27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Khu Vườn Mùa Hạ – Chẳng có ngày hè nào oi nồng, với tuổi thơ mát xanh….

Photo: Photo Dean

 

Trích: Như là quyển sách đầu tiên của Kazumi Yumoto mà tôi đã đọc, và say mê bất tận – “Mùa thu của Cây Dương”, “Khu vườn mùa hạ” là thế giới riêng của người già và trẻ con. Người lớn, có xuất hiện chăng cũng chỉ là những bóng mờ lẩn khuất và chờ được cứu rỗi. Và đồng thời, đó cũng là thế giới của cái chết. Hiện tượng tự nhiên, nhạy cảm và hay khiến con người né tránh này, dưới ngòi bút nữ tính, trong sáng của tác giả người Nhật, luôn thoát thai thành sự sống – sự ham sống căng tràn. Đặt trên nền là mùa hè oi bức chết người, thế giới quan của 3 đứa trẻ nghịch ngợm và một ông già chán đời nổi bật như một bức tranh tĩnh vật tứa ra cả sắc màu, hương thơm và mùi vị. 

 

… Đó là một bức tranh, mà chính tác giả cũng cảm khái “cô đơn đến độ không thể diễn tả thành lời”. Còn tôi thì bị khung hình ấy ám ảnh đến độ, không cách nào giũ bỏ nó ra khỏi đầu nhiều tuần sau khi đống trang sách lại. Background là một mùa hạ đã tàn. Ngày cũng sắp tàn.hắt chút ánh sáng cuối cùng trên vách tường viện dưỡng lão trơ trọi giữa đồng không lặng gió… Thứ duy nhất động đậy là cánh tay gầy của bà lão đang vẫy chào tạm biệt. Cử động lặng lẽ đó phá vỡ cái thế nín thở của bức tranh, thúc đẩy một cao trào khác của nỗi buồn đơn độc. Ba đứa nhóc ngoái đầu trên đường mòn, hét vào thinh không.

“Cháu sẽ đến nữa!”

Lời tan vào trời cao, và loãng…Có những lời hứa vào một giây phút, bị sự mủi lòng lừa mị, ta không thể ngăn mình tha thiết thốt ra. Để rồi cũng không thể ngăn toàn bộ các giây phút còn lại trong đời, ta thất hứa…

(Khu vườn mùa hạ, Kazumi Yumoto, trang 150-151-152…)

… Như là quyển sách đầu tiên của Kazumi Yumoto mà tôi đã đọc, và say mê bất tận – “Mùa thu của Cây Dương”, “Khu vườn mùa hạ” là thế giới riêng của người già và trẻ con. Người lớn, có xuất hiện chăng cũng chỉ là những bóng mờ lẩn khuất và chờ được cứu rỗi. Và đồng thời, đó cũng là thế giới của cái chết. Hiện tượng tự nhiên, nhạy cảm và hay khiến con người né tránh này, dưới ngòi bút nữ tính, trong sáng của tác giả người Nhật, luôn thoát thai thành sự sống – sự ham sống căng tràn. Đặt trên nền là mùa hè oi bức chết người, thế giới quan của 3 đứa trẻ nghịch ngợm và một ông già chán đời nổi bật như một bức tranh tĩnh vật tứa ra cả sắc màu, hương thơm và mùi vị. Quần áo thơm mùi nắng chât đống ở hiên nhà, sau cả một mùa lãng quên và ẩm mốc. Dưa hấu đỏ cắn ngập răng, dịu cả nỗi hoang mang. Dâu núi ngọt vị kí ức về một miền quê chung xa xôi. Đến cả sự chết cũng mang dáng hình quả nho mọng nước, căng như một sự tiếc nuối, níu kéo… Bình dị và chân thật đến độ, lưng chừng trang sách ngẩng lên, ta cảm động thấy, chẳng phải đó cũng chính là hương vị cuộc sống quanh ta đó sao?….

Như là ẩn dụ về những bông cúc cánh bướm bướng bỉnh sống qua cơn bão tràn, sự sống trong “Khu vườn mùa hạ” không hề dễ dàng, mà là cả một sự hồi sinh. Nếu như ở Trang viên Cây Dương, một bà lão gần đất xa trời dùng “chiêu” để vực dậy tinh thần cô bé con u uẩn, thì ngược lại, khu vườn cúc cánh bướm mà ba cậu bé Yamashita, Wakabe, Kiyama trồng đã làm sống dậy một căn nhà, một nấm mồ tự dựng để ngăn cách với thế giới chung quanh. Cái ông già không tên tuổi mà ban đầu bọn nhóc tưởng là đã chết rồi ấy, ăn toàn đồ hộp, “sưu tập rác” và thậm chí hình như chả giặt đồ bao giờ! Sự tồn tại chỉ nhận biết được qua tiếng tivi. Một mảnh cô độc trôi lềnh khênh phổ biến giữa đại dương cô độc Nhật Bản, hiện đại và đau đớn ngấm ngầm. Đến khi trò chơi thám tử ngốc ngếch của đám nhỏ nhắm vào ông, làm phiền ông, và sự phiền đó nở bung những ngày cuối đời của ông thành một thứ pháo hoa đêm hè, tuy ngắn ngủi mà rực rỡ. Sao trong hình dung của tôi, ông sẽ vận bộ dạng như Qui lão trong “Bảy viên ngọc Rồng ấy”, quần đùi áo nhàu, ngồi cười đểu nhìn bọn nhỏ bị lừa nhổ cỏ, phơi đồ, “trả treo” khi nghe đứa nào đó lén nói xấu mình =)). Và ông chỉ là một ông già phúc hậu, không có quá khứ đau buồn, không có tương lai chẳng còn mấy ngày, chỉ có khoảnh khắc hiện tại là đáng giá. Ngồi cà kê với ba đứa. Những loài cây thi nhau bật ra khỏi ý nghĩ trong một tối mưa tinh khôi. Như thể bao hạt mầm cũng đang sống động tách mình trước mặt mấy ông cháu, vươn lên từ làn nước mùa hè…

Mùa hạ ấy cũng thật lạ kì. Ông lão. Wakabe mang nhiều vết thương lòng và nhạy cảm. Yamashita vô tư và nhân hậu. Kiyama sâu sắc, lặng lẽ cảm nhận. Bà cụ nhỏ bé ở cửa hàng hạt giống. (Có thể là) vợ cũ Koko của ông lão… Những con người xa lạ “không ai thèm chơi” đã tự chơi với nhau, khẽ khàng thay đổi nhau làm nên những điều diệu kì giản dị. Cách bướm Arizona thậm chí đã đập tới người mẹ nghiện rượu u hoài của Kiyama. Cũng như Kiyama, giọt nước lê trên khuỷu tay mẹ cậu cũng làm tôi muốn khóc vì cảm động và vì sự tinh tế. Mùa hạ qua đi rồi mùa thu cũng tới. Người này chết đi, người khác lớn lên… Nghĩ cho kĩ thì chúng ta cũng chỉ là một vòng xoay đùa nghịch của Đất Trời. Buồn thương, sân si , luyến lưu nào cũng không qua nổi bàn tay con tạo. Chi bằng cúi xuống, dịu dàng nhìn nhau, trân trọng phút giây này, đang có, đang chạm được nhau…

Hãy xây cùng nhau một khu vườn, chẳng ngàn vạn năm um tùm thâm sau, chỉ cần một lần bung xòe hoa bay trước gió…

 

Nàng Tùy Tiện

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI