28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Vượt lên sự bất ổn: Sức mạnh tích cực của hoài bão đúng đắn

Hành động của con người được thúc đẩy bởi hai nguồn động lực nguyên thủy: sợ hãi và khao khát. Chúng ta tránh né những thứ có hại, đau đớn, những thứ có khả năng làm tổn hại chúng ta. Chúng ta phấn đấu cho những gì mang lại lợi ích, dễ chịu, thứ có khả năng thỏa mãn những hi vọng và mơ ước của mình.

Cuối thế kỷ 20, nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow đã chia những nguồn động lực này thành một hệ thống/tháp nhu cầu gồm các bậc nhu cầu từ thấp đến cao. Ở các bậc thấp, ông bao quát những nhu cầu cơ bản của chúng ta: nhu cầu về thức ăn và chỗ trú ẩn, nhu cầu cảm thấy an toàn, ổn định và tránh khỏi những thứ gây hại, nhu cầu được yêu và cảm giác của sự thuộc về. Ở những bậc cao, nhu cầu của chúng ta tương ứng với lòng tự trọng, sự tự tin, cùng với khao khát tối cao đó là hiện thực hóa bản thân (self-actualization) – niềm khao khát chạm tới tiềm năng trọn vẹn trên con đường trở thành con người chúng ta có thể trở thành.

Ý tưởng là tương đối đơn giản: Trước khi chúng ta có thể phấn đấu cho những nhu cầu cao hơn, trước tiên ta cần đảm bảo rằng những nhu cầu cấp thấp được đáp ứng. Chúng ta có thể nói về những tiềm năng cả ngày, nhưng nếu không có chút thức ăn nào trên bàn, hay sự đe dọa của cuộc chiến tranh sắp xảy ra, thì tất cả tiềm năng bạn có đơn giản là phải lùi ra phía sau cho những việc cấp thiết hơn, những mối lo ngại liên quan đến việc sống còn.

Những nhu cầu đối với thức ăn, chỗ chú ẩn và sự an toàn luôn hiển nhiên và rõ ràng. Đó là những nhu cầu thể lý của cơ thể. Rất ít ai cảm thấy bất kỳ sự bối rối nào về nơi để vẽ ra ranh giới ở đó: hoặc là bạn chết đói hoặc không. Trong trường hợp có một mối nguy hiểm đến tính mạng của bạn, bạn sẽ chết hoặc bị thương, hoặc sống sót để thấy một ngày khác.

Tuy nhiên, khi chúng ta di chuyển lên phía trên của tháp nhu cầu thì mọi thứ bắt đầu trở nên mù mịt hơn. Những nhu cầu trở thành cảm xúc thay vì chỉ là nhu cầu vật lý. Có một điều nên hiểu rằng chúng ta đều khao khát tình yêu và sự thuộc về, nhưng thực sự biết được chúng là gì, làm sao để trải nghiệm những nhu cầu đó, và trải nghiệm bao nhiều là đủ lại là một chuyện hoàn toàn khác. Với những thứ như lòng tự trọng, sự tôn trọng và sự tự tin, mọi thứ thậm chí trở nên mơ hồ hơn, chẳng có một cách dễ dàng nào để định nghĩa chúng là gì cả.

Dù sao đi nữa, một khi chúng ta vượt qua nhu cầu thể lý ở những bậc dưới của tháp nhu cầu, một trong những câu hỏi đầu tiên chúng ta phải đối mặt đó là câu hỏi liên quan đến hoài bão. Thật sự, cấp độ cuối cùng là về chuyện hiện thực hóa bản thân – hoài bão vĩ đại nhất của mọi người. Câu hỏi chúng ta phải đối mặt là: Liệu chúng ta có nên hoài bão hay không?

Nếu chúng ta nhìn ra thế giới xung quanh, một trong số những điều xấu xa và hủy hoại nhất được gây ra bởi hoài bão. Con người khao khát quyền lực, vị thế và tiền của mà không màng đến những người khác xung quanh họ. Những thứ này, về bản chất không nhất thiết là xấu. Chúng chỉ đơn giản là những công cụ. Nhưng nhiều người sử dụng những công cụ này lại gây ra nhiều điều điều có hại hơn là có lợi nếu đánh giá họ theo bất kỳ thước đo đạo đức hợp lý nào – dù là thước đo đức hạnh, chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism), đạo nghĩa luận (deontology), hay đơn thuần là lòng trắc ẩn, hoặc những cơ sở đạo đức triết học hay tôn giáo định hướng la bàn tập thể của chúng ta.

Tất nhiên, có nhiều người hoài bão vẫn làm nên những điều vĩ đại. Nhưng có một nghịch lý nội hàm liên quan đến việc quyết định sử dụng hoài bão như một công cụ để làm điều tốt cho thế giới. Bạn là ai để quyết định điều gì là tốt? Hay điều gì là sai? Thông thường, bất cứ ai tự cho mình là thẩm phán để phán xét thiện ác thì không phải là người tốt nhất làm chuyện đó. Trong khi một số người gây thiệt hại cho thế giới vì những lý do ích kỷ cố hữu, thì một số người có vẻ tốt thường lại gây hại một cách gián tiếp bằng hoài bão của họ chỉ vì họ nghĩ mình hiểu biết nhiều hơn người khác. Đó là một loại khác của sự kiêu ngạo và ích kỷ nhưng không kém phần nguy hiểm.

Nhưng có một sợi dây liên kết ở đây. Cả hai loại hoài bão này chung quy lại đều đến từ sự bất ổn. Chúng là những phiên bản chưa được kiện toàn của nhu cầu về tình yêu, sự thuộc về, và lòng tự trọng của chúng ta, cái chúng ta phóng chiếu ra thế giới để đạt được điều gì đó từ nó hơn là nhìn vào bên trong. Vấn đề là hầu hết mọi người di chuyển ngay lập tức từ cấp độ sinh tồn lên cấp độ hiện thực hóa bản thân, mà không có sự cân nhắc xem xét những cảm xúc ở giữa.

Có một sự khác biệt lớn nhưng tinh tế giữa hoài bão bắt nguồn từ sự bất ổn (X) và hoài bão bắt nguồn từ khao khát hiện thực hóa bản thân (Y). X sinh ra từ việc không cảm thấy đầy đủ. Nguồn gốc của nó có thể là sự ghét bỏ bản thân, hay không tôn trọng bản thân, hoặc là kết hợp của cả hai. Tuy nhiên, Y đơn giản là sự một sự khẳng định của cuộc sống. Nó là một nỗ lực để làm điều tốt nhất mà một người có thể làm với thân xác họ có. Nó không cạnh tranh với ai khác ngoại trừ chính bản thân nó. Nó không phóng chiếu sự ghét bỏ chính nó và cũng chẳng lên mặt đạo đức với thế giới vì nó đã tự giải quyết những vấn đề đó ở bên trong. (Top highlight)

Tất cả chúng ta đều có nhiều sự bất ổn đã hình thành theo nhiều cách. Lớn lên xung quanh những người khác biệt với chúng ta một cách tự nhiên đã khiến chúng ta bị như vậy. Một số người muốn trông tốt hơn. Một số khác muốn họ thông minh hơn dựa theo những tiêu chuẩn chung hay những bài kiểm tra. Chúng ta so sánh bản thân mình với các siêu mẫu hay tỷ phú, hy vọng đúc khuôn hình ảnh của chúng ta theo họ.

Nhưng đây là vấn đề: Bất cứ khi nào bạn so sánh cơ thể tự nhiên của mình và những khuyết điểm của chúng với những người mẫu Victoria’s Secret, bạn đang tham gia vào một hành động vô thức của sự ghét bỏ bản thân, nuôi lớn những hạt giống được gieo bên trong bạn bởi nền văn hóa đã lập trình bạn từ lúc ra đời. Bất cứ khi nào bạn đặt mục tiêu của mình là kiếm được số tiền nhiều như ai đó ví dụ như Bill Gates, bạn đang thiếu tôn trọng với chính mình và chất cá nhân riêng của bạn. Bạn đang nói với bản thân trong vô thức rằng bạn, chính bản thân bạn, không phải là một người xứng đáng được tôn trọng, nên bạn phải tìm kiếm nó bằng cách bắt chước người khác.

Dĩ nhiên bạn có thể sử dụng những siêu hình mẫu đó như một nguồn cảm hứng để trở nên lành mạnh hơn hay để được truyền cảm hứng bởi những gì mà một người như Bill Gates đã làm và từ đó góp nhặt những lối tư duy của ông ấy, nhưng đó thường không phải cách mà hầu hết chúng ta đang làm. Sâu trong thâm tâm, chúng ta bắt chước và cảm thấy đố kỵ trên con đường hoài bão bởi vì chúng ta vẫn chưa giải quyết được nhu cầu được yêu và được tôn trọng của mình. Và bởi vì những thứ này dẫn dắt chúng ta trong vô thức, chúng ta hành động dựa trên sợ hãi. Chúng ta hành động như thể sự tồn tại của chúng ta đang gặp đe dọa nghiêm trọng. Và thế là hoài bão dẫn ta đến những con đường gây thiệt hại cho chính ta và người khác, dù cho chúng ta có thành công về mặt vật chất ở tất cả chuẩn mực nào đi nữa.

Tuy nhiên vấn đề ở đây không phải là hoài bão. Hoài bão là và có thể là một thứ đẹp đẽ. Nó là hành động tối thượng xuất phát từ cả tình yêu và sự tôn trọng đối với bản thân. Nó chấp nhận trách nhiệm của bất cứ thân xác nào nó cư ngụ, và nó thực hiện những gì trong khả năng để đảm bảo rằng những tiềm năng của nó không bị phí phạm, không phải vì người khác, không phải vì quyền lực, địa vị hay tiền bạc, mà bởi vì đó là cách để sống một cuộc sống trọn vẹn. Khi hành động như vậy, nuôi dưỡng bản thân theo cách đó, thường thì nó sẽ làm được nhiều điều tốt hơn là xấu, theo cách đa số chúng ta có thể cảm kích.

Hoài bão là nỗ lực vượt qua chính bản thân mình, và hoài bão đích thực thì vượt ngoài sự bất ổn. Nó không phải là trở nên tốt hơn người này hay người kia, tích lũy được thứ này hay thứ nọ, thậm chí cũng chẳng phải là cưỡng ép các nền tảng đạo đức này nọ, mà là trải nghiệm được trọn vẹn tổng thể những gì con người có thể làm hay trở thành. Hành động đó được thúc đẩy bởi khao khát thuần khiết thay vì một nỗi sợ từ cảm giác thiếu thốn.

Tuy nhiên để trải nghiệm được sự trọn vẹn tổng thể này, vượt lên sự bất ổn, nó yêu cầu chúng ta làm chủ được cảm xúc, điều hầu hết mọi người bỏ qua. Nó đòi hỏi nhìn nhận bản thân theo đúng bản chất, chấp nhận và tôn trọng nó, thay vì đè nén và tự dối mình. Nó mời gọi sự bộc lộ và ý thức về bản thân. Trước khi chúng ta bước ra thế giới và đòi hỏi nhiều hơn, bạn phải đầy đủ từ bên trong trước.

Ta thường thấy một nghịch lý trong việc đạt được thành tích đó là càng phấn đấu nhiều hơn lại càng làm giảm giá trị của nó. Trong trường hợp những thành tích được thúc đẩy từ sự bất ổn, điều này thường đúng. Nhưng thành tích hay hoài bão thực sự thì không liên quan đến việc tốt hơn hay tệ hơn, nhiều hơn hay ít hơn, mà là trở nên khác biệt. Nó là sự mới mẻ, sự thú vị và sự phát triển. Tất cả chúng đều phi tuyến tính. Một trong những câu nói bất hủ của triết gia Eric Hoffer là:

“Để trở nên khác biết với cái ta đang là, ta phải nhận thức được phần nào về cái ta đang là.”

Cái ta đang là thường thì khiếm khuyết, theo nhiều phương diện phức tạp, theo nhiều cách khiến ta bất ổn. Nếu ta xây dựng những hoài bão của mình dựa trên loại nền tảng này, thì hoài bão của ta cũng sẽ khiếm khuyết. Nhưng nếu ta chối bỏ những bất ổn này thì một ngày nào đó chúng sẽ quay lại cùng với sự trả thù khi ta ít mong đợi nhất.

Sự can đảm đích thực trong cuộc sống không được sinh ra khi ta đối mặt với bất cứ con quái vật nào ẩn nấp ở thế giới bên ngoài. Nó được sinh khi ta đối diện với bản thân. Và sự can đảm này cuối cùng sẽ thúc đẩy chúng ta chạm tới tiềm năng của chính mình.

Tác giả: Zat Rana
Biên dịch: Bá Kỳ
Hiệu đính: Prana

Photo: Larisa-K / Pixabay

💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Bá Kỳ
Bá Kỳ
Peace - Love - Wisdom. Live the Truth, Live for Love, Guided by Inner Wisdom.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI