27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Được một muốn mười, được voi đòi tiên

(1295 chữ, 5 phút đọc)

Chuyện gì sẽ xảy ra một khi mọi nguồn thông tin vây quanh chúng ta thường ngày bị cắt đứt? Nếu một ngày chúng ta thức giấc, nâng bàn tay phải lên phía đầu giường để lần mò chiếc smartphone rồi mở sáng màn hình, nhưng chỉ nhìn thấy một trang trắng tinh với thông điệp: Không có kết nối, nhấn để thử lại.

Nếu một ngày chúng ta mở màn hình máy tính, và chỉ để làm việc. Tức là gõ gõ vài con chữ bàn phím, hai con mắt thao láo nhìn từng dãy số liệu hoặc văn bản rồi chỉnh sửa, cập nhật, và xóa. Cuộc sống chúng ta sẽ trở về nét đơn điệu như thế nào nếu không có internet? Không Wi-Fi? Có lẽ sẽ thú vị hơn một thế giới với hàng dãy dài con người suốt ngày cầm smartphone trên tay còn cần cổ thì cúi gập xuống theo một góc độ mà từ xa xưa nhất trong lịch sử tồn tại đến nay loài linh trưởng chưa bao giờ trải qua thời kỳ nào có lối vận động biến thái đến như vậy.

Biến thái là như thế nào? Tức là những hành vi bất thường về trạng thái vận động kể cả thể chất và tâm lý của một sinh vật. Định nghĩa đơn giản như vậy có đôi khi sẽ không thể nào giải nghĩa hết toàn bộ khái niệm cần truyền tải. Thế nhưng đối với một số người thì việc xem ảnh trên dòng thời gian có lẽ còn quan trọng hơn nội dung một đoạn văn ngắn người ta muốn nói cái gì.

Biến thái. Ừ, quả là bất thường thật. Nếu một sinh vật trong tự nhiên nào đấy mãi di chuyển trong khi hai mắt cứ cúi gằm xuống đất bất kể chuyện gì đang xảy ra thì thật sự loài sinh vật ấy đã bị tuyệt chủng từ lâu rồi. Nghe có vẻ hợp lý nhưng đứng trên góc độ của một con người, điều đó hình như chưa bao giờ đúng. Rõ ràng xã hội loài người đã phát triển đến một mức độ khó tin đến nỗi những sinh vật được ‘bao bọc’ trong nó không hề giữ lại chút gì về bản năng sinh tồn nữa. Bọn họ tồn tại vì mục đích gì? Chính họ cũng không biết.

Vậy mục đích tồn tại của những loài sinh vật khác là gì?

Một cá thể còn giữ được sự trao đổi chất đối với môi trường thì được coi là đang sống. Nghĩa là phải luôn luôn duy trì một mức năng lượng đòi hỏi nhất định để sự sống của cơ thể cá thể đó tiếp tục vận hành. Chúng ta sẽ nói rằng: Tất cả sinh vật đang tồn tại trên quả đất này, là ăn để sống. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Còn loài người, chúng ta tồn tại vì cái gì?

Chúng ta đủ thông minh để tạo ra nguồn thức ăn vô hạn cung ứng cho toàn bộ cá thể đang vận hành bộ máy trao đổi chất trên quả đất. Chúng ta đủ thông minh để đàn áp tất cả mối nguy hại đến sinh tồn bản thân trên toàn bộ quả đất. Chúng ta đủ thông minh để vùng vẫy xuyên suốt tất cả các ngõ ngách trên quả đất. Và, chúng ta đủ thông minh để đau đớn nhận ra đến một lúc nào đấy, mình vẫn bị vây chết trên quả đất. Vậy thì, lý do chúng ta sống là để làm gì? Có người sẽ nói rằng họ sinh tồn là để tranh đấu cho một thế giới đầy tính cạnh tranh khắc nghiệt này. Người thì mỉm cười xem cuộc đời chẳng qua là một chặng đường ngắn cần bước qua. Người thì bất cần, ngửa mặt nhìn trời và hét to chửi rủa cuộc đời. Và hầu như đa phần con người ngày nay, chẳng mấy ai đủ thời giờ bận tâm đến mấy câu hỏi tầm cỡ nít ranh này.

Cuộc sống là vậy đấy. Đâu cần phải có lý do thì người ta mới sống được. Đơn giản vì tất cả bọn họ vẫn đang sống đấy thôi.

Thật sự là rất đáng thương và cực kỳ điên rồ khi mô tả cuộc sống hiện nay. Mỗi một người trong chúng ta dường như đang đi trên con đường trở thành một siêu nhân đúng nghĩa. Áp lực không khí chung quanh chúng ta không còn đơn thuần là 1 atm như trong định nghĩa của các nhà khoa học nữa. Những áp lực đè nặng lên chúng ta hầu như đều đến từ cuộc sống vật chất bộn bề, mà áp lực tâm lý cũng theo đó tích tụ từng ngày từng tháng. Để đến nỗi đôi khi nhìn lại chính mình bây giờ, không còn nhận ra từng một thời là cậu bé, cô bé hồn nhiên ngày nào nữa. Những áp lực này, xét cho tận cùng cũng là bởi lòng tham của chúng ta khơi mào mà nên. Những khó khăn này, cũng chỉ bởi lòng dục vọng trong ta thôi thúc mà nên. Rồi bao nhiêu toan tính, suy nghĩ, bao nhiêu sụp đổ thất vọng, hay cười cợt man trá, thỏa mãn cũng từ dục vọng ấy mà thôi.

Theo tôi vật chất quyết định ý thức. Có lẽ nó hầu như đúng cho hầu hết các trường hợp. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, dù vùng vẫy cỡ nào đi chăng nữa, chúng ta rồi cũng phải đến một lúc nào đó phải nghỉ thở. Chúng ta rồi cũng đến một lúc nào đó thôi không cầm nắm bất cứ vật gì nữa. Vậy thì, cớ làm sao phải tham lam vô độ đến như vậy. Được một muốn mười, được voi đòi tiên. Ham muốn sở hữu có phải là bản năng cơ bản của con người hay không? Không biết nữa. Mỗi người trong chúng ta đều phải tự mình tìm kiếm câu trả lời. Và nó đương nhiên chỉ tương đối phù hợp ở mức chấp nhận được đối với từng người. Biết bao nhiêu cho đủ? Bao giờ là vừa? Cho đến một lúc tuổi thanh xuân kêu gào “thôi không cần nữa?” Một thế giới khác luôn sẵn sàng mở ra ngay khi ta chịu nắm lấy tay nắm cửa. Chỉ có điều bạn đã dám dũng cảm từ bỏ chưa?

Tác giả: Châu Thành

Ảnh minh họa: RyanMcGuire 

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI