Featured Image: Take The Moment
Bài viết này được viết với mục đích thực hiện một lời hứa rằng ngày nào đó tôi sẽ viết một bài cực kỳ lộn tùng phèo không ai có thể hiểu được, điều đó chẳng có gì đơn giản hơn việc viết về thứ mà chính tôi cũng không thể hiểu nổi. Đó là bí ẩn của những giấc mơ.
Giải thích một số ký hiệu để người đọc đỡ bị nhức đầu:
*(): lời văn được viết trong dấu ngoặc này được hiểu là sự diễn giải giấc mơ
*<<>> : lời văn được viết trong dấu ngoặc này được hiểu là sự phân tích sâu hơn của kiến thức dùng để diễn giải giấc mơ.
Đôi khi trong bài tôi có sử dụng lẫn lộn giữa hai cách xưng hô; “mình” lúc ấy tôi đang tự nói với chính mình; “tôi” lúc ấy tôi đang phân giải giấc mơ một cách khách quan.
Đây là một giấc mơ khiến cho mình cảm thấy sợ hãi, điều này có nghĩa đó là một giấc mơ trái với lương tâm, đồng thời nó lại khá phù hợp với hoàn cảnh hiện tại để phân tích nó một lần nữa. Các bức tranh.
Bắt đầu giấc mơ là cảnh mình đi lang thang ngoài phố, vào ban đêm, để kiếm bức tranh chân dung của một bá tước. (Điều này làm tôi liên tưởng đến Dorian Gray, bức chân dung của quỷ. Đôi khi trí nhớ rất khó tin tưởng, nó mong manh dễ trộn lẫn như những làn khói, tôi không còn nhớ chính xác được là mình đã xem bộ phim đó trước hay sau khi mơ vì tính chất sẽ khác nhau hoàn toàn.)
<<giấc mơ này chắc hẳn bóc trần cái tôi của tôi để hé ra một phần nào đó rất ghê tởm vì trong khi tôi phân tích giấc mơ này, tôi có cảm giác như có người đứng nhìn mình từ phía sau. Đó là một loại cảm giác khá phổ biến đối với nhiều người, có thể so sánh một cách đại khái giống như “có tật giật mình” khi lén lút làm việc gì đó sai trái và sợ bị người khác bắt quả tang. Cũng là một trong nhiều loại cảm giác được biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần phân liệt hay có, thực ra nói chính xác thì người bị chẩn đoán mắc bệnh phải hội đủ nhiều yếu tố và triệu chứng hơn là một biểu hiện.
Nhân cách của những người bị mắc bệnh tâm thần phân liệt đã bị tan rã, người mắc bệnh thường thấy ảo giác hoặc thính giác, hoang tưởng rằng có người âm mưu chống lại mình, âm mưu theo dõi và hãm hại hoặc muốn giết chết mình. Và cái cảm giác như có người đứng nhìn từ phía sau là một biểu hiện đơn độc và là tiền đề cho các chứng hoang tưởng đó ở người bệnh. Tiếp tục nói đến việc nhân cách của người bệnh bị tan rã, chính xác là cấu trúc tâm thần của họ bị tan rã, bao gồm cái Tôi, Siêu tôi và cái Ấy.
Cái siêu tôi có thể hiểu nôm na chính là lương tri của con người, nó là cái sẽ làm bạn cắn rứt lương tâm khi đã nghĩ điều gì hoặc làm điều gì trái với chính nó, tôi nói là với Nó chứ không nói là trái với xã hội. Nó có rất nhiều thứ thậm chí đi ngược với xã hội.
Như nhà văn Harper Lee trong cuốn sách “Giết Con Chim Nhại” đã nói rằng lương tâm là thứ duy nhất đi ngược lại với số đông. Và cái cảm giác ai đó đang nhìn chính là xuất phát từ việc cái siêu Tôi của người ấy, đã bị tách hẳn ra khỏi cấu trúc nhân cách để phán xét việc làm của cái Tôi. Sự cắn rứt lương tâm của người bệnh có thể bị đẩy lên đến cao trào, đỉnh điểm là tưởng như có ai đó muốn giết chết họ chẳng hạn.>>
Quay trở lại với phim Dorian Gray, đó là một bộ phim từng rất đúng với mình, một bộ phim về sự xấu xí đáng ghê tởm của tâm hồn một con người có thể đạt đến vì ham muốn, danh vọng và sắc đẹp. Nhân vật là một người có sắc đẹp mê người, nhưng khi bức tranh được hoàn thành, bản thân bức tranh còn đẹp hơn cả người thực. Và điều kỳ dị bắt đầu xảy ra khi các vụ mất tích không dấu vết, không thủ phạm.
Dorian Gray sống đến cả trăm năm nhưng trông vẫn y hệt như lúc gã được hoạ, vẫn sống xa hoa, thác loạn và giữ được sắc đẹp của mình cho đến khi bức tranh được tìm ra. Bức chân dung của Dorian Gray, bức chân dung của quỷ, bức chân dung đáng lẽ ra phải là của một thiên thần nhưng bây giờ đã biến thành bức chân dung của một con quỷ thực sự, một xác chết trên con đường phân huỷ đã đội mồ sống dậy và nhìn trừng trừng người đang nhìn nó. Đó là linh hồn của Dorian.
Bộ phim kết thúc khi Dorian thực sự tìm được tình yêu đích thực của mình, đã nhận ra được sự giày vò của lương tâm, bức chân dung cả quỷ bị đốt, gã giẫy chết… bức tranh ngày nào của gã trai với lương tâm còn chưa bị vẩn đục bởi danh vọng tái sinh.
Có lẽ nào trong giấc mơ mình đã tìm kiếm bức tranh này? Tức là đang tìm kiếm linh hồn của chính mình? Lương tri của chính mình sao? Nhắc lại bối cảnh lúc đó cũng không phải là không hợp lý. Đó là quãng thời gian rất khó khăn của mình.
<<Nói một chút về sự khác biệt tính chất giữa việc xem bộ phim trước hay sau khi mơ, nếu xem trước thì không có gì nhiều để giải thích, đó là do vô thức đã vay mượn một số chi tiết mà ta có khả năng hiểu giải mã để xây dựng giấc mơ. Nhưng nếu xem bộ phim sau khi mơ thì điều đó có nghĩa là bộ não con người, chính xác là vô thức của con người siêu việt hơn là tôi đã được học.
Điều này có nghĩa là vô thức không ngừng thôi thúc con người hoặc cái tôi – ý thức đi tìm chất liệu để giải mã giấc mơ. Xét về cấp độ rộng hơn thì vô thức có thể khiến cho con người ngày một thấu hiểu bản thân và hoàn thiện mình hơn nhưng với điều kiện cái tôi – ý thức phải biết cách lắng nghe thông điệp của nó>>)
Tiếp tục, hẳn là mình đã từng nhìn thấy bức tranh đó rồi nên trong ký ức vẫn còn một chút hình ảnh về nó (sự diễn giải một cách vô thức này rất ăn khớp với sự đối chiếu bên trên). Dọc con đường hiện ra vài bức tranh khá là sống động, đến mức mình đã lo sợ là người từ trong tranh sẽ bước ra, nhưng tất cả đều không phải là bức tranh mình tìm kiếm (Sống động vì mỗi một bức tranh đều là một linh hồn của một cá thể nào đó).
Đặc biệt, bức tranh đó mình không thể nào nhớ mặt người được vẽ – tức là nhân vật bá tước. (theo Freud thì đó là một người rất gần gũi, rất quan trọng với mình). Mình đi vào một phòng trưng bày tranh, hay là một căn nhà gì đấy và bắt đầu lùng sục bức tranh nhưng vẫn không thấy.
Tiếp theo là hình ảnh họp lớp, chỉ có một vài người và hai người khá là quan trọng đối với mình. Sau khi tiệc tùng được một lúc, mình nghe được một đoạn nhạc: “Khi nơi núi non hết chập chùng…” Lại nhảy đến một cảnh khác, không giống như ngôi nhà nằm trên ngọn núi vừa rồi, ngôi nhà này nằm trên mặt bằng và mình có ý mượn ai đó chìa khoá để vào bên trong nhưng không dám (Nỗi sợ hãi của tôi bắt đầu dâng lên từ đoạn này, tôi sắp sửa làm gì đó sai trái).
Mình mượn cô bạn hàng xóm cái máy ảnh để tìm kiếm bức chân dung bá tước nhưng vẫn không tìm thấy! Sau đó tiệc bắt đầu tàn, Phương Anh, bạn rất thân của mình hồi ấy, nhỏ viện cớ gì đó xin về trước tiên, người đến rước nó đi là một bà nào đó tay đang cầm điều thuốc.
Tiếp đến là là cảnh có người đang sửa lại căn nhà, họ xây dựng những bức tường gạch lấp lối ra vào lại. Mình đã nhanh chóng chạy vào xin lấy đồ đạc vì mọi người đã về hết rồi chỉ còn có mình và một người bạn thời thơ ấu, nhỏ cảm động và bảo rằng mình là người tốt. (Nghe cứ như là lời nhắc nhở vì mình đã quên mất điều đó rồi).
Mình tìm được cuộn băng cassette và cho chạy nghe, đó là lời sau cùng của tác giả bức tranh bá tước. Trong khi lắng tai nghe mình tranh thủ vơ lấy hết tất cả tranh ảnh, sách vở của tác giả, mà lúc đó mình đã nghĩ là Phoenix, một người chị đã dẫn đường mình đến với thế giới sách. Nhưng khi băng cassette chạy, lời nói cất lên lại là của một người nam, anh ta tố cáo rằng chính người bạn gái đã bắt anh ta vẽ bức tranh bá tước rồi sau đó giết chết anh. (Chi tiết này đã bị đảo ngược một chút so với chi tiết trong phim Dorian Gray. Đó là nhân vật hoạ sĩ tư nguyện vẽ chân dung cho Dorian vì cái đẹp quá trong sáng của anh ta. Nhưng sau đó đã bị chính anh ta giết chết để ăn cắp bức tranh quái dị).
Trong khi gói ghém đồ đạc, mình đã nghĩ nếu Phoenix – bạn tôi biết thì tôi sẽ trả, nếu không tôi sẽ lấy luôn vì đâu có ai biết được!!! (đây là hành động ăn cắp một cách trơ trẽn vì người này trong giấc mơ đã chết rồi).
Điều đáng nói là đến cuối cùng, cho dù đã ăn cắp hầu hết tác phẩm của người khác mình vẫn không tìm được bức tranh bá tước. Trong đầu mình vẫn còn nhớ khá rõ hình ảnh một người quỳ một chân (chính là tôi), cúi người lục lọi trên kệ sách những gì mình có thể lấy được, xung quanh là sự sụp đổ của một căn phòng*, đồ đạc đã bị bươi tung lên khắp nơi…
(Nói sơ qua một chút về Phoenix, người bạn chưa bao giờ gặp mặt của tôi, người đã dẫn đường cho tôi đến với thế giới sách Haruki Murakami, người đã đặt viên gạch đầu tiên cho cuộc xây dựng tâm hồn của tôi, vì trước khi đọc sách của Haruki Murakami tôi rất khác. Và sau đó sách của Murakami lại là cánh cửa để tôi gặp được phần con người còn lại của mình. Một Doppelgänger chính hiệu của tôi. Tiếp theo đó là sự sụp đổ cái tôi cũ và chính thức bước vào xây dựng và hoàn thiện cái tôi mới. Lần theo sợi dây của các sự kiện trong cuộc đời mình tôi mới hiểu con người tôi chưa từng gặp này có ý nghĩa đến chừng nào.
Đối chiếu với bối cảnh hiện tại, tức là 2-3 năm gì đấy sau khi tôi có giấc mơ này tôi mới bắt đầu quan tâm đến tranh, bắt đầu hiểu được rằng mỗi một bức tranh là một phần linh hồn của tác giả. Tôi có một mong ước muốn học vẽ, vẽ thật tốt để hoàn thành bức tranh “Kẻ trộm sách” của mình, trước những hình ảnh như thế này thì ngôn ngữ là bất lực. Và Phoenix cũng là một người biết vẽ. Người bạn này đã từng luyện vẽ cực lực để thi tuyển sinh đầu vào ngành Kiến trúc nhưng đáng tiếc lại phải học làm Luật sư.
<<Một vài trích dẫn trong “Khởi Sinh Của Cô Độc” về căn phòng* – Paul Auster, tuy không phải là nhà phân tâm học nhưng cũng là một người Do Thái với sự nhạy cảm siêu phàm của một nhà văn bậc thầy về thể loại phân tâm học. Theo đánh giá chủ quan thì Haruki Murakami vẫn chưa thể sánh bằng vì sự phức tạp dài dòng trong sách của ông, ngay cả Franz Kafka cũng chỉ viết những câu chuyện khó hiểu một cách ngắn gọn nhất.
*“Căn phòng không phải là sự tái hiện của nỗi cô độc mà nó chính là cốt lõi của nỗi cô độc ấy.” Theo Freud thì căn phòng hoặc là căn nhà là biểu tượng của âm hộ hoặc tử cung nhưng điều đó cũng chẳng có giá trị thực tiễn gì trong việc giải thích giấc mơ. Paul thì khác, cách giải thích của Paul thú vị hơn nhiều, tôi thích phân tâm học nhưng thật ra rất ít theo lý thuyết nguyên thuỷ của Freud. Theo Paul, căn phòng là dạ con cũng là chốn khởi nguyên của trí tưởng tượng.
“Căn phòng* không phải là nơi trốn tránh khỏi thế giới… Thế giới đã co lại thành kích cỡ của một căn phòng đối với anh, và khi nào nó còn bắt anh phải hiểu về nó, anh phải ở lại nơi mình đang ở. Và nếu anh không tìm được nơi ở này, việc nghĩ đến việc tìm đến một nơi khác thật là ngớ ngẩn.” – Paul Auster.
“Mọi nỗi đau khổ của con người bắt nguồn từ một điều duy nhất: anh ta không thể ngồi yên lặng trong phòng của mình.” – Pascal. >>
Sau khi khảo cứu sơ sơ về căn phòng* tôi mới nhớ ra rằng căn phòng trong giấc mơ không phải là “căn phòng của mình”, đó là “căn phòng” của Phoenix và tôi là người đã lẻn vào khua khoắn đồ đạc của chủ nhân. Những thứ tôi lấy cũng chính là sản phẩm của trí tưởng tượng của người khác. Tôi ở trong “căn phòng” của người khác, ăn cắp trí tưởng tượng của người khác, muốn tìm kiếm linh hồn của mình trong “sự cô độc” của người khác, trong sự bắt chước người khác. Điều đó cũng không hẳn là độc ác, nó hèn thôi. Như trong lời của Oscar Wilde: “Chúng ta đều là kẻ khác.” Hoặc lời của Rimbaud: “Tôi là một kẻ khác.”
<<Nói về cuốn sách, chắc chắn là tôi đã mua sau khi có giấc mơ đó, điều này có nghĩa là tôi đã tự thúc đẩy mình hoàn thành mục tiêu một cách vô thức. Thế giới vốn kỳ diệu, con người là một phần của thế giới cho nên cũng rất kỳ diệu>>)
Kết
Lúc đầu, khi bắt tay vào viết lại cái thứ giấc mơ dài dòng và quái dị này tôi không nghĩ mình có thể nói được điều gì rõ ràng hơn so với 2-3 năm trước đây. Tôi lôi nó từ cuốn nhật ký bị xếp dưới đáy tủ ra để xem lại chỉ vì hôm nay tôi vô tình gặp đúng người tôi muốn gặp, sự vô tình đó làm cho tôi tin rằng cả thế giới thực sự đồng ý giúp tôi hoàn thành mơ ước của mình, phần tôi chỉ việc hoàn thành nốt những gì trong quá khứ tôi đã bỏ dang dở. Tôi thực sự không ngờ mình lại có thể kéo ra được dòng suy nghĩ mạch lạc và dễ hiểu như thế này, cho nên mục đích lúc đầu đã không còn đúng với bây giờ nữa.
Quyên Quyên