28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đã tham thì tham cho lớn

Featured Image: Alice

 

Nếu bạn dạo chơi trên thế giới ảo này đã nhiều năm thì chắc sẽ rất quen với một hành vi nhiều người lên án nhưng vẫn tràn lan, đó chính là thói ăn cắp. Một bài thơ hay vừa ra lò thì vài ngày sau ta có thể thấy nó ở nơi khác với một cái tên tác giả hoàn toàn khác. Không chỉ một lần tôi thấy được bài viết về cảm xúc bao gồm nhiều đoạn của nhiều bài khác nhau ghép với đoạn của kẻ cắp. Hay thường nhất là trên Facebook có rất nhiều người lấy ảnh các girl xinh làm avatar cho mình. Thế người ta ăn cắp để làm gì? Để có thể tìm được cái lợi từ đó.

Bỏ ra ít công sức nhưng có được cái lợi lớn thì đúng là một hành động khôn ngoan, nhưng chúng ta đều biết ăn cắp là sự khôi lỏi và thiếu đạo đức. Nếu một người muốn bỏ tiền ra để mua lương tâm của bạn thì bạn có thể bán giá bao nhiêu? Với tôi thì bao nhiêu nhỉ? 1 tỷ, 10 tỷ hay 20 tỷ? Để xem! Có lẽ là 20 tỷ đi, tức là khoảng 1 triệu đô la. Ý tôi nói là gì? Là nếu đã tham thì cố mà tham cho lớn.

Có nhiều bài phân tích rằng dân tộc ta có thói quen bắt chước, rồi thời gian gần đây lại rộ lên cái thói ăn cắp vặt. Tính xấu khó bỏ nhỉ? Nếu đã khó bỏ thì thôi cứ thuận theo tự nhiên và cho nó phát triển lên cao hơn nữa. Trong xã hội loài người có rất nhiều thứ quý giá để ăn cắp mà chẳng thiệt hại đến ai, không những thế nó còn rất lợi ích cho mình rất nhiều, nếu không thì nó chẳng gọi là quý. Vậy thứ đó là gì? Xin thưa đó là trí tuệ và văn hóa.

Trong các cuộc tranh luận, ta thấy nhiều người mang nước này hay nước kia ra khen, Mỹ hay thế này, Trung Quốc giỏi thế kia… Rồi sau đó có người bảo: “Những nước đó cũng có những tồi tệ khác gì ta đâu.” (làm xấu đi hình ảnh nước đó) Nếu họ ghét… Sau khi đọc những lời ấy tôi chợt nghĩ: “Quái! Thích hay ghét Mỹ hoặc Trung Quốc thì liên quan gì? Cái mình cần là chi? Không phải những điều giúp họ trở nên hùng cường hay sao?” Là quốc gia nào có quan trọng gì đâu? Lấy những điều giúp kẻ ta ghét mạnh mẽ làm cho mình mạnh mẽ chính là một cách trả thù rồi đấy.

Tại sao văn hóa Trung Quốc đồ sộ? Vì bản thân Trung Quốc hấp thu văn hóa của biết bao dân tộc trong các cuộc mở rộng lãnh thổ. Vì sao Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới? Vì Mỹ là hợp chủng quốc, hấp thu hầu hết trí tuệ của nhân loại, nhiều tinh hoa như vậy nuôi dưỡng mà không đứng đầu mới là lạ. Còn nước Đức? Là do nằm ở trung tâm Châu Âu đấy. Hy Lạp, La Mã hay Ai Cập cổ đại? Họ nằm ở ngã 3 châu lục. Nhật Bản và Hàn Quốc? Hấp thu văn hóa Mỹ. Để tránh có người bảo “họ không bị Mỹ đồng hóa” thì cũng nói luôn, họ hấp thu vào cơ thể chứ không phải dán nó lên người.

Chúng ta có 4000 năm văn hiến, nhưng khi nhìn lại thì những tinh hoa mà chúng ta sản sinh ra sao mà ít quá, chúng ta giống như một người sống lâu nhưng luôn ốm o gầy mòn. Vậy sao chúng ta không cố gắng ăn vào nhiều chất bổ dưỡng cho cơ thể mạnh khỏe ra? Bạn sợ mình bị đồng hóa? Không sao, đừng sợ. Chúng ta chỉ bị đồng hóa khi ăn quá nhiều một thứ gì đó, nếu chúng ta ăn mỗi nơi một ít mà còn là thứ tốt nhất thì cơ thể sẽ đủ chất trong khi những chất của chính ta có sẵn luôn trội hơn cả. Như hiện tại ăn nhiều thức ăn Trung Quốc quá mới là đáng sợ.

Nếu đất nước này cho tôi cái quyền làm thủ tướng và chỉ được ban hành một sắc lệnh duy nhất thì tôi sẽ… thành lập một hội đồng khoa học để nghiên cứu văn hóa và trí tuệ những quốc gia đứng đầu thế giới. Sau đó mang những gì nghiên cứu được vào một môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp cao nhất có thể. Tất nhiên đây là một môn học mang tính học hỏi và phê phán chứ không phải học vẹt. Vì sao Mỹ đứng đầu thế giới? Điều gì khiến Trung Quốc, Anh, Đức, Nhật, Hàn, Úc, Thụy Điển trở nên…?

Tất nhiên nếu có phê phán thì mấy cái xấu của những quốc gia đó cũng được mang ra tranh luận. Nào! Giờ chúng ta hãy tưởng tượng xem nếu có môn học ấy thì thế hệ tương lai chúng ta sẽ ra sao? Biết đâu sẽ có một chủ nghĩa mới siêu việt hơn tất cả ra đời trên nước Việt Nam này, và khi ấy xã hội Việt Nam sẽ là hình mẫu cho mọi quốc gia noi theo.

Ước mơ chỉ là ước mơ thôi đúng không bạn? Để ước mơ đó của tôi trở thành hiện thực thì cần phải vượt qua rất nhiều định kiến. Thôi thì cứ gửi ước mơ đó vào bài viết này. Còn giờ thì tôi phải tập trung vào công việc cho ngày mai nữa, kẻo làm không tốt bị đuổi việc thì chỉ có nước về quê cắm câu (mà giờ thì ở quê cũng hết cá để câu rồi).

Mắt Đời

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

58 BÌNH LUẬN

  1. Mình thấy câu này đúng nhất mọi người cho ý kiến : Người làm thì không nói mà người nói thì lại không làm được.Mọi người hãy thử đặt mình vào vị trí cho phù hợp.

    • cho mình được chỉnh một tí cho chính xác hơn: người làm thì không làm, người nói thì chỉ có thể nói. mọi người hãy thử đặt mình vào vị trí “người làm” để hiểu tại sao lại không làm, và đặt mình vào vị trí “người nói” (ở vị trí đó rồi) để hiểu tại sao mình chỉ có thể nói.

  2. Có mấy phản biện với bài của bạn:

    “Vì bản thân Trung Quốc hấp thu văn hóa của biết bao dân tộc trong các cuộc mở rộng lãnh thổ”. Bản thân Trung Quốc không hấp thu văn hóa của các nước khác mà hầu hết các dân tộc khác bị Trung Quốc đồng hóa. Trung Quốc vẫn là nước giữ được nền văn hóa của họ nhiều nhất.
    “Vì Mỹ là hợp chủng quốc, hấp thu hầu hết trí tuệ của nhân loại, nhiều tinh hoa như vậy nuôi dưỡng mà không đứng đầu mới là lạ”. Lỗi nhỏ là gọi là Hợp Chúng Quốc chứ không phải Chủng Quốc vì đây là một từ Hán Việt. Mỹ không được gọi là một dân tộc, và văn hóa của Mỹ cũng chẳng có gì, nước Mỹ không có những triết gia, nhà văn có tư tưởng ảnh hưởng bao trùm. Mỹ là nước giết đi các nền văn hóa khác, giống như nước Đức đã giết đi nền văn hóa Pháp bằng sức mạnh quân sự, giờ Mỹ giết bằng sức mạnh vật chất.
    Con người ngày càng thoái hóa chứ không hề tiến hóa(văn mình) lên như ai cũng tưởng. Câu chuyện về cơn đại hồng thủy cuốn sạch loài người do Thượng Đế thấy con người quá xấu xa, hay như chuyện thế hệ loài người thứ 5(thế hệ hiện tại) cũng không không phải là không hợp lý. Và chúng ta có lẽ đang sắp sửa phải đến một thế hệ kế tiếp.

    • Về vấn đề TQ, mình nói nó hấp văn hóa biết bao dân tộc là từ việc hợp nhất nhiều quốc gia và dân tộc thành một nước TQ rộng lớn như ngày nay. nếu bạn nói TQ không hấp thu các nền văn hóa khác thì cho mình hỏi nền văn hóa của nó xuất phát điểm là ở đâu? điều bạn nói chỉ đúng khi một nền văn hóa lớn xâm nhập vào một nền văn hóa nhỏ hơn rất nhiều. Nếu có sự va chạm củ 2 nền văn hóa ngang nhau thì chúng sẽ hòa lẫn vào nhau một bộ phận và loại trừ nhau ở một bộ phận khác.
      Mình không đồng ý với quan điểm “văn hóa Mỹ cũng chẳng có gì”, văn hóa là gì? là những gì tồn tại về mặt tinh thần của một xã hội. bạn thấy nó không có gì vì nó hòa trộn rất nhiều nền văn hóa vào nhau và chẳng cái nào trội hơn cái nào, đó là một nền văn hóa hỗn hợp và dung hòa các nền văn hóa khác và tạo ra một nền văn hóa riêng của người Mỹ, chính vì khi so với các dân tộc khác thì nó có ít điểm đặc trưng hơn nên bạn cảm thấy là không có. Nhưng cũng chính vì thế mà ưu thế của nó lớn hơn, khả năng thích nghi của nó cao hơn.
      vì sao nước Mỹ không có những triết gia mang tư tưởng bao trùm? vì lịch sử của Mỹ còn quá ngắn, chỉ hơn 300 năm, trong khi những dân tộc khác có hàng ngàn năm, so như bạn là khập khiển. tuy chỉ hơn 300 năm nhưng tư tưởng của người Mỹ trong nhiều lĩnh vực cũng đã bao trùm thế giới rồi đấy.
      một nền văn hóa có thể bị giết chết bởi quân sự nhưng cần một thời gian rất dài bằng cách thiêu hủy những sản phẩm của nền văn hóa đó, còn vật chất thì không đủ khả năng, họa chăng một nền văn hóa chưa đủ lớn để có thể nắm giữ sức mạnh mà vật chất mang lại thì nó sẽ bị biến đổi, nó giống như giao khẩu súng cho một đứa trẻ thì trước sau gì chính nó sẽ hại nó.
      Mình muốn hỏi thế nào là một dân tộc? nếu ta quay ngược về lịch sử thì thấy rằng có rất nhiều dân tộc có cùng một nguồn gốc, nhưng chính vì sự di chuyển tới một vùng đất mới rồi sau đó phát triển trong một thời gian dài và hình thành một dân tộc. Giờ bạn không công nhận Mỹ là một dân tộc vậy 1 hay 2 ngàn năm nữa thì sao?
      Vấn đề con người càng ngày càng thoái hóa thì mình không đồng ý cho lắm, mặt nào đó thì có thể thế, cái có thể đó giống như nội dung đã nói trong phim Noe vừa trình chiếu trong thời gian qua, từ loài ăn thực vật chuyển sang ăn động vật, từ sự gần gũi thiên nhiên chuyển sang tàn phá thiên nhiên, và cũng chính vì thế mà một số khả năng về thiên tính con người đã biến mất. Nhưng mặt khác con người cũng có nhiều tiến bộ về mặt vật chất và xã hội của nó. là tiến hay lùi thì còn xem lại người ta định nghĩa về văn minh là như thế nào.
      cò về chuyện loài người ở thế hệ thứ 5 thì mình muốn hỏi nhận định này là ai đưa ra? có được công nhận ở bao quát trong những đỉnh cao trí tuệ của loài người hay không? hay chỉ là tư tưởng của một vài người? một quan niệm có thể đúng và có thể sai. Vì thế nên hạn chế kiểu nói “như đúng rồi” vậy.

    • Bác đang nói về Mỹ với suy nghĩ của hàng chục năm trước,khi mà cả nước xem Mỹ như một đế quốc ghê tởm,một tên giàu có du côn ?

      Bác phán bừa khi chưa nghiên cứu kỹ về nước Mỹ đó.Ko có nước nào bỗng tự nhiên lớn mạnh mà lại ko có nền tảng lý luận mạnh đâu.Thế giới ko ngưỡng mộ Mỹ vì quân sự,tài chính hay vật chất đâu.Mà cũng ko ai phóng phi thuyền tới sao Hỏa chỉ vì nhiều tiền hay vật chất mạnh,đằng sau nó phải là lý luận cực kỳ sâu sắc.

      Bản thân nước Mỹ là nước rất đặc biệt,chính nó hình thành bằng tư tưởng triết học về một thế giới tự do.Cứ nghiên cứu thêm đi,bác sẽ hiểu hơn về Mỹ thay vì đang hiểu bằng định kiến.

      Cũng đừng vì bác ko thấy những danh hiệu nhà triết học,nhà văn,…mà quy kết nước Mỹ ko có tư tưởng bao trùm.Riêng Nobel văn chương đã có 11 người Mỹ nhận rồi đó.Số lượng các nhà triết học của Mỹ cũng khá nhiều.Nếu đọc nhiều về sách triết học sẽ thấy có nhiều trường phái Triết học và Nghệ thuật đều ra đời ở Mỹ như thuyết tiên nghiệm,chủ nghĩa Hậu hiện đại,thuyết đa văn hóa,chủ nghĩa hành động,chủ nghĩa môi trường…Đặc biệt là trường phái triết học lớn nhất thế kỷ 19 là ” chủ nghĩa thực dụng và thuyết công cụ ” do 2 nhà triết học Mỹ sáng lập,nó định hình cách hành động của cả thế giới hiện nay khá nhiều.

      Mỹ cũng ko phải là nước ko có văn hóa,nhưng văn hóa của nó lạ lùng hơn các nước khác thôi.Mỹ là nước đa văn hóa.

      Nếu nghĩ là Mỹ ko có tư tưởng bao trùm hãy nghĩ ngược lại,có khi nào vì quá bao trùm nên ko thấy được nó ? Bác có mặc đồ jean bao giờ ko,văn hóa Mỹ đấy,nó phổ biến đến khó biết đó là Mỹ.

      Nếu Pháp là ly rượu vang,Ý là mì ống,Nhật là sushi.. thì Mỹ là tô salad trộn đủ thứ rau và gia vị.Đừng vì bác ko thích ăn salad mà nói nó ko có hương vị gì !

    • Bác phán tầm bậy quá !
      Mỹ giết các nền văn hóa khác bằng UNESSCO à ? Mỹ chính là người đang bảo tồn văn hóa của thế giới đấy,thông qua một đất nước đa văn hóa và thông qua những nỗ lực bảo tồn văn hóa trên khắp thế giới.

    • Bác chưa hiểu lắm về TQ
      Cái tinh túy nhất trong triết học TQ là thuyết âm dương ngũ hành thì lại do TQ hấp thụ nó từ Việt Nam.
      Chỉ có điều nước lớn thì nó nhận là của nó,rồi đem phổ biến cho thế giới,nên mọi người bị lừa.
      Y hệt như giờ TQ vẫn đang làm,nhập vải thiều Bắc Giang về đóng bao bì TQ rồi nói đó là của TQ thôi.

    • Bác có nhầm lẫn gì ko ? Đức tấn công Pháp nhưng văn hóa Pháp vẫn bảo tồn nguyên vẹn mà,thậm chí lính Đức chiếm đóng Pháp còn bị văn hóa Pháp ảnh hưởng ngược lại nữa !

    • Ồ,vậy là bác ko hiểu gì về triết học Mỹ rồi !
      Mỹ là nước khai sinh ra rất nhiều trường phái triết học mới và khai thác triết học rất triệt để,có thể nói ở tầm mức cao nhất thế giới.Nước Mỹ có hệ thống đại học và học viện nghiên cứu triết học rất khủng khiếp,họ ứng dụng triết học ở mọi chi tiết nhỏ nếu có thể.
      Chính trị Mỹ xây dựng trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa đa nguyên do chính họ khai sinh ra.

      Trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế,Mỹ đã tập hợp nhiều nhân tài để ra đời triết học hậu phân tích,nghĩa là Mỹ quyết tâm cải tạo triết học theo kiểu Mỹ nhằm có cơ sở lý luận về kinh tế học.
      Thập niên 60,Mỹ sinh ra triết học mới là triết học khoa học,tức là triết học về tính hợp lý và quy luật cho phát triển khoa học.
      Thập niên 80,Mỹ sinh ra triết học mới là triết học tổng hợp giữa khoa học và xã hội,môn này có tính ứng dụng rất cao trong kinh doanh và giáo dục.

      Cũng trong những năm 80,chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời ở Mỹ,ảnh hưởng đến thế giới rất nhiều.
      Hiện nay,Mỹ-Pháp-Đức vẫn là nơi thai nghén và nuôi dưỡng các trường phái triết học mới nhất của thế giới.Các nước khác thì hầu hết khai thác cái gì có sẵn chứ chưa sinh ra được thêm gì nhiều.
      Mỹ không có nhà triết học nào nổi trội vì họ nghiên cứu triết học cùng nhau trong các học viện kỹ thuật và các trường kinh doanh.Hiếm nước nào mà triết học-khoa học-xã hội cùng hòa lẫn với nhau như Mỹ,các nước khác chỉ nghiên cứu rời rạc và chắp vá thôi.

      Giới triết học Mỹ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu lý luận cơ bản và lý luận ứng dụng trong mọi lĩnh vực,nhằm đảm bảo cho Mỹ luôn tiên phong về mảng này.

      Mỹ ko chỉ là siêu cường kinh tế hay quân sự mà còn là siêu cường triết học đó !

    • He he,Mỹ giết bạn bằng vật chất nên mới cho bạn xài Internet để lên đây chém gió đó.Trước kia Internet là tài sản trí tuệ của Mỹ,nhưng giờ nó đã thành tài sản chung của nhân loại.

  3. Hi,đúng là ước mơ thôi.
    Mình có lần tham gia dịch hồi ký Lý Quang Diệu,trong đó có đoạn nói về Việt Nam,mình xin trích dẫn lại ở đây,bác ấy có cái nhìn rất khách quan về chúng ta.

    ” Việt Nam là nước có vị trí trung tâm của Đông Nam Á,với một bờ biển dài và đẹp và tài nguyên thiên nhiên đa dạng,phong phú.Việt Nam có dân số đông và trẻ.Họ là một trong những dân tộc năng động và thông minh nhất Đông Nam Á.Khi trò chuyện với những du học sinh Việt Nam tại Singapore,tôi kinh ngạc vì trí tuệ của họ có phần vượt trội hơn so với các sinh viên đến từ Malaixia,Thái Lan,Indonexia…,tôi cũng được biết sinh viên VN thường xuyên đạt điểm số rất cao,thậm chí cao nhất trong các kỳ thi quốc tế.
    Với tiềm năng tài nguyên và con người như vậy,Việt Nam lẽ ra phải giàu mạnh từ rất lâu rồi.Nhưng Việt Nam là đất nước bị mắc kẹt và tự giam cầm mình trong chính tư duy của họ.Đó là nguyên nhân họ không sao khai thác được tiềm năng to lớn của họ. ”

    Mình thấy rất đúng,những lời trên của Lý Quang Diệu ko dành riêng cho lãnh đạo hay dân thường,mà cho tất cả mọi người Việt Nam.

    • Người Việt rất thông minh – đó là điều mình mình công nhận và rất tự hào. Nhưng cũng như ông Lý Quang Diệu đã nói, có được tiềm năng lớn như thế mà không biết tận dụng thì thật đáng buồn. cái cần nhất lúc này cho tất cả chúng ta có lẽ là một tầm tầm nhìn rộng lớn để biết mình cần gì để phải biết nên làm gì.

    • nhớ cô nào đó dạy mình đã đưa ra 1 ý kiến rằng : người VN mình khôn, nhưng mà là khôn vặt. Mình thấy điều đó tương đối đúng khi mà bình thường nhiều người dân luôn tìm ra được muôn hình vạn trạng cách khi để lách luật hay thích nghi điều gì đó. Nhưng ít ai muốn dùng trí khôn thực sự để làm nên điều gì đó thực sự to lớn hay có ích cho cộng đồng. Hai là tư tưởng tị nạnh, cào bằng thay vì cùng nhau phát triển. Ba là cái tính cha chung không ai khóc,cái gì cũng dễ tặc lưỡi cho qua. Chỉ riêng 2-3 thói xấu tưởng như nhỏ nhặt này lại kéo đất nước nói chung đi xuống rất nhiều.Ở đây mình đang đề cập đến thói xấu thôi nhé, bạn nào muốn bình luận người VN tốt đẹp như thế nào, có người này người nọ… thì xin đợi chủ đề khác bàn tiếp.

