*Ảnh: Billy Rowlinson
Tôi sẽ kể cho bạn hai câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất: Nhà tôi cách chỗ làm tương đối xa, trên đường đi vướng nhiều đèn đỏ, có đèn đỏ dài những hơn 100 giây. Vốn là một người hay quan sát, tôi nhận ra có vài nhóm người chờ đèn đỏ. Một nhóm thì chờ 5 đến 10 giây và vượt ngay, không một chút do dự – nhóm này không nhiều, lác đác vài người. Một nhóm khác sẽ chờ hầu hết thời gian, dù cho đó là hơn 100 giây hay 20 giây, nhưng điểm đặc biệt là tôi thường nghe thấy tiếng rú ga ngày một gấp gáp trong 3 giây cuối, và khi một người quyết định “tiết kiệm” 3 giây đó bằng cách vượt đèn đỏ, và một hiệu ứng dây chuyền xảy ra, hầu hết sẽ vượt trước khi có đèn xanh.
Câu chuyện thứ hai: Nhiều người hay hỏi tôi “Làm thế nào để kiên nhẫn làm việc A, việc B”. Tôi thường nghĩ kiên nhẫn là việc làm thực ra không khó, nhưng đòi hỏi “công phu”. Thực chất bạn chỉ cần làm một việc lặp đi lặp lại HÀNG NGÀY, có khi chẳng cần đột phá gì cả. Ngày hôm nay học ba từ mới tiếng Anh, ngày hôm sau cũng ba từ (mà thực ra một từ mới cũng đã là quá nhiều) và dần dần bạn sẽ cảm thấy đó là việc đương nhiên bạn phải làm, nếu không làm nó bạn sẽ bứt rứt và khi người khác hỏi bạn “Tại sao mày lại kiên nhẫn vậy?” bạn sẽ chỉ cười và cũng không hiểu tại sao luôn. Ồ, vậy hóa ra kiên nhẫn cũng chỉ giống như việc đánh răng trước khi đi ngủ, nó chỉ nhỏ gọn, dễ dàng vậy thôi, nhưng tháng qua tháng, năm qua năm, sẽ đến lúc bạn sẽ không ngủ được nếu không đánh răng buổi tối. Không khó lắm nhỉ, chỉ là khá “công phu” thôi. Công phu có nghĩa là mỗi ngày làm nó một tí, có nghĩa là một lần/ngày trong 1 năm sẽ tốt hơn 365 lần/ngày.
Vậy có mối quan hệ giữa hai câu chuyện này không? Tôi là người hay quan sát và xét nét, tôi nhận ra trong ba giây cuối đó, dường như tim đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp hơn, bạn rung đùi, dần dần rú ga đến một mức nào đó vượt quá sức chịu đựng, cộng thêm một sự thỏa hiệp rằng “vượt mấy giây cuối đâu có tính là vượt đèn đỏ”. Cũng như vậy, bạn nghĩ rằng học một từ mới/ngày làm sao khiến bạn học giỏi tiếng Anh, tập đàn 30’/ngày sao khiến bạn chơi được như một nghệ sỹ. Điều đó đúng trong vài tuần, vài tháng nhưng không đúng cho một quá trình vài năm.
Về mặt sinh học, khi quyết tâm một điều gì, lượng dopamine trong não sẽ tiết ra nhiều khiến bạn hưng phấn và vô cùng quyết tâm, như một ngọn lửa hừng hực vậy. Nhưng lẽ thường, nồng độ dopamine sẽ giảm theo thời gian và bạn sẽ rơi vào trạng thái mất hứng thú, chưa kể còn gặp khó khăn (vẫn không hiểu khi đọc tiếng Anh, chơi đàn vẫn vấp váp nhiều), sự bỏ cuộc sẽ đến càng nhanh hơn. Sự thực, bạn chỉ cần cố gắng vượt qua giai đoạn đó, cứ tiếp tục làm nó một chút, một chút nữa thôi, cứ làm nó kể cả không thấy có gì tiến triển, bạn sẽ tiến được đến giai đoạn biến “nó” thành một phần cuộc sống của mình. Nó giống như 3 giây chờ đèn đỏ thôi, chỉ 3 giây thôi, nếu không 97 giây chờ kia của bạn sẽ thành vô nghĩa. Thực sự rất thú vị khi tôi nhìn thấy mọi người vượt đèn đỏ trong 3 giây đó trong khi bản thân thì vẫn cố chờ 3 giây mặc cho tiếng còi đằng sau inh ỏi. Đến giờ, trong 3 giây đó, tôi vẫn thở bình thường, tim vẫn 70 nhịp/phút và đôi chân vững vàng chờ đèn xanh, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tràn đầy trong cơ thể – năng lượng của sự kiên nhẫn.
*Ảnh: Billy Rowlinson
Hình ảnh 3 giây đèn đỏ kia có gợi cho bạn về các hình ảnh khác không? ví như những người bạn của bạn học ngày học đêm tiếng Anh rồi bỏ cuộc sau vài tuần hay họ vô cùng hứng thú mua một chiếc đàn guitar, violin rồi xếp xó nó sau vài tháng. Hay chính bản thân bạn, có bao giờ bạn nghĩ rằng trong 6 tháng bạn bỏ cuộc kia, nếu bạn cố gắng duy trì nó đến tận bây giờ, hiệu quả sẽ như thế nào?
Suy cho cùng, nếu 3 giây bạn không chờ được, thì liệu bạn có thể chờ được 5 năm để nắm bắt một ngoại ngữ hay 10 năm cho một nhạc cụ.
Không quan trọng bạn làm gì, quan trọng là bạn làm được bao lâu.
rất nhiều cái nó yêu cầu niềm tin mà bạn 😀 tự bản thân thấy việc đó có tương lai, dù một chút thôi vẫn cứ cố gắng
"Niềm tin là đặt chân lên cầu thang mà không biết nó sẽ dẫn mình đi đâu" đôi khi cần phải vậy mà 😀
đúng rồi, chị cũng vậy, chị thấy chính xác là cố chấp chứ k phải kiên nhẫn.
Nar Nguyen oh, hehe, chị là người đầu tiên trong cái list friend của chị mò ra trang này…nhờ 1 lần đọc thêm về Thiền hay sao á :))
Nghĩ lại những gì bản thân đã đánh mất, mới thấm thía cái giá của sự kiên nhẫn. Bây giờ, không còn là kiên nhẫn mà thành cố chấp, cái gì một khi đã quyết, đã bước chân vào làm, thì không bao giờ bỏ cuộc.
Trang này rất thú vị chị nhỉ 😀
cảm ơn đã chia sẻ bài viết 🙂
Cảm ơn bạn 😀
Vẫn là câu nói cũ: "Hà Nội có vội được không?"
hay 😀
hay, cảm ơn ạ 🙂
Một bài hay ạ 🙂