Nội dung
Trước khi ngồi xuống và gõ ra bài viết này để tham gia cuộc thi của THĐP, tôi đã có một khoảng thời gian làm việc với chính mình để trả lời cho dạng câu hỏi như tựa đề của cuốn sách Bạn sẽ sống mấy lần? một cuốn sách của Triết Học Đường Phố phối hợp cùng Skybooks và NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành.
Vậy tôi sẽ sống mấy lần?
Thú thật tôi chỉ nghiêm túc hỏi mình câu này sau khi cuốn sách này tồn tại. Mà tôi biết đến sự tồn tại của nó cũng vì tôi may mắn là một trong số nhiều người viết được chọn để góp lời trong cuốn sách Bạn sẽ sống mấy lần? này.
Ý tưởng phản biện hiện lên đầu tiên, tại sao lại hỏi sống mấy lần trong khi ở lần sống này còn chưa biết sống để làm gì và liệu lần sống này có đủ thú vị để tôi chọn sống thêm lần nữa?
Đúng vậy, phải biết mình sống để làm gì và tại sao phải sống cái đã. Và nội dung xuyên suốt của cuốn sách sẽ đồng hành cùng bạn đọc trên hành trình tìm kiếm câu trả lời.
Về sự sống và mục đích sống
Sống (động từ), sự sống (danh từ), thoạt nghe có vẻ phổ biến mà ai cũng ít nhất một lần nghe qua và hiểu. Hiểu thôi, hiểu như thế nào, ở tầng mức nào thì chưa vội bàn tới, bởi, không phải ai cũng nhìn một sự kiện, một hiện tượng ở cùng một góc độ và mức độ giống nhau.
Chúng ta có thể dùng chung một khái niệm nhưng ý niệm về khái niệm thì không.
Đơn cử như khi dùng “sống” và “sự sống” để chia sẻ về cuộc sống, ai đó có thể dùng sự sống để miêu tả về một hiện tượng đối lập với cái chết, nhưng tôi, lạ lùng thay, tôi lại muốn dùng hai chữ sự sống như là cách để biểu đạt cho một trạng thái tồn tại gồm luôn cả cái chết. Và trong “sống” có “sự sống” như đại dương có trong một giọt nước và bản thân “sóng” chính là “nước” và vậy.
Cho nên khi hỏi “bạn sẽ sống mấy lần?” nếu chúng ta không cùng góc nhìn và mức hiểu trên, rất dễ để một người mắc kẹt vào chiều kích đi tìm số lần mà ta có thể sống và chết thay vì tìm thấy mục đích và bức tranh toàn vẹn của sự sống.
Tuy nhiên, nếu bạn sẵn lòng, bạn có thể để cho tâm mình tiếp tục nhìn, để trí năng mình vận hành cùng trí tưởng tượng mà quán tưởng câu hỏi này ở nhiều góc độ khác nhau và nếu có thể, hãy để trực giác dẫn dắt bạn, thông qua cuốn sách này để thật sự có câu trả lời toàn vẹn rằng mình sẽ sống như thế nào, sống vì điều gì và sẽ sống mấy lần?
Trực giác và tính trừu tượng
Tự dưng viết đến đây, tôi lại muốn gây sự chú ý với các bạn một chút chuyện riêng tư. Chẳng là một người bạn đã đến và nói với tôi thế này: “Em biết dùng những thứ khó hơn những thứ khó để thấy thứ khó trở nên dễ.”
Thú thật, tôi vẫn chưa thấu đạt câu này. Bởi tôi băn khoăn. Liệu rằng sau bao năm nỗ lực mình vẫn chưa thể biểu đạt một vấn đề sao cho người nghe dễ dàng nắm bắt? Mà việc mở ra một cánh cửa dẫn đến sự thật thì làm gì có chuyện dễ dàng? Chân tướng của sự thật vĩnh hằng có thể đơn giản nhưng hiểu được vẻ giản đơn này đòi hỏi con người ta phải đối mặt với những thứ khó. Đó có thể là tính trừu tượng mà tôi gợi ra thông qua sự sống có trong sống hay như câu mà Thiên Chúa từng phán “Ta là sự sống và là sự sống lại!”
Vậy nên câu thoại đó cứ lởn vởn trong tâm trí tôi mỗi ngày, và mỗi một ngày trôi qua, tôi lại chất vấn về tính trừu tượng trong cách mà tôi chia sẻ, dù là lời nói hay chữ viết.
Trước đó tôi chưa bao giờ có ý định sẽ wikipedia về hai từ trừu tượng. Tôi nghĩ mình về cơ bản cũng hòm hòm ra được ý nghĩa của nó. Nhưng tôi vẫn làm. Vì thói quen sử dụng phép đối chiếu và so sánh thông tin. Và vì một điểm bùng phát khá thú vị nữa. Đó là khi tôi gửi bản thảo tiểu thuyết đầu tay đến một vài đơn vị xuất bản.
Sau nhiều lần kiên trì sửa đổi bổ sung, bản thảo mình ưng ý nhất cuối cùng cũng nhận về một vài phản hồi.
Trong đó, có phản hồi từ chối của một biên tập viên khiến tôi hứng thú đến mức phải thẩm tra lại ý nghĩa thật sự của hai từ trừu tượng.
Họ nói tiểu thuyết tôi viết cũng ổn, cũng chỉnh chu, cũng đôi chỗ hấp dẫn này nọ. Nhưng, vâng, thường sau chữ nhưng bao giờ cũng làm người ta chưng hửng, họ bảo tiểu thuyết không có cốt truyện rõ ràng và chứa đựng quá nhiều lý thuyết trừu tượng.
Chà, thú vị chưa!
Đâu đó ngoài kia còn có người cho rằng đọc Tội ác và Hình Phạt của Fyodor Dostoyevsky là một hình phạt và nghe nhạc của Beethoven, bạn biết đó, hơi ồn, cho nên chẳng có gì phải buồn khổ với cái ý nghĩ thế giới hư cấu mình xây nên bằng ngôn từ lại rất ư là trừu tượng.
Nếu copy nguyên văn Wikipedia, sẽ thế này:
“Một sự trừu tượng” là kết quả của quá trình tạo ra một khái niệm đóng vai trò như một danh từ siêu thể loại cho tất cả khái niệm bên dưới, và những sự liên kết cùng các khái niệm liên quan như nhóm, trường, hoặc thể loại. Trong nghệ thuật trừu tượng khác với ấn tượng bởi ấn tượng là những sự dễ hiểu còn trừu tượng là bao quát gồm nhiều sự tưởng tượng mà khó có thể hình dung được…”
“…trừu tượng là bao quát gồm nhiều sự tưởng tượng mà khó có thể hình dung được…”
Tôi không muốn mượn lời Milan Kundera để biện giải cho cái gọi là lý do tại sao mình lại muốn trở thành tiểu thuyết gia và định hình cuốn sách đầu tay bằng hai chữ tiểu thuyết. Mặc dù ông ấy có bảo là: “Các tiểu thuyết trước đây quá lệ thuộc vào quy tắc thống nhất các hành vi và sự kiện theo luật nhân quả. Các tiểu thuyết đó giống cái ngõ hẹp mà người ta dùng roi lùa các nhân vật đi theo.”
Vâng, vì lẽ đó mà tôi đã không chọn trở thành một nhà trị liệu tâm lý hay huấn luyện viên tinh thần hay bất kỳ vai trò nào khác để truyền trao thông điệp mà tôi được vũ trụ trao ban. Tôi không chọn trở thành người rao giảng tin mừng. Bởi vì sự sống đâu chỉ có mỗi tin mừng?
Có quá nhiều thứ phi lý và huyền bí bên tròn hai chữ sự sống. Việc nói những thứ có thể nói, viết những thứ cụ thể dễ hình dung, thì không cần dấn thân vào tiểu thuyết. Và nữa là tôi viết tiểu thuyết không phải để thuyết phục người đọc tin là thế giới đó, cái thế giới mà nhân vật xảy ra chuyện là thực, là diễn biến logic, là mạch truyện có lớp lang chặt chẽ. Tôi viết tiểu thuyết là để bản thân mình cũng như bạn đọc hướng đến một sự biết lạ lùng hơn đằng sau những hiểu biết thông thường.
Người ta có thể biết nhiều, nhưng họ không bao giờ biết hết. Người ta có thể lên kế hoạch bài bản cho cuộc đời, nhưng họ không thể kiểm soát được nó. Người ta có thể dự trù cho tương lai, nhưng ai mà biết tương lai chắc chắn diễn tiến như thế nào.
Chúng ta là ai mà biết được sự sẽ như thế nào? Cũng như chúng ta là ai mà biết chúng ta nên sống ra sao và sẽ sống mấy lần?
Vấn đề là bạn sẽ sống mấy lần?
Tương lai cũng kỳ lạ và hư cấu như thế giới hư cấu của một cuốn tiểu thuyết. Thế thì một cuốn tiểu thuyết, ở đó có những nhân vật không hành sự như một cỗ máy được lập trình, không có một sự hợp lý nhất định nào trong hành động, không lệ thuộc vào quy tắc thống nhất hành vi và sự kiện theo luật nhân quả liệu có điều gì ngăn trở và khó hiểu?
Chắc chắn rồi, nếu một người cần có sự đảm bảo và logic trong từng suy nghĩ và hành động cho nhân vật, hẳn họ là người hâm mộ triết gia Aristoteles, ông ấy là người khởi xướng mạch truyện ba phần quen thuộc: mở đầu, diễn biến và kết thúc như trong một bài nghị luận xã hội hay một kịch bản phim điện ảnh.
Thiệt không may tôi hâm mộ vũ trụ, hâm mộ những hiện tượng vô thường, huyền bí và phi lý. Tôi cũng quý tư duy của triết gia Aristoteles nhưng không nhất thiết phải bắt chước theo ý ông. Nhất là khi tôi không phải là một biên kịch hay một nhà phê bình đời sống của các nhân vật.
Công việc của một tiểu thuyết gia, như lời của nhà văn gốc Tiệp Khắc Milan Kundera chia sẻ về bản chất của tiểu thuyết, là nói cái không thể nói bằng cách nào khác ngoài tiểu thuyết.
Một câu chuyện không phải lúc nào cũng như ta muốn nó phải là. Nó nên tuân theo ý muốn của nhân vật.
Tôi không muốn lùa nhân vật đi theo một con đường được vạch sẵn bởi vì tôi không có khả năng và bởi vì tôi muốn trải nghiệm cái gọi là sự tôn trọng. Chúa đâu có lùa tôi đi trên con đường cụ thể nào. Ngài cho tôi quyền lựa chọn. Ngài tôn trọng tôi. Tại sao tôi không thể tôn trọng các nhân vật của mình?
Tôi tôn trọng các nhân vật như cách tôi tôn trọng chính mình. Tôi dõi theo ước muốn của họ. Một nhân vật tồn tại để làm gì nếu như sau tất cả anh ta không nhận ra thứ mà anh đấu tranh trong suốt cuộc đời mình chính là sự sống, sự tồn tại của chính anh?
Lẽ nào anh ta cứ đỏm dáng phát triển tài năng và sức mạnh qua bao biến cố và thử thách rồi dùng đó như thước đo cho một chuẩn mực, một mẫu hình người lý tưởng mà độc giả nên hướng theo?
Lẽ nào anh ta cứ mãi cãi cọ phải trái đúng sai để rồi đến tận cùng, khi đối diện trước cái chết, anh ta mới nhận ra mình chưa từng sống?
Lẽ nào một tiểu thuyết gia phải nhào đi nhào lại cái hệ thống chặt chẽ của một câu chuyện kiểu thế, kiểu không thể để tư duy vượt thoát khỏi nhị nguyên, vượt thoát khỏi mọi biên giới hay mọi lề thói xưa cũ để mà bước thong thả với những dạng thức sống bất khả tri khác?
Vì đâu tôi viết? Vì đâu tôi dùng trí tưởng tượng để sáng tạo?
Tôi lấy làm hoài nghi chính mình kinh khủng.
Và sau bức màn hoài nghi ấy, một lần nữa, điểm tháo gỡ thú vị mà tôi chứng nghiệm được, sau những gì tôi trình bày ở trên, bạn biết là gì không?
Chà, đấy là chúng ta, sau tất cả, với sự sống này, nếu con người có thể trở thành một tiểu thuyết gia và sáng tạo ra nhân vật của anh ta theo hướng anh ta muốn vậy anh ta cũng hoàn toàn có thể trở thành một tiểu thuyết gia chế tác ra câu chuyện thú vị mà bản thân là nhân vật trung tâm ngay trong thực tại này.
Sự thật thì chúng ta đã và đang làm điều đó mỗi ngày, chỉ có điều có người làm trong vô thức, có người với sự tỉnh thức, chọn làm trong Ý thức. Có một sự tinh tế, rất tinh tế nằm ở nhận thức để biến một người từ thể bị động sang chủ động, từ con chiên nghĩ mình là tạo vật của Thượng Đế trở thành đồng sáng tạo với Người.
Minh chứng điều này chính là những trải nghiệm thực tế sống động của mỗi người viết trong cuốn Bạn sẽ sống mấy lần?
Đọc nó, và bạn sẽ có chất liệu tin. Tin rằng chính bạn có thể chế tác cuộc đời mình, bao gồm cả câu trả lời cho câu hỏi Bạn sẽ sống mấy lần?
Tóm lại, vì là một trong số người viết góp lời trong cuốn sách, việc tôi chia sẻ về cuốn sách này thật sự là thách thức với tôi. Nhưng tôi vẫn hi vọng thông qua chia sẻ này, sẽ truyền cảm hứng đến bạn để bạn, thông qua Bạn sẽ sống mấy lần? hoàn toàn có thể, như lời đề tựa ở bìa sau cuốn sách:
“Vào bất kỳ khoảnh khắc nào, bạn cũng có sự lựa chọn, hoặc là tới gần hơn với tâm hồn của mình, hoặc là đi xa hơn khỏi nó.”
Một khi tới gần với tâm hồn, bạn mới phát hiện ra mình cũng là đồng sáng tạo với Thượng Đế và hoàn toàn tự do quyết định cho việc bạn muốn sống như thế nào, bao nhiêu lần…
Tác giả: Lê Duyên