      • Một số bạn của mình là người nước ngoài cũng nhận xét về người Việt là vốn liếng ít,làm ăn manh mún,thường xuyên cãi vã,ghen tị và hay nghi ngờ lẫn nhau ! Toàn là những thói xấu thuộc hàng ” khủng “

        • thật ra thì người Việt ở nước ngoài có vài lớp người. lớp thứ nhất là sang pháp sống từ rất lâu – đây là lớp người thực sự trí thức, lớp thứ 2 là đi trực tiếp ngay năm 1975 hoặc vượt biên sau đó – đây là lớp đa số cũng trí thức luôn. lớp thứ 3 là lớp người đi dạng đoàn tụ gia đình, lao động, kết hôn, hầm bà lằn… đây là nhóm người sống thời gian dài ở VN sau 1975 nên…vậy đó.

          • Lớp trí thức thật sự bây giờ khá già và họ cũng mờ nhạt,chủ yếu là do họ chỉ muốn ở ẩn thôi,ko muốn ló mặt ra 🙂
            Còn lại thì một phần không ít người Việt ở nước ngoài cũng mâu thuẫn nhau và cư xử với nhau rất tệ.Ý mình là khi so sánh với các cộng đồng khác như Ấn Độ,Thái Lan,Trung Quốc,..họ cư xử tốt với nhau hơn cộng đồng VN.
            Mình có đứa bạn du học tự túc ở Cali nên đang vừa học vừa làm,lương mỗi giờ là 20usd nhưng thực lãnh chỉ có 15usd do chỗ làm khấu trừ 5usd tiền ” cò ” cho người Việt đã môi giới,một kiểu sống bằng nghề chặt chém những người chân ướt chân ráo mới qua.

    • Chuẩn rồi, người Việt Nam có đủ: thông minh, cần cù, tài năng,… nhưng bị mắc kẹt trong các tư tưởng định kiến và nhà tù tinh thần. Mấy đứa bạn của mình, thấy chúng nó cũng rất nhiều tài lẻ, toả sáng lung linh nhưng sợ bố mẹ, gia đình, định kiến, rồi cuối cùng mai một dần cho đến khi tắt hẳn.

      • Ai cũng bị vậy hết đó bạn.Ngẫm nghĩ kỹ thì Lý Quang Diệu nói đúng đến đau lòng,thực trạng cả một đất nước tự cầm tù chính mình.
        – Trẻ em thì mắc kẹt vào nền giáo dục nhồi nhét mà ko khai sáng.
        – Người lớn ở thành thị thì mắc kẹt trong tư duy bon chen chụp giựt,ăn xổi.
        – Người lớn ở nông thôn thì mắc kẹt vào tư duy nông nghiệp và văn hóa làng.
        – Lãnh đạo đất nước thì mắc kẹt vào tư duy ý thức hệ CS.
        Hầu hết người Việt như chính tôi và bạn đều có lúc nhận ra mình đã sai,xã hội đã sai mà không sao thoát khỏi nó !

  4. Thói ăn cắp của người Việt là ăn cắp vặt !
    VN cứ chê TQ chỉ biết copy,nhưng mình thì copy như TQ để tự sản xuất máy giặt,tủ lạnh..còn làm không nổi.
    Ko biết bao giờ có 1 cái tủ lạnh do chính VN sản xuất ?

        • mình nghĩ bạn không có cơ hội để khuất núi đâu, vì mình nghĩ từ 10 đến 20 năm nữa VN sẽ có rất nhiều biến động, khi đó bạn vẫn còn sống để chứng kiến thôi. Vì hoặc là chúng ta khắc phục sớm những thói xấu đó, hoặc là hoàn cảnh sẽ buột ta phải trả giá chứ nó không đợi chúng ta khắc phục đâu. Bạn sẽ thấy hi hi

          • Hy vọng là thế,chứ giờ đi hội chợ hàng VN chất lượng cao thì toàn giày dép,quần áo,bút bi,..chứ chưa thấy cái máy móc nào ra hồn.Nhiều lúc chẳng muốn đi xem vì…buồn !

          • Lạc quan lên chút đi bạn.
            Mat Doi nói đúng đấy,mình nghĩ cũng không lâu nữa nước ta sẽ tiến đến tình trạng bắt buộc phải tái cấu trúc để sinh tồn và sống sót được,tâm lý con người vì thích an toàn nên không ai muốn thay đổi nhưng thực tế là không ai chống lại nổi sự thay đổi,nhất là môi trường trong ngoài nước đang biến động rất nhiều như hiện nay !
            Bản thân chúng ta nếu có đủ trí thức thì thậm chí còn đoán được khi nào sự thay đổi mang tính bắt buộc này sẽ diễn ra,nhưng riêng bản thân mình thì chưa đủ trình độ để nắm bắt được,hehe 🙂

  5. Cảm ơn tác giả về bài viết!

    Có một sự thật là tất cả chúng ta đều là kẻ trộm. Vấn đề là trộm cái gì mà thôi! Đương nhiên mục đích của việc trộm cắp hướng đến là đem lại lợi ích cho 1 cá nhân, tập thể, rộng hơn là 1 quốc gia. Nhưng theo tôi nghĩ đối với việc ăn cắp mà bạn nói đến trên mạng xã hội nó cũng có thể chấp nhận được mà! Vì nó vẫn là ảo thôi! Có chăng là chính chúng ta tự chìm đắm vào nó. Để rồi ngồi than vãn khi nhận ra mình là nạn nhân.
    Còn về việc bạn than vãn về tinh hoa văn hóa VN,v v……. thì mình cũng không bàn tới. Nhưng cho mình hỏi bạn 1 câu nhá:
    Bạn có tự hào khi là người Việt Nam không?
    Với mình thì có đấy. Dẫu đất nước chúng ta có ra sao, qúa khứ có thế nào….
    Hãy hướng về tương lai tốt hơn và hành động để có được nó. Lịch sử không phải là quá khứ mà TƯƠNG LAI.

    (Chỉ là những suy nghĩ thật nhất của một cậu sinh viên năm nhất mà thôi!, viết hơi lung tung. )

    • Mình thì mình lại không xem thế giới ảo là ảo, ảo hay thật là do bản thân mỗi người nhìn nhận nó. mạng net với mình đơn giản là một công cụ để kết nối mọi người với nhau, còn sống thì luôn là thật. Nhưng mỗi người dễ rơi vào cái ảo rồi chìm đắm trong nó dù là trong thực tế hay trên mạng net. các giá trị con người đều phải được công nhận. Chỉ là ở đây, trên thế giới ảo này có đặc điểm giúp cho người ta dễ dàng ảo hơn nên cái ảo trở nên nổi trội. mình nghĩ chúng ta nên sống thật ở bất kỳ đâu, nhưng nên học hỏi để biết phân biệt đâu là thật và đâu là ảo.
      mình có tự hào khi là người Việt không? cái này lúc còn nhỏ thì có, lớn lên nhìn ra nhiều điều thì còn phải xét lại. nhưng nếu đặt một câu hỏi khác, mình có yêu nước Việt không? thì câu trả lời đó là có, rất yêu. vậy vì sao mình yêu VN? vì mình được sinh ra trên mảnh đất này, người thân và ông bà tổ tiên ở đây, mảnh đất này cho mình thức ăn, chỗ ở và những niềm vui. Nhưng cũng chính vì thế mà mình sẽ lên án những ai đang tàn phá những thứ mà mình yêu thương.
      Lịch sử là tương lai nhưng tương lai chỉ có được khi ta nhìn thấy những giới hạn tồn tại từ quá khứ cho đến hiện tại và tìm cách khắc phục nó.

    • Đồng ý là hướng tới TƯƠNG LAI, nhưng không vì vậy là lại bỏ qua những sai lầm trong quá khứ. Phải tự nhìn nhận lỗi lầm để mà sửa chữa, nếu không lịch sử lại chả lặp lại và tương lai có khác gì quá khứ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI