành thử ra BẠN vậy!

            Là vì, BẠN CHƯA THỰC BIẾT – VỀ CHÍNH BẠN cho nên bạn mới phải có ai đó, nhờ ai đó và dùng ai đó, làm THƯỚC ĐO cho chính bạn phấn đấu, phát triển, tiến hóa… trong sự SO SÁNH, ĐỐI CHIẾU như là NHÌN NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG của những ai ai đó, mà bạn kính trọng, ngưỡng mộ, tôn sùng như là THẦN TƯỢNG của không chỉ riêng bạn mà còn có vẻ ĐÚNG, có vẻ CHÂN LÝ khi mà bạn thấy, cũng có biết bao Người, thần tượng, tôn sùng, kính ngưỡng ai đó GIỐNG NHƯ BẠN – ĐANG TRONG LÒNG KÍNH NGƯỠNG!

            Và rồi, điều tất nhiên sẽ đến như là NHÂN – QUẢ tất yếu là, có vô số Người đã, đang và vẫn không thể THOÁT được SỰ ĐỒNG HÓA một cách gọi là, VÔ THỨC, VÔ NHẬN BIẾT, do bởi HIỆU ỨNG CỦA ĐÁM ĐÔNG ĐỒNG ĐIỆU trong một giai đoạn nào đó, có thể là một hiện kiếp, có thể là nhiều kiếp sống mà bạn trải qua!

            Có quá nhiều NGƯỜI TA, đang mơ ước trở thành AI ĐÓ chứ không phải là TRỞ THÀNH CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI ẤY!

            Một khi, con người ta chưa thể TỰ NHẬN BIẾT CHÍNH BẢN THÂN MÌNH thì tất yếu, sẽ còn sai lầm, ĐỂ HỌC, ĐỂ HÀNH cho tới khi nào, NGƯỜI TA ĐI TỚI NHẬN BIẾT RÕ RÀNG THẤU SUỐT TƯỜNG MINH về điều mà tưởng chừng người ta đã biết rõ, người ta – LÀ AI!

            BẠN – LÀ CÁI MÀ BẠN ĐANG THẤY!
            Và CÁI MÀ BẠN ĐANG THẤY, từ ai đó bất kỳ, chưa phải là cái mà bạn cần phải thấy, về chính bạn!

            Đơn giản – chỉ có vậy, vậy, vậy… NHƯ-VẬY và cũng là NHƯ-THỊ vậy mà thôi!
            🙂

            Duyên tác tương duyên,
            Chư vị tùy nghi!
            13/6/2016
            RpN

          • Chân lý là cái lý có chân, còn tranh luận thì đơn thuần chỉ là một trò chơi của tâm trí. Càng nói nhiều, càng thấy mình giống con vẹt đang nhại lời người khác nói, hoặc giống như đang tự vẽ biếm họa về bản thân. Một củ hành có nhiều lớp, lớp trong cùng là gì tôi dốt quá nên tôi không biết. Ahihi.

  7. Và một điều quan trọng khác, liệu những khả năng vượt ra ngoài giới hạn con người của Đức Phật thì có đủ lớn để khẳng định là không có một Đấng Sáng Tạo hay không? Đối với chuyện này thì tôi nghĩ ngay cả Phật cũng không biết được (vì vượt ra ngoài giới hạn và khả năng biết của Phật rồi). Thành ra Đấng Sáng Tạo – Thiên Chúa có tồn tại hay không thì loài người không bao giờ chứng minh nổi. Nếu nói theo lý tính thì mãi mãi chỉ có 1 câu trả lời: có thể có, có thể không
    Riêng tôi thì tin là có 🙂

      • Ồ! Vậy sao hầu hết những người theo Phật đều cho rằng Đấng Sáng Tạo là ảo tưởng của con người nhỉ?
        Cảm ơn bạn, đúng là mình chưa bao giờ đọc qua lời nào của Phật bảo là không có đấng sáng tạo, Ngài chỉ nói về những gì Ngài thật sự biết chứ không nói về những suy đoán, còn đa số con người lại thích nói về những gì họ không biết.

