Photo: Janette Asche
Bạn đã bao giờ leo trên cây cầu khỉ không có tay vịn chưa? Nếu chưa bao giờ leo trên nó, hãy nhớ lời tôi dặn: muốn đi vững trên cây cầu đó, hay dang rộng hai cánh tay ra, và thả lỏng thân thể, để mặc nó lắc lư nhún nhảy bên này bên kia một chút, thế thì bạn có thể đi qua nó một cách an toàn. Đừng có gồng mình cứng đơ như cây cơ, thể nào bạn cũng rơi tõm xuống ao. Đấy, tôi đã dặn bạn rồi đấy.
Cuộc sống tựa như một con sông, và con đường bạn đi chỉ là chiếc cầu khỉ không có tay vịn. Và muốn đi qua nó một cách nhẹ nhàng, bạn cũng phải lắc lư cuộc đời bạn như lắc lư thân thể ấy. Đừng có cố chấp quá vào một quan điểm, một thành kiến, một nguyên tắc hay một cách nhìn nào cả. Sinh nghề tử nghiệp, rồi bạn sẽ chết vì chính cái nguyên tắc của bạn. Đấy, tôi cũng đã dặn bạn cách đi ngang qua cuộc sống rồi đấy, ngã hay không là do bạn, chẳng có ai đẩy bạn xuống sông đâu.
Chông chênh là gì?
Là không cố định, không cứng nhắc, không tuyệt đối hoá một bên nào cả. Chông chênh trong tâm hồn tương đồng với lắc lư của thân thể. Nó có mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó, điều quan trọng là biết ứng dụng tuỳ hoàn cảnh.
Khi thân thể lắc lư qua lại giữa hai bên phải trái, theo quy luật vật lý, tự thân hành động đó tạo ra một thế đứng vững chãi ở trung tâm. Hai cánh tay hai bên tạo sự cân bằng. Một thế đứng vững chãi là một sự chuyển động nhịp nhàng của hai tay, một bước đi vững chãi là một sự tương tác nhịp nhàng của hai chân. Và sống tức là động, nên khi bạn vận động, trong sự đối đãi của hai chiều đối nghịch, nghĩa là bạn đang tạo ra sự sống cho chính bạn.
Chông chênh trong tâm hồn, là trạng thái lắc lư giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa được và mất, giữa thắng và thua, giữa buông và nắm… Và chỉ có thông qua cả hai chiều đối lập như vậy, bạn mới thật sự bước chân vào cuộc đời, một cách đúng nghĩa. Nếu chỉ có một chiều thôi, hoặc là được hoặc là mất, hoặc là thắng hoặc là thua, hoặc là buông hoặc là nắm, hoặc là đúng hoặc là sai… Tôi thành thật nói với bạn rằng, điều đó chỉ tồn tại trên lý thuyết. Bạn đừng biến bạn thành loài mọt trước quyển sách cuộc đời nhé.
Tuy vậy, khi bạn đi trên chiếc cầu khỉ không có tay vịn, nếu bạn để ý một chút, chẳng hạn như nghiêng sang phải vừa đủ, thì tự nhiên cánh tay trái của bạn sẽ ghì xuống để giữ thăng bằng, ngược lại nếu bạn nghiêng sang trái vừa đủ, thì cánh tay phải của bạn sẽ ghì xuống để thiết lập quân bình. Nếu bạn để cho bên trái hay bên phải của bạn đi quá giới hạn cho phép, bạn sẽ rơi ùm xuống nước mà chưa biết chuyện gì đã xảy ra.
Cũng thế, khi bạn vui vừa đủ, tự nhiên sẽ có chuyện buồn gì đó ập đến, dù bạn có muốn hay là không. Chẳng hạn cái vui của gặp gỡ chẳng hạn, đang vui rực rỡ là thế, thì cuộc vui đã vội tàn. Cái tàn của cuộc vui đó chẳng qua chỉ là cách thế nuôi dưỡng niềm vui khi gặp lại mà thôi. Nếu cái vui của gặp gỡ bạn bè trở thành quá đà, nó sẽ trở nên nhàm chán ngay trong sự gặp gỡ, và lần sau thì bạn sẽ hết còn muốn gặp gỡ. Ngược lại cũng vậy, khi bạn buồn vừa đủ, thì ngay trong lúc bạn buồn đó, bạn lại nghiệm ra một ý tưởng nào đó tuyệt hay chẳng hạn. Cái dòng suy nghiệm đột khởi khi bạn buồn, chẳng qua chỉ là sự cân bằng cho cái nỗi buồn đó lần sau còn có cơ hội xuất hiện. Nếu bạn chìm đắm trong nỗi buồn quá sâu, thì đảm bảo bạn sẽ chết chứ chẳng có ý tưởng nào ra đời cả.
Chông chênh là một trạng thái quá độ của tâm hồn
Tôi dùng từ “quá độ” chẳng qua chỉ là theo trào lưu của chính trị đương thời thôi, chứ thật ra phải dùng từ “cân bằng động” mới chính xác. Nghĩa là trong trạng thái chông chênh đó, bạn đang chơi trò đánh đu qua lại giữa vui và buồn, giữa được và mất. Nó không hẳn là vui, cũng không hẳn là buồn; không hẳn là được, cũng không hẳn là mất… Khi bạn vừa nhận ra bạn vui, thì cái buồn đã ập đến; và khi bạn vừa nhận ra bạn được, thì nó đã lại mất tiêu rồi. Nói như thế không có nghĩa là không có vui buồn trong chông chênh, mà chỉ là thay đổi quá nhanh đến mức bạn chưa kịp định hình.
Một trạng thái tâm lý khác, có hình thức tương tự như chông chênh, nhưng lại không có được cái bản chất của chông chênh, ấy là trống trải. Trống trải là trạng thái trống rỗng, không vui không buồn, vô hồn. Trạng thái trống trải là mặt tiêu cực của chông chênh, là bước nghỉ tạm thời của cảm xúc, và nếu cứ nghỉ mãi thì thành ra chết luôn.
Đôi lúc người ta hay đồng nhất chông chênh với trống trải là một. Nhưng thật ra không phải. Chông chênh chỉ là dạng thức mà ở đó bạn cảm thấy mọi thứ bất định, khó nắm bắt; trong khi đó thì trống trải lại khiến bạn chẳng muốn nắm bắt bất cứ thứ gì. Một đằng là sự sống đích thực, một đằng là cái chết từ từ.
Cuộc sống vốn bất định, và chẳng có gì là tuyệt đối vững bền cả. Bạn chông chênh trước những ngả đường, bạn chông chênh với mọi thứ đang có… Và sự chông chênh đó là tất yếu trước khi bạn chọn lựa. Và dẫu bạn có quyết tâm chọn lựa một con đường, thì sự chông chênh vẫn ghé nhà bạn như thường. Ngã ba này khép lại để mở ra một ngã tư khác. Và đắn đo, suy nghĩ cho những con đường nên đi là cần thiết.
Ngược lại, trống trải thì chẳng muốn chọn lựa cái gì hết
Bạn chỉ muốn nằm im một chỗ, mặc mọi thứ đến và đi, mặc cơ hội trải bày ra trước mắt. Trống trải là KHÔNG chọn lựa, còn chông chênh là CHƯA BIẾT chọn lựa cái gì. Trống trải mang dáng vẻ của chông chênh, nhưng bản chất của nó là trống rỗng vô hồn. Sống mà chỉ như là tồn tại, tồn tại mà chỉ như đã chết rồi. Chông chênh thì chưa biết chọn lựa, vì còn mải đắn đo cân nhắc, vì còn đang bận lắc lư qua lại giữa được và mất, giữa trái và phải. Và sự lắc lư đó mới tạo ra cân bằng, mới tạo ra cuộc sống.
Là một người trẻ, khi mới bước chân vào đời, ai cũng chông chênh hết. Họ chưa có kinh nghiệm đi trên chiếc cầu khỉ, nên cảm xúc của họ còn nhiều mong manh lắm. Nhưng đừng lo, đi quen, đi nhiều, sự chông chênh sẽ càng ít dần…
Nhưng là một người già, bạn chông chênh nhiều quá rồi, chọn lựa nhiều quá rồi, kinh nghiệm nhiều quá rồi… Thế là bạn hết muốn chọn lựa. Lúc này bạn rơi vào trạng thái trống rỗng, trống trải. Chưa có kinh nghiệm gì cả thì chông chênh có mặt, kinh nghiệm nhiều quá đến mức lựa chọn trở thành thói quen, đấy là lúc trống trải xuất hiện. Và người già họ gần cái chết hơn người trẻ cũng chính ở chỗ này.
Đôi lúc người ta lầm tưởng trống trải, chông chênh với thảnh thơi tự tại là một
Nhưng thật ra cũng không phải. Thảnh thơi tự tại là người tự do với những quyết định. Khi nào thì họ có thể tự do với quyết định? Ấy là lúc họ làm chủ được những quyết định của mình. Họ chọn lựa một con đường, và họ chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Họ làm chủ hành động, và họ sẵn sàng đón nhận mọi hệ quả mà hành động đó tạo ra. Sự tự tại thảnh thơi ra đời trong tâm thế của một người biết làm chủ mình, còn chông chênh là sự rụt rè của cái Tôi sợ sệt, và trống trải lại là sự chai lì của những cảm xúc. Ba trạng thái tâm lý này tương đối khác biệt nhau.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một ông thầy tu khóc chưa? Nếu bạn nhìn thấy, hẳn nhiên bạn sẽ ngạc nhiên lắm, bởi chẳng biết từ đâu bạn đã mặc định một ông thầy tu thì không biết buồn. Bạn muốn ông thầy tu mà bạn kính trọng lúc nào cũng phải nhe răng nhe lợi cười mỉm chi như pho tượng trên chính điện bạn lễ vậy, nên khi bạn thấy ông thầy tu buồn ông thầy tu khóc, thì bạn nói ông ta tu hành chưa đắc đạo.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một ông thầy tu yêu chưa? Nếu bạn nhìn thấy, hẳn nhiên bạn sẽ bảo ông thầy tu này nghiệp chướng còn nặng nề, duyên tình còn đeo mang. Chẳng biết từ đâu mà bạn cứ mặc định cho ông ta là không được yêu, dẫu chỉ là yêu cái đẹp. Bạn thích ông thầy tu trơ trơ như gỗ đá, và lỡ có cô gái nào đó ôm ông ta thì bạn mong ông ta phải bất động như củi mục cành khô, vậy bạn mới cho người tu ấy là đắc đạo, là người đáng để bạn tôn thờ.
Tôi xin thưa thật với bạn rằng, mẫu người tu đó ở đời chẳng thiếu, mẫu người đắc đạo của bạn cũng rẻ rề. Chỉ cần bỏ ra chưa đầy 50 ngàn thôi, bạn đã có ông Phật lý tưởng, bằng bột đá, xi măng, thạch cao, hay nhựa dẻo hay bất cứ chất liệu nào. Ông ta sẽ cười với bạn từ sáng cho đến tối, từ ngày cho đến đêm, và bất kỳ lúc nào ông ta cũng dễ thương cả. Bạn có đem ông ta lên bàn thờ, hay vứt vào sọt rác, môi ông ta lúc nào cũng toe toét, đôi mắt lúc nào cũng từ bi. Bạn thích sự thảnh thơi tự tại đó không? Cứ chịu khó bỏ ra 50 ngàn, có đầy!
Nhưng đó không phải là con người thật. Đó là sự thảnh thơi tự tại giả tạo. Sự thảnh thơi tự tại đích thực không phải là không vui không buồn, không có hạnh phúc hay đau khổ, không có lúc nhíu mày suy tư, không có khoảnh khắc tươi cười rạng rỡ. Thảnh thơi tự tại có đủ mọi hỷ nộ ái ố bi ai, nhưng những cảm xúc đó khác với đời thường ở chỗ: Họ biết họ đang hỷ nộ ái ố, và họ đang tái lập sự cân bằng của cuộc sống, thông qua những cảm xúc như vậy.
Họ không muốn chết ngay khi còn đang sống, mà sống thì phải vận động, vì thế những trạng thái cảm xúc kia chỉ là phản ứng nhằm tạo ra thế cân bằng. Như một người đi trên chiếc cầu khỉ điêu luyện, và họ biết khi nào thì cần nghiêng bên trái, khi nào thì cần nghiêng bên phải. Cái biết đó tạo ra sự vững chãi ngay trong lòng chông chênh. Cái biết đó tạo ra sự thảnh thơi tự tại.
…
Trống trải là đang đi dần đến cái chết. Trong khi chông chênh mới là khởi đầu của sự sống. Và thảnh thơi tự tại chính là đỉnh cao của sự trưởng thành. Nếu bạn còn chông chênh, bạn biết rằng bạn đang còn rất trẻ, và cơ hội vẫn còn đang bày ra trước mắt, hãy vui vì điều đó.
Tâm trạng của bạn đang chông chênh chưa biết chọn lựa điều gì ư? Tôi khuyên bạn cứ chọn đại một cái gì đó mà bạn thấy là tốt nhất cho bạn vào lúc này. Nếu sau này nó không tốt, thì ta chọn lại, chẳng sao cả. Bây giờ là bây giờ, chuyện của sau này, hãy để cho sau này giải quyết.
Sự khác biệt giữa một người trẻ và một người già là ở chỗ: Trẻ thì nhiệt huyết hăng say, nên đôi khi sai lầm, nhưng nhờ thế mà họ đang sống. Già thì uể oải lười biếng, đụng cái gì cũng sợ sai, và vì thế mà họ mới đang chết. Chông chênh là sự sống, mà trống trải là cái chết. Hãy sống khi còn có thể sống.
Xin cam on tac gia Tri Khong, bai viet rat sau sac, moi’ la.,
giup toi ngo^ ra co the la minh dang lac loi’…