Tại sao không?
Mỗi khi đọc được một áng văn hay, một cuốn sách tuyệt vời, tôi nhận thấy rằng điều góp phần làm nên thành công của một ngòi bút là ở cách sử dụng ngôn ngữ. Những cảm xúc đọng lại trong lòng tôi sau mỗi lần như thế thường là: “Chao ôi! Ước gì mình cũng có thể viết được như vậy!” Nhưng nối tiếp mạch cảm xúc ấy lại là nỗi băn khoăn tự hỏi: “Tại sao? Tại sao lại không thể cẩm bút lên và viết… cho chính mình?” Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi một cách thường trực đến nỗi sau kỳ thi cuối kỳ ở trường Đại học tôi quyết định thực hiện bài viết này – cái mà trước đây chỉ đang nằm trong tâm tưởng.
Như chúng ta đã biết, giao tiếp bằng ngôn ngữ có hai hình thức chủ yếu: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh ưu điểm của ngôn ngữ viết và lợi thế của ngôn ngữ viết so với ngôn ngữ nói để lý giải cho câu hỏi đã được nêu ra ở đầu bài.
Ngôn ngữ viết là thứ ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác. Ngôn ngữ viết được sản sinh một cách có chọn lọc, được suy nghĩ, nghiền ngẫm và gọt giũa kỹ càng. Khi đưa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết lên cùng một hệ tham chiếu, chúng ta dễ dàng nhận ra quy trình thực hiện ngôn ngữ viết công phu, phức tạp và đòi hỏi sự tinh lọc cao hơn rất nhiều. Đi vào tìm hiểu ngôn ngữ viết đôi chút để thấy được sự viết nó không đơn giản nhưng cũng chẳng hề phức tạp như đa số mọi người vẫn nghĩ.
Không phải cứ vung bút lên lời hay ý đẹp, văn chương lả lướt thì mới là viết. Viết chỉ đơn thuần là thể hiện những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, quan điểm. Viết là phương thức để “vật chất hóa” tư duy. Tư duy của mỗi người được thể hiện qua câu chữ tiết lộ đôi điều về tính cách, tư tưởng, khí chất của người đó. Thậm chí đôi khi là toàn bộ con người.
Viết để giải phóng
Nghe thì có vẻ buồn cười! Giải phóng ư? Giải phóng cái gì mới được chứ? Miễn bàn đến cái ý nghĩa cao siêu của “giải phóng” trong các cuộc cách mạng đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc mà các sách lịch sử vẫn thường diễn giải hay giải phóng con người phi thường trong bạn như các diễn giả truyền cảm hứng vẫn thường nhắc đến. Ở đây, đối với người cầm bút nói chung, viết giúp giải phóng những mối bận tâm choán lấy tâm trí.
Nhà báo viết để đem lại cho con người những tin tức bổ ích, sự kiện quan trọng đồng thời để thỏa mãn cái ước muốn khám phá, phiêu lưu của họ. Nhà văn viết để sáng tạo lại thế giới thông qua nhãn quan của họ đồng nghĩa với việc họ thiết lập nên một thế giới riêng biệt mà chính tác giả là sợi dây vô hình gắn kết tác phẩm với thế giới hiện thực; từ đó, con người có thể bước vào thế giới riêng đó, quan sát nó và so sánh, liên hệ với thế giới thực hay đơn thuần chỉ là đi tìm sự đồng điệu về tâm hồn. Và còn nhiều những người viết khác nữa, hữu danh lẫn vô danh.
Cuộc đời mỗi người như một cuốn sách. Mỗi ngày là một trang trong cuốn sách kỳ diệu đó. Viết lại những trải nghiệm của bản thân (nhật ký) cũng tương tự như một nhà biên niên sử ghi ghép lại dòng chảy của thời gian. Hoạt động đó thiên về hướng vào nội tâm từ đó rèn giũa và tự vấn lương tri giúp thân và tâm trong sáng, lành mạnh hơn. Tuy chưa hiểu trọn vẹn nhưng tôi cũng xin mạn phép dùng hai chữ – khai tâm để diễn đạt cho cái lợi của sự viết.
Có một cách đơn giản để tạo nên giá trị
Một người bạn của tôi từng nói: “Người đang viết cứ viết và người đang đọc thì vẫn cứ đọc…” Câu nói ngắn gọn nửa vời ấy làm tôi phải suy nghĩ. Đúng vậy, ở đất nước Việt Nam, nơi mà đa phần người ta coi trọng tủ rượu hơn tủ sách thì đúng là người viết cứ viết, người đọc là những người thích thú, say mê đọc thì cứ đọc, còn những ai không đọc thì vẫn hoàn không đọc. Nhiều bạn trẻ ham học hỏi, tìm tòi say mê đọc sách để lĩnh hội tri thức nhân loại, tu dưỡng nhân cách và tâm hồn. Tuy nhiên số lượng đó vẫn quá khiêm tốn và hoàn toàn bị áp đảo khi đem lên bàn cân so sánh với con số còn lại.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để thiểu số đánh thức đa số? Cách đơn giản nhất là những bài viết. Những người viết – những đốm lửa nhỏ cần mẫn vẫn đang từng ngày từng giờ le lói thắp sáng để đến một ngày nào đó khi đã đủ nguồn lực có thể bùng cháy một cách mạnh mẽ huy hoàng nhất. Tuy hy vọng thật mong manh nhưng dù sao điều đó ít ra cũng không phải là một giải pháp “dã tràng xe cát” hay “đem muối bỏ bể”. Cứ như một cơn mưa dầm dề, âm ỉ sẽ dần dà thấm vào nhận thức của những người xung quanh. Và công việc đó không thể chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai mà kết nên quả ngọt, đó là một quá trình bền bỉ, cần mẫn không mệt mỏi.
Đó cũng là giá trị của bạn
Thật rập khuôn nếu áp đặt giá trị của một con người thông qua bài viết của họ. Nhưng dù sao đi chăng nữa, như đã đề cập, thông qua câu chữ thì tính cách, tư tưởng, khí chất của một người được bộc lộ. Vì vậy, hãy rèn luyện kỹ năng viết như một điều tất yếu. Đó cũng là lý do tại sao trong nền kinh tế tri thức ngày nay, nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ở nhân viên của mình kỹ năng viết (thể hiện qua đơn xin việc) bên cạnh kỹ năng giao tiếp.
Nếu như những người khác đánh giá chúng ta qua cách sử dụng ngôn ngữ thì tại sao chúng ta lại không rèn luyện và trau dồi nó để biến nó trở thành món vũ khí lợi hại? Điều đó đâu có quá khó khăn. Thuở ban đầu, mọi sự đều “khởi đầu nan”. Bí quyết để tạo động lực cho mọi khởi đầu được Lão Tử cô đọng trong câu nói giản dị:
“Hành trình ngàn dặm khởi đầu từ một bước chân.”
Khó khăn đầu tiên trong việc bắt đầu viết một thứ gì đó chính là tâm lý, cụ thể hơn là nỗi sợ hãi vô hình trong tâm thức. Chìa khóa của vấn đề đơn giản là hai thái cực của một thỏi nam châm: dám – không dám. Sự lựa chọn nghiêng về thái cực nào là vấn đề thuộc cá nhân. Khi ta đủ lý do và cảm xúc tích cực ắt sẽ tạo nên động lực đủ mạnh để vượt qua nỗi sợ hãi. Một rào cản nữa sau khi đã chiến thắng bản thân khỏi sự nhút nhát ngự trị là nỗi sợ mắc sai lầm khiến người khác cười chê.
Quay lại giá trị ban đầu của việc viết, trước tiên viết là để cho chính mình. Việc sợ mắc sai lầm còn nguy hại hơn việc mắc sai lầm gấp ngàn lần. Khi bạn dũng cảm gửi một bài báo cho tòa soạn, một lá đơn bày tỏ nguyện vọng hợp tác với nhà tuyển dụng hay đơn giản chỉ là đăng một status bày tỏ suy nghĩ, quan điểm đó cũng chính là lúc bạn vượt qua nỗi sợ hãi, thoát khỏi vùng an toàn để tiếp tục dấn bước. Phản hồi của tòa soạn, nhà tuyển dụng hay bạn bè của bạn có thể không như ý. Không sao, không vấn đề gì cả. Không có sai lầm cũng sẽ không có thành công.
Một lý do chính đáng để bắt đầu
Bạn đã đủ lý do để cầm bút lên và viết (nếu bạn muốn) chưa? Nếu vẫn chưa, tôi có thể cho bạn một lý do. Một lý do có thể hết sức ngớ ngẩn. Lý do đó đơn giản chỉ là: Tôi cũng như bạn – một người yêu thích viết lách đang hiện thực hóa mong muốn giản đơn của mình. Và đến cuối bài viết này, tôi đã làm được điều mà tôi ấp ủ bấy lâu. Tôi không hy vọng quá nhiều về việc bài viết của mình sẽ được đăng. Dù sao đi chăng nữa, đốm lửa nhỏ là tôi hy vọng sẽ truyền được chút xíu nào đó cảm hứng cho những người bạn như tôi để thấy bước ra khỏi vùng an toàn và làm điều mình thích thật tuyệt!
Nguyễn Ngân Diệu Niê
Và 5 năm sau mình được đọc bài này, giá trị bạn để lại thực sự đúng như những gì bạn nghĩ
“Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước chân”. Nếu như muốn viết để chia sẻ tâm tư suy nghĩ với người khác, trước hết ta cần đối diện với chính mình và tự viết một cuốn sách về hành trình cuộc sống của mình_nhật kí
Bạn viết hay lắm. Cứ tự tin và tiếp tục nhé, mình cũng là một người thích viết lách và sau khi đọc bài viết của bạn, mình cũng có thêm động lực để làm điều mình thích.
Cảm ơn bạn Anne tóc đỏ!
Theo mình thì cầm bút viết sẽ hiệu quả hơn dùng bàn phím gõ vì những gì khi ta viết ra sẽ được ghi nhớ lại ngắn hay dài. Ngoài ra, những dòng chữ trên giấy cũng tạo ra những suy nghĩa liên tưởng một cách vô tình.
Dù viết tay hay đánh máy thì tựu trung cũng đều là viết. Cây bút và bàn phím cùng là hai công cụ phục vụ cho sự viết đó. Và nhan đề mình đặt chỉ mang ý ẩn dụ cho mục đích chính mà mình muốn truyền tải. Bạn nói đúng! Cây bút và quyển sổ sẽ tạo được nhiều cảm hứng hơn. Mình nghĩ là tùy vào từng hoàn cảnh, mục đích mà chúng ta linh hoạt sử dụng chúng sao cho có hiệu quả. 🙂
Bạn đã bắt đầu bước những bước chân đầu tiên rùi đó…cố gắng lên nhé! 🙂
Mình chân thành cảm ơn bạn!