    • Đây là những vấn đề không nên bàn luận, nó không chỉ là về niềm tin mà còn là những quan sát tinh tế. Bạn tin rằng có hay không, thật hay giả thì vẫn chỉ là niềm tin, nó chỉ hiện diện trong tâm trí bạn mà không có ở bất cứ nơi nào khác.
      Có thời gian bạn xem mấy bộ phim như Ma trận (matrix), kẻ cắp giấc mơ (inception)… thì bạn sẽ thấy đó là những thế giới ảo mà con người sống trong đó y như thật. Nếu bạn không quan sát nó thì nó là thật, còn quan sát nó thật kỹ nó sẽ biến mất. Bạn biết thí nghiệm 2 khe hở nổi tiếng chứ. Các hạt lượng tử khi không có ai quan sát chúng thì là sóng, còn nếu có người quan sát thì chúng sẽ lập tức biến biến thành hạt. Bạn hiểu về thế giới lượng tử chứ, thuyết vũ trụ toàn ảnh? Nó sẽ mở rộng sự hiểu biết của con người hơn, nếu bạn chỉ quan sát những sự vật hiện tượng hằng ngày thì khó thấy lắm. Hầu hết những nhà vật lý này ban đầu họ rất bối rối, sau khi đọc Kinh Thánh, Kinh Phật họ rất ngạc nhiên vì đã có giải đáp trong đó rồi.
      Hãy mở rộng cái nhìn của mình ra đã. Thêm một điều nữa, bạn hãy thực hành thiền để quan sát chính nội tâm mình.
      Nhìn thấy vũ trụ là thật thì ai cũng có thể thấy như vậy, nhưng để nhìn ra nó là ảo thì cần sự quan sát tinh tế hơn. Còn để thấy rằng nó là vừa thật vừa ảo và không thật cũng không ảo đòi hỏi một sự thực tập nghiêm túc. Cả 4 đáp án trên đều không đúng cả, nhưng nó đúng tương đối với tuy duy con người.
      Đây là những vấn đề nhạy cảm và tinh tế. Không nên tranh luận. Quan điểm và niềm tin của mỗi người tuỳ thuộc vào trình độ, khả năng nhận thức của mỗi người. Đúng là đúng với mỗi người, không có ai sai cả.

      • Đây là những vấn đề nên bàn luận, vì sao nên bàn luận? vì chính bạn đã khởi đầu nó bằng bài viết này theo quan điểm của bạn, nên tôi nêu quan điểm của tôi qua cmt ở trên. Ài! những bộ phim bạn nói thì tôi xem hết rồi, và tôi hiểu chúng nói gì. cmt của tôi không bảo thế giới này là thật hay giả, mà là đang nhắc nhở bạn đừng nói quá những gì bạn thật sự hiểu được, việc đó không mang nhiều ích lợi cho người khác và cho cả chính bạn. Khoa học đối với thế giới chẳng là gì hết, vì nó bị giới hạn bởi các giác quan của con người. NGười ta đoán có những vật liệu tối mà năng lượng của nó tác động lên thế giới nhưng cho đến giờ vẫn tìm chưa ra, người ta cho rằng còn chiều không gian thứ 5 đến thứ 10 nhưng để thật sự biết được lại còn quá xa vời.
        Nếu bạn muốn “hãy mở rộng cái nhìn của mình ra đã” thì đừng vội khẳng định bất cứ điều gì, mà hãy để nó mở 1 sự khả dĩ nào đó. Nếu bạn nói điều bạn nghĩ như một sự khẳng định, bạn sẽ dừng lại ở đấy. Đó là điều mà tôi đang nói.

    • Phật là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, được 3 CÕI tôn vinh là Đấng Tôn Sư của Trời và Người. Điều Phật ngộ chính là THỰC TƯỚNG của VẠN HỮU. Thì có điều gì mà Phật không biết, nếu không hiểu rõ, thì đừng nói bậy.

  8. Suy nghĩ cho bài này tôi có mấy lời như sau, bảo rằng mọi thứ chỉ là những ảo tượng của tâm trí thì quả thật rất ngông cuồng, vì tất cả những thứ đó vượt quá xa sự hiểu biết của con người. Dù ai đó có nghĩ một thứ gì đó là ảo, thì nếu chúng tồn tại, người đó có nghĩ là ảo thì chúng vẫn cứ tồn tại. cái ảo mà người đó tưởng là thì chỉ tồn tại bên trong tâm trí người đó mà thôi, không phải người đó nghĩ rằng ảo thì những thứ đang tồn tại sẽ biến thành ảo thật sự. Cái ảo mà người đó cho rằng thì cũng chỉ là sự ảo tưởng của riêng người đó, giống con đà điểu thụt đầu vào cát, thế giới biến mất trong mắt nó, nhưng nếu có một con thú ăn thịt đi ngang, con thú đó sẽ xơi tái nó, dù nó nghĩa là thế giới đã biến mất hoàn toàn. Việc cho rằng tất cả là ảo cũng chỉ là một sự “chấp” của bản thân người đó mà thôi.
    Có 2 vấn đề đặt ra với những gì Phật nói, nếu tất cả những gì Ngài nói đều chỉ là diễn biến bên trong tâm trí Ngài, thì với tôi đó cũng chỉ là cái “chấp” của Ngài khi nhìn vào thế giới. Nếu Ngài có những khả năng vượt ra ngoài giới hạn của xác thịt con người mà “thấy” được thế giới là ảo tượng thật sự thì nó sẽ đúng là ảo tượng. Nhưng trong trường hợp này lại đặt ra một vấn đề rất nghiêm trọng, đó là những kẻ đến sau Ngài, khi không có khả năng như Ngài lại một mực bảo rằng thế giới này chỉ là ảo, trong khi họ chả “thấy” gì thì bản thân họ cũng chỉ là những người “chấp” vào lời Ngài nói. Vậy trong 2 khả năng có thể diễn ra với Đức Phật thì cái nào thật sự đã diễn ra? Tôi thì tôi tin Phật có những khả năng vượt ra ngoài giới hạn của con người. Vậy những người chưa “thấy” mà cứ thích khẳng định thì đều là ảo tưởng cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI