Việc mang cho tôi cảm hứng để viết bài này là khi tôi nghe bài Sắc Màu của nhạc sĩ Trần Tiến do diva Trần Thu Hà thể hiện. Tôi đã nghe bài nhạc từ thuở bé cho đến nay đã hàng ngàn lần.
• • •
Chỉ vô tình thôi, khi tập đàn và tìm một số bài ngày xưa để hát, tôi mở ca sĩ Trần Thu Hà. Tôi vô tình nghe chị bạn mở bài Sao em nỡ vội lấy chồng. Rồi tôi lại vô tình yêu mến bài hát Chị tôi với giai điệu da diết quen thuộc từ ngày bé xóm tôi đã hay mở. Nhờ nhiều những cơ duyên vô tình mà tôi tìm đến âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến.
Bất chợt tôi nhận ra mình đã yêu thích âm nhạc xưa cũ từ lúc nào không hay. Giai điệu luôn chạm vào cảm xúc của người nghe. Lời ca mộc mạc, giản dị nhưng mang đầy ý nghĩa đối với người viết. Và việc chọn người ca sĩ thể hiện phù hợp cũng là một nghệ thuật.
Việc mang cho tôi cảm hứng để viết bài này là khi tôi nghe bài Sắc Màu của nhạc sĩ Trần Tiến do diva Trần Thu Hà thể hiện. Tôi đã nghe bài nhạc từ thuở bé cho đến nay đã hàng ngàn lần. Ngày bé không thuộc nhiều tôi chỉ lẩm nhẩm trong miệng “Một màu xanh xanh chấm thêm vàng vàng.” Bẵng đi một thời gian tôi mở nhạc Trần Thu Hà mới nghe lại bài nhạc Sắc Màu ngày ấy tôi hay nhép theo. Nghe đi nghe lại chỉ biết rằng nó hay vì giai điệu và lời nhạc mình có thể hát theo được.
Cho đến ngày hôm nay, bạn trai tôi bảo nghe kỹ bài nhạc này đi. Tôi bật lại, nghe thật kỹ.
“Một màu xanh xanh chấm thêm vàng vàng…
Một màu nâu nâu một màu tím tím…
Một màu xanh lam chấm thêm màu chàm…
Một màu đen đen một màu trắng trắng…”
Mỗi lời ca cất lên đều khiến tôi nổi da gà. Như thể ông đang diễn tả về cả quá trình làm một con người. Một đứa trẻ rong chơi trên cánh đồng hoang vu, một cậu trai đang nhìn vào mắt người mình yêu, một thanh niên đang lâm trận chinh chiến và cuối cùng là màu đen trắng – người ấy nằm trên chiếc xe tang đi thật vội vàng.
Sau đó tôi tìm hiểu và biết được hoàn cảnh ra đời của bài nhạc. Bài nhạc được viết khi ông bị bệnh nặng phải nằm trong bệnh viện và nghĩ rằng mình sắp chết.
Ông viết bài này để diễn tả trạng thái của một linh hồn, có vẻ ý tưởng đã xuất hiện trong lúc ông chết lâm sàng hoặc do thuốc mê lúc phẫu thuật. Thường thì linh hồn mới chết sẽ còn vương vấn cõi trần và nhớ lại những quá khứ, kí ức còn xót lại trong tiềm thức. Có vẻ như linh hồn này đã không còn nhớ rõ những chi tiết đã cũ quá rồi nữa, mà chỉ còn thấy những mảng màu mà kí ức cố nhớ lại. Màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang. Màu nâu tím mắt em tôi. Màu xanh lam chấm thêm màu chàm. Những kí ức in đậm nhất qua từng thời kỳ của linh hồn ấy chỉ còn lại sắc màu trộn vào nhau. Màu đen trắng chiếc xe tang của chính hồn ma ấy đang chạy đi thật vội vàng.
“Hoạ người dưng nhớ khuôn mặt bắt hình dong.
Rồi một đêm chơi vơi làm sao vẽ bóng tối, làm sao vẽ cánh hoa đen không màu?”
Hình ảnh đã bắt đầu lu mờ, linh hồn cảm thấy lạc lõng chơi vơi, chỉ còn lại màu của bóng tối và rồi chính linh hồn ấy đã nhận biết được mình vô hình.
“Một đêm nhớ nhớ, nhớ ra mình một mình
Một đêm nhớ nhớ ra mình đã ở đâu đây.”
Có lẽ đây là trạng thái của một linh hồn khi đi lạc đến nơi nào thân quen.
“Một đêm trong đêm thâu
Một vầng sáng chói loá
Một đêm nhớ nhớ ra ta vô hình.”
Có thể vầng sáng chói loá ấy chính là ánh đèn trong phòng mổ khi ông tỉnh dậy hoặc có thể là vầng sáng của bậc giác ngộ khi nhận ra vạn vật đều là hư vô. Đã có nhiều người khi trải qua những biến cố lớn như chết lâm sàng, tai nạn, v.v… mà trở nên siêu việt.
Cả bài nhạc là cảnh miêu tả dòng thời gian của chính linh hồn, chính ông từ khi lớn lên đến lúc chết. Không những vậy nó còn là nhiều bức tranh với không gian từ gam màu tươi vui đến không còn màu sắc gì cả.
Âm nhạc của Trần Tiến luôn thế, luôn kể một câu chuyện và cái kết bi thương vô cùng. Chỉ nghe giai điệu mà không nghe kỹ lời thì bài hát cũng đã đủ da diết rồi. Nhưng nếu nghe kỹ mà hiểu được lời thì thật sự Trần Tiến là một nhạc sĩ quá thấu hiểu cuộc đời. Âm nhạc của ông rất có giá trị, ít người có thể làm được.
Tác giả: Bà Năm
Edit: THĐP
NN đã từng bị ca từ và giai điệu của Sắc Màu ám ảnh khi còn là một đứa trẻ.
NN cũng đang tập chơi bài Chị Tôi. =))
NN rất thích bài viết này của Bà Năm. <3