*Featured image: N. Ayyappan
Chuyện kể về cây rù rì. Cây tên rù rì có hoa như búp tay con trẻ màu trắng xanh. Cây tên rù rì còn hoa gọi là hoa giải thoát. Loài cây dành cho những oan trái trong tình yêu. Cây gieo xuống đất cùng những nỗi niềm khổ đau, được tắm tưới bằng sự nguyện cầu chân thành và khi hoa nở cùng lúc với sự giải thoát đến. Có người chỉ phải đợi một ngày, có người đợi nhiều năm, cũng có người đợi trọn kiếp mình. Ai biết được khi nào sự giải thoát đến. Chỉ biết chăm sóc cây và nguyện cầu. Loài hoa cũng lạ như sứ mệnh nó mang. Những chiếc lá hình mũi tên chỉ trồi lên khi những đợt bấc lạnh thấu xương ào về, gọi mùa đong tới. Người ta đếm năm tháng trên cây, bằng số lá, cứ mỗi năm một lá, dài đằng đẵng. Ai biết bao giờ rù rì nở hoa?
Chuyện kể về ba người bạn thân thiết, thân từ thửơ còn nhỏ, đến khi cùng xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới với hừng hực thanh xuân, khao khát cống hiến. Rồi hai chàng trai cùng đem lòng yêu cô gái duy nhất của bộ ba. Sự chọn lựa của cô gái là rất khó, bởi…vô vàn. Rồi cũng có một tình yêu thật đẹp, và một tình bạn vượt qua ngưỡng của tình yêu, trong sáng đến lạ kì. Sẽ không có cây rù rì, không có hoa giải thoát nếu như…
Chuyện kể về cô gái mười chín tuổi, chỉ sống với cha và cây rù rì. Cô gái yêu Bình, tình yêu có những chông chênh mơ hồ giữa cái gọi là gia thế. Nhưng Bình phớt lờ tất cả. Bình tinh tế, tài hoa và yêu cô. Người cha cũng yêu cô. Vì ông chỉ có duy nhất cô? Vì cô không có mẹ? Vì chỉ cô là của ông? Ông yêu cô vì cô là con gái ông. Yêu con, ông chắt chiu để chiều con những lúc cô tủi không có mẹ, khi cô kiếm chuyện với cây rù tì. Ừh, ông cũng quý cây rù rì gần như con vậy. Con gái ông có bao giờ hiểu được cái nhìn đăm đắm như cầu xin, như ước nguyện, như níu lấy cái hi vọng mong manh của ông nhìn cây rù rì? Có bao giờ nếu không có cài ngày…
Ngày cô tròn 19 tuổi, cây rù rì ra chiếc lá thứ mười chín. Cha bỗng muốn tổ chức sinh nhật cho cô, cái việc ông chưa từng làm mười chín năm qua. Cô chỉ muốn có hai cha con, nhưng ông muốn có cả Bình. Bữa tiệc nhỏ còn chưa kịp bắt đầu. Bởi một chiếc ly được dọn dư ra, cho trọn bộ theo ý Bình, mà bỗng có thêm một vị khách. Vị khách thay đổi tất cả, thay đổi luôn cả cuộc đời cô. Chồng của mẹ cô. Vâng, chồng của mẹ nhưng không phải là cha cô, đi tìm cô và cha về cho mẹ, người mẹ mười chín năm cô không hề biết. Tìm cô là tìm về quá khứ đang được chôn vùi, là khơi dậy những nỗi đau, trái ngang mười chín năm về trước.
Lan buông ngát rừng. Rừng hào phóng lan với những người thanh niên xung phong như để bù đắp, một chút gì đó, như để xoa dịu. Nhưng liệu có dịu được? Nỗi đau của người vợ trẻ mất chồng, của người thanh niên mất bạn? Bộ ba thân thiết xưa giờ chỉ còn cha và mẹ cô. Chồng mẹ xung phong đi chiến trường Campuchia, tin tử trận bay về. Mẹ khóc ngất chi những tang thương trên đất ban và khóc cho tang thương của chính mình.
Cha đi tìm mẹ, tìm khắp núi rừng. Liệu có tìm được không, người vợ tuyệt vọng vì mất chồng? Lúc cha bế được mẹ trên taychỉ cách lúc tim mẹ ngừng đập một khắc. Chỉ một khắc, nhưng mẹ sống, sống nhờ những giọt nước mắt của cha và dòng huyết quản cha chảy trong mẹ. Mẹ sống và trái ngang từ ấy.
Chồng mẹ trở về, vinh quang trên vai áo và nỗi đau trong tim khi chứng kiến… Tất cả đã ra đi, không ai làm chứng cho cha mẹ cái gọi là oan trái. Thêm đứa con của cha và mẹ ra đời. Cuộc sống của mẹ như địa ngục từ ngày đó. Cha, luôn là cha, không đành lòng nhìn mẹ. Cha bế cô còn bé tẻo trên tay, rời xa nơi đây. Khi cha đến hiên ngang như thế nào mà giờ lại ra đi như một tội đồ thế? Rồi mười chín năm, với cô và hoa rù rì. Năm tháng rồi cũng qua. Chồng mẹ tưởng đâu vắng cô, vắng cha rồi mẹ cũng dần nguôi ngoai, dần quên. Sẽ qua, sẽ quên… Nhưng khi đứa con nữa của mẹ mất vì cảm mạo, mẹ gọi tên cô hằng đêm. Mẹ như dở người, chỉ ngóng cô về. Để rồi chồng mẹ không đành lòng. Và giờ cô đứng đây, trước mặt mẹ. Cô nhìn mẹ. Mẹ nhìn cô. Nhưng không ôm chầm âu yếm, không là yêu thương… Tất cả chỉ lạnh ngắt, hoá đá như màn sương đang vây lấy cô và mẹ. Cô nhìn mẹ và chỉ cảm thấy bàn tay tay kéo cô về phía sau, lùi dần từng bước, và vụt chạy xuống đồi, bỏ lại tiếng Bình gọi cô phía sau.
Là định mệnh, lại là định mệnh kéo cô vào quán hoa ven đường, ấn cô ngồi xuống. Người thanh niên bước vào quán, tìm mua hoa giải thoát. Như không tin vào cái lắc đầu của bà chủ quán có nụ cười không có tuổi, anh ta bước quanh, tìm kiếm. Bà già nhìn anh ta cười nhạo báng. Nhìn bà, nhìn anh ta, cô biết anh ta chưa thấy hoa giải thoát bao giờ, chỉ tìm theo lời người ta. Người thiếu phụ trên xe rũ rượi theo cái lắc đầu của anh ta, như tiêu tan tất cả. Chậu hoa giải thoát trước mặt cô, đoá hoa như búp tay con trẻ nép mình giữa những chiếc lá hình mũi tên. Là cây rù rì. Cây gọi là rù rì, còn hoa là hoa giải thoát. Vì sao không bán cho người thiếu phụ đó? Hoa nở ra không để bán mà để giải thoát. Muốn được giải thoát, phải tự chăm sóc cây, nguyện cầu và chờ đợi. Người ta không thể mua sự giải thoát bằng tiền.
Câu chuyện chưa kết thúc ở đó, nhưng tôi đành để lưng chừng, tôi không thể viết cái kết khác cho một câu chuyện đã có sắn kết thúc ở đâu đó, chỉ là tôi không được biết.
Một chiều muộn lang thang ở nhà sách, bị cuốn hút bởi câu chuyện lạ lùng hình như của một nữ tác giả trẻ, đọc vội được bấy nhiêu thì lỡ dở. Đến khi nhớ lại, muốn tìm và đi hết cái kết cục lại chẳng tìm được, chỉ đành viết theo cảm giác những điều còn nhớ. Câu chuyện tô đậm ấn tượng mạnh mẽ về những trái ngang dư tàn từ cuộc chiến tranh, in đậm dấu ấn vào tuổi trẻ vốn chi say mê với những trải nghiệm mới mẻ, những câu chuyện tình yêu ấm áp.. Lưng chừng…
Cỏ