*Feature Image: Ghana Portraits
Những tháng ngày ở đây, tôi cảm thấy sự nhỏ bé của một cá nhân trong việc thay đổi thế giới.
Người dân ở Kenya thường hay treo ảnh thủ tướng của họ, tôi cũng chẳng biết lý do. Kenya không phải Triều Tiên, việc treo ảnh cũng chẳng phải bắt buộc ở mọi nơi, mọi nhà. Ở Việt Nam ta hay treo ảnh Bác, như một lễ nghi văn hóa ở các tổ chức của Đảng và nhà nước hơn là bởi sự tôn kính của người dân. Ở Thái Lan, việc tôn kính nhà vua giống như một tiềm thức văn hóa, thế nên họ cũng hay treo ảnh của nhà vua.
Kenya hay Thái Lan, hay Việt Nam cũng đều chẳng phải là những đất nước ổn định và phát triển. Ở Thái Lan, năm này qua năm khác, người dân vẫn cứ xuống đường đấu tranh vì quyền lợi mà họ muốn được hưởng. Ở đất nước Kenya này, cái nghèo đói ám ảnh những khu ổ chuột mà ngay kề sát đó có thể là trung tâm thương mại lớn nhất thành phố.
Sự bất công diễn ra ở mọi nơi
Nếu những người lãnh đạo tài năng đến thế, tại sao những quốc gia lại vẫn cứ chậm phát triển đến thế?
Nhìn bức ảnh của vị thủ tướng, tôi tự hỏi nếu mình đứng ở vị trí kia, tôi có thay đổi được quốc gia này không? Tôi nghĩ đến Hồ chủ tịch. Bác Hồ đã không nhìn thấy ngày đất nước được thống nhất, Bác cũng không nhìn thấy được ngày những người thuyền dân vượt biển chạy nạn, nhiều điều Bác không bao giờ được nhìn thấy. Ngày Bác mất, bác còn chưa thực hiện được ý nguyện của đời mình.
Tôi nghĩ đến Nelson Mandela, nghĩ đến ngài Kofi Annan, nghĩ đến nhiều người. Họ rất vĩ đại. Vĩ đại hơn tôi, hơn bạn. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy trên gương mặt họ những nỗi buồn. Nelson Mandela từng nói: “It always seems impossible until it’s done,” nhưng giấc mơ về một châu Phi “which is in peace with itself” của ông vẫn chưa bao giờ được thực hiện.
Và rồi tôi nghĩ đến những người thành công hơn thế, những người đã tạo ra sự thay đổi bền vững và lớn lao nhất cho thế giới này: Abraham, Jesus, Muhammed, Khổng Tử, Thích Ca… Liệu Jesus có vui mừng không khi thấy những con dân của ông đổ máu cho cuộc thánh chiến hơn nghìn năm trước với người Hồi giáo. Hẳn nhà tiên tri Muhammed, người kêu gọi sự chống Do Thái và Ki-tô giáo năm ấy cũng không ngờ rằng suốt cả nghìn năm sau khi ông chết, những giáo dân dòng Shia và Sunni vẫn lao bom vào nhau.
Dù họ có vĩ đại, có thành công đến thế nào, thế giới vẫn là thế giới mà chúng ta đang sống.
Thế giới này có bất công, có sự kỳ thị. Vẫn luôn có những người phụ nữ bị bán vào nhà chứa, có những em bé không được đến trường, có những đứa trẻ tự tử vì mất niềm tin vào cuộc sống. Thế giới này có tình yêu, có điều kỳ diệu. Vẫn có tôi, có bạn, có những người hành động để tạo ra sự thay đổi.
Ở lục địa nghèo với 800 triệu dân này, tôi nghĩ về hơn một tỷ người Trung Quốc, về gần một tỷ người Ấn Độ, về một nước Việt Nam gần đã qua con số 90 triệu. Con người không hề nhỏ bé, chúng ta quá đông.
Đi đến đâu tôi cũng thấy con người.
Cần bao nhiêu sự thay đổi để thay đổi thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp? Hẳn là 7 tỷ, mà phải là 7 tỷ mỗi ngày. Nghĩ đến đây, tôi lại nghĩ về mình. Sau chuyến đi này, tôi sẽ trở về, rồi lại tiếp tục đi tiếp. Đi trên hành trình thay đổi mình. Ít nhất tôi sẽ thay đổi được một phần 7 tỷ thế giới này. Còn bạn, hẳn bạn cũng có thể thay đổi được một phần 7 tỷ thế giới chứ?
Một lần nữa, tôi lại tự nhủ: “Be the change you want to see in the world.”
Hoàng Đức Minh
Homa Bay, 28/12/2013
Hành trình thay đổi của 1 phần 7 tỷ cũng rất thú vị anh ạ:)
quá hay !