28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Khoa học thần kinh và Hiệu ứng Phạn ngữ (Neuroscience and the ‘Sanskrit Effect’)

Khoa học chứng minh sức mạnh của sự trì chú (chanting)

Nhiều người trong chúng ta đã nghe qua về các tu sĩ Gyuto của Tây Tạng, với khả năng trì chú, tụng niệm siêu thường cực trầm của họ qua những bài kinh cổ kính thiêng liêng, họ đã khiến cho khán giả ở phương Tây say mê với những lời trì tụng dài, cẩn thận và chính xác các bài kinh Phật giáo Tây Tạng đầy huyền lực. Ngồi trong sự hiện diện của họ, bạn cảm thấy một sự rõ ràng, và một sự chuyển biến tâm linh mạnh mẽ của năng lượng và sự chữa lành. Truyền thống Phật giáo này bắt nguồn từ Ấn Độ và Phạn ngữ (Sanskrit) thiêng liêng. Trong khi Phật tử Tây Tạng có một truyền thống trì tụng phong phú, ở Ấn Độ, truyền thống lâu đời này còn xa xưa hơn nữa.

Các học giả Phạn ngữ ở Ấn Độ học cách tụng kinh văn cổ từ thời thơ bé. Họ tụng những câu mantra (thần chú) đơn giản, thơ ca và văn xuôi tiếng Phạn, cùng với việc ghi nhớ và trì tụng các văn bản tiếng Phạn cổ nhất, bao gồm cả Shukla Yajurveda, phải mất sáu giờ để tụng hết kinh này. Trong khi những người nghe những lời tụng ca này nhận được món quà của những bản văn thiêng liêng mà họ đang được nghe, việc trì tụng các bài kinh dài, thực tế, có một tác động đáng kinh ngạc đến bộ não.

Khoa học thần kinh cho thấy việc ghi nhớ nghiêm ngặt có thể giúp ích não bộ. Thuật ngữ “Hiệu ứng tiếng Phạn” (‘Sanskrit Effect’) được đặt ra bởi nhà thần kinh học James Hartzell, người đã nghiên cứu 21 chuyên gia, học giả Phạn ngữ đạt tiêu chuẩn. Ông phát hiện ra rằng ghi nhớ các thần chú Vệ Đà làm tăng kích thước của vùng não liên kết với chức năng nhận thức, bao gồm cả trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Phát hiện này chứng thực niềm tin của truyền thống Ấn Độ, nó cho rằng việc ghi nhớ và trì tụng các thần chú làm cải thiện trí nhớ và tư duy.

Pandits
Các học giả Phạn ngữ luyện đọc văn bản tiếng Phạn từ thời thơ ấu, trong bảy năm.

Một khám phá bất ngờ…

Tiến sĩ Hartzell, một người mến mộ Phạn ngữ và là một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu về Nhận thức, Não bộ và Ngôn ngữ tại Basque, Tây Ban Nha (Spain’s Basque Centre on Cognition, Brain and Language) đã dành nhiều năm nghiên cứu và phiên dịch tiếng Phạn và bị cuốn hút bởi tác động của nó lên não bộ.

“Tôi nhận thấy rằng học và dịch tiếng Phạn càng nhiều thì trí nhớ của tôi càng trở nên tốt hơn. Các bạn sinh viên cùng lớp và giáo viên thường chú ý đến khả năng lặp lại chính xác câu chữ của giảng viên khi tôi đưa ra những câu hỏi trong lớp. Các dịch giả Phạn ngữ khác cũng đã nói với tôi về những biến đổi nhận thức tương tự. Những học giả Phạn ngữ Vệ Đà của Ấn Độ rèn luyện trong nhiều năm để ghi nhớ bằng miệng và chính xác cách đọc những văn bản 3000 năm tuổi từ 40,000 đến hơn 100,000 chữ. Chúng tôi muốn tìm hiểu việc rèn luyện trí nhớ dữ dội như thế ảnh hưởng đến cấu trúc vật lý bộ não của họ.”

Nghiên cứu của tiến sĩ Hartzell là nghiên cứu đầu tiên để kiểm tra bộ não của các học giả tiếng Phạn. Sử dụng cấu trúc cộng hưởng từ (MRI) tại Trung tâm Nghiên cứu Não bộ Quốc gia của Ấn Độ (India’s National Brain Research Centre), họ quét não của 21 học giả Phạn ngữ và 21 đối tượng kiểm soát.

Những gì chúng tôi phát hiện ra từ việc quét MRI là đáng chú ý. Nhiều khu vực trong não của các học giả đã lớn hơn đáng kể so với các đối tượng kiểm soát, với hơn 10% chất xám hơn trên cả hai bán cầu não, và tăng đáng kể độ dày vỏ não. Mặc dù nền tảng tế bào chính xác của chất xám và các thông số đo đạc về độ dày vỏ não vẫn đang được điều tra, việc tăng các chỉ số này liên quan chặt chẽ với chức năng nhận thức được nâng cao.”

Ông báo cáo rằng vùng hippocampus (hồi hải mã) trong não của các học giả, một vùng đóng vai trò thiết yếu trong trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, chuyên xử lý các dạng mẫu (patterns), như âm thanh, không gian và hình ảnh, có nhiều chất xám hơn bộ não của đối tượng kiểm soát. Vỏ não thùy thái dương phải, liên quan đến lời nói và nhận dạng giọng nói, cũng dày hơn đáng kể.

Những nghiên cứu trước đây

Tiến sĩ Hartzell không chắc liệu hiệu ứng này có liên quan cụ thể đến Phạn ngữ và ông đang có kế hoạch tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Sức mạnh của âm thanh và trì tụng đang được nghiên cứu rộng rãi, và thậm chí những câu tụng ngắn cũng có một hiệu ứng tăng năng lượng và chữa lành trên cơ thể và tâm trí của những người trì chú mantra thiêng liêng hay những đoạn văn thơ. Điều thú vị là, năm mươi năm trước, một nhà khoa học người Pháp đã lưu ý rằng các tu sĩ Thiên chúa giáo đã trì trụng Gregorian Chants có được trí nhớ siêu việt.

Năm 1967, Alfred Tomatis, một bác sĩ người Pháp, chuyên gia tâm lý và chuyên gia tai, đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc tụng kinh với các nhà sư Benedictine, những người đã từng là một phần của truyền thống với lịch trình tụng kinh hàng ngày lên đến tám giờ. Khi một tu viện mới thay đổi lịch trình này, cắt bỏ tụng kinh, các nhà sư trở nên mệt mỏi và lờ đờ, mặc dù họ đã ngủ thêm giờ. Thực tế, họ càng ngủ nhiều, họ càng mệt mỏi. Alfred Tomatis tin rằng việc tụng kinh đã tiếp thêm sinh lực cho bộ não và cơ thể của họ, nên ông đã khôi phục lại việc trì tụng và các tu sĩ nhanh chóng có đầy năng lượng như trước.

Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Hartzell đặt ra câu hỏi liệu việc ghi nhớ các văn bản cổ này có hữu ích trong việc chữa trị bệnh mất trí Alzheimer và những căn bệnh khác có liên quan đến trí nhớ. Rõ ràng, các bác sĩ Ayurvedic cổ truyền từ Ấn Độ cho rằng nó đúng là như vậy và các nghiên cứu trong tương lai sẽ được tiến hành, cùng với nhiều nghiên cứu hơn về tiếng Phạn.

Trong khi tất cả chúng ta đều biết những lợi ích của chánh niệm và thiền định, những phát hiện của Tiến sĩ Hartzell thật sự ấn tượng. Trong một thế giới nơi khả năng tập trung đang bị rút ngắn, nơi chúng ta đang bị ngập lụt thông tin hàng ngày, và trẻ em biểu hiển một loạt các rối loạn thâm hụt sự chú ý, trí tuệ Ấn Độ cổ đại có nhiều điều để dạy phương Tây. Ngay cả việc giới thiệu một lượng nhỏ trì tụng và ngâm thơ có thể có tác động đáng kinh ngạc đến tất cả não bộ của chúng ta.

Tác giả: Azriel ReShel (Yoga Teacher & Healing Facilitator)
Biên dịch: Ishvara
Hiệu đính: THĐP

Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 4 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership


📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. Một nghiên cứu khá thú vị. Phải chăng việc tụng kinh thường đồng nghĩa rèn luyện trí não nhiều giúp phát triển trí nhớ? Não bộ không phải là cơ, nhưng với sự chuyên cần rèn luyện thì nó cũng phát triển như cơ bắp vậy.

    Và như bài viết có nhắc đến, tiếng tụng kinh cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Nó có thể như một natural sound hay classical music, giúp bộ não phát triển tốt hơn và bổ trợ cho trí nhớ?

    Một lần nữa, nghiên cứu này rất hay. Giúp người đọc có thêm một kiến thức mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI