26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bài viết cuối cùng về Tướng Giáp

Bạn lý giải gì về hiện tượng những đoàn người dài hàng kilomet bình tĩnh xếp hàng dưới cái nắng chói chang, cái oi bức của thời tiết Hà Nội để chờ đến lượt mình được vào viếng tướng Giáp. Và trong hàng người ấy không chỉ là những cựu chiến binh, những các bộ hưu trí hay những người đã sống đủ nhiều để biết về hai cuộc chiến đã qua, để biết về Hà Nội của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Không, trong những hàng người đấy có những bạn trẻ ở cái tuổi hai mươi, những bạn 9X, 10X vốn thường hay bị gắn với những tính từ như hời hợt, vô cảm, sống gấp, thực dụng… Chỉ vài ngày trước đây thôi, tôi còn nghĩ là các bạn cũng chả quan tâm đến sự thực là tướng Giáp đã phải nằm thường trú tại bệnh viện quân y 108 từ đầu năm 2009, và hơn 1500 ngày đấy thì thật sự cái sống còn khổ hơn là cái chết và tôi cho rằng chẳng qua là các bạn trẻ bị tâm lý đám đông chi phối và hành xử theo kiểu hội chứng bầy đàn. Nhưng đọc qua tâm sự và chít chát FB với nhiều bạn trẻ, tôi biết là mình đã nhầm. Phần lớn các bạn trẻ đều ý thức rõ hành động của mình đang làm. Và những người dân khác cũng thế, họ biết điều mình đang làm là cần làm.

Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên. Rất đơn giản: chúng ta không chỉ đưa tang một con người cụ thể là tướng Giáp mà là đưa tang cho một lý tưởng của một thời hoa đỏ, cho những giá trị tốt đẹp có lẽ đã vĩnh viễn trôi xa. Bây giờ thì hầu như ai trong chúng ta cũng biết cái giấc mơ về một thế giới đại đồng, nơi con người có thể làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là hoàn toàn không có thật, và phần lớn chính những người đang lãnh đạo chúng ta làm cho giấc mơ đấy trở thành cơn ác mộng bẽ bàng khi mà hàng ngày họ hô hào chúng ta phải làm theo tấm gương này, lăng kính kia trong khi họ tham lam vơ vét tài sản công để trở thành những tư sản đỏ, cho con cái đi học nước ngoài và xây dựng cơ sở ở đấy phòng khi hữu sự thì “hô biến”. Chúng ta chua xót khi nhìn thấy rừng vàng biển bạc mà cha ông đã phải đổ bao xương máu nay bị phá tan hoang, trong khi đất nước ngày càng tụt hậu, khoảng cách giàu nghèo càng rộng ra và những giá trị văn hóa ngày càng bị mai một, giở báo ra toàn tin cướp hiếp giết, người ngay phải sợ kẻ gian, việc ăn cắp và tham nhũng trở thành chuyện phổ biến…. Và rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các bác cựu chiến binh, các cán bộ hưu trí cảm thấy mình đã bị phản bội. Họ tiếc cho tuổi thanh xuân và những hy sinh của mình đã bỏ ra để giờ đây kết quả là một xã hội như thế này.

Thế hệ 7X của tôi lớn lên khi đất nước vẫn còn nhiều gian khó. Tôi được may mắn hơn chúng bạn là chưa bao giờ bị đói do được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên có sổ gạo và được cha mẹ quan tâm chăm sóc. Nhưng thật sự thì thời đó khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân rất nhỏ. Tôi còn nhớ những ngày xếp hàng đi mua thực phẩm cùng một em con một bác thứ trưởng, nhưng tiêu chuẩn tem phiếu cũng không hơn gia đình tôi là mấy. Và hai nhà ở chung khu tập thể Kim Liên, dùng chung một cái bếp nên nhà nào ăn gì thì nhà kia cũng biết và mọi người vui vẻ sống với nhau trong cái nghèo thanh bạch. Khi đấy đi đâu cũng có thể gửi chìa khóa cho nhà hàng xóm, và cho đến bây giờ sau mấy chục năm, mỗi lần ra Hà Nội tôi đều đến thăm khu tập thể ngày xưa như trở về nhà cũ. Và sau năm 1975 thì cả nước hân hoan trong giấc mơ là chỉ hai mươi năm sau thì nước ta sẽ bằng và vượt nước Nhật như lời ông Lê Duẩn khẳng định hùng hồn ở đại hội IV năm 1976.

Bây giờ thì hầu hết chúng ta đề rõ là mình đã bị lừa dối, bị lường gạt. Và chúng ta cần thể hiện sự phản kháng. Nhưng chúng ta sợ. Phần lớn chúng ta, trong đó có tôi, thật sự sợ hãi trước những gì mà những người cộng sản đã làm, đang làm và dám làm. Giờ đây khi sự thật về cải cách ruộng đất, về Mậu Thân 68, về Nhân Văn Giai Phẩm, về đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, về cách đối xử với người phía “bên thua cuộc” được lộ ra thì cá nhân tôi cảm thấy sợ hãi, dù gia đình tôi thuộc về “bên thắng cuộc” và chưa từng bị một tác động tiêu cực nào của những biến cố lịch sử trên. Đối với những người đã từng bị thanh trừng thì có lẽ nỗi sợ, và đi kèm theo đấy là sự căm thù, có lẽ cũng nhiều thêm. Do nỗi sợ hãi kéo dài mấy chục năm đấy mà sự phản kháng của người dân chúng ta trước cái xấu, cái bất công rất yếu ớt và dễ dàng bị bẻ gãy. Nhìn vào Văn Giang thì thấy rõ người nông dân phản kháng bị họ xử lý gọn nhẹ như thế nào, và những tiếng nổ ở Hải Phòng, ở Thái Bình chỉ là những phản kháng bất chợt mang tính chất cá nhân khi bị đè nén đến đường cùng.

Và thông qua việc đi đám tang, thông qua việc người dân xếp hàng lũ lượt, và thông qua những giọt nước mắt chân thành, người dân đang phản kháng. Họ muốn những người đã, đang và được qui hoạch để lãnh đạo đất nước này thấy lòng dân đối với họ, đối với nhà nước hiện nay là thế nào. Sau cái chết của ông Hồ thì chưa có một vị lãnh đạo cấp nhà nước nào qua đời được dân đưa tiễn chân thành như thế. Trường hợp của chú Sáu Tường là ngoại lệ, dù chú đã từng giữ chức chủ tịch UBND thành phố những người dân khóc than ông vì những hoạt động tích cực khi chú chủ tịch hội bảo trợ người nghèo, vì trong mắt họ chú là một vị La Hán chứ không phải một ông quan cách mạng. Đối với những vị đương nhiệm thì càng thảm hại. Nếu bạn đi ra phố và nói chuyện với giai cấp cần lao, từ bác lái xe ôm đến người thợ cắt tóc đến người bán hàng rong, hiếm khi bạn cảm nhận được sự tôn trọng mà họ dành cho lãnh đạo, và rất nhiều người gọi lãnh đạo quốc gia bằng những nick name như thằng Lú, thằng Hói, thằng Khờ, thằng Ếch… Và tôi cảm nhận một mai các vị ấy qua đời người dân sẽ thờ ơ, nếu như không muốn nói là mừng rỡ. Và nếu tinh tế, những vị lãnh đạo cao tuổi sắp qua đời có lẽ sẽ cảm thấy má mình bỏng rát như bị tát khi nhìn thái độ mà người dân dành cho người “đồng chí” mà họ từng trù dập nhiều năm và đối chiếu với những gì sẽ xảy đến khi mình nằm xuống.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến nhạc sỹ Vũ Thành An với câu ca “triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa”. Vâng ngày hôm nay, cùng với hàng triệu người dân đất Việt, tôi xin ngả mũ vĩnh biệt tướng Giáp, đồng thời vĩnh biệt luôn cho giấc mơ tuổi trẻ của mình về một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái thực sự. Tôi hy vọng đến đời con hay thậm chí đời cháu tôi thì mọi việc sẽ khác, chứ thế hệ chúng tôi cũng coi như đã bỏ đi rồi.

Một lần nữa, xin bái vọng Ông và cầu mong Ông được an lành nơi Đất Phật.

 

Chi Trung Nguyen

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Sáng nay Tôi gặp Bác xe ôm ở quán cafe kế công ty (Bác xe ôm quen tôi hay nhờ đi công việc) nói chuyện qua lại vài câu và đề cập đến Tướng Giáp, Bác bảo với Tôi rằng có lẽ cuộc đời Bác đây là lần cuối cùng Bác buồn và treo Cờ rủ, và hình như đây cũng là lần đầu tiên một người không nằm trong diện Quốc Tang mà cả nước lại để tang, tôi hỏi Bác vậy mai mốt những người nằm trong diện Quốc Tang nếu có mất Bác có đi không, Bác bảo cho tôi 200.000 không phải xếp hàng tôi cũng chẳng đi, Bác xe ôm mà đã nói thế thì những người như chúng ta sẽ si nghĩ gì ???

  2. Và thông qua việc đi đám tang, thông qua việc người dân xếp hàng lũ lượt, và thông qua những giọt nước mắt chân thành, người dân đang phản kháng. Họ muốn những người đã, đang và được qui hoạch để lãnh đạo đất nước này thấy lòng dân đối với họ, đối với nhà nước hiện nay là thế nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI